(Xem: 1764)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2231)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

04-Tâm từ.

16 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 15511)

Chương 4


TÂM TỪ

Metta, hay Tâm từ, là phương cách khéo léo giúp chúng ta đối trị lại những phiền não hoặc khó chịu xảy ra trong người hoặc trong cuộc sống. Khi mới đến nước Anh, tôi có hỏi các bạn ở đây, "Bạn có thiền tâm từ không?" và họ trả lời là, "Thôi đi, chúng tôi không thể thiền tâm từ được!" Tôi bèn hỏi tiếp, "Thế thì bạn biết gì về thiền tâm từ ?" Và họ trả lời rằng, "Đó là một loại tẩy não nhẹ nhàng và êm dịu qua đó bạn nói là bạn tuyệt đối yêu thương tất cả mọi vật. Bạn phải tự thuyết phục mình là bạn yêu thương kẻ thù và yêu thương chính bạn. Thật tình chúng tôi không thể tưởng tượng là mình phải để ra một tiếng đồng hồ để suy tưởng về cách làm thế nào để yêu thương chính mình?"

Tôi liền nhận ra là các bạn nầy thật sự không hiểu gì về Metta hay Tâm từ cả. Metta không phải là một trạng thái tâm xuất phát từ một lý tưởng cao đẹp nào đó. Khi không bị phiền muộn hay khó chịu, chúng ta có thể cảm thấy yêu thương tất cả mọi vật trên đời nầy, nhưng khi có người nào đó hoặc điều gì đó xuất hiện, nói xấu hay hãm hại chúng ta, chúng ta thật khó mà giữ được tình cảm thương yêu đối với người đó hoặc sự vật đó.

YÊU VÀ THÍCH

Trong tiếng Anh, từ "yêu" (loving) thường được dùng đồng nghĩa với từ "thích" (liking). Khi chúng ta nói là chúng ta thích ăn uống hoặc yêu thương một người nào đó; thật ra, điều mà chúng ta muốn nói là chúng ta thích thú và dính mắc vào các đối tượng nầy. Trong một mức độ nào đó, Metta hay Tâm từ trong đạo Phật là gần với ý niệm Tình yêu trong Ky Tô Giáo, mặc dù tình yêu trong Ky Tô Giáo cũng là một trạng thái tâm xuất phát từ một lý tưởng. Tình yêu trong Ky Tô Giáo thường xuất phát từ lý tưởng cao đẹp là con người nên yêu thương lẫn nhau. Người Ky Tô Giáo được dạy là, "Hãy yêu người sống bên cạnh bạn như chính bạn" và "Hãy yêu kẻ thù của bạn." Như vậy, chúng ta hãy xem xét ý nghĩa thật sự của vấn đề này. Khi nói "Hãy yêu kẻ thù của bạn", có phải điều này hàm ý là bạn cũng thích thú và dính mắc vào kẻ thù như bạn đã dính mắc vào việc ăn uống hay yêu thương người khác phái không? Bạn có thật sự muốn gần gũi họ không? Trong trường hợp nầy, chúng ta thấy rõ là từ "yêu" không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với từ "thích". Về mặt nầy, trong tiếng Anh, "yêu" là một từ bị lạm dụng rất nhiều.

Trong đạo Phật, Metta hay Tâm từ không nhất thiết nghĩa là thích thú hay yêu thương bất cứ cái gì. Nó là một thái độ không dính mắc vào sự khó chịu, xấu xa hay lỗi lầm của bất cứ đối tượng hay hoàn cảnh nào đang xảy ra bên trong và bên ngoài chúng ta. Với tâm từ , chúng ta không bị ràng buộc hay che mờ bởi một ý niệm đạo đức. Trái lại, chúng ta chỉ thuần quán sát, chứng kiến hay ghi nhận những khó chịu hay phiền muộn của một hoàn cảnh, sự vật, con người hay của chính chúng ta mà không lấy một thái độ nào khác. Lúc đó, tâm của chúng ta sẽ hoàn toàn chấm dứt dòng suy nghĩ, "Tôi ghét nó quá, tôi không muốn nó nữa." Đó chính là cái mà tôi gọi là Metta hay Tâm từ.

Gần đây có một bạn đến gặp tôi và nói, "Tôi không thể khởi tâm từ ái với một số người. Đôi lúc, tôi chỉ muốn tát vào mặt cô ta; đôi khi tôi chỉ muốn triệt hạ cô ta. Tôi không thể từ ái với một người như thế và tôi gần như sắp điên lên đây!" Tôi nói, "Nhưng mà bạn chưa đánh đập cô ta, bạn chưa giết hại cô ta, phải không?" Cô bạn trả lời, "Dạ chưa." Tôi nói, "Đó chính là vì bạn đang thực hành tâm từ đó." Vấn đề chỉ đơn giản thế thôi.

TÂM TỪ ÁI VÀ GIỚI HẠNH

Trong đạo Phật, giới hạnh dựa rõ ràng trên sự đúng đắn của hành động và lời nói. Chúng ta thấy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát được tư tưởng của mình. Chúng ta không thể nói, "Tâm tôi lúc nào cũng có tư tưởng từ ái dành cho tất cả mọi người." Chúng ta chỉ có thể cố gắng giới hạn sự phát triển của những tư tưởng xấu hay tình cảm sân hận, ganh tỵ và sợ hãi trong tâm mà thôi. Nhưng với hành động và lời nói thì khác. Chúng ta có thể phát nguyện ngay bây giờ là chúng ta sẽ không giết hại bất cứ một sinh mạng nào. Chúng ta có thể thọ năm giới trong đạo Phật.

Chúng ta cũng có thể phát nguyện là sẽ thận trọng trong lời nói để mặc dù chúng ta đang có những tư tưởng xấu xa nhất, chúng ta vẫn không đem những tư tưởng nầy để nói với ai cả. Giả sử như hiện nay, tôi đang có những tư tưởng xấu xa và điên rồ nhưng tôi biết kiềm chế và không thổ lộ những tư tưởng nầy với bạn. Đó chính là vì tôi có Metta hay Tâm từ. Dòng tư tưởng và tình cảm của tôi vẫn tiếp tục chảy; tôi nhận biết nó nhưng tôi cương quyết không biến nó thành hành động hoặc lời nói.

Sau một thời gian hành thiền, chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy rằng tâm của chúng ta giống như một tấm gương. Nó phản ảnh tất cả mọi vật đi qua. Như tấm gương, tâm sẽ không bị hư hại bởi những gì nó phản chiếu. Tấm gương có thể phản chiếu những gì xấu xa và ghê tởm nhất trên đời nhưng nó vẫn không bị bợn nhơ. Giống như tấm gương, tâm tự nó là trong sạch và thanh tịnh. Tự nó, tâm không có gì sai trái cả, nhưng những gì nó phản ảnh có thể rất ô nhiễm, xấu xa hay tội lỗi, hay cũng có thể rất xinh đẹp. Nếu chúng ta tìm cách trừng phạt, phá hoại hoặc đập vỡ tấm gương, chúng ta sẽ trở thành điên loạn -- và vấn đề sẽ thành phức tạp và nan giải. Nhưng nếu với thiện chí, chúng ta có thể thấy rằng những phản ảnh trong tâm thật ra chỉ là những phản ảnh thôi. Hiểu biết nầy là phương cách khéo léo giúp chúng ta tiếp nhận những tư tưởng và tình cảm mà đôi khi rất khó chịu và xấu xa sinh khởi trong tâm.

Khởi tâm từ với những gì chúng ta yêu thích thật ra không khó, chẳng hạn như chúng ta dễ dàng từ ái với những chú mèo con hoặc chó con, những em bé dễ thương, những người dịu dàng luôn nói điều vừa lòng đẹp ý, những ngày đẹp trời đầy nắng ấm v. v… Tôi không gặp khó khăn với những đối tượng nầy. Nhưng tôi nên phản ứng thế nào khi những con người và sự vật chung quanh tôi trở nên xấu xa và ác độc? Tôi có thể chấp vào sự ác độc và bẩn thỉu nầy. Tôi có thể nghĩ, "Tôi không chịu nỗi loại người nầy; tôi thù ghét hắn. Người như hắn không nên có mặt trên đời nầy. Tôi chỉ mong hắn cút đi ngay." Tôi có thể làm như thế phải không các bạn? Đó là điều dễ làm nhất. Nhưng chấp vào tình cảm sân hận sẽ không mang lại sự bình an cho tâm hồn chúng ta.

THẤY ĐƯỢC SỰ SÂN HẬN TRONG CHÍNH CHÚNG TA

Chúng ta luôn bắt đầu thiền tâm từ với chính mình. Chúng ta tụng đọc, "Aham sukhito homi," nghĩa là, "Nguyện cho tôi được an vui. Nguyện cho tôi được hạnh phúc. Nguyện cho tôi an vui với chính tôi và những gì sinh khởi trong thân và tâm của tôi." Thật ra, khi mọi việc xảy ra theo chiều hướng tốt đẹp, để được an vui không phải là điều khó. Nhưng khi gặp trắc trở, chúng ta có khuynh hướng muốn xóa bỏ và tiêu hủy những gì mà chúng ta không ưa thích đang tồn tại trong chúng ta.

Có người thường đến gặp tôi và hỏi, "Tôi phải làm thế nào để nhiếp phục cơn giận? Tôi phải làm thế nào để chấm dứt sự ghen tức? Tôi phải làm thế nào để phá bỏ lòng tham và sự khát khao tình dục? Tôi phải làm thế nào để thoát khỏi sự kinh sợ? Tôi phải làm thế nào để dứt bỏ mọi việc trên đời nầy? Có lẽ tôi phải gặp một bác sỉ chuyên khoa tâm thần để vị này có thể giúp tôi dứt bỏ tất cả phiền não nầy." Hay đôi khi chúng ta hành thiền chỉ nhằm để dứt bỏ tất cả những tình cảm đáng sợ nầy và đạt đến những trạng thái hỷ lạc và cảnh giới an nhàn của các vị Bồ Tát. Chúng ta hy vọng sẽ tận diệt dứt điểm những tình cảm gớm ghiết nầy. Một mặt, chúng ta hy vọng và mong được an vui hạnh phúc. Mặc khác, chúng ta vẫn thấy bất toại nguyện, ghê tởm và chống ghét những trạng thái nóng nảy, khó chịu và đáng ghê sợ trong người chúng ta.

Tôi nhận thấy người Anh có khuynh hướng tự phê phán rất nhiều. Và khi tôi hỏi, "Bạn có thiền tâm từ không?" Chính những người thường tự chê trách mình nhiều nhất là những người cho biết là họ không thể thiền tâm từ được. Hình như khả năng tự chỉ trích cho chúng ta cảm tưởng chúng ta là một người rất chân thật, phải không các bạn? Chúng ta thông minh và có óc phê phán, từ đó chúng ta có cái nhìn rất tiêu cực về chính mình. Chúng ta tự chỉ trích vì nhiều việc chúng ta làm trong quá khứ thường tái hiện lại trong hiện tại dưới hình thức những ký ức, tập khí, hay thói quen và những điều nầy đã không xảy ra như ý chúng ta muốn. Cũng thế, chúng ta thường không sống theo và đáp ứng đúng những tiêu chuẩn mà chúng ta tự đặt cho mình.

Vì thường chỉ trích và chê trách chính mình, chúng ta cũng sẽ có khuynh hướng nhìn người khác một cách tiêu cực. Tôi còn nhớ là tôi luôn thất vọng về người khác vì họ không sống và đáp ứng đúng những tiêu chuẩn của tôi, hay theo cách mà tôi nghĩ là đúng. Tôi có thể gặp một người phụ nữ nào đó và nghĩ, "Ồ! đây rồi, đây chính là người mà tôi hằng mong đợi, một người thật sự từ ái và giàu lòng quảng đại, một người đáng yêu. Cuối cùng tôi đã gặp người lý tưởng của tôi rồi." Nhưng sau đó, tôi lại khám phá ra là người phụ nữ nầy cũng đầy ấp những sân hận, ganh tỵ, lo sợ, ích kỷ, hay tham lam. Và rồi tôi lại nghĩ, "Ôi! cô gái nầy đã làm tôi thất vọng. Tôi phải đi tìm một người bạn gái khác. Tôi phải tìm một người có thể đáp ứng đúng những yêu cầu và tiêu chuẩn cao cấp của tôi." Nhưng sau đó, khi tôi thật sự nhìn lại chính mình và tự hỏi, "Bản thân tôi, tôi có sống đúng theo những tiêu chuẩn nầy hay chưa?", tôi khám phá ra là chính tôi cũng đầy ấp những tâm tánh khó chịu và phiền muộn y như vậy.

Trong quá trình tu tập, tôi đã cố gắng hết sức để sống đúng theo khuôn mẩu lý tưởng của một vị tỳ kheo. Trong mức độ nào đó, tôi có thể làm được việc nầy. Qua cuộc sống giới luật của một người tu, chúng tôi tự thu thúc để không tạo ra những trọng nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đối diện vối những lo âu, sợ hãi và dục vọng bị đè nén từ lâu trong tâm của mình -- thật ra không ai có thể trốn tránh được bất cứ điều gì trong cuộc đời nầy cả. Là người tu, chúng tôi phải sẵn sàng để cho tất cả tình cảm và tư tưởng, thậm chí những điều hết sức xấu xa và khó chịu nhất hiện lên trong tâm, và tự mình phải đối diện với chúng. Trong khi hành thiền, chúng ta để cho tất cả những gì mà chúng ta đã từng tránh né hoặc tìm cách chống đối hiện lên trong ý thức. Để làm được điều nầy, chúng tôi phải nuôi dưỡng tâm từ, đó là thái độ nhẫn nhục và từ ái đối với những nỗi lo sợ và hoài nghi bị đè nén và sự sân hận của chính chúng ta.

Khi mới xuất gia, tôi tự cho mình người tốt, ít sân hận và thù ghét với cuộc đời. Nhưng khi hành thiền, tôi mới nhận ra rằng mình cũng đầy ấp sân hận và thù ghét, và tôi tự nghĩ, "Nếu cứ tiếp tục hành thiền như thế nầy, không khéo mình sẽ trở thành quỷ sứ mất!" Và tôi đã có ý định là, "Tôi sẽ đi sâu vào rừng, hành thiền và sống một mình; tôi sẽ an tịnh, sống với chư thiên và đạt đến trạng thái hỷ lạc cao." Tuy nhiên, sau hai tháng hành thiền đầu tiên trong đời sa di, tôi đã không đạt đến cảnh giới nào cả ngoại trừ bị chìm đắm trong nỗi sân hận vô cùng gay gắt và nghiệt ngã. Tôi ghét tất cả mọi người mà tôi có thể nghĩ đến. Tôi ghét chính những người tôi đã thương mến, và thậm chí, tôi ghét chính bản thân mình.

Tôi bắt đầu nhận ra rằng sân hận là một trong những tính chất chính của con người tôi nhưng tôi đã đè nén, ức chế và xóa bỏ nó ra khỏi ý thức. Tôi đã xóa bỏ nó bằng cách xây dựng một hình ảnh lý tưởng về tôi rồi tìm mọi cách bám chặt vào đó. Tôi chưa bao giờ để những tình cảm sân hận, chống ghét, thất vọng hay tuyệt vọng hiện lên đầy đủ và trọn vẹn trong tâm thức; Tôi luôn luôn phản ứng lại và tìm cách ức chế nó. Trước khi xuất gia, tôi thường chán chường, mệt mỏi và thất vọng khi phải tiếp xúc và giao tiếp với xã hội vì tôi đã quen sống bằng những nụ cười và những lời chào hỏi, chúc tụng êm dịu và tử tế. Tôi đã sống chan hòa với xã hội một cách giả tạo. Vì thế, tôi không bao giờ để cho những sợ hãi và sân hận được dịp trồi lên trong tâm. Khi hành thiền, tôi không thể ngăn chặn được những tình cảm nầy và chúng bắt đầu hiện lên trong ý thức của tôi.

Dĩ nhiên tôi cũng tìm cách chống lại những tình cảm nầy vì đã quen ứng xử như thế: "Làm sao để tiêu diệt chúng? "Làm sao để ngăn chặn chúng?" "Ôi! tôi không thể có tình cảm nầy được; nó thật đáng kinh tởm!" "Họ đã giúp tôi như thế mà tôi vẫn thù ghét họ." Những tình cảm nầy làm tôi thù ghét chính tôi. Vì thế thay vì tìm cách ngăn chặn những tình cảm nầy, tôi phải tập chấp nhận chúng. Và chấp nhận chúng là cách duy nhất để tâm của chúng ta có thể làm một cuộc tẩy rửa trong đó, tất cả những gì tiêu cực sẽ hiện đến và ra đi.

KIÊN NHẪN VỚI SỰ SÂN HẬN TRONG CHÚNG TA

Như Đức Phật đã dạy, để thoát khổ, chúng ta phải diệt khổ. Để thoát khổ, chúng ta phải để cho những gì sinh khởi trong tâm tự nó ra đi. Để cho một đối tượng nào đó tự chấm dứt, chúng ta phải không can thiệp vào quá trình vận hành của nó hay tìm cách triệt tiêu nó; chúng ta phải để cho nó tự ra đi. Điều này có nghĩa là chúng ta phải kiên nhẫn. Do đó, tâm từ cũng là một loại kiên nhẫn, một thái độ thiện chí sẳn sàng sống chung với những điều xấu xa và khó chịu mà không hề suy nghĩ hay quan tâm đến tính chất xấu xa và khó chịu của nó, hay không bị thôi thúc bởi ý muốn nhanh chóng triệt tiêu nó hầu tìm lại sự thoải mái cho bản thân mình.

Khi có tâm từ với chính mình, chúng ta sẽ lắng nghe được những gì mà chúng ta thật sự nghĩ về chính chúng ta. Xin các bạn đừng sợ hãi; hãy can đãm và lắng nghe những tư tưởng xấu xa và đáng ghét hay những lo âu sợ hãi hiện ra trong tâm của bạn. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy trong tâm đột nhiên xuất hiện nhiều tư tưởng dại dột và điên rồ, những tư tưởng nầy tự nó không thật xấu xa, tội lỗi và đáng ghê tởm, nhưng rất là ngu xuẩn và phi lý. Có thể chúng ta muốn tự cho mình là người rất đứng đắn, thành thật, thực tế và có lý lẽ, nhưng đôi khi trong lúc hành thiền, tư tưởng và tình cảm chúng ta lại rất ngu si và phù phiếm. Chúng ta thích đi đến và giúp đở các nước thế giới thứ ba nghèo khổ, xây nhà vệ sinh ở Ethiopia, hay làm một cái gì đó hữu ích; do đó, ngồi thiền để những cặn bã ý thức hiện ra hình như là một việc làm phí thời giờ và vô ích. Nhưng theo tôi, chỉ những thiền sinh có trình độ mới có thể quan sát những cặn bã ý thức của mình. Chúng ta cần hành thiền trong một thời gian dài để những cặn bã ý thức có thể trồi lên và hiện ra trong tâm.

Khi mới bắt đầu hành thiền, bạn thường hay bị dính mắc và suy nghĩ về những kế hoạch quan trọng mà bạn có thể làm. Bạn sẽ tự nhủ: "Ồ, ta không nên chỉ ngồi ở đây. Có quá nhiều việc cần phải làm ngay, quá nhiều việc quan trọng." Tuy nhiên thưa bạn, trong đời bạn đã mất biết bao nhiêu thời gian và công sức để làm những việc vô cùng quan trọng, để bảo đảm thế giới nầy tiếp tục hoạt động, để tổ chức và sắp xếp mọi việc, để bạn không phải đối diện với những cặn bã rác rưởi mà chỉ hiện lên trong tâm khi bạn không còn chạy loanh quanh nữa? Khi hành thiền, bạn sống trong một hoàn cảnh khá đặc biệt trong đó bạn không phải làm nhiều việc. Đó là cơ hội để bạn quán sát những gì xảy ra khi bạn không còn nhiều việc để làm và không mất nhiều thì giờ. Khi hành thiền, bạn chỉ cần làm vài việc nhỏ nhặt như quán hơi thở ra vào, nhưng sau đó, bạn có thể tạm ngưng việc quán hơi thở. Bạn có thể quán những cảm giác trong thân. Bây giờ, tôi sẽ giao cho bạn một việc khác để làm -- đó là phát triển tâm từ. Phát triển tâm từ nghĩa là phát triển đức tánh kiên nhẫn và thái độ đầy tình thân ái và tử tế.

THÁI ĐỘ THÂN ÁI VÀ TỬ TẾ

Tôi đã học được cách làm thế nào để có thể thân ái và tử tế với những tình cảm và tư tưởng xấu xa trong tôi. Về bản chất, tôi là một người hay ganh nghét. Ganh tỵ và sân hận là vấn đề lớn của đời tôi. Khi mới xuất gia, tôi gặp nhiều khó khăn vì tôi thù ghét bản tính ganh tỵ của mình và cố hết sức để hủy diệt tình cảm nầy. Bất cứ lúc nào mà tâm ganh tỵ xuất hiện, tôi tìm cách đè nén nó. Tôi hành thiền với hy vọng là tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc và hoan hỷ về người mà tôi thường ganh tỵ. Tôi cắn răng và nói thầm trong tâm với người mà tôi thường ganh tỵ: " Thưa bạn, tôi thật sự có cảm tình với bạn đấy! Tôi thật sự hoan hỷ với bạn." Nhưng tôi vẫn thấy đau nhói trong tim và thật sự căm ghét lòng ganh tỵ của tôi. Tôi hy vọng là không ai biết về điều nầy. Tôi tìm mọi cách để che đậy tâm ganh tỵ trước mặt mọi người. Tôi thường nói với các bạn khác, "Bạn không cảm thấy hoan hỷ và hạnh phúc với anh hay chị ấy à? Họ quả thật là những người tuyệt vời phải không bạn? " để làm cho mọi người tin là tôi không hề ganh tỵ với những người nầy. Trong nhiều năm, tôi tìm cách dứt bỏ tình cảm nầy, dồn ép nó, triệt tiêu nó, nhưng tôi chỉ thấy là bịnh ganh tỵ của tôi ngày càng trầm trọng. Trầm trọng đến nỗi tôi không thể dấu kín nó được nữa, và rồi mọi người đều thấy rõ sự ganh tỵ ghen ghét của tôi. Tôi cảm thấy rất xấu hổ về điều nầy.

Sau đó, tôi quán tưởng sâu thêm về vấn đề nầy. Tôi tự nói với mình: "Ông Sumedho ơi! Rõ ràng là ông đang làm một việc rất sai lầm. Ông đã tìm mọi cách để dứt bỏ tâm ganh tỵ nhưng dù đã mất biết bao công sức, nó vẫn không dứt được." Và rồi tôi nhận ra rằng vấn đề thật sự không phải là tâm ganh tỵ; vấn đề thật là thái độ thù ghét của tôi đối với tâm ganh tỵ. Đây mới chính là vấn đề. Vì thế, khi thấy tâm ganh tỵ bắt đầu khởi lên, tôi liền nói: " Ồ, ganh tỵ lại đến thăm ta. Xin chào bạn!" Rồi tôi cố ý để cho tâm ganh tỵ hiện lên trong tâm tôi; Tôi khám phá ra rằng, "Tôi ganh tỵ vì sợ rằng người ấy sẽ giỏi hơn tôi." Tôi để cho tâm ganh tỵ hiện ra trọn vẹn và đầy đủ trong tôi. Tôi chú ý lắng nghe, thật sự lắng nghe và thân mật với nó, thay vì nói, "Ôi! ganh tỵ lại đến; tao phải tiêu diệt mầy." Tôi nói một cách thân mật, "Chào ông bạn ganh tỵ lâu năm của tôi!" Từ đó, tôi học được rất nhiều về tâm ganh tỵ; nó xuất hiện như một lời cảnh cáo, nó đến để cảnh giác tôi và làm cho tôi tỉnh thức.

Nhưng để thân thiện với tâm ganh tỵ, chúng ta phải từ ái với nó, phải tử tế và vui vẻ cho phép nó tồn tại và chấm dứt trong chúng ta, không tìm cách thúc đẩy hay triệt tiêu nó. Nó vẫn làm chúng ta khó chịu vì ganh tỵ không phải là một kinh nghiệm dễ chịu. Nhưng chúng ta có thể chịu đựng được và đối xử tử tế với nó. Chúng ta không cần đánh đập hay xua đuổi nó nhưng phải quán sát nó kỷ lưỡng và đầy đủ. Chúng ta ý thức một cách trọn vẹn và quán sát nó cho đến lúc nó ngừng hoạt động. Nó tự ra đi vì nó không phải là một điều kiện thường hằng của tâm thức. Nó không phải là cái gì của riêng ta; nó chỉ là một cái bóng đi ngang qua tấm gương; bạn chỉ cần có đủ kiên nhẫn để cho cái bóng nầy ra đi và biến mất khỏi tấm gương mà thôi.

*

* Câu hỏi: Tôi rất thích những lời giảng của sư về Tâm từ, sự tử tế, không tham đắm, không dính mắc, lòng vị tha, và sự tĩnh lặng. Tuy nhiên, tôi vẫn thắc mắc về thái độ chỉ biết tử tế, khoanh tay ngồi nhìn và buông bỏ. Tôi lo ngại là người khác sẽ chà đạp lên tôi. Sư có cho đây là một điều nguy hiểm không, và nếu chúng ta chỉ biết tử tế, mọi người sẽ giẫm nát chúng ta không?

Trả lời: Nếu bạn là một người ngu ngốc, dĩ nhiên mọi người sẽ đạp lên bạn mà đi. Nếu bạn cho tử tế là một thái độ lịch sự và tế nhị về tình cảm và áp dụng nó trong tất cả mọi hoàn cảnh thì chắc chắn bạn sẽ thất bại. Không ai làm được việc nầy cả. Càng ứng xử như thế, bạn sẽ càng ngu ngốc, và người đời càng không kính trọng bạn, vì những gì bạn làm là giả tạo và không chân thật. Nhưng Tâm từ chân thật có oai lực rất mạnh, và nó là cách ứng xử đúng đắn và thích hợp đối với cuộc đời. Đó không phải là thái độ lịch sự và tử tế để lấy lòng người khác, nhưng là sự tỉnh thức, sự tiếp thu những đau đớn cũng như những khoái lạc và những điều kiện khác mà chúng ta gặp trong cuộc đời.

Tính chất của Tâm từ là không phân biệt. Chính vì còn phân biệt và so sánh mà chúng ta chỉ quan tâm đến những sai trái của cuộc đời và làm trầm trọng hơn những thiệt thòi bất công mà chúng ta hoặc người khác gặp phải. Tâm từ không giả vờ cho là mọi việc đều tốt đẹp. Tâm từ là không gây thêm khó khăn, không trút đổ sự sân hận chống ghét xuất phát từ vô minh lên trên những khổ đau hay xấu xa sẵn có. Tâm từ là khả năng kiên nhẫn và chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc đời. Có thái độ tiêu cực và sân hận với chính bạn là một cực đoan. Nhưng giả vờ tin là mọi việc lúc nào cũng tốt đẹp lại là một cực đoan khác. Sự giả vờ nầy chính là sự tự lừa dối.

Tâm từ chân thật và trí tuệ chân thật đi đôi với nhau. Dù không bị vô minh chi phối, những phản ứng của chúng ta với cuộc đời không nhất thiết lúc nào cũng vui vẻ và hạnh phúc. Có thể chúng ta sẽ rất đau đớn và thậm chí đầy phẫn nộ. Nhưng chúng ta vẫn có thể đầy từ tâm. Điều nầy có nghĩa là chúng ta có phản ứng đúng đắn -- phản ứng không xuất phát từ tham ái hoặc sợ hãi. Tâm từ có thể là cái tát tay đau điếng hay là cái vỗ vai thân mật. Ở đây, vấn đề không phải ở cái tát tay hay sự vỗ về. Tâm từ chính là cái trí tuệ nằm phía sau hành động của chúng ta.

-ooOoo-

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn