(Xem: 1763)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2230)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 06 - Những lỗ lực đầu tiên

02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 11997)

Chương 06

Những lỗ lực đầu tiên


blank

Thái tử ẩn sĩ nỗ lực hành trì pháp khổ hạnh suốt sáu năm trời.

 

Xứ Ấn Độ vào thời cổ xưa đó có rất nhiều vị đạo sĩ các môn phái khác nhau thu nhận đệ tử và giảng dạy những gì họ đã chứng ngộ. Trong những vị đạo sĩ này có Ālāra Kālāma rất nổi tiếng về mặt kiến thức và chứng đắc. Siddhattha tìm đến Ālāra Kālāma mong được học hỏi những điều ông giáo hóa. Siddhattha lưu lại bên vị đạo sĩ tăm tiếng này một thời gian dài để học hỏi và thực tập những pháp tu được ông hướng dẫn. Ngài học hành tinh tấn siêng năng và cuối cùng chứng ngộ được tất cả những gì thầy của Ngài đã chứng ngộ. Ālāra Kālāma rất kính phục Ngài và khả năng xuất chúng của Ngài nên một ngày kia nói với Ngài rằng:

 

- Nay Ngài đã chứng ngộ tất cả những gì tôi đã chứng ngộ, Ngài giảng dạy học thuyết của tôi không khác gì tôi giảng thuyết. Ngài cũng như tôi. Không có gì khác biệt giữa Ngài và tôi. Xin hãy ở lại đây để cùng tôi hướng dẫn các tông đồ.

Siddhattha hỏi:

- Ngài không còn điều gì khác để dạy tôi sao? Ngài không thể chỉ dẫn cho tôi con đường giải thoát sanh tử hay sao?

Ālāra Kālāma trả lời:

- Không, tôi không thể chỉ dẫn cho Ngài được bởi vì chính tôi cũng không biết và tôi không tin có ai trên thế gian này biết được con đường giải thoát đó.

Ālāra Kālāma đã dạy cho Siddhattha chứng đạt đến tầng thiền “vô sở hữu xứ”. Đây là một tầng thiền rất cao nhưng cũng không giúp cho người đắc tầng thâm định này thoát được khỏi vòng luân hồi và đau khổ trầm luân của sinh lão bệnh tử. Vì vậy, Siddhattha vô cùng thất vọng.

Ngài từ giã tôn sư Ālāra Kālāma và tiếp tục lang thang khắp nơi tìm một bậc trí nhân khác hy vọng có thể hiểu biết và giảng dạy cho Ngài một giáo lý cao hơn.

Sau đó Ngài được nghe kể về một vị đạo sĩ danh tiếng khác là Uddaka. Uddaka được mọi người ca tụng về trí thức và thần thông lỗi lạc. Siddhattha bèn đến thọ giáo với đạo sĩ Uddaka.

Ngài cũng nỗ lực tu học như khi học với Ālāra Kālāma. Tinh thông, cần mẫn, không bao lâu sau đó Ngài chứng đạt được tầng thiền vô sắc cao nhất mà thầy Uddaka đã chứng ngộ. Cũng như Ālāra Kālāma, Uddaka vô cùng hoan hỉ với khả năng và tư chất xuất chúng của Siddhattha. Uddaka ngỏ ý mời Ngài ở lại để cùng hướng dẫn môn đồ. Siddhattha cũng hỏi Uddaka câu hỏi mà Ngài đã hỏi Ālāra Kālāma:

- Đạo sĩ còn điều gì có thể giảng dạy cho tôi nữa không, đạo sĩ có biết làm cách nào để thoát ra được khỏi vòng sinh tử và tận diệt khổ đau?

Nhưng Uddaka cũng có cùng một giới hạn như Ālāra Kālāma. Uddaka trả lời Ngài rằng:

- Tôi không biết làm cách nào để giúp chúng sinh thoát vòng sinh tử và cũng chưa từng nghe ai biết được điều này.

Lại thêm một lần thất vọng, Siddhattha từ giả Uddaka, quyết định sẽ không thọ giáo một ai nữa, mà từ nay sẽ tự đi tìm câu trả lời.

Ở Ấn Độ thời bấy giờ những người xuất gia tu hành tin rằng nếu chịu sống khổ hạnh bằng chế độ ăn uống cực kỳ kham khổ và đày đọa thân xác thì về sau họ sẽ được hưởng một kiếp sống rất dài lâu và đầy phúc lạc ở cõi trời. Họ nghĩ rằng, chỉ khi nào một người đã chịu đủ mọi hình thức ép xác ở cõi đời này, thì họ mới chắc chắn tìm được hạnh phúc ở một thế giới khác. Càng khổ cực lúc này càng sung sướng về sau. Vì vậy phương pháp tu tập của họ là đày đọa thân xác. Ngày nay ở Ấn Độ vẫn còn một số đạo sĩ tu theo pháp khổ hạnh này.

Một trong các cách tu của họ là giảm bớt số lương thực ăn hàng ngày, càng ngày càng giảm cho đến khi hầu như là tuyệt thực. Thân thể họ chỉ còn da bọc xương. Có người tu theo pháp đứng một chân cho đến khi chân họ trở nên chai cứng chết khô. Có người luôn luôn đưa tay lên trời cho đến khi cánh tay gầy teo khô héo vì máu huyết không lưu thông bình thường được nữa. Một cách tu khác là nắm chặt bàn tay không bao giờ mở cho đến khi móng tay mọc dài xuyên qua lòng bàn tay, qua da thịt, lòi qua lưng bàn tay. Có người ngủ trên bàn chông hay chiếc giường đầy gai nhọn hay một miếng ván tua tủa đầy những đinh nhọn.

Siddhattha vì nóng lòng quyết tâm tìm bằng được con đường giải thoát đau khổ nên không quản ngại đau đớn và khó nhọc. Ngài cũng thực hành phương pháp tu khổ hạnh. Vì không biết pháp nào hữu hiệu nên Ngài cũng tu theo các vị đạo sĩ chuyên tu ép xác. Ngài tin tưởng chân thành rằng nếu Ngài tự đày đọa thân xác đến một mức nào đó thì cuối cùng Ngài sẽ nhận được một phần thưởng giác ngộ.

Sau này Ngài kể lại cho vị đại đệ tử Thera Sāriputta (Xá Lợi Phất) một phần nào về giai đoạn tu khổ hạnh ấy như sau:

“Ta tập nín thở cho đến khi tai ta ù vang, đầu ta đau đớn như bị ai dùng gươm chém hay quật mạnh bằng roi da. Thân xác ta cũng vậy, ta phải chịu đựng những cơn đau như thể có người đồ tể đang tùng xẻo thịt xương ta, hay như ai đó ném ta vào hầm than cháy đỏ.

“Rồi ta thực tập chịu đựng sự cô độc. Vào những đêm trăng tròn, ta ra những nơi hoang vắng, giữa những rặng cây có xác chết chôn vùi. Ta ở đó suốt đêm nghe lá khua xào xạc và cành khô rơi rụng khi gió thoảng qua. Tóc ta dựng đứng vì kinh sợ. Khi một con chim tình cờ đến đậu trên một cành cây, hay một con nai hay một con thú nào đó chạy ngang qua, ta run sợ kinh hoàng, bởi trong bóng đêm ta không sao biết được cái gì đang bổ nhào về phía mình. Nhưng ta không bỏ chạy. Ta tự bắt buộc ta phải ở lại đương đầu với nỗi sợ kinh hoàng cho đến khi ta chế ngự được nó.

“Ta còn theo cả pháp ăn uống khổ hạnh. Ta bắt đầu tập ăn mỗi ngày một lần, rồi hai ngày một lần, rồi ba ngày một lần, cho đến khi mười bốn ngày ta mới ăn một lần. Thức ăn chỉ là cỏ, rêu, trái và rễ cây mọc hoang, gạo mọc hoang, lá và nấm dại, thậm chí cả lùm bụi mọc cao lên từ những sàn nhà rác rưới dơ bẩn. Ta che thân bằng những mảnh giẻ vá đùm, góp nhặt từ những ngôi mộ ở các bãi tha ma, hay có khi từ những miếng da của những con thú chết vất vưởng ngoài đồng, hoặc bằng cỏ bện, bằng lông chim nhặt nhạnh các nơi rồi kết lại.

“Sống một mình trong rừng vắng, đôi khi cả nhiều tuần, nhiều tháng ta không hề thấy bóng dáng con người. Vào những đêm đông lạnh giá, ta ngồi giữa trời, không một ngọn lửa sưởi ấm; khi mặt trời lên, ta ẩn mình giữa những rặng cây lạnh lẽo giá buốt. Vào mùa hạ trời nóng như thiêu đốt, ban ngày ta chịu đựng ánh mặt trời nung nấu; về đêm, ta lại chui vào những lùm cây kín mít ngột ngạt.

“Có lúc ta thực hành một pháp khổ hạnh khác gọi là “làm trong sạch bằng thức ăn”. Đầu tiên ta chỉ ăn hạt đậu để sống, sau đó chỉ ăn hạt mè, cuối cùng chỉ ăn hạt gạo. Ta cắt giảm từ từ lương thực ăn dùng mỗi ngày. Cuối cùng, mỗi ngày chỉ ăn một hạt đậu, một hạt mè và một hạt gạo.

“Vì ăn uống kham khổ như vậy, thân thể ta trở nên gầy ốm vô cùng. Chân ta còm cõi như cây sậy. Bàn tọa chẳng khác nào hai móng chân của con lạc đà. Xương sống của ta nhô khỏi mặt lưng như một sợi dây thừng. Xương sườn phơi ra như một cái sườn nhà bị sụp đổ. Đôi mắt ta thụt sâu vào sọ trông như hai đáy giếng sâu gần như mất hút. Da đầu ta trở nên khô héo và teo tóp như trái bí đỏ cắt làm đôi đem phơi nắng. Khi ta thử xoa nắn tay chân cho dễ chịu thì lông tay lông chân rơi rụng lả tả trong bàn tay của ta vì các lỗ chân lông đã bị mục nát.

“Này Sāriputta, mặc dầu ta chịu đau đớn, nhức nhối, khốn khổ như vậy mà ta vẫn không tìm được trí tuệ giải thoát như ta hằng mong mỏi. Bởi vì trí tuệ và sự giác ngộ không thể đạt được bằng những phương cách khổ luyện đó mà chỉ có thể đạt được bằng những nỗ lực thiền định và tư duy chân chính, và bằng vào sự từ bỏ cắt đứt mọi hệ lụy thế gian.”

Sau sáu năm dài trôi qua, Siddhattha hành hạ đày ải thân xác bằng đủ mọi cách, tin tưởng rằng khi sự ép xác đạt đúng mức thì Ngài sẽ tìm ra chân lý giải thoát. Cứ như thế Ngài lang thang khắp miền bắc Ấn độ không ngừng nghỉ.

Cuối cùng trên chặng đường lang thang vô định, Ngài trở lại xứ Magadha, tìm nơi thanh vắng yên tịnh trong khu rừng tre nhỏ, bên một dòng sông mênh mông uốn khúc của thị trấn Uruvela. Nơi đây Ngài có thể tắm gội và cũng gần làng mạc thuận tiện cho việc trì bình khất thực. Vừa trông thấy cảnh vật nơi đây, Ngài cảm thấy ưa thích ngay. Ngài tự nhủ, “Đây là một chỗ tốt và thích nghi cho những tu sĩ đang nỗ lực phấn đấu tìm sự giác ngộ như ta. Ta sẽ ở lại nơi đây.”

Và như thế, Siddhattha dừng chân tại Uruvela. Dưới những rặng cây, Ngài tiếp tục thiền định, cực lực phấn đấu theo các pháp tu khổ hạnh, nhịn ăn và hành xác. Tất cả những nỗ lực chịu đựng đau đớn cực hình tưởng như vô tận của Ngài đều chỉ để mong cầu tìm được giác ngộ.

Lúc đó cùng tu học với Ngài còn có năm vị đạo sĩ theo Ngài hộ giới và hầu cận Ngài khi Ngài cần mặc dù Ngài rất ít khi cần đến. Nhóm đạo sĩ này hết sức ngưỡng mộ kính phục Ngài khi nhìn thấy sự can đảm chịu đựng những pháp tu khổ hạnh, chịu đói và hành xác của Ngài. Họ nghĩ rằng một tu sĩ tu khổ luyện một cách kiên trì đến mức độ đó phải là một bậc xuất chúng. Họ tin quyết rằng với sức kham nhẫn phi thường và một quyết tâm bền bỉ dũng mãnh như vậy chắc chắn Ngài thành đạt được mục tiêu và đến đó thì Ngài sẽ chỉ dạy lại cho họ là những đệ tử của Ngài.

Nhưng một hôm, trong khi đang tham thiền dưới một gốc cây, do mức chịu đựng đã cùng cực, cơ thể bị yếu mòn vì nhịn ăn lại thêm những căng thẳng của thiền tập qua nhiều ngày tháng nên vị Thái tử ẩn sĩ ngất xỉu, té ngã xuống đất. Sức cùng lực kiệt, Ngài gần như đến mức nằm chết luôn tại chỗ.

Nhưng may mắn thay, có một cậu bé chăn dê ở gần đó vô tình đi ngang gốc cây nơi Siddhattha nằm bất tỉnh. Khi bắt gặp vị đạo sĩ thánh thiện nằm bất động, cậu bé biết ngay rằng Ngài đang chết dần mòn vì thiếu dinh dưỡng. Tất cả mọi người quanh đây đều biết Ngài và tôn quý Ngài như một bậc thánh nhân. Họ cũng biết Ngài đã tuyệt thực từ nhiều ngày. Cậu bé chạy về đàn dê dắt đến một con và vắt sữa rót thẳng vào miệng Ngài. Trong khi vắt sữa, cậu không dám động vào tay của Ngài. Cậu bé nghĩ rằng cậu chỉ là một đứa chăn dê tầm thường thấp kém, cậu không muốn chạm vào tay một vị thánh nhân.

Vị Thái tử ẩn sĩ được uống sữa dê vào người nên hồi sinh. Cậu bé chăn dê đảnh lễ Ngài xin được chúc phúc và vui mừng sung sướng trở lại với đàn dê.

Siddhattha nhờ có chất dinh dưỡng của sữa nên tiếp tục tọa thiền dưới cội cây. Việc thiền định được kết quả khả quan hơn trước nhiều. Khi mặt trời lặn, bóng tối lan tràn. Ngài vẫn tiếp tục tham thiền. Bỗng Ngài nghe có tiếng thiếu nữ ca hát. Đó là một đoàn ca vũ thiện nghệ đang đi về hướng một thành phố gần đó để trình diễn. Khi họ đi ngang nơi Ngài ngồi, Ngài nghe rõ từng lời trong ca khúc nói về một loại nhạc khí, gọi là đàn “lute” (giống như đàn mandolin).

Bài hát nói rằng nếu để dây đàn quá chùng thì nốt nhạc sẽ không tròn, nếu để dây đàn quá căng, dây đàn sẽ đứt và không còn ra được nốt nhạc. Vì vậy tốt nhất hãy lên dây đàn vừa phải, không quá chùng cũng không quá căng, dây lên vừa phải thì đàn sẽ vang những âm thanh tuyệt hảo.

Khi nghe bài hát của đoàn ca nữ, Siddhattha suy nghĩ: “Những lời ca này quả thật chí lý. Họ đã dạy ta một bài học rất hay. Bấy lâu nay ta đã hành hạ tấm thân khốn khổ này như những sợi dây đàn quá căng. Và bây giờ đã tới lúc nó sắp đứt đoạn. Nếu không nhờ cậu bé kia dâng sữa cho ta hôm nay thì có lẽ ta đã chết mà công cuộc tìm kiếm chân lý của ta vẫn chưa đến đâu. Chẳng lẽ chỉ vì thân thể này thiếu chất dinh dưỡng mà ta bỏ dở ước nguyện tìm đường giải thoát khổ đau? Như vậy pháp khổ hạnh đày ải thân thể không phải là cách thức hợp lý cho việc tìm cầu chân lý. Từ nay ta sẽ từ bỏ môn tu này và phải chăm sóc thân thể cẩn thận hơn.”

Ngày hôm sau, một thiếu nữ tên là Sujātā ở gần đó tìm đến nơi Ngài ẩn cư giữa những rặng cây. Nàng dâng lên Ngài một chén gạo thơm nấu với sữa tươi béo do chính nàng tự tay nấu lấy. Khi dâng cúng Ngài, nàng thưa:

- Con cầu chúc Ngài thành đạt được những gì Ngài mong cầu.

Không từ chối vật thực nàng cúng dường, Ngài hoan hỷ nhận lấy. Khi ăn chén cơm gạo thơm, Ngài cảm nhận được lợi ích của sự bồi dưỡng thân thể và tinh thần ngay lập tức.

Từ đó, mỗi sáng, Siddhattha đi vào làng để trì bình khất thực. Không bao lâu sức khỏe của Ngài hồi phục, nước da hồng thắm như khi Ngài còn sống trong cung điện.

Bây giờ thì Ngài nhận thức được rằng việc tự hành hạ bằng phương pháp ép xác để cầu sự giác ngộ thì chẳng khác gì như việc muốn trói không khí hay dùng cát mịn mà bện thừng. Trong khi đó thì năm vị đạo sĩ hằng tin tưởng, hộ giới và tu học với Ngài thì không nhận ra được điều đó. Vì vào thời đó, họ cũng như hầu hết người Ấn Độ đều tin rằng con đường duy nhất để tìm được chân lý tối thượng là thực hành pháp tu khổ hạnh.

Cho nên, khi thấy vị thầy mà bấy lâu nay họ hằng kính ngưỡng với những pháp tu khổ luyện của Ngài nay lại bắt đầu đi trì bình và độ dụng những thức ăn bổ dưỡng cho cơ thể, thì họ vô cùng thất vọng.

Họ nói với nhau: “Chao ơi, vị tu sĩ khổ hạnh đã bỏ cuộc, ông ta trở lại với đời sống lợi dưỡng đầy đủ ấm no rồi.” Thế rồi, năm vị đạo sĩ quay lưng từ bỏ vị thầy cũ của mình, bởi họ chắc chắn rằng không còn lợi ích gì để nấn ná bên cạnh một vị thầy không thực hành pháp tuyệt thực và hành xác. Một tu sĩ như thế không bao giờ có thể đạt được chân lý giác ngộ.

Chẳng bao lâu sau, năm vị đạo sĩ này sẽ thức tỉnh và biết được rằng mình đã sai lầm bởi vì vị thầy của họ đã đạt được cứu cánh tối thượng trên con đường tìm kiếm chân lý giác ngộ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn