(Xem: 1823)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2280)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 11-Thành Ca Tỳ La Vệ

03 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 14329)

Chương 11

Thành Ca Tỳ La Vệ 


blank

Đức Phật cùng Tăng đoàn trở về thăm thành Kapilavatthu

Khi được tin Đức Phật đang an cư ở thành Rājagaha (Vương Xá), vua Suddhodana phái sứ giả nhắn tin đến Ngài rằng phụ vương nay đã già yếu, và khẩn cầu Ngài trở về để đức vua được thấy mặt Ngài một lần nữa trước khi qua đời.

Vị sứ giả đến Rājagaha vào ngay một buổi pháp thoại của Đức Phật. Ông định nghe pháp xong sẽ trình thông điệp lên Đức Phật. Thế nhưng những lời dạy của Đức Thế Tôn soi sáng tâm trí ông, rạng rỡ. Vô cùng xúc động và cảm kích, khi buổi pháp thoại chấm dứt, ông không còn nhớ sứ mệnh của mình nữa, mà chỉ thành tâm tha thiết muốn ở lại bên Đức Thế Tôn được nghe thêm lời Ngài giáo hóa.

Vua Suddhodana lúc bấy giờ rất trông đợi vị sứ giả, đi đã lâu rồi mà sao vẫn bặt tin. Vua bèn phái vị sứ giả thứ hai, rồi vị thứ ba, cho đến vị thứ chín với cùng một trọng trách nhắn tin cho Đức Phật cũng như tìm hiểu tông tích của những sứ giả trước. Không một ai trở lại. Cũng như người sứ giả đầu tiên, họ đều lưu lại học đạo bên Đức Thế Tôn.

 Lấy làm lạ, vua Suddhodana hội ý với công nương Yasodharā, bằng mọi cách, nhắn tin cho Đức Phật xin thỉnh Ngài về hoàng cung. Công nương gởi sứ giả mời Ngài về thăm vợ và con là Rāhula, nay là một cậu bé bảy tuổi khôi ngô tuấn tú. Và vị sứ giả này, cùng nhiều vị nữa sau và trước ông đều ở lại bên Đức Thế Tôn. Công nương Yasodharā cũng đành bó tay.

Vua Suddhodana nhớ đến một vị quan trẻ trong triều tên là Udāyī (Ưu Đà Di), từng là bạn học hay chơi chung với Đức Phật khi cả hai còn bé. Vua hy vọng rằng may ra Đức Phật sẽ chịu nghe lời người bạn cũ. Dĩ nhiên, cả vua lẫn công nương Yasodharā đều không biết rằng những sứ giả được phái đi chưa bao giờ trình lên Đức Phật lời cung thỉnh của đức vua và công nương.

Không bao lâu sau khi vào thành Rājagaha, Udāyī tìm hiểu được nguyên do sự biệt tích của các sứ giả. Udāyī đến nơi Đức Phật ngự, cung kính đảnh lễ Ngài rồi mở lời khẩn cầu thỉnh mời Ngài trở về thăm gia đình và dân chúng Kapilavatthu.

Đức Thế Tôn ân cần nói rằng Ngài sẽ không phụ lòng mong mỏi nhớ thương của mọi người, và sẽ thu xếp để sớm về thăm nhà và quê hương. Udāyī mừng rỡ, vội vã quay về hoàng cung báo lên vua Suddhodana tin vui về Thái tử Siddhattha, nay là một vị Phật thanh danh lừng lẫy khắp thế gian.

Trong thành Kapilavatthu, từ nhà vua đến mỗi người dân, vui mừng khôn xiết khi biết được tin tức vị thái tử của họ, người đã rời bỏ hoàng cung bảy năm về trước, sống đời phạm hạnh, khai thị chánh pháp, chứng quả vị Phật, nay là một vị đại đạo sư của cả nhân loại và chư thiên. Ngài sắp trở về quê hương, và sẽ kể lại cho họ nghe những gì Ngài đã thành đạt.

Họ quét dọn đường phố thật sạch sẽ, trang trí nhà cửa bằng cờ hoa muôn màu muôn sắc, chuẩn bị một buổi đón tiếp trọng thể xứng đáng với ngôi vị của một thái tử và một vị Phật.

Vào ngày tiếp rước Đức Phật, vua ban lệnh đem những thớt tượng đẹp nhất, trang sức uy nghi lộng lẫy, cho đứng dọc theo con đường Vua nghĩ Thái tử sẽ đi qua để đón tiếp Ngài theo vương lễ.

Còn công nương Yasodharā, trong ngày trọng đại này, truyền dạy những người hầu cận khiêng kiệu Công nương ra tận biên thành để có thể đón mừng chồng ngay ở cửa thành. Nhưng khi kiệu đi ngang đường lộ chính của kinh thành, Công nương nhìn thấy phía trước một đạo sĩ khoác y vàng đang đi khất thực từ nhà này sang nhà khác.

“Vị khất sĩ đó là ai vậy?” Công nương Yasodharā tự hỏi. Ta chưa bao giờ trông thấy một vị khất sĩ đi trì bình với một phong thái trang nghiêm, uy nghi và rạng ngời từ tâm như vị này. Người phải là một vị thánh tăng cao quý.”

 Khi kiệu đến gần, Công nương sửng sốt ngạc nhiên nhận ra khất sĩ y vàng đó chính là chồng mình, cha của con bà, vị thái tử tuấn tú ngày xưa. Giờ đây, từ Ngài toát ra một cái gì khác thường, vượt hơn cả vẻ đẹp thế gian, một cái gì thật thiêng liêng cao quý xui khiến Công nương xuống kiệu, quỳ xuống chân Ngài để đảnh lễ. Trong khi ấy Ngài vẫn yên lặng, từng bước đi khoan thai chậm rãi, đôi mắt dán xuống đất, không nhìn thấy Công nương.

Công nương lập tức quay về hoàng cung, kể lại với vua Suddhodana rằng con trai của Ngài đang đi vào kinh thành xin ăn trong lớp áo khất sĩ. Vua vô cùng xấu hổ và phiền muộn. Ngài liền truyền sửa soạn xa giá, và vội vã phóng đi qua bao đường phố, tìm đến nơi công nương Yasodharā kể đã gặp Đức Phật đi khất thực.

Khi vua tìm thấy Đức Phật, Ngài đang lặng lẽ, từng bước chậm rãi đi về hướng hoàng cung, với các vị khất sĩ và đoàn dân chúng sùng kính theo sau. Vua Suddhodana không ngăn được cơn phẫn nộ vì đứa con của vua, một vị thái tử, lại đi xin ăn trong khi nếu muốn thì Ngài có quyền nắm cả giang sơn mà không cần phải xin phép. Vua lập tức mở lời than rằng:

- Có thật không những lời ta đã nghe về con? Này con, Thái tử đương kim, người kế vị ngai vàng, con bỏ cung vàng điện ngọc để trở về xin ăn độ nhật như một kẻ ăn mày tầm thường nhất trong kinh thành của ta như thế này sao? Ôi con ơi, con về lại ngày hôm nay là để sỉ nhục ta và cả hoàng gia sao? Xưa nay có bao giờ một ai trong dòng dõi Sākya làm chuyện như vậy không? Xưa nay có bao giờ hoàng tộc ta lại có người đi xin ăn như kẻ hành khất này chưa?

Đức Phật từ tốn trả lời cho người cha đang đau khổ và phẫn nộ:

- Có chứ, thưa Phụ Hoàng, con luôn sống theo lề lối của dòng dõi của con.

- Dòng dõi của con luôn luôn là hàng vương giả, là những vì vua và trong trí nhớ của tất cả mọi người, Vua Suddhodana kiêu hãnh nói, không một ai từng làm việc sỉ nhục như vậy.

- Đúng vậy, thưa Phụ Hoàng, Đức Phật ôn tồn trả lời. Nhưng Như Lai đang không nói đến dòng dõi thế tục của Như Lai. Nay Như Lai thuộc về dòng dõi của chư Phật. Khi Như Lai nói rằng dòng dõi Như Lai ai cũng làm như vậy, Như Lai nói trên cương vị của một vị Phật.

Vừa khoan thai đi bộ bên cạnh cha đi về hoàng cung, Đức Phật vừa điềm đạm thưa với cha rằng Ngài không về thăm quê hương như một kẻ khốn cùng hay bần hàn trắng tay. Ngược lại, Ngài đem về theo Ngài một kho báu vĩ đại nhất, hiếm quý nhất, và cao thượng nhất. Đó là kho báu của chân hạnh phúc, của sự giải thoát, của bình an tuyệt đối - kho báu

Niết Bàn. Rồi Đức Phật nói cho Phụ Hoàng nghe về con đường dẫn đến Niết Bàn. Khi vào đến hoàng cung, Ngài ngồi xuống và giải thích cho cha Ngài về Chân Lý cao thượng mà Ngài đã chứng ngộ được, bằng những lời lẽ đơn sơ giản dị nhưng thuyết phục, cho nên không chỉ vua cha, công nương Yasodharā và con trai của Ngài - Rāhula, mà tất cả dân chúng thành Kapilavatthu đều hoan hỉ đón nhận Chánh Pháp và trở thành đệ tử của Ngài.

Không bao lâu sau, con trai Ngài - Rāhula - cũng xuất gia, gia nhập Tăng Đoàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn