(Xem: 1757)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2222)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

Mục lục - lới tựa - Tác giả

01 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 14497)

Cuộc đời Đức Phật

A Young People’s

Life of the Buddha

 

Tác giả:  Bhikkhu Sīlacāra

Hướng dẫn:  Hòa thượng Kim Triệu Khippapañño

Dịch thuật:  Thitasīla Thùy Khanh

Hiệu đính:   Ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện

Xuất bản:   Thích Ca Thiền Viện

 

Mục lục

 

Lời Tựa

Lời Giới Thiệu

Lời Người Dịch

Sơ Lược Tiểu Sử Tỳ Kheo Sīlacāra

 

Cuộc Đời Đức Phật

Chương 1 – Đản Sanh  

Chương 2 – Tuổi Thơ  

Chương 3 – Thời Niên Thiếu  

Chương 4 – Xuất Gia  

Chương 5 – Lòng Bi Mẫn  

Chương 6 – Những Nỗ Lực Đầu Tiên   

Chương 7 – Thành Đạo  

Chương 8 – Truyền Bá Giáo Pháp   

Chương 9 – Lễ Bái Sáu Phương  

Chương 10 – Xá Lợi Phất & Mục Kiền Liên  

Chương 11 – Thành Ca Tỳ La Vệ  

Chương 12 – Đời Sống Thường Nhật  

Chương 13 – Di Mẫu Kiều Đàm  

Chương 14 – Phép Mầu  

Chương 15 – Pháp Bảo   

Chương 16 – Tâm Từ Của Đức Phật  

Chương 17 – Đề Bà Đạt Ta  

Chương 18 – Đại Niết Bàn  

 

 Hình Ảnh - Bốn Nơi Động Tâm  

 

Lời Tựa

Tỳ Kheo Kim Triệu

 

Tác phẩm Cuộc đời Đức Phật do Tỳ kheo Sīlacāra đặc biệt viết cho thế hệ trẻ

 tuổi Âu Mỹ bắt đầu tìm hiểu Phật giáo nhưng đồng thời cũng nhằm củng cố niềm tin của lớp phật tử thuần thành và sách tấn mạnh mẽ mọi người noi gương Đức Bổn Sư kiên trì tu tập giải thoát và phục vụ chúng sanh.

Cuộc đời Đức Phật trải dài tám mươi năm hơn một nửa phần là công cuộc truyền bá giáo pháp trên đất nước Ấn độ, tất cả đều lưu lại chứng tích rõ ràng trước mắt những ai có duyên lành chiêm bái. Những di tích lịch sử này đánh dấu đầy đủ các giai đoạn của một phàm nhân chuyển qua thánh nhân, một cuộc đời hoằng pháp phi thường của một Bậc Giác Ngộ đã tìm ra Chân Lý Giải Thoát vẫn còn lưu truyền trọn vẹn và trung thực đến ngày nay.

Sư được phước duyên sống mười bảy năm trên xứ Ấn nên đức tin và lòng tri ân Đức Bổn Sư luôn luôn là động cơ cao quý và mạnh mẽ nhất cho suốt cuộc đời tu học và hành đạo. Sư luôn mong ước, khuyến khích và huớng dẫn các phật tử Việt nam đến viếng thăm quê hương Đức Phật. Trong kinh Đại Niết Bàn, Đức Phật dạy: “Có bốn nơi mà người tâm đạo thuần thành nên đến chiêm bái. Đến khi lâm chung, tâm người ấy sẽ rất hoan hỷ khi nhớ lại các cảnh ấy và sẽ được sanh vào cõi an vui.”

 Tác phẩm Cuộc Đời Đức Phật ngắn gọn, cô đọng, bao quát trọn vẹn các đặc điểm chính, cho nên Sư vô cùng hoan hỷ khi được ban Tu thư Như Lai Thiền Viện chấp nhận để Thích Ca Thiền Viện ấn tống lại dịch phẩm này. 

Sách tái bản sẽ được thêm nhiều hình ảnh hiện tại về các thắng tích có liên quan đến bốn giai đoạn chính trong cuộc đời Đức Phật, được thu qua ống kính của phật tử trong đoàn hành hương Ấn độ năm 1996 và 2010. 

Mong rằng nhờ cốt truyện xưa lồng vào hình ảnh mới này mà các thiện tín chưa có thuận duyên chiêm bái Phật tích cũng được tăng trưởng đức tin và nỗ lực tu học giáo pháp vi diệu của đức Thế Tôn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Mùa Kathina 2013

 

Lời giới thiệu

Ban Tu Thư Như Lai Thiền viện

 

Cuộc đời Đức Phật luôn là đề tài phong phú, là nguồn cảm hứng bất tận trong mọi lãnh vực văn hóa nghệ thuật trên suốt quãng dài của lịch sử Phật Giáo. Vào đầu thế kỷ hai mươi, Tỳ Kheo Sīlacāra đã vận dụng kiến thức và kinh nghiệm hoằng pháp của mình vào tác phẩm A Young People’s Life of The Buddha nhằm giới thiệu giáo lý căn bản cho lớp người trẻ Tây Phương đang bắt đầu tìm hiểu Phật Giáo.

Tỳ Kheo Sīlacāra người Tô Cách Lan, xuất gia tại Miến Điện, đã cống hiến gần trọn đời người cho đạo pháp tại nhiều đất nước Phật Giáo Á Châu. Cuộc Đời Đức Phật được ngài kể lại bằng những sự kiện xác thực, cụ thể và tiêu biểu dựa vào lời dạy của Đức Bổn Sư được ghi lại trong kinh điển. Cốt truyện tuy đơn giản, ngắn gọn nhưng không kém phần sinh động và truyền cảm nhằm nêu cao hai đặc điểm nổi bật nhất của Đạo Phật là “tu tập giải thoát” và “phục vụ chúng sinh”. Cả hai mặt luân lý giản dị và giáo lý thâm diệu của Phật Pháp đều được đan kết thật hài hòa và rõ nét vào từng giai đoạn chính của cuộc đời Đức Phật như đản sanh, thời niên thiếu, xuất gia, thành đạo, hoằng pháp, nhập Niết Bàn. Các phẩm tính cao quý của Ngài như Bi, Trí, Dũng cũng được trải rộng trên nhiều sự tích lý thú và điển hình. Đặc biệt các chương sách Cuộc Đời Đức Phật được minh họa bằng các tranh vẽ của họa sĩ kiêm học giả nghệ thuật tài danh U Ba Kyi, nổi tiếng về cách phối hợp hai đường nét hội họa truyền thống và hiện đại. Ngoài ra, bản Việt dịch của đạo hữu Thùy Khanh nhẹ nhàng, trong sáng đem lại nhiều hứng thú cho người đọc.

Ban Tu Thư Như Lai Thiền Viện hy vọng dịch phẩm này sẽ mang lại niềm hứng khởi cho những ai bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp cũng như giúp cho Phật tử thuần thành càng tăng trưởng đức tin, vững bước tu tập, noi gương Đức Bổn Sư sống cuộc đời thanh cao và hữu ích. Như Lai Thiền Viện xin chân thành cảm niệm công đức của:

 

o Đạo hữu Thùy Khanh đã bỏ công sức cũng như thời giờ phiên dịch và cho phép thiền viện ấn tống sách Cuộc Đời Đức Phật để phổ biến đến Phật tử Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

 

o Chư tăng TBSA ở Half Moon Bay đã ân cần cho phép thiền viện sử dụng các họa phẩm của U Ba Kyi từ tập The Illustrated History of Buddhism.

 

o Họa sĩ trẻ tuổi Đặng Quốc Việt đã nhiệt tình cống hiến tranh bìa sách và phụ bản tranh “Tuổi thơ”.

 

o Đạo hữu Nguyễn Tấn Hóa giúp đánh máy và vi tính.

 

o Anh chị Trần Quang Papyrus đóng góp phần thiết kế và kỹ thuật.

 

o Đạo hữu Trần Minh Lợi đã hoan hỷ đảm nhiệm phần liên lạc.

 

Thiền viện cũng xin đa tạ nhiệt tâm hỗ trợ của tất cả các Phật tử và thiền sinh xa gần trong các chương trình thực hiện ấn tống Cuộc Đời Đức Phật. Cầu mong pháp thí cao thượng này của quý vị sẽ mang hạnh phúc an lành đến cho những người thân và sẽ là duyên lành trên bước đường tu tập giải thoát của quý vị. Thiền viện hân hạnh giới thiệu sách Cuộc Đời Đức Phật đến tất cả Phật tử và thiền sinh. Trong Tâm Từ, Mùa Vu Lan 2006

 

Lời người dịch

 

Vừa tròn sáu năm, từ ngày chúng tôi được gợi ý phiên dịch cuốn sách này cho đến khi hoàn thành dịch bản. Sáu năm đầy chướng ngại thân tâm nên công việc cứ dở dang trì trệ, có khi tạm ngưng đến đôi ba năm. Song trong nghịch cảnh mà thuận duyên ẩn mình. Chính những năm dài trăn trở đó đã giúp cho những bài học đạo và đời đã đọc qua hay nghe qua bao nhiêu lần mới thực sự đi vào tâm khảm. Trong những bài học đó, có lẽ lòng tri ân là quý giá nhất.

Biết bao nhiêu lần khi đang ngồi dịch, lòng cảm kích ân đức của Đức Bổn Sư bỗng dâng lên dào dạt trong tâm, không sao ngăn được dòng nước mắt hoan hỷ. Và cũng bao nhiêu lần lòng ngập tràn ân phước, buông viết đến bên bàn thờ, đảnh lễ, thắp nén hương cúng dường lên Đức Phật Đấng Cha Lành muôn vạn kiếp – và… đảnh lễ, thắp nén hương tưởng nhớ đến Sư Dhammika người cha lành trong kiếp sống này. Sư khi còn sanh tiền cũng như khi xác thân đã thành tro bụi luôn là nguồn động viên tinh thần suốt sáu năm dưỡng nuôi dịch bản này. Thành kính tri ân Sư U Jatila đã khai tâm cho con, và từ đó mà con tìm được ánh sáng và nỗ lực hoàn tất những chương dịch cuối cùng, sau khóa thiền mùa đông 2005. Chân thành cảm tạ Đạo Hữu Trần Nguyên Diệu Thu, Đạo Hữu Trần Minh Lợi, Đạo Hữu Phạm Phú Luyện và Mẹ, đã gợi ý và không ngừng khuyến khích hỗ trợ bao năm qua. Chân thành cảm ơn các thiền sinh trẻ của Như Lai Thiền Viện đã tặng một cứu cánh tươi đẹp, một niềm cảm hứng thật trong sáng giúp chúng tôi kiên trì thực hiện bản dịch này.

Trong Tâm Từ,

Mùa Vu Lan 2006

 

Sơ lược Tiểu sử Tỳ Kheo Sīlacāra


blank

Tỳ kheo Sīlacāra, thế danh J. F. McKechnie, là người Tô Cách Lan, sinh trưởng tại Hull, Yorkshire ngày 22 tháng 10 năm 1871, con của Bà Caroline Mavis và Sir Charles Santley, một ca sĩ hát giọng nam trung nổi tiếng. Sau khi học xong cho đến năm 21 tuổi, ông theo tập sự kinh doanh tại một xưởng may y phục rồi di cư sang Hoa Kỳ làm việc trong bốn năm cho một nông trại.

Vào đầu thế kỷ hai mươi, McKechnie đến Miến Điện do tình cờ đọc được trong một thư viện các bài về Phật Giáo của tạp chí Buddhism: An Illustrated Review. Trong tờ tạp chí này, vị Chủ Bút Tỳ Kheo Ānanda Metteyya, thế danh là Alan Bennett, đăng kiếm một người có khả năng văn học để phụ tá Sư trong việc biên tập ở Rangoon. McKechnie cộng sự với vị Sư người Anh này cho đến khi tạp chí đình bản. Sau đó ông dạy học một năm cho một trường Nam Phật Tử của Bà Hlā Oung trước khi xuất gia. Năm 1906, vào tuổi ba mươi lăm, ông thọ Sa di giới với Đại Sư Nyanatiloka Mahāthera. Sau đó ông tu học tại tu viện Kyun Daw Gone Kyaung, Ngưỡng Quang, Miến Điện. Cùng năm 1906, ông thọ Tỳ kheo giới với Đại Sư U Kamāra Maha Thera và được chấp thuận cho gia nhập Tăng đoàn với pháp hiệu Sīlacāra (Giới Hành). Tỳ Kheo Sīlacāra làm việc cật lực không ngừng nghỉ, viết sách báo, giảng Pháp, du hóa khắp nơi.

Có một lần Sư đến tận Sikkim làm Phật Sự theo lời mời của Hội Truyền Giáo Mahārāja. Tuy nhiên, lần hoằng pháp này không đem lại được lợi lạc nào do chủ kiến cực đoan của các vị Sư Lạt Ma. Họ cho rằng Phật Giáo chân truyền sẽ bị suy vong nếu giao vào tay người nông dân dốt nát. Vào cuối năm 1925, sức khỏe Sư xuống dốc trầm trọng với những chứng nan y suyển và tim mạch. Vì vậy, theo lời khuyên của Bác Sĩ P. Dahlke, một Phật tử người Đức, Sư phải xả y và trở về Anh. Nơi đây, ông làm việc cho Anāgārika Dhammapāla tại chi nhánh Mahabodhi Society, giảng Pháp và biên tập cuốn British Buddhist. Năm 1932 sức khỏe ông lại bị suy thoái lần nữa. Ông rời Luân Đôn và đến cư ngụ tại Surrey. Với tình trạng đau yếu như vậy, ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ, tiếp tục viết cho các tạp chí Phật Giáo ở địa phương cũng như ở Tích Lan, Miến Điện, Đức…

Trong thế chiến thứ hai, căn hộ nhỏ nơi ông ẩn cư phải bị bán đi. Ông đến trú ngụ tại chung cư của người cao niên do chánh phủ cấp dưỡng. Nơi đây trong an nhiên tự tại, ông tiếp tục sống đời khổ hạnh của một vị tu sĩ Phật giáo cho đến ngày nhắm mắt lìa đời năm 1950. Những tác phẩm Phật giáo được biết đến nhiều nhất của ông là

Lời Phật Dạy (The Word of the Buddha), Tứ Diệu Đế (The Four Noble Truth), Bát Chánh Đạo (The Noble Eightfold Path), Nghiệp (Kamma), Liên Hoa Khai (Lotus Blossoms), Phật giáo và Khoa học (Buddhism and Science), Cuộc Đời Đức Phật – Viết Cho Giới Trẻ (A Young People’s Life of the Buddha).

Trong những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi, các độc giả Tích Lan của tờ Buddhist Chronicle do ông Patrick de Silva Kularatne, Hiệu trưởng trường Ānanda College, Columbo sáng lập, đã được sách tấn, động viên tinh thần rất mạnh mẽ bởi những tác phẩm, tài liệu giá trị mà Tỳ Kheo Sīlacāra đã thường xuyên năng nỗ cống hiến. Tỳ Kheo Sīlacāra còn tham gia biên soạn nhiều bài báo cho tạp chí Buddhist Annual of Ceylon rất phổ thông do công ty Messrs W. E. Bastain & Co of Colombo xuất bản đã được đón nhận nồng nhiệt bất cứ nơi nào trên thế giới mà văn hóa Đông Phương được ngưỡng mộ. Cũng do nhà xuất bản này, Tỳ Kheo Sīlacāra đã đặc biệt cống hiến cuốn Cuộc Đời Đức Phật - Viết Cho Giới Trẻ (A Young People’s Life of The Buddha), một tác phẩm được trân trọng đón nhận và phổ biến rộng rãi khắp thế giới qua bao thập niên cho đến ngày nay.

Namo Tassa

Bhagavato Arahato

Sammāsambuddhassa

Con đem hết lòng thành kính

đảnh lễ Đức Thế Tôn

Bậc A La Hán cao thượng

Đấng Chánh Biến Tri

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn