(Xem: 1493)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

Mục luc & Lời nói đầu

16 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 9728)

Sự quán tưởng về giây phút hấp hối trên giường bệnh

Tác giả: Ngài Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw U Āciṇṇa

Mục Lục

 Chương 1.  

Kinh Bậc Xuất Gia Thường Quán Xét
Pabbajita Abhiṇha Sutta

 Chương 2.

Đời Sống Tu Hành Lệ Thuộc Vào Thí Chủ

 Chương 3.

Sự Chuyển Hóa Oai Nghi và Phong Cách Cư Xử

 Chương 4.

Quán Tưởng Đạo Đức Cá Nhân

 Chương 5.  

Phòng Vệ Giới Đức Khỏi Sự Nghi Ngờ
Hoặc Bị Chất Vấn Về Giới Hạnh

 Chương 6.

Xa Lìa Tất Cả Những Người Thân Yêu và Mọi Thứ Trong Cuộc Sống

 Chương 7.  

Nghiệp Là Thừa Kế Của Ta

 Chương 8.

Ta Đã Sử Dụng Thời Gian Ngày Và Đêm Như Thế Nào?

 Chương 9.

Liệu Ta Có Thật Sự Thích Sống Độc Cư Không?

 Chương 10.
Khi hấp hối trên giường bệnh.

Một quyển sách mang thông điệp khẩn cấp của Đức Phật

Cho những ai tầm cầu an lạc, hạnh phúc và tự do trên con đường tâm linh

Tác giả: Ngài Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw U Āciṇṇa


Lời Nói Đầu

“Này các Tỳ-kheo, hãy luôn tinh tấn hành trì. Bởi khó khăn lắm mới có cơ hội gặp Phật ra đời trên thế gian, hiếm hoi lắm mới có cơ hội được sanh ra làm người, được gặp Giáo pháp, được làm người lành lặn có đầy đủ các căn, có niềm tin nơi Phật Bảo, Pháp Bảo, được xuất gia Tỳ-kheo và được cơ hội nghe giảng Pháp của các bậc Thánh, tất cả những điều này là các cơ hội độc nhất.”

Đức Thế Tôn đã nói những lời vô giá này, vào mỗi buổi sáng sau bữa điểm tâm trước tất cả hội chúng trong tinh xá, và toàn thể cận sự nam, cận sự nữ. Thông điệp của Đức Thế Tôn mang đầy tính cấp bách và nhấn mạnh đòi hỏi phải hành động ngay tức khắc. Nó cũng là lời nhắc nhở đầy lòng từ bi rằng chúng ta phải nắm bắt các cơ hội này và đánh giá đúng giá trị cuộc đời và các món quà kèm theo mà đối với nhiều người dường như xem đó là điều tầm thường. Ngoài ra, nó làm thấm nhuần trong chúng ta một ý thức sâu xa việc đánh giá cao sự hướng đến những cơ hội hiếm có mà chúng ta có trong tay. Nó đơn giản và mạnh mẽ truyền cảm hứng cho chúng ta để hành động.

Đức Phật đã thường nhắc nhở ngắn gọn những điều này hàng ngày chỉ với mục đích và ý định làm tăng trưởng và làm thánh thiện đời sống và tâm của các vị đệ tử Tỳ-kheo và các cận sự nam, cận sự nữ, bằng cách đó, dẫn dắt họ đi trên con đường Giác ngộ, giải thoát và hạnh phúc. Ngài mong muốn các đệ tử của mình sẽ trở thành những tấm gương sáng với nỗ lực hành trì trên con đường phát triển tâm linh. Bài thuyết giảng với mục đích và tác ý rõ ràng của Ngài thể hiện qua những lời lẽ như sau:

Phẩm A-tu-la
(Bài thuyết giảng về Ngạ Quỷ Sứ)

A-tu-la (Asura) tiếng Pāli nghĩa là ngạ quỷ sứ. Trong bài giảng này, được dùng phép ẩn dụ để ám chỉ hạng người ác giới đáng sợ chẳng khác nào loài A-tu-la. Ngược với A-tu-la là Devā (loài chư thiên có thần thông sống ở cõi cao hơn). Trong bài này, nó được liên hệ theo cách ẩn dụ tới hạng người có giới và theo pháp lành.

Này Tỷ-kheo, có bốn hạng người có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

1) Hạng thứ nhất: A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la

2) Hạng thứ hai: A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên

3) Hạng thứ ba: chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la

4) Hạng thứ tư: chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên

1. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, hội chúng của người ấy cũng ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc A-tu-la.

1. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người ác giới, theo ác pháp, nhưng hội chúng của người ấy có giới, theo pháp lành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là hạng người A-tu-la với quyến thuộc chư Thiên

1. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người giữ giới, theo pháp lành, còn hội chúng của người ấy ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc A-tu-la.

1. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người có giới, theo pháp lành, còn hội chúng của người ấy cũng có giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người chư Thiên với quyến thuộc chư Thiên.

Trong các loại người trên, Đức Phật hầu như ưa chọn hạng người thứ tư là hạng mà chính anh ta như chư Thiên và có nhiều thiện bằng hữu xung quanh. Trong bài thuyết giảng này, cho ta thấy phải có trách nhiệm đối với bản thân và những người chung quanh ta. Đức Phật còn nhấn mạnh trách nhiệm rèn luyện phẩm hạnh giới đức và pháp hành là nhiệm vụ cấp bách của mỗi người chúng ta trong đời sống hàng ngày. Hơn nữa, chúng ta hãy học Phẩm Định thứ hai (bài thuyết giảng thứ hai về phát triển định) được trích ra từ Tăng Chi Kinh, kinh điển Pāli.

Phẩm Định Thứ Hai
(Dutiya Samādhi Sutta)

Có bốn hạng người, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

1. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được An chỉ định (Appanā Samādhi) và nội tâm an tịnh nhưng không được Tăng thượng Tuệ Pháp quán (Adhipañña dhamma) để có thể liễu tri bản chất của các pháp hữu vi.

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được Tăng thượng Tuệ Pháp quán (Adhipañña dhamma) có thể liễu tri bản chất của các pháp hữu vi, nhưng lại chưa được An chỉ định (Appanā Samādhi) và nội tâm an tịnh.

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người chưa được An chỉ định (Appanā Samādhi) và nội tâm an tịnh, cũng chưa được Tăng thượng Tuệ Pháp quán (Adhipañña dhamma) để có thể liễu tri bản chất của các pháp hữu vi.

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đã được An chỉ định (Appanā Samādhi) và nội tâm an tịnh và cũng được Tăng thượng Tuệ Pháp quán (Adhipañña dhamma), có thể liễu tri bản chất của các pháp hữu vi.

Trong bốn hạng trên, hạng người thứ nhất đã được An chỉ định, cần nỗ lực tu tập để phát triển Tuệ minh sát, thì sau đó sẽ được cả An chỉ định và Tuệ minh sát.

Với hạng người thứ nhì chỉ được Tuệ minh sát thì nên nỗ lực tu tập An chỉ định, thì sau đó sẽ được cả An chỉ định và Tuệ minh sát.

Với hạng người thứ ba chưa đạt được cả An chỉ định lẫn Tuệ minh sát, thì phải nỗ lực tu tập với ước nguyện mạnh mẽ, càng nỗ lực, càng tinh tấn với sức chịu đựng bền bỉ, không lay chuyển, có chánh niệm tỉnh giác và có tuệ phân tích để được các phẩm chất đại thiện của cả An chỉ định và Tuệ minh sát.

Ví như người mà y phục và đầu của anh ta bị lửa cháy thì phải dập tắt ngay ngọn lửa tức thì. Cũng tương tự vậy, người mà nỗ lực tu tập với ước nguyện mạnh mẽ, càng nỗ lực, càng tinh tấn với sức chịu đựng bền bỉ, không lay chuyển, có chánh niệm tỉnh giác, và có tuệ phân tích để đạt được các phẩm chất đại thiện của cả An chỉ định và Tuệ minh sát.

Với hạng người thứ tư, hạng mà đã phát triển được cả An chỉ định và Tuệ minh sát, an trú trong thiện pháp này, người đó cần tinh tấn nỗ lực hơn nữa để diệt trừ bốn lậu hoặc (các tâm ô nhiễm).

Này các Tỷ-kheo, bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

Trong bài thuyết giảng, Đức Phật đã đưa ra những lời chỉ dẫn sâu sát để phát triển và đạt được những phẩm chất cần thiết của một vị Tỷ-kheo. Những lời giáo huấn của Ngài cũng liên quan đến trách nhiệm và sự tinh cần tu tập của vị Tỷ-kheo, người mà đã từ bỏ đời sống thế tục để bước vào con đường Phạm hạnh.

Chúng ta hãy học một bài thuyết giảng khác của Đức Phật.

Phẩm Khúc Củi Cháy Dở (Chavalata Sutta)

Này, Tỷ-kheo, có bốn hạng người trên thế gian này là:

1/ Người mà không hướng đến lợi mình, lợi người.

2/ Người mà không hướng đến lợi mình nhưng hướng đến lợi người.

3/ Người mà hướng đến lợi mình nhưng không lợi người.

4/ Người mà hướng đến lợi mình và lợi người.

Này các Tỷ-kheo, ví như khúc gỗ được sử dụng cho buổi lễ hỏa táng, nó đã bị đốt cháy thành than ở hai bên mép, ở giữa bị dính phẩn uế, thì nó sẽ không còn được dùng làm củi đốt trong nhà hay làm vật liệu xây dựng nhà nữa. Cũng vậy, hạng người thứ nhất không hướng đến lợi ích bản thân và cũng không hướng đến lợi ích của người khác, Như Lai tuyên bố rằng: nó tương tự như khúc gỗ vô dụng kia”.

Này các Tỷ-kheo, hạng thứ hai chỉ hướng đến lợi ích của người khác mà không hướng đến lợi ích bản thân thì vi diệu hơn, thù thắng hơn hạng người thứ nhất”.

Ghi chú: Đây là hạng người hay giúp đỡ người khác trong việc phát triển tâm linh nhưng lại không nỗ lực phấn đấu cho chính mình.

Này các Tỷ-kheo, hạng thứ ba luôn làm lợi ích cho bản thân nhưng lại không quan tâm đến lợi ích của người khác thì vi diệu hơn, thù thắng hơn hai hạng người kia”.

Ghi chú: Hạng người này luôn nỗ lực phát triển tâm linh cho bản thân nhưng không nỗ lực giúp đỡ người khác.

Này các Tỷ-kheo, ví như sữa, phó mát, bơ và dầu bơ, tất cả đều cùng là sản phẩm sữa lấy từ con bò, nhưng nó vẫn có sự vượt trội khác nhau trong từng cái một. Tương tự vậy, hạng thứ tư luôn hướng đến lợi ích của bản thân và cũng như hướng đến lợi ích của người khác là hạng người tối thượng, tối thắng, thượng thủ, vô thượng.

Này Tỷ-kheo, cả bốn hạng trên đều hiện hữu trên thế gian này”.

Dưới ánh sáng của Giáo Pháp, chúng ta hãy tự hỏi làm thế nào để có thể làm lợi ích cho bản thân và cho người khác. Vì vậy, bài thuyết giảng này sẽ chỉ rõ cho chúng ta điều đó. Bây giờ, chúng ta hãy đi sâu vào bài giảng sau đây.

Phẩm Khả năng biết nhanh
(Khippanisanti Sutta)

Ghi chú: Tiếng Pāli Khippa có nghĩa là nhanh và Nisanti có nghĩa là khả năng biết

1/ “Này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người chỉ hướng đến lợi ích bản thân mà không hướng đến lợi ích của người khác? Trong Giáo Pháp của Như Lai, đó là hạng người mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, có khả năng tụng thuộc lòng các bài kinh đã học, có trí tuệ hiểu thấu đáo những gì học được. Biết cả ngữ và nghĩa của kinh điển, hạng người này thực hành thiền Định (Samatha) và thiền Quán (Vipassanā) và cùng với tuân thủ giới luật là tiền đề của Thánh đạo (Ariya Magga) (sự chứng ngộ Thánh đạo). Tuy nhiên, hạng người này không thiện ngôn, không khéo nói, không biết dùng những lời tao nhã, không phát âm chính xác, rõ ràng, không thể hướng dẫn, phấn khích và động viên các vị đồng Phạm hạnh. Này Tỷ-kheo, đó là hạng người chỉ hướng đến lợi ích của mình và không hướng đến lợi ích của người khác.

2/ Này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hướng đến lợi ích của người khác và không hướng đến lợi ích bản thân? Trong Giáo Pháp của Như Lai, đó là hạng người không mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, không có khả năng tụng thuộc lòng các bài kinh đã học, không có trí tuệ hiểu thấu đáo những gì học được. Hạng người này không thực hành thiền Định (Samatha) và thiền Quán (Vipassanā) và giới luật là tiền đề của Thánh đạo (Ariya Magga) (sự chứng ngộ Thánh đạo). Tuy nhiên, hạng người này thiện ngôn, khéo nói, biết dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác, rõ ràng, có thể hướng dẫn, phấn khích và động viên các vị đồng Phạm hạnh. Này Tỷ-kheo, đó là hạng người chỉ hướng đến lợi ích của người khác mà không hướng đến lợi ích của mình.

3/ Này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không hướng đến lợi ích bản thân mà cũng không hướng đến lợi ích của người khác? Trong Giáo Pháp của Như Lai, đó là hạng người không mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, không có khả năng tụng thuộc lòng các bài kinh đã học, không có trí tuệ để hiểu thấu đáo những gì đọc được. Hạng người này không thực hành thiền Định (Samatha) và thiền Quán (Vipassanā) và giới luật là tiền đề của Thánh đạo (Ariya Magga) (sự chứng ngộ về Thánh đạo). Hơn nữa, hạng người này cũng không thiện ngôn, không khéo nói, không biết dùng những lời tao nhã, không phát âm chính xác, rõ ràng, không thể hướng dẫn, phấn khích và động viên các vị đồng Phạm hạnh. Này Tỷ-kheo, đó là hạng người không hướng đến lợi ích của mình và cũng không hướng đến lợi ích của người khác.

4/ Này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người biết hướng đến lợi ích bản thân và cũng hướng đến lợi ích của người khác? Trong Giáo Pháp của Như Lai, đó là hạng người mau mắn nhận xét trong các thiện pháp, có khả năng tụng thuộc lòng các bài kinh đã học, có trí tuệ để hiểu thấu đáo những gì học được. Biết cả ngữ và nghĩa của kinh điển, hạng người này thực hành thiền Định (Samatha), thiền Quán (Vipassanā) và cùng với tuân thủ giới luật là tiền đề của Thánh đạo (Ariya Magga) (sự chứng ngộ Thánh đạo). Hơn nữa, hạng người này thiện ngôn, khéo nói, biết dùng những lời tao nhã, phát âm chính xác, rõ ràng, có thể hướng dẫn, phấn khích và động viên các vị đồng Phạm hạnh. Này Tỷ-kheo, đó là hạng người biết hướng đến lợi ích của mình và cũng hướng đến lợi ích của người khác.”

Atthamaññāya dhammamaññāya dhammānudhammapaṭipanno hoti“

(Tăng Chi kinh bản Pāli, q 1, tr. 410)

Atthamaññāya dhammamaññāya: nghĩa là có sự hiểu thấu suốt cả hai Kinh điển Pāli và Chú giải.

Dhammānudhammapaṭipanno hoti: nghĩa là thực hành thiền Định (Samatha) và thiền Quán (Vipassanā) bao gồm tuân thủ Giới luật (Sīla) mà nó là tiền đề cho sự chứng ngộ chín Pháp siêu thế.

Để hướng dẫn thực hành những phần trên, vị nào có thiện nguyện làm lợi ích cho bản thân và cho người khác thì bước đầu tiên cần phải học Giáo Pháp của Đức Phật. Điều này không có nghĩa là vị đó phải học thuộc hết tất cả các Kinh điển mà chỉ cần học một cách có hệ thống về Bát Thánh Đạo, phần nền tảng Giáo Pháp của Đức Phật mà có thể dẫn đến diệt tận khổ đau. Ngoài ra còn cần phải học dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo về pháp hành ban đầu về thực hành Giới (Sīla), Định (Samatha) và Tuệ (Vipassanā) mà vị ấy cần phải hoàn thành trước khi thành tựu Thánh Đạo.

Trong Bát Thánh Đạo, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, hình thành con đường đạo đức căn bản cho người cần thực hành Giới (Sīla). Để có thể thực hành Giới (Sīla), người đó phải hiểu rõ ba Thánh đạo được đề cập ở trên. Chỉ khi nào người đó biết rõ về Giới, thì mới có thể giữ gìn Giới đức cẩn thận và trong sạch. Không có tri thức thiết yếu này về con đường Giới hạnh, thì vị đó không thể nào thực hành Giới đức trong sạch và trọn vẹn được.

Có được sự thiết lập vững chắc về Giới và thực hành đầy đủ, vị ấy cần phải tiến hành thực hành con đường thiền Định (Samādhi). Là một phần của Bát Thánh Đạo, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, tất cả ba yếu tố này tạo ra các chi đạo về Định (Samādhi), con đường dẫn tới phát triển Định. Để thực hành các đạo này, vị ấy cần sự chỉ dạy và huấn luyện một pháp thiền phù hợp nơi một vị thầy đáng tin cậy.

Bước tiếp theo, là phải được học với một vị thầy giỏi để phát triển hai chi đạo về Tuệ (Paññā) là Chánh kiến và Chánh tư duy để có thể phát triển được Tuệ minh sát. Chỉ những ai có thể phát triển Bát Thánh Đạo, mới là những Tỷ-kheo hay người hành giả tốt theo lời dạy của Đức Phật, và có thể làm lợi ích cho bản thân và cho người khác. Chỉ có những người đại thiện như vậy mới có thể đạt được một nội tâm tĩnh lặng và phát triển được Tuệ minh sát.

Bài pháp mà quý vị sẽ đọc ở các trang sau của cuốn sách này là một trong các Lời dạy của Đức Phật sẽ giúp cho quý vị trở thành hiền nhân. Bài kinh được ghi trong Tăng Chi Kinh, quyển ba, Dasaka Nipāta, tr 325. Các yêu cầu tiên quyết trên con đường tâm linh đã được chỉ rõ trong đó.

Mặc dầu tiếng Pāli chữ “pabbajita” có nghĩa là người xuất gia, nhưng nó còn ám chỉ tới những ai đã tận diệt phiền não hoặc đang tinh tấn trên con đường diệt trừ phiền não. Đối với những ai vẫn còn đang tu tập để diệt trừ phiền não, có mười điều cần phải thường xuyên quán tưởng. Những điều cần thường xuyên quán xét này đã được Đức Phật chỉ dạy chi tiết trong bài Pháp.

Nếu một người tiến hành tu tập nghiêm túc mười điều quán tưởng này, thì chắc chắn vị ấy có thể đạt được sự an tịnh và hạnh phúc của Tầng thiền (Jhāna), Tuệ minh sát (Vipassanā), Đạo (Magga), Quả (Phala) và Niết-bàn (Nibbāna) ngay trong kiếp sống hiện tại này. Nếu vẫn còn sự tái sanh đối với con người hiền thiện này, thì những điều quán tưởng này có năng lực đưa đến hạnh phúc ở cõi người hoặc cõi trời, cuối cùng dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn. Hơn nữa, mười điều quán tưởng này sẽ làm chấm dứt vòng luân hồi khổ đau. Thực vậy, bài pháp này được gọi là bài giảng của sự an tịnh tối thượng vì nó có thể dập tắt ngọn lửa phiền não trong tâm của ta. Mười điều quán tưởng này, khi thường xuyên được quán xét, giống như sự chuẩn bị cho giây phút ra đi của chính người hành giả đó với một gương mặt rạng rỡ, an tịnh và nụ cười trên chiếc giường hấp hối.

Nằm trên giường hấp hối, mười phiền não có thể làm cho gương mặt chúng ta âu sầu với sự nuối tiếc và sợ hãi. Tuệ minh sát và Tuệ đạo mà ta đạt được trong thời gian trước cái chết sẽ diệt trừ mọi phiền não. Vì vậy, người hiền thiện sẽ có thể sống ngay cả giây phút cuối của đời mình với gương mặt rạng ngời và tâm an tịnh, hy vọng về trạng thái an vui, hạnh phúc ngày càng cao.

Phận sự của mỗi người chân chánh là cố gắng thành tựu tuệ minh sát, tuệ đạo và tuệ quả là các tuệ có sức mạnh nhổ bỏ mọi phiền não, nhờ đó, người ấy có thể đối mặt với giây phút cuối cùng của đời mình với một nụ cười rạng rỡ và tâm an tịnh.

Mười Phiền não lậu hoặc

Tiếng Pāli “Kilesa” có nghĩa là tâm phiền não lậu hoặc. Có mười loại phiền não:

1. Lobha: tham ái hay dính chấp vào những đối tượng khác nhau và dục trần

2. Dosa: sân và hại

3. Moha: vô minh, không thấu hiểu Tứ Thánh đế.

4. Māna: ngã mạn, thái độ kiêu căng tự mãn

5. Diṭṭhi: tà kiến thấy sự vật thường còn, lạc, đáng hưởng thụ và linh hồn bất tử (ngã).

6. Vicikicchā: hoài nghi Tứ Thánh đế, hoài nghi Phật, hoài nghi Pháp, hoài nghi Tăng và luật về Nghiệp báo

7. Thīna: hôn trầm, buồn ngủ, muội lược.

8. Uddhacca: trạo cử, trạng thái tâm không thể định hay tập trung được.

9. Ahirika: vô tàm, không biết hổ thẹn khi làm các điều bất thiện.

10. Anottappa: vô quý, không sợ hãi làm các điều bất thiện.

Tất cả các tâm sở bất thiện được dẫn dắt bởi mười phiền não này làm cho tâm bị ô nhiễm. Đó là lý do nó được gọi là phiền não (kilesa). Những ai đang tinh tấn nhổ bỏ các tâm ô nhiễm bằng cách thực thành Bát Thánh Đạo được gọi là “pabbajita”. Nó có nghĩa là người hoặc đã tận diệt các ô nhiễm hoặc vẫn đang nỗ lực diệt trừ phiền não.

Trong chuyến viếng thăm Malaysia ngày 16 tháng 8 năm 2003, sau một buổi lễ phước thiện của Goh Se Lin Tan Yok Har, tôi đã thuyết bài Pháp nói về mười điều phải thường xuyên quán xét của bậc xuất gia (pabbajitas), là những người đang nỗ lực nhổ tận gốc rễ các phiền não lậu hoặc. Những điều quán xét này được lấy từ trong “Kinh Bậc Xuất Gia Thường Quán Xét” (Pabbajita Abhiṇha Sutta) của Tăng Chi Bộ, Kinh Pāli, q3.

Sau khi nghe bài Pháp này, tu nữ Susīla, người Malaysia, bày tỏ mong muốn và thỉnh cầu phát hành bài Pháp thoại này cho mọi người như là một món quà Pháp thí. Sau khi chuyển biên từ băng audio, nó đã được xuất bản và phát hành như một món quà Pháp. Như một lời khuyên, điểm chính của bài dạy liên hệ đến Bát Thánh Đạo chỉ được mô tả theo một cách tóm lược để đại chúng có thể hiểu được. Vì vậy, việc có sự hướng dẫn đáng tin cậy vẫn cần thiết cho những ai muốn thực hành đầy đủ và kỹ lưỡng.

CHÂN NGÔN TỐI THƯỢNG

Với lòng từ bi vô lượng,

Đức Thế Tôn đã chỉ dạy chúng sanh,

Chỉ có Bát Thánh Đạo

Mới là con đường Thánh dẫn tới an tịnh Niết-bàn

Chấm dứt mọi đau khổ

Thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi

Đó chính là Chân ngôn Tối thượng

Của Đấng Chí Tôn Chí Thánh

Tương Ưng Bộ, Kinh Pāli, q.1, tr.191

Cầu chúc cho quý vị có thể thực hành theo lời dạy của Đức Phật trong Kinh Bậc Xuất Gia Thường Quán Xét (Pabbajita Abhiṇha Sutta).

Với Tâm Từ

Thiền Sư Pa-Auk Tawya Sayādaw

Trung Tâm Thiền Pa-Auk Tawya, Mawlamyine.

Phật lịch 2547


 

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Đấng Chánh Đẳng Giác

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn