(Xem: 1761)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2228)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

3.12- Bài Học Về Vườn

13 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 10513)

Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập_03

Nghe: 3.13-Bậc Chư thiên ái kính
blank
Nghe: 3.14-Bài học về rừng
blank
 

3.12- Bài Học Về Vườn

Lâu quá, đức Phật chưa ghé thăm khu vườn xoài của Jīvaka và núi Linh Thứu. Hôm ấy, sau khi đi trì bình khất thực ở Vương Xá, đức Phật chậm rãi bộ hành nhắm theo hướng Nam, đi mãi ra ngoại ô, đến vườn xoài của thánh y Jīvaka. Rải rác đây đó có một số cốc liêu mà trước đây thánh y Jīvaka đã dâng cúng. Chư tăng nơi này thấy đức Phật đột ngột xuất hiện, họ đến tiếp bát, dâng nước rửa tay và chân, dọn dẹp và sắp xếp một chỗ tươm tất và sạch sẽ nhất để ngài an tọa.

Độ thực xong, đức Phật lựa tìm một gốc cây để tĩnh chỉ vào buổi trưa. Đến giờ phải lẽ, đức Phật bước ra ngoài vườn thuốc, đứng nhìn ngắm hằng trăm loại cây loại lá mà thánh y Jīvaka đã thuê người chăm sóc, tưới tắm, vun quén công phu. Đức Phật ngồi xuống nơi một bụi cây, thò tay nắm và nâng lên một cành, hỏi vu vơ:

- Ai biết cây thuốc này chữa bệnh gì?

Có vị tỳ-khưu đáp:

- Bệnh viêm xoan mũi, bạch đức Thế Tôn!

Đức Phật đưa tay chỉ cây khác, nằm trong luống khác:

- Cây kia dường như trị cảm, phải chăng?

- Tâu vâng!

Rồi tuần tự, đức Phật bước đi quanh một vòng vườn thuốc, tay sờ lá này, tay đụng nhành kia... để hỏi chữa bệnh gì, chữa bệnh gì... Trong số chư vị tỳ-khưu đi theo, có người biết về thuốc nên họ lần lượt trả lời, nào là trị ho, tiêu đờm, ngăn tả lỵ, chữa chứng đầy hơi, sáng mắt, trị đau bụng quặn...

Trở về chỗ ngồi đã được soạn sẵn, đức Phật nói:

- Này các thầy tỳ-khưu! Giáo pháp Như Lai cũng là một vườn thuốc như vườn thuốc của Jīvaka vậy. Các thầy hãy nghe để Như Lai giảng nói.

Thế rồi, đức Phật đã thuyết với đại ý như sau:

“ - Này các thầy tỳ-khưu! Khu vườn này thật là đẹp. Cây lá tươi xanh, các lối đi, quanh các gốc cây đều được dọn dẹp sạch cỏ và rác; những cành khô, nhánh yếu, nhánh gầy đều được cắt tỉa thông thoáng, công phu. Hoa nở rộ, lác đác những chùm trái bắt đầu xuất hiện; hứa hẹn một mùa trái bội thu! Các thầy có biết tại sao được như thế không?

Một số vị đã trả lời:

- Nhờ đất tốt.

- Nhờ giống tốt - do đã được chọn lựa kỹ càng.

- Nhờ phân nước và công chăm sóc.

- Nhờ thời tiết nắng mưa thuận lợi

- Nhờ biết cách cắt tỉa nhánh cành, sạch cỏ, sạch rác...

Một vị tỳ-khưu trước đây là người làm vườn, từng chăm sóc khu vườn này cho thánh y Jīvaka, mỉm cười nói:

- Cộng lại tất cả những điều kiện ấy là chúng ta đã có một khu vườn xoài tươi tốt. Tuy nhiên, có một yếu tố quyết định - làm cho ngôi vườn này sây quả, vượt trội các nơi khác - ấy là yếu tố tâm, là tấm lòng, là có cái tâm thương yêu, cảm ứng vào đấy nữa, bạch đức Thế Tôn!

- Hay thay là yếu tố tâm! Đức Phật khen ngợi, đưa mắt một vòng, ngài nói tiếp - Vậy, ai có ý kiến gì về khu vườn của mình nữa không?

- Dạ thưa có, bạch đức Thế Tôn! Mảnh đất tốt chính là đức tin, có đức tin vững vàng rồi ta sẽ trồng cây giống tốt lên trên ấy. Cây giống tốt chính là tất cả mọi thiện pháp. Phân và nước chính là những công phu hành trì để tưới tắm thêm cho những thiện pháp ấy. Công chăm sóc chính là nỗ lực, tinh cần, cố gắng, chăm chuyên tu tập - đừng có lười biếng, dễ duôi, giải đãi. Thời tiết nắng mưa thuận lợi chính là tạo thêm những duyên lành; duyên lành ấy có thể là nghe pháp, có thể là lựa chọn bạn lành, tìm trú xứ thích hợp như núi rừng, hang động, xa chốn thị thành huyên náo; gần gũi thiện hữu trí thức, tu tập tứ vô lượng tâm... Biết cắt tỉa những cành nhánh vô dụng, khô cỗi - chính là trí tuệ; bởi trí tuệ có khả năng cắt bỏ, đốn bỏ, đoạn lìa những gai chướng, những trở ngại; biết dọn sạch cỏ rác ở trong tâm - Đấy chính là khu vườn của những tỳ-khưu biết tu tập, bạch đức Thế Tôn!

- Khá lắm - đức Phật khen ngợi - Ai có thể nghe được khu vườn này nói với chúng ta điều gì nữa không?

Mọi người im lặng. Đức Phật dạy tiếp:

- Một vị tỳ-khưu tu tập trong giáo pháp của Như Lai cũng phải biết cách săn sóc một khu vườn xoài tương tợ như thế - mới đạt được thành tựu cuối cùng: cứu cánh của sa-môn hạnh. Nếu khu vườn cho ta thâu hái một mùa bội thu - thì thầy tỳ-khưu cũng thâu hái được tứ quả và tứ thánh! Vậy thì các thầy hãy chú tâm lắng nghe, Như Lai sẽ thuyết giảng thêm chút nữa, cũng về ngôi vườn ấy nhưng được nói theo hình tượng khác, ngữ nghĩa khác.

Này các thầy tỳ-khưu! Đức Phật nói tiếp - Giáo pháp của Như Lai có mặt giữa cuộc đời là giáo pháp của trí tuệ và từ bi; nói cách khác là một giáo pháp y cứ trên sự thật, sự thấy biết sáng suốt minh nhiên mà nói ra, mà giảng thuyết. Giảng thuyết cho ai? Cho bất cứ ai có tai để nghe, có trí để tìm hiểu. Giáo pháp ấy được quảng bá nơi này và nơi kia là bởi tấm lòng đối với cuộc đời, bởi tình thương quảng đại, vô vị lợi, là bởi những tâm từ vô lượng mong cho tất thảy chúng sanh đều được nghe pháp, biết tu tập để lắng dịu khổ đau, phiền não, đem hạnh phúc, an vui đến cho mình. Và quả thật - đấy là mảnh đất rất tốt. Tuy nhiên, mảnh đất tốt thì phải có hạt giống tốt được chọn lựa kỹ càng. Cái giống tốt ấy - chính là những người hữu duyên với giáo pháp, có căn cơ sâu dày sẵn - ví như những con trai của Như Lai! Còn nữa, ở đây có những vị tỳ-khưu có mầm giống tốt, tức là có căn duyên từ nhiều đời kiếp, gặp được mảnh đất tốt, được xuất gia trong giáo pháp này. Nhưng người mới được xuất gia ấy, phải làm như thế nào để cho lộ trình phạm hạnh của mình được thông suốt, sự tu tập mau tiến bộ, phát triển và thăng hoa? Đấy có phải là phân và nước cho cái cây kia không?

Một người đáp:

- Thưa phải! Như vậy, phân nước theo nghĩa rộng, chính là đức tin, có giới hạnh, biết nghe pháp, biết học hỏi, biết chiêm nghiệm...

Một người bổ túc:

- Ừ, đúng đấy! Nhưng còn thiếu! Nếu có tín, giới, văn, tư mà không có pháp để hành trì, không có đề mục tu tập phù hợp với căn duyên, tâm tánh mình - thì làm sao mà thành tựu được?

- Đúng vậy! Một người thêm ý kiến - Nói chung là tất thảy mọi thiện pháp...

Đức Phật thuyết giảng tiếp:

- Mảnh đất tốt, cây giống tốt cũng có nghĩa là những cây cỏ, những lùm bụi cũng theo đó mà mọc lên, những cành nhánh ăn theo cũng theo đó mà phát triển. Vậy, người có trí phải biết đốn bỏ những cây si, cây sân, cành tham, lùm bụi gai độc chúng cũng cộng cư, hỗn cư ở đấy nữa! Tất cả mọi duyên lành hỗ trợ từ bạn lành, trú xứ, tri túc trong vật thực, y áo, sàng tọa, thuốc men sẽ làm cho các bất thiện pháp khó phát sanh.

Đưa mắt nhìn một vòng, đức Phật cất giọng từ hòa:

- Các thầy lựa chọn trú xứ ở nơi này, với những hiểu biết, liên tưởng về khu vườn như vậy là đúng đắn, là chánh đáng. Hãy học những đức tính của khu vườn! Hãy nỗ lực, tinh cần để khu vườn kia được xanh tươi cây lá, sum suê hoa quả Tứ thánh!

 

3.13- Bậc Chư Thiên Ái Kính

Rời vườn xoài, đức Phật nhắm hướng núi Linh Thứu - có một số đông tỳ-khưu tháp tùng. Chậm rãi từng bước một, ngài đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh núi non tịch lặng, thanh bình. Mùa xuân, cỏ cây tươi xanh, phơi phới, suối chảy róc rách, mây nước trong lành... Hóa ra có rất đông tỳ-khưu đã tìm đến đây ẩn cư trong các hang động hoặc các cốc liêu sơ sài, rải rác dọc theo các triền núi, bờ khe...

Buổi chiều, sau khi xuất định, đức Phật rời hang động, ngồi trên một tảng đá bằng dưới bóng có lùm cây che im mát, rồi giáo giới chư tỳ-khưu ở xung quanh đến thăm. Trong câu chuyện, đức Phật tỏ ý khen ngợi hạnh độc cư, an tĩnh ở núi rừng để tu tập. Cuối cùng, đức Phật nhấn mạnh:

- Một vị tỳ-khưu có giới hạnh, tinh cần tu tập ở thành phố, thị trấn, dù hành trì rất tốt nhưng Như Lai vẫn lo ngại. Một vị tỳ-khưu độc cư ở núi rừng, dẫu giải đãi, dẫu hay ngủ ngày nhưng Như Lai vẫn ít lo ngại hơn. Tại sao? Vì vị tỳ-khưu ở thành phố, thị trấn kia không biết sẽ sa ngã lúc nào - vì chốn phồn hoa có rất nhiều sự cám dỗ. Vị tỳ-khưu ở núi rừng dầu giải đãi, dầu ngủ ngày - nhưng nếu có tâm tu tập thì sự trong lành, an tĩnh của núi rừng cũng làm cho cho tâm y vắng lặng hơn; rồi một lúc nào đó, chán ngủ thì y sẽ hành thiền!

Sau buổi giảng, rất nhiều người nhắc đến những câu chuyện liên hệ đến tỳ-khưu Subhūti đang nổi danh về hạnh độc cư, ly dục, viễn ly phố thị - được rất nhiều chư thiên có oai lực ngưỡng mộ và quý kính. Subhūti[1] là ai?

Subhūti là em trai của trưởng giả Sudatta (Cấp Cô Độc), đã được đức Phật cho thọ giới cụ túc sau chuyến thăm Kỳ Viên đại tịnh xá lần thứ nhất. Rời Sāvatthī, đại đức được tháp tùng đức Phật trở lại Trúc Lâm. Sau khi được đức Phật giáo giới tóm tắt con đường của sa-môn hạnh, tỳ-khưu Subhūti xin phép ngài và xin phép vài vị thượng thủ của giáo hội - đi vào núi rừng, tìm ẩn nơi các hang cốc để tu tập. Vốn là bậc thượng trí, thượng căn - tỳ- khưu Subhūti dễ dàng thu xếp nếp sinh hoạt tương xứng với phẩm hạnh của mình. Ngoài việc trì bình khất thực ở mấy xóm nhà ven chân núi cùng mấy ngôi làng thuộc ngoại thành của thành Vương Xá; tỳ-khưu Subhūti để dành hết thì giờ cho thiền định và thiền quán. Thân như tường vách, tâm như mặt hồ tĩnh lặng; tỳ-khưu Subhūti tuần tự đi vào các tầng thiền định, từ cạn vào sâu, từ thấp lên cao. Không nôn nóng, không vội vã; như con tằm thứ lớp dệt nên chiếc kén cho mình, tỳ-khưu Subhūti lần lượt thuần thục các định; đặc biệt, rất viên mãn là định tâm từ và định tâm bi. Khi tâm đã vắng lặng, trong suốt, vững chắc; ngài quay sang quan sát danh sắc, thấy rõ vô thường, dukkha, vô ngã của các pháp cấu tạo này, của danh sắc này; lần lượt đoạn trừ các kiết sử, chứng đắc các thánh quả. Kể thì nhanh, nhưng đấy lại là thành quả của nhiều năm tháng miệt mài, tinh cần, công phu, khổ hạnh... Nắng cũng như mưa, nóng hay lạnh, ngày hay đêm, sớm hay chiều; tỳ-khưu Subhūti không mấy lưu ý! Tâm và trí ngài luôn gắn chặt với đề mục trong từng bước đi, trong từng hơi thở. Thân xác tuy có khô gầy nhưng đôi mắt thì sáng lấp lánh như hai ngôi sao, biểu hiện sức mạnh tinh thần đã được phát tiết cao độ.

Suốt mấy năm ròng rã, tỳ-khưu Subhūti thỉnh thoảng có về Trúc Lâm đảnh lễ các vị trưởng lão, ngoài ra, ngài không giao tiếp với ai. Khi vào thành khất thực, tỳ-khưu Subhūti thường bỏ qua các ngôi nhà, xóm nhà quá nghèo khổ; chỉ dừng chân và đứng bát nơi xóm nhà trung lưu hoặc giàu có. Và lúc nào ngài cũng trú định tâm từ. Những ai có cơ duyên đặt bát cho ngài đều cảm thấy mát mẻ và an lành suốt buổi.

Tin đồn về vị tỳ-khưu kỳ lạ này - tốt có, xấu có - đến tai đức vua Bimbisāra. Tốt, là hạnh độc cư, ưa thích núi rừng, tu hành tinh tấn, có tâm từ vô lượng. Xấu, là không thèm giao tiếp với ai; chỉ đi bát hạng trung lưu và hạng giàu có, còn người nghèo khổ thì không! Cho người dò hỏi, tìm hiểu - chiều hôm kia, đức vua cùng vài quân hầu dong xe vào rừng. Tại nơi không còn đi được, bậc quân vương len lách qua những lùm bụi, mệt mề bước qua các dốc đá cheo leo - rồi cũng tìm được nơi cần đến. Vị tỳ-khưu kia đang an tĩnh tọa thiền trên một tảng đá chênh về hướng tây một hang động. Ngồi nghỉ cho ráo mồ hôi, không dám làm kinh động vị sa-môn, đức vua hiền thiện của chúng ta nhè nhẹ bước đến hang động. Hóa ra là chỉ có hai tảng đá nhỏ úp lại, nằm khuất dưới một lùm dứa dại có hai cây ổi rừng phủ bóng mát! Bên trong chỉ có một chiếc bát đất, một cây gậy, một ống tre đựng nước và vài vật dụng khác của thầy tỳ-khưu. Chẳng có giường chõng, vật nằm, vật đắp gì cả. Đức vua nghe cay cay lòng mắt. Nghèo khổ đến tận cùng. Vô sản, bần hàn cũng đã đến tận cùng. Đức vua còn biết được rằng, người thanh niên này, vốn là em ruột của trưởng giả Cấp Cô Độc, trước khi xuất gia cũng đã là một vị phú thương, một doanh gia, có một tài sản kếch sù! Vậy đấy! Khi đã phất tay rũ bỏ là rũ bỏ đến tận cùng! Ôi! Đáng kính, đáng trọng thay!

Tỳ-khưu Subhūti đã xả thiền. Đức vua bước đến tham vấn. Và họ có một đoạn đối thoại như sau:

- Trẫm là Bimbisāra...

- Tôi biết, tâu đại vương! Chẳng hay, hôm nay có việc gì mà bậc vương giả lại lặn lội đến chốn khỉ ho cò gáy này!

- Trẫm nghe được cái hạnh tinh tấn của đại đức...

Tỳ-khưu Subhūti mỉm cười:

- Gọi là sa-môn, là tỳ-khưu thì ai cũng phải tu tập tinh tấn như vậy cả, tâu đại vương!

- Đại đức còn nổi danh về hạnh độc cư, ưa thích núi rừng; đến đây, trẫm còn thấy rõ, đại đức còn sống đời thiểu dục, tri túc nữa!

- Cũng bình thường, chẳng có gì đáng để tự hào hay hãnh diện, tâu đại vương! Tôn giả Mahā Kassapa và đệ tử của ngài cũng sống như vậy với lạc thú thanh cao trong lòng mình - không có ngũ dục nào trên thế gian có thể lôi cuốn, cám dỗ họ được.

Đức vua đọc được thái độ khiêm nhu, vắng lặng trong thái độ và ngôn ngữ của vị sa-môn ẩn sĩ - nên tự nghĩ: Không còn một chút xíu nào là ngã ái, ngã niệm - huống gì là ngã mạn nơi vị tỳ-khưu hiền thiện này!

- Nghe nói, đại đức chỉ đi bát nơi các hạng trung lưu hoặc gia đình khá giả - mà không tạo cơ hội, duyên phước cho những người nghèo khổ?

- Cũng không hẳn là thế, tâu đại vương! Nó có một duyên sự như sau. Hôm kia, tôi đứng bát nơi một gia đình nghèo khổ. Tôi đứng như vậy, yên lặng và rải định tâm từ. Một người đàn bà chiên-đà-la vừa chuẩn bị xong một bát cháo loãng định cho con ăn. Thấy tôi, bà nhìn quanh một lát, rồi đưa tay lục tìm chỗ này, chỗ nọ... Có lẽ thấy không còn vật thực nào khác nữa, bà bước ra, đổ hết bát cháo vào bát của tôi. Đứa bé khóc ngăn ngắt. Tôi bàng hoàng cả người, nói với người đàn bà: “Thí chủ không còn gì! Cả cho mình và cho đứa trẻ. Thọ nhận thì tôi đã thọ nhận rồi. Vậy hãy lấy cháo này cho trẻ nó ăn”. Nói ba lần như thế, người đàn bà cũng không chịu, nói rằng: “Thân phận con thấp hèn. Thấy ngài, con cảm giác như cọng cỏ khô mà hớp được một chút sương; như giữa sa mạc, một mầm xanh nhỏ nhoi lại được nhú lên! Ngài đừng lấy đi chút hy vọng cuối cùng của con trên cuộc đời này!” Nghỉ hơi một chút, tỳ-khưu Subhūti nói tiếp - Thuở ấy, tôi mới tu tập sơ cơ, chưa có tuệ quán - nên tôi đã chảy nước mắt và người đàn bà cũng chảy nước mắt. Quả thật, tôi đã không kham nhẫn được khi nhận vật thực nơi những người quá nghèo khổ; tôi có cảm giác như tước đoạt hoặc bớt xén vào cái phần vật thực đã quá ít ỏi của họ! Tôi không đành lòng, tâu đại vương!

Đức vua cúi đầu xuống, mắt ngài cũng hoen lệ:

- Đúng là vậy! Có lẽ trẫm cũng không đành lòng!

Nói thế xong, đức vua quay sang nói với hai quân hầu:

- Chút nữa, các ngươi hãy thưa hỏi đại đức, chỗ ngôi nhà của người nghèo khổ ấy. Trẫm sẽ ban thưởng xứng đáng, hậu hĩ; không chỉ là một giọt sương mà có thể là cả một cơn mưa rào!

Tỳ-khưu Subhūti hoan hỷ mỉm cười, chỉ chỗ xóm chiên-đà-la, chòi lá lụp xụp, thứ ba, phía trái con đường đất đầu tiên, phía ngoại thành như vậy, như vậy... Rồi, ngài trú định tâm từ, một năng lượng mát mẻ chợt tuôn tràn ra xung quanh... cố ý ban rải phước lành cho đức vua hiền thiện.

Khi chấp tay vái chào từ giã, đức vua nói:

- Sắp đến kỳ an cư mùa mưa rồi, trẫm sẽ sai người đến đây, dựng cho đại đức một liêu cốc tương đối, sắm sanh một vài vật dụng cần thiết - cốt để giữ gìn sức khỏe thôi - xin đại đức cho trẫm được làm một chút phước sự nhé!

Ông vua có tâm tịnh tín đẹp đẽ này còn hứa một chuyện với 4 vị tỳ-khưu khác nữa.

Năm kia, tại khu vườn rừng cây bàng tại Kapilavatthu, 4 ông hoàng thuộc vương tộc Malla được xuất gia tỳ-khưu, sau đó nghe lời đức Phật, về Trúc Lâm để hành đạo. Đó là 4 vị tỳ-khưu Godhika, Subāhu, Valliya và Uttiya. Sau khi lắng nghe vị trưởng lão giáo thọ ở Trúc Lâm giảng giải cặn kẽ lộ trình thiền định, thiền quán - cả 4 vị đều xin được vào ẩn cư trong rừng. Từ đấy, họ có một đời sống mẫu mực, phạm hạnh, rất được đông đảo cư sĩ kính trọng, tín mộ, nhiều nhất là giới hoàng gia. Vốn dòng dõi hoàng tộc Malla, trước đây, 4 vị đã có quen biết khá nhiều một số hoàng thân quốc thích triều đình Rājagaha - nên thỉnh thoảng họ tới lui thăm hỏi, vấn an 4 vị. Chuyện dễ hiểu thôi, là đức vua Bimbisāra sau đó hay tin, tò mò tìm đến thăm viếng. Đến khu rừng, bên cạnh khu rừng của tỳ-khưu Subhūti, đức vua rất cảm động vì họ sống dưới những cội cây, những hốc đá, nắng mưa không có chỗ che thân. Đức vua tức tốc cho người làm bốn liêu thất để dâng cúng chư vị... Chuyện đang tiến hành, chưa xong, lại sắp đến mùa mưa - 4 vị tỳ-khưu, lúc này đã là 4 bậc A-la-hán, họ cũng không lấy thế làm điều. Họ không để tâm.

Thế là có hai lời hứa, một gần xong, một chưa thực hiện.

Về triều, đức vua nhận liên tiếp nhiều tin báo về sự bất ổn, bất an ninh từ các xứ ngoại biên. Việc thứ nhất, ranh giới giáp nước chư hầu Vamsā của tiểu vương Udena, quan tổng trấn ở đấy đã không quản chế được nhóm binh lính của mình ở biên trấn - chúng đã tràn qua biên giới để cướp bóc, nhũng nhiễu dân lành. Việc thứ hai, một bọn tướng cướp mấy trăm tên, bị càn quét, truy đuổi các nơi, bây giờ về núp trốn trong mấy cánh rừng giáp biên địa Campā, lâu lâu lẻn sang các thị trấn thuộc Māgadha để cướp bóc của cải, lương thực, săn lùng gái về làm tỳ thiếp, hầu hạ chúng! Đức vua đã cử hai vị tướng tài, có uy, có đức với hai đội quân thiện chiến, tinh nhuệ đi thảo phạt một tháng trường mới dẹp yên. Một vị sứ giả của triều đình sang Vamsā, nghiêm khắc răn đe vị tiểu vương (vốn hiếu chiến và đam mê tửu sắc) này, đã không quán xuyến được đất nước mình; phải biết cách xử lý, nghiêm trị thuộc hạ, cách chức viên tổng trấn. Vua Udena nhất nhất nghe theo, ra vẻ sợ hãi; sau đó, cử một đoàn sứ giả mang phẩm vật, lễ phẩm sang Vương Xá triều cống, tạ tội. Về phía Campā, đức vua thương các thôn làng này ở quá xa xôi, nghèo khổ - sau khi dẹp yên bọn cướp, đã cử một đại đội quân tình nguyện đến trợ cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, vải vóc, hạt giống cùng dụng cụ sản xuất. Rồi đại đội thiện chí này cùng ở với dân, vừa giữ gìn an ninh, vừa xây dựng nhà cửa và phụ giúp mọi người cày cấy, trồng trọt. Họ lại còn đắp những con đê, đào những con mương để dẫn nước vào ruộng, vào vườn... Nhân dân vui mừng không xiết kể, họ lạy trời, lạy đất, tạ ơn đức sáng của vua...

Việc thứ ba, liên hệ đến các nước cộng hòa Licchavī. Số là trong đợt cứu trợ nạn đói tại Vesāli, không kể hai ngàn tấn lương thực, tặng không, còn có một ngàn tấn lương thực cho vay không lấy lãi - lúc nào đủ sức hãy trả! Thế nhưng, nhiều năm qua, các nước cộng hòa này luôn được mùa, lương thực dồi dào, nhưng cứ hẹn rày, hẹn mai, cứ khất nợ hoài. Năm nay, tại kinh thành, thời tiết chuyển đổi thất thường; có vùng, đang mùa mưa mà cả tháng nay lại không mưa; biết đâu đây là triệu chứng sẽ mất mùa, đói kém trong tương lai? Biết phòng xa, mặc dầu kho lẫm còn đầy, đức vua cho sứ giả sang Vesāli đòi nợ. Họ cũng lần khân không chịu trả! Cương quyết ra oai tạo áp lực, đức vua cho đổ những đội quân lớn, rầm rộ ngày đêm, vận chuyển quân nhu, khí giới đến trấn thành Pāṭaligāma, sát bờ bên này sông Gaṇgā. Tiếp theo, vua ra lệnh cho quan tổng trấn ở đây, rục rịch đóng thuyền bè, diễu binh, bắn tin hành lang là: “Đang chuẩn bị lực lượng quân bị chỉ để bảo vệ danh dự và uy tín của quốc gia, không để cho bất cứ nước nào coi khinh, xem thường!”

Māgadha và Kosala vốn là hai cường quốc, thay nhau trấn thủ hai phương, bá chủ chư hầu, đặt nền thống trị và ban ân tứ cho cả hằng chục tiểu quốc. Nên khi Vesāli trông thấy con rồng thần kia đã nổi giận, không dám chậm trễ, ba vua nước cộng hòa và hội đồng tướng lãnh Licchavī tức tốc hội họp, cử đoàn sứ giả đến Vương Xá khấu đầu tạ tội, đồng thời trả một ngàn tấn lương thực mà họ nợ đã lâu.

Khi mọi việc quốc gia đã yên ổn trở lại, đức vua Bimbisāra đặt tay lên trán, suy nghĩ: “Cái đức của ta suy giảm rồi sao? Triều thần của ta chẳng lẽ đạo đức đã bắt đầu suy đồi rồi sao? Đức Thế Tôn có dạy rằng, hạn hán mất mùa, lũ lụt, đói kém, dịch bệnh, sâu rầy...xảy ra ở nước nào - thì cần phải xét đến đức hạnh của vị vua đương triều tại đấy! Ở kinh thành, tuy chỉ có một vùng, suốt một tháng không mưa, tuy chưa nguy hại gì - nhưng chắc chắn đã có dấu hiệu gì bất ổn! Vậy thì ta đã có làm gì bất kính với chư thiên, thiện thần? Ta đã có làm gì đụng chạm đến đức Thế Tôn cùng các vị thánh tăng A-la-hán?” Nghĩ đến đây, đức vua Bimbisāra chợt giật thót mình: “Chết rồi! Phụ cấp vật liệu làm nhà, lương thực và một số tiền bạc cho người đàn bà nghèo khổ tội nghiệp - thì hôm đó, quân hầu đã làm ngay. Nhưng việc ta có hứa làm 4 cái thất cho 4 vị tỳ-khưu không rõ đã xong chưa? Rồi còn cái thất cho vị tỳ-khưu trong hang núi, vậy mà do công việc triều đình quá bận rộn, ta đã quên khuấy đi mất? Ta phải làm sao để chuộc lại lỗi lầm này! ”

Đang suy nghĩ như thế thì đột nhiên, trước mắt đức vua chợt sáng rực lên, tôn giả Mahā Moggallāna xuất hiện, mỉm cười nói:

- Có đúng một phần đấy, tâu đại vương! Sám hối là đúng! Chuộc lỗi là đúng! Một tháng trời không mưa, một vùng, ở xung quanh hang núi - nơi có 5 bậc A-la-hán ngụ cư - là do tình cảm bất minh, thiên vị của một số vị trời có oai lực. Tôi sẽ kể hầu cho đại vương nghe đầu đuôi sự việc: “ Bốn cái thất cho bốn vị tỳ-khưu dòng dõi hoàng tộc Malla, tường vách thì xong nhưng chưa lợp mái, bạn bè thân hữu của 4 vị cho người lợp rồi, việc ấy không bàn nữa. Đặc biệt là tỳ-khưu Subhūti - một bậc thánh A-la-hán - người mà đại vương có hứa làm một cái thất để vị ấy an cư mùa mưa - có rất nhiều phẩm tính làm cho rất nhiều vị trời ái kính. Ngoài cái đức khả ái ly dục, khả ái độc cư, khả ái viễn ly đô thị - vị ấy luôn đầy tràn ra không gian xung quanh tâm từ, tâm bi... và cả tâm rỗng không giải thoát nữa! Chư thiên, sơn thần, thọ thần ở đấy luôn được hạnh phúc, an lạc. Vị ấy còn có cái hạnh lạ lùng - là khi đã vào định rồi thì không ngại chuyện nắng mưa. Ngày này sang ngày khác, ngoài trời cũng như trong hang cốc, vị ấy vẫn điềm nhiên trú định, đi sâu vào định, hoặc để biến mãn tứ vô lượng tâm hoặc phát triển các thắng trí! Có những ngày trời mưa tầm tã, chư thiên rất nóng ruột, sợ vị tỳ-khưu mà mình kính mộ bị cảm hàn - họ bàn cùng nhau tìm cách ngăn mưa lại. Thế là từ đó, họ luôn làm việc ấy để che chở vị thánh tăng suốt một tháng trời ròng rã. Đức Thế Tôn lúc ấy đang ở Kỳ Viên, tận Sāvatthī nhưng ngài biết chuyện này. Dùng thần thông, đức Phật dạy tôi - tôn giả Mahā Moggallāna kể tiếp - lúc ấy đang ở tận ngoài Nam đảo nước Avantī - hãy lên thông báo chuyện này cho trời Sakka (Đế Thích) rõ! Thiên chủ Sakka hoảng kinh, cho triệu tập Tứ Đại thiên vương, bảo phải đích thân điều tra sự việc - tại sao có vị trời nào dưới quyền, do thiên vị, do tình cảm thiếu trong sáng, đã ngăn một tháng không mưa, làm cho cả một vùng núi thuộc kinh thành Vương Xá suýt rơi vào thảm họa? Bây giờ, mấy vị trời phạm tội đã bị Tứ Đại thiên vương tìm biện pháp xử lý thích đáng! Vậy, đại vương hãy làm những gì - theo với lời hứa của mình - để chuộc lỗi, để cho vùng núi kia được yên ổn!”

Kể chuyện xong, tôn giả Mahā Moggallāna biến mất.

Đức vua Bimbisāra tóc dựng ngược trên đầu, cấp tốc cho người đến làm ngay một cái thất cho tỳ-khưu Subhūti cùng cung cấp một số vật dụng cần thiết. Khi vị tỳ-khưu này vừa an tọa trong mái che - thì trời liền đổ mưa xối xả. Do không hướng tâm đến mọi việc xung quanh, vị tỳ-khưu này vẫn vô tư, thốt lên bài kệ rằng:

“- Am thất khéo lợp xiết bao

Bên ngoài ngăn chặn mưa rào, gió lay

Lạc an một cõi tâm này

Mưa thì cứ mặc, dẫu ngày hay đêm

Chừ ta tịnh định trú thiền

Rỗng không, giải thoát, vô phiền, vô lo!”

Thế là chuyện của tỳ-khưu Subhūti được đồn đãi, thêu dệt tràn qua cửa tai của mọi người, khắp kinh thành, đến quốc độ này sang quốc độ khác. Khen có, chê có, nói giễu có. Người ta khen hạnh độc cư thanh tịnh, biến mãn tâm từ, bậc xứng đáng được cúng dường - được chư thiên ái mộ. Người ta chê, đã là A-la-hán rồi, tại sao không biết chuyện, vì mình, vì an lạc định thiền của riêng mình, mà làm cho cả kinh thành mang họa theo? Người ta nói rằng, ông Mahā Kassapa, vị đại đầu-đà khổ hạnh, chỉ đi bát hóa độ cho người nghèo, tuy có tâm thiên vị, đánh mất tính bình đẳng nhưng tấm lòng ấy rất đáng cảm động, ái mộ! Còn tỳ- khưu Subhūti, chỉ đi bát để hóa độ cho người giàu! Người ta đã giàu, do có tâm bố thí, cúng dường bậc thánh vô lậu, biến mãn tâm từ, thì kiếp sau họ lại càng thêm cao sang, quyền quý hơn nữa, là tại làm sao hử? Người ta nói giễu, không phải đâu, đi bát người giàu là kiếm được thực phẩm thượng vị, loại ngon, loại ngọt, loại bổ, loại béo - chứ bọn nhà nghèo có gì? Nước cháo chua hoặc cơm tấm thiu lẫn với tro trấu bẩn tạp hay sao? Họa là đồ ngu! Ai dại gì!

Nói gì thì nói, tỳ-khưu Subhūti bình tâm như vại; ngài đi bát vẫn cứ rải tâm từ, độc cư, an tĩnh ở núi rừng. Khi gặp duyên, thuyết pháp, ngài không nói nhiều, chỉ một câu duy nhất: “Hãy làm lành, lánh ác, giữ tâm trong sạch!” Rồi ngài trú định tâm từ, rải tâm từ như một năng lượng mát mẻ tràn ra xung quanh. Thỉnh thoảng, ngài trú tâm rỗng không, giải thoát. Và lúc nào, chư thiên cũng ái kính, ngưỡng mộ, rải hoa, tán thán, ca ngợi, âm vang xuyên thấu Tứ đại thiên vương, Đao Lợi, Đẩu Suất... và đến cả cõi Phạm thiên.

 

3.14- Bài Học Về Rừng

Chiều ấy, tỳ-khưu Subhūti đang ngồi trên một tảng đá để vá y. Nghe tin đức Phật đã về Trúc Lâm, chẳng lẽ nào lại mặc chiếc y rách nát này để đến thăm ngài, chắc sẽ bị quở trách. Từng mũi kim cẩn trọng xuyên qua xuyên lại mấy mảng vải đã mục, vị tỳ-khưu mỉm cười. Cái thân của chúng sanh trong các kiếp sinh tử cũng tương tợ vậy, cứ vá tới, vá lui mãi. Kiếp nào có nhiều phước báu thì những tấm vá được lành lặn, đôi khi lại sang quý nữa. Kiếp nào ít phước báu, hoặc quá thiếu phước thì có khác gì chiếc y này đâu?

Tỳ-khưu Subhūti chưa đi đảnh lễ đức Phật mà ngài đã đến nơi rồi. Có cả tôn giả Mahā Moggallāna và số đông tỳ-khưu nữa. Đứng trên một ngọn đồi, không xa hang núi của tỳ-khưu Subhūti, đức Phật đưa tay chỉ, mỉm cười:

- Các thầy có thấy không? Con trai của Như Lai đang vá y đấy! Cái hình ảnh ấy trông đẹp làm sao!

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn! 

- Có cả nhàn hạ, thảnh thơi và vắng lặng nữa! Tôn giả Mahā Moggallāna tiếp lời - Đúng là Bậc xứng đáng được cúng dường!

Đức Phật đưa mắt ngắm nhìn chiếc lưng cong, cái đầu cúi của tỳ-khưu Subhūti trong trạng thái chăm chú trên đầu mũi kim, sợi chỉ - ngài nói:

- Một động thái nhỏ, con trai của Như Lai cũng chăm chú, định tâm. Vì quá chăm chú, quá định tâm nên ông ta không thấy, không biết chuyện gì xảy ra xung quanh. Như Lai và các thầy đang đứng ở gần đây mà ông ấy cũng không hay biết. Vậy, do định thiền mà vị ấy không cần biết trời mưa hay nắng là điều dễ hiểu hay khó hiểu, này các thầy tỳ-khưu?

- Bạch, rất dễ hiểu ạ!

- Con trai của Như Lai cũng không thèm biết, chư thiên ái mộ, kính ngưỡng mình nên đã che mưa suốt một tháng trường, ảnh hưởng thời tiết, khí hậu cả một vùng - vậy ông ta có tội hay không có tội?

- Vì không cố ý nên không có tội, bạch đức Tôn Sư!

- Ừ, chính xác! Đức Phật nói - Chính tư tác (cetanā), chính cố ý, cố tình mới tạo nên nhân, tạo nên nghiệp - là trọng tâm giáo pháp của Như Lai. Tuy nhiên, trong trách nhiệm liên đới, nhân duyên trùng trùng - con trai của Như Lai có đóng góp vào đấy một duyên xấu, theo cái hiểu của thế gian là liên đới trách nhiệm đấy! Khi nhập định, vị tỳ-khưu cần phải khởi tâm quán xét!

Hội chúng không hiểu. Chỉ có tôn giả Mahā Moggallāna là hiểu nên ngài xin được trả lời:

- Đức Tôn Sư từng dạy rằng, một vị tỳ-khưu nhập định diệt thọ, tưởng bảy ngày - nếu không quán xét những sự việc xảy ra; ví dụ có chuyện trọng đại về tăng sự trong thời gian ấy, vị ấy sẽ bị đức Tôn Sư hoặc các bậc thượng thủ A-la-hán khiển trách! Do thế, thường xuyên định tâm không, chưa đủ, phải thường xuyên tuệ quán nữa!

Đức Phật góp thêm ý:

- Một vị tỳ-khưu có định thâm sâu, có tuệ giải thoát không chưa đủ. Khi cần, trong tuệ có định, trong định có tuệ. Nếu tỳ-khưu Subhūti thuần thục cả hai, định và tuệ đều viên mãn - thì khi vào định, nếu cần, có thể dùng tuệ để quan sát tất thảy những gì xảy ra xung quanh. Trường hợp như Sāriputta và Mahā Moggallāna, ngồi định ở đây nhưng hai vị còn có thể biết việc xảy ra cả nhiều ngàn thế giới, nếu vị ấy muốn!

Chư vị tỳ-khưu đi theo được mở sáng mắt, họ rùng mình. Có những bàn tán nho nhỏ:

- Nghiêng quá về định cũng không được.

- Không quan sát xung quanh, trên dưới, gần xa; đôi khi lửa cháy rừng không biết thì nguy to!

- Tuy không trực tiếp tạo duyên xấu, nhưng chỉ cần thả chút tuệ rà soát xung quanh thì chắc chắn, hiện tượng trời không mưa cả tháng kia sẽ không xảy ra.

Tôn giả Mahā Moggallāna đi thụt lùi ra sau, gật đầu:

- Khá khen chư hiền đã rất tiến bộ!

Lần bước theo lối đá và con đường mòn nhỏ xuống đồi, đức Phật và hội chúng đến gần nơi am thất của tỳ-khưu Subhūti.

Đức Phật chợt nói:

- Hãy dừng chân đây một lát, đợi thầy tỳ-khưu của chúng ta vá y xong cái đã!

Rồi câu chuyện còn được tiếp tục.

Đức Phật hỏi xung quanh:

- Đức vua Bimbisāra có hứa kiến tạo liêu thất, nhưng sau đó, do bận rộn quốc gia đại sự mà quên đi - vậy, vị đại vương của chúng ta có tội hay không có tội?

Chư tỳ-khưu lại bàn thảo. Kẻ bảo có chút ít, nhưng do bận việc lớn, đem lại sự yên ổn cho nhiều người nên có thể khoan giảm. Người nói, đây là vấn đề nhân, duyên và quả chứ đâu có như luật pháp thế gian mà luận bên này để châm chước cho bên kia? Một vị khác, đức vua của chúng ta có khiếm khuyết, bất toàn thế nào đó về trí não nên bị cái tội hay quên; nếu có trí nhớ tốt thì chỉ cần ra một khẩu lệnh thì quân hầu lo liệu xây liêu thất được ngay; việc này không liên hệ đến chuyện ổn định biên giới! Vị khác nữa, hay đây là cái tội thiếu định tâm tu tập?

Đức Phật nói với tôn giả Mahā Moggallāna:

- Ông hãy nói rõ điều đó cho họ nghe đi, con trai!

- Dạ thưa vâng, thầy tỳ-khưu khi thuần thục định tứ thiền, nếu vị ấy muốn có túc mạng thông, tức là thắng trí nhớ lại các kiếp sống trong quá khứ - đầu tiên họ nhớ đến một ngày, hai ngày... nhớ lui cho đến giai đoạn vừa sinh ra, trong thai bào, đến kiếp sống trước đó. Cứ thế, cứ thế, và cứ thế, vị ấy nhớ một kiếp, hai kiếp... ; vậy, cho đến trăm ngàn kiếp cũng còn nhớ, huống hồ gì là trong ngày! Trường hợp đức vua của chúng ta là thiếu chánh niệm. Người có chánh niệm tinh minh, thuần thục thì đi đứng ăn nói, cử chỉ, thái độ, ý nghĩ bất cứ nơi đâu, lúc nào - nói chung, hoạt trạng của thân hành, khẩu hành và ý hành bất cứ nơi đâu, lúc nào đều được thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ!

Đến ngang đây thì mọi người đều đã hiểu. Tỳ-khưu Subhūti cũng đã vá y xong và vị ấy đã thấy đức Phật, tôn giả Mahā Moggallāna cùng chư vị tỳ-khưu đến thăm. Ngài không ngờ có được sự vinh hạnh hiếm có này.

Đức Phật rất giản dị, ngài lựa tìm một chỗ ngồi trên tảng đá có tấm tăng-già-lê gấp bốn, quay mặt về hướng cánh rừng xanh xanh trước mặt. Tỳ-khưu Subhūti đến đảnh lễ rồi ngồi xuống nơi phải lẽ. Đức Phật nói:

- Chắc ông đã học được bài học về chuyện đức vua Bimbisāra rồi chứ?

- Dạ thưa vâng, có ạ!

- Bài học đó như thế nào, con trai?

- Thưa, đệ tử cũng vừa suy ngẫm, chiêm nghiệm từ rừng - và học được bài học đó từ rừng!

- Hãy nói cho Như Lai nghe với nào?

- Ban đêm rừng ngủ, nhưng rừng vẫn luôn luôn sống động, luôn luôn tỉnh thức, bạch đức Thế Tôn! Thế nên, vị tỳ-khưu khi vào định, ngoại trừ định sâu, cũng phải luôn luôn tỉnh thức sống động như rừng vậy!

- Hay lắm! Vậy là trong định có tuệ - ông hãy tu tập cho thuần thục điều mà rừng đã gợi ý cho ông. Vậy, ông còn học được gì từ rừng nữa không, Subhūti?

- Thưa, đệ tử chỉ mới suy ngẫm điều ấy nhưng chưa thực tập về điều ấy!

Đức Phật bèn nói với hội chúng xung quanh:

- Rừng không những chỉ có một đặc tính như tỳ-khưu Subhūti vừa kể. Nó có cả thảy 10 điều, hãy nghe và Như Lai sẽ giảng nói.

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Rồi đức Phật quay qua nói với tôn giả Mahā Moggallāna đang đứng gần bên:

- Thời pháp này Như Lai nói về rừng nhưng không thuần túy chỉ nói về rừng thôi, mà còn những ý nghĩa khác quan trọng hơn nữa. Vậy ông hãy nhiếp tâm, sử dụng thần thông lực - mời thỉnh tất cả các vị trưởng lão, các vị thượng thủ A-la-hán có thắng trí ở tại Vương Xá và xung quanh Vương Xá, qua không gian, hãy đến đây - cùng lắng nghe thời pháp này!

Vâng lời, tôn giả Mahā Moggallāna ngồi xuống, trú định, vào định tứ thiền, xuống cận định, sử dụng đồng lúc tha tâm thông, thiên nhãn thông để gởi tư tưởng theo lời dạy của đức Phật. Chỉ một lát sau đó thôi, chư vị trưởng lão, thượng thủ A-la-hán từ khắp các phương như những cánh chim ưng vàng từ trong những đám mây trắng, đồng vân tập, xuất hiện, đảnh lễ đức Phật một cách rất ngoạn mục. Chư tỳ-khưu phàm tăng trố mắt, sững sờ. Lại càng ngạc nhiên hơn nữa, trong một khoảng rừng, góc núi nhỏ - thế mà chư vị thánh tăng vẫn thừa chỗ ngồi, lặng lẽ xung quanh đức Phật mà không gian dường như cũng không lớn rộng thêm ra? Ôi! thật là phúc lành hy hữu cho chư vị tỳ-khưu này!

Đức Phật tiếp tục buổi giảng, như sau:

- Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai nhắc lại, rừng có mười đặc tính; vậy mỗi vị tỳ khưu hãy học hỏi 10 đặc tính ấy để đem đến lợi lạc cho mình và cho giáo pháp.

Thứ nhất, rừng luôn luôn tỉnh thức - vậy một vị tỳ-khưu phải luôn luôn tỉnh thức, bất luận ngày hay đêm. Thứ hai, rừng ẩn trong lòng mình rất nhiều loại gỗ quý; cũng vậy, vị tỳ-khưu phải phát hiện những đức tính quý báu trong tâm của mình. Thứ ba, rừng là nơi hằng trăm hằng ngàn chủng loại động vật, thực vật cộng cư - cũng vậy, trong tâm của chúng sanh cũng đang có hằng triệu, hằng triệu chủng tử tốt có, xấu có từ vô lượng kiếp đến nay đang sinh sống ở đấy. Thứ tư, trong lòng đất của rừng có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ kim cương - cũng vậy, trong tâm một vị tỳ-khưu cũng có những kho báu, đó là những thắng trí, những khả năng phi thường - nếu biết đào xới những vỉa quặng ấy. Thứ năm, cây cối trong rừng dù to, dù nhỏ, dù cao, dù thấp - thường nương nhau mà tồn tại - cũng vậy, trong giáo hội của Như Lai: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di - người lớn, người nhỏ, người tốt, người xấu phải nương nhau mà tu tập. Thứ sáu, rừng là nơi giữ nước, là nơi tươm rỉ những dòng suối trong xanh - từ đó, tuôn chảy ra sông ngòi, ruộng vườn - nuôi sống muôn sinh. Cũng vậy, giáo hội của Như Lai là nơi lưu giữ chánh pháp, phát triển chánh pháp - những dòng giáo pháp trong xanh, tinh khiết, vô nhiễm - đổ tràn ra thế gian để đem đến hạnh phúc, an vui cho trời và người. Thứ bảy, rừng sợ nhất bị chặt phá, bị đốt cháy - cũng vậy, giáo pháp của Như Lai kỵ nhất là sự phá hoại từ nội bộ, bị đốt cháy bởi tham lam, dục vọng của một số tỳ-khưu tầm cầu danh vọng và lợi dưỡng. Thứ tám, rừng có thứ tự - cây cao, cây lớn, cây thấp, cây nhỏ và có cả cây nương nhờ - cũng vậy, trong giáo hội của Như Lai, mọi người phải biết tôn trọng hạ lạp, tuổi tác lớn nhỏ, đồng thời phải đùm bọc, che chở những người đang nương nhờ mình. Thứ chín, rừng là nơi điều hòa nhiệt độ cho trái đất - cũng vậy, giáo hội của Như Lai phải là nơi điều hòa sự an vui và hạnh phúc cho nhân quần, xã hội. Thứ mười, rừng hút bụi bặm, ô nhiễm trong không gian - rồi nhả hơi nước, tạo không khí trong lành để phụng hiến vô vị lợi cho đất trời; cũng vậy, chư vị tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni sống giữa cuộc đời, phải gánh chịu, nhẫn chịu vào lòng tất cả mọi đắng cay, sự phỉ báng, sự dèm pha, mọi tiếng lời thị phi, tâm địa bất trắc, khó lường của chúng sanh - rồi ban rải tứ vô lượng tâm đến cho họ, cho thế gian nhiều khổ, ít vui này!

Đức Phật kết luận:

- Trước khi chưa thành đạo, Như Lai chưa có pháp nào cả. Thành đạo rồi, suốt 49 ngày thọ hưởng hạnh phúc siêu thế; xuống lên, vào ra các tầng thiền cho thuần thục; quán ngược, quán xuôi những duyên khởi cho tinh minh; đến đi, xuất nhập các thắng trí cho tỏ suốt; ngẫm cạn, ngẫm sâu, về Tứ Đế cho tỏ tường; chẻ thô, chẻ tế các sắc, thọ, tưởng, hành, thức cho đến chỗ chi li, tinh mật - từ đấy, Như Lai mới có pháp, mới có rất nhiều pháp, mới có Pháp bảo! Các thầy không thể tưởng tưởng được cái thấy biết của Như Lai về thế gian nội tâm, về thế giới vạn hữu, về tất cả các bộ môn học thuật trên cuộc đời này đâu. Nó rộng lớn lắm. Nó bao trùm cả hư không vô tận này. Tuy nhiên, nói hạt vi trần chia bảy mà làm gì khi kiến giải ấy không đem lại sự chấm dứt khổ, lắng dịu phiền não? Nói về các ngân hà, thiên hà mà làm gì - khi tri kiến ấy chỉ để mà thỏa mãn kiến thức - một loại trí tham, trí dục - một hình thức khác của bản ngã và si mê mà thôi! Ồ, các thầy hãy xem đây!

Rồi đức Phật nắm một nắm lá trong tay, đưa lên rồi hỏi:

- Các thầy thấy nắm lá trong tay của Như Lai nhiều, hay lá trong rừng nhiều?

- Lá trong rừng nhiều hơn, bạch đức Thế Tôn!

- Ừ, đúng vậy! Nắm lá trong tay Như Lai thật là ít ỏi so với lá ở trong rừng. Cũng vậy, nhiều như lá ở trong rừng là thấy biết của Như Lai, là sở học, sở tri, sở chứng, sở ngộ của Như Lai - nói chung là của chư Chánh Đẳng Giác - đã tích lũy được qua hằng hà sa số kiếp, qua vô lượng vô biên ba-la-mật. Tuy nhiên, nắm lá trên tay ít, nhưng vừa đủ, vừa đủ để trao truyền cho các thầy những tinh yếu, những nguyên lý để các thầy lên đường, để mà tu tập, để mà diệt tận khổ đau. Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp diệt khổ, thoát khổ chứ không phải để mà giải thích về vũ trụ, các ngân hà, thiên hà. Như Lai còn biết nữa rằng, vào thời mà giáo pháp suy đồi, chư tỳ-khưu không còn tu tập giải thoát, thiền định hay giới luật được nữa - chúng sẽ biến giáo pháp của Như Lai thành một mớ triết lý, triết luận - nghe thì có vẻ hay ho, cao siêu nhưng mà rỗng không, phù phiếm. Là cái trò chơi văn, giỡn chữ ồn ào, huyên náo ở chợ búa, ở quán nước và ngay cả tại các giảng đường, tu viện, học viện! Một bọn khác - cũng không còn tu học chính đính, hành trì giới luật nghiêm túc được nữa - bèn chứng tỏ kiến văn, sở học của mình - muốn giải thích cả số lá vô lượng, vô khả lượng trong rừng cây kia. Chúng muốn vượt qua cả Như Lai! Những điều Như Lai im lặng, không nói vì thấy vô ích, vô bổ, phù phiếm - thì chúng lại huyên thuyên giảng nói, không biết đâu trúng, đâu trật; chẳng biết đâu là sở tri hữu dụng và đâu là kiến tri chỉ để lòe đời, bịp đời! Chúng họp bè, kết phái, lập tông... để tự giương danh mình, giải thích giáo pháp của Như Lai bằng cái kiến văn đựng trong cái vỏ ốc, vỏ hến ngu si, tối tăm nhưng đầy kiêu căng và khoa đại của chúng! Có bọn - thì thấy giác ngộ, giải thoát, giới luật khó quá - nên trở lại với bà-la-môn giáo thời sa đọa là luyện chú, luyện bùa, đọc mật chú, thần chú để chữa bệnh kiếm tiền, để giúp việc mua may bán đắt, thăng quan tấn chức, lắm vợ nhiều con, được danh đoạt lợi. Chúng còn lấy cái bí bí, mất mật ấy... để dẫn dắt mọi người đến nơi giác ngộ, giải thoát! Cho đến, chúng còn có khả năng siêu nhiên là dẫn dắt thần thức người chết (phàm phu, chưa tu tập) đến các cảnh trời và cả Niết-bàn nữa! Có bọn - chứng tỏ ứng hợp với thời đại, đã lấy kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, sinh học, lý học, vũ trụ học, thiên văn học, địa lý học, số học, toán học, cả triết, cả thơ và cả văn để giải thích giáo pháp của Như Lai! Bọn chúng nói chỉ để mà nói, mà khoe mẻ ta đây là học giả, là bác học nhưng năm giới cũng không giữ được, thậm chí, một giới cũng không giữ được - nói gì đến định, đến tuệ, đến tuệ giải thoát!

Này các thầy tỳ-khưu! Hãy tịnh định nơi hơi thở, an trú nơi hơi thở - hãy nghe cảm giác nói gì, tri giác nói gì, tâm hành nói gì, thức tri nói gì? Khổ ở đó, lạc ở đó mà giác ngộ giải thoát cũng ở đó. Đừng tìm hiểu Niết-bàn qua ngôn ngữ, qua ý niệm, qua thức tri. Không tới đâu. Cũng đừng định nghĩa nó. Đừng định nghĩa Niết-bàn. Đừng định nghĩa siêu thế. Đừng xác lập nó ở trong hay ở ngoài trái đất. Chỉ khi nào tham sân si, phiền não hoàn toàn vắng lặng, không còn thiêu đốt nội tâm nữa, thì lúc ấy, tuệ tri, minh tri hiện ra; giác ngộ, giải thoát được thấy rõ, ngay tại đây, bây giờ; ngay tại cái thân dài một trượng này cùng với cảm giác và tri giác - là thấy rõ Niết-bàn - chớ không ở một nơi nào khác, một chỗ nào khác! Niết-bàn ấy chẳng phải “tại” mà cũng chẳng phải “siêu”! Chẳng bờ bên này, chẳng bờ bên kia! Tất thảy chúng: Bất lập!

Hãy lắng nghe với tâm trí rỗng rang, vô ngã và vắng lặng! Hãy như vậy mà thọ trì - này các thầy tỳ-khưu!

Bài pháp thuyết xong thì trời đã tối. Đức Phật vào nghỉ trong liêu thất của tỳ-khưu Subhūti. Đêm đó, rất đông tỳ-khưu thức ngủ, đàm đạo về giáo pháp cho đến gần sáng; sau đó có vị kinh hành, vị tọa thiền, vị nằm nghỉ nghiêng lưng hướng đầu về phía đức Phật.

Đêm ấy quả thật là một đêm đậm đà hương vị giáo pháp; và, núi rừng, trăng sao như đồng tỉnh thức trong ánh huy hoàng của đạo giải thoát.

 

3.15- Đại Thần Chú

Trở lại Trúc Lâm, đức Phật cho họp các trưởng lão Tăng Ni hai viện, thu xếp mọi công việc ở đây trước khi rời chân lên phương Bắc. Ngắm thời tiết, đức Phật biết xứ này sắp đến mùa nắng nóng nhưng ở phương Bắc thì đang còn nhiều tháng ngày mát dịu.

Đức Phật dự định sẽ du hành một quãng đường xa; và chương trình của ngài sẽ ghé quê hương của Sāriputta, của Mahā Kassapa, ghé Pātaḷigama, qua sông Gaṅgā, đến Vesāli, qua thăm các xứ Videha, Vajjī - sau đó sẽ lên Malla, qua Moriya, Koliya rồi đến Kapilavatthu xem thử những ni viện ở các xứ này như thế nào.

Trưa hôm ấy, tại hương phòng, đức Phật nghe ngoài rừng tu viện có nhiều tiếng cười nói. Tôn giả Ānanda cho ngài hay biết, chư phàm tăng đang từng nhóm, từng nhóm bàn tán xôn xao, là có một đạo sĩ bà-la-môn đứt giây thần thông, rơi xuống nơi một vùng người ta đang họp chợ, may là chỉ bị thương nhẹ nhờ rớt trên đống vải.

Đức Phật hướng tâm đến, ngài mỉm cười.

Tại giảng đường, sau đó, do yêu cầu của tôn giả Ānanda, đức Phật đã kể chuyện về đạo sĩ ấy như sau:

- Đạo sĩ ấy rồi sẽ có duyên với giáo pháp. Kể từ thời đức Phật Padumuttara, ông ta sinh ra trong một gia đình bà-la-môn giàu có - đã có những cuộc cúng dường trọng thể đến đức Phật và Tăng chúng. Hôm ấy, đức Chánh Đẳng Giác tuyên dương một vị tỳ-khưu, do công hạnh tu tập, được “Chư thiên ái kính”; ông hoan hỷ quá phát lời nguyện, là sau này, một vị lai nào đó, sẽ được xuất gia và cũng được như vị tỳ-khưu kia vậy. Đức Phật tùy hỷ công đức và thọ ký cho ông là vào thời của đức Phật vị lai, Sākya Gotama, ông ta sẽ được như nguyện. Vào thời đức Thế Tôn Sumedha Niết-bàn, ông ta lại cúng dường bảo tháp, cúng dường các bậc lậu tận... Sau nhiều kiếp làm người làm trời, nhiều kiếp làm Chuyển luân thánh vương, đến kiếp này, sinh quán ông ở tại Sāvatthī, trong một gia đình bà-la-môn có của dư của để. Ông tên là Pilinda, họ Vaccha. Lớn lên, chán đời sống ngũ dục trần lụy, ông xuất gia thành một đạo sĩ du sĩ, lang thang từ nơi này sang nơi khác để tầm sư học đạo. Nhiều năm hành trì yoga, niệm chú, luyện thần chú trong nhiều hang động ở Tuyết Sơn, Pilindavaccha đạt được một vài khả năng nho nhỏ như xuất hồn, biết trước một số việc về tương lai, giỏi nhịn ăn và giỏi nhịn thở! Hôm kia, ông đang ngồi tập định yoga nơi một hóc núi - thì thoáng thấy một đạo sĩ có bước đi như lướt gió, chốc là mất hẳn. Hình ảnh ấy lôi cuốn, hấp dẫn quá, Pilindavaccha bươn bả chạy theo hành tung của bậc siêu nhân. May thay, đến một sơn trấn, ông gặp được đạo sĩ đang nghỉ chân độ thực. Lân la đến thăm hỏi rồi Palindavaccha quỳ lạy đạo sĩ xin được học phép lạ. Đạo sĩ nhìn ông một lát, sau đó nói thật rằng: “ Nếu có tâm cần cầu hãy đến nước Gandhāra, tìm cho ra một sơn thôn cũng có tên là Gandhāra, có một bậc thầy siêu việt ở đấy. Cứ thăm hỏi mọi người, về một đạo sĩ già, ẩn tu trong một hang động, ông sẽ được như nguyện. Nhưng mà một năm phải đóng 100 đồng tiền vàng đấy. Nói thật rằng, trước đây tôi là đệ tử của thầy, do thiếu tiền đóng học phí nên bị đuổi ra khỏi sơn môn - nên sự học của tôi chưa đến nơi đến chốn đâu.” Thế rồi, Pilindavaccha của chúng ta về lại gia đình ở Sāvatthī, thu góp vàng bạc, rồi đi tìm thầy học phép siêu nhân.

Sau ba năm học nghệ, Palindavaccha đã chứng tỏ được khả năng cần cầu tu tập chí thú ngày đêm; ông đi được vào định thâm sâu, khi hướng tâm, biết được tâm người khác. Ngoài ra, Palindavaccha còn luyện được một loại thần chú có tên là “ Cūlagandhāra”, sau khi niệm, là có thể bay lượn được như chim giữa trời, mà bí thuật bà-la-môn giáo gọi là “du hành trên không”! Khi cho xuống núi, vị thầy già mỉm cười - nụ cười có vẻ tự châm biếm mình - rồi như tâm sự mà rằng: “ Ta dạy cho các ngươi là để kiếm cơm nuôi ba bà vợ và 12 đứa con - chẳng có siêu nhân, đạo hạnh gì như thế gian đồn đãi về ta cả. Bây giờ, ngươi học được ít nhiều đó - cũng chỉ là cái thuật, chỉ là cái cần câu để câu danh vọng và lợi dưỡng mà thôi. Tuy nhiên, hãy ghi nhớ lời này. “Cūlagandhāra” mới chỉ là “Tiểu thần chú”; vậy lúc nào trên thế gian, tại địa giới nào đó, có “Mahāgandhāra” tức là “Đại thần chú” xuất hiện - thì Cūlagandhāra sẽ mất hết hiệu lực, sẽ không còn tác dụng nữa. Lúc ấy, tự ngươi phải trật y vai phải, tìm đến vị có Đại thần chú ấy, đảnh lễ, cúi đầu năm vóc sát đất để xin học hỏi, làm đệ tử của Người, sẽ mang đến lợi lạc cho ngươi thật không xiết kể. Ta chỉ tiết lộ chừng ấy. Tuổi thọ của ta cũng đã sắp hết. Ta thiếu phúc lành hơn ngươi nhiều đấy!”

Tuy chưa hiểu hết những ẩn ý trong lời tâm sự của vị thầy già, nhưng cái gọi là “Đại thần chú” ấy thì Palindavaccha không quên. Chỉ một năm sau, Palindavaccha của chúng ta nghiễm nhiên đã là một đạo sư nổi danh khắp các tiểu quốc và thành phố miền Tây bắc châu Diêm-phù-đề. Học trò khắp nơi tìm đến học đạo. Khi mọi danh vọng và vinh quang đã như vầng hào quang xán lạn, Palindavaccha về thăm quê hương với hằng trăm đồ chúng vây quanh. Muốn biểu diễn phép lạ cho mọi người thán phục, lựa một quảng trường, Palindavaccha niệm chú để “ du hành trên không” chơi! Lạ lùng sao, vừa bay lên là ông ta bị rớt xuống. Lạnh toát cả người, Palindavaccha hiểu, là có chuyện rồi, “Đại thần chú” đã xuất hiện rồi! Tuy viện cớ bị cảm đau không thi thố thần lực để lấy lòng tin với mọi người, nhưng tự thâm tâm, ông hiểu là “Tiểu thần chú” giờ đã hỏng! Tại thành phố này, “Đại thần chú” đã xuất hiện! Mấy ngày sau, bí mật điều tra, Pinlindavaccha biết rằng, tại Kỳ Viên, mấy ngày trước đây đã xuất hiện một vị Phật, một vị Chánh Đẳng Giác! Năm ấy, ngày tháng ấy Như Lai lần thứ nhất ghé thăm Kỳ Viên. Hóa ra - các thầy tỳ-khưu biết không, Như Lai có “Đại thần chú”; bậc có “Đại thần chú” ấy, chẳng là ai khác mà chính là Như Lai!

Có nhiều tiếng cười có vẻ sảng khoái, thú vị. Đức Phật nghỉ hơi một chút. Câu chuyện hấp dẫn quá, hội chúng lại bắt đầu chõng tai lắng nghe, im lặng; và bây giờ chỉ có tiếng ruồi kêu vo ve!

- Hôm ấy, đức Phật kể tiếp - Như Lai biết, các bậc có thắng trí cũng biết, nhưng thấy chưa hợp lúc, chưa đúng cơ duyên. Như Lai còn biết nữa rằng, Pilindavaccha, sau đó, im trống, xếp cờ, lặng lẽ xuôi Nam - và bắt đầu tìm kiếm danh vọng ở quốc độ khác, đầu tiên là ở Bāraṇāsī. Tại đây, tả và hữu ngạn sông Gaṇgā là căn cứ địa của bà-la-môn giáo, là nơi hùng cứ của đủ mọi thứ tà thuật, phép thuật - Pilindavaccha nổi danh như cồn. Thuở ấy, Mahā Moggallāna có trình báo chuyện ấy cho Như Lai hay, nhưng Như Lai bảo là chưa đúng thời. Mấy năm vừa rồi Pilindavaccha tung hoành kiếm ăn tại các tiểu quốc cực Nam... Còn bây giờ, lát nữa thôi, Pilindavaccha sẽ đến đây để xin Như Lai học “Đại thần chú” - các thầy hãy xem nào, dường như ông ta và đồ chúng đã xuất hiện ở ngoài bìa rừng... Đã đúng thời, đủ duyên rồi đây!

Đức Phật vừa nói xong thì quả đúng như thế thật, đạo sĩ Pilindavaccha với dáng đi chững chạc của một đạo sư cùng với một số đông đệ tử đã vào đến nơi. Pilindavaccha nhớ lại lời thầy dạy thuở trước, ông trật y vai phải, đến đảnh lễ đức Phật với năm vóc sát đất rồi thưa:

- Kính bạch đại sa-môn! Tôi muốn học “Đại thần chú”, xin ngài từ bi, hoan hỷ tiếp độ!

Cả nhóm đệ tử đi theo đều cùng khấu đầu đảnh lễ với ước nguyện như vậy.

Đức Phật mỉm nụ cười ở trong tâm, dịu dàng nói:

- Này Pilindavaccha! Như Lai biết ông đã lâu, nhưng nay cơ duyên mới chín muồi. Vậy, ông hãy xuất gia theo giáo pháp của Như Lai, Như Lai sẽ chỉ dạy cho ông không những là “Đại thần chú” mà cả “Vô thượng, vô thượng chú” nữa đấy!

Vị du sĩ đạo sư Pilindavaccha tưởng rằng, xuất gia là bước đầu của việc học thần chú nên ưng thuận ngay. Và sau đó, ông được các trưởng lão làm lễ xuất gia cho, có đức Phật chứng minh.

Sau những lời giáo giới căn bản ban đầu, đức Phật quán căn cơ, cho vị tân tỳ-khưu một đề mục thích hợp - rồi nói rằng:

- Hãy cần mẫn, chăm chuyên, tinh cần, chí thú ngày đêm, gắn chặt tâm trí nơi đề mục ấy - đừng hỏi gì cả, đừng nghi gì cả - thì đại thần chú, vô thượng, vô thượng chú sẽ xuất hiện!

Sau khi hội chúng giải tán cả rồi, đức Phật nói với hai vị đại đệ tử và Ānanda:

- Do gieo duyên sâu dày với giáo pháp, không lâu sau, tân tỳ-khưu Pilindavaccha sẽ đắc quả A-la-hán; rồi sẽ đạt được nguyện vọng mà đức Phật Padumuttara đã từng thọ ký cho ông ta - là vị tỳ-khưu hằng được chư thiên ái kính và ngưỡng mộ như Subhūti vậy.


[1] Các kinh điển Đại thừa, ngài Subhūti , tức Tu Bồ Đề được đặt vào một vị trí và chức năng đặc biệt; biểu tượng ngài là Tuệ Tánh Không, lúc thuyết pháp - thuyết vô ngôn - không nói gì cả mà chư thiên ái kính rải hoa. Nikāya thì ngài thường trú định tâm từ, thỉnh thoảng cũng trú tuệ không và chư thiên cũng rất ái kính, ngưỡng mộ. Có điểm giống nhau: Ngài chỉ đi bát, nhận vật thực từ người giàu và trung lưu, không nhận vật thực của người nghèo - ngại sớt bớt cháo cơm đã quá ít ỏi của cháu con họ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn