(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

- Pháp Hạnh Trí Tuệ Ba La Mật Bậc trung (1)

12 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 8748)


Nền Tảng Phật Giáo 

Quyển VI (Pháp Hạnh Trí tuệ Ba La Mật_Tập 2)

Soạn giả:Tỳ khưu Hộ Pháp

 

 

Pháp Hạnh Trí Tuệ Ba La Mật Bậc trung (1)

(Paññā upapāramī)

 

Tích Vidhurajātaka (Vi-dhu-rá-cha-tá-ká)

Trong tích Vidhurajātaka [1] Đức Bồ Tát tiền kiếp Đức Phật Gotama làm quan Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung (Paññā upapāramī).

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, Ngài thuyết về tích Vidhurajātaka này đề cập đến pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật của Ngài. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một hôm, chư tỳ khưu hội họp tại giảng đường, tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Thế Tôn rằng:

- Này chư pháp hữu! Đức Thế Tôn là bậc có trí tuệ vĩ đại, trí tuệ sâu xa, trí tuệ sâu sắc, vi tế, trí tuệ hân hoan, trí tuệ nhanh nhẹn, trí tuệ sắc bén, trí tuệ thấu suốt, trí tuệ khống chế các luận thuyết của người khác v.v… làm cho người khác bỏ ác hành thiện, bỏ tà kiến theo chánh kiến, chứng ngộ chân lý tứ thành đế, chứng đắc thánh đạo quả và niết bàn trở thành bậc thánh nhân.

- Này chư pháp hữu! Đức Thế Tôn của chúng ta là bậc đại trí tuệ, có trí tuệ siêu việt thật!

Trong khi chư tỳ khưu đang đàm đạo thì Đức Thế Tôn ngự đến ngồi trên pháp toà bèn hỏi rằng:

- Này chư tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về chuyện gì vậy?

Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn về chuyện đang đàm đạo như vậy, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Nay kiếp hiện tại Như Lai là Đức Phật Chánh Đẳng Giác có trí tuệ thuyết phục người khác bỏ điều ác, hành điều thiện, bỏ tà kiến theo chánh kiến, xin quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới v.v… đó chưa phải là điều phi thường.

Trong thời quá khứ, những tiền kiếp của Như Lai còn là Đức Bồ Tát đang thực hành bồi bổ, tích luỹ các pháp hạnh Ba-la-mật cho được đầy đủ, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Như tiền kiếp của Như Lai là Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đã thuyết phục được thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka hung ác từ bỏ ý định giết chết Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita để lấy trái tim thịt. Thống tướng Dạ xoa biết phục thiện, xin thọ trì ngũ giới v.v… xin trả sinh mạng lại cho Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita tiền kiếp của Như Lai.

Sau khi truyền dạy như vậy. Đức Thế Tôn làm thinh.

Chư tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tích Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, tiền kiếp của Ngài.

Tích Vidhurajātaka

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Vidhurajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức Vua Dhanañcaya Korabya ngự tại kinh thành Indapattha trị vì đất nước Kuru. Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita là một vị quan trong triều đình được Đức Vua Dhanañcaya Korabya tấn phong ngôi vị Đại Pháp Sư.

Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng dạy Đức Vua Dhanañcaya Korabya, cùng trong hoàng tộc, các quan trong triều, các đoàn binh cùng dân chúng trong kinh thành và ngoài thành, các tỉnh thành lân cận.

Danh tiếng Đức Bồ Tát Đại Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita được lan truyền khắp toàn cõi Nam thiện bộ châu, nên 101 Đức Vua ngự từ 101 kinh thành đều ngự đến kinh thành Indapattha, để nghe Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp.

Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư thuyết pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, văn chương hay làm cho 101 Đức Vua vô cùng hoan hỷ phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư, nên không hồi cung ngự trở về kinh thành của mình, cùng nhau ở lại kinh thành Indapattha, để thường được thân cận với Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, để nghe Ngài thuyết pháp.

4 Vị Đạo Sĩ

Vào thời ấy, trong kinh thành Bārāṇasī có bốn vị Bà-la-môn giàu có là bạn thân thiết với nhau, khi có tuổi,  bốn vị Bà-la-môn này thấy tội lỗi trong ngũ dục (sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục) nên từ bỏ nhà đi vào rừng Himavanta xuất gia trở thành đạo sĩ, thực hành pháp hành thiền định, dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc giới và phép thần thông.

 Hằng ngày, bốn vị đạo sĩ sống trong rừng bằng các thứ trái cây lớn nhỏ, lá cây nấu chín để nuôi mạng, sống trải qua thời gian lâu dài, bốn vị đạo sĩ ấy rời khỏi rừng núi Himavanta đi du hành đến xóm làng đi khất thực, dần dần mới đến kinh thành Kālacampā đất nước Aṅga, trú trong vườn thượng uyển. Sáng ngày hôm sau, bốn vị đạo sĩ đi vào kinh thành để khất thực.

4 Thí Chủ 

Trong kinh thành Kālacampā có bốn người bạn thân đều là người giàu sang phú quý, mỗi người kính thỉnh mỗi vị đạo sĩ về nhà của mình để cúng dường vật thực và các thứ vật dụng cần thiết, có đức tin trong sạch nơi mỗi vị đạo sĩ ấy.

Sau khi dùng vật thực của mỗi thí chủ xong, mỗi vị đạo sĩ nghỉ trưa tại mỗi nơi khác nhau như sau:

*Một vị đạo sĩ xuất hiện lên trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên, nghỉ trưa.

*Một vị đạo sĩ xuất hiện xuống dưới cõi long cung, nghỉ trưa

*Một vị xuất hiện đến cõi Điểu vương, nghỉ trưa

*Một vị xuất hiện đến vườn thượng uyển của Đức Vua Dhanañcaya Korabya, nghỉ trưa.

* Vị đạo sĩ nghỉ trưa tại cõi Tam Thập Tam Thiên nhìn thấy cung điện lâu đài nguy nga tráng lệ của Đức Vua trời sakka. Khi trở về cõi người, vị đạo sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe cung điện lâu đài của Đức Vua trời sakka như vậy, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau cũng được như vậy.

* Vị đạo sĩ nghỉ trưa tại cõi long cung, nhìn thấy các lâu đài, cung điện bằng vàng ngọc quý báu của Đức Long Vương. Khi trở lên cõi người, vị đạo sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe về các lâu đài cung điện ấy của Đức Long Vương như vậy, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau cũng được như vậy.

*Vị đạo sĩ nghỉ trưa tại cõi Điểu vương, nhìn thấy những đồ trang sức quý báu của Điểu vương. Khi trở về cõi người, vị đạo sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe về các đồ trang sức quý báu ấy của Điểu vương như vậy, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau cũng được như vậy.

*Vị đạo sĩ nghỉ trưa tại vườn thượng uyển của Đức Vua Dhanañcaya Korabya, nhìn thấy cung vàng điện ngọc của Đức Vua Dhanañcaya Korabya. Khi trở về kinh thành Kālacampā, vị đạo sĩ diễn tả lại cho người thí chủ của mình nghe về cung vàng điện ngọc của Đức Vua Dhanañcaya Korabya như vậy, nên người thí chủ vô cùng hoan hỷ phát sinh ý nguyện muốn kiếp sau cũng được như vậy.

Mỗi người thí chủ cố gắng tinh tấn tạo mọi phước thiện bố thí, giữ giới v.v… cho đến trọn kiếp.

Thành Tựu Như Ý Nguyện

*Một người thí chủ sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sanh kiếp sau làm Đức Vua trời Sakka trên cõi Tam Thập Tam Thiên, đúng như ý nguyện của mình.

*Một người thí chủ sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm Đức Long Vương dưới cõi long cung, đúng như ý nguyện của mình.

*Một người thí chủ sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau làm Điểu Vương cõi Điểu cung, đúng như ý nguyện của mình.

*Một người thí chủ sau khi chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh kiếp sau vào lòng bà Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua Dhanañcaya Korabya, đúng như ý nguyện của mình.

Bốn vị đạo sĩ đều đã chứng đắc các bậc thiền sắc giới, sau khi chết, sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời sắc giới phạm thiên.

Bà Chánh cung Hoàng hậu của Đức Vua Dhanañcaya Korabya sinh hạ Thái tử, Đức Vua cho đặt tên Thái tử là Korabyakumāra: Thái tử Korabya.

Thái tử Korabya đến lúc trưởng thành. Khi Đức Vua Dhanañcaya Korabya băng hà, Thái tử Korabya lên nối ngôi vua cha, ngự tại kinh thành Indapattha trị vì đất nước Kuru.

Nghe theo lời khuyên dạy của Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Đức Vua Dhanañcaya Korabya lập ra các trại bố thí phân phát của cải đến cho những người nghèo khổ. 

Hằng ngày, Đức Vua làm phước thiện bố thí cúng dường đến Sa-môn, Bà-la-môn, giữ gìn ngũ giới, thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

* Một hôm, nhằm vào ngày bát giới uposathasīla hằng tháng, buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát giới uposathasīla xong, Đức Vua Dhanañcaya Korabya ngự đến vườn thượng uyển tìm một nơi yên tĩnh để thuận lợi thực hành pháp hạnh Sa-môn.

* Cũng vào buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát giới uposathasīla xong, Đức Vua trời Sakka nghĩ rằng: “Trên cõi trời Tam Thập Tam Thiên này có nhiều phiền toái.”

Vậy, ta nên hiện xuống cõi người ngự đến vườn thượng uyển của Đức Vua Korabya, tìm một nơi yên tĩnh để thuận lợi thực hành pháp hạnh Sa-môn.

* Cũng vào buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát giới uposathasīla xong, Đức Long Vương Varuṇanāgarājā nghĩ rằng: “Cõi long cung này có nhiều phiền toái.”

Vậy, ta nên hiện lên cõi người ngự đến vườn thượng uyển của Đức Vua Korabya, tìm một nơi yên tĩnh để thuận lợi thực hành pháp hạnh Sa-môn.

* Cũng vào buổi sáng hôm ấy, sau khi thọ trì bát giới uposathasīla xong, Đức Điểu Vương Supaṇṇarājā nghĩ rằng: “Cõi điểu cung này có nhiều phiền toái.”

Vậy, ta nên hiện đến vườn thượng uyển của Đức Vua Dhanañcaya Korabya, tìm một nơi yên tĩnh để thực hành pháp hạnh Sa-môn.

4 Loài Chúng Sinh Khác Nhau, Tâm Tư Giống Nhau

Vào buổi chiều hôm ấy, mỗi Đức Vua từ chỗ yên tĩnh ngự đến bờ hồ nước lớn, vừa mới gặp nhau mỗi Đức Vua vô cùng hoan hỷ chuyện trò với nhau bằng những lời chân tình thân thiết, bởi vì tiền kiếp của bốn Đức Vua này vốn là bốn người bạn thân thiết với nhau. Cho nên, kiếp hiện tại tuy mỗi Đức Vua khác nhau về phần thể xác, nhưng tâm tư rất thương yêu nhau. Bốn Đức Vua chuyện trò thân mật với nhau, rồi cùng nhau ngự đến tảng đá an lành.

Cuộc Đàm Đạo

Đức Vua trời Sakka ngồi chỗ cao quý, còn ba Đức Vua mỗi vị ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Vua trời Sakka truyền hỏi ba Đức Vua khác rằng:

- Này ba vị Vua! Chúng ta là bốn vị Vua đều thọ bát giới uposathasīla ngày hôm nay.

Vậy, trong bốn vị Vua chúng ta, Đức Vua nào có giới cao thượng hơn cả?

* Bắt đầu Đức Long Vương Varuṇanāgarājā tâu rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

Đức Vua trời Sakka truyền hỏi rằng:

- Này Đức Long Vương, tại sao Đức Long Vương tâu như vậy?

- Tâu Đức Vua trời Sakka, bởi vì Đức Điểu Vương là kẻ thù của loài long chúng tôi đã sinh và chưa sinh. Tuy vậy, bổn vương gặp Đức Điểu Vương kẻ thù, nhưng bổn vương không phát sinh tâm sân đối với Đức Điểu Vương. Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

Đọc câu kệ rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka,

Người nào không phát sinh tâm sân với hạng người đáng sân,

Người nào là bậc thiện trí không hề phát sinh tâm sân bất cứ trường hợp nào, dù người ấy có tâm sân cũng không để cho tâm sân phát sinh.

Chư bậc thiện trí gọi người ấy là bậc thiện trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

- Tâu Đức Vua trời Sakka, bổn vương có đức tính nhẫn nại, chế ngự được tâm sân.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

* Nghe Đức Long Vương tâu như vậy, Đức Điểu Vương tâu rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka, tuy Đức Long Vương là món ăn ngon, ưa thích của bổn vương, nhưng khi gặp Đức Long Vương bổn vương đè nén, chế ngự được tâm tham ăn ấy, nên không tạo ác nghiệp sát sinh.

 Cho nên, bổn vương có giới cao thựợng hơn cả.

 Đọc câu kệ rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka,

Người nào đói bụng thèm ăn, nhưng chế ngự được tâm tham ăn, là người tự dạy mình, có sự tinh tấn thiêu huỷ được phiền não, biết tri túc trong vật thực, không tạo ác nghiệp do nguyên nhân vật thực.

Bậc thiện trí gọi người ấy là bậc thiện trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

Tâu Đức Vua trời Sakka, bổn vương không tạo ác nghiệp do nguyên nhân vật thực.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

* Đức Vua trời Sakka truyền rằng:

- Này ba Vị, bổn vương rời khỏi ngai vàng, lâu đài nguy nga tráng lệ trên cõi trời, tránh xa mọi sự dục lạc trên cõi trời, xuất hiện xuống cõi người để gìn giữ bát giới uposathsīla.

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

 Đọc câu kệ rằng:

Người nào tránh xa sự vui chơi, không thoả thích trong ngũ dục, không nói lời vô ích, tránh xa sự hành dâm, tránh xa sự trang điểm thân thể, …

Chư bậc thiện trí gọi người ấy là bậc thiện trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

Hôm nay, bổn vương tránh xa mọi sự an lạc trên cõi trời, xuất hiện xuống cõi người để thọ trì bát giới uposathasīla, thực hành pháp hạnh Sa-môn. 

Cho nên, bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

* Nghe ba Đức Vua mỗi vị truyền mỗi cách như vậy, Đức Vua Dhanañcaya Korabya tâu rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka, hôm nay bổn vương rời khỏi ngai vàng điện ngọc mà bổn vương quý nhất, xa lánh các hoàng hậu và 60.000 cung phi mỹ nữ, ngự đến vườn thượng uyển này để thọ trì bát giới uposathasīla và thực hành pháp hạnh Sa-môn.

Cho nên bổn vương có giới cao thượng hơn cả.

 Đọc câu kệ rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka,

Người nào có trí tuệ thấy rõ tội lỗi trong vật dục (vatthukāma) và phiền não dục (kilesakāma), từ bỏ được vật dục và phiền não dục. Chư bậc thiện trí gọi người ấy là người tập luyện mình diệt tâm tham ái chấp thủ của ta, tâm không có tham muốn, làm lắng dịu mọi phiền não trong tâm.

Như vậy, mỗi Đức Vua tự đề cao mình có giới cao thượng hơn cả ba vị khác. Khi ấy, Đức Vua trời Sakka truyền hỏi Đức Vua Dhanañcaya Korabya rằng:

- Này Đại Vương! Trong triều đình của Đại Vương có ai là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt phán xét rõ vấn đề giới của chúng ta hay không?

Đức Vua Dhanañcaya Korabya tâu rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka, trong triều đình của bổn vương có vị quan Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt chắc chắn phán xét rõ về vấn đề giới của mỗi chúng ta được.

Kính thỉnh ba vị cùng nhau ngự đến gặp bậc đại thiện trí Vidhurapaṇḍita.

Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita Phán Xét

Bốn Đức Vua điều đồng tâm nhất trí cùng ngự đến hội trường trang hoàng pháp toà trang nghiêm, rồi thỉnh Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita lên ngồi trên pháp toà ấy, còn bốn Đức Vua ngồi một nơi hợp lẽ bèn thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt thấu suốt tận tường mọi việc.

Thưa Ngài Đại Pháp Sư, bốn Đức Vua chúng tôi điều thọ trì bát giới uposathasīla, rồi đang tranh luận với nhau, Đức Vua nào cũng tự cho mình có giới cao thượng hơn cả.

Vậy, kính thỉnh Ngài phán xét, làm rõ ràng Đức Vua nào có giới cao thượng hơn cả, để chúng tôi không còn thắc mắc nữa.

Nghe bốn Đức Vua truyền hỏi như vậy, Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu quý Đại Vương, quý Đại Vương đã tranh luận với nhau về giới của mình như thế nào, hạ thần chưa từng nghe, chưa được hiểu, thì hạ thần làm sao có thể tâu cho quý Đại Vương rõ ràng tường tận, không còn thắc mắc nữa.

Vậy, kính xin mỗi Đại Vương truyền bảo cho hạ thần biết lập luận của mỗi Đại Vương như thế nào?

Nghe Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, mỗi Đức Vua tuần tự truyền bảo rằng:

*Đức Long Vương Varuṇanāgarājā tự đề cao mình có đức tính nhẫn nại nên truyền bảo rằng:

Trẫm không hề phát sinh tâm sân nơi đối tượng đáng nổi tâm sân.

*Đức Điểu Vương Supaṇṇarājā tự đề cao mình không tham ăn, không tạo ác nghiệp sát sinh do nguyên nhân vật thực, nên truyền bảo rằng:

Trẫm biết tri túc trong vật thực.

*Đức Vua trời Sakka tự đề cao mình tránh xa sự say mê ngũ dục trong cõi trời, nên truyền bảo rằng:

Trẫm không say mê ngũ dục trong cõi trời.

*Đức Vua Dhanañcaya Korabya tự đề cao mình không bị ràng buộc nơi ngai vàng điện ngọc, nơi các hoàng hậu, nên truyền nảo rằng:

 Trấm không dính mắc nơi ngai vàng điện ngọc, cảnh an lạc đế vương.

Sau khi nghe mỗi Đức Vua truyền bảo ý kiến của mình, Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita tâu rằng:

- Tâu quý Đại Vương, mỗi Đại Vương truyền bảo ý kiến của mình đều là lời thiện ngôn (subhāsitā) cả.

Thật vậy, những lời ấy hoàn toàn không phải lời ác ngôn chút nào.

Mỗi lời thiện ngôn này là mỗi đức tính tốt được hiện hữu trong Đức Vua nào, chư bậc thiện trí gọi Đức Vua ấy là bậc thiện trí chế ngự, làm lắng dịu được phiền não trong tâm.

Như vậy, bốn Đại Vương đều có giới đức cao thượng mỗi vị một đức tính tốt không hơn không kém.

Nghe Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita tâu như vậy, bốn Đức Vua đều phát sinh thiện tâm hoan hỷ, tán dương ca tụng Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita rằng:

- Kính thưa Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Ngài là bậc đại thiện trí cao thượng nhất không ai sánh được, Ngài có trí tuệ siêu việt thấy rõ biết rõ sâu sắc các pháp, đã phán xét công minh và hợp pháp về vấn đề giới của chúng tôi.

Bốn Đức Vua chúng tôi hết lòng tôn kính Ngài, bởi

Ngài là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt đã giải đáp rõ ràng minh bạch vấn đề giới, làm tiêu tan mọi sự hoài nghi, sự thắc mắc của chúng tôi ngày hôm nay.

Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ 4 Đức Vua, sau khi nghe pháp xong, 4 Đức Vua vô cùng hoan hỷ thực hành theo lời giáo huấn của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita.


Cúng Dường Pháp

Khi ấy Đức Vua trời Sakka thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công minh của Ngài, Trẫm xin kính dâng lên Ngài tấm vải trời vô giá có hình hoa sen màu xanh, chất vải mịn màng, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

* Đức Điểu Vương Supaṇṇarājā thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm cũng rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công minh của Ngài, Trẫm kính xin dâng lên Ngài đoá hoa vàng quý báu có trăm cánh, nhuỵ bằng hàng ngàn viên ngọc quý, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

* Đức Long Vương Varuṇanāgarājā thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm cũng rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công mình của Ngài, Trẫm kính dâng lên Ngài viên ngọc Maṇi quý báu, món đồ trang sức xinh đẹp vô giá cuả Trẫm, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

 *Đức Vua Dhanañcaya Korabya thưa rằng:

- Kính thưa Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm cũng rất hài lòng hoan hỷ với lời phán xét công minh của Ngài, Trẫm xin ban cho Ngài 1000 con bò sữa, 1000 con bò đực báu, 10 chiếc xe ngựa báu, 16 xóm nhà để thâu thuế, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

Sau làm lễ cúng dường pháp xong, Đức Vua trời Sakka hồi cung ngự trở về cõi trời Tam Thập Tam Thiên. Đức Điểu Vương Supaṇṇarājā ngự trở về cõi Điểu cung, Đức Long Vương Varuṇanāgarājā ngự trở về cõi long cung, Đức Vua Dhanañcaya Korabya ngự trở vào cung điện của mình.

Chánh Cung Hoàng Hậu Vimalādevī

Bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī của Đức Long Vương Varuṇanāgarājā không nhìn thấy viên ngọc Maṇi trang sức trên cổ Đức Long Vương Varuṇanāgarājā nên tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, sao thần thiếp không thấy viên ngọc Maṇi của Hoàng Thượng?

- Này ái khanh Vimalādevī! Khi Trẫm nghe pháp của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Trẫm đã phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài ấy, nên Trẫm đã đem viên ngọc Maṇi quý báu ấy dâng đến Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, gọi là lễ vật cúng dường pháp.

Lễ cúng dường ấy không chỉ có Trẫm, mà còn có Đức Vua trời Sakka cúng dường tấm vải trời vô giá, Đức Điểu Vương cúng dường đáo hoa vàng quý báu có 100 cánh, Đức Vua Dhanañcaya Korabya cúng dường 1000 con bò sữa, 1000 con bò đực báu, v.v…

Nghe Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền bảo như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī tâu rằng: 

- Muôn tâu Hoàng Thượng, Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita là người như thế nào?

- Này ái khanh Vimalādevī! Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita là bậc đại thiện trí có trí tuệ siêu việt thuyết pháp hay ở phần đầu, phần giữa, phần cuối, đầy đủ ý nghĩa sâu sắc, văn chương hay, làm cho 101 Đức Vua trong cõi nam thiện bội châu ngự đến kinh thành Indapattha nghe Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp, không có một Đức Vua nào hồi cung ngự trở về kinh thành của mình, mà cùng nhau ở lại kinh thành Indapattha, để thường được gần gũi thân cận với Ngài nghe Ngài thuyết pháp.

Nghe Đức Long Vương Varuṇanāgarājā tán dương ca tụng Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī muốn nghe pháp của Ngài, bà nghĩ rằng: “ Nếu ta tâu xin Đức Long Vương thỉnh mời Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này, để thiện pháp tế độ ta thì chắc chắn Đức Long Vương sẽ không thỉnh Ngài đến. Vậy, ta nên bày kế bị lâm bệnh muốn trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita.”

Nghĩ xong, bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī thực hành ngay ý định, bà cho truyền gọi các nữ tỳ đến, bà Chánh cung Hoàng hậu truyền bảo rằng :

- Này các ngươi! Đức Long Vương Varuṇanāgarājā hỏi đến ta thì các ngươi tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Long Vương Varuṇanāgarājā, Lệnh bà bị lâm trọng bệnh.

Truyền bảo xong, bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī ngự vào phòng nằm giả bị bệnh.

Không nhìn thấy bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī đến chầu, Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi các nữ tỳ rằng:

- Này các ngươi! Sao bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī vắng mặt?

- Muôn tâu Hoàng Thượng, Lệnh bà bị lâm trọng bệnh.

Nghe các nữ tỳ tâu như vậy, Đức Long Vương rời ngai vàng ngự đến thăm bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī, ngồi một bên vuốt thân mình của bà Chánh cung Hoàng hậu rồi truyền hỏi rằng:

- Này ái khanh Vimalādevī yêu quý! Ái khanh bị lâm bệnh như thế nào, mà thân hình gầy ốm, nước da nhợt nhạt, sức khoẻ yếu đuối như vậy?

Trẫm truyền hỏi, vậy, ái khanh hãy tâu cho Trẫm rõ.

Trái Tim Của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita 

Nghe Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền hỏi như vậy, Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī tâu rằng: 

- Muôn tâu Hoàng Thượng, bậc cao cả trong cõi long cung này, lòng mong ước là tính chất của phái nữ.

- Muôn tâu Hoàng Thượng, thần thiếp muốn được trái tim[1]của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita (Vidhurassa hadayaṃ). Nếu Hoàng Thượng đem được trái tim ấy về đây một cách hợp pháp, không phải bất hợp pháp, cho thần thiếp thì sinh mạng của thần thiếp còn duy trì được.

Nếu thần thiếp không được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thì chắc chắn thần thiếp sẽ vĩnh biệt Hoàng Thượng tại nơi này.

Nghe bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī tâu như vậy, Đức Long Vương Varuṇanāgarājā hiểu lầm rằng: Trái tim thịt của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita,

(Vidhurapaṇḍitassa hadayamaṃsaṃ), nên truyền bảo rằng:

- Này ái khanh Vimalādevī yêu quý! Ái khanh muốn được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita như là muốn được mặt trời, mặt trăng hoặc gió, bởi vì Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita được 101 Đức Vua trong cõi nam thiện bội châu bảo vệ nghiêm ngặt, cho nên khó có người khác đến gần gũi thì làm sao lấy được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita hoặc bắt Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đem về cõi long cung này một cách hợp pháp được.

Nghe Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền bảo như vậy, bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī thất vọng tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng cao cả nhất trong cõi long cung, nếu thần thiếp không được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita trong vòng bảy ngày thì chắc chắn thần thiếp sẽ vĩnh biệt Hoàng Thượng tại nơi này.

Tâu xong, bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī nằm quay lưng Đức Long Vương, lấy tấm vải trùm mặt lại. Đức Long Vương phát sinh khổ tâm ngự trở về lâu đài của mình, ngồi trên bệ suy nghĩ rằng: “Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī muốn được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, nếu không được thì sinh mạng Chánh cung Hoàng hậu của ta sẽ không còn nữa. Vậy, ta làm thế nào để có được trái tim thịt của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita ấy.”

Khi ấy, Công chúa long Irandhatī cùng với đoàn tuỳ tùng đến chầu đảnh lễ Đức phụ long vương, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, nhìn thấy gương mặt của Đức Phụ long Vương buồn khổ, nên tâu rằng:

- Muôn tâu Đức Phụ LongVương cao cả trong cõi long cung này, do nguyên nhân nào làm cho Đức Phụ Vương khổ tâm gương mặt thiểu não vậy?

Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền bảo Công chúa Irandhatī rằng:

- Này Irandhatī con yêu quý! Mẫu hậu của con muốn được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, Ngài Đại Pháp Sư ấy được bảo vệ nghiêm ngặt.

Vậy, ai có khả năng đem Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp.

- Này Irandhatī con yêu quý! Con hãy nên tìm cách cứu sinh mạng Mẫu hậu của con.

Vậy, con nên đi tìm một vị phu quân có khả năng đem Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp được không ?

Nghe truyền bảo như vậy, Công chúa long Irandhatī tâu cho Đức Long Vương an tâm, rồi đến chầu thăm Mẫu hậu Vimalādevī, cũng tâu cho Mẫu hậu an tâm, Công chúa đảnh lễ Mẫu hậu, rồi xin phép trở về lâu đài của mình.

Công chúa long Irandhatī trang điểm lộng lẫy với tâm tham ái muốn tìm một phu quân xứng đáng, rời khỏi cõi long cung ngay trong đêm hôm ấy. Công chúa long Irandhatī bay đến đỉnh núi Kāḷapabbata cao sáu mươi do tuần gần bãi biển tại rừng núi Himavanta.

Công chúa long Irandhatī đi tìm các thứ hoa thơm trong rừng núi Himavanta đem về trang hoàng trên đỉnh Kāḷapabbata xinh đẹp lộng lẫy, Công chúa long Irandhatī đờn ca múa hát những câu kệ hay với giọng lánh lót, câu kệ thứ bảy rằng:

Hởi các thiên nam, các Dạ xoa nam, các điểu nam dạng người hay các người nam! Nếu vị nào tài giỏi có khả năng làm vừa lòng mong ước Mẫu hậu của Irandhatī, “muốn được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita” thì vị ấy sẽ là vị phu quân yêu quý của Irandhatī suốt đời.

Khi ấy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka, cháu của Đức Đại Thiên Vương Vessavaṇṇamahārājā cỡi ngựa trời Manomayasindhava cao ba gāvuta bay đi dự đại hội Dạ xoa, ngang qua đỉnh núi Kāḷapabbata nghe tiếng hát của Công chúa long Irandhatī làm cho vị thống tuớng Dạ xoa Puṇṇaka say mê đắm đuối tiếng hát ấy, bởi vì tiền kiếp của Công chúa long Irandhatī đã từng là phu nhân của thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka.

Cho nên, kiếp hiện tại này nghe lại tiếng hát, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka liền đem lòng thương yêu tha thiết, nên cho ngựa quay trở lại, ngồi trên lưng ngựa nói với Công chúa long vương rằng:

- Này Công chúa long Irandhatī có đôi mắt xinh đẹp! Công chúa nên an tâm, ta có khả năng đem trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita về dâng Mẫu hậu của Công chúa một cách hợp pháp, bằng trí tuệ của ta, rồi ta sẽ là vị phu quân của Công chúa và Công chúa sẽ là phu nhân của ta.

Khi thấy và nghe lời nói của vị thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka, Công chúa long vương Irandhatī liền đem lòng thương yêu, bởi vị vị thống tướng Dạ xoa này đã từng là vị phu quân kiếp trước vừa qua của Công chúa long vương, nên thưa với thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka rằng:

0- Thưa thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka, long nữ là Công chúa của Đức Long Vương Varuṇanāgarājā và Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī.

- Này chàng thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka! Tiện thiếp sẽ dẫn chàng đến yết kiến Đức Phụ Vương của thiếp, rồi Đức Phụ Vương sẽ truyền bảo cho chàng rõ.

Công chúa long Irandhatī xinh đẹp nắm tay thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đến yết đảnh lễ Đức Long Vương Varuṇanāgarājā, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đức Long Vương Varuṇanāgarājā cao cả trong cõi long cung, hạ thần mong muốn làm lễ thành hôn với Công chúa Irandhatī của Đức Long Vương.

Vậy, kính xin Đức Long Vương hoan hỷ nhận những đồ sính lễ của hạ thần, gồm có 100 con voi, 100 con ngựa, 100 cỗ xe ngựa chở đầy các thứ ngọc quý, rồi kính xin Đức Long Vương ban Công chúa Irandhatī cho hạ thần, để làm phu nhân của hạ thần.

Nghe thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tâu như vậy, Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền bảo rằng:

- Này thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka! Ngươi nên chờ đợi Trẫm bàn bạc với Chánh cung Hoàng hậu Vimalā-devī của Trẫm và hoàng gia trước.

Đức Long Vương Varuṇanāgarājā ngự đến gặp Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī truyền rằng:

- Này ái khanh Vimalādevī yêu quý! Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đến cầu hôn Công chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta, chúng ta không nên đòi hỏi những đồ sính lễ có phải không?

Nghe Đức Long Vương Varuṇanāgarājā bàn bạc như vậy, bà Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī tâu rằng:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, chúng ta sẽ ban Công chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta cho thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka không đòi hỏi những đồ sính lễ, mà chỉ có một điều kiện mà thôi.

Đó là, nếu thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka có khả năng đem được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita đến cõi long cung này, một cách hợp pháp thì thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka sẽ được thành hôn với Công chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta.

- Muôn tâu Hoàng Thượng thần thiếp chỉ muốn được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita mà thôi. Ngoài ra, không muốn thứ của cải nào khác cả.

Nghe Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī tâu như vậy, Đức Long Vương Varuṇanāgarājā ngự trở lại gặp thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka truyền bảo rằng:

- Này thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka, ngươi muốn cầu hôn Công chúa Irandhatī yêu quý của chúng ta, không phải bằng những đồ sính lễ nào cả, mà chỉ có một điều kiện mà thôi. Đó là, nếu ngươi có khả năng đem trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này, một cách hợp pháp thì ta sẽ ban Công chúa Irandhatī yêu quý của Trẫm cho ngươi đem về làm phu nhân của ngươi. Bởi vì, Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī của Trẫm chỉ muốn được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita mà thôi. Ngoài ra, không muốn thứ của cải nào khác cả.

Nghe Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền bảo như vậy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đức Long Vương Varuṇanāgarājā cao thượng nhất trong cõi long cung này, kính xin Đức Long Vương truyền bảo cho hạ thần biết rõ Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đang làm gì và ở đâu?

- Này thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka! hiện nay, Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita là vị quan thuyết pháp giảng dạy Đức Vua Dhanañcaya Korabya tại kinh thành Indapattha, đất nước Kuru.

Nếu ngươi có khả năng đem trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đến cõi long cung này một cách hợp pháp thì Trẫm sẽ ban Công chúa Irandhatī yêu quý của Trẫm cho ngươi đem về làm phu nhân của ngươi.

Nghe Đức Long Vương Varuṇanāgarājā truyền bảo rõ ràng như vậy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức Long Vương Varuṇanāgarājā, rồi xin phép trở về chỗ ở của mình.

Thống tướng Dạ xoa cỡi con ngựa báu Sindhava bay trở về với tâm tham ái say mê Công chúa Irandhatī, đến chầu đảnh lễ Đại Thiên Vương Kuvera Vessavaṇa cao cả nhất trong hàng Dạ xoa, rồi xin phép ra đi.

Thống tướng Dạ xoa ci con ngựa báu Sindhava bay lên hư không nghĩ rằng: “Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita được các Đức Vua bảo vệ nghiêm ngặt, ta không dễ bắt sống Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita được, nhưng Đức Vua Dhanañcaya Korabya là Đức Vua thích chơi môn cờ gieo con súc sắc. ([3][2])  Đức Vua Dhanañcaya Korabya có tài chơi môn cờ này. 

Vậy, ta nên tìm một viên ngọc Maṇi quý báu đặc biệt vô giá đem khoe với Đức Vua Dhanañcaya Korabya, khi Đức Vua nhìn thấy thích viên ngọc Maṇi quý báu, rồi chịu chơi môn cờ gieo con súc sắc thắng thua với ta.

Một viên ngọc Maṇi báu đặc biệt, đồ trang sức của Đức Vua Chuyển luân Thánh Vương để ở tại đỉnh núi Vepula gần kinh thành Rājagaha. Ta nên đến đỉnh núi Vepula để lấy viên ngọc Maṇi có nhiều oai lực phi thường đem khoe với Đức Vua Dhanañcaya Korabya chắc chắn Đức Vua sẽ phát sinh tâm tham muốn được viên ngọc Maṇi ấy, nên chấp thuận chơi môn cờ gieo súc sắc với ta.

Nghĩ xong, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka bay thẳng đến kinh thành Rājagaha, bay lên đỉnh núi Vepula để tìm viên ngọc Maṇi ấy.

Viên Ngọc Maṇi Báu

Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nhìn thấy viên ngọc Maṇi báu đặc biệt ấy nằm giữa đỉnh núi Vepula, phát ra hào quang ánh sáng trong trẻo xinh đẹp lạ thường lan toả một vùng rộng lớn tại nơi ấy, có 100 ngàn Dạ xoa ngày đêm giữ gìn bảo vệ viên ngọc Maṇi ấy.

Khi nhìn thấy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka làm bộ nổi giận trừng đôi mắt thì tất cả nhóm Dạ xoa hoảng sợ chạy trốn nơi xa tít. Khi ấy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đến lấy viên ngọc Māṇī ấy, bay thẳng đến kinh thành Indapattha đất nước Kuru.

Khi đáp xuống trước cung điện của Đức Vua Dhanañcaya Korabya, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka biến hoá ra thành một chàng trai trẻ với tư thế dũng cảm hiên ngang đi vào nơi triều đình có Đức Vua Dhanañcaya Korabya cùng với 101 Đức Vua trong toàn cõi nam thiện bội châu hội họp.

Khi ấy, chàng trai trẻ đưa viên ngọc Maṇi ấy lên mà thách thức các Đức Vua rằng:

 - Tất cả các Đức Vua trong triều đình này, có Đức Vua nào dám đánh môn cờ gieo súc sắc với tên tiện dân này hay không?

Nếu Đức Vua nào thắng được kẻ tiện dân này thì kẻ tiện dân này sẽ dâng viên ngọc Maṇi báu đặc biệt vô giá này đến Đức Vua ấy, và nếu tiện dân này thắng cờ Đức Vua nào thì Đức Vua ấy phải ban cho kẻ tiện dân này báu vật đặc biệt.

Khi nghe chàng trai trẻ thách thức các Đức Vua đánh môn cờ gieo súc sắc như vậy, Đức Vua Dhanañcaya Korabya nghĩ rằng:

Trước đây ta chưa từng thấy ai dũng cảm, dõng dạc nói như vậy, ta muốn biết chàng trai trẻ này là ai?

Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền hỏi rằng:

- Này chàng trai trẻ! Chắc chắn ngươi không phải là dân Kuru của Trẫm. Vậy, ngươi tên gì? thuộc dòng dõi nào? từ đâu đến đây?

Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nghĩ rằng: “Đức Vua Dhanañcaya Korabya hỏi tên của ta, dòng dõi, dân tộc của ta. Có kẻ tôi tớ tên là Puṇṇaka, nếu ta tâu tên ta là Puṇṇaka thì Đức Vua sẽ khinh thường ta.

Vậy, ta nên tâu dòng dõi kiếp trước của ta rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya cao quý nhất trong nước Kuru này, tiện dân tên Puṇṇaka thuộc dòng dõi Kaccayana tại kinh thành Kālacampā đất nước Aṅga.

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, nghe danh tiếng Đại Vương là bậc chơi môn cờ gieo súc sắc vô địch, nên hôm nay tiện dân đến xin chơi môn cờ gieo súc sắc với Đại Vương.

- Này chàng trai trẻ! Ngươi là kẻ nghèo hèn của cải không có, ngươi chơi cờ với Trẫm, nếu Trẫm thắng ngươi thì ngươi có gì dâng đến Trẫm.

Chàng trai trẻ tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, tiện dân có một viên ngọc maṇi báu này và một con ngựa báu, nếu Đại Vương thắng cờ tiện dân, thì tiện dân sẽ dâng viên ngọc maṇi báu và con ngựa báu này lên Đại Vương.

- Này chàng trai trẻ! Ngươi chỉ có một viên ngọc maṇi báu và một con ngựa báu kia có đáng gì đâu! Trẫm có nhiều viên ngọc maṇi và nhiều con ngựa báu.

 Con Ngựa Báu

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, con ngựa báu kia của tiện dân là con ngựa mà hàng ngàn con ngựa báu khác không sao sánh được, và viên ngọc maṇi báu của tiện dân là viên ngọc maṇi quý báu mà  hàng ngàn viên ngọc maṇi khác không sao sánh được.

- Tâu Đaị Vương, kính xin Đại Vương nhìn thấy tài con ngựa báu của tiện dân.

Tâu xong, chàng trai trẻ cỡi con ngựa Sindhava báu bay lên, phi trên bờ thành xung quanh kinh thành phi nhanh đến nỗi không thấy con ngựa và người cỡi, chỉ thấy tấm vải màu đỏ bay phất phới mà thôi.

Chàng trai trẻ truyền cho con ngựa dừng lại, xuống ngựa tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, kính xin Đại Vương đã nhìn thấy con ngựa báu không chỉ có tài phi nhanh, mà còn có các tài khác.

Tâu xong, chàng trai trẻ cỡi con ngựa báu truyền phi nhanh trên mặt nước hồ lớn trong kinh thành, rồi truyền con ngựa phi nhanh vó ngựa đạp trên lá sen trong hồ, lá sen không bị rách, vó ngựa không bị ướt, ...

Chàng trai trẻ xuống ngựa tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, con ngựa báu của tiện dân so sánh với các con ngựa báu khác như thế nào?

- Này chàng trai trẻ! Con ngựa báu của ngươi hơn hẳn các con ngựa báu khác.

Viên Ngọc Maṇi

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, kính xin Đại Vương xem viên ngọc maṇi báu này của tiện dân.

Viên ngọc maṇi báu này đặc biệt phát ra ánh sáng và cảnh vật, hình ảnh theo ý người xem. Nếu người xem muốn ánh sáng màu nào, muốn xem cảnh nào… thì ánh sáng màu ấy, cảnh ấy hiện ra trên viên ngọc maṇi báu.

Đức Vua Dhanañcaya Korabya nhìn thấy rõ viên ngọc maṇi báu của chàng trai trẻ phát ra ánh sáng ngời trong trẻo theo ý của mình.   

Khi Đức Vua nghĩ đến vườn thượng uyển thì vườn thượng uyển được hiện rõ ra, nghĩ đến cõi trời dục giới nào thì cõi trời dục giới ấy hiện ra, v.v…, nên, Đức Vua Dhanañcaya Korabya nhìn say mê viên ngọc maṇi báu này, không biết chán, nên tán dương ca tụng rằng:

- Này chàng trai trẻ! Viên ngọc maṇi báu của ngươi thật là đẹp tuyệt vời, có tính chất đặc biệt hiện ra cảnh theo ý nghĩ của Trẫm. Thật là phi thường. Trẫm chưa từng thấy bao giờ.

Thật vậy, một viên ngọc maṇi này nếu được so sánh thì hơn hẳn cả ngàn viên ngọc maṇi quý báu khác. Cho nên, Trẫm nhìn say mê viên ngọc maṇi báu này không biết chán.

Khi ấy, chàng trai trẻ tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya cao cả nhất trong nước Kuru này, viên ngọc maṇi báu này có nhiều tính chất đặc biệt xinh đẹp tuyệt vời, có ánh sáng trong trẻo, có thể hiện rõ những cảnh theo ý nghĩ của Đại Vương. Tâu Đại Vương, nếu Đại Vương thắng cuộc chơi đánh môn cờ gieo súc sắc với tiện dân thì tiện dân sẽ kính dâng viên ngọc maṇi báu này lên Đại Vương, ngay khi ấy, viên ngọc maṇi báu này thuộc về của Đại Vương. Nhưng nếu tiện dân thắng cờ Đại Vương thì Đại Vương ban cho kẻ tiện dân này thứ gì? Tâu Đại Vương.

Nghe chàng trai trẻ đặt điều kiện, thắng và thua như vậy, Đức Vua Dhanañcaya Korabya nghĩ rằng: “Ta là người vô địch chơi môn cờ gieo súc sắc này, chưa từng có ai thắng được ta.”

 Cho nên, Đức Vua tin chắc chắn sẽ thắng cờ chàng trai này dễ dàng, nên truyền bảo rằng:

- Này chàng trai trẻ! Nếu nhà ngươi thắng cờ Trẫm thì ngoài Trẫm, ngai vàng, Chánh cung Hoàng hậu của Trẫm ra, còn lại những thứ khác, ngươi chọn những thứ nào, Trẫm sẽ ban những thứ ấy cho ngươi ngay.

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya cao cả nhất trong đất nước Kururaṭṭha này, tiện dân xin tuân lệnh như vậy. Kính xin Đại Vương không nên chậm trễ, bởi vì kẻ tiện dân từ nơi xa đến.

Vậy, kính xin Đại Vương trang hoàng hội trường chơi đánh môn cờ gieo súc sắc ngay bây giờ.

Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền lệnh các quan trang hoàng hội trường gấp.

Tuân lệnh Đức Vua, các quan trang hoàng hội trường, chỗ ngồi giữa là ngai cao quý Đại Vương Dhanañcaya Korabya. Phía dưới, bên phải và bên trái, 101 chỗ ngồi của 101 Đức Vua trong toàn cõi nam thiện bộ châu. Phía trước Đức Vua chỗ thấp hợp lẽ dành cho chàng trai trẻ chơi đánh môn cờ gieo súc sắc với Đức Vua.

Sau khi trang hoàng xong, các quan đến tâu trình Đức Vua Dhanañcaya Korabya ngự đến hội trường.

Cuộc Chơi Đánh Môn Cờ Súc Sắc

Đức Vua Dhanañcaya Korabya ngự đến hội trường cùng với 101 Đức Vua và chàng trai trẻ.

 Khi ấy, chàng trai trẻ tâu với Đức Vua Dhanañcaya Korabya rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, cuộc chơi đánh môn cờ gieo súc sắc giữa Đại Vương với kẻ tiện dân, sự thắng hoặc sự thua được xảy ra một cách công bằng và hợp pháp.

Cuộc chơi đánh cờ này, chắc chắn sẽ xảy ra một bên thắng và một bên thua một cách ôn hoà.

Nếu Đại Vương thắng nước cờ của kẻ tiện dân, thì tiện dân là người bị thua, xin kính dâng viên ngọc maṇi báu này lên Đại Vương. Khi ấy, viên ngọc maṇi báu này thuộc về của Đại Vương.

Nhưng nếu kẻ tiện dân này thắng nước cờ của Đại Vương, thì xin Đại Vương cũng ban báu vật của Đại Vương không chậm trễ.

Nghe chàng trai trẻ tâu như vậy, Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền rằng:

- Này chàng trai trẻ! Ngươi chớ nên lo ngại, bởi vì Trẫm là vua, sự thắng và sự thua phải là công bằng và hợp pháp. Cuộc chơi đánh cờ này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua một cách ôn hoà. 

Nghe Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền ban như vậy, chàng trai trẻ tâu rằng:

- Tâu các Đức Vua trong toàn cõi nam thiện bội châu, kính xin quý Đức Vua biết rằng:

Cuộc đánh cờ này giữa Đại Vương Dhanañcaya Korabya với kẻ tiện dân này, chắc chắn sẽ có một bên thắng và một bên thua, sự thắng hoặc sự thua phải là hợp pháp, kính xin quý Đức Vua, các quan, quý Bà-la-môn chứng minh cuộc đánh cờ này.

Khi ấy các quan đem bàn cờ và con súc sắc bằng vàng đặt giữa Đức Vua Dhanañcaya Korabya và chàng trai trẻ Puṇṇaka. Chàng trai trẻ Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, kính thỉnh Đại Vương dồi con súc sắc trước.

Trước khi dồi con súc sắc, Đức Vua Dhanañcaya Korabya cầu xin vị thiên nữ đang hộ trì, giúp đỡ cho Đức Vua đánh thắng cuộc cờ này, bởi vì vị thiên nữ này đã từng là Mẫu hậu của Đức Vua, đã từng giúp đỡ cho Đức Vua thắng các cuộc đánh cờ, do nhờ oai lực của vị thiên nữ ấy.

Vị thiên nữ hộ trì, khi thấy Đức Vua Dhanañcaya Korabya dồi con súc sắc lên cao trên hư không, nếu con súc sắc rơi xuống có thể làm cho Đức Vua thua nước cờ, thì vị thiên nữ khiến Đức Vua bắt con súc sắc trên hư không, rồi dồi con súc sắc lại lần thứ nhì, cũng như lần trước, Đức Vua liền bắt con súc sắc trên hư không, rồi tiếp tục sẽ dồi con súc sắc lần thứ ba.

Khi ấy, Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka nghĩ rằng:

Do nguyên nhân nào mà Đức Vua Dhanañcaya Korabya biết được con súc sắc rơi xuống sẽ bị thua nước cờ, Thống tướng Dạ xoa biết do oai lực của vị thiên nữ hộ trì Đức Vua, nên Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka trừng mắt nhìn vị thiên nữ ấy. Ngay tức khắc, vị thiên nữ hoảng sợ biến mất khỏi nơi ấy.

Con súc sắc rơi xuống lần thứ ba làm cho Đức Vua Dhanañcaya Korabya thua nước cờ do oai lực của thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka.

Đến phiên Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka dồi con súc sắc lên trên hư không, khi con súc sắc rơi xuống thì thắng nước cờ Đức Vua Dhanañcaya Korabya.

Khi ấy, thống tướng Dạ xoa dõng dạc tuyên bố rằng:

Kẻ tiện dân đã thắng rồi! ba lần như vậy.

Nhìn thấy Đức Vua Dhanañcaya Korabya phát sinh nỗi khổ tâm, rồi thất vọng, Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tâu Đức Vua Dhanañcaya Korabya rằng: 

 -Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya cao cả nhất trong đất nước Kuru, Đại Vương và kẻ tiện dân này đã quyết tâm trong cuộc đánh cờ này, điều chắc chắn xảy ra, một bên thắng và một bên thua. 

- Tâu Đại Vương, cuộc đánh cờ này đã kết thúc, kẻ tiện dân này đã thắng Đại Vương rồi. Kính xin Đại Vương ban thứ báu vật của Đại Vương cho kẻ tiện dân ngay bây giờ.

Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo với thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka rằng:

- Này chàng trai trẻ dòng dõi Kaccayana! Trong đất nước của Trẫm có nhứng thứ ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, bò, các thứ quý giá khác, ngươi hãy chọn lựa rồi Trẫm cho phép lấy các thứ ấy theo ý muốn của ngươi.

Nghe Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền bảo như vậy, Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, những thứ ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, bò, các thứ quý giá khác, tiện dân không muốn, kẻ tiện dân này chỉ muốn được Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita mà thôi.

Kính xin Đại Vương ban Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita cho kẻ tiện dân này.

Nghe chàng trai trẻ Puṇṇaka yêu cầu như vậy, Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền rằng:

- Này chàng trai trẻ! Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita cũng chính là sinh mạng của Trẫm.

Trước kia, Trẫm đã truyền bảo rằng: “Này chàng trai trẻ! Nếu nhà ngươi thắng cờ Trẫm thì ngoài Trẫm, ngai vàng, Chánh cung Hoàng hậu của Trẫm ra, còn lại những thứ khác, ngươi chọn những thứ nào, Trẫm sẽ ban những thứ ấy cho ngươi ngay.”

Vậy, ngươi chớ nên xem Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita như là những thứ của cải. Thật ra, Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita chính là sinh mạng của ta. 

Vậy, ngươi không có quyền chọn lựa Ngài Đại Pháp Sư Vidhura paṇḍita được.

Nghe Đức Vua Dhanañcaya Korabya dõng dạc truyền bảo như vậy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Dhanañcaya Korabya, sự tranh chấp giữa Đại Vương với kẻ tiện dân này không thể dứt khoát được. Vậy, kính thỉnh Đại Vương truyền hỏi Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita. Nếu Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita phán xét thế nào thì Đại Vương và kẻ tiện dân chấp thuận theo lời phán xét công minh ấy.

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Ngươi nói phải. Trẫm và ngươi cùng đi đến hội trường, kính xin Ngài Đại Pháp sư Vidhurapaṇḍita phán xét công minh.

Đức Vua Dhanañcaya Korabya và 101 Đức Vua ngự đến hội trường cùng với chàng trai trẻ Puṇṇaka. Đức Vua Dhanañcaya Korabya truyền cho các quan thỉnh mời Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đến hội trường, Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita đảnh lễ Đức Vua Dhanañcaya Korabya, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Khi ấy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka vấn an Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita xong, rồi thưa rằng:

- Kính thưa Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, danh thơm tiếng tốt của Ngài được lan truyền khắp cõi thế giới rằng: “Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita có trí tuệ siêu việt, là bậc thực hành theo chánh pháp, bậc không hề nói dối vì để bảo vệ sinh mạng.”

Hôm nay, tôi sẽ biết được sự thật rằng: “Ngài là bậc đại thiện trí thực hành chánh pháp hay không!”

- Kính thưa bậc đại thiện trí Vidhurapaṇḍita, Ngài có phải là người thân quyến của Đức Vua Dhanañcaya Korabya hay Ngài là vị quan Đại Pháp Sư thuyết pháp giảng dạy Đức Vua Dhanañcaya Korabya?

Nghe chàng trai trẻ Puṇṇaka hỏi như vậy, Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita nghĩ rằng: “Lời chân thật là nơi nương nhờ cao thượng nhất trong đời, không có gì quý báu hơn lời chân thật cả.”

Cho nên Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita bảo rằng:

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! ta không phải là thân quyến của Đức Vua Dhanañcaya Korabya, ta chỉ là vị quan Đại Pháp Sư thuyết pháp giảng dạy Đức Vua Dhanañcaya Korabya mà thôi.

- Này chàng trai trẻ Puṇṇaka! Đức Vua Dhanañcaya Korabya chơi đánh cờ bị thua nhà ngươi. Vì vậy, nhà ngươi yêu cầu Đức Vua ban ta cho nhà ngươi. Đó là điều hợp pháp.

Nghe Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita bảo như vậy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka vô cùng hoan hỷ tuyên bố rằng:

Hôm nay tôi lại thắng lần thứ nhì, bởi vì bậc thiện trí Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita phán xét công minh.”

 


[1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Phần Mahānipāta, Tích Vidhurajātakavaṇṇanā

[1] Trái tim có nghĩa là trí tuệ, không phải trái tim thịt

[2] Con súc sắc là khối hình vuông nhỏ có 6 mặt, mỗi mặt có một số từ số 1 đến số 6. Chơi môn cờ gieo con súc sắc này lên cao, rồi rơi xuống, tính điểm trên mặt, người chơi thắng hoặc thua tính theo điểm. 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn