(Xem: 1828)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2283)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 03 - Thời thiếu niên

02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 13062)

Chương 03

Thời thiếu niên

blank








Thái tử Siddhattha thi triển võ nghệ theo tục lệ của chủng tộc Sākya dành cho những thanh niên đến tuổi thành hôn. 

Ở Ấn Độ vào thời đó ai cũng biết rằng tất cả những gì con người cần có để sinh tồn đều nảy sinh từ đất đai. Như thế, người nông dân canh tác ruộng nương cung cấp thực phẩm nuôi sống con người chính là người đóng góp trọng trách hữu ích và cần thiết nhất của một quốc gia. Vì vậy, xứ Ấn Độ có tục lệ hằng năm dành một ngày cho nhà vua cùng quần thần đích thân ra đồng ruộng, với đôi tay vương giả họ tự cày một thửa đất, làm gương để nông dân không ai phải xấu hổ với công việc thuần lao động chân tay rất lương thiện và đáng kính này. Đó là ngày lễ Hạ Điền.

Một ngày xuân nọ, vào đầu mùa canh tác, vua Suddhodana rời kinh thành Kapilavatthu, áo mão chỉnh tề để tham dự lễ Hạ Điền. Dân chúng trong thành theo chân Ngài để được chứng kiến cảnh nhà vua đích thân cày cấy, cũng như để cùng chung hưởng ngày hội thường niên tưng bừng với tiệc tùng và nhiều tiết mục giải trí vui chơi sau đó.

Nhà vua đem con trai đến nơi hành lễ và để các cung nữ chăm sóc cho Thái tử. Ngài bước xuống ruộng, với cây cuốc nạm vàng, đập những nhát cuốc mạnh mẽ cày tơi mảnh đất khô cằn. Theo sau Ngài là các vị đại thần mang những cây cuốc lưỡi cày nạm bạc. Tiếp đến là các nông dân với những cây cuốc thô sơ thường nhật và sau cùng là đàn bò kéo cày. Mọi người cùng xới tơi từng vuông đất nâu màu mỡ để chuẩn bị gieo hạt giống.

Một lát sau, mọi người bắt đầu nhập tiệc. Các cung nữ có phận sự trông nom Thái tử cũng theo dự, người này tiếp nối người kia dần dần đi cả, bỏ quên vị Thái tử trẻ ở lại một mình .

Nhìn quanh thấy mình đơn độc, Thái tử lại cảm thấy hài lòng. Bản tính vốn thích trầm tư mặc tưởng, Ngài muốn có dịp yên tĩnh suy gẫm về những gì đã chứng kiến trong ngày liên hoan hôm ấy. Vì vậy Ngài lặng lẽ lảng đi nơi khác, đến khi tìm được một cây táo xum xuê râm mát, Ngài ngồi xuống và bắt đầu hồi tưởng lại những gì vừa xảy ra.

Trước tiên, Ngài nhớ lại hình ảnh phụ vương cùng quần thần và những nông dân theo sau cày xới đất đai, ai ai cũng mang nét mặt hân hoan.

Nhưng Thái Tử để ý thấy những con bò lại không vui chút nào. Ngài thấy chúng phải cố hết sức kéo chiếc cày trên nền đất quện rễ cỏ chai cằn, thân đẩm mồ hôi, miệng thở phì phò khó nhọc. Rõ ràng chúng không có vẻ gì thoải mái. Ngay trong ngày lễ mà mọi người đều được vui chơi sung sướng thì chúng phải làm việc cực nhọc và bị đánh đập chưởi rủa nếu không làm đúng theo ý chủ.

Vị Thái tử trẻ Siddhattha chạnh nghĩ ngay cả giữa những hoan lạc của một ngày hội lớn mà cũng có những khổ não len vào.

Tiếp đến, dưới bóng cây táo, Ngài quan sát những động tác của chim chóc muôn thú và côn trùng chung quanh. Ngài để ý thấy một con thằn lằn bò đến gần chân Ngài, thò cái lưỡi bén nhậy bắt những con kiến vô tội bò quanh đó. Sau đó không bao lâu, một con rắn lặng lẽ kín đáo trườn đến, chụp con thằn lằn giữa đôi hàm rồi nuốt trửng. Kế đến một con diều hâu từ trên trời đột ngột sà xuống đớp và giết con rắn rồi nuốt trộng vào bụng.

Một lần nữa Thái tử bắt đầu suy tư và tự hỏi: Có phải đằng sau mỗi tấn tuồng vui nhộn hấp dẫn của sân khấu cuộc đời là một hậu trường không xinh tươi đẹp đẽ chút nào?

Trong suốt quãng đời niên thiếu của Ngài, Ngài chưa hề chịu đựng một chút đau khổ nào. Nhưng khi nhìn những gì xảy ra chung quanh và suy gẫm về chúng, Ngài nhận thức được rằng bất cứ một giây phút nào trôi qua, một người nào đó hay một con vật nào đó cũng đang bị chi phối bởi khổ đau, phiền não. Ngài ngồi định tâm, chìm đắm trong suy tư đến độ quên cả ngày hội lớn, quên phụ vương, quên những nhát cày, và quên tất cả…

Trong lúc đó, lễ Hạ Điền bế mạc, tiệc tùng chấm dứt. Khi các cung nữ trở lại nơi đã để Thái tử ở lại một mình, họ không thấy Ngài đâu cả. Vô cùng hoảng sợ vì nhà vua sắp đến đón Thái tử về kinh thành, họ tìm kiếm Ngài khắp nơi. Cuối cùng họ tìm thấy Ngài đang ngồi tĩnh tọa, im lìm như một pho tượng dưới gốc cây táo, thinh lặng đến nỗi họ đến thưa chuyện mà Ngài vẫn không biết. Mãi một lúc sau Ngài mới biết rằng Phụ vương đang cho gọi Ngài, và ngày sắp tàn đã đến lúc phải quay về kinh thành.

Trên đường về lòng Ngài đầy ắp nỗi lo nghĩ về muôn loài. Tất cả đều yêu quý đời sống của mình nhưng đời sống ấy hiếm khi được hạnh phúc bình an.

Nhà vua rất bất bình khi thấy con trai mình sớm có những suy tư khắc khoải về cuộc đời, về ý nghĩa thật sự của nó một cách nghiêm trọng như vậy. Ngài bắt đầu lo lắng. Những điều mà các vị trưởng lão năm xưa tiên đoán nay dần dần trở thành sự thật: lời tiên đoán rằng con Ngài sẽ thiên về cuộc sống đạo giáo, sẽ bỏ cung điện và không nối ngôi cha.

Ngài quyết tâm tìm cách lay chuyển tâm ý con mình ra khỏi những suy tư xuất thế kia. Bằng mọi phương tiện Ngài kiên quyết tạo dựng cho Thái tử một cuộc sống cực kỳ an lành, hạnh phúc để Thái tử vui hưởng lạc thú mà không có thì giờ quan tâm đến cuộc sống của muôn người, muôn loài khác.

Nhà vua truyền lệnh xây cất ba cung điện nguy nga tráng lệ cho con trai mình. Cung điện thứ nhất xây bằng vàng, cẩn những phiến gỗ chắc và dày ở phía ngoài, lót bên trong là một lớp gỗ tuyết tùng có mùi thơm dịu ngọt. Ngài muốn Thái tử sống trong cung điện ấm cúng này vào mùa Đông lạnh lẽo. Cung điện thứ hai xây bằng những phiến đá cẩm thạch mát lạnh được đánh bóng để Thái tử được hưởng sự mát mẻ thư giãn trong mùa nóng bức. Cung điện thứ ba xây bằng những tảng gạch cứng và tốt, lợp ngói xanh, để tạt ra ngoài những cơn mưa trĩu hạt đến cùng gió mùa hằng năm. Ở cung điện cuối cùng này nhà vua muốn Thái tử sống an lành trong mùa mưa ẩm thấp rét mướt.

Chung quanh mỗi cung điện Ngài còn cho thiết kế một vườn ngự uyển lộng lẫy trồng nhiều cây râm mát, các loại hoa thơm, thật nhiều ao hồ và suối nước, với những cánh sen đủ màu, để Thái tử có thể tản bộ hoặc cưỡi ngựa thưởng thức tùy ý và lúc nào quanh Thái tử cũng đầy ắp không khí trong lành tươi mát của cây lá và vẻ đẹp của muôn hoa.

Thế nhưng những cung điện nguy nga, ngự viên lộng lẫy, hồ sen thơm ngát, những mỹ nữ xinh đẹp duyên dáng tô điểm thêm cho khung cảnh tuyệt vời kia… tất cả đều vô dụng vì không sao ngăn chận được dòng suy tư lạ thường của vị Thái tử trẻ tuổi. Nhà vua cũng nhận thấy được điều này. Ngài biết những gì Ngài tính toán gầy dựng hầu giam hãm tâm tư Thái tử trong cảnh an lạc đã hoàn toàn thất bại. Ngài triệu tập quần thần, hỏi ý mọi người làm cách nào để lời tiên tri của các vị lão đạo sĩ năm xưa không trở thành sự thực.

Triều thần đồng tâu rằng cách tốt nhất để chiếm cứ tâm tư của một trang thanh niên tuấn tú như Thái tử khiến Ngài phải bận rộn không còn dịp nghĩ đến chuyện thoát vòng tục lụy, đó là tìm cho Ngài một người vợ trẻ đẹp. Như thế, quyến luyến bên nàng, Ngài sẽ không còn thì giờ hay cơ hội để hướng tâm đến điều gì khác. Và rồi, đến lúc thích hợp, Ngài sẽ lên ngôi cửu ngũ theo ý vua cha như một chuyện tất nhiên và sẽ sống đời bình thường như bao người khác.

Nhà vua chấp nhận ý kiến hữu lý này. Nhưng làm sao tìm được cho con một người vợ xinh đẹp quyến rũ đủ cho con mê luyến đắm say, hoàn toàn lệ thuộc vào nàng, và từ đó trở đi chỉ biết sống vì nàng, cho nàng mà thôi?

Sau khi cân nhắc suy nghĩ một thời gian, nhà vua bất ngờ tìm được một kế hoạch tuyệt vời. Ngài truyền chiếu chỉ cho vời tất cả các thiếu nữ kiều diễm nhất trong nước, vào ngày lành tháng tốt, tề tựu tại kinh thành Kapilavatthu ra mắt Thái tử để Ngài có thể tự lựa chọn mỹ nhân vừa ý nhất và trao cho nàng một tặng vật xứng đáng với nhan sắc diễm lệ đó. Mỗi thiếu nữ đến diện kiến Thái tử đều sẽ được Ngài tận tay trao tặng một món quà có giá trị tùy thuộc vào sự cảm nhận và rung động của Ngài trước vẻ đẹp của nàng.

 Kèm theo mệnh lệnh này, nhà vua còn sắp đặt một số cận thần có nhiệm vụ quan sát con trai mình trong suốt cuộc diễn hành diện kiến Thái tử của các giai nhân. Nếu họ thấy Ngài lộ bất cứ vẻ ưa thích đặc biệt nào khi một thiếu nữ tiến đến nhận tặng vật, họ phải dọ hỏi thân thế của nàng và trình lên nhà vua ngay.

Hôm nay là ngày tuyển chọn hoa hậu. Tất cả các kiều nữ mỹ miều nhất của vương quốc tuần tự xếp hàng diễn hành ngang qua chỗ Thái tử. Từng người một với dung nhan lộng lẫy, họ được Thái tử tặng một món quà xứng đáng với sắc đẹp của mình. Song, thay vì vui mừng được vinh hạnh đến gần kề và được chạm vào tay người con trai của quốc vương, thiếu nữ nào gần như cũng lúng túng sợ hãi khi diện kiến Thái tử, và chỉ vui mừng sau khi nhận được quà bởi vì lúc ấy nàng mới được phép lui về với những thiếu nữ đồng hành khác.

Sở dĩ các thiếu nữ có thái độ kỳ lạ như vậy là vì vị Thái tử của họ hoàn toàn không giống như bất cứ một chàng trai trẻ nào mà họ đã biết qua. Hầu như Ngài không hề nhìn đến họ, hay đúng hơn, không mấy đoái hoài đến họ. Ngài tận tay trao quà tặng cho mỗi mỹ nhân nhưng tâm trí thì đang hướng về nơi khác, một nơi cao quý nghiêm trang thật xa, vượt cao trên hẳn những khuôn mặt xinh tươi, những dáng vẻ yêu kiều kia.

Thật vậy, một vài thiếu nữ thầm thì rằng khi ngự trên ngai Thái tử, trông Ngài tựa một vị thần hơn là một con người bằng xương bằng thịt.

Riêng các vị quan được nhà vua cắt cử quan sát Thái tử ai cũng lo sợ nghĩ đến lúc phải trở về tâu lên vua rằng kế hoạch của Ngài đã thất bại vì Thái tử đã chẳng hề lưu tâm đến bất cứ một giai nhân nào.

Các mỹ nhân diện kiến Thái tử đã lui ra gần hết, tặng vật đã vơi nhiều, nhưng Thái tử vẫn ngồi bất động, tâm trí Ngài rõ ràng như đang xa rời nơi chốn mà ai cũng cho là đầy thỏa thích này.

Khi người đẹp cuối cùng nhận lãnh tặng vật duy nhất còn lại từ tay Thái tử, đảnh lễ rồi quay gót lui ra thì bỗng nhiên một thiếu nữ đến trễ nhanh bước tiến về ngai Thái tử.

Vẻ ngạc nhiên chú ý lộ trên nét mặt Thái tử khi nàng đến gần. Không giống như những thiếu nữ khác luôn cúi mặt rụt rè, bẽn lẽn khi diện kiến Thái tử, nàng nhìn thẳng vào mặt Thái tử, mỉm cười thưa: “Có lẽ Thái tử không còn tặng vật nào cho thần thiếp nữa phải không?”

Thái tử mỉm cười đáp: “Xin lỗi nàng, ta đã trao hết quà tặng rồi, nhưng nàng hãy nhận lấy vật này.” Nói xong Thái tử tháo chuỗi trang sức lộng lẫy đang đeo trên cổ và cài quanh thắt lưng người thiếu nữ .

Mục kích cảnh tượng này, những vị cận thần mừng rỡ vô cùng. Sau khi biết được tên người thiếu nữ này là Yasodharā, con gái của Suppabuddha (Thiện Giác Vương), họ về tường trình lên nhà vua mọi diễn biến. Ngay ngày hôm sau nhà vua sai sứ giả đến vương gia Suppabuddha, xin cho Thái tử Siddhattha được kết hôn cùng Yasodharā.

Thời bấy giờ chủng tộc Sākya - vốn rất dõng mãnh, xuất thân từ miền sơn dã - có tục lệ là khi một thanh niên nào muốn lập gia đình đều phải chứng tỏ rằng mình có khả năng và tài nghệ cưỡi ngựa, bắn tên và đấu kiếm. Cho nên mặc dù Thái Tử Siddhattha là một vị vua tương lai, Ngài cũng phải theo tục lệ trên như tất cả những chàng trai trẻ khác.

Ngày thi triển tài năng của các chàng trai đến tuổi thành hôn của thành Kapilavatthu đã đến. Tề tựu nơi đây là những thanh niên Sākya dũng mãnh tài giỏi nhất: những kỵ sĩ, xạ thủ, và kiếm sĩ thiện nghệ tuyệt luân. Mỗi người sẽ tuần tự thi thố tài năng của mình với các bộ môn cưỡi ngựa, bắn tên và đấu kiếm trước một số khán giả đông đảo gồm triều thần và dân chúng.

Trong số thí sinh ấy, Thái tử Siddhattha, cưỡi ngựa bạch mã Kanthaka (Kiền Trắc), cũng sẽ thi thố tài nghệ phi thường của mình. Khi thi bắn tên, mũi tên của Ngài bắn được xa hơn cả mũi tên của một xạ thủ được coi là tài giỏi nhất của vương quốc tức là Devadatta, người em họ của Ngài.

Lúc thi kiếm thuật, Ngài chém ngang một thân cây chỉ với một nhát kiếm duy nhất. Khi kiếm thu hồi rồi, thân cây vẫn còn đứng yên giây lâu khiến ban giám khảo ngỡ là thân cây vẫn chưa bị chém đứt. Nhưng một ngọn gió thoảng qua, thân cây đổ nhào xuống đất, hiện ra vết chém phẳng lì. Trong cuộc thi này, Thái tử Siddhattha đã thắng Nanda, tức là người em cùng cha khác mẹ của Ngài mà lâu nay ai cũng tôn là tay kiếm lừng lẫy nhất.

Trong cuộc thi đua ngựa, với bạch mã Kanthaka phóng nhanh như gió, Thái Tử Siddhattha dễ dàng qua mặt tất cả kỵ mã khác. Nhưng họ không hài lòng khi thấy Ngài thắng cuộc quá dễ dàng như vậy.

Họ nói rằng: “Ồ, nếu chúng tôi có được một con ngựa phóng nhanh như vậy thì chúng tôi cũng thắng cuộc thôi. Đây là tài nghệ của con ngựa chứ đâu phải của người kỵ sĩ. Chúng tôi có một con ngựa giống, loại hắc mã, chưa thuần thục, chưa hề có một kỵ mã nào leo được lên lưng. Hãy thử xem người nào trong chúng ta có thể chế ngự được nó, cưỡi được trên lưng nó lâu nhất.”

Vào cuộc thi, các chàng thanh niên cường tráng cố gắng hết sức chụp giữ lấy con ngựa bất kham để nhảy lên lưng nó; nhưng tất cả đều bị con ngựa hung hăng ngạo mạn hất tung xuống đất, cho đến phiên của Arjuna, vị kỵ mã tài ba nhất nước. Sau một cuộc vật lộn ngắn ngủi, Arjuna leo lên được lưng con ngựa giống, quất roi và cưỡi nó rảo một vòng sân đua. Bỗng nhiên con thú man dã này bất thần chúi đầu xuống thật nhanh, chụp lấy chân Arjuna với hàm răng to cứng, kéo chàng tuột khỏi yên ngựa và ném mạnh xuống đất. Nếu không có một số mã phu chạy kịp đến quất roi kềm chế con ngựa hung dữ để cứu Arjuna thì Arjuna có thể đã bị con ngựa dẫm chết.

Sau đó đến phiên Siddhattha thử tài khuất phục con ngựa bất kham. Mọi người đều tin chắc Siddhattha sẽ bị vong mạng, bởi Arjuna là người kỵ mã tài ba nhất vừa suýt chết dưới chân nó.

Nhưng Thái tử chỉ yên lặng bước đến chỗ con ngựa, đặt một tay lên cổ nó, một tay lên mũi nó, từ tốn nói với nó những lời dỗ dành êm ái. Rồi Ngài vỗ nhẹ vào hông ngựa, con ngựa đứng yên cho Ngài leo lên lưng. Trước sự ngạc nhiên của bao nhiêu người, con ngựa tiến thoái theo ý Thái tử và khuất phục hoàn toàn theo mệnh lệnh của Ngài.

Lần đầu tiên có người đến gần con ngựa bất kham mà không sợ hãi, không đánh đập nó, lại nói chuyện và cư xử với nó rất nhân từ. Ngạc nhiên với lối cư xử kỳ lạ khác thường này, con ngựa hung hãn đã để vị Thái tử chinh phục một cách dễ dàng.

Mọi người đều công nhận Thái tử Siddhattha là vị kỵ sĩ tài giỏi nhất của vương quốc, và xứng đáng là đấng phu quân của một người con gái xinh đẹp, đoan trang và phúc hậu như Yasodharā. Cha nàng, Suppabuddha, cũng đồng ý như vậy, hoan hỷ nhận sính lễ cho con gái mình về làm vợ vị Thái tử tuấn tú tài ba này.

Thái tử Siddhattha kết hôn cùng giai nhân Yasodharā. Sau lễ hội tưng bừng, Ngài rước nàng về chung sống trong cung điện nguy nga tráng lệ vừa được phụ vương truyền lệnh xây cất, dành riêng cho đôi vợ chồng son cùng tận hưởng lạc thú hôn nhân.

Đến lúc đó quốc vương Suddhodana mới thật an lòng rằng con trai mình sẽ không còn vấn vương đến chuyện từ bỏ ngai vàng để sống đời tu hành phạm hạnh nữa. Nhưng để chắc chắn hơn nữa, nhà vua truyền lệnh không một ai cũng như không một cung nữ hay người hầu cận nào trong cung điện được phép đến gần Thái tử nói những gì về tuổi già, bệnh tật, chết chóc. Mọi người đều phải luôn hành xử như không hề có những điều bất hạnh đó trên đời.

Hơn thế nữa, nhà vua sa thải khỏi cung điện của Thái tử tất cả những cung nữ và hầu cận nào lộ nét ốm yếu, già nua, bệnh hoạn. Chung quanh Thái tử chỉ có những người đang tuổi thanh xuân, tươi tắn, và nụ cười luôn nở trên môi. Những ai đau yếu đều bị đưa đi nơi khác và không được phép trở lại cho đến khi hoàn toàn bình phục. Nhà vua còn truyền lệnh nghiêm ngặt rằng không một ai được tỏ ra mệt nhọc hay u buồn trước mặt Thái tử. Để được kề cận Thái tử, ai cũng bị bắt buộc phải vui vẻ tươi tắn suốt ngày. Cả đến khi đêm về, khi cung nữ múa hát trước Thái tử, họ không được phép lộ một vẻ mỏi mệt uể oải nào.

Nói tóm lại, vua Suddhodana cố gắng sắp đặt mọi sự vật và nhân dáng hiện hữu quanh Thái tử để Ngài không thể biết hay ngờ được rằng cuộc đời này còn có gì khác ngoài những nụ cười, niềm hoan lạc và tuổi thanh xuân. Vì vậy để chu toàn việc sắp xếp này, nhà vua còn cho xây một bức tường cao bao quanh cung điện và ngự viên của Thái tử, cùng truyền nghiêm lệnh cho những người gác cổng điện Thái tử không được phép để Ngài ra ngoài vì bất cứ lý do gì.

Như vậy, vua Suddhodana tin rằng con trai của mình sẽ không bao giờ nhìn thấy được gì ngoài những hình ảnh đẹp đẽ và hương sắc tươi sáng của tuổi hoa niên. Thái tử sẽ không bao giờ nghe được gì ngoài những âm thanh êm ái ngọt ngào của lời ca, điệu nhạc và tiếng cười. Như thế Thái tử sẽ an hưởng cảnh sống như cha Ngài đã và đang hưởng, sẽ không bao giờ ước mơ đời xuất gia khổ hạnh, sẽ không bao giờ tìm kiếm một nơi nào cao đẹp hơn đời sống người con trai yêu quý nhất của một vị vua.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn