(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Vô sắc giới thiện nghiệp

09 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 20406)


Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển IV (Nghiệp và quả của Nghiệp)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

Vô sắc giới thiện nghiệp

(Arūpāvacarakusalakamm)

 

Phần sắc giới thiện nghiệpquả của sắc giới thiện nghiệp đã giải thích xong, tiếp theo giải thích vô sắc giới thiện nghiệpquả của vô sắc giới thiện nghiệp.

Vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở (cetanā cetasika) đồng sinh với 4 vô sắc giới thiện tâm đó là 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm.

Như vậy, vô sắc giới thiện nghiệp4 loại thiện nghiệp thuộc về ý thiện nghiệp phát sinh do nương nhờ ý môn.

4 vô sắc giới thiện nghiệp ở trong 4 vô sắc giới thiện tâm là:

1. Không vô biên xứ thiện tâm.

2. Thức vô biên xứ thiện tâm.

3.Vô sở hữu xứ thiện tâm.

4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm.

4 vô sắc giới thiện tâm4 bậc thiền vô sắc thiện tâm mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm này đều có 2 chi thiền giống nhau, chỉ khác nhau về đối tượng thiền định của mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm mà thôi.

4 bậc thiền vô sắc thiện tâm là:

1. Đệ nhất thiền vô sắc giới gọi là không vô biên xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục là “hư không vô biên” làm đối tượng.

2. Đệ nhị thiền vô sắc giới gọi là thức vô biên xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục “thức vô biên” (thức là tâm không vô biên xứ thiền) làm đối tượng.

3. Đệ tam thiền vô sắc giới gọi là vô sở hữu xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục là “vô sở hữu” làm đối tượng.

4. Đệ tứ thiền vô sắc giới gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền có 2 chi thiền: Xả nhất tâm, và có đề mục là “rất vắng lặng, rất vi tế” của tâm sở hữu xứ thiền làm đối tượng.

Đó là 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền định riêng biệt làm đối tượng, nhưng mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm đều giống nhau là có 2 chi thiền là xả nhất tâm.

Điểm khác biệt giữa các bậc thiền hữu sắc và các bậc thiền vô sắc

Trong 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm, mỗi bậc thiền hữu sắc thiện tâm có chi thiền khác nhau, nhưng đề mục thiền định của mỗi bậc thiền hữu sắc thiện tâm có thể giống nhau như 10 đề mục hình tròn kasiṇa và đề mục niệm hơi thở vô - hơi thở ra, bởi vì 11 đề mục thiền định này có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm từ đệ nhất thiền hữu sắc thiện tâm cho đến đệ ngũ thiền hữu sắc thiện tâm.

Và trong 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm, mà mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm đều có 2 chi thiền xả nhất tâm giống nhau. Nhưng mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền hoàn toàn khác nhau, bởi vì mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm có mỗi đề mục thiền riêng biệt làm đối tượng.

Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp

Hành giả thực hành thiền định, sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền hữu sắc thiện tâm xong, rồi tư duy rằng: “Sở dĩ mọi bệnh hoạn như bệnh đói, bệnh khát, bệnh đại tiện, bệnh tiểu tiện... phát sinh khổ đau là vì có thân. Nếu không có thân thì không có những loại bệnh ấy”.

Do sự tư duy như vậy, nên hành giả tiếp tục thực hành thiền định với mỗi đề mục thiền vô sắc để chứng đắc mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm.

Có 4 đề mục thiền vô sắc riêng biệt, mà mỗi đề mục ấy dẫn đến chứng đắc mỗi bậc thiền vô sắc thiện tâm riêng biệt. Do đó, có 4 bậc thiền vô sắc thiện tâm như sau:

1) Không vô biên xứ thiền thiện tâm.

2) Thức vô biên xứ thiền thiện tâm.

3) Vô sở hữu xứ thiền thiện tâm.

4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm.

Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp và 4 cõi vô sắc giới

4 vô sắc giới thiện nghiệp ở trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm cho quả là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi vô sắc giới theo tuần tự như sau:

1) Không vô biên xứ thiền thiện tâm cho quả là không vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Không Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 20.000 (hai mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

2) Thức vô biên xứ thiền thiện tâm cho quả là thức vô biên xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Thức Vô Biên Xứ Thiên, có tuổi thọ 40.000 (bốn mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

3) Vô sở hữu xứ thiền thiện tâm cho quả là vô sở hữu xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là Vô Sở Hữu Xứ Thiên, có tuổi thọ 80.000 (tám mươi ngàn) đại kiếp trái đất.

4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm cho quả là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền quả tâm làm phận sự hóa sinh trong tầng trời vô sắc giới gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất.

Đó là quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp.

Chư phạm thiên trong 4 cõi trời vô sắc giới chỉ có tâm mà không có thân, hoặc chỉ có 4 danh uẩn: Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn thức uẩn, mà không có sắc uẩn. Do đó gọi là cõi vô sắc giới.

Như vậy, 5 sắc giới thiện nghiệp và quả của 5 sắc giới thiện nghiệp; 4 vô sắc giới thiện nghiệp và quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp đã được trình bày.

 Đối với phạm thiên còn là phàm nhân (chưa phải Thánh Nhân) ở trong 11 cõi trời sắc giới (không có 5 cõi Phước Sinh Thiên) và 4 cõi trời vô sắc giới, mặc dù ở trong tầng trời thấp hoặc tầng trời cao nào trong 11 cõi trời sắc giới, 4 cõi trời vô sắc giới, đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời ấy, cũng đều phải tái sinh kiếp sau, tùy theo thiện nghiệp của mình.

- Trong cõi trời sắc giới, vị Phạm thiên nào trong khoảng thời gian đang hưởng sự an lạc trong tầng trời sắc giới ấy, và tiếp tục thực hành thiền định để chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm nào, có thể thấp hơn, hoặc ngang bằng, hoặc cao hơn bậc thiền hữu sắc mà vị Phạm thiên đang hưởng quả tại tầng trời sắc giới ấy. Đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời sắc giới ấy, sau khi chết thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau như sau:

Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm thấp hơn bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau xuống tầng trời thấp hơn, tùy theo quả của bậc thiền ấy.

Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm ngang bằng với bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau trở lại tầng trời cũ như kiếp trước.

Nếu chứng đắc bậc thiền sắc giới thiện tâm hoặc vô sắc giới thiện tâm cao hơn bậc thiền cũ, thì sẽ tái sinh kiếp sau lên tầng trời cao, tùy theo quả của bậc thiền ấy.

Nhưng nếu không chứng đắc được bậc thiền nào, thì dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh xuống cõi thiện dục giới: Cõi người, 6 cõi trời dục giới.

- Trong các cõi trời vô sắc giới, vị Phạm thiên nào đang hưởng sự an lạc trong cõi trời vô sắc giới ấy và thực hành thiền định chỉ có thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm ngang bằng với bậc thiền vô sắc cũ, hoặc có thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm bậc cao hơn bậc thiền vô sắc cũ, nhưng không thể chứng đắc bậc thiền vô sắc thiện tâm bậc thấp hơn bậc thiền vô sắc cũ, bởi vì không có đề mục thiền định vô sắc là đối tượng.

Như vậy, vị Phạm thiên ấy đến khi hết tuổi thọ trong cõi trời vô sắc ấy, sau khi chết, vô sắc giới thiện nghiệp chỉ cho quả tái sinh kiếp sau tại tầng trời vô sắc cũ, hoặc tầng trời vô sắc bậc cao hơn tầng trời vô sắc cũ, tùy theo quả của bậc thiền ấy. Nhưng không thể tái sinh kiếp sau trong tầng trời vô sắc thấp hơn tầng trời vô sắc cũ.

Trường hợp nếu vị Phạm thiên trong tầng trời vô sắc ấy, không chứng đắc được bậc thiền vô sắc nào, đến khi hết tuổi thọ, thì dục giới đại thiện nghiệp tiền kiếp mà vị Phạm thiên đã từng tạo trong những kiếp quá khứ sẽ cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Trường hợp vị Phạm thiên ở trong tầng trời vô sắc giới gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, có tuổi thọ 84.000 (tám mươi bốn ngàn) đại kiếp trái đất. Vị Phạm thiên này chỉ có thể thực hành thiền định chứng đắc trở lại bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm mà thôi, bởi vì tầng trời vô sắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên là tầng trời tột đỉnh của cõi vô sắc giới.

Vị Phạm thiên ấy, hết tuổi thọ trong cõi trời vô sắc tột đỉnh ấy, sau khi chết, bậc thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ thiện tâm cho quả hóa sinh trở lại cõi trời vô sắc tột đỉnh Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên.

Nếu trường hợp không chứng đắc được bậc thiền vô sắc phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền thiện tâm này, đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, dục giới đại thiện nghiệp mà vị Phạm thiên ấy đã từng tạo và tích lũy trong những kiếp quá khứ cho quả tái sinh kiếp sau xuống cõi thiện dục giới: Cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới.

Tóm lược các nghiệp và quả của các nghiệp

Theo bộ Abhidhammatthasaṅgaha (Vi Diệu Pháp Yếu Nghĩa) của Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddhamahāthera trình bày về nghiệp có 4 phần (kammacatukka):

Các loại nghiệp

1) Phần nghiệp phân loại theo phận sự, có 4 loại nghiệp.

2) Phần nghiệp phân loại theo tuần tự cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

3) Phần nghiệp phân loại theo thời gian cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

4) Phần nghiệp phân loại theo cảnh giới cho quả của nghiệp, có 4 loại nghiệp.

4 phần nghiệp mà mỗi phần có 4 loại nghiệp thành 16 loại nghiệp.

16 loại nghiệp này gồm có 2 loại nghiệp là:

1) Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 12 bất thiện tâm (12 ác tâm: 8 tâm tham + 2 tâm sân + 2 tâm si); có 12 bất thiện nghiệp (12 ác nghiệp) tính theo 12 bất thiện tâm.

Bất thiện nghiệp (ác nghiệp) được tạo do nương nhờ nơi thân, khẩu, ý; có 10 bất thiện nghiệp (10 ác nghiệp) tính theo 3 môn.

1. Thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 21 thiện tâm, có 21 thiện nghiệp tính theo 21 thiện tâm.

21 thiện nghiệp phân loại theo tam giới thì có 4 loại thiện nghiệp như sau:

- 8 dục giới đại thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm. Dục giới thiện nghiệp được tạo do nương nhờ thân, khẩu, ý có 10 thiện nghiệp tính theo 3 môn.

- 5 sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm.

- 4 vô sắc giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm.

- 4 Siêu tam giới thiện nghiệp đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 Thánh Đạo Tâm.

Con người hoàn toàn có quyền chọn tạo ác nghiệp nào hoặc tạo thiện nghiệp nào tuỳ theo khả năng của mình. Như vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc tạo ác nghiệp hoặc tạo thiện nghiệp. Những ác nghiệp nào hoặc những thiện nghiệp nào mà chính ta đã tạo, những ác nghiệp ấy hoặc những thiện nghiệp ấy là của riêng ta, hoàn toàn không phải của chung một ai, không liên quan đến người khác, chúng sinh khác. Như Đức Phật dạy:

- “Kammassako’mhi: Nghiệp là của riêng ta”.

Quả của các ác nghiệp - Quả của các thiện nghiệp

1) Quả của các ác nghiệp

a) Quả của các ác nghiệp trong kiếp hiện tại:

12 loại ác nghiệp hoặc 10 loại ác nghiệp trong 12 ác tâm, nếu ác nghiệp nào có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì ác tâm ấy sinh 7 quả tâm đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng.

b) Quả của các ác nghiệp trong kiếp sau có 2 thời kỳ:

Thời kỳ tái sinh kiếp sau:

11 ác nghiệp trong 11 ác tâm (không có tâm si hợp với phóng tâm) sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 1 quả tâm đó là suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc bất thiện quả vô nhân tâm làm phận sự tái sinh trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh, tuỳ theo năng lực của quả của ác nghiệp ấy.

Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu:

12 ác nghiệp trong 12 ác tâm sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, có 7 quả tâm đó là 7 bất thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng xấu, không đáng hài lòng.

2) Quả của các thiện nghiệp

a) Quả của dục giới đại thiện nghiệp

* Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong kiếp hiện tại:

Dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm.

Nếu dục giới đại thiện nghiệp nào có cơ hội cho quả trong kiếp hiện tại, thì dục giới đại thiện tâm ấy sinh 8 quả tâm đó là 8 thiện quả vô nhân tâm tiếp nhận những đối tượng tốt, đáng hài lòng.

* Quả của dục giới đại thiện nghiệp trong kiếp sau có 2 thời kỳ:

- Thời kỳ tái sinh kiếp sau:

8 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau có 9 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 1 suy xét tâm hợp với thọ xả thuộc thiện quả vô nhân tâm, 9 quả tâm này làm phận sự tái sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục giới: Cõi người6 cõi trời dục giới.

- Thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu:

 8 dục giới đại thiện nghiệp trong 8 dục giới đại thiện tâm có cơ hội sinh quả trong thời kỳ sau khi đã tái sinh, kiếp hiện hữu, có 16 quả tâm đó là 8 dục giới đại quả tâm và 8 thiện quả vô nhân tâm, tiếp nhận đối tượng tốt, đáng hài lòng.

b) Quả của 5 sắc giới thiện nghiệp

5 sắc giới thiện nghiệp trong 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm, mà 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau5 quả tâm đó là 5 bậc thiền sắc giới quả tâm làm phận sự hoá sinh trong 15 cõi sắc giới Phạm thiên. Còn tái sinh kiếp sau lên cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên bằng nhóm sắc pháp Jīvitanavakakalāpa.

c) Quả của 4 vô sắc giới thiện nghiệp

4 vô sắc giới thiện nghiệp trong 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm, mà 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau 4 quả tâm đó là 4 bậc thiền vô sắc giới quả tâm làm phận sự hoá sinh trong 4 cõi trời vô sắc giới Phạm thiên.

d) Quả của 4 Siêu tam giới thiện nghiệp

4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm cho quả không có thời gian ngăn cách (akālika) đó là 4 Thánh Quả Tâm tương ứng, nghĩa là Thánh Đạo Tâm nào sinh rồi diệt liền thánh quả tâm ấy sinh 2 hoặc 3 sát-na tâm không có thời gian ngăn cách trong cùng Thánh Đạo lộ trình tâm ấy ngay trong kiếp hiện tại.

4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả tương ứng:

- Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm  Nhập Lưu Thánh Quả Tâm.

- Nhất Lai Thánh Đạo Tâm  Nhất Lai Thánh Quả Tâm.

- Bất Lai Thánh Đạo Tâm  Bất Lai Thánh Quả Tâm.

- Arahán Thánh Đạo Tâm  Arahán Thánh Quả Tâm.

4 bậc Thánh Nhân trong Phật giáo:

Hành giả sau khi chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhân như sau:

Chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Nhất Lai.

Chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả trở thành bậc Thánh Bất Lai.

Chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả trở thành bậc Thánh Arahán.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp trong 4 Thánh Đạo Tâm cho quả là 4 Thánh Quả Tâm không có thời gian ngăn cách (akālika) ngay trong kiếp hiện tại.

4 Siêu tam giới thiện nghiệp hoàn toàn không cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, mà ngược lại làm giảm tái sinh kiếp sau như sau:

Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ còn tái sinh nhiều nhất 7 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới. Đến kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh kiếp sau 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới. Trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Bậc Thánh Bất Lai không còn trở lại tái sinh trong cõi dục giới, chỉ còn tái sinh trong các cõi trời sắc giới rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Bậc Thánh Arahán ngay trong kiếp hiện tại khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Thiện nghiệp thần thông (abhiññā kusala)

Trường hợp đặc biệt, một số hành giả chứng đắc đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm, rồi luyện phép thần thông thuộc về thần thông tam giới (lokiya abhiññā).

Thần thông trong tam giới (lokiya abhiññā) có 5 loại:

1. Iddhividha abhiññā: Thần túc thông là phép thần thông được thành tựu có nhiều loại như:

Nguyện một người thành nhiều người làm mỗi công việc khác nhau, như trường hợp Ngài Đại đức Cūḷapantha-katthera nguyện thành nhiều vị như Ngài, mỗi vị có khả năng làm mỗi công việc khác nhau.

Nguyện bay đi hư không như đi trên mặt đất; nguyện xuất hiện đến một nơi khác; nguyện đi qua thành, qua núi như đi qua khoảng trống; nguyện biến hóa thành người già, người trẻ v.v...

2. Dibbacakkhu abhiññā: Thiên nhãn thông là phép thần thông có khả năng nhìn thấy xa trong thế giới này hay các thế giới khác, cõi chư thiên, cõi phạm thiên, cõi địa ngục v.v... không có gì ngăn che được, như mắt của chư thiên, phạm thiên.

3. Dibbasota abhiññā: Thiên nhĩ thông là phép thần thông có khả năng nghe rõ tất cả những âm thanh tiếng nói trong thế giới này hay các thế giới khác, cõi chư thiên, cõi phạm thiên; dù âm thanh nhỏ nhất của các loài sinh vật nhỏ bé cũng có khả năng nghe rõ được, như tai của chư thiên, phạm thiên.

4. Pubbenivāsānussati abhiññā: Túc mạng thông là phép thần thông có khả năng ghi nhớ lại tiền kiếp của mình đã từng sinh trong cõi nào, kiếp ấy như thế nào được ghi nhớ lại rõ mọi chi tiết.

5. Paracittavijānana abhiññā: Tha tâm thông là phép thần thông có khả năng biết được tâm của người khác đang phát sinh là tâm gì v.v...

5 phép thần thông này thuộc về thần thông thiện nghiệp trong thần thông thiện tâm được phát sinh do nương nhờ đệ ngũ thiền sắc giới thiện tâm làm nền tảng. Thần thông thiện nghiệp đã cho quả ngay sau khi thần thông lộ trình tâm phát sinh.

Quả của thần thông thiện nghiệp chỉ hiện hữu ngay khi ấy trong kiếp hiện tại mà thôi. Cho nên thần thông thiện nghiệp không có khả năng sinh quả tái sinh kiếp sau nữa.

1 phép thần thông thứ 6 gọi là āsavakkhaya abhiññā: Trầm luân tận thông là trí tuệ thiền tuệ của bậc Thánh Arahán đã tận diệt, đã diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân không còn dư sót.

4 pháp trầm luân (āsava) là:

- Kāmāsava: Trầm luân trong ngũ dục (sắc, thanh, vị, hương, xúc).

- Bhavāsava: Trầm luân trong kiếp sống

- Diṭṭhāsava: Trầm luân trong tà kiến

- Avijjāsava: Trầm luân trong vô minh

Bậc Thánh Arahán mới có khả năng diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân này mà thôi, còn các bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai chưa có đủ khả năng diệt đoạn tuyệt được hoàn toàn 4 pháp trầm luân này.

Trầm luân tận thông (āsavakkhaya abhiññā) thuộc về trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới của bậc Thánh Arahán.

Tóm lại, ác nghiệp nào, thiện nghiệp nào mà ta đã tạo xong, thì ác nghiệp ấy, thiện nghiệp ấy chỉ thuộc về của riêng ta mà thôi, hoàn toàn không liên quan đến người khác, đến chúng sinh khác. Còn quả của ác nghiệp, quả của thiện nghiệp không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến riêng cho ta, mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến những người gần gũi, thân cận với ta nữa.



- 1 1 đại kiếp trái đất (mahākappa) là khoảng thời gian lâu dài trải qua 4 a-tăng-kỳ:

- 1 a-tăng-kỳ thành là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian để tạo kiếp trái đất.

- 1 a-tăng-kỳ trụ là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian kiếp trái đất đang tồn tại.

- 1 a-tăng-kỳ hoại là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian kiếp trái đất bị hoại dần.

- 1 a-tăng-kỳ không là khoảng thời gian lâu dài không thể tính bằng số (vô số) thời gian kiếp trái đất không còn nữa.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn