(Xem: 1763)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2230)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Phần 03-1_Một ngày thực tập trọn vẹn

23 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 11221)

Phần 03_1

Một ngày thực tập trọn vẹn


Trước giờ ăn sáng - Bài thiền tập về âm thanh

Một phương pháp thiền tập chánh niệm về cảm giác ở thân là tập trung sự chú ý vào âm thanh. Âm thanh cũng như mọi hiện tượng khác sẽ tự nó khởi lên rồi mất đi. Chỉ cần lắng nghe thôi, bạn cũng có thể kinh nghiệm được về vô thường, thay đổi, một trong những nhận thức mà đức Phật dạy rằng rất thiết yếu cho sự phát triển tuệ giác.

Buổi sáng sớm là thời gian tốt nhất cho sự thực tập lắng nghe. Khi âm thanh bắt đầu len lỏi vào không gian tĩnh lặng của một buổi sáng tinh mơ. Ở đồng quê, những âm thanh sẽ là tiếng chim hót, hay những con thú vừa mới thức dậy. Ở thành phố, là những tiếng động của sự nhộn nhịp bắt đầu - tiếng xe đổ rác, những công trình xây cất, tiếng xe cộ. Dầu bạn có ở trên một tầng cao trong một cao ốc khách sạn, cũng có âm thanh của máy lạnh, máy sưởi, tiếng thang máy, ống dẫn nước, tiếng chân người ngoài hành lang...

Hãy ngồi trong một tư thế bạn cảm thấy thoải mái nhưng tỉnh táo. Nhắm mắt lại. Sự vững vàng của tư thế ngồi và đôi mắt nhắm sẽ làm gia tăng khả năng thính giác. Đôi khi người ta ngạc nhiên khi khám phá ra rằng, giác quan của mình có thể trở nên tinh nhạy biết bao khi ta chú ý đến nó.

Sau khi thân bạn được lắng yên, hãy bắt đầu lắng nghe. Bạn không cần phải tìm kiếm gì hết, chỉ chờ đợi. Sự khác biệt ấy cũng giống như giữa một máy ra-đa phát sóng để tìm kiếm một cái gì đó, và một máy thu sóng chỉ ở một chỗ nhưng có khả năng tiếp nhận mọi làn sóng. Nó chỉ chờ đợi. Bạn hãy là một máy thu sóng. Sẵn sàng và chờ đợi!

Lúc đầu có thể bạn nhận thấy mình đặt tên cho những âm thanh như “đóng cửa... thang máy... tiếng chân... chim hót... phi cơ...” Đôi khi bạn đặt tên cho những cảm thọ đi kèm theo với những âm thanh ấy: “chim hót... dễ chịu... tiếng động cơ... khó chịu... tiếng cười... dễ chịu...” Sau một thời gian thực tập, bạn sẽ cảm thấy mình không còn cần thiết phải đặt tên cho chúng nữa. Tất cả sẽ chỉ còn là một ý thức về sự có mặt hay vắng mặt của âm thanh như “nghe... không nghe... âm thanh khởi lên... âm thanh chấm dứt... dễ chịu... khó chịu...”

Bạn có thể thực hành bài thực tập về âm thanh này như một cách đánh thức chánh niệm. Và dù cho bạn thực hành cách nào - đặt tên, không đặt tên, có ý thức về cảm thọ hay không - cũng được. Hãy để cho mọi việc xảy ra tự nhiên. Bạn không cần phải đạt đến một cái gì hết. Chỉ cần lắng nghe.

Ăn sáng

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường ăn sáng trong khi vừa làm một việc gì khác, hay là đang trên đường đi làm một công chuyện gì đó. Buổi sáng nay ta chỉ có ăn sáng thôi. Mỗi khi ta ngồi, chỉ có ngồi; ta đi, chỉ có đi, hay là ta ăn, chỉ có ăn thôi. Tâm ta sẽ lắng yên xuống.

Hãy chú ý đến khuynh hướng của tâm ta lúc nào cũng muốn tìm kiếm sự bận rộn, không yên, nhìn quanh quẩn tìm một chuyện gì đó để theo dõi hoặc suy nghĩ trong khi đang ăn. Đó cũng chỉ là thói quen thôi. Mỗi khi bạn nhận diện và thấy được điều đó là bạn làm cho khuynh hướng ấy giảm đi và ít xảy ra hơn. Khi bạn càng mang sự chú ý tiếp xúc trực tiếp với kinh nghiệm ăn của mình bao nhiêu, bạn sẽ càng cảm thấy nó trở nên thú vị bấy nhiêu.

Bây giờ, bạn hãy ăn chậm rãi, thưởng thức giây phút này.

Ba bài tập ngồi thiền

Bài tập số một

Trong thiền tập chánh niệm, chúng ta thường được hướng dẫn bắt đầu bằng cách chú ý vào hiện tượng hơi thở vào ra trong thân. Thật ra ta có thể thực tập chánh niệm bằng cách chú ý và tập trung trong tĩnh lặng vào bất cứ sự việc nào đang có mặt, nhưng ta bắt đầu với hơi thở vì nó tiện lợi và lúc nào cũng có mặt. Tư tưởng, cảm thọ, tâm trạng và tri giác, chúng đến rồi đi. Nhưng hơi thở thì bao giờ cũng có mặt với ta trong giờ phút này.

Hơi thở bình thường và vô tư. Nó rất bình dị và đơn sơ. Cảm xúc của ta có thể là dễ chịu hoặc khó chịu. Ý nghĩ thì có thể rất hấp dẫn, cám dỗ ta vào những chuyện viễn vông. Hơi thở, với tự tánh bình dị của nó, rất là yên lắng. Thêm vào đó, nhịp điệu ra vào, thay đổi, đến và đi của nó, là một biểu hiện của chân lý vô thường.

Bạn có thể chú ý đến hơi thở trên nhiều nơi khác nhau trong thân. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất mà bạn có thể cảm nhận được hơi thở trong thân, khi bạn ngồi lắng yên. Cảm nhận những rung động vi tế và tiếng vang của mỗi hơi thở khi nó khởi lên và mất đi. Hoặc là bạn cũng có thể chú ý đến cảm giác phồng xẹp ở bụng khi bắp thịt cơ hoành của bạn lên xuống theo mỗi hơi thở.

Bạn cũng có thể cảm nhận cảm giác của hơi thở chung quanh vùng xương sườn mỗi khi bạn thở vào thở ra, và có lẽ bạn cũng cảm giác được những áp lực thật nhẹ ở phía trong của hai cánh tay để bên hông. Hay là bạn có thể cảm nhận được hơi thở rõ rệt nhất ở chung quanh lỗ mũi, một sự rung động vi tế theo mỗi hơi thở ra vào. Đôi lúc, khi không khí bên ngoài lạnh hơn bên trong cơ thể, mỗi khi thở vào, bạn có thể cảm thấy hơi thở của mình được nhiệt độ trong thân làm ấm lên. Và nếu chú ý hơn một chút nữa, bạn có thể cảm nhận được sức ép nhẹ của hơi thở ở môi trên mỗi khi ta thở ra.

Ngồi khoảng hai mươi phút. Chú ý đến bất cứ nơi nào trên cơ thể mà bạn có thể cảm nhận được hơi thở rõ rệt nhất. Mỗi khi bạn ý thức được rằng tâm mình đang bị xao lãng, suy nghĩ xa xôi, hãy mang sự chú ý trở về với hơi thở. Và hãy để mọi việc khác phai mờ vào phía sau bức nền của tâm thức ta.

Hỏi: Hơi thở là đối tượng nhàm chán nhất. Tôi có thể làm gì cho nó trở nên thú vị hơn không? Và có thể nào mọi việc khác phai mờ vào phía sau được chăng?

Đáp: Được chứ! Khi ta thấy được tính chất đặc biệt của mỗi hơi thở thì những việc khác sẽ biến mất vào phía sau ý thức của mình. Tôi khám phá hiện tượng phai mờ vào phía sau này ngay cả trước khi tôi khám phá Phật pháp. Tôi khám phá điều này ở những buổi trình diễn múa ba-lê. Trong thời gian ấy, đứa con gái nhỏ của tôi được đóng một vai trong vở tuồng The Nutcracker. Tôi tưởng tượng rằng mình là một người mẹ có số kỷ lục tham dự những buổi trình diễn nhiều nhất. Nhưng có lẽ là những bà mẹ khác cũng đều có một tưởng tượng ấy như tôi. Khoảng chừng ba mươi đến bốn mươi đứa bé thật xinh vừa đi vừa múa ra sân khấu, chúng khuỳnh gối cúi đầu chào suốt vũ điệu, chúng trầm trồ xem những bụi cây, vỗ tay khen tặng chú gấu biết nhảy múa. Trong suốt buổi trình diễn, phần lớn tôi chỉ nhìn thấy có một nhân vật mà thôi. Có lúc khi tôi phải bước ra ngoài, tôi để ý rằng chung quanh có những chuyện khác xảy ra nữa. Nhưng khi đứa con gái tôi xuất hiện trên sân khấu thì nó nắm bắt ngay sự chú ý của tôi, và tất cả mọi sự vật khác dường như biến mất.

Không phải vì đứa con gái của tôi trang diện đẹp trong một bộ đồ sáng chói, với bộ tóc uốn rất hoa mỹ. Nó trông đẹp thật đấy, nhưng những đứa bé khác cũng đẹp đâu kém gì! Tôi cũng có một kinh nghiệm y như vậy khi nó mặc một bộ đồ bó kín màu đen, đóng vai một cái chân của con rồng tám chân. Mặc dù không biết nó sẽ là cái chân thứ mấy, nhưng nhìn là tôi nhận ra ngay, và nó là cái chân mà tôi theo dõi trong suốt buổi trình diễn. Chúng chỉ là những cái chân trong bộ đồ bó kín màu đen, nhưng sự chú ý của tôi làm cho nó trở nên hấp dẫn phi thường, và tất cả những cái khác đều phai mờ đi hết.

Bài tập số hai

Đây là một phương cách bạn có thể làm cho hơi thở của mình được trở nên thú vị hơn, giúp cho nó được nổi bật lên trong những kinh nghiệm của mình. Bạn hãy ngồi cho yên và ghi nhận sự kiện là cho dù trong một hơi thở bình thường cũng có đi qua rất nhiều những biến đổi vi tế.

Cảm giác của hơi thở “vào” rất khác với cảm giác của hơi thở “ra”. Nếu bạn buông thư và để cho hơi thở được tự nhiên, bạn có thể làm cho sự chú ý được bén nhạy hơn, bằng cách ghi nhận được hơi thở của mình bề ngoài tuy có vẻ đơn sơ nhưng thật ra vô cùng phức tạp và đầy thú vị. Nó kỳ diệu hơn là bạn nghĩ. Bạn cũng có thể ghi nhận rằng hơi thở dường như hơi chậm lại một chút. Điều đó cũng bình thường thôi. Hơi thở bạn chậm lại vì bạn đã ngồi yên, và cũng có lẽ vì tâm bạn đã được yên. Đôi khi, có người sợ rằng hơi thở chậm quá hoặc nhẹ quá khiến cho nó bị mất hẳn đi. Bạn đừng lo, chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra.

Nhắm mắt lại. An nghỉ trong sự nhịp nhàng bình thường của hơi thở, ghi nhận những biến đổi liên tục và vi tế của nó. Hãy ngồi yên trong vòng 20 phút.

Hỏi: Bà nói là hơi thở lúc nào cũng có mặt, nhưng sao tôi bắt đầu nhận thấy có khoảng trống giữa những hơi thở?

Đáp: Tôi rất mừng là bạn đã nhận thấy điều ấy. Nó có nghĩa là bạn bắt đầu có thể buông thư và có một sự chú ý. Thở là một cơ năng hoạt động liên tục, mặc dù nó không hiển lộ ra luôn luôn. Hơi thở đi vào, hơi thở trở ra, và tiếp theo là một khoảng trống. Khi bạn ngồi, hãy thử an nghỉ trong cái khoảng trống ấy. Danh từ chuyên môn trong thiền học gọi đó là “hơi thở trước khi khởi lên.” Ta đừng vội vã thở vào hơi thở tiếp theo - nó sẽ tự khởi lên khi nào đã sẵn sàng.

Khi ta để cho mỗi hơi thở xảy ra tự nhiên, ta sẽ có một cảm giác nhẹ nhàng, thong thả. Sau một thời gian, có thể bạn sẽ khám phá rằng, chẳng những có một khoảng trống giữa hai hơi thở trọn vẹn, mà giữa hơi thở “vào” và hơi thở “ra” cũng có một khoảng trống nữa. Sự thật là, hơi thở “vào” không hề trở thành hơi thở “ra”. Hơi thở “vào”, nếu bạn theo dõi cho sát, sẽ thấy nó hoàn toàn tách biệt và là một kinh nghiệm độc lập. Nó bắt đầu, nó có phần giữa, và nó chấm dứt. Tiếp theo là một khoảng cách nhỏ. Theo sau khoảng trống ấy, hơi thở “ra” khởi lên, nó có một cực điểm và rồi lại hoàn toàn biến mất. Bây giờ thì bạn đã bắt đầu nhận thấy được những khoảng trống rồi, hơi thở chắc chắn sẽ trở nên có nhiều thú vị hơn.

Bài tập số ba

Hãy an trú trong mỗi hơi thở đang khởi lên. Hãy an trú trong mỗi hơi thở chưa khởi lên. Ngồi trong vòng 20 phút.

Hỏi: Tôi nghe nói là thiền sinh thực tập trong khoá tu thiền chánh niệm được yêu cầu đừng viết nhật ký. Có đúng vậy không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhật ký thì hay lắm, nhưng trong thời gian này nếu bạn viết nhật ký, bạn sẽ phải suy nghĩ về những gì đã xảy ra mà đánh mất đi những gì đang có mặt trong giờ phút hiện tại. Thiền chánh niệm có nghĩa là thực tập có mặt trong giờ phút này, bây giờ và ở đây.

Có một cô thiền sinh chia sẻ về bà mẹ 86 tuổi của cô đang sống trong một nhà dưỡng lão. Những ông bà cụ khác ở chung, lúc nào cũng kể lể và tiếc nhớ về cuộc đời của họ, nhất là về những thành đạt đặc biệt của mình. Cô ta kể: “Mẹ tôi đã sống một đời rất trọn vẹn. Bà có biết bao chuyện để kể. Nhưng bà không hề nói. Nhiều khi bà nói lớn lên trong khi mọi người kể lể khiến tất cả phải dừng lại: “Các anh chị nghe đây, việc gì đã xảy ra thì đều là đã rồi!”

Hỏi: Nhưng nếu tôi có một ý tưởng gì thật hay thì sao? Tôi có thể ghi nó lại không?


Đáp: Nếu nó thật là hay, bạn sẽ nhớ nó!

Hỏi: Nhưng nếu đó là một vấn đề quan trọng hoặc một ý tưởng rất kỳ diệu?

Đáp: Bạn có thể ghi lại, nhưng chỉ ngắn gọn thôi.

Tự nói với chính mình

Trong kinh Tứ niệm xứ (Bốn lãnh vực quán niệm), đức Phật dạy những phương pháp thực tập chánh niệm. Nhưng theo những hướng dẫn ấy thì có vẻ như hành giả đi đâu cũng phải lẩm nhẩm tự nói với mình. Trong kinh, đức Phật nhắc nhở chúng ta lúc nào cũng ghi nhận: “Thở vào một hơi thở dài, người ấy biết: ta đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi thở dài, người ấy biết: ta đang thở ra một hơi dài.” Những lời hướng dẫn ấy được ghi trong dấu ngoặc kép, nên có vẻ như là lời thiền sinh tự nói thầm với mình.

Ngày nay, có nhiều vị thiền sư dạy chúng ta một phương cách gọi là “ghi nhận thầm” để thực tập chánh niệm. Vì thấy phương pháp này rất hữu dụng nên tôi cũng thường khuyên các thiền sinh nên thực tập. Ghi nhận thầm thì cũng giống như những lời bình thuật liên tục về kinh nghiệm của mình trong giờ phút hiện tại, nhưng nó cũng có thêm một số những đặc tính riêng nữa.

Trước nhất, nó không ồn ào quá. Nó chỉ là một sự ghi nhận đơn giản, gọi tên trong thinh lặng về một kinh nghiệm của mình trong giờ phút hiện tại. Ta niệm thầm “Tôi ngồi,” hoặc “ngồi,”. Đó là sự ghi nhận vắn tắt của ý nghĩ “Tôi có ý thức rõ về những cảm giác trong thân của mình và biết rằng tôi đang ngồi. Tôi cảm giác là mình đang ngồi.”

Đặc tính thứ hai của sự ghi nhận thầm là, mặc dù nó có thể giúp cho sự thực tập của ta được liên tục, nhưng không nhất thiết phải là luôn luôn. Nó không phải là những lời vu vơ vô ích. Một sự ghi nhận “Tôi đang ngồi” cũng có thể là đủ rồi, miễn là ý thức của ta ở yên với cái cảm giác là mình đang ngồi đó. Và nếu trong khi đang ngồi, ta có một cảm giác hoan hỷ nào đó khởi lên trong tâm, ta sẽ ghi nhận thầm “Tôi cảm thấy hoan hỷ” hay “hoan hỷ” là đủ rồi.

Cũng có nhiều thiền sinh hỏi tôi: “Tại sao tôi lại phải nói cho mình biết chuyện gì đang xảy ra? Lẽ dĩ nhiên là tôi biết chuyện gì đang xảy ra rồi! Nó xảy ra cho tôi chứ có ai khác đâu. Tôi cảm thấy hơi ngu ngốc một chút khi phải đặt tên cho những kinh nghiệm của mình như vậy. Nó có ích lợi gì không?”

Tôi đáp, sự ghi nhận thầm có hai lợi ích chánh. Trước hết, nó giữ cho sự chú ý của ta được tập trung vào việc ấy, và kế đến nó giúp cho ta có thể kinh nghiệm được cái tính chất tạm bợ của mọi hiện tượng một cách trực tiếp. Ví dụ như trong khi ngồi tôi có những sự ghi nhận như sau “ngồi... sức ép... tê ngứa... hỷ lạc... hạnh phúc...” Những giây phút ý thức liên tục, cùng với một trạng thái càng lúc càng tĩnh lặng, tất cả những cái đó mang lại cho ta một tuệ giác về tính chất vô thường, luôn biến đổi của mọi kinh nghiệm.

Lẽ dĩ nhiên những ghi nhận này chỉ là một ví dụ mà thôi. Đức Phật dạy ta phải biết chú ý đến mọi hoàn cảnh, trong mọi trường hợp - đi, đứng, nằm, ngồi - tất cả đều là những phương tiện giúp ta phát triển sự tỉnh giác. Ta ghi nhận như thế nào, dùng chữ gì, cái đó hoàn toàn không quan trọng; chúng sẽ thay đổi, điều đó mới quan trọng.

Bây giờ bạn hãy tiếp tục thực tập, sử dụng những lời hướng dẫn kế tiếp trong khi đi kinh hành. Dùng phương pháp ghi nhận thầm để giữ cho sự chú ý của mình được tập trung và rõ rệt. Nhưng bạn cũng không cần thiết phải ghi nhận hết tất cả mọi sự việc xảy ra. Việc ấy chỉ biến bạn thành một người bận bịu liệt kê danh sách hơn là một thiền sinh. Đức Phật dạy rằng trong mỗi một kinh nghiệm có tới 17 triệu sát-na tâm có mặt. Đừng mong gì ta có thể ghi nhận được hết!

Hướng dẫn kinh hành

Bạn hãy tìm một nơi nào có thể đi tới đi lui, nên riêng biệt và không rắc rối quá. Đoạn đường đi có thể chừng 3 đến 6 thước. Nếu bạn đi ngoài trời, nên chọn một nơi vắng vẻ để không cảm thấy ngượng nghịu, mất tự nhiên. Nếu bạn đi trong nhà, hãy chọn một khoảng trống đủ rộng, hoặc dọc theo hành lang. Và rồi bạn có thể tập trung hết tâm ý của mình vào những cảm giác nơi bàn chân trong mỗi bước đi.

Nên nhớ, đây là sự thực tập chánh niệm và an tĩnh chứ không phải một bài tập đi. Bạn không cần phải bước đi theo một cách khác thường nào cả. Cũng không cần phải bước sao cho đẹp hoặc cân bằng. Đơn giản là đi bộ thôi. Chỉ có chút khác biệt là ta bước hơi chậm hơn, còn ngoài ra tất cả đều bình thường.

Bạn bắt đầu việc kinh hành bằng cách đứng yên trong một thời gian ngắn tại điểm khởi đầu. Nhắm mắt lại. Cảm nhận được toàn thân đang đứng yên đấy. Có người bắt đầu bằng cách chú ý đến cảm giác ở đỉnh đầu, và rồi từ từ chú ý xuống toàn thân, từ đầu xuống qua hai vai, hai tay, toàn thân hình, đôi chân, và cuối cùng là cảm giác hai bàn chân tiếp xúc với mặt đất. Chúng có thể là cảm giác sức ép của bàn chân chạm trên mặt đất, một cảm giác “cứng” hoặc “mềm” tùy nơi bạn đứng.

Bạn bắt đầu bước tới. Hãy mở mắt, điều đó giúp ta giữ được thăng bằng. Tôi thường bắt đầu bằng những bước đi theo nhịp dạo chơi bình thường, và sự giới hạn của con đường cũng như sự quay lại thường xuyên sẽ dần dần làm cho cơ thể tôi chậm rãi lại, theo mỗi bước chân. Những bước chân của tôi, tự chúng sẽ chậm lại một cách rất tự nhiên. Tôi nghĩ, khi tâm ý không còn một sự thúc giục nào, nó sẽ tự động chuyển sang một nhịp điệu thấp hơn. Có lẽ cái động cơ ham muốn, lúc nào cũng tìm kiếm một cái gì mới lạ để thoả mãn, cuối cùng đã hiểu ra được rằng ta thật sự không có một nơi nào cần để đến hết.

Khi bạn đi theo một nhịp dạo chơi bình thường, sự chú ý, tầm quan sát của bạn sẽ có tính cách tổng quát và chi tiết. Khi bạn đi chậm lại, tầm quan sát của bạn sẽ trở nên thu nhỏ lại và chủ quan hơn. Nếu ta có thể theo dõi được những sự ghi nhận của một hành giả trong lúc thực tập kinh hành, chúng có lẽ giống như thế này:

Theo nhịp đi dạo bình thường: “Bước... bước... bước... bước... hai tay đưa... đầu cử động... mỉm cười... nhìn... đứng lại... quay người... tiếng chim hót... bước... bước... mấy giờ rồi nhỉ... mình nghĩ là việc này thật buồn chán... bước... bước... hai tay đong đưa... cảm thấy lạnh... cảm thấy nóng... trong bóng mát, đỡ quá... đi trong bóng mát thôi... bước... bước...”

Theo nhịp bước chậm lại: “Sức ép dưới bàn chân... sức ép... sức ép đi mất... sức ép trở lại... sức ép biến chuyển... nhẹ... nặng... nhẹ... nặng... nhẹ... À! Bây giờ thì tôi hiểu rồi! Bây giờ thì tôi đang thật sự có mặt đây! Ồ! Mình lại lo ra nữa rồi... thôi bắt đầu lại... Sức ép dưới bàn chân... sức ép biến chuyển... nhẹ... nặng... nhẹ... nặng... nghe nóng... lạnh”

Chậm không nhất thiết là tốt hơn nhanh. Chỉ khác nhau thôi. Tất cả đều biến đổi, cho dù nhanh hay chậm. Ta có thể trực tiếp kinh nghiệm được tính chất tạm thời của mọi hiện tượng trong khi đi dạo bình thường, hoặc trong những bước chân chậm rãi có cố ý. Bạn hãy tự chọn cho mình một tốc độ nào có thể giúp giữ cho sự chú ý của bạn được lâu dài và dễ dàng nhất. Nếu cần bạn cứ việc đi nhanh hơn hoặc chậm lại.

Bây giờ, ta hãy bắt đầu tập kinh hành. Khởi đầu, bạn có thể đi trong vòng 30 phút. Nếu đồng hồ đeo tay của bạn có báo hiệu thì bạn có thể điều chỉnh cho nó báo hiệu sau 30 phút. Trong khi đi, bạn hãy ghi nhận xem có bao nhiêu lần cái ý muốn xem giờ khởi lên. Và đừng làm gì hết. Cứ tiếp tục đi. Nhờ vậy, ngoài việc thực tập chánh niệm và tĩnh lặng, bạn còn thực tập được sự buông bỏ, một yếu tố rất chủ yếu cho sự giác ngộ.

Một bài thiền tập khác về niệm hơi thở

Ngồi xuống và cảm nhận toàn thân mình đang ngồi đó. Bạn sẽ khám phá rằng, mình có thể biết được thân mình đang ở một vị trí nào mà không cần mở mắt nhìn. Những cảm giác phản hồi từ cơ thể bạn, hằng triệu những cảm giác li ti, sẽ báo cho bạn biết rõ thân bạn đang ở đâu và trong một tư thế ngồi như thế nào. Bạn biết rõ hai chân có xếp lại không và hai tay đang để đâu. Không cần phải nhìn.

Cảm nhận toàn thân. Nếu bạn muốn, hãy để cho sự chú ý đi từ đỉnh đầu xuống mặt, cổ, xuống hai vai, xuống thân, rồi qua hai tay, xuống bàn tọa. Cảm nhận được rõ rệt là mình đang ngồi. Bạn biết là mình đang ngồi vì bạn cảm giác được sức ép dưới mông. Hãy ý thức đến cảm giác ở hai đùi, hai đầu gối, bắp chân, mắt cá, và bàn chân. Bạn hãy thử cảm nhận, hết một lần, trọn vẹn cái cảm giác toàn thân mình đang ngồi. Cảm giác được hết toàn vẹn con người của mình, toàn thân của mình, trong một tư thế ngồi. Thân của tôi đang ngồi đây, trên tọa cụ, trên sàn nhà, trên ghế, trên giường... hay bất cứ một nơi nào đó mà nó đang ngồi. Cảm giác trọn vẹn hết toàn thân của mình. Nó sẽ báo cho bạn biết nó đang ở đâu, trong tư thế nào, bằng hàng trăm ngàn cảm giác có mặt trong thân.

Trong khi đang ngồi, có thể những cảm giác về hơi thở ra vào trong thân sẽ trở nên nổi bật hơn. Bạn hãy thử giữ cho cả hai, một ý thức trọn vẹn về tất cả những cảm giác nào đang có mặt trong thân, và cái ý thức riêng biệt về sự đến và đi của hơi thở, cảm xúc ra vào của nó, được có mặt trong cùng một lúc. Được như vậy, thân của bạn sẽ trở thành một tấm khung nền tảng mà trong đó hơi thở đến và đi.

Tính chất đều đặn và có thể đoán trước được của hơi thở có công năng mang lại sự tĩnh lặng trong tâm ta. Một cái nhìn toàn diện về sự luân chuyển của hơi thở trong thân là một ví dụ giúp cho ta thấy được ngay hiện tượng của sự sinh lên và diệt đi. Hiện tượng sinh diệt ấy có mặt trong mọi kinh nghiệm của đời sống, và nó cũng là tuệ giác căn bản của phương pháp thiền quán này.

Nhắm mắt lại. Cảm giác được toàn thân mình, cảm giác được hơi thở khởi lên và qua đi trong phạm vi của thân. Nếu muốn, để giúp cho sự chú ý được tập trung và an tĩnh với kinh nghiệm đó, hãy ghi nhận thầm trong tâm: “Hơi thở xuất hiện, hơi thở qua đi; hơi thở xuất hiện, hơi thở qua đi...” Hãy ngồi trong khoảng 20 phút

Hỏi: Tôi cố gắng buông thư và tập trung vào hơi thở, nhưng tôi không thể không nghĩ đến một vấn đề mà tôi đang gặp phải trong cuộc sống. Có lẽ tôi nên thử tìm hiểu vấn đề ấy và tìm cách giải quyết, nhất là bây giờ tôi đang có nhiều thì giờ...

Đáp: Các thiền sinh đến tham dự những khóa tu thường nghĩ rằng: “Cuối cùng thì mình được rảnh rang đây, bây giờ mình sẽ có nhiều thì giờ để tìm hiểu và giải quyết được vấn đề ấy.” Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Nếu ta có thể tìm hiểu và giải quyết được vấn đề thì điều đó đã xảy ra trước rồi, chứ đâu cần phải chờ đến một khóa tu? Và trong khi ngồi thiền, nếu có một giải pháp nào khởi lên, thì thường đó là một hình thức khai ngộ hơn là kết quả của sự tìm hiểu và phân tách.

Và cho dù ta có dự tính hay không, những vấn đề, những lo nghĩ của ta sẽ tìm đủ mọi cách để chen lấn vào tâm ý. Bất cứ khi nào tâm ta có một khoảng trống, là những ý nghĩ tiếc nuối về quá khứ hoặc mơ tưởng về tương lai sẽ tự động xen lấn vào, tràn ngập.

Giả sử bạn thuê một đĩa phim, cho vào đầu máy DVD và ngồi xuống xem. Sau khoảng 10 phút, bạn nhận ra rằng mình đã xem phim này rồi, thậm chí đã xem qua đến hai lần rồi, nhưng bạn thuê lại lần thứ hai vì cái hình bìa rất hấp dẫn của nó. Trong trường hợp này, chắc bạn sẽ lấy đĩa ra khỏi máy, để nó trên bàn cho dễ nhớ mà đem trả, và đi đọc một quyển sách.

Hoặc cũng có thể bạn nhận ra rằng trong đĩa phim ấy không chỉ có 10 phút đầu là giới thiệu những phim sắp trình chiếu, mà cả đĩa phim đều là giới thiệu về những phim sắp chiếu. Có lẽ bạn sẽ bực mình và nhàm chán. Bạn tắt máy và đi tìm một việc gì khác để làm.

Nhiều khi chúng ta quên rằng, trong tâm mình cũng có một nút bấm thay đĩa, dành cho những câu chuyện trong đầu. Chúng ta lặp lại chuyện xưa rồi tiếc nuối, ta tưởng tượng đến tương lai rồi tập dượt đối phó, không ngừng nghỉ. Ta chỉ thoáng có mặt trong giờ phút hiện tại mà thôi, trên con đường đi từ tiếc nuối quá khứ sang chuẩn bị cho tương lai, ta không có thì giờ để thở. Nhưng khi ta dừng yên lại trong giờ phút hiện tại, mọi việc sẽ trở nên sáng tỏ. Ta sẽ làm những gì mình cần làm, hay có thể làm được, và rồi tiếp tục. Chuyện quá khứ đã thuộc về quá khứ. Chuyện tương lai chỉ là giả tưởng. Đôi khi chúng ta cũng cần phải chuẩn bị, sửa soạn cho tương lai, nhưng thường là không nhiều như ta nghĩ. Hơn nữa, dự tính nào cũng có thể đổi thay.

Trong sự thực tập, bạn nên chú ý đến những cách mà các câu chuyện phát khởi lên trong tâm mình, rất là bất nhất. Nó cũng giống như một chiếc máy ti-vi bất kỳ, tự động mở lên bất cứ lúc nào theo sở thích của nó. Bạn có thể đang ngồi yên, an trú trong hơi thở ra vào, hay là đang đi kinh hành, an tĩnh theo dõi và cảm nhận từng bước chân, thì bất chợt không biết từ đâu xuất hiện ra câu chuyện “Những thất bại tình cảm,” hoặc là “Làm sao thoát khỏi công việc nhàm chán?”... Lẽ dĩ nhiên, bạn cần phải biết tại sao con đường tình cảm của mình bị thất bại, để không lặp lại nữa. Lẽ dĩ nhiên, nếu công việc làm không thích hợp, và có thể thay đổi được, bạn nên dự tính tìm một việc khác... Nhưng những chuyện đó không phải là cần làm bây giờ.

Đây là lời hướng dẫn. Mỗi khi bạn nhận thấy một câu chuyện nào sắp sửa bắt đầu, bạn hãy nói với nó, và tự bảo mình: “Không phải bây giờ.” Đôi khi chỉ cần bấy nhiêu thôi là đủ rồi. Không phải bạn trốn tránh vấn đề đâu! Bạn sẽ nhận diện nó, nhưng không phải là lúc này. Trong giờ phút này bạn đang thực tập và nuôi dưỡng một sự tĩnh lặng. Và bạn cũng nên nhớ rằng, sự tĩnh lặng sẽ giúp ta nhìn vấn đề với một ánh mắt mới, và nhờ vậy mà phương cách giải quyết cũng sẽ hiển lộ rất tự nhiên.

Cũng có đôi khi một sự từ chối nhẹ nhàng là không đủ. Câu chuyện vẫn cứ ngoan cố tiếp tục. Tôi có một phương cách dự phòng khác. Tôi thừa nhận sự có mặt của nó, ghi nhận và phân loại nó, và tôi tự hứa rằng: “Trên đường về tôi sẽ suy nghĩ việc này. Nhưng không phải là bây giờ!”

Không có gì đáng để suy nghĩ

Trong 5 năm đầu, sự thực tập thiền quán của tôi rất dễ chịu và thú vị, mặc dù không có gì đáng nhớ cả. Tôi rất thích tham dự những khóa tu. Tôi thích được ngồi yên. Tôi thích những món ăn chay. Tôi thích nghe kể những mẩu chuyện về đức Phật. Và tôi rất yêu quý ý tưởng rằng, ta có thể sống an lạc và thảnh thơi, cho dù hoàn cảnh chung quanh có ra sao đi chăng nữa.

Mặc dù trong những khóa tu tôi theo rất sát với chương trình - ngồi thiền, kinh hành, ngồi thiền, kinh hành... - nhưng tâm ý của tôi thì phóng đi chu du khắp mọi nơi. Thú thật, bây giờ nhìn lại thì có lẽ là tôi đã có nhiều suy tư và mơ tưởng trong đầu khi ở trong khóa tu hơn cả khi sống trong cuộc sống hằng ngày. Và lý do đơn giản là trong khóa tu tôi có nhiều thời giờ để suy nghĩ hơn! Ở nhà thì tôi có bao nhiêu chuyện để làm, bận rộn phải giải quyết. Ở khóa tu thì tâm tôi được rảnh rang, tự do sáng tạo ra đủ mọi câu chuyện. Và tôi đã làm việc ấy.

Thế rồi một ngày kia, tôi đang đi trên một con đường nhỏ, có lẽ trong đầu mãi mê theo dõi một câu chuyện nào đó. Vị thầy của tôi là Joseph Goldstein đi ngược lại và đang nói chuyện với một thiền sinh. Tôi không nghe rõ họ trao đổi về vấn đề gì, nhưng khi họ đi ngang qua, tôi nghe Joseph nói: “Anh hãy nhớ này, không có chuyện gì đáng để suy nghĩ cả!”

“Không có chuyện gì đáng để suy nghĩ cả!” Tôi cảm thấy choáng váng. Tôi đã bỏ cả cuộc đời mình suy nghĩ về đủ mọi chuyện. Tôi xuất thân từ một gia đình “nổi tiếng” về suy nghĩ. Tôi rất hãnh diện về những suy nghĩ của mình. Và tôi cũng biết rằng Joseph là một người suy nghĩ rất sâu sắc. Tại sao ông ta lại có thể nói như vậy?

Có lẽ nhờ nhân duyên và điều kiện đã đầy đủ, nên tôi đã thật sự hiểu được điều Joseph muốn nói. Nếu mục đích của sự thực tập là để thấy được giây phút này, cũng như trong mỗi giây phút khác, một sự thật về sinh diệt, về những biến đổi, một sự thật về vô thường, thì tôi cần phải có mặt ngay ở đây và trong giây phút này, để thấy nó. Những câu chuyện, những mơ tưởng bao giờ cũng chỉ là những dàn dựng của tâm ý về những quá khứ huyền thoại hoặc một tương lai giả tưởng. Chúng không có mặt ở nơi đây!

Và từ đó tôi phát nguyện không tự kể chuyện cho tôi nữa. Nhưng không phải là sẽ không bao giờ, mà ít nhất cũng là trong những khóa tu thiền, hoặc trong khi đang thực tập. Đây cũng không phải là một lời nguyện chấm dứt hết mọi suy nghĩ, vì có những nhận thức cần thiết cho ta như là “bước đi, dừng lại, đói, mệt mỏi”, chúng cũng là ý nghĩ vậy. Lời nguyện của tôi là chấm dứt những ý nghĩ lan man, không đâu ra đâu hết, và chính những ý nghĩ đó làm thành các mẩu chuyện trong đầu ta.

Khi tôi lập lời nguyện ấy xong, kinh nghiệm thiền tập của tôi thay đổi một cách đột ngột. Tôi cương quyết, trong lúc ngồi thiền, tôi sẽ không để sự chú ý rời xa hơi thở của mình. Những giây phút đầu rất khó khăn. Nhưng chỉ một chút sau, tôi khám phá là mình có thể thư giãn được. Không phải vì tôi bắt tâm ý mình phải phục tùng theo, nhưng là vì hơi thở trở nên thú vị hơn. Thật ra, hơi thở rất nhiệm mầu. Và, bạn có tin không, hơi thở còn rất quyến rũ nữa. Và đó là khi mà sự thực tập của tôi thật sự bắt đầu.

Nhiều năm sau, tôi kể lại cho Joseph nghe về kinh nghiệm chuyển hóa lớn này trong trong sự thực tập của tôi. Ông đáp: “Có lẽ ý tôi không phải nói ‘không có gì đáng để ta suy-nghĩ,’ mà ý tôi là ‘không-có-gì đáng để ta suy nghĩ!’ Thật ra, hai điều đó khác nhau nhiều lắm, nhưng đó là một chuyện khác.”

Bây giờ chúng ta hãy ngồi trong vòng 30 phút.

Hướng dẫn thêm về thiền hành

Khi còn ở đại học, tôi có sử dụng một chiếc kính hiển vi với ba loại thấu kính khác nhau để quan sát một vật mẫu. Tôi thường bắt đầu với một thấu kính có mức độ phóng đại thấp nhất để xem lướt qua, rồi sau đó từ từ chuyển sang những thấu kính mạnh hơn để quan sát tinh tế và thấy nhiều chi tiết hơn. Nhiều khi, vật mẫu bị trượt qua khỏi tầm quan sát vừa khi tôi mới điều chỉnh được rất rõ vào tiêu điểm của nó. Trong trường hợp này, tôi phải đi ngược trở lại và bắt đầu lại lần nữa.

Nhiều năm sau, tôi áp dụng phương pháp này vào cách thiền hành. Dưới đây là những hướng dẫn thêm về phương pháp thiền hành. Chúng rất thích hợp khi bạn thiền hành ngoài trời, giữa những làn gió mát trong không không gian và ánh nắng ấm. Nhưng nếu không đi ngoài trời thì trong thiền đường cũng được.

Ta bắt đầu với toàn thân chú ý đến kinh nghiệm chung quanh. Cảm nhận được nhiệt độ của không khí trên da mình. Nếu có làn gió nhẹ, cảm nhận hơi gió xúc chạm trên thân. Ngửi không khí. Lắng nghe âm thanh quanh ta. Tưởng tượng đôi mắt mình như những ống kính có góc độ rộng, và để cho chúng tiếp thu toàn cảnh chung quanh. Cảm nhận được thân ta lướt đi trong không gian. Ghi nhận hết những động tác tự nhiên của những bộ phận khác nhau trong cơ thể, nhưng không hề có một ý thức nào về tự ngã. Hai cánh tay đong đưa hai bên. Hông cử động tự nhiên. Sự quân bình chuyển đổi. Ta không cần có một sự tính toán nào mới bước đi được. Một khi ta đứng dậy với một tác ý muốn đi, cái đi sẽ tự động xảy ra.

Đi tới lui trên khoảng đường thiền hành, cảm nhận được sự đi ấy bằng toàn thân. Sau một thời gian, chừng 10 phút, chuyển sự chú ý xuống cảm giác ở đôi chân. Rồi một lúc sau, giới hạn sự chú ý chỉ vào đôi bàn chân mà thôi. Có lẽ vào lúc này, bạn có thể chú ý được rõ rệt vào cảm giác dưới bàn chân: “sức ép nặng... sức ép nhẹ... nặng... nhẹ...”

Giữ cho sự chú ý vào cảm giác của đôi bàn chân thật rõ rệt, trong khi sự tập trung vẫn vững vàng. Đến một lúc, sự chú ý của ta sẽ bắt đầu xao lãng: “Rồi làm gì nữa đây?” “Vậy rồi sao nữa?” “Hơi lành lạnh rồi đây, mình cần mặc áo vào”... Khi việc này xảy ra, bạn hãy trở lại và mở rộng tầm chú ý ra. Cảm nhận toàn thân đang đi. Cảm giác được hơi gió nhẹ, ngửi không khí, lắng nghe... Và khi nào sự tập trung đã vững vàng, bạn sẽ bắt đầu trở lại tiếp xúc với cảm giác ở bàn chân. Thay đổi phạm vi chú ý để thích ứng với mức độ tập trung sẽ giúp ta duy trì được sự an tĩnh trên đường thực tập. Điều quan trọng trong sự thực tập là tỉnh thức. Bạn nên nhớ là chúng ta thực tập để có nhiều chánh niệm và tỉnh thức, chứ không phải để trở thành những chuyên gia đi bộ.

Tôi đoán có lẽ chiếc kính hiển vi của tôi ở đại học ngày nào bây giờ không còn ai dùng nữa. Có lẽ nó đã trở thành một món đồ cổ. Bây giờ người ta quan sát các vật mẫu bằng những kính hiển vi điện tử, và chúng tự động được phân tách bằng những máy điện toán tối tân. Nhưng phương cách ấy vẫn còn rất hiệu quả trong cách thiền hành của chúng ta.

Bây giờ, bạn hãy tập theo hướng dẫn này đi.

Không có một thời gian nào ở giữa

Thiền chánh niệm là một sự thực tập chú tâm liên tục, an tĩnh và tập trung vào mọi sinh hoạt, thỉnh thoảng được ngắt quãng bằng những thời ngồi thiền và thiền hành. Những thời ngồi thiền và thiền hành mang lại cho ta một sự sáng tỏ, và chúng giúp ta giữ cho sự thực tập được liên tục. Và cuối cùng tôi hiểu được điều ấy sau nhiều năm thiền tập, khi cuộc sống hằng ngày trở thành sự thực tập của tôi.

Tôi biết ơn ngài U Pandita, một thiền sư Miến Điện đã cho tôi thấy được điều này. Phương cách trình pháp của ngài giúp cho tôi thấy được đầu mối ấy. Mỗi khi vào trình pháp, ngài thường hỏi: “Khi ngồi thiền quý vị có chánh niệm bao nhiêu?” “Khi đi kinh hành quý vị có chánh niệm bao nhiêu?” và “Trong thời gian còn lại ở giữa quý vị có chánh niệm bao nhiêu?”

Một ngày nọ, trong khi tôi sắp sửa vào trình pháp với ngài U Pandita, tôi chợt ý thức rằng trong một khóa tu, cái thời gian “ở giữa” cũng nhiều như khoảng thời gian ngồi thiền và kinh hành. Đột nhiên, những sinh hoạt tầm thường tôi vẫn làm như là ăn uống, tắm rửa, xếp giường... trở thành rất quý giá. Di chuyển giữa những sinh hoạt cũng trở thành quan trọng như chính những sinh hoạt ấy. Thay vì đứng ngay dậy khỏi toạ cụ và vội vã đi đến nơi thiền hành, tôi để cho chính hành trình ấy tự nó trở thành một sự thực tập. Và nếu như tôi có đến nơi thiền hành chậm trễ, và phải quay trở lại để ngồi thiền, cũng không sao cả.

Tôi cảm thấy rất hạnh phúc với khám phá mới này, vì nó có nghĩa là tôi lúc nào cũng thực tập, và tôi không bao giờ cần phải làm gì đặc biệt cả. Sự sống của tôi sẽ tiếp tục tự nó khai mở như nó đã từng. Tôi chỉ cần có mặt ở đó.

Vì thế, không có một thời gian nào ở giữa cả. Sửa soạn thực phẩm, chờ đợi đến giờ, và ngồi ăn trưa... tất cả đều là những cơ hội tốt cho ta thực tập chánh niệm.

Giới thiệu về thiền tập trong khi ăn

Bây giờ chúng ta chuẩn bị ăn trưa, đây là lúc tốt nhất để giới thiệu đến quý vị lãnh vực thứ hai của chánh niệm. Lãnh vực thứ nhất mà ta có thể giữ chánh niệm là thân, và lãnh vực thứ hai là cảm thọ. Đức Phật dạy rằng, trong ta lúc nào cũng có mặt ba loại cảm thọ trong mỗi giây phút kinh nghiệm - dễ chịu, khó chịu và trung hòa. Đó là sự thật.

Sự thực tập của ta không phải là làm sao để mọi việc trở nên vô vị, khiến chỉ còn lại một cảm thọ trung hòa mà thôi. Mà sự thực tập của ta là ý thức được những cảm thọ dễ chịu và khó chịu, để chúng bớt sai sử và kiểm soát ta như chúng vẫn thường làm. Và cũng vậy, những sắc thái của cảm thọ lúc nào cũng luôn biến đổi. Cũng như những cảm giác trong thân, chúng mang lại cho ta những cơ hội để thấy rõ được tính chất vô thường thấm nhuần trong mọi hiện tượng và kinh nghiệm.

Thời gian ăn là thời gian tốt nhất trong khóa tu để chúng ta chú ý đến những cảm thọ dễ chịu và khó chịu. Tôi nghĩ vậy, vì giờ ăn hứa hẹn rất nhiều những khoái cảm thuộc giác quan hơn bất cứ thời gian nào khác trong khóa tu. Thật ra, chỉ mong đợi đến giờ ăn thôi, cũng đủ để kích thích, đánh thức những chức năng tỉnh thức trong ta, ngay cả trước khi bữa ăn bắt đầu.

Tôi có một thông lệ riêng trong những khóa tu, là vào giờ ăn lúc nào tôi cũng đến xếp hàng sau chót trước khi vào phòng ăn. Trong thời gian đứng xếp hàng chờ đợi này, tôi có thể thực tập chánh niệm rất nhiều. Tôi có thể ý thức rằng mình đã bắt đầu có nhiều nước bọt trong miệng, tôi có thể ý thức được sự nôn nóng khi thấy có một thiền sinh lấy quá nhiều đồ ăn bỏ vào đĩa của cô ta. Tôi bắt đầu lo lắng rằng sẽ không còn lại đủ cho mình. Tôi có thể ghi nhận được sự thất vọng khi thấy một thiền sinh đi ngang qua, và món ăn chánh trên đĩa hôm nay là món cần tây. Tôi đặc biệt chọn đứng ở cuối hàng, vì tôi biết rằng năng lượng chánh niệm của tôi trong khi chờ đợi sẽ rất cao, bởi những kích thích giác quan qua mùi thơm, màu sắc và nước bọt.

Nếu bạn phải tự nấu ăn trong khóa tu, bạn có thể quan sát những tư tưởng của mình. “Mình nên ăn cái này bây giờ hay để dành lại ngày mai?” “Không biết có mang đủ đồ ăn không đây?” “Tại sao mình lại mang bông cải xanh theo làm gì, mình có ăn thứ này bao giờ đâu!” “Ồ, lại quên chai ớt ở nhà rồi!” Bạn nhớ cố gắng đừng ăn gì hết trong khi sửa soạn. Tôi biết điều này đòi hỏi một sự tự chủ, nhưng đó cũng là một sự thực tập. Sự tự chủ mang lại cho ta một tâm ý tĩnh lặng. Thường ngày thì ta hay có thói quen nhâm nhi một chút trong khi nấu ăn. Trong khóa tu, hãy giữ gìn chánh niệm. Bạn hãy tưởng tượng như mình đang đứng sau chót trong hàng.

Và nếu như bạn được người khác mang đồ ăn đến thì đó lại là một sự thử thách khác. Năm ngoái tôi có sắp đặt cho mình một khoá tu ẩn cư một mình ở một tu viện rất đẹp. Tôi được giao cho một căn phòng riêng, thông báo về những nghi thức và chương trình, chỉ cho căn phòng nơi tôi sẽ ăn riêng, và rồi họ để tôi một mình. Khi đến giờ ăn, tôi đi vào phòng bằng cánh cửa bên ngoài. Bên trong là một chiếc bàn nhỏ dành riêng cho một người. Cuối phòng là một chiếc kệ, phía sau dường như là những cánh cửa tủ nhỏ. Cánh cửa tủ mở ra phía bên kia, người bếp đưa đồ ăn vào trong và đặt trên kệ. Có những lúc khi tôi vào, đồ ăn đã có sẵn ở đấy. Trong ngày thứ hai của khóa ẩn tu, khi tôi vẫn còn chút bỡ ngỡ, vẫn còn đang cố gắng ổn định và gắng làm quen với khung cảnh chung quanh, tôi ngồi xuống ăn trưa với một món ăn trông giống như nước súp màu xám. Mùi không được hấp dẫn lắm. Tôi nếm thử và thấy vị cũng không được ngon. Tôi chợt có một ý nghĩ hơi tệ thoáng qua là chắc có lẽ người nấu ăn đã lầm và mang cho tôi bát nước rửa chén chăng. Tôi lập tức sửa lại ý tưởng đó ngay và tự thuyết phục mình rằng đây là chén súp miso. Dù vậy, nhìn nó vẫn không thấy hấp dẫn hoặc thơm ngon hơn chút nào. Và sau khi tôi có ý tưởng ấy rồi, chén súp ấy dường như trở nên tệ hơn, và tôi không dám ăn nữa.

Tôi nhìn quanh quẩn xem có nơi nào để tôi có thể đổ chép súp ấy đi mà không ai biết. Nếu tôi để yên như thế này thì sẽ phải trả lại chén súp đầy. Trong phòng không có chậu rửa bát. Tôi tìm xem có một chậu cây nào, cũng không thấy. Tôi nghĩ đến việc mở cửa và đổ nó ra ngoài, nhưng nếu lỡ có ai bắt gặp thì xấu hổ lắm. Cuối cùng, tôi quyết định cách duy nhất để giải quyết vấn đề là ăn hết chén súp ấy. Và tôi ăn hết. Một giờ, hai giờ trôi qua, tôi vẫn khoẻ khoắn như thường. Tôi hiểu rằng món súp ấy có lẽ là miso hay một loại tương tự nào đó.

Nếu bạn được người khác mang thức ăn đến, bạn hãy quan sát tâm ý của mình: “Chừng nào họ mang đến đây?” “Nếu họ quên thì sao?” “Nếu họ mang thức ăn có cần tây thì sao?” “Nếu họ mang nhiều quá thì sao?” “Nếu họ mang ít quá thì sao?” “Nếu họ mang những thức ăn mình không thích thì sao?”

Tâm ý của ta trong một khóa tu khác biệt lắm, nó có thể đem một chuyện thương ghét hết sức tầm thường và dàn dựng, thêm thắt thành một đại bi kịch!

Thiền tập trong khi ăn

Mục đích căn bản của thiền quán là thấy rõ được ba sự thật này của cuộc đời: sự thật về vô thường, sự thật về nguyên nhân và sự chấm dứt của khổ đau, và sự thật về tương tức hay vô ngã. Trong kinh gọi đó là Tam pháp ấn, ba dấu ấn của sự thật. Bạn có thể thấy được ba sự thật ấy rất rõ trong chính hơi thở của mình. Bạn cũng có thể thấy tất cả những sự thật ấy trong cảm giác ở thân. Bạn cũng có thể thấy chúng trong sự đến và đi của cảm xúc và tư tưởng. Và bạn cũng có thể thấy được chúng ngay trong khi ăn sáng.

Tôi đề nghị khi thực tập thiền quán trong lúc ăn, ta nên ăn thật chậm rãi và thực hành theo đúng lời hướng dẫn: sửa soạn thực phẩm thật chậm rãi, ăn chậm rãi, nếm mùi vị cho trọn vẹn. Và thêm vào sự thực tập này, bạn có thể quán chiếu về ba sự thật ấy, sử dụng chúng như một thấu kính giúp bạn nhìn sâu hơn vào mỗi kinh nghiệm của mình.

Ví dụ, bạn có thể chánh niệm và ghi nhận tất cả những biểu hiện của vô thường trong khi đang ăn. Trước khi ăn, bạn cảm thấy đói. Sau khi ăn, bạn không còn đói nữa. Trước khi ăn, trước mặt ta là một đĩa đầy ắp thức ăn. Sau khi ăn, đĩa trống không. Trong khi ăn bạn có thể ý thức rằng đây là ngày cuối, bạn nhớ lại mới hai ngày trước đây, một khoá tu còn kéo dài trước mặt mình. Bây giờ thì tất cả là ở phía sau lưng. Nó đã đi đâu rồi? Nó tan biến mất. Ta không tìm được một dấu tích nào của nó. Nó bây giờ thuộc về cùng một dĩ vãng với ngày sinh của Mozart hay ngày lập quốc của Hoa Kỳ.

Nếu bạn nghĩ về những sự kiện sắp đến trong đời mình - trở về nhà, đi làm trở lại - bạn hiểu rằng chúng chỉ là những tư tưởng của một tương lai chưa thật có, dường như đang đi về hướng của mình, và rồi cuối cùng cũng sẽ bỏ lại sau lưng. Cũng như cả khóa tu này, mới mấy ngày đây còn đang trước mặt, và bây giờ thì đã nằm ở phía sau.

Và kinh nghiệm của bữa ăn sáng cũng có thể mang lại cho ta tuệ giác này: khổ đau là kết quả của sự nắm bắt, và chấm dứt khổ đau là kết quả của sự buông xả. Bạn có thể cảm thấy hơi bất mãn khi khoá tu chấm dứt, vì bạn cảm thấy rất hạnh phúc ở đây. Cảm giác khó chịu đó là kết quả của sự nắm bắt một kinh nghiệm không thể tồn tại mãi. Ngược lại, bạn có thể cảm thấy nôn nao vì sắp được trở về nhà và gặp lại người thân. Sự nôn nóng ấy cũng mang lại một cảm giác khó chịu. Bạn ý thức rằng, sự dính mắc vào ý muốn có mặt ở một nơi nào khác hơn nơi này cũng gây nên khổ đau trong tâm ta. Ngay cả sự căng thẳng của một ý nghĩ trung hòa như là khi nào thì thu dọn đồ đạc cũng khiến ta không thể hoàn toàn có mặt và tận hưởng những gì đang có trong giây phút hiện tại này. Và khi ta có thể thư giãn, buông xả và thưởng thức bữa ăn sáng của mình, trong giây phút ấy ta hiểu được sự thật về sự chấm dứt khổ đau. Khi nào tâm ta vắng bóng sự nắm bắt và xua đuổi, ta sẽ kinh nghiệm được tự do. Bạn có thể ăn sáng hoàn toàn trong tự tại.

Bạn cũng có thể quán chiếu về sự thật thứ ba của mọi hiện tượng - sự thật về tương tức, về vô ngã. Lẽ dĩ nhiên, trên bình diện vật lý thì mỗi chúng ta là một cá nhân riêng biệt. Chúng ta trở về nhà của mình, về với chuyện đời của mình và giữa những người thân quen của mình. Nhưng ta vẫn có thể bước lùi lại một chút, ra khỏi những chuyện riêng tư cá nhân ấy, và ý thức được rằng tất cả mọi sự sống trên đời này đều có những liên hệ, ràng buộc với nhau rất mật thiết và nhiệm mầu.

Hãy nhìn đĩa thức ăn trước mặt bạn. Hãy nghĩ đến công phu khó nhọc của biết bao người để ta có được bữa ăn sáng này: người trồng, người hái, người chuyên chở, người bán, người mua, người nấu - và còn thêm những môi trường để tất cả được tồn tại nữa. Biết bao nhiêu công lao khó nhọc. Sự thật rằng bạn đang có đĩa thức ăn trước mặt là kết quả của biết bao điều kiện tạo nên nó. Và cũng vậy, sự thật là bạn đang ngồi đây trong giây phút này cũng là tổng hợp của tất cả những điều kiện đã tạo nên bạn, nuôi dưỡng bạn, và cho phép bạn có mặt nơi đây trong giây phút này. Sẽ có những lúc bạn chợt thấy hoàn toàn rõ rệt rằng, toàn thể lịch sử của quả đất này, và có lẽ tiến trình tiến hoá của toàn thể vũ trụ nữa, phải được y như vậy, thì bạn mới có thể có mặt ngồi đây trong giây phút này, với bữa ăn sáng nay.

Hãy ăn tự nhiên và thong thả, lắng nghe những âm thanh quanh mình, vui hưởng không gian rộng mở của khóa tu, thưởng thức những món ăn trước mặt, tận hưởng sự có mặt của ta ở đây ngay trong giây phút này!

Duy trì chánh niệm

Các thiền sinh thường dùng thời gian sau giờ ăn trưa để đi nghỉ ngơi, tắm rửa hoặc nằm xuống. Nói về những cơ hội để thực tập chánh niệm thì nằm xuống cũng có giá trị như là thiền hành, đánh răng, hay khi ăn vậy. Cái mà ta thực tập ở đây là sự tỉnh thức, có chánh niệm và tĩnh lặng trong tất cả mọi hoàn cảnh và sinh hoạt. Thực tập trong một khóa tu là sự chuẩn bị đặc biệt cho sự thực tập trong đời sống hằng ngày.

Phương pháp niệm thầm trong tâm (ghi nhận thầm những kinh nghiệm khi chúng khởi lên) đặc biệt rất hữu hiệu khi ta muốn duy trì một chánh niệm liên tục trong những sinh hoạt, cũng như khi ta chuyển từ một sinh hoạt này sang sinh hoạt kế tiếp. Nó giữ cho ta có mặt trong giây phút hiện tại, trong khi ta đang tắm rửa hoặc sắp xếp giường ngủ. Hay là khi ta chuyển từ việc tắm rửa sang xếp giường, ngồi xuống tọa cụ, rồi chú tâm đến hơi thở.

Đôi khi người ta do dự không muốn sử dụng phương pháp ghi nhận thầm này vì thấy có vẻ kỳ quặc. Cũng có phần kỳ quặc thật, nhưng nó rất hữu hiệu. Nó giữ cho tâm ta sáng tỏ và không bị lẫn lộn. Bất cứ bạn đang làm gì bây giờ, hãy theo dõi và ghi nhận kinh nghiệm ấy. Sự ghi nhận bắt đầu như là một phương pháp thực tập, và cuối cùng sẽ trở thành một thói quen.

Trong thời gian đầu thực tập, tôi có thái độ chống đối phương pháp niệm thầm này, nhất là trong khi ta thay đổi từ sinh hoạt này sang sinh hoạt khác. Sự miễn cưỡng của tôi là do một nguyên nhân rất buồn cười và hết sức riêng tư. Chuyện ấy xảy ra đã hơn ba mươi năm rồi.

Khi ấy tôi còn trẻ, có một người bạn trai. Anh ta cũng rất rụt rè, nhút nhát như tôi, mỗi khi chúng tôi cùng đi chơi. Tôi nghĩ anh ta cố gắng kiểm soát sự lo lắng ấy bằng cách tự nói thầm, trong khi vừa nói chuyện với tôi. Trong khi hai đứa tôi đứng chờ xe buýt và nói chuyện với nhau thì anh ta cứ lẩm bẩm một mình: “Chờ xe bus, chờ xe bus, leo lên xe bus, lấy tiền trả...” Tôi chắc là anh ta làm vậy vì quá lo lắng, và muốn tự trấn an bằng cách biết mình đang làm gì và đang ở đâu. Nhưng tôi cảm thấy hơi kỳ cục khi đứng cạnh anh. Tôi sợ có người quen nào đó thấy chúng tôi. Và còn tệ hơn nữa nếu họ nghe được anh ta thì chết! Mỉa mai thay, 30 năm sau tôi lại cố gắng thực tập một phương pháp ghi nhận và gọi tên thầm những kinh nghiệm của mình. Tôi ghi nhận thầm trong đầu như là “vói tay đến quyển sách, chạm quyển sách, cầm quyển sách...” sao tôi thấy nó cũng giống như “chờ xe bus, leo lên xe bus, lấy tiền trả...” Tôi cảm thấy mình như một tên ngốc! Mỗi lần thực tập tôi lại nhớ đến anh ta và tự hỏi “Có điên không, tại sao mình phải làm như vậy?”

Nhưng tạm gác chuyện ấy sang một bên, phương pháp niệm thầm còn có vẻ như một gánh nặng cho ta nữa. Tôi thực tập một lúc rồi nghĩ: “Thôi dẹp, chẳng có nghĩa lý gì hết.” Nhưng đến một lúc, tôi quyết định thật sự nghiêm chỉnh thực tập nó và tự nhủ “Cứ thực tập, không thắc mắc, không phê phán, không giải thích, cũng không tìm hiểu, chỉ việc thực hành.”

Khi tôi bắt đầu thực tập thì mọi việc đều thay đổi. Lúc đầu, tôi có cảm tưởng như nói với chính mình: “Bước, bước, bước, vói, chạm, cầm, đưa lên...” Rồi đột nhiên, tôi chợt hoàn toàn có mặt với chính mình. Kinh nghiệm của tôi đổi từ việc dở tay lên và niệm thầm “dở, dở, dở...” đột nhiên, trở thành một cái biết về sự dở tay lên. Và cái biết đó hoàn toàn khác biệt với bất cứ cái biết nào tôi đã có trước đây.

Ghi nhận hay niệm thầm không phải là chánh niệm. Ghi nhận thầm là gọi tên những kinh nghiệm của mình. Khi ta gọi tên những kinh nghiệm, ta sẽ chú tâm đến chúng, và điều đó dẫn đến chánh niệm. Kinh nghiệm chánh niệm có một cảm giác rất khác với việc nói suông về chánh niệm.

Một giây phút chánh niệm có thể mang lại cho ta cảm giác sung sướng rất lớn. Tôi còn nhớ mình hoàn toàn kinh ngạc khi lần đầu tiên khám phá sự khác biệt giữa hai việc: nói về kinh nghiệm và chính thật là kinh nghiệm ấy. Khám phá được cảm giác sung sướng này của chánh niệm làm tôi rất bàng hoàng. Bước đi một cách rất cẩn trọng, hoàn toàn có mặt, tôi thầm nghĩ: “Thật không còn gì lạ lùng hơn thế này nữa: tôi hoàn toàn sung sướng khi đặt chân xuống và biết rằng mình đang đặt chân xuống.” Thường thì đặt chân xuống đâu phải là một việc gì đáng để gọi là kỳ diệu. Nhưng quả thật điều đó rất kỳ diệu. Không phải bước chân của ta kỳ diệu, mà đó là chánh niệm kỳ diệu vô cùng.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn