(Xem: 1506)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1866)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

3.36- Vị thánh trong bụng cá.

13 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 10021)

Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập-3

←Nghe: 3.37-Những câu hỏi vớ vẩn blank

←Nghe: 3.40-Tấm gương học tập blank


3.36- Vị thánh trong bụng cá. 

Đã lâu lắm rồi, tại Bārāṇasī, thiên hạ xôn xao bàn tán một câu chuyện lạ lùng. Nó như sau:

- Có một gia đình trưởng giả tại Kosambī, sinh hạ được một bé trai. Theo tập quán nhân gian, bà vú nuôi mang hài nhi ra sông Mahāyamunā để tắm. Người ta tin tưởng rằng, chỉ cần nhúng vào nước ba lần - là đứa bé sau này sẽ mạnh khỏe, không có bệnh tật, ốm đau - do đã trình diện với thần sông rồi!

Khi bà vú vừa đặt trẻ xuống nước - thì có một con cá to lượn tới nuốt đứa bé rồi lặn đi mất.

Không kể chuyện khóc than, thương tiếc của gia đình trưởng giả - chỉ kể chuyện về con cá. Chẳng rõ lộ trình xuôi ngược dưới sông của chú cá như thế nào - mà sau đó, nó bị dính lưới của một ngư phủ tại phía hạ lưu sông Gaṅgā, tận Bārāṇasī; rồi với bốn người khiêng, họ mang ra chợ bán.

Nhân duyên tiếp theo, tại Bārāṇasi, một gia đình phú hộ kia, do tổ chức một buổi tiệc lớn chừng một trăm người ăn. Thường thì chỉ gia nhân đi chợ; nhưng hôm ấy, bà chủ có cảm giác kỳ lạ xúi giục là chính bà phải đích thân làm việc ấy. Đến chợ, khi thấy con cá, bà nghĩ là phải mua con cá này. Sau đó, cùng với gia nhân, mua sắm thứ này, thứ kia - rồi bà thuê người gánh con cá to lớn ấy về nhà.

Khi đám tớ trai mổ bụng cá ra, phát giác trong bụng cá có một hài nhi còn sống, ngạc nhiên, bà tới xem, thấy là con trai - bà nghĩ thầm, mình không có con nối dõi tông đường, bây giờ, từ trong bụng cá, lại hiện ra một chú bé trai như thế này, không là của thần linh trao tặng cho là gì! Mừng quá, bà bồng trẻ đi tắm rửa cho sạch nhớt, sạch máu còn dính đầy nơi thân thể - thì thấy hiện ra một chú bé kháu khỉnh, mủm mỉm. Thôi thì bà hít, bà thơm, bà nựng - và chợt nhiên một tình cảm lạ lùng xâm nhập tâm hồn bà: Tình mẫu tử thiêng liêng!

Ông phú hộ cũng sung sướng không thua gì bà, cho làm cuộc tế lễ lớn để cảm tạ thần linh.

Tin đồn lan ra, mọi người trong xóm phường đổ xô tới nơi xem chuyện lạ - về đứa trẻ được sinh ra trong bụng cá!

Trở lại chuyện ông bà trưởng giả tại Kosambī mất con. Sau nhiều tháng ngày tiếc thương, sầu não - vì ông bà cũng không có con trai nối dõi - nhưng hôm kia, ông bà có linh tính là nó chưa chết nên thuê người đi dọc triền sông Mahāyamunā, bờ bên này, bờ bên kia để tìm kiếm xem thử có manh mối gì không, nhưng tìm hoài vẫn không thấy tăm hơi gì.

Bỏ sông nhỏ, họ xuống sông Gaṇgā, và suốt mấy năm tìm kiếm ở thượng lưu, cũng không có tin tức gì. Về phía hạ lưu, lần hồi đến Bārāṇasī; và chính tại đây, họ nghe tin tức về đứa bé. Sau nhiều ngày điều tra, theo dõi nữa, biết chính xác là đứa bé trong bụng cá, rồi tại ngôi nhà của ông phú hộ - nên họ về báo lại với chủ.

Thế rồi, với nhiều xe lễ vật trọng hậu, hai ông bà trưởng giả ở Kosambī tìm đến gia đình phú hộ ở Bārāṇasī, xin lại đứa con trai, bây giờ đã sáu, bảy tuổi. Chuyện bất thành, vì gia đình phú hộ không đồng thuận.

Ông bà trưởng giả cũng không chịu để mất con trai, đến phủ đường kinh thành cầu cứu, nhờ quan phân xử. Phủ quan bất lực, nội vụ sau đó được mang đến đức vua. Nhìn đứa bé có tướng mạo hình dong dễ thương, nhìn sang cả hai bên gia đình, thấy ai nấy đều không muốn mất con - đức vua phán:

- Một bên là máu huyết, mang nặng đẻ đau; một bên là cứu đứa bé trong bụng cá, lại có công nuôi dưỡng. Đem lên cán cân tình lý - thì hai bên cân bằng, không nghiêng lệch bên nào. Vậy trẫm phán xử, đứa bé là con của cả hai gia đình - nên trẫm sẽ đặt tên cho nó là Bakkula (trẻ của hai gia đình). Hãy tuân thủ theo quyết định của trẫm. Bakkula lúc ở bên này, lúc ở bên kia, chia phân cho đồng đều - và sau này, cũng được quyền thừa kế cả hai nơi!

Câu chuyện trên sở dĩ được kể lại - là vì sau khi đức Thế Tôn và đại chúng ghé Bārāṇasī, ngụ tại Isipatana, thuyết pháp cho hai hàng cận sự nam nữ - thì có một ông già đã tám mươi tuổi đến xin xuất gia. Ông già này nổi tiếng trong vùng vì nằm trong bụng cá, ai cũng biết, có tên là Bakkula.

Đức Phật hỏi:

- Ông đã quá già, có kham nổi đời sống xuất gia không, này Bakkula?

- Con kham nhẫn được, bạch đức Thế Tôn!

Quán nhân duyên quá khứ, đức Phật mỉm cười, biết là ông ta tu được, không những tu được mà còn đắc quả A-la-hán cùng thắng trí - bèn hỏi tiếp:

 - Vậy thì ông đã thu xếp xong xuôi chuyện gia đình chưa, này “ Người con trong bụng cá”?

- Rất dễ dàng thôi, bạch đức Tôn Sư! Thuở nhỏ, con thừa kế gia sản cả hai gia đình được tám trăm triệu đồng tiền vàng. Cha mẹ sinh và cha mẹ dưỡng đều đã mất. Số tiền ấy, con sẽ dùng một nửa chia cho con và cháu cả hai gia đình. Một phần con sẽ bố thí cơm áo, thuốc men cho những người nghèo đói trong xứ.

Còn phần cuối cùng, sau khi chia cho con cho cháu hết rồi - cho con được tu sửa, chỉnh trang toàn bộ đại lâm viên này và cúng dường tứ sự bảy ngày đến đức Tôn Sư và đại chúng.

Ông già Bakkula đảnh lễ đức Phật rồi đi lo công chuyện, sau đó, được đức Phật cho thọ đại giới với một vài chỉ dạy vắn tắt về định, về tuệ. Lão tân tỳ-khưu này tiếp thu rất nhanh, lại còn nguyện thọ thêm một số pháp đầu-đà như: Chỉ trì bình khất thực và thọ dụng trong bát; không nhận y hoặc vật thực do thí chủ cúng dường; chỉ ngủ ngồi, không dựa lưng dù chỉ một tấm ván, sống hạnh độc cư không giao tiếp với ai...

Đại chúng lại bàn tán sôi nổi, không hiểu tại sao thuở trước ông nằm trong bụng cá mà lại không chết? Tại sao đã tám mươi tuổi rồi, xin xuất gia mà đức Phật vẫn mỉm cười và cho xuất gia? Hẳn là có nhân, có duyên nhiệm mầu nào?

Để phá tan mối nghi ấy, đức Phật giảng:

- Kiếp cuối cùng của một bậc A-la-hán không có một năng lực gì đoạn hoại sự sống của vị ấy được. Như ngọn đèn trong chiếc ghè, nó leo lét cháy nhưng không một ngọn gió nào, một năng lực nào có thể làm tắt được. Cậu bé Bakkula nằm trong trường hợp ấy. Và ông ta còn có nhân duyên đặc biệt hy hữu khác nữa... để kiếp này, suốt đời không nhức đầu, sổ mũi, không ho hen, cảm mạo, không bệnh tật, ốm đau; và có tuổi thọ vượt quá một trăm năm ước định của đời người!

Thấy ai cũng háo hức muốn nghe, đức Phật kể:

- Từ thời đức Phật Anomadassī, là một bà-la-môn có gia sản lớn, rất giỏi về y dược, nhưng ông ta đã xả bỏ tất cả, lên non sống đời xuất gia đạo sĩ.

Nhờ có thiền chứng và thắng trí, biết được đã có một đức Chánh Đẳng Giác ra đời - nên đạo sĩ tìm đến nghe pháp, quy y rồi xin được xuất gia. Nhưng đức Thế Tôn bảo:“Xuất gia thì ông chưa đủ duyên - nhưng ông lại có việc làm khác mà không ai có thể thay thế ông được! ”

Hôm kia, đức Phật Anomadassī bị bệnh đau bụng, đạo sĩ mang thuốc đến cúng dường. Chỉ một liều thuốc nhỏ, đức Phật khỏi bệnh, ngài mới nói:“Một đức Chánh Đẳng Giác ra đời, thường có một vị đại lương y xuất hiện. Và ông chính là người ấy!” Thế rồi, vị đạo sĩ tận tình chăm sóc sức khỏe cho đức Tôn Sư và đại chúng tỳ-khưu!

Với công đức ấy, đạo sĩ sanh lên phạm thiên giới, rồi luân phiên cõi người và cõi trời với phước báu sang cả, thù thắng. 

Đến đời vị Phật tiếp theo, tức là đức Thế Tôn Padumuttara - vị ấy sinh ra trong một gia đình cự phú tại Hamsavatī. Trong một lần nghe pháp, thấy đức Thế Tôn tán thán biểu dương công hạnh của một vị tỳ-khưu, thù thắng hơn tất thảy vị tỳ-khưu khác - do nhờ kiếp trước làm thầy thuốc, cúng dường thuốc men đến đức Phật và đại chúng - nên kiếp này được trường thọ, vô bệnh. Rất thỏa thích và hoan hỷ, vị cự phú khởi tâm cúng dường tứ sự - nhất là thuốc men - đến đức Phật và chư tăng trong suốt bảy ngày với lời nguyện:

“- Xin cho vào thời Phật vị lai, tôi sẽ được làm một vị Thanh Văn đệ nhất vô bệnh và được trường thọ y như vị tỳ-khưu ấy!”

Đến đời Phật Vipassī, Phật Kassapa - ông vẫn thực hiện những công hạnh cũ, lại còn làm một người cận sự nam nhiệt tình xây dựng các trú xá, hộ độ Tam Bảo suốt cả cuộc đời.

Bây giờ, đến thời của Như Lai, Bakkula sinh ra tại Kosambī... và câu chuyện như thế nào thì mọi người đều đã nghe thấy.

Tuy nhiên, đức Phật chưa tiết lộ, là do nhân duyên đặc biệt như vậy, nên Bakkula, sau khi xuất gia, chỉ sống với phàm phu tánh có bảy ngày, rạng ngày thứ tám, vị sư già đã đắc quả A-la-hán. Và sau này, ông ta sẽ thọ đến một trăm sáu mươi tuổi!

Quả đúng là một vị tỳ-khưu “vị tằng hữu!”

 

3.37- Những câu hỏi vớ vẩn !

 Còn vài tháng nữa đến hạ thứ chín, từ Bārāṇasī, đức Phật bộ hành lên thượng lưu sông Gaṅgā với năm trăm vị tỳ-khưu, trong đó có một số trưởng lão đi theo để chăm sóc hội chúng như Moggallāna, Ānanda, Nanda. Đặc biệt, tôn giả Sāriputta dẫn theo một số sa-di chững chạc như Rāhula, Sīvali để hướng dẫn, kèm cặp, rèn tập đời sống không cửa, không nhà.

Tại ngã ba sông Yamunā, đức Phật đi xuôi xuống - định đến an cư mùa mưa tại đất nước Vaṃsā. Tin tức này nhanh chóng lan truyền đây đó khắp kinh thành Kosambī. Tuy nhiên, đức Phật chưa ghé kinh thành vội, ngài bảo dừng chân ở một thị trấn có công viên Badarikārāma, cách Kosambī chừng hai do-tuần vì ở đây cũng có một tịnh xá lớn. Trước đây nhiều năm, các vị trưởng lão đã hành hóa ở nơi này - đặc biệt là tỳ-khưu Khemaka - và nghe nói, những cốc liêu cùng những công trình chính và phụ đã khá hoàn chỉnh.

Đức Phật nói với đại chúng:

- Như Lai phải ghé thăm Badarikārāma - vì mấy năm trước, ở đây đã xảy ra một câu chuyện lạ lùng và thú vị!

Nói thế xong, đức Phật đột ngột im lặng. Lát sau, ngài tiếp tục:

- Tự mình thuyết pháp cho người về đạo lộ giải thoát A-la-hán rồi tự mình đắc quả A-la-hán luôn - là câu chuyện lạ lùng đầu tiên trong giáo hội của Như Lai!

Biết mọi người ai cũng tò mò muốn nghe hư thực, đức Phật kể tiếp như sau:

- Tỳ-khưu Khemaka thuộc dòng tộc Sakyā, nhiều năm về trước, ông ta xuất gia ở Rừng Cây Đa tại Kapilavatthu thuở Như Lai về thăm quê nhà lần thứ hai. Sau khi nhận được đề mục tu tập từ Như Lai, ông ta xin được đi về một phương trời xa xôi để hành đạo. Vị tân tỳ-khưu này tu tập rất tinh tấn. Bản thân Như Lai và cả Mahā Moggallāna đã giúp đỡ nhiều lần, sau đó ông đắc được quả vị Tư-đà-hàm. Từ đó, ông ta lang thang du hóa nơi này và nơi khác, khi đến công viên Badarika thì ông ta ngã bệnh. Đây là một vùng dân cư thưa thớt, công viên này là nơi cư trú của nai, khỉ, thỏ, sóc và chim. Ở nơi một cái chòi hoang, tỳ-khưu Khemaka cứ bình tĩnh dùng năng lực của định thiền mà chữa bệnh.

Chuyện kể tiếp theo - có một vị tỳ-khưu tên là Dasaka xuất thân là nô lệ. Ông ta là con của một nữ nô lệ trong đại gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc. Khi tịnh xá Kỳ Viên đi vào sinh hoạt, công việc ở đấy rất bộn bề, trưởng giả Cấp Cô Độc đã sai thanh niên nô lệ Dasaka hằng ngày đến đấy để trông coi vườn tược kiêm cả việc gác cổng. Dasaka bẩm chất tháo vát, lanh lợi, chịu khó nên ai cũng mến yêu và tin cậy. Ngày qua ngày, Dasaka cảm thấy đời sống xuất gia sao mà thanh bình, an ổn và cao đẹp quá, cậu thầm ước ao trong lòng, là làm sao mình cũng sống được đời sống phạm hạnh như vậy. Hôm kia, đến Kỳ Viên có việc, trưởng giả Cấp Cô Độc tình cờ trông thấy Dasaka đứng lặng trông theo đoàn chư vị tỳ-khưu đang ôm bát vào kinh thành để khất thực. Đôi mắt của Dasaka như bị hút dính vào hình ảnh vô sự và thanh thoát ấy không chịu buông rời.

- Con đang suy nghĩ gì đấy, này Dasaka?

Trưởng giả cất tiếng hỏi, Dasaka giật mình quay lại, lắp bắp:

- Dạ... dạ...

Như đọc được tâm ý của người thanh niên, ông trưởng giả quan tâm cất tiếng hỏi:

- Con có thích đời sống ấy không, Dasaka?

- Thưa, con không dám đâu. Con là thân phận nô lệ thấp hèn...

Trưởng giả với tấm lòng bao dung, rộng lượng, nở nụ cười thơm ngát như đóa hoa sen:

- Giáo hội của đức Tôn Sư không hẹp hòi thế đâu con! Máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn - ngài không hề phân biệt giai cấp. Nếu con sống được đời sống xuất gia cao thượng ấy, ta sẽ xóa bỏ thân phận nô lệ cho con. Khi ấy con sẽ không còn là kẻ nô lệ thấp hèn nữa. Và nếu con tu tập tốt, ta sẽ đảnh lễ con, cúng dường những vật dụng cần thiết đến cho con với tất cả tấm lòng thành, với tất cả sự quý kính...

Thanh niên Dasaka xúc động, chảy nước mắt, quỳ xuống ôm chân trưởng giả, nghẹn ngào không nói được nên lời.

Thế rồi, sau đó, thanh niên Dasaka được xuất gia. Tuy tu hành định tuệ gì cũng không bằng người nhưng ông ta có đức tính phục vụ rất nổi bật. Bất cứ việc gì mà chư tăng giao phó, ông đều vâng lời chu toàn bổn phận. Đặc biệt, do trong dòng nghiệp, tích lũy nhiều đời là phi nhân - nên ông ta có đôi chân đi nhanh và dẻo dai đến lạ lùng. Do vậy, việc trao truyền thông tin đây đó, từ quốc độ này sang quốc độ khác, từ tịnh xá này sang tịnh xá kia - là trách nhiệm và bổn phận của Dasaka. Cũng vì việc tăng nên hôm kia tỳ-khưu Dasaka đến Kosambī - đúng lúc, tỳ-khưu Khemaka ngã bệnh đang nằm một nơi hẻo lánh tại Badarika.

Chư tăng Kosambī từ lâu vốn đã nghe tiếng tu hành nghiêm túc của tỳ-khưu Khemaka, rất ngưỡng mộ ngài - nên nhờ tỳ-khưu Dasaka đến thăm hỏi bệnh tình.

Tỳ-khưu Dasaka vốn thất học, chất phác, không biết ăn nói nên tình thật hỏi:

- Vậy phải thưa hỏi làm sao?

- Nói là chư tăng Kosambī quan tâm, lo lắng thăm hỏi bệnh tình của ngài, hiện ngài có kham nhẫn nổi với cơn đau hay không? Ngài đã xoay xở và tự chữa bệnh cho mình có hiệu quả hay không?

Đến công viên Badarika, tỳ-khưu Dasaka thấy tỳ-khưu Khemaka nằm bệnh nơi một cái chòi hoang tồi tàn, dường như chỉ còn da bọc xương nhưng thần sắc rất an nhiên, tự tại. Sau khi lặp lại lời thăm hỏi của chư tăng Kosambī, đợi câu trả lời nhưng không nghe ông ta nói gì cả. Tỳ-khưu Dasaka bèn tự động đi quét dọn, chùi rửa nơi này nơi khác, tìm cách múc nước đầy nơi chỗ chứa - lặng lẽ đảnh lễ vị trưởng lão rồi từ giã. Trước sau, tỳ-khưu Khemaka vẫn không nói một lời, ông chỉ nghĩ thầm trong bụng rằng:“Mấy ông tỳ-khưu ở Kosambī không có việc gì làm hay sao mà cho người đến thăm hỏi vớ vẩn như vậy chứ? Tu không chịu tu - cứ ba cái chuyện tào lao không!”

Lần thứ hai, sau khi không nhận được câu trả lời nào, tỳ-khưu Dasaka được cử đi một lần nữa, với câu hỏi của chư tăng ở Kosambī: “Ngài đã thấy tự tánh của ngũ uẩn chưa?” Lần này, tỳ-khưu Khemaka cũng chẳng ừ với chẳng hử! Tiếp tục, tỳ-khưu Dasaka được cử đi lần thứ ba với câu hỏi: “Ngài đã đắc quả A-la-hán chưa?” Nghĩ là với câu hỏi ấy thì hơi quá đáng, và cũng đã “quá tam ba bận”, không đáp không được, tỳ-khưu Khemaka nói cộc lốc, cụt ngủn:“Chưa!”

Thế mà vẫn không yên, Dasaka được cử đi lần thứ tư với câu hỏi: “Khemaka có nghĩa là gì trong tự tánh?”

Hết chịu nổi với những câu hỏi ngu ngốc, phù phiếm của những tỳ-khưu ở Kosambī, bốn lần khó chịu dường như vón đặc lại thành một cục trong cổ họng, khạc mãi không ra, tỳ-khưu Khemaka vùng ngồi dậy. Mặc dầu sức khỏe còn yếu, ông cũng gắng gượng chống gậy cùng với tỳ-khưu Dasaka đến Kosambī. Và thật kỳ diệu, do đường xa lao nhọc, ông toát mồ hôi lớp này đến lớp khác và người cảm thấy rất nhẹ nhàng, rồi lành bệnh.

Và cuộc đối thoại giữa tỳ-khưu Khemaka với nhóm 60 tỳ-khưu ở Kosambī đã xảy ra:

- Tại sao quý vị làm phiền tôi quá vậy?

- Nghe đồn về đời sống giới hạnh nghiêm túc và khả năng giáo pháp của ngài, nên chúng tôi chỉ muốn học hỏi thôi!

- Thế tại sao quý vị không chịu khó khởi cái tâm một chút, chịu khó nhấc cái chân một chút - mà lại làm phiền đến tỳ-khưu Dasaka chất phác và hiền lành này?

- Chúng tôi thấy người bạn trẻ này rất nhiệt tình và không hề than van lấy nửa lời.

- Hóa ra, do vậy mà các vị đã lợi dụng lòng tốt của người ta?

- Chúng tôi xin sám hối!

- Không phải là với tôi!

Tỳ-khưu Dasaka vội xua xua tay, mỉm cười nói:

- Tôi có đôi chân tốt, giúp nhau một tí thôi! Không cần thiết phải nghiêm trọng sám hối như vậy đâu!

Sau đó, đoạn đối thoại được tiếp tục.

Tỳ-khưu Khemaka nghiêm sắc mặt:

- Rồi còn những câu hỏi nữa. Tại sao chư vị cứ chơi cái trò rỗng không và vô ích như thế?

Nhóm tỳ-khưu kia cúi đầu như nhận lỗi. Tỳ-khưu Khemaka nghĩ là cần phải nghiêm khắc, đưa họ từ đường biên, trở về với nẻo chánh, bèn thuyết giáo rằng:

- Chỉ những câu nói giúp nhau tiến triển định, tuệ và tuệ giải thoát mới được gọi là lời nên nói, mới là chánh ngữ - đấy là lời nghiêm huấn của đức Tôn Sư. Ngoài ra, không chỉ nói và nghe suông mà còn cần phải thực hành, thường trực niệm và quán - ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày. Tự tánh của ngũ uẩn là sanh diệt, là rỗng không - điều đó ai cũng biết, nhưng chỉ biết bằng tưởng tri hoặc thức tri thì có ích lợi gì, có hay hướm gì mà đặt câu hỏi? Cái biết ấy chỉ là ngoài da. Chúng phải được nhìn thấy và chứng nghiệm bởi tuệ giác do công phu hành trì miên mật, quý vị phải hiểu như thế chứ !

Thấy nhóm tỳ-khưu kia có vẻ chăm chú lắng nghe, có vẻ phục thiện - nên ngài tiếp:

- Còn Khemaka có nghĩa là gì trong tự tánh ư? Chẳng có gì ráo! Nó chỉ là cái tên suông thôi! Tuy nhiên, ngay chính tôi cũng chưa hề thấy được như thực cái tên suông ấy, cái danh ấy - bao giờ cũng sinh khởi cái tôi mà biết, sinh khởi cái của tôi mà hành! Chưa bao giờ tôi trả được tự tánh vô thường, vô ngã lại cho vô thường và vô ngã cả! Tôi chưa làm được điều đó. Một vị thánh A-na-hàm dầu đã đoạn tận năm món kết buộc và sai sử mà vẫn còn bị ràng buộc bởi cái tôi ấy, cụ thể là vẫn còn ngã mạn, phóng tâm và vô minh. Chư vị hãy biết rõ như vậy, thấy rõ như vậy!

Lời của tỳ-khưu Khemaka vừa chấm dứt, chợt ông lặng người, một sự kỳ diệu xảy ra trong tâm ông, ông đắc quả A-la-hán ngay tại chỗ. Và còn kỳ diệu hơn thế nữa, 60 vị tỳ-khưu kia cũng đắc quả A-la-hán luôn.

Thế rồi, khi câu chuyện này được lan truyền ra, mọi người tín mộ, cả tăng và tục ùn ùn kéo đến; từ đó, Badarika mới bắt đầu được xây dựng cốc liêu ngày càng nhiều và mọi công trình chính và phụ trông cũng tươm tất. Hiện giờ được gọi là công viên Badarikārāma.

Đức Phật kể ngang đó, biết mọi người còn thắc mắc về thân phận nô lệ của tỳ-khưu Dasaka, ngài nói tiếp, và sau đó, ai cũng hiểu như sau:

- Bây giờ tỳ-khưu Dasaka đã đắc quả A-la-hán rồi. Trước đây, ông tinh tấn phục vụ thì tốt nhưng hễ cứ ngồi thiền thì hôn trầm, thụy miên lại kéo đến. Đức Phật và tôn giả Mahā Moggallāna đã khiển trách và cũng đã nhiều lần sách tấn, khuyến khích, tìm biện pháp thích nghi dìu dắt ông ta từng bước một. Do nhân duyên quá khứ, cách đây 91 kiếp (kappa), tiền thân Dasaka gặp được đức Phật Độc Giác Ajita và có cúng dường đến vị này một quả xoài. Đến thời đức Phật Kassapa, ông ta đã là một vị tỳ-khưu. Đây là nhân và duyên giúp tỳ-khưu Dasaka đắc A-la-hán quả. Tuy nhiên, trong một kiếp quá khứ khác, ông ta sai bảo một vị A-la-hán làm một số việc lặt vặt cho mình - nên đã nhiều đời kiếp phải mang thân nô lệ.

Nhân như vậy đó, duyên như vậy đó và quả cũng như vậy đó. Hóa ra từ những câu hỏi vớ vẩn - mà cuối cùng, từ cái vớ vẩn mà thành tựu đạo quả! Thật kỳ diệu và thú vị vậy thay!

 

3.38- RĀHULA ngủ trong nhà vệ sinh.

Hội chúng du hành hôm ấy, như những đám mây trời, lại ra đi, lại lên đường. Tôn giả Sāriputta, bao giờ cũng vậy, là kẻ đi sau cùng để tìm cách giúp đỡ các vị sư già yếu hoặc thình lình ốm bệnh. Tôn giả quả như là một người mẹ hiền với đàn con dại cần được chăm sóc. Sẽ có khá nhiều vị sư, vì lý do nào đó rơi rớt lại dọc đường, nên ngài thường cùng các vị tỳ-khưu trẻ trung, các vị sa-di biết việc, tháo vát sẽ cáng đáng tất cả các trường hợp bất ngờ phát sanh.

Bởi vậy, lúc ấy đã khá khuya mới đến công viên Badarikārāma - tôn giả cùng hội chúng của ngài không tìm ra nơi nào để qua đêm. Cốc liêu đặc biệt riêng thường dành cho tôn giả đã bị người khác chiếm chỗ. Đi quanh một vòng, không còn một hành lang, một gốc cây, một lùm cây nào là còn khoảng trống. Thế rồi, tôn giả phải ra ngoài trời, cột một tấm y tạm che sương, trải tọa cụ lên đất rồi ngồi kiết già suốt đêm.

Các vị sa-di theo thói quen, ghé vào các liêu thất, ngủ dưới sàn nhà của bất cứ vị tỳ-khưu nào, nhưng đều bị đuổi ra ngoài. Không ai giải thích lý do. Riêng có một vị tỳ-khưu già, thấy Rāhula, con trai của đức Phật cùng chịu chung cảnh ngộ - nên đã cặn kẽ trình bày nguyên do, nói rằng:

- Này Rāhula quý mến! Trước đây sa-di ngủ chung với tỳ-khưu thì được, nhưng hôm đó, tại điện Aggāḷava, thành phố Āḷavī - đức Phật đã chế định điều luật: Tỳ-khưu không được ngủ chung phòng với người chưa thọ giới. Có lẽ Rāhula chưa nghe biết đó thôi.

- Thưa vâng!

- Chỉ mới mấy tháng trước, tại Āḷavī, nhiều tỳ-khưu-ni và nhiều nữ cận sự thường đến tịnh xá để nghe đức Thế Tôn thuyết pháp - buổi giảng pháp thường tổ chức vào ban ngày. Sau một thời gian, những thời pháp lại chuyển sang ban đêm chỉ để dành cho tỳ-khưu và cận sự nam. Sau thời pháp, chư vị trưởng lão thì có cốc liêu nên họ rút về phòng, còn chư tỳ-khưu trẻ và cận sự nam thì nằm ngủ chung chạ tại giảng đường. Khi họ ngủ, những hình ảnh thiếu mỹ cảm hiện ra. Có vị tỳ-khưu nằm ngáy khò khò vang dội. Có vị tỳ-khưu nằm há hốc như miệng cá ươn - nước dãi chảy tràn ra. Có vị tỳ-khưu nghiến răng như cóc . Có vị nằm gác chân ngang dọc, ngược xuôi lên vị khác, y áo lõa lồ, hở hang cả hạ thể trông rất khó coi. Trong hội chúng ấy có một thánh nam cư sĩ, chứng kiến hình ảnh không đẹp mắt ấy, sợ một số cư sĩ sẽ mất đức tin với chúng tỳ-khưu - nên sáng hôm sau, thưa bạch mọi điều tai nghe mắt thấy lên đức Thế Tôn. Vậy là buổi giảng pháp hôm sau, đức Phật chế định học giới ấy.

Nghe rõ nhân và quả, sa-di Rāhula tri ân vị tỳ-khưu già rồi lặng lẽ đi tìm kiếm chỗ nghỉ cho mình. Qua sân, ra vườn, Rāhula đứng lặng một hồi chiêm ngưỡng hình ảnh đẹp đẽ, vô ngại của thầy mình - tôn giả Sāriputta - rồi bước vào bên sau. Đến hương phòng của đức Phật, thấy bên cạnh có phòng vệ sinh, còn chập chờn ánh đèn dầu lạc và tỏa ra mùi hương (1)- Rāhula khẽ hé cửa bước vào - và chú có cảm giác ở đây như là cung điện của phạm thiên!

Sáng ngày, đức Phật đứng trước phòng vệ sinh và đằng hắng (2), bên trong vẳng lại tiếng đằng hắng đáp lời. Đức Phật hỏi:

- Ai đấy?

- Đệ tử Rāhula đây!

Cửa mở, Rāhula thu xếp lại y bát trên nền đất rồi đảnh lễ đức Phật.

- Sao con lại nằm ở chỗ bất tịnh này?

Rāhula kể lại mọi sự. Chú cũng không quên kể lại trường hợp tôn giả Sāriputta cũng không có chỗ nghỉ, phải qua đêm trên nền đất lạnh ngoài vườn.

Xúc động chánh pháp, đức Phật suy nghĩ: “Quả thật, ta có chế định điều đó tại Āḷavī nhưng chỉ là với nam cư sĩ - và ta cũng chưa cho tuyên bố rộng rãi lý do là vì khắp nơi cốc liêu còn chật chội. Mà cho dù với sa-di chăng nữa thì cũng chỉ là chế định mà thôi. Gọi là chế định thì bao giờ cũng tùy lúc, tùy khi, tùy trường hợp phát sanh! Cái kiểu mà chúng áp dụng cứng nhắc như vậy là giết chết sinh mạng học giới (chưa thành luật) của Như Lai - luôn cần phải uyển chuyển và thích nghi theo từng hoàn cảnh. Chuyện ấy đã tệ mà chuyện với Sāriputta còn tệ hơn! Chúng còn coi thường luôn bậc thầy của họ, dám ngang nhiên chiếm luôn tịnh thất riêng của Sāriputta - thì còn chi tôn ti hạ lạp, tôn kính, kính trọng các bậc trưởng thượng?”

Thế rồi, đức Phật cứ để cho không khí sinh hoạt diễn ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra - chỉ bảo thị giả Upavāna và các vị trưởng lão thông báo toàn thể chư tăng ni trong thị trấn Badarika tụ họp đông đủ tại tịnh xá để nghe ngài thuyết giảng.

Vào buổi chiều, khi hội chúng đã tụ tập đầy đủ, tràn ra cả khu vườn, mở đầu cuộc giáo giới, đức Phật hỏi:

- Này Sāriputta! Đêm hôm qua, Rāhula, đệ tử của ông, ngủ nghỉ ở đâu?

- Thưa, đệ tử không rõ, vì lúc đến đây đã khá khuya!

- Nó ngủ nghỉ trong nhà vệ sinh đấy!

Cả hội trường như thảng thốt, bàng hoàng. 

Đức Phật yên lặng một lát, đưa đôi mắt nghiêm khắc lướt quanh một vòng rồi chậm rãi nói:

- Sāriputta không biết, đúng vậy! Vì chính ông ta - một người lớn tuổi, một vị thượng thủ, một bậc thầy của giáo hội cũng phải ngồi suốt đêm ngoài sương lạnh! Lý do là tịnh thất của ông ta đã bị tỳ-khưu khác chiếm mất chỗ! Thế đấy! Chẳng lẽ nào giáo pháp của Như Lai, cái giáo hội độc thân này lại tệ hại, tệ mạt như thế? Tệ hại, tệ mạt vì trẻ thì bị vứt bỏ chẳng ai ngó ngàng đến - mà tuổi lớn, hạ lạp cao, bậc trưởng thượng lại không được cung kính và tôn trọng hay!?

Lời khiển trách của đức Phật làm cho cả hội trường như bị hóa đá.

Đức Phật bắt đầu xuống giọng:

- Với Rāhula mà chư tỳ-khưu còn đành đoạn quay lưng, vất bỏ như thế thì nói chi đến tình tương thân, tương ái, tương nhượng? Rồi còn rất nhiều những sa-di mới học tu khác nữa - không biết số phận còn tồi tệ đến dường nào? Rồi sau này, biết được chuyện này, có cha có mẹ nào mà còn dám cho con em họ vào học tu trong giáo pháp không có một chút quan hoài, thiếu thốn tình người như thế?

Chuyện tại Āḷavī, bây giờ Như Lai chế định lại cho rõ ràng, kẻo nhiều vị hiểu lầm, như sau:

- Tỳ-khưu không được ngủ chung phòng với nam cư sĩ, riêng sa-di, nơi nào thiếu phòng ốc, liêu xá thì cho ngủ chung được ba đêm - quá ba đêm thì phạm tội Pācittiya (ba-dật-đề). Khi phạm tội này thì phải thú nhận và sám hối trước tăng. Tỳ-khưu-ni cũng tương tợ vậy. Và các vị trưởng lão phải công bố điều này một cách rộng rãi và đều khắp trong các hội chúng tu học.

 

3.39- Voi, lừa và đa đa.

 Sau khi chế định lại điều học - vì các vị tỳ-khưu chỉ thêm một chữ “chưa thọ giới”“chưa thọ đại giới” mà sinh ra cớ sự - đức Phật lại quay sang kể chuyện xưa để giáo giới chuyện xảy ra với tôn giả Sāriputta.

- Này hội chúng! Thuở xưa, rất là lâu xưa, trong khu rừng già nọ có một con voi, một con lừa và một con chim đa đa chung sống, làm bạn với nhau rất là thuận hòa và êm ấm. Chúng thường vui chơi với nhau, nô giỡn với nhau, tụ họp, chuyện vãn với nhau dưới tàn đại cổ thụ cành lá sum suê đã hàng ngàn năm tuổi.

Hôm nọ, voi chợt nói:

- Này các bạn! Chúng ta sống với nhau dường như đã quá lâu, không ai còn nhớ thời gian, và cũng không ai biết là ai sinh trước, ai sinh sau, ai lớn, ai nhỏ! Kỳ không? Phàm lớn là anh mà nhỏ là em! Ít ra, chúng ta phải làm thế nào để biết rõ ai lớn ai nhỏ để xưng hô cho phải lẽ chứ? Nhỏ thì phải biết vâng lời, tôn kính, tôn trọng lớn; lớn thì phải biết nhường nhịn, chở che, đùm bọc nhỏ! Các bạn nghĩ có đúng thế không?

Chim đa đa gật đầu, nhưng lừa thì chợt cười:

- Trên nguyên tắc thì đồng ý! Nhưng bạn voi ơi! Chữ gọi là nhỏ và lớn của bạn đưa ra có vấn đề đấy! Nói rõ là nó có vẻ ỡm ờ, lấp lửng, không rõ nghĩa! Tại sao ư? Bạn to con, lớn xác - chẳng lẽ bạn làm anh ư? Vậy phải xác định rõ, lớn ở đây là lớn về tuổi tác - chứ không phải là to con, lớn xác - đồng ý thế không?

Voi vỗ chân đồm độp:

- Bạn đã bóp méo vấn đề. Câu tôi nói là thời gian sinh trước, sinh sau mà!

- Vậy thì được!

Lừa nói xong, bèn quay sang hỏi tuổi tác của ông voi.

Voi bần thần ngẫm ngợi một lúc - rồi chợt đưa mắt ngước nhìn cây đại cổ thụ cao gấp cả hàng chục lần nó, đáp rằng:

- Tôi không biết là tôi sinh ra từ lúc nào, ở đâu - nhưng còn nhớ rất rõ, khi tôi lớn lên, cái vòi của tôi có thể sờ cái đọt cây này một cách dễ dàng!

Lừa cười, bày cả hàm răng trắng hếu:

- Vậy là bạn còn nhỏ tuổi. Thuở lớn lên, tôi cao ngang bằng cây đại thụ này và tôi ăn những đọt lá của nó dễ như chơi, không cần phải nhón chân, độn móng!

Nghe voi và lừa kể, chim đa đa chợt hót lên một tràng không giống ai, kèm thêm giọng cười hin hít, chin chít rất khó nghe.

Cả hai bèn hỏi chim:

- Bạn làm cái quái gì vậy?

- Tôi cười! Chim đáp - tôi vui quá nên tôi cười kiểu chim đa đa như vậy đó! Các bạn hiểu tại sao không? Tôi không còn nhớ thời gian hay tuổi tác - nhưng tôi biết rõ như thế này. Thuở ấy, khi qua chơi trên Himalaya, tôi ăn được một chùm trái ngon ngọt như mật ong, khi bay ngang đây, tôi ỉa xuống một bãi phân. Rồi từ trong đó, một cái hạt nứt ra, mọc lên thành cây đại cổ thụ bây giờ!

Voi vốn đôn hậu, thật thà, xác nhận:

- Hóa ra tôi to con lớn xác mà lại là sinh sau đẻ muộn. Vậy so tuổi tác với các bạn, tôi nhận mình là em út đó nghe! Bạn lừa là anh thứ của tôi, còn chú đa đa bé tí xíu kia lại là anh cả, anh trưởng. Vậy từ rày về sau, chúng ta cứ theo thứ tự tuổi tác để xưng hô cho phải lẽ”.

Đức Phật cất giọng kết luận như tiếng chuông ngân tỉnh thức:

- Voi, lừa, đa đa là giống bàng sanh (3), thế mà chúng còn biết phân biệt tuổi tác lớn nhỏ, biết tôn ti trật tự, biết cách xưng hô để tôn kính kẻ lớn tuổi hơn mình. Còn trong giáo hội này, chuyện gì đã xảy ra?

Như Lai thường coi Sāriputta như ngang hàng với Như Lai, là bậc trưởng thượng, thượng tôn tăng đoàn. Là vị đệ nhất đại đệ tử, là thượng thủ của giáo hội - thế mà các ông tỳ-khưu trẻ lại không biết tôn kính Sāriputta, con trai trưởng của Như Lai!

Này đại chúng tăng ni! Sāriputta niên cao, lạp (4) lớn, hằng quan tâm đến đại chúng, đến sự phát triển của giáo hội, đến sự hoằng dương giáo pháp nên ít có cơ hội nghĩ đến bản thân mình, nếu không muốn nói là ông ta đã dứt bỏ cái bản ngã, ít ăn, ít ngủ, chỉ sống cho mọi người, lo cho mọi người. Thế mà ở đây đã có một số vị không thấy, không biết cái ân đức ấy của Sāriputta. Từ tu viện này sang tu viện khác, từ vườn rừng này sang vườn rừng khác - ở đâu cũng có tấm lòng và bàn tay chăm sóc, vun quén của Sāriputta! Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ trong ra ngoài - việc gì ông ta cũng chu tất, toàn mãn không chê vào đâu được. Sāriputta lo cho người bệnh, người già yếu, hướng dẫn giáo pháp không mệt mỏi; không bỏ quên cả một sa-di nhỏ tuổi, quan tâm đến cả từng bữa ăn, một cái chăn đắp, một cái mụt nhọt chưa lành của ai đó. Thế gian này không có một ông Sāriputta thứ hai với những phẩm chất tuyệt hảo như thế, muôn triệu năm mới có một người. May ra chỉ có thêm Moggallāna là tương tợ. Thế mà, đêm qua, Sāriputta của chúng ta không có được một chỗ nghỉ, dầu là một mái che nhỏ, dầu là một góc hành lang! Tịnh thất đặc biệt dành riêng cho ông ấy đã bị mấy ông tỳ-khưu trẻ nào đó chiếm chỗ. Thế là với một lá y tạm che, Sāriputta qua đêm giữa sương lạnh!

Đại chúng nghĩ thế nào về điều tệ hại ấy? Các vị sống trong giáo pháp phát triển đời sống tinh thần bậc cao - mà tại sao lại còn thua con voi, con lừa, con đa đa trong câu chuyện kể trên?

Đức Phật im lặng. Giảng đường yên lặng. Cả con muỗi bay cũng nghe được âm thanh. Có một số các vị tỳ-khưu xấu hổ cúi gằm mặt xuống. Có một số vị thì học được bài học nghìn vàng.

Đến ngang đây thì tôn giả Sāriputta đâu từ bên ngoài bước vào, đảnh lễ đức Phật rồi thưa rằng:

- Sự giáo giới của đức Thế Tôn quả thật là lợi lạc cho đại chúng, là hữu ích cho kỷ cương, phép tắc của giáo hội. Đã làm cho trang nghiêm giáo hội. Nhưng ở đây chỉ có một số tỳ-khưu còn nhỏ tuổi, trẻ người, non dạ chưa được thuần thục trong giáo pháp mà thôi. Sau khi đức Thế Tôn đã giảng thời pháp này rồi thì có lẽ không còn ai dám để mình phải thua con voi, con lừa, con chim đa đa kia nữa. Riêng đệ tử, một đêm ngoài trời thì cũng chưa đến nỗi nào. Tôn giả Mahā Kassapa, đệ tử của tôn giả và hằng trăm vị tỳ-khưu sống đời đầu-đà khổ hạnh - họ luôn ngủ nghi dưới những chỗ không có mái che mà tinh thần vẫn khang kiện, sức khỏe vẫn tốt.

Đệ tử xin thay mặt số chư sư dại dột ấy - sám hối dưới chân đức Thế Tôn - vì một phần lỗi cũng do đệ tử, Moggallāna hoặc chư trưởng lão khác chưa dạy dỗ họ đến nơi đến chốn! 

Đức Phật im lặng thọ nhận cái lạy và lời sám hối ấy xong, ngài nói:

- Chư vị thấy chưa? Lỗi của mấy ông tỳ-khưu ngu si mà Sāriputta phải sám hối đấy!

Rồi ngài nhìn tôn giả với tia mắt vô cùng thương yêu và trân trọng, nói rằng:

- Thôi, ông hãy đứng dậy đi! Như Lai sẽ xá tội cho tất cả!

Sau đó, đức Phật dạy:

- Từ rày về sau, tất cả sa-di đều phải xem tỳ-khưu là thầy, là cha của mình. Tỳ-khưu cách nhau ba hạ lạp cũng phải được quy định bởi sự tôn kính như thế. Riêng các vị đại trưởng lão - tăng chúng phải xem gần như ngang hàng với Sāriputta, Moggallāna, Mahā Kassapa... Và nếu như ngang hàng với các vị ấy cũng có nghĩa là ngang hàng với Như Lai. Tất cả mọi trú xứ, chỗ ngủ nghỉ, trong nhà ăn, tại nhà hội, giảng đường, trên đường đi đều phải theo tôn ti hạ lạp. Như Lai không muốn có trường hợp xảy ra như hôm qua nữa. Sāriputta đã sám hối cho các ông - vậy nếu không khôn ngoan hơn, lửa địa ngục sẽ thiêu cháy các ông rất nhiều đời kiếp đấy - chẳng ai có thể cứu nổi đâu nếu mình không biết tự cứu!

 

3.40- Tấm gương học tập của RĀHULA

Suốt mấy ngày sau đó, đại chúng khắp thị trấn cứ mãi bàn tán về chuyện tôn giả Sāriputta!

Ồ! Tôn giả đã được đức Thế Tôn tán thán như vậy, ca ngợi như vậy... lại còn xem ngang hàng với ngài. Và quả thật, tư cách, phẩm chất cao quý của ngài được tán dương là chuyện đương nhiên.

Riêng Rāhula, ai cũng đưa mắt cảm kích yêu mến người con trai của đức Phật. Thường thì với tâm lý dung phàm, ai cũng ỷ lại mình là con của đức Phật oai danh lừng lẫy, thầy của ba cõi - thế mà Rāhula lặng lẽ ôm y bát vào ngủ trong nhà vệ sinh, không ta thán lấy một lời. Quả là một nhân cách hiếm có!

Một số vị tỳ-khưu từng sống, từng biết Rāhula tại Kỳ Viên, còn kể thêm rằng:

- Chư vị chưa biết đó, Rāhula còn có những phẩm hạnh khác nữa đấy.

Rồi họ kể:

- Những năm mới vào học tu, từ bảy tuổi đến mười tuổi, cứ mỗi sáng sớm, Rāhula ngày nào cũng ra vườn, tung một nắm cát lên trời rồi nguyện rằng, ngày hôm nay sẽ học nhiều như đám cát kia. Và quả thật, Rāhula cứ lặng lẽ, miệt mài theo đuổi sự học, khi là với thầy của mình là tôn giả Sāriputta, sau đó là với tôn giả Moggallāna hoặc các vị trưởng lão có đầy đủ tuệ phân tích hoặc tinh thông pháp học. Thấy Rāhula ít nói mà khinh thường nghe, pháp và luật cậu ta nằm lòng đấy. Lại còn xin tôn giả Sāriputta học thêm Abhidhamma nữa! Giỏi một cái là Rāhula học nhiều mà không sinh ngã mạn đâu đấy, đối với tỳ-khưu, cậu chưa hề lên mặt hoặc xem thường bất cứ một ai!

- Đúng vậy! Vị khác tiếp lời - Thỉnh thoảng, các vị trưởng lão tìm cách thử thách, xem thử tâm địa của Rāhula ra sao - họ quăng rác lung tung chỗ này, chỗ kia, nơi nào Rāhula bước qua. Rồi giả vờ quát lớn:

- Này chú bé, ai quăng rác bừa bãi ở đây?

- Thưa tôn giả, đệ tử không biết!

- Ai nữa! Chỉ có ông ở đây thôi mà!

- Vậy thì thưa tôn giả thứ lỗi cho - đệ tử sẽ tức khắc dọn rác ngay!

Nói xong, Rāhula kiếm cách quét dọn đâu đó sạch sẽ đàng hoàng rồi mới bước đi!

Mọi người ai nghe cũng cảm kích, mến yêu.

- Chưa thôi! Một vị trưởng lão thấy nhiều tỳ-khưu đàng hoàng muốn nghe chuyện nên tiếp lời - Tôi ở Kỳ Viên lâu năm, tôi biết. Bình thường thì ở đấy nhân số chừng năm bảy trăm vị - nhưng khi nghe có mặt đức Thế Tôn, chư tăng mười phương lũ lượt tìm về, có khi lên đến con số bốn, năm ngàn người. Những lúc như thế thì thật vất vả cho chư vị trưởng lão, nhất là hai vị đại đệ tử. Việc ăn, việc ở, việc tới lui phức tạp, nhà tắm, nhà cầu, phòng ăn... thật là hằng trăm thứ việc phải lo toan, cáng đáng. Chuyện thường xuyên bức xúc nhất là trật tự, kỷ cương, ngăn nắp, vệ sinh trong sinh hoạt tịnh xá. Tăng chúng quá đông, thế là chim linh, phượng hoàng ở lẫn với gà cồ, gà mái; ngọc vàng lẫn với bụi cát. Cả hằng trăm tỳ-khưu và sa-di còn quá nhiều phàm tính, tục tính, chưa được thuần thục trong giáo pháp - chính họ là thủ phạm làm xáo trộn nếp sống yên ả, thanh bình ở đây. Có nhiều nhóm, đôi khi chỉ vì một gốc cây, một chỗ nghỉ mà sinh ra tranh giành, ẩu đả, chửi mắng nhau. Nhiều vị do ích kỷ, biếng nhác, ăn và chơi, không chịu sờ mó công việc, không chịu tu tập mà chỉ mong chiếm tiện nghi, thủ lợi riêng cho mình, ai ra sao, mặc kệ. Chư thánh trưởng lão sống đời khiêm tốn, vô tranh, từ hòa, vắng lặng - luôn là kẻ thua cuộc, lặng lẽ ôm y bát nhường chỗ, nhường phần cho họ.

Thấy câu chuyện diễn ra giữa khu vườn, ngày càng lôi cuốn nhiều vị sư ghé đến lắng nghe. Vị trưởng lão hào hứng tiếp tục:

- Chư đệ biết không? Người mà để tâm chăm lo tất tần tật công việc ở Kỳ Viên chính là Rāhula - con trai của đức Thế Tôn đấy!

- Ồ!

- Chư đệ hãy lắng nghe đoạn đối thoại giữa tôn giả Sāriputta và Rāhula mà tôi còn nhớ nội dung rất rõ...

- Vâng!

- Hôm đó - vị ấy kể - bên ngoài rừng cây, tôn giả Sāriputta ngồi quây quần với một nhóm sa-di. Câu chuyện như sau:

- Ta mới đi có mấy hôm, nhưng sao trở về thấy đâu cũng sạch sẽ ngăn nắp, tươm tất như thế? Không biết Rāhula đã cắt đặt công việc như thế nào mà hay vậy?

- Không phải mình đệ tử đâu - là khối óc và bàn tay chung của rất nhiều vị đấy ạ!

- Cứ kể lại tình hình cho ta nghe!

- Thưa vâng! Rāhula mau mắn đáp - Nơi bệnh xá lúc này hiện có một số tỳ-khưu ở Takkasilā, Vaṃsā, Aṇgā, Kosambī, Kuru... về; có nhiều vị do đường xa nên ngã bệnh. Họ bị sốt rét, tả lỵ hoặc thương hàn... Hôm kia, tôn giả Mahā Moggallāna ghé thăm, ngài đã ủy lạo và sách tấn tinh thần. Tôn giả còn kể lại một câu chuyện cũ để nhắc nhở chư tỳ-khưu và chúng sa-di. Rằng là đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra ở đây, chuyện ấy không thể lặp lại. Có một thầy tỳ-khưu bị bệnh mụt nhọt, lở loét, hôi hám, dơ dáy... đã bị chúng quăng bỏ vào bìa rừng. Sáng ngày, chính đức Đạo Sư đã sai mang vào phòng giữ lửa; chính ngài đã đích thân nấu nước sôi, tẩm khăn ấm lau sạch thân thể cho người bệnh. Sai người giặt y ngoại phơi khô, lấy y ngoại đắp rồi giặt sạch y nội... Do bệnh quá trầm trọng nên sau đó vị tỳ-khưu kia qua đời. Nhưng mà trước khi còn hơi thở, đức Phật quán căn cơ, thuyết một thời pháp, vị ấy đắc quả A-la-hán và Niết-bàn ngay tại chỗ. Kể xong chuyện ấy, khi đi, tôn giả để lại năm vị tỳ-khưu trẻ ở lại, nhiệt tình chăm sóc cho người bệnh. Chuyện cơm nước, thuốc men, mật, đường, sữa... trưởng giả Cấp Cô Độc vẫn thường cho người cung cấp rất chu đáo. Còn việc quét dọn bệnh xá, nấu nước sôi giặt rửa y áo, chăn màn, đổ ống bô cùng nhiều việc linh tinh khác ở đây - thường thì chúng sa-di đảm nhiệm, thưa tôn giả!

- Ừ, hay lắm! Ta rất cảm động. Ta xin cảm ơn tất cả các con!

- Dạ... nhưng...

- Con cứ nói!

- Thưa! Vẫn có tình trạng một số tỳ-khưu khai dối bệnh để được dùng vật thực đặc biệt; họ còn thu giấu đường, sữa, mật ong, tích trữ thuốc! Thật là phức tạp...

- Ừ, chuyện muôn đời mà!

- Nơi tăng xá - Rāhula kể tiếp - Nơi chỗ chư tăng ở và đi thì thật là lộn xộn. Biết bao cái sờ sờ trước mắt như giường hư, gối bẩn, mùng mền rách và dơ. Chúng con ba bốn người làm không xuể. Tôn giả Mahā Kassapa đi ngang qua, thấy thương tình nên cắt đặt thêm cho bốn vị tỳ-khưu trẻ đến phụ giúp.

- Tốt quá!

- Còn đại giảng đường mênh mông thì công việc cũng mênh mông. Ngay chỗ thuyết pháp của đức Tôn Sư bao giờ cũng có cả rừng hoa tươi, hoa héo lẫn lộn nhau, lại có một số hoa đã mủn ra. Nơi chỗ bệ đặt chiên đàn và hương liệu, lúc nào cũng vấy bẩn tàn tro, cái cháy, cái cháy dở rơi rớt xung quanh. Hàng ngàn tấm ngồi, hàng trăm tấm lót đủ loại, đủ cỡ bừa bộn, lỉnh kỉnh tấp một đống chỗ này, tấp một đống chỗ kia, xâm chiếm cả các hành lang. Ngay việc sắp xếp, quét dọn vào mỗi buổi sớm, mười người lo cũng không xuể. Tội nghiệp cho tôn giả Ānanda đầu tắt mặt tối ở đấy cùng với bảy tám đệ tử của ngài. Cách đây mấy hôm, chúng con có thêm mười sa-di tình nguyện đến phụ giúp công việc hằng ngày tại đại giảng đường để đỡ đần công việc cho tôn giả được nghỉ ngơi chút ít.

- Ồ, tốt quá, rất tốt!

- Ngoài hương phòng của đức Tôn Sư, ngoài một số thị giả không thường xuyên thay đổi nhau - chúng con bao giờ cũng có sẵn một hoặc hai sa-di lanh lẹ, ý tứ quét dọn cho sạch sẽ cỏ rác, đường kinh hành lan đến khoảng vườn xung quanh...

- Đúng thế!

- Nơi phòng tắm công cộng, nhà tiêu công cộng, phòng giữ lửa... bao giờ mỗi nơi cũng túc trực sẵn hai sa-di.

- Chu đáo lắm!

- Nơi phòng tiếp tân cũng rất bề bộn công việc. Cứ phái đoàn này đi thì phái đoàn khác đến. Tôn giả Ānanda thường trực cho một số tỳ-khưu mặt mày sáng sủa, ăn nói văn vẻ, khiêm cung, lịch thiệp để tiếp khách. Dầu là vua chúa, các quan đại thần, tướng quân, đại triệu phú, tiểu triệu phú, giáo chủ các tôn giáo, du sĩ, đạo sĩ hành cước... bất cứ ai muốn diện kiến đức Thế Tôn đều không thể tùy tiện, phải ngồi đợi ở đấy trước đã. Tại đây, sa-di chúng con luôn túc trực bốn vị để làm vệ sinh, dẫn khách hoặc chờ được sai vặt...

- Đúng vậy rồi!

- Còn nữa - nơi chỗ ngoài và trong khuôn viên đại tịnh xá, bao giờ cũng lảng vảng mấy trăm kẻ tàn thực - họ làm vấy bẩn, dơ uế đủ mọi thứ. Trước đây, có một số tỳ-khưu trẻ tình nguyện chăm sóc ở đây nhưng rồi họ lần lượt bỏ đi hết vì không chịu nổi tâm địa hạ liệt của chúng. Bọn tàn thực ấy đi lung tung, nói năng lung tung, xả rác lung tung, khạc nhổ, phóng uế lung tung, chửi bậy và đánh nhau cũng lung tung; ăn uống thì giành giựt, cấu xé nhau. Thật không ai chịu nổi. Bây giờ thì chúng đệ tử đã quy định họ một nơi, có giới hạn. Khi nào vật thực thừa do sự cúng dường dư dả của thí chủ, vật thực dùng không hết của chư tăng - thì vị nào cũng mang đến san sẻ cho họ...

Tôn giả Sāriputta chợt nhíu mày:

- Trưởng giả Cấp Cô Độc đã mấy lần quy họ về trại tế bần rồi mà?

- Thưa, họ không chịu ở đó, cứ trốn ra ngoài, trốn ra ngoài tự do hơn.

- Thật đáng xót thương!

- Xót thương thì cũng đáng xót thương - nhưng rõ ràng tâm sao thì cảnh vậy. Địa ngục và ngạ quỷ có sẵn trong tâm họ, cả a-tu-la nữa - nên chúng đi đâu thì mang theo cảnh giới ấy. Ăn no rồi sinh chứng trộm cắp, mắng chửi, gấu ó, đánh đập nhau. Chúng kéo ra bờ sông, bìa rừng để đú đởn, rửng mỡ, cười cợt, khóc lóc, nhảy nhót... luôn luôn than khổ, luôn luôn than đói... Rõ là chúng không bao giờ biết đủ và không bao giờ có một khoảnh khắc yên lặng!

- Chúng mà sống đời biết đủ, biết dừng và có được một khoảnh khắc yên lặng - thì thế gian này làm gì có bốn con đường khổ hả con!

- Thưa vâng! Thật phải kham nhẫn, chịu thương chịu khó, mở rộng tấm lòng từ - may ra mới tiếp xúc, thương yêu và thông cảm với họ được. Ai đời, cho họ y phục, vật thực, thuốc men mà họ vẫn cứ chửi mắng tỳ-khưu, nói xấu tỳ-khưu, ganh ghét, đố kỵ tỳ-khưu... đôi khi rất lỗ mãng, rất cộc cằn, rất tục tĩu là khác nữa!

Tôn giả Sāriputta tán thán:

- Phải vậy! Biết được vậy là quý lắm! Là tốt lắm! Ta rất cảm ơn các con! Ta rất cảm ơn các con!

Chuyện kể xong, rừng cây yên lặng như tờ. Có vị đưa mắt nhìn ra xa. Có vị thấy mình còn cần phải học hỏi nhiều, trong tu tập cũng như trong công việc. Nếu ai cũng đến và đi “thong dong, tự tại” cả - thì ai là kẻ lo cho mình trú xứ, phòng ốc, giường gối, chỗ ăn, chỗ ở, nơi nghe pháp, nhà tắm, nhà vệ sinh?

Quả thật, vị trưởng lão vô danh kia đã mở mắt cho khá nhiều vị tỳ-khưu hôm đó. Và còn nữa, câu chuyện hôm nay sẽ còn được kể đi, kể lại nhiều nơi - như là những tấm gương sáng, soi chung cho đại chúng vậy!

 

3.41- Bài học của nai tơ 

Rời công viên Badarikārāma, hướng về Kosambī, đức Phật nghe chư tăng nhóm này nhóm kia cứ nhắc lại tấm gương học tập của Rāhula, lúc ngồi nghỉ dưới rừng cây, ngài nói:

- Này chư tỳ-khưu! “Cái tánh” của con người, của chúng sanh - thường do thói quen được huân tập của nhiều đời kiếp, rất nhiều đời kiếp. Ví dụ những tánh xấu như: Tánh tham ăn, tánh trộm vặt, tánh ưa chém giết, tánh tham tài, tánh tham sắc, tánh ưa được nổi tiếng, tánh ngu si, tánh làm biếng, tánh ưa gây gổ, tánh ưa tranh cãi, tánh hay giành giật, tánh hay gian lận, tánh thích ngồi mát ăn bát vàng, tánh hay nói xấu người, tánh ngồi lê đôi mách, tánh ưa thêu dệt, tánh thích châm chọc, tánh hung dữ, tánh nhiều ganh ghét, đố kỵ, tánh bợ đỡ, nịnh hót, tánh ham ngủ...

Và những tánh tốt như: Tánh ăn uống chừng mực, tánh không lấy cắp của người, tánh ngại chém giết, đao trượng, tánh biết đủ, tánh ngại nữ sắc, tánh không ham danh, không hiếu lợi, tánh khôn ngoan, thông minh, tánh siêng năng, tháo vát, tánh cần kiệm, biết lo xa, tánh rộng rãi, thương người, hay bố thí, thích giúp đỡ, san sẻ cho người khác, tánh thật thà, tánh khiêm tốn, biết nhường nhịn, tánh không ăn vặt, tánh im lặng, ít nói, tánh chỉ nói cái tốt của người, không nói xấu người, tánh ưa ẩn dật, không thích khoe khoang giữa đám đông, tánh hiền lành, tánh cương trực, tánh đôn hậu, tánh hy sinh, tánh dễ dạy, tánh tinh cần, tánh ham học, tánh ham hiểu biết...

Những cái tánh ấy, tốt và xấu - nó đã ăn sâu ngủ kỹ trong dòng tâm, dòng nghiệp của chúng sanh; nhất là những tánh xấu thì trong một đời, hai đời, ba đời... đôi khi không thay đổi được, không chuyển hóa được. Còn nếu là tánh tốt - thì mãi được tăng trưởng thêm, phát triển thêm cũng là lẽ thường.

Như trường hợp của Rāhula - ham học và ham hiểu biết không phải chỉ mới có bây giờ, trong kiếp hiện tại này, mà đã từ rất lâu xưa, trong quá khứ - Rāhula cũng đã từng ham học hỏi, ham hiểu biết như vậy...

Khi chư tỳ-khưu muốn nghe chuyện quá khứ, nhân và quả của cái tánh “ham học hỏi, ham hiểu biết” kia - đức Phật đã kể lại như sau:

- Thuở xa xưa ấy, có một con nai chúa, thống lĩnh và chăm sóc một đàn nai lớn mấy trăm con vây quanh, tại một khu rừng trên một bình nguyên lớn rộng.

Nai chúa có một bà chị là một con nai cái, rất tin tưởng trí tài và sự khôn ngoan của em mình; nên sau khi sinh được một chú nai tơ, nai mẹ dẫn con đến nai chúa, nói rằng:

- Này em! Em hãy chịu khó dạy cho cháu về trí tài và sự khôn ngoan của loài nai! Nếu nó học được chỉ một phần mười sáu ở nơi em thôi - thì nó sẽ đầy đủ bản lãnh đi đây, đi đó, tự bảo vệ được mình khỏi những tên thợ săn gian manh, quỷ quyệt!

- Được rồi! Chị hãy về đi và yên tâm đi, em sẽ lo cho cháu học hành một cách chu đáo.

Thế rồi, từng buổi chiều, từng buổi chiều, đúng thời, đúng khắc như vậy, ra tại bãi cỏ như vậy... được nai tơ tuân thủ một cách nghiêm túc, không bao giờ tỏ ra lơ là, chểnh mảng giờ giấc cũng như sự học hành.

Bài học đầu tiên: Cháu hãy nằm một bên hông, không vùng vẫy, chân duỗi ra một cách tự nhiên... giả vờ như chết rồi - dẫu xung quanh xảy ra chuyện gì cũng không được mở mắt, không được thay đổi oai nghi!

Nai tơ tuân lời làm theo. Bài học đạt điểm xuất sắc - vì nai chúa đã tìm cách cho một số nai khác khua động ầm ĩ ở xung quanh, nhưng nai tơ vẫn nằm yên lặng, không mở mắt, không có một dấu hiệu của sự sống.

Bài học thứ hai: Lấy móng chân cào đất ngay tại chỗ rồi tìm cách hất những bụi cỏ rơi vãi lung tung - làm sao trông giống như sự tuyệt vọng, sự vùng vẫy đuối sức trước khi chết!

Bài học này cũng đạt điểm tốt nhưng chưa xuất sắc do một vài đám cỏ cào xới trông không được tự nhiên, nai chúa phải chỉnh lại một đôi chỗ.

Bài học thứ ba: Tập đại tiện, tiểu tiện...

Nai tơ ngạc nhiên:

- Làm sao khi không lại có thể đi đại tiện, tiểu tiện được, thưa chú?

- Không biết! Phải tập! Tập sao mà khi cần thì phải đại tiện tiểu tiện được mới hay!

Thế là suốt một tuần lễ, nai tơ mới học được bài học khó khăn này.

Bài học thứ tư: Tập nín thở càng lâu càng tốt, nhưng phải biết giữ hơi bên trong, làm sao cho bụng trương phình lên.

Bài học này cũng khó nên ba hôm sau, nai tơ mới làm được.

Bài học thứ năm: Tập thở chỉ một lỗ mũi phải, rất nhẹ, sau đó tập thở với chỉ một lỗ mũi trái, rất nhẹ - trợn mắt và le lưỡi, sau đó làm sao căng toàn thân cứng đờ ra như một xác chết.

Bài học này rất khó nhưng sau một tuần lễ, nai tơ thực tập được.

Thế rồi, hôm bế mạc lớp học, nai chúa còn ân cần dạy bảo thêm:

- Đừng đi đến những nơi có loài người, có vườn tược, ruộng đồng của loài người - vì đấy không phải là nơi an toàn cho loài nai. Nên tránh xa chỗ loài người thường hay lui tới; luôn cẩn thận quan sát trước mặt, bên phải, bên trái; để ý cái gì có móc, có vòng, những thanh tre, thanh gỗ có vẻ bất thường, thiếu tự nhiên - vì đấy có thể là bẫy sập của thợ săn. Nhưng nếu lỡ bị sập bẫy, phải bình tĩnh, đừng có sợ hãi, rồi thực tập những bài học giả chết như đã học - tên thợ săn ngu ngốc tưởng là nai chết thật rồi, cởi dây trói hoặc tháo vòng sắt ra - thế là con phóng vọt đi, thoát nạn.

Nai tơ rất chịu khó nghe lời rồi thực tập tới lui rất chăm chỉ, rất thuần thục.

Hôm kia, nai tơ vô ý bị bẫy sập, nó thảng thốt kêu lên, đàn nai bỏ chạy về báo lại cho mẹ nó. Bà mẹ đến nai chúa và hỏi:

- Không biết cháu nó đã học được thông thạo sự khôn ngoan của loài nai chưa?

Nai chúa nói:

- Chị yên trí. Em dạy một, nó học được hai. Sẽ không có điềm dữ đâu. Chị cứ đợi và mỉm cười, chưa tới trưa mai, cháu sẽ trở về ngay thôi!

Rồi nai chúa đọc lên một bài kệ:

“- Nai duỗi chân, tập nằm

Biết cào đất tám móng

Biết vấy cỏ lên mình

Biết đại tiện, tiểu tiện

Sình hôi và dơ dáy

Lỗ mũi trái thở nhẹ

Lỗ mũi phải thở nhẹ

Với thân thể cứng đơ

Trợn mắt và le lưỡi

Kiến ruồi đến bu quanh

Đúng xác chết thật rồi

Vậy là nai thoát nạn!”

Và đúng như nai chúa nói. Khi bị sập bẫy, nai thực tập những điều đã học. Sáng hôm sau, tên thợ săn đi đến thấy một xác chết hôi hám, bụng phình trương, cứng đờ, kiến ruồi bu quanh, mấy con quạ lượn lờ kêu quang quác - ông lấy tay vỗ bụng nó, nói rằng: ‘Mới dính bẫy đó mà sao mày lại sình thối rồi? Vậy thì tao sẽ nướng thịt ngay tại đây rồi mang về nhà!’ người thợ săn mở dây, gỡ kẹp cho nai. Xong, ông bắt đầu đi kiếm cây khô, cành khô để chuẩn bị nướng nai. Trong lúc đó thì nai tơ trỗi dậy, đứng vững vàng bốn chân, vươn cổ rồi như một đám mây vàng bị gió lớn thổi tan, nó phóng rất nhanh, qua rừng, về với bầy đàn, thoát nạn!

Kể chuyện xong, đức Phật nói:

- Nai chúa chính là Như Lai đấy, và nai tơ chính là Rāhula bây giờ. Thuở xưa nó cũng ham học lắm, ham học đã trở thành cái tánh tốt của nó. Vậy chư tỳ-khưu hãy cố gắng huân tập những tánh tốt, nếu chưa đạt đạo quả thì cũng tích lũy được rất nhiều lợi lạc an vui trong các cõi trời và người.

Có vị tỳ-khưu chợt hỏi:

- Vậy nai mẹ là ai, bạch đức Tôn Sư?

- À, là tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā hiện nay đó!


(1) Bất cứ đại tịnh xá nào cũng có thiết kế hương phòng, nhà vệ sinh riêng cho đức Phật (các công trình này thường thiết kế rất khéo léo, tế nhị, mỹ cảm; luôn có đèn, có hoa, có hương thơm phảng phất - không do thí chủ tạo thì cũng do chư thiên làm). Đôi nơi có thêm liêu thất của hai vị đại đệ tử nữa.

(2) Thói quen lịch sự của ngài, dù có người hay không có người ngài cũng lên tiếng đằng hắng như vậy.

(3) Kể tất thảy các loài thú 4 chân.

(4) Lạp là nói tắt của hạ lạp, tàu lấy ý từ chữ vassa (hạ), an cư mùa mưa. Sở dĩ tàu dùng chữ lạp (tháng chạp) - nhằm nói đến hết năm. Vị tỳ-khưu thường tính tuổi đạo bằng bao nhiêu mùa an cư (vassa) - một hạ được coi như là một năm tuổi đạo.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn