(Xem: 1762)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2229)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 12 Đời sống thường nhật

03 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 12954)

Chương 12

Đời sống thường nhật


blank

Đức Phật và ngài Ānanda tự tay tắm rửa chăm sóc cho một vị tỳ kheo bị bệnh kiết lỵ.

Đức Phật nay bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp của Ngài, suốt bốn mươi lăm năm liên tục. Trọn thời gian này Ngài di chuyển khắp đó đây chủ yếu là bắc phận Ấn độ, ngày nay là Oudh, Bihar, và miền bắc Bengal.

Ngoài trừ mùa mưa, ít khi Ngài ngụ lại một nơi nào lâu hơn đôi ba ngày. Vào mùa mưa hằng năm, Ngài thường an cư tại tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana Vihara) ở thành Vương Xá - nơi quốc vương Bimbisāra cúng dường, hoặc nếu không thì Ngài nhập hạ ở tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana Vihara) gần Xá Vệ (Sāvatthi) xứ Kosala - cúng dường bởi một vị đại thí chủ của Đức Phật và Tăng Đoàn là Trưởng Giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika).

Trong những năm hoằng pháp này, sinh hoạt thường nhật của Đức Phật như sau:

Đức Phật thức dậy sớm trước buổi rạng đông. Sau việc vệ sinh, Ngài ngồi tham thiền. Đến khi ánh ban mai lan tràn khắp nơi, Ngài thường đắp y tề chỉnh che phủ hai vai, bình bát trên tay, đi đến những làng mạc hay thành thị gần nơi Ngài đang tạm cư để khất thực.

Mắt luôn không rời mặt đất, Ngài đi từ cửa nhà này đến cửa nhà nọ, kiên nhẫn chờ đợi, yên lặng đón nhận bất cứ vật thực cúng dường nào được đặt vào bình bát của Ngài. Có lúc Ngài đi trì bình một mình; có lúc Ngài đi với các đệ tử của mình. Họ đi theo sau Ngài thành hàng một, cũng bình bát trên tay, và cũng một phong thái bình dị khiêm cung.

Thỉnh thoảng khi Ngài đi hóa duyên một mình, vài thí chủ ở những ngôi nhà Ngài dừng chân mời Ngài vào thọ thực trong nhà họ. Ngài thường chấp nhận lời mời này, ngồi xuống tọa cụ đã được chuẩn bị sẵn dành cho Ngài, và thọ dụng những thực phẩm trong bình bát của Ngài - chiếc bình bát người trong nhà đã cung kính nhận từ tay Ngài để đặt vào đó những vật thực ngon quý nhất mà họ có được. Sau khi thọ thực và rửa tay xong, Ngài thuyết pháp cho họ nghe, giảng giải cho họ lợi lạc của thiện nghiệp cũng như quả báo của ác nghiệp trong hiện tại và trong tương lai.

Rồi Ngài trở lại nơi đang tạm cư. Nơi ấy Ngài ngồi tĩnh tâm dưới mái tịnh thất hay dưới một tàng cây gần đó. Chờ đến khi tất cả Tăng Chúng thọ thực xong, Ngài mới trở về tịnh thất của Ngài để rửa chân.

Sau đó Ngài trở lại ban những lời nhắn nhủ giảng dạy cho Tăng Chúng, lúc ấy đã tề tựu nghiêm chỉnh. Ngài luôn sách tấn họ phải tinh cần học hỏi và thực hành Giáo pháp, nghiêm trì giới hạnh để kinh nghiệm được Niết Bàn ngay trong kiếp sống này.

Khi Đức Phật thuyết pháp xong, một số tỳ kheo thỉnh cầu Ngài ban cho họ đề mục hành thiền thích hợp với căn cơ và với quả vị họ đã chứng đạt được. Lúc ấy Đức Phật sẽ chỉ dẫn từng vị một đề mục hiệu quả nhất cho buổi thiền tập ngày hôm đó. Mức độ dễ khó, đơn giản hay phức tạp của mỗi đề mục được tùy thuận theo trình độ học hỏi và tu chứng của mỗi vị.

Sau đó Tăng Chúng giải tán. Mỗi người theo một hướng riêng rẽ, tìm đến dưới một cội cây hay một góc rừng thanh vắng, dành trọn buổi chiều thực hành thiền quán trên đề mục Đức Bổn Sư đã ban cho mình.

Bấy giờ Đức Phật trở về tịnh thất của Ngài. Vào mùa nắng hạn, nếu sức nóng thiêu đốt khiến Ngài cảm thấy cần nghỉ ngơi, Ngài sẽ nghỉ ngơi trong chánh niệm. Sau đó Ngài rời chỗ nghỉ của mình - bao gồm y tăng già lê (y hai lớp) xếp tư, đặt trên sàn - rồi bắt đầu rải tâm từ đến tất cả chúng sanh và nghĩ đến những phương cách tốt nhất để hóa độ họ giải thoát khỏi mọi phiền não.

Khoảng thời gian này trong ngày, dân chúng từ làng mạc hay thị thành gần nơi Đức Phật ngự thường đến cúng dường các phẩm vật, đồng thời thỉnh cầu Ngài thuyết pháp. Ngài nhận phẩm vật, và ban dạy những bài pháp súc tích mà đơn giản, thích hợp với mọi trình độ hiểu biết và tiếp thu của từng người hiện diện. Dù là người giàu hay nghèo, có kiến thức hay thất học, ai ai cũng nghĩ rằng Đức Bổn Sư đang thuyết giảng riêng đặc biệt cho một mình họ mà thôi, không một ai khác. Đức Phật ban pháp xong, họ ra về hân hoan an lạc với từng lời pháp nhũ vừa được lắng nghe.

Khi các thiện tín đã ra về, Đức Phật đi tắm trong khuôn viên tịnh xá hoặc ở một bồn tắm hay hồ nước gần đó. Rồi Ngài quay về tịnh thất, một mình, ngồi tham thiền nhập định.

Giờ thì trời vừa sụp tối, đây là lúc những du tăng không thuộc trong Tăng chúng hiện thường trú với Đức Phật tìm đến vấn an Ngài và thỉnh cầu Ngài ban cho những lời chỉ dạy về pháp tu của họ hoặc nhờ Ngài giải thích một vài điểm trong Giáo Lý mà họ chưa thấu đáo trọn vẹn.

Những vị du tăng này được Ngài đón tiếp, hướng dẫn thể theo lời thỉnh nguyện, làm sáng tỏ những khúc mắc trong việc tu học của họ bằng những lời giảng giải từ mẫn, đầy trí tuệ khiến họ ra về trong tâm hoan hỷ, phấn chấn và dũng mãnh.

Đây là điều Đức Phật luôn luôn hành xử với tất cả lòng từ bi, nhẫn nại và khiêm cung. Suốt bốn mươi bốn năm hoằng pháp, khi đón tiếp các đạo sĩ từ khắp nơi đến hầu như mỗi ngày, trả lời thắc mắc và giải tỏa những khó khăn vấn nạn của họ, Ngài không hề - dù chỉ một lần - mất kiên nhẫn trước bất cứ một chất vấn nào, không hề khó chịu hay nổi giận bởi bất cứ một lời nói nào, dù là hòa ái hay thù nghịch.

Không những vậy, Ngài còn không bao giờ bối rối lúng túng, hay không trả lời được những câu hỏi đặt ra cho Ngài. Ngài sẵn sàng tiếp chuyện với tất cả những ai đến tìm Ngài, hoặc với lòng thành thỉnh cầu Ngài giúp đỡ, hoặc chỉ kiếm cách bắt bẻ và gài bẫy Ngài vào những lời Ngài nói.

Với những ai thực tâm cầu đạo để vượt qua vấn nạn trên con đường tu, Ngài ban cho những giải đáp hữu dụng thỏa đáng. Còn những ai cố tìm cách làm Ngài bối rối lúng túng, hay cố gài bẫy Ngài vào lời nói của Ngài, cuối cùng lại thường ra về với tất cả lòng ngưỡng mộ khâm phục trước kiến thức và trí tuệ thâm diệu của Đức Phật. Có những vị chuyển tâm ngay lúc đó, quy y Phật và trở thành những đệ tử trung thành bên Ngài suốt khoảng đời còn lại của họ.

Như thế trọn buổi chiều cho đến gần về khuya là thời gian dành cho khách viếng thăm, cầu đạo và vấn đạo. Bấy giờ, thấm mệt vì đã ngồi quá nhiều cả ngày, Đức Phật thường thong thả kinh hành trong giây lát cho thư giãn chân tay. Sau đó Ngài trở về tịnh thất nghỉ đêm.

Cứ như vậy mà Ngài đã sinh hoạt đều đặn thường ngày trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp - chỉ trừ khi đang trên bước du hành từ nơi này sang nơi khác. Đức Thế Tôn luôn luôn sẵn sàng giảng dạy và hóa độ cho bất cứ ai muốn cầu đạo nơi Ngài. Với trí tuệ viên dung của Đức Phật, không chỉ với những khó khăn trên đường đạo mà với cả những rối rắm trên đường đời của chúng sanh, Ngài cũng tùy duyên trợ lực giáo hóa. Những ai có duyên lành đều được Ngài cảm hóa trong bốn mươi lăm năm tận tụy cống hiến đầy lợi lạc của đời Ngài.

Như có một lần khi Đức Phật đang ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá ở thành Xá Vệ, dân xứ Kapila và xứ Koliya có sự tranh chấp xung đột trầm trọng về vấn đề nước tưới ruộng. Năm đó hạn hán, đã rất lâu trời không mưa, và vì vậy, dòng sông nằm giữa đồng ruộng của hai xứ - Kapila một bên, Koliya một bên - gần như khô cạn. Lòng sông chỉ còn một ít nước. Và dân chúng Kapila và Koliya, đều muốn giành hết số nước sông còn lại ấy về đồng ruộng của xứ mình.

Thế rồi họ bắt đầu sẵn sàng lâm chiến; mỗi phe chuẩn bị tư thế giết chết dân bên kia sông để dành hết nước sông cho dân mình.

Kapila là quê hương của Đức Phật, dân xứ Kapila là đồng bào của Ngài. Khi Ngài biết được câu chuyện xung đột giữa dân xứ Kapila với dân xứ Koliya, Ngài động lòng bi mẫn khi thấy dân chúng có thể sẵn sàng giết người và có thể hủy hoại cả sinh mệnh của chính mình chỉ vì một ít nước sông. Vì vậy Ngài tìm đến nơi những người dân đang hung hãn dàn trận, chuẩn bị lâm chiến, tay lăm lăm vũ khí này. Nơi đây Ngài hỏi họ:

- Chư vị hoàng tử và chiến sĩ, hãy lắng nghe những gì Như Lai nói, và thành thật trả lời những gì Như Lai hỏi. Vì đâu mà chư vị sẵn sàng giết chóc lẫn nhau?

- Vì nước sông này đây, số nước mà cả dân cả hai xứ chúng tôi đều muốn có cho đồng ruộng khô cằn của chúng tôi - dân chúng cả hai xứ trả lời.

- Phải - Đức Phật nói - nhưng hãy thành thật nói với Như Lai, chư vị nghĩ cái gì quý hơn: một ít nước trong lòng sông, hay dòng máu trong huyết mạch của bao nhiêu người, nhất là của các hoàng tử và quốc vương?

- Máu người, nhất là máu của các hoàng tử và quốc vương - dân chúng lập tức trả lời - dĩ nhiên là muôn phần quý hơn nước của dòng sông.

- Nếu như vậy - bấy giờ Đức Phật mới nói - có hợp lý và xứng đáng để liều mạng đánh đổi cái hiếm quý cho cái ít hiếm quý hơn không?

- Quả thật, bạch Thế Tôn - dân chúng trả lời - thật không hợp lý và xứng đáng khi liều mạng đánh đổi cái hiếm quý hơn cho những gì kém giá trị.

- Nếu đúng thật như vậy - Đức Phật kết lời - có lâm trận, hãy lâm trận để chiến thắng và tiêu diệt lòng hận thù căm giận trong lòng mình. Hãy bỏ vũ khí giết người trên tay! Hãy đến với nhau trong thông điệp hòa bình!

Sau khi lắng nghe những lời dạy của Đức Thế Tôn, dân chúng của cả hai xứ Kapila và Koliya thấy hổ thẹn vô vàn cho sự vô minh và vô lý của mình. Họ thỏa thuận chia số lượng nước sông đồng đều cho đồng ruộng hai xứ cùng được sử dụng như nhau. Từ đó về sau dân cư hai xứ sống bên nhau thanh bình an lạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn