(Xem: 1488)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Bát Giới - Uposathasīla

07 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 10648)


Nền Tảng Phật Giáo

Quyển III (Hành giới)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

Bát Giới - Uposathasīla


Phàm mọi người tại gia cư sĩ đều phải giữ gìn ngũ giớithường giới (niccasīla) và giữ gìn giới ājīvaṭṭhamakasīla cho được trong sạch và trọn vẹn, để giữ gìn nhân phẩm của mình. Ngoài ra, đối với những người cận sự nam, cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng cần cố gắng tinh tấn giữ gìn bát giới uposathasīla, hoặc cửu giới uposathasīla, hoặc thập giới của người tại gia; tùy theo khả năng của mỗi người, để cho mọi thiện pháp phát sinh và phát triển.

II- Bát Giới Uposathasīla

Bát giới uposathasīla gồm có 8 điều giới từ điều giới tránh xa sự sát sinh cho đến điều giới tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp. Bát giới uposathasīla này thuộc về kālapariyantasīla: Bát giới bị chấm dứt theo thời gian hạn định do phát nguyện thọ trì, đến khi qua thời gian ấy là chấm dứt, không còn hiệu lực nữa, rồi trở lại giới cơ bản cũ của mình đó là ngũ giới, bát giới ājīvaṭṭhamakasīla.

Bát giới uposathasīla theo thời gian hạn định

Theo Tam Tạng và các Chú giải, bát giới uposathasīla theo thời gian hạn định có nhiều loại như sau:

Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 4 ngày:

Trong mỗi tháng có 4 ngày giới được thọ trì bát giới uposathasīla là những ngày mồng 8, ngày rằm (15), ngày 23 và ngày 30 tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm ngày 29).

Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 6 ngày:

Trong mỗi tháng có 6 ngày giới được thọ trì bát giới uposathasīla là những ngày mồng 8, ngày 14, ngày rằm (15), ngày 23, ngày 29 và ngày 30 tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm ngày 28 và ngày 29).

Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 8 ngày:

Trong mỗi tháng có 8 ngày giới được thọ trì bát giới uposathasīla là những ngày mồng 5, mồng 8, ngày 14, ngày rằm (15), ngày 20, ngày 23, ngày 29 và ngày 30 tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm ngày 28 và ngày 29).

Bát giới uposathasīla mỗi tháng có 20 ngày hoặc 19 ngày (kể thêm ngày đón rước trước 1 ngày và ngày tiễn đưa sau 1 ngày).

Trong mỗi tháng có 8 ngày bát giới uposathasīla căn bản, là những ngày 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30. Để cho những ngày giới chính thức trọng thể, người hành giới chuẩn bị đón rước trước một ngày giới và tiễn đưa sau một ngày giới. Cho nên, trong một tháng những ngày bát giới uposathasīla là ngày (4) + 5 + (6), (7) + 8 + (9), (13) + 14 + 15 + (16), (19) + 20 + (21), (22) + 23 + (24), (28) + 29 + 30 + (1) tháng đủ (nếu tháng thiếu thì nhằm vào ngày (27) + 28 + 29 + (1).

Bát giới uposathasīla suốt 3 tháng an cư nhập hạ:

Mỗi năm, từ ngày 16 tháng 6 cho đến ngày 16 tháng 9, suốt 3 tháng (chư Tỳ khưu an cư nhập hạ), một số cận sự nam, cận sự nữ cũng xin nguyện thọ trì bát giới uposathasīla rồi giữ gìn suốt 3 tháng an cư nhập hạ ấy.

Khi chư Tỳ khưu Tăng mãn hạ, đồng thời bát giới upo-sathasīla của những cận sự nam, cận sự nữ cũng hết hạn.

Bát giới uposathasīla suốt đời:

Đối với tu nữ đã xuất gia sống trong chùa, những người làm công quả sống trong chùa, những người trú trong chùa,... những người này thường xin nguyện thọ trì bát giới uposatha-sīla suốt đời ở trong chùa.

Bát giới uposathasīla là thuộc về kālapariyantasīla: Bát giới bị chấm dứt theo thời gian hạn định do phát nguyện thọ trì.

Thông thường, hành giả phát nguyện thọ trì giới upo-sathasīla, rồi giữ gìn trong ngày giới suốt 1 ngày 1 đêm kể từ buổi sáng sớm, lúc bình minh cho đến lúc bình minh của ngày hôm sau.

Nhưng có những trường hợp đặc biệt như sau:

─ Hành giả không có cơ hội thọ trì bát giới uposathasīla từ sáng sớm lúc bình minh, thì đến giờ ngọ (12 giờ trưa), hành giả mới xin thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn từ thời gian đó cho đến bình minh của ngày hôm sau.

─ Hành giả không có cơ hội thọ trì bát giới uposathasīla trong ngày, thì đến lúc ban đêm, hành giả xin thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn suốt đêm cho đến lúc bình minh của ngày hôm sau.

─ Trường hợp hành giả đến chùa nghe pháp trong ngày giới, vị Pháp sư hướng dẫn quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn giới suốt thời gian lắng nghe pháp. Khi lắng nghe pháp xong, đồng thời bát giới uposathasīla của hành giả ấy cũng hết hạn.

Do đó, bát giới uposathasīla thuộc về kālapariyantasīla: Bát giới bị chấm dứt theo thời gian hạn định do phát nguyện thọ trì.

Bát giới uposathasīla có nhiều loại do căn cứ vào nhiều đối tượng khác nhau. Phước thiện thọ trì bát giới uposathasīla và giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, sẽ có được quả báu vô cùng phong phú và lớn lao trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, đặc biệt còn tạo nên duyên lành làm nền tảng cho pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ phát triển.

Để hiểu rõ về bát giới uposathasīla, nên tìm hiểu bài kinh Uposathasīla.

Bài Kinh Uposathasīla

Đức Phật thuyết dạy giới uposathasīla có 3 loại trong bài kinh Uposathasīla([1]), được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Pubbārāma, trong lâu đài của bà Visākhā Migāramātā(2), gần kinh thành Sāvatthi. Sáng hôm ấy, nhằm ngày giới uposathasīla, bà Visākhā đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

─ Này Visākhā, hôm nay sao con đến đây từ sáng sớm vậy?

─ Kính bạc Đức Thế Tôn, hôm nay là ngày giới uposathasīla. Bạch Ngài.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bèn dạy rằng:

─ Này Visākhā, giới uposathasīla có 3 loại:

1- Gopāla uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla như người chăn bò.

2- Nigaṇṭha uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla như nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha.

3- Ariya uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla y như bậc Thánh Nhân.

Gopāla uposatha

1- Giữ gìn giới uposathasīla như người chăn bò như thế nào?

Buổi chiều người chăn bò dẫn đàn bò trở về nộp vào chuồng cho người chủ bò xong (họ nhận tiền công) trở về nhà rồi tưởng nhớ rằng:Hôm nay, ta đã dẫn đàn bò ăn cỏ nơi bãi đó, cho đàn bò uống nước nơi bến nước đó...; ngày mai, ta sẽ dẫn đàn bò đi ăn cỏ nơi bãi đó, sẽ cho đàn bò uống nước nơi bến nước đó...như thế nào? Có một số người giữ gìn bát giới uposathasīla cũng như thế ấy, họ nghĩ tưởng rằng: “Hôm nay, ta ăn những món đồ ăn mềm này, nhai những món đồ ăn cứng kia; và ngày mai, ta sẽ ăn những món đồ ăn mềm này, sẽ nhai những món đồ ăn cứng kia”.

Những hành giả ấy giữ gìn bát giới uposathasīla suốt ngày đêm trôi qua với tâm tham muốn ăn những món đồ ăn kia.

─ Này Visākhā, như vậy gọi là gopāla uposatha: Giữ gìn bát giới như người chăn bò (để mong nhận tiền công). Giữ gìn bát giới uposatha như vậy không có kết quả nhiều, không có quả báu nhiều, không làm cho giới được hiện rõ, không làm cho giới được lan rộng khắp mọi nơi.

Nigaṇṭha uposatha

2- Giữ gìn giới uposathasīla như nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha như thế nào?

─ Này Visākhā, một nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha dạy nhóm đệ tử của họ rằng:

Này quý vị hãy lại đây! Trong hướng Đông, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được.

Trong hướng Tây, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được.

Trong hướng Nam, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được.

Trong hướng Bắc, những chúng sinh nào ở ngoài phạm vi 100 do tuần, quý vị có thể hành hạ đánh đập,... những chúng sinh ấy được.

Như vậy, nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dạy nhóm đệ tử của họ có lòng thương đến một số chúng sinh này, và không có lòng thương đến một số chúng sinh kia.

Trong ngày giới uposathasīla, nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dạy nhóm đệ tử của họ rằng:

Này quý vị hãy lại đây! Quý vị hãy nên cởi bỏ tất cả quần áo rồi tuyên bố rằng: “Ta không còn liên quan đến ai cả, nơi nào cả; và ta cũng không bận tâm dính mắc những gì trong thân, hay ngoài thân cả”.

Nhưng cha mẹ của người ấy biết rõ rằng: “Người ấy là con của ta”. Và chính người ấy cũng biết rõ rằng: “Hai người ấy là cha mẹ của ta”.

Vợ và con của người ấy biết rõ rằng: “Người ấy là chồng, là cha của ta”. Và chính người ấy cũng biết rõ rằng: “Người ấy là vợ, là con của ta”.

Những người tôi tớ, người làm công của người ấy biết rõ rằng: “Người ấy là người chủ của chúng ta”. Và chính người ấy cũng biết rõ rằng: “Những người kia là người tôi tớ, là người làm công của ta”.

Nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dạy nhóm đệ tử của họ nói lời chân thật, nhưng thật ra họ dạy nhóm đệ tử nói dối. Do đó, Như Lai nói: “Lời dạy của nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy là lời nói dối”.

Khi đêm đã qua, đến rạng đông sáng tỏ, nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy dùng vật thực mà người chủ không cho. Do đó, Như Lai nói: “Sự dùng vật thực của nhóm tu sĩ ngoại đạo ấy là sự trộm cắp”.

Này Visākhā, như vậy gọi là Nigaṇṭha uposatha: Giữ gìn giới uposathasīla như nhóm tu sĩ ngoại đạo Nigaṇṭha như vậy không có kết quả nhiều, không có quả báu nhiều, không làm cho giới được hiện rõ nhiều, không làm cho giới được lan rộng khắp mọi nơi.

Ariya uposatha

3- Giữ gìn giới uposathasīla y như bậc Thánh Nhân như thế nào?

3. 1 Brahma uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Phật

Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật rằng:

“Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasāratthi, Satthādevamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā”([2]).

1- Arahaṃ: Đức Arahán là Bậc cao thượng có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên và nhân loại.

2- Sammāsambuddho: Đức Chánh Đẳng Giác là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.

3- Vijjācaraṇasampanno: Đức Minh Hạnh Túc là Bậc có đầy đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng.

4- Sugato: Đức Thiện Ngôn là Bậc thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh.

5- Lokavidū: Đức Thông Suốt Tam Giới là Bậc thấy rõ, biết rõ chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới.

6- Anuttaro purisadammasārathi: Đức Vô Thượng giáo hóa chúng sinh là Bậc giáo huấn chúng sinh cải tà quy chánh, cái ác làm thiện, từ hạng phàm nhân lên bậc Thánh Nhân.

7- Satthādevamanussānaṃ: Đức Thiên Nhân Sư là Bậc Thầy của chư thiên, chư phạm thiên và nhân loại...

8- Buddho: Đức Phật là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, rồi Ngài thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài (cũng chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo năng lực ba-la-mật và hạnh nguyện của mỗi chúng sinh).

9- Bhagavā: Đức Thế Tôn là Bậc có 6 Ân đức đặc biệt do 30 pháp hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Ngài.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, ví như trên đầu bị dơ bẩn, làm cho cái đầu sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn.

Trên đầu bị dơ bẩn, làm cho cái đầu sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Người ta dùng nước trái cây và nước sạch với sự tinh tấn của người ấy gội sạch cái đầu.

Này Visākhā, trên đầu bị dơ bẩn, làm cho cái đầu được sạch sẽ nhờ sự tinh tấn gội sạch cái đầu. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật rằng:

“Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjācaraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadammasāratthi, Satthādevamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā”.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Brahma uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Phật, như được sống gần gũi với Đức Phật, tâm thiện của bậc ấy hướng đến Đức Phật, nên tâm thiện trở nên trong sạch, phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy.

<3. 2 Dhamma uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 6 Ân đức Pháp

─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp rằng:

“Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi”([3]).

1- Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10 chánh pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh tịnh.

10 chánh pháp đó là:

Pháp học chánh pháp.

9 pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả + 1 Niết Bàn).

2- Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh pháp gồm 9 pháp Siêu tam giới mà chư Thánh Nhân đã chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn nào, rồi tự thấy, tự biết bằng trí tuệ của mình.

3- Akāliko dhammo: Chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo cho quả tương ứng 4 Thánh Quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Đạo nào liền cho Thánh Quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.

4- Ehipassiko dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới thuộc Chân nghĩa pháp rất trong sạch và thanh tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.

5- Opaneyyiko dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh pháp đó là 9 pháp Siêu tam giới mà chư bậc thiện trí Thánh Nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh Quả hưởng sự an lạc Niết Bàn tịch tịnh.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, ví như thân thể bị dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn.

Thân thể bị dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Người ta dùng bột đá, bột và nước trong với sự tinh tấn của người ấy tắm rửa thân hình sạch sẽ.

Này Visākhā, thân thể bị dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn tắm rửa thân thể. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp rằng:

“Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi”.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 6 Ân đức Pháp, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Dhamma uposathasīla có đối tượng 6 Ân đức Pháp, như được sống gần gũi với Đức Pháp, tâm thiện của bậc ấy hướng đến Đức Pháp, nên tâm thiện trở nên trong sạch, phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy.

<3. 3 Saṃgha uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Tăng

─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng rằng:

“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmicippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho,

Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”([4])

1- Suppaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức Phật.

2- Ujuppaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành trung thực đúng theo pháp hành Trung đạo, không quanh co lầm lạc.

3- Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành theo pháp hành Bát chánh đạo, chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

4- Sāmicippaṭipanno: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc đã hành giới-định-tuệ đúng đắn xứng đáng để chúng sinh tôn kính lễ bái cúng dường.

Cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh (tính theo tâm Siêu tam giới).

Chư Thánh Thanh Văn có 4 đôi:

Nhập Lưu Thánh Đạo ® Nhập Lưu Thánh Quả

Nhất Lai Thánh Đạo   ® Nhất Lai Thánh Quả

Bất Lai Thánh Đạo   ® Bất Lai Thánh Quả

Arahán Thánh Đạo  ® Arahán Thánh Quả

Chư Thánh Thanh Văn có 8 bậc Thánh:

4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả

Nhập Lưu Thánh Đạo

Nhất Lai Thánh Đạo

Bất Lai Thánh Đạo

Arahán Thánh Đạo

Nhập Lưu Thánh Quả

Nhất Lai Thánh Quả

Bất Lai Thánh Quả

Arahán Thánh Quả

5- Āhuneyyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.

6- Pāhuneyyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.

7- Dakkhiṇeyyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến.

8- Añjalikaraṇīyo: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là những Bậc xứng đáng cho chúng sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường.

9- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn là phước điền cao thượng của chúng sinh không đâu sánh được.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, ví như tấm vải bị dơ bẩn, làm cho tấm vải được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn.

Tấm vải bị dơ bẩn, làm cho tấm vải được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Người ta dùng đất mặn, tro và nước trong với sự tinh tấn của người ấy giặt giũ tấm vải cho sạch sẽ.

Này Visākhā, tấm vải bị dơ bẩn, làm cho tấm vải được sạch sẽ do nhờ sự tinh tấn giặt giũ tấm vải. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, cũng do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng rằng:

“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho,

Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmicippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho,

Āhuneyyo, Pāhuneyyo, Dakkhiṇeyyo, Añjalikaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 9 Ân đức Tăng, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Cho nên, những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

─ Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Saṃgha uposathasīla có đối tượng 9 Ân đức Tăng, như được sống gần gũi với Đức Tăng, tâm thiện của bậc ấy hướng đến Đức Tăng, nên tâm thiện trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy.

<3. 4 Sīla uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng giới của mình trong sạch và trọn vẹn

─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, giới không bị đứt (akhaṇḍa)([5]), giới không bị thủng (lủng) (acchidda)([6]), giới không bị đốm (asabala)([7]), giới không bị đứt lan (akam-māsa)([8]), giới tự chủ (không bị nô lệ bởi phiền não), được bậc thiện trí tán dương, giới làm nền tảng cho định và tuệ.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, ví như tấm kính bị lu mờ, làm cho tấm kính được trong suốt do nhờ sự tinh tấn.

Tấm kính bị lu mờ, làm cho tấm kính được trong suốt do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Người ta dùng dầu lau kính, tro và nước sạch với sự tinh tấn của người ấy lau chùi làm cho tấm kính trở nên trong suốt.

Này Visākhā, tấm kính bị lu mờ làm cho tấm kính được trong suốt do nhờ sự tinh tấn lau chùi tấm kính. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan,...

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến giới của mình trong sạch và trọn vẹn, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc, cho nên những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là Sīla uposathasīla có đối tượng giới của mình trong sạch và trọn vẹn, như được sống gần gũi với giới, tâm thiện của bậc ấy hướng đến giới của mình, nên tâm thiện trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy.

3. 5 Devata uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla có đối tượng 5 pháp chư thiên hiện hữu trong mình

─ Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 5 pháp của các hàng chư thiên rằng:

“Những hàng chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, chư thiên cõi Tam Thập Tam Thiên, chư thiên cõi Dạ Ma Thiên, chư thiên cõi Đấu Xuất Đà Thiên, chư thiên cõi Hóa Lạc Thiên, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, chư phạm thiên cõi trời cao tiền kiếp vốn có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ nào, sau khi chết, do nhờ thiện pháp ấy cho quả tái sinh lên cõi trời ấy như thế nào, chính trong ta cũng có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ cũng như thế ấy”.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 5 pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ của mình với của các hàng chư thiên, thì tâm thiện của bậc ấy trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, ví như vàng chưa tinh khiết, làm cho vàng được tinh khiết do nhờ sự tinh tấn.

Vàng chưa tinh khiết, làm cho vàng được tinh khiết do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Người ta đem vàng bỏ vào cái vá, đem đốt trên lò với sự tinh tấn của người ấy làm cho vàng trở nên tinh khiết.

Này Visākhā, vàng chưa tinh khiết làm cho vàng được tinh khiết do nhờ sự tinh tấn làm cho vàng trở nên tinh khiết. Cũng như vậy, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn.

Tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạchđược, do nhờ sự tinh tấn như thế nào?

Này Visākhā, trong giáo pháp này, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến 5 pháp của các hàng chư thiên rằng:

“Những hàng chư thiên cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, chư thiên cõi Tam Thập Tam Thiên, chư thiên cõi Dạ Ma Thiên, chư thiên cõi Đấu Xuất Đà Thiên, chư thiên cõi Hóa Lạc Thiên, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên, chư phạm thiên cõi trời cao tiền kiếp vốn có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ nào, sau khi chết, do nhờ thiện pháp ấy cho quả tái sinh lên cõi trời ấy như thế nào, chính trong ta cũng có đầy đủ các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ cũng như thế ấy”.

Khi bậc Thánh Thanh Văn đệ tử niệm tưởng đến các pháp là đức tin, giới, học nhiều hiểu rộng, bố thí, trí tuệ của mình với của các hàng chư thiên, thì tâm thiện của bậc ấy trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc, cho nên những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử giữ gìn bát giới uposathasīla như vậy, gọi là: Devata uposathasīla có đối tượng các pháp của chư thiên, như được sống gần gũi với chư thiên, tâm thiện của bậc ấy hướng đến chư thiên, nên tâm thiện trở nên trong sạch phát sinh hỷ lạc. Những phiền não nào làm cho tâm ô nhiễm, thì những phiền não ấy bị diệt.

Này Visākhā, tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não, làm cho tâm trở nên trong sạch được, do nhờ sự tinh tấn như vậy.

3. 6 Bát giới uposathasīla

─ Này Visākhā, bậc Thánh Thanh Văn đệ tử có trí tuệ sáng suốt suy xét rằng:

1- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự sát sinh, tuyệt đối tránh xa sự sát sinh, đã bỏ gậy gộc, đã bỏ khí giới, có tâm hổ thẹn mọi tội lỗi, có tâm bi thương xót cứu khổ tất cả mọi chúng sinh. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự sát sinh, tránh xa sự sát sinh, bỏ gậy gộc, bỏ khí giới, có tâm hổ thẹn mọi tội lỗi, có tâm bi thương xót cứu khổ tất cả mọi chúng sinh suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự sát sinh, được trong sạch.

2- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự trộm cắp, tuyệt đối tránh xa sự trộm cắp, chỉ thọ nhận vật dụng mà người ta cúng dường, không bao giờ trộm cắp, là bậc sống hoàn toàn trong sạch thanh cao. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự trộm cắp, tránh xa sự trộm cắp, chỉ thọ nhận vật dụng mà người ta cho, không trộm cắp, là người sống hoàn toàn trong sạch thanh cao suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự trộm cắp, được trong sạch.

3- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự hành pháp không cao thượng (hành dâm), chỉ hành phạm hạnh cao thượng, tránh xa việc hành dâm thấp hèn, tuyệt đối tránh xa sự hành dâm, pháp của người tại gia. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự hành pháp không cao thượng (hành dâm), chỉ hành phạm hạnh cao thượng, tránh xa việc hành dâm thấp hèn, tránh xa sự hành dâm, pháp của người tại gia suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự hành dâm, được trong sạch.

4- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự nói dối, tuyệt đối tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật, lúc nào cũng nói lời chân thật, lời nói có chứng cứ rõ ràng, lời nói đáng tin, không lừa dối. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự nói dối, tránh xa sự nói dối, chỉ nói lời chân thật, lúc nào cũng nói lời chân thật, lời nói có chứng cứ rõ ràng, lời nói đáng tin, không lừa dối suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự nói dối được trong sạch.

5- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp; đã tuyệt đối tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp. Hôm nay, ta cũng từ bỏ sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp; tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi trong mọi thiện pháp suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi, được trong sạch.

6- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời chỉ độ (dùng) vật thực một bữa (trong ngày), không dùng vật thực ban đêm, tránh xa sự độ vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa). Hôm nay, ta cũng chỉ dùng vật thực một bữa (trong ngày), không dùng vật thực ban đêm, tránh xa sự dùng vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa) suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới tránh xa sự dùng vật thực phi thời, được trong sạch.

7- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời đã từ bỏ sự nhảy múa ca hát, thổi kèn, tuyệt đối tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái. Hôm nay ta cũng từ bỏ sự nhảy múa ca hát, thổi kèn, tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới từ bỏ sự nhảy múa ca hát thổi kèn, tránh xa xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái, được trong sạch.

8- Chư bậc Thánh Arahán suốt cuộc đời từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, tuyệt đối tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô. Hôm nay, ta cũng từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô suốt 1 ngày nay và 1 đêm nay. Ta được gọi là người thực hành theo gương của chư Thánh Arahán về điều giới này. Và ta đã thọ trì uposathasīla, giữ gìn điều giới từ bỏ chỗ nằm ngồi nơi quá cao quý và xinh đẹp, chỉ nằm ngồi chỗ thấp, trên cái giường nhỏ, hoặc trên chỗ nằm được làm bằng cỏ khô, được trong sạch.

Quả báu của bát giới Ariya uposathasīla

─ Này Visākhā, như vậy gọi là Ariya uposathasīla: Giữ gìn bát giới uposathasīla như bậc Thánh Nhân.

Này Visākhā, thọ trì bát giới uposathasīla như bậc Thánh Nhân có kết quả nhiều, có quả báu nhiều, quả báu được hiện rõ nhiều, quả báu được lan rộng khắp mọi nơi.

Giữ gìn bát giới uposathasīla như bậc Thánh Nhân có được kết quả nhiều bao nhiêu? Có được quả báu nhiều bao nhiêu? Quả báu được hiện rõ nhiều thế nào? Quả báu được lan rộng khắp mọi nơi thế nào?

Này Visākhā, ví như người nào được suy tôn lên làm Vua trị vì 16 vùng rộng lớn như vùng Aṅga, vùng Magadha, vùng Kāsī, vùng Kosala, vùng Vajjī, vùng Malla, vùng Sūrasena, vùng Assaka, vùng Avantī, vùng Gandhāra, vùng Kamboja,... có đầy đủ 7 báu vật quý giá ấy cũng chưa bằng 1 phần 16 của người thọ trì bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới.

Điều ấy tại sao vậy?

Bởi vì sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi.

Này Visākhā, cứ 50 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Tứ Đại Thiên Vương có khoảng 500 năm cõi trời (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 500 X 12 X 30 X 50 = 9.000.000 (chín triệu năm)) ở cõi người.

Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Tứ Đại Thiên Vương Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy.

Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi.

Này Visākhā, cứ 100 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Tam Thập Tam Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Tam Thập Tam Thiên có khoảng 1.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 1.000 X 12 X 30 X 100 = 36.000.000 (ba mươi sáu triệu năm ở cõi người).

Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Tam Thập Tam Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy.

Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi.

Này Visākhā, cứ 200 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Dạ Ma Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Dạ Ma Thiên có khoảng 2.000 năm cõi trời (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 2.000 X 12 X 30 X 200 = 144.000.000 (một trăm bốn mươi bốn triệu năm ở cõi người).

Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Dạ Ma Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy.

Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi.

Này Visākhā, cứ 400 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Đấu Xuất Đà Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Đấu Xuất Đà Thiên có khoảng 4.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 4.000 X 12 X 30 X 400 = 576.000.000 (năm trăm bảy mươi sáu triệu năm ở cõi người).

Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Đấu Xuất Đà Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy.

Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi.

Này Visākhā, cứ 800 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Hoá Lạc Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Hoá Lạc Thiên có khoảng 8.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 8.000 X 12 X 30 X 800 = 2.304.000.000 (hai tỷ ba trăm lẻ bốn triệu năm ở cõi người).

Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Hoá Lạc Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy.

Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi.

Này Visākhā, cứ 1.600 năm ở cõi người bằng 1 ngày 1 đêm ở cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên, 30 ngày đêm thành 1 tháng, 12 tháng thành 1 năm. Tuổi thọ của chư thiên trong cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên có khoảng 16.000 năm cõi trời. (nếu so với số năm ở cõi người thì bằng 16.000 X 12 X 30 X 1.600 = 9.216.000.000 (chín tỷ hai trăm mười sáu triệu năm ở cõi người).

Này Visākhā, trong đời này, có một số người là đàn ông hoặc đàn bà thọ trì, giữ gìn bát giới uposathasīla đầy đủ 8 điều giới. Sau khi chết, do nhờ thiện nghiệp giữ giới ấy cho quả tái sinh lên cõi Tha Hoá Tự Tại Thiên, làm bạn với chư thiên trong cõi ấy.

Này Visākhā, Như Lai căn cứ vào điều ấy mà nói rằng: Sự nghiệp ngôi báu trong cõi người so sánh với sự an lạc trong cõi trời chỉ là một phần nhỏ chút đỉnh mà thôi.

Đức Phật thuyết câu kệ có ý nghĩa:

Người thọ trì bát giới, giữ gìn đủ tám giới là

Không sát sinh, không trộm cắp, không hành dâm,

Không nói dối, không uống rượu và chất say,

Không dùng vật thực phi thời quá giờ ngọ,

Không múa hát, thổi kèn, đàn, xem múa hát,

Không đeo tràng hoa, thoa vật thơm, xức nước hoa,

Không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

Đức Phật là Bậc Thông Suốt tam giới [9]

Truyền dạy uposathasīla đầy đủ tám giới

Và quả báu cao quý lớn lao của bát giới.

Mặt trăng, mặt trời cả hai đều có oai lực,

Phát ra ánh sáng có diện tích rộng bao nhiêu,

Ánh sáng này tiêu diệt bóng tối trong hư không,

Làm sáng tỏ lan rộng khắp mọi phương hướng.

Khi ánh sáng chiếu sáng đến một nơi nào,

Tại nơi ấy tràn đầy những báu vật vô giá,

Như các thứ ngọc maṇi, ngọc muttā...,

Đủ các loại vàng tinh khiết quý giá,

Dù gồm tất cả các thứ báu vật vô giá ấy.

Cũng chưa bằng một phần mười sáu so với

Quả báu của bát giới uposathasīla,

Ví như ánh sáng của các ngôi sao trên hư không,

Không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng.

Vì vậy người cận sự nam, cận sự nữ,

Nên thọ trì bát giới uposathasīla,

Giữ gìn tám giới cho được trong sạch và trọn vẹn.

Tạo được nhiều phước thiện cao thượng đặc biệt.

Là người không bị chê trách mà được tán dương,

Có được quả báu cao thượng đặc biệt,

Trong kiếp hiện tại được nhiều sự an lạc.

Sau khi chết, do nhờ phước thiện giữ giới,

Cho quả tái sinh lên cõi trời như ý,

Hưởng mọi sự an lạc cao thượng nhất.

(Xong bài kinh Uposathasīla)

Chuẩn Bị Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla

Phàm người cận sự nam, cận sự nữ có lắm công nhiều việc, ít có dịp thư thả, cho nên đến ngày bát giới uposathasīla là ngày quan trọng. Người cận sự nam, cận sự nữ cần phải chuẩn bị trước khi thọ trì bát giới uposathasīla, đang khi thọ trì và sau khi thọ trì bát giới uposathasīla theo tuần tự như sau:

1- Biết rằng: Ngày hôm sau là ngày bát giới uposathasīla, cho nên ngày hôm ấy, người cận sự nam, cận sự nữ cần phải sắp đặt mọi công việc cho xong.

2- Chuẩn bị đồ ăn uống giản dị cho ngày hôm sau.

3- Biết thu xếp công việc. Nếu biết công việc nào không cần thiết, thì người cận sự nam, cận sự nữ không nên làm công việc ấy trong ngày bát giới uposathasīla.

4- Ngày hôm sau lúc bình minh tỏ rạng, người cận sự nam, cận sự nữ thức dậy sớm xong, làm cho thân hình sạch sẽ, quần áo được sạch sẽ, có thiện tâm trong sạch.

5- Hằng ngày thường trang điểm phấn son, đồ trang sức (đối với người cận sự nữ), sáng ngày bát giới uposathasīla người cận sự nam, cận sự nữ không trang điểm những đồ trang sức ấy.

6- Nếu nhà ở gần chùa, thì người cận sự nam, cận sự nữ nên đến chùa xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla theo nghi thức với vị Đại đức hướng dẫn, rồi ở lại chùa suốt ngày đêm cho đến sáng ngày hôm sau.

Nếu không có cơ hội đến chùa thì người cận sự nam, cận sự nữ đến trước bàn thờ Tam Bảo, đem hoa, trầm lễ bái cúng dường Tam Bảo xong, đọc 3 bài sám hối Tam Bảo, rồi tự mình nguyện xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn bát giới uposathasīla cho được trong sạch và trọn vẹn suốt ngày và đêm cho đến rạng sáng ngày hôm sau.

7- Sau khi thọ trì bát giới uposathasīla xong, người cận sự nam,cận sự nữ ở một mình chỗ thanh vắng để thực hành thiền định đề mục niệm 9 Ân đức Phật, hoặc đề mục niệm 6 Ân đức Pháp, hoặc đề mục niệm 9 Ân đức Tăng,...; hoặc ngồi nghe pháp, hoặc đàm đạo pháp, hoặc xem kinh đọc sách đạo (không đọc sách báo trong đời); thực hành thiền tuệ trong 4 oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm trong ngày đêm đó cho đến rạng sáng ngày hôm sau.

8- Đến giờ dùng vật thực chỉ dùng đồ giản dị, khi dùng nên suy xét rằng: “Dùng vật thực để duy trì mạng sống, để thực hành giới-định-tuệ”. Như vậy, vật thực dù ngon, dù dở cũng đều dùng được tự nhiên. Quá giờ ngọ (12 giờ trưa) không được dùng một thứ vật thực nào cả, cho đến lúc bình minh của sáng ngày hôm sau.

Nếu người cận sự nam, cận sự nữ cảm thấy bụng đói, khó chịu, thì được phép dùng các thứ nước trái cây ép bỏ xác lấy nước để dùng, dùng mật ong, thuốc bổ, thuốc trị bệnh.

9- Ban đêm người cận sự nam, cận sự nữ nên ngủ ít (ngủ khoảng từ 22 giờ đến 2 giờ khuya) dành nhiều thời giờ để thực hành thiền định hoặc thực hành thiền tuệ.

Khi thức dậy sớm, người cận sự nam, cận sự nữ nên quán xét lại bát giới uposathasīla của mình rằng: “Chư Bậc Thánh Arahán tuyệt đối tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự hành dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, tránh xa sự ăn phi thời, tránh xa sự xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái, tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp suốt trọn đời. Về phần ta, noi gương theo chư Thánh Arahán, ta cũng đã thọ trì bát giới uposathasīla tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự hành dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say, tránh xa sự ăn phi thời, tránh xa sự xem nhảy múa, ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tâm tham ái, tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao và xinh đẹp suốt 1 ngày và 1 đêm nay”.

10- Lúc bình minh của ngày hôm sau, hoàn mãn ngày bát giới uposathasīla, người cận sự nam, cận sự nữ lễ bái Tam Bảo, hồi hướng phước thiện giữ giới đến tất cả chúng sinh, chư thiên, nhất là ông bà, cha mẹ, thầy tổ, cùng những bậc ân nhân từ hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ. Cầu xin tất cả đều hoan hỷ phần phước thiện thanh cao này, để thoát mọi cảnh khổ và được an lạc lâu dài.

Người cận sự nam, cận sự nữ không cần xả bát giới uposathasīla. Thật ra, hành giả đã phát nguyện thọ trì bát giới uposathasīla 1 ngày 1 đêm, khi trải qua 1 ngày 1 đêm, ngay khi ấy bát giới uposathasīla hoàn mãn, không còn hiệu lực nữa, trở lại ngũ giới là thường giới, bát giới ājīvaṭṭhamakasīla của người tại gia.

Nghi Thức Lễ Thọ Phép Quy Y Tam Bảo Và Thọ Trì Bát Giới Uposathasīla

Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có ý nguyện muốn làm lễ thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới gọi uposathasīla.

Nghi thức theo tuần tự như sau:

Người cận sự nam, cận sự nữ (hoặc hành giả) đảnh lễ Ngài Đại đức xong, tiếp theo hành nghi lễ tuần tự như sau:

Lễ bái Tam Bảo

Lễ sám hối Tam Bảo

Lễ sám hối Đức Phật Bảo

Uttamaṅgena vande’haṃ,

Pādapaṃsuṃ varuttamaṃ.

Buddhe yo khalito doso,

Buddho khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,

Bụi trần dưới bàn chân cao thượng Đức Phật.

Lỗi lầm nào con đã phạm đến Phật Bảo,

Cúi xin Phật Bảo xá tội ấy cho con.

(đảnh lễ một lạy)

Lễ sám hối Đức Pháp Bảo

Uttamaṅgena vande’haṃ,

Dhammañca duvidhaṃ varaṃ.

Dhamme yo khalito doso,

Dhammo khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,

Hai hạng Pháp Bảo: Pháp học và pháp hành.

Lỗi lầm nào con đã phạm đến Pháp Bảo,

Cúi xin Pháp Bảo xá tội ấy cho con.

(đảnh lễ một lạy)

Lễ sám hối Đức Tăng Bảo

Uttamaṅgena vande’haṃ,

Saṃghañca duvidhuttamaṃ.

Saṃghe yo khalito doso,

Saṃgho khamatu taṃ mamaṃ.

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ,

Hai bậc Tăng Bảo: Thánh Tăng và phàm Tăng.

Lỗi lầm nào con đã phạm đến Tăng Bảo,

Cúi xin Tăng Bảo xá tội ấy cho con.

(đảnh lễ một lạy)

Bài kệ cầu nguyện

Iminā puññakammena,

Sabbe bhayā vinassantu.

Nibbānaṃ adhigantuṃ hi,

Sabbadukkhā pamuccāmi.

Do nhờ năng lực thiện tâm sám hối này,

Cầu xin mọi tai họa hãy đều tiêu diệt.

Mong chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả Niết Bàn,

Cầu mong giải thoát mọi cảnh khổ tái sinh.

Lễ xin thọ phép quy y Tam Bảo

và thọ trì bát giới uposathasīla

Mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante.

Dutiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante.

Tatiyampi mayaṃ Bhante, tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ yācāma, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha no Bhante.

Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla cho chúng con.

Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla cho chúng con, lần thứ nhì.

Kính bạch Ngài Đại đức, chúng con xin thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla cho chúng con, lần thứ ba.

Ngài Đại đức truyền dạy rằng:

NĐĐ: Yamahaṃ vadāmi, taṃ vadetha.

(Sư hướng dẫn từng chữ, từng câu như thế nào, các con hãy nên lập lại đúng từng chữ, từng câu như thế ấy).

Tất cả mọi người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh thưa rằng:

CSN: Āma, Bhante.

(Dạ, xin vâng! Kính bạch Ngài).

Kính lễ Đức Phật

Ngài Đại đức hướng dẫn đảnh lễ Đức Thế Tôn rằng:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. (3 lần)

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác ấy. (3 lần)

 Thọ phép quy y Tam Bảo

Sau khi kính lễ Đức Phật xong, Ngài Đại đức hướng dẫn thọ phép quy y Tam Bảo như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.

Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì.

Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì.

Dutiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ nhì.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba.

Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba.

Tatiyampi Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ ba.

NĐĐ: Tisaraṇagamanaṃ paripuṇṇaṃ.

(Phép quy y Tam Bảo trọn vẹn bấy nhiêu!)

CSN: Āma! Bhante.

(Dạ, xin vâng! Kính bạch Ngài).

Thọ trì bát giới uposathasīla

Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, tiếp theo thọ trì bát giới uposathasīla như sau:

1- Pāṇātipātā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự sát sinh.

2- Adinnādānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự trộm cắp.

3- Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự hành dâm.

4- Musāvādā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nói dối.

5- Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi.

6- Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự dùng vật thực phi thời.

7- Nacca gīta vādita visūkadassana mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái.

8- Uccāsayana mahāsayanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

Ngài Đại đức khuyên dạy rằng:

NĐĐ: Tisaraṇena saha aṭṭhaṅgasamannāgataṃ uposathasīlaṃ dhammaṃ sādhukaṃ katvā, appamādena sampādetha.

(Thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, các con hãy nên cố gắng giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn, bằng pháp không dể duôi, để làm nền tảng cho mọi thiện pháp phát sinh).

Những người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh bạch rằng:

CSN: Āma! Bhante.

(Dạ, xin vâng! Kính bạch Ngài).

NĐĐ: Sīlena sugatiṃ yanti.

Sīlena bhogasampadā.

Sīlena nibbutiṃ yanti.

Tasmā sīlaṃ visodhaye.

Chúng sinh tái sinh cõi trời, nhờ giữ giới.

Chúng sinh đầy đủ của cải, nhờ giữ giới.

Chúng sinh giải thoát Niết Bàn, nhờ giữ giới.

Vậy, các con giữ giới cho được trong sạch!

CSN: Sādhu! Sādhu!

(Lành thay! Lành thay)!

Sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, tiếp theo đọc bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm tăng đức tin vững chắc, như sau:

Bài kệ khẳng định quy y Tam Bảo

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,

Buddho me saraṇaṃ varaṃ.

Etena sacavajjena,

Hotu me jayamaṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,

Dhammo me saraṇaṃ varaṃ.

Etena sacavajjena,

Hotu me jayamaṅgalaṃ.

Natthi me saraṇaṃ aññaṃ,

Saṃgho me saraṇaṃ varaṃ.

Etena sacavajjena,

Hotu me jayamaṅgalaṃ.

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,

Phật Bảo nơi nương nhờ cao thượng của con.

Do nhờ năng lực của lời chân thật này,

Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,

Pháp Bảo nơi nương nhờ cao thượng của con.

Do nhờ năng lực của lời chân thật này,

Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Chẳng có nơi nào đáng cho con nương nhờ,

Tăng Bảo nơi nương nhờ cao thượng của con.

Do nhờ năng lực của lời chân thật này,

Cầu mong cho con được hạnh phúc cao thượng.

Hoàn thành xong lễ thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì bát giới uposathasīla.

Phần Giải Thích

Trong bát giới uposathasīla có tất cả 8 điều giới; có 4 điều giới là: “Tránh xa sự sát sinh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say... đã được giải thích trong phần ngũ giới. Trong phần sau sẽ giải thích 4 điều giới còn lại là: Tránh xa sự hành dâm; tránh xa sự dùng vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa); tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái; tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

Điều Giới Thứ 3

Abrahmacariyā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

* Nghĩa phân tích chữ:

─ Abrahmacariyā = A + brahmacariyā

A = na: Không.

Brahmacariyā: Hành phạm hạnh.

─ Veramaṇisikkhāpadaṃ = Veramaī + sikkhāpada.

Veramaṇī: Tác ý tránh xa.

Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới.

─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì.

Abrahmacariyā: Không hành phạm hạnh, nghĩa là hành dâm.

* Nghĩa tổng hợp:

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự hành dâm.

Chi Pháp Phạm Điều Giới Hành Dâm

Người phạm điều giới hành dâm cần phải hợp đủ 2 chi pháp:

1- Tâm muốn hành dâm.

2- Sự tiếp xúc giữa 2 bộ phận sinh dục của 2 bên.

Nếu hội đủ 2 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới hành dâm. Nếu thiếu 1 trong 2 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới hành dâm.

Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi thọ trì bát giới uposathasīla, giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

* Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy quan hệ tình dục với vợ hoặc chồng của mình, thì người ấy phạm điều giới hành dâm, không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, nhưng không phải phạm điều giới tà dâm, nên không tạo ác nghiệp tà dâm.

* Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy quan hệ tình dục với vợ hoặc chồng, hoặc con của người khác (không phải vợ hoặc chồng của mình), thì người ấy không những phạm điều giới hành dâm mà còn phạm điều giới tà dâm nữa, tạo ác nghiệp tà dâm, phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Điều Giới Thứ 6

Vikālabhojanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

* Nghĩa phân tích chữ:

─ Vikālabhojanā = Vikāla + bhojanā

Vikāla: Phi thời, nghĩa là thời gian quá ngọ (quá 12 giờ trưa) cho đến trước lúc bình minh của sáng ngày hôm sau.

Bhojanā: Dùng vật thực gồm có cơm, các món đồ ăn, các loại bánh, các thứ trái cây, các thứ bột ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua, bơ đặc, v.v... đều gọi chung là vật thực.

─ Veramaṇisikkhāpadaṃ = Veramaī + sikkhāpada.

Veramaṇī: Tác ý tránh xa.

Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới.

─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì.

Vikālabhojanā: Không dùng vật thực phi thời (quá ngọ, quá 12 giờ trưa) gồm có cơm, các món đồ ăn, các loại bánh, các thứ trái cây, các thứ bột ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua, bơ đặc, v.v...

* Nghĩa tổng hợp:

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự dùng vật thực lúc phi thời.

Chi Pháp Phạm Điều Giới Dùng Vật Thực Phi Thời

Người phạm điều giới dùng vật thực phi thời cần phải hợp đủ 3 chi pháp:

1- Lúc phi thời là khoảng thời gian từ quá ngọ (quá 12 giờ trưa) qua đêm cho đến trước lúc bình minh của buổi sáng ngày hôm sau.

2- Các thứ vật dụng như cơm, các món đồ ăn, các loại bánh, các thứ trái cây, các thứ bột ngũ cốc, sữa tươi, sữa chua, bơ đặc, v.v...

3- Vật thực nuốt qua khỏi cổ.

Nếu hội đủ 3 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới dùng vật thực phi thời. Nếu thiếu 1 trong 3 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới dùng vật thực phi thời.

Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, người ấy chỉ được phép dùng vật thực từ lúc rạng đông cho đến giờ ngọ, 12 giờ trưa mà thôi. Khi quá 12 giờ trưa qua đêm cho đến trước lúc bình minh của sáng ngày hôm sau, thì hành giả không nên dùng các loại vật thực. Nếu người bị bệnh hành hạ, thì có thể dùng nước trái cây xay nhuyễn, lọc kỹ, bỏ xác lấy nước uống, hoặc có thể dùng 5 thứ thuốc nước bơ trong, nước bơ lỏng, dầu mè, mật ongnước đường, hoặc các loại thuốc dùng để trị bệnh được.

Nếu người ấy giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc đặc biệt trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy dùng vật thực phi thời, thì người ấy phạm điều giới dùng vật thực phi thời, không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, nhưng không tạo tội lỗi gì, bởi vì dùng vật thực của mình, không làm khổ mình cũng không làm khổ người khác.

Điều Giới Thứ 7

Nacca gīta vādita visūkadassana mālāgandha vilepana dhāraṇa maṇḍana vibhūsanaṭṭhānā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

* Nghĩa phân tích chữ:

Nacca: Nhảy múa nghĩa là tự mình nhảy múa, hoặc sai bảo người khác nhảy múa để cho mình xem là phạm điều giới, thậm chí sai khiến con công múa cũng phạm điều giới.

Gīta: Ca hát nghĩa là tự mình ca hát, ngâm thơ,...; hoặc sai bảo người khác ca hát, ngâm thơ,... để cho mình nghe là phạm điều giới.

Vādita: Thổi kèn, đánh đàn nghĩa là tự mình thổi kèn, đánh đàn, sử dụng các loại nhạc cụ khác; hoặc sai khiến người khác thổi kèn, đánh đàn, sử dụng các loại nhạc cụ khác để cho mình nghe là phạm điều giới.

Visūkadassana: Xem nhảy múa, nghe ca hát, thổi kèn, đánh đàn đều là đối tượng của tham ái nhân sinh khồ, là pháp nghịch với giới-định-tuệ là phạm điều giới.

Mālādharaṇa: Đeo tràng hoa nghĩa là trang điểm cho mình bằng các thứ hoa, là phạm điều giới.

Gandhamaṇḍana: Làm đẹp bằng các thứ phấn son là phạm điều giới.

Vilepanavibhūsana: Xức nước hoa trong người có mùi thơm là phạm điều giới.

Ṭhāna: Nhân sinh tâm tham ái. 

─ Veramaṇisikkhāpadaṃ = Veramaī + sikkhāpada.

Veramaṇī: Tác ý tránh xa.

Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới.

─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì.

* Nghĩa tổng hợp:

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái.

Chi Pháp Phạm Điều Giới Nhảy Múa, Ca Hát, Thổi Kèn…

Người phạm điều giới nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái cần phải hợp đủ 6 chi pháp:

1- Nhảy múa ca hát, thổi kèn, đánh đàn...

2- Tâm thỏa thích.

3- Xem nhảy múa, nghe ca hát...

4- Trang điểm bằng những thứ như tràng hoa...

5- Tâm thích trang điểm.

6- Đã thỏa mãn hành động bằng thân và khẩu.

Nếu hội đủ 6 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái. Nếu thiếu 1 trong 6 chi, thì không không thể gọi là phạm điều giới nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn, xem nhảy múa, nghe ca hát, đeo tràng hoa, làm đẹp bằng phấn son, xức nước hoa là nhân sinh tham ái.

Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc đặc biệt trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy tự mình nhảy múa ca hát, thổi kèn, đánh đàn,...; hoặc sai khiến người khác nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn,...; hoặc đi xem người khác nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn... làm nhân phát sinh tâm tham ái trong đối tượng ấy, làm trở ngại cho việc thực hành thiền định, thực hành thiền tuệ, không dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, không chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn giải thoát khổ.

Thật ra, người phạm điều giới này chỉ là nhân làm trở ngại các thiện pháp như sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp và Siêu tam giới thiện pháp không thể phát sinh mà thôi, nhưng không trở ngại cho sự tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên trong cõi trời dục giới.

Điều Giới Thứ 8

Uccāsayana mahāsayanā veramaṇisikkhāpadaṃ samādiyāmi.

* Nghĩa phân tích chữ:

─ Uccāsayana: Chỗ nằm ngồi quá cao nghĩa là chân giường, chân ghế cao quá 1 hắt tay với 1 gang tay (quá 60 cm).

─ Mahāsayanā: Chỗ xinh đẹp nghĩa là chiếc giường, chiếc ghế được chạm trỗ; chân giường, chân ghế được chạm trỗ...; chỗ nằm ngồi bằng tấm nệm bông gòn, bằng lớp cao su dày, dùng tấm vải có thêu hình đẹp trải giường, trải ghế, v.v... Như vậy gọi là chỗ nằm ngồi xinh đẹp.

─ Veramaṇisikkhāpadaṃ = Veramaī + sikkhāpada.

Veramaṇī: Tác ý tránh xa.

Sikkhāpadaṃ: Điều giới, giới.

─ Samādiyāmi: Con xin thọ trì.

* Nghĩa tổng hợp:

Con xin thọ trì điều giới, có tác ý tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

Chi Pháp Phạm Điều Giới Nằm Ngồi Nơi Quá Cao

Và Xinh Đẹp

Người phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp cần phải hợp đủ 3 chi pháp:

1- Chỗ nằm, chỗ ngồi quá cao và xinh đẹp.

2- Tâm muốn nằm, ngồi nơi ấy.

3- Đã nằm, đã ngồi nơi ấy với tâm thỏa thích.

Nếu hội đủ 3 chi pháp này, thì gọi là phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp. Nếu thiếu 1 trong 3 chi, thì không thể gọi là phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

Người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy giữ gìn 8 điều giới trong sạch và trọn vẹn, thì tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, được sự an lạc đặc biệt trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla xong rồi, nếu người ấy nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp, thì phạm điều giới nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp, dễ phát sinh tâm tham ái say mê trong đối tượng, cho nên không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt.

Giới Cấm Và Giới Hành

Trong bát giới uposathasīla có 2 phần giới:

1- Phần giới cấm (vārittasīla) là giới không được phạm.

2- Phần giới hành (cārittasīla) là giới nên thực hành.

1- Phần giới cấm trong bát giới uposathasīla có 4 điều giới là:

Tránh xa sự sát sinh.

Tránh xa sự trộm cắp.

Tránh xa sự nói dối.

Tránh xa sự uống rượu và các chất say.

Đó là 4 điều giới cấm mà người nào giữ gìn 4 điều giới này được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy có được nhiều phước thiện, có quả báu an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Ngược lại, nếu người nào phạm điều giới nào, thì người ấy đã tạo ác nghiệp, rồi phải chịu quả khổ của ác nghiệp ấy trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

4 điều giới cấm này có trong ngũ giới là thường giới của tất cả mọi người, không ngoại lệ một ai cả. Tất cả mọi người ai ai cũng cần phải giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và trọn vẹn, để đem lại sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai.

2- Phần giới hành trong bát giới uposathasīla có 4 điều giới là:

Tránh xa sự hành dâm.

Tránh xa sự dùng vật thực phi thời.

Tránh xa sự nhảy múa, ca hát, thổi kèn, đánh đàn,...

Tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

Đó là 4 điều giới hành mà người cận sự nam, cận sự nữ nào đã thọ trì bát giới uposathasīla, rồi giữ gìn 4 điều giới này được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy đã tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, có quả báu cao quý đặc biệt, có được sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. Nhưng nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla rồi, mà phạm điều giới hành nào, thì người ấy không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt của điều giới hành ấy, nhưng không có tội lỗi do thân và khẩu.

Tóm lại:

Người nào giữ gìn 4 điều giới cấm được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy đã tạo được phước thiện. Nếu người nào không giữ gìn, phạm trong 4 điều giới cấm, thì người ấy đã tạo ác nghiệp.

Còn người cận sự nam, cận sự nữ nào, sau khi đã thọ trì bát giới uposathasīla rồi, giữ gìn 4 điều giới hành được trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy đã tạo được phước thiện cao quý đặc biệt. Nếu người cận sự nam, cận sự nữ nào không giữ gìn, mà phạm 4 điều giới hành, thì người ấy không tạo được phước thiện cao quý đặc biệt, nhưng không có tội lỗi do thân và khẩu.

Thật vậy, trong các hàng cận sự nam, cận sự nữ tại gia, có một số người là bậc Thánh Nhập Lưu, có một số người là bậc Thánh Nhất Lai. Những bậc Thánh Nhân này chắc chắn có ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, họ có vợ hoặc có chồng và có con. Cho nên việc hành dâm là điều không thể tránh khỏi, nhưng chắc chắn họ không bao giờ phạm điều giới tà dâm.

* Ví như trường hợp bà Visākhā, khi bà còn là một cô bé mới lên 7 tuổi, cô bé Visākhā đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, lúc trưởng thành, cô làm lễ thành hôn với công tử Puññavaḍḍhana, con trai của ông phú hộ Migāra. Bà Visākhā sinh được 20 người con (10 người con trai và 10 người con gái). Bà Visākhā thường trang điểm cho bà bằng tấm áo choàng mahālatā kết bằng những viên ngọc quý giá, v.v...

Như vậy, những bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai sống tại gia, họ thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng, thì họ mới giữ gìn 4 điều giới hành được trong sạch và trọn vẹn. Ngoài ngày giới ra, 2 bậc Thánh Nhân này có ngũ giới là thường giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn.

Riêng bậc Thánh Bất Lai, đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới, dù tại gia bậc Thánh Bất Lai cũng không bao giờ ham thích hành dâm. Cho nên quý Ngài không có vợ hoặc có chồng.

Trước khi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, nếu vị ấy đã có vợ hoặc có chồng, thì sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, vị Thánh ấy tuyệt nhiên không bao giờ sống chung với người vợ cũ hoặc người chồng cũ của mình như trước nữa.

* Trong thời kỳ Đức Phật hiện còn trên thế gian, có 2 ông trưởng giả cùng tên Ugga: Trưởng giả Ugga người xứ Vesālitrưởng giả Ugga người làng Hatthigāma trong vùng Vajji. Cả 2 trưởng giả này sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, rồi thực hành thiền tuệ đều chứng đắc đến bậc Thánh Bất Lai, đã diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái trong cõi dục giới. Cho nên bậc Thánh Bất Lai tuyệt nhiên không bao giờ hành dâm nữa.

Ông trưởng giả Ugga có 4 người vợ, sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai trở về, ông gọi 4 người vợ cũ đến rồi ban của cải cho mỗi bà và ông bảo rằng:

“Từ nay về sau, quý bà được tự do, ai muốn có chồng khác, thì được quyền chọn lựa theo ý của mình”.



[1] Aṅguttaranikayā, phần Tikanipatā, kinh Uposathasīla.

[2] Migāramātā: Mẹ của ông phú hộ Migāra. Thật ra, bà Visākhā là con dâu của ông phú hộ Migāra nhưng ông suy tôn bà lên địa vị người mẹ của ông.

[2] Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta.

[3] Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta.

[4] Saṃyuttanikāya, Sagāthavagga, kinh Dhajaggasutta.

* Chú thích bát giới được trong sạch có 4 trạng thái:

[5]Giới không bị đứt (akhaṇḍa) nghĩa là điều giới đầu và điều giới cuối (điều giới thứ nhất và điều giới thứ 8) được giữ gìn trong sạch, thì gọi là giới không bị đứt. Nhưng nếu phạm điều giới đầu và điều giới cuối, thì gọi là giới bị đứt (khaṇḍa).

[6] Giới không bị thủng (acchidda) nghĩa là ngoại trừ điều giới đầu và điều giới cuối ra, còn lại 6 điều giới ở giữa được giữ gìn trong sạch nguyên vẹn, thì gọi là giới không bị thủng (lủng). Nhưng nếu phạm 1trong 6 điều giới ở giữa, thì gọi là giới bị thủng (lủng) (chidda).

[7] Giới không bị đốm (asabala) nghĩa là trong 8 điều giới ấy, điều giới thứ 2, điều giới thứ 4, điều giới thứ 6 được giữ gìn trong sạch trọn vẹn, thì gọi là giới không bị đốm. Nhưng nếu phạm điều giới thứ 2, điều giới thứ 4, điều giới thứ 6, thì gọi là giới bị đốm (sabala).

[8] Giới không bị đứt lan (akammāsa) nghĩa là trong 8 điều giới ấy, điều giới thứ 2 và điều giới thứ 3, hoặc điều giới thứ 3 và điều giới thứ 4; điều giới thứ 4 và điều giới thứ 5, điều giới thứ 6 và điều giới thứ 7 đều được giữ gìn trong sạch nguyên vẹn, thì gọi là giới không bị đứt lan. Nhưng nếu phạm điều giới thứ 2 và điều giới thứ 3; hoặc điều giới thứ 3 và điều giới thứ 4; hoặc điều giới thứ 4, điều giới thứ 5, điều giới thứ 6 và điều giới thứ 7 đều bị đứt liền với nhau, thì gọi là giới bị đứt lan (kammāsa).

[9] Tam giới: Chúng sinh thế giới, cảnh thế giới, pháp hành thế giới.

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn