(Xem: 1489)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

3.08- Ôi, Chàng Gọi Chúng Em Là Những Bà Chị!

13 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 12400)

Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập_03

←Nghe: 3.08-Ôi chàng gọi chúng em blank

Nghe: 3.10-Thế nào là một BaLaMon blank

Nghe: 3.11-Bà phu nhân xinh đẹpblank


3.08- Ôi, Chàng Gọi Chúng Em Là Những Bà Chị!

Cũng tại Kuru, tại thị trấn Thullakoṭṭhika, đức Phật còn độ thêm một người đặc biệt nữa, đấy là chàng thanh niên Raṭṭhapāla.

Hay tin đức Phật du hành đến thị trấn Thullakoṭṭhika cùng với hội chúng tỳ-khưu – các bà-la-môn gia chủ tìm đến rất đông. Đức Phật đã có nhiều buổi pháp thoại khích lệ, làm cho họ thích thú, hoan hỷ, phát khởi đức tin. Trong số đó có một chàng thanh niên con một gia đình thượng tộc, cự phú... nghĩ rằng: “ Như đức Thế Tôn với những thời pháp thanh cao, vi diệu – ta đã hiểu được rằng, đời sống tại gia không dễ gì thực hành phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp y, mang bát, từ bỏ mái gia đình đầy những buộc ràng phiền não, xuất gia, sống đời không gia đình.” Nghĩ thế xong, chàng đến bên chân đức Phật, xin được xuất gia.

Đức Phật nói:

- Ông đã được cha mẹ cho phép chưa, này Raṭṭhapāla? 

Khi được biết là chưa, đức Phật khuyên là hãy trở về nhà thuyết phục sao cho gia đình bằng lòng đã.

Khi thanh niên Raṭṭhapāla vừa bước đi khuất bóng, đức Phật nhiếp tâm một lát rồi ngài mỉm cười.

Tôn giả Ānanda đứng hầu một bên, ngạc nhiên về nụ cười ấy, bèn thưa hỏi lý do; và vì hội chúng tỳ-khưu cũng mong muốn tìm biết nguyên nhân; đức Phật đành phải kể khái quát chuyện tương lại:

- Thanh niên Raṭṭhapāla này sẽ rất khó khăn mới được xuất gia. Cũng như Sāriputta trước đây, phải nhịn ăn, nhịn uống gần chết mới thực hiện được ước nguyện của mình. Raṭṭhapāla còn khó khăn hơn Sāriputta – vì dù sao, Sāriputta có đông các em trai và gái; còn Raṭṭhapāla lại là con trai độc nhất trong một gia đình mà tài sản, vàng ngọc và kho đụn không biết làm gì cho hết. Lớn lên trong nhung lụa, Raṭṭhapāla được sống trong an lạc, được nuôi dưỡng trong an lạc; và ăn uống, vui chơi, thụ hưởng ngũ dục một cách đầy đủ, sung mãn – không thiếu thứ gì.

Khi biết được ý định xuất gia của con, ban đầu hai ông bà nghiêm khắc cấm đoán; rồi sau đã phải hết lời năn nỉ, van xin; đã trăm phương nghìn cách để níu giữ chân đứa con trai thân yêu - bằng quyền lực, bằng lý lẽ, bằng tình cảm – nhưng vô ích. Raṭṭhapāla một mực im lặng như thân tượng đá và giữ vững ý mình: Một là chết hai là được xuất gia. vtrẻ sụt sùi, đẫm nước mắt bi lụy và đám thê thiếp, người hầu cũng vậy. Bạn bè, thân hữu Raṭṭhapāla - những vị công tử giàu sang, con em của những gia đình khá giả cũng rủ nhau tìm đến khuyên lơn phải trái. Tất thảy đều vô ích. Thế rồi, do bỏ ăn bỏ uống nhiều ngày, sợ con chết, hai ông bà đành phải bấm bụng cho Raṭṭhapāla ra đi, nhưng phải hứa là thỉnh thoảng về thăm gia đình...

Đức Phật chỉ kể ngang đây rồi dừng lại. 

Tôn giả Ānanda nôn nóng hỏi tiếp:

- Rồi sau đó ra sao, bạch đức Thế Tôn?

- Vậy nên chúng ta phải ở lại thị trấn này năm bảy hôm nữa, đợi Raṭṭhapāla đến đây rồi Như Lai sẽ cho ông ta thọ đại giới. Với thiện căn và túc duyên sẵn có, sau này, Raṭṭhapāla sẽ trở thành một vị tỳ-khưu có đời sống với hạnh kiểm mẫu mực, ưa thích độc cư, viễn ly, tinh cần thiền quán. Khi trở thành vị A-la-hán rồi, tám năm sau, Raṭṭhapāla mới xin phép Như Lai về thăm gia đình. Và chính chuyến đi này, với cung cách xử sự, với hành trạng vô nhiễm và vắng lặng của vị tỳ-khưu thánh nhân - mới để lại bài học vô giá, để lại tấm gương sáng – có ấn tượng sâu đậm trong hàng tứ chúng mai hậu.

Tôn giả Sāriputta với bản tính khiêm cung, dầu cũng biết chuyện tương lai của vị tỳ-khưu, nhưng vẫn thưa bạch:

- Xin đức Thế Tôn cho đại chúng được nghe.

- Ừ, Như Lai sẽ kể tiếp đây. Trở lại Kuru, về thị trấn Thullakoṭṭhika, con trai của Như Lai ôm bát khất thực từng nhà một rồi đến đứng trước cửa ngôi nhà cũ của mình. Lúc ấy, người cha của tôn giả đang đứng chải tóc, trông thấy Raṭṭhapāla, do nhiều năm xa cách, thay đổi diện mạo – ông không nhận ra – đã nổi giận, quát lớn:

- Hãy cút đi! Hãy xéo đi cho khuất mắt! Chính vì những sa-môn đầu trọc như các ông - bọn ăn xin đầu đường xó chợ - đã làm cho ta phải mất một đứa con trai độc nhất trong gia đình.

Nói xong, ông giận dữ đóng cửa lại, quay lưng bước vào trong. Con trai của Như Lai - vì là một vị A-la-hán, không lấy thế làm điều – đứng thêm một lát nữa rồi chậm rãi bước quành ra ngõ sau, để đến một ngôi nhà khác. Lúc ấy, người nữ tỳ trước đây của Raṭṭhapāla, tất tả đang bưng nồi cháo ngày hôm qua còn thừa đem đổ vào hố rác. Tỳ-khưu Raṭṭhapāla bèn dừng chân lại, nói với người nữ tỳ:

- Này chị, nếu cần phải quăng đổ số cháo thừa ấy – thì xin chị hãy đổ vào bát của tôi đây.

Sau khi trút cháo thừa vào bát theo yêu cầu của vị sa-môn; người nữ tỳ sực nhớ lại giọng nói, thoáng nhìn tướng tay, tướng chân, dáng đứng, khuôn mặt - chị ta hoảng kinh nhận ra vị cựu chủ của mình. Hớt hải, chị ta ba chân bốn cẳng chạy một hơi vào gặp người mẹ của tôn giả:

- Chủ mẫu ơi! Chủ mẫu ơi! Mau ra mà xem! Cậu ấm, công tử của chúng ta đã trở về!

Rồi cô thuật lại chuyện xảy ra vừa rồi.

Vọt dậy, bà nói nhanh:

- Nếu ngươi nói đúng sự thật, ta sẽ cho ngươi thoát khỏi thân phận nô tỳ.

Đến gặp chồng mình, bà la bai bải:

- Trời ơi là trời! Ông có biết không? Con trai của chúng ta! Cục cưng của chúng ta! Hòn ngọc, hòn vàng của chúng ta đang ăn món cháo chua mà con nữ tỳ đem đi quăng đổ đấy! Có khổ không chứ! Ông hãy chống mắt ra mà xem kia kìa!

Trong lúc ấy, tỳ-khưu Raṭṭhipāla đang ngồi dựa vào bức tường, an nhiên thọ thực. Cả hai ông bà ra tận nơi, nhìn kỹ, thấy rõ là con trai yêu quý của mình.

- Này con yêu! Nỡ lòng nào mà con lại thọ dụng cái thứ nước cháo chua đem đi quăng đổ ấy, cái thứ mà chó nhà giàu cũng không thèm ngửi? Đây là nhà của con mà! Hãy vào nhà đi con!

Tỳ-khưu Raṭṭhapāla, ngước đầu lên, nghĩ là mình phải nói những lời khách sáo để thức tỉnh mọi người nên cất giọng điềm đạm:

- Chúng tôi là những sa-môn sống đời không cửa, không nhà - đầu đường, xó chợ - thì làm gì có gia đình nào, thưa gia chủ?

- Thôi mà con! Nói gì những lời như gai đâm, như muối xát làm cha mẹ đau lòng! Hãy vào nhà đi con! Đến đây rồi thì con phải vào nhà chứ?

- Thưa gia chủ, quả thật là tôi có đến nhưng tôi không nhận được một lời nói tử tế nào – mà chỉ nhận được những lời sỉ nhục.

- Ôi! Vì ta không nhận ra con đó thôi! Ôi! Làm sao mà cha mẹ có thể nhận ra con qua gần mười năm xa cách? Ôi! Làm sao cha mẹ có thể hình dung một chàng trai tuấn tú, phi phàm trước kia, bây giờ đã biến thành một sa-môn gầy gò, khắc khổ? Nhưng mà thôi, hãy đứng lên, vào nhà rồi cha mẹ sẽ cúng dường những món ăn mà con thường ưa thích thuở trước.

- Thôi vừa rồi, gia chủ. Hôm nay tôi đã thọ thực xong.

- Vậy này con thân yêu, hãy nhận lời mời ngày mai đến thọ thực nhé.

Tỳ-khưu Raṭṭhapāla im lặng nhận lời rồi tìm đến một khu rừng vắng để tịnh chỉ, thọ hưởng lạc về thiền, thọ hưởng lạc về quả.

Trong lúc ấy, cha mẹ của Raṭṭhapāla chuẩn bị mưu kế để dụ dỗ đứa con trai của mình. Bao nhiêu kim cương, ngọc lục bảo, vàng khối, vàng nén, tiền vàng to, nhỏ... trong rương tráp, nơi này và nơi kia chất thành ba đống lớn - lấy màn hoa che lại. Lại còn chi ly cặn kẽ bảo cô vợ trẻ và những tỳ thiếp xinh xắn trước đây của Raṭṭhapāla, phải tắm và gội đầu bằng nước thơm; ăn mặc phải thật đẹp, tế nhị, gợi cảm... làm thế nào cho tượng đá cũng phải xao xuyến, rung động...

Sáng ngày, lúc mặt trời đã lên cao, tỳ-khưu Raṭṭhapāla đắp y, mang bát rời khỏi ngôi rừng, thong dong bộ hành đến ngôi nhà cha mẹ của mình, được mời ngồi nơi chỗ đã được soạn sẵn, đã được tính trước.

Vừa mới yên vị, bức màn vải hoa trước mặt được kéo lên, Raṭṭhapāla chợt thấy ba đống châu báu chất cao, ánh sáng và màu sắc lóng la lóng lánh chói ngời. Và tiếng của cha chàng trầm ấm, như mật ngọt rót vào tai:

- Này con thân yêu! Đống châu báu lớn nhất là của tổ tiên để lại. Đống ít hơn một tí là tài sản mà cha đã khổ công kinh doanh, làm ăn một đời. Đống nhỏ nhất là của mẹ con, một đời chắt bóp, dành dụm được. Tất cả đấy là của con, ngay từ bây giờ. Vậy con hãy hoàn tục, trở lại cuộc sống của một gia chủ hiền thiện; vừa thụ hưởng ngũ dục sung sướng một đời – mà còn có thể làm các công đức, bố thí cúng dường gì đó tuỳ thích...

Con trai của Như Lai mỉm nụ cười trong tâm, nhưng giọng nói rất bình thản:

- Châu báu nhiều thì sầu bi khổ ưu não nhiều, lại dễ kéo theo nhiều ác nghiệp do tà vạy, bất chánh... Châu báu ít thì sầu bi khổ ưu não ít, nhưng mà tâm trí đâu có an ổn, nhẹ nhàng, thanh lương, trong sáng trong thế giới tham sân và ái dục ấy? Vậy, muốn giải thoát ưu não cho mình, gia chủ hãy sắm một chiếc xe lớn với bốn con ngựa kéo – mang ba đống châu báu này đem đổ xuống sông Gaṅgā, có lẽ là việc làm tốt nhất cho gia chủ đấy!

Hai ông bà bàng hoàng. Cô vợ trẻ và những nàng tỳ thiếp xinh như mộng - ăn mặc, trang điểm diễm lệ từ phòng bên bước ra, vây quanh tôn giả với hoa hương thượng hạng thơm lừng. Họ đồng thanh cất tiếng hỏi:

- Thưa phu quân! Chẳng hay vì mục đích những vị tiên nữ sắc đẹp như thế nào mà phu quân lại chê chúng thiếp để sống đời phạm hạnh sa-môn?

- Thưa các bà chị! Các bà chị lầm rồi! Mục đích của sa-môn phạm hạnh không phải tầm thường, hạ liệt như thế. Các vị tiên nữ dẫu xinh đẹp như thế nào, đối với thầy tỳ-khưu viễn ly trần cấu - họ cũng chỉ được xem như là những đống thịt thối mà thôi!

Các cô vợ cũ la lên:

- Ôi! Than ôi! Phu quân đã gọi chúng em là những bà chị!

- Ôi! Phu quân nói thân nữ của chúng em là tầm thường, hạ liệt!

- Ôi! Phu quân còn nói chúng em là những đống thịt thối!

Rồi họ ngã ra, bất tỉnh.

Tỳ-khưu Raṭṭhapāla chợt ôm bát, đứng dậy:

- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi -  là những trò quyến dụ ngây thơ và trẻ con ấy! Một ngàn lần thế, một vạn lần như thế cũng không thể làm động tâm những đứa con trai, đệ tử của đức Tôn Sư. Nếu gia chủ không đặt bát cúng dường – thì tôi xin được từ giã, không nên ngồi nán thêm một chút nào nữa trong cái địa ngục ái luyến, trong cái hầm hố ái dục hạ liệt này.

Nghe vậy, cả nhà hối hả đặt bát với thức ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm. Thọ thực xong, rửa tay xong, tay vừa rời khỏi bình bát, con trai của Như Lai đọc lên bài kệ nói đến “ Tính chất dơ uế, khổ, vô thường của thân xác – nhưng người đời lại muốn tô điểm, trau chuốt, phủ hương, phủ hoa ra bên ngoài để lừa bịp kẻ ngu... Ngọc ngà, châu báu thế gian cũng tương tợ thế. Dù người thợ săn kia có gian manh, quỷ quyệt, bỏ trong lưới sập những thức ăn ngon, mỹ vị, mỹ hương – thì chúa loài nai khôn ngoan vẫn không bao giờ dính bẫy đâu”.

Câu chuyện còn dài nhưng đức Phật chỉ kể đến chỗ cần thiết nhất để khích lệ, sách tấn những vị tỳ-khưu sơ tu còn trẻ. Hội chúng hoan hỷ bởi pháp thoại ấy nên họ đã tinh cần tu tập hơn.

 

3.09- Cô Bé Visākhā

Rời Kuru, đức Phật và hội chúng tỳ-khưu – bây giờ đã lên đến năm trăm vị - lần lượt bộ hành đến vương quốc Aṇga, là một bộ tộc nhỏ nhưng giàu sang, thạnh mậu. Đây cũng là một địa chỉ có khá nhiều nhân duyên với giáo pháp.

Đức Phật chưa đến Aṅga, nhưng do giới thương buôn loan truyền, tin tức ấy đã đến nơi này từ mấy hôm về trước. Náo nức nhất là những người buôn bán làm ăn xa, đã có dịp nghe pháp tại Jetavanārāma hay Veḷuvanārāma. Trong số ấy có hai vợ chồng triệu phú Dhanañjaya và Sumanā Devi. Đặc biệt là triệu phú Meṇḍaka – cha của bà Sumanā Devi là người hoan hỷ nhất.

Lúc đức Phật dẫn đầu đoàn sa-môn trang nghiêm, vàng rực lần lượt trì bình khất thực tại thị trấn Bhaddiya – thì tin lành ấy đã được truyền đến tai triệu phú Meṇḍaka. Ông liền cho gọi cô bé cháu ngoại – là Visākhā, lúc ấy mới bảy tuổi - rồi nói rằng:

- Cháu yêu quý của ông! Đức Thế Tôn và Tăng chúng đang vân du hành hóa đến quê hương của chúng ta; ngài và hội chúng còn ở Bhaddiya ngày nào, là những ngày an vui và hạnh phúc cho hai ông cháu chúng ta đấy, cháu biết không?

Cô bé Visākhā mở tròn mắt, ngạc nhiên, ngây thơ hỏi:

- Tại sao thế ông ngoại? Không phải là chúng ta cũng đang sống trong an vui và hạnh phúc đó sao?

- Ừ, đúng là vậy! Triệu phú Meṇḍaka âu yếm vuốt mái tóc cô cháu gái – Nhưng ông đã được nghe pháp của đức Thế Tôn, ông mới hiểu được rằng, an vui và hạnh phúc của chúng ta hiện có ở đây, không được lâu bền; nó mong manh lắm, nó mau biến hoại, đổi khác lắm - như một đóa hoa buổi sáng nở, buổi chiều thì tàn vậy.

- Là hoa phù dung, cháu biết rồi – Cô bé Visākhā mau mắn nói - buổi sáng màu trắng, trưa màu hồng, chiều màu đỏ và tối thì tàn rụi. Cháu thấy rồi, và cháu thương cảm cho nó quá.

- Cháu thương cảm nó à?

- Phải, cháu thương cảm ! Nên cháu thường nhặt những đóa hoa phù dung tàn ấy, bỏ trong ly nước, nhưng nó cũng không thở được, không sống được, ông ngoại à!

- Ừ, không thể sống được đâu! Ông triệu phú Meṇḍaka đăm chiêu một lát rồi nói tiếp - Đức Thế Tôn, các bậc Chánh Đẳng Giác cũng thương cảm chúng ta cũng như cháu thương cảm đóa hoa phù dung kia vậy. Do thế, đức Thế Tôn đã chỉ dạy một con đường – cho chúng ta tìm thấy một loại an vui và hạnh phúc lâu bền hơn.

- Vậy là tuyệt! Cô bé Visākhā vỗ tay – Cháu cũng muốn nghe sự chỉ dạy ấy của đức Thế Tôn. Nhưng ngài ở đâu, thưa ông ngoại?

- Ngài đã đến rồi! Đức Thế Tôn ấy, sáng nay cùng với hội chúng sa-môn năm trăm vị đang đi trì bình khất thực hóa độ chúng sanh tại thị trấn Bhaddiya của chúng ta đấy.

- Thế tại sao ông ngoại và cháu không đi thăm, đảnh lễ và cúng dường đức Thế Tôn ấy - rồi xin được nghe lời chỉ dạy.

- Đi chứ, đi chứ! Ông triệu phú cười vui, mau mắn nói – Nhưng hẵng đợi đến sớm mai. Bây giờ, cháu hãy chuẩn bị cho thật trọng hậu và hoành tráng nhất; nghĩa là phải có đủ năm trăm cỗ xe có ngựa kéo với đầy đủ tứ sự, lễ vật cùng năm trăm thị nữ, gia nhân... rồi ông cháu chúng ta đến thăm đức Thế Tôn, có lẽ đang ở tại một ngôi rừng nào đó ở ngoại ô...

Sau khi cô bé đi lo công việc, ông triệu phú suy nghĩ: “ Cha mẹ nó đều là bậc trí thức, hiền thiện, đã từng được nghe pháp nhiều lần ở nơi này và nơi kia; riêng cô bé thì chưa. Nó lạ lắm. Nó tiềm tàng những phẩm chất cao quý mà ít người có được. Khi sinh ra, nó nằm gọn gàng trong cái bọc điều tinh khiết, trông kháu khỉnh, sáng rỡ như viên hồng ngọc, lại còn hương trời ở đâu mà tỏa ngát, thơm lừng cả nhà nữa chứ. Càng lớn lên trông càng mỹ miều, duyên dáng. Theo nhân tướng học, nó có năm vẻ đẹp quý phái, đó là xương, vóc, tóc, da và tuổi trẻ. Tuy mới bảy tuổi, chưa phát lộ toàn diện năm vẻ đẹp ấy – nhưng rõ ràng tóc nó mượt mà, lóng lánh, dài rồi cuộn lên như đuôi công. Cặp môi của nó đỏ hồng đi liền với nụ cười xinh xắn, dịu dàng. Còn hàm răng của nó nữa, trắng trong, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng bạch ngọc. Nước da cô bé mịn màng như cánh hoa sen màu vàng. Vóc nó trông mảnh mai, nhưng tiềm tàng một sức khỏe lạ lùng; có lần nó bồng một chú bê con trông nhẹ nhàng như ôm một bó bông! Điều đặc biệt, lúc nào, ăn uống đi đứng nằm ngồi đều toát ra cái phẩm chất cao quý, dường như không hề thấy thói hư tật xấu nào. Chỉ tiếc nó là gái, bằng không nó sẽ trở nên một bậc chí nhân, chí thiện trên đời này. Nhưng mà không sao, phải tạo cơ hội cho cô bé này được thân cận những bậc đại trí tuệ như đức Phật để cho nó được thăng hoa những phẩm chất ấy.”

Thế rồi, ngày hôm sau, ông triệu phú Meṇḍaka và cô bé Visākhā với năm trăm cỗ xe thực phẩm, lễ vật; năm trăm thị nữ, gia nhân rầm rộ, sang trọng không thua gì vua chúa đến khu rừng ngoại ô thăm viếng đức Thế Tôn và hội chúng tỳ-khưu.

Đức Phật biết trước chuyện này, là một nhân duyên lớn cho giáo pháp nên sáng nay đã không đi bát, ngài ngồi dưới một gốc cây lớn với hội chúng xung quanh.

Thấy được đức Phật, tự dưng cô bé Visākhā phát khởi đức tin trong sạch, niềm hoan hỷ bừng bừng tỏa sáng nơi khuôn mặt, nó nói nhỏ với ông ngoại:

- Đức Phật và hội chúng sa-môn này có cái gì rất trong sạch, thiêng liêng – hoàn toàn khác với các đạo sĩ, du sĩ... với hình dong, y áo, tướng mạo lôi thôi, lếch thếch mà cháu thường gặp nhan nhãn khắp mọi nơi, khắp mọi chỗ...

- Ừ, cháu nhận xét đúng đấy! Cái đó được gọi là Tăng tướng và phẩm mạo thánh hạnh - chỉ có được trong giáo hội của đức Tôn Sư thôi, cháu ạ!

Sau buổi đặt bát, cúng dường lớn, triệu phú Meṇḍaka và cô bé Visākhā còn được nghe pháp. Hôm ấy, đức Phật do biết được sự suy nghĩ trong tâm của ông triệu phú nên ngài nói về những tính xấu của con người cần phải loại bỏ, phải cần có trí tuệ soi sáng thường trực để nhận ra những thói quen, tật xấu nằm ngủ lưu niên lưu cữu trong dòng nghiệp của mỗi người. Nhờ vậy, mới hiển lộ được tư cách và phẩm chất tốt đẹp mà ai cũng sẵn có - rồi làm cho nó được thăng hoa, dần dần đưa đến toàn thiện và toàn mỹ. Muốn đi theo con đường ấy, ban đầu phải có ngũ giới, thập thiện, biết bố thí, cúng dường, biết mở rộng tấm lòng trong tương quan sự sống với con nguời, chúng sanh và xã hội.

Sau buổi pháp thoại, ông triệu phú rưng rưng nước mắt thấy đức Phật thuyết một thời pháp đúng với tâm nguyện của mình nên ông đã có được đức tin vững chắc đối với Tam Bảo. Cô bé Visākhā, mặc dầu còn nhỏ, nhưng tinh thần đã đến mức tiến hoá bậc cao do căn duyên nhiều đời, nên đã chứng quả Nhập Lưu, hơn cả ông ngoại nó!

Khi về đến nhà rồi, hai ông cháu hoan hỷ quá, cứ huyên thuyên nói chuyện với nhau. Cha mẹ cô bé Visākhā, ông bà triệu phú Dhanañjaya và Sumanā Devi đi công việc ở xa về, nghe được, mỉm cười nói:

- Hai ông cháu thế là “bỏn xẻn” pháp, đức Thế Tôn sẽ cười chê đấy. Hai ông cháu đặt bát một lần thì chúng tôi sẽ đặt bát hai ba lần. Hai ông cháu được nghe pháp một lần thì chúng tôi sẽ nghe pháp hai ba lần cho mà xem.

Ôi, niềm vui nhẹ nhàng, thanh cao của cái gia đình hiền thiện này, ai mà không thèm muốn.

Thế là đức Phật và hội chúng phải ở lại đây một thời gian nữa để gieo duyên với chúng sanh. Không những hai vợ chồng gia đình triệu phú này đặt bát cúng dường mà còn bạn bè, thân hữu cùng rất đông gia chủ ở trong thị trấn Bhaddiya nữa.  Vậy là tôn giả Sāriputta và Ānanda thỉnh thoảng phải thay mặt đức Phật để thuyết pháp đến quần chúng tín mộ. Họ quy y rất đông.

Khi rời khỏi Kuru, đức Phật tiết lộ một chút về tương lai:

- Cô bé Visākhā kia, sau này sẽ trở thành một nữ đại thí chủ, mà công đức hộ trì Tam Bảo, cúng dường tứ sự đến Tăng Ni cũng không thua gì ông triệu phú hiền thiện Cấp Cô Độc đâu đấy!

 

3.10- Thế Nào Là Một Bà-la-môn Chân Chính?

Sớm hôm ấy, đức Phật đắp y, mang bát rồi nói với Ānanda đang đứng bên cạnh:

- Hãy thông báo với đại chúng, hôm nay, chúng ta phải bộ hành xa, đến thị trấn Campā; sau khi đi trì bình khất thực, hãy đến bờ hồ Gaggara (Già-già-liên-trì) để nghỉ trưa.

Cũng như các lần trước, tôn giả Sāriputta biết là đức Thế Tôn muốn hóa độ một người, một nhân vật quan trọng. 

Campā là vương quốc của một bộ tộc nhỏ nhưng có dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, lúa gạo phì nhiêu - là một lãnh thổ được sự ân tứ của đức vua Bimbisāra - một tịnh bang tươi đẹp. Tại đây, có một trưởng lão bà-la-môn hữu danh tên là Sonadanda, rất được các bà-la-môn trong vùng kính trọng, tôn quý. Vì dòng dõi ông có huyết thống thanh tịnh bảy đời, là nhà phúng tụng, trì chú, thông hiểu ba tập Vệ-đà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về tự nhiên học. Lại nữa, bà-la-môn Sonadanda là bậc đại phú, đại quý; đẹp lão, có tướng của bậc đại nhân, màu da thù thắng, sắc vẻ khôi ngô tuấn tú, cử chỉ trang nhã, dáng điệu cao thượng. Còn nữa, ông thường có lời thiện ngôn, tao nhã đối với mọi người; giọng nói không bập bẹ, phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác. Tôn giả hiện là bậc tôn sư của nhiều người, đang dạy cho ba trăm thanh niên bà-la-môn từ nhiều phương, nhiều nước đến tham học...[i]

Lúc ấy, bà-la-môn Sonadanda bước lên lầu để nghỉ trưa, nhìn xuống đường thì thấy rất nhiều bà-la-môn gia chủ lũ lượt đi về phía bờ hồ Gaggara; ngạc nhiên, ông cho người xuống hỏi. Được biết là họ cùng nhau đi chiêm bái, yết kiến sa-môn Gotama - nghe nói đấy là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác - mà tin đồn về tu tập khổ hạnh, sự chứng ngộ chân lý bất tử , thành lập hai giáo hội Tăng và Ni đã tràn qua cửa tai của muôn dân nhiều quốc độ.

- Bảo họ hãy đợi ta - Bà-la-môn Sonadanda hối hả nói - Ta cũng phải đích thân đi thăm viếng vị ấy.

Nghe được vậy, các vị bà-la-môn gia chủ lão thành đồng đến can ngăn:

- Không được đâu! Thật không xứng đáng chút nào nếu tôn giả đi yết kiến vị ấy!

- Tại sao?

- Nếu tôn giả đích thân đi yết kiến sa-môn Gotama thì danh tiếng ngài sẽ bị tổn giảm và danh tiếng sa-môn Gotama sẽ được tăng thịnh. Sa-môn Gotama còn trẻ tuổi, xuất gia chưa được bao lâu; còn tôn giả là bậc trưởng thượng, niên cao, lạp lớn - được đức vua Seniya Bimbisāra nước Māgadha và bà-la-môn thượng thủ Pokkharasādi kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, trọng vọng ngài. Bởi lý do ấy nên sa-môn Gotama phải đích thân đến yết kiến tôn giả thì có lý hơn!

- Các vị nói rất đúng - Bà-la-môn Sonadanda mỉm cười, gật đầu - Tuy nhiên, nếu quý vị biết rõ về sa-môn Gotama, về xuất sinh, về đại nhân tướng, về tuổi trẻ, về xuất gia, về sở học, về kiến văn, về ngôn ngữ, về đức hạnh, về trí tuệ, về chân lý đã được chứng ngộ, tuyên thuyết, về ảnh hưởng của vị ấy đối với các giáo phái chủ, giáo phái sư, về sự tôn sùng, ngưỡng mộ, quy y - không những chỉ đức vua và triều đình Māgadha, mà còn đức vua và triều đình Kosala và các bậc đại phú, đại quý, các tiểu vương, các thủ lãnh tướng quân các nước liên bang cộng hòa nữa... thì chính quý vị phải khuyên ta nên đi yết kiến sa-môn Gotama mới đúng lẽ...

Nghe nói vậy, các bà-la-môn gia chủ nín lặng. Sau đó, có vị hỏi:

- Chẳng lẽ nào sa-môn Gotama lại hơn tôn giả về tất cả mọi lãnh vực?

- Không những hơn tất cả - mà có lẽ trên thế gian này, hằng triệu triệu năm mới xuất sinh được một nhân cách kỳ vĩ như thế!

Thấy mọi người còn có vẻ hồ nghi, bà-la-môn Sonadanda thong thả nói:

- Khi sinh ra, vị ấy có 32 quý tướng và 80 vẻ đẹp; chỉ cái tướng cách ấy thôi, thế gian cũng không có hai người; và chính vị đại tiên Asita tiên đoán, một, sẽ làm Chuyển luân Thánh vương, hai là đắc quả Chánh Đẳng Giác. Lớn lên trong nhung lụa, sau khi thu thập một kiến thức và một sở học phi thường - vị ấy từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con xinh, chối từ cả vương vị để xuất gia tầm đạo khi tuổi đang còn thanh xuân, tóc đang còn đen nhánh... Và chỉ chừng ấy thôi thì ta đã không dám so sánh rồi.

Thấy mọi người đang chăm chú lắng nghe, tôn giả Sonadanda tiếp tục:

- Ta được mọi người tôn sùng, ngưỡng mộ do huyết thống, tư cách, ngôn ngữ, kiến văn, sở học, ba tập Vệ-đà, chú giải cùng nhiều thứ khác nữa - nhưng so với sa-môn Gotama thì có thấm thía gì! Ngoài lão thông, uyên bác các loại triết học trong và ngoài truyền thống Vệ-đà, vị ấy còn thông hiểu cả hằng trăm ngôn ngữ của các bộ tộc và hằng chục cổ ngữ khác nhau, hiện đang tồn tại hoặc đã mất tích đâu cả ngàn năm trước! Sau sáu năm khổ hạnh đệ nhất tại dãy núi Gayā, vị ấy đã phát lộ con đường cổ xưa rồi giác ngộ dưới cội cây Asattha bên sông Nerañjanā. Từ đấy, vị ấy lên đường hoằng pháp với một loại giáo lý chưa từng được nghe - đấy là một chân lý độc sáng, chưa có trong kinh điển Vệ-đà. Quý vị thấy thế nào, một bậc như vậy có xứng đáng để chúng ta đi yết kiến, lắng nghe và học hỏi không?

- Quả rất xứng đáng!

- Ta được một vị đại vương, một vị bà-la-môn thượng thủ coi trọng thì có nghĩa lý gì! Ta có được ba trăm đồ chúng đến tham học thì có nghĩa lý gì! Chỉ mới mấy năm gióng trống pháp bất tử, sa-môn Gotama đã có bên mình hàng ngàn tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni; đã có hằng trăm ngàn cận sự Nam, cận sự nữ... Trong số đệ tử xuất gia phạm hạnh ấy có tiểu vương, tổng trấn, thái tử, vương tử, công tử, tiểu phú hộ, đại phú hộ, thương gia, tướng quân, nhà tư tưởng, thông thái, biện sĩ, du sĩ lỗi lạc, bà-la-môn trưởng giáo hữu danh, chiến sĩ, công chúa, quý phi, công nương, quận chúa, cung nga... và còn có cả giai cấp Vệ-xá, Thủ-đà-la và cả Chiên-đà-la nữa!

Có ai đó thốt lên:

- Thật là kinh khiếp!

- Thật là vĩ đại!

- Chưa đâu – tôn giả Sonadanda tiếp tục - đệ tử của sa-môn Gotama, ngoài triều đình, chánh hậu, quý phi, công chúa các vị đại vương Kosala, Māgadha... còn có địa tiên, thọ thần, sơn thần, dạ-xoa, cưu-bàn-trà, khẩn-na-la, kim xí điểu, rồng, càn-thác-bà, chư thiên, Tứ đại thiên vương, Đế thích thiên chủ cùng phạm chúng thiên, phạm phụ thiên và đại phạm thiên nữa!

Mọi người im lặng như tờ.

- Một bậc như vậy mà phải đến yết kiến ta hay sao, quý vị thử nghĩ xem?

Họ cúi đầu xuống, không trả lời, ngầm chấp nhận. Giọng nói của tôn giả Sonadanda còn vọng lại bên tai họ, rất nhiều, rất nhiều chuyện nữa...

- Quý vị biết không, tự nghĩ lại mà xem? Một số giáo chủ, giáo phái sư bà-la-môn của chúng ta tự nhận là xuất gia, sống không gia đình, ăn rau trái cây củ hoa lá, có vẻ như tôn trọng sự sống của chúng sinh - nhưng thật ra trong các cuộc đại tế, trung tế, tiểu tế biết bao nhiêu là súc vật thật không kể xiết đã bị giết hại, lấy đầu và máu để tế thần. Cũng rất nhiều vị thuyết con đường đến với phạm thể một cách rất thanh cao, cao thượng - nhưng bản thân họ thì làm giàu từ tài sản của thí chủ, đêm nằm trên những chiếc giường sang trọng để ôm ấp hầu non, gái tơ - có vị cả hằng chục tỳ thiếp như thế. Họ ăn chay, nhưng một ngày ăn ba bữa, bốn bữa cho thỏa thích, cho khoái khẩu, căng đầy da bụng! Còn sa-môn Gotama và chúng tỳ-khưu thì sao; họ giữ giới hạnh rất nghiêm túc, hoàn toàn bần hàn vô sản, mỗi ngày đi xin ăn và chỉ ăn một bữa. Vị Phật ấy hằng khuyên chúng đệ tử xuất gia phải biết lánh chốn phồn hoa, đô hội; nên sống ở cội cây, rừng, hang động, nghĩa địa, chỗ không có mái che - tùy duyên đi nơi này nơi khác để giáo hóa chúng sanh, xa lìa tham lam, sân hận, si mê, chấp thủ, sở hữu... để không còn một dính mắc gì nơi trần thế. Họ thuyết con đường xuất thế nhưng đã không mệt mỏi vì cuộc đời, vì con người, vì những chúng sanh đang tối tăm, đang đau khổ... Thử hỏi, chúng ta cao thượng ở chỗ nào, khi những vướng mắc tục lụy như vợ, như con, như tài sản, như danh vọng, lợi dưỡng, địa vị vẫn đang còn cùm chân tất cả chúng ta; và biết bao nhiêu người do thiếu bản lãnh, thiếu tu tập đã đi vào đọa lạc, hạ liệt, tối tăm, thấp thỏi?

Câu hỏi ấy rơi vào im lặng. Có một vị lão trượng chợt quắc mắt, chất vấn:

- Sao tôn giả lại tự chê mình, khen người đến như thế được?

- Hóa ra tôn giả Sonadanda đang ca tụng, tán thán sa-môn Gotama một cách tối thượng?

- Đúng thế! Một vị khác nói tiếp - Dầu cho một ai ở xa đây 100 do-tuần, nếu nghe được lời ca tụng, tán thán ấy; có cơm đùm, gạo bới, khó khăn, vất vả thế nào cũng phải đi yết kiến sa-môn Gotama cho bằng được!

- Không sai, vì đấy là sự thật - Tôn giả Sonadanda gật đầu - Rồi quý vị sẽ biết, sẽ thấy - là còn rất nhiều đức tính ưu việt của sa-môn Gotama nữa, ông ta có vô lượng ưu điểm! Đấy là một bậc Chánh Đẳng Giác thật sự. May mắn và hạnh phúc làm sao, khi tất cả chúng ta được cùng đi hội kiến với Người.

- Thôi được rồi! Một vị gia chủ kết luận - Tôn giả Sonadanda đã nói như thế, đã xác quyết như thế thì đúng là sự thực như thế, tảng đá cũng phải gật đầu. Huống nữa, đất nước Campā tươi đẹp của chúng ta vốn rất hào sảng, mến khách. Cho dù sa-môn Gotama không phải là một vị Phật đi nữa, nhưng ngài và hội chúng đã đến Campā - thì họ là khách quý của chúng ta!

Thế rồi, cả hội chúng gia chủ bà-la-môn rầm rộ lên đường, mang theo rất nhiều lễ phẩm, hướng đến bờ hồ Gaggara. Vừa đi, trong tâm trí bà-la-môn khởi lên những lo lắng, bất an, như sau: “ Các trưởng lão bạn hữu thâm tình của ta ở Kosala, Māgadha, Vesāli đều cho biết rằng, không ai ở trên đời này, cho dù tôn sư, đại tôn sư của các bậc giáo chủ có sống lại cũng không dễ gì đối thoại với sa-môn Gotama mà không có ấn tượng như thân lau bị bẻ gãy hoặc có cảm giác như đám cỏ bị gió thổi rạp! Ngoài ra, tâm tư của người đối thoại nghĩ gì, định nói điều gì thì sa-môn Gotama đều thấy rõ, biết rõ cả. Ngại rằng, khi ta đặt một câu hỏi, dù cho câu hỏi ấy ta đã suy nghĩ chín chắn, nhưng sa môn Gotama lại nói: Này bà-la-môn, không nên đặt câu hỏi như thế, chính xác phải đặt câu hỏi như thế này! Nếu quả có chuyện ấy xảy ra thì ta sẽ bị bẻ mặt, bị ê mặt; theo đó, cái danh giá trí thức của ta sẽ như nước đổ sông; và hội chúng gia chủ này sẽ không còn coi ta ra gì nữa! Không chỉ có vậy mà thôi, ta còn ngại rằng, khi ta phải trả lời những câu hỏi của sa-môn Gotama, lại bị ông ta chất vấn, cật vấn ráo riết với lý luận chặt chẽ, đanh thép... khi ấy ta sẽ ú ớ, ngọng nghịu thì còn ra thể thống gì nữa? Thôi, ta chỉ mong rằng, sa-môn Gotama là bậc đại trí, đại lượng, đừng chê cười, khinh miệt ta một cách quá đáng; đại loại như đừng sỉ nhục ta là người ngu si, bất tài, thiểu học, dốt nát, tâm trí tối đen như đêm ba mươi là quý lắm rồi! Vả chăng, bậc Chánh Đẳng Giác kia, chắc cũng hiểu ta là một bà-la-môn chân chính; tuy nhiên, ta còn có gia đình, vợ con, gia sản, đồ chúng cùng uy tín, địa vị đã được gầy dựng đổ mồ hôi, sôi nước mắt, hao tổn tim óc suốt mấy chục năm qua... mà giữ thể diện cho ta một phần nào!” 

Lúc ấy, đức Thế Tôn và tăng chúng tỳ-khưu đã độ ngọ xong, đang ngồi tọa thiền hoặc tĩnh chỉ trong bóng im của những tàn cổ thụ xanh mát. Hội chúng gia chủ bà-la-môn được tôn giả Sonadanda dẫn đầu, đến chào hỏi chừng mực, lễ độ, thân tình rồi ngồi xuống một bên. Trong số họ, có người đảnh lễ, có người chắp tay xá, có người nói vài lời xã giao, có người không nói gì cả, tìm chỗ ngồi thích hợp. Và khá đông đưa mắt nhìn quanh, có cảm giác như rởn cả tóc gáy khi thấy mấy trăm tỳ-khưu yên lặng như một rừng đại định, chầu quanh đức Phật sáng rỡ như một vị đại phạm thiên.

Thật ra, bà-la-môn Sonadanda khỏi phải lo ngại như thế vì đức Thế Tôn đã biết rồi, đã thấy rõ tất cả rồi, ngài nghĩ:

“Đây là một trong số ít trưởng lão bà-la-môn có đời sống mẫu mực, trung thực. Tuy sống giữa cát bụi danh vọng và lợi dưỡng nhưng tự bên trong tâm hồn, một góc nhỏ nào đó vẫn còn một đền thờ tâm linh thiêng liêng luôn rực cháy một ngọn đèn! Quý hóa thay, vậy ta sẽ hỏi những câu hỏi thuộc về kinh điển, về sở trường, liên hệ với một số đức tính mà ông ta hiện có!”

- Trưởng lão Sonadanda quý mến! Hôm nay, thật là vinh hạnh thay cho Như Lai và hội chúng của Như Lai, khi hành hóa đến đất nước Campā tươi đẹp, thịnh mậu và phú cường này; đã chưa đi thăm viếng các gia chủ, lại được chư vị gia chủ đáng kính đồng đến thăm viếng đông đúc với lễ lạt trọng hậu!

- Không dám! Tôn giả Sonadanda khiêm tốn nói - chúng tôi chỉ muốn làm tròn bổn phận của một gia chủ và chúng tôi xem sa-môn Gotama và hội chúng tỳ-khưu như những bậc thượng khách!

- Đúng là ngôn ngữ khả ái của một bà-la-môn hữu danh - Đức Phật mỉm cười, đi vào đề ngay - Chẳng hay, xin trưởng lão cho Như Lai được biết, một vị bà-la-môn phải gồm đủ bao nhiêu đức tính, để có thể nói, tôi là một bà-la-môn chơn chính - mà không phải là vọng ngữ, vọng ngôn?

Tôn giả Sonadanda nghe mát óc, mát ruột, tự nghĩ: “ Lời chào hỏi, cách dụng ngữ của sa-môn Gotama đã làm cho lỗ tai của ta rất hoan hỷ. Bây giờ, lại hỏi ta một câu hỏi thuộc về sư truyền về ba tập Vệ-đà, thuộc về kiến thức chuyên môn của ta; rõ là vị sa-môn này thấy biết cả tim óc người ta rồi!”

- Thưa sa-môn Gotama! Ông ngồi thẳng lưng, chững chạc; hoàn toàn lấy lại niềm tin và tư cách mô phạm cố hữu của mình - Có năm đức tính để có thể tựu thành một bà-la-môn chơn chính, để khi tự xưng, tôi là một bà-la-môn - thì lời nói ấy là chân thực, không phải vọng ngôn, vọng ngữ!

- Như Lai xin được rửa tai để nghe 5 đức tính ấy.

- Thưa, thứ nhất là thiện sanh mẫu và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh bảy đời; không bị gièm pha, không bị nghi ngờ, bị một vết nhơ nào về huyết thống thọ sanh ấy. Thứ hai, phải thông hiểu ba tập Vệ-đà, biết phúng tụng, trì chú, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải, ngữ pháp, văn phạm...Thứ ba, vị ấy phải có dung sắc, khôi ngô tuấn tú, khả ái trong dáng điệu, cử chỉ và ngôn ngữ... Thứ tư, phải có đức hạnh, giới hạnh, đức độ cao dày. Thứ năm là phải thông minh, sáng suốt, có trí tuệ khả dĩ là người đệ nhất hay đệ nhị cầm muỗng đổ bơ trong các lễ tế thần. Thưa sa-môn Gotama! Đấy là 5 đức tính để khả dĩ được gọi là một bà-la-môn chơn chính còn lưu truyền trong thánh điển tự ngàn xưa.

- Đúng vậy, thật là rõ ràng, mạch lạc - thưa vị trưởng lão khả kính! Nhưng cho Như Lai được hỏi, trong 5 đức tính ấy, ta có thể bỏ bớt một đức tính nào, chỉ còn 4 đức tánh thôi - cũng có thể tựu thành một bà-la-môn chơn chính mà vẫn thấy không hề khiếm khuyết?

- Được, thưa sa-môn Gotama! Chúng ta có thể bỏ bớt dung sắc, tức là bỏ điều thứ ba. Tại sao vậy? Vì trên đời này có biết bao nhiêu người hảo tướng, dung sắc đẹp đẽ, tuấn tú, khôi ngô; thái độ, cử chỉ, ăn nói đều dịu dàng, nhu nhuyến, khả ái - nhưng mà tâm địa không được tốt; đôi khi còn là bụng lang dạ sói nữa. Vậy bỏ điều ba, còn lại bốn điều thôi vẫn là một bà-la-môn chơn chính như thường!

- Hay lắm, chính xác lắm! Như Lai rất là đồng tình lối nghị luận ấy. Nhưng mà này, trong bốn đức tính kia, có thể bỏ bớt thêm một điều nào đó nữa, chỉ còn ba thôi, mà vẫn không là lạm xưng một bậc bà-la-môn chơn chính?

- Có thể được, thưa sa-môn Gotama! Bỏ chú thuật, tức là bỏ tất cả nội dung của điều thứ hai. Tại sao vậy? Tại tôi đã từng thấy rất nhiều vị thiên kinh, vạn quyển, lão thông rất nhiều môn học, lại giỏi về phúng tụng, chú thuật, lễ nghi... nhưng họ có đời sống sa đọa, thọ hưởng quá quắt năm món dục lạc từ đống tài sản cúng dường của những thí chủ thiện tâm. Đấy là bất chính, là thấp thỏi, là hạ liệt. Vậy, bỏ điều thứ hai đi, chỉ còn lại ba đức tính, vẫn thủ đắc là một bà-la-môn chơn chính như thường!

Đến ngang đây thì hội chúng gia chủ đi theo - họ xôn xao, bàn tán, có nhiều người thốt lên, giọng xen kẽ nhau:

- Vị tôn giả đáng kính của chúng ta đã bước vào tròng của sa-môn Gotama rồi!

- Chỉ một vài câu hỏi khôn ngoan, sa-môn Gotama đã như một nhà huyễn sư hoặc một nhà thôi miên đã làm cho tôn giả của chúng ta lú lẩn, mụ mẫm mất rồi!

- Ai đời lại tự bác bỏ kiến thức sư truyền của mình để công phá trực diện, tấn công từng điểm một trong 5 đức tánh tựu thành bà-la-môn từ ngàn xưa!

- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi, này các gia chủ! Bà-la-môn Sonadanda đứng dậy, quắc mắt nhìn quanh một vòng - Nếu quý vị thấy tôi không đủ trí năng, kiến thức để hầu chuyện với sa-môn Gotama - thì ai ở đây có đủ tư cách ấy, hãy bước ra, tôi xin sẵn sàng nhường vai trò đại diện cho vị ấy!

Thấy mọi người im lặng, tôn giả tiếp:

- Chư vị biết không, với cách hỏi lạ lùng như thế ấy, rồi chư vị sẽ thấy là sa-môn Gotama đã dùng lưỡi gươm tuệ sắc bén để chặt bỏ tất cả mọi lau lách, lùm bụi bao che bên ngoài, để phát lộ cho chúng ta thấy cái đức tính chân thật nhất, tối thượng nhất của mọi đức tính!

- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu - Cứ tuần tự như thế thì trong ba điều còn lại, cái chúng ta cần lượt bỏ tiếp theo, chính là thọ sanh với cái huyết thống thanh tịnh bảy đời, có phải vậy không, trưởng lão Sonadanda?

- Phải rồi, thọ sanh mà làm gì, lý lịch bảy đời thuần chất huyết thống mà làm gì! Chỉ cần một con người có đạo đức, có giới hạnh, hiền thiện, thông minh, sáng suốt, có trí tuệ xứng đáng là đệ nhất hay đệ nhị cầm muỗng đổ bơ trong các lễ tế thần là xứng đáng được gọi là ba-la-môn chơn chính rồi!

Hội chúng lại la ó, phản đối:

- Hết rồi! Bà-la-môn trưởng lão của chúng ta đã khinh bác dung sắc, hảo tướng, khinh bác phúng tụng, chú thuật, lễ nghi, bây giờ lại khinh bác luôn cả thọ sanh nữa - thật sự, Sonadanda đã làm quân cờ xung kích cho sa-môn Gotama rồi!

- Hai đức tính trước, phủ bác, còn nghe được; nhưng cái thọ sanh, cái huyết thống thanh tịnh bảy đời là phẩm chất đáng tự hào của dòng dõi bà-la-môn mà trưởng lão của chúng ta cũng phủ bác luôn - thì còn đâu là bà-la-môn nữa mà gọi bà-la-môn, là bà-la-môn chơn chính?

Tôn giả Sāriputta đang đứng hầu một bên, muốn phụ giúp bà-la-môn Sonadanda một vài lời, nên nói với hội chúng gia chủ:

- Xin lỗi, nếu chư vị nghĩ rằng bà-la-môn Sonadanda không phải là bậc đa văn, không phải là nhà hùng biện, không phải là nhà bác học, không phải là nhà nghị luận có gang có thép - để có thể nói chuyện với đức Tôn Sư của chúng tôi - thì xin ngài Sodananda hãy đứng qua một bên và để chư vị đại diện làm người đối thoại? Bằng ngược lại - thì xin chư vị giữ cho sự im lặng cần thiết - vì cuối buổi pháp thoại, chắc chắn chư vị sẽ thấy rõ sự thật, sẽ thâu hái được nhiều điều lợi ích.

Mọi người im lặng. Bà-la-môn Sonadanda đứng dậy, nói:

- Rất cảm ơn bậc Chưởng giáo, nhưng không cần thiết ngài phải tổn hơi. Để chính tôi, phải, cứ để tôi nói chuyện với hội chúng này bằng chánh pháp.

Rồi ông nhìn quanh một vòng, cất giọng trầm tĩnh:

- Thật ra, chư vị đã hiểu lầm khi bảo tôi phủ bác, khinh bác những đức tính kia rồi ngã theo quan điểm của sa-môn Gotama. Không, tôi chỉ ngã theo chánh pháp thôi.

Lúc ấy, bên cạnh ông, có người thanh niên bà-la-môn tên là Angaka. Bà-la-môn Sonadanda nắm tay chàng đứng dậy giới thiệu, rồi nói chuyện với mọi người:

- Đây là cháu tôi, là thanh niên Angaka! Quý vị có thấy không, thanh niên Angaka rất tuấn tú, đẹp trai, đệ nhất về dung sắc, khả ái về ngôn ngữ, thái độ, cử chỉ; ở đâu cũng toát ra chất thanh cao, tao nhã. Dường như ai ở đây cũng không thể so sánh với y về dung sắc, có lẽ ngoại trừ sa-môn Gotama. Này các bạn, thanh niên Angaka là nhà trì chú, phương thuật, thông hiểu ba tập Vệ-đà, chú giải cùng những kiến văn liên hệ. Angaka còn là thiện sanh phụ và mẫu hệ, huyết thống thanh tịnh bảy đời. Chính tôi dạy cho nó và tôi biết rõ cha mẹ nó. Này các bạn, Angaka ưu việt đấy chứ? Nhưng mà, nếu Angaka sát sanh, giết hại các loài hữu tình, trộm cắp, lấy của không cho, đi tư thông, tà hạnh, tà vạy với vợ con người, nói dối, nói láo, uống rượu say sưa - thì dung sắc kia để mà làm gì? Học thông hiểu rộng, phương thuật, chú thuật để làm gì? Huyết thống thanh tịnh để làm gì? Ba đức tính ấy có làm nên một con người tốt đẹp không, một bà-la-môn chơn chính không - khi không có giới hạnh, đạo đức?

Hội chúng lại im lặng, dường như họ bắt đầu hiểu những lý lẽ, dẫn chứng của bà-la-môn Sonadanda là chính xác. Có rất nhiều sự đồng tình:

- Quả thật vậy!

- Không có giới hạnh thì quả là con người bỏ đi!

- Ba đức tính kia dẫu là vàng ròng cũng không thể làm sang trọng được, che lấp được những hành động xấu xa!

- Cảm ơn chư vị đã hiểu! Bà-la-môn nói tiếp - Vậy, theo tôi, khi một bà-la-môn có giới hạnh, hiền thiện, đạo đức cao dày, mà vị ấy lại thông minh, sáng suốt, có trí tuệ, xứng đáng đệ nhất hay đệ nhị trong những người cầm muỗng - người như vậy, chỉ cần hội đủ hai đức tính ấy, thì đúng là một bà-la-môn chơn chính!

Đức Phật mỉm cười, hỏi tiếp:

- Thế trong hai đức tính còn lại ấy, có thể bỏ bớt một được không? Có thể bỏ bớt một đức tính mà vẫn được gọi là một bà-la-môn chơn chính?

- Không thể được, thưa sa-môn Gotama! Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh; giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ. Người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Chúng liên hệ thiết cốt với nhau, cần thiết cho nhau như bàn tay này rửa bàn tay nọ, bàn chân này rửa bàn chân kia. Vậy, giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời, thưa sa-môn Gotama!

Đức Phật tán thán:

- Lành thay, này trưởng lão bà-la-môn! Chúng ta đã cùng dẫn nhau đến sự thấy biết chơn chánh, đến cái lõi, cái tinh yếu của mọi đức tính, ấy là giới hạnh và trí tuệ. Nhưng mà này, thưa trưởng lão, vậy thế nào là giới hạnh, thế nào là trí tuệ, ngài có biết không?

- Thưa, tôi chỉ biết có vậy. Cái biết của tôi về vấn đề ấy, ngang chỗ đó là tột bực. Lành thay, nếu sa-môn Gotama giải thông cho chúng tôi nghe rành rẽ về mọi ý nghĩa liên hệ.

Rồi, đức Thế Tôn với giọng phạm âm, tuần tự giảng nói cho bà-la-môn nghe về đời sống của một sa-môn từ khi cạo bỏ râu tóc, xuất gia, sống đời không gia đình, một bát, ba y xin ăn từ cửa mọi nhà không phân biệt giàu nghèo, sang hèn như thế nào. Ăn, mặc ngủ phải vừa đủ. Vị tỳ khưu ấy phải thọ trì những điều học, luật nghi như thế nào, giới nhỏ, giới lớn như thế nào. Rừng, cội cây, nghĩa địa, ngôi nhà trống, động vắng, miếu hoang... là chỗ ẩn cư lý tưởng để tu tập thiền định, các tầng thiền định từ thấp lên cao, từ thô đến tế. Khi nội tâm đã thuần tĩnh, đã nhất như, đã làm sạch tất cả mọi cáu bợn, vị ấy bước qua tu tập thiền quán, nhìn ngắm, quan sát, theo dõi, để nhìn đúng thực tướng của các pháp, vượt qua tất thảy mọi phạm trù ý niệm và khái niệm. Phải miên mật, tinh cần, công phu ngày đêm mới mong có được tuệ nhãn như thực tánh, có được trí tuệ tối hậu, chấm dứt tất cả khổ, giải thoát vô lượng ách phược đeo mang trên trần thế. Vậy này, trưởng lão bà-la-môn! Đấy là lộ trình giới, ấy là lộ trình định, ấy là lộ trình tuệ trong giáo pháp của bậc thánh; chỉ hiện hữu trong giáo hội của Như Lai, không có mặt ở đâu trên cõi đời này, trong các tôn giáo khác!

- Ôi, nhiêu khê đến vậy, sâu xa đến vậy, thưa sa-môn Gotama! Nhưng lộ trình ấy, trong giáo hội cao thượng này, có được mấy người đi đến nơi đến chốn?

- Đứng nói một, hai người, trăm người, mà phải nói là cả ngàn, cả hằng ngàn đệ tử của Như Lai, xuất gia và tại gia đạt được các quả vị và giải thoát tối hậu. Trong số họ, còn biết bao nhiêu là người chứng được thắng trí một thông, hai thông, ba thông, bốn thông, năm thông, đệ nhất biện tài, đệ nhất phân tích, đệ nhất đầu-đà, đệ nhất độc cư, đệ nhất trí tuệ, đệ nhất được chư thiên ái kính, đệ nhất ngôn ngữ, đệ nhất trì luật, đệ nhất thiền định... thật không kể xiết đâu!

Bà-la-môn nghe đến rợn ngợp nhưng lòng ông hoan hỷ, mát mẻ; ông thú nhận là mắt ông đã được sáng, đã được vén lớp mây mù... nên ông xin được quy y Tam Bảo, được làm một người thiện Nam từ nay cho đến trọn đời.

Đức Phật biết được tâm địa nhu thuận, quy hướng của bà-la-môn Sonadanda nên làm lễ quy y cho ông. Và sau đó, ngài im lặng nhận lời, cùng với đại chúng, ngày mai đến trang viên của ông để nhận sự đặt bát cúng dường của gia chủ.

Dịp này, sau khi thọ trai, đức Phật còn thuyết cho bà-la-môn một thời pháp nữa, nói về bổn phận của một gia chủ, bổn phận của một bậc trưởng giáo, bổn phận của một cư sĩ trong việc mưu cầu an lạc, hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Ngài cũng giảng nói đến, tuần tự, thứ lớp những an lạc hạnh phúc cao hơn, các cảnh trời và sự thanh bình nội tâm của các tầng thiền định...

Trước khi tiễn đức Phật và tăng chúng ra về, ông bắt một chiếc ghế thấp, ngồi xuống một bên, chấp tay thành kính, tâm sự:

- Bạch đức Thế Tôn! Hiện giờ đệ tử là trưởng giáo, là bậc thầy của nhiều người; và miếng cơm, manh áo cũng được phát sanh từ đấy. Đệ tử đang sống trong thế giới cát bụi, phải đeo mang những hư vị, những danh vọng hảo huyền, đành phải tuân thủ những quy ước của thế gian. Vậy, sau này, lúc nào, trong hội chúng, gặp đức tôn sư, đệ tử chấp tay vái chào, đấy là cái lễ thành kính của đệ tử. Lúc nào, gặp đức tôn sư, giữa hội chúng, đệ tử tháo khăn đầu, đấy là đệ tử đã kính lễ với cái đầu của đệ tử. Khi nào, giữa hội chúng, khi đệ tử đi trên xe, gặp đức tôn sự, đệ tử sẽ hạ cán roi xuống, đấy là sự kính lễ của đệ tử...

Đức Phật mỉm cười:

- Ừ, Như Lai sẽ giữ thể diện cho ông; danh tiếng ông mà bị tổn giảm thì mọi vinh quang liên hệ trên cuộc đời đều phải bị tổn giảm theo. Tuy nhiên, Như Lai hy vọng rằng, đến một lúc nào đó, chính ông sẽ thấy rõ như thực rằng, tất thảy chúng đều là phù phiếm, rỗng không, thoáng qua, vô ngã, vô thường, như đốm nắng, như giọt sương, như giấc mộng đêm qua...

- Nhất định như vậy rồi, bạch đức tôn sư!

Bà-la-môn Sonadanda đăm đăm nhìn theo bóng đức Phật như nhìn theo một cái gì linh thiêng. Ông kính trọng, yêu thương những gót chân xuất thế xiết bao, nhưng chính ông lại chưa thể đi theo được. Đôi mắt ông chợt đọng long lanh hai giọt sương, nhìn cho kỹ, trong đó phản ảnh một bầu trời trong vắt!

 

3.11- Bà Phu Nhân Xinh Đẹp

Đức Phật trở lại Veḷuvanārāma khi trời đang còn tiết xuân trong lành và mát mẻ. Thoáng nhìn quang cảnh đó đây, ngài biết là có một vài dấu hiệu sa sút về chất lượng, phẩm hạnh của một số đông tỳ-khưu - sau khi vắng ngài cũng như thiếu vắng những bậc thượng thủ A-la-hán.

Tuy nhiên, công việc chấn chỉnh nội bộ cũng không có gì cần được nhắc đến vì tôn giả Sāriputta và Ānanda đã lo việc ấy. Còn đức Phật thì hầu như phải thường xuyên thuyết pháp vào mỗi buổi chiều vì hai hàng cư sĩ rất khát khao học hỏi. Kết quả thật đáng ngạc nhiên là rất nhiều Nam cư sĩ, nữ cư sĩ đắc quả Nhập Lưu. Đặc biệt có một trưởng giả tên là Visākha đắc quả Bất Lai!

Cuối buổi giảng, đức Phật nói với đại chúng:

- Hôm nay Như Lai rất vui mừng vì khá nhiều người đã bước vào dòng bất tử; lại còn có người đạt được quả vị bất thối... Từ đây, lộ trình của họ là lộ trình của an lạc và hạnh phúc, không bao giờ còn rơi đọa vào bốn con đường đau khổ nữa!

Sau lời tuyên bố của đức Phật, số cư sĩ ấy chợt đứng dậy, đến đảnh lễ gần bên chân đức Phật với niềm vui tươi mới, có kẻ sụt sùi nước mắt. Riêng trưởng giả Visākha thì muốn xin xuất gia.

- Chưa phải lúc, này Visākha! Đức Phật nói - Đúng thời, Như Lai sẽ để cho ông tròn sở nguyện. Hiện tại, ông có pháp học vững chắc, tròn đủ tín, giới, văn, thí, tuệ - nên trong hình tướng cư sĩ, ông còn đem đến lợi ích rất nhiều cho gia đình, bà con quyến thuộc cũng như bè bạn gần xa.

Về nhà, trưởng giả Visākha lặng lẽ bước lên lầu, tìm chỗ yên tĩnh tọa thiền. Đến giờ cơm chiều, phu nhân xinh đẹp của ông là bà Dhammadinnā dịu dàng đến bên, đặt tay lên vai, âu yếm nói:

- Đến giờ cơm rồi, thưa phu quân! Đợi giấc tối, giấc khuya hãy tiếp tục công phu.

Xả thiền, trưởng giả Visākha nhẹ nhàng nắm tay bà đặt ra ngoài rồi ân cần nói:

- Bắt đầu từ hôm nay, ta hoàn toàn không muốn nắm bàn tay xinh đẹp của nàng nữa; xin nàng hãy thông cảm cho ta.

- Chàng ghê sợ bàn tay của thiếp sao?

- Không phải vậy! Rồi ta sẽ nói chuyện với nàng sau.

Yên lặng một lát, bà Dhammadinnā nói:

- Thôi, bây giờ đi rửa mặt, rửa tay rồi xuống dùng cơm; cả nhà đang đợi.

- Cũng không cần thiết phải ăn nữa! Ăn một bữa là đủ nuôi sống cái thân rồi.

Lại yên lặng.

- Hay thiếp đã có làm việc gì sai trái, có lỗi với chàng?

- Không, không có! Trưởng giả Visākha lắc đầu - Nàng là người đàn bà tài sắc vẹn toàn; và còn hơn thế nữa, còn cả giới hạnh và đức độ mà người ở gái xấu tính nhất cũng kính yêu và cảm mến.

- Đừng nói lời rào đón hoa hương ngọt mật như vậy nữa - Bà Dhammadinnā giận dỗi - Hay là chàng chán thiếp rồi, chán cái thân xác núc ních đã chảy tràn những thịt và mỡ và nơi nào cũng đầy dẫy những xú uế và bất tịnh này?

Trưởng giả quay sang nhìn bà vợ yêu quý, thổ lộ, tâm sự:

- Nàng đừng nói hơi quá như vậy - nó làm rơi mất nghĩa tình tốt đẹp bấy nay. Ta không có lỗi mà nàng cũng không có lỗi. Ta nói thật cho nàng nghe. Số là sáng nay nghe được pháp từ đức Đạo Sư - tâm trí ta đã chìm vào rất sâu với giáo pháp. Nói rõ hơn - là ta hiện đang sống, hiện đang thở với giáo pháp ấy. Trạng thái tinh thần của ta hiện nay chỉ khế hợp với cái gì thanh lương, cao sáng, tĩnh lặng. Ở đấy, nó không còn có chỗ cho những tình cảm vợ chồng, nhu cầu bản năng thân xác cũng như những cái gì thuộc dục lạc ngũ trần...

Bà Dhammadinnā yên tĩnh, chăm chú lắng nghe.

Trưởng giả Visākha tiếp tục:

- Vậy, cái duyên tơ tóc mặn nồng của chúng ta từ nay nên gác lại. Tài sản mấy trăm triệu đồng tiền vàng - ta để lại cho nàng hầu hết, cứ tùy nghi sử dụng. Ta chỉ cần một phần năm tài sản ấy để nuôi thân và bố thí, cúng dường cho đến khi đủ duyên xuất gia mà thôi. Nàng có thể cai quản gia sản, tùy ý. Nàng có thể lấy hết mang về nhà cha mẹ, cũng tùy ý. Nàng có thể lấy một tấm chồng khác, cũng tùy ý luôn! Thú thật với nàng là nàng còn trẻ, còn đẹp; hơn thế nữa, cái nữ tính đằm thắm, dịu dàng của nàng còn lôi cuốn, hấp dẫn biết bao nhiêu bậc vương tôn, công tử trên đời này! Đừng vì tự ái vẩn vơ mà nói những lời làm trái tim của ta đau xót...

Bà Dhammadinnā chợt cất giọng ráo hoảnh:

- Chàng nói đã xong chưa?

- Xong rồi!

- Vậy thì cho thiếp được phát biểu chính kiến, được chăng?

- Sẵn sàng!

- Vậy thì sau khi liễu ngộ giáo pháp, sống từng hơi thở với giáo pháp - chàng cảm thấy người vợ đầu gối tay ấp của mình, gia sản mấy trăm triệu đồng tiền vàng của mình, đều là vật ngoại thân, là thứ không nên dính mắc, quyến niệm; nói rõ hơn là đáng viễn ly, quăng bỏ - có phải thế chăng?

Trưởng giả Visākha nhìn sâu vào mắt bà:

- Về gia sản thì đúng vậy!

Bà Dhammadinnā cất giọng cứng cỏi:

- Đáng quăng bỏ có nghĩa là cái mà chàng đã bỏ đi, đã mửa ra - thì xin nói thẳng - thiếp cũng cương quyết không nhận những vật mà chàng đã bỏ đi, không nuốt những vật mà chàng đã mửa ra!

Trưởng giả Visākha sững sờ:

- Ý nàng như thế nào?

- Chàng hãy cho thiếp được xuất gia!

Trưởng giả Visākha tưởng tai mình nghe lầm:

- Nàng nói sao?

- Chàng quăng bỏ được thì thiếp cũng quăng bỏ được! Hãy cho thiếp xuất gia.

Trưởng giả Visākha lặng người vì hoan hỷ! Cái hoan hỷ nó chảy rần rần như mọc ốc cả người, nghẹn ngào chưa nói được lời nào - thì bà Dhammadinnā có vẻ trầm tư, xa vắng rồi cất giọng thủ thỉ:

- Đã lâu lắm rồi, thưa phu quân! Kể từ khi gá nghĩa, se duyên cùng chàng, thiếp sống rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì có được người chồng tốt: tốt tướng, tốt nết, tốt bởi tâm đại lượng, tốt trong thái độ khu xử và tốt cả những ngôn lời nhã nhặn, lịch thiệp, dịu dàng... Chẳng có người đàn bà nào gặp được phúc duyên trọn hảo, tuyệt mỹ như thế. Tuy nhiên, có một cái cảm giác, ồ không, là một cảm thức - lúc nào nó cũng chờn vờn, mơ hồ như sương như khói; rằng là, đây là kiếp sống ăn gởi, ở nhờ, tạm bợ và phù du. Có cái gì đó không chắc thật, không vững bền. Dường như là phải có một thế giới khác, một cảnh giới khác - nó rất thân thuộc, lại nằm sâu đâu đó trong ký ức xa xăm! Có một tiếng gọi. Có một tiếng gọi đò từ bên kia sông vẳng lại. Có một cánh tay đưa vẫy đâu đó ở cuối con đường, bên kia dốc núi! Đã có nhiều đêm, nhiều đêm thiếp đã thao thức, thao thức một cõi về vĩnh cửu nào đó, mà thiếp không dám thổ lộ với ai, kể cả chàng, thưa phu quân!

- Đúng, rất đúng! Chính ta trước đây, đôi lúc cũng có cảm giác như vậy, cảm thức mơ hồ như vậy!

- Hay là nhiều kiếp trước đây, đâu từ xa xăm, chúng ta đã từng sống đời xuất gia phạm hạnh? Và những cảm thức kia là những nhắc nhở để trở về, đừng có lang thang, phiêu dạt nữa?

- Cảm ân phu nhân! Và chợt như mới phát hiện, trưởng giả Visākha nhận xét - Thật là kỳ lạ! Sống đã lâu với nàng, mà cho đến hôm nay, ta mới phát giác là nàng nói hay quá. Hay ở ngôn ngữ, hay ở cung bậc, nhịp độ và hay ở âm thanh truyền cảm nữa! Đúng là nàng phải xuất gia mới tỏ lộ hết đạo hạnh, trí tuệ và tài năng!

Bà Dhammadinnā vui mừng nói:

- Cảm ân phu quân!

 

Ngay ngày hôm sau thôi, trưởng giả Visākha hoan hỷ đưa vị phu nhân xinh đẹp của mình - bà Dhammadinnā - đến Ni viện trên cái kiệu vàng. Đức vua Seniya Bimbisāra hay tin chuyện hy hữu nên đã cùng bà chánh hậu Videhi và hoàng tử A-xà-thế cùng đến dự lễ.

Đức Thế Tôn đã biết chuyện này nên đã cùng các vị trưởng lão - sang chứng minh và cho bà thọ cụ túc giới trước khá đông đủ Tăng Ni hai viện. Trưởng giả Visākha làm thí chủ buổi lễ; và sau đó, đặt bát cúng dường Tăng Ni lưỡng viện suốt một tuần lễ. Cũng suốt một tuần lễ ấy, đức Phật và các vị trưởng lão thay nhau thuyết pháp, đôi ngày lấn sang cả đêm vì nhu cầu nghe pháp quá đông. Rải rác trong thời gian ấy, khá đông các công nương, các cô tiểu thư, các cô gái đủ mọi thành phần trong xã hội xin xuất gia tỳ-khưu-ni. Trong số họ, sau này, có nhiều bậc trượng ni làm nơi y chỉ vững chắc cho ni chúng!

Chuyện bà phu nhân xinh đẹp đột ngột quăng bỏ tài sản, không nuốt vật đã mửa ra - là mấy trăm triệu đồng tiền vàng - để xin xuất gia, trong lúc ông chồng, trưởng giả Visākha, được đức Phật ngầm xác chứng đắc quả Bất Lai - lại chưa được đức Phật cho phép đi theo giáo hội, được Tăng Ni bàn tán thảo luận nơi này và nơi khác.

Hôm kia, có mặt đầy đủ Tăng Ni hai viện, hai hàng cư sĩ áo trắng, cả đức vua Bimbisāra - đức Phật thấy là phải thời, nên vén mở bức màn quá khứ:

“- Bà Dhammadinnā từ thời Phật Padumuttara là một cô ở gái nghèo hèn, hôm ấy đi múc nước, trông thấy tướng hảo thanh tịnh của trưởng lão Sujāta - đại đệ tử của đức Phật - phát tâm hoan hỷ cúng dường một chiếc bánh ngọt. Thấy căn duyên sau này của cô gái, trưởng lão đã ngồi xuống và thọ dụng chiếc bánh ngay tại chỗ. Cô vô cùng sung sướng, thỉnh ngài về nhà và đặt thêm vật thực cúng dường nữa. Ông bà chủ thấy tính hạnh của cô gái, rất vừa lòng nên đã chọn nhận cô làm con dâu trong gia đình. Sau đó, cô thường cùng với cả gia đình đi nghe đức Phật Padumuttara thuyết pháp. Trong một lần cúng dường lớn đến đức Phật và chư tăng, lúc ngài đang tuyên dương một vị tỳ-khưu-ni tối thắng đệ nhất về hạnh thuyết Pháp, hoan hỷ quá, cô thầm nguyện sau này mình cũng sẽ được như vậy. Biết tâm tư của cô gái, đức Phật Padumuttara đã thọ ký cho cô sẽ thành đạt nguyện vọng ấy vào thời đức Phật Sākya Gotama, chính là Như Lai hiện nay. Vào thời đức Phật Kassapa, cô gái sinh vào gia đình hoàng tộc, tại Bāraṇāsī, công chúa con vua Kikī, tên là Sudhamma. Họ có bảy chị em. Cô trưởng công chúa thuở trước, bây giờ là tỳ-khưu-ni Khemā. Cô công chúa út, chính là cô bé Visākhā, tại Bhaddiya, mới 7 tuổi đã đắc quả Nhập Lưu. Còn cô công chúa thứ sáu, chính là tỳ-khưu-ni Dhammadinnā - mà sau này, theo với ước nguyện cũ đã được đức Phật Padumuttara thọ ký, sẽ trở thành một vị tỳ-khưu-ni tối thắng đệ nhất về hạnh thuyết pháp trong hàng ni chúng”.

Thuyết đến ngang đây, đức Phật mỉm cười:

- Này, tỳ-khưu Dhammadinnā! Cô có nhớ ước nguyện cũ khi quỳ bên chân đức Phật Padumuttara không?

Vị tân tỳ-khưu-ni cúi đầu, đáp lí nhí:

- Dạ, đệ tử do quá khứ che ám nên không nhớ gì, không biết gì cả, bạch đức Tôn Sư!

- Là hạnh đệ nhất về thuyết pháp đấy! Vậy hãy cố gắng mà nghe pháp, suy tư pháp, chiêm nghiệm pháp - kết hợp với công phu nghiêm túc hành trì, tu tập - rồi đến lúc cô sẽ thỏa được ước nguyện.

- Tâu vâng, bạch đức Thế Tôn!

Chợt đức Phật hỏi giữa hội trường:

- Tỳ-khưu-ni Khemā, con gái của Như Lai đâu rồi!

Đại chúng hoảng kinh, vì khi đức Phật gọi con trai hay con gái - là ngài đã xác chứng vị ấy đã đắc quả A-la-hán rồi. Nên khi tỳ-khưu-ni Khemā bước ra, ai cũng chăm chú nhìn. Trước đây, bà nổi tiếng về sắc đẹp; bây giờ, dẫu mặc y hoại sắc, phá tướng - nhưng nét kiều diễm, duyên dáng xưa vẫn không phai mờ. Trong mắt một số người, thì bây giờ, cái đẹp ấy được phủ bên ngoài một lớp đức hạnh và trí tuệ nữa, nên đã vượt xa phàm sắc thế tình, thiêng liêng và mỹ toàn hơn!

Riêng đức vua Bimbisāra thì cảm giác một hạnh phúc tràn đầy, chất ngất!

Đức Phật hỏi:

- Vào thời đức Phật Kassapa, cô là trưởng công chúa, con của đức vua Kikī, cô đã nhớ chưa?

- Bạch, đệ tử nhớ rồi!

- Vị tân tỳ-khưu-ni Dhammadinnā, cũng là công chúa, em gái thứ 6 của cô, cô vẫn còn nhớ chứ?

- Bạch, đệ tử nhớ. Đệ tử còn nhớ cô em gái út - mà bây giờ là cô bé Visākhā nữa. Ngoài ra, đệ tử còn biết rằng, 4 cô em còn lại, trước sau cũng tao ngộ chánh pháp.

- Như Lai xác nhận như vậy - và như để tuyên dương công hạnh của tỳ-khưu-ni Khemā, đức Phật hỏi tiếp - Mấy năm nay, con gái tu tập ra sao?

- Bạch Thế Tôn! Có lẽ do duyên phúc cổ xưa dày dặn nên sau khi xuất gia xong, đệ tử tìm cách thích ứng ngay với hoàn cảnh mới, đời sống mới. Hãy thôi đi thượng vị loại cứng loại mềm. Hãy thôi đi xiêm lụa mịn màng, thơm tho với chất liệu và đo may tuyệt hảo. Hãy thôi đi giường nệm, gối kê, gối đỡ êm ái, cao sang. Hãy thôi đi tới lui xe ngựa kẻ hầu người đón, kẻ quạt, người nâng! Hãy thôi đi vào ra kiểu cách, quý phái tự khoe, tự hào về sắc đẹp của mình! Từ rày, ăn, mặc, ngủ - gì cũng được, gì cũng xong! Tuy ban đầu thật là khó khăn, vất vả; nhưng cứ cố gắng, cố gắng, cứ tâm niệm mãi, riết rồi cũng quen, cũng vô vi, vô sự như ai! Khi đã thích ứng được rồi thì có được niềm vui tinh thần vô cùng lớn lao! Niềm vui này nó rất nhẹ nhàng, rất thanh khiết, nó lâng lâng hỷ lạc cả ngày! Hôm kia, vào khoảng tháng thứ bảy sau khi xuất gia, đệ tử nhìn ngọn đèn dầu lạc với tim và bấc, nó cháy sáng như thế nào rồi dần dần lụi tắt như thế nào. Dựa trên nền tảng có điều kiện, sinh diệt ấy; đệ tử quán tưởng cái thân được kết hợp hữu vi này. Từ đó, đệ tử đi sâu vào cảm thọ, tâm hành... thì thấy chúng cũng rỗng không, sinh diệt, vô tự tính. Khi thấy rõ danh sắc sinh diệt quá nhanh đệ tử bắt đầu nhàm chán các dục, các ái - chứng nghiệm sâu xa các trạng thái vắng lặng, tịch tịnh, thanh bình của tâm trí. Ôi! Quả thật là hạnh phúc! Rồi cũng từ đấy, đệ tử dễ dàng đi sâu vào định, vào tuệ, vào tuệ phân tích cùng các thắng trí! Thế là việc lớn, đệ tử đã làm xong, gánh nặng tử sinh đệ tử đã đặt xuống, bạch đức Thế Tôn!

Chợt đức Phật nói với tôn giả Sāriputta:

- Con gái của Như Lai đã nói lên sự tu tập của mình, định, tuệ, tuệ phân tích và các thắng trí - vậy ông có cách gì để cho đại chúng được thấy, được biết là con gái của Như Lai đã thuần thục trong các định, tuệ, đắc Tứ vô ngại giải và tự mình thành thục, thông suốt cả Abhidhamma (A-tỳ-đàm)?

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Thế rồi, bậc Tướng quân chánh pháp bước ra, mỉm cười, nhẹ nhàng đặt ba câu hỏi về sắc, ba câu hỏi về danh, ba câu hỏi về uẩn, ba câu hỏi về xứ, ba câu hỏi về giới, ba câu hỏi về tâm, ba câu hỏi về tâm sở, ba câu hỏi về sắc pháp, ba câu hỏi về Niết-bàn. Câu hỏi nào cũng ngắn gọn nhưng trọng lượng cả ngàn cân. Câu hỏi nào cũng hàm tàng kiến thức về giáo pháp nhưng nghiêng trọng ở kinh nghiệm, thực nghiệm tu chứng nội tâm. Cả pháp đường yên lặng phăng phắc. Một con ruồi bay cũng nghe được tiếng vo ve. Rồi tuần tự, trầm tĩnh và chín chắn, tỳ-khưu-ni Khemā lần lượt trả lời, giải minh; không bập bẹ, không phều phào, không ấp úng, không gián đoạn - mà nó lưu loát, gãy gọn, sáng sủa, liền lạc. Nó trôi chảy như lượng nước của trăm con sông dài. Cũng không chỉ có vậy, nó như nước chảy ra tự nguồn, cái nguồn suối trong vắt được tích lũy đâu tự ngàn xưa. Như sợi dây đàn căng đúng độ, chỉ cần một va động nhẹ là phát ra âm thanh... Tỳ-khưu-ni Khemā đã trả lời xong tất thảy mọi câu hỏi.

Tôn giả Sāriputta sau khi khảo nghiệm, đưa ra kết quả:

- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử không hỏi về thắng trí vì biết vị tỳ-khưu-ni ưu hạng này đã có đủ 6 thông. Còn về Tứ vô ngại giải và thông suốt Abhidhamma - đệ tử dám tuyên bố là trong hàng ni chúng chưa có người thứ hai!

Đức Phật tán thán:

- Đúng là vậy! Quả là hy hữu thay! Này con gái! Lời nguyện xưa, khi quỳ bên chân đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara, cô đã thành tựu rồi đấy. Trước hội chúng Tăng Ni và cư sĩ hai hàng, hôm nay, Như Lai tuyên bố, tỳ-khưu-ni Khemā là bậc đệ nhất, tối thắng về trí tuệ trong hàng ni chúng!

Không có vinh hạnh nào hơn, vinh quang nào hơn - khi lời tuyên bố ấy được nói ra từ đức Chánh Đẳng Giác!

Đức vua Seniya Bimbisāra chợt thực hiện một hành động rất đẹp - là sau lời tuyên bố của đức Phật, ông đã bước ra từ chỗ ngồi danh dự, đến đảnh lễ đức Phật với năm vóc sát đất. Rồi ông cũng làm như thế trước tỳ-khưu-ni Khemā với thái độ vô cùng tôn kính, chậm rãi nói rằng:

- Trước đây, nàng là bà hoàng, là bậc quý phi vô cùng trân quý của trẫm, nhưng nay thì khác rồi! Nay thì nàng đã là bậc xuất gia phạm hạnh, còn là bậc đệ nhất về trí tuệ qua xác chứng của đức Tôn Sư và bậc Tướng quân chánh pháp! Vậy, từ rày về sau, trẫm với tâm phục, khẩu phục xin làm bổn phận của một đệ tử, một thiện Nam ngoan ngoãn và thuần thành nhất!

Cả giảng đường lớn rộng rộ lên lời tán thán, ca ngợi không ngớt, lâu sau mới yên lặng được.

Đức Phật nói lời cuối cùng, khép lại buổi giảng:

- Vậy là đã rõ, ở đây cũng là duyên xưa lối cũ nữa! Nhân, duyên và quả ấy thật là sâu thẳm, thật là nhiệm mầu. Hãy ngẫm mà xem! Thế ra, đôi khi chỉ một cành hoa, một tí bột hương, một miếng cơm, một muỗng canh, một cái bánh ngọt, một cây kim, một sợi chỉ, một ngọn đèn, một hình bóng y vàng thoáng qua, một khung cảnh thanh tịnh của am môn, một lời kinh, một câu pháp, một tình, một nghĩa... đã gieo ươm ở đâu đó, trong chợt thoáng nào đó, trong một kiếp phù du trôi nổi bọt bèo nào đó - mà chúng có mất đi đâu! Tất thảy, tất thảy hằng sa vạn tượng, khi một nhân đã gieo, một duyên hỗ trợ, đã gặp gỡ, đã gắn kết... thì nó sẽ trùng trùng duyên khởi, duyên sở duyên... để trước sau, sớm muộn cũng tao ngộ chánh pháp, đặt được bàn chân bất tử trong giáo pháp của chư Chánh Đẳng Giác! Các người hãy ghi tâm, khắc cốt lời của Như Lai hôm nay.

Cả pháp đường vang lên “ Sādhu, lành thay!”.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn