(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Ngũ Giới Đem Lại Sự An Lành

06 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 9455)


Nền Tảng Phật Giáo 
Quyển III (Hành giới)

Soạn giả: Tỳ khưu Hô Pháp


Ngũ Giới Đem Lại Sự An Lành


Ngũ giới có tầm quan trọng trực tiếp đem lại sự an lành đến cho mình nói riêng, đến cho mọi chúng sinh nói chung. Tầm quan trọng của ngũ giới trong sạch và trọn vẹn đem lại sự an lành tuỳ theo địa vị mỗi người trong đời.

Nếu người ấy là một Đức vua có giới, thì trong toàn xứ sở có mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thanh bình thịnh vượng, thần dân thiên hạ đều sống an cư lạc nghiệp…

Sự tích tiền kiếp Đức Bồ Tát gọi Karudhammajātaka([1]), được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Đức Thế Tôn thuyết sự tích tiền kiếp của Ngài khi còn là Đức Bồ Tát rằng:

Trong thời quá khứ, Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya trị vì kinh thành Indapattha trong vùng Karu. Đức vua Bồ Tát hành pháp karu (karudhamma) “tên gọi của ngũ giới”, và có 10 người hành theo Đức Bồ Tát, giữ gìn karudhamma (ngũ giới) trong sạch đó là:

1- Mẫu hậu của Đức Bồ Tát.

2- Chánh cung Hoàng hậu của Đức vua.

3- Hoàng đệ - Đức phó vương.

4- Vị Bàlamôn quân sư của Đức vua.

5- Vị quan đo điền thổ.

6- Người đánh xe ngựa của Đức vua.

7- Phú hộ trong thành.

8- Vị quan trông coi kho thóc gạo.

9- Người đóng cửa thành.

10- Cô kỹ nữ trong thành Indapattha.

Đức vua Bồ Tát lập ra trại bố thí vật thực và đồ dùng tại 6 nơi: 4 cửa thành, trung tâm kinh thànhtrước cửa cung điện Đức vua. Đức Bồ Tát là người rất hoan hỷ trong sự bố thí ba-la-mật. Mỗi ngày, đem của cải trị giá 600.000 (sáu trăm ngàn) phân phát tại 6 trại bố thí, cho mọi người nghèo khổ, đói khát, người đi đường.

Đức vua Bồ Tát trị vì kinh thành Indapattha mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Thời ấy, Đức vua Kāliṅga trị vì kinh thành Dantapura trong vùng Kāliṅga. Vùng Kāliṅga gặp cơn hạn hán, trời không mưa, nên mùa màng không cày cấy trồng trọt gì được, dân chúng thiếu ăn; còn sinh ra 3 nạn: Nạn đói khát, nạn dịch bệnh nạn cướp bóc. Dân chúng trong vùng kéo đến kinh thành, đứng trước cung điện Đức vua kêu la, than khóc xin Đức vua cứu giúp.

Đức vua Kāliṅga truyền hội các quan cận thần bèn hỏi:

– Này các quan, có chuyện gì xảy ra?

Các quan tâu rằng:

– Tâu Bệ hạ, trong xứ sở của Đức vua gặp cơn hạn hán, trời không mưa, nên mùa màng không cày cấy trồng trọt gì được, dân chúng thiếu ăn, còn sinh ra 3 nạn: Nạn đói khát, nạn dịch bệnh và nạn cướp bóc. Dân chúng trong vùng kéo đến kinh thành, đứng trước cung điện Đức vua kêu la, than khóc xin Đức vua cứu giúp, cầu xin Đức vua làm cho mưa thuận gió hòa.

Đức vua bèn truyền lệnh hỏi các quan rằng:

– Này các quan, các đời Vua trước làm cách nào để cho mưa thuận gió hòa?

Các quan tâu rằng:

– Tâu Bệ hạ, các đời Vua trước, khi trời mưa không thuận gió không hòa, thì Đức vua đem của cải ra bố thí, nguyện thọ giới, nằm trên giường không lát nệm bông suốt 7 ngày, trời sẽ mưa.

Đức vua làm theo lời thỉnh cầu của các quan cận thần, nhưng trời vẫn không chịu mưa. Đức vua bèn hỏi các quan rằng:

– Này các quan, Trẫm nên làm thế nào để cho trời mưa?

Các quan tâu rằng:

– Tâu Bệ hạ, ở kinh thành Indapattha, Đức vua Dhanañcayakorabya có con voi báu tên là Añjanavaṇṇa, nếu Bệ hạ có được voi báu ấy, thì trời ắt phải mưa.

Đức vua truyền lệnh hỏi rằng:

– Này các quan, làm thế nào để chúng ta có được con voi báu ấy?

Các quan tâu rằng:

– Tâu Bệ hạ, chúng ta không thể chiến thắng Đức vua Dhanañcayakorabya bằng sức mạnh, Đức vua ấy là bậc thiện trí cao thượng, hoan hỷ bố thí đến người thọ thí theo nhu cầu; dù người ta muốn xin ngôi Vua, Đức vua cũng truyền ngôi lại cho; dù muốn xin đôi mắt, Đức vua cũng móc mắt ra cho; dù muốn xin sinh mạng, Đức vua cũng cho sinh mạng được. Vậy huống gì xin con voi báu chỉ là chuyện nhỏ. Chúng ta sẽ đến xin voi báu ấy, chắc chắn Đức vua sẽ ban cho chúng ta ngay.

Đức vua truyền hỏi rằng:

– Này các quan, bây giờ ai là người có thể đi đến xin con voi báu ấy được?

Đức vua phái nhóm 8 vị Bàlamôn đi xin voi báu. Nhóm 8 vị Bàlamôn đến kinh thành Indapattha dò hỏi để biết Đức vua ngày nào sẽ ngự đến trại bố thí. Dân chúng cho biết Đức vua thường ngự đến trại bố thí mỗi tháng 6 ngày: 8 - 14 - 15 - 23 - 29 - 30. Ngày hôm sau nhằm vào ngày rằm (ngày 15), Đức vua sẽ ngự đến trại bố thí. Nhóm 8 vị Bàlamôn vội đến trước cửa thành phía Đông chờ đợi từ sáng sớm. Đức vua ngự trên voi báu trang điểm đầy đủ đồ trang sức, vòng vàng, ngọc quý. Khi Đức vua ngự đến phía Đông, tự tay Đức vua bố thí đến cho 7 - 8 người xong, rồi truyền lệnh cho các quan làm phận sự bố thí. Đức vua cỡi lên voi báu ngự đến cửa thành phía Nam. Vì các quan theo hầu đông đảo, nên nhóm 8 vị Bàlamôn không thể đến gần Đức vua được. Nhóm 8 vị Bàlamôn vội đến cửa thành phía Nam đứng chờ đợi. Khi Đức vua đến, nhóm 8 vị Bàlamôn chắp tay chúc tụng Đức vua rằng:

– Cầu xin Đại vương sống trường thọ.

Đức vua nghe vậy, liền giục voi báu đến gần nhóm 8 vị Bàlamôn bèn hỏi rằng:

– Này các vị Bàlamôn, các vị muốn được gì?

Nhóm 8 vị Bàlamôn ca tụng ân đức của Đức vua bằng câu kệ trằng:

Muôn tâu Đại vương, bậc cao thượng.

Người có tâm đại bi vô lượng,

Có tâm thiện hoan hỷ bố thí.

Chúng hạ thần kính xin Đại vương.

Ban voi báu hạnh phúc an lành,

Đem về xứ sở Ka-lin-ga,

Để thần dân thoát khỏi tai hại.

Chúng hạ thần dâng số vàng này.

Đức vua Bồ Tát nghe như vậy, truyền dạy cho an tâm rằng:

– Này các vị Bàlamôn, nếu các ngươi dâng vàng để đổi lấy voi báu này, thì thật là việc làm không hợp lẽ chút nào. Trẫm sẽ ban cho voi báu này cùng với đồ trang sức của nó, và người nài voi tài giỏi này. Con voi báu này là vật xứng đáng dành cho Đức vua làm phương tiện.

Đức vua ngự xuống voi, đi vòng quanh xem xét mọi đồ trang sức đầy đủ, sau đó, Đức vua Bồ Tát cầm lấy vòi voi đặt lên bàn tay nhóm 8 vị Bàlamôn, rồi lấy bình nước bằng vàng đựng đầy nước thơm rót từ trên vòi voi chảy xuống tay Bàlamôn rơi xuống đất, gọi là làm lễ bố thí voi báu,cùng người nài voi tài giỏi và cả nhóm tùy tùng đến cho nhóm 8 vị Bàlamôn.

Nhóm 8 vị Bàlamôn dẫn voi báu, người nài voi tài giỏi và đoàn tùy tùng trở về kinh thành Dantapura, để dâng lên Đức vua Kāliṅga. Bây giờ đã có voi báu, nhưng trời vẫn không chịu mưa, nên Đức vua Kāliṅga bèn hỏi các quan rằng:

– Này các quan, Trẫm nên làm thế nào nữa, để cho mưa thuận gió hòa, để dân chúng sống no đủ thái bình an lạc.

Các quan tâu rằng:

– Tâu Bệ hạ, Đức vua Dhanañcayakorabya là bậc thiện trí giữ gìn karudhamma (ngũ giới). Chính do nhờ thiện pháp ấy, nên trong nước mưa thuận gió hòa, dân giàu nước mạnh, thái bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp. Đó chắc chắn là do oai lực của pháp karu (ngũ giới) trong sạch của Đức vua. Con voi báu này không có oai lực bằng pháp karu (ngũ giới).

Nghe các quan tâu như vậy, Đức vua liền truyền lệnh các quan đem voi báu cũng như người nài voi tài giỏi và tất cả nhóm tùy tùng dâng trở lại cho Đức vua Dhanañcayakorabya, rồi kính xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) trên tấm biển vàng đem về. Đức vua phái nhóm Bàlamôn và các quan đi đến kinh thành Indapattha, chầu Đức vua Dhanañcayakorabya, xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) đem về thực hành theo.

Pháp Karu Là Tên Gọi Của Ngũ Giới

1- Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya giữ gìn pháp karu

Các quan cận thần của Đức vua Kāliṅga và nhóm Bàlamôn đến kinh thành Indapattha vào chầu Đức vua Dhanañcayakorabya dâng trở lại voi báu, người nài voi tài giỏi và nhóm tùy tùng, rồi kính tâu lên với Đức vua rằng:

– Muôn tâu Đại vương, trong nước chúng hạ thần, khi đem voi báu trở về, trời vẫn hạn hán không có mưa, được biết Đại vương là bậc giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch, Đức vua của hạ thần muốn giữ gìn pháp karu (ngũ giới), nên phái chúng hạ thần đến kính xin Đại vương cho ghi chép pháp karu (ngũ giới) trên tấm biển vàng này đem về dâng cho Đức vua của chúng hạ thần để thực hành. Kính xin Đại vương mở lòng từ bi ban cho pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần.

Đức vua Bồ Tát dạy rằng:

– Này các ngươi, Trẫm có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ Trẫm rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của Trẫm. Do đó, Trẫm không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Theo lệ thường, cứ 3 năm tổ chức lễ một lần, các quan đều hội họp đông đủ, mỗi đời Đức vua đều đóng vai chư thiên đứng trên cung điện Yakkha tên Cittarāja bắn cây tên được trang điểm bằng các thứ hoa từ 4 phương; cũng như vậy, khi Trẫm cầm cây cung đứng trên cung điện Yakkha Cittarāja, gần mặt hồ nước, bắn mũi tên đến bốn phương, Trẫm thấy rõ 3 mũi tên theo 3 hướng, còn một mũi tên rơi xuống hồ nước, cho nên Trẫm ái ngại rằng:

– Không biết mũi tên của Trẫm rơi xuống nước có đụng phải con cá nào hay không?.

Khi niệm tưởng đến giới mà Trẫm đang giữ gìn, Trẫm e ngại rằng:

– Trẫm có phạm điều giới sát sinh hay không?”.

Vì vậy, Trẫm không hài lòng pháp karu (ngũ giới) của mình, Trẫm xin giới thiệu đến Mẫu hậu của Trẫm, người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi Mẫu hậu của Trẫm.

Các sứ giả đều tâu rằng:

– Tâu Đại vương, Đại vương không có tác ý sát sinh, thì không thể gọi là phạm điều giới sát sinh được. Vậy kính xin Đại vương từ bi ban cho pháp karu (ngũ giới), mà Đức đại vương đã giữ gìn cho chúng hạ thần.

Đức vua Bồ Tát truyền dạy rằng:

– Nếu vậy các ngươi hãy ghi chép.

Các sứ giả đem tấm biển vàng ra ghi chép:

Pāṇo na hantabbo: Không nên sát sinh.

Adinnaṃ nādātabbaṃ: Không nên trộm cắp.

Kāmesu micchā na caritabbaṃ: Không nên tà dâm với vợ hoặc chồng người khác.

Musā na bhanitabbaṃ: Không nên nói dối.

Majjaṃ na pātabbaṃ: Không nên uống rượu và các chất say.

Đức vua Bồ Tát dạy:

– Mặc dù vậy, Trẫm vẫn chưa hài lòng, Trẫm xin giới thiệu đến Mẫu hậu của Trẫm là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi Mẫu hậu của Trẫm.

2- Mẫu hậu của Đức vua giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến hầu Mẫu hậu của Đức vua bèn tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng thái hậu, chúng con được biết rằng Bà giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin Bà mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng con.

Hoàng thái hậu truyền dạy rằng:

– Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Ta có hai Hoàng tử, Hoàng tử trưởng là Chánh vương, và Hoàng tử thứ là Phó vương. Một lần có một Đức vua ở nước lân bang, gửi đồ cống hiến Đức vua Chánh vương của ta một lõi trầm thơm giá trị 100.000 (một trăm ngàn) đồng kahāpana, và một nhánh hoa bằng vàng giá trị 1.000 (một ngàn) đồng kahāpana. Đức vua Chánh vương đem hai món quà ấy dâng cho ta. Ta nghĩ rằng: Lõi trầm ta cũng không thoa và nhánh hoa vàng ta cũng không trang điểm, ta nên đem cho hai nàng dâu của ta.

Ta đem nhánh hoa bằng vàng có giá trị ít cho nàng dâu trưởng là chánh cung Hoàng hậu của Hoàng tử trưởng Chánh vương; và đem lõi trầm có giá trị cao hơn cho nàng dâu thứ là vợ của Hoàng tử thứ, Phó vương.

Khi ta đem cho xong, nghĩ lại ta là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) lẽ ra ta không nên có tâm thiên vị nàng dâu nào giàu, nàng dâu nào nghèo; ta nên nghĩ đến địa vị lớn nhỏ. Đúng ra, vật có giá trị cao ta nên cho nàng dâu trưởng, ta đã không làm như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không?”

 Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi.

Các sứ giả tâu rằng:

– Tâu Thái hậu, của cải của mình muốn cho đến ai tùy theo mình, điều ấy không làm cho giới bị ô nhiễm. Vậy xin Bà từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng con.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi Thái hậu của Đức vua trên tấm biển vàng xong, Bà truyền dạy rằng:

– Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến nàng dâu trưởng là chánh cung Hoàng hậu của Hoàng tử Chánh vương, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi nàng dâu trưởng của ta.

3- Chánh cung Hoàng hậu của Đức vua giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến hầu chánh cung Hoàng hậu tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng hậu, chúng hạ thần được biết chánh cung Hoàng hậu giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin chánh cung Hoàng hậu mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần.

Chánh cung Hoàng hậu truyền dạy rằng:

–  Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một hôm, ta đứng trên bao lơn cung điện, nhìn thấy Đức chánh vương ngồi trước, Đức phó vương ngồi sau trên lưng voi đang ngự ra khỏi thành, ta trộm nghĩ thầm rằng: Ta nên thân cận Đức phó vương này, khi Đức chánh vương băng hà; Đức phó vương lên ngôi Chánh vương sẽ có lòng ưu ái đến ta. Sau đó, ta cảm thấy hổ thẹn tội lỗi, vì ta là người hành pháp karu (ngũ giới), Đức vua phu quân của ta vẫn còn sống, ta lại trộm nghĩ đến một người đàn ông khác, như vậy giới của ta có bị ô nhiễm hay không?”.

Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi.

Các sứ giả tâu rằng:

– Tâu Hoàng hậu, chỉ có suy nghĩ ở trong tâm, không thể phạm điều giới tà dâm được. Vì vậy, kính xin chánh cung Hoàng hậu từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi chánh cung Hoàng hậu của Đức vua trên tấm biển vàng xong, Hoàng hậu truyền dạy rằng:

– Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến Đức phó vương, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi Đức phó vương ấy.

4- Đức phó vương - Hoàng đệ của Đức vua giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến hầu Đức phó vương tâu rằng:

– Muôn tâu Đức phó vương, chúng hạ thần được biết Đức phó vương giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin Đức phó vương mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần.

Đức phó vương dạy rằng:

– Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một buổi chiều, ta đến chầu Đức chánh vương bằng xe ngựa, ta nghĩ, khi đến chầu Đức hoàng huynh xong, sẽ xin cáo lui trở về. Nhưng khi đến chầu xong, lại gặp phải cơn mưa lớn có sấm sét, Đức hoàng huynh ngăn cản không cho ta về, nên ta phải nghỉ đêm tại cung điện. Phần người lái xe và đoàn người tùy tùng nghĩ rằng: ‘Đức phó vương sẽ trở về, nên chờ đợi suốt đêm đến sáng’. Sáng ngày hôm sau, ta xin phép ra về, khi ra đến cửa, ta thấy người lái xe và đoàn người tùy tùng đứng chờ suốt đêm, bị trời mưa ướt phải chịu cực khổ, ta cảm thấy ân hận và thương cảm cho người lái xe và đoàn người tùy tùng. Ta nghĩ, ta là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) mà làm khổ người khác như vậy, giới của ta có bị ô nhiễm hay không?”

Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi.

Các sứ giả tâu rằng:

– Muôn tâu Đức phó vương, Đức phó vương không cố ý làm khổ người khác, còn giới của Đức phó vương không hề bị ô nhiễm một điều giới nào cả. Vậy, kính xin Đức phó vương từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi Đức phó vương trên tấm biển vàng xong, Đức phó vương truyền dạy rằng:

– Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến vị Bàlamôn quân sư của Đức vua, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi vị quân sư ấy.

5- Vị Bàlamôn quân sư của Đức vua giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến hầu vị quân sư Bàlamôn tâu rằng:

– Thưa quân sư, chúng thần được biết quân sư giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin quân sư mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần.

Vị Bàlamôn quân sư dạy rằng:

– Này các ngươi, ta có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ ta rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của ta. Do đó, ta không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho các ngươi.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một hôm, ta đến chầu Đức vua, trên đường đi ta thấy một chiếc xe mới xinh đẹp, được biết chiếc xe ấy của Đức vua lân bang đem đến cống hiến Đức vua Dhanañcayakorabya. Ta thầm nghĩ rằng: ‘Ta đã già rồi, nếu được Đức vua ban chiếc xe này cho ta; ta sẽ dùng chiếc xe này làm phương tiện đi lại chầu Đức vua thì tốt biết dường nào!’.

Khi ta vào chầu Đức vua, sứ giả tâu cống hiến chiếc xe lên Đức vua. Đức vua khen ngợi chiếc xe rất xinh đẹp, rồi truyền dạy rằng:

– Này sứ giả, các ngươi nên cống hiến chiếc xe xinh đẹp này đến vị Bàlamôn quân sư khả kính của ta.

Ban đầu ta không chịu nhận, nhưng Đức vua khẩn khoản mãi ta mới chịu nhận. Vì ta là vị quân sư giữ gìn pháp karu (ngũ giới), sao lại phát sinh tâm tham muốn trong của cải của người khác, như vậy giới của ta có bị ô nhiễm hay không?”.

Vì vậy, ta ái ngại không muốn ban pháp karu (ngũ giới) cho các ngươi.

Các sứ giả bạch rằng:

– Thưa quân sư, tâm nghĩ tham muốn của cải người khác, thì chưa phạm điều giới được. Bởi vì phạm điều giới phải do thân và khẩu. Vậy, kính xin quân sư từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng hạ thần.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi vị quân sư trên tấm biển vàng xong, vị quân sư truyền dạy rằng:

– Mặc dù vậy, ta vẫn chưa hài lòng, ta xin giới thiệu đến vị quan đo điền thổ của Đức vua, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các ngươi hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ vị quan ấy.

6- Vị quan đo điền thổ của Đức vua giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến hầu vị quan đo điền thổ thưa rằng:

– Thưa quan đo điền thổ, chúng tôi được biết ông giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin ông mở lòng từ bi ban pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Vị quan đo điền thổ bảo rằng:

– Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn ban pháp karu (ngũ giới) đến cho quý vị.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một hôm, tôi có phận sự đo điền thổ ở tỉnh ngoài, tôi lấy sợi dây cột vào hai đầu cây, người chủ đất cầm một đầu, còn tôi cầm một đầu. Khi tôi giăng dây để đo đất, đầu cây của tôi nhằm ngay vào hang con cua, tôi nghĩ rằng: ‘Nếu tôi cắm cây ngay vào hang con cua, thì có thể làm con cua chết; nếu tôi cắm cây tránh quá hang con cua, thì bị thâm lạm đất nhà nước; nếu tôi cắm cây trước hang con cua, thì thiếu hụt đất của chủ điền. Tôi nghĩ nếu trong hang này có con cua, thì tôi đã thấy nó, tôi đã xem xét không nhìn thấy con cua nào, có lẽ nó đã bỏ hang đi rồi. Khi tôi cắm cây nhằm ngay vào hang cua, tôi lắng nghe có tiếng kêu, và nghĩ có lẽ tôi đã cắm cây đụng phải con cua bị đau, nhưng tôi không biết con cua sống chết thế nào, như vậy, giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”.

Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị.

Các sứ giả thưa rằng:

– Thưa vị quan đo điền thổ, Ngài không có tác ý sát sinh, dù con cua có chết hay không Ngài cũng không phạm điều giới sát sinh. Vậy, xin Ngài từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi vị quan đo điền thổ trên tấm biển vàng xong, vị quan đo điền thổ khuyên rằng:

– Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu người đánh xe ngựa của Đức vua, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Các người hãy đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ ông ấy.

7- Người đánh xe ngựa của Đức vua giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến gặp người đánh xe ngựa cho Đức vua thưa rằng:

– Thưa anh đánh xe ngựa, chúng tôi được biết anh giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin anh mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Người đánh xe ngựa thưa rằng:

– Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) đến cho quý ông.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một hôm, tôi đánh xe ngựa đưa Đức vua dạo chơi vườn thượng uyển. Đức vua mải ngắm cảnh, đến quá chiều Đức vua mới ngự lên xe hồi cung; xe đi được một đoạn đường, tôi nhìn thấy bầu trời mây kéo đen nghịt, báo hiệu trời sắp mưa, lo Đức vua sẽ bị mưa ướt, nên tôi dùng roi báo hiệu cho ngựa chạy nhanh về cung điện. Bắt đầu từ đó về sau, mỗi khi đến đoạn đường này, con ngựa vụt chạy nhanh với ý nghĩ nơi đoạn đường này có nguy hiểm, nên trước đây người lái xe đã báo hiệu cho chạy nhanh. Sự thật, hôm ấy trời mưa ướt hay không, chính tôi không có lỗi, thế mà tôi dùng roi ra hiệu cho ngựa chạy nhanh, tôi đã làm khổ con ngựa từ ngày ấy cho đến nay; tôi cảm thấy ân hận thương cảm cho con ngựa. Vì tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) không nên làm khổ chúng sinh khác, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”.

Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho các ông.

Các sứ giả nói rằng:

– Này anh lái xe ngựa, tâm của anh không nghĩ làm khổ đến con ngựa, còn giới của anh không phạm một điều nào cả. Vậy, xin anh từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi người đánh xe ngựa trên tấm biển vàng xong, người đánh xe ngựa khuyên rằng:

– Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu ông phú hộ, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi ông ấy.

8- Ông phú hộ ở kinh thành Indapattha, giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến gặp ông phú hộ thưa rằng:

– Thưa ông phú hộ, chúng tôi được biết ông giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin ông mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Ông phú hộ thưa rằng:

– Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) đến cho quý ông.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một hôm, tôi đi thăm ruộng của tôi, xem xét lúa sāli đến thời kỳ chín, có thể gặt được chưa. Trước khi trở về, tôi sai người cắt một nắm đem về, sau đó tôi nghĩ rằng: ‘Lúa ruộng của tôi chưa được đóng thuế cho nhà nước, nhưng tôi đã đem về một nắm lúa, mà tôi chưa đóng thuế’. Tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) lẽ ra, tôi phải đóng thuế lúa cho nhà nước xong rồi, phần lúa còn lại là phần của mình mới đem về nhà được, tôi đã vô ý, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”.

Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị.

Các sứ giả thưa rằng:

– Thưa ông phú hộ, ông không có tác ý trộm cắp, nên giới của ông không phạm gì cả, vậy xin ông từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi ông phú hộ trên tấm biển vàng xong, ông phú hộ khuyên rằng:

– Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu vị quan trông coi kho thóc gạo, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi vị quan ấy.

9- Vị quan trông coi kho thóc gạo của Đức vua, giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến tìm gặp vị quan trông coi kho thóc gạo của Đức vua rồi thưa rằng:

– Thưa quan trông coi kho thóc gạo, chúng tôi được biết ông giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin ông mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Vị quan trông coi kho thóc gạo thưa rằng:

– Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) đến cho các ông.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một hôm, tôi ngồi trước cửa kho, dùng thẻ để đếm lúa đem nạp vào kho thóc lúa nhà Vua. Trong khi đang đếm lúa, thì trời mưa; vì sợ trời mưa ướt lúa, tôi vội vàng sai người đong lúa đóng thuế nạp vào kho. Khi công việc xong rồi, tôi nghĩ lại rằng: ‘Trong khi vội vàng lỡ đếm nhầm, nếu thiếu lúa thì có hại cho nhà nước, hoặc nếu dư lúa thì có hại cho dân chúng’. Tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) mà không thận trọng trong phận sự của mình, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”.

Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị.

Các sứ giả thưa rằng:

– Thưa ông, ông không có tác ý gì, nên ông không thể phạm điều giới được. Vậy, xin ông từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi vị quan trông coi kho thóc gạo trên tấm biển vàng xong, vị quan ấy khuyên rằng:

– Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu người đóng cửa thành, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi ông ấy.

10- Người đóng cửa thành giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến gặp người đóng cửa thành thưa rằng:

– Thưa anh, chúng tôi được biết anh giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin anh mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Người đóng cửa thành thưa rằng:

– Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một hôm, đến giờ đóng cửa thành, tôi đã công bố lớn tiếng đến 3 lần; khi ấy, một người nghèo với một đứa em gái vào rừng tìm củi, cỏ xong, đang trên đường đi vào cửa thành. Hai anh em vội vàng chạy đến, cũng vừa đúng lúc đóng cửa thành. Tôi quở trách người nghèo ấy rằng:

– Anh không biết có Đức vua trong thành, anh không biết đến giờ đóng cửa thành hay sao! Mà anh ham vui dẫn vợ đi dạo chơi trong rừng mãi cho đến giờ này mới trở về?

Anh chàng nghèo ấy đáp rằng:

– Người con gái ấy là em của tôi, không phải là vợ.

Tôi nghĩ lại rằng: ‘Em gái của anh ấy mà ta nói là vợ’. Tôi là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới), tôi không biết rõ, nên nói lời không chân thật, tôi rất ân hận, như vậy giới của tôi có bị phạm hay không?”.

Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị.

Các sứ giả bảo rằng:

– Này anh đóng cổng thành, người nào nói theo sự hiểu lầm của mình, thì người ấy không gọi là phạm điều giới. Vậy, xin anh từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Sau khi các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi người đóng cửa thành trên tấm biển vàng xong, người ấy khuyên rằng:

– Mặc dù vậy, tôi vẫn chưa hài lòng, tôi xin giới thiệu cô kỹ nữ Vaṇṇadasī, là người giữ gìn pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn. Quý vị nên đến xin ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ nơi cô ấy.

11- Cô kỹ nữ trong kinh thành Indapattha, giữ gìn pháp karu

Các sứ giả đến gặp cô kỹ nữ Vaṇṇadasī rồi thưa rằng:

– Thưa cô, chúng tôi được biết cô giữ gìn pháp karu (ngũ giới). Kính xin cô mở lòng từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Cô kỹ nữ Vaṇṇadasī thưa rằng:

– Thưa quý vị, tôi có giữ gìn pháp karu (ngũ giới) thật, nhưng bây giờ tôi rất ái ngại pháp karu (ngũ giới) của tôi. Do đó, tôi không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị.

Nguyên do câu chuyện xảy ra như thế này:

“Một thuở nọ, để thử xem tôi có đức tin giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn hay không, Đức vua trời Sakka (Đế Thích) đã biến hóa thành một chàng trai trẻ đến tìm tôi và trao trước cho tôi một số tiền 1.000 đồng kahāpana, rồi bảo với tôi rằng:

– Hãy chờ tôi! Tôi sẽ trở lại.

Chàng trai trẻ ấy ra đi (hồi cung trời Tam Thập Tam Thiên), tôi đã chờ đợi suốt 3 năm ròng rã vẫn không thấy chàng trai trẻ ấy trở lại sống chung với tôi. Trong suốt thời gian 3 năm trường ấy, tôi không dám nhận tiền bạc của cải từ một người đàn ông nào khác, sợ rằng giới của mình bị phạm. Tôi phải chịu sống nghèo khổ túng thiếu, đến lúc tôi không thể nào tiếp tục chịu đựng kéo dài cuộc sống được nữa, nên tôi thưa trình chuyện này, nhờ tòa án phán xét. Khi tôi đến tòa trình bày rằng:

– Thưa quan tòa, xin tòa phán xét trường hợp của tôi như vầy: “Cách đây tròn đúng 3 năm, một chàng trai trẻ trao trước cho tôi số tiền 1.000 đồng kahāpana, rồi ra đi bảo tôi chờ đợi chàng sẽ trở lại. Tôi đã chờ đợi chàng trai trẻ ấy tròn đúng 3 năm rồi, mà vẫn không thấy chàng trai trẻ ấy trở lại tìm tôi, nên tôi không dám nhận tiền bạc của người đàn ông khác nữa, vì sợ bị phạm giới. Do đó, cuộc sống của tôi càng ngày càng túng thiếu, nghèo khổ; đến nay, tôi không thể tiếp tục chịu đựng kéo dài cuộc sống như vậy”. Kính xin tòa phán xét giải quyết hoàn cảnh của tôi thế nào cho được công minh.

Tòa phán xét rằng:

– Kể từ nay, nàng có thể nhận tiền bạc từ người đàn ông khác được.

Khi tòa phán xét xong, tôi vừa bước ra khỏi tòa, thì có một người đàn ông lại tìm tôi, trao cho tôi một số tiền 1.000 đồng kahāpana, tôi vừa đưa tay ra định nhận; nhưng chưa nhận, thì ngay khi ấy Đức vua trời Sakka (Đế Thích) hiện ra là một chàng trai trẻ cách đây đúng 3 năm về trước. Tôi vừa thấy chàng trai ấy, liền rút tay lui lại và kêu lên rằng:

– Chàng trai trẻ năm xưa đã đến rồi! Tôi không thể nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana của ông được, xin ông thông cảm!

Chàng trai trẻ ấy hóa trở lại thành Đức vua trời Sakka (Đế Thích) đứng trên hư không có hào quang sáng ngời, làm cho dân chúng trong thành đều vui mừng hớn hở.

Đức vua trời Sakka (Đế Thích) truyền dạy rằng:

– Cách đây đúng 3 năm, Trẫm đã biến hóa thành một chàng trai trẻ trao cho nàng kỹ nữ số tiền 1.000 đồng kahāpana, để thử lòng nàng kỹ nữ có giữ giới trong sạch hay không. Nay Trẫm đã biết rõ nàng kỹ nữ là người đã giữ giới trong sạch và trọn vẹn.

Đức vua trời Sakka (Đế Thích) khuyên mọi người giữ gìn ngũ giới trong sạch sẽ được nhiều quả báu lớn lao.

Sau đó, Đức vua trời Sakka (Đế Thích) ban phước lành cho tôi, trong nhà có đầy đủ 7 thứ báu vật và khuyên dạy rằng:

– Nàng nên giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, chớ nên dể duôi trong mọi thiện pháp, kể từ nay cho đến trọn đời, sau khi chết do nhờ thiện nghiệp giữ giới sẽ cho quả tái sinh lên cõi trời, thọ hưởng mọi sự an lạc cao quý ở cõi trời.

Như vậy, tôi đã nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana từ chàng trai, nhưng tôi chưa làm xong phận sự, lại còn đưa tay định nhận số tiền 1.000 đồng kahāpana từ một người đàn ông khác; tuy tôi đưa tay nhưng chưa nhận số tiền ấy, tôi vẫn ái ngại, như vậy giới của tôi có bị ô nhiễm hay không?”.

Vì vậy, nên tôi ái ngại không muốn truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho quý vị.

Các sứ giả thưa rằng:

– Thưa cô Vaṇṇadasī, như vậy, giới của cô không bị ô nhiễm, vẫn còn trong sạch và trọn vẹn. Vậy xin cô từ bi truyền lại pháp karu (ngũ giới) cho chúng tôi.

Các sứ giả ghi chép pháp karu (ngũ giới) nơi cô kỹ nữ trên tấm biển bằng vàng.

Các sứ giả của Đức vua Kāliṅga ở kinh thành Dantapura đã ghi chép pháp karu (ngũ giới) từ 11 vị đã giữ gìn trong sạch trên tấm biển vàng, rồi trở lại kinh thành Dantapura dâng tấm biển vàng ấy lên Đức vua Kāliṅga.

Đức vua Kāliṅga thực hành theo pháp karu (ngũ giới) trong sạch và trọn vẹn, thì trong xứ Kāliṅga của Đức vua được mưa thuận gió hòa, 3 tai nạn không còn nữa, trong nước thái bình thịnh vượng, dân giàu nước mạnh, dân chúng sống được an cư lạc nghiệp, cuộc sống được an lạc.

Phần Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya tiếp tục bồi bổ ba-la-mật bố thí, trì giới,v.v… cho đến trọn đời.

Đức vua Bồ Tát cùng những người trung tín sau khi chết, thiện nghiệp giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn cho quả đều được tái sinh lên cõi trời, được hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Đức Phật thuật lại câu chuyện tiền kiếp của Ngài, có số chúng sinh chứng đắc thành bậc Nhập Lưu, có số chúng sinh chứng đắc thành bậc Nhất Lai,... có số chúng sinh phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới.

Kiếp quá khứ liên quan đến kiếp hiện tại

1- Cô kỹ nữ Vaṇṇadāsī: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī.

2- Người đóng cửa thành: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Puññatthera.

3- Vị quan đo điền thổ: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Kaccayanatthera.

4- Vị quan trông coi thóc lúa: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Mahāmoggallānatthera.

5- Ông phú hộ kinh thành Indapattha: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Sāriputatthera.

6- Người lái xe ngựa của Đức vua: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Anuruddhatthera.

7- Vị Bàlamôn quân sư: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Mahākassapatthera.

8- Đức phó vương, Hoàng đệ của Đức vua: Kiếp hiện tại này là Đại đức Tỳ khưu Nandatthera.

9- Chánh cung Hoàng hậu của Đức chánh vương: Kiếp hiện tại này là Chánh cung Hoàng hậu Yasodharā, về sau xuất gia trở thành Tỳ khưu ni Yasodharātherī.

10- Mẫu hậu của Đức vua: Kiếp hiện tại này là Mẫu hậu Mahāmayādevī.

11- Đức vua Bồ Tát Dhanañcayakorabya: Kiếp hiện tại này chính là Như Lai (Đức Phật Gotama).

Như vậy, sự giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn có một tầm rất quan trọng đối với tất cả chúng sinh, có khả năng đem lại sự lợi ích lớn hoặc nhỏ tuỳ theo địa vị của mỗi người trong đời.

─ Nếu Đức vua là người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thì trong nước được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thần dân thiên hạ được no ấm an lạc, mọi người được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng.

─ Nếu người chủ gia đình là người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thì toàn thể những người trong gia đình được sống an lành hạnh phúc.

─ Nếu mỗi người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, thì chính người ấy đã tạo cho mình những thiện nghiệp ngũ giới; mà mỗi thiện nghiệp trở thành một pháp đại thí đối với tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng.

Như trong bài kinh Abhisandasutta(1), Đức Phật thuyết dạy về 5 loại đại thí như sau:

Năm loại đại thí ấy là thế nào?

1- Này chư Tỳ khưu, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự sát sinh, hoàn toàn tránh xa sự sát sinh.

Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự sát sinh, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (sinh mạng của tất cả chúng sinh), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình.

Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ nhất gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý.

2- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự trộm cắp, hoàn toàn tránh xa sự trộm cắp.

Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự trộm cắp, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (của cải người khác), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình.

Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ nhì gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý.

3- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự tà dâm, hoàn toàn tránh xa sự tà dâm.

Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự tà dâm, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (vợ, chồng, con cái của người khác), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình.

Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ ba gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý.

4- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự nói dối, hoàn toàn tránh xa sự nói dối.

Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự nói dối, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (không gây thiệt hại), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình.

Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ tư gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý.

5- Này chư Tỳ khưu, còn điều tiếp theo, trong Phật giáo này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử đã từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, hoàn toàn tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp.

Này chư Tỳ khưu, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử hoàn toàn tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp, gọi là bố thí sự vô hại, sự an toàn (không gây ra tai hại), bố thí sự không oan trái, bố thí sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng. Khi đã bố thí sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, sự không làm khổ đến tất cả mọi chúng sinh muôn loài vô lượng, thì vị ấy được hưởng sự vô hại, sự an toàn, sự không oan trái, vô lượng chúng sinh không làm khổ mình.

Này chư Tỳ khưu, đó là sự bố thí thứ năm gọi là đại thí cao quý, mà chư thiện trí, Samôn, Bàlamôn không bỏ bê, trong quá khứ không từng bỏ, trong hiện tại không bỏ, trong vị lai cũng sẽ không bỏ. Được biết rằng đó là pháp hành trì của người xưa, theo truyền thống của chư bậc thiện trí, trải qua từ ngàn xưa, thật cao quý.

Nhận Xét Về Ngũ Giới

Ngũ giới là thường giới (niccasīla) cho tất cả mọi người trong đời, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, v.v…

Hễ người nào không giữ gìn ngũ giới đầy đủ trọn vẹn, thì người ấy được gọi là người không có giới, người phạm giới, đã tạo nên ác nghiệp, rồi phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy, ngay cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Hễ người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn, thì người ấy được gọi là người có giới, đã tạo nên thiện nghiệp, rồi được hưởng quả báu an lạc của thiện nghiệp ấy, ngay cả trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Người nào không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, thì người ấy khó mà giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và đầy đủ trọn vẹn. Người ấy gọi là người không có giới, người phạm giới, cũng gọi là người ác, mà tâm của người ác thường thích làm điều ác, nói điều ác, nghĩ đến điều ác. Cho nên, khi có cơ hội tạo ác nghiệp nào, người ấy tạo ác nghiệp một cách dễ dàng, rồi khi hậu quả khổ xảy ra với họ, họ thường trách người khác..., bởi vì họ là người không có đức tin và trí tuệ, không tin nghiệp và quả của nghiệp. Người ác dễ làm việc ác tạo ác nghiệp, mà khó làm việc thiện tạo thiện nghiệp.

Người nào có đức tin nơi Tam Bảo, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, có thiện tâm biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, thì người ấy dễ dàng giữ gìn ngũ giới trong sạch và đầy đủ trọn vẹn. Người ấy gọi là người có giới, cũng gọi là người thiện, mà tâm của người thiện thường thích làm điều thiện, nói điều thiện, nghĩ đến điều thiện. Cho nên, khi có cơ hội tạo thiện nghiệp nào, người ấy tạo thiện nghiệp ấy một cách dễ dàng, bởi vì họ là người có đức tin và trí tuệ, tin nghiệp và quả của nghiệp. Người thiện dễ làm việc thiện tạo thiện nghiệp, mà khó làm việc ác tạo ác nghiệp.

Nhận Xét Khó Hoặc Dễ Của Ngũ Giới

* Người nào không giữ gìn ngũ giới, phạm giới, người ấy có tác ý bất thiện (tác ý ác), rồi cố gắng tạo ác nghiệp bằng thân, bằng khẩu; gọi là người phạm giới, người tạo ác nghiệp.

Như vậy ác nghiệp khó tạo hay dễ tạo ???

* Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, không phạm giới, người ấy có tác ý thiện, rồi không tạo ác nghiệp bằng thân, bằng khẩu; gọi là người giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, người tạo thiện nghiệp.

Như vậy thiện nghiệp khó tạo hay dễ tạo ???

Hay nói rõ, người nào không giữ gìn ngũ giới, phạm giới, người ấy phải có tác ý ác, rồi sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say,... tạo ác nghiệp.

Đó là ác nghiệp khó tạo hay dễ tạo ???

Người nào giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn, không phạm giới nào, người ấy phải có tác ý thiện, rồi không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say,... tạo thiện nghiệp.

Đó là thiện nghiệp khó tạo hay dễ tạo ???

* Đặt ra từng câu hỏi cho mỗi giới, rồi tự mình suy xét trả lời trung thực như sau:

─ Sát sinh và không sát sinh, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động?

─ Trộm cắp và không trộm cắp, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động?

─ Tà dâm và không tà dâm, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động?

─ Nói dối và không nói dối, trong hai sự việc ấy, việc nào khó nói? Việc nào dễ nói?

Uống rượu và các chất say và không uống rượu và các chất say, trong hai sự việc ấy, việc nào khó hành động? Việc nào dễ hành động?

* Vấn đề không nói dối, thì nói thật như sau:

─ Mình làm sao, thì nói vậy (để mọi người không còn hoài nghi người khác).

─ Mình nói sao, thì làm vậy (để tạo niềm tin cho mọi người).

─ Mình nói lời đầu như thế nào, thì lời sau cũng nói như thế ấy (để giữ uy tín đối với mọi người, mình là người biết tự trọng).

Khi nói sự thật cần phải có đầy đủ ba yếu tố cần thiết:

Thời gian nào có thể nói sự thật.

Nơi chốn nào nên nói sự thật.

Con người nào biết nghe sự thật.

Khi có đầy đủ ba yếu tố cần thiết (thời gian, nơi chốn, con người) thích hợp, thì nên nói sự thật. Sự thật ấy sẽ đem lại sự lợi ích cho mình và cho người nghe sự thật.

Ví dụ: Trong những trường hợp

─ Người đứng trước tòa án cần phải khai thật đề tòa xét xử, luận tội đúng theo pháp luật nhà nước.

─ Trong cơ quan điều tra, khi nhà chức trách xét hỏi, người phạm tội cần phải khai báo đúng sự thật.

─ Khi làm sai điều gì mà người khác không biết, thì người ấy phải nên nói sự thật để người ta không còn nghi ngờ người khác v.v…

Đó là những trường hợp có đầy đủ ba yếu tố cần thiết thích hợp để nói sự thật.

Tuy nhiên, những trường hợp nếu người nào nghĩ tham muốn tài sản của người khác một cách bất hợp pháp, thì người ấy không nên nói sự thật cho người khác biết. Nếu nói sự thật thì chắc chắn có hại cho mình và cho người khác mà thôi.

Ví dụ: Nhìn thấy vợ hoặc chồng người khác xinh đẹp, người ấy phát sinh tâm tham muốn vợ hoặc chồng của người khác. Khi ấy, không nên nói sự thật ý nghĩ tham muốn của mình.

Cho nên, không phải lúc nào nghĩ sao cũng nên nói vậy. Sự thật ý nghĩ của mình có khi nên nói, có khi không nên nói, vì điều đó không có ai bắt buộc.

Việc dễ làm, việc khó làm hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng hiểu biết, và bản tính thiện hoặc ác của mỗi người.

- Người ác dễ làm việc ác, nhưng khó làm việc thiện.

- Bậc thiện trí dễ làm việc thiện, nhưng khó làm việc ác.

Như Đức Phật dạy:

Sukaraṃ sādhunā sādhu,

Sādhu pāpena dukkaraṃ.

Pāpaṃ pāpena sukaraṃ,

Pāpamariyehi dukkaraṃ([2]).

Này chư Tỳ khưu,

Bậc thiện trí tạo thiện nghiệp dễ dàng,

Kẻ ác tạo thiện nghiệp rất khó khăn.

Kẻ ác tạo ác nghiệp rất dễ dàng.

Chư Thánh Nhân khó tạo ác nghiệp lắm!

Đối với tất cả hàng phàm nhân (không phải bậc Thánh Nhân) xét về thiện - ác ai cũng có đầy đủ 12 ác tâm là 8 tham tâm + 2 sân tâm + 2 si tâm; và có 8 dục giới đại thiện tâm. Đặc biệt một số người có 5 sắc giới thiện tâm, 4 vô sắc giới thiện tâm.

Trong đời này, nếu người nào gần gũi thân cận với bạn ác, thì người ấy dễ bị ảnh hưởng bởi bạn ác, làm cho tâm ác phát sinh tạo những ác nghiệp bằng thân, khẩu, ý dẫn đến sự phạm giới, trở thành người không có giới, rồi phải chịu quả khổ ngay trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Trong đời này, nếu người nào gần gũi thân cận với bạn lành, bạn tốt, bậc thiện trí, thì người ấy được ảnh hưởng từ người bạn lành, bạn tốt, bậc thiện trí ấy, làm cho tâm thiện phát sinh, tạo những thiện nghiệp bằng thân, khẩu, ý từ dục giới thiện nghiệp, sắc giới thiện nghiệp, vô sắc giới thiện nghiệp cho đến Siêu tam giới thiện nghiệp.

Như vậy, con người còn là phàm nhân vốn có 3 nhân ác: Tham, sân, si và cũng có 3 nhân thiện: Vô tham, vô sân, vô si, nên kiếp hiện tại này, nếu người nào thường thân cận với kẻ ác, thì ác pháp dễ phát sinh và phát triển, trở thành người phạm giới. Nếu người nào thường thân cận với bậc thiện trí, thì thiện pháp dễ phát sinh và tăng trưởng, trở thành người có giới. Cho nên, cuộc đời của mỗi người hoàn toàn tùy thuộc vào những người bạn(1) của mình. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Tính Ưu Việt Của Người Thọ Phép Quy Y Tam Bảo

Và Thọ Trì Ngũ Giới

Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, và người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới. Nếu cả hai người này đều phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) cùng tạo ác nghiệp như nhau, thì người nào có ác nghiệp nặng? Người nào có ác nghiệp nhẹ?

Câu hỏi này tương tự câu hỏi của Đức vua Milinda bạch hỏi Ngài Đại đức Nāgasena, như sau:

Đức vua Milinda(2) bạch hỏi đại ý như sau:

─ Kính bạch Ngài Đại đức Nāgasena, một người không hiểu biết ác nghiệp, và một người hiểu biết ác nghiệp. Nếu cả hai người cùng tạo ác nghiệp giống nhau, thì người nào tạo ác nghiệp nặng, người nào tạo ác nghiệp nhẹ? Bạch Ngài.

Ngài Đại đức Nāgasena giải đáp rằng:

─ Thưa Đại vương, người không hiểu biết (ajānanto) ác nghiệp, và người hiểu biết ác nghiệp (jānanto). Nếu cả hai người cùng tạo ác nghiệp giống nhau, người không hiểu biết ác nghiệp thì tạo ác nghiệp nặng, còn người hiểu biết ác nghiệp thì tạo ác nghiệp nhẹ.

Nghe như vậy, Đức vua Milinda bạch rằng:

─ Kính bạch Ngài Đại đức Nāgasena, nếu như vậy, thì những vị quan, quân lính trong triều đình của con, người nào không hiểu biết pháp luật mà phạm đến pháp luật, thì con phải hành phạt trị tội nặng đối với người ấy có phải không? Bạch Ngài.

Ngài Đại đức giải thích bằng ví dụ rằng:

─ Thưa Đại vương, Đại vương hiểu thế nào về điều này: “Một thỏi sắt được nung cháy đỏ, một người không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy; và một người khác hiểu biết rõ thỏi sắt nóng ấy mà phải đưa tay dè dặt đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy. Trong hai người đều đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, người nào bị cháy phỏng nặng hơn, người nào bị cháy phỏng nhẹ hơn?”.

─ Kính bạch Ngài Đại đức Nāgasena, dĩ nhiên người không hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì chắc chắn phải bị cháy phỏng nặng hơn; còn người hiểu biết thỏi sắt nóng mà đưa tay dè dặt đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì bị cháy phỏng nhẹ hơn. Bạch Ngài.

─ Thưa Đại vương, cũng như vậy, người nào không hiểu biết ác nghiệp mà tạo ác nghiệp, thì người ấy tạo ác nghiệp nặng hơn; còn người nào hiểu biết ác nghiệp, mà bất đắc dĩ phải tạo ác nghiệp, thì người ấy tạo ác nghiệp nhẹ hơn.

Dựa theo lời giải đáp của Ngài Đại đức Nāgasena, mà có thể giải đáp một cách hợp lý rằng:

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, và người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới. Nếu cả hai người cùng phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) cùng tạo ác nghiệp giống nhau, người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới thì tạo ác nghiệp nặng hơn; còn người đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, thì tạo ác nghiệp nhẹ hơn.

Nguyên nhân vì sao?

Người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới, vốn là người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi. Khi họ phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) tạo ác nghiệp, rồi họ không ăn năn hối lỗi, không biết sám hối tội lỗi. Bởi vậy cho nên, người ấy có ác nghiệp nặng hơn.

Còn người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, vốn là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi. Song vì sự dể duôi, hoặc vì nể mặt, hoặc vì phiền não xui khiến họ phạm giới (ví dụ phạm điều giới uống rượu) tạo ác nghiệp, rồi liền sau đó họ biết ăn năn hối lỗi, biết thành tâm sám hối tội lỗi, họ phát nguyện xin thọ trì ngũ giới trở lại, trong đó có giới: “Con xin thọ trì điều giới có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi”. Họ trở thành người có giới đầy đủ như trước, rồi cố gắng giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho mọi thiện nghiệp phát sinh và phát triển. Do đó, người ấy có ác nghiệp nhẹ hơn.

Ví dụ:

Một thỏi sắt được nung cháy đỏ, nếu một người không biết thỏi sắt ấy nóng, mà lấy bàn tay đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, thì bàn tay bị cháy phỏng nặng. Còn một người khác biết rõ thỏi săt ấy nóng, mà bất đắc dĩ phải lấy bàn tay dè dặt đụng chạm vào thỏi sắt nóng ấy, cho nên bàn tay bị cháy phỏng nhẹ hơn.

Cũng như vậy, hai người cùng tạo ác nghiệp:

─ Một người không thọ phép quy y Tam Bảo và cũng không thọ trì ngũ giới, vốn là người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không biết rằng:

Ác nghiệp cho quả khổ thân, khổ tâm.

Thiện nghiệp cho quả thân an lạc, tâm an lạc.

Sau khi đã phạm giới, tạo ác nghiệp xong, người ấy không biết ăn năn hối lỗi, không biết sám hối tội lỗi của mình, không biết cách ngăn ác pháp. Do đó, ác nghiệp của người ấy nặng hơn.

─ Một người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, vốn là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp. Bởi do sự dể duôi quên mình nên bất đắc dĩ mới phạm giới tạo ác nghiệp, nhưng ngay sau đó, người ấy có trí nhớ biết mình, không dể duôi, biết hổ thẹn tội lỗi, biết ghê sợ tội lỗi, biết ăn năn hối lỗi, biết cách sám hối tội lỗi, biết cách ngăn cản không để ác pháp phát triển bằng cách phát nguyện xin thọ trì ngũ giới trở lại, trở thành người có giới, rồi giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn như trước, để làm nền tảng cho mọi thiện pháp phát triển. Do đó, ác nghiệp mà người ấy đã tạo trước đây bị giảm tiềm năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai.

Ví dụ:

Nếu đổ một muỗng muối vào trong cái ly chứa ít nước, thì làm cho nước trong ly có vị mặn nhiều. Nhưng nếu cũng muỗng muối ấy đổ vào trong một cái bể chứa nhiều khối nước, thì làm cho nước trong hồ sẽ có vị mặn không đáng kể.

Cũng như vậy, khi một người cận sự nam, cận sự nữ có sự dể duôi đã lỡ tạo ác nghiệp, rồi ngay sau đó, người ấy có trí nhớ không dể duôi thọ trì lại ngũ giới rồi giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho mọi thiện nghiệp phát sinh và phát triển. Chính nhờ thiện nghiệp này làm giảm được tiềm năng cho quả của ác nghiệp; hoặc nhờ thiện nghiệp được phát triển cho nên ác nghiệp không có cơ hội cho quả khổ của nó.

Như vậy, người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới vốn là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp. Nhưng đôi khi do phiền não có năng lực xui khiến làm cho phạm giới, tạo nên ác nghiệp làm khổ mình, làm khổ chúng sinh.

Khi tự mình có trí nhớ biết mình, người cận sự nam, cận sự nữ liền xin thọ trì ngũ giới trở lại, rồi giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn như trước; hoặc có bậc thiện trí nhắc nhở, khuyên dạy thì người cận sự nam, cận sự nữ ấy dễ dàng biết phục thiện ngay, rồi trở thành người có giới trong sạch và trọn vẹn lại như trước, để làm nền tảng cho mọi thiện nghiệp phát triển.

Đó là tính ưu việt của người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới là thường giới.

Ngũ Giới Hành Phạm Hạnh(Brahmacariya Pañcasīla)

Ngũ giới hành phạm hạnh như thế nào?

Thông thường ngũ giớithường giới (niccasīla) đối với tất cả mọi người tại gia nói chung vẫn có thể có vợ hoặc có chồng. Trong ngũ giới có giới thứ ba là:

“Kāmesumicchācārā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi”

(Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự tà dâm)

Còn ngũ giới hành phạm hạnh (brahmacariyapañcasīla) dành cho bậc Thánh Bất Lai tại gia suốt đời trọn kiếp. Cho nên, trong ngũ giới hành phạm hạnh có giới thứ ba là:

“Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi”

(Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự hành dâm)

Bởi vì, bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới, đương nhiên tâm không còn muốn hành dâm nữa. Do đó, bậc Thánh Bất Lai hành phạm hạnh, nghĩa là tuyệt đối không còn hành dâm không chỉ suốt trọn đời trọn kiếp này mà còn những kiếp vị lai cho đến khi trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Trong thời kỳ Đức Phật hiện còn trên thế gian, có hai trưởng giả cùng tên Ugga: Trưởng giả Ugga người xứ Vesāli và trưởng giả Ugga người làng Hatthigāma trong vùng Vajji. Cả hai trưởng giả này lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thực hành thiền tuệ đều chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, đã diệt đoạn tuyệt được phiền não tham dục trong cõi dục giới, nên tâm không còn thỏa thích, say mê thèm khát trong ngũ trần nữa. Hai trưởng giả là người cận sự nam sống tại gia, cho nên, họ thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh.

Tìm hiểu bài kinh Uggasutta([3]) Đức Phật đề cập đến trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa lớn trong khu rừng gần thành Vesāli. Khi ấy, Đức Thế Tôn gọi chư Tỳ khưu dạy rằng:

─ Này chư Tỳ khưu, các con nên ghi nhớ rằng: ‘Trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có’.

Đức Thế Tôn dạy như vậy xong, đứng dậy ngự vào chùa.

Vào một buổi sáng, có một vị Tỳ khưu mặc y bát đến ngôi nhà của trưởng giả Ugga xứ Vesāli, ngồi trên tọa cụ đã trải sẵn. Trưởng giả Ugga xứ Vesāli đảnh lễ vị Tỳ khưu xong, ngồi một nơi hợp lẽ; khi ấy, vị Tỳ khưu hỏi trưởng giả Ugga xứ Vesāli rằng:

– Này trưởng giả Ugga, Đức Thế Tôn khen ngợi ông rằng: “Trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có”. Này trưởng giả, 8 pháp phi thường chưa từng có đó là pháp như thế nào?

Trưởng giả Ugga xứ Vesāli bạch rằng:

─ Kính bạch Đại đức, con không biết Đức Thế Tôn khen ngợi con là người có 8 pháp phi thường chưa từng có thế nào. Nhưng đối với con, kính xin Đại đức hoan hỷ lắng nghe 8 pháp phi thường chưa từng thấy của con; con xin trình bày cho Đại đức được rõ.

Vị Tỳ khưu đáp rằng:

─ Lành thay! Trưởng giả Ugga.

Trưởng giả Ugga xứ Vesāli bạch rằng:

1- Kính bạch Đại đức, lần đầu tiên khi con thấy Đức Thế Tôn từ xa, tức thì ngay khi ấy, tâm của con phát sinh đức tin trong sạch hoàn toàn nơi Ngài.

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ nhất của con.

2- Kính bạch Đại đức, có đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, con đến ngồi gần Đức Thế Tôn, lắng nghe Ngài thuyết pháp Anupubbikathā (Pháp theo tuần tự) để tế độ con, đó là thuyết về giới, thuyết về cõi trời, tội lỗi của ngũ dục(1) thấp hèn ô nhiễm, quả báu của sự xa lánh ngũ dục. Khi ấy, Đức Thế Tôn biết tâm trí của con đã nhu mì dễ dạy, đã xa lìa pháp chướng ngại, tâm thiện trong sạch. Để tế độ con, Đức Thế Tôn thuyết pháp chân lý Tứ Đế đó là Khổ đế, Nhân sinh Khổ đế, Diệt đế, Pháp hành diệt Khổ đế. Ví như tấm vải trắng mới sạch sẽ, không dơ bẩn, muốn nhuộm màu gì cũng tốt đẹp. Cũng như vậy, sau khi nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, chính tại nơi ấy con đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã phát sinh pháp nhãn, không còn phiền não làm ô nhiễm. Trí tuệ thấy rõ biết rõ rằng: “Tất cả các pháp nào trong tam giới có trạng thái sinh, thì tất cả các pháp ấy đều có trạng thái diệt ”.

Kính bạch Đại đức, con đã phát sinh trí tuệ chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, đã đạt đến chân lý Tứ Thánh Đế, đã biết rõ đúng theo chân lý Tứ Thánh Đế, đã thấu rõ thông suốt chân lý Tứ Thánh Đế, nên đã diệt đoạn tuyệt hoàn toàn mọi điều hoài nghi nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng; tâm không còn hoài nghi nào nữa. Với trí tuệ thiền tuệ của mình đã chứng ngộ đúng theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn rồi, nên không còn tin nơi người nào khác nữa. Con đã quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo và xin thọ trì ngũ giới có điều giới hành phạm hạnh chính tại nơi ấy.

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ nhì của con.

3- Kính bạch Đại đức, con có 4 người vợ trẻ, con đến gặp 4 người vợ trẻ ấy bảo với họ rằng:

– Này các em, kể từ nay anh đã thọ trì ngũ giới, có điều giới hành phạm hạnh rồi; em nào muốn dùng của cải làm phước thiện bố thí cũng được; em nào muốn trở về nhà cha mẹ, bà con mình cũng được; em nào muốn lấy người đàn ông khác làm chồng, anh sẽ trao em cho người đàn ông ấy.

Khi con bảo như vậy, người vợ lớn nói với con rằng:

– Xin anh đem trao em cho người đàn ông tên ấy.

Con cho người mời ông ấy đến, tay trái con nắm tay người vợ trẻ, tay phải cầm bình nước, con rót nước xuống tay người vợ trẻ trao cho người đàn ông ấy. Tâm con vẫn tự nhiên không hề xao động chút nào cả.

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ ba của con.

4- Kính bạch Đại đức, trong nhà con có nhiều của cải, con hoan hỷ làm phước bố thí phân phát của cải ấy đến cho những bậc có giới đức trong sạch, có thiện pháp cao thượng.

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ tư của con.

5- Kính bạch Đại đức, khi con tìm đến vị Tỳ khưu nào, gặp vị Tỳ khưu ấy với tâm kính trọng thật sự, không phải gặp vị Tỳ khưu ấy với tâm không tôn kính.

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ năm của con.

6- Kính bạch Đại đức, nếu vị Tỳ khưu ấy thuyết pháp cho con nghe, thì con ngồi lắng nghe một cách tôn kính thật sự, không phải lắng nghe pháp một cách không tôn kính; nếu vị Tỳ khưu ấy không thuyết pháp cho con nghe, thì chính con thuyết pháp cho vị Tỳ khưu ấy nghe.

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ sáu của con.

7- Kính bạch Đại đức, không có gì lạ thường, khi chư thiên đến tìm con và nói rằng:

Này trưởng giả chánh pháp mà Đức Thế Tôn đã thuyết thật hoàn hảo”.

Con trả lời với chư thiên rằng:

“Dù quý vị có nói như vậy hay không, sự thật, chánh pháp mà Đức Thế Tôn đã thuyết vẫn thật sự hoàn hảo. Nhưng con không thấy tự hào về vấn đề chư thiên đến tìm con, hay con nói chuyện với chư thiên”.

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ bảy của con.

8- Kính bạch Đại đức, Đức Thế Tôn thuyết năm pháp ràng buộc bậc thấp trong cõi dục giới([4]) (Orambhāgiyasam-yojana); trong 5 pháp ấy, con xem xét không thấy pháp nào mà con chưa diệt đoạn tuyệt (đã diệt đoạn tuyệt được 5 pháp ràng buộc bậc thấp trong cõi dục giới; trở thành bậc Thánh Bất Lai ).

Đó là pháp phi thường chưa từng có thứ tám của con.

– Kính bạch Đại đức, 8 pháp phi thường chưa từng có của con như vậy. Con không biết Đức Thế Tôn khen ngợi con là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như thế nào?

Sau đó, vị Tỳ khưu nhận vật thực tại nhà trưởng giả Ugga người xứ Vesāli. Sau khi thọ thực xong trở về chùa, vị Tỳ khưu vào hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, vị Tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn toàn bộ cuộc đàm đạo tại ngôi nhà trưởng giả Ugga người xứ Vesāli.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Này Tỳ khưu, đúng vậy, trưởng giả Ugga người xứ Vesāli đã trình bày đúng theo sự thật.

Này Tỳ khưu, Như Lai khen ngợi trưởng giả Ugga là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như vậy, và các con nên ghi nhớ trưởng giả Ugga người xứ Vesāli là người có 8 pháp phi thường chưa từng có như vậy.

(Trưởng giả Ugga người làng Hatthigāma trong vùng Vajji cũng có 8 pháp phi thường chưa từng có trong bài kinh Uggasutta thứ nhì trong Chi Bộ Kinh).

Ngũ Giới Hành Phạm Hạnh

(Brahmacariya Pañcasīla)

Ngũ giới là thường giới (niccasīla) đối với tất cả mọi người tại gia gồm có hạng người phàm nhân và bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai tại gia có chồng hoặc có vợ. Còn đối với người tại gia là bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới xong rồi, không còn ham muốn trong ngũ dục, hoàn toàn tuyệt đói tránh xa sự hành dâm suốt đời trọn kiếp này và những kiếp vị lai nữa.

– Nếu bậc Thánh Bất Lai tại gia chưa có vợ hoặc chưa có chồng, thì bậc Thánh Bất Lai ấy suốt đời trọn kiếp không bao giờ có vợ hoặc có chồng.

– Nếu bậc Thánh Bất Lai tại gia, trước khi chưa chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai đã có vợ hoặc có chồng rồi, thì sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, chắc chắn tránh xa sự hành dâm suốt đời trọn kiếp. Cho nên, bậc Thánh nam Bất Lai chắc chắn vĩnh viễn tránh xa hành dâm với người vợ cũ; và bậc Thánh nữ Bất Lai cũng chắc chắn vĩnh viễn tránh xa hành dâm với người chồng cũ.

Do đó, bậc Thánh Bất Lai thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh, tuyệt đối không còn hành dâm nữa.

Nghi thức thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh có phần giống như nghi thức thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới thường giới, chỉ có khác nhau về điều giới thứ ba.

Nghi Thức Thọ Trì Phép Quy Y Tam Bảo

Và Ngũ Giới Hành Phạm Hạnh

Người cận sự nam, cận sự nữ (hoặc hành giả) đảnh lễ Ngài Đại đức xong, tiếp theo hành nghi lễ tuần tự như sau:

Lễ bái Tam Bảo

Lễ sám hối Tam Bảo

Lễ sám hối Đức Phật Bảo

Uttamaṅgena vande’haṃ

Pādapaṃsuṃ varuttamaṃ.

Buddhe yo khalito doso,

Buddho khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,

Bụi trần dưới bàn chân cao thượng Đức Phật.

Lỗi lầm nào con đã phạm đến Phật Bảo,

Cúi xin Phật Bảo xá tội ấy cho con.

(đảnh lễ một lạy)

Lễ sám hối Đức Pháp Bảo

Uttamaṅgena vande’haṃ,

Dhammañca duvidhaṃ varaṃ.

Dhamme yo khalito doso,

Dhammo khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,

Hai hạng Pháp Bảo: Pháp học và pháp hành.

Lỗi lầm nào con đã phạm đến Pháp Bảo,

Cúi xin Pháp Bảo xá tội ấy cho con.

(đảnh lễ một lạy)

* Lễ sám hối Đức Tăng Bảo

Uttamaṅgena vande’haṃ,

Saṃghañca duvidhuttamaṃ.

Saṃghe yo khalito doso,

Saṃgho khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,

Hai bậc Tăng Bảo: Thánh Tăng và phàm Tăng.

Lỗi lầm nào con đã phạm đến Tăng Bảo,

Cúi xin Tăng Bảo xá tội ấy cho con.

(đảnh lễ một lạy)

Bài kệ cầu nguyện

Iminā puññakammena,

Sabbe bhayā vinassantu.

Nibbānaṃ adhigantuṃ hi,

Sabbadukkhā pamuccāmi.

Do nhờ năng lực tâm thiện sám hối này,

Cầu xin mọi tai hại hãy đều tiêu diệt.

Mong chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả Niết Bàn,

Cầu mong giải thoát mọi cảnh khổ tái sinh.

Xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh

Ahaṃ([5]) Bhante, tisaraṇena saha, pañca komārabrahmacariyasīlaṃ([6]) dhammaṃ yācāmi([7]), anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me([8]),c Bhante.

Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañca komārabrahmacariyasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañca komārabrahmacariyasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Nghĩa:

“Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam([9]).

 Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam cho con.

 Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam.

 Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam cho con, lần thứ nhì.

 Kính bạch Ngài Đại đức, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam.

 Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam cho con, lần thứ ba”.

Phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh

Hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh như sau:

Ngài Đại đức truyền dạy rằng:

– Yamahaṃ vadāmi, taṃ vadehi(2) (vadetha).

(Sư hướng dẫn từng chữ từng câu như thế nào, con hãy nên lặp lại đúng từng chữ từng câu như thế ấy).

Người cận sự nam (hoặc cận sự nữ) thưa rằng:

– Āma! Bhante.

(Dạ, xin vâng, kính bạch Ngài)

Lễ bái Đức Phật

Ngài Đại đức hướng dẫn đảnh lễ Đức Thế Tôn rằng:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần) 

(Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy). (3 lần) 

Người cận sự nam (hoặc cận sự nữ) lặp lại theo Ngài Đại đức:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần) 

(Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy). (3 lần) 

Thọ phép quy y Tam Bảo

Sau khi kính lễ Đức Phật xong, Ngài Đại đức hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.

Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì.

Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì.

Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ nhì.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba.

Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba.

Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng,lần thứ ba.

NĐĐ(1): Tisaraṇagamanaṃ paripuṇṇaṃ.

 (Phép quy y Tam Bảo trọn vẹn bấy nhiêu!)

CSN(2): Āma! Bhante.

 (Dạ, xin vâng! Kính bạch Ngài).

Thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh

Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì ngũ giới:

1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh.

2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp.

3- Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự hành dâm.

4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối.

5- Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi.

NĐĐ: Tisaraṇena saha pañca komārabrahmacariyaṃ(1) sādhukaṃ katvā appamādena sampādehi.

(Phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam xong rồi, con nên cố gắng giữ gìn cho được trong sạch hoàn toàn, bằng pháp không dể duôi, để làm nền tảng cho mọi thiện pháp phát sinh).

CSN: Āma! Bhante.

(Dạ, xin vâng. Kính bạch Ngài).

NĐĐ: Sīlena sugatiṃ yanti

Sīlena bhogasampadā

Sīlena nibbutiṃ yanti

Tasmā sīlaṃ visodhaye.

Chúng sinh tái sinh cõi trời, nhờ giữ giới,

Chúng sinh đầy đủ của cải, nhờ giữ giới,

Chúng sinh giải thoát Niết Bàn, nhờ giữ giới,

Vậy, các con giữ giới, cho được trong sạch!.

CSN: Sādhu! Sādhu!

(Lành thay! Lành thay!).

Sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh xong rồi, tiếp theo cận sự nam (hoặc cận sự nữ) nên đọc 3 bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm cho tăng thêm đức tin như sau:

Bài kệ khẳng định quy y Tam Bảo

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,

Buddho me saraṇaṃ varaṃ.

Etena saccavajjena,

Hotu me jayamaṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,

Dhammo me saraṇaṃ varaṃ.

Etena saccavajjena,

Hotu me jayamaṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,

Saṃgho me saraṇaṃ varaṃ.

Etena saccavajjena,

Hotu me jayamaṅgalaṃ(1).

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,

Phật Bảo nơi nương nhờ cao thượng của con,

Do nhờ năng lực của lời chân thật này,

Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,

Pháp Bảo nơi nương nhờ cao thượng của con,

Do nhờ năng lực của lời chân thật này,

Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,

Tăng Bảo nơi nương nhờ cao thượng của con,

Do nhờ năng lực của lời chân thật này,

Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Hoàn thành xong lễ thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hành phạm hạnh của người cận sự nam (hoặc người cận sự nữ).

Ngũ giới hành phạm hạnh không những dành cho bậc Thánh Bất Lai tại gia, mà còn đối với những người cận sự nam, cận sự nữ sống độc thân, hoặc những người cận sự nam có vợ đã chết mà không tục huyền; hoặc những người cận sự nữ có chồng đã chết mà không tái giá. Tất cả những hạng người này đều có thể xin thọ trì ngũ giới hành phạm hạnh này được.



[1] Bộ Jātaka, sự tích tiền kiếp Karudhammajātaka. Karudhammo nāma pañca sīlāni: Pháp kuru là tên gọi ngũ giới.

[1] Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, kinh Abhisandasutta.

[2] Dammapadaṭṭhakathā trong sự tích Devadattavatthu.

1 Người bạn ở đây có ý nghĩa rộng gồm cả cha mẹ, thầy tổ, bạn hữu. Đức Phật cũng tự xưng là bạn lành, bạn tốt của tất cả chúng sinh.

[2] Bộ Milindapañhā.

[3] Aṅguttaranikāya, phần Aṭṭhakanipāta, kinh Uggasutta.

[1] Ngũ dục: 5 đối tượng tham muốn, đó là sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục và xúc dục.

[4] Orambhāgiyasamyojana: 5 pháp ràng buộc bậc thấp trong cõi dục giới đó là: Tà kiến theo ngũ uẩn, hoài nghi, chấp thủ pháp thường hành, tham ái trong cõi dục giới và thù hận. Bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được 5 pháp ràng buộc này.

Còn lại 5 pháp ràng buộc bậc cao đó là: Tham ái trong cõi sắc giới, tham ái trong cõi vô sắc giới, ngã mạn, phóng tâm và vô minh. Bậc Thánh Arahán mới có thể diệt đoạn tuyệt được 5 pháp ràng buộc này.

[5] Nếu có nhiều người thì thay chữ “ahaṃ” bằng chữ “mayaṃ”.

[6] Nếu là người cận sự nữ thì đọc “komārībrahmacariyaṃ”.

[7] Nếu có nhiều người thì thay chữ “yācāmi” bằng chữ “yācāma”.

[8] Nếu có nhiều người thì thay chữ “me” bằng chữ “no”.

[9] Nếu là người cận sự nữ thì đọc “của người cận sự nữ”.

[2] Nếu chỉ có một người thì dùng chữ vadehi, nếu có 2 người trở lên thì dùng chữ vadetha.

[1] Ngài Đại đức.

[2] Người cận sự nam (hoặc người cận sự nữ).

[1] Nếu người cận sự nữ thì đọc: “komārībrahmacariyaṃ”.

[1] Ba bài kệ này trong quyển Nhật Hành Cư Sĩ của Sơ Tổ Hộ Tông.



 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn