(Xem: 1759)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2226)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 13 - Di Mẫu Kiều Đàm

03 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 14796)

Chương 13

Di Mẫu Kiều Đàm


blank

Di Mẫu Kiều Đàm đang chờ Đức Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn, sống đời phạm hạnh.

Trên đường hoằng pháp, một hôm Đức Thế Tôn nhận được tin báo quốc vương Suddhodana đang lâm trọng bệnh. Với lòng hiếu thảo không cùng, Ngài về viếng thăm và an ủi cha trong lúc đau ốm, dẫn theo người em một cha khác mẹ là Nanda, nay là một vị tỳ kheo thuộc Tăng Đoàn của Đức Phật cùng Ānanda, Sāriputta và Moggallāna.

Thoạt tiên, vui mừng khi gặp lại được người con yêu quý, quốc vương Suddhodana tỉnh táo khỏe khoắn lại đôi phần, khiến mọi người tưởng rằng Vua sẽ bình phục hoàn toàn, nhưng sự hồi phục ấy không kéo dài được bao lâu. Với tuổi già chồng chất, Vua nay không còn đủ sức lực để kháng cự với bệnh tật nữa. Một vài ngày sau, Vua trở bệnh nặng và từ giã cõi đời trong sự tiếc thương của cả vương quốc.

Sau khi Quốc vương qua đời, hoàng hậu Mahāpajāpati Gotami (Di Mẫu Kiều Đàm) - dì ruột của Đức Thế Tôn, cùng là nhũ mẫu chăm sóc Ngài từ tấm bé như đứa con ruột thịt - không còn muốn sống đời thế tục như xưa nữa. Thọ tang chồng, Hoàng hậu phát nguyện từ nay về sau sẽ sống tu hành như một tỳ kheo, dưới sự hướng dẫn và giáo hóa của Đức Thế Tôn. Thế là, cùng với một số công nương không muốn rời bỏ Bà và nguyện đi theo Bà đến bất cứ nơi nào, Bà tìm đến gặp Đức Phật cầu xin Ngài nhủ lòng từ bi chấp nhận cho giới phụ nữ được xuất gia như nam giới, và sống đời phạm hạnh theo bước chân Ngài.

Nhưng dù Bà đã ba lần tha thiết khẩn cầu Đức Thế Tôn chấp thuận cho Bà và các công nương được nhận làm tỳ kheo ni, cả ba lần Ngài nói bà không nên xin Ngài một việc như vậy. Vô cùng đau buồn vì ước nguyện lớn lao của mình bị khước từ, Hoàng hậu bật khóc và cùng các công nương từ biệt Đức Phật trong nước mắt.

Lúc này đây, Đức Phật cũng rời khỏi thành Kapilavatthu sau tang lễ của phụ hoàng. Ngài tiếp tục cuộc du hành hoằng pháp từ nơi này đến nơi khác, cuối cùng dừng lại tại Vesāli (còn được biết đến là Vaishali, Vaiśālī, và Xá Vệ) và nhập cư nơi đây ở Đại Lâm Tịnh Xá.

Bấy giờ, cùng với một số công nương tháp tùng, bà Mahāpajāpati tự xuống tóc và đắp y vàng, lên đường đến Vesāli, đi bộ từ làng mạc này qua thôn xóm nọ cho tới khi đến được Đại Lâm Tịnh Xá nơi Đức Phật đang ngự.

Đôi chân sưng tấy sau cuộc bộ hành dài đăng đẳng, với bụi đường còn phủ trên châu thân và y áo, buồn bã và chán nản, bà đứng khóc bên ngoài Tịnh Xá. Mục kích cảnh não lòng đó, ngài Ānanda bước lại thăm hỏi nguyên do. Bà trả lời:

- Ôi Đại Đức Ānanda ơi, tôi khóc vì Đức Thế Tôn không cho phép giới phụ nữ được xuất gia và sống đời khất sĩ dưới sự hướng dẫn Giáo Pháp và Giới Luật của Ngài.

- Nếu như vậy thì, thưa Lệnh Bà - người con gái của dòng dõi Gotama, Ānanda lên tiếng, xin bà hãy chờ nơi đây.Tôi sẽ vào cầu xin Đức Thế Tôn từ bi chấp nhận thỉnh nguyện của Lệnh Bà.

Như lời đã hứa cùng bà Mahāpajāpati, ngài Ānanda đi vào tịnh thất của Đức Phật , cung kính thỉnh cầu Đức Phật.

- Đủ rồi, Ānanda, thôi đủ rồi! Đừng hỏi xin Như Lai những điều như vậy nữa! Đức Thế Tôn trả lời.

 

Nhưng Ānanda vẫn không hề nản lòng thối chí. Ngài lại cung kính thưa lên Đức Phật lời thỉnh cầu này, lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Song mỗi lần Ngài đều nhận câu trả lời như nhau.

Rồi Ānanda tự ngẫm: “Đức Thế Tôn không cho phép giới phụ nữ gia nhập Tăng Đoàn khi Ngài được trực tiếp thỉnh cầu. Thế nhưng biết đâu chừng Ngài sẽ chấp thuận nếu ta trình bày nguyện vọng này một cách khác.”

Nghĩ như vậy Ngài bèn thưa lên Đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, nếu nữ giới được phép xuất gia tu hành theo Giáo Pháp và Giới Luật của Tăng Đoàn, họ có thể lần lượt chứng ngộ được bốn Thánh Quả dẫn đến Vô Sanh, Niết Bàn hay không? - Được chứ, Ānanda, Đức Phật trả lời, nếu phụ nữ xuất gia tu hành theo Giáo Pháp và Giới Luật của Như Lai, họ có thể đạt được Niết Bàn ngay trong kiếp sống này, trở thành những vị A La Hán.

- Vậy thì Bạch Thế Tôn, Ānanda thưa, xin nghĩ đến Lệnh Bà Mahāpajāpati của dòng dõi Gotama quả đã làm bao nhiêu điều phúc thiện bấy lâu nay. Bà vừa là dì ruột vừa là dưỡng mẫu của Thế Tôn, nuôi Thế Tôn bằng những giọt sữa yêu thương của chính mình, chăm sóc Thế Tôn từ lúc Mẫu hậu vừa qua đời. Cầu xin Thế Tôn hãy cho phép nữ giới được gia nhập Tăng Đoàn để tu hành theo Chánh Pháp.

- Thôi được, Ānanda, Đức Phật bảo, nếu Mahāpajāpati Gotami sẵn sàng chấp nhận và tuân hành nghiêm chỉnh tám pháp chế sau đây, thì xem đây như nghi lễ gia nhập Tăng Đoàn cho Bà.

Đoạn Đức Phật nói cho Ānanda nghe về tám pháp chế (Bát Kỉnh Pháp) mà bất cứ một nữ nhân nào muốn được trở thành một tỳ kheo ni sống trong Giáo Pháp và Giới Luật của Ngài đều phải tuân hành theo:

“Một vị tỳ kheo ni trong Tăng Đoàn, thứ nhất phải cung kính đảnh lễ trước một vị tỳ kheo - bất kể tuổi đạo của hai vị như thế nào.

“Thứ hai, không được an cư ở những địa phận hoàn toàn không có tỳ kheo.

 “Thứ ba, vào mỗi ngày Bố Tát, phải lắng nghe và tuân theo những lời giáo huấn sách tấn của một vị tỳ kheo được chỉ định.

“Thứ tư, vào cuối mỗi mùa Vassa – mùa An Cư - phải thỉnh cầu những phê bình chỉ giáo về sự tu học và giới hạnh của mình từ cả hai chúng tỳ kheo lẫn tỳ kheo ni.

“Thứ năm, nếu có vi phạm một lỗi lầm nghiêm trọng nào sẽ phải sám hối trước cả hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni.

 “Thứ sáu, phải trải qua một thời gian hai năm tập sự xuất gia trước khi được chính thức thọ đại giới xuất gia trước đại chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni.

“Thứ bảy, không được chỉ trích nói xấu một vị tỳ kheo nào trong bất cứ hoàn cảnh nào.

“Thứ tám, không được phép chính thức chỉ giáo một tỳ kheo nhưng ngược lại phải chịu nhận sự chỉ giáo từ một tỳ kheo.”

- Này Ānanda, Đức Phật kết lời, nếu Mahāpajāpati Gotami chấp nhận và quyết tâm tuân hành theo tám pháp chế này suốt đời, thì bà sẽ được coi là một vị tỳ kheo ni chính thức của Tăng Đoàn.

Nghe xong, Đại Đức Ānanda từ biệt Đức Thế Tôn, tìm gặp Mahāpajāpati để trình bày lại những gì Đức Thế Tôn đã giảng giải. Mahāpajāpati hoan hỷ vui mừng, thưa cùng Đại Đức Ānanda:

- Bạch Đại Đức Ānanda, như một thiếu nữ hay một thiếu nam tươi trẻ, yêu thích điểm trang, vừa mới tắm gội tinh khiết và nhận được một vòng hoa đẹp tươi thơm ngát, người ấy sẽ cung kính và hoan hỷ đưa hai tay đón nhận và nâng vòng hoa đặt lên đầu của mình - nơi cao quý của thân; cũng như vậy, Bạch Đại Đức, tôi cũng hoan hỷ chấp nhận tám pháp chế này và nguyện sẽ tuân hành suốt cuộc đời của tôi.

 

Ngài Ānanda trở về bên Đức Phật, cung kính đảnh lễ và vui mừng thưa lên cùng Đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, Lệnh Bà Mahāpajāpati của dòng dõi Gotama chấp nhận hành trì tám pháp chế nghiêm nhặt mà Đức Thế Tôn ban hành. Dì của Thế Tôn nay chính thức xuất gia là tỳ kheo ni của Tăng đoàn.

Bấy giờ Đức Phật dạy rằng:

“Ānanda, nhưng Giáo Pháp và Giới Luật này của Như Lai sẽ không được gìn giữ tồn tại lâu dài trong hàng nữ giới xuất gia đâu, chỉ độ năm trăm năm thôi. Như những gia đình mà số nữ giới nhiều hơn nam giới, sẽ khó chống đỡ bền bĩ dài lâu trước nhiễu loạn trộm cướp, cũng vậy, những đoàn ngũ có hàng phụ nữ xuất gia thọ giới tỳ kheo ni trong Giáo Pháp và Giới Luật như của Như Lai, sẽ không tồn tại dài lâu. Rồi sẽ như một thửa ruộng lúa hay một cánh đồng mía khi bị sâu nấm phủ giăng, đồng ruộng kia sẽ không còn mầu mỡ phì nhiêu được bao lâu đâu.”

Và mọi sự việc đã diễn ra y như Đức Phật tiên đoán. Khoảng năm trăm năm sau khi bà Mahāpajāpati chính thức trở thành vị tỳ kheo ni đầu tiên trên thế giới, những nghi thức xuất gia dành cho tỳ kheo ni theo đúng như khuôn phép của Đức Thế Tôn đã chỉ dạy trên không còn tồn tại nữa. Đã không còn một vị tỳ kheo ni nào sống theo Giới luật quy định được mười năm một cách nghiêm chỉnh và triệt để như thuở ban đầu.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn