(Xem: 1665)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2170)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 14 - Phép màu

03 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 14001)

Chương 14

Phép màu


blank

Đức Phật dùng hình ảnh về vô thường để dạy Hoàng hậu Khema bỏ được tánh kiêu mạn về sắc đẹp của mình.

Trong suốt thời gian Đức Phật truyền bá Chánh pháp khắp nơi cùng Tăng Đoàn của Ngài, đến đâu cũng có dân chúng tập hợp đông đảo thành tâm đảnh lễ chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn cũng như để được nghe Ngài giảng pháp và hướng dẫn tu tập. Một số đông cải đạo, hướng tâm nương tựa vào Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài.

Cũng vào thời gian đó, có những nhà truyền giáo khác cũng du hành đó đây khắp lãnh thổ như Đức Phật. Trong những vị này có một số, với những thần thông kỳ diệu và lạ thường, đã lôi cuốn được rất nhiều quần chúng đến để xem họ biểu diễn phép mầu. Sau đó những người dân này lưu lại nghe họ thuyết giảng, đôi khi tin tưởng vào những giáo lý này và trở thành tín đồ của họ.

Các vị tỳ kheo trong Tăng Đoàn của Đức Phật chứng kiến những sự kiện này, đến bạch với Đức Thế Tôn rằng, “Ngài có thể nào cũng thi thố thần thông kỳ diệu như vậy để chứng tỏ cho những quần chúng ngây thơ chất phác này rằng Đức Phật không thua kém gì những vị truyền giáo kia. Và như vậy, Đức Phật sẽ thuyết phục được họ đi theo Ngài thay vì đi theo những vị truyền giáo khác.”

Nhưng Đức Phật trả lời những vị tỳ kheo này rằng Ngài không khuyến dụ một ai nghe theo và tin nơi Ngài chỉ vì Ngài có những xảo thuật kỳ diệu khiến họ phải sửng sốt kinh ngạc, thứ xảo thuật mà họ gọi là phép mầu thần thánh.

“Phép mầu duy nhất, Đức Thế Tôn dạy, mà các đấng Như Lai thi triển là, khi thấy một chúng sanh ngập tràn tham ái, các vị đưa những chúng sanh ấy vượt thoát dục lạc. Khi thấy một chúng sanh bị nô lệ cho lòng thù oán, các vị giải thoát chúng sanh ấy khỏi tâm sân hận. Khi thấy một chúng sanh mịt mờ trong vô minh, các vị khai thị cho chúng sanh ấy diệt trừ si mê. Đây là thần thông duy nhất mà chư Phật thi thố. Tất cả những phép mầu khác chư Phật không chấp nhận, coi rẻ và xa lánh.”

Thế nhưng lúc bấy giờ có người đến kể cho Đức Phật nghe chuyện của Đại Đức Moggallāna (Mục Kiền Liên), người có năng lực thần thông cao nhất trong tất cả các vị La Hán. Đại Đức đã sử dụng thần thông phi thân đến một nơi rất cao và hiểm trở, lấy cho được một cái bình quý mà một người nào đó đã đem đặt nơi này chỉ để thử thách năng lực thần thông của Ngài. Hành động của Đại Đức khiến Đức Thế Tôn phật ý. Ngài truyền gọi Moggallāna và dặn đem theo chiếc bình quý mà Đại Đức đã chiếm hữu bằng phép thần thông.

Khi Đại Đức Moggallāna đem chiếc bình đến, Đức Phật lấy chiếc bình trên tay Đại Đức và đập chiếc bình bể nát trước Moggallāna và toàn thể Tăng Đoàn. Đức Phật nghiêm khắc khiển trách Moggallāna, không cho phép ngài phô trương thần lực như vậy với bất kỳ lý do nào.

Ngài cũng nghiêm cấm tất cả tỳ kheo trong Tăng Đoàn tuyệt đối không được sử dụng phép mầu để thuyết phục chiêu dụ những người dân ngây thơ khờ dại. Vị tỳ kheo nào làm như vậy sẽ không được công nhận là một đệ tử của Đức Phật nữa, và phải lập tức rời khỏi Tăng Đoàn. Giới luật này vẫn tiếp tục được Tăng Đoàn gìn giữ cho đến ngày hôm nay, và được xếp vào bốn trọng giới “bất cộng trụ” ngang hàng như giới sát sanh, trộm cắp và tà dâm.

Như thế đó, Đức Phật không bao giờ khơi gợi sự kinh ngạc thán phục của quần chúng bằng bất cứ một phép thuật nào, và sau câu chuyện của Đại Đức Moggallāna không còn một tỳ kheo nào sử dụng thần thông như vậy nữa. Thế mà dân chúng vẫn thấy rất rõ rằng Đức Phật là một vị thầy vĩ đại. Bất cứ nơi nào Đức Phật đặt chân đến họ đều bày tỏ lòng sùng kính ngưỡng mộ Ngài và Tăng Đoàn.

Chứng kiến việc này, rất nhiều tín đồ của các giáo sĩ khác không được hài lòng. Họ bực tức nhìn thấy dân chúng đến đảnh lễ, nghe pháp và cúng dường những vị tu sĩ y vàng mới lạ, đệ tử của đạo sư Cồ Đàm dòng họ Thích Ca, trong khi không quan tâm gì đến họ và giáo sĩ của họ cả.

Vì vậy, một lần nọ khi Đức Phật và Chư Tăng đến thành phố Kosambī nơi một vị giáo sĩ danh tiếng hiện đang cư ngụ cùng với rất nhiều tông đồ. Những vị này bắt đầu nguyền rủa sỉ nhục các đệ tử của Đức Thế Tôn một cách hung hăng, bằng đủ ngôn từ lăng mạ, xấu xa và độc ác. Lúc ấy Đại Đức Ānanda đến trình lại với Đức Phật những gì các vị tu sĩ kia đã dùng những lời nhục mạ nặng nề đến thế nào, đã dồn trút những xúc phạm thô tục nhất xuống Chư Tăng ra sao mỗi khi gặp Chư Tăng trên đường phố, nhất là khi quý ngài đang trì bình khất thực.

Thay mặt cho các tỳ kheo, Đại Đức thỉnh ý Đức Thế Tôn xem Ngài có nghĩ rằng tốt hơn thì Ngài và Chư Tăng nên rời khỏi Kosambī, đến một vùng khác nơi không phải chịu sự lăng mạ mỗi ngày khi đi khất thực như vậy nữa.

Đức Thế Tôn lặng thinh lắng nghe lời bày tỏ của Đại Đức Ānanda. Rồi Ngài hỏi:

 - Nhưng này Ānanda, nếu ta lại bị ngược đãi và xúc phạm ở nơi ấy, thì ta sẽ làm gì?

- Thì ta sẽ đi một nơi khác, Ngài Ānanda trả lời.

- Và nếu ta cũng bị nguyền rủa sỉ nhục ở vùng đất mới ấy, thì ta sẽ làm gì?

- Thì ta sẽ đi một nơi khác nữa.

Đức Thế Tôn ngồi yên lặng giây lâu; đoạn, nhìn Ānanda với ánh mắt từ mẫn, Ngài nói:

“Này Ānanda, hành trì chút ít hạnh nhẫn nhục kiên trì sẽ giúp ta khỏi phải luôn rày đây mai đó vì chuyện như vậy. Ta không thể nào nói: chắc chắn sẽ tìm được sự bình an ta hằng mong mỏi ở một nơi chốn mới nào đó ta có thể đến, nhưng ta chắc chắn tìm được bình an ấy ngay nơi ta đang hiện diện này đây, nếu ta hành trì hạnh kiên nhẫn. Bằng hạnh kiên trì và nhẫn nhục, những bậc thiện trí chiến thắng tất cả đối phương.

“Này Ānanda, hãy nhìn thớt voi được huấn luyện để tham chiến. Voi lao thân vào chiến trường hỗn loạn mịt mờ lửa đạn, không màng đến bao nhiêu là phi tiêu, mũi tên và lao nhọn từ bốn phương đang phóng vào thân, cứ dũng mãnh tiến lên, quét sạch các chướng ngại trước mắt.

“Rồi hãy tự nhủ: „Ānanda sẽ noi gương của thớt voi kia. Ta sẽ ở lại thành Kosambī này hành đạo kiên cường dũng mãnh, nỗ lực không ngừng nghỉ đưa dân chúng đau khổ nơi đây thoát khỏi màng lưới vô minh đang bủa vây ràng buộc họ. Ta sẽ không quan ngại, dù chỉ mảy may, những lăng mạ xúc phạm những đạo sĩ kia đang đổ trút lên ta và môn đệ của ta.

“Có người nhổ nước bọt lên trời tưởng sẽ làm nhơ bẩn được bầu trời, không những nước bọt đã không chạm được cũng không làm hoen ố được trời cao mà còn rơi ngược lại, làm chính mình bị bợn nhơ. Cũng như vậy nếu chúng ta giữ được tâm tự tại bình thản, những đạo sĩ đang phỉ nhổ thóa mạ ta sẽ là người tự đón nhận lấy những phỉ nhổ thóa mạ của chính họ.”

Và như vậy, không để tâm đến lời thỉnh cầu của Đại Đức Ānanda và Chư Tăng, Đức Thế Tôn tiếp tục an cư tại Kosambī. Không bao lâu, quả lành của hạnh kiên trì nhẫn nhục mà Đức Thế Tôn hành trì soi sáng nơi nơi.

Đó là khi dân chúng Kosambī thấy được sự khiêm cung nhẫn nhục tột cùng nơi Đức Phật và Chư Tăng trước những lời lẽ thô tục của các đạo sĩ kia, không hề phản ứng lại những con người cứ cố tâm gây hấn xúc phạm mình. Rất nhiều thanh niên Kosambī vô cùng cảm phục đức hạnh cao thượng này của Đức Phật và Chư Tăng, họ xin được quy y Ngài và gia nhập Tăng Đoàn.

Nhưng chẳng lành thay, những vị khất sĩ Kosambī trẻ tuổi này chưa thể một sớm một chiều dứt bỏ được tập khí tranh cãi cố hữu của mình. Không bao lâu, họ vướng vào một tranh chấp nội vụ gay gắt trầm trọng, nguyên do chỉ là những bất đồng quan điểm rất nhỏ về giới luật của tỳ kheo. Mỗi phe một quan điểm, không ai chịu lắng nghe ai.

Dù Đức Thế Tôn đã bao lần khuyên bảo họ phải gìn giữ hòa khí với nhau và không nên cãi vả, họ vẫn tranh chấp kịch liệt. Họ để ngoài tai lời Ngài dạy rằng chính sự tranh biện và ác ý mới xấu xa hơn cả những lỗi nhỏ về giới luật mà vì nó họ mới tranh cãi với nhau. Khi thấy các tỳ kheo này không muốn nghe lời Ngài khuyên nhủ, Đức Thế Tôn một mình rời bỏ Kosambī, để tất cả các đệ tử ở lại.

Lúc bấy giờ dân chúng Kosambī thấy vị Đại Đạo Sư đã một mình ra đi, còn những môn đồ ở lại thì cứ cãi cọ với nhau chẳng khác người thế tục, họ ngưng không cúng dường thực phẩm khi các vị khất sĩ này đi trì bình mỗi sáng.

Phản ứng này của dân chúng lập tức khiến các vị khất sĩ đang trong vòng tranh luận gay go quay về thực tế và nghiền ngẫm lại sự việc. Họ quy thuận với nhau cùng gây lại hòa khí. Và một lần nữa họ lại được Đức Thế Tôn nhận làm đệ tử, theo từng bước chân Ngài học và hành đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn