(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

05-sanh (jāti).

08 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 10354)

05- Trí hiểu rõ về sanh (jāti).

 Chánh kinh.

“Chư Hiền, thế nào là sanh, thế nào là tập khởi của sanh, thế nào là sự đoạn diệt của sanh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh?

Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh (jāti), sanh khởi (sañjāti), xuất hiện (okkanti), hiện diện (abhinibbatti), hiện hành các uẩn (khandhānaṃ pātubhavo), thành tựu các xứ (āyatanānaṃ), chư Hiền, như vậy gọi là sanh.

Từ sự tập khởỉ của hữu (bhava), có sự tập khởi của sanh, từ sự đoạn diệt của hữu có sự đoạn diệt của sanh và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.”

Giải.

1- Ý nghĩa các từ.

 a- Jāti (sinh).

 Jāti xuất phát từ ngữ căn Jan, nghĩa là “sản xuất, phát sinh” [72], jāti có nghĩa là “sự sinh ra, sự xuất hiện”.

Pāli có giải chữ jāti (sanh) như sau:

Janannaṃ = jāti: xuất hiện, gọi là sinh.

Jāyanti patubhavanti dhammā etāyāti = jāti: Pháp hữu vi có được do nương pháp chi, pháp ấy gọi là sinh [73].

Chữ jāti (sinh ra) có hai nghĩa: Gián tiếp sinh lên, trực tiếp sinh lên.

- Gián tiếp sinh lên, như: “Vị ấy nhớ lại một đời, hai đời…[74], ám chỉ hữu quá khứ khởi hiện nhờ Túc mạng trí.

Hay “do nghe pháp Thánh trí sinh khởi”, nghĩa là “nghe pháp rồi thực hành pháp nên Thánh trí sinh khởi, Thánh trí trực tiếp sinh lên do hành pháp, gián tiếp là do nghe pháp”.

Hoặc như Ngài Aṅgulimāla nói: “Yatohaṃ bhagini ariyāya jātiyā jāto…Này hiền tỷ, từ khi Ta sinh vào dòng Thánh rồi…”

Những dẫn chứng trên, nêu lên ý nghĩa “sự sinh lên gián tiếp”.

- Trực tiếp sinh lên, như: “Bồtát sinh vào thai bào”, “do dục tầm, dục tưởng các ác, bất thiện pháp sinh lên”…

Lại nữa, sinh lên (jāti) có 2:

- Sinh theo ý nghĩa chế định (paññatti) như: “Câu chuyện khởi lên, câu hỏi khởi lên…”

- Sinh theo ý nghĩa chân đế (paramattha) như: “Pháp nhãn khởi lên”, các ác bất thiện pháp khởi lên”, “các uẩn khởi lên…” .

Jāti ở đây, Đức Sāriputta ám chỉ “uẩn đang khởi lên, nhưng chưa hình thành”, ví như khói ngún là dấu hiệu (nimitta) có lửa, nhưng chưa hiện bày ánh lửa.

Bản Sớ giải kinh Chánh Tri kiến có giải thích:

Jāti do ý nghĩa (mới) sinh ra, chưa đủ các xứ, tức là chưa có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Như chúng sinh noãn sinh, thai sinh chẳng hạn.

b- Sañjāti (sanh khởi).

Chữ sañjāti = saṃ (trọn vẹn) +jāti [75], sañjāti là “sinh ra đầy đủ”, ngoài ra sañjāti còn có nghĩa là “kết quả”, tức là “hoàn tất sự sinh ra ”.

Bản Sớ giải kinh Chánh tri kiến có giải thích sañjāti là “sinh ra đầy đủ”, tức là đã có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Các Giáo Thọ sư giải thích rằng: Chúng sinh khi nhập thai bào (trong bụng mẹ), bảy ngày đầu chỉ là một tinh chất trong ngần, ví như giọt dầu mè dính lông con thú, lại rảy sợi lông ấy bảy lần chỉ còn chút ít dính lại, đó là nguyên chất ban đầu tạo nên thân chúng sinh về sau.

Nguyên chất ban đầu gọi là kalalarūpa (chất thụ thai đầu tiên trong bụng mẹ), gọi là jāti (sinh) (dĩ nhiên khi ấy có thức tục sinh rồi).

- Bảy ngày sau, chất kalala biến thành chất nước màu dợt dợt, gọi là abbadarūpa.

- Bảy ngày kế tiếp, chất abbada trở thành miếng thịt mềm mại, gọi là pesirūpa.

- Bảy ngày kế tiếp, chất pesi trở thành cục thịt bằng trứng gà.

- Bảy ngày nữa, cục thịt ấy chia thành năm nhánh để phát triển thành đầu, hai tay và hai chân, rồi từ đó phát triển mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Tức là sau 35 ngày, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đã hình thành, khi ấy gọi là sañjāti (sinh khởi).[76]

Đối với chúng sinh là hóa sinh, ngay sátna tâm tục sinh gọi là jāti (sinh), từ sátna tâm thứ hai sinh lên (tâm hữu phần đầu tiên trong kiếp sống mới), khi ấy năm quyền (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) xuất hiện, gọi là sañjāti (sinh khởi).

c- Okkanti (xuất hiện).

Okkanti từ động từ okkamati, okkamati = ava + căn kam + a, là “đi vào, rơi vào”.

Okkanti ám chỉ sự nhập vào thai bào, tức là nói đến noãn sinh (aṇḍajayoni) và thai sinh (jalābujayoni). Như kinh văn.

“Okkantā sukkamūlā te,

jātimaraṇā gāmino…

Chúng đi vào thai bào, Dựa trên gốc tinh dịch (sukkamūlā)

Chúng đi đến sinh tử (jātimaraṇa)” [77].

d- Abhinibbatti (hiện diện).

Chữ abhinibbatti= abhi + nibbatti: là sự sinh lên cao nhất, ám chỉ hóa sinh.

Bản Sớ giải giải thích abhinibbatti là chỉ cho hóa sinh và thấp - hóa sinh (hóa sinh nơi ẩm thấp) [78].

Chữ abhinibbatti có thể hiểu: “đột nhiên hiện khởi, đột nhiên sinh ra”.

Một thời Đức Sāriputta trú ở giữa dân chúng Magadha, tại làng Nālākā [79]. Rồi du sĩ Sāmandakāni đi đến Tôn giả Sāriputta, sau khi chào hỏi thân hữu, ngồi xuống một bên, du sĩ Sāmandakāni hỏi:

“Kiṃ nu kho āvuso sāriputta sukhaṃ, kiṃ dukkhan’ti?

- Thưa hiền giả Sāriputta, thế nào là lạc, thế nào là khổ?.

 Abhinibbatti kho avūso dukkhā, anabhinibbatti sukhā…

Này hiền giả, khởi lên (sinh) là khổ, không khởi lên (không sinh) là lạc” [80].

e-Khandhānaṃ pātubhavo (hiện hành các uẩn).

Là các uẫn hiện bày rõ ràng như cõi Dục, cõi Sắc giới hữu tưởng thì 5 uẩn hiện bày rõ ràng, trong cõi Vô tưởng thì sắc uẩn hiện bày, trong cõi Vô sắc thì bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức uẩn) hiện bày.

f-Āyatanānaṃ paṭilābho (thành tựu các xứ).

Chữ paṭi nghĩa là “thu được”, āyatana (xứ) ở đây ám chỉ 6 nội xứ (nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ) [81]

Đoạn kinh văn trên, trước tiên Đức Xálợiphất trình bày tổng quát về sinh (jāti), diễn tiến của sinh (sañjānāti).

Tiếp theo Ngài trình bày “sinh theo chế định” (okkanti, abhinibbati), rồi Ngài trình bày “sinh theo chân đế” là “hiện hành các uẩn”, “thành tựu các xứ”.

Có câu hỏi rằng: Đức Sāriputta (XálợiPhất) nêu lên “sự hiện hành các uẩn” là đủ rồi, vì sao Ngài còn dạy tiếp “thành tựu các xứ”?

Đáp rằng: Với người có trí nhanh lẹ, khi nói đến uẩn cũng đủ phát sinh trí để quán xét 5 uẩn, với người trí có sự chần chừ, cần phải nói rộng hơn tức là nói đến xứ (āyatana), với người có trí chậm chạp càng phải nói rộng hơn nữa, tức là nói đến giới (dhātu).

Ở đây, Đức XálợiPhất nhắm đến hai hạng người, trí tuệ nhậm lẹ (hiện hành các uẩn) và trí tuệ chần chừ (thành tựu các xứ).

Sinh nói theo thời điểm. Có ba cách [82]:

a. Sinh nối liền (paṭisandhijāti).

Là khi dứt thọ mạng cũ, một thức mới sinh khởi (thức này) do nghiệp tục sinh (janakakamma) tạo ra, nối liền hai kiếp sống cũ và mới. Thức này có tên gọi là thức tục sinh hay thức nối liền (paṭisandhiviññāṇa).

b- Sinh liên tiếp (santatijāti).

Là danh - sắc hữu vi liên tục sinh diệt, diệt sinh không hề gián đoạn suốt cả kiếp sống của chúng sinh ấy.

b- Sinh (theo) sátna (khaṇikajāti).

Chỉ cho sátna sinh (khaṇuppāda) của danh sắc hữu vi.

Theo luận Atỳđàm, đời sống của tâm chỉ kéo dài một sátna (khaṇa), trong sátna này chia làm ba giai đoạn bằng nhau là sinh, trụ, diệt.

Sátna sinh ở đây chỉ cho tiểu sátna sinh.

Sắc pháp có đời sống dài hơn đời sống tâm pháp 17 lần, nên đời sống của sắc pháp = 51 sát na tiểu.

Sátna sinh của sắc pháp là chỉ cho sátna tiểu thứ nhất, sátna tử chỉ cho sátna thứ 51, 49 sát na giữa chỉ cho sự trụ hay già.

Thật ra, sinh, già, chết chỉ là một, chúng chỉ khác nhau về thời điểm vận hành của pháp hữu vi, cùng với phận sự.

Ví như sợi dây có điểm đầu, điểm cuối cùng những điểm ở khoảng giữa, tất cả những điểm (của sợi dây) đều giống nhau về bản chất, chỉ khác nhau từng (thời) điểm cùng công dụng.

Sợi dây ám chỉ tuổi thọ của danh pháp hay sắc pháp, điểm đầu tiên ví như sátna sinh (jāti), điểm cuối cùng ám chỉ sátna tử (maraṇa), những điểm giữa gọi là sátna trụ (ṭhiti).

Trong Sammohavinodanī, phần Saccavibhaṅgatthakathā (giải về phân tích sự thật), Ngài Buddhaghosa có nêu ra một hình ảnh ví dụ về sanh, già, chết như sau ([83].

Có ba gả thanh niên muốn thanh toán một chàng trai thù nghịch nên phân công nhau: Gả thứ nhất tìm cách dụ dỗ chàng trai vào rừng, gả thứ hai có nhiệm vụ hành hạ, tra tấn chàng trai cho kiệt sức và gả thứ ba có bổn phận chặt đầu chàng trai. Gả thứ nhất ám chỉ sinh, gả thứ hai ám chỉ già và gả thứ ba ám chỉ chết.

Chúng ta có thể hiểu 3 gả thanh niên chỉ là một, giai đoạn đầu y lừa chàng trai vào rừng, giai đoạn hai y hành hạ chàng trai và giai đoạn ba y sát hại chàng trai.

Theo Tạng Atỳđàm (abhidhammapiṭaka) thì sinh chỉ cho tâm tục sinh, chết chỉ cho tâm tử (cuticitta).

2-Sinh nói theo uẩn.

Nói theo sự khởi hiện của uẩn (khandha) thì jāti (sanh) có ba là:

- Ngũ uẩn sanh (pañcakkhandhajāti).

Là những chúng sinh hiện khởi trong cõi Dục giới hay các Phạm thiên Sắc giới hữu tưởng.

- Tứ uẩn sanh (cadukkhandhajāti).

Là những chúng sinh cõi Vô sắc.

- Nhất uẩn sanh (ekakkhandhajāti.

Là chúng sinh cõi Vô tưởng.

4- Sinh nói theo địa vức (bhūmi).

Nói theo cảnh giới sinh lên thì có bốn là:

- Sinh vào khổ cảnh (apāyabhūmi).

- Sinh vào nhàn cảnh dục giới (kāmasuggati bhūmi).

- Sinh vào Sắc giới (rūpabhūmi).

- Sinh vào Vô sắc giới (arūpabhūmi).

5- Bốn khía cạnhthực tính của sinh.

- Trạng thái: Khởi đầu trong các sinh hữu (tattha tattha bhave pathamābhinibbattilakkhaṇā).

- Phận sự: Chuyển giao lại (niyyātana rasā).

- Thành tựu: Mất cái cũ, xuất hiện cái mới (atītabhavato idha ummujjanā paccupaṭṭhāna).

- Nhân cần thiết: Có danh sắc đầu tiên trong kiếp sống (upacittanāmarūpapadaṭṭhāna)

Giải:

 “Khởi đầu trong các sinh hữu”.

Có hai loại sinh hữu: sinh hữu trong hiện tại và sinh hữu trong tương lai.

Trong hiện tại, bất kỳ pháp nào khởi lên đó là trạng thái của sinh.

Trong tương lai, danh sắc nào xuất hiện đầu tiên cho một kiếp sống (trong cảnh giới nào đó), là trạng thái của sanh và xem như “khởi đầu trong các sinh hữu”.

Trong cõi ngũ uẩn, thì danh sắc ở sátna tục sinh, gọi là trạng thái sinh của danh sắc. Có 15 tâm xuất hiện ở giai đoạn khởi điểm này là: 2 tâm quan sát xả thọ, 8 tâm quả Dục giới hữu nhân và 5 tâm quả Sắc giới.

Trong cõi Vô tưởng, sắc Mạng quyền ở sát na đầu tiên gọi là trạng thái sinh của sắc.

Trong cõi Vô sắc, tâm tục sinh đầu tiên (một trong bốn tâm quả thiền vô sắc), gọi là trạng thái sinh của danh.

Bỏ cái cũ, xuất hiện cái mới”.

Là “cái cũ mất đi, tiếp theo là cái mới xuất hiện”.

Cái mới có thể khác cái cũ, như người tạo ác nghiệp, khi bỏ thân nhân loại, tái sinh vào khổ cảnh, người tạo thiện nghiệp khi bỏ thân người sanh về nhàn cảnh.

Hay: “Pháp bất thiện mất đi nhường cho pháp thiện sinh lên”.

Cái mới có thể giống như cái cũ, như tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) trước diệt đi, tâm hữu phần sau sinh lên, tuy hoàn toàn giống nhau nhưng không phải một …

Lại nữa, “bỏ cái cũ, xuất hiện cái mới” còn hàm ý “khổ cũ đã diệt, khổ mới xuất hiện, mà sinh là bước đầu”.

Nói cách khác “thành tựu của sinh là khởi đầu cho khổ”.

Sinh lên rồi diệt đi là định luật tự nhiên của pháp hữu vi, cái mới sinh lên che lấp cái khổ, khiến chúng sinh có ảo tưởng là lạc, nên nói “sinh trang điểm cho khổ ”. Sự trang điểm che lấp những nét xấu, cũng vậy sinh trang điểm cho khổ, khiến chúng sinh không thấy được cái khổ trong sinh.

Đức Sāriputta có trả lời cho du sĩ Sāmandakāmi:

“Abhinibbattiyā āvuso sati idam dukkhaṃ pāṭikaṇkhaṃ:

Này hiền giả, khi có sanh (nên) ghi nhận (sati) khổ chờ đợi.  [84].

“Có danh sắc đầu tiên trong kiếp sống”.

Chính danh sắc đầu tiên trong kiếp sống là điểm tựa cho sinh tiếp diễn.

Thật ra, danh sắc đầu tiên cũng được gọi là sinh, nhưng danh sắc này có nhân gần là nghiệp hay tâm sở Tư (cetanā cetasika) trong quá khứ, còn sinh ở đây muốn nói đến sañjāti (sự sinh hoàn tất).

Sañjāti muốn diễn tiến phải có điểm tựa, điểm tựa ấy là danh sắc đầu tiên của một kiếp sống. Nên nói nhân gần cần thiết cho sinh là danh sắc đầu tiên.

Có sinh tất có diệt, có sinh diệt tất có khổ, trí quán xét được sự khổ xuất phát từ sinh, tâm hành giả không còn bám víu vào sinh.

“Yaṃ kho idaṃ anekavidhaṃ nānappakārakaṃ dukkhaṃ loke uppajjati jarāmaraṇaṃ.

“Sự khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời, như già và chết.

Idaṃ kho dukkhaṃ jātinidānaṃ jātisamudayaṃ jātijātikaṃ jātippabhavaṃ.

Sự khổ này lấy sinh làm nhân, lấy sinh làm tập khởi, lấy sinh làm tác sinh, lấy sinh làmhiện hữu.

Jātiyā sati jarāmaraṇaṃ hoti, jātiyā asati jarāmaraṇaṃ na hotī’ti.

Do sinh có mặt, già chết có mặt; do sinh không có mặt, già chết không có mặt.”[85]

Lại nữa, thấy được sự thay đổi liên tục của các uẩn qua sự sinh, hành giả không có “quan niệm một tự ngã thường hằng bất biến”, từ đó xa lìa thân kiến (kāyadiṭṭhi), là sợi dây trói buộc ban đầu, là một chướng ngại cần phải phá hủy trước tiên trên chặng đường đi đến giải thoát hoàn toàn sinh tử.

Có câu hỏi rằng: Đức phật có dạy “sinh là khổ - jāti pi dukkhā”. Tâm đạo sinh lên, vậy tâm Đạo (cittamagga) có dẫn đến khổ không?”.

Đáp: Đức Sāriputta có dạy: “Do có nghiệp hữu (kammabhava) nên có sinh”. Tâm Đạo (maggacitta) có công năng cắt đứt nghiệp hữu (nghiệp dẫn đi tái sinh), do đó tâm Đạo không dẫn đến khổ.

Anabhinibbattiyā āvuso sati idam sukhaṃ pāṭi kaṇkhaṃ:

Này hiền giả [86], khi không có tái sinh nên ghi nhận lạc chờ đợi”[87].

Với cái nhìn theo chân pháp thì tâm Đạo là pháp hữu vi, đã là pháp hữu vi (saṅkhāradhamm), có sinh tất phải có diệt là lẽ thường tình, cho nên tâm Đạo vẫn có khổ, đó là cái khổ do diệt mất, gọi là hoại khổ (vipariṇāmadukkha), hay cái khổ của pháp hành (saṅkhāradukkha).

Và cũng vì thấy rõ như thế, nên các bậc Alahán không hề nắm giữ bất cứ cái gì, cho dù đó là Thánh đạo hay Thánh quả Siêu thế trước khi viên tịch.

Đức Sāriputta có hỏi Đức Punna Mantāniputta:

“Kimatthañ – carah’ āvuso bhagavati brahmacariyam vussatīti:

Này Hiền giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn?”.

Đức Punna trả lời:

“Anupādā parinibhānatthaṃ kho āvuso bhagavati brahmariyaṃ vussatīti:

Này Hiền giả! Với mục đích không nắm giữ khi viên tịch, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn. [88]

Chính câu trả lời của Đức Punna mantāniputta cho thấy bậc Alahán chẳng những biết rõ “cái ngã (atta) vốn không có” mà “các pháp (dhammā) cũng rỗng không (saññatā)”, nên các bậc Alahán không nắm giữ (anupāda) khi viên tịch (parinibbāna).

Nguyên nhân có sinh là do có hữu (bhava). Khi hữu diệt thì sinh diệt, không có sinh là Nípbàn nên “hữu diệt là Nípbàn”.

Dứt phần giải về sanh.

-ooOoo-


[72]- Đại Đức Giác Giới (s), Tầm nguyên ngữ căn.

[73]- Đại trưởng lão Tịnh Sự, Siêu Lý Cao Học- Y Tương Sinh.

[74]- D.i,81. Brhamajālasuttaṃ (kinh Phạm võng).

[75]- Pāli- English Dictionary, ghi là “outcom”, Đại trưởng lão Bửu Chơn dịch là “kết thúc”.

[76]- Là có 5 quyền khởi lên.

[77]- HT. TMC (d), It, Phẩm 2, số 42.

[78]- Thấp sinh có hai loại: Thấp sinh bình thường như con muỗi, con ếch… và hóa sinh nơi ẩm thấp (gọi là thấp- hóa sinh), như nàng Ambapālī thấp- hóa sinh ở cội xoài, nàng Ciñcā thấp-hóa sinh ở gốc cây me…

Sự khác nhau giữa hóa sinh và thấp-hóa sinh là: Hóa sinh thì sau sátna tục sinh là sátna tâm hữu phần, chúng sinh ấy trưởng thành ngay tức khắc, còn thấp- hóa sinh phải tuần tự phát triển như trẻ sơ sinh phát triển.

[79]- Đức Sāriputta sinh ra ở làng này, đồng thời cũng viên tịch ở làng này.

[80]- HT. TMC (d), A.v, 121.

[81]- Nhãn xứ là thần kinh nhãn, nhĩ xứ là thần kinh nhĩ, tỷ xứ là thần kinh tỷ, thiệt xứ là thần kinh thiệt, thân xứ là thần kinh thân và ý xứ là tất cả tâm.

[82]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (sd),  Siêu Lý Cao Học- Y Tương Sinh.

[83]- Saddhammajotikathera- Giáo Lý Duyên Khởi- Đại Đức Giác Nguyên Việt dịch.

[84]- HT. TMC (d), A.v, 1o2. Kinh Lạc (số 1), (pathamasukhasukhaṃ).

[85]- HT. TMC (d), S.ii, 80. Kinh Tư lường (parivīmaṃsanasuttaṃ).

[86]- Là du sĩ Sāmandakāni- Ns

[87]- HT. TMC (d), A.v, 102.

[88]- HT. TMC (d), M.i- Kinh Trạm xe (Ratthavivūtasutta).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn