(Xem: 1665)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2170)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Phước thiện bố thí - tt

09 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 9924)


Nền Tảng Phật Giáo

Quyển V (Phước thiện)

Soạn giả: Tỳ-khưu Hộ Pháp

 

 

Phước thiện bố thí ( tt )


- Nghe Công chúa Pabhāvatī tâu như vậy, Mẫu hậu của Công chúa nghĩ rằng: “Công chúa của ta quá sợ chết, nên nói xàm như vậy.” Mẫu hậu của Công chúa truyền bảo rằng:

- Này Pabhāvatī! Con điên rồi hay sao mà con nói xàm như vậy, hay con là đứa vô giáo dục, mới có thể nói

như vậy. Nếu Đức Vua Kusa ngự đến kinh thành Sāgala thật, thì tại sao Đức Phụ Vương và Mẫu hậu không hề hay biết? Con quá sợ chết rồi nói xàm có phải không?

Khi Mẫu hậu truyền bảo như vậy, Công chúa Pabhāvatī nghĩ rằng: “Mẫu hậu không tin lời của ta, và không biết Đức Vua Kusa đã ngự đến đây suốt 7 tháng qua, vậy, ta sẽ chỉ Đức Vua Kusa cho Mẫu hậu của ta thấy. Công chúa Pabhāvatī liền nắm tay của Mẫu hậu đến mở cánh cửa sổ, đưa tay chỉ về phía nhà bếp, để cho Mẫu hậu nhìn xuống, rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Mẫu hậu kính yêu! Đức Vua Kusa giả dạng làm người đầu bếp đang đứng rửa các nồi niêu, bát đĩa tại nhà bếp gần lâu đài của các con.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Kusa nghĩ rằng: “Hôm nay, nguyện vọng của ta chắc chắn sẽ được thành tựu như ý, bởi vì Công chúa Pabhāvatī quá sợ chết, nên tâu với Mẫu hậu và Đức Phụ Vương biết rằng: “Ta đang hiện hữu ngự trong cung điện này.” Đức Bồ Tát Kusa ngự đi lấy nước về tiếp tục rửa các bát đĩa còn lại, rồi dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ.

Nghe Công chúa Pabhāvatī tâu như vậy, Mẫu hậu quở mắng Công chúa Pabhāvatī rằng:

- Này Pabhāvatī! Đứa con gái hư thuộc giai cấp hèn hạ, hay đứa con gái làm hại hoàng gia phải không? Con là Công chúa của Đức Vua Madda, là Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua Kusa, tại sao con để Đức Vua Kusa, Phu quân của mình làm người tôi tớ như vậy?

Công chúa Pabhāvatī bị Mẫu hậu quở mắng, nên tâu cho Mẫu hậu rõ rằng:

- Muôn tâu Mẫu hậu kính yêu, con đâu phải là gái hư thuộc giai cấp hèn hạ, hay đứa con gái làm hại hoàng gia. Người đứng kia là Đức Vua Kusa, Thái tử của Đức Thái Thượng Hoàng Okkāka và Chánh cung Hoàng hậu Sīlavatī ngự tại kinh thành Kusāvatī, trị vì đất nước Malla rộng lớn.

- Muôn tâu Mẫu hậu kính yêu, Mẫu hậu không nên nghĩ Đức Vua là người tôi tớ.

Nghe Công chúa Pabhāvatī tâu khẳng định như vậy, Mẫu hậu tin đó là sự thật, nên Bà ngự đến chầu Đức Vua Madda tâu trình rõ sự thật như vậy. Đức Vua Madda liền ngự đến lâu đài của Công chúa Pabhāvatī truyền hỏi rằng:

- Này Pabhāvatī! Nghe Mẫu hậu của con tâu với Đức Phụ Vương rằng: “Đức Vua Kusa đang hiện hữu ngự tại nơi đây, có thật như vậy hay không?” 

Công chúa Pabhāvatī tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương kính yêu, Đức Vua Kusa đang hiện hữu ngự tại nơi đây, đúng sự thật như vậy.

Đức Vua Madda quở mắng Công chúa rằng:

- Này Pabhāvatī! Con là đứa con si mê khờ dại, con đã phạm đại tội nặng nề! Đức Vua Kusa có oai lực phi thường, là Đức Vua cao cả nhất trong toàn cõi Nam thiện bộ châu, như con bạch tượng quý báu. Vậy mà con để cho Đức Vua ngự đến đây như một con ếch được hay sao?

Sau khi quở mắng Công chúa Pabhāvatī, Đức Vua Madda vội ngự đến chầu Đức Bồ Tát Kusa, vấn an sức khỏe, rồi chắp hai tay tâu lời xin lỗi rằng:

- Muôn tâu Đại Vương cao cả, xin Đại Vương có tâm đại bi tha thứ những tội lỗi của bổn vương, bởi vì không biết Đại Vương đã ngự đến nơi đây với hình thức mà không một ai biết được.

Nghe Đức Vua Madda tâu như vậy, Đức Bồ Tát Kusa tâu để cho Đức Vua Madda an tâm rằng:

- Tâu Đại Vương, bổn vương là người đầu bếp mà Đại Vương kính trọng.

- Tâu Đại Vương cao quý, Đại Vương không có tội lỗi nào khiến cho bổn vương phải tha thứ.

Sau khi tâu chuyện với Đức Bồ Tát Kusa, Đức Vua Madda xin phép ngự trở lại lâu đài Công chúa Pabhāvatī, truyền bảo rằng:

- Này Pabhāvatī si mê khờ dại! Con hãy mau đi chầu đảnh lễ Đức Vua Kusa, rồi cúi xin Người có tâm đại bi tha thứ tội lỗi, may ra sinh mạng của con sẽ được cứu sống trong ngày hôm nay.

Công Chúa Pabhāvatī Chầu Đức Vua Bồ Tát Kusa

Tuân lệnh Đức Phụ Vương, Công chúa Pabhāvatī và 7

hoàng muội ngự đi cùng với đoàn thị nữ đông đảo đến chầu Đức Bồ Tát Kusa tại nơi nhà bếp.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Kusa đang đứng rửa nồi niêu, bát đĩa. Nhìn thấy Công chúa Pabhāvatī dẫn đầu đoàn tùy tùng thuộc hạ đang ngự đến, Đức Bồ Tát nghĩ: “Hôm nay, ta sẽ làm cho Công chúa không còn ngã mạn nữa, mà phải cúi lạy dưới hai bàn chân của ta trên vũng bùn lầy này.”

 Đức Bồ Tát Kusa đổ hết nước xuống nền đất, rồi lấy hai bàn chân đạp, để bùn lầy nổi lên xung quanh chỗ đứng. Công chúa Pabhāvatī ngự đến gần Đức Bồ Tát Kusa, cúi xuống đảnh lễ dưới đôi bàn chân, rồi nắm chặt đôi bàn chân của Đức Bồ Tát Kusa mà tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng cao cả, thần thiếp là Chánh

cung Hoàng hậu Pabhāvatī, thần thiếp thành kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Hoàng Thượng, kính xin Hoàng Thượng có tâm đại bi thương xót mà tha thứ mọi tội lỗi của thần thiếp, xin đừng nổi cơn thịnh nộ đối với thần thiếp nữa.

Thần thiếp phát nguyện với lời chân thật rằng: “Từ nay về sau, thần thiếp không còn ghét Hoàng Thượng nữa, chỉ có một lòng yêu thương tha thiết Hoàng Thượng mà thôi.”

Nếu Hoàng Thượng không có tâm đại bi thương xót tế độ thần thiếp đang khẩn khoản cầu xin, thì Đức Phụ Vương chắc chắn truyền lệnh tên đao phủ giết thần thiếp, rồi chặt ra làm 7 phần, đem ban đến 7 Đức Vua của 7 kinh thành, ngay trong ngày hôm nay.

Nghe lời tha thiết khẩn khoản của Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī, Đức Vua Bồ Tát Kusa truyền bảo cho Chánh cung Hoàng hậu an tâm rằng:

- Này Ái khanh Pabhāvatī! Khi Ái khanh tha thiết khẩn khoản như vậy, không lẽ Trẫm không làm theo lời khẩn khoản cầu xin của Ái khanh được hay sao?

- Này Ái khanh Pabhāvatī! Trẫm không còn giận hờn Ái khanh nữa đâu. Ái khanh không nên sợ hãi gì cả.

- Này Ái khanh Pabhāvatī! Thật ra, Trẫm có thừa khả năng đánh chiếm kinh thành Sāgala, tàn sát hoàng gia Đức Vua Madda, bắt Ái khanh đem trở về kinh thành Kusāvatī, nhưng vì quá yêu thương tha thiết Ái khanh, nên Trẫm nhẫn nại chịu đựng bao nhiêu nỗi khổ thân khổ tâm cho đến ngày nay.

- Này Ái khanh Pabhāvatī! Trẫm cũng phát nguyện với lời chân thật rằng: “Trẫm không còn giận hờn Ái khanh nữa, Trẫm yêu thương tha thiết Ái khanh.”

Đức Vua Bồ Tát Kusa nhìn thấy Công chúa Pabhāvatī, Chánh cung Hoàng hậu của mình xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ hầu hạ Đức Vua trời Sakka, nên Đức Vua Bồ Tát Kusa phát sinh tâm ngã mạn vua chúa nghĩ rằng: “Khi ta đang còn hiện hữu trên đời này thì không một Đức Vua nào có khả năng chiếm đoạt Chánh cung Hoàng hậu của ta được!”

Đức Vua Bồ Tát Kusa muốn chứng tỏ oai lực phi thường để cho mọi người biết, nên Đức Vua Bồ Tát Kusa ngự đến sân trước cung điện, tuyên bố cho toàn thể hoàng gia cùng dân chúng trong kinh thành Sāgala bằng giọng như sư tử rống rằng: “Ta là Đức Vua Kusa, đã ngự đến rồi! Ta sẽ bắt sống 7 Đức Vua của 7 kinh thành. Các ngươi hãy chuẩn bị voi báu và các đoàn binh cho ta.”

Đức Vua Bồ Tát Kusa tâu với Đức Vua Madda rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, việc bắt sống 7 Đức Vua của 7 kinh thành là phận sự của bổn vương. Kính thỉnh Đại Vương an hưởng sự an lạc trên lâu đài.

Đức Vua Madda truyền lệnh các quan gọi thợ đến cắt tóc sửa râu cho Đức Vua Bồ Tát Kusa xong, rồi Đức Vua Bồ Tát tắm, trang phục vương phục đầy đủ, ngự bước lên lâu đài cao, nhìn khắp mọi hướng, truyền lệnh rằng:

- Này quý vị! Xin quý vị hãy xem Trẫm cầm quân xuất trận chiến đấu với các kẻ thù.

Những hoàng thân của Đức Vua Madda ở trên lâu đài trong cung điện mở cửa sổ nhìn theo dõi Đức Vua Bồ Tát Kusa cầm quân xuất trận.

Khi ấy, Đức Vua Madda truyền lệnh quan nài voi dẫn con bạch tượng quý báu với trang sức đầy đủ, đem đến dâng Đức Vua Bồ Tát Kusa.

Đức Vua Bồ Tát Kusa ngự lên ngồi trên cổ voi báu, phía trên có che chiếc lọng trắng, rồi truyền lệnh rằng:

- Này các khanh! Các khanh hãy mời Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī đến.

Đức Vua Bồ Tát Kusa truyền bảo Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī ngự lên voi báu ngồi phía sau Đức Vua.

Chiến Thắng 7 Đức Vua Của 7 Kinh Thành

Đức Vua Bồ Tát Kusa dẫn đầu 4 đoàn binh xuất trận ngự ra cửa thành hướng Đông, nhìn thấy các đoàn binh của kẻ thù mới tuyên bố bằng giọng sư tử rống 3 lần rằng: “Ta là Đức Vua Kusa! Ai muốn sống thì hãy đến khuất phục dưới chân ta.  

Nghe giọng sư tử rống của Đức Vua Bồ Tát Kusa, làm cho 7 Đức Vua của 7 kinh thành đều mất trí điên loạn, kinh hồn bạt vía, không biết đường chạy thoát thân.

Nghe giọng sư tử rống của Đức Vua Bồ Tát Kusa, các đoàn binh như đoàn tượng binh, đoàn mã binh, đoàn quân xa, đoàn bộ binh vô cùng khiếp vía kinh hồn chạy tán loạn.

Đức Vua trời Sakka trên cõi trời Tam thập Tam thiên nhìn thấy Đức Vua Bồ Tát Kusa chiến thắng 7 Đức Vua của 7 kinh thành nơi trận địa, nên Đức Vua trời Sakka vô cùng hoan hỷ dâng viên ngọc maṇi tên Verocana xán lạn đến Đức Vua Bồ Tát Kusa.

Đức Vua Bồ Tát Kusa Có Tướng Tốt Của Bậc Đại Nhân

Do oai lực viên ngọc maṇi tên Verocana xán lạn của Đức Vua trời Sakka, nên thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ của Đức Vua Bồ Tát Kusa đã biến mất, bây giờ Đức Vua Bồ Tát Kusa có những tướng tốt của bậc đại nhân thật đáng tôn kính.

Sau khi chiến thắng, Đức Vua Bồ Tát Kusa truyền lệnh bắt 7 Đức Vua của 7 kinh thành, trói 2 tay ra sau lưng dẫn đi theo Đức Vua Bồ Tát Kusa cùng với Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī ngồi trên voi báu ngự trở vào kinh thành.

Đức Vua Bồ Tát Kusa đem 7 Đức Vua của 7 kinh thành dâng đến Đức Vua Madda, Đức nhạc Phụ vương, tâu rằng:

- Tâu Đức nhạc Phụ vương, 7 Đức Vua của 7 kinh thành này là kẻ thù của Đức Phụ vương, họ có mưu đồ hại Đức Phụ vương, không phải kẻ thù của bổn vương. Nay, họ đã bị bắt nằm trong quyền sinh sát của Đức Phụ vương, kính thỉnh Đức Phụ vương phán xét họ tùy ý. Đức Phụ vương muốn 7 Đức Vua này trở thành kẻ tôi tớ hoặc giết chết tất cả, hoặc tha bổng để họ ngự trở về kinh thành của họ, tùy theo ý của Đức Phụ vương.

Nghe Đức Vua Bồ Tát Kusa tâu như vậy, Đức Vua Madda tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, Đại Vương là Đức Vua cao cả hơn bổn vương. Vậy, chính Đại Vương muốn giết 7 Đức Vua này thì giết, hoặc muốn tha bổng thì tha, để họ ngự trở về kinh thành của họ.

Nghe Đức Vua Madda tâu như vậy, Đức Vua Bồ Tát Kusa nghĩ rằng: “Ích lợi gì ta giết 7 Đức Vua của 7 kinh thành này. Đức Vua Madda có 7 Công chúa rất xinh đẹp như thiên nữ là hoàng muội của Công chúa Pabhāvatī. Vậy, để 7 Đức Vua của 7 kinh thành này đã ngự đến đây không mất sự lợi ích, ta nên tâu với Đức Vua Madda ban 7 Công chúa đến 7 Đức Vua của 7 kinh thành. Đó là điều hạnh phúc biết dường nào!”

Nghĩ vậy, Đức Vua Bồ Tát Kusa tâu với Đức Vua Madda rằng:

- Tâu Đức nhạc Phụ, Đức nhạc Phụ có 7 Công chúa rất xinh đẹp như thiên nữ, kính xin Đức nhạc Phụ ban 7 Công chúa ấy đến 7 Đức Vua của 7 kinh thành, để 7 Công chúa ấy trở thành Chánh cung Hoàng hậu của 7 Đức Vua ấy, và 7 Đức Vua ấy trở thành phò mã của Đức nhạc Phụ. Đó là điều hạnh phúc biết dường nào!

Nghe Đức Vua Bồ Tát Kusa tâu như vậy, Đức Vua Madda vô cùng hoan hỷ ban 7 Công chúa của mình đến 7 Đức Vua của 7 kinh thành, nên tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, Đại Vương là Đức Vua cao cả nhất trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này, gồm cả 7 Đức Vua của 7 kinh thành và bổn vương cùng các Công chúa của bổn vương nữa. Vậy, chỉ có Đại Vương mới có quyền ban 7 Công chúa của bổn vương đến 7 Đức Vua của 7 kinh thành mà thôi.

Kính xin Đại Vương nhận xét thấy Công chúa nào xứng đáng với Đức Vua nào thì Đại Vương ban Công chúa ấy đến Đức Vua ấy, tùy theo ý của Đại Vương.

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Kusa truyền bảo các quan cho người trang sức đầy đủ 7 Công chúa của Đức Vua Madda thật xinh đẹp lộng lẫy, rồi Đức Vua Bồ Tát Kusa ban mỗi Công chúa xứng đáng đến mỗi Đức Vua. Cho nên, 7 Công chúa và 7 Đức Vua rất hài lòng vô cùng hoan hỷ hợp với ý của mình.

Khi ấy, 7 Đức Vua và 7 Công chúa đảnh lễ Đức Vua Bồ Tát Kusa, Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, rồi xin phép hồi cung, mỗi Đức Vua và Công chúa dẫn đầu các đoàn binh ngự trở về kinh thành của mình.

Hồi Cung Ngự Trở Về Kinh Thành Kusāvatī

Nghỉ lại 2-3 ngày sau, Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī đảnh lễ Đức Phụ Vương và Mẫu hậu, xin phép hồi cung ngự trở về kinh thành Kusāvatī. Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī cùng ngồi chung trên chiếc long xa sang trọng rất xứng đôi, bởi vì Đức Vua Bồ Tát Kusa có những tướng tốt của bậc đại nhân cùng với Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên nữ.

Nghe tin báo Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī hồi cung ngự trở về kinh thành Kusāvatī, Mẫu hậu của Đức Vua Bồ Tát Kusa truyền lệnh các quan thông báo dân chúng trang hoàng kinh thành lộng lẫy, để đón rước Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī.

Mẫu hậu và hoàng đệ Jayampati của Đức Vua Bồ Tát Kusa ngự cùng các quan các đoàn binh ra ngoài kinh thành chờ đón ruớc Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī thỉnh ngự vào kinh thành.

Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī cùng ngự vào kinh thành, rồi truyền lệnh cho dân chúng tổ chức ca hát nhảy múa vui chơi suốt 7 ngày đêm.

Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī ngự vào cung điện, bước lên lâu đài được trang hoàng lộng lẫy. Từ đó về sau, Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī sống hòa hợp, yêu thương lẫn nhau, ngự tại kinh thành Kusāvatī, trị vì đất nước Malla được thanh bình thịnh vượng, dân chúng được sống an cư lạc nghiệp.

Đức Vua Bồ Tát Kusa và Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī thực hành bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật cho đến suốt đời.

Sau khi thuyết tích Kusajātaka xong, Đức Thế Tôn thuyết giảng chân lý tứ Thánh Đế, chư tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, tùy theo năng lực pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi vị.

Tích Kusajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

Trong tích Kusajātaka này Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Đức Vua Bồ Tát Kusa trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Kusajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau:

- Đức Phụ Vương Okkāka và Mẫu hậu Sīlavatī, nay kiếp hiện tại là Đức Phụ Vương Suddhodana và Mẫu hậu Mahāmayādevī.

- Hoàng đệ Jayampati, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Ānanda.

- Bà Khujjā, nay kiếp hiện tại là bà Khujjuttarā upāsikā.

- Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Tỳ khưu ni Yasodharā.

- Nhóm tùy tùng thuộc hạ, nay kiếp hiện tại là tứ chúng: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ.

- Đức Vua Bồ Tát Kusa, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

Nhận Xét Về Tích Pañcapāpī Và Tích Kusajātaka

* Tích Pañcapāpī: Tiền kiếp của cô là con gái của gia đình nghèo khổ, ngồi nhồi đất cho nhuyễn để bán cho người ta trát vách nhà. Khi ấy, Đức Phật Độc Giác cần đất nhuyễn để trát vách chỗ ở của Ngài, nên Ngài mặc y, mang bát ngự vào cửa thành phía Đông kinh thành Bārāṇasī, đứng trước nhà cô gái đang nhồi đất.

Nhìn thấy Đức Phật Độc Giác đứng trước nhà, cô gái phát sinh tâm sân bực mình nói rằng: “Mattikampi bhikkhati!” Đến đất mà cũng đi xin!

Dù cô nói có vẻ bực bội như vậy, Đức Phật Độc Giác vẫn đứng tự nhiên, nên cô phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Phật Độc Giác, rồi bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Sa-môn, Ngài muốn được đất nhuyễn phải không? Kính thỉnh Ngài đợi con một lát.

Bạch xong, cô nhồi đất thật nhuyễn rất đặc biệt, rồi đem làm phước thiện bố thí cúng dường đất nhuyễn rất đặc biệt ấy, cung kính đặt trong bát của Đức Phật Độc Giác, Ngài đem về trát vách chỗ ở của Ngài.

Về sau, cô gái nghèo ấy chết, thiện nghiệp bố thí đất nhuyễn ấy cho quả tái sinh đầu thai vào lòng người đàn bà nghèo, nhà ở gần cửa thành Bārāṇasī. Khi trẻ sơ sinh ra đời, thân hình có 5 bộ phận xấu xí là tay, chân, miệng, mắt, lỗ mũi, người ta gọi cô là Pañcapāpī. Đó là do quả của tác ý bất thiện trước khi làm phước thiện bố thí cúng dường đất nhuyễn đặc biệt đến Đức Phật Độc Giác trong tiền kiếp của cô.

Khi cô trưởng thành, hễ ai tiếp xúc, đụng đến thân thể của cô, đều có cảm giác như tiếp xúc với đối tượng xúc của cõi trời, cảm giác sung sướng say mê chưa tng có.

Đó là quả báu của phước thiện hoan hỷ đang khi bố thí cúng dường đất thật nhuyễn đặc biệt đến Đức Phật Độc Giác trong tiền kiếp của cô.

Khi trưởng thành, cô Pañcapāpī trở thành Chánh cung Hoàng hậu của 2 Đức Vua là Đức Vua Baka và Đức Vua Bāvarika. Đó là quả báu của phước thiện hoan hỷ sau khi bố thí cúng dường đất thật nhuyễn đặc biệt đến Đức Phật Độc Giác trong tiền kiếp của cô.

* Về tích Đức Vua Bồ Tát Kusa: Tiền kiếp của Đức Bồ Tát Thái tử Kusa là người em trai chồng của tiền kiếp Công chúa Pabhāvatī.

Một hôm, người chị dâu (tiền kiếp Công chúa Pabhāvatī) đem phần bánh chiên của Đức Bồ Tát em chồng, làm phước thiện bố thí, cúng dường để bát đến Đức Phật Độc Giác. Ngay khi ấy, Đức Bồ Tát em chồng từ rừng trở về, biết người chị dâu đem phần bánh chiên của mình cúng dường để bát đến Đức Phật Độc Giác. Đức Bồ Tát em chồng phát sinh tâm sân giận dữ, đến lấy lại phần bánh chiên của mình từ trong bát của Đức Phật Độc Giác. Người chị dâu nhìn thấy như vậy, nên thỉnh Đức Phật Độc Giác chờ cô về nhà cha mẹ lấy bơ lỏng mới và trong trẻo có màu giống màu hoa lan, đem về cung kính làm phước thiện bố thí cúng dường để đầy bát của Đức Phật Độc Giác, với thiện tâm vô cùng hoan hỷ.

Nhìn thấy bơ lỏng tỏa ra ánh sáng, nàng phát sinh thiện tâm trong sạch phát nguyện rằng:

- Kính bạch Ngài, do phước thiện bố thí cúng dường bơ lỏng mới trong trẻo này, xin cho thiện nghiệp bố thí này cho quả tái sinh kiếp sau của con có sắc đẹp tuyệt trần như thiên nữ, thân hình của con có ánh sáng tỏa ra suốt ngày đêm, đặc biệt xin cho kiếp sau của con không sống chung cùng một chỗ với kẻ ác như người em trai

chồng này của con.

Khi nghe lời phát nguyện của người chị dâu như vậy, Đức Bồ Tát em chồng vội đem phần bánh chiên của mình đến xin làm phước thiện bố thí cúng dường đặt trong bát đầy bơ lỏng của Đức Phật Độc Giác, rồi xin phát nguyện rằng:

- Kính bạch Ngài, kiếp sau của người chị dâu này của con, dù ở bất cứ nơi xa xôi nào hằng trăm do tuần đi nữa, xin cho kiếp sau của con cũng có khả năng đem về làm vợ của con cho được.

Đó là tiền kiếp của Thái tử Bồ Tát Kusa và tiền kiếp Công chúa Pabhāvatī với nghiệp của mỗi người và lời phát nguyện của mỗi người như vậy.

* Đức Bồ Tát Thái tử Kusa có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ. Đó là quả của ác nghiệp tâm sân giận dữ lấy lại phần bánh chiên của mình từ trong bát của Đức Phật Độc Giác.

* Đức vua Bồ Tát Kusa thành hôn với Công chúa Pabhāvatī, rồi tấn phong lên ngôi Chánh cung Hoàng hậu của mình. Đó là quả của thiện nghiệp bố thí cúng dường phần bánh chiên của mình đặt trong bát đầy bơ lỏng của Đức Phật Độc Giác, và lời phát nguyện trong tiền kiếp của Đức Vua Bồ Tát Kusa.

* Công chúa Pabhāvatī nhìn thấy Đức Vua Bồ Tát Kusa có thân hình và gương mặt xấu xí đáng ghê sợ, rồi bỏ Đức Vua Bồ Tát Kusa ngự trở về kinh thành Sāgala của mình. Đó là quả của thiện nghiệp bố thí cúng dường bơ lỏng mới trong trẻo, và lời phát nguyện trong tiền kiếp của Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī.

* Đức Vua Bồ Tát Kusa rước Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī ngự trở lại kinh thành Kusāvatī. Đó là quả thiện nghiệp và lời phát nguyện của Đức Vua Bồ Tát Kusa có nhiều năng lực hơn lời phát nguyện của Chánh cung Hoàng hậu Pabhāvatī, nên Đức Vua trời Sakka trên cõi trời Tam thập Tam thiên trợ duyên giúp cho Đức Vua Bồ Tát Kusa được thành tựu như ý.

Nghiệp và quả của nghiệp, ác nghiệp cho quả khổ, quả xấu của ác nghiệp; thiện nghiệp cho quả an lạc, quả tốt của thiện nghiệp, theo thời kỳ của mỗi nghiệp. 

2- Năng Lực Tác Ý Đang Khi Bố Thí  

*Muñcacetanā: Tác ý thiện tâm đang khi làm phước thiện bố thí đến người thọ thí, đóng vai trò quan trọng để thành tựu thiện nghiệp bố thí.

Tác ý tâm sở đồng sinh với tất cả các tâm gồm có 89 hoặc 121 tâm. Nhưng tác ý tâm sở là nghiệp thì chỉ đồng sinh với 12 bất thiện tâm và 21 hoặc 37 thiện tâm mà thôi. Nếu tác ý thiện tâm đồng sinh với 8 dục giới đại thiện tâm thì gọi là 8 dục giới đại thiện nghiệp.

Trong 8 đại thiện tâm có 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ và 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ.

* 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ thì có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ).

* 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ thì có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si (trí tuệ). 

Vấn: Tác ý thiện tâm đang khi làm phước thiện bố thí để thành tựu thiện nghiệp bố thí trong đại thiện tâm có đủ 3 nhân và trong đại thiện tâm chỉ có 2 nhân, không có vô si như thế nào?

Đáp: * Nếu thí chủ có trí tuệ hiểu rõ nghiệp và quả của nghiệp, có tác ý thiện tâm đang khi làm phước thiện bố thí đến người thọ thí, thì được thành tựu thiện nghiệp bố thí trong 4 đại thiện tâm hợp với trí tuệ, nên có đủ 3 nhân: vô tham, vô sân và vô si (trí tuệ). 

* Nếu thí chủ không có trí tuệ, không hiểu rõ nghiệp và quả của nghiệp, có tác ý thiện tâm đang khi làm phước thiện bố thí đến người thọ thí, thì được thành tựu thiện nghiệp bố thí trong 4 đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, nên chỉ có 2 nhân: vô tham và vô sân, không có vô si.

Đó là năng lực của tác ý thiện tâm đang khi làm phước thiện bố thí để trở thành thiện nghiệp bố thí.

Thật ra, tác ý thiện tâm trước khi làm phước thiện bố thí trải qua thời gian lâu hoặc mau có giới hạn, vẫn chưa thành tựu thiện nghiệp bố thí thật sự, đến khi tác ý thiện tâm đang khi làm phước thiện bố thí đến người thọ thí xong, thì ngay khi ấy mới thành tựu thiện nghiệp bố thí thật sự. Trong trường hợp này, tác ý thiện tâm trước khi làm phước thiện bố thí vẫn có năng lực của nó.

Nếu trường hợp có tác ý thiện tâm trước khi làm phước thiện bố thí, nhưng không có người thọ thí, thì không thành tựu thiện nghiệp bố thí, tác ý thiện tâm trước khi làm phước thiện bố thí ấy không có năng lực gì.

Tác ý thiện tâm sau khi làm phước thiện bố thí đóng vai trò quan trọng như thế nào?

3- Năng Lực Tác Ý Sau Khi Bố Thí

Thí chủ có tác ý thiện tâm sau khi làm phước thiện bố thí, đã thành tựu thiện nghiệp bố thí xong rồi. Tác ý thiện tâm sau khi làm phước thiện bố thí trải qua thời gian không có giới hạn, hễ khi nào thí chủ niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy thì phước thiện ấy càng thêm tăng trưởng nhiều. Cho nên, năng lực tác ý thiện tâm sau khi làm phước thiện bố thí làm cho thiện nghiệp bố thí ấy trở thành đại thiện nghiệp bậc cao (ukkaṭṭhakusala-kamma) hoặc đại thiện nghiệp bậc thấp (omakakusala-kamma).

Đại thiện nghiệp bậc cao như thế nào?

Thí chủ có tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí đến người thọ thí, với tác ý thiện tâm trong 2 thời kỳ: Tác ý thiện tâm hoan hỷ trước khi làm phước thiện bố thí và nhất là tác ý thiện tâm hoan hỷ sau khi làm phước thiện bố thí, nếu cả 2 thời kỳ này với đại thiện tâm hoan hỷ và hoàn toàn trong sạch, không bị phiền não nào làm ô nhiễm thì đại thiện nghiệp này thuộc bậc cao.

Đại thiện nghiệp bậc thấp như thế nào?

Thí chủ có tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí đến người thọ thí, với tác ý thiện tâm trong 2 thời kỳ: Tác ý thiện tâm trước khi làm phước thiện bố thí và nhất là tác ý thiện tâm sau khi làm phước thiện bố thí, nếu cả 2 thời kỳ này, với đại thiện tâm không hoàn toàn trong sạch, do bị phiền não làm ô nhiễm thì đại thiện nghiệp này thuộc bậc thấp.

Ví dụ: Tích Aputtakaseṭṭhivatthu [1]

Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức Thế Tôn đề cập đến phú hộ tên Aputtaka (không có con), nên thuyết tích này được tóm lược như sau:

Đức Vua Pasenadi Kosala nghe tâu rằng: “Phú hộ Aputtaka (không con) đã qua đời rồi, nên truyền hỏi rằng:

- Này các khanh! Tài sản của phú hộ Aputtaka không có con thừa kế sẽ thuộc về ai?

Các quan tâu rằng:

- Tâu Bệ hạ, Tài sản của phú hộ Aputtaka không có con thừa kế sẽ thuộc về Đức Vua.

Đức Vua Pasenadi Kosala truyền lệnh các quan chuyển tất cả tài sản của phú hộ Aputtaka nhập vào kho nhà vua suốt 7 ngày mới xong, rồi Đức Vua Pasenadi Kosala ngự đến hầu Đức Thế Tôn tại ngôi chùa Jetavana.

Đức Thế Tôn truyền hỏi Đức Vua Pasenadi Kosala:

- Này Đại Vương, Đại Vương từ đâu ngự đến đây?

- Kính bạch Đức Thế Tôn, phú hộ Aputtaka trong kinh thành Sāvatthi vừa qua đời không có con thừa kế, nên con truyền lệnh các quan chuyển tất cả tài sản nhập vào kho nhà vua, rồi con ngự đến đây.

Nghe kể rằng: “Lúc sinh thời, phú hộ Aputtaka không hướng tâm đến sử dụng của cải, để hưởng mọi sự an lạc trong đời. Khi các gia nhân đem những món cao lương mỹ vị trên chiếc mâm bằng vàng, họ bị ông phú hộ Aputtaka đánh đuổi bảo mang đi nơi khàc. Hằng ngày, ông dùng cơm nấu bằng gạo xấu và món nước cải ngâm, chỉ dùng 2 món này mà thôi.

Khi các người gia nhân đem các thứ vải tốt, chiếc xe sang trọng, những thứ vật dụng quý giá đến, họ đều bị đánh đuổi, mang đi nơi khác. Ông phú hộ Aputtaka chỉ mặc y phục bằng thứ vải thô xấu, đi chiếc xe cũ xấu, sử dụng những thứ vật dụng loại xấu.

Suốt cuộc đời ông phú hộ Aputtaka không sử dụng các thứ vật dụng cần thiết loại sang trọng.”

* Do nguyên nhân nào ông trở thành phú hộ?

* Khi trở thành phú hộ, do nguyên nhân nào ông không sử dụng những thứ vật dụng sang trọng?

* Do nguyên nhân nào ông phú hộ tên là Aputtaka không có con thừa kế tài sản?

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết cho Đức Vua Pasenadi Kosala biết về tiền kiếp của ông phú hộ Aputtaka được tóm lược như sau:

Tiền Kiếp Của Phú Hộ Aputtaka

Trong thời quá khứ, tiền kiếp của ông phú hộ Aputtaka vốn là người không có đức tin, nhưng ông tiếp đón Đức Phật Độc Giác Tagarasikhi ngự đến khất thực tại biệt thự của ông, Trước khi ông đi lo công việc bên ngoài, bảo người vợ của ông ở nhà làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực đến Đức Phật Độc Giác Tagarasikhi, rồi ông đi ra khỏi nhà.

Người vợ của ông vốn là người có đức tin trong sạch nghĩ rằng: “Lâu rồi, hôm nay mới nghe người chồng bảo làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực đến Đức Phật Độc Giác. Vậy, hôm nay ta nên làm các món vật thực ngon lành để làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Độc Giác.” Người vợ của ông cung kính cúng dường, đặt (vào trong bát) các món vật thực ngon lành vào đầy bát. Ngay khi ấy, ông chồng về đến nhà, bạch hỏi Đức Phật Độc Giác rằng:

- Bạch Sa-môn, Sa-môn nhận được các món vật thực nào chưa? 

Đến dở bát của Đức Phật Độc Giác, ông nhìn thấy các món vật thực ngon lành, nên phát sinh phiền não tiếc của, nghĩ rằng: “Đem các món vật thực ấy cho những người tôi tớ hay người làm công ăn, thì có lợi cho ta, bởi vì họ ăn, rồi họ làm mọi công việc của ta được. Còn Sa-môn này ăn xong, rồi ngủ, có lợi gì cho ta đâu. Các món vật thực của ta mất đi thật là uổng quá!”

Đó là tác ý sau khi làm phước thiện bố thí, cúng dường để bát đến Đức Phật Độc Giác, rồi phát sinh phiền não tiếc của làm ô nhiễm.

* Tiền kiếp của ông phú hộ có một người anh trai, khi cha mẹ qua đời để lại nhiều của cải tài sản cho 2 người con. Người anh của tiền kiếp ông phú hộ có một đứa con trai. Một hôm, đứa bé trai nói rằng: “Chiếc xe tốt đẹp này của cha con, phần con bò kia là của chú.”

Nghe bé trai con người anh nói như vậy, tiền kiếp của ông phú hộ nghĩ rằng: “Bây giờ nó còn bé nhỏ mà đã nói như vậy, đến khi trưởng thành, nó sẽ chiếm phần nhiều của cải trong nhà này.” Nên ông dẫn đứa bé vào trong rừng, bóp cổ đứa bé chết, rồi đem chôn dưới gốc cây.

Đó là những thiện nghiệp và ác nghiệp của tiền kiếp của ông phú hộ Aputtaka.

Quả Của Các Nghiệp Của Phú Hộ Aputtaka

* Phước thiện tiếp đón, bảo người vợ bố thí cúng dường vật thực để bát Đức Phật Độc Giác Tagarasikhi, cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới 7 kiếp; cũng do nhờ quả của phước thiện bố thí ấy cho quả tái sinh làm người trong kinh thành Sāvatthi, rồi trở thành phú hộ 7 kiếp.

Do tác ý sau khi làm phước thiện bố thí, cúng dường vật thực đến Đức Phật Độc Giác Tagarasikhi, rồi phát sinh phiền não tiếc của, nghĩ rằng: “Đem các món vật thực ấy cho những người tôi tớ hay người làm công ăn, thì có lợi cho ta, bởi vì họ ăn, rồi họ làm mọi công việc của ta được. Còn Sa-môn này ăn xong, rồi ngủ, có lợi gì cho ta đâu. Các món vật thực của ta mất đi thật là uổng quá!” Vì vậy, ông phú hộ không hướng tâm đến sử dụng của cải để đem lại sự an lạc trong cuộc sống.

Hằng ngày, ông phú hộ ăn cơm nấu bằng gạo xấu, mặc y phục thứ vải thô xấu, đi chiếc xe xấu cũ, sử dụng những thứ vật dụng cần thiết xấu, v.v…

*Ác nghiệp sát sinh đứa bé trai con người anh vì của cải, cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng 100 ngàn năm. Đến khi mãn quả của ác nghiệp, thoát ra khỏi cõi địa ngục, phước thiện bố thí, cúng dường vật thực đến Đức Phật Độc Giác ấy có cơ hội cho quả tái sinh làm người trong kinh thành Sāvatthi, rồi trở thành phú hộ không có con gọi là phú hộ Aputtaka lần thứ 7 này.

Đó là quả của phước thiện bố thí ấy còn lại.

Phước thiện bố thí cũ của phú hộ Aputtaka không còn năng lực nữa, phước thiện mới không tích lũy, nên phú hộ Aputtaka sau khi chết, ác nghiệp sát sinh lại cho quả tái sinh trong cõi địa ngục mahāroruva niraya, chịu quả khổ trong cõi địa ngục ấy.

Cho nên, thí chủ có đức tin trong sạch làm phước thiện bố thí đến người thọ thí, nên có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỷ đầy đủ cả 3 thời:

- Pubbacetanā: Tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỷ trước khi làm phước thiện bố thí.

- Muñcacetanā: Tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỷ đang khi làm phước thiện bố thí.

- Aparacetanā: Tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỷ sau khi đã làm phước thiện bố thí.

 Thí chủ làm phước thiện bố thí có đầy đủ 3 thời như vậy, nếu thiện nghiệp bố thí ấy có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh (paṭisandhikāla) làm người thì hưởng được quả báu an lạc từ sau thời kỳ tái sinh (pavattikāla) trong lòng mẹ, thời kỳ sinh ra đời (pasūtikāla), thời ấu niên, thời trung niên cho đến thời lão niên đều hưởng được mọi quả báu an lạc của thiện nghiệp bố thí ấy.

Bậc Thiện Trí Bố Thí (Sappurisadāna)

Trong kinh Sappurisadānasutta  [2] Đức Thế Tôn dạy bậc thiện trí làm phước thiện bố thí có 5 chi pháp là:

1- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với đức tin trong sạch, sẽ được quả báu có nhiều của cải, giàu sang phú quý, và đặc biệt là người có sắc thân xinh đẹp, có làn da mịn màng trắng trẻo, sạch sẽ, đáng cho mọi người ngưỡng mộ.

2- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với thiện tâm cung kính, sẽ được quả báu có nhiều của cải, giàu sang phú quý, và đặc biệt là vợ con, tôi tớ, người làm công, bạn hữu, các thuộc hạ, v.v…đều lắng nghe và cung kính vâng lời làm theo lời khuyên bảo, dạy dỗ.

3- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí hợp thời, đúng lúc, sẽ được quả báu có nhiều của cải, giàu sang phú quý, và đặc biệt khi bậc thiện trí muốn có được những thứ vật dụng nào thì sẽ có được những thứ vật dụng ấy đúng theo tâm mong muốn của mình.

4- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với thiện tâm tế độ người thọ thí, sẽ được quả báu có nhiều của cải, giàu sang phú quý, và đặc biệt là bậc thiện trí hướng tâm sử dụng của cải để đem lại sự an lạc hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.

5- Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí không làm khổ

mình, không làm khổ người, khổ chúng sinh khác, sẽ được quả báu có nhiều của cải, giàu sang phú quý, và đặc biệt tất cả của cải tài sản không bị lửa thiêu hủy, không bị nước ngập lụt làm hư hỏng, không bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không bị nhà nước tịch thu, không bị người không ưa thích thừa hưởng.

Đó là 5 pháp của bậc thiện trí làm phước thiện bố thí và quả báu của mỗi pháp.

1- Saddhadāna: Bố thí với đức tin trong sạch. Bậc thiện trí bố thí với đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp. Phước thiện bố thí với đức tin trong sạch này sẽ có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.

2- Sakkaccadāna: Bố thí với đại thiện tâm cung kính. Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với đại thiện tâm cung kính và vật thí phát sinh một cách hợp pháp. Phước thiện bố thí với đại thiện tâm cung kính này sẽ có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là toàn thể gia đình, bà con, thân quyến, bạn hữu, tôi tớ, người làm công, các thuộc hạ, v.v…cả thảy đều ngoan ngoãn nghe theo lời khuyên bảo của mình.

3- Kāladāna: Bố thí đúng thời, đúng lúc. Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí hợp thời, đúng lúc như bố thí trong dịp lễ dâng y tắm mưa đến chư tỳ khưu Tăng trước khi an cư nhập hạ, trong dịp lễ dâng y kathina đến chư tỳ khưu Tăng ra hạ, bố thí đến Tỳ khưu khách vừa mới đến, Tỳ khưu sắp đi xa, Tỳ khưu bệnh, người bệnh, người đang đói khát, v.v… Phước thiện bố thí hợp thời, đúng lúc này sẽ có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là có quả báu tốt từ thuở ấu niên, thời trung niên cho đến thời lão niên, muốn những thứ vật dụng nào cũng được thứ vật dụng ấy như ý một cách dễ dàng, mà người khác khó mà có được,…

4- Anuggahadāna: Bố thí với thiện tâm tế độ người thọ thí. Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí với thiện tâm tế độ người thọ thí. Phước thiện bố thí với thiện tâm tế độ người thọ thí này sẽ có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là hướng tâm sử dụng của cải để đem lại sự an lạc hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày.

5- Anupahaccadāna: Bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người, khổ chúng sinh khác. Bậc thiện trí làm phước thiện bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người, khổ chúng sinh khác, sẽ có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là tất cả của cải tài sản không bị thiệt hại do lửa thiêu hủy, không bị nước ngập lụt làm hư hỏng, không bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không bị nhà nước tịch thu, không bị người không ưa thích thừa

hưởng của cải tài sản của mình.

Thuyết về phước thiện bố thí, Đức Phật dạy Dhammapadagāthā câu kệ thứ 354 rằng:

354-“Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti,

Sabbarasaṃ dhammaraso jināti.

Sabbaratiṃ dhammarati jināti,

Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti.”

*Pháp thí là cao thượng hơn mọi phước thiện bố thí,

*Pháp vị của 9 Siêu tam giới thiện pháp là cao thượng hơn mọi vị ngon, hương thơm trong đời.

*Pháp hỷ trong chánh pháp là cao thượng hơn mọi sự hoan hỷ trong đời.

*Bậc Thánh A-ra-hán đã tận diệt mọi tham ái rồi là

 thắng mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Những Tính Chất Của Phước Thiện Bố Thí

Bố thí có những tính chất như sau:

1- Pariccāgalakkhaṇa: Phước thiện bố thí có trạng thái đem ban cho người khác, chúng sinh khác.

2- Lobhaviddhaṃsanarasa: Phước thiện bố thí có phận sự tiêu diệt tâm tham trong của cải.

3- Bhavibhavasampattipaccuppaṭṭhānaṃ: Phước thiện bố thí có sự đầy đủ trong kiếp sống và giải thoát khỏi kiếp sống là kết quả hiện hữu.

4- Saddheyyapadaṭṭhānaṃ: Đức tin trong sạch nơi đáng có đức tin trong sạch là nguyên nhân gần của phước thiện bố thí.

*Paṭikkhepadhamma: Pháp nghịch với phước thiện bố thí, đó là tâm tham (lobha).

*Anuññātadhamma: Pháp giúp tạo cơ hội phước thiện bố thí, đó là tâm vô tham (alobha).

 (Nên xem quyển “Tìm Hiểu Phước Bố Thí” cùng soạn giả, để hiểu rõ phước thiện bố thí).

(Xong phần phước thiện bố thí)



 [1] Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, Tích Aputtakaseṭṭhivatthu

 [2] Bộ Aṅguttaranikāya, phần 5 chi, kinh Sappurisadānasutta

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn