(Xem: 1741)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2183)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

1.06- Lễ hạ điền...

11 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 10495)

Một cuộc đời-Một vầng nhật Nguyệt

Tập 1

 

<Nghedownload021.07-Con đường học vấn

 

<Nghedownload021.08-Tuổi thơ

 

<Nghedownload021.09-Ngục vàng

 

<Nghedownload021.10-Thi tài võ nghệ

 

1.06- Lễ Hạ Điền

Sākya là dòng họ cai trị một vương quốc cổ xưa, nhỏ bé, tuy không hùng cường giàu mạnh bằng các nước - kế cận như Kosala, xa hơn là Māgadha - nhưng nếp sống của người dân tương đối tươi đẹp và ổn định. Kapilavatthu là một kinh đô chính trị, văn hóa, thương mãi, kinh tế... phát triển đủ mọi ngành nghề, nhưng nông nghiệp vẫn là huyết mạch của xã hội.

Xa phía Bắc là những đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, xuống phía Nam là những cánh rừng trù mật, rất nhiều lâm sản quí hiếm. Ở đây là miền ôn đới, khí hậu điều hòa. Con sông Rohini trước khi về biển đã để lại những cánh đồng mênh mông bát ngát giàu phù sa và khoáng chất. Bình nguyên này chính là vựa lúa nuôi sống mọi người, nên nghề nông được sự khuyến khích của nhiều triều đại.

Đức vua Suddhodāna từ khi lên ngôi kế vị vua cha là Sīhahanu đã có con mắt nhìn xa trông rộng; chính đức vua Sīhahanu đã khai mở kiến thức cho con trai, liên kết với vương quốc Koliya, tạo thế “môi không hở thì răng không lạnh”, để đương đầu với đế quốc Kosala to lớn bên cạnh. Vị vua này lấy em gái của vị vua kia, kết nên mối thân thiết để tương trợ lẫn nhau. Vỗ yên về mặt chính trị, vua quay sang phát triển kinh tế, dân có giàu thì nước mới mạnh. Chính sách khuyến nông hiệu quả nhất là giảm thuế nông nghiệp, cấp phân giống và người cày thì phải có ruộng! Thế vẫn chưa đủ, hằng năm đức vua cao cả chí tôn còn cho tổ chức lễ “hạ điền” để đức vua, bá quan xuống ruộng cùng cày với dân! Chính hành động tế nhị và khôn khéo này mà nhân dân rất tri ân và thương kính đức vua hết mực!

Những cuộc lễ “hạ điền” ban đầu chỉ mang ý nghĩa “khuyến nông” mà thôi, nhưng dần dà nó biến thành ngày lễ vui của toàn xã hội. Bây giờ đã trở thành thông lệ cổ truyền...

Hằng năm, cứ vào tiết xuân bắt đầu có nắng ấm, đuổi đi cơn rét lạnh đông dài, là toàn dân xôn xao, nô nức chuẩn bị nông vụ. Trước đó ba ngày, đức vua cho dân chúng vui chơi. Đây là cơ hội cho tất cả mọi người, già trẻ, sang hèn, giàu nghèo đều được ăn mặc tươm tất, chưng diện tốt đẹp, đi đến những bãi vui chơi công cộng do triều đình đứng ra tổ chức.

Dịp này, đức vua Suddhodāna, hoàng hậu Mahā Pajāpati Gotamī dẫn thái tử Siddhattha cùng vài người tùy tùng lên chiếc xe tứ mã đi ngoạn du đây đó. Toàn thể kinh đô được trang thiết cực kỳ mỹ lệ, dân chúng ăn mặc đẹp đẽ, rực rỡ trăm màu như đàn bướm ngày xuân. Đức vua vén rèm cho thái tử - lúc ấy mới bảy tuổi - xem quang cảnh rồi nói:

- Con thấy không! Kinh đô hoa lệ này mai sau là của con đấy! Muôn dân hạnh phúc ấm no, ăn mặc cao sang, tươi thắm kia - chính là thần dân trung thành của con đấy!

Thái tử Siddhattha hân hoan, vỗ tay reo rồi quay sang bá cổ hoàng hậu Mahā Pajāpati Gotamī:

- Mẹ! Mẹ! Hãy cho con ra vui chơi với họ!

Lệnh bà Gotamī mỉm cười, âu yếm:

- Chúng ta còn phải đi xem nhiều nơi nữa con ạ, sợ không đủ thì giờ đâu!

Chiếc xe tứ mã từ từ đi ra phía ngoại ô, đường sá phong quang, sạch sẽ, nhà nhà tỏa khói bình yên. Đức vua bảo xa phu ngừng lại, ngài dẫn thái tử leo lên một ngọn đồi nhỏ, đưa tay chỉ ra xa:

- Con thấy không! Từ những dãy núi trùng điệp, xanh thẳm kia cho đến những bình nguyên chạy dài xa hút đến tận phía chân trời này là giang sơn cẩm tú trù mật do tiên đế để lại. Mai này cũng là của con tất cả.

Cùng ngồi xuống thấp cho vừa tầm với thái tử, đức vua nhẹ vỗ vai con, giảng giải:

- Những vùng rừng xanh biếc dưới chân những dãy núi kia cho ta biết bao loại gỗ quí để làm cung điện, làm nhà cửa, bàn ghế, vật dụng cùng các loại hương liệu. Nó cũng hào phóng ban phát cho ta những lâm sản có giá trị khác như ngà voi, nhung, cao hổ cốt, trầm, quế... Bình nguyên này là kho gạo, nếp vĩ đại. Còn trong lòng đất này có biết bao nhiêu là vàng, ngọc... trân châu cùng các kim loại có giá trị khác. Sau này, con tha hồ mà sống một đời vinh hoa phú quí trong một quốc độ hùng cường và giàu đẹp.

Đến sáng ngày thứ ba, đức vua cùng quần thần, ngựa xe tấp nập, áo mão chỉnh tề ngự ra nơi đám ruộng “thượng đẳng điền” để cử hành cuộc lễ. Đoàn quân hộ giá dàn chào. Tốp lính nghi lễ và khánh tiết trần thiết bàn thờ và cử hành nhạc lễ. Một đoàn các thầy bà-la-môn ăn mặc sang trọng nhiễu quanh khu đất, khai kinh cầu thần linh phò hộ cho quốc thái, dân an. Đức vua Suddhodāna quỳ bái vọng, cầu nguyện cho triều đại được trường tồn, muôn dân bá tánh cơm no, áo ấm.

Xa xa, dân chúng chen nhau lớp lớp, đứng đầy đặc, tung hoa, rảy nước...

Lễ “hạ điền” bắt đầu. Trống, kiền chùy, thanh la, não bạt... rộn ràng theo mỗi bước chân của đức vua lần lần đi xuống ruộng. Vị quan phụ trách nông nghiệp chầu sẵn, nghiêng mình trao cho vua một cái cày. Con trâu to lớn, ngoan hiền, thuần thục nhất đã được chuẩn bị. Thế rồi, vài nhát roi nhẹ nhàng của bậc vương giả, con trâu đủng đỉnh kéo những đường cày, xẻ từng luống đất ngọt mềm.

Sau khi cày xong ba đường tượng trưng, các vị trọng thần kế tục cày thêm mỗi vị chín đường. Thế là, nhân dân các đám ruộng kế cận, và nhân dân cả nước, noi gương đức vua, bắt đầu nông vụ.

Trong khi ấy, rải rác khắp nơi, các bãi đất trống, dưới những tàn cổ thụ, dân chúng tổ chức những cuộc vui chơi như hát kịch, diễn trò, hò đố, xúc xắc, đô vật... Thật là cảnh thái bình, thịnh trị.

Thái tử Siddhattha cũng được phép vua và hoàng hậu, theo thị nữ đi chơi trên cái kiệu vàng, rèm che, sáo phủ. Đến nơi, họ khiêng kiệu thái tử để trong bóng mát cây hồng táo bên cạnh bờ ruộng, rồi rủ nhau đi chơi đây đó.

Thái tử Siddhattha không mấy khi mà được ở một mình tự do như thế. Ngài sung sướng bước xuống kiệu, cởi đôi hài vương giả, thò hai bàn chân đặt xuống đám cỏ mềm, mát lạnh. Nắng nhẹ long lanh trải tấm lụa vàng, gió thoảng hiu hiu, xôn xao, vui tươi cành lá. Thái tử ngồi xuống, tâm hồn yên ả, đưa mắt ngây thơ, trong sáng, nhìn gần rồi lại nhìn xa... Những luống đất mới cày phơi dưới ánh nắng mặt trời, lộ ra những thân giun quằn quại, đứt lìa. Một đàn chim nhỏ tự trời cao sà xuống, cắn mổ nhau chí chóe rồi cắp những thân giun đầm đìa máu, bay đi...

Thái tử Siddhattha cảm xúc mạnh. Một va động mơ hồ như gõ lên vùng tâm thức tuổi thơ; những liên tưởng với những hình ảnh không biết từ đâu lần lượt hiện về. Thế rồi, trong đầu óc non trẻ tiềm tàng trí tuệ siêu đẳng ấy hằn lên nét suy tư về sự tranh sống tàn khốc của muôn loài... Lũ chim nhỏ kia, sau khi tha những con giun bay đi, nó có được bình yên chăng? Một con chồn rình sẵn ở đâu đó sẽ nhảy ra vồ chụp, cắn xé rồi nhai nuốt ngấu nghiến. Rồi con chồn kia có được bình yên chăng? Một con beo, con cọp... sẽ nuốt tươi xác chúng. Rồi một gã thợ săn thiện xảo sẽ bắn hạ cọp, beo bằng những mũi tên tẩm độc... cũng vì sự sống của mình. Đôi bò, đôi trâu kia oằn lưng kéo cày dưới cơn nắng thiêu đốt, dưới làn roi vọt mới có được nắm cỏ, nắm rơm! Những bác nông phu kia, vắt kiệt sức lực, mồ hôi nhễ nhại may ra mới đổi được bát cháo, bát cơm! Con vật này ăn thịt con vật kia để duy trì mạng sống; và ngay mạng sống của chúng cũng đang bị đe dọa xé xác bởi những con vật lớn hơn. Rồi con vật lớn hơn kia cũng chỉ làm tấm bia thịt cho những cánh cung đang giương sẵn! Ôi! Lẽ sinh tồn mạnh được yếu thua là một cái gì thật tàn khốc và nghiệt ngã. Chẳng lẽ muôn đời, mọi loài, mọi vật cứ tương tàn, tương sát như vậy sao?

Đối với thái tử, vậy là vạn vật với khung cảnh êm đềm không còn nữa. Một đám mây xám đã bay qua vòm trời xanh biếc. Thái tử ngồi bắt tréo chân theo thế hoa sen, nhắm mắt lại, trầm ngâm, lặng lẽ. Trái tim xao xuyến. Da thịt rung nhẹ. Lát sau, những âm thanh lao xao ở xung quanh chìm vào cõi mơ hồ, xa vắng. Thái tử lắng nghe hơi thở, khí an tĩnh dần dần tỏa ra, ngoại giới vong bặt. Thái tử đạt được tâm phỉ, tâm an rồi dễ dàng trú vào định sơ thiền.[1]

Cung nga thị nữ có bổn phận trông nom thái tử, lén chạy đi xem cuộc vui, rất lâu sực nhớ lại, hốt hoảng chạy về nơi để kiệu. Kỳ lạ làm sao, mặc dầu mặt trời đã ngã xế, bóng đại thụ của cội hồng táo vẫn đứng yên, phủ bóng mát bao trùm thái tử như một tàn lọng vĩ đại. Thấy thái tử ngồi nhắm mắt bình lặng, cốt cách uy nghi như một tiểu đạo sĩ, cung nga thị nữ vội vã đến tâu lại tự sự cho đức vua Suddhodāna hay.

Đức vua hối hả tới nơi, thấy thái tử thần sắc an nhiên tự tại, ngồi tham thiền vững chắc như một ngọn núi, sinh lòng kính trọng, quỳ xuống chắp tay xá rồi nói:

- Hỡi này con yêu quí! Đây là lần thứ nhì, phụ vương đảnh lễ con đây!

1.07- Con đường học vấn

Hôm kia, đức vua Suddhodāna nói chuyện với hoàng hậu Mahā  Pajāpati Gotamī:

- Hậu có thấy không! Trẫm cảm thấy rất lo ngại vì trẻ Siddhattha không giống với mọi trẻ con khác. Nó lúc nào cũng lặng lẽ, ít nói. Giữa cuộc vui không bao giờ nó cười nói quá lớn tiếng. Nó thích ngồi một mình. Khó ai có thể biết được trong đầu óc nhỏ bé, xinh xắn ấy đang suy nghĩ chuyện gì?

Hoàng hậu Gotamī góp ý:

- Siddhattha đã tám tuổi mà hoàng thượng vẫn không cho nó gặp gỡ, chơi đùa với bọn trẻ con các vị hoàng thân. Nó cô độc, nó buồn là phải.

Đức vua Suddhodāna lắc đầu:

- Ta lại nghĩ khác. Giữa bọn trẻ cùng lứa, nó như là một con phượng hoàng. Cốt cách của nó quí phái và cao sang quá. Nó sau này xứng đáng làm một vị Chuyển luân Thánh vương; và đấy cũng là mơ ước của các vì tiên đế dòng Sākya hùng mạnh.

Hoàng hậu Gotamī cất giọng nhu thuận:

- Siddhattha đã đến tuổi học vỡ lòng.

- Đúng vậy - Đức vua gật đầu - Ta đang nghĩ đến một sự giáo dục riêng biệt, độc lập! Nó phải được một sự giáo dục đặc biệt để chuyển hóa nhân cách, thăng hoa phẩm chất. Giáo dục cũng có thể thay tâm đổi tánh, thay đổi cả định mạng con người, hà huống một vài cá tính lặng lẽ, trầm mặc không đáng kể?

Hẳn nhiên, khi nói như vậy là đức vua đang bị ám ảnh bởi lời tiên tri của đạo sĩ Asita và bà-la-môn Koṇḍañña. Nền giáo dục mà theo đức vua nghĩ, là làm sao cho thái tử biết mến trọng ngôi cao, biết yêu quý sơn hà xã tắc - để từ bỏ ý định ngông cuồng xuất gia tìm đạo. Bà Gotamī lại nghĩ khác. Thái tử còn thơ nên phải cho sống như tuổi thơ. Phải cho thái tử cùng đi chơi đùa với bọn trẻ, cho thái tử được sống đời hồn nhiên nô đùa, chạy nhảy, ca hát, cười reo. Chính ghép mình vào đời sống không giao tiếp với ai thì Siddhattha càng hun đúc thêm cá tính trầm mặc, càng thu rút mình lại; vừa đánh mất sự hồn nhiên của tuổi thơ, vừa đẩy Siddhattha xa rời ngai vàng hơn nữa. Nhưng bà không dám nói. Ý của vua là vô thượng chí tôn!

Sáng ngày, trong buổi thiết triều, đức vua Suddhodāna nói với bá quan:

- Nay Siddhattha đã lên tám, quả nhân muốn chọn một vị phụ đạo để chăm lo giáo dục cho thái tử, vậy chư khanh hãy tiến cử cho quả nhân một vị bác học hiền tài.

Sau một hồi thảo luận, bá quan đồng thanh kết luận:

- Tâu đại vương! Trong quốc độ chỉ có bà-la-môn Svāmitta mới xứng đáng nhận lãnh trọng trách này. Vị ấy tài cao bác học, văn võ tinh thông, kinh điển nằm lòng, còn là nhà ngôn ngữ, đo lường, thiên văn, địa lý, y thuật... nữa. Điều đáng quí hơn, vị ấy đạo đức nghiêm minh, sống đời không nhiễm thế tục, khiêm nhu, hiền thiện... mà danh thơm, tiếng tốt như hoa mạn-đà-la dịu dàng lan tỏa ra khắp muôn phương.

Đức vua Suddhodāna gật đầu hài lòng:

- Được rồi, thật là quí báu. Hoàng nhi của trẫm phải có được bậc thầy lỗi lạc như vậy. Cả đức và tài phải bao trùm thiên hạ như vậy.

Một vị lão thần chợt đứng dậy tâu:

- Bà-la-môn Svāmitta là bác học của những nhà bác học. Nhưng giáo dục cho thái tử tôn quí sau này trở thành một đấng Minh vương thì phải cần có một hội đồng giáo sư, đại vương mới yên tâm được.

- Đúng thế - đức Suddhodāna tỏ lời khen ngợi - khanh thật là chu đáo, quả là kiến thức của một bề tôi lương đống. Thôi, các khanh hãy cứ thế mà làm!

Sớm mai kia, một bà-la-môn quắc thước, tinh anh, tóc bồng như mây, ăn mặc giản dị, tươm tất xuất hiện trước vương cung. Đức vua Suddhodāna cho người cung đón vào triều, nói rõ mục đích của học vấn và những yêu cầu nghiêm túc khác. Bà-la-môn kính cẩn lắng nghe rồi khẽ cúi đầu khiêm tốn:

- Hạ thần sẽ cố gắng hết sức mình, tâu đại vương!

- Còn việc bổng lộc thì khanh chớ lo. Trẫm cũng khá chu đáo và rộng rãi về điều ấy, miễn là thái tử trở nên người xuất chúng về mọi lãnh vực.

- Hạ thần không dám!

Ngay lúc ấy, thân vương Amitodāna dẫn vào ra mắt tám thầy bà-la-môn khác, trình với đức vua đây là những phụ tá, mỗi vị uyên bác, sở trường từng môn học khác nhau.

Ngắm nhìn các thầy bà-la-môn, vị nào trán cũng rộng phẳng, mắt sáng có thần, phong thái, cử chỉ đều thanh nhã, cái nhìn vững chắc và trầm lặng, biểu hiện một học vấn uyên thâm; đức vua vô cùng đẹp dạ. Ngài phán lệnh truyền cho làm ngay một bữa tiệc nhẹ để thết đãi hội đồng giáo sư rồi phó thác thái tử Siddhattha cho các thầy trông nom. Đức vua gọi thị nữ thỉnh lệnh bà Gotamī mang thái tử ra mắt các thầy dạy học.

Svāmitta và tám thầy bà-la-môn mấy năm gần đây đã nghe tin đồn như sấm dội bên tai về vị thái tử này, họ đã nắm những thông tin rất đầy đủ về sự xuất hiện của một nhân cách phi phàm nhưng chưa được diện kiến. Bây giờ tha hồ cho họ chiêm ngưỡng dung nhan vị thái tử nhỏ bé. Đây là lần thứ nhất trong đời, họ thấy được một người, như là một cái gì toàn bích, chí thiện và chí mỹ mà tạo hóa đã dày công kiến tạo nên! Dường như là mọi tinh hoa cao quý, mọi phẩm chất tối thượng của vũ trụ đều đã được chắt lọc để kết dệt nên một con người!

Svāmitta thấy rõ điều ấy mà tám thầy bà-la-môn cũng thấy được điều ấy, nên sau buổi ra mắt, họ đã cùng ngồi với nhau soạn thảo một chương trình giáo dục không phải để cho những đứa trẻ thông minh, lanh lợi - mà chỉ để dành cho những trẻ thần đồng, thiên tài bẩm sinh!

Đức vua Suddhodāna, các vị thân vương như đức Dhotodāna, đức Sakkedāna, đức Sakkodāna, đức Amitodāna - đều là em ruột của vua - sau khi xem chương trình giáo dục mà các thầy bà-la-môn đệ trình, họ thảng thốt kêu lên rồi nói:

- Chưa một đứa trẻ nào trên thế gian này mà có thể theo đuổi được một chương trình nặng nề như vậy.

Svāmitta kính cẩn tâu:

- Xin đại vương hãy an tâm, chúng hạ thần đã được hân hạnh xem tướng mạo thái tử, đúng là một nhân cách ưu việt, muôn triệu năm mới có được một người! Chương trình này được soạn thảo sau khi chúng hạ thần đã thảo luận, bàn bạc, nghiên cứu rất kỹ càng. Trong buổi khai giảng đầu tiên, xin mời đức vua, các đức thân vương cùng các vị lão thần đến chứng minh ngày khai giảng buổi học.

Đức vua vô cùng hồ hởi chọn ngày lành tháng tốt để thái tử học lớp khai tâm.

Sáng hôm ấy, thái tử áo mão chỉnh tề, ngồi ngay ngắn, trước mặt là tấm bảng gỗ hồng đàn hương cẩn ngọc quý trên rải lớp cát trắng mịn. Thái tử tay cầm cây cọ nhỏ ngước mắt ngây thơ, thản nhiên nhìn mọi người xung quanh.

Svāmitta cung bẩm đức vua là giờ học bắt đầu. Ông ta ngắm nghía thái tử như ước lượng sự thông minh của ngài rồi trầm ngâm, lặng lẽ. Đức vua và mọi người hồi hộp chờ đợi.

Bất đồ, Svāmitta cất giọng ngâm lớn:

“- Án,

Nhập định tham thiền quán thái dương

Linh quang rỡ rỡ chiếu muôn phương

Thành tâm khẩn nguyện ơn trên xuống

Mở thức, nghe kinh hiểu tỏ tường.”

Rồi ông ta đột ngột nói:

- Tâu thái tử! Xin ngài hãy đọc lại bốn câu kệ ấy xem thử thế nào?

Đức vua và mọi người đưa mắt nhìn thái tử ra chiều lo lắng. Thái tử khẽ đứng dậy, vòng tay kính cẩn nói:

- Thưa vâng, bạch thầy A-đồ-lê!

Rồi thái tử đọc bốn câu kệ ấy một cách lưu loát, dễ dàng. Bất giác mọi người vỗ tay hoan hô, tán thán vui mừng.

Svāmitta dáng điệu nghiêm cẩn, thò tay cầm cây cọ viết rất nhanh và đẹp bốn câu ấy lên bảng cát trắng, rồi khẽ cúi đầu:

- Điện hạ hãy xem qua cho kỹ, sau đó hạ thần sẽ xóa đi. Và bốn câu kệ ấy, hy vọng rằng điện hạ sẽ viết lại được!

- Thưa vâng! Bạch thầy A-đồ-lê! Xin thầy hãy an tâm, đệ tử sẽ tuân lệnh và cố gắng làm như vậy.

Xong, thái tử mỉm cười, cây cọ chợt bay loang loáng trên bảng cát đã bị xóa, nét chữ vui tươi, nhí nhảnh, nhảy nhót rất linh động, thoáng là xong ngay.

Đức vua và mọi người tròn mắt, sững sờ trước trí nhớ phi thường của thái tử. Riêng Svāmitta không có vẻ ngạc nhiên gì lắm, ông khải tấu:

- Tâu đại vương! Đấy là điều mà hạ thần tiên lường được khi trông thấy dung mạo của thái tử. Vậy thì chương trình học như vậy, xin đại vương hãy chuẩn y cho!

Đức Suddhodāna mỉm cười:

- Ta đồng ý. Vậy xin các khanh hãy chăm lo phận sự của mình, đừng phụ lòng trẫm.

Svāmitta và tám vị bà-la-môn đồng đứng dậy, cúi đầu. Đức vua, các vị thân vương, các vị lão thần rời phòng học với sự hân hoan chưa từng có: rằng là đất nước Sākya anh hùng đúng là vừa sanh ra được một đấng minh quân. Trong tương lai không xa, hy vọng rằng, Kapilavatthu sẽ thoát khỏi thân phận của một nước chư hầu, biết bao đời nay đã chịu lệ thuộc đế quốc Kosala hùng mạnh ở bên cạnh.

Thái tử Siddhattha thế là bắt đầu ghép mình vào một chương trình học vấn đầy khó khăn và nghiêm túc. Bà-la-môn Svāmitta phân chia môn học cho tám thầy bà-la-môn đảm trách, còn mình thì phụ trách tổng quát, theo dõi, hướng dẫn và hầu hạ thái tử trong sinh hoạt hằng ngày.

Mỗi ngày, khi trống hoàng thành vừa báo hiệu hết canh ba là thái tử đã được Svāmitta lễ độ đứng bên cửa rung chuông thức dậy. Việc đầu tiên là Svāmitta hướng dẫn nghi thức làm vệ sinh buổi sớm theo cung cách của một “tiểu hoàng đế”. Svāmitta hướng dẫn cách ngồi, cách chà răng và lưỡi, súc miệng bằng nước thơm soma. Hai thị nữ được lệnh bà Gotamī khiêng thùng nước ấm tẩm hương tắm cho thái tử, lau sạch thân thể, rỏ thuốc vào mắt. Thái tử được thay áo mới, hài và mũ mới, trang điểm bằng trân bảo và những đóa hoa tươi. Bà-la-môn Svāmitta thỉnh thái tử sang phòng tĩnh tâm, học cách điều tâm điều tức, học hattha-yoga...

Đến giờ điểm tâm, hai người thị nữ khác mời thái tử sang phòng ăn được trang trí vui tươi, mát mẻ. Những thức ăn thượng vị bày trên những đĩa vàng, đĩa bạc, hương thơm ngát và màu sắc rất gợi cảm. Svāmitta vừa định hướng dẫn cách ngồi, cách ăn của bậc vương giả - thì thái tử đã chậm rãi ngồi xuống thảm, xếp bằng thế liên hoa, hai tay chắp lại. Rồi với cử chỉ từ tốn, chậm rãi, thái tử ăn từng chút một, ăn cẩn trọng, nhai nuốt cũng rất cẩn trọng. Svāmitta cảm phục quá, thốt lên:

- Cách ngồi, cách ăn của điện hạ còn linh động hơn, nghiêm túc hơn cả kinh sách từ ngàn xưa để lại!

Hoàng hậu Gotamī mỉm cười, hãnh diện:

- Tất cả đều như có sẵn từ bẩm sinh, hoàng nhi dường như không cần ai chỉ dạy điều gì cả, từ việc ngủ nghỉ, nằm, ngồi, đi, đứng...

Svāmitta nói:

- Đúng thế, thưa lệnh bà! Ngay chính những nghi thức được hướng dẫn sáng nay, thái tử cũng nắm rất rõ, thực hành rất thuần thục. Vậy, từ nay, chỉ xin lệnh bà cho thị nữ rung chuông nhắc nhở về giờ giấc mà thôi. Đúng giờ, các thầy bà-la-môn sẽ gặp thái tử ở phòng học.

Svāmitta cung kính chào lệnh bà Gotamī và thái tử rồi lui ra.

Khi ánh bình minh vừa ló dạng ở chân trời là thái tử bước vào phòng học, theo một chương trình học vấn rất nặng nề. Thời gian đầu, thái tử được học về văn chương, ngôn ngữ cùng văn phạm, cú pháp. Xen kẽ giữa chúng là các bộ môn về nghệ thuật: thi ca, hội họa, cách sử dụng các loại đàn, xướng âm, thẩm âm... Nhưng nhận thấy sự tiếp thu dễ dàng của thái tử, Svāmitta mở rộng một chương trình thăm dò thiên tài bẩm sinh của thái tử, bằng cách cho học thêm, khái quát về các bộ môn lịch sử, tư tưởng triết học Vệ-đà, thiên văn, địa lý, y thuật, toán học, đo lường, võ học...

Thấy thầy dạy như thế nào, thái tử học chừng đó, rất thoải mái, không quên điều gì, không hỏi điều gì; lạ lùng quá, bà-la-môn Svāmitta bèn hỏi:

- Điện hạ có thấy khó khăn không?

- Dạ không, thưa thầy A-đồ-lê!

- Đêm về, điện hạ có học lại bài không?

- Dạ không, thưa thầy A-đồ-lê!

Nhăn mày khó hiểu, Svāmitta hỏi tiếp:

- Vậy thì điện hạ học xong là thuộc ngay ư?

- Thưa đúng vậy!

Svāmitta nhìn người học trò bé nhỏ lúc nào trả lời cũng vòng tay, cúi đầu, thưa gởi rất lễ độ - mà không hiểu ra làm sao cả!

Chợt thái tử hỏi:

- Tại sao các thầy A-đồ-lê lại dạy một chương trình quá ít ỏi mà không dạy cho nhiều hơn?

- Ý điện hạ muốn nói về môn học nào?

- Dạ thưa, về tất cả các môn! Dường như các thầy còn muốn giấu tài, không muốn dạy hết cho đệ tử!

- Điện hạ có thể lấy ví dụ được không?

- Dạ được - Thái tử gật đầu rồi nói tiếp - Ngay bài kệ đầu tiên mà thầy A-đồ-lê đọc, thầy A-đồ-lê chỉ đọc một bài, trong khi đó, còn không biết bao nhiêu bài kệ nổi tiếng khác ở trong cổ thư, cổ kinh... tại sao các thầy không đọc hết cho đệ tử nghe?

Nói xong, trước đôi mắt kinh dị của Svāmitta, thái tử cầm cọ viết lên bảng cát từ bài kệ này sang bài kệ khác. Viết xong lại xóa, xóa xong lại viết, liên miên bất tận trước đôi mắt càng ngày càng mở lớn của Svāmitta. Chừng năm bảy bài đầu tiên, Svāmitta còn biết, còn nhớ... nhưng càng về sau, Svāmitta càng mù tịt.

Svāmitta đứng sững như trời trồng. Thái tử Siddhattha hồn nhiên nói tiếp:

- Ngay chữ viết cũng vậy, các thầy A-đồ-lê cũng giấu tài! Còn nhiều thứ chữ, cách viết rất lạ lùng nữa kia, sao các thầy không dạy?

Nói xong, thái tử thò tay lên bảng cát. Rồi lần lượt các thứ chữ Nāgari, Daksina, Nī, Maṅgola, Parusā, Yava, Tirthi, Ūka, Tarat, Sikhayanī, Manā, Madhayācārā... lần lượt hiện ra... Không dừng tay lại được, thái tử còn viết các thứ chữ như ký hiệu, chữ của cổ nhân còn lưu trong các thạch động; chữ của thổ dân miền duyên hải, miền núi; thứ chữ của những người thờ thần lửa, thần rắn, thần mặt trời; chữ của những chiêm tinh gia ở những lâu đài cổ kính trên sa mạc...

Như trên đà hưng phấn, tiếp nối được kiến thức uyên thâm từ nhiều đời kiếp, thái tử lần lượt viết lên bảng cát tất cả cổ ngữ, ngâm nga các mật kệ của rất nhiều chân sư trên toàn cõi châu Diêm-phù-đề!

Svāmitta quỳ mọp xuống, chắp tay kính cẩn thốt lên:

- Kính lạy thái tử! Ngài chính là vị Thánh Tổ của ngôn ngữ và văn học. Hạ thần dù có thụ giáo suốt đời cũng chưa hết, thì đâu còn dám dạy thái tử về môn học này?

Thái tử Siddhattha nâng vị thầy già đứng dậy:

- Nhưng mà các ngôn ngữ hiện nay của các nước, của các bộ tộc, các thổ dân thì đệ tử đâu có biết? Xin thầy A-đồ-lê đừng tự hạ mình như thế. Đệ tử còn phải học nhiều mà!

Kinh nghiệm về môn ngôn ngữ và văn học, tức tốc, Svāmitta cho triệu tập ngay hội đồng giáo sư, nói rằng:

- Trong thời gian các ngài phụ trách về môn học của mình, có ai phát hiện điều gì lạ lùng về sở học của thái tử không?

Tất cả như đồng thanh đáp: “Thưa có”. Rồi một vị bà-la-môn đứng dậy nói:

- Tôi phụ trách toán học và đo lường. Mới đây tôi mới phát hiện được rằng, về môn học này, thái tử đúng là một vị Thánh Tổ!

Hồi hộp, Svāmitta bèn nhướng mắt hỏi:

- Ngài hãy kể lại những chi tiết cụ thể để hội đồng cùng thẩm định.

- Đầu tiên, tôi dạy thái tử cách đếm từ một, hai, ba. Tôi đếm trước, thái tử đếm sau. Tôi đếm đến mười ngàn, thái tử đọc lại một cách vanh vách. Tôi dừng lại ngang đó rồi bảo rằng, phải đọc đi đọc lại mãi cho thuộc chớ đừng ỷ y trí nhớ phi thường của mình. Thái tử vâng dạ rất lễ độ. Những giờ tiếp theo tôi dò bài rồi học tiếp, cũng là cách đếm, cho đến một trăm ngàn (một lakh).

Hôm kia, chợt thái tử nói:

-“Sao thầy A-đồ-lê không dạy cách đếm đến một koti (một triệu), mười koti, trăm koti, ngàn koti, trăm ngàn koti, triệu koti, triệu triệu koti?”

Ngạc nhiên quá, tôi hỏi:

-“Vậy thái tử đếm được chừng nào?”

Thái tử nói:

- “Đệ tử sẽ đếm, nhưng có chỗ nào sai, xin thầy A-đồ-lê chỉ giáo cho!”

Vị giáo sư bà-la-môn toán học và đo lường ngưng nói, mọi người đổ dồn đôi mắt, chăm chú... Ông chậm rãi tiếp:

- Thật là không thể tưởng tượng được. Thái tử đếm. Thái tử đã tự đếm đến con số tỷ tỷ. Thái tử đếm tới con số dùng tính các phân tử của quả địa cầu, đếm đến các con số dùng tính các vì sao, đếm đến các con số dùng tính những giọt nước trong biển cả, đếm đến các con số dùng tính các loại vòng, đếm các con số để tính những hạt cát sông Gaṅgā, đếm đến con số mười triệu hạt cát sông Gaṅgā làm một đơn vị để từ đó tính đếm con số a-tăng-kỳ (asaṅkheyya), lấy con số a-tăng-kỳ làm đơn vị để tính những giọt mưa trên thế giới rơi luôn luôn đêm ngày không ngớt trong mười ngàn năm! Sau cùng là tính đếm con số một đại kiếp (Mahākappa), đếm đến con số của các vì linh thần dùng để tính quá khứ, vị lai...

Hội đồng giáo sư ngồi im phăng phắc. Tiếng con thằn lằn chắt lưỡi thở dài ở đâu đó. Mọi người đều lạnh mình.

Vị giáo sư nói tiếp:

- Chưa hết. Về đo lường, thái tử có thể có những con số tính toán lạ lùng như sau: mười pa-ra-ma-nút bằng một pa-ra-xúc-ma. Mười pa-ra-xúc-ma bằng một tờ-ra-xa-ren. Bảy tờ-ra-xa-ren bằng một vi trần trôi theo ánh sáng mặt trời. Bảy vi trần bằng một lông mép của con chuột nhắt. Mười sợi lông mép của con chuột nhắt bằng một li-khi-a. Mười li-khi-a bằng một duka. Mười duka bằng một ngòi của hột lúa mạch. Bảy ngòi của hột lúa mạch bằng một hạt mè. Mười hột mè bằng một đốt tay. Chín đốt tay bằng một gang tay. Hai gang tay bằng một thước mộc. Năm thước mộc bằng chiều dài ngọn giáo. Mười chiều dài ngọn giáo bằng một hơi thở. Bốn mươi hơi thở bằng một “gao”. Bốn mươi “gao” bằng một do-tuần (yojana).

Ngoài ra, thái tử còn tính được tổng số vi trần trong một do-tuần vuông vức!

Vị giáo sư nói xong, lẳng lặng ngồi xuống. Thế rồi, sau đó, các thầy bà-la-môn khác cũng đứng dậy trình bày kiến thức bẩm sinh của thái tử về các bộ môn Lịch sử dân tộc, Lịch sử châu Diêm-phù-đề, các tư tưởng triết học tiền Vệ-đà và Vệ-đà, Thiên văn, Địa lý, Y thuật, Võ học, Binh pháp, Hội họa, Thi ca, Tự nhiên học... Có môn thì thái tử hiểu biết rất sâu rộng. Có môn thì thái tử học một mà biết mười.

Bà-la-môn Svāmitta cũng trình bày cho cả hội đồng nghe về khả năng văn chương, ngôn ngữ của thái tử. Đến đây thì họ đồng một quan điểm: “Chỉ những môn học nào hiện đang có mặt trên thế gian, có tính hiện đại, hoặc kế thừa quá khứ với những phát kiến mới mẻ thì may ra thái tử chưa biết mà thôi.” Thế rồi, họ cùng bàn bạc để thảo luận một chương trình học khác, vừa ôn lại kiến thức quá khứ, vừa kịp thời bổ sung kiến thức hiện đại.

 Hội đồng A-đồ-lê, một lần nữa, đến gặp đức vua Suddhodāna, trình bày tự sự cho ngài nghe rồi nói:

- Thái tử là một thần đồng bác học. Không có môn học nào mà thái tử không tỏ ra ưu việt và thông thái, là bậc thầy của những bậc thầy; sợ rằng chúng hạ thần chưa xứng đáng làm học trò của thái tử nữa. Sở học thì như vậy nhưng chính đức hạnh, nết khiêm cung của thái tử càng làm cho chúng hạ thần kính trọng và ngưỡng mộ hơn. Thái tử chính là hiện thân cho cái gì cao quý và tốt đẹp nhất trên đời này.

Đức Suddhodāna vốn đã biết thái tử là một người khác thường nhưng ngài cũng không ngờ thái tử còn hơn cái gọi là khác thường kia nữa. Quả đúng là một siêu nhân vô tiền khoáng hậu trên đời này. Thái tử phải là chân mệnh của một vị Chuyển luân Thánh vương mà đức vua chỉ mới được nghe qua sử sách, qua những lời truyền thuyết. Vậy qua lời của các thầy bà-la-môn uyên bác này thì thái tử chỉ thiếu sót về những kiến thức hiện đại. Thái tử chỉ “bác cổ” chứ chưa “thông kim”. Chương trình mà các vị bà-la-môn vừa đệ trình đúng là đã đáp ứng yêu cầu ấy.

Nghĩ thế, đức Suddhodāna phủ dụ, trấn an:

- Các khanh vậy là đã suy nghĩ thật chu đáo và đã làm việc hết mình. Trẫm sẽ trọng thưởng. Sở học của thái tử còn thiếu sót nhiều, mong các khanh đừng tự hạ mình nữa, hãy tiếp tục công việc theo chương trình mà các khanh đã vạch. Trẫm hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiêm túc và lỗi lạc của chư khanh!

Thế là từ tám tuổi đến mười lăm tuổi, thái tử lo trau dồi con đường học vấn mà từ cổ chí kim chưa có ai học nổi: Tóm thâu sở học của thiên hạ về tất cả các bộ môn, từ xưa đến nay, mà không có một môn học nào không là bậc thầy của loài người!

1.08- Tuổi thơ và tình thương của Thái tử 

Rừng cây ở nơi vườn Ngự đã mấy mùa thay lá, thái tử lớn lên như nụ măng, như sắc hoa ngày càng mũm mĩm và tươi thắm. Lệnh bà Gotamī vô cùng dấu yêu, cưng chiều hơn ngọc hơn ngà. Thấy thái tử từ lúc sáng tinh mơ, ngày này sang ngày khác, chuyên cần, đều đặn bước vào phòng tịnh tâm, vào phòng học... lòng lệnh bà dậy lên mối thương cảm vô hạn. Ngoài kia bướm bay, chim hót, hoa nở. Bên kia tường thành, chốc chốc vẳng lại tiếng reo cười nô đùa của bọn trẻ. Lệnh bà Gotamī chạnh nghĩ đến thái tử, lại thở dài.

Hôm kia, không dằn lòng được, bà thưa với đức vua Suddhodāna:

- Có lẽ bệ hạ nên cho trẻ học ít lại, thỉnh thoảng cho nó vui chơi chút đỉnh. Nó là trẻ con mà!

Thấy thái tử suốt bao nhiêu năm chăm chuyên vào sự học, chưa có lúc nào cần phải nhắc nhở; lại nữa, tư cách và phẩm chất của thái tử càng lúc càng hiển lộ như viên ngọc maṇi không tì vết, không dễ dàng nhiễm được tính tình của một ai khác nên đức vua mỉm cười bằng lòng:

- Ừ! Cũng được! Con cái của các đức thân vương, con cái của các đại thần đồng trang lứa với nó cũng nhiều đấy!

Thế là bắt đầu từ hôm ấy, con trai của các đức thân vương, của các lão thần được phép cùng chơi với thái tử. Trong số ấy có ba trẻ là thái tử thân thiết nhất, đó là Ānanda, MahānāmaKāḷudāyi.

Ānanda là con trai của đức thân vương Amitodāna, sinh cùng một năm, một tháng, một ngày, một giờ với thái tử, tướng mạo xinh đẹp và có một trí nhớ phi thường. Khi làm lễ tắm rửa và đặt tên, các thầy bà-la-môn rành thông tướng pháp khen ngợi, tán dương không hết lời. Họ nói rằng, vương tử có một đầu óc siêu phàm, bất cứ môn học nào, chỉ cần liếc mắt qua hoặc thoáng nghe qua là nhớ, là thuộc lòng tức khắc. Ngoài ra, vương tử còn có sức khỏe không ai bì nổi; theo tướng số thì ngài suốt đời không bệnh tật, và tuổi thọ có thể vượt quá giới hạn trăm năm của đời người. Tuy nhiên, có điều rất kỳ lạ mà các thầy bà-la-môn không hiểu, là Ānanda không có số làm vua, không có số lập gia đình, tướng đại phú quí mà không hưởng, chỉ thành công xán lạn ở địa vị của người phụ tá!

Mahānāma là con trai của đức thân vương Sukkodāna, cũng là hòn ngọc quí của hoàng gia. Khi sinh ra, các thầy bà-la-môn nói nhỏ với đức thân vương SukkodānaMahānāma có số làm vua! Chính bí mật này làm cho đức thân vương nuôi tham vọng ngôi vị chí tôn của Kapilavatthu sau này! Mahānāma có người em là Anuruddha, dáng người nho nhã, thông minh, phúc hậu; cũng thường hay theo anh dự cuộc vui chung với thái tử.

Kāḷudāyi là con một lão thần lương đống, tướng uy nghi đường bệ, chững chạc, trung hậu; tính tình lúc cứng rắn, lúc dịu dàng, tương lai có thể là một vị đại thần mẫu mực cho triều đình.

Người nhỏ tuổi nhất là Nandā, con của hoàng hậu Gotamī, em cùng cha khác mẹ với thái tử, tướng mạo cũng rất đẹp, đại phú quí nhưng cũng không có số làm vua... Đức Suddhodāna rất lấy làm lo lắng về những lời tiên tri, trước đây là thái tử và sau này là Nandā! Nếu ai cũng xuất gia làm sa-môn cả thì sơn hà xã tắc này để lại cho ai? Vì lo sợ chuyện bốn sứ giả một lúc nào đó đến báo triệu nên nhà vua đã ra lệnh âm thầm cho những người già lão, lọm khọm, xấu xí; những người mắc bệnh trông lở loét, hôi hám, ghê tởm lần hồi ra khỏi kinh thành; an trí cho họ ở những nơi xa xôi, hẻo lánh. Vẫn chưa yên tâm, đức vua còn cho người theo dõi những người thái tử tiếp xúc ở những nơi chốn thái tử thường hay lui tới vui chơi.

Thời gian sau, đức vua Suddhodāna cảm thấy yên tâm. Thái tử thường cùng với Ānanda, Mahānāma, Kāḷudāyi dạo chơi loanh quanh trong vườn Ngự, bao giờ cũng có Nandā chập chững theo sau. Và những trò vui chơi của bọn trẻ thảy đều hồn nhiên và vô hại. Đấy là những trò chơi thông dụng thời bấy giờ: làm người bù nhìn, đấu gậy, chơi xe ngựa và các cung tên tí hon; đấu trí với nhau trên tấm ván chia tám hay mười ô vuông (Cờ tướng hay cờ vua thuở xưa?) Khi mệt, chúng nằm dài trên cỏ xanh rồi líu lo nói chuyện với nhau. Thái tử lấy cái kèn nhỏ thường mang theo bên mình để thổi một khúc nhạc cổ xưa, man mác buồn. KāḷudāyiMahānāma thảo luận vài điểm về văn chương hay triết học Vệ-đà, sau đó họ nhờ thái tử giảng rộng thêm. Kiến thức của thái tử quá uyên bác. Ānanda say sưa lắng nghe. Nandā đùa nghịch với tràng hoa trên cổ mình, sau đó lén mang tràng hoa ấy quàng cho thái tử.

Thái tử nói với cả bọn:

- Lần sau, các bạn đừng nên kết tràng hoa như vậy nữa. Hoa để tự nhiên trên cây, trên cành trông tươi thắm và đẹp đẽ hơn.

Lệnh bà Gotamī từ sau lùm cây bước ra cùng với hai người thị nữ mang bánh trái trên tay.

- Cây, cỏ, hoa, lá đều có sự sống đấy các bạn - thái tử tiếp lời - Hãy thương yêu chúng như chúng ta đã từng thương yêu chim, cá, dế mèn, châu chấu, bướm, ong... trong khu vườn này vậy.

Ānanda mỉm cười:

- Chưa có điểm nào, điều gì mà thái tử nói sai cả, phải không các bạn?

- Đúng vậy - Mahānāma gật đầu - tràng hoa trên cổ thái tử giờ trông xấu xí một cách thảm hại, nó mất sự sống rồi đấy!

Lệnh bà Gotamī góp lời:

- Nhận xét ấy thật là chính xác. Các con hãy cùng nhau ăn bánh trái rồi xem chuyện lạ lùng này.

Nói xong, bà lấy tràng hoa khỏi cổ thái tử rồi thay vào một chuỗi bích ngọc. Cả bọn chăm chú quan sát. Chợt Ānanda phát biểu:

- Xâu bích ngọc trên cổ thái tử, trông hoài vẫn không thấy đẹp, ấy mới kỳ!

Lệnh bà Gotamī tiếp tục thay bằng chuỗi hồng ngọc, chuỗi ngọc trai, chuỗi kim cương... Ānanda thì vẫn tiếp tục chê xấu, không đẹp!

- Chưa có một loại trang sức nào tôn thêm vẻ đẹp cho thái tử cả, điều ấy làm ta ngạc nhiên từ lâu lắm rồi! Bà Gotamī nói rồi tiếp tục ngắm nghía - nước da của thái tử sáng và trong quá, tất thảy trân châu, bảo ngọc trên thế gian đều phải bị lu mờ.

Thái tử mỉm cười:

- Mẹ! Cái gì nếu để tự nhiên đều đẹp cả, chẳng riêng gì trường hợp của con đâu! Vả, khi trang điểm thêm cái gì đó, con cảm thấy vướng víu khó chịu thế nào!

Mọi người cùng cười xòa khi thấy thái tử nhíu mày! Ôi! Ngay chính cái nhíu mày của thái tử cũng làm cho biết bao nhiêu người phải yêu mến!

Hôm kia, thái tử cùng với bọn trẻ đi chơi xa, sau khi thoát khỏi những đôi mắt giám sát của thị nữ, họ lạc vào một trại nuôi ngựa rộng mênh mông. Những chuồng ngựa nối tiếp những chuồng ngựa chạy dài đến hút mắt. Hằng trăm người đang làm việc trong chuồng ngựa và trên những bãi chăn. Ôi! Ngựa quá nhiều và quá nhiều loại ngựa màu sắc và hình dáng khác nhau. Cả bọn chui hàng rào lẻn vào một chuồng ngựa gần nhất.

Một đứa trẻ ăn mặc dơ dáy vừa từ trong cỏ chui ra, thấy “những người sang trọng” ở đâu chợt hiện đến, hắn sợ hãi quỳ mọp xuống. Thái tử bước tới, dịu dàng nắm tay, cất giọng nhỏ nhẹ:

- Đừng sợ! Không ai làm gì đâu mà sợ! Chúng ta là bạn mà!

Đứa trẻ vẫn không dám ngước đầu lên.

Thái tử lấy tay phủi những cọng rơm trên đầu, lấy khăn lau những cáu bẩn trên mặt, vuốt lại mái tóc bù xù của trẻ rồi ân cần nói:

- Bạn tên chi? Đã mấy tuổi rồi? Hiện làm gì, ở đâu?

Đứa trẻ như cảm nhận được tấm lòng dịu dàng, nhân hậu của thái tử qua cử chỉ thân thiện, qua giọng nói ấm áp của chàng nên đã mạnh dạn ngước đầu nhìn lên. Trước mắt hắn chợt sáng rực. Đúng là trước mặt hắn xuất hiện những vị con trời, quí phái quá, cao sang quá, đẹp đẽ quá!

- Ta là Siddhattha, đây là Mahānāma, đây là Kāḷudāyi, đây là Ānanda, còn đây là Nandā. Chúng ta đều là bạn tốt. Hãy đứng dậy chơi, ông bạn!

Ôi! Cái giọng nói và nụ cười của họ! Đứa trẻ như mê đi!

Sau đó, nó cho biết nó tên là Channa, đã mười lăm tuổi, con của một vị tướng sát-đế-lỵ, bị thất sủng của triều đình, trông coi trại ngựa. Từ khi cha mẹ Channa mất, không còn ai nuôi nấng nên nó sống lang thang ở trại ngựa này. Những người chăn coi trại ngựa vì biết rõ gốc tích của Channa, lại đã từng kính trọng vị tướng - nên họ để cho Channa sống tự do, muốn làm gì thì làm. Phần vật thực hằng ngày thì ai cũng có thể cho nó ăn no. Ngoài ra, Channa có tài đặc biệt về trị ngựa và xem tướng ngựa nên cả trại rất nể trọng, ưu ái nó.

Thấy tình cảnh và bộ dạng của Channa rất đáng thương, thái tử hỏi:

- Bạn không có đủ áo quần để mặc sao? Và chui rúc làm gì nơi đống cỏ khô ấy?

Channa cười bẽn lẽn:

- Em có một ngôi nhà do cha mẹ để lại, nhà đã cũ xưa, đổ nát rồi nhưng còn ở được. Sở dĩ em đến sống đây là vì em “mê” một con ngựa! Nó đây...!

Channa dẫn thái tử đến xem con ngựa ở phía trái chuồng. Dáng ngựa thon thả, mảnh khảnh, dọc sống lưng và sống chân chạy dài một đường chỉ đỏ nổi bật giữa sắc lông màu ngà, trông rất cao sang, quí phái. Thái tử tò mò xem mắt, xem chân, sờ bụng chú ngựa ấy, bất giác thốt lên:

- Đúng là vua của loài ngựa.

Channa hớn hở nói như reo:

- Đúng vậy! Và hơn cả vua của loài ngựa nữa vì nó nghe được cả tiếng người, ngoan ngoãn, dễ dạy - rồi Channa tới vuốt ve bờm ngựa, nói - nằm xuống đi, bạn thân mến!

Ngựa ngoan ngoãn nằm xuống, gối đầu trên chân Channa ra chiều thân thiết.

- Nó bao nhiêu tuổi rồi hở Channa?

- Nó cùng tuổi với em, ba em bảo thế. Ba em lại còn nói rằng, nó sinh ra cùng một ngày, một giờ với em!

Thái tử chợt nhíu mày:

- Bạn sinh ngày nào, giờ nào hở Channa?

- Thưa, ngày trăng tròn tháng Vesākha, khi mặt trời lên chừng mấy cái đòn gánh!

Bất giác, thái tử đưa mắt nhìn Ānanda. Ānanda đưa mắt nhìn thái tử. Ānanda nói:

- Thật kỳ diệu. Thế là tất cả chúng ta: hoàng huynh, đệ, Channa và con ngựa này cùng một tuổi, cùng sinh một ngày, một giờ!

Rất lấy làm thú vị, thái tử hỏi:

- Nó tên gì hở Channa?

- Tên nó là Kaṇṭhaka!

Bắt đầu từ hôm ấy, thái tử và Ānanda thường lui tới thăm viếng Channa và ngựa Kaṇṭhaka. Channa đã biết người đến thăm mình chính là hai ông hoàng cao sang của vương quốc Kapilavatthu nên càng sinh tâm kính trọng.

Thái tử và Ānanda mang cho Channa y phục, vật dụng, tiền bạc; ngược lại Channa chỉ cho hai người cách chăm sóc ngựa, cách cỡi ngựa, điều phục ngựa. Không lâu sau, thái tử rất giỏi cỡi ngựa và rất thân thiết với Channa. Còn Channa thì rất mực trung thành, hết lòng hầu hạ thái tử.

Lệnh bà Gotamī, qua những người thị nữ, biết việc ấy nên bà đã tâu lại cho đức vua hay. Nghĩ cũng không có hại gì, vả, thái tử cũng đã là một thiếu niên trưởng thành, cần những thú vui lành mạnh, đức Suddhodāna bèn cho Channa vào ở cạnh ngôi vườn gần cung điện, làm riêng cho một cái chuồng đẹp đẽ cho ngựa Kaṇṭhaka ở để làm vui lòng thái tử.

Phía tây hoàng thành có một tòa lâu đài, nơi mà đức vua Suddhodāna để dành nghinh tiếp đức vua Suppabuddha cùng hoàng hậu Amitā Pamitā - là em ruột của ngài. Tháp tùng đức vua và hoàng hậu nước Koliya bao giờ cũng có thái tử Devadatta, công chúa Yasodharā cùng khá nhiều vương tôn, công tử trong hoàng tộc.

Thế là, bọn thiếu niên, thiếu nữ cành vàng lá ngọc của hai quốc độ có dịp gặp gỡ, chuyện trò, trao đổi kiến thức lẫn những cuộc du ngoạn, vui chơi đây đó.

Yasodharā (còn có những tên khác: Bhaddakaccāna, Bimbadevī, Gopā, Rāhulamātā) mang sắc đẹp cao sang, quý phái và e ấp, kín đáo của một đóa cúc trắng trên đầu núi. Chính lệnh bà Gotamī đặc biệt để ý đến vị công nương diễm kiều có cá tính dịu dàng trầm mặc này. Cả hai lại rất hợp chuyện với nhau.

Devadatta kiến thức uyên bác nhiều lãnh vực. Trong những cuộc luận đàm về triết học, văn chương... với chúng bạn, bao giờ Devadatta cũng nổi trội hẳn lên. Riêng thái tử thì chỉ biết ngồi nghe, lắng nghe chăm chú, nhưng sau rốt lại mỉm cười yên lặng.

- Hoàng huynh - Devadatta nói - Đệ nghe danh về sở học uyên bác của hoàng huynh, nhưng tại sao hoàng huynh không tham dự để cho chúng đệ được mở rộng kiến văn?

Thái tử đặt nhẹ tay lên vai Devadatta:

- Chính hoàng đệ đã là bậc đệ nhất, xứng đáng cầm cây cọ danh dự trên các chiếu tranh luận. Ai còn dám so tài với hoàng đệ nữa?

Devadatta nắm tay thái tử hất ra:

- Đệ không dám tin như thế. Chính hoàng huynh là người khôn ngoan nhất: Chỉ muốn đứng ngoài mọi cuộc tranh luận để hưởng phần “ngư ông đắc lợi!”

Thái tử rất mực nhũn nhặn:

- Ta nào có dám thế. Chỉ có điều ta biết rất rõ: mọi cuộc tranh luận rồi không đưa đến đâu cả. Nó vô nghĩa và phù phiếm thế nào!

Devadatta phất tay bỏ đi, cười lạt:

- Thấy chưa! Hoàng huynh bao giờ cũng là bậc minh triết giữa đám nhân loại tép riu này!

Thái tử tự nghĩ:

“- Cái hiếu chiến hiếu thắng ẩn chứa nét hung dữ của Devadatta là yếu tố bất lợi cho cuộc đời của y sau này!”

Ngày kia, vào mùa xuân, một đàn hạc lông trắng như tuyết, đầu đỏ như son (sếu đầu đỏ) từ phương Nam, bay ngang qua bầu trời Thượng Uyển để về Himalaya. Devadatta trông thấy liền giương cung nhắm bắn. Mũi tên hung tàn xé gió bay vút lên không trung. Cả đàn chim chợt rối loạn. Một cánh chim nhỏ lảo đảo sa xuống đất, máu đào nơi vết thương nhuộm thắm cả lông.

Thái tử Siddhattha lúc ấy đang ngồi chơi nơi vườn hoa, trông thấy, vội vàng chạy đến, đưa nhẹ tay nâng chim trời thọ nạn. Ngài ngồi xếp bằng, ôm sát chim vào lòng, sửa tỉ mỉ lông cánh lại cho thẳng thớm, mơn trớn cho quả tim hạc bớt đập mạnh. Thái tử sè bàn tay mịn màng như đọt chuối non vừa hé lá, vuốt ve chim âu yếm bằng tình thương dịu dàng của người mẹ. Tay trái ngài ôm chim với cử chỉ trấn an, tay mặt nhè nhẹ rút mũi tên ác nghiệt, đoạn hái lá cây tươi hòa với mật ong đắp lên vết thương.

Từ thuở nhỏ đến giờ, thái tử chưa hề biết đau đớn là gì! Vô tình bàn tay mềm dịu của ngài chạm phải đầu mũi tên bén nhọn làm cho ngài cảm thấy nhức buốt, khó chịu vô cùng. Do vậy, thái tử cảm thông sâu sắc vết thương trầm trọng của chim nên hết lòng tự tay chăm sóc không chút nề hà!

Một lát sau, tốp thị vệ của Devadatta từ bên ngoài chạy đến, kính cẩn tâu:

- Thưa thái tử điện hạ! Thái tử vương quốc KoliyaDevadatta vừa mới bắn được một con chim hạc, rơi vào vườn này. Kính lạy thái tử! Xin ngài vui lòng trao con chim hạc ấy cho thái tử chúng con!

Thái tử Siddhattha đáp:

- Không thể được! Các ngươi hãy về nói lại với hoàng đệ rằng: Nếu chim hạc chết rồi thì ta có thể trao cho, nhưng nay nó còn sống thì ta phải giữ lại để săn sóc vết thương!

Devaddatta nóng nảy phi ngựa đến, chống tay sừng sộ:

- Hạc bay lượn trên trời là vô chủ, nhưng khi ta đã bắn rơi, dầu sống hay chết, nó thuộc quyền sở hữu của ta. Hoàng huynh phải trao chim hạc lại cho ta mới hợp lý!

Thái tử Siddhattha áp cổ hạc vào má, thốt lời ôn tồn nhưng nghiêm nghị:

- Này hoàng đệ! Chẳng những con chim hạc bị thương tội nghiệp này thuộc về ta, cần ta che chở, bảo bọc; mà tất cả những loài vật yếu đuối thiếu khả năng tự vệ, ta đều có bổn phận phải đùm bọc, nâng đỡ. Ta ước nguyện rằng, tình thương của ta phải được san sớt đồng đều đến cho tất cả chúng sanh. Ta còn muốn rằng, lòng từ tâm ấy phải là tiếng nói mát mẻ, êm dịu giữa thế giới xấu xa, độc ác của loài người. Phải làm thế nào để lòng từ tâm kia xoa dịu, an ủi được mọi niềm bi thương, thống khổ trên trần thế. Ý nghĩ ấy là ước nguyện khôn nguôi của ta. Hoàng đệ phải hiểu như vậy!

Devadatta lắc đầu, cười lạt:

- Thưa hoàng huynh kính mến! Chẳng ai hiểu được lý luận “người vật đồng đẳng” đạo đức giả ấy cả!

Thái tử Siddhattha ôm chim rất trìu mến, đứng dậy:

- Chẳng có giả trá nào ở đây khi ta thương mến con chim tội nghiệp này. Nhược bằng hoàng đệ không thể hiểu, hoặc không muốn hiểu - thì chúng ta hãy đem việc này ra giữa hội đồng dòng tộc, nhờ các bậc hiền lão, trưởng thượng phân xử.

Thế là câu chuyện được đem ra giải quyết giữa triều đình có hội đồng trưởng lão dòng họ đại diện cho cả hai quốc độ KapilavtthuKoliya. Rất nhiều lý lẽ được đem ra bàn cãi, mổ xẻ khá khách quan, không ai thiên vị ai. Tuy nhiên, giữa thái tử Siddhattha Devadatta ai cũng có lý. Rốt lại, phải trái không biết thuộc phần ai!

Trong lúc mọi người đang phân vân khó xử, bỗng một giọng nói hùng hồn từ phía sau vẳng lại:

- Từ xưa đến nay, thiên lý vạn lý trên đời không ra ngoài “sự sống”. Nếu tại vương quốc này, sự sống còn có chút giá trị thì người “bảo vệ sự sống” được quyền giữ chim hơn là người “hủy diệt sự sống”. Kẻ hủy diệt sự sống thì hung dữ, ác độc, đồng nghĩa với bạo tàn và phá hoại. Người bảo vệ sự sống thì hiền hòa, thiện lương, đồng nghĩa với bảo tồn và xây dựng. Một bên là hận thù và bóng tối, một bên là tình thương và ánh sáng. Cả hai có hai ý nghĩa tương biệt rất minh bạch, sáng rỡ như nhật nguyệt, ai phải ai trái không cần phải bàn cãi nữa. Hãy giao con chim hạc đáng thương cho vị thái tử nhân đức!

Cả triều thần và hội đồng trưởng lão như trút được gánh nặng, thở dài nhẹ nhõm. Họ hoan hỷ nhìn nhận sự phân xử ấy là sáng suốt, cao minh, công bằng, hợp lý, hợp với đạo sống muôn đời.

Đức vua Suddhodāna rất lấy làm cảm kích, quay nhìn người phát biểu thông minh, sâu sắc, nhưng lạ lùng làm sao, đằng sau ấy không có một ai! Một quan đại thần bảo là thấy một tu sĩ lạ mặt hiện đến, nói những điều cần nói rồi biến đi như phép lạ!

Thế là thái tử Siddhattha được cuộc, hớn hở mang chim về, sau đó bỏ công chăm sóc chim một cách rất tận tình, với tất cả tấm lòng. Không lâu sau, chim hạc lành hẳn vết thương. Giữa người và chim như có một mối giao cảm vô hình, nên thái tử đi đâu, hạc đi liền bên hoặc nép dựa mình vào ngài với tất cả sự an tâm và lòng tín cẩn.

Vào mùa thu, khi đàn hạc di trú, trốn lạnh, rời Himalaya tìm nắng ấm phương Nam, chúng lại vầy đoàn từ bỏ phương Bắc. Thái tử mang chim ra Thượng Uyển, vuốt ve âu yếm hạc, nhìn đàn chim trên trời rồi nói rằng:

- Hỡi con! Có hội ngộ tất có biệt ly. Tháng ngày nương náu bên ta, con đã có đủ sức khỏe để hôm nay trở về với bầy bạn. Tình thương của ta thì chắc con đã hiểu, nhưng ta không thể nào vì tình thương ấy mà buộc ràng con ở nơi khu vườn chật chội này. Ta sẽ trả cho con về với bầu trời cao rộng, trả con lại với tháng ngày tự do, với quyến thuộc xa cách bấy lâu!

Thái tử tung chim lên không. Hạc chớp chớp đôi mắt, lượn quanh ba vòng, kêu to lời từ biệt rồi vỗ cánh theo đàn bay về phương trời xa tít.

Thái tử đăm đăm nhìn theo chim cho đến khi mất dạng; vừa sung sướng, vừa bùi ngùi: một nỗi niềm khôn tả!

1.09- NGỤC VÀNG

Đức Suddhodāna trầm ngâm suy nghĩ, trán ngài cau lại thành những vết hằn rất sâu. Bao nhiêu năm mơ ước mới có được một mụn con trai, một thái tử dung nghi, cốt cách phi phàm, có căn cơ sở học sâu dày từ tiền kiếp. Nó tài cao mà nhũn nhặn, khiêm tốn. Nó trang nghiêm mà đôn hậu, từ hòa. Nơi cái vóc dáng trẻ thơ ấy - có trái tim nhân ái và khối óc tinh minh - còn ẩn chứa biết bao tư tưởng thanh khiết, bao đức tính cao cả chưa lộ diện? Tình thương của con ta nó dịu dàng, êm ái và mông mênh như biển cả. Nó thương người, thương vật, thương cả những sinh thể li ti bé mọn; và thương cả những cánh hoa rụng, những chiếc lá rơi... Nó thương yêu sự sống của muôn loài như thương yêu chính bản thân mình. Nó dường như muốn tìm sự đồng đẳng giữa con người và vạn vật ở xung quanh. Cá tính lại ít nói, trầm mặc, lúc nào cũng như đang chìm sâu vào thế giới tâm tư ẩn mật, chẳng hiểu trong cái đầu óc xinh xinh nhỏ bé kia suy nghĩ điều gì?

Ôi! Con phượng hoàng kia đã trổ lông, sắc màu rực rỡ vương giả, quý phái. Nó đang đứng giữa, đứng cao hơn nhân quần và đồng loại rất nhiều cái đầu. Những đứa trẻ con em hoàng tộc thường thân cận với nó như Mahānāma, Bhaddiya, Devadatta, Kimbila, Kāḷudāyi, Anuruddha, Ānanda... đâu phải không tài cao học rộng; nhưng so với nó thì còn cách một trời, một vực. Trong các cuộc tranh luận, gia dĩ bắt buộc phải góp ý thì nhận thức của nó bao giờ cũng có vẻ thâm trầm, lạ đời, khác thường. Nó hoài nghi cả trí khôn của cổ nhân, của thánh thư Vệ-đà và Áo nghĩa thư. Trong vài lần được dự bàn hội nghị ở triều đình, mọi người tích cực đưa ra những biện pháp cải tạo xã hội, hoạch định chính sách về giáo dục, phát triển kinh tế, tăng cường võ bị hoặc tìm cho ra đường hướng ngoại giao đúng đắn, khôn ngoan... thì lúc nào nó cũng im lặng như cái tịnh bình! Lúc bãi triều, nếu có gặng hỏi thì bao giờ nó cũng có vẻ bi quan, bảo rằng, tất cả ý kiến của các đức thân vương, lão thần... chỉ là biện pháp nửa vời. Chúng chỉ đáp ứng tình thế nhất thời, giải quyết phần ngọn chứ chưa phải là phần gốc. Lại nữa, chính quyền lợi của hoàng tộc, tham muốn, danh vọng riêng tư của các quan là những trở ngại lớn - là bức bình phong ngăn bít, là cánh cửa đóng chặt - khó thể đem đến hạnh phúc, an bình thật sự cho muôn dân đói khổ. Nó đòi hỏi phải chấm dứt sự bất công, bất bình đẳng trong toàn xã hội. Nó muốn tước bỏ cả lợi quyền của cả chính nó. Thật là hão huyền, hư tưởng làm sao!

Chẳng lẽ nào lời tiên tri năm xưa của đạo sĩ Asita và bà-la-môn Koṇḍañña sẽ trở thành hiện thực? Con đường đi và chí hướng của nó không ai hiểu thấu. Nếu mà con ta nối được chí ta và chí của tổ tiên, biết tôn trọng, giữ gìn tông miếu, xã tắc - thì với sức học ấy, sức tài ấy, trí thông minh xuất chúng ấy, không mấy lúc sẽ trở thành một hoàng đế vĩ đại nhất trên thế gian. Có lẽ nó cũng hiểu rằng, Kapilavatthu là một vương quốc nhỏ bé, bao đời nay đã chịu sự khống chế và lệ thuộc đế quốc Kosala ở bên cạnh. Rồi còn cường quốc Māgadha nữa, bao giờ cũng với ý đồ xâm lấn các tiểu quốc lân bang, tạo thế mạnh để tranh hùng, xưng bá với Kosala? Ta nay tuổi đã già, sức đã kiệt, tài trí đã hao mòn thì mong gì bảo vệ được non sông gấm vóc, nói gì đến phát triển, giàu mạnh, hùng cường!

Ôi! Chẳng lẽ nào nó sẽ từ bỏ tất cả để xuất gia sống đời đạo sĩ? Và như thế thì vương quốc này sẽ ra sao? Biết bao máu xương của tiền liệt tổ tông, con cháu của thần Thái Dương bao đời sẽ trở nên uổng phí hay sao? Và ngay chính niềm vui nhỏ bé nhưng chính đáng là có cháu chắt để nâng niu, trìu mến bế bồng cũng không được nữa hay sao?

Càng suy nghĩ, càng sầu não. Phải tìm cách ngăn chặn hiểm họa từ bốn vị sứ giả, đừng để cho con ta gặp mặt. Phải nhốt con chim phượng hoàng kia trong chốn cung điện hoa lệ với những thú vui ngũ dục của cõi trời, may ra mới cùm chân và cột cánh nó được.

Thế rồi, lệnh được ban ra. Một tốp quan và lính thân tín, lại một lần nữa, âm thầm đi lùng sục các sứ giả già, bệnh, chết... đi an trí ở nơi xa, có phụ cấp chỗ ở, lương thực và thuốc men. Đó là những người già lão với thân hình xương xẩu khó coi, những người nhăn nheo, lụm cụm, run rẩy với gậy chống, với lưng cong gập hình cái đòn xoay... Đó là những kẻ tật nguyền đui què mẻ sứt...; các bệnh phong hủi, lở loét gớm ghiếc... mà đôi khi trước đây đã bỏ sót. Và ngay chính những kẻ lang thang ăn xin lôi thôi lếch thếch cũng được mời ra khỏi kinh đô. Nhà vua còn khuyến khích nhà nhà trồng cây xanh, nhà nhà trồng hoa cảnh và nhà nhà sống lịch sự, văn hóa, văn minh... Cứ một cụm dân cư mười ngàn người phải có một vườn hoa công cộng, một hí trường lộ thiên và một căn nhà để tổ chức các lễ hội, ca vũ nhạc... cho mọi người có chỗ giải trí, vui chơi...

Riêng các tu sĩ, đạo sĩ có dung mạo trang nghiêm, phong cách thoát tục... thì đức vua khỏi lo; vì tìm khắp Kapilavatthu, họ đều xấu xí, tóc râu bù xù, ăn mặc dơ bẩn... chỉ hơn hạng ăn xin chút đỉnh mà thôi!

Song song với việc trang hoàng, tô điểm cho kinh đô được xanh, sạch, đẹp... nhà vua cho mời những kiến trúc sư tài danh khắp các nước, những họa sĩ tầm cỡ, những thợ thầy lão thành và kinh nghiệm... để kiến tạo ba tòa cung điện hiện đại, sang trọng và tiện nghi nhất châu Diêm-phù-đề. Đấy là cung điện Ramma, cao chín tầng, dành cho mùa Đông; cung điện Subha, cao bảy tầng, dành cho mùa Mưa; cung điện Suramma, cao năm tầng, dành cho mùa Hè. Điểm đặc biệt của ba tòa cung điện này là tuy bố cục, cấu trúc, hình dáng khác nhau; nhưng bề dài, bề rộng và bề cao phải bằng nhau![2] Về mùa Đông, các căn phòng đều có lò sưởi được đốt bằng củi thơm, các bức bích họa trên tường, trần là những ngọn lửa ấm hoặc được phối hòa bởi những màu sắc ấm cúng, rực rỡ. Y phục và trang sức của các nhạc công, ca nhi, vũ nữ. .. đều là màu hồng, đỏ, da cam, vàng sáng... Thức ăn, thức uống không những ngon lành, bổ dưỡng mà còn phải đẹp tươi, vui mắt; chú trọng các loại gia vị cay, nóng, ấm... để chống lạnh.

Về mùa Hè, nơi nào cũng mát mẻ, tươi xanh, gợi cảm. Nội thất được thiết kế đặc biệt: Các cửa sổ có rèm và lưới che bằng sợi vàng, sợi bạc mềm mượt có chức năng thoáng gió lại ngăn được gió lộng; các bức tường vẽ cây cỏ hoa lá với các tông màu xanh trong, xanh da trời, xanh ngọc non, xanh nước biển... trông tựa mùa xuân và thiên nhiên tươi thắm, trong lành. Y phục và trang điểm của các ca nhi, vũ nữ, nhạc công, kẻ hầu hạ... cũng phải lấy tông màu xanh làm chủ đạo. Những ngày nóng bức trong năm, mái diềm xung quanh được thiết kế rất lạ lùng: Nước từ hồ được bơm lên, rỉ xuống, phun sương tỏa mát; lúc cần thiết có thể tạo nên những cơn mưa nhỏ, âm thanh rơi tí tách hoặc phát ra tiếng đàn, khúc nhạc diệu kỳ. Cạnh những cửa sổ lớn, những chiếc chậu vàng, bạc, pha lê đựng đầy nước hòa với bùn và bột thơm để trồng năm loại sen, luôn luôn nở hoa năm sắc. Chim đủ loại, nhiều giọng, nhiều sắc màu ca hót líu lo, vui tươi, nhí nhảnh. Những bình hương liệu được giấu kín từ trong cánh, bụng phượng, loan, công, sư tử, rồng... nhân tạo tỏa mùi thơm kỳ thú. Những ngày có gió, hằng trăm kiểu đàn gió lanh canh, long cong điểm nhịp, hòa tấu với âm thanh trong trẻo như những khúc nhạc thần tiên... Ngoài vườn, bốn hồ nước bốn phía trong xanh màu lục bảo, nở sen năm sắc; cá lớn, cá nhỏ đủ màu bơi lội yên ả, thanh bình. Rồi nào là cầu kiều, đình tạ, cây cảnh quý hiếm, giả sơn, thảm cỏ, đèn đá, tượng mỹ thuật... được phối trí hài hòa, công phu, mỹ lệ. Nhìn đâu cũng đẹp mắt, nhìn đâu cũng giống như hoa viên của cõi trời... Thức ăn, thức uống luôn luôn dự bị sẵn, mang từ các nơi xa xôi đến; sơn hào, hải vị... phải bảo đảm tươi ngon, bổ mát, nhuận trường; trái cây và rau cải đều phải được khử trùng, rửa bằng nước tinh khiết...

Còn đặc trưng của cung điện mùa Mưa là làm sao tạo cảm giác thanh sạch, khô ráo; nên nó có đủ tính chất của hai cung điện mùa Đông và mùa Hè.

Sau khi thiết lập ba tòa cung điện, đức vua cho tuyển chọn ca nhi, vũ nữ, nhạc công cùng thị nữ lo việc hầu hạ, chăm sóc thái tử. Thế rồi, ngày cũng như đêm, nơi đây là mùa xuân bất tận, thiên cung bất tận. Đức vua cũng cho phép con em trong hoàng tộc như Mahānāma, Devadatta, Ānanda, Anuruddha... được lui tới vui chơi và cùng tham dự các buổi thảo luận về văn chương, triết học, chính trị... Về các sinh hoạt dân gian - nói chung là về cuộc sống bên ngoài cung điện - các vương tử, các ông hoàng này rất ngây thơ, nhưng về kiến thức kinh điển, từ chương... họ lại rất uyên bác. Họ có thể không biết hạt cơm từ đâu có, nhưng lại biết rất rõ bao nhiêu hóa thân của thần Vishnu, thần Shīva... Họ có thể không hiểu tại sao con người lại bị phong cùi lở loét, dịch tả, dịch hạch... nhưng lại rất am tường các thể thức cúng tế, lễ nghi phức tạp của những giáo phái truyền thống bà-la-môn. Và các cuộc thảo luận lúc đề cập đến lãnh vực siêu hình, đến thượng đế, đến định mạng con người, đến sống chết... thì họ chỉ việc dẫn chứng kinh điển. Một vài vị hoài nghi thực thể tối cao điều hành vũ trụ. Một vài vị muốn tước bỏ cho kỳ hết quyền lợi của giới cấp tu sĩ bà-la-môn bao đời nay đã ăn trên ngồi trốc và bóc lột dân đen trong các buổi tế đàn, lễ cúng, quan hôn tang tế... Sôi nổi nhất là khi nói về đạo đức con người; có con người tốt quản lý và điều hành xã hội thì muôn dân mới được hạnh phúc, ấm no... Dường như thái tử vui vẻ nhất khi thấy các vương tử, các ông hoàng biết nghĩ đến người khác, đến các tầng lớp dân chúng mà họ sẽ lãnh đạo sau này. Những khi như vậy, thái tử sai thị nữ châm thêm trà, lấy thêm bánh trái, gầy thêm mấy lò trầm đã lụn...

Cuộc vui nào rồi cũng sẽ tàn. Lúc kẻ hầu người hạ yên ngủ cả, thái tử lại ra ngồi bên hiên, lặng ngắm trăng sao, đăm đăm như nhìn vào vô tận. Ở đấy như còn những bí mật trùng trùng. Ở đấy như là những câu hỏi chìm khuất giữa hư vô mà thái tử đã vô phương giải đáp. Thế rồi, tiếng tiêu thay cho nỗi lòng, thái tử lại đắm chìm trong thế giới âm thanh mênh mông và man mác buồn...

Đức vua âm thầm cho người theo dõi, biết được những gì xẩy ra trong ba tòa cung vui. Hóa ra, thái tử cũng không để tâm đến những mỹ nữ xinh như mộng, yêu kiều, tha thướt, lả lướt ở xung quanh. Yến tiệc lớn, yến tiệc nhỏ, đám ca công này, tốp vũ nữ khác... chỉ tạo cho thái tử sự ngạc nhiên, thích thú vào buổi đầu, sau đó, thái tử cho nghỉ dần. Thái tử chỉ thường xuyên duy trì các buổi tiệc trà nhẹ, mời thêm đám thiếu niên nội ngoại dòng Sākya đến tham dự hội thảo.

Đức vua Suddhodāna cảm thấy lo lắng. Hôm kia, vào lúc lâm triều, ngài đem điều ấy ra bàn với đình thần:

- Này chư khanh! Thái tử quả thật là đóa kỳ hoa giữa nhân thế; nếu mà thái tử khứng chịu, chấp nhận trị vì vương quốc thì sau này chẳng có cường quốc nào phải làm cho chúng ta sợ hãi. Nhưng ba tòa cung điện diễm lệ kia với ca nhi, mỹ nữ, với thức ăn, thức uống mỹ vị hiếm có trên đời... vẫn không đem đến kết quả như trẫm mong đợi. Con kình ngư kia dường như vẫn không chịu dính câu. Con phượng hoàng kia vẫn lặng lẽ dạo gót ở ngoài lồng. Quả thật là trẫm rất lấy làm lo ngại lời tiên tri của đạo sĩ Asita và bà-la-môn Koṇḍañña. Vậy chư khanh có kế gì hay góp ý cùng trẫm xem sao.

Một lão thần tâu:

- Thưa đại vương! Anh hùng xưa nay không ai qua khỏi ải mỹ nhân. Thái tử năm nay tuổi vừa mười sáu, là một trang thiếu niên anh tuấn, huyết khí phương cương; sao đại vương không dùng sợi tóc của mỹ nhân mà buộc chân thái tử lại? Chỉ có kế ấy là thượng sách.

Đức vua Suddhodāna thở dài:

- Nơi ba tòa cung vui có biết bao nhiêu mỹ nữ tuổi độ trăng tròn, xuân xanh hơ hớ mà thái tử có thèm để mắt đến đâu! Cái sợi tóc của khanh xem chừng vô dụng rồi!

- Thưa, đấy là mỹ nhân do hoàng cung tuyển chọn. Phải có một cuộc tuyển lựa mỹ nhân do chính thái tử đứng ra làm chủ trì mới là đắc sách. Phải là một trang giai nhân tuyệt thế, mang vẻ đẹp thanh khiết, cao nhã may ra mới cầm chân thái tử ở lại được nơi cung vàng hoa lệ ấy. Trái tim của mỗi người có ngôn ngữ riêng của nó, tâu đại vương!

Đức vua Suddhodāna nghe có lý quá, vuốt râu cười, hài lòng.

Thế rồi, một cuộc bố cáo rộng rãi được truyền đi khắp trong dân gian, đặc biệt ưu tiên cho giới giàu sang, quý tộc, con cái các đại thần và quan lại trong triều đình. Với loa truyền, trống đánh, phi mã đưa tin, thông điệp trao tay đến các phố phường, thị trấn... Không mấy chốc, cả nước xôn xao, bàn tán về việc thái tử đứng ra lựa chọn mỹ nhân. Ai rồi cũng được trọng thưởng, riêng người đẹp nhất thiên hạ, lọt vào mắt xanh của thái tử sẽ được dành tặng phần thưởng quý báu nhất của thành Kapilavatthu!

Phần thưởng quý nhất quốc độ - ấy là gì? Các cô gái trong thiên hạ đều ngầm hiểu: đấy chính là làm kẻ sửa túi nâng khăn cho chàng trai được tiếng là tuấn mỹ, phi phàm nhất thành Kapilavatthu! Những cô gái dầu đẹp nhưng thân phận thấp hèn thì không dám mơ tưởng đến; nhưng những công nương danh gia vọng tộc thì trái tim lại rung động, bồi hồi... Những đôi má của họ chợt ửng hồng như màu phấn nhan; những đôi mắt e lệ, bẽn lẽn núp sau rèm lụa với những ước mơ thơ mộng nhất; những cái nhìn mơ màng, bần thần vào cõi lầu son, gác tía xa xăm...

Ngày mở cuộc thi tuyển đã đến. Kinh đô Kapilavatthu như bừng sáng lên, rực rỡ thêm lên với hằng trăm mỹ nữ yểu điệu, thướt tha trên những cỗ xe hai ngựa, bốn ngựa bước xuống. Những đóa hoa vương giả, quý phái; những cô gái tuổi độ trăng tròn, má xuân phơi phới, trang điểm lộng lẫy, dặt dìu gót ngọc bước vào vương cung. Những cô gái các gia đình danh giá, giàu sang tuổi vừa hàm tiếu, e ấp, nõn nà... theo tiếng gọi con tim mà tìm đến...

Người con trai ưu tú của thành Kapilavatthu ngồi làm chủ tọa kiêm giám khảo cho cuộc thi hoa hậu này - theo sự sắp xếp của đức vua và hoàng hậu - mà chàng thì không dám để cho hai vị phiền lòng.

Mỹ nữ lần lượt chậm rãi, nhẹ nhàng đi qua, lướt qua. Những gót sen ngập ngừng, xao xuyến... Những tấm khăn lụa kāsi quý giá, thơm ngào ngạt, đủ loại sắc màu rực rỡ như hoa mùa xuân, như làn sóng gợn dập dìu, uyển chuyển... Tất cả trôi qua, lướt qua... Người con trai anh tuấn với đôi mắt xanh trong như mặt nước hồ thu không gợn. Ngài nhìn từng mỹ nữ một, khẽ cúi đầu, khẽ mỉm cười, cung cách nhã nhặn và lịch thiệp rồi trang trọng trao những phần thưởng châu báu cho mỗi nàng...

Tiếng nhạc đệm dặt dìu, hương muôn hoa tỏa ngát. Làn sóng người đẹp tuần tự chảy qua. Những đôi mắt tròn to đen láy liếc nhìn thái tử với nỗi sợ hãi mơ hồ. Họ cảm thấy mình bé nhỏ và tầm thường quá. Có một cái gì tôn nghiêm, uy nghi và sang trọng quá toát ra nơi con người tuấn tú kia. Trước khi tới đây, họ đã xây dựng trong trí tưởng bao nhiêu mộng đẹp; nhưng khi chờ đợi đến lượt mình, nhiều tình cảm xen lộn phức tạp, nửa muốn bước tới, nửa muốn thối lui. Và rõ ràng, khó có một hình bóng mỹ nhân nào khả dĩ mở được cửa để bước vào trái tim của người vương giả!

Đức Suddhodāna, hoàng hậu Gotamī, các đức thân vương, các lão thần... ngồi sau những tấm rèm kín đáo đưa mắt theo dõi. Những mâm vàng, mâm bạc chất đầy châu báu, ngọc ngà cứ vơi dần, vơi dần... nhưng dường như trái tim thái tử vẫn chưa hề rung động. Đôi mắt trong xanh tĩnh lặng kia chưa một lần dừng lại có vẻ chăm chú, có vẻ ngạc nhiên trước một mỹ nữ nào...

Khi viên trân châu cuối cùng vừa theo người đẹp cuối cùng rời đi, sau những bức rèm vừa buông tiếng thở dài chưa dứt thì cung điện chợt như rực sáng lên. Những tiếng trầm trồ xung quanh, không hẹn mà cùng thốt lên, ca ngợi, xuýt xoa... Thái tử lặng người, nghe trái tim mình rung lên nhè nhẹ, đưa mắt nhìn người mỹ nữ vừa bước đến. Nàng đẹp quá! Đúng là mỹ nhân của những mỹ nhân! Dường như tất cả nét yêu kiều, diễm lệ, cao sang, quý phái, dịu dàng, thanh khiết của mỹ nữ trên thế gian đã kết dệt nên nàng: một tạo phẩm giai nhân tuyệt tác của hóa công! Đến trước thái tử, nàng khẽ cúi đầu đài các, nở nụ cười tự tin - hàm răng như hạt lựu nẩy mầm, sáng như ngọc chuốt - cất giọng thanh tao như tiếng chim Ca-lăng-tần-già:

- Hỡi thái tử anh tuấn! Chẳng hay thái tử còn có vật gì để dành tặng cho thiếp chăng?

- Có, có - Thái tử đáp rồi mỉm cười, chậm rãi nói - Nhưng tất cả những châu báu kia thì đâu có xứng đáng với trang tuyệt thế giai nhân? Ta còn một vật quý hộ thân đây!

Nói thế xong, thái tử thò tay lần vào bên trong cổ áo, lấy chuỗi trân châu quý giá nhất - mà chàng không mấy khi để lộ ra ngoài - trịnh trọng đeo cho người đẹp trước hằng trăm đôi mắt đăm đăm ngưỡng mộ.

 Mỹ nữ mỉm cười, nhỏ nhẹ lên tiếng cảm ơn, lời trong như con oanh thỏ thẻ, như hạt pha lê reo. Thái tử cảm thấy người nhẹ nhàng, lâng lâng; một cái gì rất lạ lùng, rất kỳ diệu lần đầu tiên nó len lén đi vào tâm hồn chàng, rất êm ái và rất ấm áp...

Ngày hôm sau, kết quả cuộc tuyển lựa mỹ nhân, như một tin lành lan truyền khắp quốc độ. Đức Suddhodāna thấy lòng hồ hởi, vui sướng vô cùng, nói với lệnh bà Gotamī rằng:

- Hậu ơi! Chúng ta đã nhốt được con chim phượng hoàng ấy ở trong lồng rồi!

1.10- Thi tài võ nghệ

Mỹ nhân đoạt giải hoa khôi ấy - chinh phục được trái tim của thái tử Siddhattha - chính là nàng Yasodharā, công chúa cưng của vua Suppabuddha và hoàng hậu Amitā Pamitā. Đức Suddhodāna đã vài lần thấy cô bé xinh đẹp ấy khi theo mẹ đến trình diện ông. Hoàng hậu Mahā Pajāpati Gotamī, từ lâu đã đặc biệt yêu mến cô cháu gái đoan trang, nhân hậu rất hợp với tính cách của bà.

Dòng Sākya từ thuở xa xưa lập quốc, do muốn gìn giữ huyết thống anh hùng nên anh em ruột được phép lấy nhau. Đấy là điều biệt lệ. Sau đấy, dòng nối dòng, để cho huyết thống khỏi nhạt phai, anh em con cô cậu còn được phép kết hôn. Trường hợp hai trẻ bây giờ là như vậy nên đức vua Suddhodāna tức tốc cử đoàn sứ giả do đức thân vương Amitodāna làm trưởng đoàn; với những cỗ xe sang trọng mang phẩm vật quý giá sang Koliya cầu thân.

Mấy hôm sau, phái đoàn trở về với khuôn mặt rầu rĩ, cúi đầu, lặng lẽ thở dài. Đức vua Suddhodāna ngạc nhiên, nóng nảy hỏi:

- Sao thế? Con trai ta không xứng đáng chăng?

- Tâu đại vương! Amitodāna nói - Vua Suppabuddha khen thái tử của chúng ta cốt cách phi phàm.

- Thế sao các người lại âu sầu, ủ rủ như vậy.

- Đức Suppabuddha gần như thách thức, phán rằng: “Tiền liệt tổ tông ta - đâu kém gì Sākya - đều lập quốc trên yên ngựa, trải qua nhiều đời vẫn lấy võ công làm trọng. Con gái ta tài sắc vẹn toàn, biết bao nhiêu là vương tôn công tử đưa mắt dòm ngó. Ta không dám chê thái tử của các ngươi một điểm nào cả. Nhưng để khỏi mất lòng với anh hùng trong thiên hạ, ta phải giữ lẽ công bằng, không thiên vị - bằng một cuộc thi tài võ nghệ như cỡi ngựa, bắn cung, đô vật, cử tạ, đao kiếm, quyền thuật... Tất cả thái tử, hoàng tử, vương tôn, công tử... trong các nước lân bang - kể cả cháu ta là Siddhattha - tuổi vừa niên thiếu đều có thể ghi danh tham dự. Ai là người trổ tài vô địch trong đám quần hùng, phần thưởng quý giá nhất, ấy là con gái cưng của ta. Các phần thưởng thứ đệ khác cũng đều là vật trân quý...”

Nghe thế xong, đức Suddhodāna lấy làm buồn lòng, tự nghĩ: “Siddhattha dáng người nho nhã, văn nhược. Nếu thi tất cả các môn như văn chương, từ khúc, thiên văn, địa lý, thuật số, tự nhiên học, y dược, ngôn ngữ, triết học, luận lý, toán học, đo lường... thì vị tất trên thế gian này có người sánh được. Nhưng còn võ công thì...” Đức vua lắc đầu như cố xua đi một sự thật đau lòng. Nước Koliya, ngài biết rằng, có rất nhiều trang dũng sĩ, từ nhỏ đã khổ luyện bắn cung, cỡi ngựa, đao kiếm, quyền thuật... Mà vượt trội nhất là Devadatta. Nhưng Devadatta với Yasodharā là anh em khác mẹ, tuy nó không dự thi chính thức, nhưng ai cấm nó ra oai trấn áp quần hùng, nhất là làm nhụt chí thiếu niên dòng Sākya? Tính khí ương bướng với bộ dạng kiêu hùng của Devadatta không hứa hẹn một sự khả toàn nào cả. Chắc chắn là nhóm vương tôn, công tử Koliya sẽ bảo vệ đóa hoa quốc sắc thiên hương của mình... Riêng Kapilavatthu thì có những ai nào? Bọn thiếu niên vương tử dòng Sākya cùng con cháu các lão thần... đứa nào cũng vạm vỡ, khỏe mạnh; võ nghệ của chúng đều xứng tài làm tướng cả...; nhưng nổi trội nhất, có lẽ là Kāḷudāyi, Mahānāma, Bhaddhiya, Bhagga, Kimbila... Với tình hình như vậy thì con trai ta sẽ thua, và sợi dây tơ hồng ràng buộc con ta ở lại với vương vị, với cuộc đời nhung gấm cũng đứt khúc theo...

Sự ưu tư và lo nghĩ của đức vua Suddhodāna lộ rõ trên nét mặt. Hôm kia, sau khi quan sát thần sắc nhợt nhạt của đức vua, biết được sự bất an của người, thái tử tâu:

- Xin vương phụ hãy an tâm. Người hãy chấp nhận lời thử thách của quốc vương Koliya. Vả chăng, sự công bằng ấy cũng hợp lý. Về các môn võ nghệ như cỡi ngựa, bắn cung, đao kiếm... thì hoàng nhi dẫu bất tài, nhưng Devadatta chưa phải là tay thần tiễn, Kāḷudāyi chưa phải là tay kiếm thần, Mahānāma, Kimbila chưa phải là những kỵ sĩ ưu hạng...

Đức vua Suddhodāna tưởng tai mình nghe lầm:

- Con nói sao? Con cũng tài giỏi về võ nghệ à? Con học từ bao giờ?

- Thưa, từ lúc tám tuổi do các giáo sư dạy chương trình ngoại khóa. Đặc biệt, môn cỡi ngựa, điều phục huấn luyện ngựa, con học được từ Channa. Bao nhiêu năm qua, con vẫn thường xuyên luyện tập; nhưng thấy những môn học ấy dễ đem đến sự đắc chí của kẻ vũ phu nên con chẳng dám múa may cho mọi người biết đấy thôi.

Thấy thần sắc, ngôn ngữ, thái độ của thái tử rất an nhiên, tự tin - đức vua thở phào, nhẹ nhõm, vững dạ vô cùng. Sau đó, vua tức tốc cho sứ giả với sức phi mã đến báo tin cho vua Suppabuddha, chấp nhận một cuộc thi tài võ nghệ, được thông tin rộng rãi cho cả hai quốc độ.

Đức vua Suppabuddha vuốt râu cười ha hả:

- Được. Được. Tốt lắm. Vậy một tuần sau, hãy tổ chức cuộc thi tại đại võ trường kinh đô Kapilavatthu, chính ta sẽ làm giám khảo. Hãy bố cáo tin này ra khắp bàng dân thiên hạ. Các vương tôn công tử, con cháu các danh gia vọng tộc tuổi vừa niên thiếu cả hai quốc độ, đều có quyền tham dự một cách bình đẳng.

Đến ngày, kinh đô Kapilavatthu như thay khuôn mặt mới để bước vào ngày hội lớn. Khắp các đường phố, cổng ngõ, nhà nhà... đèn treo, cờ bay, hoa kết... rực rỡ, rộn ràng. Bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc đều được mở rộng để cho muôn dân đến xem cuộc thi thố tài năng lần đầu tiên trong lịch sử. Có người thì muốn xem cho mãn nhãn tài nghệ siêu quần bạt tụy của giới quý tộc, các ông hoàng. Có người thì tò mò pha lẫn ngưỡng mộ muốn thấy tận mắt vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành của công chúa Yasodharā...

 Tại kinh đô Devadeha nước Koliya, sự náo nức cũng không kém gì. Nhóm thiếu niên hoàng gia, quý tộc ở đây cũng đã tấp nập xe ngựa đến Kapilavatthu từ mấy hôm trước. Trước khi lên đường, Devadatta tâu với vua cha:

- Thưa vương phụ! Hai con trai tài giỏi của hai đức hoàng thân là Anudāma Virulhāka đã xe ngựa đi rồi, vì từ lâu, họ cũng gắm ghé Yasodharā. Với bản lãnh của chúng, tuy rất vững vàng, nhưng con vẫn cảm thấy e ngại...

   Đức Suppabuddha chăm chăm nhìn con trai, lạnh lùng nói:

- Ý ngươi là thế nào?

- Thưa, cha hãy cho con được tham dự để bảo vệ uy tín cho Koliya. Bên Sākya, thái tử Siddhattha không biết thế nào, hắn như con rồng thần luôn giấu cái đầu cái đuôi rất kỹ, một đối thủ vô danh mà con luôn luôn cảm thấy lo ngại mơ hồ. Ngoài ra, Kāḷudāyi, Mahānāma... đều là những địch thủ đáng gờm; Anudāma Virulhāka của chúng ta tuy võ nghệ sáng giá nhất trong đám thiếu niên hoàng tộc, nhưng vị tất đã tranh nổi võ khôi nguyên lưỡng quốc.

Trầm ngâm một lát, Suppabuddha dịu dàng nói:

- Con ạ! Ta rất mến Siddhattha, nhất là cái nhũn nhặn, lễ độ, từ hòa của y. Đức tính ấy con kém xa. Lại nữa, ta dẫu tuyên bố hùng hổ nhưng cả hai nước đều là người một nhà. Cuộc biểu dương võ nghệ lần này, bên ngoài thì chọn rể mà bên trong là sự liên kết, thắt chặt sức mạnh võ lực theo chiến lược lâu dài, đã trở thành quốc sách để tránh sự dòm ngó, xâm lược của các cường quốc. Con hãy hiểu như vậy để xử sự cho đúng đắn. Con đã là thái tử rồi, việc nước trong mai hậu, con sẽ lo toan, đảm nhận đấy!

- Con hiểu, thưa vương phụ! Nhưng ý con chỉ muốn làm nhụt bớt sự kiêu căng, ngã mạn của dòng Sākya - từ lâu, họ coi thường chúng ta lắm. Con chỉ xin được tham dự như góp vui vậy mà!

- Con hiếu thắng cũng không thua kém ai đâu. Ta cho con tham dự, nhưng mà phải biết điều, lịch sự đấy! Quyết định cuối cùng là do ta, tự ta!

Số người ghi danh rất đông, nhưng khi nghe tin nước Devadaha Devadatta, Anudāma, Virulhāka...; nước KapilavatthuSiddhattha Mahānāma, Kāḷudāyi, Bhaddiya, Kimbila,... nhiều người đã tự động rút lui, vì họ biết chẳng thể nào tranh nổi với những thiếu niên kỳ danh ấy.

Trên khán đài danh dự đầy đủ các đức vua, các hoàng hậu, hoàng phi, các hoàng thân, vương tử, công nương..., các vị lão thần, đại thần của hai quốc độ. Hai khán đài cánh gà hai bên dành cho các danh gia vọng tộc, những khách mời danh dự đại diện các nghiệp đoàn uy tín như ngân khố (chủ cho vay), vàng bạc, thợ thủ công, các thương gia đồng sắt, hương liệu, áo quần, lúa gạo, gia vị, bánh kẹo... Còn dân chúng thì đầy đặc khắp nơi...

Công chúa Yasodharā ngồi sau lưng hoàng hậu Amīta Pamitā đưa mắt đăm chiêu không nhìn vào đâu cả vì nàng đang lo lắng, sợ rằng Siddhattha sẽ thua cuộc trước những trang nam nhi lực lưỡng, tướng mạo oai hùng dưới võ trường.

Devadatta oai vệ trong bộ võ phục gọn ghẽ, giáp bào, mũ, hia, đai... cẩn ngọc, nạm vàng; thân cao lớn, bó cung tên vàng đeo sau lưng, trên thân con chiến mã cũng oai hùng không khác gì chủ tướng. Bên cạnh Devadatta là Virulhāka và Anudāma là hai vị vương tử rất có tiền đồ của Koliya; võ phục sang trọng và sáng ngời châu báu không kém gì Devadatta...

Mahānāma phục sức nho nhã, thanh lịch; nhưng thanh bảo đao nạm ngọc vắt chéo qua lưng, ngồi trên lưng chú ngựa hung đỏ, trông thần uy hiên ngang lẫm lẫm. Kāḷudāyi trong bộ võ phục hoàng kim sáng ngời, đao kiếm cung tên đầy đủ cả; ngồi trên con ngựa ô nhàn nhã nước kiệu đi tới. Kimbila với bộ võ phục nâu đỏ như mặt trời chiều, cao lớn trên lưng con ngựa nòi, cung tên, bảo đao... đều đã sẵn sàng xuất trận!

Ngoài ra, còn có năm trang dũng sĩ, con cháu của các lão thần và các đại thần khác, võ phục và võ khí cũng sáng ngời ngời, cũng quyết so tài một phen, không được phần thưởng này thì được phần thưởng khác.

- Thế thái tử Siddhattha đâu?

Công chúa Yasodharā hỏi thầm. Đức vua Suddhodāna cũng đưa mắt tìm kiếm; mà những người đã từng hâm mộ thái tử cũng có vẻ nóng lòng mong đợi.

Lúc ấy, từ vòm cửa đông, một bóng ngựa nhàn nhã, chậm rãi bước nước kiệu đi tới, nhẹ như hơi gió, không một chút bụi cuốn theo... Trên lưng ngựa, một chàng trai thanh lịch, trang sức dị giản trong bộ võ phục màu trắng, thần sắc an tĩnh - đến trước khán đài, dừng cương, nhẹ nhàng bước xuống. Thái tử khẽ nghiêng mình cúi chào hàng ghế danh dự, mà ở đấy là các bậc trưởng thượng, cha chú của hai dòng tộc. Và cũng ở đấy, có một công nương đang hồi hộp, thẹn thùa nép sau lưng mẹ...

Giữa đại võ trường, một viên võ tướng xuất hiện, với loa phóng thanh trên tay, cất giọng lớn tuyên bố thể lệ cuộc thi, tuần tự từng môn thi như thế nào, có đức vua Suppabuddha làm chủ khảo. Các vị giám quan cũng được đề cử nhanh chóng, mỗi nước bốn người.

Đức vua Suppabuddha bước xuống ngồi ở bàn giám khảo, tuyên bố vài lời, lấy tinh thần thượng võ làm trọng, giao đấu thân hữu, vũ khí không đụng nhau... Có ba môn thi chính là bắn cung, múa đao và cỡi ngựa... Mọi người vỗ tay hoan hô như sấm dội... Cuộc thi bắt đầu...

Môn bắn cung. Mười hai xạ thủ đứng hàng ngang, cầm sẵn cung tên. Mười hai cái trống có vẽ hồng tâm đậm nét đặt sẵn ở xạ trường. Mốc đầu tiên, trống đặt xa sáu govo (chừng 434m). Đã sẵn sàng, cờ phất; như đồng loạt, mười hai mũi tên vàng lao đi. Giám quan tuyên bố: tất cả đều trúng hồng tâm. Tiếng vỗ tay rào rạt như sóng dội. Tầm thứ hai, bảy govo, mười xạ thủ bắn trúng hồng tâm, hai bị loại. Tầm thứ ba, tám govo, ba xạ thủ rớt đài. Tầm thứ tư, chín govo, cả bảy xạ thủ đều bắn trúng hồng tâm, đó là Siddhattha, Devadatta, Anudāma, Virulhāka, Kimbila, Mahānāma, Kāḷudāyi. Đến đây thì ai nấy đều rõ tài của con cháu hoàng gia, có danh có thực vậy. Khi thị vệ di chuyển trống đến tầm mười govo thì các khán đài xôn xao vì nó xa quá. Thế rồi năm người bắn trúng. Anudāma Virulhāka bắn lệch. Dòng Sākya còn bốn và Koliya chỉ còn một. Khi trống chuyển đến tầm mười một govo thì ba người nữa bỏ cuộc, chỉ còn SiddhatthaDevadatta. Cả hai đức vua khẽ đưa mắt nhìn nhau, mỉm cười mãn nguyện.

Devadatta nhìn Siddhattha, ngạc nhiên nói:

- Đệ không ngờ hoàng huynh cũng là tay cự phách.

- Hoàng đệ cũng chẳng kém gì. Thôi, chúng ta huề nhé?

- Không, không! Đệ phải chứng tỏ là Koliya cũng có kẻ anh hùng...

Nói xong, Devadatta hô thị vệ đặt trống xa mười bốn govo, tức là hồng tâm chỉ còn như đầu cây nhang cháy đỏ; nói giọng thách thức:

- Hoàng huynh có dám bắn không?

- Hoàng đệ hãy bắn đi!

Devadatta nghiêng mình đảo cánh cung, từ từ kéo giây, nhắm mục tiêu, thả giây... Mũi tên xé gió, lao vút đi, ghim đúng hồng tâm không sai lệch một ly nào. Tiếng hoan hô như làm vỡ cả võ trường.

Siddhattha vui mừng vỗ vai Devadatta:

- Với cung ấy, tên ấy, mục tiêu ấy - thì trên thế gian này chẳng có ai bắn giỏi hơn hoàng đệ.

-Vậy hoàng huynh bỏ cuộc sao? Devadatta hí hửng nói.

- Không phải vậy - Thái tử sai thị vệ đặt trống xa hai mươi govo, tức là không còn thấy mục tiêu nữa, rồi tiếp - Ta muốn hỏi ngược lại, đệ có dám bắn mục tiêu ấy không?

-Hoang đường! Devadatta nói như quát - không thấy mục tiêu mà bắn được ư?

-Phải! Siddhattha cất giọng chậm rãi - đệ bắn bằng mắt, ta thì bắn bằng tâm!

Sự việc xẩy ra làm cho võ trường im lặng như tờ.

Thái tử Siddhattha cất giọng dõng dạc:

- Ta xin thử giây cung.

Nói xong, thái tử giương cung, kéo mạnh, cung gãy. Thị vệ mang đến cung khác, gãy nữa; cái cung khác, bằng đồng, lại gãy nữa do sức tay của thái tử quá mạnh.

Quăng cung, thái tử nói với viên võ tướng:

- Tại đền thiêng Simhābanu có một cây cung thần, thờ đã tự nghìn xưa. Nó bằng đồng, nặng lắm. Vậy cảm phiền cho mười lực sĩ mang đến đây cho ta.

Lát sau, mười lực sĩ dòng Sākya hì hục mang cung đến. Nó đen tuyền, bóng loáng. Thái tử một tay đỡ cây cung đưa thẳng tới trước, tay kia kéo thử dây đồng rồi thả ra. Một tiếng ngân trầm hùng lan dần, lan ra xa như tiếng chuông đồng vang động trong không gian không ngớt.

Trên các khán đài, mọi người đứng cả dậy, dân chúng xôn xao ùn ùn xô đẩy về phía trước, thần lực của thái tử đã áp đảo quần hùng, đã làm cho mọi người sửng sốt, kinh hãi. Trong lúc ấy, thái tử bình tĩnh, lắp một mũi tên đồng, đứng bất động như nhập định, nhè nhẹ kéo giây, mắt nhắm, nín thở... Mũi tên vàng vọt khỏi giây cung, chỉ thấy lằn chớp cháy không gian... rồi mất tích... Các vị giám quan chạy đến mục tiêu. Mũi tên thần không những xuyên đúng hồng tâm, đi qua hai mặt trống, mà còn chưa hết đà, bay xa chừng một phần hai govo nữa rồi ghim vào một gốc cây đại thọ, chuôi tên không ngớt rung rinh... Bốn tên lực sĩ, nhanh như chim cắt, chạy bưng chiếc trống, đem đặt trước khán đài cho đức vua Suppabuddha nhìn ngắm. Ngài bước xuống, săm soi nhìn, đưa tay sờ... Lát sau, ngài khẽ thốt:

- Cung thần nơi đền thiêng Simhābanu không phải là hoang truyền. Mà tài thần tiễn của thái tử Siddhattha, ta vẫn không dám tin là chuyện có thật.

 Cả đại võ trường như vỡ ra với tiếng la, tiếng hét, tiếng hoan hô ca tụng tài thần tiễn của thái tử Siddhattha...

Ngày thứ hai, thi đao kiếm. Thể lệ cuộc thi về đao hay kiếm là phải nhanh, bén chuẩn xác. Múa kiếm nhanh nhưng còn thấy kiếm là bậc hạ. Múa kiếm nhanh, không thấy kiếm, nhưng chỉ ngăn được ba phần nước bên ngoài phun vào, là bậc trung. Kiếm nhanh đến độ nước phun không dính võ phục, mới là bậc thượng.

Phần thi kiếm nhanh, tám võ sinh còn thấy kiếm, đạt bậc hạ. Qua bậc trung, chỉ còn sáu người múa kiếm quanh mình mà không thấy kiếm, đấy là Siddhattha, Devadatta, Anudāma, Virulhāka, Bhaddiya, Kāḷudāyi; nhưng khi múa nhanh, chỉ có SiddhatthaDevadattakhông dính nước; đạt bậc thượng.

Phần thi đao bénchuẩn, đối tượng là những khúc gỗ được dựng sẵn trước mặt, đường kính chừng một gang tay, có kẻ chỉ đỏ mười hàng đều đặn. Sau một bài quyền múa đao, mỗi võ sinh phải ra đao bổ dọc, lấy đi một thanh gỗ mà khúc gỗ vẫn đứng yên. Đề thi quá khó, nó đòi hỏi cả ba yếu tố: nhanh, bénchuẩn. Thế là có kẻ qua được nhát thứ ba, nhát thứ tư... là khúc gỗ ngã đổ. Devadatta, Virulhāka, Bhaddiya qua được nhát thứ sáu...

Thái tử Siddhattha đứng quan sát, chưa ra tay vội, nói với các bạn:

- Qua nhát thứ sáu, mặt bằng chân đế quá nhỏ, sẽ không giữ yên được trọng khối còn lại. Sáu nhát quá nhanh lấy ra sáu thanh gỗ, vậy là các bạn đã khá giỏi...

Devadatta hãnh diện cướp lời:

- Vậy là hoàng huynh bỏ cuộc rồi!

Thái tử Siddhattha mỉm cười:

- Không phải vậy! Hãy xem đây!

Nói xong, Thái tử định thần giây lát, hít một hơi chân khí, ánh sáng trắng nháng lên, mười lằn chớp như mười con giao long lượn xuống khúc gỗ. Mười thanh gỗ trước sau nằm ngã xuống - mà tưởng như đồng loạt - sắp xếp đều đặn... vì thái tử đã xuống đao nhanh quá, quá sức tưởng tượng của mọi người. Devadatta khâm phục quá, thốt lên:

- Đúng là tay đao đệ nhất thiên hạ, thật là không ai chịu nổi, xin bái phục!

Thái tử nói với các bạn:

- Với thanh bảo đao, chém sắt như cắt bùn, việc ấy không khó. Dùng thanh bảo đao, đoạn lìa hai ba thân cây cùng một lúc mà cành lá không rung động, lại khó hơn; nhưng ta cũng có thể làm được.

Họ đến rừng cây. Thái tử đứng nhắm hai thân cây đứng song song cách nhau chừng một đòn gánh, chàng yên lặng như trú định; thế rồi, một chiếc bóng nháng lên như cánh chim ưng, bảo đao nằm ngang với thân mình, một luồng ánh sáng xẹt qua... Mọi người chưa thấy thái tử ra tay như thế nào, đã hoành thân trở về chỗ cũ, thần sắc tươi tỉnh. Hai thân cây không đổ, cành lá vẫn bất động... Thái tử tủm tỉm cười.

Mọi người nhao nhao, tiếng lời bàn luận chưa dứt thì một ngọn gió thổi qua, “rắc rắc”, hai thân cây đồng ngã xuống một lượt. Như vậy là vì thế đao đi quá nhanh, nhát cắt quá phẳng, chuyện tưởng không thể mà thành có thể. Tất cả võ sinh đều tâm phục, khẩu phục...

Cả đại võ trường rào rào vỗ tay, trống đánh, kèn thổi, thùng đập... âm thanh dậy lên như một cơn địa chấn... khi viên võ tướng tuyên bố kết quả thi đao kiếm: Thái tử Siddhattha giải đặc biệt, ngoại hạng; Devadatta, Bhaddiya, Virulhāka giải nhất đồng hạng.

Thái tử thế là đã thắng vượt xa hai trận, lý ra không cần phải thi nữa; nhưng theo yêu cầu của mọi người, cuộc hội thao nên tiếp diễn để cho ngày vui của hai quốc độ được trọn vẹn. Cả hai vị quốc vương đều đồng ý. Thế là cuộc thi cỡi ngựa được tổ chức vào ngày hôm sau.

Đêm vừa rồi, kinh thành Kapilavatthu như thức ngủ, đèn đuốc sáng choang phố này, phường kia... để ăn uống, chuyện trò, bàn luận về tài kiếm đao của các vương tử, các ông hoàng... quả thật là chưa từng thấy. Lác đác đây đó nơi các góc phố, đám đông tụ lại, há miệng lắng nghe những gã lang thang kể chuyện với cử chỉ, điệu bộ, thêu dệt hay ho như diễn trò... Tại các cung điện hoàng gia cũng thế, được vui chơi tiệc tùng cho đến khuya. Đêm đó, có lẽ đức vua Suddhodāna và công chúa Yasodharā là vui nhất.

Sáng ngày, mây lành, gió nhẹ, nắng vàng như lụa mỏng nhẹ phủ khắp kinh thành. Mọi người đầy đặc võ trường hớn hở chờ đợi cuộc thi cỡi ngựa...

Người và chiến mã đã sẵn sàng ở điểm xuất phát. Ai ai cũng đăm đăm nhìn Kāḷudāyi vì chàng có nước da đen lại ngồi trên lưng chú ngựa ô! Mahānāma oai vệ và nhàn nhã trên lưng con ngựa hung hung đỏ, ai cũng tin chắc chàng sẽ thắng. Kimbila với võ phục màu sáng, nước da trắng trẻo, lại ngồi trên lưng con bạch mã, trông đẹp vô cùng. Bhaddiya thì có vẻ tự tin, chủ nhân con ngựa hoàng kim nổi tiếng bấy lâu nay. Devadatta tướng người cao lớn, phương phi, hùng dũng với chú chiến mã lai giống Sindhu uy danh vô địch. Siddhattha, võ phục màu trắng thanh lịch, lúc nào cũng với chú ngựa Kaṇṭhaka màu ngà voi, mảnh mai, thon nhỏ... hiền lành và ngoan ngoãn hết mực...

Trống đánh, cờ phất... đoàn ngựa vọt đi. Cái bóng ngựa cao lớn của Devadatta không mấy chốc đã dễ dàng dẫn đầu. Cái bóng đen của Kāḷudāyi bám riết theo sau... Nhưng mà ô kìa, cái vệt trắng của Kimbila đã bức lên, bức lên...; và chỉ vài hơi thở sau là Kimbila đã cho các bạn hít bụi... Cái vệt hung hung đỏ của Mahānāma cũng không dễ dàng bỏ cuộc, đang cùng với Virulhāka, Anudāma, Bhaddiya... phi bên nhau như đang còn giữ sức ngựa. Còn thái tử Siddhattha và ngựa Kaṇṭhaka đâu rồi? A, con ngựa Kaṇṭhaka đang nhàn nhã gõ vó ở sau cùng, nhưng khi mà Kimbila đã vượt khỏi Devadatta chừng mươi đầu ngựa thì Kaṇṭhaka mới bắt đầu ra oai. Nó bất chợt dựng bờm, hí một tràng dài rồi lao đi như ánh sao băng. Nó lần lượt bỏ năm bảy chú ngựa sau cùng, bỏ vệt hoàng kim, bỏ vệt hung đỏ... rồi nó bỏ luôn vệt trắng! Chưa thôi, đến ngang đây, Kaṇṭhaka mới bắt đầu trổ uy thần mã, nó không chạy nữa, mà nó bay. Nó bay nhẹ nhàng, chập chờn, như mây, như sóng... Nó lướt êm ru như lướt trên một tấm thảm nhung... Khi Kimbila, Mahānāma, Devadatta, Kāḷudāyi, Virulhāka, Bhaddiya, Anudāma... trước sau vừa qua khỏi vòng đua thứ nhất, thì nó đã ở cuối vòng đua thứ hai! Từ đây, biết chắc mình đã thắng rồi, Kaṇṭhaka bắt đầu biểu diễn. Nó phi kiểu lượn sóng, người ta chỉ thấy những lượn sóng trắng ngà nhấp nhô, nhấp nhô đều đặn, mềm mại, uyển chuyển... Nó phi kiểu lằn chớp, cả người và ngựa chỉ còn thấy một luồng ánh sáng bay ngang... Cả võ trường đồng lúc như đứng cả dậy, dường như họ không còn thấy chú ngựa nào nữa cả, chỉ có Kaṇṭhaka... với những pha biểu diễn ngoạn mục! Tiếng hoan hô, ca ngợi, vỗ tay, đập trống, gõ chiêng... như trời long, đất lở...

Kaṇṭhaka đã dựng đứng hai chân, tại đích đến, cuối vòng thứ ba; nó hí một tràng rất dài như tự thưởng cho mình đã chiến thắng một cách oanh liệt! Channa, người hầu ngựa, la hét đã khản giọng, bây giờ đến bên Kaṇṭhaka, vuốt ve, âu yếm, sung sướng nói lớn:

- Đối với Kaṇṭhaka, tất thảy ngựa trên thế gian đều là ngựa què!

Kimbila thật lâu sau đó mới về nhì, tiếp đến Mahānāma, Kāḷudāyi, Virulhāka, Anudāma, Bhaddiya, Devadatta... về ba, tư, năm, sáu, bảy, tám... còn các ngựa khác thì có vẻ uể oải bỏ cuộc. Devadatta lững thững dắt ngựa đến khiếu nại với giám quan và giám khảo:

- Nếu có con ngựa Kaṇṭhaka thì ai cũng có thể thắng trận một cách dễ dàng! Cuộc thi này không công bằng. Ngựa giỏi chứ không phải người giỏi. Ai có gan cỡi con Ngựa Sư Tử trong hoàng cung mới là tay bản lãnh!

Vua Suppabuddha tận mắt chứng kiến các cuộc thi, ngài thấy rõ ở bộ môn nào, thái tử Siddhattha cũng vượt trội. Vượt trội trên cả sự tưởng tượng của mọi người. Vị thế vô địch ấy có khoảng cách trời vực, không thể so sánh nổi... Devadatta, con ta, có quá đáng không, còn gì nữa mà không phục? Tuy nhiên, cha nào mà không thương con, không có chút thiên vị? Siddhattha thắng thì đã thắng rồi, nhưng hãy cho chúng thử xem, để cho con ta gỡ gạc một chút thể diện, đức Suppabuddha bèn nói với vua Suddhodāna:

- Phiền hoàng huynh hãy ra lệnh cho mang con Ngựa Sư Tử ấy ra đây!

- Nó dữ lắm - đức Suddhodāna dè dặt nói - Nó là một con ngựa chướng, thường khóa mấy vòng xích sắc mà cột nó lại!

Vì cuộc vui đang trên đà hưng phấn, nên ai cũng khẩn cầu cho mang Ngựa Sư Tử ra. Đức vua Suddhodāna ngần ngại, nhưng thái tử Siddhattha đã mỉm cười nói:

- Xin vương phụ hãy an tâm. Hãy để cho tất cả mọi người được mãn nguyện.

Thế rồi, bốn lực sĩ đã dẫn Ngựa Sư Tử đến. Nó có sắc màu đỏ nâu vàng, vằn vện và cao lớn dị thường. Nó đưa mắt khinh thị nhìn mọi người và đồng loại. Một vài chú ngựa thấy oai của nó, vội thụt lui... Mahānāma, Kāḷudāyi, Bhaddiya... đồng đến ngăn cản:

- Không được đâu, hãy bãi bỏ cuộc so tài này. Thái tử Siddhattha đã mười phần thắng cuộc, mà chúng ta, giỏi lắm cũng mới chỉ hai, ba là cùng!

Thái tử đến vỗ vai các bạn, trấn an. Devadatta ỷ sức mạnh, hô quân hầu dạt ra rồi hăm hở bước tới, nhảy vút lên. Con ngựa đứng im. Nhưng khi Devadatta vừa kéo cương, là nó đã gầm lên một tiếng, rồi nó nhảy sóng, nó hắt sóng, nó dựng bờm, nó dựng đứng hai chân... bất chợt, nó lao nhanh... dừng phắt lại! Devadatta đã giữ cương, nắm bờm, ôm cổ... rất chắc, rất vững, rất giỏi... nhưng với thủ đoạn quá quắt như thế, Devadatta đã bị bắn về phía trước như bao giẻ rách, may mắn là chưa gãy tay, gãy chân... Đến phiên Kimbila, chàng rất tự tin, hai chân quặp vào lưng ngựa như hai móc sắt. Tha hồ cho ngựa dồn tới, hắt lui, dợn sóng... chàng vẫn trụ vững. Nhưng sau đó, một cú nhảy ngược, phi, đạp, lắc... bất ngờ của chú ngựa hoang dại, Kimbila phải té nằm chỏng cọng... Con ngựa bất trị, hung dữ - có lẽ tức giận người đã ở lâu trên lưng mình - quay lui định giẫm đạp Kimbila; nhưng bốn tên lực sĩ vốn dày dạn kinh nghiệm, đã kịp thời chạy đến cứu...

Ở các khán đài danh dự, mọi người cả kinh, thất sắc. Vua Suddhodāna hô lớn:

- Quân bây đâu! Hãy nhốt nó vào chuồng!

Thái tử bình tĩnh bước ra, nói lớn:

- Xin vương phụ chuẩn tấu! Hoàng nhi cũng phải cỡi con ngựa ấy mới công bằng!

Channa chợt mỉm cười, đến nói nhỏ gì đấy với thái tử, người ta chỉ thấy thái tử gật gật đầu. Xong, chàng an nhiên với nụ cười bước đến, dịu dàng đặt tay lên bờm ngựa, vuốt ve ra chiều thân thiết. Lát sau, thái tử ôm đầu ngựa, cúi sát vào tai nó, nói những lời từ ái, không ai nghe cả:

“- Con thân mến! Ta không có làm hại con đâu! Ta đến với con không phải để hống hách, để làm ông chủ; mà ta đến với con như đến với một người bạn, một người bạn thân ấy mà!”

Nói xong, rất tự tin, ngài thò tay tháo gỡ mấy sợi xích sắt còn buộc trên cổ, chân và bụng nó. Con Ngựa Sư Tử đứng im như lặng lẽ quan sát “địch thủ” làm gì! Đôi mắt của nó thường đỏ như máu, thường ửng lên sòng sọc... đã bắt đầu dịu lại. Nó nhìn thái tử. Thái tử nhìn nó. Bốn con mắt gặp nhau. Một năng lượng từ hòa, mát mẻ... từ thái tử như được tuôn tràn qua “tâm hồn” con ngựa dữ. Chợt nó đưa cái đầu “gạ gạ” nhẹ vào tay thái tử như quen thân nhau đã lâu rồi! Đưa tay đặt nhẹ lên lưng ngựa, thái tử nhảy lên. Bây giờ, con Ngựa Sư tử đã trở nên ngoan ngoãn, thuần thục, hiền lành; nó cất từng bước nhịp nhàng, chậm rãi... trước những tiếng reo hò của muôn vạn người ngưỡng mộ...

Devadatta cùng các vị vương tôn, công tử... cả hai quốc độ, đồng chạy lại, khoanh chéo hai tay trước ngực, cúi đầu xuống trước thái tử:

- Chúng đệ hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. Chúng đệ vô cùng vinh hạnh được thất bại trước bậc đại anh hùng “Thần võ khôi nguyên lưỡng quốc”

Đức vua Suppabuddha hớn hở bước đến vỗ vai thái tử, nói lớn:

- Con đã trổ tài vô địch một cách rất oanh liệt, rất từ tốn mà cũng rất khiêm cung. Ta thật rất sung sướng mà ban viên trân châu vô giá này cho con đây!

Yasodharā đã nép mình sau lưng cha. Vua Suppabuddha cười ha hả, nắm bàn tay của con gái mình, đặt vào bàn tay của thái tử Siddhattha trước sự chứng kiến của hai dòng tộc, trước sự hò reo như động đất, như vỡ núi của muôn người...


[1] Sơ thiền: Là định có tầm, tứ, phỉ, lạc, nhất tâm. (Định ngàn xưa của bà-la-môn.)

[2] Ba tòa cung điện tráng lệ, nguy nga hy hữu này, được mô tả chi tiết trong các kinh Sukhumāla sutta, Māgandiya sutta...và những bộ chú giải, phụ chú giải...

 



 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn