(Xem: 1813)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2274)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 05 - Lòng Bi Mẫn

02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 13960)

Chương 05

Lòng Bi Mẫn 


blank

Kisagotami cầu xin Thái tử ẩn sĩ cứu con trai nàng thoát khỏi tay thần chết.

Sau khi từ giã Channa dưới rặng cây bên bờ sông, vị Thái tử trẻ bây giờ trở thành một khất sĩ lang thang không nhà. Ngài hướng về phương Nam, tiến về kinh thành Rājagaha (Vương Xá), thủ đô nước Magadha (Ma Kiệt Đà) của vua Bimbisāra (Bình Sa Vương).

 Đến nơi, Siddhattha cầm một bình bát trong tay, đi qua từng đường phố, dừng chân từ ngưỡng cửa này đến ngưỡng cửa khác để khất thực như bất cứ một khất sĩ nào. Nhưng Siddhattha thì không giống như một tu sĩ bình thường. Trông Ngài có một dáng vẻ thật đặc biệt. Những người cúng dường cho Ngài đều kính cẩn đặt vào bát của Ngài những món ăn ngon nhất của họ.

Khi nhận vừa đủ thức ăn, vị Thái tử khất sĩ rời thành phố, ngồi xuống một góc vắng bên ngoài thành để dùng những vật thực trong bát. Nhưng đồ ăn trong bát không có gì ngon lành cả. Thái tử đã từng quen với những bữa tiệc thịnh soạn toàn những món ăn thơm lừng được trình bày một cách hấp dẫn. Ngài chưa bao giờ phải ăn một bữa cơm bầy hầy như trong chiếc bình bát trước mặt. Ngài cảm thấy nhờm gớm khi nhìn những miếng ăn thừa, nguội lạnh, vụn đủ loại trộn lẫn lộn với nhau. Thật là khó mà nuốt được mớ thức ăn hỗn tạp này vào bụng. Thà nhịn đói còn hơn!

Nhưng bỗng nhiên Ngài chợt suy nghĩ: “Siddhattha, ngươi đã được sinh ra trong một gia đình quý tộc vương giả, đã từng được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ. Nhưng chính ngươi đã tự cương quyết từ bỏ đời sống cao sang đó để sống đời khất sĩ lang thang không cửa không nhà, chấp nhận nuôi thân bằng những vật thực tùy hỷ cúng dường của các thí chủ. Ngươi có quyết tâm trở thành một vị tu hành chân chánh hay không? Ngươi không thể ăn những đồ ăn bố thí như những khất sĩ khác hay sao?”

Ngài tự khiển trách mình đã kén chọn món ăn, thật không xứng đáng là một vị tỳ kheo. Nghĩ vậy, Thái tử hết thấy nhờm gớm đồ ăn trong bình bát. Ngài bình thản dùng hết vật thực xin được. Từ đó trở đi Ngài không còn gặp một trở ngại nào về vấn đề ăn uống do thiện tín bố thí. Trong lúc đó, dân chúng Rājagaha, kinh thành của vua Bimbisāra đang bàn tán về vị khất sĩ khác thường: trông Ngài thật oai nghi và cao quý! Những lời bàn tán này thấu đến tai vua Bimbisāra.

Nhà vua sai hầu cận đi tìm hiểu thân thế của vị khất sĩ lạ mặt kia. Chẳng bao lâu, họ tìm ra tông tích vị khất sĩ và tâu lại cho nhà vua biết mọi tin tức về Siddhattha, người con trai đầu lòng của vị vua dòng dõi Sākya. Thái tử đã khước từ đời sống vương giả để trở thành một khất sĩ, đang đi tìm con đường cứu khổ cho nhân loại.

Vua Bimbisāra lắng nghe những lời trình tấu với một tâm trạng thật hoang mang. Ngài chưa bao giờ biết đến một vị khất sĩ nào lại có một mục đích cao cả như thế. Thật là một lý tưởng cao quý và vĩ đại, xứng đáng cho một vị hoàng tử theo đuổi, và biết đâu đó là một điều có thể thực hiện được.

Ngài bèn truyền cho quân lính đi mời vị Thái tử tỳ kheo vào kinh thành. Ngài sẽ cung cấp chỗ ở, thực phẩm và tất cả các thứ cần thiết cho vị Thái tử sống thoải mái nơi đây để thực hiện việc tìm cầu chân lý.

Nhưng Siddhattha từ chối lời đề nghị tử tế của nhà vua, thưa rằng Ngài sẽ không thể ở yên bất cứ nơi nào cho đến khi đạt được ý nguyện đó. Nghe vậy nhà vua bèn thỉnh cầu rằng khi nào Ngài tìm ra được con đường thoát khổ cho chúng sinh thì xin Ngài trở về cư ngụ ở kinh thành này để Vua và dân chúng là những người đầu tiên được Ngài chỉ dạy.

Rồi vị Thái tử đạo sĩ rời Rājagaha, tiếp tục cuộc hành trình vô định. Ngài đi qua nhiều vùng đất hoang vu, nhiều chặng đường hẻo lánh. Đến một ngọn đồi có nhiều đạo sĩ ẩn cư, Ngài nghĩ mình có thể học hỏi ở họ một vài điều về vấn đề sanh tử và làm sao để vượt qua những đau khổ của kiếp nhân sinh, tìm được hạnh phúc thật sự.

Khi đi dọc theo vệ đường, Ngài nhìn thấy một đám bụi mù bay xuống từ sườn núi, lẫn theo những tiếng chân chạy rầm rập. Rồi từ trong đám bụi mù hiện ra một đàn cừu và dê chạy lúc thúc về hướng đồng bằng.

Ngài nhìn thấy một con cừu con ở cuối đàn khập khiễng lê bước trong đau đớn chân bị thương rướm máu nhưng nó vẫn cố gắng hết sức chạy theo cho kịp đàn. Ngài cảm thấy thương xót cho con vật bé nhỏ què quặt. Ôm nó vào lòng và đi dọc theo đàn cừu, Ngài nói với nó:

- Khốn khổ thay cho con! Ta đang trên đường gia nhập các ẩn sĩ trên dãy đồi kia, để tìm đường giải thoát cho chúng sinh khỏi các đau đớn như con.

Khi thấy người chăn chiên, Ngài hỏi họ đi về đâu và vì sao họ lùa đàn dê cừu ra khỏi đồng cỏ dưới ánh mặt trời nóng như thiêu đốt thay vì chờ đến chiều tối mát mẻ hơn. Họ trả lời rằng họ được lệnh lập tức trong ngày hôm nay phải lùa về thành dâng nạp một trăm con cừu và một trăm con dê để chuẩn bị cho nhà vua cử hành lễ tế thần lớn đêm nay.

 Vị Thái tử đạo sĩ nói với người chăn chiên là Ngài sẽ theo về thành. Suốt chặng đường, Ngài ôm con cừu bị thương trong lòng, dịu dàng vỗ về an ủi.

Khi Ngài đến gần một bờ sông, một thiếu phụ trẻ đến trước Ngài kính cẩn đảnh lễ, thưa rằng:

- Bạch Ngài, xin hãy thương xót con, cho con được biết ở nơi nào con có thể tìm được những hạt cải có thể đẩy lùi được tử thần.

 

Siddhattha nhìn thiếu phụ ra vẻ không hiểu rõ cô muốn nói gì. Thiếu phụ bèn thưa tiếp:

- Bạch Ngài, Ngài không nhớ sao? Hôm qua con đã bồng đến Ngài đứa con nhỏ đang lâm trọng bệnh của con, nó sắp chết rồi. Con hỏi Ngài có phương thuốc nào có thể giữ được sinh mạng của nó, bởi vì nó là đứa con trai duy nhất của con. Ngài đã nói rằng nếu có một loại hạt cải đen xin từ một ngôi nhà nơi mà chưa bao giờ có người chết thì sẽ cứu nó thoát chết.

Với một nụ cười dịu hiền và u uẩn, Siddhattha hỏi cô:

- Rồi cô có tìm được nhúm hạt cải đó không?

Thiếu phụ buồn bã trả lời:

- Thưa Ngài, con không thể tìm được. Con đã đi khắp làng, đến từng nhà một để xin những hạt cải đen. Ai cũng sẵn sàng cho. Nhưng khi con nói với họ rằng con chỉ muốn những hạt cải đó nếu trong nhà của họ chưa bao giờ có người chết. Họ nói điều con đòi hỏi thật là kỳ quặc, bởi ai ai cũng biết rằng nhà nào cũng đã từng có người chết. Người thì có kẻ làm công vừa qua đời; người thì cha họ vừa mới chết; người thì mẹ mất; người mất con trai; kẻ mất con gái. Nhà nào cũng có người đã chết. Gia đình nào cũng có ít nhất một cái chết. Con không làm sao có thể tìm được những hạt cải để cứu sống đứa con của con. Ôi, con van lạy Ngài, xin hãy chỉ cho con còn cách nào khác để lấy được những hạt cải đó trước khi đứa con trai bé nhỏ của con lìa đời. Phải chăng không có một ngôi nhà nào chưa hề có tử thần đến viếng?

Siddhattha trả lời người thiếu phụ bấy giờ đang gục khóc nức nở:

- Cô đã tự tìm được câu trả lời rồi. Trên khắp thế gian này không một ngôi nhà nào mà tử thần chưa hề đến viếng. Bây giờ thì cô cũng đã biết nỗi đau mất đứa con thân yêu không phải chỉ là nỗi đau của riêng một mình cô mà là của tất cả mọi người trên thế gian này. Tất cả đều phải đau đớn từ biệt khi người thân yêu nhắm mắt lìa đời. Hãy về nhà chôn cất cháu bé. Còn riêng ta, này cô, ta sẽ đi tìm những gì có thể chấm dứt sự đau khổ của cô và của mọi người. Chừng nào tìm được, ta sẽ gặp lại cô và nói cho cô biết.

Rồi Siddhattha tiếp tục lên đường đi đến kinh thành. Ngài đi đến tận hoàng cung, địa điểm hành lễ tế thần, nơi đàn thú sẽ bị giết chết. Ở đó, các pháp sư tế thần đang đứng quanh nhà vua, đọc kinh cầu đảo thần thánh. Không bao lâu ngọn lửa tế thần bừng cháy và các pháp sư đang chuẩn bị hạ sát đàn súc vật vừa được lùa đến. Nhưng khi con dê đầu tiên sắp sửa bị giết thì Siddhattha bước lên ngăn lại. Ngài tâu với vua Bimbisāra rằng:

- Không, tâu đại vương, xin đừng để các pháp sư giết con vật tội nghiệp này.

Rồi Ngài tháo sợi dây thừng treo ở cổ nó cho con vật chạy trở lại đàn. Trông thấy thái độ từ bi cao cả của Ngài, không một ai kể cả các pháp sư lẫn nhà vua nghĩ đến việc ngăn cản hành động của Ngài. Rồi vị Thái tử tỳ kheo bắt đầu trình bày về sự quý giá của đời sống cho nhà vua, cho tất cả các pháp sư và những người đến xem lễ tế thần.

Ngài nói rằng ai cũng có thể hủy diệt mạng sống, nhưng không ai có thể hồi sinh lại được mạng sống một khi nó đã bị hủy diệt. Bất cứ một sinh vật nào đều cũng ham sống sợ chết như con người. Vậy tại sao con người lại dùng sức mạnh đàn áp khống chế những sinh vật thân quen khốn khổ này chỉ để tước đoạt cái mà chúng cũng yêu quý như con người, đó là sự kỳ diệu quý giá của đời sống? Nếu con người muốn được khoan dung, con người phải bày tỏ lòng khoan dung đến muôn loài. Nếu người nào sát sanh thì theo luật nhân quả chi phối thế gian, họ sẽ phải bị giết hại. Và Ngài hỏi loại thần linh nào có thể vui thú hưởng thụ máu của sinh vật? Chắc chắn những vị thần linh đó không phải là những vị thiện lành. Chỉ có ác quỷ mới vui hưởng nỗi đau đớn và chết chóc.

Và Ngài dạy, nếu con người mong được hưởng hạnh phúc an lành thì từ nay về sau họ không nên gieo rắc khổ đau cho bất cứ một sinh vật nào, kể cả ác thú, trên thế gian này. Những ai đã gieo hạt giống khổ đau bất hạnh chắc chắn sẽ phải gặt hái đau khổ bất hạnh trong tương lai.

Bằng giọng nói ôn tồn đầy từ ái nhưng cũng rất uy dũng, lời giảng của Ngài đã lay chuyển được tâm tư của nhà vua và các vị pháp sư. Ngay sau đó nhà vua truyền lệnh cho cả nước từ nay trở đi sẽ hủy bỏ tất cả những cuộc hy sinh tế thần tước đoạt và hủy diệt đời sống của chúng sinh. Sau ngày hôm ấy, mọi người trong vương quốc của vua Bimbisāra chỉ cúng dường thần linh hoa quả, bánh kẹo và những vật phẩm trong sạch không liên quan đến sự hủy diệt tính mạng của một sinh vật nào.

Một lần nữa, vua Bimbisāra nài nỉ Siddhattha ở lại vương quốc của Ngài để dạy cho Ngài và dân trong nước tấm lòng bi mẫn đến tất cả chúng sinh.

Vị Thái tử đạo sĩ cám ơn lời thỉnh nguyện tha thiết của nhà vua. Nhưng Ngài tâu rằng mình vẫn chưa đạt được điều đang tìm kiếm. Vì vậy Ngài chưa thể nghỉ chân mà sẽ tiếp tục đi khắp mọi nơi, tìm đến những bậc hiền giả, trí nhân, biết đâu sẽ gặp được người giúp một điều gì cho những vấn đề nan giải của Ngài.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn