(Xem: 1493)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 16-Tâm từ của Đức Phật

04 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 12583)

Chương 16

Tâm từ của Đức Phật


blank

Đức Phật cảm hóa được tướng cướp sát nhân Vô Não Aṅgulimālā

Một lần nọ, biết được Đức Phật sẽ thuyết pháp ở làng kế bên, một nông dân nghèo dòng Bà La Môn quyết định sẽ đến dự. Nhưng, vào buổi sáng hôm Đức Phật sắp ban pháp, ông hoảng kinh khi khám phá ra một trong những con bò của ông đã biến mất. Là người nghèo khó, ông không thể chịu nổi cái giá phải trả khi mất đi một con bò, vì vậy ông lập tức vào rừng tìm kiếm khắp nơi, với hy vọng sớm tìm thấy được, và có thể trở về làng trước thời pháp.

Con bò thất lạc đi lang thang xa hơn ông dự đoán. Vì vậy, mặc dù ông đã hối hả tất bật tìm lục khắp nơi, ở bất cứ ngõ ngách nào, cuối cùng khi thấy được bò và đem trở về làng thì đã quá ngọ. Đói bụng và mệt lã vì phải chạy đôn đáo cả buổi sáng dưới sức nóng gay gắt của mặt trời, nhưng ông không muốn hụt mất buổi thuyết pháp. Thế nên không dám nghỉ ngơi hay ăn uống sợ thêm trễ nãi, ông vội vàng đi đến nơi Đức Phật đang nói pháp, với niềm hy vọng là ít nhất vẫn còn kịp nghe đoạn cuối của pháp thoại. Nhưng ngạc nhiên xiết bao khi ông đến giảng đường, buổi pháp thoại vẫn chưa bắt đầu. Nơi đây, Đức Thế Tôn đang yên lặng tọa thiền giữa bao nhiêu người kiên nhẫn chờ đợi nghe pháp. Vui mừng biết được mình vẫn còn kịp giờ, người nông dân rón rén len vào phía sau giảng đường tìm chỗ ngồi.

Nhưng khi ông vừa bước chân vào cửa giảng đường, Đức Phật đã nhìn thấy ông, và dịu dàng hỏi ông đã có gì lót dạ hay chưa. Người nông dân bạch rằng ông mới vừa trở về sau khi tìm được con bò đi lạc, và ông không dám dừng chân tìm chút gì ăn vì không muốn trễ buổi pháp thoại.

Nghe đến đây, Đức Phật dạy một vị thí chủ ngồi gần bên Ngài đem chút thực phẩm đến cho người nông dân, và Ngài sẽ chờ ông ăn xong mới thuyết pháp. Khi người dùng bữa xong và đến ngồi gần bên Đức Phật, Đức Phật mới bắt đầu ban pháp. Lúc ấy người nông dân mới biết rằng vì một lý do nào đó Đức Thế Tôn đã nghe biết được lòng mộ đạo thiết tha và niềm ước mong được nghe pháp Phật của ông, nên Ngài đã yên lặng tọa thiền trên giảng đường để mọi người cùng chờ đợi cho đến khi ông xuất hiện.

Có một số cư sĩ và chư tăng thấy lạ kỳ và không phải lẽ khi Đức Thế Tôn phải quan tâm đến chuyện đói khát của một người tại gia, không phải một vị tỳ kheo, cũng không phải đệ tử của Ngài, mà lại là một người Bà La Môn nghèo khó. Thế nhưng sự ưu ái của Đức Phật dành cho vị Bà La Môn trọng pháp đã được đền bù xứng đáng, do người này đã tràn ngập niềm cảm kích và biết ơn trước từ tâm của Đức Phật, nên sau buổi thuyết pháp, ông phát nguyện xin được làm đệ tử của Ngài, từ đó cho đến hết quãng đời còn lại.

Ở một thành phố nọ, gần nơi bấy giờ Đức Phật đang an cư, có một người thợ dệt sống với con gái của ông. Hằng ngày, cô gái nhỏ này phụ giúp cha làm việc. Cô tha thiết được nghe Đức Phật giảng pháp, thế nhưng vào đúng ngay ngày Ngài ban pháp thì cha cô và cô phải dệt gấp cho xong một tấm lụa mà một khách hàng quan trọng đặt khẩn cấp. Cô gái hạ quyết tâm cấp tốc thi hành phần việc của mình, để có thể vừa hoàn thành công việc vừa kịp đến dự buổi pháp thoại.

Cô lập tức bắt tay vào việc, quấn hết sợi tơ vào ống, dự định đem đến nhà kho nơi cha cô đặt khung dệt. Trên đường đến nhà kho, cô đi ngang qua nơi dân chúng đang yên lặng ngồi chờ Đức Thế Tôn ban pháp. Thấy vậy, cô gái đặt ống sợi xuống và rụt rè ngồi xuống dãy cuối cùng.

Khi Đức Phật nhìn thấy cô, Ngài biết được căn cơ của cô đã đầy đủ để thấu hiểu và thực hành giáo lý của Ngài. Ngài gọi cô ngồi gần lên trên để có thể nghe rõ hơn, không bỏ sót lời pháp nào. Cô gái vâng lời đi lên. Để cô bớt lúng túng e ngại, với giọng từ tốn đầy khích lệ Đức Phật hỏi cô từ đâu lại và định đi về đâu. Cô gái trẻ trả lời rằng cô biết nơi đi nơi đến của cô, “nhưng cùng một lúc,” cô nói, “Bạch Thế Tôn, con lại mê mờ không biết được từ đâu con lại và đến đâu con đi.”

Khi những người hiện diện nghe câu trả lời lạ lùng của cô gái trẻ, họ vô cùng bực tức vì tưởng rằng cô đang nhạo báng Đức Thế Tôn. Họ bắt đầu xôn xao bàn tán và dự định đuổi cô ra khỏi giảng đường vì sự vô lễ trắng trợn của cô. Hiểu được những gì cô gái đang thao thức trong tâm khi cô trả lời câu hỏi của Ngài, Đức Phật kêu gọi mọi người giữ im lặng trật tự. Đoạn quay sang cô gái, Ngài bảo cô giải thích câu nói của cô. Cô bạch Ngài:

- Con biết con từ nhà cha con lại đây và trên đường đến kho dệt vải. Nhưng từ tiền kiếp nào con đến kiếp sống hiện tiền này, con hoàn toàn không biết. Con cũng chẳng biết được kiếp tới của con. Bởi vô minh mịt mờ con không sao thấy được hai nơi chốn này.

Bấy giờ Đức Thế Tôn và đại chúng mở lời ca ngợi sự hiểu biết và trí tuệ của cô gái trẻ. Đức Thế Tôn bắt đầu ban pháp. Cô gái lắng nghe trong chánh niệm, với tất cả thành tâm. Khi buổi pháp thoại chấm dứt, cô nhập tầng Thánh thứ nhất, chứng đắc quả Nhập Lưu (Sotāpanna) - một quả vị đưa hành giả vào dòng thánh tất yếu dẫn đến Niết Bàn.

Ngày nọ khi Đức Phật đi qua một khu rừng, Ngài bắt gặp một con nai đang mắc bẫy thợ săn. Đức Phật lập tức gỡ nai ra khỏi chiếc bẫy và cho nai chạy thoát. Đoạn Ngài tọa thiền dưới một bóng cây gần đó.

Chẳng bao lâu người thợ săn đi đến và khám phá ra con nai mắc bẫy đã được ai đó cứu thoát. Ông nhìn quanh xem người đó là ai. Mắt ông chạm phải vị tu sĩ khoác y vàng đang yên lặng tọa thiền. Người thợ săn biết ngay đó chính là “thủ phạm”.

“Mấy ông sư đạo đức giả này càng ngày càng đông, len lỏi khắp nơi, phá hoại công ăn việc làm của người lương thiện,” người thợ săn giận dữ nói với chính mình.

Trong cơn tức giận, ông giương cung, lắp tên, nhắm bắn Đức Phật.

 

“Ta sẽ diệt bớt một mạng của bọn họ,” ông lầm bầm.

Nhưng khi ông nhắm bắn vị đạo sĩ có khuôn mặt và dáng vẻ tĩnh lặng một cách lạ kỳ này, không hiểu sao tay ông bỗng run rẩy và mũi tên đi hụt. Chưa bao giờ ông bắn tên hụt trong một khoảng cách gần như vậy! Càng điên tiết lên, ông giương cung nhắm bắn lần thứ hai rồi lần thứ ba, và lại hụt. Bỗng nhiên một cảm giác sợ hãi xâm chiếm tâm ông. Ông vứt bỏ cung và tên, tiến đến gần Đức Phật, nhỏ nhẹ khiêm tốn hỏi thăm Ngài là ai.

Đức Phật nói cho người thợ săn biết thân thế của Ngài, rồi từ tốn và dịu dàng Ngài giảng giải cho ông nghe về nghiệp dữ của sát sanh, rằng muốn hủy diệt mạng sống đáng quý này thật là dễ dàng, nhưng khó mà hồi sanh nó một khi đã bị hủy diệt đi rồi. Lắng tâm nghe và thấu hiểu được từng lời Phật dạy, người thợ săn vô cùng xúc động. Ông phát nguyện không bao giờ sát sanh nữa và, theo lời khuyên nhủ của Đức Phật, sẽ chọn một nghề khác làm kế sinh nhai không thương tổn đến một chúng sanh nào.

Có một người sát sanh khác cũng được Phật hóa độ, đó là Aṅgulimālā (Vô Não). Nhưng không như người thợ săn kia, Aṅgulimālā là một kẻ sát nhân. Ông đã tước đoạt mạng sống của chín mươi chín người, chặt một ngón tay của mỗi nạn nhân, xâu thành chuỗi và đeo vào cổ. Vì đặc điểm này người ta đặt tên ông là Aṅgulimālā, có nghĩa là tràng chuỗi xâu ngón tay người.

Bấy giờ Aṅgulimālā đang đứng bên vệ đường, chờ nạn nhân cuối cùng, nạn nhân thứ một trăm, đi ngang cho ông xuống dao hạ sát. Như vậy ông sẽ thu được đủ một trăm ngón tay cho vào tràng chuỗi kinh khiếp của ông. Nhằm trong lúc ấy Đức Phật đi ngang chỗ Aṅgulimālā đứng chờ. Aṅgulimālā nghĩ đây chỉ là một đạo sĩ bình thường, ông sẽ dễ dàng hạ thủ.

Thế nhưng cũng như người thợ săn, Aṅgulimālā ba lần cố tâm sát hại Đức Phật, ba lần ông thất bại. Vô cùng kinh ngạc, ông bắt đầu hỏi chuyện Đức Phật. Đức Thế Tôn không một lời trách móc kẻ định giết mình, ôn tồn thuyết pháp cho Aṅgulimālā. Với căn cơ từ những kiếp trước và duyên lành được nghe chánh pháp trực tiếp từ Đức Phật, Aṅgulimālā liền được soi sáng tâm can. Ông thành khẩn sám hối nghiệp tội của mình, và thỉnh cầu Đức Thế Tôn cho ông được xuất gia học đạo với Ngài. Không bao lâu sau, do nỗ lực tu hành tinh tấn, ông đắc thánh quả A La Hán.

 Song không nhờ vậy mà ông thoát được quả dữ của những ác nghiệp ông đã phạm. Một ngày nọ khi ông vào thành Sāvatthi khất thực, dân chúng ném đá vào ông và hành hung ông thật tàn bạo, đến nỗi trong phút chốc ông trút hơi thở cuối cùng.

Nhưng trong những giây phút sau cùng đối diện với nỗi đau xác thịt, với cái chết của mình và sự hận thù, lời nguyền rủa của những người ném đá ông, ông không mảy may buồn khổ hay oán hận họ. Ông biết rất rõ là ông đang trả nghiệp.

 Nỗi đau này, cái chết này tuy đến dữ dội nhưng đến nhanh, đến một lần cho ông được dứt sạch nghiệp trong kiếp sống này, còn hơn để nó đeo đẳng đời đời kiếp kiếp mãi mãi về sau. Hiểu được nhân quả, Aṅgulimālā thanh thản và an tâm nhắm mắt, nhập Niết Bàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn