(Xem: 1823)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2280)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Pháp Hạnh Xuất Gia Ba la mật (Bậc Thượng)

12 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 10329)

 

Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển VI (Pháp Hạnh Ba La Mật_Tập 1)

Soạn giả:Tỳ khưu Hộ Pháp

 

Pháp Hạnh Xuất Gia Ba-la-mật (Bậc Thượng)

(Nekkhammaparamatthapāramī)

 

Tích Cūḷasutasomajātaka (Chù-lá-xu-tá-xô-má)

 Trong tích Cūḷasutasomajātaka [2] Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Đức Vua Sutasoma thực hành pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật bậc thượng (Nekkhammaparamatthapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Dân chúng trong kinh thành Sāvatthi thấy số đông người có đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn theo xuất gia trở thành tỳ khưu, thành một hội chúng chư Đại Đức Tăng rất đông đảo. Họ tán dương ca tụng với nhau rằng:

- Đức Thế Tôn có oai lực phi thường, đã thuyết pháp tế độ 3 huynh đệ Kassapa cùng với nhóm 1.000 đệ tử phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Thế Tôn, đều từ bỏ tà kiến thờ thần lửa, theo xuất gia trở thành Tỳ khưu Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn, và những người khác cũng từ bỏ nhà đi xuất gia trở thành Tỳ khưu thành hội chúng chư Đại Đức Tỳ khưu Tăng đông đảo như thế này. Thật là điều phi thường chưa từng có!

Nghe dân chúng tán dương ca tụng như vậy, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này các cận sự nam, cận sự nữ! Kiếp hiện tại, Như Lai là Đức Phật Chánh Đẳng Giác thuyết pháp tế độ các hàng Thanh Văn đệ tử phát sinh đức tin trong sạch xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Như Lai đông đảo như thế này, không phải là điều phi thường.

Trong quá khứ, tiền kiếp của Như Lai còn là Đức Vua Bồ Tát Sutasoma từ bỏ ngai vàng xuất gia trở thành Đạo sĩ, đi vào núi rừng Himavanta. Khi ấy, toàn thể hoàng tộc, các quan, quân lính, dân chúng trong kinh thành và dân chúng ngoài thành cũng từ bỏ nhà đi theo vị Đạo sĩ Sutasoma xin xuất gia trở thành Đạo sĩ rất đông. Đó mới thật là điều phi thường!

Nghe Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, dân chúng kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, tiền kiếp của Ngài.

Tích Cūḷasutasomajātaka

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài là Đức Vua Bồ Tát Sutasoma từ bỏ ngai vàng, xuất gia trở thành Đạo sĩ, đi vào rừng núi Himavanta. Nhiều người đi theo Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma, xin xuất gia trở thành đạo sĩ. Tích này được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, kinh thành Bārāṇasī này có tên Sudassana, Đức Vua Brahmadatta ngự tại kinh thành ấy. Khi ấy, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Thái tử của bà Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua Brahmadatta. Đức Bồ Tát tên là Thái tử Sutasoma.

Đức Bồ Tát Thái tử Sutasoma trưởng thành được Đức Vua Brahmadatta gửi đi học tại xứ Takkasilā. Sau khi Ngài học thành tài, văn võ song toàn đã trở về kinh thành Sudassana và được Đức Phụ Vương làm lễ đăng quang truyền ngôi báu, Ngài lên ngôi vua trị vì thần dân thiên hạ bằng thiện pháp. Đức Vua Bồ Tát Sutasoma có Chánh cung Hoàng hậu Candādevī đứng đầu 700 Hoàng hậu cùng với 16.000 cung phi mỹ nữ. Ngài có rất nhiều hoàng tử và công chúa.

Về sau, Đức Vua Bồ Tát Sutasoma cảm thấy nhàm chán ngũ dục (sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục), có ý nguyện muốn xuất gia trở thành đạo sĩ. Một hôm, Ngài truyền lệnh cho gọi người thợ cắt tóc, sửa râu đến, rồi truyền bảo rằng:

- Này khanh! Nếu khi nào nhà ngươi nhìn thấy trên đầu của Trẫm có sợi tóc bạc, thì nhà ngươi hãy tâu cho Trẫm rõ.

Người thợ cắt tóc, sửa râu tuân lệnh Đức Vua Bồ Tát Sutasoma. Trải qua một thời gian rất lâu sau, ông nhìn thấy một sợi tóc bạc trên đầu của Ngài nên tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kẻ hạ thần đã nhìn thấy một sợi tóc bạc trên đầu của Bệ hạ.

Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền lệnh rằng:

- Này khanh! Nhà ngươi hãy nhổ sợi tóc bạc ấy, rồi đặt trên tay của Trẫm.

Tuân lệnh Đức Vua Bồ Tát, người thợ cắt tóc lấy cái nhíp bằng vàng nhổ sợi tóc bạc ấy lên, rồi đặt trên tay của Ngài. Ngài nhìn thấy sợi tóc bạc ấy, rồi suy tư rằng: “thân thể của ta bị sự già khống chế rồi!”.

 Cầm sợi tóc bạc, Đức Vua Bồ Tát Sutasoma từ trên lâu đài đi xuống, ngự trên ngai vàng giữa triều đình bá quan văn võ và dân chúng. Ngài cầm sợi tóc bạc đưa lên, rồi dõng dạt truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Sợi tóc bạc đã mọc trên đầu của Trẫm, báo hiệu cho Trẫm biết rằng: Trẫm đã đến tuổi già rồi!

 - Này các khanh! Trẫm truyền cho các khanh biết, Trẫm sẽ từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Nghe lời truyền bảo của Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, mọi người đều sửng sốt như chết điếng. Một vị quan còn giữ được thái độ bình tĩnh bèn tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, nghe Bệ hạ truyền như vậy, chúng hạ thần cảm thấy vô cùng khổ tâm, như bị mũi dao nhọn đâm vào tim.

- Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ là Đấng Minh Quân, chúng thần dân thiên hạ đều nương nhờ nơi ân đức của Bệ hạ. Nếu Bệ hạ từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, chúng hạ thần sẽ nương nhờ nơi nào, còn Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, và 700 Hoàng hậu cùng với 16.000 cung phi mỹ nữ, các hoàng tử, các công chúa của Bệ hạ sẽ nương nhờ vào đâu?

- Muôn tâu Bệ hạ, nếu Bệ hạ từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ thì đó thật là điều bất hạnh lớn cho chúng thần dân thiên hạ. Tâu Bệ hạ.

Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Chánh cung Hoàng hậu và 700 Hoàng hậu cùng với 16.000 cung phi mỹ nữ còn trẻ đến nương nhờ nơi Đức Vua khác cũng được. Còn Trẫm chắc chắn sẽ từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Khi các quan biết không thể nào khuyên can, xin Đức Vua từ bỏ ý định đi xuất gia được, nên họ cùng nhau đến chầu Hoàng thái hậu, Mẫu hậu của Ngài, tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng thái hậu, Đức Vua có ý định chắc chắn sẽ từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Nghe các quan tâu như vậy, Hoàng thái hậu liền ngự đến gặp Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, truyền hỏi rằng:

- Này Hoàng nhi Sutasoma! Mẹ đã mang thai suốt 10 tháng khó khăn vất vả, đến khi con sinh ra đời, rồi nuôi dưỡng con trưởng thành, mẹ đặt nhiều hy vọng ở nơi con. Bây giờ, mẹ đang ngồi than khóc khẩn khoản van xin con, mà con không thương mẹ, bỏ mẹ già đi xuất gia cho được hay sao?

Đức Vua Bồ Tát ngồi lặng thinh không tâu lời nào với Mẫu hậu. Tiếp theo, các quan đến chầu Đức Thái Thượng Hoàng, Phụ Vương của Ngài, tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Thái Thượng Hoàng, Đức Vua có ý định chắc chắn sẽ từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Đức Thái Thượng Hoàng ngự đến gặp Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này Hoàng nhi Sutasoma! Xuất gia là gì? Hành phạm hạnh là gì? Mà con không thương cha mẹ già, đành bỏ cha mẹ già đi xuất gia được hay sao? hỡi con!

Đức Vua Bồ Tát ngồi lặng thinh, không tâu lời nào với Đức Phụ Vương. Đức Thái Thượng Hoàng truyền bảo tiếp rằng:

- Này Hoàng nhi! Nếu con không thương cha mẹ già, thì con cũng phải thương đến các hoàng tử, các công chúa của con chứ! Chúng nó đang còn nhỏ dại, ngây thơ thật đáng yêu. Chờ cho chúng nó trưởng thành lớn khôn rồi, khi ấy, con muốn đi xuất gia cũng được. Bây giờ, đi xuất gia, con bỏ chúng nó chịu cảnh bơ vơ mồ côi cha. Thật đáng thương như vậy được hay sao!

 Đức Vua Bồ Tát tâu Đức Thái Thượng Hoàng rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, trong đời này, tất cả mọi chúng sinh dù lớn dù nhỏ, tất cả mọi vật dù lớn dù nhỏ cũng đều có sự sinh, sự diệt là thường. Tất cả các pháp đều là vô thường, là khổ cả. Cho nên, con không những xa lìa những đứa con yêu quý của con, mà còn xa lìa cả Đức Phụ Vương, Mẫu hậu cùng tất cả mọi chúng sinh, mọi vật trong đời.

Nghe Đức Vua Bồ Tát tâu như vậy, Đức Thái Thượng Hoàng làm thinh.

Khi ấy, các quan đến chầu 700 Hoàng hậu của Đức Vua, tâu cho quý Bà biết rõ rằng: Đức Vua có ý định chắc chắn sẽ từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

700 bà Hoàng hậu đến chầu Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, rồi than khóc rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng, trong tâm của Hoàng thượng không còn thương yêu các thần thiếp nữa phải không? Hoàng thượng không thương đến cuộc đời của các thần thiếp.

Nếu Hoàng thượng từ bỏ các thần thiếp đi xuất gia trở thành đạo sĩ, thì cuộc đời của các thần thiếp trở thành những người đàn bà góa bụa. Các thần thiếp khổ tâm đang than khóc, Hoàng thượng không phát sinh tâm đại bi thương xót mà bỏ các thần thiếp đi xuất gia trở thành đạo sĩ được hay sao?

Đức Vua Bồ Tát truyền bảo rằng:

- Này các ái khanh! Tuy trong tâm của Trẫm vẫn còn thương yêu các ái khanh, nhưng Trẫm phải từ giã các ái khanh đi xuất gia trở thành đạo sĩ. Bởi vì, xuất gia là phạm hạnh cao thượng mà chư bậc thiện trí đều tán dương ca tụng. Vì vậy, các ái khanh chớ nên buồn tủi khổ tâm.

Tiếp theo, các quan đến chầu Chánh cung Hoàng hậu Candādevī của Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, tâu cho Bà biết rõ ý định chắc chắn sẽ từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ của Đức Vua Bồ Tát.

Bà Chánh cung Hoàng hậu Candādevī ngự đến chầu Đức Vua Bồ Tát Sutasoma tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng cao thượng, thần thiếp là Chánh cung Hoàng hậu của Hoàng thượng. Thần thiếp đang khóc than khẩn khoản van xin, Hoàng thượng nỡ nào bỏ thần thiếp đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

 - Muôn tâu Hoàng thượng cao thượng, thần thiếp là Chánh cung Hoàng hậu của Hoàng thượng. Thần thiếp đang mang thai gần đến ngày sinh nở, thần thiếp khẩn khoản van xin Hoàng thượng chờ đợi cho đến khi thần thiếp sinh con xong, đừng để thần thiếp trở thành người đàn bà goá bụa cô đơn, chịu cảnh khổ tâm.

Đức Vua Bồ Tát truyền bảo rằng:

- Này ái khanh Candādevī! Bào thai của ái khanh đến khi đủ ngày đủ tháng sinh ra được an toàn cả mẹ lẫn con, con của chúng ta sẽ là hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Mặc dù vậy, Trẫm vẫn từ giã cả hoàng tử lẫn ái khanh đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Nghe Đức Vua Bồ Tát truyền bảo như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī vô cùng tủi thân khóc tức tưởi tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng thượng cao thượng, kể từ nay sự an lạc hạnh phúc của thần thiếp không còn nữa!

Tâu xong, hai tay bà ôm lấy ngực khóc than thảm thiết. Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền lời an ủi rằng:

- Này ái khanh Candādevī! Ái khanh đừng khóc nữa!

- Này ái khanh Candādevī! Ái khanh không nên sầu não nữa! Ái khanh nên trở lại lâu đài của mình, còn Trẫm không còn ràng buộc, không còn dính mắc quyến luyến nữa. Trẫm sẽ từ bỏ ngôi báu này và cả ái khanh, từ bỏ tất cả, đi vào rừng xuất gia trở thành đạo sĩ.

Nghe lời truyền bảo của Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī vô cùng buồn tủi khổ tâm, gượng đứng dậy rồi thất tha thất thểu, ngự trở về lâu đài, ngồi khóc than.

Khi ấy, vị Thái tử trưởng của Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, nhìn thấy Mẫu hậu khóc than, nghĩ: “Do nguyên nhân nào mà Mẫu hậu của ta ngồi khóc như vậy!” Thái tử liền đến chầu Mẫu hậu bèn tâu rằng:

- Tâu Mẫu hậu, người nào đã làm cho Mẫu hậu buồn khổ như vậy? Do nguyên nhân nào làm cho Mẫu hậu khóc như vậy? Sao Mẫu hậu chăm chú nhìn con khác thường như vậy?

- Kính xin Mẫu hậu truyền lệnh cho con biết người nào, con sẽ trị tội người ấy.

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī truyền bảo rằng:

- Này Hoàng nhi yêu quý! Người nào là chủ của đất nước này, người ấy đã làm cho mẹ khổ tâm. Do lời nói của người ấy làm cho mẹ tủi thân nên mẹ khóc.

- Này Hoàng nhi yêu quý! Người ấy con không thể nào trị tội được đâu! Bởi vì người ấy chính là Đức Phụ Vương của con. Đức Phụ Vương của con đã truyền bảo với mẹ rằng: “Trẫm sẽ từ bỏ ngôi báu này và cả ái khanh, từ bỏ tất cả, đi vào rừng xuất gia trở thành đạo sĩ”. Đó là nguyên nhân khiến cho mẹ khổ tâm buồn tủi khóc than.

Nghe lời truyền bảo của Mẫu hậu, Thái tử lớn tâu với bà rằng:

- Tâu Mẫu hậu, như vậy, tất cả chúng ta sẽ trở thành những người mồ côi không nơi nương nhờ.

Rồi than khóc, kể lể: “Ngày trước, Đức Phụ Vương, Mẫu hậu cùng các con thường ngự đến vườn thượng uyển, các con vui chơi các trò thể thao,… Còn từ nay, khi Đức Phụ Vương đã đi xuất gia trở thành đạo sĩ, các con sẽ sống như thế nào đây!”

Thấy Mẫu hậu và Hoàng huynh trưởng đang khóc, vị hoàng tử mới lên 7 tuổi chạy đến chầu Mẫu hậu rồi tâu rằng:

- Tâu Mẫu hậu, do nguyên nhân nào mà Mẫu hậu và hoàng huynh trưởng khóc như vậy? Xin Mẫu hậu truyền bảo cho con biết được không?

Chánh cung Hoàng hậu Candādevī giải thích nguyên nhân làm cho hai mẹ con Bà khóc, vị tiểu hoàng tử an ủi Mẫu hậu rằng:

- Tâu Mẫu hậu, xin Mẫu hậu không nên buồn khổ khóc than nữa, con sẽ không chịu để cho Đức Phụ Vương của con từ bỏ Mẫu hậu và các huynh đệ của chúng con đi xuất gia được đâu!

Vị tiểu hoàng tử và nhũ mẫu đến chầu Đức Vua Bồ Tát Sutasoma tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ Vương, con nghe nói Đức Phụ Vương sẽ bỏ Mẫu hậu và các con đi xuất gia trở thành đạo sĩ, Mẫu hậu và Hoàng huynh trưởng của con đang ngồi khóc. Con nắm chặt tay của Đức Phụ Vương, không chịu để cho Đức Phụ Vương bỏ Mẫu hậu và các con đi xuất gia được đâu!

Khi ấy, vị tiểu hoàng tử nắm chặt tay của Đức Vua Bồ Tát Sutasoma không chịu buông ra. Ngài nghĩ ra cách nhờ đến nhũ mẫu, nên truyền gọi bà rằng:

- Này nhũ mẫu! Bà hãy lại đây, Trẫm ban cho bà viên ngọc maṇi quý giá này, nhờ bà dẫn hoàng tử này đi chơi nơi khác, đừng để hoàng tử ở đây làm trở ngại việc xuất gia của Trẫm.

Bà nhũ mẫu cung kính nhận viên ngọc maṇi, rồi dẫn vị hoàng tử rời khỏi Đức Vua Bồ Tát Sutasoma. Bà lại than khóc rằng:

- Sao tôi lại làm như vậy! Đức Vua ban cho tôi viên ngọc maṇi phát ra ánh sáng chói lọi, rồi truyền tôi dẫn hoàng tử rời khỏi tay của Đức Vua, không để vị hoàng tử làm trở ngại việc xuất gia của Đức Vua. Vậy, viên ngọc maṇi này còn có lợi ích gì đối với tôi nữa, một khi Đức Vua đã từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành vị đạo sĩ!

 

Khi ấy vị quan thủ kho Mahāsenagutta tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, các kho lớn và nhỏ của Bệ hạ đầy của cải, trong toàn cõi đất nước của Bệ hạ đều được an lành thịnh vượng. Vậy, kính xin Bệ hạ an hưởng mọi sự an lạc trong đời. Kính xin Bệ hạ đừng bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ nữa.

Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Tuy các kho lớn và nhỏ của Trẫm đầy của cải, trong toàn cõi đất nước của Trẫm đều được an lành thịnh vượng, nhưng Trẫm vẫn từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Vị quan Mahāsenagutta biết không thể van xin Đức Vua được, nên xin phép lui ra, thì ông phú hộ Kula-vaḍḍhana xin vào chầu Đức Vua Bồ Tát rồi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, của cải của tiện dân nhiều đến nỗi không sao kể xiết, kẻ tiện dân này xin kính dâng tất cả mọi thứ của cải tài sản ấy lên Bệ hạ. Kính xin Bệ hạ hoan hỷ thọ nhận tất cả mọi thứ của cải tài sản ấy nộp vào kho của Bệ hạ. Tiện dân chỉ van xin một điều là Bệ hạ đừng từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ nữa. Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền bảo rằng:

- Này ông phú hộ Kulavaḍḍhana! Tuy khanh dâng tất cả mọi thứ của cải tài sản của khanh nhiều không sao kể xiết đến Trẫm, nhưng Trẫm vẫn quyết định từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Biết không thể van xin Đức Vua Bồ Tát Sutasoma được nên ông phú hộ Kulavaḍḍhana xin phép lui ra. Khi ấy, Ngài truyền lệnh cho mời vị Hoàng đệ Somadatta đến rồi truyền bảo rằng:

- Này Hoàng đệ Somadatta! Hoàng huynh cảm thấy không vui thích trong đời sống của người tại gia bị ràng buộc nữa. Cho nên, Hoàng huynh quyết định sẽ đi xuất gia trở thành vị đạo sĩ trong ngày hôm nay.

- Này Hoàng đệ Somadatta! Hoàng huynh xin nhường ngôi báu lại cho Hoàng đệ trị vì đất nước này.

Nghe Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền bảo như vậy, vị Hoàng đệ Somadatta tâu rằng:

- Tâu Hoàng huynh, Hoàng huynh quyết định đi xuất gia trở thành đạo sĩ, kính xin Hoàng huynh cho phép đệ được đi xuất gia cùng với Hoàng huynh trong ngày hôm nay, bởi vì đệ không thể sống xa Hoàng huynh được. Đức Vua Bồ Tát khuyên bảo Hoàng đệ rằng:

- Này Hoàng đệ Somadatta! Hoàng đệ chưa nên đi xuất gia bây giờ, Hoàng đệ cần phải ở lại cung điện thay Hoàng huynh lên ngôi vua trị vì đất nước này, đồng thời lo phụng dưỡng Đức Phụ Vương và Mẫu hậu của chúng ta. Nếu cả hai huynh đệ cùng đi xuất gia thì thần dân thiên hạ không có nơi nương nhờ, Đức Phụ Vương và Mẫu hậu càng thêm khổ tâm.

Khi ấy, dân chúng trong kinh thành Sudassana kéo nhau đến chầu Đức Vua Bồ Tát rồi than khóc rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, nếu Đại Vương đi xuất gia trở thành đạo sĩ, thì đám tiện dân chúng con sẽ không có nơi nương nhờ.

Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền lời khuyên rằng:

- Này các thần dân! Các ngươi chớ nên buồn khổ khóc than nữa. Dù Trẫm ở lại ngự trị trên ngai vàng, chắc chắn cũng có ngày phải băng hà, xa lìa các ngươi thôi. Bởi vì, tất cả mọi chúng sinh, dù già dù trẻ cũng đều phải chết cả. Tất cả các pháp hữu vi sinh rồi diệt, là vô thường, là khổ. Cho nên, dù pháp hữu vi nhỏ nhất cũng không thể là thường được, nó cũng chỉ là vô thường mà thôi.

Trẫm biết rằng: “Con người bị sự già khống chế dẫn đi, sinh mạng con người quá ngắn ngủi, như nước còn ít trong cái hồ nhỏ lúc trời nắng hạn mau cạn. Thế mà những người thiểu trí xem như chưa già, chưa chết, thường say mê trong ngũ dục, dể duôi trong mọi thiện pháp.

Những người thiểu trí ấy bị tham ái dẫn dắt tạo mọi ác nghiệp. Cho nên, sau khi họ chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh chịu quả khổ lâu dài.

Sau khi thuyết pháp giảng giải cho dân chúng hiểu rõ về sinh mạng con người là ngắn ngủi như vậy, Đức Vua Bồ Tát ngự lên lâu đài, đứng trên tầng lầu thứ 7, lấy thanh gươm báu cắt đứt mái tóc, rồi ném xuống đất giữa nhóm dân chúng tụ hội, truyền bảo rằng:

- Bây giờ ta không phải là Đức Vua của các ngươi nữa, các ngươi nên đi tìm Đức Vua khác mà nương nhờ.

Nhóm dân chúng đón nhận nắm tóc của Đức Vua, rồi ngã lăn xuống đất khóc than rằng:

- Đức Vua, Đấng Pháp Vương của chúng ta đã cắt mái tóc rồi!

Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền lệnh vị quan thân tín đi tìm mua sắm những thứ vật dụng của đạo sĩ, truyền gọi người thợ cắt tóc đến cắt tóc, cạo râu cho Ngài.

Đức Vua Bồ Tát Sutasoma Đi Xuất Gia

Đức Vua Bồ Tát cởi bỏ bộ triều phục và những đồ trang sức của nhà Vua ra, mặc bộ y phục màu lõi mít, xuất gia trở thành đạo sĩ, mang bát đất, tay cầm cây gậy bước xuống lâu đài đi ra khỏi cung điện mà không một ai nhận biết ra Ngài.

Sau đó, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī dẫn đầu 700 bà Hoàng hậu của Đức Vua Bồ Tát đi lên lâu đài chầu Đức Vua, thì không thấy Đức Vua nữa, chỉ thấy bộ triều phục và những đồ trang sức của Đức Vua để lại đặt trên bàn mà thôi. Tất cả họ thất thểu bước xuống lâu đài, rồi thông báo cho 16.000 cung phi mỹ nữ của Đức Vua biết rằng:

- Hoàng thượng của chúng ta đã xuất gia rồi! Nghe tin như vậy, các bà cung phi mỹ nữ đều buồn khổ khóc than.

Dân chúng trong kinh thành Sudassana và dân chúng ngoại thành nghe tin Đức Vua Bồ Tát Sutasoma đã từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, mọi người đều sửng sốt, buồn khổ, khóc than, đến tụ hội lại trước cung điện của Ngài. Đức Thái Thượng Hoàng truyền lệnh các quan quân trong triều đình đi tìm chỗ ở của Đức Vua Bồ Tát Sutasoma. Khi gặp Ngài trong hình dáng, tướng mạo một vị đạo sĩ, các quan trở về triều đình tâu lên Đức Thái Thượng Hoàng, Hoàng Thái Hậu, thông báo cho các quan trong triều, cho đến toàn thể dân chúng trong kinh thành Sudassana và toàn dân trong nước đều biết rằng:

- Đức Vua Sutasoma đã xuất gia trở thành đạo sĩ rồi!

Xuất Gia Theo Đức Bồ Tát Đạo sĩ

Khi ấy, Đức Thái Thượng Hoàng, Hoàng Thái Hậu, Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, 700 Hoàng hậu, 16.000 cung phi mỹ nữ, Thái tử, các hoàng tử, các công chúa, toàn thể những người trong dòng dõi hoàng tộc, các quan, các quân,… đều từ bỏ cung điện đi theo Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma, để xuất gia trở thành đạo sĩ. Sau đó, toàn thể dân chúng trong kinh thành Sudassana đều từ bỏ nhà cửa, của cải tài sản dắt dẫn con cháu cùng đi theo Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma, để xuất gia trở thành đạo sĩ. Cho nên, kinh thành Sudassana trở nên trống vắng không một bóng người. Thấy vậy, dân chúng ngoại thành cũng từ bỏ nhà cửa, của cải tài sản đi theo Ngài, để xuất gia trở thành đạo sĩ. Như vậy, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma dẫn đầu một đoàn người đông đảo kéo dài 12 do tuần ([2][1]) ngự đến khu rừng núi Himavanta (Hy mã lạp sơn).

Khi ấy, Đức Vua trời Sakka cõi Tam thập Tam thiên thấy rõ Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, và dẫn đầu đoàn người đông đảo gồm có toàn thể hoàng gia, các quan trong triều, các quân lính, cùng toàn thể dân chúng trong kinh thành Sudassana và dân chúng ngoại thành, đang đi đến khu rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo sĩ.

Do đó, Đức Vua trời Sakka truyền lệnh cho gọi vị thiên nam Vissakamma hiện xuống cõi người tại khu rừng núi Himavantu, hoá ra những cốc lớn, cốc nhỏ và những thứ vật dụng cần thiết của các vị đạo sĩ, để cho tất cả mọi người có đầy đủ chỗ ở, y phục, vật thực, thuốc trị bệnh, v.v… thuận lợi cho đời sống đạo sĩ. Vâng theo lệnh của Đức Vua Sakka, vị thiên nam Vissakamma xuất hiện xuống cõi người thi hành nhiệm vụ, hoá ra những cốc nhỏ, cốc lớn và những thứ vật dụng cần thiết cho các đạo sĩ, rừng cây ăn trái, hồ nước, đường đi kinh hành, v.v… đầy đủ tiện nghi cho các đạo sĩ dọc theo bờ sông Gaṇgā chiều ngang 3 do tuần, chiều dài 5 do tuần, hoá ra một con đường dài từ bên ngoài dẫn đến vùng cốc rộng lớn ấy. Tất cả được thành tựu do oai lực của vị thiên nam Vissakamma.

Sau khi xong việc, vị thiên nam Vissakamma hóa trở về cõi trời Tam thập tam thiên vào chầu Đức Vua trời Sakka, tâu trình những phận đã hoàn thành xong.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma dẫn đầu đoàn người đông đảo ngự theo con đường dài dẫn đến vùng cốc rộng lớn ấy, có đầy đủ chỗ ở và y phục của vị đạo sĩ, v.v… Ngài làm lễ xuất gia cho mọi người trở thành đạo sĩ và thuyết dạy các pháp hành của bậc đạo sĩ.

Về sau, dân chúng các tỉnh thành, các làng mạc trong nước nghe tin Đức Vua Sutasoma đã từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, nên họ dẫn đầu đoàn người đông đảo đi đến khu rừng núi Himavantu, đều xin xuất gia trở thành đạo sĩ theo Ngài. Ngài cho phép mọi người xuất gia trở thành đạo sĩ càng ngày càng đông thêm.

Đức Vua trời Sakka cõi Tam thập Tam thiên truyền lệnh cho vị thiên nam Vissakamma lại xuất hiện xuống cõi người, dùng oai lực của mình để biến hoá thêm cốc và những thứ vật dụng cần thiết cho các vị đạo sĩ, dọc theo bờ sông Gaṇgā chiều dài 30 do tuần.

Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma nhập thiền, rồi hóa phép thần thông, ngồi kiết già trên hư không thuyết pháp giảng dạy tất cả các vị đạo sĩ rằng:

- Này các vị đạo sĩ! Quý vị không nên nhớ tưởng lại sự an lạc vui thích trong ngũ dục: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục từ trước. Không để những vật dục với phiền não dục phát sinh trong tâm của quý vị. Thật ra, trước kia, tuy cuộc sống của quý vị ở trong kinh thành Sudassana có đầy đủ tiện nghi. Nay hiện tại, quý vị không nên nhớ tưởng đến cuộc sống trước kia nữa, mà quý vị nên cố gắng tinh tấn thực hành pháp hành thiền định đề mục tứ vô lượng tâm:

- Thực hành pháp hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh vô lượng.

- Thực hành pháp hành niệm rải tâm bi đến tất cả chúng sinh vô lượng.

- Thực hành pháp hành niệm rải tâm hỷ đến tất cả chúng sinh vô lượng.

- Thực hành pháp hành niệm rải tâm xả đến tất cả chúng sinh vô lượng.

Trước tiên mỗi người có thể thực hành pháp hành niệm rải tâm từ, hoặc niệm rải tâm bi, hoặc niệm rải tâm hỷ tùy theo căn duyên của mỗi người và cuối cùng thực hành pháp hành niệm rải tâm xả.

 Khi quý vị thực hành pháp tứ vô lượng tâm này dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới. Sau khi chết, chắc chắn sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trên cõi trời sắc giới phạm thiên bậc thấp hoặc bậc cao tùy theo quả của sắc giới thiện nghiệp sở đắc của mình”.

Toàn thể các đạo sĩ lắng nghe lời giáo huấn của Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma, rồi thực hành pháp hành thiền định theo đề mục tứ vô lượng tâm: niệm rải tâm từ, hoặc niệm rải tâm bi, hoặc niệm rải tâm hỷ và cuối cùng niệm rải tâm xả, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới.

Sau khi mỗi vị đạo sĩ chết, chắc chắn sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh trên cõi trời sắc giới phạm thiên tuỳ theo quả của bậc thiền sở đắc của mỗi vị đạo sĩ ấy.

Đức Thế Tôn thuyết về tích Cūḷasutasomajātaka này, dân chúng trong kinh thành Sāvatthi vô cùng hoan hỷ trong lời giáo huấn của Ngài, rồi Ngài thuyết bài kệ:

 “Mahārajjaṃ hatthagataṃ, kheḷapiṇḍaṃva haḍḍayiṃ.

Cajato na hoti laggaṃ, esā me nekkhammapāramī”([2]

Ý nghĩa:

Trong tay có sự nghiệp Đế Vương, Tiền kiếp của Như Lai đã từ bỏ tất cả, như nhổ một bãi nước bọt. Đã từ bỏ tất cả rồi, không hề tiếc. Đó là pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật, Bậc thượng của tiền kiếp Như Lai.

Sau khi thuyết giảng tích Đức Vua Bồ Tát Sutasoma tiền kiếp của Ngài xong, Đức Phật dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu! Như Lai xuất gia, rồi dẫn dắt những người khác cùng xuất gia không chỉ kiếp này, mà tiền kiếp của Như Lai là Đức Vua Bồ Tát Sutasoma đã từ bỏ ngai vàng đi xuất gia trở thành đạo sĩ, rồi dắt dẫn nhiều người khác cùng xuất gia trở thành đạo sĩ. 

Tích Cūḷasutasomajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

Tích Cūḷasutasomajātaka này, Đức Vua Bồ Tát Suta-soma, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích ấy liên quan đến kiếp hiện tại như sau:

-  Đức Thái Thượng Hoàng, nay kiếp hiện tại là Đức Phụ Vương Suddhodana.

-  Bà Hoàng Thái Hậu, nay kiếp hiện tại là Mẫu hậu Mahāmayādevī.

-  Ông phú hộ Kulavaḍḍhana, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Trưởng Lão Mahākassapa.

-  Vị Thái tử trưởng, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Sāriputta.

-  Vị quan Mahāsenagutta, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna.

-  Hoàng đệ Somadatta, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Ānanda.

-  Chánh cung Hoàng hậu Candādevī, nay kiếp hiện tại là Đại Đức Tỳ khưu ni Yasodharā, Mẫu hậu của Ngài Đại Đức Rāhula.

-  Vị tiểu hoàng tử, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Rāhula.

-  Bà nhũ mẫu, nay kiếp hiện tại là bà Khujjuttara.

-  Các vị đạo sĩ, v.v… nay kiếp hiện tại là tứ chúng: tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

10 Pháp Hạnh Ba-la-mật

Tóm lược tích Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, đã thực hành pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ cũng đồng thành tựu như sau:

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma truyền ngai vàng lại cho Hoàng đệ Somadatta,.. đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma gìn giữ giới trong sạch thanh tịnh, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma có trí tuệ suy xét đúng, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma có sự tinh tấn hành đạo, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma có đức nhẫn nại trong mọi thiện pháp, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma nói lời phát nguyện, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma có tâm từ rải khắp chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sutasoma có tâm xả rải khắp chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật bậc thượng ấy. 

Nhận Xét Về Tích Đức Vua Bồ Tát Sutasoma

Pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha).

Xuất gia Ba-la-mật đó là đại thiện tâm trong sạch quyết tâm xa lánh những đối tượng ngũ dục (sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục), từ bỏ nhà cửa, của cải, tài sản, sự nghiệp đi xuất gia trở thành đạo sĩ hoặc tỳ khưu, sa-di,…

Đức Vua Bồ Tát Sutasoma, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, khi thấy một sợi tóc bạc mọc trên đầu của mình, Ngài phát sinh động tâm, có nhận thức đúng đắn rằng: Một sợi tóc bạc đã mọc trên đầu của ta, báo hiệu cho ta biết, tuổi già đã đến” cho nên, Đức Vua Bồ Tát Sutasoma quyết định từ bỏ ngai vàng, Chánh cung Hoàng hậu, 700 bà Hoàng hậu, 16.000 cung phi mỹ nữ, các Hoàng tử, các công chúa, để đi xuất gia trở thành đạo sĩ.

Do nguyên nhân từ một sợi tóc bạc mọc trên đầu mà Đức Vua Bồ Tát Sutasoma không chỉ một mình đi xuất gia trở thành đạo sĩ mà còn có số đông đảo nhiều người khác bắt chước cùng đi theo Ngài để xuất gia trở thành đạo sĩ.

Phần đông chúng ta thường hay say mê trong thời trẻ trung, say mê trong lúc khỏe mạnh, say mê trong lúc còn sống, do tâm tham say mê như vậy, dễ phát sinh sự dể duôi, rồi tạo mọi ác nghiệp.

Trong bài kinh Ṭhānasutta [3], Đức Phật thuyết dạy các hàng đệ tử: tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ, hằng ngày đêm nên thường suy xét những điều như sau:

- Ta có sự già là thường, chắc chắn không thể tránh khỏi sự già được.

- Ta có sự bệnh là thường, chắc chắn không thể tránh khỏi sự bệnh được.

- Ta có sự chết là thường, chắc chắn không thể tránh khỏi sự chết được.

- Ta chắc chắn phải gặp cảnh xa lìa những người thân yêu, những vật ưa thích.

- Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp ấy, nghiệp ấy là nhân sinh ra ta, nghiệp ấy là thân quyến của chính ta, ta nương nhờ nơi nghiệp của ta, ta sẽ tạo nghiệp nào: thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp hoặc quả khổ của ác nghiệp ấy.

Những điều ấy thuộc về sự thật chân lý khổ đế. Do đó:

- Ta nên thường suy xét về sự già, để diệt tâm tham say mê trong thời trẻ trung, để tránh xa mọi ác nghiệp.

- Ta nên thường suy xét về sự bệnh, để diệt tâm tham say mê trong lúc khỏe mạnh, để tránh xa mọi ác nghiệp.

- Ta nên thường suy xét về sự chết, để diệt tâm tham say mê trong lúc còn sống, để tránh xa mọi ác nghiệp.

- Ta nên thường suy xét rằng: Ta chắc chắn phải gặp cảnh xa lìa những người thân yêu, những vật ưa thích, để khi ta gặp phải cảnh xa lìa những người thân yêu, hoặc bị mất mát những vật ưa thích, thì ta không phát sinh nỗi khổ tâm khóc than vì thương tiếc người ấy hoặc tiếc của ấy.

- Ta nên thường suy xét rằng: Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp ấy, nghiệp ấy là nhân sinh ra ta, nghiệp ấy là thân quyến của chính ta, ta nương nhờ nơi nghiệp của ta, ta sẽ tạo nghiệp nào: thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp hoặc quả khổ của ác nghiệp ấy.

Như vậy, ta sẽ không dám tạo ác nghiệp, mà ta cố gắng tinh tấn tạo nhiều thiện nghiệp, bởi vì tin chắc chắn rằng: “Chính ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp hoặc quả khổ của ác nghiệp mà ta đã tạo”.

Cho nên, ta muốn hưởng sự an lạc thì ta phải nên tạo mọi thiện nghiệp, và ta không muốn chịu quả khổ thì ta phải nên tránh xa mọi ác nghiệp. Đó là điều công minh của nghiệp và quả của nghiệp.

Đức Phật khuyên dạy:

- Sinh mạng con người quá ngắn ngủi, yểu thọ, có khổ nhiều, có nỗi thống khổ cùng cực, nên hiểu biết bằng trí tuệ, nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp, nên thực hành phạm hạnh cao thượng. Bởi vì con người sinh ra trong đời rồi, không chết là điều không bao giờ có được (chắc chắn ai cũng đều phải chết cả).

Con người sống trong thời đại này, sự chết không chỉ xảy đến đối với những người già, người bệnh, mà còn có thể xảy đến đối với những người trẻ, người khỏe mạnh bất cứ lúc nào do bởi tai nạn xảy ra. Sự chết là điều chắc chắn, nhưng không biết chắc chắn chết khi nào.

Đối với tất cả mọi hạng phàm nhân nào, chưa phải là bậc Thánh nhân, cũng không chứng đắc bậc thiền sắc giới, thiền vô sắc giới nào thì có 5 điều không biết là:

- Không biết chết khi nào; - Không biết chết nơi nào, - Không biết chết do bệnh gì, do nguyên nhân gì, - Không biết sau khi chết, nghiệp nào cho quả, - Không biết tái sinh trong cõi nào.

Đó là những điều không biết, thật đáng lo sợ đối với hạng phàm nhân ấy. Vậy, nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp có nhiều năng lực.

Thiện nghiệp có 4 loại:

1- Dục giới thiện nghiệp: Đó là tâm sở tác ý đồng sinh với 8 dục giới thiện tâm (8 đại thiện tâm) như bố thí, giữ giới, hành thiền mà chưa chứng đắc bậc thiền nào v.v…

Dục giới thiện nghiệp này nếu có cơ hội cho quả tái sinh kiếp sau thì sinh làm người trong cõi người hoặc sinh làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới, tùy theo năng lực của dục giới thiện nghiệp ấy.

2- Sắc giới thiện nghiệp: Đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 5 bậc thiền sắc giới thiện tâm. 5 sắc giới thiện nghiệp này chắc chắn cho quả tái sinh kiếp sau trong 16 cõi trời sắc giới phạm thiên, tuỳ thuộc vào bậc thiền sở đắc của hành giả ấy.

3- Vô sắc giới thiện nghiệp: Đó là tác ý tâm sở đồng sinh với 4 bậc thiền vô sắc giới thiện tâm. 4 vô sắc giới thiện nghiệp này chắc chắn cho quả tái sinh kiếp sau trong 4 cõi trời vô sắc giới phạm thiên, tuỳ thuộc vào bậc thiền sở đắc của hành giả ấy.

4- Siêu tam giới thiện nghiệp, đó là tâm sở tác ý đồng sinh với 4 Thánh Đạo tâm của 4 bậc Thánh nhân. 4 Thánh Đạo tâm này có khả năng đặc biệt cho quả tương xứng 4 Thánh Quả tâm, liền ngay sau khi chứng đắc Thánh Đạo tâm, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh Đạo tâm nào liền cho Thánh Quả tâm ấy chỉ sau 1 sát na tâm mà thôi.

Bởi vậy cho nên, 4 siêu tam giới thiện nghiệp này không cho quả tái sinh kiếp sau, mà có khả năng đặc biệt làm giảm dần kiếp tái sinh cho đến không còn tái sinh kiếp sau nữa như sau:

1- Siêu tam giới thiện nghiệp thứ nhất đó là tâm sở tác ý đồng sinh với Nhập Lưu Thánh Đạo tâm liền cho quả là Nhập Lưu Thánh Quả tâm trở thành bậc Thánh Nhập Lưu. Bậc Thánh Nhập Lưu vĩnh viễn không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, Atula, ngạ quỷ, súc sinh) mà chỉ còn tái sinh trong cõi thiện giới: cõi người và 6 cõi trời dục giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi.

Đến kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

2- Siêu tam giới thiện nghiệp thứ nhì đó là tâm sở tác ý đồng sinh với Nhất Lai Thánh Đạo tâm liền cho quả là Nhất Lai Thánh Quả tâm trở thành bậc Thánh Nhất Lai. Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh kiếp sau 1 kiếp nữa trong cõi thiện dục giới mà thôi.

Ngay trong kiếp ấy chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

3- Siêu tam giới thiện nghiệp thứ ba đó là tâm sở tác ý đồng sinh với Bất Lai Thánh Đạo tâm liền cho quả là Bất Lai Thánh Quả tâm trở thành bậc Thánh Bất Lai. Bậc Thánh Bất Lai không còn tái sinh trở lại cõi dục giới mà chỉ tái sinh kiếp sau lên cõi trời sắc giới phạm thiên mà thôi.

Bậc Thánh Bất Lai chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán tại cõi trời sắc giới phạm thiên ấy, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.

4- Siêu tam giới thiện nghiệp thứ tư đó là tâm sở tác ý đồng sinh với A-ra-hán Thánh Đạo tâm liền cho quả là A-ra-hán Thánh Quả tâm trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài, ngay trong kiếp hiện tại ấy.

 Đức Phật dạy: “Con người sinh ra trong đời rồi, không chết là điều không bao giờ có được”.

Có số người thường hay say mê trong lúc còn sống, nên sinh tâm dể duôi, không tạo mọi thiện nghiệp mà tạo mọi ác nghiệp.

Bậc thiện trí thường suy xét về sự già, sự bệnh, sự chết. Cho nên, bậc thiện trí không say mê trong thời trẻ trung, trong lúc khoẻ mạnh, trong khi còn sống, nên bậc thiện trí không dể duôi trong mọi thiện pháp, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp với khả năng của mình, thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật cho sớm được đầy đủ trọn vẹn.

Như Đức Vua Bồ Tát Sutasoma chỉ nhìn thấy một sợi tóc bạc mọc trên đầu của mình, rồi suy xét về sự già đã đến khống chế kiếp sống. Cho nên, Ngài quyết định từ bỏ tất cả sự nghiệp đế vương mà đi xuất gia trở thành đạo sĩ, còn làm gương tốt cho nhiều người khác cũng từ bỏ gia đình đi theo Ngài, để xuất gia trở thành đạo sĩ, như Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sutasoma, tiền kiếp của ĐứcPhật Gotama chúng ta.

(Xong pháp hạnh xuất gia ba-la-mật bậc thượng)



 

Đoạn Kết

 

 Các pháp hạnh Ba-la-mật là pháp hành của chư Đức Bồ Tát. Thật vậy, chỉ có chư Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh Ba-la-mật được thành tựu mà thôi, bởi vì các pháp hạnh Ba-la-mật ấy không bị nương nhờ bởi tham ái (taṇhā), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi), và hợp với tâm đại bi (karuṇā), trí tuệ có cứu cánh Niết Bàn cao thượng (upāyakosallañāṇa). 

Nếu Đức Bồ Tát nào có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có trí tuệ siêu việt thì Đức Bồ Tát ấy cần phải thực hành 30 pháp hạnh Ba-la-mật suốt khoảng thời gian mau nhất là 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, rồi mới trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. 

Nếu Đức Bồ Tát nào có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Độc Giác có trí tuệ siêu việt thì Đức Bồ Tát ấy sau khi đã được Đức Phật Chánh Đẳng Giác thọ ký xong, cần phải thực hành 20 pháp hạnh Ba-la-mật suốt khoảng thời gian 2 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để đầy đủ trọn vẹn 20 pháp hạnh Ba-la-mật, rồi mới trở thành Đức Phật Độc Giác.

Nếu Vị Bồ Tát nào có ý nguyện muốn trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn có trí tuệ siêu việt của Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào, thì Vị Bồ Tát ấy sau khi đã được Đức Phật Chánh Đẳng Giác thọ ký xong, cần phải thực hành 10 pháp hạnh Ba-la-mật suốt khoảng thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, để đầy đủ trọn vẹn 10 pháp hạnh Ba-la-mật, rồi mới trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn của Đức Phật Chánh Đẳng Giác ấy.

Patthanā

 

Iminā puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.

 

Vietnam ca raṭṭhikā sabbe, janā pappontu sāsane.

Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.

 

Do nhờ phước thiện thanh cao này,

Cho chúng con thường được an lạc.

Cầu mong chánh pháp được trường tồn,

Tất cả chúng sinh được hạnh phúc.

 

 Dân tộc Việt Nam được phát triển,

Tiến hóa hưng thịnh trong Phật giáo.

Bần sư cầu nguyện với tâm thành,

Hằng mong được thành tựu như nguyện.

 

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.

 

Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên thế gian.

Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

 

 Mùa an cư nhập hạ PL: 2555/2011

Rừng Núi Viên Không

Tóc Tiên, Huyện Tân Thành

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

 Tỳ khưu Hộ Pháp

(Dhammarakkhita Bhikkhu)

(Aggamahāpaṇḍita) 

 

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn