(Xem: 1763)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2230)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

5.45- Chính Thức Ban Bố Giới Luật Căn Bản Thanh Tịnh (Pātimokkha)

15 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 8677)

Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập 5

 

Từ Hạ Thứ Hai Mươi Hai Đến Hạ Thứ Bốn Mươi Bốn(566 đến 544 trước TL)

5.45-  Chính Thức Ban Bố

Giới Luật Căn Bản Thanh Tịnh (Pātimokkha)

(Từ sau khi tôn giả Ānanda chính thức làm thị giả, không tìm thấy bất cứ một tư liệu lịch sử nào nói đến từng năm một, sau hạ thứ 21 cho đến khi đức Phật Niết-bàn. Vậy, từ thời điểm này về sau, người biên soạn không đi theo từng mùa an cư nữa, mà chỉ ghi lại những câu chuyện, những sự kiện, những chi tiết lịch sử xét ra là quan trọng trải dài trong suốt hai mươi bốn năm còn lại của đức Tôn Sư. Dù đã khổ công tìm nhiều nguồn tư liệu để so sánh, đối chiếu, chọn lọc; và dù làm việc nghiêm túc, cố gắng thế nào cũng không tránh khỏi trường hợp nhầm lẫn về không gian và thời gian; đôi nơi còn phải giả định hoặc hư cấu cho câu chuyện được liền lạc, xin độc giả thông cảm. Trân trọng).

Chính Thức Ban Bố

Giới Luật Căn Bản Thanh Tịnh (Pātimokkha)

Trong mùa an cư lần đầu tiên tại “Lâu đài của mẹ Migāra” (Migāramātupāsāda) hoặc “Đông Phương Lộc Mẫu tu viện” (Migāramātā-pubbārāma), đột ngột đức Phật bảo tôn giả Ānanda cho triệu tập tất thảy chư vị thánh tăng từ bậc hữu học đến bậc vô học, nhất là chư đại trưởng lão đang ngụ tại kinh thành Sāvatthi để chính thức ban bố giới luật căn bản thanh tịnh (Pātimokkha) làm y chỉ cho tăng ni từ đây về sau.

Như chúng ta đã biết, sau nạn đói tại Verañjā, hạ thứ mười hai, tôn giả Sāriputta thưa thỉnh đức Phật ban bố một bộ luật hoàn chỉnh, cụ thể là những giới luật căn bản thanh tịnh để giữ gìn tăng ni trong đời sống phạm hạnh, nhưng đức Phật chưa chuẩn y.

Hồi đó, đức Phật đã nói là:

“- Giới luật căn bản và đầy đủ (cụ túc) không thể hình thành trong một hai ngày, mà phải trải qua năm tháng, thời gian khi có những trọng tội, những ô uế phát sanh ảnh hưởng đến đời sống thiêng liêng phạm hạnh. Ví dụ, cụ thể có giết người mới chế định tội để trục xuất kẻ giết người. Ví dụ, cụ thể có trộm cắp mới thiết chế tội để trục xuất kẻ trộm cắp. Khi nào tăng ni chúng quá đông và những hiện tượng sau đây phát sanh, lúc ấy Như Lai mới chính thức ban bố giới luật căn bản (Pātimokkha):

- Lúc nào chư tăng ni không được giáo dục chu đáo, chẳng chịu tu tập một cách căn bản có hiệu quả thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào chư tăng ni chưa đặt đúng trong tâm, chưa hướng chơn chánh đến mục đích giác ngộ, giải thoát; chỉ mong chứng đắc các định, tu tập các thắng trí, các năng lực thần thông thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào chư tăng ni chưa đặt được bàn chân vào mảnh đất Bất Tử - mà chỉ mãi lo trau dồi kinh pháp cho làu thông, uyên bác để hy vọng làm giảng sư, pháp sư thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào đời sống vật chất thịnh mãn, do đó, danh vọng và lợi dưỡng lại trở thành mơ ước hoặc mục đính của một số tỳ-khưu tăng ni thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

- Lúc nào mà của cải, tài sản, y phục vải vóc, giường nệm, tấm đắp... đa phần đều là vật trân quý nằm đầy kho lẫm các đại tịnh xá, các tu viện thì lúc ấy hoen ố sẽ phát sanh.

Hiện tại, chư tăng các nơi đã đông đúc, phàm tăng cũng rất nhiều, những hiện tượng mà Như Lai vừa kể, theo đó, có nẩy mầm, đang nẩy mầm, có phát sanh nhưng chưa trầm trọng lắm. Có thể vài ba năm tới, từng bước, từng bước, chúng ta sẽ hình thành bộ luật căn bản này. Cứ hễ một người vi phạm cụ thể chúng ta chế định một học giới. Hai người vi phạm cụ thể chúng ta chế định hai học giới ...

Ví như ông thầy thuốc, khi thấy một người bị bệnh, ông ta phải nghiên cứu, phải nhìn, quan sát, hỏi, nghe rồi xem mạch, sau đó mới bốc thuốc chẩn trị được. Bệnh này, phương này, bệnh khác, phương khác. Tùy bệnh cho thuốc. Có vết thương mới mổ xẻ, không vết thương mổ xẻ làm gì. Có bệnh mới có thuốc, không bệnh thì bốc thuốc làm gì. Pháp cũng y như vậy mà luật cũng phải y như vậy. Cứ thế, một trăm bệnh có một trăm toa thuốc, hai trăm bệnh hai trăm toa thuốc, dần dần nó sẽ toàn mãn, cụ túc - cụ túc giới là như thế đó, này con trai trưởng!”

Biết đức Chánh Đẳng Giác bao giờ cũng có cái thấy toàn diện, lúc tuyên bố điều gì cũng đúng lúc, đúng thời nên mở đầu buổi họp hôm ấy, tôn giả Sāriputta thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Kể từ hạ thứ mười hai tại Verañjā đến nay đã gần mười năm. Bây giờ tăng ni hai chúng quá đông, và những tệ nạn, những hoen ố phát sanh nơi này nơi kia cũng đã đến lúc phải được chấn chỉnh, ngăn ngừa hầu giữ gìn nếp sống phạm hạnh. Đây đúng là lúc xin đức Tôn Sư chính thức ban bố giới luật căn bản thanh tịnh (Pātimokkha) làm y chỉ cho mai sau.

Tôn giả Upāli thưa tiếp:

- Thật ra, trước mùa an cư tại Verañjā hai năm, tại Jetavanārāma, vào hạ thứ mười, nhân vụ xử phạt hai nhóm tỳ-khưu ở Kosambī, đức Thế Tôn cũng đã thiết chế một số giới luật tuy chưa phải là những tội lớn nhưng đã có tội danh, tội chứng rõ ràng. Bạch đức Thế Tôn! Hôm ấy, nếu đệ tử nhớ không lầm, thì đệ tử đã đúc kết được tất thảy 87 điều cho tăng và 117 điều cho ni rồi. Trải qua mười năm, những giới điều này đã có con số khá lớn. Nếu hôm nay, bổ túc thêm thì bộ luật cho cả tăng và ni càng hoàn chỉnh.

Đức Phật gật đầu:

- Đúng là vậy, này Sāriputta, này Upāli! Bao nhiêu năm qua có lẽ đã có nhiều học giới cho mỗi bên tăng, ni; nhưng đa phần là những học giới liên hệ đến cách ăn nói, đi đứng, cách mặc y, mang bát, cách ở trong tịnh thất, ra ngoài xóm, cách thu thúc, giữ gìn phẩm mạo, tăng tướng...(1)mà thôi.

Đưa mắt nhìn khắp đại giảng đường, thấy có mặt khá đầy đủ chư thánh tăng từ hữu học đến vô học, nhất là chư vị đại trưởng lão các tịnh xá, tu viện kinh thành Sāvatthi - đức Phật nói tiếp:

- Thật ra, các tệ trạng hoen ố, xấu xa đã xảy ra rồi. Cách đây nhiều năm, tại Vesāli, tại Rājagaha, tại Sāvatthī hoặc tại Kosambī... có nhiều tỳ-khưu đã phạm những tội lớn, nhưng do phạm lần đầu, khi chưa có luật định nên Như Lai hoặc chư vị trưởng lão chỉ răn đe, cảnh cáo hay khuyến giáo chứ chưa trừng phạt đúng tội. Nay đã đúng thời nên phải đúc kết toàn bộ để đưa vào luật định, từ tội lớn đến tội nhỏ để làm giềng mối, kỷ cương từ rày về sau.

- Đúng vậy, thưa đức Tôn Sư.

- Bây giờ Như Lai yêu cầu chư vị trưởng lão lần lượt nhớ lại, kể lại từng trường hợp, kể từ chuyện đầu tiên xảy ra tại Vesāli, về tỳ-khưu Sudina Kalandakaputta. Cụ thể là, như mấy hôm nay, chư tăng đang bàn tán xôn xao, chê cười ông tỳ-khưu ấy; chuyện ấy ra sao, Upāli có nghe biết rõ không?

- Đệ tử theo dõi chuyện ấy khá rõ, bạch đức Tôn Sư!

- Ông hãy nói đi, cho mọi người cùng nghe!

- Vâng! Tỳ-khưu Sudina Kalandakaputta vốn là con trai của một gia đình phú hộ tại Vajjī, nhân chuyến đi công việc ở Vesāli, được nghe pháp của đức Tôn Sư ở Đại Lâm vào hạ thứ mười ba, tại Sảnh Đường Nóc Nhọn bèn xin xuất gia. Sau rất nhiều khó khăn, do ông ta phát nguyện, một là xuất gia hai là chết nên gia đình cha mẹ phải miễn cưỡng bằng lòng. Sau khi thọ đại giới, tỳ-khưu Sudina mặc y phấn tảo(2), tu hành rất tinh tấn. Từ Vesāli, xuống Veḷuvanārāma, sau này lên Jetavanārāma, suốt tám năm trường, ông ta noi gương tôn giả Mahā Kassapa sống đầu-đà khổ hạnh được mọi người kính trọng, nể phục. Năm vừa rồi, tỳ-khưu Sudina về thăm gia đình ở Vesāli, cha mẹ tha thiết khẩn cầu Sudina để lại hạt giống (bījaka) để nối dõi tông đường. Do lúc ấy chưa có chế định giới luật căn bản thanh tịnh nên Sudina nghĩ là vô hại, chẳng có tội chi nên đã ba lần làm việc “đôi lứa” với người vợ cũ...

Tôn giả Sāriputta chợt hỏi:

- Sao tôn huynh biết rõ là ba lần?

- Thưa, chính tỳ-khưu Sudina tình thật kể lại.

Có một số tiếng cười nhẹ.

- Xin tôn huynh tiếp tục.

- Vâng! Tôn giả Upāli kể tiếp – Sau kết quả ấy, một đứa trẻ ra đời, và cũng chính do Sudina thuật lại và đã bị mọi người cười nhạo gọi tên bà vợ cũ của Sudina là “mẹ của chủng tử”. Chuyện xôn xao bàn tán mấy ngày hôm nay là vì vậy, bạch đức Thế Tôn.

Đức Phật nói:

- Xuất gia là ra khỏi căn nhà ái dục, phiền não. Tỳ-khưu Sudina do si mê không thấy, không biết nên làm cái việc để lại hạt giống, tưởng là vô hại. Từ rày về sau, phải chế định rõ, đấy là tội, tội trục xuất ra khỏi tăng-già (pārājikā). Chư vị hãy cùng thảo luận với nhau về các chi tiết liên hệ.

Tôn giả Sāriputta thưa hỏi:

- Thiết định, chế định một điều luật thì phải đi tuần tự từng bước một như thế nào, bạch đức Tôn Sư?

Đức Phật nói:

- Trong trường hợp này, có thể nó có thứ tự như sau: Tội thứ nhất là tội bị trục xuất khỏi tăng-già, không cho sống chung với tăng-già (pārājikā - bất cộng trụ) được chế định tại Đông Phương Lộc Mẫu tu viện(1), liên quan đến tỳ-khưu Sudinna trong hành động làm việc “đôi lứa” với người vợ cũ, phạm cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Trường hợp tỳ-khưu Sudina do không biết, do vi phạm lần đầu nên chỉ răn đe, khuyến giáo mà thôi. Nhưng sau này, khi xét tội, nó có thể có thêm nhiều chi tiết. Ví dụ, tội nào liên quan cả thân khẩu ý; tội nào chỉ có thân khẩu chứ không có ý; tội nào chỉ có ý chứ không có thân khẩu; tội nào chỉ có ý và thân không có khẩu; tội nào chỉ có ý và khẩu, không có thân; sáu trường hợp ấy cũng phải được minh định rõ ràng. Còn nữa, ví dụ điều luật này được quy định cho ai? Cho tất cả? Cho cả sa-di và sa-di-ni? Hay chỉ riêng cho tăng ni tỳ-khưu thuộc giáo hội, cả hiện tại và tương lai? Điều ấy phải nói trong luật định, phần chi tiết. Và ví dụ, cái gì đã kết thành tội, và có yếu tố nào chưa kết thành tội? Ai là người làm chứng? Ai thấy tận mắt, nghe nói lại hoặc đương sự tự thú tội? Và sau khi đã thành luật, lúc các vị luật sư đại diện tăng cật vấn người phạm tội phải nắm bắt cho chính xác, rõ ràng để phân biệt cái chánh, cái phụ, cái cốt yếu, cái không cốt yếu, cái quy kết thành tội trọng, cái có thể được gia giảm hoặc giảm khinh.Yêu cầu tối quan trọng là vị luật sư xử luật phải khách quan, trung thực, nghiêm minh hơn cả những ông quan tòa thế gian... Chư vị hãy nên nhớ như vậy.

Ai cũng lạnh người. Ai cũng cảm thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Để bảo tồn giáo pháp, để giữ gìn quy củ phạm hạnh quả thật không đơn giản. Do nhờ chư vị thánh đa phần là thành phần trí thức tinh hoa của xã hội thời bấy giờ; do trước đây nhiều vị từng là quan tổng trấn, quan tòa, nhiều vị từng đảm trách các công việc triều chính; và còn do sự làm việc tinh minh, mẫn cán – nên từ nền tảng ban đầu đó, họ đi từng bước tiếp theo...

Tôn giả Upāli sau đó, xin thưa tiếp một số trường hợp đã xảy ra liên hệ đến nhóm tội thứ nhất, cũng ở Đại Lâm, tại Vesāli, có vị tỳ-khưu dụ dỗ con khỉ cái để làm việc “lứa đôi”; có vị làm việc ấy với con nai cái, với xác chết nữ nhân ở nghĩa địa, với hàng chục trường hợp khác nữa.

Đức Phật xác nhận, chúng cùng thuộc một nhóm tội danh là bất cộng trụ.

Tôn giả Ānanda kể tiếp:

- Tiếp theo là chuyện xảy ra tại Vương Xá, liên quan đến tỳ-khưu Dhaniya, con trai người thợ gốm, ông ta đã tự ý, ngang nhiên lấy gỗ của đức vua Bimbisāra để xây cất tịnh thất cho mình. Hành động ấy đã cấu thành tội lớn, tội trộm cắp gỗ như vậy là thuộc bất cộng trụ, bạch đức Thế Tôn.

Đức Phật lại xác nhận:

- Đúng vậy!

- Cũng thuộc tội danh này, có nhóm tỳ-khưu Lục Sư lấy trộm màu nhuộm, vị tỳ-khưu lấy trộm vải choàng, lấy y của tử thi đang có ngạ quỷ gìn giữ, lấy trộm cơm trong cửa hàng, lấy trộm bánh nướng, táo, xoài...

Đức Phật lại xác nhận và nói tiếp:

- Từ rày về sau, ai phạm tội tương tự, đại diện tăng, từ bốn vị tỳ-khưu trở lên, sẽ xử phạt nghiêm minh, trục xuất khỏi tăng-già. Tuy nhiên, phải để ý, là vật trộm cắp ấy có giá trị hay không có giá trị? Vật ấy người ta đã quăng bỏ hay đang được giữ gìn? Nó khá phức tạp, đa dạng, rất nhiều hình thức khác nhau nên các vị luật sư cần thận trọng, xét hỏi chi ly, cặn kẽ khi định tội...

Tôn giả Upāli hỏi:

- Cặn kẽ, chi ly như thế nào, bạch đức Tôn Sư?

- Thứ nhất là phải xác định vật ấy là vật chưa được cho; và lấy đi nghĩa là đã di chuyển ra khỏi vị trí ấy. Thứ hai là phải xác định vật ấy là vật ở trên đất, trong đất, trên không, giữa khoảng không, ở vườn, ở rừng, ở ruộng, trong trú xá, trong làng, khe núi, bến đò, vật ký gởi... Thứ ba là giá trị vật ấy chừng năm xu (māsaka); nếu sờ vào thì phạm tội tác ác (dukkaṭa), làm lay động vậy ấy thì phạm trọng tội (thullaccaya), dời khỏi vị trí thì phạm bất cộng trụ.

Cả đại giảng đường yên lặng, chú tâm lắng nghe không bỏ sót một chữ, một câu nào.

Tôn giả Mahā Moggallāna kể tiếp:

- Chuyện xảy ra tại Vesāli, cũng tại Đại Lâm, Sảnh Đường Nóc Nhọn (Kūṭāgāra) liên quan đến nhiều vị tỳ-khưu đã đoạt mạng sống của nhau. Nguyên do là sau khi nghe thời pháp của đức Đạo Sư, nói về sự ô trược của thân, lửa của ngũ uẩn, tội của ngũ uẩn(1); có một số tỳ-khưu thiểu trí lại tưởng nhầm cái thân này tạo nên tội nên đã hỗ trợ cho nhau để giết nhau, dứt lìa mạng sống của nhau - có phải là thuộc tội bất cộng trụ thứ ba, bạch đức Tôn Sư?

- Phải rồi! Đức Phật nói tiếp - Nói rộng ra về nhóm tội này, là một vị tỳ-khưu cố ý giết người bằng bất kỳ lý do nào, trường hợp nào, hoàn cảnh nào đều được quy kết về tội danh bất cộng trụ. Ví dụ như bào chế thuốc cho người khác uống chết. Ví dụ chỉ cách cho người ta giết nhau. Ví dụ, đặt sẵn khí giới để người khác thuận tay giết nhau. Ví dụ, ca tụng sự chết, nói rằng sống có ích chi, sự sống là xấu xa, là đê hèn, là tội lỗi, vậy chết là tốt nhất... Tất cả đấy đều thuộc nhóm tội bất cộng trụ, nhưng còn tùy thuộc tội thân, tội khẩu, tội ý thế nào đó để gia giảm hay tăng trọng...

Tôn giả Sāriputta thưa tiếp:

- Sự việc cũng xảy ra cũng tại Vesāli, nhiều vị tỳ-khưu ở bờ sông Vaggumudā đã khoe pháp bậc thượng nhân đến các cận sự nam nữ. Các vị tỳ-khưu ấy nói rằng, mình không còn tham sân si, mình đắc thiền sắc giới, đắc thiền vô sắc giới, mình có thần thông, mình có được ba cái giác, có tám cái giác, mình đã Nhập Lưu hoặc mình đã có mấy đạo, mấy quả... Rồi vị ấy cố ý nói cho cận sự nam nữ nghe và tin điều ấy để người ta kính trọng mình, cúng dường cho mình – trong lúc, sự thật các vị ấy chẳng đắc được gì cả dù là một thiền chứng nhỏ nhoi! Tất cả hình thức ấy, trường hợp ấy có phải thuộc nhóm tội thứ tư không, bạch đức Tôn Sư?

- Đúng vậy! Đức Phật lại gật đầu. - Tuy nhiên, có trường hợp khác, khi vị ấy có đắc pháp cao nhân thật, có đắc thiền, đắc quả thật; và vị ấy nói ra sự thật ấy nhằm giáo huấn môn đệ, đồ chúng để họ noi gương thì không phạm tội.

Tôn giả Upāli chợt mỉm cười, như nói lạc đề:

- Trong năm an cư ấy, cả vùng Vesāli, Vajjī đều lâm vào nạn đói kém, cho nên nhóm tỳ-khưu nào về đảnh lễ đức Thế Tôn trông họ cũng ốm o, xanh xao, teo tóp, mặt và tay nổi đầy gân vì thiếu vật thực. Nhưng cái nhóm tỳ-khưu ở bờ sông Vaggumudā ấy, khi về đến Đại Lâm trông ai cũng phương phi, béo tốt, đỏ hồng, da láng lẫy, sắc diện rạng rỡ, căn quyền sung mãn... Bậc trí nhìn là biết liền. Hóa ra, chúng đã tà mạng, kheo pháp bậc thượng nhân để kiếm cơm, kiếm áo! Chúng đã cướp thức ăn thượng vị cứng mềm, mồ hôi nước mắt của chị, của anh, của chồng, của cha, của mẹ những cận sự có tín tâm nhưng si cuồng và thiểu trí. Hôm ấy, đức Thế Tôn đã khiển trách chúng thật nặng nề - nhưng trông cái bản mặt của họ, lớp da nó dày quá!

Có khá nhiều tiếng cười nhỏ.

Tôn giả Sāriputta đúc kết lại:

- Vậy thì tóm lại, như đức Tôn Sư đã dạy và chư trưởng lão đã lắng nghe, đã tiếp thu – thì, cả nhóm bốn tội ấy, nói rõ là hành dâm với nhiều hình thức khác nhau, trộm cắp với nhiều đồ vật khác nhau, giết người với nhiều phương cách khác nhau, khoe pháp bậc thượng nhân bằng nhiều cách nói, gợi ý khác nhau – chúng đều thuộc về nhóm tội bất cộng trụ (pārājikā) thì bị trục xuất khỏi tăng đoàn...

Tôn giả Upāli thắc mắc:

- Nếu luật sư sau khi xét tội, thấy có một vài chi tiết phạm tội “chưa trọn vẹn”, có nghĩa là chưa cấu thành trọn vẹn ba nghiệp thân, khẩu, ý thì tội ấy phải trở thành tội danh khác, ở trong điều luật khác hay sao, bạch đức Thế Tôn?

- Đúng vây! Đấy là điều mà Như Lai sắp nói đây. Trong bốn tội lớn ở trên, cả ba nghiệp thân, khẩu và ý đều có xen dự vào đấy cả, đều phạm tội cả, sẽ cấu thành tội danh pārājikā. Nhưng nếu cả bốn tội lớn ở trên, không phạm ba nghiệp, mà chỉ phạm hai, ví dụ chỉ thân và khẩu, không có ý; hoặc chỉ ý và khẩu, không có thân... thì Như Lai quy định vào một nhóm tội khác, được gọi là Saṅghādisesa, tức là tội danh “tăng tàn”. Những tội tăng tàn tức là tội mà làm cho đời sống phạm hạnh bị hư mục, tan nát, hủy hoại, làm cho tăng phải hoen ố, tàn mạt. Vậy chư vị hãy thảo luận, đưa ra từng trường hợp cụ thể, đã xảy ra, để mọi người cùng quyết nghị, thiết định nên tội danh này...

Đến đây, tôn giả Sāriputta thưa:

- Đã có xảy ra rồi, bạch đức Tôn Sư. Chính đệ tử, chư vị trưởng lão Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, Upāli đã xử lý nhưng chỉ có tính cách răn đe, khuyến giáo... hôm nay mới chế định luật.

- Ừ, ông kể lại đi!

- Đầu tiên, việc xảy ra ở Jetavanārāma mấy năm về trước, tỳ-khưu Seyyasaka phạm tội trọng thứ nhất nhưng chưa phạm trọn vẹn cả thân, khẩu và ý – nên bây giờ được ghi vào tội danh tăng tàn (saṅghādisesa) này!

Tôn giả Mahā Moggallāna gật đầu:

- Đúng vậy! Hôm đó chúng ta cũng chỉ mới răn đe!

- Cũng xảy ra tại Jetavanārāma – Tôn giả Upāli thưa tiếp - Tỳ-khưu Udāyi, xảy ra trong nhiều thời gian khác nhau, ông ta phạm tội danh này liên tiếp bốn lần. Một lần, phạm tội bằng thân, ví dụ như rờ rẫm người khác giới. Lần khác, phạm tội bằng khẩu, tức là nói lời sàm sỡ, trăng hoa hay hoa tình với nữ giới. Lần khác nữa, cũng phạm tội bằng khẩu, nói rằng, người nữ phục dịch, hầu hạ nhục dục cho mình là có phước. Lần thứ tư, cũng ông tỳ-khưu này làm “mai dong” cho nam nữ thành vợ chồng... Vậy, bạch đức Thế Tôn! Cả bốn trường hợp này có được xác nhận trong nhóm tội danh “tăng tàn” chăng?

- Như Lai xác nhận! Đức Phật gật đầu rồi nói tiếp – Kể cả chuyện tự ý xây cất tịnh thất cho mình cũng không được. Năm nọ tại Vương Xá, Như Lai đã khiển trách nhóm tỳ-khưu Āḷavi đã tự ý xây cất tịnh thất cho mình mà chưa được sự chấp thuận của tăng, nó cũng rơi vào nhóm tội danh này.

Tôn giả Mahā Kassapa thưa:

- Tương tự vậy là chuyện tỳ-khưu Channa đã tự ý làm một tịnh thất rất lớn, quá quy định của tăng, tại Kosambī - có lẽ cũng nằm trong mục tội danh saṅghādisesa.

Tôn giả Ānanda trình bày thêm:

- Kể cả tội cáo gian nữa. Tại Vương Xá, nhóm tỳ-khưu Mettiya, Kummajaka đã hai lần cáo gian vị thánh sa-di Dabba-Mallaputta phạm tội bất cộng trụ - như vậy cả hai trường hợp đều rơi xuống tội danh tăng tàn rồi...

Đức Phật lại gật đầu xác nhận.

Thế là suốt cả bảy ngày, chư thánh tăng đã đưa ra từng trường hợp một rồi đúc kết lại, trong đó có bốn nhóm tội thuộcbất cộng trụ, chín nhóm tội thuộc tăng tàn(1)cùng một số nhóm tội khác nữa.

Tôn giả Upāli đã công phu, chịu khó tuyên đọc lại tất cả những học giới trải qua hai mươi năm qua rồi nhờ chư vị trưởng lão cùng sắp xếp thành từng nhóm tội. Sau đó, tất cả đã chia thành bảy nhóm tội sau đây: Bất cộng trụ (pārājikā), tăng tàn (saṅghādisesa), trọng tội ( thullaccaya), ưng đối trị (pācittiya), ưng phát lộ (pātidesanīya), tác ác (dukkaṭa), ác ngữ (dubbhāsita). Nếu phạm tội bất cộng trụ thì không còn tăng tướng tỳ-khưu nữa, phải xả giới hoàn tục. Phạm tội tăng tàn thì bị phạt cấm phòng, sau đó phải có buổi sám hối có mặt từ bốn vị đến hai mươi mốt vị tỳ-khưu mới hết tội được. Còn năm tội sau, phải sám hối trước tăng, hoặc hai, ba vị tỳ-khưu.

Tất cả học giới suốt hai mươi năm qua, đa phần nằm trong hai nhóm ác ngữ và tác ác cũng đã được sắp xếp lại và thông qua.

Đức Phật, chư đại trưởng lão cũng phải để mất thêm ba ngày nữa, cho triệu tập chư trưởng lão thánh ni, dựa theo bộ luật căn bản của tăng (dẫu chưa đầy đủ), thêm, bớt cho hợp lý, cho tương thích để chính thức ban bố thêm bộ luật cho tỳ-khưu-ni nữa.

Vậy là bắt đầu từ hạ này trở về sau, trong các buổi sám hối, tháng hai lần, chư tăng ni bắt đầu có lễ tụng giới Pātimokkha, và từ từ đi vào nền nếp, kỷ cương.



(1)Được gọi chung trong nhóm “ thu thúc lục căn”, “chánh mạng thanh tịnh” và “quán tưởng vật dụng”.

(2)Paṃsukūla: Vải bó tử thi hoặc vải lượm từng tấm, từng mảnh nơi này và nơi kia, giặt sạch, nhuộm rồi may mặc - không thọ nhận vải mới, vải lành nguyên.

(1)Đây cũng chỉ là giả định. Vì trong Tạng Luật, tập yếu I, bản Việt dịch của tỳ-khưu Indacanda – nói rằng điều này đã được quy định tại Vesāli. Dĩ nhiên, đó là tư liệu đáng tin cậy, tuy nhiên, có một tư liệu khác, nói là tỳ-khưu Sudina tám năm sau mới về thăm gia đình, chuyện “hạt giống” mới xảy ra.

(1)Có nơi nói là đức Phật giảng về niệm đề mục tử thi, khen ngợi đề mục này... nên một số vị hiểu lầm là đức Phật ca ngợi sự chết.

(1)Các vị kết tập sư, các nhà nghiên cứu thường không để ý đến sự diễn tiến thời gian nên nói các buổi sám hối, chư Tăng thường tụng đọc Pātimokkha! Hãy lưu ý cho, ngay chính vào thời điểm này, 13 tội Tăng tàn cũng chưa hình thành đầy đủ. Ví như tội thứ 10, Devadatta chia rẽ Tăng! Xin thưa, tối thiểu vào khoảng sau hạ thứ 40 của đức Phật, khi A-xà-thế giết vua cha, tiếm ngôi thì mới xảy ra chuyện Devadatta âm mưu chia rẽ Tăng.

 

5.46- Bà Mẹ Hộ Độ Tuyệt Vời

Có sáu mươi vị tỳ-khưu, sau khi xin được đề mục thiền từ đức Đạo Sư, họ bèn lìa xa thành phố ồn ào tìm đến một nơi xa xôi, vắng vẻ để công phu hành trì. Tại một ngôi làng sơn cước, có tên là Mātikagama, thấy khung cảnh yên tĩnh, sông núi tươi xanh, dân cư trù mật, họ nghĩ, nơi này tu tập thì thật là tốt.

Vị tỳ-khưu lớn tuổi nhất, được xem như là bậc trưởng lão liền dẫn đầu hội chúng, đi vào làng để trì bình khất thực. Có người mẹ của người thôn trưởng, trông thấy chư tăng, bà rất hoan hỷ, bèn thỉnh vào nhà để đặt bát cúng dường. Bà còn huy động nhà này nhà kia chung tay hùn góp vật thực cho cả sáu mươi vị đều được đầy đủ.

Trong một khu vườn, khi chư tăng đã thọ thực xong, bà mẹ người thôn trưởng tìm đến thưa hỏi để biết các vị sẽ đi đâu, về đâu thì vị trưởng lão trả lời:

- Này mẹ! Chúng tôi định kiếm một nơi yên tĩnh, một nơi khất thực vừa đủ dùng để tu tập.

Bà hỏi:

- Thế quý ngài thấy nơi này có được không?

- Nơi này khá lý tưởng, thưa mẹ!

- Vậy thì chúng tôi xin thỉnh quý ngài ở đây; và mỗi nhà, mỗi nhà sẽ cúng dường đặt bát hàng ngày cho quý ngài, khỏi cần phải đi đâu xa nữa.

Vị trưởng lão và chư tăng im lặng nhận lời.

Bà mẹ người thôn trưởng khi được biết thái độ im lặng ấy là chấp thuận, bà rất hoan hỷ rồi tỉ mỉ thăm hỏi cách thức làm nhà hội họp, các cốc liêu lác đác nơi này nơi kia như thế nào để dân chúng trong làng cùng chung tay lo liệu. Sau khi nắm bắt rõ nhu cầu cư trú, sinh hoạt của chư tăng rồi, bà còn hỏi tiếp là bà và mọi người có thể tu tập được không, bắt đầu như thế nào, tuần tự từ thấp lên cao như thế nào. Vị trưởng lão cặn kẽ nói về tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, bố thí cúng dường... tuy rất khái quát nhưng khá đầy đủ cho một cận sự nữ phải hành trì.

- Vậy thì một số trong chúng tôi sẽ xin thọ trì tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, sau đó xin quý ngài hướng dẫn tiếp cho những bước cao hơn.

Lựa chọn một khoảng đất rộng ven rừng, dân làng phụ nhau làm một căn nhà hội, rồi lác đác bên những cội cây, sườn đồi, ven suối... xa gần xung quanh nhà hội, họ làm thêm những cốc liêu, những mái lợp, những vòm che... tuy tạm bợ nhưng cũng là chỗ tu tập khá tốt trong bốn tháng an cư mùa mưa cho chư tăng.

Khi đâu đó đã xong xuôi, vị trưởng lão tụ họp chư tăng ở căn nhà hội rồi nhắc nhở rằng:

- Được bà mẹ và dân làng lo cho đầy đủ tứ sự như thế này thì chúng ta không thể biếng nhác, giải đãi được. Phải tu tập cho tốt, hành đạo cho đàng hoàng; nếu không, tám cảnh địa ngục(1)sẽ mở cửa ra, chào đón những ông chủ là chúng ta, sắp trở về nhà đấy.

Cả hội chúng tỳ-khưu im lặng lắng nghe một cách rất nghiêm túc; vị trưởng lão chậm rãi nói tiếp:

- Không nên đứng, ngồi hay ở chung hai vị cùng một chỗ, ngoại trừ mỗi buổi sớm tụ hội ở đây để đi vào làng với y bát được chăm sóc, lục căn phải thu thúc, râu tóc trông sạch sẽ, tướng mạo cần trang nghiêm để nuôi dưỡng đức tin cho mọi người. Hãy tâm niệm ta là người không phóng dật, ta là người có chú niệm, có tinh cần, có ý chí duy trì phạm hạnh. Sau khi đi trì bình trở về, chúng ta gặp nhau ở đây, quét dọn trong ngoài, sắp đặt chỗ ngồi, ghè nước, giẻ chùi chân... đâu đó xong xuôi rồi cùng thọ thực trong yên lặng. Ngọ trai xong, dọn dẹp sạch sẽ đâu đó một lượt nữa, không bàn chuyện phiếm, không trao đổi chuyện vô ích rồi vị nào trở về liêu cốc của vị nấy, tấn tu chỉ quán. Chư huynh đệ có đồng ý như thế không?

- Thưa, hoàn toàn nhất trí.

- Khi có người bị bệnh hoặc phát giác có trường hợp cấp bách như gió bão, lửa, đạo tặc phá phách, hoặc cần họp Tăng do có khách đặc biệt, do chư vị trưởng lão ghé thăm, do thí chủ cần thưa thỉnh việc gì... thì ở đây hằng ngày sẽ có người báo trực, đánh lên ba hồi bảng gỗ, khi ấy chúng ta mới xả thiền, yên lặng đi về nhà hội... Chuyện ấy nữa, huynh đệ có thêm ý kiến gì nữa chăng?

- Thưa, rõ rồi! Đầy đủ quá rồi!

- Đây là bản giao ước bất thành văn. Chúng ta nghiêm túc chấp hành chứ?

- Thưa vâng!

Thế rồi, ai về chỗ trú cư nấy. Họ tu hành rất tốt, rất có hiệu quả. Ai cũng thành tựu được ấn chứng này, thành quả khác.

Hôm ấy, vào buổi chiều, bà mẹ người thôn trưởng dẫn theo mấy chục người gồm con cái, dâu rể, cháu chắt rất đông cùng mang theo bơ, đường, sữa, dầu thắp, dầu thoa, thuốc ngừa bệnh đi đến căn nhà hội. Nhưng nhìn xung quanh, họ không thấy một ai. Chỉ có một vị tỳ-khưu trẻ ở đâu đó vì thấy đông người nên bước lại. Họ hỏi:

- Các ngài đi đâu cả rồi, thưa sư?

- Vị nào cũng tìm chỗ cho mình để tu tập.

- Nhưng sao các cốc liêu quanh đây cũng không có ai?

- Thấy trời tạnh ráo, mát mẻ như thế này, các vị muốn tìm một hốc đá, một cội cây nào đó trong rừng...

- Vậy nếu muốn gặp các ngài thì phải làm sao?

Vị tỳ-khưu mỉm cười trả lời:

- Hôm nay tôi trực canh. Để tôi gọi các ngài xuống.

Nói xong, vị tỳ-khưu lấy khúc cây đánh ba hồi bảng gỗ. Lát sau, từ đâu đó trong rừng, hướng này, hướng kia, lần lượt chư vị tỳ-khưu đi xuống căn nhà hội, rất lặng lẽ, riêng từng người, không ai đi chung với ai.

Thấy tình hình như vậy, một ý nghĩ khởi sanh trong tâm bà mẹ: “Thế là các con trai của ta (mamaputta) bất hòa với nhau rồi! Đã không thèm đi chung với nhau mà còn không hề nói chuyện với nhau nữa!”

Khi chư tăng đã tụ họp đầy đủ trong căn nhà hội, bà mẹ cùng mọi người đến đảnh lễ, dâng mọi thứ vật dụng mang theo.

Rồi bà mẹ nhìn vị trưởng lão cất tiếng hỏi:

- Chư tăng có chuyện bất hòa hay sao, thưa ngài?

- Không có chuyện đó đâu! Chư sư ở đây sống rất hòa hợp, thưa mẹ!

- Thế tại sao mọi người đi riêng lẽ, sống riêng lẽ, lại còn không hề nói chuyện với nhau?

- Ai cũng đang nghiêm túc, chú mục chánh niệm, tỉnh giác để thực hành sa-môn hạnh đó, thưa mẹ!

- Pháp tu sa-môn hạnh đó ra sao, thưa ngài?

Vị trưởng lão đành phải giải thích từ việc mặc y, mang bát, đi trì bình khất thực phải chánh niệm ra sao. Trên đường đi phải thu thúc làm sao, về đến căn nhà hội phải thọ thực như thế nào. Sau đó, mỗi người tự tìm chỗ riêng lẻ để tu tập các đề mục thiền định hay thiền quán... Từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, một vị tỳ-khưu không được lơ là thất niệm, không được phóng dật, giải đãi ra sao... Tất cả, vị trưởng lão đều giải thích rất cặn kẽ.

Nghe xong, bà mẹ tán thán:

- Thật tuyệt vời làm sao là sa-môn hạnh!

Rồi bà dè dặt hỏi:

- Thế cái sa-môn hạnh ấy, tôi thực hành chút chút có được không? Chút chút ấy có đem lại lợi ích thật sự cho tôi không?

- Được chứ! Vị trưởng lão hoan hỷ nói - Mẹ cũng có thể tu tập được, cứ từ từ đi từ cạn vào sâu thì có thể thành tựu được an lạc và hạnh phúc trong đời này và nhiều đời sau nữa đó!

- Vậy thì xin ngài hãy chỉ dạy cho tôi!

Thế là vị trưởng lão hướng dẫn cho bà mẹ cách niệm ba hai thể trược, quán bất tịnh của thân. Rộng hơn một chút, nói về các đề mục khác thuộc các định khác nhau. Sâu hơn một chút nữa, giải thích thế nào là danh tâm, sắc tướng; cái gì gọi là ngũ uẩn; cái gì được gọi là danh và sắc; và sau cùng, phải nhìn ngắm, quán chiếu ra sao để thấy rõ tam tướng vô thường, dukkha, vô ngã của chúng...

Hóa ra, bà mẹ tuy lớn tuổi mà nắm bắt rất nhanh rồi về nhà tu tập cũng tiến bộ rất nhanh như vậy. Trong vòng mới hơn bảy ngày mà bà đã xả ly, ly tham khá nhẹ nhàng rồi lần lượt đi từ các định từ cạn vào sâu. Ít hôm sau nữa, bà mẹ quán danh sắc, ngũ uẩn thấy rõ sanh diệt, thấy rõ các pháp trống không, vô ngã; bà chứng quả A-na-hàm, có tuệ phân tích, có luôn cả tha tâm thông.

Sau khi thọ hưởng an lạc của thiền, an lạc của đạo quả siêu thế, trở lại cận hành định, bà mẹ suy nghĩ: “Thật vi diệu và thù thắng thay là pháp sa-môn hạnh. Mình mới tu tập chút ít mà thu hái thành quả như thế này thì chắc các con trai của ta phải là mùa màng bội thu, sum suê trái quả!” Tò mò, bà mẹ hướng tha tâm thông rà soát một lượt tâm ý sáu mươi vị sư lác đác nơi này và nơi khác thì bà thấy rõ, hóa ra chưa ai được cái gì cả, thiền chứng cũng như đạo quả. Các trở ngại của các vị là tham nhiều, sân nhiều, phóng tâm, trạo cử nhiều, các tưởng quá khứ chi phối nhiều nên không trú tâm được. Và trên tất cả, cụ thể nhất là máu huyết, khí huyết của các vị có cái gì đó bất ổn, có cái gì đó bị xáo trộn. Thân bất an kéo theo tâm bất an. “Hóa ra là do vật thực không thích hợp mà sinh ra!” Kết luận như vậy xong, hôm sau, bà mẹ sắm sanh, nấu nướng nhiều thức ăn khác nhau, đầy đủ chất béo các loại, chất ngọt các loại, chất bùi, chất đắng, chất cay, chất xơ các loại... rồi thỉnh chư tăng độ thực ở căn nhà hội.

Quả thật, nhờ vật thực thích hợp, tối hôm ấy, bà mẹ thấy chư sư hành thiền tốt hơn, có vị đã an trú tâm, có vị đã đi vào cận hành định, có vị quán danh sắc, ngũ uẩn rất có hiệu quả.

Hôm sau, hôm sau nữa, bà cụ yêu cầu chư tăng sau khi đi trì bình khất thực quanh làng, trở về căn nhà hội thì cho bà được cúng dường thêm. Và ai cũng ngạc nhiên, không hiểu làm sao mà bà cụ thường đặt bát cho từng vị những món mà họ cần, những món mà họ thích! Có lạ gì đâu, bà mẹ đã chịu khó, âm thầm theo dõi từng vị nên biết rõ nhu cầu cơ thể của từng người.

Nhờ sự hộ độ siêu việt của bà mẹ, trải qua gần mùa an cư, cả sáu mươi vị tỳ-khưu đều đắc quả A-la-hán!

Ngày cuối cùng chư tăng tụ họp ở căn nhà hội. Vị trưởng lão nói:

- Khi đến đây, chúng ta đều là kẻ vô văn phàm phu; sau an cư mùa mưa, chúng ta đều chứng quả vô học, vô vi, giải thoát. Công lao ấy, công đức ấy, ai trong chúng ta cũng biết rõ là do nhờ bà mẹ của chúng ta: Một vị thí chủ hộ độ tuyệt vời. Vậy trước khi về Jetavanārāma yết kiến đức Đạo Sư, chúng ta hãy đi chào bà mẹ, tri ân bà mẹ và chào cả dân làng đã cưu mang, hộ độ tứ sự chu đáo bấy lâu.

Thế rồi, dẫn đầu là vị trưởng lão, chư tăng ôm bát đi vào làng. Gặp bà mẹ, và gặp cả dân làng, họ nói lời tri ân chân thành rồi xin từ giã.

Bà mẹ cười:

- Từ rày, tôi không dám gọi các ngài là “con trai của ta” nữa! Tâm các ngài ở cao hơn, tôi tìm mà không thấy. Thật là kỳ diệu. Tôi thật là hạnh phúc để được hộ độ. Tôi thật hạnh phúc khi các ngài đã cho ngôi làng này, thọ thần và thiên thần ở đây cũng được an lạc theo. Về gặp đức Đạo Sư, hãy cho tôi được gởi lời chào kính, tri ân bậc Vô Thượng Giác!

Vị trưởng lão cũng cười, thành thật khuyên bảo:

- Mẹ đừng nên quá đi sâu vào các thắng trí; chỉ cần miên mật quán những ái vi tế của sắc và vô sắc, quán những dính mắc vi tế của ngã ở nơi thọ, tưởng và tâm hành là làm xong những việc cần phải làm trên đời này!

Bà mẹ chợt quỳ sụp xuống:

- Đúng là vậy! Tri ân trưởng lão.

Khi tiễn chư tăng ra đầu làng, bà còn nói:

- Khi nào du phương hành hóa, tiện dịp, tiện đường tôi thỉnh mời quý ngài ghé qua ngôi làng sơn cước này. Ở đây lúc nào cũng sẵn sàng cung đón đệ tử của đức Thế Tôn.

Về đến đại tịnh xá Jetavanārāma, sáu mươi vị A-la-hán vào đảnh lễ đức Phật, vấn an sức khỏe của ngài. Xong, vị trưởng lão kể lại đầu đuôi tự sự, những nhân, duyên và quả tại ngôi làng Mātikagama ấy cho đức Phật nghe.

Đức Phật mỉm cười:

- Đúng là như vậy! Đúng là có chuyện hy hữu như vậy! Bà mẹ Mātikagama(1)là một nữ thí chủ hy hữu, tuyệt vời!

Cả mấy ngày hôm sau, chư tăng Jetavanārāma ai cũng nghe được câu chuyện tại ngôi làng sơn cước và sáu mươi vị đắc quả A-la-hán. Ai cũng tỏ ra hâm mộ và tán dương công hạnh của bà mẹ ấy. Nhiều vị bàn tán rộng rãi hơn:

- Trước đây, chúng ta đã có trưởng giả Ānathapiṇḍika là người thường cúng dường hỷ mãn về tứ sự, không chê vào đâu được.

- Cô Visākhā thì sao? Không hỷ mãn tứ sự sao? Thức ăn không hợp khẩu vị mọi người sao?

- Đúng vậy! Đến nữ đại thí chủ ấy thì người bệnh cũng thích hợp nữa là...

- Cận sự nam Citta cũng vậy. Cận sự nữ Suppiyā cũng vậy. Cô Sirimā cũng thế. Nhiều người lắm chứ!

- Nhưng chưa ai cúng dường hợp khẩu vị từng người, từng ngày một như cái bà mẹ Mātikagama này!

- Cái ấy thì đúng!

Có vị tỳ-khưu chợt cười xòa:

- Vậy là “nhờ ăn” mà đắc quả sao? Coi chừng nói thế là trật lấc đó nghe!

Mọi người cùng cười theo. Thật ra, ai cũng biết, đấy chỉ là duyên hỗ trợ tốt mà thôi!

Chuyện kể tiếp thêm rằng, có một vị tỳ-khưu nghe chuyện, thích quá, ông ta đến xin đức Phật, được ngài đồng ý nên hối hả thu vén vật dụng, y bát rồi lặn lội tìm đến ngôi làng có bà mẹ hộ độ hy hữu để hy vọng rằng, nhờ ăn uống hợp khẩu vị sẽ chóng đăc quả A-la-hán.

Đến căn nhà hội, để đãy ta-bà và y bát một bên, vị tỳ-khưu khởi sanh ý nghĩ:

“- Chà, đi đường xa mệt mỏi! Ước gì bà mẹ cho một cận sự nam đến quét dọn trong ngoài cùng làm đầy những lu nước thì hay quá!”

Lát sau, quả thật có một thiếu niên mang theo vật dụng cần thiết và đáp ứng ngay những yêu cầu trong tâm của vị tỳ-khưu. Thấy sự việc diễn ra quá nhiệm mầu, vị tỳ-khưu khởi tâm muốn uống nước ngọt, khởi tâm muốn ở tu tại cái cốc lá dưới gốc cây to kia, khởi tâm rằng là sáng mai, trước khi đi khất thực có món cháo béo, nấu thật nhừ để điểm tâm thì quý hóa quá...

Ước gì được nấy. Đến nỗi, vị tỳ-khưu không cần đi khất thực đâu xa, vì mới bước ra khỏi cốc lá chỉ vài chục bước chân thì đã có thí chủ đặt một bát đầy thực phẩm với những thức ăn ngon lành. Tối hôm ấy, nơi chỗ nghỉ của mình, vị tỳ-khưu chợt thấy lạt miệng, tự nghĩ: “Bây giờ trời tối rồi, lui tới khó khăn, nhưng nếu có mấy viên kẹo ‘ngọt ngọt’ thì thú vị biết mấy!”

Rồi mấy viên kẹo “ngọt ngọt” cũng được một thiếu niên mang đến với một cây đèn trên tay.

Vị tỳ-khưu vừa ăn kẹo vừa nghĩ tiếp:

“- Bà mẹ Mātikagama này là người như thế nào mà có khả năng thắng trí lạ lùng như thế? Ta ước ao được gặp bà vào buổi đặt bát ngày mai. Xem nào, bà sẽ đi tay không và con cháu bà sẽ mang theo vật thực loại cứng, loại mềm!”

Sự việc ngày mai xảy ra đúng y như vậy.

Bà mẹ sau khi cúng dường đầy đủ, đảnh lễ vị tỳ-khưu rồi nói rằng:

- Này con trai! Cứ ở đây, và hãy an tâm mà tu tập đừng ngại gì cả.

Độ thực xong, vị tỳ-khưu hỏi:

- Thưa mẹ Mātikagama! Dường như mẹ có tha tâm thông phải chăng?

- Sao con trai lại hỏi vậy?

- Vì tôi ước gì thì có nấy!

- Nhiều vị tỳ-khưu họ cũng biết như vậy mà, con trai!

- Tôi không nói các vị tỳ-khưu khác. Tôi hỏi mẹ thôi!

Vì là bậc thánh, không khoe pháp bậc cao nhân nên bà mẹ vừa cười vừa đáp:

- Này con trai! Mẹ biết con cần những thứ ấy nên giúp con những thứ ấy! Con còn nhỏ nên mẹ giúp đỡ con như con trai của mẹ vậy thôi! Cũng là chuyện thường mà!

Trả lời vậy là hết hỏi. Nhưng vị tỳ-khưu đã có kết luận trong tâm: “Đích thị mẹ Mātikagama có tha tâm thông rồi! Và chưa chừng còn có nhiều thông khác nữa đấy!”

Khi bà mẹ về rồi, sực nghĩ đến một chuyện, vị tỳ-khưu hoảng kinh: “Chết rồi! Nguy hiểm rồi! Mình là kẻ phàm phu tục tử, biết bao nhiêu là ý nghĩ xấu quấy xảy ra trong ngày, trong đêm? Nếu rủi mà lúc ấy, đôi thần nhãn của mẹ Mātikagama quét tới thì những ý nghĩ ô trọc, dơ uế, bẩn thỉu của ta biết trốn vào đâu? Ối! Mẹ Mātikagama sẽ thấy rõ trái tim đen của ta? Ta sẽ giống y như tên ăn trộm, bị mẹ nắm đầu, nắm tay bắt ngay tại trận tiền? Sẽ xấu hổ quá! Xấu hổ quá đi mất!”

Nghĩ thế xong, vị tỳ-khưu hối hả thu xếp vật dụng, y bát rồi cũng hối hả rời liêu cốc, trốn đi!

Ngay lúc ấy thì bà mẹ mỉm cười, tự nghĩ: “Con trai ta sợ ta bắt ngay tại trận những ý nghĩ xấu quấy nên trốn đi rồi! Tới cũng hối hả mà đi cũng hối hả. Nhưng chạy đằng trời! Đức Đạo Sư, bậc thiên nhãn siêu việt, sẽ bắt con trai ta quay trở lại đây thôi. Và con trai ta sẽ gặt hái được lợi ích!”

Quả đúng như mẹ Mātikagama nghĩ.

Khi vị tỳ-khưu trẻ về gặp đức Phật, ngài hỏi:

- Sao ông lại quay trở lại đây?

- Nguy hiểm quá, bạch đức Thế Tôn!

- Tại sao?

- Thưa, vì bà mẹ Mātikagama có tha tâm thông, đệ tử nghĩ cái gì là bà biết cái ấy! Vì tâm đệ tử còn nhiều ý nghĩ xấu quấy nên sợ quá!

Đức Phật nghiêm khắc nói:

- Vậy thì ông lại càng cần tới nơi ấy! Những ý nghĩ xấu quấy nếu có sanh lên thì nó cũng diệt mất. Kệ nó. Ông chỉ việc giữ cái tâm, theo dõi cái tâm mà thôi!

- Đệ tử chỉ việc giữ cái tâm thôi à ?

- Đúng thế!

- Vậy thì đệ tử sẽ cố gắng!

Vâng lời đức Phật, vị tỳ-khưu trẻ trở lại ngôi làng Mātikagama, nơi cái cốc lá của mình.

Bà mẹ theo dõi mọi sự, biết rõ mọi sự nhưng xem như không có chuyện gì xảy ra, vẫn quán sở thích, nhu cầu vật thực của vị tỳ-khưu rồi cho người hộ độ chu đáo, đầy đủ. Trong lúc ấy, thì vị tỳ-khưu chăm chuyên gìn giữ cái tâm, theo dõi cái tâm, rà soát cái tâm một cách sít sao, tinh cần; ông thấy rõ sự sanh diệt, sanh diệt liên tục của các cảm giác, của các tri giác, của các tâm hành, của các ý nghĩ, nhận thức. Thế rồi, vị tỳ-khưu đắc A-la-hán quả, tuệ phân tích luôn cả các thắng trí.

Trong đêm, thọ hưởng hạnh phúc siêu thế, vị tỳ-khưu vô cùng tri ân đức Phật cùng bà mẹ. Tri ân đức Phật là chuyện của trời, người ba cõi. Còn bà mẹ nầy mới thật là kỳ diệu. Ông nghĩ: “Không rõ do nhân duyên gì từ quá khứ mà bà đã giúp ta đến bờ siêu thế? Kiếp này thì thấy rõ rồi, còn các kiếp khác thì sao?” Vị tỳ-khưu liền sử dụng túc mạng thông hướng tâm đến bà mẹ. Thì thấy rõ rằng, kiếp thứ chín mươi chín, bà là bạn gối chăn của ông. Nhưng bà đã sanh tâm ngoại tình, với một người, và đã ra tay giết ông một cách dã man! Ông nghĩ: “Hóa ra, bà ta không những lang tâm trắc nết mà còn hung dữ, ác độc nữa!”

Trong lúc ấy thì bà mẹ cũng đang theo dõi vị tỳ-khưu xem thử tu tập ra sao. Bà thấy nhờ minh sát cái tâm mà vị tỳ-khưu đi vào đạo quả thứ nhất, đạo quả thứ hai, đạo quả thứ ba rồi sau đó bà không thấy gì được nữa. Bà nghĩ, phải chăng ông ta đã đi vào đạo quả A-la-hán rồi! Ồ! Đúng sự thật là vậy rồi!

Trong thời gian sau này, bà mẹ cũng chỉ dừng ngang nơi quả vị A-na-hàm chưa chứng rốt ráo được, nhưng bà lại có thêm một vài thắng trí khác nữa. Khi vị tỳ-khưu dùng túc mạng thông, theo dõi bà chín mươi chín kiếp thì bà cũng thấy rõ kiếp thứ chín mươi chín ấy, bà là bạn đời của ông ta, thấy rõ mình ngoại tình và giết chồng!(1)Bà bèn đi thử lên kiếp thứ một trăm thì thấy mình cũng là vợ của ông ta, nhưng kiếp này mình đã hy sinh mạng sống để cứu chồng!

Lúc vị tỳ-khưu dừng lại nơi kiếp thứ chín mươi chín, bà sử dụng thiên nhĩ thông, gởi vào tai ông ta rằng: “Đi tiếp một kiếp nữa, kiếp thứ một trăm, nó sẽ khác!”

Nghe lời bà, vị tỳ-khưu xem kiếp một trăm thì thấy bà hy sinh mạng sống cho mình! Ông nghĩ: “Quả thật, kiếp ấy, bà là ân nhân thật sự của ta đó!”

Khi bức màn tử sinh đã được vén mở. Và hai người có duyên nợ với nhau. Vị tỳ-khưu thử đưa lên bàn cân: “Nếu coi việc bà giết ta rồi cứu ta là nhân quả sòng phẳng thì mình vẫn còn mắc nợ bà trong kiếp này”. Nghĩ thế xong, vị tỳ-khưu dùng tha tâm thông, thiên nhĩ thông cùng tuệ vô lậu hướng dẫn bà mẹ Mātikagama cắt đứt những sợi dây ràng buộc vi tế còn lại. Nhờ vậy, bà mẹ Mātikagama đắc đạo quả A-la-hán.

Câu cuối cùng mà vị tỳ-khưu nghe được bên tai mình:

“- Tôi xin cảm ơn ông! Mọi gánh nặng tử sinh và phiền não đã buông xuống trọn vẹn rồi. Bây giờ tôi đi trước vì tôi không còn việc gì để làm trên cuộc đời này nữa”.

Thế là bà mẹ Mātikagama vô dư Niết-bàn ngay tại chỗ!

Sau này, đức Phật thuyết lại câu chuyện này, và ngài kết thúc bằng một bài kệ:

“- Tâm ta nhanh nhạy, lẹ làng

Kiếm tìm dục lạc, chạy quàng, chạy xiên

Lành thay! Chế ngự thành hiền

Tâm khéo điều phục, diệt phiền, được an!”(1)



(1)Tám cảnh địa ngục là: 1, Địa ngục Sañjīva: Chúng sanh bị gươm đao đâm chém, gậy gộc đánh đập, cối xay nghiền giã; nhưng khi có gió mát thổi tới thì tỉnh lại, sống lại như cũ nên gọi là Sañjīva (sống lại). 2, Địa ngục Kāḷasutta:Chúng sanh bịsợi dây thừng đen (kāḷa là đen, sutta là sợi dây) căng tứ chi ra rồi cưa, cắt chặt tứ chi, thân thể ra từng khúc. 3, Địa ngục Saṅghāta: Những tội nhân tụ họp nhau lại (saṅghāta) mà cắn xé nhau. 4, Địa ngục Roruva: Tội nhân chịu nhiều cực hình, đau khổ quá nên kêu la, khóc gào (roruva) thảm thiết 5, Địa ngục Mahā roruva:Như 4 nhưng kinh khiếp hơn nên gọi là đại (mahā). 6, Địa ngục Tāpana: Tội nhân bị lửa thiêu cháy làm cho thân thể khô héo (tāpana), lụi tàn dần dần, đau khổ không kể xiết. 7, Địa ngục Mahā tāpana: Như 6 nhưng gia bội lửa cháy kinh khiếp hơn. 8, Địa ngục Avīci: Tội nhân chịu cực hình liên tục, không gián đoạn nên còn gọi là vô gián (Vīci là khoảng cách, avīci là không khoảng cách, không gián đoạn). Tám địa ngục này trong Luận Câu Xá lần lượt ghi nghĩa tương đương là: Đẳng hoạt, hắc thằng, chúng hợp, khiếu hoán, đại khiếu hoán, viêm nhiệt, đại viêm nhiệt, vô gián (Rất nhiều tự điển Phật học có ghi và có giải thích).

(1)Bây giờ đã trở thành tên của bà mẹ.

(1)Sẽ có sự thắc mắc, tại sao ngoại tình, giết người mà vẫn sinh được làm người vào kiếp sau? Xin thưa, nếu đấy là tư tác trong sát na tâm thứ 6, 7 thì sẽ trả quả kiếp sau, chưa biết kiếp nào! Trường hợp trên có thể như vậy, hoặc do nghiệp dữ chưa đủ duyên để trả quả.

(1)Pháp cú 35:“Dunniggahassa lahuno yattha kāmanipātino; cittassa damatho sādhu cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ”.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn