(Xem: 1820)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2277)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 04 - Xuất Gia

02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 13026)

Chương 04

Xuất Gia

blank

Bên giòng sông Anomā, Thái tử Siddhattha cắt râu tóc, bỏ lại xiêm y, tự nguyện sống đời khất sĩ không nhà.

Mặc dù được bao phủ bởi một nếp sống xa hoa vương giả, và mặc dù tất cả những nỗi đau khổ của cuộc đời đã được khuất lấp ngoài ngưỡng cửa vàng son để tránh những nỗi buồn có thể gợn lên trong tâm tư Thái tử Siddhattha, thế nhưng vị Thái tử trẻ vẫn không sao được vui trọn vẹn như phụ vương của Ngài mong mỏi.

Ngài muốn biết đến thế giới bên ngoài bốn bức tường giam hãm mình bấy lâu nay. Để ngăn Thái tử có thì giờ suy nghĩ vẩn vơ về thế giới ấy, nhà vua tổ chức rất nhiều yến tiệc liên hoan. Nhưng nhà vua vẫn không được mãn nguyện.

Thái tử buồn bực vì không thích cuộc sống gò bó như bị tù đày trong cung vàng điện ngọc đầy hoan lạc này. Ngài vẫn nuôi ý tưởng được mục kích thế giới bên ngoài. Ngài muốn được biết nếp sống dân giả của những người không phải là ông hoàng bà chúa. Họ sống ra sao? Ngài than thở nhiều lần với phụ vương rằng Ngài sẽ không bao giờ có thể vui trọn vẹn đến khi nào đạt được ý muốn này.

Một ngày nọ, khi nhà vua bắt đầu bực tức bởi lời van nài liên tục của Thái Tử, Ngài không thể từ chối ước muốn ấy được nữa, Ngài nói: “Thôi được, con trai của ta! Con được phép xuất cung đi thăm một vòng ngoại thành. Nhưng ta phải chuẩn bị để mọi sự vật được xứng đáng cho Thái tử của ta để mắt tới.”

Liền đó nhà vua bèn sai sứ giả đến khắp ngỏ ngách kinh thành thông báo cho dân chúng về ngày du hành của Thái tử. Dân chúng được lệnh phải treo cờ ở cửa sổ, sơn phết dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, giăng đèn kết hoa quanh nhà và bằng mọi cách phải giữ vẻ tươi đẹp tốt lành mọi nơi.

Ngài còn truyền chiếu chỉ nghiêm cấm tất cả những ai có một điểm bất toàn nào đó trên thân không được phép ra đường vào ngày Thái tử du hành đường phố. Những người mù lòa, què quặt, bệnh hoạn, già nua hay mang phong hủi đều phải ở trong nhà, không được xuất hiện ở ngoài đường bất cứ lúc nào. Chỉ những người trẻ tuổi, mạnh khỏe không bệnh tật và tướng mạo tươi tốt mới được ra đường phố đón chào Thái tử. Chiếu chỉ còn ghi rằng ngày hôm ấy không một tang lễ nào được cử hành; tất cả các thi hài đều phải giữ lại chờ đến hôm sau mới được hỏa táng.

Thần dân nghiêm chỉnh tuân hành vương lệnh. Phố phường được quét sạch, đường sá được rảy nước để tránh bụi bặm bay lên. Nhà cửa được quét dọn, sơn phết, giăng đèn kết hoa. Dân chúng còn treo những tua vải muôn màu rực rỡ vào những cành cây trên đường Thái tử sẽ đi qua. Nói tóm lại, họ làm tất cả những gì có thể nghĩ ra được để thành phố này giống như một cõi tiên của các chư thiên.

Khi mọi thứ đã được sắp đặt sẵn sàng, Thái tử Siddhattha xuất cung, ngồi kiệu hoa trên một cỗ xe ngựa lộng lẫy, chậm chạp diễn qua từng đường phố của kinh thành. Thái tử nhìn khắp nơi, đâu đâu cũng nhìn thấy những mặt người tươi vui rạng rỡ lộ vẻ sung sướng khi Thái tử đến bên họ.

Một vài người trong đám đông đứng lên tung hô chúc mừng Thái tử. Một số người khác chạy đến trước kiệu của Thái tử để rắc hoa dưới chân ngựa. Khi thấy người người triệt để tuân hành mệnh lệnh của Ngài như vậy, nhà vua rất hài lòng. Ngài nghĩ rằng con trai của Ngài bây giờ đã nhìn thấy sinh hoạt của kinh thành, đâu đâu cũng một cảnh đời thái bình an lạc. Ngài tin chắc Thái tử sẽ an lòng, và sẽ mãi mãi không còn ôm ấp những suy tư buồn bã ưu phiền nữa.

Bỗng nhiên từ một túp lều nhỏ bên lề đường, một ông lão lảo đảo bước ra, râu tóc bạc phơ, che thân bằng những mảnh giẻ rách nát tả tơi. Khuôn mặt ông héo hắt đầy những nếp nhăn; đôi mắt mờ đục lờ đờ; hàm răng ông đã rụng hết chỉ còn trơ lợi. Khi ông run rẩy co quắp tựa vào một người lính hầu, ông phải giữ chặt người lính bằng cả hai tay để khỏi té ngã. Rồi ông lê bước trên đường phố, không để ý gì đến quang cảnh tưng bừng náo nhiệt chung quanh. Với giọng nói thều thào yếu ớt qua đôi môi nhợt nhạt, ông lắp bắp cầu xin người qua lại bố thí chút thức ăn nếu không thì chẳng bao lâu nữa ông sẽ chết vì đói khát.

Thế là những gì nhà vua tưởng đã sắp đặt thật chu đáo đã hoàn toàn bị hủy hoại.

Dĩ nhiên mọi người đều tức giận vì ông lão đã cả gan bước ra khỏi lều ngày hôm nay khi mà con trai của Hoàng thượng đi tham quan kinh thành lần đầu tiên trong đời, và Hoàng thượng đã truyền lệnh cho những người như ông không được phép lộ diện trên đường phố. Họ đã cố gắng đẩy ông trở vào lều trước khi Thái tử kịp nhìn thấy, nhưng không còn kịp nữa. Thái tử Siddhattha đã nhìn thấy ông lão và cảnh tượng đó làm Ngài kinh hoàng. Bởi vì Ngài không có một ý niệm gì về những gì đang xảy ra trước mặt Ngài.

- Channa (Xa Nặc), cái gì vậy? - Ngài vội vã hỏi người hầu cận thân tín nhất bên mình

- Chắc chắn đó không phải là một con người. Tại sao ông ta lại lụm khụm còm cõi như vậy? Tại sao ông ta không đứng thẳng như ta và ngươi? Cớ gì mà ông lại lập cập run rẩy? Tại sao tóc ông có màu kỳ lạ thế kia mà không đen như tóc của ta? Đôi mắt của ông bị gì thế? Răng của ông đâu cả rồi? Phải chăng có những kẻ bẩm sanh đã như vậy? Hãy giải thích cho ta nghe, hỡi Channa trung thành của ta!

 

Channa tâu lên Thái tử:

- Bạch Thái tử, đây là một người già. Khi sanh ra ông ta không có hình dáng như thế. Lúc còn trẻ lưng ông cũng đứng thẳng, mạnh mẽ, tóc ông đen, mắt sáng. Nhưng ông sống cũng đã khá lâu nên ông phải trở thành một người có hình dáng như vậy. Thưa Thái tử, xin Ngài đừng bận tâm đến ông ta. Đó chỉ là do tuổi già.

 

- Nghĩa là sao hở Channa? Có phải ngươi muốn nói đây là lẽ thông thường tất nhiên không? Có phải bất cứ ai đã sống lâu đủ thì sẽ trở thành như vậy chăng? Chắc không phải thế đâu. Ta chưa bao giờ thấy một sự kiện nào như vậy cả. Tuổi già! Tuổi già là gì vậy?

 

- Bạch Thái tử, tuổi già có nghĩa là khi một người đã sống đủ lâu thì người ấy sẽ trở thành già yếu như người đàn ông đó, và tất cả mọi người đều phải chịu cảnh già yếu.

 

- Channa, ngươi nói là tất cả mọi người? Vậy thì ta, phụ vương, hiền thê của ta đều phải trở thành một người như vậy chăng, cũng bị rụng răng, lưng còng, run rẩy yếu ớt, đi phải chống gậy, có phải thế chăng?

 

 

- Đúng vậy, thưa Thái tử. - Channa trả lời - Tất cả mọi người trên thế gian, nếu sống lâu, đều sẽ phải trở thành như ông lão đó. Không thể nào cưỡng lại được. Đó là tuổi già.

Nghe đến đây, Thái tử Siddhattha truyền Channa lập tức đưa Ngài hồi cung. Ngài không muốn thấy điều gì nữa trong kinh thành. Ngài không còn cảm thấy hứng thú tiếp tục hưởng những cuộc vui đang diễn ra chung quanh với tiếng cười nói nhộn nhịp và những đường phố trang hoàng rực rỡ.

Ngài muốn được ngồi yên một mình suy nghĩ về cảnh tượng kinh hoàng vừa mới xảy ra và những gì Ngài mới được nghe nói đến về tuổi già. Dù Ngài là một vị thái tử, sẽ thừa kế ngai vàng, nhưng rồi Ngài cũng như tất cả những người thân yêu của Ngài, một ngày nào đó cũng sẽ phải trở nên yếu ớt mỏi mòn và không còn một niềm vui sống nào nữa bởi vì họ sẽ già nua; và không có một cái gì có thể ngăn chặn điều này đừng xảy ra, cho dù họ là những người giàu sang, danh vọng, đầy quyền lực.

Về đến hoàng cung, yến tiệc với đầy đủ cao lương mỹ vị được dọn ra nhưng Ngài không thiết ăn uống gì. Ngài mãi suy tư về tuổi già. “Một ngày nào đó ta sẽ già.” Bữa tiệc mà Ngài không buồn đụng đến đã được dọn đi. Các vũ công bắt đầu trình diễn những vũ điệu quyến rũ, âm nhạc êm dịu, giọng ca thánh thót. Nhưng cũng không kéo được Thái tử ra khỏi dòng suy nghĩ buồn phiền. Còn hứng thú gì để thưởng thức khi nghĩ đến một ngày nào đó những vũ công tài ba, những ca kỹ yêu kiều này đều sẽ phải già nua, héo úa như ông lão ở ngoại thành kia.

Rồi Ngài truyền cho tất cả lui ra. Ngài đặt lưng xuống nghỉ ngơi. Nhưng Ngài không sao ngủ được. Ngài lo nghĩ cho người vợ xinh đẹp tuyệt trần Yasodharā. Rồi sẽ đến lúc Ngài cũng như Yasodharā cùng tóc bạc, da nhăn, răng rụng, xấu xí như ông lão. Cả hai sẽ không còn say đắm, yêu thích nhau nữa.

Nghĩ đến đây, Ngài bắt đầu tự hỏi trong hàng triệu triệu người đã có ai tìm được phương cách để tránh được cái tuổi già kinh khiếp này chưa? Và nếu giả sử Ngài cố gắng dồn tất cả tâm trí và nghị lực để làm được việc ấy liệu Ngài có giúp cho Ngài, cho Yasoddarā, cho Phụ Vương và cho cả nhân loại thoát khỏi sự già nua không?

Nhà vua được báo cáo đầy đủ về chuyến du ngoạn kinh thành của Thái Tử về những việc xảy ra ngoài dự định và thái độ khác thường của Thái tử sau chuyến du hành. Nhà vua rất buồn rầu, lo âu. Ngài cố gắng bày ra nhiều tiết mục vui chơi để mong Thái tử không còn ám ảnh bởi những tư tưởng bi quan mà Ngài hiểu rằng nếu không kịp ngăn chặn thì chắc chắn chúng sẽ lôi kéo Thái tử thoát ly đời sống thế tục.

Nhưng những cố gắng của nhà vua đều vô ích. Thái tử từ chối tất cả. Ngược lại Ngài còn khẩn khoản yêu cầu vua cha cho Ngài được phép xuất cung thăm viếng kinh thành một lần nữa, và lần này sẽ không thông báo cho dân chúng để khỏi có một sự sắp đặt nào trước. Như vậy Ngài mới có thể nhìn thấy tận mắt đời sống thường nhật của dân chúng.

Vua Suddhodana không muốn chiều theo ý của Thái tử. Ngài lo sợ rằng một khi Siddhattha mục kích được bộ mặt thật của đời sống những người dân dã, không thuộc hàng quyền quý cao sang, phải vất vả kiếm ăn bằng mồ hôi nước mắt thì lời tiên đoán của người đạo sĩ già năm xưa sẽ thành sự thật. Có nghĩa là Siddhattha sẽ không nối ngôi vua.

Tuy nhiên, Ngài cũng thừa hiểu rằng với những gì đã được mắt thấy tai nghe rất khó cho Thái tử có thể vui sống trở lại như xưa nếu không được chứng kiến thêm cho dù kết quả sẽ ra sao đi nữa. Vì vậy một lần nữa, nhà vua phải miễn cưỡng cho phép Thái tử xuất cung thăm dân tình.

Một lần nữa, Thái tử được phép bước ra khỏi bốn bức tường thành được dựng lên tưởng là sẽ che dấu được những cảnh đau khổ khỏi tầm mắt của vị vua tương lai. Lần này, để dân chúng không nhận ra được mình, Ngài không ăn mặc như một vị vương tử mà phục sức như một thanh niên gia đình khá giả và đi bộ thay vì dùng cỗ xe ngựa kéo, và chỉ có Channa đi theo tháp tùng. Channa cũng cải trang để không ai nhận ra được hai thầy trò.

Dân chúng cũng không được biết gì về chuyến vi hành của Thái tử. Không có những quang cảnh cờ xí rợp trời, những ngôi nhà kết hoa, những đám đông tung hô vạn tuế. Chỉ có những sinh hoạt bình thường của một thành phố tấp nập dân cư, đông đúc những người dân bận rộn hành nghề. Họ sinh sống bằng nhiều cách.

Đây một người thợ rèn đang đổ mồ hôi trên cái đe nóng đỏ lửa, người thợ ra sức đập dẹp một thanh sắt để uốn thành một lưỡi cày, cái liềm hay là cái trục xe kéo.

Ở bên kia là một khoảnh đất có vẻ sang trọng với nhiều ánh sáng. Đó là những cửa hàng bán đá quý. Bên trong cửa hàng có người thợ kim hoàn khéo léo đính những viên ngọc, những viên đá quý vào những mảnh vàng bạc chạm trổ, đôi tay tài ba thiện nghệ chế biến nào là đai vàng, dây chuyền, vòng đeo tay và chuỗi đeo cổ chân.

Trên một con đường khác, người thợ nhuộm đang phơi khô từng hàng một những mảnh vải nhuộm đủ màu sặc sỡ, xanh dương, đỏ thẫm và bao nhiêu màu sắc tươi thắm khác. Các mảnh vải xinh xắn này một ngày nào đó sẽ được khoác lên những tấm thân kiều diễm.

Đằng xa kia là những người thợ làm bánh đang bận rộn nướng vàng các chiếc bánh ngọt để kịp bán cho nhiều khách hàng đang chờ đợi để mua hàng. Thái tử chăm chú say mê nhìn ngắm những sinh hoạt đang diễn ra chung quanh mà Ngài chưa bao giờ được chứng kiến. Ngài vui sướng nhìn dân chúng chăm chỉ tận tụy trong dáng điệu hài lòng với công việc sinh nhai.

Nhưng niềm hân hoan của Thái tử chưa kéo dài được bao lâu thì một cảnh tượng bi thảm lại diễn ra. Trong khi dạo phố cùng Channa, Ngài nghe có tiếng rên khóc kêu cứu vang lên sau lưng. Quay lại xem có chuyện gì, Ngài nhìn thấy một người đàn ông nằm dài bên bờ bụi co quắp một cách kỳ dị. Trên mặt và khắp thân người đàn ông nổi lên những mụt nhọt thâm tím, cặp mắt trợn ngược. Ông cố gắng ngồi dậy, hơi thở hổn hển. Nhưng cứ mỗi lần gượng dậy được một lúc thì ông lại mệt lã ngã nhào xuống.

Vị Thái tử đầy lòng từ bi lập tức chạy đến bên ông già, đỡ ông ta dậy. Ngài để ông ngồi tựa vào đầu gối của mình, tìm cách vỗ về, an ủi ông ta. Ngài hỏi vì sao ông không đứng dậy được. Người đàn ông cố lên tiếng trả lời nhưng không được. Ông không còn hơi sức để nói thành tiếng.

- Này, Channa - Thái tử nói với người hầu của mình vừa đến bên - Hãy nói cho ta biết vì sao ông ta ra nông nỗi này. Sao ông ta không thở được bình thường? Tại sao ông không trả lời ta?

- Chao ôi, bạch Thái tử - Channa hoảng hốt lên tiếng - xin Ngài đừng đụng đến người ông ta. Ông ta đang mắc bệnh. Máu của ông ta đã bị nhiễm độc. Ông đang bị cơn sốt của bệnh dịch hành hạ; ông ta bị sốt nặng đến nỗi ông không còn làm gì được nữa, chỉ còn tạm cầm hơi qua ngày cho đến khi hơi thở cũng bị cơn sốt thiêu đốt.

- Nhưng có ai khác cũng bị như vậy không? Ta có thể nào sẽ bị như thế không? - Thái tử hỏi Channa.

- Chắc chắn, bạch Thái tử, Ngài cũng có thể bị như vậy nếu Ngài ôm ông ta gần như thế. Xin Ngài hãy để ông ta xuống và đừng chạm vào ông ta nữa, nếu không thì bệnh dịch sẽ lây truyền từ ông ta qua Ngài, và lúc đó Ngài cũng sẽ bị như ông ta vậy.

- Còn căn bệnh nào đau đớn khốn khổ khác có thể xảy ra cho con người, ngoài bệnh dịch này không hở Channa?

- Thưa Thái tử, còn có rất nhiều, rất nhiều bệnh tật khác, thiên hình vạn trạng, và tất cả đều có thể đem đến đau đớn thống khổ như bệnh dịch vậy.

- Và không ai có thể cưỡng lại được phải không? Phải chăng bệnh tật đến với con người một cách đột ngột, không đoán trước được?

- Thưa vâng, bệnh tật là như thế. Không một ai biết được ngày nào mà thân xác sẽ bị quỵ ngã vì bệnh tật. Nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và đến với bất cứ ai.

- Channa, với bất cứ ai thật à? Với cả những hoàng tử nữa sao? Và cả ta nữa phải không? - Thưa vâng, ngay cả đến Ngài cũng có thể bị bệnh tật.

- Vậy thì mọi người trên thế gian đều phải luôn luôn sống trong sợ hãi. Họ sợ hãi không biết lúc nào sẽ mắc bệnh như người đàn ông khốn khổ này. Có phải thế không?

- Quả thật như thế, thưa Thái tử, không một ai trên cõi đời này có thể biết trước được họ sẽ mắc bệnh hay không và lúc nào thì sẽ bị và sẽ phải chịu đựng bao nhiêu đau đớn trước khi phải chết.

- Chết! Chết nghĩa là gì hở Channa? Ta chưa hề nghe đến cái tiếng này bao giờ!

- Thái tử nhìn kìa! - Channa thốt lên.

Thái tử nhìn theo hướng Channa chỉ, thấy một đoàn người vừa đi vừa khóc. Trong đám đó có bốn người đàn ông khiêng một tấm ván trên đó có một người ốm trơ xương nằm bẹp dí, bất động, má hóp sâu, miệng như đang nhe răng cười, xấu xí kỳ lạ. Thỉnh thoảng những người khiêng tấm ván bị vấp đá làm cho thân người kia bị dằn xốc nhưng tuyệt nhiên không thấy người ấy than van.

Thái tử nhìn theo đoàn người đi qua và tự hỏi vì sao tất cả lại than khóc, tại sao người kia lại nằm bất động trên tấm ván cho những người kia khiêng đi. Nhưng sau đó Thái tử lại chứng kiến một điều lạ nữa. Ngài thấy những người khuân tấm ván bấy giờ đặt tấm ván lên dàn củi rồi châm lửa cho dàn củi bùng cháy. Trong khi ấy, người nằm trên tấm ván vẫn im lìm, không một phản ứng dù ngọn lửa đã bắt đầu liếm đến phần đầu và chân người ấy.

Thái tử quay sang Channa hỏi với giọng kinh hoàng:

- Chuyện gì vậy Channa? Tại sao người kia lại nằm bất động để người ta đốt cháy? Tại sao người ấy không ngồi dậy và bỏ chạy?

- Thưa Thái tử, người đó không có phản ứng gì bởi vì anh ta đã chết. Người ấy có chân nhưng không còn có thể dùng nó để chạy, có mắt nhưng mắt không còn nhìn thấy được gì nữa, có tai nhưng không còn nghe được, không còn cảm nhận được gì đang xảy ra trên thân, dù nóng hay lạnh, dù lửa bỏng hay băng giá. Nói tóm lại, người này không còn một ý thức gì nữa cả. Người ấy đã chết rồi.

- Chết, Channa? Vậy những gì ta vừa chứng kiến là hình ảnh của một người chết? Và ngay cả ta, dù là con của một vị vua, một ngày kia rồi cũng sẽ chết? Còn cha ta, Yasodharā, và tất cả những người ta đã biết qua, tất cả mỗi chúng ta, rồi một ngày nào đó cũng sẽ chết đi giống như người bị thiêu đốt trên dàn củi cháy đỏ kia, phải không?

- Thưa vâng. Tất cả chúng ta những ai còn đang sống thì một ngày kia rồi cũng phải chết. Không một ai có thể thoát được cái chết. Không có gì chắc chắn bằng cái chết. Không ai có thể ngăn cản để cái chết đừng đến.

Thái tử lặng người kinh ngạc. Ngài không nói gì được nữa. Với Ngài, thật là một điều kinh khủng rằng không có một phương cách nào tránh khỏi được cái chết. Bao nhiêu người đã chết, kể cả các vì vua và các con của họ. Ngài lẳng lặng hồi cung. Về đến phòng, Ngài ngồi lặng người suy tư buồn bã hàng giờ về những gì Ngài mới vừa chứng kiến hôm nay.

  “Thật là kinh khủng.” Thái tử tự nhủ. Ngài suy gẫm: “Channa đã nói rằng tất cả mọi người đang sống trên đời này, rồi một ngày kia sẽ phải chết, và không gì có thể ngăn cản được. Ôi, chắc chắn phải có một phương cách nào đó để cứu giúp con người ra khỏi cái chết? Ta sẽ đi tìm một phương cách để tránh khỏi phải bị chết, giúp cho ta, cho phụ hoàng, Yasodharā và tất cả mọi người. Ta phải đi tìm một con đường mà có thể giúp nhân loại thoát khỏi tuổi già, bệnh tật và cái chết.”

Rồi một ngày nọ khi Thái tử đang ngồi trên cỗ xe ngựa trên đường đi đến vườn ngự uyển, Ngài chạm mặt một người đàn ông khoác tấm y buông rủ màu da cam của các đạo sĩ. Thái Tử quan sát tỉ mỉ vị đạo sĩ và bỗng nhiên Ngài cảm nhận được một niềm an lạc trong tâm trước vẻ thư thái an nhiên, phong cách nghiêm trang, và dáng dấp cao quý của vị đạo sĩ.

Ngài bèn hỏi Channa về đời sống của một đạo sĩ. Channa trả lời rằng đó là một vị thuộc về thành phần những người sống đời “thoát tục” để tìm phương pháp cứu chữa những khổ đau phiền não của thế gian. Thái Tử tỏ ra rất thích thú khi nghe đến điều này. Ngài đi đến vườn ngự uyển thơ thới hân hoan và nghĩ đến con đường xuất gia.

Khi Thái tử đang ngồi suy tư về quyết định “thoát tục”, Ngài nhận được tin Công nương vừa hạ sanh một hoàng nam kháu khỉnh. Nhưng Thái tử không lộ một vẻ mừng rỡ nào trước tin vui này. Ngài tự nhủ thầm: “Lại một rāhula – nghĩa là sợi dây trói buộc - đến với ta rồi.” Chính vì điều này mà vị hoàng tử mới chào đời được gọi là Rāhula vào ngày đặt tên vì đức vua đã nói sẽ chọn tên cho cháu của mình dựa vào lời thốt đầu tiên của Thái tử khi được báo tin mừng.

Từ ngày hôm ấy, vua Suddhodana nhận thấy không có cách nào để có thể giữ Thái tử Siddhattha trong cung vàng điện ngọc. Nhà vua biết là không thể ép Thái tử an hưởng mãi nếp sống vương giả đầy dục lạc. Vì vậy nhà vua cho phép Thái tử được như ý thăm viếng kinh thành bất cứ lúc nào. Từ đó Thái tử thường đánh xe đi khắp kinh thành, quan sát mọi sự việc rồi suy tư về những gì đã mục kích. Càng ngày Ngài càng nhận thấy phải thực hiện một điều gì.

Sau một cuộc viếng thăm kinh thành, trên đường về cung, khi Ngài đi ngang qua hậu cung của các vương phi, một công nương có tên là Kisagotami vô tình nhìn thấy Thái Tử qua khung cửa sổ. Nàng hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp và dáng dấp cao quý của Thái tử. Nàng thốt lên: “Ôi thật là diễm phúc cho những ai được làm mẹ, làm cha, làm vợ của một Thái tử trẻ tuổi tuyệt vời như vậy!”

Nhưng nàng không biết mình đã nói lớn tiếng đến nỗi Thái tử nghe được. Ngài tự nhủ: “Nàng nói đúng, làm cha mẹ hay làm vợ của một người như thế thì thật là một điều hạnh phúc. Nhưng thứ hạnh phúc đó có phải là thứ hạnh phúc lâu bền, tồn tại mãi mãi?” Từ khi được chứng kiến cảnh tượng về già nua, bệnh hoạn và chết chóc, tâm của Thái tử xa rời mọi lạc thú thế gian và lúc nào cũng suy tư về những nguyên nhân gì đã làm cho con người đau khổ.

Ngài tự nhủ: “Hạnh phúc chân chánh chỉ đến khi không còn tham, sân, si. Khi ngọn lửa ngã mạn, si mê và tham ái bị dập tắt, khổ đau mới thật sự chấm dứt. Và đó là điều mà ta và cả nhân loại phải làm để có hạnh phúc chân chánh. Nhưng làm cách nào để biết đâu là con đường thoát khổ thật sự? Ta không thể ở mãi trong cung vàng điện ngọc sống đời dục lạc cho riêng ta được nữa. Ta phải mau thoát ly ra khỏi chốn xa hoa này mới mong tìm ra được con đường đưa ta và mọi chúng sanh thoát khỏi cảnh sanh, già, bệnh, chết. Vị vương phi này vô tình đã giúp ta tìm ra một hướng đi mới. Ta phải tặng người một món quà.”

Ngài bèn tháo ngay chuỗi ngọc trai mà Ngài đang đeo trên cổ xuống, gởi tặng công nương Kisagotami với những lời khen ngợi. Nàng nhận tặng vật từ tay sứ giả của Thái tử và gởi lại Ngài lời cám ơn nồng nhiệt. Nàng tưởng rằng vị Thái tử thông minh trẻ tuổi, đẹp trai đã dùng chuỗi ngọc trai này để bày tỏ tình yêu hay ngỏ ý cầu hôn và rồi nàng sẽ trở thành vị thứ thê của Thái tử.

Nàng không biết rằng Thái tử đã không còn tha thiết gì đến những tham ái thế tục. Cha và vợ của Ngài hiểu rất rõ điều này. Quả thật, những ai cận kề Thái tử đều thấy được rằng Ngài đã thay đổi hoàn toàn, nghiêm nghị và trầm tư hơn bao giờ hết sau mỗi chuyến du hành ngoại thành.

Tuy nhiên nhà vua cũng cố gắng thêm một lần nữa tìm cách giúp Thái tử tiêu khiển để quên đi ý định từ bỏ cung vàng điện ngọc. Nhà vua truyền gọi các ca kỷ, vũ công tài ba thiện nghệ, xinh đẹp yêu kiều nhất của vương quốc tụ họp về cung điện của Thái tử.

Thoạt tiên Thái tử cũng chịu khó lắng nghe vì không muốn làm phật ý phụ vương. Nhưng đôi mắt Ngài chỉ thấy chập chờn bởi vì Ngài luôn luôn bị cuốn hút vào những ấn tượng mạnh mẽ về tuổi già, bệnh tật và cái chết. Ngài mãi nghĩ đến việc đi tìm một phương cách để giúp cho nhân loại có thể tránh được những cảnh khổ này.

Miên man suy nghĩ, Thái tử cảm thấy thấm mệt, Ngài không còn để ý đến các điệu múa, tiếng hát và những khuôn mặt đẹp lộng lẫy chung quanh, Ngài rơi lần vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.

Không bao lâu sau, các ca kỷ và vũ công nhận ra rằng vị Thái tử đâu còn thưởng thức những điệu vũ mà họ phải nỗ lực trình diễn cho xuất sắc. Ngài đã chìm vào giấc ngủ từ lúc nào rồi. Họ ngừng ca múa, tạm nghỉ ngơi ngay trong cung điện của Thái tử để chờ Thái tử thức dậy sẽ tiếp tục ca múa. Nhưng, họ cũng cảm thấy mệt mỏi và thiếp đi lúc nào không hay, những ngọn đèn trong cung điện vẫn còn cháy sáng.

Một lúc sau, Thái tử thức giấc, Ngài nhìn quanh tỏ vẻ chán ngán. Ngài quan sát những giai nhân kiều diễm nằm rải rác trên sàn gạch trong những tư thế không còn đẹp đẽ như lúc trước. Người thì ngáy to tiếng. Người thì há hốc miệng. Có kẻ nhễ nhại nước dãi chảy xuống bộ vũ y. Có kẻ nghiến răng kèn kẹt. Thật là xấu xí thảm thương. Thái tử tự hỏi làm sao Ngài có thể thưởng lãm được những con người như thế? Có phải họ là những kiều nữ duyên dáng mới vừa đây đã múa hát trước mặt Ngài?

Một mặt nạ khác lại rơi xuống cho Thái tử thấy những sự thật xấu xa sau những khuôn mặt kiều diễm, như giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước chán ngán đời sống đầy giả tạo mà Ngài đã chìm đắm bấy lâu nay. Lòng Ngài cương quyết lìa bỏ cuộc sống phù phiếm này để đi tìm một hạnh phúc chân chính, chấm dứt vĩnh viễn những xấu xa đen tối của cuộc đời.

Ngài bước nhẹ nhàng qua những vũ công nằm la liệt trên sàn đá hoa, lặng lẽ lẻn ra khỏi phòng. Ngài gọi Channa đến, truyền Channa thắng yên cương cho con ngựa Kanthaka ngay lập tức để chuẩn bị một cuộc hành trình xa.

Khi Channa lui ra, Thái tử Siddhattha nghĩ đến việc nhìn mặt đứa con trai sơ sinh trước khi ra đi. Ngài bèn vào phòng Yasodharā đang yên giấc bên cạnh đứa con yêu đầu lòng. Khi Ngài mở hé cửa để nhìn vào thì vợ Ngài đang ngủ say, tay nàng che ngang đầu đứa bé.

Thái tử tự nhủ: “Nếu ta thử kéo tay nàng ra để nhìn rõ khuôn mặt Rāhula thì e làm nàng thức giấc rồi sẽ ngăn cản không cho ta rời khỏi nơi đây. Không, ta không nên đánh thức nàng dậy cho dù không được nhìn thấy mặt con ta trước khi ra đi. Đến khi nào ta đạt được ước nguyện của ta, ta sẽ về đây thăm lại cả hai.”

Thái tử rời cung điện trong im lặng không một ai hay biết. Trong bóng đêm tịch mịch, Ngài cỡi ngựa trắng Kanthaka - cũng đang cố giữ yên lặng, không dám hí vang cũng không dám gây một tiếng động nào. Cùng với Channa, Siddhattha vượt qua cổng thành không một cản trở. Ngài phóng ngựa ra khỏi kinh thành bỏ lại sau lưng tất cả những người thân yêu.

Khi đã đi được một quãng đường, Ngài dừng ngựa, quay lại nhìn một lần cuối kinh thành Kapilavatthu đang êm đềm say ngủ dưới bóng trăng trong lúc Thái tử ra đi không hẹn ngày trở lại. Đó là kinh thành của phụ vương Ngài trong đó có người vợ trẻ và đứa con sơ sinh yêu dấu.

Nhưng những tình cảm yêu thương đó không hề làm suy suyển quyết tâm ra đi tìm đường thoát khổ của Ngài. Ngài không mảy may có một ý tưởng muốn quay về với những người thân thương lúc này. Ngài lại tiếp tục hướng về phía trước, phóng ngựa mãi, cho đến khi Ngài đến bờ sông Anomā. Dừng chân ở bờ sông, Ngài tháo bỏ tất cả trang sức, trao lại cho Channa và bảo rằng:

- Đây, Channa trung thành của ta! Hãy đem những trang sức này và bạch mã Kanthaka hồi cung. Kể từ đây, ta bắt đầu sống một cuộc đời thoát tục.

Channa khóc lóc nức nở, van nài:

- Ôi, Thái tử yêu kính của con, xin đừng ra đi một thân một mình như vậy. Xin cho con được đi theo để hầu cận Ngài.

 

Nhưng Thái tử nhất định từ chối không cho mặc dù Channa hết lời năn nỉ. Ngài nói:

- Đây chưa phải là lúc ngươi rời bỏ đời sống thế gian, hãy trở về kinh thành lập tức và tâu với phụ vương của ta rằng ta vẫn bình yên để người an lòng.

Rồi Ngài bắt Channa phải đem trang sức và bạch mã Kanthaka trở về cung điện ngay lập tức. Biết là không thể cưỡng chống được mệnh lệnh của Thái tử, Channa lòng buồn vô hạn, nước mắt chứa chan, dắt ngựa quay trở lại con đường cũ hướng về kinh thành.

Về đến cung điện, Channa báo hung tin cho Kapilavatthu rằng Thái Tử đã ra đi sống đời lữ hành lang thang không mái ấm gia đình. Ngài đã thực sự bỏ lại đời sống vương giả và tất cả mọi người thân yêu.

Năm đó Thái tử vừa tròn hai mươi chín tuổi. Ở lứa tuổi còn tràn đầy sức sống, tóc còn xanh thắm, thân thể còn tráng kiện, Thái tử Siddhattha Gotama của dòng dõi vương giả Sākya xuất gia, dấn thân vào đời lữ hành không cửa nhà gia quyến, để tìm cho mình, cho nhân loại con đường giải thoát khỏi tất cả những đau khổ của bệnh tật, yếu già và cái chết.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn