(Xem: 1492)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

01-Do Vô Minh Làm Điều Kiện, Hành Sanh Khởi

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 17906)

 

Tương Quan Thứ Nhất

Do Vô Minh Làm Điều Kiện, Hành Sanh Khởi

(avijjā-paccayā sankhārā = Vô Minh Duyên Hành)

 

Tương quan thứ nhất là “Do Vô Minh làm điều kiện, Hành sanh khởi” .

Trước hết, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Vô Minh (avijjā). Minh (vijjā) có nghĩa là kiến thức, trí tuệ, hiểu biết. Tiếp đầu ngữ “a” trong hợp từ “avijjā” có nghĩa là “không” cho nên avijjā có ngĩa là Vô Minh. Vô Minh có hai nghĩa: một là không hiểu đúng tức là không có Chánh Kiến, hai là hiểu sai hay tà kiến. Nói chung Vô Minh có nghĩa là không hiểu biết. Theo Kinh, Vô Minh là không biết về Tứ Diệu Đế. Theo Vi Diệu Pháp, Vô Minh không những không biết về Tứ Diệu Đế mà còn không biết về các uẩn quá khứ, uẩn tương lai, uẩn quá khứ và tương lai.

Duyên (paccayā) có thể là gây ra (nguyên nhân) hay làm điều kiện hỗ trợ cho sự sanh khởi.

Hành (sankhāra) có ý nghĩa khác nhau tùy theo nội dung trong đó thuật ngữ này được sử dụng. Sankhāra bắt nguồn từ ngữ căn san, có nghĩa chủ động là làm hay tạo nên và nghĩa thụ động là được làm hay được tạo nên. Ở đây Hành được hiểu theo nghĩa chủ động là Hành Nghiệp tức là sự tác động hay vận hành của tâm ý tạo nên nghiệp. Có sáu loại Hành Nghiệp được đề cập đến trong Chú Giải. Sáu loại này được phân chia thành hai nhóm và mỗi nhóm gồm có ba.

Nhóm đầu tiên gồm có thiện hành nghiệp, bất thiện hành nghiệp và hành nghiệp không lay chuyển. Thiện hành nghiệp là tác động của tâm ý làm việc phước thiện; tác động của tâm ý làm các việc bất thiện là bất thiện hành nghiệp; và tác động tâm ý không thể lay chuyển tương ưng với cõi vô sắc là hành nghiệp không lay chuyển. Ở đây chúng ta nên biết sơ qua về các loại Tâm Vương (citta) hay Thức (viññana). Có tâm thiện và tâm bất thiện. Trong các loại tâm thiện có tâm thuộc về dục giới (kāmāvacara), tâm thuộc về sắc giới (rūpavacara) và tâm thuộc về vô sắc giới (arūpāvacara). Thiện Hành Nghiệp (kusala kamma) có nghĩa là Ý Muốn (cetanā) có mặt với các tâm thiện dục giới và sắc giới. Bất Thiện Hành Nghiệp (akusala kamma) là Ý Muốn có mặt với 12 tâm bất thiện. Hành Nghiệp Không Lay Chuyển (asaka kamma) là Ý Muốn có mặt với bốn loại tâm thiện thuộc về vô sắc giới.

Nếu quý vị không biết về các loại tâm khác nhau, chỉ cần nhớ là Hành là Nghiệp có nghĩa là Ý Muốn có mặt mỗi khi mình làm hành động thiện hay bất thiện là đủ. Khi chúng ta làm điều lành thì Ý Muốn có mặt ngay trong tâm muốn làm điều lành chính là Hành Nghiệp. Khi làm việc bất thiện, Ý Muốn cũng có mặt trong tâm và đó cũng là Hành Nghiệp.

Nhóm thứ hai gồm thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nghiệp thể hiện qua thân là thân hành, nghiệp thể hiện qua lời nói là khẩu hành, và nghiệp thể hiện nơi ý là ý hành. Thân Hành (kāyasankhāra) nghĩa là ý muốn (cetanā) khi làm điều thiện hay bất thiện sử dụng cơ thể của mình như đảnh lễ hình tượng Đức Phật, cho ai một vật gì hay giết hại, trộm cắp... Như vậy, ý muốn đi kèm với tâm khi chúng ta dùng thân làm những hành động thiện hay bất thiện này là thân hành (kāya sankhāra). Khi chúng ta nói những lời thiện và bất thiện, ý muốn hiện diện được gọi là khẩu hành (vaji sankhārā). Khi chúng ta chỉ suy nghĩ thì ý muốn hiện diện trong tâm muốn làm những hành động thiện và bất thiện lúc đó được gọi là ý hành (citta sankhāra). Nhóm thứ hai này không khác với nhóm thứ nhất. Thực vậy, chúng được bao gồm trong nhóm thứ nhất.

Tương quan thứ nhất này có nghĩa là gì? Do Vô Minh nên chúng ta làm những việc thiện và bất thiện. Điều này có nghĩa là bất cứ hành động thiện hoặc bất thiện nào xảy ra đều có Vô Minh làm điều kiện. Ý nghĩa này được giải thích trong Chú Giải dưới hình thức vấn đáp. Làm thế nào chúng ta biết được Hành (sankhāra) sanh khởi có Vô Minh (avijjā) làm điều kiện? Câu trả lời là chúng ta biết được Vô Minh làm điều kiện cho Hành sanh khởi vì khi có Vô Minh thì các Hành sanh khởi và khi không có Vô Minh thì các Hành không sanh khởi. Do sự kiện này mà chúng ta biết Hành sanh khởi có Vô Minh làm điều kiện. Điều này cũng tương tự như ví dụ sau đây. Làm thế nào chúng ta biết bóng là do ánh sáng gây ra? Chúng ta biết như vậy là vì khi không có ánh sáng thì không có bóng và khi có ánh sáng là có bóng. Vì thế chúng ta kết luận là bóng do ánh sáng gây ra.

Như thế nào Hành sanh khởi do Vô Minh? Vô Minh được giải thích trong Kinh là không biết về Tứ Diệu Đế (Cattāri Ariyasasaccāri). Theo Vi Diệu Pháp, Vô Minh là không chỉ không biết về Tứ Diệu Đế mà còn không biết các uẩn quá khứ, các uẩn tương lai, các uẩn quá khứ và tương lai, và Pháp Duyên Sinh.

Vì Vô Minh nên chúng sanh không thấy được sự thật về khổ hay Khổ Đế (Dukkhasacca). Vì không biết Khổ Đế, chúng sanh không biết tất cả mọi thứ trên cõi đời đều bất toại nguyện cho nên tưởng rằng cuộc đời và thú vui là hạnh phúc nên hành động theo đó. Khi hành động chúng sanh tạo ra hành nghiệp thiện và bất thiện. Như vậy hành nghiệp chịu điều kiện của Vô Minh tức là không biết về diệu đế thứ nhất là Khổ Đế.

Và cũng vì Vô Minh nên chúng sanh không biết Ái là nguyên nhân của khổ tức Tập Đế. Chúng sanh không những không biết chính ái dục là nguyên nhân của khổ đau mà đa số còn cho rằng ái dục là suối nguồn hạnh phúc. Những người này tin tưởng sai lầm rằng phải có vật sở hữu mới hạnh phúc nên đâm ra ưa thích sở hữu nhiều thứ. Do sự suy nghĩ Ái chính là nguyên nhân của hạnh phúc như thế nên chúng sanh tạo ra Hành Nghiệp. Họ có thể làm việc phước thiện hay bất thiện. Nói cách khác, hành nghiệp thiện và bất thiện sanh khởi do Vô Minh làm điều kiện tức là sự không thấu hiểu về diệu đế thứ hai là Tập Đế (Samudayasacca).

Chúng sanh không biết về Diệt Đế hay sự chấm dứt vĩnh viễn đau khổ nên nghĩ rằng có cảnh giới cao nhất nào đó không còn khổ. Chúng sanh cho cảnh giới cao nhất này là thiên đàng nên cố gắng hành động hay thiền tập để được sanh về đó. Đó là Hành Nghiệp và Hành Nghiệp này chịu điều kiện bởi Vô Minh tức là không hiểu biết về diệu đế thứ ba là Diệt Đế (Nirodhasacca).

Chúng sanh cũng không biết về Đạo Đế hay con đường đưa đến diệt khổ nên tạo Hành Nghiệp. Trước kia, người ta nghĩ là để chấm dứt đau khổ hay đạt tới đỉnh cao nhất của hạnh phúc, nên giết súc vật tế thần, hành hạ thân xác...Căn cứ trên tin tưởng như vậy mà họ làm những hành động bất thiện. Như vậy hành nghiệp chịu điều kiện bởi vô minh tức là không hiểu biết về diệu đế thứ tư là Đạo Đế (Maggasacca).

Nói một cách khác, có cái gọi là quả của thiện nghiệp. Quả này dưới hình thức tái sanh vào cảnh giới tốt lành hơn, có tài sản hay địa vị...Hầu hết mọi người nghĩ những thứ này là hạnh phúc hay đưa tới hạnh phúc nên họ cố gắng tạo thiện nghiệp để được hưởng quả tốt. Như vậy, thiện nghiệp chịu điều kiện bởi Vô Minh tức là sự không hiểu biết về kết quả của thiện nghiệp liên kết với tuổi già, bệnh hoạn và mệnh một.

Ngoài ra, chúng sanh không thấy nguy hiểm khi tham đắm vào dục lạc. Rất nhiều người không thấy được là mọi dính mắc đều mang lại khổ đau. Họ nghĩ dục lạc là tốt đẹp nên miệt mài theo đuổi và để được thỏa mãn, có lẽ họ đã làm nhiều điều sai lầm. Và bất cứ hành động bất thiện nào được thực hiện cũng chịu điều kiện bởi Vô Minh tức là không hiểu biết về bản chất thực sự của tham muốn hay dính mắc. Do đó, Vô Minh là điều kiện để cho hành nghiệp bất thiện sanh khởi.

Như vậy, bất cứ những gì chúng ta làm trong đời sống dù thiện hay bất thiện cũng đều có Vô Minh làm điều kiện. Ngoại trừ các vị Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác, A La Hán, những chúng sanh còn lại ít nhiều đều có Vô Minh như vậy.

Còn thiền tập thì sao? Nó có bị Vô Minh chi phối hay không? Chú Giải không có đề cập đến trường hợp này. Sư cũng không có câu trả lời dứt khoát cho quý vị vì thật khó để nói rằng thực tập thiền là do Vô Minh. Tuy nhiên, chúng ta có thể lý giải là ngay thiền tập, một cách gián tiếp, cũng bị điều kiện bởi vô minh. Lý do là chúng ta chưa tận diệt hết Vô Minh nên Vô Minh còn tiềm tàng trong tâm. Hơn nữa, chúng ta có thể lý luận rằng thiền tập là hành động phước thiện nên là thiện hành nghiệp. Vì thế nó phải chịu chi phối của Vô Minh như Chú Giải đã giải thích là Hành Nghiệp có Vô Minh làm điều kiện. Do đó, chúng ta có thể nói hành động dầu thiện hay bất thiện đều có gốc rễ trong Vô Minh kể cả thiền tập.

Trong tương quan giữa Vô Minh và Hành Nghiệp, hai nhân duyên này liên hệ với nhau như thế nào?

Trước hết chúng ta phải hiểu là không phải tương quan nào trong Pháp Duyên Sinh cũng có các nhân duyên hay yếu tố thuộc vào các thời điểm khác nhau. Yếu tố làm điều kiện và yếu tố chịu điều kiện có thể sanh khởi vào hai thời điểm khác nhau hay cùng lúc. Hiểu được điều này mới có thể hiểu được các tương quan trong Pháp Duyên Sinh.

Vô Minh và Hành Nghiệp tương quan theo nhiều điều kiện hay cách thế khác nhau thật là phức tạp. Muốn hiểu rõ tương quan giữa hai nhân duyên này cần có kiến thức về 24 điều kiện tương quan hay là Duyên Hệ Duyên (paṭṭhāna) trong Vi Diệu Pháp. Tuy nhiên, có thể lấy ví dụ để làm sáng tỏ vấn đề.

Đầu tiên là sự liên hệ giữa vô minh và thiện hành nghiệp. Vô Minh và thiện hành nghiệp thuộc về hai thời điểm khác nhau. Vô Minh sanh khởi vào một thời điểm và thiện hành nghiệp sanh khởi vào thời điểm khác. Chẳng hạn khi thực tập Thiền Minh Sát, chúng ta lấy Vô Minh làm đề mục và suy nghiệm rằng Vô Minh là vô thường, biến hoại. Trong trường hợp này tâm thức của chúng ta có tâm thiền tập và tâm sở Hành Nghiệp hiện diện. Do đó, Vô Minh và Hành Nghiệp tương quan với nhau theo điều kiện về đối tượng vì đối tượng thiền tập là Vô Minh.

Khi chúng ta cố gắng tẩy trừ Vô Minh qua bố thí, trì giới hay hành thiền thì chúng ta tạo thiện hành nghiệp. Trong trường hợp này, Hành Nghiệp và Vô Minh tương quan với nhau không theo điều kiện đối tượng nhưng theo điều kiện về sự hỗ trợ mạnh mẽ.

Một đôi khi chúng ta cho cõi trời cũng như cõi người là tốt lành đáng ưa thích nên cố gắng làm việc phước thiện với ý muốn được sanh vào những nơi đó. Vì Vô Minh, chúng ta không biết rằng cảnh giới nào cũng đều bất toại nguyện nên đã làm việc phước thiện để đạt mục đích như vậy. Do đó, khi làm những hành động phước thiện này, Hành Nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Vô Minh. Cả hai liên hệ với nhau theo điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ chứ không phải nhân quả.

Chúng ta muốn tái sanh vào cảnh trời vô sắc cho nên đã thực tập và đắc các tầng thiền vô sắc. Do đó, sự thực tập đắc các tầng thiền vô sắc là hành nghiệp thiện chịu ảnh hưởng của Vô Minh. Vô Minh ở đây là không biết rằng ngay các trạng thái tâm của các chúng sanh vô sắc cũng vô thường. Hành Nghiệp và Vô Minh như vậy tương quan với nhau theo điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ.

Kế đến là sự liên hệ giữa vô minh và bất thiện hành nghiệp. Hai trạng thái tâm (tâm sở) này có thể đồng thời hay khác thời điểm. Vô Minh tự nó là một trạng thái tâm hay tâm sở bất thiện cho nên có thể sanh khởi cùng với tâm sở bất thiện hành nghiệp. Dù sanh khởi đồng thời nhưng một yếu tố làm điều kiện và yếu tố kia chịu điều kiện. Chẳng hạn, bất thiện hành nghiệp và Vô Minh sanh khởi cùng lúc nhưng Vô Minh là yếu tố điều kiện và bất thiện hành nghiệp cùng với bất thiện tâm của nó và những tâm sở khác của tâm này là yếu tố chịu điều kiện. Chúng liên hệ với nhau bằng nhiều cách. Chẳng hạn khi tâm bất thiện sanh khởi lấy Vô Minh làm đối tượng thì sự liên hệ giữa Vô Minh và bất thiện hành nghiệp theo điều kiện đối tượng. Nếu vì Vô Minh mà không thấy sự hiểm nguy trong những hành động bất thiện như giết hại, trộm cắp... thì những hành nghiệp bất thiện này chịu ảnh hưởng của Vô Minh theo điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ.

Vô Minh là tâm sở bất thiện nên cũng có thể sanh khởi cùng với tâm bất thiện. Trong trường hợp này cả hai hỗ trợ lẫn nhau nên giữa Vô Minh và tâm bất thiện có tương quan về điều kiện gốc rễ. Lý do là có tâm bất thiện nên trạng thái tâm hay tâm sở Vô Minh mới sanh khởi.

Tuy nói rằng Vô Minh là không biết nhưng từ những điều đã đề cập ở trên, chúng ta thấy có hai khía cạnh của Vô Minh. Khía cạnh thứ nhất là không biết đúng và khía cạnh thứ hai là biết sai. Nếu chúng ta không biết đúng thì chúng ta sẽ biết sai. Khi không biết các hiện tượng thật sự là vô thường, chúng ta sẽ nghĩ chúng là thường. Nghĩ chúng là thường tức là Vô Minh.

Vô Minh là tâm sở nào trong 52 tâm sở (cetasika)? Như quý vị biết, có tất cả 52 tâm sở hay là trạng thái của tâm và 14 trong số này là các trạng thái tâm hay tâm sở bất thiện. Trong 14 tâm sở bất thiện này, cái nào là Vô Minh? Đó là Si. Vô Minh (avijjā) và Si (moha) đồng nghĩa. Đôi khi gọi là Vô Minh, đôi khi gọi là Si. Trong Mười Hai Nhân Duyên hay Pháp Duyên Sinh, trạng thái tâm bất thiện này được gọi là Vô Minh. Trong 52 tâm sở thì gọi là Si. Trong nhiều bài kinh, Đức Phật dùng từ Vô Minh để chỉ Si và dùng từ Si để chỉ Vô Minh.

Có những câu hỏi khác được đề cập đến trong Chú Giải như Vô Minh có phải là điều kiện đơn độc hay nguyên nhân duy nhất cho Hành Nghiệp không? Nếu chỉ có Vô Minh là điều kiện cho Hành Nghiệp thì cũng tương tự như nói rằng chỉ có một điều kiện duy nhất đưa đến hậu quả. Điều này không được chấp nhận trong Phật Giáo.

Những gì được chấp nhận theo Giáo Pháp là Vô Minh không phải là điều kiện duy nhất để cho Hành Nghiệp sanh khởi vì theo lời dạy của Đức Phật chỉ có trường hợp thứ tư trong bốn trường hợp sau đây là đúng mà thôi:

1. Một nhân đưa lại một quả

2. Một nhân đưa lại nhiều quả

3. Nhiều nhân đưa lại một quả

4. Nhiều nhân đưa lại nhiều quả.

Để một cái gì đó có thể sanh khởi cần phải có nhiều điều kiện nguyên nhân hay hỗ trợ và đây không phải là kết quả duy nhất. Ví dụ hạt được gieo, nẩy mầm rồi mọc lên cây là do nhiều điều kiện như nước, thời tiết, phân bón, đất đai...và khi cây lớn lên sanh ra không phải một mà nhiều thứ như nụ, lá, hoa, trái...

Nhưng tại sao Đức Phật chỉ nói Vô Minh làm điều kiện cho Hành Nghiệp sanh khởi không mà thôi? Sở dĩ như vậy là vì Đức Phật muốn nhấn mạnh đến Vô Minh là điều kiện căn bản hay đặc thù chứ không phải là nguyên nhân duy nhất. Chẳng hạn như trong tương quan thứ sáu “Do Xúc làm điều kiện, Thọ hay cảm giác sanh khởi”, Xúc không phải là điều kiện duy nhất bởi vì để cho Thọ phát sanh thì phải có nhiều điều kiện như đối tượng, căn, và Xúc. Và Thọ cũng có nhiều loại khác nhau tùy theo các loại Xúc khác nhau như Thọ do Xúc liên hệ đến phần nhạy cảm của mắt (nhãn xúc) gây ra, Thọ do Xúc liên hệ đến phần nhạy cảm của tai (nhĩ xúc) gây ra... Và điều này có nghĩa là nhiều nhân đưa lại nhiều quả. Nhưng Xúc là điều kiện căn bản nên Đức Phật muốn nhấn mạnh là do Xúc làm điều kiện mà Thọ sanh khởi chứ không phải Xúc là điều kiện duy nhất.

Có một ví dụ cho sự giải thích này. Khi một người bịnh đi khám bệnh, bác sĩ chẩn bệnh và cho biết nguyên nhân của căn bệnh là đàm. Đàm không phải là nguyên nhân duy nhất của căn bệnh nhưng là nguyên nhân rõ rệt nhất nên vị bác sĩ nói là bệnh gây ra bởi đàm. Trong ngôn ngữ hiện đại, chúng ta nói bệnh do vi trùng gây ra nhưng vi trùng cũng không phải là nguyên nhân duy nhất. Chúng ta bị bệnh vì chúng ta cũng có nghiệp xấu trong quá khứ hay do nhiều điều kiện khác nữa như khí hậu, thực phẩm...Tuy nhiên, vị bác sĩ nói là do đàm bởi vì đây là nguyên nhân rõ rệt nhất trong những nguyên nhân.

Đức Phật cũng dạy rằng tất cả các trạng thái tâm hay tâm sở bất thiện đều bắt nguồn từ tác ý thiếu trí tuệ (phi lý tác ý: ayoniso manasikāra). Mặc dầu có những điều kiện khác như là đối tượng và căn nhưng Ngài chỉ nhấn mạnh đến tác ý thiếu trí tuệ. Lý do là tác ý thiếu trí tuệ được xem là điều kiện gốc rễ của những tâm sở bất thiện và đây không phải là nguyên nhân thông thường. Các điều kiện khác như đối tượng hay căn là điều kiện hay nguyên nhân thông thường vì chúng có thể liên hệ đến cả hai thiện hoặc bất thiện tâm sở. Riêng tác ý thiếu trí tuệ chỉ liên hệ đến bất thiện tâm sở mà thôi; do đó, nó được nhấn mạnh chứ không phải là điều kiện hay nguyên nhân duy nhất. Cho nên, đôi khi Đức Phật chỉ đưa ra một nguyên nhân bởi vì nó là nguyên nhân đặc thù hay nguyên nhân không thông thường làm cho các yếu tố khác sanh khởi.

Tương tự như vậy, Đức Phật dạy Vô Minh là điều kiện làm Hành Nghiệp sanh khởi bởi vì Vô Minh là nguyên nhân hay điều kiện rõ rệt nhất. Điều này áp dụng không những cho tương quan này mà còn các tương quan khác nữa trong Pháp Duyên Sinh.

Chú Giải cũng nêu lên một câu hỏi nữa. Hành chịu điều kiện của Vô Minh có nghĩa là do Vô Minh làm điều kiện mà Hành sanh khởi. Và Hành bao gồm hành nghiệp thiện và hành nghiệp bất thiện. Hành nghiệp bất thiện chịu điều kiện của vô minh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, làm sao mà Vô Minh có thể gây ra hành nghiệp thiện hay điều tốt có thể là kết quả của điều xấu được? Chú giải có giải thích rằng nhân và quả không hẳn phải tương tự với nhau. Chúng có thể khác biệt về không gian và bản chất. Vì vậy mà Vô Minh có thể làm điều kiện cho các thiện Hành Nghiệp sanh khởi tựa như hoa sen có thể vươn lên từ bùn nhơ vậy.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn