(Xem: 1794)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2261)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 01-Đản sanh

02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 13774)

Chương 01

Đản sanh

 

blank

Đức Phật tương lai đản sanh dưới cội hoa sal trong lâm viên Lumbini

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, trên vùng biên giới giữa xứ Nepal và bắc phận ngoại ô Oudh và North Bihar, có một số chủng tộc khác nhau tụ tập sinh sống thành những vương quốc nhỏ dưới quyền cai trị của các vị vua gọi là Rājā. Trong số những đất nước nhỏ bé này có một vương quốc nằm gần miền Bắc của một thành phố ngày nay có tên Gorakhpore, thuộc bắc mạn sông Rapti, là nơi cư ngụ của chủng tộc Sākya (Thích Ca) dưới sự cai trị của vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Gia đình vua Suddhodana thuộc dòng dõi Gotama (Cồ Đàm), nên tên họ của ngài là Suddhodana Gotama. Kinh đô của vương quốc đặt tại thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ).

Vợ quốc vương Suddhodana là hoàng hậu Mahāmāyā (Ma Da). Sau một thời gian chung sống hạnh phúc bên quân vương, Hoàng hậu biết mình đã thọ thai. Gần đến ngày sinh nở, hoàng hậu xin phép được về thăm quê hương mình, thành phố Devadaha, ở cách kinh thành không xa. Vua Suddhodana hoan hỉ chấp thuận nguyện vọng của Bà. Ngài truyền lệnh cho quân lính chuẩn bị thật chu đáo để chuyến hồi hương của Hoàng hậu được đầy đủ tiện nghi và thoải mái.

Giữa hai thành Kapilavatthu và Devadaha có một khu lâm viên tươi tốt xinh đẹp gọi là Lumbini (Lâm Tỳ Ni). Dân chúng hai nơi thường đến viếng vào mùa hè nóng bức để hưởng bóng mát của cây sal (còn được gọi là cây sa la hay vô ưu) xum xuê khắp lâm viên. Lúc bấy giờ là tháng năm, hoa sal nở rộ thắm tươi. Thấp thoáng giữa những tàng cây xanh mơn mởn có muôn chim hót líu lo thánh thót. Trên thảm hoa bát ngát từng đàn ong nhộn nhịp lượn bay tìm mật ngọt.

Trên đường đến Devadaha tiết trời nóng bức. Khi kiệu Hoàng hậu đi ngang khu lâm viên xanh tươi này, Hoàng hậu muốn dừng lại để nghỉ ngơi dưới bóng những cây sal mát rượi. Nhưng không bao lâu, khi đang tản bộ và thưởng ngoạn bao nhiêu hình ảnh và âm thanh tuyệt vời trong lâm viên, Hoàng hậu bỗng nhiên cảm nhận được phút lâm bồn đã đến. Chỉ trong giây lát, trong vườn Lumbini, dưới bóng mát cây sal, giữa muôn chim, ong mật và ngàn hoa, Hoàng hậu hạ sanh một bé trai.

Nơi lâm viên Lumbini tọa lạc ngàn xưa đến nay vẫn còn chứng tích. Đó là nhờ công đức của vua Asoka (A Dục), vị vua từng cai trị một vùng lãnh thổ rất lớn của xứ Ấn Độ khoảng ba bốn trăm năm sau triều đại của Vua Suddhodana. Ngài đã cho dựng một cây trụ cao để đánh dấu nơi đản sanh người con trai của vua Suddhodana và hoàng hậu Mahāmāyā của kinh thành Kapilavatthu. Trên cây trụ này, Ngài cho khắc sâu những dòng chữ - đến nay vẫn còn đọc được - giải thích rằng Ngài đã dựng cây trụ nơi đây để người sau được biết nơi xảy ra biến cố trọng đại.

Dù đã qua hơn hai ngàn năm từ ngày vua Asoka cho dựng lên cho đến ngày hôm nay, cây trụ lịch sử vẫn còn đứng nơi vua Asoka đặt xuống xưa kia, với đầy đủ bút tích cho người sau chiêm ngưỡng. Và từ đó mỗi ngày biết bao nhiêu khách hành hương đã đến nơi đây chiêm bái thánh tích này.

Trên những dãy núi đồi ở ngoại thành Kapilavatthu có rất nhiều đạo sĩ cư ngụ, trong đó có Asita (A Tư Đà), một vị trưởng lão đạo sĩ hiền đức mà ai ai nơi thành Kapilavatthu cũng đều cảm mến và kính trọng. Vua Suddhodana đặc biệt yêu quý và luôn tỏ lòng tôn kính đến Đạo sĩ.

Khi nghe tin người bạn hiền vương giả của mình vừa có đứa con trai, vị trưởng lão đạo sĩ xuống núi, vào kinh thành viếng thăm đứa bé sơ sanh. Khi ông đến, nhà vua bồng Thái tử cung kính dâng lên đạo sĩ, và xin ngài chúc phúc cho đứa con. Nhưng vị đạo sĩ nói rằng:

- Không, tâu Hoàng thượng, người phải cúi đầu đảnh lễ không phải là con trai của Ngài mà chính là thần. Bởi thần đã thấy được con trai của Ngài không phải là một đứa bé tầm thường. Thần thấy trước được rằng, khi trưởng thành, Người sẽ trở thành một vị tôn sư vĩ đại. Phải, thần tin là Người sẽ trở thành vị tôn sư vĩ đại nhất mà thế gian này chưa từng được thấy qua.

Nói xong, vị đạo sĩ ngồi yên lặng mỉm cười, khuôn mặt tươi vui rạng rỡ. Rồi đột nhiên đôi mắt ông nhòa lệ và ông bắt đầu khóc. Vua ngạc nhiên hoảng hốt hỏi:

- Sao vậy? Khanh ra sao rồi? Khanh vừa mới vui cười không bao lâu rồi lại rơi lệ khóc. Có chuyện gì chẳng lành không? Phải chăng khanh đoán trước được có những ma chướng sẽ xảy đến cho con trai của trẫm?

Vị đạo sĩ cất tiếng:

- Không, không đâu Hoàng Thượng. Xin Ngài đừng sợ. Không một ma chướng nào có thể đến gần con trai của Ngài. Danh hiệu của Người là Thành Đạt và Người sẽ được mọi thành đạt.

Vua lại hỏi:

- Vậy thì vì sao khanh lại khóc?

Vị đạo sĩ trả lời:

- Thần khóc vì thần nghĩ rằng thần nay đã quá già, sắp đến lúc thân hoại mệnh chung, thần sẽ không sống để thấy được ngày con trai của Hoàng thượng trở thành vị tôn sư vĩ đại nhất đó. Hoàng thượng sẽ sống và thấy được cái ngày phúc lạc đó, và còn rất nhiều người khác nữa, chỉ có thần bất hạnh không đủ phước lành sống đến ngày đó để chứng kiến. Tâu Hoàng thượng, vì vậy thần không cầm được nước mắt.

 Nói xong những lời này, vị đạo trưởng rời ghế đứng dậy, cung kính chấp tay đảnh lễ đứa bé.

Quốc vương Suddhodana vô cùng kinh ngạc trước những lời giải bày của vị lão đạo sĩ cũng như cảnh tượng vị đạo sĩ nghiêng đầu với mái tóc bạc phơ thành kính đảnh lễ đứa bé sơ sanh. Ngài bỗng cảm thấy như có một sự thôi thúc phải hành động cung kính như vị đạo sĩ. Ngài liền chấp tay cúi đầu đảnh lễ bày tỏ lòng tôn kính đến đứa con trai của chính mình.

Ở Ấn Độ vào thời này, có tục lệ khi một đứa bé trai chào đời, người ta cho mời các bậc trí giả tề tựu, và đến ngày thứ năm sau khi chào đời, đứa bé được gội đầu và đặt tên do các vị này chọn. Tục lệ này cũng được cử hành cho con trai vua Suddhodana.

Tên được chọn cho Thái tử là Siddhattha, có nghĩa là sự thành tựu mỹ mãn, hay một người được thành tựu mỹ mãn trong bất cứ lãnh vực nào. Chọn tên như vậy là vì các vị này tiên đoán rằng Thái tử sẽ không là một đứa bé tầm thường. Họ nói rằng: Nếu sống đời thế tục bình thường, Người sẽ nối gót đế vương của cha và trở thành một vị vua vĩ đại nhất. Nhưng nếu Người không nối gót vua cha kế ngự ngai vàng mà lại xuất gia tu hành thì Người sẽ là một vị tôn sư vĩ đại.

Tuy nhiên một trong các vị trí nhân này tiên đoán khác hơn. Ông chắc chắn rằng Thái tử khi lớn khôn sẽ không nối ngôi vua mà sẽ rời bỏ cung vàng điện ngọc và tất cả sau lưng, xuất gia tu hành, trở thành vị thầy cao quý vĩ đại nhất của muôn loài. Lời ông nói y hệt như lời vị lão đạo sĩ Asita đã nói về tương lai của Thái tử.

Nhà vua tất nhiên rất hài lòng vì có biết bao nhiêu bậc trí nhân trong vương quốc của Ngài đoán biết được rằng con trai của Ngài khi lớn lên sẽ trở thành một vĩ nhân. Nhưng Ngài không mấy vui khi nghĩ rằng con Ngài có thể sẽ không nối ngôi vua mà lại trở thành một vị đạo sĩ.

Ngài muốn con trai Ngài khi lớn lên sẽ sống đời thế tục bình thường như tất cả mọi người. Ngài muốn con Ngài kết hôn rồi sinh con nở cháu nối giòng, và khi Ngài đến tuổi già không còn cai trị đất nước được nữa, Ngài muốn thấy con trai mình nối ngôi trị quốc an dân, anh minh tài giỏi cũng như Ngài vậy. “Và rồi đến một lúc nào đó” - Ngài nghĩ - “biết đâu con trai của ta sẽ trở thành một vị vua lừng lẫy nhất trong lịch sử, cai trị không chỉ một Kapilavatthu nhỏ bé mà là cả nước Ấn Độ này!”  Cứ như thế vua Suddhodana tự suy gẫm, lòng tràn ngập niềm vui sướng. Ngài quyết dùng tất cả vương quyền trong tay để bảo đảm rằng Siddhattha sẽ mãi sống đời thế tục và không bao giờ có thể nghĩ đến một chuyện xa vời nào hết.

Nhưng đó là chuyện tương lai, hiện nay Ngài có một việc khác phải lo âu trước mắt. Sau ngày hạ sanh Siddhattha, hoàng hậu Mahāmāyā lâm trọng bệnh. Bà không sao phục hồi được sức khỏe như xưa. Là một vị hoàng hậu, Bà được thọ hưởng những chăm sóc kỹ lưỡng toàn hảo của những vị ngự y tài giỏi nhất và những người hầu cận chu đáo tận tâm nhất.

Tất cả rồi cũng như không, bà lìa đời chỉ hai hôm sau ngày con trai được chọn đặt tên nghĩa là bảy ngày sau khi sanh nở. Ai ai cũng vô cùng đau buồn trước cái chết của bà, nhất là nhà vua, vì bà là một người đàn bà tuyệt vời, một vị hoàng hậu nhân đức hiếm quý trên đời. Bấy giờ vị vua đau khổ phải trao đứa con vừa mất mẹ cho người em gái của Hoàng hậu - công nương Mahāpajāpati - và từ đó Bà đã chăm sóc nuôi dưỡng Thái tử như con ruột. Thái tử Siddhattha không bao giờ biết mặt người mẹ ruột của mình.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn