(Xem: 1764)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2231)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 07 - Thành Đạo

03 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 13431)

Chương 07

Thành Đạo


blank

Đức Phật Gotama thành đạt Đạo Quả Chánh Đẳng Chánh Giác dưới Cội Bồ Đề trong rừng Uruvela.

Những ai muốn được trông thấy tận mắt nơi chốn mà hơn hai ngàn năm trăm năm trước Thái tử Siddhattha của dòng dõi Sākya đã tìm được Chân Lý giác ngộ thì có thể đến thành phố Bodh Gaya, ở Bihar, rồi từ đó đi bộ thêm khoảng bảy dặm đường dọc theo bãi cát của một dòng sông rộng có tên là sông Phalgu còn được gọi là sông Nerañjarā (Ni Liên) vào thời đức Phật còn tại thế.

Khi gần đến thánh địa, họ sẽ thấy trên một mô đất giữa đồng bằng sừng sững một cấu trúc cao hình chữ nhật, được đúc bằng đá sậm màu có vài bậc thang uốn quanh, đỉnh vươn chót vót cao ngút. Tận cùng của đỉnh là một bệ thờ nhỏ lộ thiên, trên đặt một ngôi tháp cũng bằng đá dựng theo kiến trúc Ấn Độ. Cấu trúc hình chữ nhật này được tô điểm với rất nhiều những tác phẩm điêu khắc thiên hình vạn trạng. Đó là đài kỷ niệm của Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng).

Dưới bóng mát đài kỷ niệm vĩ đại được bao quanh bằng một vòng tường thấp bằng đá này, khách hành hương có thể thấy được những tàng lá xum xuê của một cây cổ thụ, nơi Thái tử Siddhattha cuối cùng đã tìm ánh sáng giác ngộ. Dưới cội cây này, vào một buổi chiều vài ngàn năm trước, Ngài đã dừng bước, tọa thiền, hạ quyết tâm nỗ lực dũng mãnh tìm cho bằng được bí mật của đời sống và kiếp nhân sinh.

Khi Ngài đi đến cội cây này - mà từ đó về sau được gọi là cây Bồ Đề hay cây Giác Ngộ để tưởng nhớ đến sự thành đạt vĩ đại nhất của Siddhattha - những lời Sujātā nói như còn văng vẳng bên tai Ngài, “Con cầu chúc Ngài thành đạt được những gì Ngài mong cầu.”

Ngồi dưới bóng cây cổ thụ, Ngài nghiêm trang phát nguyện với lòng rằng dù máu Ngài có khô cạn, gân thịt có tiêu mòn và thân chỉ còn da bọc xương, Ngài cũng sẽ không rời bỏ nơi này cho đến khi thành đạo, tìm được cho mình và cho chúng sanh con đường thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, con đường đưa đến trạng thái thường hằng, bất tử được gọi là Niết Bàn.

Đây là một quyết tâm to lớn chưa từng có trong lịch sử loài người. Mặc dù có rất nhiều những đạo sĩ và ẩn sĩ khác ở Ấn Độ đã trải qua bao nhiêu năm dài khổ tu để cầu giác ngộ, nhưng sau bao nhiêu gian khổ trường kỳ, hạnh phúc lớn lao nhất mà họ có thể đạt được cũng không phải là thứ hạnh phúc thường hằng và vĩnh cửu. Thứ hạnh phúc này không thể bền vững trước các biến động và đổi thay của cuộc đời. Cho tới một lúc nào đó khi sức cùng lực kiệt trên con đường phấn đấu mong đạt được những cảnh giới của thiên đường hạnh phúc, những vị đạo sĩ này sẽ bỏ dở đường tu để trở lại kiếp sống thế gian đầy đau khổ và bất toại nguyện.

Những người này được ví như một người góp nhặt dành dụm được một số tiền lớn cất trong một chiếc hộp, nay bắt đầu tiêu dùng đến số tiền này. Chẳng bao lâu tiêu tiền hết, người ấy lại bắt đầu góp nhặt dành dụm. Cũng như thế, các vị đạo sĩ bỏ cuộc kia sẽ phải bắt đầu nỗ lực thực hành lại pháp tu khổ hạnh để được một thứ hạnh phúc không vững bền. Và cứ như vậy mà lẩn quẩn trong cái vòng chịu đựng khổ đau để đánh đổi một thứ hạnh phúc phù du.

Hành động ấy có khác chi một người chịu gánh bao khó khăn vất vả, để lăn một quả cầu to lớn nặng nề lên tận đỉnh đồi cao và khi quả cầu lăn ngược trở xuống chân đồi thì người ấy lại tận lực lăn quả cầu trở lên đỉnh đồi lần nữa, rồi lần nữa, không sao chấm dứt được những khổ công này.

Siddhattha không muốn Ngài cũng như tất cả các chúng sanh phải lăn mãi cuộc đời như quả cầu kia lên một đỉnh cao hạnh phúc rồi lại lộn ngược trở xuống thung lũng đau khổ. Ngài muốn đạt một thứ hạnh phúc thường hằng và vĩnh cữu, không bao giờ bị đánh mất, để những ai đã có được rồi thì sẽ không bao giờ phải gian khổ phấn đấu đi tìm lại nó một lần nữa.

Dưới cội Bồ Đề rừng Uruvela, trong đêm lịch sử ấy, Ngài hạ quyết tâm: hoặc đạt cho được cứu cánh giải thoát, hoặc chịu bỏ mạng trong cuộc chiến đấu phi thường này.

Khi Siddhattha nguyện dồn hết khả năng tâm linh vào công việc vĩ đại này, tâm tư Ngài đã phải tranh đấu với những tham ái của chính Ngài, bởi những cảm giác, âm thanh, hương vị từng được nếm qua trong quãng đời thế tục, những hình ảnh quyến rũ của đời sống cung điện, cứ tiếp tục đến khuấy động Ngài.

Hiển hiện trong tâm Ngài là hình ảnh của những căn phòng xa hoa với dãy hành lang lộng lẫy của hoàng cung, của vườn ngự uyển với những hồ sen xinh xắn, lùm cây xum xuê, của những cung tần mỹ nữ luôn kề cận, hầu hạ và chiều chuộng Ngài hết lòng.

Ngài cũng thấy hình ảnh người vợ trẻ yêu dấu của Ngài, đôi mắt xinh đẹp khẩn cầu, dáng dấp quyến rũ, yêu kiều, như quyện lấy mắt Ngài, giọng nói thân thương ngọt ngào như đang thỏ thẻ bên tai Ngài. Có cả hình ảnh đứa con trai bé nhỏ của Ngài, đứa con duy nhất, cậu bé sơ sinh kháu khỉnh tươi tắn, mai đây khôn lớn chắc sẽ làm rỡ ràng cho hoàng tộc. Ngài cũng thấy cả phụ vương với mái tóc nay đã bạc phơ mòn mỏi u sầu vì đứa con trai yêu quý không ở bên người để nối ngôi vua và an dân trị nước…

 Trái tim của vị Thái tử ẩn sĩ như se thắt lại với bao hình ảnh tràn ngập trong tâm. Ngài thầm nghĩ:

“Ngươi có thể hưởng hào quang và quyền lực của một vị vua tiếng tăm lừng lẫy nếu ngươi chịu ở lại sống một cuộc đời thế gian như bao nhiêu người khác. Nhưng ngươi lại để lại sau lưng tất cả những gì mà bất cứ phàm nhân nào cũng đều ước ao, trân quý. Ngươi từ bỏ tất cả chỉ để đi tìm một điều mà không có ai nghĩ đến, một điều có lẽ không bao giờ tìm được, một điều không thể xảy ra. Biết đâu ngươi chỉ là một gã ngu xuẩn, một kẻ dại cuồng đem vất đi tất cả những gì chắc thật đang nắm trong tay để đi đuổi bắt một cái gì mà chính ngươi cũng không chắc chắn có trên đời này?

“Thôi thì cứ cho là ngươi đã quyết tâm từ giã cuộc đời thế tục ấm êm hạnh phúc này để tìm cầu một cái gì đó cao xa mà ngươi nghĩ rằng sẽ tốt đẹp hơn, nhưng tại sao ngươi không thể tìm đạo bằng pháp hành mà các tu sĩ khác hằng tu tập theo cách khổ hạnh, nhịn ăn, hành xác? Ngươi nghĩ rằng con đường tu của họ là sai lạc, nhưng còn phương pháp của ngươi có chắc là đã đúng không? Và rồi khi đạt được trạng thái hỷ lạc nào, sao ngươi không thấy hài lòng như họ hay vì hỷ lạc này không được dài lâu như ngươi mong muốn?

“Đời sống thật ngắn ngủi. Con người ai cũng phải chết. Rồi không bao lâu nữa, ngươi cũng phải chết. Tại sao ngươi không dùng những năm tháng hiếm quý còn lại trong đời này để tận hưởng mọi vui thú trần gian trước khi tử thần đến, bởi lúc ấy những hoan lạc kia không sao cầm níu lại được. Ôi cuộc đời! Nào là tình yêu, nào là danh vọng, nào là vinh quang, nào là những lời tán thán ngợi ca: tất cả là của ngươi, trong tầm tay với. Tất cả là thực tại, là những gì cụ thể chắc chắn mà ngươi có thể thọ nhận được, không phải là ảo giác mong manh hão huyền. Tại sao ngươi tự đày ải tâm thần cho khốn khổ như vậy trong rừng vắng để mong cầu thứ mà chưa một ai từng tìm được trong đời?”

Trong đêm lịch sử ấy, ngồi dưới cội cây Bồ Đề khi Siddhattha dốc hết tâm lực quyết khám phá con đường thoát khổ, tâm trí Ngài tràn ngập suy tư. Những kỷ niệm thiết tha của bao năm tháng êm đềm trong đời sống vương giả cứ đến dằn vặt như để lung lay quyết tâm tìm đạo dũng mãnh của Ngài, cả những ý tưởng hoài nghi về những phương pháp tu tập của mình.

Nhưng Ngài không cho phép mình lùi bước bỏ dở mục đích cao cả đang theo. Ngược lại, Ngài còn định tâm kiên cố hơn, nỗ lực tinh tấn hơn để tìm cho được Chân lý.

Ngài gọi thầm: “Hãy đi đi hỡi Ma Vương quỷ quyệt! Ta biết rõ ngươi là ai. Ngươi là phần tâm linh tội lỗi, đen tối và quỷ quyệt, bấy lâu nay kìm hãm không cho con người vươn tới cõi toàn hảo cao thượng. Đừng tìm cách ngăn chặn không cho ta thấu rõ được Chân Lý mà ta đã nỗ lực quyết tâm thành đạt. Nơi đây, ta quyết sẽ ngồi cho đến khi đắc đạo quả dù có phải máu khô cạn, thịt hao mòn và thân này chỉ còn da bọc xương.”

Siddhattha tọa thiền, và vẫn tiếp tục tọa thiền, nỗ lực và kiên quyết phấn đấu để tận diệt mọi ô nhiễm phiền não trong tâm để thay vào đó là nền tảng của một hạnh phúc cao thượng, trường cửu, bất biến, không gì thay đổi hay phá vỡ được.

Ngài tinh tấn thiền định sau khi đã dẹp trừ được tất cả những pháp bất thiện đã khuấy phá lung lạc tâm ý mình. Dần sau đó, tâm Ngài trở nên tịch tỉnh như một mặt hồ tĩnh lặng. Ngài không còn giao động hoang mang bởi những ký ức đầy quyến rũ của tham ái thế tục mà Ngài đã từng tận hưởng. Cũng không còn những tư tưởng hoài nghi, sợ hãi về quyết tâm tầm đạo. Chỉ còn tâm an trú, tĩnh lặng và trong sáng, với niềm tin vững chãi và kiên quyết dũng mãnh đặt trọn vào một mục tiêu duy nhất là con đường giải thoát ra khỏi vòng sinh tử.

Và Ngài đã thành công. Siddhattha, vị Thái tử Tỳ kheo dòng dõi Sākya - gia tộc Gotama - đã trở thành bậc giác ngộ, bậc tỉnh thức, đấng toàn giác. Nay Ngài là Đức Phật Gotama, người đem lại ánh sáng chân lý cho nhân loại, phá vỡ được màn đen tăm tối giam hãm loài người trong vòng sinh tử luân hồi. Nay Ngài là Bậc Tỉnh Thức trong khi mọi chúng sinh còn chìm đắm trong giấc mộng trần gian. Và nay Ngài là Đấng Toàn Giác với trí tuệ vô song trong khi nhân thế vẫn còn bị ngăn che bởi màn vô minh dày đặc.

Ngài đã thấu triệt được trọn vẹn bản chất thật sự của đời sống từ cội rễ. Ngài hiểu được vì sao con người chết rồi lại tái sinh không thoát được khỏi vòng sinh tử luân hồi và phải gánh chịu đau khổ. Tuệ giác đầu tiên mà Ngài đã viên mãn trong đêm thiền tọa dưới cội Bồ Đề là Túc Mệnh Minh (sự nhớ lại thật rõ ràng những kiếp quá khứ của Ngài), thân tái sinh vào loài nào, cảnh giới nào, cõi thấp hay cao, hèn mọn hay sang giàu, ô trược hay tinh khiết, cho đến khi cuối cùng Ngài tái sanh vào kiếp sống này, là con trai của vua Suddhodana và hoàng hậu Mahāmāyā.

 Sau đó, với định lực hùng tráng dũng mãnh, Ngài thành tựu Thiên Nhãn Minh, nhận biết được con người sanh ra rồi chết từ kiếp này để tái sinh vào một kiếp khác, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp đã tạo ra. Ngài thấy được vì sao có những người tái sinh vào những cõi an vui hạnh phúc do bởi họ đã tạo nhiều thiện nghiệp. Ngài cũng thấy được vì sao có những người tái sinh vào những cõi bất hạnh đau khổ do bởi họ đã tạo nhiều ác nghiệp. Ngài thấy thật rõ ràng rằng chính nghiệp và chỉ có nghiệp mới đưa đẩy chúng sanh đến những cõi giới an vui hay bất hạnh.

Và rồi cuối cùng Ngài thành đạt Lậu Tận Minh, trí tuệ cao thượng vi diệu nhất trong đêm lịch sử đó. Ngài thấu hiểu thật rõ ràng những nguy tai hiểm họa khi con người cứ tự buông xuôi mãi theo dòng đời trầm luân, lúc vui lúc khổ, ba chìm bảy nổi. Ngài thấy được do đâu con người cứ tái sinh để rồi phải chịu những bất toàn của cuộc sống. Đó là do lòng tham ái khiến họ cố bám víu vào từng mảnh vụn hạnh phúc nhỏ nhoi mà cuộc đời thỉnh thoảng ban phát cho họ. Ngài cũng thấy được vì sao con người cứ để cho mình bị sập bẫy tái sinh hoài mãi, như những con nai tham lam lao mình vào lưới rập, chụp bắt bất cứ một mảnh mồi ngon nào - dù là nhỏ bé. Và Ngài nhận chân rằng, nếu con người không còn muốn trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi này nữa thì phương cách duy nhất phải thực hành là không thất niệm lao mình vào mọi dục lạc của cuộc đời.

Sau đó, Ngài thấu suốt được Con Đường Giải Thoát mà nếu thực hành trọn vẹn thì đến một lúc nào đó con người có thể tự giữ mình khỏi bị dính mắc vào mọi dục lạc và biết trân quý những gì có giá trị tốt đẹp hơn. Nhờ đó họ sẽ không còn tái sinh vào cõi dục lạc vô thường đầy bất toại nguyện này và sẽ đạt được hạnh phúc chân thực thường hằng của Niết Bàn. Con Đường Giải Thoát này, Ngài gọi là Bát Chánh Đạo, là con đường chân chánh cho những ai mong cầu sự giác ngộ cao thượng. Bát Chánh Đạo gồm có tám yếu tố (còn gọi là tám chi hay tám phần):

Yếu tố thứ nhất là Chánh Kiến. Chánh Kiến là sự nhận thức được rằng mọi sự vật trên thế gian - kể cả hiện hữu của chính bản thân mình - đều vô thường, không bền vững, và do đó, nếu chúng ta quá dính mắc vào những sự vật này, chúng ta sẽ đau buồn, thất vọng. Chánh Kiến còn có nghĩa là nhận thức được rằng thiện nghiệp luôn luôn đưa đến hạnh phúc an lạc, và ác nghiệp luôn luôn đưa đến bất hạnh đau khổ, trong kiếp này và những kiếp về sau.

Yếu tố thứ hai là Chánh Tư Duy hay Chánh Hướng Tâm, nghĩa là suy nghĩ chân chính. Vì thấy được bản chất thật sự của thế gian và sự vật, tâm ý sẽ xả bỏ những dính mắc sai lạc đã từng bám chặt vào chúng. Chánh Tư Duy còn có nghĩa là, với suy nghĩ chân chính đó tự động tâm từ ái bi mẫn sẽ được rải đến cho tất cả những ai thân tâm còn bám víu trong vòng thế tục khiến phải đau khổ khốn cùng, và lòng thiết tha mong muốn họ được thoát khỏi những oan trái, bất hạnh đó.

Yếu tố thứ ba là Chánh Ngữ nghĩa là lời nói chân chính: chỉ nói những lời chân thật, từ ái và sáng suốt; tránh những lời dối trá, thô lỗ, sâu độc, vu khống, chia rẽ, và nông cạn vô ích.

Chánh Nghiệp, yếu tố thứ tư, là không phạm các giới sát sanh, trộm cướp, tà hạnh, và dùng những chất say hay kích thích khiến tâm trí điên đảo liều lĩnh, thôi thúc thân làm những điều sai quấy tội lỗi.

Chánh Mạng, yếu tố thứ năm, là tìm kế sinh nhai bằng những nghề chân chánh không làm đau đớn tổn hại đến cho bất cứ chúng sanh nào.

Yếu tố thứ sáu là Chánh Tinh Tấn gồm bốn loại tinh tấn. Tinh tấn thứ nhất là nỗ lực cố gắng kiểm soát mọi tư tưởng, cảm xúc để ngăn ngừa những tâm ý bất thiện, tội lỗi nảy sinh. Tinh tấn thứ hai là cố gắng diệt những tâm ý có tính cách bất thiện đã nảy sinh. Tinh tấn thứ ba là duy trì và trau dồi những tư tưởng thiện lành và hữu ích đã nảy sinh. Tinh tấn thứ tư là cố gắng phát triển những tư tưởng thiện lành hữu ích mới.

Chánh niệm, yếu tố thứ bảy, là luôn luôn ghi nhớ và không bao giờ xao lãng những đặc tính thật sự của thân, không cho rằng nó tốt đẹp, bền vững, toàn hảo hơn thực chất của nó. Chánh niệm còn là ghi nhận rằng tất cả những di chuyển, hoạt động, chức năng của thân chỉ đơn thuần là động tác, cử chỉ của cơ thể, không hơn không kém. Chánh niệm cũng có nghĩa là ghi nhận được thực tính của tâm: một dòng tư tưởng cảm xúc không ngừng thay đổi, biến dạng khiến tâm ý của hai thời điểm khác nhau không thể nào giống hệt như nhau. Sau cùng, Chánh Niệm còn là ghi nhận trong tâm và không bao giờ quên lãng từng bước đường tu học theo giáo pháp của Đức Phật để giải thoát tâm ý khỏi tất cả những xiềng xích trói buộc, đạt được trạng thái tự tại hoàn hảo nhất là Niết bàn. Chánh Định, yếu tố cuối cùng của Bát Chánh Đạo, là tập không cho tâm tùy tiện bay nhảy lang thang, bằng cách trụ tâm chặt chẽ vào một đối tượng rồi dùng sự định tâm này soi sáng những gì ta đang nỗ lực cố gắng thấu triệt.

Đó là tám yếu tố của Bát Chánh Đạo mà Thái tử Siddhattha, nay là Đức Phật Gotama, đã thân chứng được dưới cội cây Bồ Đề ở Uruvela hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Ba yếu tố cuối cùng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định, theo ý nghĩa toàn triệt, được dành cho các bậc nỗ lực theo sát con đường Phật dạy. Để thực hiện chí nguyện này dễ dàng và hữu hiệu hơn, họ đã từ bỏ nếp sống thế tục để sống đời tu sĩ. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng đều có thể tu tập ba yếu tố này tùy theo căn cơ hoàn cảnh của mình.

Hai yếu tố đầu tiên của Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy được viên thành bởi những hành giả sau nhiều năm thực tập thiền, đã thấu hiểu được gần trọn vẹn thực tánh của vạn pháp gần như Đức Phật. Thế nhưng, những ai hằng nguyện tu học theo giáo pháp của Ngài, đều phải có một vốn liếng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tối thiểu. Họ phải có những lúc suy tư vì sao mọi sự vật trên thế gian đều không hoàn hảo và như ý. Và phải có những lúc họ thành tâm phát nguyện rằng một ngày nào đó họ sẽ buông bỏ mọi phù du giả tạm của cuộc sống thế tục để hướng về những gì cao quý và trường tồn hơn.

Còn ba yếu tố giữa của Bát Chánh Đạo là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng phải luôn luôn được thực hành nghiêm chỉnh. Chúng ta nên cố gắng sinh tồn mà không làm thương tổn đến bất cứ một chúng sinh nào khác dù bằng lời nói hay hành động. Cố gắng tránh dùng tà ngữ, tránh làm những hành vi bất thiện để trau dồi khả năng kiểm soát ý tưởng và huấn luyện tâm trí thích đáng. Cuối cùng sẽ đạt được sự hiểu biết và những tuệ giác mà Đức Phật đã chứng ngộ và giảng dạy. Đó mới thật sự là Trí Tuệ chân chánh.

Khi đã đạt được trí tuệ chân chánh này, tâm sẽ vượt thoát tất cả những dính mắc thế gian. Vì không còn vướng bận bởi bất cứ sự vật nào, tâm sẽ không còn hình thành theo bất cứ hình tướng thế gian nào nữa. Đó có nghĩa là: Nếu không còn sanh, thì sẽ không còn những đau khổ phiền não đi theo chúng sanh vào thế gian; và như vậy toàn khối khổ đau sẽ bị đoạn trừ mãi mãi.

Dưới cội Bồ Đề, Đức Phật đã khám phá ra được tất cả những chân lý ấy. Ngài chứng ngộ Bát Chánh Đạo còn được gọi là Tam Học Giới Định Huệ (tiếng Pali gọi là Sīla, Samādhi, và Paññā.)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn