(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1866)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 10 - Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên

03 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 16836)

Chương 10

Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên


blank

Trong thành Rājagaha, Sāriputta gặp được Sa môn Assaji đang đi trì bình khất thực.

Cũng trong khoảng thời gian này, gần thủ đô Rājagaha, có một đạo sĩ nổi tiếng tên là Sañjaya, vị lãnh đạo tinh thần của một giáo đoàn với tổng số tín đồ và môn sinh gồm khoảng hai trăm người.

Trong số hai trăm môn đồ của Sañjaya có một đôi bạn chí thân không mãn nguyện với giáo pháp đã học được từ thầy Sañjaya. Đôi bạn này, Upatissa và Kolita, mong ước đạt được quả vị Bất Tử, một trạng thái vượt thoát khỏi sức mạnh của sự chết mà chính thầy họ cũng không biết và cũng không thể giảng giải được.

Do vô cùng quý mến nhau, đôi bạn này luôn luôn chia sẽ tất cả những gì họ có được. Và vì thế họ đã long trọng hứa nguyện với nhau rằng cả hai sẽ cùng tận lực tầm sư học đạo và hành trì để chứng đạt pháp Bất Tử này, và người nào tìm được trước sẽ thông báo cho người kia hay.

Cơ hội đã đến vào một buổi sáng sớm nọ trên con đường chính của Rājagaha, từ xa Upatissa trông thấy một vị khất sĩ đang đi hóa duyên từ nhà này sang nhà nọ. Khi nhìn thấy vị này, Upatissa vô cùng rúng động trước phong thái của người. Từ ở vị khất sĩ vô danh này toát ra một vẻ khiêm cung bình dị, bước đi thì an nhiên tự tại, dáng đứng yên lành tĩnh lặng khi nhận vật thực cúng dường vào bát của mình.

Lúc Upatissa tiến gần hơn, niềm ngưỡng mộ đối với vị khất sĩ biến thành nỗi thán phục, kinh ngạc và tôn kính bởi vị khất sĩ có một vẻ mặt kỳ diệu lạ thường mà Upatissa chưa bao giờ thấy được từ bất cứ một vị khất sĩ nào trước kia - vẻ mặt của một bình an tuyệt đối, của một tĩnh tịch kiên định như mặt hồ nước tĩnh lặng không gợn một chút sóng, êm nằm dưới bầu trời yên lành trong sáng.

“Người này là ai?” Upatissa tự hỏi.

“Vị đạo sĩ này chắc chắn là người đã chứng đắc được pháp Bất Tử mà ta hằng tìm kiếm, hoặc người này phải là môn đồ của bậc giác ngộ nào đó. Ta tự hỏi thầy của người là ai? Người đang tu tập theo giáo pháp của ai? Ta phải tới hỏi người để biết được những điều này.”

Tuy nhiên, Upatissa biết rằng hỏi han quấy rầy một vị khất sĩ chưa quen khi người đang chú tâm trì bình là không phải phép, vì vậy Upatissa kiên nhẫn đi theo sau lưng vị khất sĩ khi người này đi từ nhà này sang nhà nọ với chiếc bình bát trên tay.

Cuối cùng, khi vị khất sĩ đã qua xong hết bao nhà phố và đang đi về phía cổng thành, Upatissa vượt lên, đến bên người, đảnh lễ và cung kính hỏi xin người rủ lòng thương nói cho Upatissa biết ai là vị đạo sư mà người theo chân tu học.

Upatissa nói:

- Thưa tôn giả, phong thái oai nghi đi đứng của Ngài thật là thanh thản và trầm tĩnh. Nét mặt của Ngài thật là tươi nhuận và trong sáng; tôi tha thiết muốn biết được ai là thầy của Ngài, người mà Ngài đã bỏ lại sau lưng gia đình và bằng hữu để theo cầu đạo. Quý danh của Thầy của Ngài là gì? Vị đạo sư ấy giảng dạy giáo pháp gì?

Vị khất sĩ thân thiện trả lời:

- Tôi có thể nói cho hiền giả biết ngay bây giờ. Có một vị đạo sư dòng dõi Sākya đã lìa bỏ gia đình và quê hương để sống đời không nhà của một khất sĩ. Và để theo chân Ngài tôi cũng từ bỏ đời thế tục. Đó là Đức Thế Tôn, là thầy Bổn Sư của tôi. Tôi tu học và thực hành Giáo Pháp của Ngài.

Upatissa nghĩ rằng ông có thể sẽ được nghe vị khất sĩ nói về “Quả Vị Bất Tử” mà ông và bạn ông, Kolita, hằng tìm cầu bấy lâu nay nên Upatissa hăm hở hỏi:

- Và giáo pháp đó là gì bạch Ngài? Đạo sư của Ngài giảng dạy những gì? Tôi mong mỏi được biết về giáo pháp ấy.

Vị khất sĩ khiêm tốn trả lời:

- Tôi chỉ là một sa di mới gia nhập vào Tăng Đoàn của Đức Thế Tôn. Tôi mới theo học và thọ giới của Đức Bổn Sư cách đây không bao lâu, vì vậy Giáo Pháp của Ngài tôi chưa biết nhiều. Tôi không thể giải thích cho hiền giả một cách cặn kẻ tường tận được. Nhưng nếu hiền giả chỉ muốn biết cốt lõi của Giáo Pháp của Ngài, tôi có thể tóm tắt một cách sơ lược trong đôi dòng.

Upatissa lập tức nhận lời:

- Xin hãy nói cho tôi nghe những điều căn bản. Tôi chỉ cần được biết những điều căn bản chứ không cần chữ nghĩa dài dòng. - Tốt lắm! Vậy thì hãy nghe đây:

Vạn vật từ duyên khởi

Bậc Giác Ngộ từng thuyết

Và rồi từ duyên diệt

Đại Đạo Sư đã truyền.

Vị khất sĩ chỉ nói có mấy câu nhưng tâm Upatissa bừng lên ánh sáng chân lý, một chân lý vĩ đại từng được giảng dạy bởi tất cả các vị Phật - chân lý đó là bất cứ sự vật nào đã có sinh khởi hay sẽ sinh khởi thì đều sẽ phải bị hủy diệt, không thoát khỏi, không ngoại lệ.

Trong giây phút phi thường này Upatissa chợt nhận thấy thật rõ ràng từ trong tâm mình rằng chỉ những gì chưa hề sinh khởi, chưa hề hiện hữu mới không bị chi phối bởi định luật này mà chịu hủy diệt. Ông bèn nói với vị khất sĩ rằng:

- Nếu đây là giáo pháp mà Ngài đã học được từ thầy của Ngài, vậy thì chắc chắn Ngài đã tìm được con đường thoát khổ, khỏi sự chết, đã đạt được trạng thái Vô Khổ và Bất Tử. Con đường mà bấy lâu nay nhân loại không hề biết đến.

Rồi Upatissa hoan hỉ cảm tạ và từ biệt vị khất sĩ mà trong một khoảnh khắc đã thắp lên ánh sáng trí tuệ cho mình, rồi trở về tìm bạn Kolita để báo tin mừng rằng ông đã tìm được pháp “ Bất Tử”.

Thế rồi, cũng như Upatissa đã ngạc nhiên trước phong thái lạ thường của vị khất sĩ khi vừa trông thấy vị này từ xa, thì bây giờ Kolita vừa trông thấy bạn mình tiến lại gần cũng phải ngạc nhiên về sự thay đổi khác lạ ở dáng vẻ của bạn. Kolita hỏi:

- Kìa nét mặt của huynh mới trong sáng rạng rỡ làm sao! Có phải chăng cuối cùng huynh đã thấy được pháp Bất Tử bấy lâu nay tìm kiếm?

Upatissa hoan hỉ trả lời:

- Đúng vậy. Đúng như vậy huynh ạ. Tôi đã tìm được pháp Bất Tử.

Kolita hăm hở hỏi:

- Làm sao mà huynh tìm được? Huynh làm cách nào mà tìm được?

Rồi Upatissa kể lại cho người bạn thân Kolita nghe về vị khất sĩ vô danh ông vừa gặp trên đường phố, vị tăng sĩ khoác y vàng với dáng vẻ thật an định mà ông chưa bao giờ thấy được ở bất cứ một vị khất sĩ nào trước kia. Ông đã theo vị này ra khỏi cổng thành và cuối cùng xin vị ấy vì lòng từ bi nói cho ông nghe về bí quyết của sự bình an và thanh thản nơi Người.

Kế đó, Upatissa đọc lại cho Kolita bốn câu kệ mà vị khất sĩ với nét mặt thanh tịnh đã đọc lên cho ông nghe. Ngay lúc ấy, Kolita cũng hoát nhiên trực nhận được Chân Lý rằng Bất tử là khi không còn gì sinh khởi trong thế giới của sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, bởi vì nếu không có sinh khởi thì sẽ không thể có hoại diệt.

Thấu hiểu được điều đó, hai người bạn thấy lòng thỏa thích hoan hỉ và từ biệt vị thầy cũ Sañjaya, tìm đến nơi Đức Phật cư ngụ xin được thọ giáo.

Đức Phật thâu nhận hai vị vào Tăng Đoàn của Ngài. Chỉ trong một thời gian rất ngắn hai vị đã trở thành hai đệ tử hàng đầu của Đức Phật bởi trí tuệ vượt bậc về pháp học và pháp hành. Thật vậy đôi bạn Upatissa và Kolita đã trở thành hai vị Trưởng Đệ Tử được nhân loại biết đến với tên Sāriputta (Xá Lợi Phất) và Moggallāna (Mục Kiền Liên).

Còn vị sa môn đã đem Giáo Pháp Đức Phật đến cho hai vị này bằng bốn dòng kệ ngắn ngủi chính là Assaji. Bài kệ này về sau vẫn được truyền tụng và biết đến với tên là “Assaji Kệ”.

Nhưng không phải chỉ có Upatissa và Kolita được thâu nhận vào Tăng Đoàn của Đức Phật trong thời gian Ngài cư ngụ tại Rājagaha lần này. Rất nhiều thanh thiếu niên của những gia đình cao quý nhất ở Magadha đã lìa xa gia đình để xuất gia tu hành với vị Thánh Nhân Sākya rất khác biệt với các đạo sư trong nước thời bấy giờ. Vị thánh nhân này dòng dõi quý phái do sự đản sanh và vĩ đại do sự giác ngộ, và giáo pháp Ngài dạy nếu thực hành đến nơi đến chốn sẽ chấm dứt những nghiệp bất thiện, thoát khỏi vòng sanh tử khổ đau.

Thật vậy, số lượng thanh niên xuất gia theo Ngài nhiều đến nỗi những người dân trong nước bắt đầu lo lắng và khó chịu, thậm chí nổi giận nữa. Họ bèn đến phiền trách với Đức Phật rằng nếu cứ tiếp tục như vậy mãi, chẳng bao lâu nữa đất nước sẽ không còn một thanh niên nào sống đời thế tục. Họ nói rồi đây sẽ không còn thanh niên để lập gia đình, sinh đẻ con cái, nòi giống sẽ bị tuyệt chủng và sơn hà biến thành đồng không mông quạnh, bởi tất cả những người trai trẻ của đất nước đều sống theo hạnh tỳ kheo.

Khi Đức Phật nghe lời phiền trách của dân chúng, Ngài ra giới luật rằng từ nay trở đi, không một ai được chấp nhận theo Ngài xuất gia tu hành nếu không được phép của cha hoặc mẹ trước; hoặc nếu cha và mẹ đã qua đời, thì phải được sự đồng ý của người thân cận nhất, bất cứ là ai.

Khi dân chúng Magadha nghe giới luật mới này của Đức Phật, một lần nữa, họ hài lòng và hoan hỉ có được một vị Phật sống giữa lòng đất nước họ. Họ cúng dường Ngài và Tăng Đoàn của Ngài những phẩm vật quý giá nhất.

Quy chế mới mà Đức Phật ban truyền ở Rājagaha về điều kiện thọ Tỳ Kheo giới này được ghi chép lại trong bộ Luật Vinaya của Tăng Đoàn và được truyền thừa cho đến nay

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn