(Xem: 1661)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2167)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Sự quan trọng của Vô Ngã

01 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 10644)

SỰ QUAN TRỌNG CỦA VÔ NGÃ

Đến đây khỏi cần nói, chắc bạn đọc cũng ý thức được tầm quan trọng của Vô Ngã. Giáo lý Vô Ngã là nền tảng, là căn bản của tất cả pháp tu khác và cũng là mục tiêu chứng đắc của các bậc A la Hán, và Bồ tát (vì có Bồ tát nào mà còn chấp ngã?)

* Tu hành mà không hiểu Vô Ngã thì dầu có làm chùa to, tượng lớn và ngoài miệng tuy không nói nhưng trong tâm vẫn âm thầm cho chùa to, tượng lớn kia là do Ta làm và là của Ta. Và như thế, chùa càng to thì cái Ta càng lớn, mà cái Ta càng lớn thì ngày nào giải thoát?

* Giữ giới mà không hiểu Vô Ngã thì giới luật trở thành gò bó, cấm đoán và cái Ta sẽ bực bội, khó chịu. Hoặc nếu giữ giới tinh nghiêm thì sinh tâm kiêu mạn khinh thường những người khác.

* Tu Thiền mà không hiểu Vô Ngã thì dù có ngồi thiền nhập định suốt ngày, suốt đêm, đắc được thần thông đi nữa cũng không hơn gì ngoại đạo. Nhiều khi còn móng tâm cho là ta đã chứng đắc này nọ.

* Hiểu Vô Ngã thì không còn soi mói tìm lỗi của người khác, không còn khen mình chê người. Khi gặp chuyện tranh chấp, xích mích, không còn đổ lỗi cho ai cả, vì biết không có ai là thủ phạm.

* Hiểu Vô Ngã thì làm các việc phước thiện như bố thí, cúng dường sẽ không cần chùa hay thầy phải ghi tên mình vì hiểu rõ không một cái Ta hay Ai bố thí cúng dường cả, mà chỉ thấy có một sự bố thí. Trong Bát Nhã gọi đó là Bố Thí Ba La Mật.

* Hiểu Vô Ngã thì việc giữ giới trở thành tự nhiên, vì không còn cái Ta nào bị gò bó hay cấm đoán.

* Hiểu Vô Ngã thì tự nhiên sẽ hiểu và xa lìa bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sinh, thọ giả của Kinh Kim Cang.

* Tu Thiền mà hiểu Vô Ngã thì không còn bị vọng tưởng làm mê hoặc. Khi những ý niệm tốt xấu khởi lên trong tâm liền biết rõ: "Đó chỉ là những ý niệm hiện khởi !" ngoài ra không có một cái Ta nào tốt hay xấu.

Vô Ngã là một chánh kiến cần được hiểu và thực hành trên con đuờng tu Phật. Tuy nhiên, hiểu Vô Ngã không phải là xong, đó chỉ là căn bản, là bước đầu, chúng ta vẫn phải tiếp tục trau giồi giới, định, huệ, tu tập tất cả hạnh lành mà không chấp vào một cái Ta. Tập bỏ bớt việc đời để có nhiều thời giờ quán chiếu nội tâm, sống cuộc đời vô ngã vị tha.

-ooOoo-

LỜI CUỐI

Tập sách này không phải là một tiểu luận về Vô Ngã, mục đích của nó chỉ đơn giản giới thiệu đến bạn đọc hai phương pháp tu tập Vô Ngã, nên tôi đã không trích dẫn nhiều từ kinh sách. Nếu muốn biết nhiều về giáo lý, bạn đọc có thể tìm hoặc tham khảo thêm những sách ở phần Thư Mục.

Tuy có học được ít nhiều với các bậc thầy, nhưng vì căn cơ chậm lụt, lại thêm tánh còn mải chơi với cỏ cây mây nước nên những điều nói ra không tránh khỏi sai lầm và thiếu xót. Kính xin các bậc cao minh từ bi hoan hỷ lượng thứ cho. Nếu có chút phần nào hợp với chánh pháp, có thể làm lợi ích cho độc giả, cũng xin hồi hướng công đức cầu cho mọi loài biết thông cảm thương yêu lẫn nhau, xa lìa chấp ngã, hận thù.

-ooOoo-

Phụ lục

KINH VÔ NGÃ TƯỚNG
(Anattalakkhana-sutta)

Thích Trí Siêu dịch từ "Sermons du Bouddha", Mohan Wijayaratna, Edition du Cerf

Tôi được nghe như vầy: một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngụ tại vườn Nai, ở Isipatana gần Bénarès. Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với năm vị Tỳ Kheo:

Này các thầy, sắc không phải là ta, là tự ngã. Nếu sắc là ta thì sắc sẽ không gây đau khổ (bệnh tật) và đối với thân thể ta có thể ra lệnh: " Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi". Thế nhưng, bởi vì thân thể không phải là ta, nên nó không tránh khỏi bệnh tật và không ai có thể ra lệnh cho thân thể: "Thân tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi".

Này các thầy, cảm thọ không phải là ta, là tự ngã. Nếu cảm thọ là ta thì cảm thọ sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với sự cảm thọ ta có thể ra lệnh: "Cảm thọ của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi". Thế nhưng, bởi vì cảm thọ không phải là ta, nên nó không tránh khỏi đau khổ phiền não và không ai có thể ra lệnh cho cảm thọ: "Cảm thọ của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi".

Này các thầy, tri giác không phải là ta, là tự ngã. Nếu tri giác là ta thì tri giác sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với tri giác ta có thể ra lệnh: "Tri giác của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi". Thế nhưng, bởi vì tri giác không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho tri giác: "Tri giác của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi".

Này các thầy, tâm tư không phải là ta, là tự ngã. Nếu tâm tư là ta thì tâm tư sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với tâm tư ta có thể ra lệnh: "Tâm tư của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi". Thế nhưng, bởi vì tâm tư không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho tâm tư: "Tâm tư của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi".

Này các thầy, ý thức không phải là ta, là tự ngã. Nếu ý thức là ta thì ý thức sẽ không gây đau khổ phiền não và đối với ý thức ta có thể ra lệnh: "Ý thức của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi". Thế nhưng, bởi vì ý thức không phải là ta, nên nó không tránh khỏi khổ đau phiền não và không ai có thể ra lệnh cho ý thức: "Ý thức của tôi phải như thế này hay như thế kia theo ý tôi".

Này các thầy, các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?

- Sắc là vô thường, thưa Thế Tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

- Là khổ, thưa Thế Tôn.

- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta" được chăng?

- Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Cảm thọ là thường hay vô thường?

- Cảm thọ là vô thường, thưa Thế Tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

- Là khổ, thưa Thế Tôn.

- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta" được chăng?

- Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Tri giác là thường hay vô thường?

- Tri giác là vô thường, thưa Thế Tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

- Là khổ, thưa Thế Tôn.

- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta" được chăng?

- Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Tâm tư là thường hay vô thường?

- Tâm tư là vô thường, thưa Thế Tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

- Là khổ, thưa Thế Tôn.

- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta" được chăng?

- Không thể được, thưa Thế Tôn.

Các thầy nghĩ sao? Ý thức là thường hay vô thường?

- Ý thức là vô thường, thưa Thế Tôn.

- Cái gì vô thường là khổ hay sướng?

- Là khổ, thưa Thế Tôn.

- Như vậy, đối với cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, người ta có thể nói: "Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta" được chăng?

- Không thể được, thưa Thế Tôn.

Này các thầy, như thế thì tất cả những gì thuộc sắc thân quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là sắc thân cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta".

Cũng thế, tất cả những gì thuộc cảm thọ, tri giác, tâm tư và ý thức quá khứ, vị lai hay hiện tại, ở trong hay ở ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần, tất cả những gì là cảm thọ, tri giác, tâm tư, ý thức, cần phải được nhận định theo chánh trí huệ, đúng như thật: "Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta".

Khi nhận định sự vật như thế, này các thầy, người hành giả thông minh xa lìa và nhàm chán sắc thân, xa lìa và nhàm chán cảm thọ, tri giác, tâm tư và ý thức. Do nhàm lìa nên vị ấy không còn ham muốn. Do hết ham muốn nên được giải thoát. Khi được giải thoát, trí huệ khởi lên: "Đây là sự giải thoát" và vị ấy biết: "Tái sinh chấm dứt, phạm hạnh đã thành, điều nên làm đã làm, không còn trở lại thế gian này nữa".

Khi Đức Thế Tôn nói xong, năm vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ. Trong lúc đang nghe giảng, tâm của năm vị được hoàn toàn giải thoát khỏi ái luyến và ô nhiễm.

Và lúc bấy giờ, trên thế gian này có được sáu vị A La Hán.


Tài liệu tham khảo

Asvagosha:

Gurupancasika, Fifty verses of Guru-devotion. Library of Tibetan works and archives, Dharamsala, India.

Candrakirti:

- Madhyamikavatara, L'entrée au milieu. Edition Dharma 1985
- Prasannapada Madhyamikavrti. Adrien-Maisonneuve 1959

Dhammaratana T. Thera:

The Doctrine of Non-Self (Anatta). Université de Paris 8. 1987

Etienne Lamotte:

- Samdhinirmocana sutra. Adrien-Maisonneuve. Paris 1935
- Mahaprajnaparamitasastra. Institut Orientaliste. Louvain 1949

Guéshé G. Dreyfus:

La vacuité selon l'école Madhyamika. Institut Vajrayogini. 1988

Geshe Lhundup Sopa & Jeffrey Hopkins:

Practice and Theory of Tibetan Buddhism. Rider-London.

Junjiro Takakusu:

The essentials of Buddhist Philosophy. Motilal Banarsidass. Delhi 1975

Kensur Lekden:

Meditation of a Tibetan tantric Abbot. Library of Tibetan works and archives.

Khenpo Tsultrim Gyamtso:

Méditation sur la Vacuité. Institut d'études bouddhistes Mahayana.

Louis de La Vallée Poussin:

- Abhidharmakosa de Vasubandhu. Institut Belge des Hautes Etudes chinoises.
- Vijnaptimatratasiddhi.

Librairie Orientaliste Paul Guethner 1928.

Nyanaponika Thera: Satipatthana. Adrien-Maisonneuve. Paris 1945

Stefan Anacker:

Seven works of Vasubndhu. Motilal Banarsidass. Delhi 1984

Surendra Nath Das Gupta:

Philosophical Essays. Motilal Banarsidass. Delhi 1982

Thích Minh Châu:

- Thắng Pháp Tập Yếu Luận I & II
- Trường Bộ Kinh, tập III. Chùa Kỳ Viên Hoa Thịnh Đốn 1987.

Thích Nhất Hạnh:

- Vấn Đề Nhận Thức trong Duy Thức Học. Phật Học Viện Quốc Tế, 1980
- Kinh Pháp Ấn. Lá Bối.

Thích Đức Niệm:

Câu Xá Luận Cương Yếu. Phật Học Viện Quốc Tế, 1985

Thích Trí Siêu:

- Thiền Tứ Niệm Xứ. Chùa Đức Viên, San Jose 1987
- Bố Thí Ba La Mật. Chùa Đức Viên, 1988
- Đại Thủ Ấn. Nhà in Lam Sơn, 1989

Thích Huyền Vi:

The Four Abhidhammic Reals. Institut de Recherche Linh-Son 1982

Thurman:

Life and Teaching of Tsongkhapa. Library of Tibetan works and archives.

Venkata Ramanan:

Nagarjuna's Philosophy. Motilal Banarsidass. Delhi 1966

Vincente Fatone:

The Philosophy of Nagarjuna. Motilal Banarsidass. Delhi 1981

Walpola Rahula:

- L'Enseignement du Bouddha. Collection Points. Paris
- Abhidharmasamuccaya d'Asanga. Ecole fran?ise d'extrême orient. 1980

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn