(Xem: 1753)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2220)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 08 - Truyền bá giáo pháp

02 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 12413)

Chương 08

Truyền bá giáo pháp 


blank

Đức Phật truyền dạy sáu mươi vị đệ tử A La Hán đầu tiên lên đường truyền bá giáo pháp khắp mọi nơi.

Như một người miệt mài phấn đấu không ngừng nghỉ để vượt qua dòng nước mênh mông đầy sóng gió, cuối cùng đã đến được bờ bến an lành, nay nằm nghỉ ngơi thư giản thân xác và thanh thản hài lòng khi hồi tưởng lại những nguy hiểm ngặt nghèo đã vượt qua…

Như một người vừa leo đến chót đỉnh một ngọn núi cao đón nhận không khí trong lành tươi mát, nay vui sướng mãn nguyện nhìn xuống cánh đồng nóng bức bụi bặm còn đang ngột ngạt mà mình vừa bỏ lại sau lưng…

… Cũng như vậy nay những nỗ lực phấn đấu gian khổ đã kết thúc bằng chiến thắng mỹ mãn vẻ vang trong trận chiến hung hãn quyết liệt vừa qua, Đức Thế Tôn nghỉ ngơi giây lát giữa rừng Uruvela vắng lặng, an hưởng niềm hỷ lạc, lòng thanh thản đã vượt qua được cuộc hành trình gian nan, thỏa thích nếm hương vị của thánh quả giải thoát giác ngộ mà Ngài vừa thành tựu.

 Sau khi tịnh dưỡng dưới cội cây chiến thắng, Siddhattha Gotama, từ nay trở thành Đức Phật Gotama, rời cội Bồ Đề và đến tọa thiền dưới một cội cây khác (cây ajapāla), nơi những người chăn dê thường đến tránh nắng trong khi họ trông coi đàn gia súc.

Có một người Bà La Môn tình cờ đi ngang nẻo ấy. Sau khi chào hỏi vị đạo sĩ ngồi dưới gốc cây của người chăn dê, người Bà La Môn hỏi Ngài:

- Gotama, điều gì khiến cho một người thật sự là một vị Bà La Môn chân chánh? Vị ấy cần phải có những đức tính phẩm hạnh nào để xứng đáng là người của giai cấp cao quý nhất?

 

Đức Phật không quan tâm đến vẻ khiếm nhã của người Bà La Môn kiêu hãnh ngạo mạn gọi Ngài cộc lốc bằng tên tộc Gotama chứ không dùng một danh hiệu nào để tỏ lòng tôn kính Ngài. Ngài thẳng thắn trả lời ông ta bằng bài kệ sau:

Một người Bà La Môn Đã tận diệt mọi ác nghiệp, Đã dập tắt ngã mạn, Biết tự chế và thanh tịnh, Tinh cần tu tập, Sống đời phạm hạnh thánh thiện, Người ấy có sự sáng ngời Của Bà La Môn, Không còn dính mắc vào trần tục.

Người Bà La Môn bỏ đi, lẩm bẩm một mình, “Vị đạo sĩ Gotama này thật đã thấu rõ tâm ý của ta, Vị đạo sĩ Gotama thật thấu rõ tâm ý của ta.”

Một vài ngày sau, khi Đức Phật vẫn còn ngồi dưới gốc cây của người chăn dê, có hai thương gia đang trên đường đi buôn, rảo bước qua nơi ấy. Khi nhìn thấy vị ẩn sĩ ngồi an lạc tự tại dưới gốc cây, họ dâng cúng Ngài những thực phẩm tươi tốt thơm ngon nhất của họ, và rúng động bởi vẻ cao quý thánh thiện của Ngài, họ thỉnh cầu Ngài thâu nhận họ làm đệ tử thiện tín của Ngài. Và như vậy, hai thương gia này, Tapussa và Bhallika, trở thành những đệ tử đầu tiên của Đức Phật Gotama.

Sau khi tịnh dưỡng, Đức Phật bắt đầu nghĩ đến những việc nên thực hiện kế tiếp. Ngài đã chứng ngộ được Chân Lý giải thoát, giờ đây Ngài nhận thấy không thể giữ lấy cho chỉ riêng mình một tri kiến quý hiếm như vậy mà phải truyền bá lại cho người khác, để họ có thể nếm được hương vị giải thoát như Ngài đã thọ hưởng. Đây là những tư tưởng đầu tiên đến với Ngài. Nhưng sau đó những suy nghĩ khác lại tiếp đến. Ngài tự nghĩ:

“Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ không là một giáo pháp dễ lãnh hội. Nó thậm thâm vi diệu. Chỉ có những bậc thiện trí mới có thể thấu triệt. Nhưng thế gian không có bao nhiêu bậc thiện trí. Đại đa số không muốn vất vả tư duy và suy niệm. Họ thích những điều đơn giản dễ hiểu, những thứ gây hứng thú và để tiêu khiển. Tâm trí họ chỉ hướng đến những gì hứa hẹn cho họ lạc thú và thỏa thích. Họ đắm chìm trong luyến ái dục lạc. Nếu ta truyền bá giáo pháp mà ta đã chứng ngộ, họ sẽ không hiểu ta đang nói gì. Họ sẽ không lắng lòng ghi nhận. Ta sẽ chỉ hoài công vô ích mà thôi.” 

Với những tư duy đó, Đức Phật gần như đã quyết định không truyền bá Chân Lý Ngài đã chứng ngộ được. Nhưng Ngài lại tiếp tục suy nghĩ:

“Quả thật đa số chúng sinh không muốn nghe đến Chân Lý ta đã chứng ngộ, và dù có cố gắng lắng nghe ta giảng giải đi nữa cũng không thể lãnh hội được. Họ quá ưa thích những lý lẽ đơn giản, dễ hiểu, êm tai, thoải mái, và không gây bận tâm suy nghĩ.

“Tuy nhiên, không phải trong chúng sinh ai cũng như ai. Chắc chắn có một số người, tuy không nhiều, nhưng số người ít ỏi đó không hài lòng mãn nguyện với kiếp sống hiện tại của họ. Họ muốn học hỏi vun bồi tri kiến, không thỏa thích buông lung theo dòng tham ái dục lạc. Ta có thể đem lợi lạc đến thiểu số chúng sinh này bằng cách cho họ cơ hội được nghe giáo pháp của ta.

“Ta sẽ lên đường ngay để truyền bá pháp Tứ Diệu Đế cho những ai có duyên gặp gỡ. Đó là giáo lý về Bốn Sự Thật Cao Quý (hay Tứ Thánh Đế) gồm Khổ Đế - sự khổ, Tập Đế - nguyên nhân của sự khổ, Diệt Đế - chấm dứt sự khổ, Đạo Đế - con đường thoát khổ. Trong bao nhiêu người được nghe giảng dạy Tứ Diệu Đế, có một số sẽ lãnh hội được.

“Như trong một đầm sen có bao nhiêu là loài sen khác nhau đang vươn mình lớn dậy, sen đỏ, xanh và sen trắng, đa số còn lấp xấp ở đáy bùn trong đầm, một số lên được nửa chừng, một số trồi lên đến mặt nước và buông thả nơi ấy; nhưng có một số rất ít vươn cao mình để nâng những đóa hoa sen vượt lên hẳn mặt nước bùn, đón nhận không khí trong lành và nắng trời tươi sáng.

“Cũng tương tự như vậy, có những chúng sanh tâm tư chìm sâu trong vũng bùn dục lạc tham ái; có những chúng sanh không mấy đắm chìm trong bùn nhơ; và có một số rất ít tâm chỉ gợn chút ít bùn ái dục. Thiểu số này sẽ lãnh hội được giáo pháp của Như Lai. Như Lai sẽ giảng dạy cho họ. Như Lai sẽ lên đường ngay bây giờ để đem giáo pháp đến cho tất cả chúng sanh mọi nơi.”

Tiếp đó Đức Phật bắt đầu suy xét xem những ai là bậc thiện trí đầu tiên để Ngài thuyết pháp, những ai hầu như chắc chắn biết lắng nghe và nhanh chóng lãnh hội được lời Ngài dạy.

Rồi Ngài nghĩ đến Ālāra Kālāma - vị lão sư đầu tiên của Ngài, một bậc trí thức, thông thái, tư duy nhạy bén và phẩm hạnh cao quý. Ngài thầm nghĩ, “Ta sẽ đến thuyết pháp cho Ālāra Kālāma trước tiên. Đạo sĩ sẽ lãnh hội rất nhanh chóng.”

Nhưng khi Ngài chuẩn bị lên đường đến gặp Ālāra Kālāma, Chư Thiên báo tin cho hay rằng Ālāra Kālāma đã từ trần. Đức Phật rất tiếc khi nghe tin này, bởi Ngài nghĩ rằng một người đầy đủ phẩm hạnh và trí tuệ như vị lão sư Ālāra Kālāma, chắc chắn sẽ chứng đắc ngay khi vừa nghe được giáo pháp của Ngài.

Rồi Ngài lại suy gẫm xem ai khác sẽ có khả năng lãnh hội được giáo pháp của Ngài. Ngài nghĩ đến vị thầy thứ nhì của Ngài trước kia - Uddaka - môn đồ của phái Rāma. Cũng như Ālāra Kālāma, Uddaka có khả năng thấu triệt rốt ráo những điều Đức Phật trao truyền. Nhưng khi Ngài dò hỏi nơi Uddaka cư ngụ thì hay tin rằng Uddaka đã qua đời ngay đêm trước đó.

Ngài lại nghĩ đến năm vị đạo sĩ đã tận tụy chăm sóc phục vụ Ngài khi Ngài còn đang phấn đấu tầm đạo ở Uruvela. Khi dò hỏi tin tức của họ, Ngài được biết họ hiện ngụ tại Lộc Uyển (nay là Sarnath, Vườn Nai), Isipatana, gần Benares (nay là Varanasi, Ba La Nại).

Ngài bèn rời Uruvela, bộ hành về hướng Benares, cách đó chừng một trăm năm mươi dặm đường, để tìm gặp những người thị giả và môn đồ xưa của mình và giảng giải cho họ những điều Ngài đã chứng ngộ. Sau bao nhiêu ngày đi bộ ròng rã, một buổi chiều kia Ngài đến gần những rặng cây của Lộc Uyển nơi năm vị đạo sĩ cư ngụ.

Khi họ nhìn thấy Đức Phật từ xa đi lại, họ nói với nhau:

- Kìa, hãy nhìn đằng kia! Đó là đạo sĩ Gotama đang đi về phía chúng ta, người đạo sĩ sống xa hoa hưởng thụ, không phấn đấu hành đạo và đã trở lại với đời sống lợi dưỡng an nhàn. Đừng tiếp đón trò chuyện với ông ta làm gì! Đừng cung kính đảnh lễ! Cũng đừng ai rước y bát của ông ta! Chúng ta cứ đặt một mảnh chiếu ở bên kia để đạo sĩ ấy ngồi nếu muốn. Ai lại đi phục vụ một đạo sĩ vô tích sự như ông ta!”

 

Thế nhưng, khi Đức Phật tiến đến gần hơn và gần hơn, họ bắt đầu nhìn ra, vì một lý do nào đó, Ngài không giống như xưa, như những ngày mà họ sống kề cận và tu học với Ngài. Họ thấy có gì khác thường ở nơi Ngài, một cái gì thật thánh thiện oai nghiêm, mà họ chưa từng thấy bao giờ. Và không ai bảo ai, trước khi kịp nhận thức được hành động của chính mình, họ quên hẳn những điều đã đồng ý với nhau. Một người vội vã tiến lên cung kính rước y bát của Ngài; một người khác bận rộn sửa soạn chỗ ngồi cho Ngài; người khác lập tức đi lấy nước cho Ngài rửa chân.

Sau khi ngồi xuống chỗ dành cho mình, Đức Phật mở lời:

- Này quý đạo sĩ, Như Lai đã chứng ngộ được đạo quả Vô Sanh Bất Diệt. Hãy nghe Như Lai giảng dạy. Nếu các vị chịu khó lắng nghe, học hỏi và thực hành theo lời giáo huấn của Như Lai, các vị cũng sẽ chứng ngộ ngay trong kiếp sống này, và thấy rằng những gì Như Lai nói là sự thật. Các vị cũng sẽ đạt được quả vị Vô Sanh Bất Diệt.

Năm vị đạo sĩ rất ngạc nhiên khi nghe vị đạo sư cũ của mình thốt lên những lời như vậy. Họ đã chứng kiến Ngài sống khổ hạnh, ăn uống kham khổ, ít ngủ nghỉ. Họ cũng đã mục kích việc Ngài từ bỏ tất cả những nỗ lực tìm cầu Chân Lý; vậy mà giờ đây Ngài đến tìm họ để nói với họ rằng Ngài đã đạt được Chân Lý. Thật là vô lý. Họ không tin lời Ngài. Họ trình bày với Ngài rằng:

- Hỡi đạo hữu Gotama, khi chúng tôi sống với đạo hữu, đạo hữu hành trì bao nhiêu pháp tu khổ hạnh và ép xác nghiêm khắc mà có lẽ chưa có một đạo sĩ nào khác trên cả xứ Ấn Độ này có thể thực hành được, vì vậy mà chúng tôi đã đối xử với đạo hữu như một bậc tôn trưởng, như một vị đạo sư. Ngay với tất cả những cố gắng ấy của đạo hữu, đạo hữu đã không tìm được Chân Lý cao thượng. Cớ sao bây giờ đạo hữu có thể đạt được giác ngộ khi mà đạo hữu đã từ bỏ các nỗ lực phấn đấu, quay trở lại một cuộc sống tầm thường, xa hoa hưởng thụ?

Nhưng Đức Phật trả lời:

- Các đạo sĩ đã lầm rồi. Như Lai chưa hề ngừng nỗ lực phấn đấu bao giờ. Như Lai không sống đời buông thả hưởng thụ. Hãy nghe đây các đạo sĩ. Như Lai đã chứng đạt đạo quả giác ngộ vô thượng. Và ta có thể giảng dạy cho các đạo sĩ để các vị cũng có thể đạt được đạo quả ấy.

 

Năm vị ẩn sĩ vẫn không thể tin được những gì vị đạo sư xưa đang trình bày. Họ cho rằng một điều như vậy không thể nào là sự thực, dù rằng một lần nữa Ngài đã năn nỉ họ lắng nghe và tin những gì Ngài nói. Khi Ngài thấy rằng họ không tin Ngài đã đạt được quả Vô Sanh Bất Tử, Ngài nhìn họ thật tha thiết, thật nghiêm nghị, và nói rằng:

- Hãy nghe đây, các đạo sĩ! Trong suốt thời gian các vị sống với ta trước đây, đã có bao giờ ta nói với các vị những điều như vậy không? Đã có bao giờ ta nói với các vị rằng ta đã đạt đến trí tuệ giác ngộ vô thượng, đến đạo quả Vô Sanh Bất Diệt hay không? Hãy trả lời cho Như Lai!

Năm vị đạo sĩ phải trả lời với Đức Phật rằng quả thật Ngài chưa bao giờ nói với họ những điều như vậy trước kia. Đức Phật nghiêm giọng:

- Tốt lắm, vậy bây giờ hãy lắng nghe khi Như Lai nói rằng Như Lai đã thật sự chứng ngộ quả Vô Sanh Bất Diệt. Và hãy để Như Lai trình bày cho các vị về đạo quả này.

Những lời của Đức Phật vừa thốt lên thật là nghiêm trang và oai nghi cùng với ánh mắt thật cương nghị, khiến năm vị đạo sĩ không sao từ chối lắng nghe Ngài. Họ mời Ngài ở lại chỉ giáo cho họ. Và như vậy, ngày này qua ngày khác trong những tháng sau đó, Đức Phật bắt đầu vận chuyển bánh xe Pháp Bảo, thuyết giảng cho năm môn đồ. Thời pháp đầu tiên là Dhammacakkappavattana Sutta (Kinh Chuyển Pháp Luân).

Trong lúc Ngài giảng dạy cho hai vị, thì ba vị kia đi trì bình, đủ vật thực cho cả sáu người độ dụng. Sau đó ba vị này ở lại Vườn Nai để học và hành còn hai vị kia đi trì bình. Sáu thầy trò sống hòa kính với nhau. Đức Phật thuyết pháp, năm vị đệ tử siêng năng học hỏi và hành thiền theo lời giáo huấn của Ngài. Bởi năm vị đều tinh tấn cần mẫn lại được chính Đức Phật hướng dẫn, không bao lâu, cả năm vị đều lần lượt thành đạt Chân Lý vô thượng như bổn sư của họ. Họ đã thân chứng Niết Bàn (Nibbāna) ngay trong kiếp sống hiện tại.

Trong năm vị đạo sĩ này, Koṇḍañña (Kiều Trần Như) là vị đệ tử đầu tiên thấu triệt và chứng ngộ được những điều Đức Phật giảng dạy. Bốn vị còn lại là Bhaddaka, Assaji, Vappa và Mahānāma. Đây là năm vị A La Hán (Arahan) đầu tiên trên thế gian.

A La Hán là tên gọi dành cho một người ngay trong kiếp sống hiện tại đã thân chứng được quả vị Niết Bàn Vô Sanh Bất Tử. Năm vị A La Hán này là năm tỳ kheo đầu tiên của Tăng Đoàn (Sangha) còn gọi là Giáo Hội Tăng Già gồm những vị đệ tử của Đức Phật, trọn đời tu học, thực hành giáo pháp của Ngài.

Khi Đức Phật còn đang ngự tại Vườn Nai, có một thanh niên gia đình giàu có ở gần đó tên là Yasa tìm đến gặp Ngài. Sau khi nghe Đức Phật giảng giải giáo pháp của Ngài và các phước báu cũng như quả vị có thể chứng đạt được khi tu học giáo pháp này, Yasa vô cùng hoan hỷ, lập tức xin Đức Phật cho chàng được xuất gia, thọ giới tỳ kheo, và ở lại bên Đức Phật để hành đạo.

Đêm hôm ấy một người đàn ông lớn tuổi đến gặp Đức Phật, thưa với Ngài là con trai ông rời nhà sáng nay để đến viếng Đức Phật, nhưng mãi đến giờ con trai ông vẫn chưa trở về, mà mẹ của cậu thì đang than khóc ngỡ rằng cậu đã bị bọn cướp hãm hại. Đức Phật cho ông biết con trai của ông nay đã là một vị tỳ kheo; rồi Ngài bắt đầu thuyết pháp cho người cha của vị tân tỳ kheo này. Sau thời pháp, người cha cũng vô cùng hoan hỷ, xin Đức Phật cho ông thọ lễ quy y Tam Bảo.

Sáng hôm sau, khi Đức Phật và vị tân tỳ kheo trẻ tuổi Yasa đến trì bình khất thực ở nhà cha mẹ của người, bà mẹ vui mừng khi thấy chồng và con trai trở thành môn đệ của một vị Đạo Sư cao quý như vậy. Bà xin quy y Tam Bảo, trở thành tín nữ đầu tiên của Đức Phật.

Bốn người bạn thân của Yasa, theo gương lành của bạn, cũng xin xuất gia, thành đệ tử của Đức Phật Gotama, gia nhập Tăng Đoàn. Và cứ như thế, thêm rất nhiều thanh niên lần lượt xuất gia tại Isipatana, cho đến lúc Đức Phật thâu nhận được sáu mươi vị tỳ kheo trẻ tuổi. Tất cả đều xuất thân từ dòng dõi cao quý, đều hăng hái chuyên cần tu học và tinh tấn kiên nhẫn hành trì giáo pháp dưới sự hướng dẫn của Đức Phật. Không bao lâu sau, cả sáu mươi vị đều thành tựu thánh quả giải thoát, trở thành những bậc A La Hán.

Đức Phật không cho phép các vị A La Hán này lưu lại mãi bên Ngài. Họ đã thấu triệt giáo pháp của Ngài một cách rốt ráo. Ngài dạy họ phải ra đi truyền bá giáo pháp ấy đến những người khác để những ai căn cơ đầy đủ, nghe được Pháp bảo, tu học Pháp bảo, sẽ được giải thoát khỏi vòng khổ đau phiền não. Người dạy rằng:

“Hãy lên đường, dấn thân truyền bá giáo pháp này, một giáo pháp toàn hảo ở chặng đầu khởi tu, toàn hảo ở chặng giữa tiến tu, và toàn hảo ở chặng cuối thành đạt mục đích. Hãy công bố đời sống phạm hạnh thiêng liêng và cao quý. Trên thế gian có những chúng sanh mắt không quá vương mờ bởi bụi trần tham ái, những người này sẽ lắng nghe quý thầy, họ sẽ hiểu được Pháp bảo.”

Đức Phật cho sáu mươi vị đệ tử đầu tiên của Ngài lên đường hoằng pháp. Mỗi người một ngả. Sáu mươi vị A La Hán vâng lời Đức Bổn Sư đem Giáo Pháp và Giới Luật truyền bá khắp nơi từ bắc đến nam, đông sang tây. Họ du hành ra xứ người với một mục đích duy nhất là hoằng pháp, một giáo pháp chân chính. Và họ thật là quả cảm kiên cường, những nhà truyền giáo đầu tiên của Phật Giáo.

Một trong số sáu mươi vị tỳ kheo này đến thưa với Đức Phật rằng người muốn được gởi đến một trú xứ mà dân tình nổi tiếng man rợ và hung bạo. Khi nghe lời thỉnh nguyện này, Đức Phật hỏi:

- Nhưng thầy sẽ làm gì ở nơi ấy nếu dân chúng ở đó ngược đãi và phỉ báng thầy?

Vị tỳ kheo trả lời:

- Thì con sẽ tự nhủ trong lòng rằng những người dân này là những người rất tử tế, họ chỉ dùng miệng lưỡi với ta, nhưng họ sẽ không thoi ta, đánh đấm ta.

- Nhưng giả sử họ thoi thầy, đánh đấm thầy thì sao?

- Thì con sẽ tự nhủ với lòng rằng những người dân này là những người rất tử tế, họ không quất ta bằng roi gậy.

- Nhưng nếu họ quất thầy bằng roi gậy thì sao?

 

- Thì con sẽ tự nhủ với lòng rằng họ là những người rất tử tế, họ không đâm chém con bằng đao kiếm.

- Và nếu họ dùng đao kiếm đâm chém thầy?

- Thì con sẽ tự nhủ với lòng rằng họ là những người rất tử tế, họ không sát hại con.

- Nhưng nếu họ muốn sát hại thầy thì thầy sẽ làm sao?

Vị tỳ kheo điềm đạm trả lời:

- Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ tự nhủ với lòng rằng những người dân này đang ban cho con một đặc ân, bởi thân xác này chỉ là một vật thể xấu xa ô trược mà con sẽ vô cùng hoan hỷ được từ bỏ nó; và những thiện hữu này sẽ giúp con hủy diệt nó.

Đến đây Đức Phật dạy:

“Này Tỳ kheo, thầy hãy lên đường, và truyền bá Giáo Pháp đến những người dân ấy. Tỳ kheo như con rất xứng đáng là những tăng sĩ đi hoằng dương Giáo Pháp Phật Đà đến tất cả các sắc dân và quốc gia trên thế giới.”

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn