(Xem: 1665)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2170)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

01-Kinh Bậc Xuất Gia Thường Quán Xét.

16 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 10150)

Chương 1


Kinh Bậc Xuất Gia Thường Quán Xét
Pabbajita Abhiṇha Sutta

Này Tỷ-kheo, có mười điều cần phải thường xuyên quán xét bởi những ai đã bước vào đời sống xuất gia với một ý chí và mục đích diệt trừ phiền não. Trước hết, vị xuất gia cần phải quán xét thường xuyên về trạng thái hình tướng của một vị Tỷ-kheo như sau:

Không còn là một cư sĩ, ta đã trở thành bậc xuất gia với hình tướng đã thay đổi khác

Có hai sự khác biệt khi là một bậc xuất gia: thứ nhất là vẻ ngoài của vị Tỷ-kheo, thứ hai là với y phục và các vật dụng mà người Tỳ-kheo sử dụng trong đời thường.

Sự Biến Đổi Về Thân

Ở đây, chú giải đề cập tóm tắt về tiến trình thay đổi bề ngoài sẽ được thấy như thế nào. Thông thường điều đó có thể dễ dàng thấy nếu ta soi gương. Vì điều đó thật không phù hợp với Tỷ-kheo hay tu nữ nếu sử dụng gương soi, họ có thể nhận rõ sự thay đổi của thân này qua sự lưu ý chỗ đầu tóc và râu đã được cạo sạch. Vả lại, nhìn gần hơn nữa, trên tóc này không còn tóc của tuổi thanh xuân nữa mà giờ đây chỉ còn lại tóc bạc. Khi nhìn vào làn da, vị ấy lại nhận ra nhiều nếp nhăn, và nhiều vùng da bị chùng xuống là dấu hiệu của tuổi già nua. Đó là một tiến trình biến đổi liên tục trong thân cho dù ta có cố gắng đến đâu để duy trì tuổi trẻ và hình dáng bên ngoài. Tấm thân mà ta yêu quý và chăm sóc nó biết bao mà nó vẫn đi ngược lại ý muốn trẻ mãi không già của ta. Trong nhịp bước của chuyển hóa và chuyển biến, nó làm cho thân ta đi dần đến sự tiêu hoại và cái chết. Cho dù nghiệp xấu hay tốt thì ta cũng không thể đảo ngược tiến trình đó được. Bất lực trước sự biến đổi này, thân ta luôn đau ốm từ lúc bắt đầu có thân này, sự lão hóa không ngừng và nhiều bức xúc của thân diễn ra hằng ngày. Tiến trình biến đổi này cứ đi tới, đi tới mãi và nó không để cho ai thoát cả. Những điều này phải luôn được quán xét bởi những vị xuất gia và những ai đang đi trên con đường tiến hóa tâm linh.

Sự Khác Biệt Về Y Phục Và Các Thứ Vật Dụng

Trong đời sống cư sĩ, không có một giới hạn nào. Mọi thứ đều có thể chợt nảy ra. Sự ham muốn và cái tâm buông lung chạy theo nhiều thứ. Một người có thể mặc quần áo nhiều màu và đủ thứ kiểu dáng, họa tiết khác nhau. Một người cũng có thể chiều chuộng mình ăn ngon với nhiều khẩu vị khác nhau, đựng thức ăn trong đĩa vàng, đĩa bạc. Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên, là hai vị đại đệ tử của Đức Phật, trước khi xuất gia đã dùng nhiều thức ăn thượng hảo hạng đặt trong đĩa bằng vàng và bằng bạc vì các vị ấy vốn xuất thân trong các gia đình thế gia quyền quý. Một người bình thường có thể ngủ trên một chiếc giường sang trọng và ngồi trong những chiếc ghế đắt tiền đặt trong phòng đầy đủ tiện nghi. Một cư sĩ cũng có thể sử dụng đủ các loại thuốc bán sẵn ngoài thị trường chưa kể đến chất lượng hay giá trị của nó thật đa dạng. Đó là đời sống của một cư sĩ.

Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn và đổi thay quan trọng ngay khi người đó bước vào đời sống xuất gia. Tứ vật dụng của một vị sư là y phục, thực phẩm, chỗ ở và thuốc men thật đơn giản và khiêm tốn. Không có tiện nghi sang trọng cho dục vọng vô hạn và cũng chẳng thể luôn chiều chuộng cái tôi. Một vị tăng phải sống đơn giản với tiện nghi tối thiểu để sự thu thúc lục căn và tinh thần kỷ luật có thể cùng phát triển. Vị ấy phải từ bỏ các tiện nghi và dục trần mà mình đã hưởng thụ trước đây.

Về sự mặc, vị Tỷ-kheo phải dùng các y được làm từ các mảnh vải phế thải nhỏ. Bộ y của vị Tỷ-kheo được làm từ những miếng vải bỏ không còn giá trị nữa, được cắt thành hình vuông nhỏ để làm mất giá trị của nó, rồi may lại và nhuộm bằng vỏ cây nâu trong rừng nhiệt đới như thời xa xưa. Loại y này chẳng có chút giá trị nào theo nghĩa tiền bạc khiến không một tên trộm nào muốn lấy cắp. Đó là loại y phục của vị Tỷ-kheo mà không một ai muốn lấy để mặc cả.

Đối với vật thực và bữa ăn, vị Tỷ-kheo phải dùng bất kỳ món gì do người thế tục bố thí cúng dường. Đặt tất cả những vật thực được cúng dường trong chiếc bát làm bằng sắt hay đất sét, vị Tỷ-kheo phải dùng thức ăn được trộn lẫn vào nhau trong bát bất kể sở thích cá nhân của mình. Đối với vị Tỷ-kheo và đối với những ai đang đi trên con đường tiến hóa tâm linh, ăn trở thành một tiến trình duy trì thân mạng hơn là một hành động chiều chuộng bản thân. Nó phải được thực hiện trong sự tiết chế và chánh niệm tỉnh giác.

Hơn nữa, vị Tỷ-kheo phải dùng chiếc giường khiêm tốn nhất và các thứ đồ đạc chỉ vừa đủ theo nhu cầu cần thiết. Vị ấy không còn được sử dụng các loại giường, đồ đạc sang trọng. Vị ấy phải, như một qui định về sự khiêm tốn và giản dị được mô tả trong Giới Luật (Vinaya), dùng đệm mây, cỏ hoặc miếng da vuông để lót ngồi. Với mục đích trú ngụ, bóng mát của cây cối được khuyến khích dùng làm nơi nghỉ hoặc nơi hành thiền.

Đối với thuốc men, vị Tỷ-kheo phải dùng loại dược thảo chế biến tự nhiên. Tất nhiên, cũng có các ngoại lệ nhất định cho tứ vật dụng. Tuy nhiên, cách thức và lề lối mà vị Tỷ-kheo sử dụng cho tứ vật dụng như y phục, thực phẩm và chỗ ở, thuốc men đều rất khác với một cư sĩ. Sự thay đổi này là để thực hành Giới hạnh của một bậc tu hành vì vậy Đức Phật đã dạy ta phải thường xuyên quán xét sự thay đổi này.

Những bậc thiện nhân làm theo lời dạy của Đức Phật là Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên, Tôn giả Mahā Kassapa và vô số các vị đệ tử khác của Đức Phật. Hầu hết họ đều xuất thân từ những gia đình giàu sang quyền quý.

Tinh Thần Khiêm Tốn Mẫu Mực của Tôn Giả Xá-lợi-phất

Giữa các vị đệ tử của Đức Phật, một ví dụ về Tôn giả Xá-lợi-phất rất đáng được nhắc tới ở đây. Ngài là con trong một gia đình giàu sang. Vào những giây phút cuối của cuộc đời, ngài đã trở về nhà mẹ ruột của Ngài để nhập Vô Dư Niết-bàn cũng vào ban đêm ngay tại phòng nơi mà Ngài đã được sinh ra. Mục đích của Ngài là để giúp mẹ là bà Rūpa Sari, có thể chứng ngộ Pháp trước khi Ngài nhập diệt Niết-bàn. Sau khi nghe một bài Pháp của ngài Tôn giả Xá-lợi-phất, bà đã chứng đắc tầng thánh giác ngộ đầu tiên và trở thành bậc Tu-đà-hoàn (Sotāpanna). Đây cũng là món quà từ biệt mẹ của Ngài và thể hiện lòng tri ân đặc biệt sâu sắc của Ngài đối với mẹ trong những giây phút cuối của đời mình.

Thực hiện xong thiện sự đó, Tôn giả Xá-lợi-phất đã qua đời và nhập diệt Niết-bàn tại đó. Mẹ của Ngài là bà Rūpa Sari đã phát triển được niềm tin mới và hết lòng phục vụ Pháp Bảo. Vì thế, như được biết, bà đã sắp xếp lễ tang và lễ hỏa táng cho Ngài Tôn giả Xá-lợi-phất bằng cách sử dụng thật sự có ý nghĩa số của cải của bà.

Sau khi thân xác Ngài hoàn toàn bị thiêu cháy, một trong những hiện tượng kỳ diệu là di cốt của bậc giác ngộ, đặc biệt là xương đã biến thành các hạt có nhiều cỡ khác nhau được gọi là xá lợi. Ngoài tro cốt của Ngài ra, nhiều xá lợi đã được tìm thấy tại nơi hỏa thiêu ngài Xá-lợi-phất. Tôn giả Cunda, người em của Ngài Xá-lợi-phất, đã mang xá lợi của Ngài về Kỳ Viên Tinh Xá (Jetavana) tại thành Xá-vệ (Sāvatthi) và dâng lên Đức Phật khi Ngài ngự tại đó.

Tại đây, thật là đặc biệt khi nhắc về Tôn giả Xá-lợi-phất, mặc dù là con của một gia đình giàu có, Ngài đã từ bỏ tiện nghi vật chất và các dục lạc thế gian để bước vào cuộc đời Phạm Hạnh. Đức Bổn Sư đặt vuông vải lọc chứa xá lợi của Đại Đức Xá-lợi-phất trên tay và khen ngợi đức hạnh cao quý của Tôn giả Xá-lợi-phất trước mặt Tăng chúng với bài kệ như sau:

Là bậc xuất gia trải qua

tổng cộng năm trăm kiếp chán ngán ngũ trần,

mọi thú vui thế gian đều buông bỏ,

không gì quyến rũ được người.

Hãy kính cẩn nghiêng mình,

vị lục căn hoàn toàn thanh tịnh

mọi phiền não vắng lặng

một bậc Thánh giác ngộ.

Vững chãi như đất,

không hề chao động

Không chút hành xử lệch lạc

dù là tốc hành tâm nhỏ

sự nhẫn nại vô cùng mạnh mẽ.

Sân hận hoàn toàn vắng bặt.

Lòng từ bi thương xót mọi chúng sanh

Nay vị ấy đã nhập diệt

An tịnh Niết-bàn

Hãy kính cẩn nghiêng mình

Từ biệt con người đáng kính.

Khiêm cung như con kẻ bần cùng, đến đô thị này,

Với bát tre khất thực qua ngày,

Đức hạnh khiêm cung sáng ngời,

Hỡi, Xá-lợi-phất đại khiêm cung,

Một đời Thánh nhân không cấu nhiễm,

Hãy kính cẩn nghiêng mình từ biệt,

một bậc Thánh

Giờ đây đã bước vào cõi an tịch tịnh

Như con bò đực gãy sừng,

Đó đây trong rừng hoặc đô thị náo nhiệt,

Chưa bao giờ tổn hại đến ai,

Cũng như Xá-lợi-phất,

Không phương hại chúng sanh nào,

Hãy kính cẩn nghiêng mình chào,

một bậc Thánh

Giờ đây đã bước vào cõi an tịch tịnh.

Nói về cuộc đời của Ngài Xá-lợi-phất, Đức Phật đã nói ra những lời tán thán chưa từng có cho một vị đệ tử. Đức Phật đã hết sức tán dương tất cả các khía cạnh nổi bật của một vị thánh giác ngộ. Cuộc đời ngài là một ví dụ sống động hiện thân cho sự hy sinh bền bỉ, sự giải thoát nội tâm hoàn hảo, và tính kiên nhẫn vĩ đại, một đức hạnh trong sạch, trí tuệ, từ bi và khiêm cung. Ngài còn là một tấm gương hoàn hảo mà tất cả chúng ta nên phấn đấu noi theo. Thật là kỳ diệu khi Tôn giả Xá-lợi-phất đã xuất gia không phải trong kiếp này mà còn trong nhiều kiếp trước tổng cộng là năm trăm kiếp. Trong các kiếp này, ngài đã từ bỏ một cách cương quyết và hoàn toàn sống tách rời khỏi thế giới ngũ dục và sở hữu vật chất đã kềm giữ ngài trong suốt các kiếp sanh tử luân hồi. Thực sự, hoàn toàn nổi bật hơn hẳn trong số các đại đệ tử kiệt xuất của Đức Phật là vị Đại đệ tử lỗi lạc Tôn giả Xá-lợi-phất.

Sau khi trở thành vị Tỷ-kheo, ngài đã giác ngộ hoàn toàn vào lúc ngài chứng đắc A-la-hán Đạo và A-la-hán Quả, nhổ tận gốc rễ mọi phiền não và các ô nhiễm trong tâm, ngài đã hoàn toàn đạt đến sự an tịnh và giải thoát. Từ sự chứng ngộ đó, một số tâm khởi lên như trí tuệ và sự điềm tĩnh v..v. Lúc đó, không còn tham ái, ghét bỏ hay si mê nơi ngài, tâm của ngài tràn đầy sự định tĩnh, an lành. Kết quả là sau đó, có sự sanh khởi của năng lực xả và kham nhẫn được gọi là Đức Hạnh nhẫn nại (Adhivāsana Khanti). Hạnh nhẫn nại của Ngài giống như mặt đất vĩ đại mà tất cả các loài, lớn, nhỏ, hữu tình hoặc vô tình đều có thể hiện hữu trên đó. Một cách tự nhiên, đất, ngay cả khi vật tịnh hay bất tịnh như phẩn uế quăng liệng trên đất, nhưng đất không bao giờ phản ứng lại. Tương tự như vậy, tâm của ngài Xá-lợi-phất vô cùng kiên định và không hề chao động bởi bất kỳ đối tượng nào tiếp xúc lục căn.

Thông thường với hành vi người đời là bị sai khiến bởi dục vọng và nhiều xúc cảm khác nhau. Tôn giả Xá-lợi-phất đã không bao giờ chạy theo ý thích bất chợt nảy sinh. Ngài chỉ làm những điều thích hợp, thiện lành và cần thiết. Ngài tránh xa những việc làm bất thiện và không cần thiết. Ngài chỉ nói khi cần nói, và dùng các lời thiện lành, hữu ích và cần thiết. Ngài không bao giờ nói ra những điều không cần thiết dù chỉ là một lời. Luôn giữ chánh niệm, ngài không bao giờ để các tâm lan man và bất thiện sanh khởi. Trong suốt cuộc đời của ngài, không có trường hợp nào ngài làm điều bất cẩn hay lôi thôi. Sau đây là một số sự điều nổi bật của Đại đức Xá-lợi-phất.

Khi Ngài đắc thiền Tâm Từ, trong tầng thiền ngài đã rải tâm từ cho tất cả các chúng sanh các loài. Không chỉ với thiện chí và lòng trắc ẩn, ngài còn bảo vệ và làm những điều tốt nhất cho những ai mà ngài đi ngang qua. Hành động và thiện ý của ngài luôn bổ sung cho nhau.

Nói về sự khiêm cung của Ngài Xá-lợi-phất, Đức Phật đã ví sự khiêm cung đó giống như đứa con của kẻ bần cùng hạ tiện. Chúng ta hãy quan sát gần hơn đứa con của kẻ nghèo khổ đi vào đô thị khất thực. Một đứa con trai của kẻ bần cùng, vì đời sống khốn khó, sống một cuộc đời không đủ ăn, không có chỗ nương thân theo nghĩa được gọi là mái nhà. Ngay cả cái bát người đó dùng cũng làm bằng tre. Tuyệt nhiên không một chút kiêu căng ngã mạn gợn lên trong tâm người đó, vì người đó không hề sở hữu một cái gì để có thể tự hào, tự mãn. Người đó chỉ đơn giản hiểu rằng nếu mình trông có vẻ kiêu căng ngã mạn hay nóng nảy thì sẽ không ai bố thí thức ăn hay vật dụng mà mình cần thế thôi.

Như đã đề cập trên, Tôn giả Xá-lợi-phất, mặc dù là con trai của một gia đình giàu có, nhưng Ngài luôn nhu thuận và khiêm nhường. Từ khi bước vào đời sống xuất gia, ngài sống khiêm hạ, nhẹ nhàng như con trai của một kẻ bần cùng nghèo khó. Ngay cả khi ngài đi bát, dáng vẻ ngài toát lên sự khiêm hạ tột cùng. Theo cách tương tự, những ai đã bước vào đời sống xuất gia thì cần phải học tập thái độ thánh thiện và cách sống tốt đẹp như ngài Xá-lợi-phất. Đây là điều mà Đức Phật muốn nhấn mạnh đối với tất cả các Tỳ-kheo.

Hơn nữa, Đức Phật đã lấy ví dụ con bò đực gãy sừng. Như con bò gãy sừng khi nó đi đó đây trong khu rừng và đồng ruộng, hoặc làng mạc hay đô thị không làm tổn hại đến bất cứ ai. Tương tự vậy, ngài Xá-lợi-phất với tâm từ và đầy lòng trắc ẩn, không bao giờ làm hại ai, hoặc gây đau khổ, buồn phiền cho bất cứ ai trong cả bốn oai nghi trong suốt cuộc đời của ngài. Vì vậy, Đức Phật đã khuyến khích tất cả các Tỳ-kheo tỏ lòng kính trọng đối với Tôn giả Xá-lợi-phất, người đã bước vào cõi an lạc Niết-bàn, nơi mà tất cả các phiền não bị tận diệt.

Ở đây, tôi muốn nói rằng Đức Phật nhấn mạnh yêu cầu với các vị Tỳ-kheo phải thường xuyên quán xét sự biến đổi thân này khi là một Tỷ-kheo. Điều đó có lợi lạc gì?

Theo giải thích của Chú giải, nếu ai thường xuyên quán xét tiến trình biến đổi của thân và về các thứ sử dụng hằng ngày với tư cách là một vị Tỷ-kheo, mọi sân hận và kiêu căng ngã mạn sẽ theo đó mà dần giảm đi và sẽ diệt trừ hoàn toàn trong tâm.

Thấy trước kết quả tuyệt diệu này, Đức Phật đã dạy tất cả các Tỳ-kheo hãy quán xét điều thứ nhất thật thường xuyên là tiến trình biến đổi về thân rõ rệt khi trở thành một Tỷ-kheo.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn