(Xem: 1489)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

2.40- Thêm Một Vị Đệ Tử Lớn

12 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 8996)

Một Cuộc Đời, Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập_2

 

←Nghe: 2.41-Về sợi giây luyến ái blank

2.40- Thêm Một Vị Đệ Tử Lớn

Nhắc lại chuyện đức Phật, sau khi độ cho chàng thanh niên nô lệ xuất gia, ngài và hội chúng tiếp tục bộ hành về phương Nam. Chẳng có việc gì phải gấp gáp nên mỗi ngày chỉ đi chừng hơn một do-tuần. Vượt qua từng thị trấn, từng làng mạc... rồi hội chúng đi dọc bên này bờ sông Sadānīra có dân cư đông đúc, nhà cửa tươm tất, nếp sống phồn vinh. Chừng mươi hôm sau, gần đến sông Gaṅgā thì đức Phật rẽ trái, theo con đường nhỏ, men theo dãy núi đá vôi rồi vào một khu rừng im mát để độ ngọ và nghỉ trưa.

Buổi chiều, thấy đức Phật vẫn chưa tính chuyện lên đường, tôn giả Sāriputta đến gần bên thưa hỏi:

- Dường như đức Thế Tôn cố ý chờ đợi một người?

- Phải đấy, này Sāriputta! Như Lai chờ đợi một người khá quan trọng cho giáo pháp!

- Xin đức Thế Tôn cho đệ tử được nghe?

Rồi đức Phật nói về gốc gác Kaccayāna cho tôn giả Sāriputta nghe. Sau đó, tôn giả đã kể lại cho đại chúng rằng: “ Phía cực Nam châu Diêm-phù-đề có một tiểu quốc tên là Avanti (A-bàn-đề). Vị quốc sư của nước này có bà vợ chính là em gái của đạo sĩ Asita, người đoán tướng cho thái tử Siddhattha thuở đản sanh, là ba mươi lăm năm sau, ngài sẽ đắc quả vị Chánh Đẳng Giác. Trước khi hóa sanh vào cõi trời phi tưởng, đạo sĩ căn dặn vợ chồng quốc sư rằng: “Sau này, nếu có con trai phải cho xuất gia làm đạo sĩ. Lúc nào nghe tin trên thế gian có một vị Phật ra đời thì đấy chính là thái tử Siddhattha Gotama, con của đức vua Suddhodāna, vương quốc Sākya - hãy tìm đến mà quy giáo với Người! Chính ta cũng rất tiếc là không được quỳ bên chân đức Chánh Đẳng Giác để nghe về giáo pháp Bất Tử ấy!” Thời gian sau, họ có hai người con trai đều thông minh, tuấn tú, học hành thông đạt nên được đức vua đặc biệt yêu mến. Người con trai út tên là Kaccayāna, dù sinh sau đẻ muộn nhưng cái gì cũng giỏi, cũng vượt trội hơn anh. Ngoài ra, chàng có nước da vàng sáng, mịn màng và tinh sạch như cánh sen nên ai cũng trầm trồ chiêm ngưỡng. Lớn lên, cha mẹ chàng vẫn còn nhớ đinh ninh lời dạy bảo của ông anh đạo sĩ Asita hiền thiện, nhưng ông bà thấy hai con tương lai đều sáng sủa nên mải chần chờ, lần lữa! Lúc Kaccayāna vừa chẵn tuổi hai mươi thì chàng đã nắm vững, nắm chắc mọi sở học cần thiết của một thanh niên bà-la-môn chơn chính. Đặc biệt, Kaccayāna đam mê và nghiên cứu sâu về triết đạo học – nên chàng xin cha mẹ cho được xuất gia làm một đạo sĩ du phương! Đến lúc này thì ông bà quốc sư đành phải kể lại sự thật về ước nguyện, di huấn xưa của đạo sĩ Asita cho Kaccayāna nghe. Thế rồi, từ đó, Kaccayāna như cánh chim trời, lang thang từ nước này sang nước khác để tầm sư học đạo. Kaccayāna luôn tra vấn, thao thức; và chàng cũng không dễ dàng chấp nhận một đời đạo sĩ dung tục, tầm thường với những tri thức, luận giải từ chân lý có sẵn ngàn đời. Chính vì lý do này mà chàng cứ đi mãi, học hỏi mãi mà không chịu lưu trú ở đạo tràng nào lâu. Ngọn lửa tri thức nung đốt, đẩy chàng ta-bà khắp các tiểu quốc miền Nam rồi miền Bắc, Tây Bắc, đến tận Hy-mã-lạp sơn. Mười năm sau, chàng đã nổi tiếng khắp nơi về khả năng nghị luận biện tài. Ai cũng kính phục, kính trọng chàng; nhưng tự thân, cõi lòng Kaccayāna vẫn bất an. Trở lại quê nhà thì cha mẹ đã già yếu và ông anh trai đã được vua phong làm quốc sư với địa vị vững chắc và danh vọng lẫy lừng. Lúc đức Phật chuyển pháp ở Vườn Nai, Isipatana - thì Kaccayāna đã hay tin nhưng chàng chưa thể rời chân đi được – vì chàng muốn ở nhà ít năm để cho hai thân được vui sau mười năm xa cách. Tuy nhiên, Kaccayāna vẫn không được yên vì danh tiếng của chàng đã làm cho rất nhiều đạo sĩ tìm đến, kẻ đòi chiến luận, kẻ muốn học hỏi... Lúc này thì Kaccayāna đã chán ngấy cái trò chơi phù phiếm của chữ nghĩa và miệng lưỡi – nên chàng đã đóng cửa không tiếp khách suốt mấy năm trường. Thấy cũng không yên, Kaccayāna làm một chòi tre nhỏ ở trong rừng vắng, thỉnh thoảng viếng thăm cha mẹ một chút, lại đi. Nhiều lần đức vua triệu Kaccayāna vào chầu để đàm đạo, ngài rất ngưỡng mộ trí thức bác học và lối nghị luận sắc bén của chàng. Ông anh của Kaccayāna, bây giờ là vị tân quốc sư cũng nhiều lần thuyết phục chàng ở lại để làm quan đương triều. Riêng cha mẹ Kaccayāna thì không có ý kiến gì, tuy nhiên, có nhẹ nhàng nhắc lại lời hứa thuở trước! Hôm ấy, khi biết ý định của đức vua là muốn phong quan tước và gã công chúa cho thì Kaccayāna biết là chàng không thể ở nhà được nữa rồi. Vậy là chàng lại ra đi theo tiếng gọi sông hồ sau nhiều năm biệt tích! Kaccayāna nghe lời căn dặn của đạo sĩ Asita, của cha mẹ - đi tìm đức Phật nhưng chàng không nôn nóng, không vội vã. Trên đường đi, dưới gốc đa già, bên một bến nước vắng hay cạnh một chiếc cầu nhỏ sang sông... Kaccayāna gặp và đàm đạo với các vị sa-môn áo vàng. Thi thoảng thôi - chứ chàng chỉ thích lắng nghe và nhìn ngắm nhiều hơn.

“- Đúng là đức Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời thật rồi!” Hôm kia, Kaccayāna suy nghĩ như thế khi đến Vườn Nai, thấy khá nhiều cốc liêu và cả một hội chúng thanh tịnh. Chàng ở cạnh một khu rừng để quan sát các sa-môn đi trì bình khất thực, tọa thiền, kinh hành, giặt y áo, làm vệ sinh sân vườn, sàng tọa... Đâu đâu cũng gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp... và nhất là ở đâu, lúc nào cũng an bình và tĩnh lặng!

Nghe tin đức Phật đang ở Kỳ Viên, chàng âm thầm từ giã Isipatana để ra đi, ngược đường lên hướng Bắc..

Sớm hôm kia, không thông báo với ai, ngoại trừ tôn giả Sāriputta, đức Phật từ giã ngôi rừng, ôm bát ra đi một mình. Sau khi kiếm vật thực vừa đủ dùng, ngài men theo sông Gaṅgā theo hướng về Vườn Nai, ngồi dưới gốc cây to để độ ngọ và nghỉ trưa.

Khi đức Phật đang tọa thiền thì Kaccayāna từ hạ lưu sông Gaṅgā đi lên. Đến bên gốc cây, Kaccayāna cũng dừng chân lại, bất giác, chăm chú quan sát vị sa-môn áo vàng có tướng hảo rất quang minh! Lát sau, không dám làm kinh động, chàng nhẹ nhàng thu vén một góc để độ thực rồi tọa thiền nghỉ ngơi!

Một khắc qua đi, Kaccayāna xả thiền, chuẩn bị lên đường, liếc nhìn qua bên kia thì thấy vị sa-môn dường như còn trú sâu vào đại định; và không gian xung quanh như thấm đẫm làn khí thanh bình và mát mẻ. Ngạc nhiên quá, Kaccayāna lặng lẽ ngồi xuống. Toàn thân vị sa-môn như phát sáng, lấp lánh hào quang; rồi hào quang ấy chập chờn từng đôi một, từng vòng tròn một, ửng hiện năm sắc màu khác nhau làm lu mờ cả mặt trời ở trên cao!

Kaccayāna đang say sưa quan sát hiện tượng lạ lùng thì thấy từ phía dưới đi lên một đoàn sa-môn áo vàng, mà dẫn đầu cũng có mấy vị với tăng tướng, nghi dung đẹp đẽ và rạng rỡ không kém gì! Đến gần cội cây, họ trật y vai phải, đãnh lễ vị sa-môn rồi ngồi xuống rải rác ở xung quanh, cũng rất lặng lẽ!

Kaccayāna chợt dưng hiểu ra sự vụ, biết đích xác vị sa-môn ấy là ai; không tự chủ được mình, chàng quỳ năm vóc sát đất, không nói được một lời tiếng nào!

“- Kaccayāna! Như Lai chờ đợi ông đã lâu! Sao bây giờ ông mới đến?”

Tiếng đức Phật thoảng nhẹ bên tai Kaccayāna, chàng ấp úng:

- Bạch đức Tôn Sư! Đệ tử đã đến đây rồi!

- Ừ, ông đến rồi nhưng ông còn đi nữa không, Kaccayāna?

Câu hỏi của đức Phật làm cho Kaccayāna lúng túng, ngơ ngác. Cả hội chúng cũng không ai hiểu. Ngoại trừ tôn giả Sāriputta thì mỉm cười!

Tiếng đức Phật vọng lại mồn một bên tai Kaccayāna:

- Còn đến, còn đi là còn thời gian, tất là còn sinh tử đấy – Ông có thấy không, này Kaccayāna?

Chợt dưng, ngay giây khắc ấy, Kaccayāna đắc pháp nhãn, đặt được bàn chân đầu tiên vào giáo pháp bất tử. Chàng quỳ mọp xuống, ôm chân bụi của đức Đạo Sư:

- Tri ân đức Tôn Sư! Đệ tử đã thấy rồi! Đệ tử trở về với đức Tôn Sư, với hội chúng thanh tịnh này, đệ tử sẽ không đến và không đi nữa!

- Có chắc vậy không, Kaccayāna? Đức Phật tiếp tục pháp thoại xem thử cái thấy của chàng như thế nào – Không đến, không đi – nhưng nó có nhân, có duyên gì không, Kaccayāna?

- Có nhân thì nhân sanh, nhân diệt; có duyên thì duyên hệ duyên, duyên sở duyên - bạch đức Tôn sư!

- Thế thì phải cắt đứt nhân, cắt đứt duyên hay sao, Kaccayāna?

- Nếu cắt đứt thì rơi vào hư vô, đoạn diệt kiến! Nếu không cắt đứt thì phó mặc cho bộc lưu - bạch đức Tôn Sư!

- Vậy thì làm thế nào để thoát ra khỏi bộc lưu[i] , Kaccayāna?

Kaccayāna lại rơi vào bế tắc. Cũng đúng thôi! Tôn giả Sāriputta tự nghĩ! Đây là những pháp thoại cao siêu, rốt ráo nhất, thù thắng nhất, mà, Kaccayāna chỉ là kẻ sơ cơ mới bước vào dòng! Dù ông ta kiến thức có thâm uyên, nghị luận có biện tài cách mấy – cũng đành phải bất lực trước những câu hỏi tế nhị thuộc tuệ giải thoát, chúng không nằm trong lãnh vực kiến thức và trí năng!

Đức Phật chợt mỉm cười vì hiểu được tâm ý của người đại đệ tử:

- Hãy gỡ bí cho Kaccayāna xem coi nào, Sāriputta?

- Câu này đệ tử chỉ lặp lại khi đức Tôn Sư giáo giới cho một lão bà-la-môn. Đệ tử xin được nói lại đúng nguyên văn, như sau: “Như Lai không bước tới, Như Lai không dừng lại – Như Lai ra khỏi bộc lưu!”

- Vậy thế nào là bước tới? Thế nào là dừng lại - hở con trai trưởng của Như Lai?

- Vì bước tới là sẽ trôi lăn, dừng lại là sẽ chìm đắm, bạch đức Tôn Sư!

- Vậy là phải! Vậy là đúng, này Sāriputta! Rồi đức Phật nói với Kaccayāna – Còn ông, đừng suy nghĩ nữa, suy nghĩ sẽ không tới đâu! “Hãy lại đây! Này tỳ-khưu!” [ii] Hôm nay, Như Lai đã chứng nhận cho ông là một vị tỳ-khưu trong giáo hội thanh tịnh rồi đấy!

Thế là Kaccayāna trở thành một vị tỳ-khưu - mặc dầu y bát và tăng tướng chưa đúng cách.

Sau đó, đức Phật giới thiệu Kaccayāna với mọi người và ngược lại. Bây giờ, Kaccayāna mới biết đến vị sa-môn đức tướng trang nghiêm, vầng trán cao sáng đối thoại với đức Phật vừa rồi chính là tôn giả Sāriputta - vị đệ nhất đại đệ tử, bậc thượng thủ của giáo hội! Chỉ thoáng nhìn, thoáng nghe vài câu - Kaccayāna sớm hiểu rằng, mọi kiến thức và khả năng biện tài của chàng sẽ không lý nghĩa gì ở trong giáo hội minh triết, của những con người minh triết như thế này! Vị thứ hai là tôn giả Ānanda, hoàng đệ của đức Phật, trông phương phi với nhiều mỹ tướng đặc thù, tỏa rạng một nhân cách hy hữu.

Khi đức Phật và hội chúng lên đường; tôn giả Ānanda thấy Kaccayāna cứ đăm chiêu, bèn mỉm cười nói:

- Rồi hiền giả sẽ biết thôi, sẽ thấy thôi! Đừng thắc mắc mà làm gì!

- Nhưng đầu óc tôi nó cứ làm việc! Nó cứ đặt câu hỏi: Làm thế nào để không dừng lại? Làm thế nào để không bước tới?

- Hãy xem nào, hiền giả! Tôn giả Ānanda cất giọng ôn nhu, điềm đạm - Đức Tôn Sư có dạy rằng, khi căn duyên trần thì có những dòng sông trôi chảy, trôi chảy rất mạnh nên nói là bộc lưu! Ví như dòng sông cảm giác, dòng sông thức tri... hiền giả có thấy thế không?

- Vâng, vâng, tôi thấy rồi!

- Thế thì đơn giản thôi! Vậy thì lúc nào cảm giác và thức tri bị đắm chìm? Lúc nào thì cảm giác và thức tri bị trôi lăn? Hiền giả hãy nhìn ngắm, hãy quan sát chúng xem nào? Hãy như lý tác ý miên mật về điều ấy để ra khỏi bộc lưu, này hiền giả!

- Vâng, vâng, tôi thấy rồi! Tri ân tôn giả!

Nghe tôn giả Ānanda giảng pháp - đức Phật và tôn giả Sāriputta đều mỉm cười - vì cách nói, cách nhìn, nội dung, cả văn phong, ngữ nghĩa... không ai dám nói là Ānanda mới chỉ đắc quả Nhập Lưu!


[i] Chỉ dòng chảy mạnh của sinh tử.

[ii] “ Ehi! Bhikhave!”Kinh sách nói rằng, khi đức Phật nói như thế thì vị tân tỳ-khưu tóc râu rụng sạch, có đầy đủ y bát và tám món vật dụng, trông tăng tướng trang nghiêm như một vị tỳ-khưu cao hạ! Thường thì các vị này đều đã đầy đủ ba-la-mật từ quá khứ.

 

2.41- Về Sợi Dây Luyến Ái

Giữa sông Gaṅgā sông Yamunā có một nước khá rộng lớn, đấy là vương quốc Vamsā, đức vua là Udena, thủ đô là Kosambī [1]. Đây là quê hương của bộ tộc Bhagga hùng mạnh. Nhờ ưu thế địa lý nằm giữa hai con sông nên sự giao thương lên miền Tây Bắc hoặc xuôi hướng Đông Nam đều thuận lợi. Đây còn là giao lộ thương mãi với các nước cộng hòa liên bang Vajjī, Licchavī, với Māgadha về phía hạ lưu mà còn là địa điểm trao đổi hàng hóa từ các nước ở thượng lưu và cả phía Bắc và Tây Bắc xuống nữa.

Sau khi đặt được những cơ sở hoằng pháp lớn tại những lãnh địa quan trọng: Miền Đông Nam thì có đại tịnh xá Veḷuvana (Trúc Lâm), Rājagaha (Vương Xá), nước Māgadha (Ma-kiệt-đà) của đức vua Bimbisāra (Bình-sa) – và Mahāvana (Đại Lâm) tại Vesāli; miền Tây Bắc thì có đại tịnh xá Kỳ thọ Cấp Cô Độc tại Sāvatthī (Xá-vệ), nước Kosala của đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc) và Nigrodhārāma (Vườn rừng cây đa) tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) nước Sākya... đức Phật lại nghĩ đến miền trung, hai bờ Nam Bắc sông Gaṅgā. Trước đây bốn năm năm về trước, chư vị trưởng lão A-la-hán đã thay nhau đến hoằng pháp tại vùng này, nhưng nghe trình báo lại thì chưa đặt được những cơ sở lớn do uy tín của họ chưa đến tai các đại thương gia, đại danh gia cũng như triều đình.

Tại Kosambī có trưởng giả Ghosita, là bậc cự phú đệ nhất; ông vừa làm chủ tịch nghiệp đoàn thương mãi vừa là chủ ngân khố của hoàng gia. Có một vài lần giao lưu thương mãi, ở lại nhiều ngày tại Sāvatthi – ông và bạn hữu đến Kỳ Viên nghe pháp. Tuy chưa gặp được đức Phật nhưng thấy giáo đoàn có một nếp sống kỷ cương, giản dị và lành mạnh – ông rất kính trọng, phát khởi đức tin. Trưởng giả Ghosita có nói với chư trưởng lão rằng, lúc nào chư tỳ-khưu Tăng ghé Kosambī, hãy báo cho ông một tiếng, ông có khá nhiều lâm viên rộng rãi, có nhiều phòng ốc thoáng mát, khá tiện nghi... không gần mà cũng không xa làng xóm, thuận lợi cho việc trì bình khất thực cũng như nơi chốn để tĩnh cư! Không những trưởng giả Ghosita hào hiệp như thế mà bạn bè thương gia thân hữu của ông cũng sẵn lòng đón tiếp chư Tăng tại các lâm viên thoáng đãng khác.

Do vậy, khi đức Phật và hội chúng từ giã Vườn Nai, sau nửa tháng giáo giới ở đấy, bộ hành dọc theo bờ Bắc sông Gaṅgā đến Kosambī thì thấy lác đác ở đâu cũng có những sa-môn áo vàng. Nhìn qua dáng sắc thì biết tứ sự họ đầy đủ. Nhìn qua oai nghi đi đứng thì thấy họ khá vững chãi và ổn định.

Đến Kosambī, đức Phật không ghé một lâm viên nào... mà ngài cứ đi mãi, đi mãi, tìm chỗ ngụ cư tại một khu rừng lớn phía ngoại ô, tên là Bhesakaḷā, gần ngôi cổ thành Susumāragira. Bây giờ đã là tiết tháng tư, khí trời oi bức – nhưng khu rừng Bhesakaḷā thì cây lá còn xanh, suối còn nước chảy nên khí hậu mát mẻ, dễ chịu.

Vài ba ngày sau, chư Tăng trong vùng đã hay tin, lác đác đến đảnh lễ đức Phật, thăm hỏi và vấn an sức khỏe của ngài. Rồi dân chúng quanh vùng lũ lượt rủ nhau đến cúng dường và nghe pháp. Đặc biệt có hai vợ chồng bà-la-môn là trưởng giả Nakulapitarā và phu nhân là Nakuḷamatā cứ nói đức Phật là con trai của họ. Rồi họ khóc lóc thảm thiết, vật mình, vật mẩy, tỏ lời trách móc, sao con trai bỏ nhà, bỏ cửa ra đi biệt tăm, biệt dạng đã lâu mà không chịu trở về thăm cha mẹ lấy một lần. Khi hai ông bà trưởng giả cùng đến ôm chân đức Phật – thì tôn giả Ānanda tìm cách ngăn lại; đức Phật từ hòa nói:

- Này Ānanda! Ông cứ để yên vậy! Cứ để yên cho ông bà trưởng giả biểu tỏ cảm xúc của mình!

Khi thấy cả hai người bình tĩnh trở lại, rồi từ nhân duyên ấy, đức Phật thuyết một thời pháp nói về sợi dây luyến ai nhiều đời! Ngài nói rằng:

- Không phải không duyên cớ, hai ông bà nhìn nhận Như Lai là con trai đã lưu lạc. Trong các kiếp quá khứ, trầm luân sinh tử nhiều như hạt bụi trong ba cõi sáu đường; hai ông bà trưởng giả đây đã từng là cha mẹ của Như Lai năm trăm kiếp; đã từng là bác ruột, là chú thím ruột của Như Lai cũng nhiều kiếp như thế! Sự thương yêu, trìu mến của ruột rà, huyết thống nhiều đời kiếp đã tạo nên sợi dây luyến ái vô hình, nó liên lỉ trôi chảy, xuyên suốt không dễ gì đứt mất! Do vậy, các thầy tỳ-khưu phải thông cảm giọt lệ của ông bà, những chúng hữu tình trôi lăn mà không ai có khả năng bước ra khỏi bi kịch tử sinh ấy! Khi vừa thấy Như Lai – thì kỳ ức chất chồng của tiền kiếp trở về! Vóc dáng ấy, màu da ấy, mắt mũi ấy, âm thanh ấy... dẫu có bị chuyển dịch, thay đổi, biến dạng bởi nghiệp từ kiếp này sang kiếp khác - nhưng vẫn mường tượng được những nét đặc trưng... do tưởng đúc kết lại, đấy là con trai mình! Điều ấy khó lý giải nhưng trực giác thì cảm nhận được!

Này đại chúng! Điều mà Như Lai thấy chắc, biết chắc; đó là khi giữa hai người có sợi dây ái luyến sâu đậm, đam mê, thiết tha đã gắn kết keo sơn – thì kiếp lai sinh họ sẽ là vợ chồng của nhau. Cũng sợi dây ái luyến ấy, bởi yêu thương và kính trọng; nhưng nếu kính trọng nhiều hơn yêu thương thì sẽ là làm con, làm cháu! Cũng sợi dây ái luyến ấy, bởi yêu thương, nhưng trong yêu thương ấy còn hàm tàng tình cảm bao bọc, chở che thì sẽ làm cha làm mẹ! Tương tợ như thế, tùy theo cường độ, nồng độ tình cảm đậm nhạt, nhiều ít mà sợi dây luyến ái biến họ trở thành thân quyến, họ hàng, gia tộc, bạn hữu, thân hữu, làng xóm, tỉnh thành, quốc độ...

Trong khi đức Phật ngưng nói, tôn giả Sāriputta tự nghĩ: “ Đức Tôn Sư đã vén mở cho đại chúng thấy mối liên hệ của sợi dây luyến ái nhiều đời. Tuy nhiên, đấy chỉ là luyến ái thuận chiều để giải thích rộng rãi trường hợp vợ chồng trưởng giả bà-la-môn! Bởi vậy, ta hãy tạo nhân, tạo duyên để đức Tôn Sư vén mở tiếp nữa cho đại chúng thấy thêm nhiều trường hợp ái luyến nghịch chiều – mà ở đó - cũng cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu, thôn lân... nhưng lại nằm trong mối liên hệ phản trắc, bội bạc, hận thù... hoàn toàn tương nghịch, tương xung với thiện pháp...”

- Bạch đức Thế Tôn! Nhờ đức Thế Tôn vén mở mà chúng đệ tử đã biết rõ, thấy rõ sợi dây luyến ái tạo nên sự thương yêu, trìu mến, tình nghĩa, thủy chung, đùm bọc, chở che... kết dệt nên những đóa hoa mỹ miều, nhiều hương sắc trong đời sống an vui và hạnh phúc của các gia đình, nhiều gia đình trên trần thế. Tuy nhiên, vì tâm bi mẫn, xin đức Tôn Sư vén mở tiếp, tại làm sao mà những cái cây an vui và hạnh phúc nhân gian ấy, thỉnh thoảng ở nơi này và nơi kia lại sinh gai độc, trái độc, mủ độc? Đấy là vợ chồng bất hòa, xung đột, đày đọa nhau, áp bức nhau, bội bạc với nhau? Cha mẹ phân ly, phiêu tán; con cái hỗn hào, bất hiếu, đánh cha, giết mẹ, phá tán của cải và thanh danh gia đình? Quyến thuộc, bạn hữu, thôn lân... thì lợi dụng nhau, hiềm hại nhau, trấn bức nhau... tạo nên biết bao bi kịch trên trần thế? Phải chăng, đấy là loại ái luyến nghịch chiều, bên trong còn có sự chi phối của nhân quả nghiệp báo?

- Hay lắm, này Sāriputta! Ông đã đã đưa một câu hỏi như ngón tay trỏ chỉ thẳng vấn đề; và trong câu hỏi của ông đã có câu trả lời, đấy là nhân quả nghiệp báo. Bây giờ, hãy nghe đây, Như Lai sẽ giảng nói rộng rãi, xuyên suốt về điều ấy!

Này đại chúng! Nếu vợ chồng thương yêu nhau, tôn trọng nhau, hiểu biết nhau, thông cảm nhau... đối xử với nhau như bát nước đầy, thủy chung như nhất... thì đấy là sợi dây ái luyến thuận chiều; sẽ nẩy nở, tăng trưởng trong môi trường thiện pháp với khí hậu trong lành, mát mẻ, tốt tươi! Cũng là vợ chồng, nhưng nếu một trong hai – do sắc, do tài, do lợi, do danh, do thiếu giới, do thiếu trí, bị vô minh ái dục chi phối... thì người này sẽ làm khổ người kia, làm khổ một cách đớn đau, bạo liệt, hung tàn... thì trong ái luyến đã nẩy mầm phản trắc, thù hận! Đây là nhân đã gieo, là nghiệp báo! Nếu đời này mà tình trạng hận thù không được hóa giải thì kiếp sau - do ái luyến vẫn còn - họ nên vợ nên chồng, nhưng chỉ để người này làm khổ người kia trở lại! Đây gọi là ái luyến nghịch chiều, duyên với ác pháp, sinh cây độc, trái độc, mủ độc là vì vậy!

Còn nữa, này đại chúng! Trên đời này, có những gia đình sinh ra được những người con thông minh tuấn tú, có hiếu, có thảo; đối xử với cha mẹ như đối xử với vị phạm thiên ở trong nhà; lúc nào cũng kính kính, cẩn cẩn, chăm học, chăm làm, không những bảo vệ, gìn giữ được sự nghiệp, thanh danh gia đình, tổ tông, dòng họ mà còn phát triển thêm nữa, làm cho xán lạn và quang vinh hơn nữa! Đây gọi là sợi dây ái luyến thuận chiều, thuận theo thiện pháp; là cây lành, trái ngọt của trần gian – do nhân những đứa con thai sinh vào gia đình này để đền ơn, trả nghĩa - bởi kiếp trước, ông cha, bà mẹ này đã có ân đức rất lớn đối với chúng. Ngược lại, nếu chúng hoàng đàng, ngỗ nghịch, phá nát của cải, tài sản, bất hiếu, bất mục... chỉ làm khổ gia đình, cha mẹ - là vì chúng sinh ra để báo thù, đòi lại nợ cũ mà cha mẹ kiếp trước đã gieo, đã làm khổ chúng, đã đày đọa chúng!

- Thật là kinh khiếp! Thật là oan gia! Ôi! Vợ với chồng, Ôi! Con với cái! Ôi! Tốt đẹp thay mà cũng đáng sợ thay!

Không biết ai đã cảm thán thốt lên câu ấy!

Thời pháp chưa chấm dứt mà ông bà trưởng giả bà-la-môn Nakulapitarā và Nakuḷamātā đã chứng quả Nhập Lưu; họ chợt quỳ mọp bên chân đức Phật, hoan hỷ quá, cất giọng cảm động:

- Ôi! May mắn thay! Hạnh phúc thay! Chúng đệ tử đã thấy đường đi, lối lại! Hãy cho chúng đệ tử nương tựa nơi giáo pháp chân chánh này!

- Còn Phật và Tăng nữa, này ông bà trưởng giả hiền thiện – tôn giả Ānanda mỉm cười, nhắc nhở - Phải lập lại ba lần: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi. Sanghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Ông bà lặp lại ba lần và đã trở thành một cận sự Nam (upāsaka) và cận sự nữ (upāsikā) của giáo hội.

Sau đó, suốt cả buổi chiều, thời pháp ái luyến vẫn chưa chấm dứt, do một số đông chư Tăng và quần chúng các tập cấp trong vùng tìm đến. Tôn giả Sāriputta được đức Phật chỉ định thay ngài trả lời những câu hỏi còn tồn đọng. Đại lược, tại sao có những người con lại chết ngay trong thai bào, chết khi vừa sinh ra, chết khi hai tuổi, ba tuổi, còn thanh xuân? Tại sao hai người xấu đẹp khác nhau, giai cấp khác nhau, nghèo giàu khác nhau, ngu trí khác nhau, sở thích khác nhau... lại ái luyến, yêu thương nhau đến đầu bạc răng long? Tại sao có người keo kiệt, bủn xỉn, ăn mắm mút giòi suốt đời lại không có người thừa kế, hoặc con cái thừa kế là để phá nát, phá tan gia sản? Tại sao có đứa con vừa sinh ra thì gia đình được hoạnh phát, hoạnh tài; ngược lại, có đứa vừa sinh ra thì gia đình bị lửa cháy, bị trôi sông, bị vua xử phạt, bị lụn bại, làm ăn thất bát?

Ôi! Thật là quá nhiều câu hỏi. Do nhờ đã biết, đã thấy, lại có tuệ phân tích thiện xảo, lợi tài – tôn giả Sāriputta từ từ, điềm đạm... từng điểm một, từng điểm một giải thích cho hội chúng nghe. Cũng là ái luyến, nhưng bây giờ phải đi sâu hơn về nhân quả nghiệp báo liên hệ một đời, hai đời, từ nhiều đời. Lại còn phải đan xen quả ngọt, quả đắng, quả chua, quả chát, quả xanh, quả chín mọng, quả non, quả già, quả nguyên vẹn, quả sâu đục, quả dơi ăn, quả gió bão rụng rơi... Như thế là tôn giả phải giải thích thêm, từ nhân, duyên đến quả - thật không đơn giản chút nào! Nhân thì có vô lượng nhân! Duyên cũng có vô lượng duyên! Quả cũng có vô lượng quả! Do hội chúng con sơ cơ và sơ căn; vả lại, sở kiến, sở văn cũng không được bao nhiêu – nên tôn giả nêu thí dụ là chính. Thí dụ nào cụ thể, giản dị mà ai cũng có thể thấy được, biết được, hoặc từ đó mà tác ý, tư duy được. Ví dụ, tôn giả nói, quý vị tưởng nhân sinh quả sao? Đâu đơn giản vậy! Một hạt lúa sinh ra cây lúa sao? Đâu dễ dàng như thế! Thử xem nào? Nếu hạt lúa gieo trên đá? Hạt luá vừa gieo thì chim ăn, sâu đục, lửa cháy? Vậy thì cái nhân ấy còn cần có duyên. Duyên còn có duyên thuận, duyên nghịch. Thuận thì khả thể, nghịch thì không thể. Thuận, ví như ý niệm gieo trồng, hạt giống tốt, đất, nước, ánh sáng, phân, công chăm sóc, thời gian, thời tiết ... Tất cả duyên ấy cọng lại thì đã thành quả chưa, gặt hái lúa được chưa? Xin thưa, chưa chắc! Tại sao vậy? Vì nước phải vừa đủ, phân phải vừa đủ, ánh sáng vừa đủ, thời tiết thuận lợi... thì quả mới chắc thành. Nghịch lại, nghịch duyên hoặc thiếu một vài yếu tố, điều kiện cần và đủ thì cho dù có nhân, có duyên thì quả cũng không thành!

- Nói tóm lại – tôn giả Sāriputta kết luận – Ái luyến, nhưng ái luyến ấy đan xen nhân quả nghiệp báo khá phức tạp; ngoài các bậc có tuệ nhãn quang minh, có đầy đủ thắng trí mới biết, mới thấy được vài phần. Chỉ đức Chánh Đẳng Giác mới biết rõ, thấy rõ toàn phần! Vậy, chư vị chỉ cần gieo nhân tốt, tạo duyên lành từ suy nghĩ, hành động, nói năng – thì mai kia sẽ gặt hái được quả ngọt, trái lành – không khó khăn lắm đâu!

Cuối thời pháp thoại, chợt có một ông lão quắc thước, nét mặt buồn buồn, ăn mặc sang trọng trông như một thương gia, đứng dậy xin phát biểu:

- Thưa tôn giả! Tôi là Kukkuṭṭa, là người bạn già của trưởng giả Ghosaka, đã vài lần được nghe pháp tại Kỳ Viên. May mắn và vinh hạnh thay cho đất nước Vamsā và kinh hành Kosambī, hôm nay được đức Thế Tôn và vị tôn giả đệ nhất đại đệ tử đặt chân đến! Còn may mắn và vinh hạnh hơn thế nữa là nghe được thời pháp nói về ái luyến một cách rất hiện tiền, cụ thể, phong phú và sống động của đức Thế Tôn và tôn giả. Quả thật, chúng tôi đã được rửa tai cho thông, đã được rửa mắt cho sáng! Tuy nhiên, tôi lại là kẻ may mắn và hạnh phúc đệ nhất trong hội chúng này! Tại sao thế? Vì rằng, tôi đã được nghe những thời pháp tương tự từ các vị trưởng lão Vappa, trưởng lão Yasa, trưởng lão Kāḷudāyi tại Kỳ Viên và ở tại Kosambī này, trong khu lâm viên của trưởng giả Ghosaka (Ghositārāma)!

Ngưng hơi một lát, ông lão xin được ngồi xuống để tiếp tục câu chuyện khá dài - rồi nói:

- Tôi có một câu chuyện, thưa tôn giả! Một câu chuyện về gia đình, buồn, rất buồn, rất đau xót, rất thương tâm... về cái sợi dây ái luyến kia! Ở Kosambī này, nếu nói về danh vọng, địa vị, giàu sang... thì tôi tương tợ một người, ấy là bạn tôi, trưởng giả phú hộ Pāvārika; và chỉ thua sút một người, đó là trưởng giả phú hộ Ghosaka! Tôi có ba bà vợ đẹp người, đẹp nết nhưng chẳng bà nào có con! Nghĩ đến gia sản cự phú mai hậu không có người thừa kế, tôi rất buồn, rất sầu não. Tôi đã đi cúng tế đền cao, miếu thấp; và cả hàng ngàn, hằng vạn súc vật làm lễ tế, vật tế... từng thúng vàng, thúng bạc ra đi... để cầu tự - nhưng vẫn chẳng được một mụn con nào! Đến tuổi năm mươi, tôi lấy thêm bà vợ thứ tư! Và đùng một cái, cả thảy bốn bà đều sinh con, và đều là con trai! Ôi, sung sướng xiết bao? Được ân sủng của thần linh như thế này thì bán cả gia tài để tri ân cũng xứng đáng! Cả bốn bé trai chỉ hơn nhau mỗi đứa mấy tháng, và đứa nào cũng bụ bẫm, mũm mĩm, hồng hào, ngời sáng, lớn nhanh như thổi! Và có điều kỳ lạ, là từ khi có chúng, việc làm ăn không còn thuận lợi nữa, cứ thua lỗ luôn! Được bạn bè khuyến khích, an ủi – nào là, được cái này thì mất cái kia; nào là hãy làm phước đi, bố thí đi, tạo nhân lành tốt thì quả sẽ tốt. Nghĩ cuộc đời cũng lạ, khi làm ăn thuận lợi, tiền bạc vô như nước lại không nghĩ chuyện bố thí, cúng dường – nhưng khi thua lỗ, thất bát mới nghĩ đến chuyện tích phước cho mai sau. Mấy lần tôi đến Kỳ Viên nghe pháp cũng vì vậy. Tôi nghĩ, mình phải tích phước cho bốn đứa con trai...

Nói đến ngang đây, lão triệu phú đưa mắt nhìn khắp hội chúng - rồi tiếp:

- Không có trưởng lão Yasa, Vappa, Kāḷudāyi; nhất là trưởng lão Kāḷudāyi ở đây để chúng thực cho lời nói của tôi! Một thời, các vị trưởng lão ấy có đến an cư ở Ghositārāma; và tôi thường xuyên đến nghe pháp và cúng dường. Năm đó, bắt đầu thấm thía về giáo pháp, tôi xin quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới cấm dưới chân trưởng lão Kāḷudāyi; và tôi bắt đầu bỏ chuyện ăn chơi nhảm nhí, bắt đầu rời xa dần những việc cho giết mổ, cúng tế súc vật, xa dần những ý nghĩ xấu ác ở trong đầu! Đùng một cái, đứa con trai lớn tuổi nhất, chín tuổi, đẹp tướng, thông minh, sáng dạ... bị bạo bệnh, chết một cách đột ngột! Cũng nhờ hiểu biết giáo pháp, hiểu sơ về nhân quả nên tôi vượt qua nỗi buồn khổ khá nhanh. Thời gian sau, tôi sửa sang, chỉnh trang một khu lâm viên với mong ước, chư khách tăng lui tới Kosambī có chỗ để an cư. Tiếp theo, đứa con thứ hai của tôi chết do trúng gió bất ngờ. Đau khổ quá, tôi đến quỳ bên chân trưởng lão Kāḷudāyi:

- Chết tôi rồi, ngài sa-môn ơi! Khi tôi bắt đầu thọ quy giới, tu tập đàng hoàng thì thằng con trai thứ nhất chết! Cố gắng tu tập nữa – thì thằng con trai thứ hai chết! Như vậy thì thà rằng đừng tu tập còn hơn! Nhân quả nghiệp báo ngài dạy, thế là bất minh rồi, thế là đi lộn ngược đầu rồi! Ngài phải đền trả hai con lại cho tôi!

Khi tôi khóc lóc, đòi nợ - thì lạ lùng làm sao, trưởng lão lại mỉm cười, nói như sau:

- Trái lại, tôi mừng cho ông, này ông cận sự Nam! Tôi sẽ vén mở bức màn khói sương quá khứ cho ông thấy. Đứa con thứ nhất của ông, một kiếp trước là em ruột của ông! Trước lúc cha mẹ ông mất có để lại một gia tài, nhưng ông muốn “thủ” một mình nên tìm cách vu oan giá họa cho em vào tội âm mưu phản nghịch triều đình có nhân chứng, có vật chứng hẳn hoi. Thế là em ông bị tội tù, sau lại bị đóng dấu lên trán rồi đày ra biên ải làm nhân công khổ sai. Do nhờ cuối đời, ông thường xuyên bố thí cúng dường cho các sa-môn, đạo sĩ, trong đó có khá nhiều vị ẩn sĩ thanh tịnh - nên nhiều đời kiếp vẫn được giàu sang, các nghiệp ác cũ chưa đủ duyên để trả quả! Đứa em kia, sinh lại làm con ông, khi sinh ra, tiền bạc của ông bị suy giảm, đấy là dấu hiệu, nhưng chưa quan trọng. Chính nó đến là cố ý trả thù ông, làm cho ông tán gia bại sản, đưa ông vào tù tội để lấy lại gia tài. Nhưng nhờ ông tu tập chơn chánh, thọ trì quy giới, bố thí cúng dường – còn do phước báu quá khứ còn năng lực - nên cậu em trai, do nghiệp xui, không thể báo thù được nên đành phải ra đi! Đấy! Không là điều đáng mừng sao!

Đến ngang đây thì hội chúng đồng “Ồ” lên một tiếng, nửa lạ lùng, ngạc nhiên; nửa như nhìn ra vấn đề: “ Trong sợi dây ái luyến này có ẩn mầm oan trái - thật là kinh khiếp!”

Vị trưởng giả vẫn bình tĩnh tiếp tục câu chuyện:

- Rồi đứa con trai thứ hai – ngài trưởng lão Kāḷudāyi vén mở bức màn quá khứ, cũng tương tợ vậy. Rằng là một kiếp nọ, tôi làm chủ một gia đình cự phú khi còn rất trẻ, mọi công việc trong ngoài tôi giao phó cho một người quản gia – là người cháu ruột, con ông anh của tôi. Suốt mười năm, nhờ tài giỏi của người cháu, và cũng nhờ bóc lột lớp nhân công nô lệ, tài sản của tôi vào như nước. Tôi hứa tặng cho nó một gia sản xứng đáng là một dinh thự, một ngôi vườn với đầy đủ tôi trai, tớ gái cùng với gia súc mỗi thứ 100 con. Nhưng tôi cứ hẹn mãi, hẹn hoài. Gần mười năm rồi mà vẫn còn hẹn do tiếc của, do lòng tham không đáy muốn lợi dụng người! Đùng một cái, một trận dịch tràn qua, nó chết với hai bàn tay trắng! Kiếp này, nó sinh lại làm con của tôi để đòi nợ gia tài! Nhưng do phước báu quá khứ vẫn còn bảo trợ, do nhờ phước đức tu tập hiện tiền bảo trợ - nó đến đòi nợ nhưng không hội đủ nhân duyên và điều kiện nên nó phải ra đi – Nhân quả nghiệp báo tuy lạnh lùng nhưng rất công minh, trung chính - tại sao ông thiện Nam lại dám bảo là bất minh? 

Sau câu chuyện, hội chúng im lặng như tờ. Lát sau, ông trưởng giả mới kết luận:

- Thưa tôn giả, chư Tăng và hội chúng! Tôi đã thấm thía những bài học của cuộc đời! Tóc tôi đã bạc, tấm thân đất nước lửa gió tôi đã chuẩn bị sẵn sàng trả lại cho đất nước lửa gió. Tôi không còn ham hố, cưu mang gì nữa. Bây giờ chỉ việc tu thôi. Hãy lấy trí tuệ của giáo pháp để soi đường! Hãy lấy tấm lòng yêu thương mà sống với gia đình, vợ con, bằng hữu, thôn lân, tổ quốc.. Hãy bố thí, cúng dường đến giáo hội của đức Tôn Sư, các đạo sĩ, du sĩ, ẩn sĩ. Hãy nhường cơm xẻ áo đến những kẻ đói nghèo nơi này và nơi khác! Tôi còn hai đứa con trai, nhưng cũng chưa rõ vì duyên hay vì nợ! Việc ấy đối với tôi, bây giờ, không còn quan trọng nữa! Cứ để cho nhân quả nó làm việc, nó làm việc vô cùng công minh và trung chính! Vô lượng tri ân Tam Bảo, ngọn đèn chiếu soi bất tử giữa cuộc đời, giữa trần gian khổ não này!

Ông lão nói xong, hướng về tôn giả Sāriputta và chư Tăng, quỳ lạy với năm vóc sát đất. Cả hội chúng đồng thanh cất tiếng “ Sādhu, sādhu”!

 

Hết tập 2

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn