(Xem: 1493)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

1.21- Gặp gỡ đức vua SENIYA BIMBISARA ...

11 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 9612)

Một cuộc đời, Một vầng Nhật Nguyệt

Tập 1

<Ngheblank: Rừng khổ hạnh


1.21- Gặp gỡ đức vua SENIYA BIMBISARA

Mờ sáng hôm sau, Siddhattha lên đường. Các đạo sĩ đã đứng lố nhố nơi này, nơi khác. Một vài vị đứng xa, lặng lẽ nhìn. Những đôi mắt thân thiện. Vài đạo sĩ khác quyến luyến đến gần, ôm vai, buồn bã. Đạo sĩ Pukkusa cụ bị y bát muốn đi theo nhưng Siddhattha bảo không nên, hẹn lúc nào tìm được đạo lớn, giải thoát trọn vẹn sinh tử khổ đau, lúc ấy hãy hay.

Len lỏi giữa mấy khu rừng, Siddhattha nhắm hướng Đông nam. Sương mai lành lạnh bờ vai. Nắng nhẹ, mỏng đã hừng lên từ phương Đông. Lâu sau, Siddhattha đã bước vào xa lộ, bỏ bắc Vesāli đạp xuống sông Gaṅgā. Nhìn xóm làng, sinh hoạt, người và cảnh, Siddhattha thấy đây đúng là một quốc độ giàu mạnh. Chốc chốc, Siddhattha bắt gặp một vài đoàn thương buôn, hoặc xe ngựa, xe bò hoặc lạc đà... chất đầy hàng hóa đổ xuống Māgadha . Chốc chốc có vài toán kỵ mã lướt qua, phục sức giáp bào, đai hia, mũ miện, vũ khí chói ngời - Siddhattha biết rằng đấy là giai cấp chiến sĩ oai hùng của dòng dõi Licchavī. Họ có từng toán mặc toàn xanh, toàn đỏ, toàn vàng... trông đẹp đẽ, quy củ... và nghe đâu quân đội của họ rất nghiêm minh, kỷ cương.

Trưa, Siddhattha đi bát ven một xóm chợ. Dân chúng đặt bát rất tôn kính và thân thiện. Một, có lẽ là nhờ đức cảm hóa của đạo sư Ālāra, hai là nhờ truyền thống giáo dục tâm linh của vương triều. Lúc dừng chân độ thực hoặc nghỉ ngơi tại các lùm cây mát mẻ bên vệ đường, Siddhattha gặp các đạo sĩ khổ hạnh. Họ vẫn có bát xin ăn nhưng chỉ cần một vá, một muỗng... mà thôi! Với hình hài khô gầy, đôi mắt sâu hoắm, râu ria xồm xoàm, tóc tai như tổ quạ, với tấm y dơ dáy, rách nát, họ dường như chỉ chú trọng vào việc làm cho khô kiệt nhu cầu thân xác. Một vài góc rừng, Siddhattha gặp mấy đạo sĩ lõa thể... họ cố tránh nơi làng xóm hoặc có người qua lại..., chỉ dùng củ, trái, lá cây qua ngày... để tu hành ép xác, hành thân hoại thể.

Một vài lần đàm đạo xảy ra trên đường. Siddhattha biết rằng, dân chúng các nơi rất kính trọng các bậc tu khổ hạnh. Và quan điểm chung chung của các đạo sĩ này tương tợ nhau. Thân xác nhiều tham muốn quá cho nên khổ. Vậy muốn chấm dứt khổ thì phải triệt tiêu nhu cầu của thân xác, làm cho mọi cảm giác đều phải trơ lì, yên ngủ. Khi mà tinh thần con người không còn nô lệ thân xác nữa, nó sẽ thăng hoa, nó sẽ giải thoát, nó sẽ thể nhập làm một với đấng Tuyệt đối, với Phạm thể vô biên! Siddhattha không góp ý, không tranh luận, chàng chỉ lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm. Có rất nhiều pháp môn lạ lùng, Siddhattha đã gặp gỡ trên đường, nói không hết, kể không hết - chàng tự nghĩ, chưa vội tin mà cũng chưa vội bỏ - phải nghiên cứu toàn bộ, sau này.

Do chẳng có gì phải vội vã nên chỉ sáu do-tuần mà Siddhattha đi mất mười hôm mới đến được bên này sông Gaṅgā. Tại một bến thuyền, Siddhattha chứng kiến một cảnh tượng huyên náo, lạ lùng chưa hề thấy ở trong đời. Không biết bao nhiêu là đạo sĩ, tu sĩ phục sức, y áo khác nhau, với những sinh hoạt khác nhau. Có nhóm đứng bên sông lầm thầm chắp tay cầu nguyện. Có nhóm xuống tắm nước sông thiêng để rửa sạch cho kỳ hết bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng tiền khiên. Có nhóm người nhập định, phơi xác trần dưới sự nung nấu của mặt trời. Siddhattha thanh thản dạo gót ven bờ nước đục đỏ ngầu, trên bãi cát vàng mênh mông, vô tận... Đâu cũng là người, đủ mọi màu da, mọi giai cấp, mọi tuổi tác. Tất cả là đàn ông. Đàn bà chỉ lác đác một vài. Ai nấy đều thản nhiên. Dường như chẳng ai chú ý đến ai. Ai có công việc nấy. Một số đàn ông đang sắp xếp một giàn hỏa thiêu. Vài ba đám ma đang đặt xác tử thi trên một bãi đất trống. Từng đàn bò, ngựa, lạc đà xuống sông uống nước. Những sạp hàng lớn, nghễu nghện hàng hóa đang rục rịch chuẩn bị xuống thuyền sang sông. Có năm, bảy người đàn ông phục sức y áo lòe loẹt, diện mạo lạ hoắc... đang cân đo đong đếm bên những kiện hàng. Họ có thể là từ các xứ Ba Tư, Ả Rập sang đây giao thương, buôn bán làm ăn.

Đây đúng là một xứ sở năng động, phồn vinh với những sinh hoạt phong phú, đa diện, còn Kapilavatthu chỉ như là một quận huyện nhỏ bé. Siddhattha nhờ một thuyền buôn sang sông. Ôi, sông rộng mênh mông, lềnh bềnh xác tử thi và rác rưởi. Thuyền qua, thuyền về tấp nập. Có những chiếc thuyền lớn chở luôn cả cừu, dê, bò, ngựa, lạc đà... cùng với hàng hóa nặng trĩu...

Phía Nam sông Gaṅgā trông nhộn nhịp, tấp nập hơn cả bờ Bắc. Siddhattha dừng chân giây lát nơi bến sông để chứng kiến một cảnh hỏa thiêu, chứng kiến một xác người - chưa cháy hết - được thả trôi. Cũng giống như ở Kapilavatthu, chẳng ai khóc lóc, tiếc thương những người thân thuộc. Ai cũng quen với sự sống, sự chết. Là lẽ thường. Thần Agni sẽ đưa linh hồn lên mây xanh. Thần Rāma sẽ cho hóa sanh một kiếp khác hay cho về ở với người. Niềm tin ấy cho họ sự bình thản, an nhiên. Chết đi, nghĩa là từ bỏ thân xác bệnh tật, già nua, hủy hoại, tan rã... để mượn lại một thân xác mới trẻ trung hơn, tràn trề sinh lực và sự sống hơn. Quan niệm chung của tôn giáo ngàn đời hóa ra cũng giải tỏa được nỗi khổ trước lưỡi hái của tử thần.

Dừng chân tại thị trấn Pāṭaligāma thương mãi phồn vinh vài hôm, Siddhattha quan sát, ngắm nhìn, lắng nghe mọi sự. Nhất là dân tình, quan niệm sống của họ cùng sinh hoạt các tôn giáo. Qua tiếp xúc với một số đạo sĩ, Siddhattha biết rằng, tại quốc độ Māgadha tồn tại nhiều giáo phái, cả trong và ngoài truyền thống. Hóa ra đạo sư Ālāra thuộc một phái nhỏ - Saṅkhya - một trong sáu phái bà-la-môn hưng thịnh ở đây. Có một số giáo phái không chấp nhận quyền uy của thánh kinh Vệ-đà, của Áo nghĩa thư, họ tự lập ra từng nhóm riêng, có quan niệm và cách thức tu tập riêng. Tuy nhiên, bất kể sa-môn, bà-la-môn, đạo sĩ nào thì dân chúng đều ủng hộ, đều đặt bát cúng dường. Đây là xứ sở tự do tôn giáo, tín ngưỡng đúng nghĩa; nhờ mưa thuận gió hòa dân chúng an cư lạc nghiệp, theo đó, các giáo phái phát triển khắp mọi nơi.

Vật thực của cư dân mộ đạo xứ này còn phong phú hơn cả Vesāli. Cứ vừa khất thực vừa nghỉ ngơi, Siddhattha lại xuôi theo xa lộ thương mãi về thủ đô Rājagaha (Vương Xá). Chàng nghe đồn phương Nam Rājagaha có đạo tràng của đạo sư Uddaka Rāmaputta nổi danh nhiều phương. Ông ta có bảy trăm đồ chúng đoanh vây tu học. Chàng phải đến đấy để chiêm bái và học hỏi.

Bảy, tám hôm sau, Siddhattha đã đi vào thủ đô của nước Māgadha (Ma-kiệt-đà), một kinh đô hoa lệ, giàu sang, cực thịnh nhất thời bấy giờ. Dù kiến thức địa lý của Siddhattha có sâu rộng cũng không hình dung được thế núi, thế sông hùng vĩ như thế này. Hóa ra kinh thành Rājagaha nằm giữa một thung lũng mênh mông được bao quanh bởi nhiều dãy núi. Kéo chênh từ hướng Tây nam lên hướng Đông bắc là hai dãy núi Vaibhāra Virgāla như một bức tường thành. Phía cuối của núi Virgāla lại mọc ra dãy núi Rāma đâm thẳng góc xuống hướng Nam . Sau đó, dãy núi Chattha lại đâm thẳng góc với Rāma rồi đổ về hướng Đông. Xa về phía Nam là dãy núi Udāya, đổ xuôi về Tây nam lại bắt gặp núi Sona hùng vĩ. Cả hai dãy núi này dường như song song với hai dãy núi VaibhāraVirgāla - nghĩa là kéo dài từ Đông bắc xuống Tây nam.

Vậy là kinh thành Rājagaha nằm trong một thung lũng hình chữ Z, được bao bọc bởi hai bức tường thành. Bức tường ngoại thành là vành đai khổng lồ, đá dựng lô nhô cùng với rừng xanh mát mẻ. Với sức người, sức của, thời gian, công phu xây dựng bức tường đá vĩ đại như thế quả thật chỉ có ý chí của một đế quốc mới làm nổi. Nó bạo liệt cắt ngang núi Sona, chạy dài qua sông suối, bình nguyên, vượt lên núi Vaibhāra, chạy theo đường “giông” của núi này, đến hết núi Virgāla. Từ đây, đổ về Nam , nó xuôi mãi, trượt lên núi Udāya, rồi theo đường “giông” của núi này xuôi về Tây nam. Chu vi bức tường ngoại thành nghe đâu không lớn lắm, chỉ độ chừng ba bốn do-tuần nhưng có lẽ là công trình vĩ đại thời bấy giờ.

Bức tường nội thành bao quanh cổ thành Giribbāya, là nơi biệt lập của hoàng cung, kế đó là dinh cơ của hoàng gia, quý tộc, các đại thần, quan lại, võ tướng... Từ đó, các con đường lát đá, xa rộng ra là phố phường sầm uất của giai cấp Vệ-xá, quý tộc làm thương mãi, thị dân giàu có với hàng trăm, hàng ngàn tiệm tạp hóa. Rồi còn xưởng rèn đúc vũ khí, dinh xưởng quân trang, quân dụng của hoàng gia, chiến sĩ. Cung vua được xây dựng bằng nền đá, tường đá; nhưng kết cấu các tòa nhà, dinh thự, lâu đài lại bằng gỗ quý.

Vùng thung lũng trải rộng giữa nội ngoại thành là làng xóm, nhà cửa của giới trung lưu, gồm tất cả mọi ngành nghề khác. Đây là vựa lúa, vựa trái cây, rau cải... cũng là nơi chăn thả gia súc như dê, bò, cừu... Có cả những trại nuôi ngựa, voi cho hoàng gia và chiến sĩ. Điểm xuyết giữa thung lũng này là trang trại lớn của một số đại thần, quý tộc, kỹ nữ, võ tướng... Nhiều nhất là những vườn xoài, vườn cây thuốc, vườn đinh hương, hồi hương, chà là, các loại đậu, củ... Riêng cây thốt nốt làm đường, mật thì ở đâu cũng có, hàng hàng lớp lớp bao quanh xóm nhà, quanh công viên, dọc theo xa lộ thương mại...

Giữa khoảng hở của các ngọn núi là những cổng thành cao lớn, kiên cố. Cổng đi lên phía Bắc được gọi là cổng Bắc. Tương tợ thế, cổng Đông, cổng Nam ...

Như vậy, địa thế của Rājagaha được phòng thủ một cách kiên cố và vững mạnh, không có quân đội nước nào xâm nhập nổi nên tạo được thế hùng cường và giàu mạnh dài lâu.[1]

Nhờ giàu sang và thịnh vượng như vậy nên đất nước này là nơi hội tụ nhiều sắc màu của các giáo phái khác nhau. Cứ hễ nghe đâu có các nhóm tu tập là Siddhattha tìm đến. Quả thật là nơi này quyền uy của thánh kinh Vệ-đàÁo nghĩa thư đã bị lung lay. Có những phong trào muốn đi tìm những giá trị tâm linh mới, con đường mới. Một số đã đi quá đà, rơi vào duy vật luận thô thiển, ngụy biện, hý luận, đoạn diệt kiến - trở thành tà đạo nhưng vẫn tồn tại, vẫn được rao giảng đó đây. Ai nghe thì nghe. Ai tin thì tin. Ai không nghe, không tin thì thôi, chẳng đụng chạm đến ai cả. Đúng là trăm hoa đua nở, nên kinh thành này, thời này được xem là đỉnh cao của triết đạo học.

Siddhattha đã đến nhiều nơi để nghe các đạo sĩ trong truyền thống rao giảng. Gọi là truyền thống nhưng họ đã giảng giải lại Vệ-đà - nên được gọi là Vedantā - cho phù hợp với thời đại mới. Một số trong các vị này muốn giữ lại một ít “mật truyền” có lợi cho các tế sư - để họ độc quyền liên hệ với thần linh. Nói chung, họ cũng tìm về Nhất thể nhưng do lý luận dài dòng, úp mở, mâu thuẫn, nhiều kẽ hở... nên chẳng giúp gì thêm cho kiến thức của chàng cả. Vả lại, kể cả Vệ-đà, kể cả những quyển kinh cổ xưa của dòng dõi Aryan, Siddhattha đã thông thuộc - nên chàng thấy kiến thức của bọn họ chắp vá, đứt nối, nghèo nàn... chẳng có giá trị gì. Nếu nghe ai nói đến Brāhman, Ātman... những cái ngã thường tại, bất tử... đồng với hư không, đồng một với hạt cải, hạt sung, hạt mè gì gì đó thì chàng không muốn nghe nữa. Siddhattha đã đầy mứa, no ứ loại kiến thức cũ xưa ấy. Một vài nơi nói về nghiệp, tham dục, vô minh... là công của các nhà luận giải đi sau Vệ-đà, thì nghe được, nhưng vẫn còn nông cạn, mù mờ.

Siddhattha chán nản nhất là miệng lưỡi của một số đạo sĩ duy vật luận, đoạn kiến, hư vô chủ nghĩa... Họ phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế, linh hồn, chủ trương không có thiện ác, khi thân xác thiêu rồi thì chẳng còn gì nữa. Vậy hãy hưởng thụ dục lạc cho sung sướng. Họ chỉ trích các đạo sĩ khổ hạnh diệt dục: “Này bạn! Bạn muốn quăng bỏ cả hạt thóc vì bên ngoài bao bọc vỏ trấu chăng? Hành hạ thân xác quả là đồ khùng, đồ điên!” Lạ lùng làm sao - là với chủ trương như vậy - họ vẫn không được mọi người xem là đối kháng xã hội, hoặc “phi đạo đức”, có hại cho nhân sinh. Một số khác tuyên bố xanh rờn về học thuyết “hoài nghi chủ nghĩa”. Họ hoài nghi linh hồn, Thượng Đế, thánh thần, thiện ác, các giá trị đức lý, định mạng... Họ hoài nghi tất tần tật. Chúng nhung nhúc, nhan nhản..., mọc lên tươi tốt như nấm sau vài trận mưa cuối mùa hè. Họ đi từng đoàn, từng lũ, đả phá giáo phái truyền thống, đền miếu, tập cấp bà-la-môn và các tế sư. Nhưng quả lạ lùng làm sao, dân chúng lại thích nghe họ nói, khoái chí cúng dường, cung cấp tứ sự đầy đủ. Có lẽ đây là phản ứng nghịch để tạo sự quân bình cho xã hội. Các ông bà-la-môn trịnh trọng, đạo mạo, nghiêm trang từ lâu đã bóc lột họ quá nhiều trong các cuộc tế lễ, ma chay; chủ ruộng đất, chủ các trang trại của các bà-la-môn lại sử dụng sức lao động của nông nô với giá chết đói – cũng thế.

Còn ta-bà khổ hạnh sư thì quá nhiều, từ khổ hạnh thô tháo đến khổ hạnh cực đoan nhất. Và nói chung, mọi hình thức khổ hạnh đều được dân chúng trọng vọng, sùng mộ. Dấu hiệu chung của các đạo sĩ khổ hạnh là từ bỏ gia đình, vợ con, tài sản, tự do để râu tóc, tự do mặc nhiều kiểu y áo khác nhau, hoặc tự do chỉ che chút ít cho có lệ! Tùy. Riêng có nhóm cứ để trần truồng - lõa thể - thì họ thường ẩn dật trong rừng rậm hoặc nơi xa xóm làng để khỏi quấy rầy mọi người, nhất là đàn bà, con gái. Vị nào khổ hạnh kỳ quái nhất, dị hợm nhất thì được mọi người nể trọng nhất. Làng xóm sẽ tự hào về họ, xem họ như bậc thánh.

Có vị tu khổ hạnh với mục đích chẳng tốt đẹp gì: Chỉ để cho oai, cho ghê gớm - một cách hiếu danh, một cách phô trương bản ngã.

Có vị tu khổ hạnh với mục đích mong cầu đánh đổi phúc lạc ở đời sau, sung sướng gấp trăm ngàn lần bây giờ.

Có vị tu khổ hạnh thiền định để sau này bay được như chim, qua sông không cần đò, thuyền. Hoặc đi xuyên tường, độn thổ, biết rõ chuyện quá khứ, vị lai.

Có những vị cao thượng hơn - là khổ hạnh để diệt dục, để giải thoát kiếp người, mong sau này cộng trú với chư thiên, phạm thiên hay thể nhập với Thượng Đế.

Tất cả họ có nhiều cách hành hạ thân xác thật khủng khiếp. Khổ hạnh như bò thì làm hai cái sừng bò trên đầu, cột đuôi bò phía sau, sống giữa bầy bò, ăn như bò, đi như bò, ngủ như bò. Khổ hạnh như chó thì sống như chó, đi như chó, ăn dưới đất, sủa hâu hâu và nằm ngủ cũng cuộn mình như chó. Khổ hạnh kiểu nhịn ăn thì nhịn ăn cho tới chết. Có vị nửa tuần trăng mới ăn một lần. Có vị chỉ ăn một lần vào cuối mùa trăng. Có vị ngâm dưới nước suốt ngày. Có vị tự treo chân, treo tay lên trên cây cho đến khi teo chân, teo tay luôn! Có người cột mình lên cây bằng một sợi dây, mỗi ngày vài khắc như thế. Có vị luôn luôn ngồi chồm hổm và chỉ ăn cái gì rơi vãi xung quanh. Có kẻ đứng một chân, đứng mãi đứng hoài mặc cho cây leo mọc xung quanh, chim làm tổ trên đầu. Có kẻ suốt đời không ngủ. Có người nằm trên giường đinh hoặc nằm trên đống gai tua tủa. Có vị tự cắt bớt một tay, cắt bớt một chân. Có kẻ bẻ gãy nó rồi lấy giây cột lại mặc cho nó thối rửa với dòi bọ đục khoét... Tuy nhiên, đa phần các khổ hạnh sư này có tu tập thiền định, họ có tự chủ - nên sự đau đớn về thể xác họ chịu đựng được. Người ta nể sợ họ về khả năng đó.

Khắp xứ Māgadha , các đạo sĩ lang thang với cái bát xin ăn đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Thỉnh thoảng, vì tranh danh, đoạt lợi lại có vài ba cuộc đụng độ. Hãy lắng nghe họ nói, họ ngụy biện, họ bài bác, xách mé người khác mà chẳng đưa ra một ý tưởng khả dĩ là có kiến thức. Có kẻ say sưa nói về định mệnh thuyết. Theo đó, cái ăn, cái mặc, ngủ nghỉ, tư duy, vui khổ... không thể cải biến, không thể thay đổi được. Tuy nhiên, chẳng ai trung thành với ai cả. Họ tùy nghi gia nhập nhóm này, một thời gian lại chạy sang nhóm khác. Họ thay đổi “guru” (bậc thầy) như thay đổi món ăn. Tại kinh thành Rājagaha và các thị trấn thường có những căn nhà hội, là tụ điểm để cho muôn phương du sĩ, khất sĩ lang thang trú mưa nắng. Và thường là nơi xảy ra các cuộc tranh luận. Ai nói hay, thắng cuộc thì được vua chúa, các triệu phú gia, chủ ngân hàng, đại thương gia tặng nhiều vàng bạc, gia súc...

Siddhattha lắc đầu, vừa ngao ngán vừa mỉm cười. Quả là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chỉ mới non nửa tháng ở đây - kinh thành tâm linh này mà Siddhattha đã có thể khái quát, hình dung toàn bộ sinh hoạt tôn giáo, chí hướng, mục đích, con đường của giới xuất gia đạo sĩ.

Hôm kia, nghỉ ngơi trên núi Paṇḍavā, không xa kinh thành Rājagaha bao nhiêu, Siddhattha ngồi thiền nhưng tâm không an trú. Do kinh thành Rājagaha với những sinh hoạt của nó nên hình ảnh Kapilavatthu hiện ra. Rồi hình sương bóng khói quê nhà, phụ vương, di mẫu, Yasodharā, Rāhula... từ chập chờn đi đến rõ nét. Một dòng xúc cảm khởi sanh làm cho Siddhattha lao chao, không yên lắng được... Đã suốt đêm như thế.

Nắng sớm đã lên. Siddhattha ôm bát, thong thả đi theo con đường ruột dê xuống chân núi. Vừa đi chàng vừa trú niệm hơi thở để tìm lại sự thanh thản tâm hồn. Phải đi con đường mới, tức là con đường dẫn đến cổ thành Giribbāja có hoàng thành, cung điện của đức vua Seniya Bimbisāra nổi danh. Ở đây, dinh thự tiếp dinh thự, lâu đài tiếp lâu đài. Hình ảnh mấy tòa Cung Vui lại hiện ra nhưng Siddhattha an trú niệm được ngay.

Dáng dấp Siddhattha cao to, sang trọng, nước da như mạ vàng ròng, lại với bước đi trầm tĩnh, uy nghi... làm cho ai cũng phải chú ý, ngước đầu lên nhìn. Ở kinh thành này chưa có bóng dáng vị đạo sĩ nào khả dĩ thu hút mọi người đến thế! Là một vị xuất gia với giống dòng thượng đẳng, với bước đi khoan thai, ổn định, kiêu hùng như chúa sơn lâm... thế kia thì mọi người mới thấy lần đầu.

Siddhattha dừng lại, tầm mắt nhìn xuống, nghiêng người, đứng trước một ngôi nhà, không phân biệt họ giàu nghèo ra sao. Chàng trú niệm, không gian xung quanh bỗng yên lặng. Dường như những giọng nói, tiếng cười từ đâu đó cũng ngưng dứt. Một người, hai người, ba người rồi bốn người lặng lẽ ra đặt bát. Có lẽ là những món thượng vị đầy trân trọng. Thấy đã vừa đủ, Siddhattha lấy tay ngăn lại, thầm đọc vài ba lời quán tưởng và chú nguyện rồi quay lưng, bước đi, trở về bằng lối khác.

Siddhattha thoáng nghe từ sau gáy, từ bên tai... những cái nhìn, những lời bàn tán, xầm xì nho nhỏ: “Vị sa-môn này có lẽ không phải người mà là thiên thần.”

Đúng vậy! Cỗ xe bốn ngựa trắng đang chậm rãi đi ngang, đức vua Seniya Bimbisāra vén rèm, chăm chú nhìn tướng mạo, phong thái, bước đi của Siddhattha cũng tưởng là vị thiên thần nào. Ông ngẩn ngơ. Sao trên đời lại có vị đạo sĩ đẹp đến thế! Như sực tỉnh, đức vua Seniya Bimbisāra sai một tên quân hầu bí mật theo dõi Siddhattha xem chàng về đâu, nghỉ ở đền miếu, quán xá nào... rồi về tâu lại cho đức vua hay.

Xế chiều hôm đó, đức vua Seniya Bimbisāra thắng cỗ xe bốn ngựa trắng, dừng lại dưới chân đồi Paṇḍavā. Đức vua chậm rãi leo lên núi cùng với một tên thị vệ.

Siddhattha đang ngồi thiền trong bóng râm, hào quang như tỏa sáng từ khuôn mặt. Có một cái gì tôn nghiêm, tĩnh lặng tỏa ra xung quanh làm cho đức vua không dám cất tiếng. Ông đứng vòng tay tỏ vẻ kính cẩn. Lát sau, như có con mắt thứ ba, Siddhattha biết có khách nên chàng xả thiền. Nhìn vóc dáng bệ vệ, oai nghiêm, trang phục sáng ngời châu báu như... mình thuở nào, Siddhattha biết đấy là đức vua Seniya Bimbisāra nổi tiếng châu Diêm-phù-đề.

Rất tự nhiên, Siddhattha gật đầu chào, mỉm cười, chỉ cho đức vua chỗ ngồi trên phiến đá phẳng, còn chàng thì tìm chỗ ngồi đối diện.

Siddhattha điềm đạm nói:

- Phải chăng điện hạ là quốc vương Māgadha nổi danh đương đại? Xin ngài bỏ lỗi, là sa-môn nên tôi không thể làm lễ ra mắt như kiểu quần thần.

Đức vua gật đầu:

- Phải vậy. Trẫm là Seniya Bimbisāra, hôm nay đến đây rất lấy làm vinh hạnh được thăm viếng ngài sa-môn. Chẳng hay, ngài là ai? Là thọ thần? Là chư thiên? Là phạm thiên? Tướng mạo của ngài rất phi phàm, rất khác tục vậy.

Siddhattha cười nhẹ:

- Tôi là người phàm tục, tâu đại vương. Lại nữa, lộ trình tầm đạo còn nhiêu khê, tối tăm - đâu xứng đáng để đức vua oai hùng coi trọng đến thế!

Thấy lời lẽ thanh cao, ngôn ngữ lưu loát, lịch thiệp..., đức vua đoán đây không phải là kẻ tầm thường, bèn tâm sự:

- Ôi! Trẫm lên ngôi từ tấm bé - lúc phụ hoàng của trẫm mất. Mới mười bốn tuổi mà phải làm người lớn, phải chính đính, trang nghiêm, mẫu mực để cầm quyền trị nước. Năm nay trẫm hai mươi bốn tuổi. Vậy là đã suốt mười năm, trẫm không có tuổi thơ, không có sự hồn nhiên; lúc nào cũng phải lo nghĩ, tính toan trăm việc, không có niềm vui, không có nụ cười! Bao nhiêu năm qua, trẫm không hề có một người bạn để hàn huyên tâm sự. Xung quanh hàng trăm người, lúc nào cũng khúm núm, chào thưa, tuân phục, bách tuế, vạn tuế... Cũng chẳng trách họ được vì đó là luật lệ của triều đình, vì quyền uy của trẫm là tuyệt đối. Nhưng mà kỳ lạ làm sao, sáng nay, vừa thoáng thấy sa-môn, trẫm liền có cảm giác như là một người bạn thân lưu lạc từ kiếp nào. Trẫm ước ao rằng, sa-môn hãy cùng về với trẫm, làm bạn với trẫm. Với vừng trán, đôi mắt, ngôn ngữ, nụ cười... ở nơi sa-môn - trẫm biết chắc sa-môn là người ưu việt, thông tuệ, trí tài, đức hạnh đều vượt bậc, vượt xa con người. Nếu có sa-môn bên cạnh tham mưu, cố vấn, trẫm biết chắc nước nhà sẽ hùng cường và muôn dân sẽ ấm no, hạnh phúc hơn nữa.

Siddhattha quan sát đức vua, thấy ông ta có vẻ chí tình, lại có phong độ của bậc minh quân, chàng dịu dàng nói:

- Cảm ơn những lời vàng ngọc của đại vương! Nhưng tôi đã quen đời sống độc cư, thích chỗ hoang vu, u tĩnh của núi rừng mất rồi. Chốn hoàng thành hoa lệ không còn thích hợp với tôi nữa đâu.

- Đời sống sa-môn không cửa, không nhà cực khổ quá. Vật thực xin ăn tùy thí chủ, đâu có đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Mặc thì chỉ có một manh áo mỏng. Nằm ngủ thì chẳng có giường chiếu, chăn màn. Thôi, hãy về thành với trẫm đi, trẫm sẽ tặng một cung điện cao sang và tiện nghi nhất. Trẫm lại còn lựa chọn cho vài chục mỹ nữ xinh đẹp nhất thành Rājagaha làm kẻ hầu người hạ xung quanh. Họ sẽ nâng khăn, sửa túi, xếp gối, giăng màn...

Siddhattha cúi đầu, nhũn nhặn:

- Xin trân trọng tấm lòng và thiện ý của đại vương. Quả thật đấy là đặc ân tối thượng của đại vương. Nhưng tôi không quen với đời sống ấy. Tôi đang đi tìm ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng của đời sống con người. Tôi sẽ tìm cho ra đạo lộ bất tử để cứu khổ cho muôn sinh. Đấy mới là mục đích của tôi, tâu đại vương!

Đức vua Seniya Bimbisāra vẫn chưa chịu thua, muốn thuyết phục nữa, nhưng chậm rãi hỏi:

- Sa-môn năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

- Thưa, hai mươi chín tuổi.

- Ồ, vậy là còn trẻ quá. Chỉ lớn hơn trẫm có năm tuổi. Thôi, thế này vậy. Cùng về với trẫm đi, trẫm sẽ chia cho sa-môn một nửa giang sơn, cả hai ta sẽ cùng nhau cai trị và hưởng phúc. Ít chục năm sau, khi tuổi già, sức yếu, mọi lạc thú trên đời đều đã nhàm chán - thì cứ giao lại hết cho trẫm, rồi đi xuất gia cũng chưa muộn gì.

Siddhattha mỉm cười nụ, phê bình nhẹ nhàng:

- Đại vương nói không được đúng rồi! Con đường tu tập không đơn giản. Là lộ trình của chông gai, khổ luyện. Cần phải có sức vóc, ý chí, nghị lực... mới đi được tới nơi, tới chốn. Vậy đi xuất gia phải cần có nhiệt huyết và sức thanh xuân của tuổi trẻ. Nếu để già mới đi xuất gia, sẽ không thành tựu được gì, chỉ tìm được chút nhàn cư và bình an, tĩnh tại bên ngoài mà thôi. Còn khó khăn hơn nữa là hiện nay, sự tìm kiếm của tôi - mục đích, con đường - chưa hề có trên thế gian này, nên hành trang, tư lương lên đường cần có ý chí và nghị lực bất thối. Còn khó khăn vạn trùng. Và chỉ có tuổi trẻ mới làm được. Xin bệ hạ hãy tha thứ cho tôi, hãy cho tôi đi theo con đường mà mình đã chọn.

Đức vua Seniya Bimbisāra gật gù:

- Quả là hùng biện! Quả là hay! Thật là ngôn lời kiên định như đá tảng! Trẫm mới nghe lần thứ nhất trong đời. Và cũng là lần thứ nhất trong đời, có người được chia cho nửa giang sơn, cung điện, mỹ nữ, quyền uy mà không hề động tâm.

Nghĩ ngợi một lát, đức vua tiếp:

- Với con người như sa-môn, lập luận đanh thép, ý chí đanh thép, vừng trán cao phẳng, đôi mắt xanh trong thế kia... thì chẳng có khó khăn nào mà sa-môn không thành tựu được - kể cả là làm Chuyển luân Thánh vương toàn cõi châu Diêm-phù-đề này. Trẫm không bắt lỗi đâu, trẫm kính trọng và sự ngưỡng mộ được nhân lên nhiều lần nữa là khác.

Nhìn thần sắc an nhiên, trầm tĩnh của Siddhattha, đức vua chợt hỏi:

- Trẫm hơi tò mò, vậy chẳng hay sa-môn là người xứ nào, xuất thân, dòng dõi như thế nào - có thể cho trẫm biết với chăng?

- Dạ được, không sao! Siddhattha nói - Xa về hướng Tây bắc, dưới chân Himalaya hùng vĩ, có một gia tộc Sākya cổ kính, dòng dõi Thái dương anh hùng, kinh thành Kapilavatthu nhỏ bé, hiền hòa - là quê hương của tôi đấy!

- Ồ!

- Tên tôi là Siddhattha, họ Gotama, là thái tử con vua Suddhodāna còn tại tiền, mẹ là hoàng hậu Mahāmāyā đã mất sớm. Tôi lập gia đình lúc mười sáu tuổi, có được một con trai nối dõi...

- Cứ kể tiếp đi, sa-môn, trẫm muốn nghe!

- Từ lâu, tôi đã chán nản xa hoa ngũ dục ở ba tòa Cung Vui; lại còn sợ buộc ràng lúc phụ hoàng chọn ngày đăng quang vương vị - nên đã trốn mọi người, rời khỏi kinh thành, xuất gia tầm đạo - lúc nửa đêm, cách đây non vài tháng thôi, tâu đại vương!

Vua ngạc nhiên quá, thốt lên:

- Hóa ra sa-môn là một vị vua! Một vị vua đã khẳng khái phất tay từ bỏ vương vị, vợ đẹp, con xinh! Vậy là trẫm đã thất lễ. Trẫm đã lấy lợi danh, quyền uy, ngũ dục để quyến rũ người đã từ bỏ ngũ dục, danh lợi và quyền uy.

Đức vua lại xuống giọng, thân thiện:

- Vương quốc Sākya hiền hòa... với Māgadha của trẫm là chỗ thân quen từ nhiều đời. Từ đây đến đó chừng sáu bảy mươi do-tuần, không xa lắm. Vị đại vương Kosala oai hùng kế cạnh, đức vua Pāsenadi, cũng là chỗ thâm giao. Không giấu gì sa-môn, hoàng hậu của trẫm là em ruột của đức vua Pāsenadi. Lại nữa, trẫm sẽ có một chính sách ngoại giao với Kosala để cho Kapilavatthu được yên bình. Sa-môn đừng ngại gì cả. Hãy đi theo con đường của mình. Nhưng trẫm mong rằng, sa-môn hãy xem trẫm là bạn. Sau này, lúc nào tìm ra đạo lớn, sa-môn hãy ghé thăm quốc độ của trẫm, thăm trẫm và để cho trẫm được cúng dường tứ sự. Trẫm sẵn sàng cất lời hứa thiêng liêng, là sẽ ở bên cạnh, làm cánh tay phải, hộ trì “cái đạo bất tử” của sa-môn, được phát triển mạnh mẽ trong quốc độ này.

Siddhattha thấy vị vua trẻ tuổi, đầy quyền uy hiển hách mà hạ mình như vậy, bèn vô cùng trân trọng hứa khả, sau này đắc đạo sẽ trở lại xứ sở phồn vinh này.

Đức vua Seniya Bimbisāra cúi chào, từ giã, xuống núi. Siddhattha cũng chuẩn bị rời chỗ, chàng không muốn nhận thêm một ân sủng nào nữa của đức vua cũng như hoàng gia của xứ sở này. Biết chỗ, họ sẽ thăm viếng, tới lui. Rồi phải nói chuyện, chào hỏi, lắng nghe... làm mất của chàng biết bao thì giờ quý báu.

Chàng bước đi, lại theo đường mòn ruột dê, đến cổng thành phía Đông nam, từ giã Rājagaha, đến núi khác: Có một đạo sư ở không xa đây lắm, chàng phải tìm đến.

1.22- Vị đạo sư thứ hai 

Khu rừng của đạo sư Uddaka Rāmaputta trải dài ở sườn núi phía nam thuộc dãy núi Udāya, nằm ngoài bức tường thành thứ hai của kinh đô Rājagaha. Rừng cây với những gốc cổ thụ to lớn, mật độ thưa thớt, có vẻ nóng bức, vì thời tiết đang đi vào cuối hạ. Thỉnh thoảng, có vài cơn gió mang hơi lửa từ phương Nam thổi tràn lên, lá vàng rụng xào xạc. Vài con suối đã cạn khô, nước chảy róc rách len lỏi giữa các lèn đá, tụ thành từng vũng xanh trong đủ nước dùng cho người và vật. Đây đó từng cốc lá che dựng tạm thời lấp ló sau các hàng cây. Vài bóng đạo sĩ tới lui, tọa thiền hoặc kinh hành - trông thanh bình và yên ổn.

Đạo sư Uddaka năm nay chừng tám mươi tuổi, quắc thước, rắn rỏi, vầng trán cao rộng. Đặc biệt có đôi mắt sâu hoắm, nhãn quan lóng lánh có thần, biểu hiện một sức sống nội tâm có tu chứng, có sở đắc. Giáo pháp của đạo sư ảnh hưởng một vùng lớn rộng. Hội chúng có chừng bảy tám trăm người, kể cả xuất gia và tại gia.

Ông tiếp Siddhattha như một người học đạo bình thường, không hỏi xứ sở, gốc gác, dòng họ...; chỉ hướng dẫn những pháp sơ cơ. Siddhattha chưa muốn đi sâu, nghĩ là thời gian còn nhiều, chàng dự định xem xét một vài vấn đề nội tâm đang còn máy động, lao xao... Cũng giống như ở khu rừng của đạo sư Ālāra, Siddhattha phải tự mình làm một lều cây để che sương, đỡ gió. Sau đó, nhìn quanh bạn đồng đạo, ai làm gì thì chàng làm nấy, tìm cách hòa nhập với học chúng. Siddhattha lúc này đã thuần thục mọi sự - nên thấy cái gì cũng dễ dàng thông thuận, khế hợp.

Đạo sư Uddaka Rāmaputta, nghe nói không phải tự tu, tự chứng như đạo sư Ālāra Kālāma mà được học hỏi từ cố đạo sư Rāma - thiền phi tưởng, phi phi tưởng - là định cao nhất, lôi cuốn rất nhiều đạo sĩ tìm đến tu học.

Chương trình trong ngày, Siddhattha sử dụng giờ giấc tương tự trước đây. Đêm, hành thiền hai canh, nghỉ một canh. Ngày, theo bạn đạo đi khất thực các thôn làng ngoại ô Rājagaha; chiều, nếu rảnh rỗi chút ít, tìm khe suối xa vắng để tắm giặt, nằm nhìn ngắm mây trời, lắng nghe sự va động, các cảm giác tương giao phát sanh. Tất cả đều bình hòa, lắng trong, yên tĩnh. Đôi khi, sự an lạc kéo dài, thấm đẫm từ chân tơ kẽ tóc. Nhưng thỉnh thoảng, những câu hỏi, lẽ tử sinh, giá trị nền tảng của cuộc sống - lại trở về như một đám mây u ám đi qua vùng trời tâm thức. Dù trú các định, xuống lên các định khá thuần thục nhưng khi trở lại với ý thức thường nghiệm, Siddhattha thấy mình vẫn còn bất an, vẫn còn những phiền não vi tế.

Nửa tháng trôi qua lặng lẽ, hôm kia Siddhattha tìm gặp đạo sư Uddaka, chàng cặn kẽ trình bày lộ trình tu tập bấy lâu của mình - các tầng thiền, an trú và chứng nghiệm - những mong sự chỉ dẫn đúng đắn và cao minh hơn.

- Sao? Đạo sư Uddaka ngạc nhiên - trong vòng nửa tháng mà chàng trai trẻ đã đã lên đến thiền “vô sở hữu” à?

- Dạ thưa không - Siddhattha đáp - Tất cả các tầng thiền ấy, đệ tử đã học được từ đạo tràng của đạo sư Ālāra; và đệ tử đã đi xuống, đi lên, vào ra khá thuần thục.

Vị đạo sư già nua bây giờ mới chăm chú quan sát tướng mạo của chàng trai đối diện. Ồ, tướng mạo đẹp đẽ, tỏa ra sự trang nghiêm, chững chạc. Lại nữa, chàng ta có giọng trầm ấm, có ngôn ngữ trôi chảy lưu loát, có cách diễn đạt ý tưởng chân xác, sâu sắc. Đây là người có học vấn uyên bác, thâm sâu, không phải là kẻ tầm thường.

Thế là đạo sư ân cần trao đổi:

- Này, người bạn trẻ! Cái định “vô sở hữu” mà bạn chứng đạt từ đạo sư Ālāra khả kính - là một loại định bậc cao. Tuy nhiên, cái “vô sở hữu” ấy là một loại tri giác, một loại tưởng, chính xác là “tưởng không” đấy thôi. Lúc nào còn “tri giác”, còn “tưởng” thì vẫn còn năng tri và sở tri. Muốn bước lên một loại định cao hơn thế nữa - thì người bạn trẻ cần phải rời luôn cái tưởng ấy, cái tri giác ấy.

Siddhattha nhíu mày:

- Phải rời luôn? Phải rời luôn, phải lìa bỏ tri giác - nghĩa là “không còn tri giác” - thì có đồng nghĩa với gỗ đá không, thưa đức đạo sư?

- Hay, câu hỏi hay! Lìa tri giác, lìa tưởng - nhưng không phải là “không có tri giác”, “không có tưởng” như gỗ đá vô tri!

Siddhattha nói:

- Nhưng có một đạo sư khá nổi danh nói rằng: Gỗ đá vô tri cũng không phải là không có tri giác, vẫn là tri giác! Điều ấy phải được hiểu như thế nào?

- Đừng có tin vào những phát ngôn ngốc nghếch! Đấy là hý luận. Là mép rìa của duy tâm, duy vật cực đoan. Ngay cõi “vô tưởng” của chúng sanh “không có tưởng”, chỉ còn sự diễn tiến của sắc uẩn, vẫn không đồng với gỗ đá vô tri - vì bên trong nó vẫn tiềm miên danh uẩn.

- Nhưng lìa tri giác, lìa “tưởng không” - mà “không phải vô tưởng”, không phải gỗ đá vô tri, thì nó là cái gì, thưa đức đạo sư?

- Điều ấy không nói được, này người bạn trẻ! Ngôn ngữ bất lực. Phải cần sự thực nghiệm, chứng nghiệm, nóng lạnh khắc biết!

Siddhattha lĩnh ý, rút về lều của mình. Vậy là phải lìa “vô sở hữu”, phải lìa “ý niệm không có gì cả”.

Chỉ mươi hôm sau, Siddhattha đến trình pháp:

- Để tử đã viễn ly được “tưởng không” ấy. Bây giờ đệ tử đã an trú vào một trạng thái mà không biết nó là cái gì. Nói “có tưởng”, không đúng; nói “không tưởng”, cũng không đúng. Cả hữu lẫn vô đều bất xác. Cũng không phải phủ định hay xác lập hai mặt nhị nguyên “có - không” của tưởng... mà là cái gì đó, đệ tử không nhìn rõ mặt!

Đạo sư Uddaka chăm chú hỏi:

- Vậy, người bạn trẻ đã trú vào cái gì?

- Thưa, có lẽ cũng là “tri giác”, cũng là “tưởng” thôi. Nhưng cái này nó vi tế quá, chẳng xác định được là nó có hay không.

- Đúng vậy - Đạo sư Uddaka gật đầu - Vì đấy là định phi tưởng, phi phi tưởng (nevasaññānāsaññā), là bậc thiền cuối cùng trên lộ trình tu tập. Ở châu Diêm-phù-đề này, đó là thành tựu cao nhất, xứng đáng cho những ai cần cầu xuất gia phạm hạnh.

Siddhattha cúi đầu.

Đạo sư Uddaka chợt đứng dậy, ưu ái nắm tay Siddhattha, bảo chàng ngồi vào bồ đoàn bên cạnh, rồi mở lời khen ngợi:

- Người bạn trẻ đã tiến bộ phi thường, vượt bậc, không thể có người thứ hai trên đời này. Công phu tu tập hơn nửa thế kỷ của ta cũng chỉ có chừng ấy, chỉ có định ấy. Ta có tín, tấn, niệm, định, tuệ như vậy thì người bạn trẻ cũng có tín, tấn, niệm, định, tuệ như vậy. Không hơn, không khác.

Siddhattha lắng tai nghe, nghiêm cẩn.

Đạo sư Uddaka chăm chú quan sát Siddhattha một hồi nữa rồi cặn cặn kẽ hỏi tên họ, dòng dõi, quê quán, xuất thân... Siddhattha tình thật trả lời, ngắn gọn nhưng đầy đủ. Nghe xong, đạo sư có vẻ vui mừng:

- Ồ, có thế chứ! Phải là dòng dõi thượng đẳng mới xuất sanh được một nhân cách phi phàm như thế chứ! Đúng là rồng phượng giữa loài người!

Chợt đạo sư Uddaka xuống giọng:

- Này người bạn trẻ, này Siddhattha! Ta đã già rồi. Sự sống của ta chỉ còn đếm trên từng hơi thở. Đệ tử dưới trướng, kể cả người cao niên, hạ lạp lớn - kiến thức thì nông cạn, sở chứng thì giới hạn, nhân cách thì tầm thường. Chẳng có ai để sở cậy cả. Chẳng có ai có đủ khả năng, bản lãnh, trí tài, sở học, sở tu... để ta có thể giao phó kế thừa sự nghiệp. Vậy, bắt đầu hôm nay, Siddhattha hãy ở lại đây, hãy ngồi ở chỗ này để dẫn dắt hội chúng. Đạo tràng này là của bạn, này Siddhattha! Hãy vì ta mà phát triển giáo pháp cao thượng để lợi lạc cho phần đông...

Lúc hai người nói chuyện, ban đầu, chỉ vài người nghe, lát sau, cả hội chúng đều hay tin. Thế rồi, miệng truyền miệng, tai truyền tai, bây giờ, các đạo sĩ đã đứng lố nhố vòng trong, vòng ngoài để chứng kiến sự việc hy hữu. Họ yên lặng như tờ. Hình ảnh một đức đạo sư, tám mươi tuổi, đáng kính của họ - mà lại ân cần nắm tay một người trai trẻ, xem là bạn, lại giao phó toàn bộ đạo tràng cho chàng nữa - làm cho hội chúng bàng hoàng. Trình độ tu tập của chàng đã ngang hàng với sư phụ họ. Nhân cách, kiến thức và trí tài cũng được đạo sư trân trọng, ưu ái đặc biệt như thế kia...

Chợt, Siddhattha bái tạ đạo sư Uddaka, rồi thành khẩn nói:

- Tri ân sự tin cậy đầy nồng hậu của đức đạo sư. Đệ tử dù được đức đạo sư dẫn dắt tu tập đến định cao nhất - nhưng sau khi rời định, tâm đệ tử vẫn có cái gì đó còn lao xao, bất an. Dường như mọi tham sân, phiền não tế vi vẫn còn nằm ở đâu đấy, lúc duyên cảnh, chúng sẽ phát sanh trở lại...

Nghỉ hơi một lát, chàng tiếp:

- Thưa đức đạo sư tôn kính! Được đức đạo sư giao phó trọng trách hướng dẫn đạo tràng là một đặc ân, một nghĩa cử thiêng liêng - đệ tử xin ghi khắc tận đáy lòng, nhưng không thể thọ lãnh. Đệ tử còn cần phải ra đi, còn cần phải tìm kiếm. Cứu cánh của lộ trình phải là bất tử, phải bước ra khỏi vòng trầm luân, sinh diệt; phải đoạn tận tham sân si ở ẩn trong vô thức tối tăm. Dù còn hơi thở cuối cùng, đệ tử quyết không thối thất con đường mà mình đã chọn lựa.

Sau vài lần thuyết phục nữa, Siddhattha vẫn một mực lễ độ từ chối, đạo sư Uddaka biết là không thể giữ chân được chàng trai trẻ - một nhân cách siêu việt - ông thở dài. Hơn ai hết, đạo sư Uddaka biết là Siddhattha nói đúng, cái gì gọi là lộ trình bất tử vẫn nằm đâu đó ở phía trước, chàng ta ra đi là phải. Chính ông, ông vẫn còn nhiều hoài nghi và nhiều câu hỏi. Sau này, Siddhattha chắc hẳn sẽ tìm ra lời giải cuối cùng, sẽ thành tựu cái gì đó rất phi thường, chưa hề có trên thế gian. Riêng hội chúng của đạo sư Uddaka đã kính trọng lại tỏ ra càng kính trọng Siddhattha hơn khi chàng từ chối chức vụ lãnh đạo, kế thừa sự nghiệp. Rõ ràng người bạn trẻ này đã không màng địa vị, quyền uy và danh vọng. Một vài vị phàm tâm nổi lên, lấy bụng ta suy bụng người - bây giờ mới vỡ lẽ ra Siddhattha không tranh giành với ai cái gì cả, họ lại càng kính yêu và ngưỡng mộ chàng hơn.

Lúc trở về lều, người này người kia nắm tay chàng ra chiều bịn rịn. Nhiều đạo sĩ đến ngồi quanh lều của Siddhattha, họ muốn hiểu sự hoài nghi của chàng và lộ trình mai sau. Chàng tâm sự:

- Này các bạn! Siddhattha ôn tồn nói - Tôi không tỏ vẻ cao đạo khi từ bỏ sự kế thừa một gia sản tinh thần cao quý ấy. Quả thật, tâm tôi chưa yên, trí tôi chưa thông - dù đã đắc được định cao nhất. Tôi phải ra đi. Đấy là tiếng gọi thiêng liêng và vô thượng của đời mình. Tôi phải gỡ thoát tuyệt đối và trọn vẹn mọi ràng buộc ngoại giới cũng như nội tâm. Tôi phải tìm cho ra đáp số chung cùng của mọi định phận tất hữu. Sự giải thoát tối hậu mới là mục đích rốt ráo của tôi, thưa các bạn!

Khi Siddhattha thu xếp y bát và một vài dụng cụ lặt vặt, chuẩn bị lên đường thì đạo sĩ Vappa tìm đến, đi theo sau còn bốn đạo sĩ khác nữa. Có một đạo sĩ lớn tuổi, tuy gầy gò nhưng dáng dấp nhanh nhẹn bước tới, chăm chú quan sát Siddhattha từ đầu đến chân rồi mừng rỡ thốt lên:

- Đúng rồi! Đúng là thái tử Siddhattha của chúng ta rồi! Ôi! Lạy đức Rāma! Chúng ta đã gặp, chúng ta đã gặp người xưa ở đây rồi!

Họ cùng ngồi xuống, hàn huyên tâm sự.

Hóa ra Siddhattha đã nghĩ đúng. Đạo sĩ lớn tuổi chính là Koṇḍañña, vị bà-la-môn trẻ tuổi thông thái thuở nào. Người đã quyết chắc chàng sẽ trở thành Phật Chánh Đẳng Giác. Bốn vị còn lại là Bhaddiya, Vappa, Mahānāma[1][2] Assaji - chính là con của các thầy bà-la-môn tướng pháp. Họ đã cùng rủ nhau xuất gia làm đạo sĩ, hy vọng sẽ gặp được Siddhattha trên lộ trình này khi nhân duyên chín muồi. Và họ đã nghĩ đúng.

Đạo sĩ Vappa sau khi gặp Siddhattha tại khu rừng Anupiyāvara, về sơn động, kể chuyện lại. Cả nhóm rất vui nhưng họ chưa lên đường được vì Bhaddiya đang cảm sốt. Hơn nửa tháng sau, cả năm người lại tìm đến đạo tràng của đạo sư Ālāra - thì Siddhattha đã rời khỏi đấy nhiều ngày trước. Qua đàm đạo, đạo sĩ Koṇḍañña được nghe thầy và bạn tán thán, khen ngợi Siddhattha không hết lời. Ngoài thời gian ngắn nhất, Siddhattha đã chứng thiền ngang bằng với đạo sư Ālāra, chàng lại còn biểu hiện rạng rỡ về tư cách, phẩm hạnh và trí tuệ nữa. Việc từ chối kế thừa lãnh đạo không phải ai cũng làm được.

Koṇḍañña rất hân hoan, rạng rỡ:

- Này chư hiền giả - Ông nói với bốn đạo sĩ đồng tu - Thuở xưa ta đã không sai lầm, và bây giờ ta cũng không sai lầm! Chỉ nhìn thấy dấu chân to lớn của Siddhattha ở nơi này, ở nơi kia - ta biết rằng đấy là dấu chân voi của đức Chánh Đẳng Giác.

Đội nắng, dầm sương, năm vị đạo sĩ tìm đến khu rừng Udāya - thì hay tin Siddhattha đã đắc định cao nhất, lại vừa từ chối kế nghiệp đạo sư Uddaka. Danh thơm của Siddhattha tràn qua tai mọi người, thơm ngát cả khu rừng tĩnh mịch.

Vì biết cả năm vị đạo sĩ đều đặt để lòng tin nơi mình nên Siddhattha đã không quản ngại nói chuyện lâu; trình bày hết những sở đắc, sở kiến, những câu hỏi, những hoài nghi; sau rốt là dự định khai mở con đường của chính mình như thế nào. Phải tự bước đi bằng đôi chân đất rướm máu, hằn đau hữu hạn của chính mình như thế nào. Phải kinh nghiệm chúng, phải cùng với nhịp đập, hơi thở và trái tim trên từng bước đi sáng tạo của đời mình.

Các đạo sĩ há hốc lắng nghe. Tất cả đều là những điều họ chưa biết. Kinh điển và tôn giáo truyền thống chưa ai nói như vậy. Có cái gì rất mới mẻ, rất sáng sủa - dù lộ trình chưa được phong quang.

Đạo sĩ Koṇḍañña dè dặt hỏi:

- Tôi hiểu. Ồ, không phải hiểu - mà mơ hồ tôi cảm nhận được. Nhưng bây giờ, ngài sẽ đi đâu?

Siddhattha thở dài:

- Chính tôi, tôi cũng chưa biết, chưa rõ. Nhưng tôi sẽ đi, thưa chư tôn giả!

Đạo sĩ Koṇḍaññachợt cất tiếng to:

- Đừng, đừng nên như thế! Đừng gọi chúng tôi là chư tôn giả! Ngay cả một vài tầng thiền thấp nhất của đạo sư Ālāra mà chúng tôi, do ngu muội, vẫn đang còn lẩm ca lẩm cẩm. Rõ ràng, chúng tôi tu tập vài năm vẫn không bằng ngài tu tập mấy ngày. Rồi còn thiền định bậc cao của đạo sư Uddaka nữa - cả một thế giới mênh mông, chúng tôi chưa héo lánh tới nơi mà ngài đã vượt qua rồi. Trong tương lai không xa lắm, ngài sẽ đắc quả Phật. Vậy từ nay chúng tôi nguyện đi theo ngài như là những đệ tử. Xin sa-môn Siddhattha Gotama chấp thuận cho!

Siddhattha nhăn mày nói:

- Tôi biết con đường của tôi còn nhiều chông gai, gian khổ. Sợ rằng tôi chưa xứng đáng với sự mong mỏi của quý vị, sự kỳ vọng của quý vị; và ngay chính tôi, tôi cũng chưa rõ lộ trình mai sau!

Đạo sĩ Koṇḍañña đáp:

- Không sao! Sa-môn Siddhattha Gotama đừng quá tự khiêm. Ngài đi đâu cứ mặc, chúng tôi đi theo mà không nghi hoặc, đắn đo. Chúng tôi phó thác toàn bộ đời sống tâm linh này cho sa-môn Gotama định đoạt. Ôi, chỉ riêng cái bóng của sa-môn Siddhattha Gotama thôi - là chúng tôi đã có đủ niềm tin, an tâm và mát mẻ rồi! Chúng tôi không ngại bất cứ một khó khăn, gian khổ nào.

Siddhattha vui vẻ nói:

- Ồ, vậy thì tốt! Vậy thì chúng ta sẽ cùng ra đi!

Họ từ giã khu rừng Udāya.

Mùa mưa cay nghiệt lại sắp đến rồi.

1.23- RỪNG KHỔ HẠNH 

Từ ngoại ô Rājagaha, đi chênh về hướng Tây nam, sáu bảy hôm sau là họ gặp dòng sông Nerañjarā. Đây là cả vùng đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy nên sự bộ hành khá vất vả. Lác đác đó đây là xóm làng, cư dân khá đông đúc mà đời sống có vẻ no đủ hơn miền quê bên ngoài Kapilavatthu của chàng.

Siddhattha đã đi tham vấn nhiều nơi, đại biểu cho nhiều học phái, nhóm tu khác nhau; nhất là vừa bước qua hai thiền chứng cao nhất đương thời - thế mà vẫn chưa giải quyết được những vấn đề sâu thẳm nhất của nội tâm. Có lẽ học hỏi ở đâu cũng thế thôi, sao không tự tìm kiếm nơi chính mình, khai phá con đường bằng nỗ lực của chính mình?

Chỉ thời gian mấy ngày, như chiếc bóng theo chân Siddhattha Gotama, năm người bạn đồng tu cảm thấy bị cuốn hút mãnh liệt bởi ngôn ngữ, cử chỉ, phong thái của chàng. Chỉ riêng Koṇḍañña đã an trú được nấc thiền thứ ba, bốn người còn lại mới đi vào được nấc thiền một, hai nên họ muốn chàng dẫn lên những cấp độ cao hơn. Siddhattha hoan hỷ chỉ bày.

Thế là cứ mỗi độ đêm về, trong miếu hoang, dưới những lùm cây, Siddhattha Gotama hướng dẫn bạn hữu một cách tận tình, lại còn giảng giải rất chi li, khúc chiết, còn dễ dàng nắm bắt hơn các bậc thầy của họ.

Tìm một đoạn sông cạn, họ vượt qua sông Nerañjarā, đi một đỗi đường nữa, họ đến một dãy núi thuộc tụ lạc Uruvelā. Phía xa dưới chân núi là một thị trấn sầm uất có thành lũy của quân đội thuộc đế quốc Māgadha, trấn giữ phía Tây nam kinh đô. Đưa mắt nhìn tổng quát địa thế sông núi, những sườn đá chớn chở - có lẽ là có nhiều hang động thiên nhiên - Siddhattha Gotama nói với các bạn:

- Sắp đến thời kỳ gió mùa, mưa bão. Có lẽ đây là nơi thuận lợi nhất cho chúng ta dừng chân. Vừa có thể tu tập vừa có thể đi khất thực để nuôi mạng.

Chỉ một ngày sau là mọi người đã thu xếp ổn định chỗ ở tu của mình. Ai cũng có hang động riêng không xa nhau lắm. Riêng Siddhattha Gotama thì được Koṇḍañña nhường cho một cái hang tốt nhất. Nó có một mái vòm dây leo hoa nở, trong động là một tảng đá bằng. Vất vả một chút là phải lo quét dọn phân dơi.

Ngày thứ nhất họ đi khất thực. Thấy thức ăn nhiều quá, nào cơm, bánh, chuối, xôi, nước sốt cà-ri... ăn không hết, phải đặt trên tảng đá ngoài sơn động để bố thí cho khỉ, sóc, chim... Siddhattha đề nghị ăn ít lại; từ nay, thay phiên nhau, chỉ đi khất thực hai người là có thể tạm thời đủ cho sáu miệng ăn. Nên tiết kiệm thì giờ để tu tập. Ai cũng đồng ý như thế. Họ coi Siddhattha như bậc thầy - nên muốn chàng chỉ việc ngồi mà tu thôi.

Thế là ngồi tĩnh lặng trong sơn cốc tương đối mát mẻ, suốt mấy ngày đêm liên tiếp, Siddhattha Gotama ôn lại tất cả mọi kiến thức cũng như rà soát toàn bộ sự thực nghiệm tâm linh. Chàng thấy rằng, tư tưởng Vệ-đà, thành tựu cao nhất là ở bộ Vệ-đàn-đà vẫn còn nhiều thiếu sót ở lãnh vực tu chứng bản thân. Áo nghĩa thư rõ ràng là sự bổ túc của người sau nên hệ thống triết lý có vẻ hoàn chỉnh hơn. Các giáo phái thuộc truyền thống bị quy định bởi một Atman bất tử nên không thể giải thích cho rốt ráo những thiện ác, phải trái, tốt xấu... trên đời này. Riêng sự lập luận từ hệ thống tư tưởng của các học phái con đẻ của Vệ-đà thì tương tự những người mù sờ voi, chúng chỉ là sự manh mún, chắp vá của thực tại chứ chưa phải là thực tại. Đôi nơi cục bộ, áp đặt, một chiều. Ngoài truyền thống, do phản ứng cực đoan nên nảy sinh quá nhiều biện thuyết ngông cuồng. Chỉ có những kẻ ngu si mới tin vào các thuyết bất khả tri, hoài nghi, định mệnh, hư vô, ngụy biện của họ. Và tệ nhất là anh chàng duy vật luận thô thiển, máy móc... nhan nhản ở kinh thành Rājagaha.

Riêng sự thực nghiệm, Siddhattha thấy rõ một điều: tư tưởng, nhận thức là cái dòng chảy trùng trùng, kế tục trùng trùng giọt nước sinh và diệt. Từ chúng mà khởi sinh bất an, xao xuyến, lo âu, phiền não, sợ hãi... Lúc đi vào các tầng thiền là các dòng nước cảm giác, tri giác, tư tưởng lần hồi được yên lắng, yên lắng rồi ngưng dứt. Do ngưng dứt nên được thanh tĩnh và phúc lạc. Nhưng khi rời thiền chứng thì các dòng nước kia lại trôi chảy trở lại, chúng phan duyên với các đối tượng ngoại giới... rồi tình trạng vẫn y hệt như cũ. Có lắng, có trong thật sự, nhưng cáu bợn vẫn còn dưới đáy sâu tâm hồn.

Thế rồi Siddhattha Gotama vào ra, lên xuống các tầng thiền để ngắm xem, một lượt, hai lượt nữa. Do khá thuần thục nên bây giờ, chàng chỉ cần khởi tâm rồi trú tâm là có thể đi vào định dễ dàng. Tại đây, chàng rút ra một kết luận: “Đây chỉ là trạng thái an định tạm thời chứ chưa phải là cái rốt ráo, toàn diện. Ta phải thực tập nhiều cách khác nhau để chiêm nghiệm xem thử cái gì là đúng, cái gì là sai, cái nào giải quyết nội tâm rốt ráo và cái nào không rốt ráo?”

Siddhattha tiếp tục suy nghĩ: “Pháp môn khổ hạnh chắc phải có một giá trị nào đó chứ? Nếu không có giá trị gì, tại sao nó lại được duy trì, tồn tại, phổ biến trên thế gian như thế? Nó có dựa trên một sự thực khả dĩ nào chăng?” Trong đầu óc Siddhattha Gotama chợt hiện lên ba hình ảnh như ba tỷ dụ:

“-Thứ nhất là, như một cây còn tươi xanh, ngâm trong nước - thì ta không thể nào cọ xát, để phát sinh ra lửa được. Tương tự thế, người nào tự ngâm mình trong nước của dục lạc ngũ trần - thì tinh thần người ấy không thể thăng hoa, nói gì chứng đắc những pháp cao thượng.

Thứ hai là, như một cái cây còn tươi xanh, nằm trên bờ nước - thì cũng đừng hy vọng, đừng nỗ lực vô ích muốn cọ xát để lấy lửa. Tương tự thế, có những sa-môn, bà-la-môn xuất gia, muốn thoát ly thế tục; nhưng lại thường hay nằm gần dục lạc ngũ trần, khao khát dục lạc ngũ trần - thì khó có thể đạt được những cảnh giới cao thượng.

Thứ ba là, như một thân cây khô, hoàn toàn không còn nhựa, lại ở cao xa trên bờ nước; nếu muốn có lửa, người ta có thể cọ xát mà mất rất ít công sức, chẳng mấy khó khăn. Cũng vậy, những sa-môn, bà-la-môn đã lìa xa dục lạc ngũ trần, không còn bị chi phối của dục lạc ngũ trần, lại còn muốn làm cho khô cạn nước dục lạc ngũ trần - thì người ấy sẽ chứng đắc những pháp tối thắng, giải thoát toàn mãn.”

Sau rốt, Siddhattha Gotama lại nghĩ: “Ta đã lìa xa dục lạc ngũ trần rồi. Xa nhưng chưa diệt. Vậy ta hãy thử công phu tu tập rút cho cạn kiệt nước dục lạc ngũ trần xem sao! Phải thực tập ngay chính nơi bản thân mình, sau đó mới biết là nó đúng hay sai!”

Siddhattha Gotama bèn tìm gặp các bạn, trình bày mọi lý lẽ, nhận thức cùng kinh nghiệm tu chứng của mình, rồi kết luận:

- Ta muốn thực tập con đường điều phục thân xác, chế ngự toàn vẹn mọi cảm giác theo truyền thống khổ hạnh tự ngàn xưa. Các bạn nghĩ thế nào?

Vì tin tưởng vào thầy của mình nên những người bạn đồng tu đều gật đầu đồng ý.

Là khu rừng nhiệt đới vào cuối mùa khô hạn nên cây cối bắt đầu rụng lá. Đây đó, từng cụm, từng vùng là những thân cây sāla cao lớn sừng sững là còn hiên ngang xanh lá. Ven khu rừng thưa, áp sát chân đồi ra tận bờ sông Nerañjarā là những thảm thực vật lổ chổ xanh vàng. Những cụm cây thảo, cây hoa... còn thưa thớt lá. Riêng các loại tre trúc thì sâm si rậm rạp, mọc tràn lan, vô trật tự nhưng chúng lại rất xanh mát ở ven sông.

Khái quát rừng cảnh như thế thì cũng chẳng có gì là đẹp đẽ, hữu tình cho lắm; còn sự yên tĩnh thì cũng tương đối vì động vật các loại lui tới, thăm viếng khá nhiều. Trên các hang động, trên các kẽ đá, vòm cây... các chú dơi treo lủng lẳng những túi đen nhung, tối tối là chúng bay tản mác, bay rần rật giữa không gian để săn mồi, chụp bọ, ăn trái... Thỉnh thoảng các loại chồn bay, bay từ cây này sang cây khác. Sóc thì đủ loại, đủ sắc nhởn nhơ chạy nhảy, leo chuyền hoặc túc tắc ăn hạt, cắn củ. Lâu lâu lại xuất hiện một bầy khỉ đen, bầy khỉ nâu đỏ, bầy khỉ vàng xám đến phá phách, la hét chí chóe... cõng con, dắt cái đùa giỡn khắp nơi. Chúng đến như một cơn bão và ra đi, trả lại sự yên tĩnh cho rừng lặng. Trên đám đất bằng, cỏ vàng úa, bầy linh dương ghé ngang, màu sắc rất đẹp, thanh thản gặm những chòm lá còn sót lại. Mấy đàn nai cũng thế, hồn nhiên rảo qua, thân hình gầy khô vì khan hiếm cái ăn. Chim chóc thì muôn loại, hót lưu liên, tấu nhạc từng khúc, từng hồi; một vài giọng lanh lảnh, cao vút, réo rắt... rồi bay về phương khác.

Siddhattha Gotama ở riết trong hang suốt thời gian gió bão và những trận mưa đầu mùa. Ngoại cảnh không dao động được chàng. Lúc này, chỉ còn một người đi khất thực, họ giới hạn thức ăn nên khẩu phần của mỗi người chỉ bằng nắm tay.

Mặc cho mưa gió gầm gào, Siddhattha tiếp tục kiên trì cách điều phục xác thân. Chàng ngậm cứng hai hàm răng lại, chận lưỡi trên nóc họng, để đè nén tâm. Ví như một lực sĩ dùng toàn bộ sức mạnh đè đầu đè cổ một người yếu đuối, không cho vẫy vùng, không cho nhúc nhích. Cũng vậy, chàng đè tâm, nén tâm, không cho bất cứ một tư tưởng lao xao nào khởi lên. Khi làm như thế, do tổn hao quá nhiều sức lực nên cơ thể nóng ran lên, mồ hôi tuôn chảy ra hai bên nách. Tuy nhiên, dù quyết chí có dũng mãnh, nghị lực có phi thường nhưng tâm niệm lao xao vẫn không lắng dứt, sự an tĩnh tâm hồn cũng không tìm thấy.

Siddhattha Gotama lại chuyển qua cách điều phục xác thân bằng cách nín thở, nín thở càng lâu càng tốt. Khi thực tập như thế, chàng nghe cơn đau khủng khiếp từ trong đầu, vì âm thanh của tiếng gió thoát qua hai lỗ tai, giống như ống bệ thợ rèn thụt lên thụt xuống...

Lại nín thở nữa, trong đầu chàng, một cơn gió hung dữ thốc lên, đâm sâu, khoét sâu vào óc - như ai đó lấy lưỡi búa bửa cái đầu ra làm nhiều mảnh. Và hai lỗ tai máu rỉ ra, khốc liệt đau đớn! Tuy nhiên, kiên trì, tăng thêm sức mạnh ý chí, chàng nín thở với thời gian lâu hơn nữa. Và cái đầu của chàng nhức nhối như bị người ta lấy cái niềng sắt nung đỏ niềng lại, siết chặt.

Tuy nhiên, Siddhattha Gotama vẫn kiên cường chịu đựng, tìm cách nín thở lâu hơn thế nữa. Bây giờ, có lẽ cái đầu đã tê liệt cảm giác, cơn đau chợt thọc sâu vào bụng. Như một tay đồ tể thiện xảo mổ bò, y thọc lưỡi dao bén vào bụng, sau đó lách lưỡi dao đi sang hai mạng sườn. Sự đau đớn tưởng như cùng độ rồi. Lại nín thở thêm nữa, từ bụng, cơn đau kinh khiếp lan truyền ra cả toàn thân; y hệt như người ta túm lấy cái thân của chàng, đem đặt trên một lò than hồng, quay lui quay tới để nướng trui. Mọi cảm giác ở nơi thân, có lẽ đã quá sức chịu đựng của nó. Siddhattha thấy mình vẫn còn bất khuất, nhưng chàng chỉ buồn là sự an tịnh tâm hồn vẫn không tìm thấy.

Sau hơn bốn tháng thực hành hạnh nín thở, Siddhattha ngồi trơ bất động như tượng đá. Có một số chư thiên ở gần đấy nói chuyện với nhau:

- Có lẽ sa-môn Gotama chết rồi chăng?

- Không phải là chết rồi mà là đang chết.

- Chẳng phải chết rồi, chẳng phải đang chết; là pháp hành của bậc A-la-hán đấy!

Riêng năm người bạn đồng tu, cũng thực hành nín thở như vậy nhưng rất giới hạn, họ không thể đi đến tận cùng như Siddhattha Gotama; do vậy sự kính trọng chàng trong lòng họ lại được tăng thêm một bậc.

Thấy thực hành phép nín thở không mang lại hiệu quả mong muốn, chàng từ bỏ hang động, tìm đến những chỗ hoang vắng, heo hút trong rừng sâu. Bây giờ mùa mưa qua rồi - qua thật nhanh do chàng trú sâu trong phép tu, không có ý niệm về thời gian - nên chàng muốn ngồi ở ngoài trời, dưới cái lạnh đã gần đóng băng! Siddhattha Gotama nghĩ rằng, giữa quạnh hiu của rừng già có cái gì đó làm người ta khiếp đảm, dựng cả tóc gáy. Phải đến ngồi tại đó để xem sự sợ hãi nó đến như thế nào, nó đe dọa như thế nào, nó khủng bố như thế nào. Phải vượt thoát tất cả mọi sự sợ hãi bất cứ từ đâu đến, khi ấy mới nói đến chuyện tu tập để đạt được những thành tựu cao hơn.

Thế rồi chàng ngồi, trong đêm sâu mù mịt, không trăng không sao, chỉ có những tiếng gió thổi rì rào và hơi lạnh càng khuya càng buốt giá.

Một cành cây gãy lắc cắc... chàng lại tưởng một con dạ-xoa hung dữ khua hai hàm răng đang từ từ, rón rén bước đến sau lưng chàng. Sự sợ hãi ùa đến, lạnh buốt sống lưng rồi rần rần chạy khắp cơ thể, lên đến đỉnh đầu, và hai hàm răng chàng tự dưng cứng lại. Siddhattha ngồi yên, ý chí kiên định, vững vàng, nhất tâm ngồi yên... để lắng nghe sự sợ hãi ấy... Lát sau, sự sợ hãi tan dần, nóng ấm trở lại với cơ thể, sự sợ hãi đã ra đi...

Trong đêm tối đen, bóng con gì trườn xào xạc trong lau lách! Con trăn chăng? Phải rồi, một con trăn to lớn làm cho những cành cây, bóng lá lung lay... định đến nuốt chàng đây. Thế rồi một mùi nồng nặc tanh tưởi lan tỏa... Sự sợ hãi ập đến chàng như cơn gió thốc mạnh, lát sau làm cho chàng bủn rủn, tê liệt cả người. Bủn rủn, tê liệt... chàng kiên định lắng nghe, sự sợ hãi đã đồng hóa cả thân tâm, chỉ còn một khối duy nhất. Lắng nghe, lắng nghe, bất động, kiên trì... lát sau, sự sợ hãi giãn ra, như tự cởi nút thắt buộc... từ giã chàng và ra đi không dấu tích.

Thế rồi, đêm này sang đêm khác, có những đêm nhợt nhạt ánh sao trời... tiếng cú rúc, bóng một con nai đi ngang qua, tiếng một con dơi vút qua đầu, tiếng hú của vượn, tiếng cọp “bép bép” đâu đó bên tai...; chúng đều đem đến sự sợ hãi cho chàng. Lúc thì thót bụng. Lúc thì quả tim đập thình thịch. Lúc thì toát mồ hôi. Lúc thì cứng như đá cả toàn thân. Siddhattha Gotama ghi nhận hết, cảm giác toàn bộ chúng; và dẫu sự sợ hãi có đến tột cùng, chàng vẫn ngồi yên lặng, không nhúc nhích.

“- Ồ - Chàng nghĩ - Khi sợ hãi tác động tâm lý, nếu tâm lý yếu đuối, bạc nhược... thì thân thể sẽ bị cuốn theo. Như vậy, thân tâm nằm trong định luật tương quan. Trường hợp khác, tuy thân tâm tương quan, tâm sợ, thân ảnh hưởng; nhưng nếu ý chí kiên định thì sự sợ hãi sẽ được giải tỏa; cả thân và tâm đều được giải thoát xích xiềng. Như vậy, có cái gì đó ở trong tương quan mà nhìn ngắm tương quan?”

Một chút tư duy lóe sáng lạ lùng ấy đã làm cho Siddhattha mỉm cười. Quả thật, núi rừng quạnh hiu thật khó kham nhẫn, thật khó chịu đựng... nhưng nó cũng là nơi tối thắng để trầm tư, chiêm nghiệm những máy động ẩn mật, sâu hút trong lòng ta.

Mùa lạnh đã đến rồi, chỉ một manh áo mỏng, Siddhattha Gotama vẫn dễ dàng duy trì khổ hạnh. Năm người bạn đồng tu đôi khi bất kham, phải đốt một đống lửa. Họ thú nhận là không thể tinh tấn kiên định như chàng được. Siddhattha Gotama nói với họ rằng, thật là may mắn cho chúng ta tìm được một khu rừng thuộc Trung bắc Ấn Độ, nếu lên phương Bắc, các đạo sĩ ở Tuyết Sơn còn phải chịu đựng cái rét cay nghiệt hơn nhiều.

Ngày tháng qua đi, thân thể của sáu người chỉ còn là bộ xương còm cõi lui tới. Khi vật thực mỗi ngày chỉ còn bằng quả cam, quả ổi thì năm người bạn, đều đã kiệt sức, lả đi. Riêng Siddhattha Gotama khuyên các bạn, đừng chia phần cho chàng nữa, và chàng muốn chỉ ăn cái gì kiếm được như vài nắm lá, rau hoặc củ trái đâu đó...

Chưa hết mùa lạnh, tấm áo năm xưa của Siddhattha đã rách te tua và cái bát đất của chàng cũng đã bị lũ khỉ quăng vỡ. Hôm kia, từ khu rừng đi ra gần tận mép sông, Siddhattha muốn ngồi thiền giữa bãi nghĩa địa xương trắng, chợt chàng nhìn thấy một tấm vải bó tử thi. Quan sát, đấy là xác của một người nữ không còn nhìn rõ khuôn mặt. Xác đã thối rửa. Chàng kéo tấm vải ra, tấm vải còn tốt. Chàng xuống sông tắm, giặt tấm vải, tạm thời vắt cho ráo rồi phơi trên khóm cây. Chỉ với một ít động tác mà chàng đã run rẩy, quờ quạng, nằm lả bên mép bờ... Lúc nắng hanh lên, Siddhattha tỉnh lại, quàng tấm vải vào người rồi thất thểu bước đến một khu rừng xa hơn nữa.

Mùa xuân qua đi, mùa hạ đến... ngày ngày Siddhattha chỉ ăn uống rất ít và ngồi ngoài trời mặc cho nắng nung đốt. Cái lạnh qua được thì cái nóng cũng phải qua được. Chàng thử nghiệm. Bây giờ chỉ duy trì chút nước để xem thử cái đói, cái không ăn nó hành hạ xác thân như thế nào.

Thế rồi, cái thân khô đi, quắt lại. Cơ thể do ăn quá ít nên đưa tay sờ bụng thì đụng lưng. Thò tay đến đâu thì lông rụng từng đám. Tuy nhiên, Siddhattha còn thử nằm trên gai nhọn, còn thử không ngồi mà chỉ đứng, còn thử ngồi chồm hổm trên gót chân nhiều ngày mà không thay đổi oai nghi...

Đến năm ngày sau thì Siddhattha không còn tắm rửa, nhưng có nguyện ăn vật gì trong tầm tay lượm được. Vải bó tử thi đã rách, chàng lấy da cây, rơm, cỏ khô, lá... để kết quanh người. Đôi khi chàng ngồi một đống, một hòn nơi nghĩa địa thiêu xác hay tại bãi cỏ chăn bò. Bọn trẻ nghịch ngợm đến khạc nhổ trên người, tiểu tiện nơi mình chàng hoặc đứng xa để ném đất, ném đá... Thấy hành hạ kiểu gì cái “ông người kia” vẫn bất động, chẳng nói, chẳng la, chẳng phản ứng gì; chúng lại đến gần, lân la lấy cọng cỏ ngoáy vào hai lỗ tai chàng...

Lại có lúc, chàng trốn vào rừng sâu, không còn nghe, không còn muốn thấy bóng dáng của con người. Năm người bạn đồng tu còn duy trì chút ít vật thực nên còn thấy một chút máy động của sự sống. Còn chàng, qua nhiều năm đã khổ hạnh tận cùng, họ không còn nhìn ra Siddhattha năm xưa nữa. Tay và chân của chàng là các lóng tre đen đỉu, khúc khuỷu nối kết với nhau. Hai bàn tọa của chàng trông giống như hai cái móng trâu. Xương sống và cột tủy của chàng lồi ra trông giống như một cái chuỗi hạt. Xương sườn của chàng lồi ra, lộ rõ như những hanh rui của một ngôi nhà đổ nát. Đồng tử của chàng thụt sâu vào bên trong hố mắt như cái giếng sâu. Da đầu thì nhăn nheo như trái mướp đắng phơi khô. Lưng và bụng dính làm một. Nếu muốn đại tiện hoặc tiểu tiện thì chàng phải ngã úp mặt xuống đất, lâu lắm mới gượng dậy nổi.

Lúc này, năm người bạn đồng tu đã thán phục tận cùng. Còn chư thiên thì bàn luận với nhau:

- Nước da của sa-môn Gotama màu gì nhỉ?

- Màu xanh!

- Không, màu chàm!

- Không đúng, màu chàm đất!

- Không phải, cả màu đen, màu xanh, màu xám và cả màu chàm đất hòa trộn với nhau!

- Còn thân thể thì sao?

- Là bộ xương khô!

- Bộ xương khô sao lại còn sống?

- Gọi là bộ xương khô sống!

Có một vị thiên lớn hơn, oai đức hơn thì nói:

- Các bạn đừng hý ngôn nữa. Hãy xem ý chí và nghị lực tối thượng của Người. Mai sau, chắc chắn Người sẽ thành tựu Con đường Bất tử.

Từ khi dùng miếng mồi Chuyển luân Thánh vương vẫn không quyến rũ được Siddhattha Gotama ở ngoài cổng thành Kapilavatthu, Ma vương theo dõi ngài từng bước chân, từng hơi thở, từng tâm niệm. Gần suốt sáu năm ròng rã, Ma vương thấy người con trai bất khuất, kiên cường ấy chưa hề có một giây phút nào là ngã lòng hay mềm yếu. Như một cội cây mà bộ rễ đã cắm quá sâu vào lòng đất, khó có cơn gió bão nào lay động được. Rồi thời gian qua, dường như ý chí kiên định, kiêu dũng ấy càng được củng cố chắc khỏe hơn... Hãy nhìn kìa! Ma vương tự nói với mình, ngay khi khổ hạnh đã đến giai đoạn cuối cùng, chỉ còn bộ xương khô, chư thiên bàn tán với nhau không biết sống hay chết mà ông ta vẫn khư khư bất động như đỉnh Sineru. Thế là ông ta sẽ thành Phật mất thôi! Bây giờ ta phải lựa lời ngon ngọt để ông từ bỏ khổ hạnh mới được.

- Này ông sa-môn - Ma vương nói - Hãy nhìn xem thân hình tiều tụy, bạc nhược, còm cõi, xấu xí của ông kìa! Ở đấy, chỉ một phần sống lắt leo trong một ngàn phần chết. Hãy tỉnh thức mà đứng lên, này ông sa-môn. Sự sống quý báu vô cùng. Một cọng cỏ cũng muốn sống. Một cái kiến cũng muốn sống. Có sống thì ta mới làm được việc này việc kia có ích cho mình và có ích cho đời. Ông sa-môn có thể cứ sống đời đạo sĩ, bồi bổ lại thân xác và cúng tế thần lửa. Cúng tế thần lửa là một hành động tín ngưỡng tối thượng đem lại nhiều phúc lạc cao quý cho mai sau...

Chỉ nghe miệng lưỡi, không nhìn, không hướng tâm, Siddhattha Gotama cũng biết đấy là Ma vương; ngài muốn dạy cho nó một bài học:

“- Này, Namuci[3], ngươi là kẻ xấu xa, quỷ quyệt mà còn bày trò giở giọng tốt lành, thân thiện. Ngươi là đại biểu cho bóng tối, ngu si, độc ác, gian trá và tội lỗi. Ngươi đến đây không phải vì lợi ích cho ta, mà chính vì dục vọng đê hèn và tham vọng quyền lực tối tăm của ngươi. Đừng nói chuyện công đức và phước báu với ta. Ta tu hành như thế nào thì ta tự biết. Đấng thần lửa là trò mê tín của thế gian do các ông thầy tư tế ngụy tạo ra. Đừng bày trò linh thiêng để mê hoặc quần chúng ngu si. Ta có một đức tin rất vững chắc (saddhā), ta có một sự nỗ lực, tinh cần rất quyết liệt (viriya), ta có một năng lực kiểm soát, chú tâm, theo dõi tâm rất cẩn mật (sati), ta có một bình tĩnh, định tĩnh khó gì có thể xao động nổi (samādhi), ta có một sự tỉnh thức, tỉnh táo, thông tỏ toàn bộ vận hành của thân tâm (paññā). Với năm sức mạnh như vậy mà ngươi còn đến đây muốn lung lạc, đường mật với ta sao?

Có một điều ngươi nói đúng, Ma vương ạ! Gió thổi mãi hoặc lửa đốt mãi thì tứ đại sẽ bất hòa. Gió ngưng thổi, lửa tắt ngúm thì tứ đại sẽ tiêu vong. Hiện tại, ta biết rõ lửa trong ta đã nguội, nước trong ta đã khô. Nước khô, lửa nguội thì máu ta sẽ cạn. Máu cạn thì mật cũng cạn và thịt cũng theo đó mà teo tóp, nhăn nheo như trái mướp khô. Điều ấy đúng với định luật khi chẳng có gì nuôi dưỡng sắc chất. Tuy nhiên, thể xác được triệt tiêu tham muốn thì tinh thần không còn bị ngục tù, nô lệ nữa. Và như vậy, tinh thần sẽ được thăng hoa, nhẹ nhàng, thanh tịnh, vô nhiễm. Tâm càng thanh tịnh thì định càng an trụ. Định càng an trụ thì tuệ càng sáng suốt. Chắc ngươi cũng biết thế chứ? Ta là một hữu tình bằng xương, bằng thịt, ta cũng biết đau đớn, vật vã, quằn quại khi cái đói giày vò, hành hạ. Tuy nhiên, ta sẽ chiến thắng! Ta treo lên ngọn cờ ý chí một chùm cỏ Munja! Ta thà chết giữa chiến trường tâm linh vinh quang còn hơn sống nhục nhã trong thất bại! Ngươi hãy đi đi thôi!”

Thế là Ma vương, một lần nữa, thua cuộc, thất thểu bỏ đi.

Như được rèn thêm ý chí, con người kiên nghị, bất khuất ấy không chịu bỏ cuộc; đôi khi chàng ngồi một chỗ để cho nắng, mưa, gió, sương... hành hạ; chỉ lượm được cái gì trong tầm tay để ăn, kể cả phân bò non. Nếu xung quanh không có gì thì chàng nhịn ăn từ ngày này sang ngày khác.

Siddhattha không ăn không uống gì trong nhiều ngày thì có tiếng nói vọng rõ ràng bên tai:

- Nếu sa-môn Siddhattha không dùng gì thì chư thiên sẽ cho thấm vật thực vào các lỗ chân lông.

- Như thế là không được - Siddhattha đáp - Như thế chẳng khác gì ta là kẻ dối trá.

- Thế thì sa-môn Gotama hãy thọ thực trở lại, nếu không, ba ngày nữa sẽ chết.

- Ta đâu có sợ chết.

- Sa-môn Gotama quả thật không sợ chết, nhưng Con đường Bất tử thì sao? Sa-môn đã chứng đắc quả vị Vô thượng như lời nguyện thuở xưa chưa?

Siddhattha rùng mình, người như tỉnh táo trở lại, một ý nghĩ khởi sanh nơi chàng: “Sự khổ hạnh, ta cũng đã khổ hạnh tận cùng. Ta cũng đã vắt kiệt nước dục lạc ngũ trần ở nơi ta để cho cái thân không còn một chút cảm giác nào - thế nhưng nội tâm ta cũng không an ổn. Trong quá khứ, hiện tại hay vị lai - các sa-môn, bà-la-môn nếu có hành khổ hạnh, chịu mọi sự đau đớn, quằn quại, khốc liệt, kinh khủng - thì có lẽ cũng không hơn ta được. Ta đã cảm nghiệm sự tương quan giữa thân và tâm; nó là cái gì không thể tách rời. Hành hạ xác thân, như vậy cũng có nghĩa là hành hạ tâm trí. Khổ hạnh, theo sự thấy biết lẫn sự chiêm nghiệm sâu sắc của ta - là một pháp môn sai lầm.”

Như đọc được ý nghĩ của Siddhattha, trời Sakka muốn củng cố nhận thức đúng đắn cho chàng, nên như viên lực sĩ co duỗi cánh tay, đã hiện xuống khu rừng Uruvelā trong dáng dấp một gã chăn bò lang thang ôm cây đàn ba dây.

Chàng nhạc sĩ lang thang như vô tình ngồi nơi tảng đá dưới gốc cây, bắt đầu thử dây đàn. Sợi thứ nhất, quá “chùng” nên âm thanh “bùng bình... bùng bình” không ra gì cả. Chàng nhạc sĩ mỉm cười, qua sợi dây thứ hai, hắn vặn “căng” lên, căng mãi - nên sợi dây đứt phụp! Đến sợi dây thứ ba, hắn cẩn thận, từ từ, căng ra nhưng căng từ từ, đến độ chừng mực, vừa phải... rồi hắn gảy một khúc nhạc. Ôi, âm thanh như từng hạt bảo châu thanh trong va động giữa không gian; sau đó, lại du dương, trầm bổng, thánh thót như giọng chim hòa tấu.. như cung đàn muôn điệu của mùa xuân. Thế rồi, gã nhạc sĩ lang thang rời tảng đá, vừa đi vừa gảy vừa hát. Ôi, tiếng đàn, khúc nhạc, lời ca... như quyện lẫn, chan hòa, vui tươi, hoan hỷ... chảy tràn ra, len thấm vào mây trời, len thấm vào từng đầu cây, cọng cỏ... xa dần rồi biến mất.

Siddhattha ngồi lặng. Nắng loãng nhẹ và mỏng, hiu hiu, mơn man, vuốt nhẹ lên làn da khô gầy, đen đỉu. Một cảm giác dễ chịu, an bình đi sâu vào tâm hồn. “Chùng quá thì không gảy được. Căng quá thì đứt. Khi nào sợi dây đàn căng đúng độ, chừng mực... thì âm thanh mới tuyệt hảo.”

Siddhattha lại nhớ rằng, thuở ấu thơ, lúc đi dự lễ hạ điền với vương phụ, chỉ cần ngồi hít thở thanh thản là đi được vào định sơ thiền. Trong tháng năm thực tập thiền bốn nấc của đạo sư Ālāra, đôi khi chàng trú thâm sâu vào hỷ lạc. Do thân an vui, tươi mát nên tâm cũng được an vui, tươi mát. Như vậy là có một loại thực phẩm, đó là hỷ lạc, nó nuôi dưỡng tâm - nên thân cũng được khỏe khoắn, nhẹ nhàng, dễ chịu.

Và kể từ khi đi lên các tầng thiền vô sắc là ta đã từ bỏ hỷ lạc, chỉ còn cảm giác xả quân bình, và sống trong thế giới của không, của thức, của tưởng vi tế.

Rồi chàng nghĩ tiếp: “Đời sống, cái được gọi là đời sống là cái gì nhỉ? Nếu được gọi là đời sống thì phải là toàn bộ thực tại, toàn bộ thân và tâm, nghĩa là toàn bộ thân sắc, cảm giác, tri giác, ý chí và nhận thức. Vậy tại sao ta muốn từ bỏ cái này, tìm kiếm cái kia? Tại sao ta đã có thời gian muốn từ bỏ cảm giác - chỉ sống với cái “tưởng” mà thôi? Còn khổ hạnh là gì? Triệt tiêu thân xác chăng? Ta muốn diệt cái thân xác chăng? Và dẫu ta đã tận trừ cảm giác và thân xác cho đến hồi gần như chết thì ta có được gì? Dây đàn căng thì nó sẽ đứt.”

Như tìm ra đáp số. Chàng chậm rãi đứng dậy, dịu dàng đưa mắt nhìn quanh. Hít một hơi thở đầy, chàng chợt nghe hương rừng thơm ngát. Nhiều sắc hoa nở đẹp mà từ lâu chàng đã không thấy. Một chú sóc vàng chợt xù đuôi trong hốc cây, thò lỏ mắt nhìn chàng. Siddhattha cúi xuống nhìn mình. Thật là không còn nhân dạng gì. Tấm áo vỏ cây, lá cây... đều rách nát tả tơi. Chỉ còn bộ xương khô lủng lẳng đeo dính các đốt xương lại với nhau. Nước da vàng ròng mỹ diệu với sắc tướng phi phàm, bây giờ rõ là bóng ma một con quỷ đói. “Ta phải tìm một tấm vải bó tử thi nào còn lành lặn, xuống sông tắm rửa sạch sẽ rồi ta sẽ bắt đầu đời sống tu tập theo lời mách bảo của gã nhạc sĩ lang thang - nghĩa là không “chùng”quá mà cũng không “căng” quá!”

Kiếm một cây gậy, chàng chống từ từ và chậm rãi lê từng bước qua bên kia nghĩa địa. Đi năm bảy bước, chàng phải dừng lại để thở. Riết rồi cũng đến nơi. Tìm là có. Ồ, một tấm vải màu vàng đất bó gọn một tử thi chẳng rõ nam nữ quăng bỏ đây đã lâu. Chàng nói nhỏ: “Hãy cho ta tấm vải mà ngươi đã không còn sử dụng nữa. Ít hôm nữa thôi là thân xác ngươi cũng trả về cho tứ đại.” Chàng rút tấm vải, phải dùng sức mạnh, thở gấp mới lấy tấm vải ra được. Tấm vải dính máu, dính mủ đã khô.

Siddhattha lần đến bờ sông, dựa bên mép sông có mấy tảng đá, chàng giặt sạch tấm y, phơi trên đá, sau đó tắm rửa, kì cọ rất lâu. Dừng lại, thở một hồi rồi chà xát cho kỳ hết bụi đất, cáu ghét, lớp da chết trên người. Sau đó, do mệt quá, Siddhattha nằm ngủ một giấc vô tư, vô lự. Khi tỉnh dậy, chàng nghe tinh thần sảng khoái, lấy tấm y vàng đất đã khô ráo, quàng vào người rồi cất bước lên hướng rừng. Do sức lực dường như đã sử dụng hết năng lượng cuối cùng, chàng nằm gục trên đám cỏ. Nằm bất tỉnh như thế không biết bao lâu - thì có một bé gái, theo lệ thường mang sữa đề-hồ, bánh, hoa trái đến cúng cho thần linh tại gốc cây gần đó. Trông thấy một vị sa-môn gầy khô, nằm thoi thóp thở, cô bé biết nhà tu khổ hạnh này do đói đã quá lâu ngày nên kiệt lực. Động mối từ tâm, cô bé đã tự ý quỳ xuống bên cạnh, lấy ngọn lá làm thìa, đổ chút ít sữa vào miệng. Khi những giọt sữa đầu tiên đi từ môi, chàng nhắp nhắp, qua lưỡi, thấm xuống cổ họng rồi đi vào dạ dày; cảm giác dễ chịu từ từ lan thấm cả châu thân. Cô bé mỉm cười, trao nguyên hủ sữa có nắp đậy cho chàng. Chỉ lát sau là chàng uống hết hũ sữa, người tỉnh táo trở lại.

Chàng nói:

- Cảm ơn cháu gái. Cháu ở đâu? Đến đây có việc gì, mà cho ta một bát sữa kỳ diệu đến thế?

Cô bé mỉm cười, rạng rỡ niềm vui:

- Cháu ở trong làng. Chủ của cháu, một bà chủ tốt bụng thường sai bảo cháu đến gốc cây gần bờ sông để cúng sữa, bánh trái cho vị thần linh.

Siddhattha mỉm cười:

- Rồi cháu thấy ta sắp chết nên đã tự ý dâng hũ sữa cho ta, vậy không sợ bà chủ rầy la sao?

- Không - Cô bé mở tròn mắt đen láy - Bà chủ cháu tốt bụng lắm. Bà chủ không rầy la đâu, mà còn khen ngợi nữa. Bà chủ thường dạy: Giúp một người đói khổ, cứu một người sắp chết là sẽ được phước đức nhiều lắm.

- Ồ, tốt lắm! Giỏi lắm! Cháu tên gì thế?

- Dạ, cháu tên Punnā. Bà chủ của cháu là Sujātā, con gái của ông triệu phú Senānī, ở tại làng Sena cũng gần đây thôi.

Thế rồi, tất cả đề-hồ, bánh trái còn lại, cô bé dâng hết cho Siddhattha Gotama; và nhờ thế mà chàng khôi phục sức khỏe rất nhanh.

Ngày hôm sau, Siddhattha Gotama từ bỏ hang động, xuống sống ở cội cây có tàn xanh bóng mát cạnh bờ sông. Chàng đã quyết định từ bỏ khổ hạnh, sẽ đi theo lộ trình trung đạo.


[1] Chừng 168 - 180 năm sau Phật nhập diệt, quân đội A-lịch-sơn đại đế ba lần tấn công ba lần bị đẩy lui, thất bại, phải rút về.

[2]Bhaddiya và Mahānāma này không phải là bạn từ nhỏ của Siddhattha.

[3] Tên khác của Ma vương. Có 5 loại Ma vương: Chư thiên ma vương (Devaputta), phiền não ma vương (kilesa), pháp hành ma vương (saṅkhāra), ngũ uẩn ma vương (pañcakhandha), tử thần ma vương (maccu).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn