(Xem: 1762)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2229)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Phần 02_Sự khởi đầu – Chương trình thiền tập

23 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 13130)


Phần 02

Sự khởi đầu – Chương trình thiền tập

Ngày đầu tiên: Chuẩn bị

Buổi chiều:

– Đến nơi, sắp xếp hành lý
– Đi vòng quanh làm quen với khung cảnh
– Sắp đặt chỗ ngồi thiền - toạ cụ hay ghế
– Tìm chỗ kinh hành trong và ngoài sân
– Ăn chiều

Buổi tối:


– Ngồi yên - thoải mái, tĩnh lự
– Kinh hành
– Ngồi - nghe hướng dẫn
– Uống trà
– Nghỉ

Ngày thứ hai: Thực tập trọn vẹn

7:00 sáng............................... Thức dậy, thay y phục, ngồi tịnh
7:30...................................... Ăn sáng
8:15....................................... Ngồi thiền
9:15....................................... Kinh hành
10:00..................................... Ngồi thiền
11:00..................................... Kinh hành
12:00..................................... Ăn trưa
2:00 chiều.............................. Ngồi thiền
3:00....................................... Kinh hành
4:00....................................... Ngồi thiền
4:30....................................... Kinh hành
5:00....................................... Ăn chiều
6:00....................................... Pháp thoại và vấn đáp
7:00 tối.................................. Kinh hành
8:00....................................... Ngồi thiền
9:00....................................... Nghỉ

Ngày thứ ba: Kết thúc

7:00 sáng.......................... Thức dậy, thay y phục, ngồi tịnh
7:30................................... Ăn sáng
8:15................................... Ngồi tịnh - Tụng giới - Thực tập quán tâm từ

Trong một khóa thiền tập, lúc nào trong tôi cũng có hai tiếng nói khuyến khích và hỗ trợ. Một là tiếng nói của một vị thầy nghiêm khắc, bảo rằng “Gắng lên Sylvia. Hãy cố gắng hết sức mình. Thế nào cũng làm được.” Còn tiếng nói kia là của bà ngoại tôi, nói rằng: “Con làm giỏi lắm. Không có cách gì mà có thể sai trật được hết. Uống trà đi con!”

Về cái phần “uống trà đi con” đó, lòng tôi luôn ước rằng trong tờ chương trình có thêm vào những câu như “Bao lâu tùy bạn...” hay “Nếu bạn thấy thích...” hoặc là “Khi nào bạn muốn...”

Nhưng thật ra tôi không tin rằng lối thực tập đó sẽ mang lại nhiều ích lợi. Có lý do rất chính đáng để tin vào sự đúng đắn của chương trình này. Nó đã mang lại nhiều thành quả cho rất nhiều người đi trước. Bạn hãy bắt đầu với ý định là sẽ cố gắng theo sát như chương trình ấn định. Nhưng nhớ rằng, dù có bất cứ việc gì xảy ra, sự thực hành của bạn vẫn đúng. Và nếu như sự việc có trở nên khó khăn quá, bạn hãy đi uống trà đi!

Mở hành lý

Khi thiền sinh mới đến một trung tâm thiền tập, họ thường dành thì giờ để làm quen và hòa nhập với nhịp điệu của nơi này trước khi ngồi xuống tọa cụ. Bạn cũng nên làm thế với nơi mình đến, dành hết thì giờ mà bạn nghĩ là cần thiết. Còn nếu không, khi ngồi thiền tâm bạn vẫn còn quen với nhịp điệu của sở làm hay của xa lộ ngoài kia. Hòa nhịp với không khí của khóa tu tự nó cũng chính là một sự thực tập.

Mang hành lý vào phòng, đi dạo và làm quen với không gian chung quanh nơi mình ở. Đừng nôn nóng muốn bắt đầu thật sự thực tập ngay. Vì đây cũng chính là một sự thực tập thật sự. Không vội vã, hãy chú ý trọn vẹn đến từng giây phút, tự nó vừa là phương tiện mà cũng vừa là mục đích của sự thực tập.

Tôi để ý thấy trên các bảng số xe thường kẻ thêm những dòng chữ như “Ước gì bây giờ tôi được đi câu cá” hay là “Giá như bây giờ tôi được đi trượt tuyết.” Đọc những dòng chữ đó cũng có nhiều thú vị, vì nó nói lên đôi điều về chủ xe. Nhưng tôi cũng thấy rằng, cái ước muốn “giá như bây giờ” mình được làm một việc gì khác ấy, nó bao giờ cũng làm giảm đi giá trị của giây phút hiện tại này. Tôi tưởng tượng là mình sẽ mở một cửa hiệu làm bảng số xe với dòng chữ “Tôi hoàn toàn hài lòng trong giây phút này.”

Hãy lo cho những gì cần thiết. Tập làm mỗi lần một việc thôi. Tắt máy điện thoại. Vui vẻ mở hành lý ra và sắp xếp. Sống hài lòng.

Thực tập nương tựa

Những khóa thiền tập theo truyền thống thường được bắt đầu bằng lời tụng về Ba quy y, hay Ba sự quay về nương tựa, đó là:

Con về nương tựa Phật
Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời
Con về nương tựa Pháp
Con đường của tình thương và sự hiểu biết
Con về nương tựa Tăng

Đoàn thể của những ai nguyện sống cuộc đời tỉnh thức

Bạn hãy ngồi trong một tư thế dễ chịu. Buông thư. Nhắm mắt lại. Nghĩ đến những hoàn cảnh nào đã đưa đẩy bạn đến với con đường thực tập này, và tất cả những ai đã giúp cho bạn có cơ hội có mặt nơi đây.

Khi đọc câu “Con về nương tựa Phật,” tôi cảm thấy rất phấn khởi khi nghĩ đến Sidhartha Gautama, một con người cũng giống như tôi nhưng đã tìm ra được một lối sống trong cuộc đời này. Giữa những mất mát và đớn đau nhưng ngài không bị khổ đau. Đức Phật đã tỉnh thức, và tôi cũng có khả năng tỉnh thức như Phật. Ngài đã giải thoát và có tự do. Và tôi cũng có thể làm được như ngài. Ý nghĩ đó mang lại cho tôi sự phấn khởi và niềm tin.

Khi đọc câu “Con về nương tựa Pháp,” tôi rất mừng vui vì đức Phật đã chỉ dạy phương pháp giúp ta chuyển hóa và tỉnh thức. Và ngài đã lặp đi lặp lại nhiều lần cho những người đã trao truyền giáo pháp ấy qua biết bao thế hệ, và cuối cùng có người đã ghi chép lại để chúng tôi có cơ hội được học hỏi ngày nay. Nhờ vậy mà tôi không phải lần mò tìm một lối đi nữa. Tôi có thể sử dụng một phương pháp đã được thử nghiệm thành công trong suốt hơn 25 thế kỷ qua, như là một kim chỉ nam.

Khi đọc câu “Con về nương tựa Tăng,” tôi nghĩ đến gia đình, lúc nào cũng hỗ trợ tôi trên con đường thiền tập, dù ở gần hay xa, và những người bạn lúc nào cũng nâng đỡ và khuyến khích tôi. Ngay cả những lúc tôi ẩn cư thiền tập một mình, tôi vẫn không bao giờ cảm thấy cô đơn. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi biết rằng những người thân xa gần lúc nào cũng hỗ trợ tôi trong sự thực tập, và tôi cảm thấy hoan hỷ mỗi khi hồi hướng cho sự an lành của họ, và cho cả chính tôi.

Nếu ta có thể hồi hướng sự thực tập cho những người thân của mình, là người Phật tử, ta cũng có thể hồi hướng công đức ấy đến cho chúng sanh ở mọi nơi. Theo truyền thống, bạn có thể đọc những lời sau đây trước khi bắt đầu và khi chấm dứt một thời ngồi thiền:

Mong sao tôi được an vui
Mong sao tôi được hạnh phúc
Mong sao mọi loài được an vui
Mong sao mọi loài được hạnh phúc.

Đi với một cái nhìn mới

Bạn hãy đi bộ, ngoài trời hay trong nhà cũng được, miễn là thuận tiện. Chọn một đoạn đường đi đến một nơi nào đó nhưng không phải một đường thẳng. Nói cách khác, đừng quyết định điểm quay trở lại khi ta vừa bắt đầu đi. Như vậy, chuyến đi của bạn tự nó sẽ được khai mở và nhiều lý thú hơn. Hãy nhìn mọi vật bằng một ánh mắt mới.

Suzuki Roshi, vị thiền sư Nhật đã thành lập Trung tâm thiền tập San Francisco Zen Center, có nói về sơ tâm, là một tiềm năng trong tâm có thể tiếp xúc được với mọi kinh nghiệm trong giây phút này một cách hoàn toàn mới tinh. Ngài nói rằng chính cái yếu tố ngạc nhiên và mới lạ ấy có khuynh hướng đưa tâm ta đến tuệ giác. Tôi nghĩ thiền sư Suzuki muốn nói rằng, cái nhìn của ta sẽ bị giới hạn nếu ta chỉ biết nhìn sự vật qua lăng kính của tập quán và thói quen, cái nhìn đó sẽ ngăn chận không cho ta thấy được sự thật. Ngài khuyên các thiền sinh hãy đến với mọi khóa thiền tập bằng một sự nhiệt tình và hy vọng như là khoá tu đầu tiên.

Tôi nhớ Fredrick Spiegelberg khi ông còn giữ chức vụ Giáo sư danh dự của Phân khoa thần học tại Đại học Standford, đã diễn tả lại kinh nghiệm đầu tiên của chính ông về một nhận thức tâm linh khi còn nhỏ. Ông kể: “Lúc ấy tôi còn là một cậu bé, có lẽ chừng ba hay bốn tuổi, và tôi đang ở nhà với mẹ tôi trong căn nhà trọ ở tầng thứ hai tại Frankfurt. Hai mẹ con tôi đang nhìn ra cửa sổ, phía dưới đường là hàng cây, người đi bộ, xe cộ qua lại, những sinh hoạt thường ngày. Chợt gương mặt mẹ tôi đột nhiên trở nên rất trầm tư, có vẻ như có chút gì kinh sợ, bà nói thầm một mình, với giọng rất nhỏ nhẹ và thật nghiêm trang: “Tất cả những điều này có ý nghĩa gì?”

Câu chuyện đó xảy ra cách đây ít nhất cũng đã trên tám mươi năm, khi mẹ của giáo sư Spiegelberg nhìn những sự kiện hết sức bình thường, đã xảy ra trước mắt bà trăm ngàn lần, với một ánh mắt kinh ngạc. Nhưng khi ông kể lại, tôi có cảm tưởng như đối với ông nó chỉ mới xảy ra ngày hôm qua thôi. Tôi nghĩ đến sự nghiệp lâu dài và đồ sộ của ông đã để lại trong lãnh vực thần học, và tự hỏi không biết bao nhiêu phần trong đó đã chịu ảnh hưởng bởi giây phút mà mẹ ông nhìn thấy mọi vật như rất mới ấy.

Robert Louis Stevenson viết: “Thế giới này ngập tràn và có đủ đầy mọi thứ. Tôi chắc hẳn là mỗi chúng ta phải sung sướng như vua.”

Những đứa bé thơ lúc nào cũng chú ý và thích thú trước mọi vật. Chúng ưa thích những đồ chơi nhiều màu sắc, mà chúng cũng thích chơi với nồi niêu soong chảo, hoặc say mê trút hết đồ trong bóp của mẹ ra sàn nhà. Khi tôi dẫn đứa cháu năm tuổi đến sân vận động Oakland để xem trận đấu bóng chày đầu tiên trong đời nó, trên đường đi nó say mê nhìn những chiếc bánh xe bị lún trong bùn cũng như những cao ốc ở El Cerrito, như là khi nó say mê xem trận đấu bóng vậy. Nó nhìn mọi vật bằng một ánh mắt mới tinh, với một sơ tâm.

Một khóa thiền tập là cơ hội để ta nhìn lại mọi vật với một ánh mắt mới. Trong sự thực tập chánh niệm, vì chúng ta không thêm thắt bất cứ điều gì, vì toàn thể lãnh vực quán chiếu là sự tương tác giữa tâm mình với bất cứ việc gì xảy ra trong giây phút này, nên sẽ không có vấn đề ta say mê những gì mới mẻ. Mới mẻ thì rất thú vị, nhưng rồi chúng cũng sẽ trở thành xưa cũ và nhàm chán. Cái mà chúng ta hy vọng phát triển là một tâm biết say mê với chính cuộc sống này.

Bây giờ bạn hãy đi bộ. Đi bao lâu cũng được, tùy ý và tùy sức của mình. Ngày mai tôi sẽ trình bày với bạn phương pháp thiền hành, tập chú ý đến mỗi cảm giác trong thân khi ta cử động. Bây giờ thì bạn chỉ cần chú ý đến cảnh vật và không gian chung quanh là đủ rồi. Bước đi với một sơ tâm. Hãy nhìn mọi sự vật bằng một ánh mắt mới tinh.

Lời chỉ dẫn và gợi ý

Tôi tham dự khóa thiền tập chánh niệm đầu tiên vào lúc 40 tuổi, và tôi cũng hơi mặc cảm vì mình là người lớn tuổi nhất trong nhóm. Đa số những người trong khoá tu lúc đó vừa trở về từ Á châu. Họ gắp thức ăn bằng đũa, rõ ràng là “hợp thời” hơn tôi. Trong khi những người thầy của tôi đang hành thiền trong những tu viện ở Á châu, thì tôi nằm nhà đọc những tạp chí về phụ nữ và gia đình.

Vì vậy, khi tôi bắt đầu hướng dẫn thiền tập, tôi cố gắng để tránh những lời dạy giống như những lời gợi ý trên các tạp chí phụ nữ, mặc dù tôi thấy cách mình suy nghĩ cũng tương tự như vậy:

“Nếu làm đổ nước nho trên mặt khăn bàn, hãy đổ giấm lên lập tức và mang đi giặt trong nước lạnh ngay.”

“Nếu ngồi thiền mà cứ bị phân tâm, lo nghĩ về chuyện ngoài đời, hãy chọn một đề mục đơn giản, như là hơi thở, và tập trung vào đó.”

“Nếu ta quá tập trung vào một đề mục nào đó, như là hơi thở, khiến mình trở nên buồn ngủ hoặc mê mờ, hãy tập trung đến toàn thân và những cảm giác biến đổi đang khởi lên trong thân, giúp cho sự chú ý của ta lúc nào cũng tỉnh giác.”

Những sự gợi ý ấy rất có ích. Có lần thầy của tôi là Sharon Salzberg hướng dẫn cho tôi cách hành thiền: “Nên làm thêm những cái này” hoặc “Bớt làm những cái kia...”

Tôi nói: “Tôi có cảm tưởng như lúc nào cũng phải điều chỉnh lại tâm mình.”

Sharon đáp: “Tất cả đều là một sự điều chỉnh.”

Chúng ta lúc nào cũng phải sửa chữa và điều chỉnh lại để giữ cho sự thực tập được quân bình, và từ đó mà tuệ giác được phát triển. Nhưng những lời hướng dẫn, gợi ý chỉ là những phương tiện, tự nó không phải là sự thực tập. Khi người ta hỏi tôi con đường tu tập là gì, tôi trả lời rằng tôi thực tập tuệ giác và tâm từ. Và khi người ta hỏi “Bằng cách nào?”, tôi chia sẻ với họ những lời góp ý của tôi.

Hướng dẫn ngồi thiền

Hãy chọn một thế ngồi thoải mái. Bạn có thể ngồi trên ghế, trên sàn nhà, trên toạ cụ, hay bất cứ nơi nào mà bạn có thể buông thư nhưng vẫn giữ được sự tỉnh táo. Có người chọn ngồi thiền trên giường ngủ, họ ngồi thẳng lưng trên chiếc gối ngủ. Hãy chọn một tư thế thích hợp với khả năng của cơ thể bạn.

Sau khi ngồi xuống, hãy dành một vài phút riêng cho việc ổn định lại. Cố gắng ngồi thẳng, giữ cho xương sống được ngay, nhưng để cho thân buông thả một cách tự nhiên và thoải mái. Hãy tưởng tượng toàn thân buông rũ xuống trên bộ xương của mình, giống như một chiếc áo choàng len máng trên một cái móc áo vậy.

Hãy để đôi mắt cảm nhận khung cảnh quanh mình, rồi nhẹ nhàng khép lại. Nếu được, hãy mỉm cười. Điều đó giúp cho tâm bạn được thư giãn. Rồi thì hãy ngồi yên, không cần phải làm gì hết. Âm thanh sẽ đến rồi đi. Tư tưởng cũng đến rồi đi. Bạn vẫn có thể cảm nhận được cơ thể của mình mà không cần phải nhìn thấy nó, vì những cảm giác lăn tăn, nóng lạnh, xúc chạm, rung động và biến đổi trong thân sẽ đến và đi ngang qua ý thức. Đức Phật dạy rằng, những cảm giác trong thân là lãnh vực thứ nhất có thể giúp ta thực tập và phát triển chánh niệm. Trong kinh Tứ niệm xứ, hay Bốn lãnh vực quán niệm, đức Phật dạy rằng cảm giác trong thân có thể được sử dụng như đối tượng hữu hiệu nhất khi ta mới bắt đầu thực tập chánh niệm.

Một lúc sau, nếu bạn ngồi yên, cảm nhận về hơi thở trong thân sẽ tự nhiên đến với bạn. Điều đó có thể được biểu hiện như là một sự chuyển động lên xuống nơi bụng, cũng có thể xuất hiện như là những sức ép ở chung quanh hông. Bạn có thể cảm nhận hơi thở qua cảm giác mát nhẹ ở chóp mũi hay quanh lỗ mũi. Bạn cũng có thể ghi nhận được hơi thở như tiếng vang của cảm xúc toàn thân, mỗi khi hơi thở ra vào. Và khi bạn ghi nhận được nó, trong bất cứ hình thái nào mà hơi thở hiện ra với bạn, bạn hãy có mặt ngay nơi đó. Hãy giữ cho sự chú ý của mình ở với sự chuyển động của hơi thở. Và mỗi khi sự chú ý của bạn bị xao lãng, rời xa hơi thở - chắc chắn điều đó sẽ xảy ra - hãy nhẹ nhàng mang nó trở về với hơi thở, và một lần nữa ở yên nơi đó.

Trước khi ngồi thiền, bạn hãy xác định là sẽ ngồi bao lâu. Lúc mới bắt đầu thì khoảng 30 phút là tốt rồi.

Và bây giờ, hãy bắt đầu đi!

Hỏi: Tôi hơi lẫn lộn ở một điểm này. Tôi tưởng bà nói rằng thiền quán chánh niệm có nghĩa là có ý thức về mọi việc. Tôi tưởng là mình phải chú ý đến mọi việc xảy ra. Bây giờ tôi nghe hướng dẫn là chỉ giữ sự chú ý vào hơi thở mà thôi. Như vậy có mâu thuẫn với lời dạy trước không?

Đáp: Câu hỏi này rất hay. Mới nghe qua thì có vẻ như tôi mâu thuẫn. Nhưng thật ra, chánh niệm chính là sự ghi nhận với tỉnh giác mọi việc xảy ra trong từng giây phút, và trong giây phút này thì có rất nhiều việc đang xảy ra. Tư tưởng liên tục đến và đi. Cảm xúc trong thân - đủ mọi hình thái: rung động, nhịp đập, nóng lạnh, lăn tăn... - theo nhau xuất hiện rồi biến mất. Những xúc cảm, tâm trạng biến đổi xô đẩy nhau đi ngang qua tâm ta. Tâm phán đoán thì không bao giờ ngừng nghỉ: “dễ chịu”, “khó chịu”, “tôi thích cái này”, “tôi ghét cái kia”... mỗi khi có một việc gì khởi lên, cho dù nhỏ bé đến đâu. Kinh nghiệm của ta vô cùng phức tạp, ngay cả khi đang ngồi yên không cử động và đôi mắt nhắm kín.

Và vì vậy mà ta phải bắt đầu bằng sự chú ý đến hơi thở. Bạn có thể xem sự thực tập ý thức về hơi thở như là “chánh niệm tập sự” trên con đường đi đến “chánh niệm thực sự.” Hãy nghĩ đến việc này như một bài thực tập làm quen. Điều ta muốn làm là luyện cho tâm mình một khả năng có mặt lâu bền và rõ rệt với bất cứ kinh nghiệm nào khởi lên. Nếu bạn muốn tung hứng 8 trái banh trên không cùng một lúc, như một nhà chuyên nghiệp, thì trước tiên bạn phải bắt đầu với 2 trái banh. Và điều đó cũng cần có thời gian. Đó là lý do chúng ta bắt đầu chỉ với hơi thở.

Lời hướng dẫn thực hành dễ nhất

Tôi được nghe lời hướng dẫn ngồi thiền đơn giản và dễ hiểu nhất từ thầy Ajahn Amaro, một tu sĩ Phật giáo dạy về thiền chánh niệm. Ông nói: “Hãy để cho thân mình trở về với trạng thái dễ chịu tự nhiên. Và rồi hãy quan sát và chú ý xem bất cứ điều gì khởi lên làm xáo trộn sự dễ chịu tự nhiên ấy.”

Và tôi cũng học được lời hướng dẫn về hơi thở có ý thức từ một kỹ thuật viên chụp quang tuyến khi cô khám nghiệm khối u ngực cho tôi. Tôi nói với cô tôi là một giáo thọ dạy thiền.

Cô ta nói: “Tôi cũng tin vào thiền lắm, tôi đã thực hành thiền trên 20 năm rồi, rất tinh tấn, hiếm khi bỏ sót một ngày nào!”

Tôi hỏi: “Thế cô thực hành như thế nào?”

Cô đáp: “Tôi chú ý đến hơi thở của mình. Tôi thức dậy mỗi sáng, khoác lên người một tấm chăn cho ấm, và ngồi thiền trên giường nửa tiếng. Tôi nhắm mắt lại và cảm giác hơi thở ra vào. Chỉ có vậy thôi. Có những đêm tôi bị mất ngủ, nhưng chỉ cần nửa tiếng ấy của buổi sáng thôi là tôi có thể cảm thấy tươi mới lại hoàn toàn.”

Tôi hỏi: “Cô làm như vậy đều đặn mỗi ngày?”

Cô nói: “Ồ, vậy chứ sao. Trừ khi tôi dậy hơi trễ, gia đình tôi đã thức rồi và có nhiều tiếng động ồn ào. Khi đó thì tôi tập yoga thay thế!”

Không còn lời hướng dẫn nào thực tiễn hơn! - Uống trà

Tôi có cộng thêm giờ uống trà vào chương trình mỗi ngày, bởi vì đó là truyền thống trong những khóa tu thiền chánh niệm. Chỉ có trà thôi. Nếu bạn thích uống trà, hãy pha cho mình một tách trà thơm đi. Uống từng ngụm thư thả. Thưởng thức hương vị của nó. Cảm nhận hơi ấm của tách trà trong lòng bàn tay. Hãy dành trọn thì giờ cho tách trà thơm. Nếu bạn không uống trà thì hãy sử dụng thời gian này, cũng như mọi thời gian khác trong khóa tu, để nuôi dưỡng và phát triển sự tĩnh lặng, định tâm. Ngồi yên. Hãy đem tâm ý trở về tiếp xúc với kinh nghiệm của mình trong giây phút này. Chú ý đến khuynh hướng trong tâm lúc nào cũng hướng về tương lai, về một việc gì sắp đến.

Nếu bạn nôn nóng muốn biết việc gì sẽ xảy ra kế tiếp, mời bạn đọc sang phần tiếp theo.

Không có gì xảy ra nữa hết, chỉ có vậy thôi!

Vài năm trước, tôi có xem một bức biếm họa dán trên bảng thông tin ở một trung tâm thiền tập. Đó là hình vẽ một vị sư ngồi thiền cạnh một thiền sinh, vị sư đang quay sang nói nhỏ với thiền sinh: “Không có gì xảy ra nữa hết. Chỉ có vậy thôi!”

Tôi đoán là tác giả có ý châm biếm việc ngồi thiền, có lẽ người ấy muốn nói là việc ngồi thiền chẳng mang lại ích lợi gì. Nhưng tôi nghĩ, tấm hình biếm họa ấy có chứa đựng một chân lý là “Không có gì xảy ra nữa hết.” Trong lúc này thì chỉ có bây giờ xảy ra mà thôi. Không có gì nữa hết. Và bây giờ, khi ta có thể thấy rõ được nó thì ta có thể chuyển hóa được.

Trên bàn viết của tôi có một trái cầu nhỏ bằng thủy tinh, bên trong có chứa nước và những “bông tuyết”, mỗi khi ta lắc mạnh là những bông tuyết sẽ cuộn xoáy lên như một trận bão lớn, và khi ta để yên nó sẽ lắng trong trở lại. Khi “cơn tuyết” ngừng rơi, bên trong có một anh chàng người tuyết nhỏ đứng nhìn tôi qua bầu thủy tinh. Giữa “trận bão” tôi không hề nhìn thấy được anh. Tôi không có bàn thờ, và tôi không hề xem trái cầu thủy tinh của tôi là một vật gì thiêng liêng hết, nhưng giả sử tôi có một bàn thờ, có lẽ tôi sẽ đặt anh chàng người tuyết của tôi ngay chính giữa.

Có lẽ, một ngày nào đó, tôi sẽ dán một dòng chữ nhỏ ở phía trước “Hãy chờ! Mọi việc rồi sẽ trở nên trong sáng hơn!” Đó là niềm tin của tôi trên con đường thực tập - không phải là một niềm tin phức tạp hay rắc rối, cũng không là một niềm tin huyền bí xa vời, mà là một niềm tin bình thường và thực tế, rằng tâm ta cũng giống như trái cầu thủy tinh ấy, sẽ trở nên lắng trong nếu ta để cho nó yên.

Ngày hôm nay bạn chỉ cần để cho mình được ổn định lại, lắng yên xuống. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu một ngày thiền tập trọn vẹn. Bây giờ mời bạn hãy đi nghỉ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn