(Xem: 1492)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

09-Liệu Ta Có Thật Sự Thích Sống Độc Cư Không?

16 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 12645)

Chương 9


Liệu Ta Có Thật Sự Thích Sống Độc Cư Không?

Bây giờ, Đức Thế Tôn tiếp tục giảng về điều thứ chín phải thường xuyên quán xét:

Kacci nu kho ahaṃ suññāgāre abhiramāmī”ti pabbajitena abhiṇhaṃ paccavekkhitabbaṃ

Lời dịch: Bậc xuất gia nên thường quán xét rằng: “Ta có hoan hỷ sống độc cư, thực hành đời sống Phạm Hạnh hay không?

Sứ mạng của một vị Phạm Hạnh là phát triển tâm linh của chính mình, sau đó sẽ phục vụ người khác. Để hoàn thành sứ mạng này, vị Tỷ-khưu đó phải ẩn cư vào nơi cô liêu tịch tịnh và rừng sâu, tránh xa mọi thế tục phiền nhiễu bên ngoài, nơi mà vị ấy có thể tập trung hành thiền rốt ráo để phát triển thân tâm. Vị ấy cần phải thường xuyên quán tưởng rằng ta đang an hưởng độc cư để thực hành sự “Viễn ly” (Viveka). Chữ Viveka nghĩa là “Viễn ly”. Nó còn có nghĩa là việc cách ly khỏi mọi sự xao động và phiền não của thế gian. Đức Phật dạy:

Parivittassāyaṃ dhammo. Nāyaṃ dhammo saṅgaṇikārāmassa.

(Tăng Chi Kinh, III, tr 63)

Lời dịch: Chín Pháp siêu thế này chỉ dành cho những ai biết tận tâm tu tập ba Pháp Viễn ly (Viveka), Pháp này sẽ không dành cho những ai đang còn mãi mê việc sống lẫn lộn giữa thế gian.

(Ghi chú: Chín Pháp siêu thế này (Lokuttara Dhamma) tức là Bốn Đạo tuệ, Bốn Quả tuệ và Niết-bàn).

Ba Pháp Viễn Ly (Viveka)

1. Thân Viễn Ly (Kāya Viveka) nghĩa là trạng thái thân an tịnh. Trường hợp này chỉ xảy ra khi một người lánh vào sống đời độc cư để hành thiền hoặc để hưởng sự an tịnh.

2. Tâm Viễn Ly (Citta Viveka) nghĩa là trạng thái tâm an tịnh. Điều này chỉ xảy ra khi một người đang trong tiến trình tu tập thiền hoặc vị ấy đang nhập vào trạng thái tâm cao thượng chẳng hạn như đang nhập vào bậc thiền nào đó v.v.

3. Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka) nghĩa là trạng thái chấm dứt bốn loại sanh y. Chữ Upadhi ở đây có nghĩa là sanh y – nơi nương sanh các cảm thọ. Viễn Ly Sanh Y xảy ra khi một người nhập diệt Niết-bàn.

Chín Pháp siêu thế (Lokuttara Dhamma) này chỉ có thể thành tựu đối với ai ưa thích tu tập ba loại Viễn Ly (Viveka) trên con đường tâm linh. Chín Pháp Siêu thế (Lokuttata Dhamma) không thể và sẽ không xảy ra trong tâm những người ưa thích các quan hệ xã hội bất tận và không chịu thực hành ba loại Viễn Ly (Vivekas) này. Đây là phần được nói trong bài Kinh Đại Tầm A-nậu-lâu-đà, Anuruddha Mahāvitakka sutta, Tăng Chi Bộ Kinh.

Vì thế, nếu chúng ta thật sự muốn chứng ngộ Chín Pháp Siêu thế, chúng ta phải có thái độ trân trọng ba Pháp Viễn Ly (Vivekas). Chúng ta phải đưa các Pháp này vào việc thực hành tâm linh.

Ba Pháp Viễn Ly (Vivekas)

Đó là gì? Đó là

1. Thân Viễn Ly

2. Tâm Viễn Ly

3. Viễn Ly Sanh Y

Kāya nghĩa là Thân trong khi Viveka nghĩa là “viễn ly”. Vì vậy Kāya Viveka nghĩa là Thân Viễn Ly. Khi một người sống độc cư trong cả bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm vị ấy được cho là ở trạng thái Thân Viễn Ly. Tuy nhiên, sống với trạng thái Thân Viễn Ly (Kāya Viveka) chưa đủ để chứng ngộ Chín Pháp Siêu thế, mà nó chỉ là bước khởi đầu cần thiết để thành tựu Chín Pháp Siêu Thế.

Hỏi: Vậy tiếp theo vị đó cần phải làm gì để thành tựu Chín Pháp Siêu thế?

Đáp: Phải vận dụng mọi nỗ lực cần thiết để thành tựu tám Thiền chứng (Jhāna và Sampatti) gọi là Tâm Viễn Ly (Citta Viveka). Trong khi hành thiền, tâm hành giả được thoát khỏi các phiền não đến một mức độ nào đó thì được gọi là Tâm Viễn Ly (Citta Viveka). Để giảm bớt sự sanh khởi của các phiền não, vị ấy cần phải nỗ lực thực hành thiền Kasiṇa cùng với các chuẩn bị tướng (Kasiṇa Parikamma). Sau đó vị ấy có thể thành tựu các Thiền chứng (Jhānas Samāpattis) còn được gọi là Tâm Viễn Ly (Citta Viveka).

Hỏi: Liệu việc đắc tám bậc Thiền (Jhānas Samāpattis) còn được gọi là Tâm Viễn Ly (Citta Viveka) dẫn đến một người chứng ngộ Chín Pháp siêu thế hay không?

Đáp: Không hẳn thế.

Đến được mức đó đã là một sự thành tựu rất có ý nghĩa trên đạo lộ tâm linh, tuy nhiên vị ấy cần phải tiến xa hơn nữa trên con đường thực hành giải thoát. Dựa vào sự thành tựu Pháp Tâm Viễn Ly (Citta Viveka), vị ấy phải tiếp tục thực hành thiền Vipassanā bằng cách quán Danh Pháp và Sắc Pháp cùng với luật Nhân Quả vốn có trong mọi Pháp hữu vi.

Khi hành giả hành Thiền Vipassanā, quán Tam tướng của các Pháp hữu vi. Khi Tuệ Minh Sát sanh khởi qua thiền Vipassanā trở nên chín mùi, cuối cùng vị đó sẽ có thể chứng đắc Tuệ Đạo (Magga ñāna), Tuệ Quả (Phala Ñāna) và Niết-bàn (Nibbāna). Nếu một hành giả thành tựu A-la-hán Thánh Đạo và A-la-hán Thánh Quả, giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ, lúc đó vị ấy sẽ chứng đắc Niết-bàn. A-la-hán Thánh Đạo (Arahatta Magga), A-la-hán Thánh Quả (Arahatta Phala) và Niết-bàn (Nibbāna) được gọi là Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka), vì sẽ không còn bất cứ một Sanh y (Upadhi) nào trong tương lai nữa sau khi đã thành tựu các giai đoạn giác ngộ này. Ở đây chữ Upadhi nghĩa là sanh y – nơi nương sanh các cảm thọ, Viveka nghĩa là chấm dứt hoặc tận diệt, do đó nghĩa là là sự tận diệt của các sanh y.

Bốn Pháp Sanh Y (Upadhi) trong Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka)

1. Dục Sanh Y (Kāmupadhi)

2. Uẩn Sanh Y (Khandhupadhi)

3. Phiền Não Sanh Y (Kilesupadhi)

4. Thắng Hành Sanh Y (Abhisaṅkharūpadhi).

Từ Kāmupadhi (Dục Sanh Y) là sự kết hợp của hai từ, đó là Kāma và upadhi. Kama nghĩa là năm loại dục lạc. Upadhi nghĩa là Sanh Y. Năm loại dục lạc gọi là Sanh Y (Upadhi) bởi vì thọ lạc sanh khởi từ ngũ dục này. Trong trạng thái tịch tịnh của Niết-bàn, không còn khởi sanh dục lạc. Vì thế nó được gọi là Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka). Đối với A-la-hán Thánh Đạo (Arahatta Magga) và A-la-hán Thánh Quả (Arahatta Phala) cũng tương tự vậy.

Chữ Khandhupadhi (Uẩn sanh y) bao gồm hai từ: KhandhaUpadhi. Khandha có nghĩa là năm uẩn trong khi Upadhi nghĩa là Sanh Y. Năm Uẩn được gọi là Upadhi vì các cảm thọ và sự khổ đau sanh khởi nhờ ngũ uẩn là nguồn gốc. Do sự có mặt của ngũ uẩn, các chúng sanh tái sanh nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hay nhân loại và phải chịu đựng các loại khổ khác nhau. Cái khổ mà một chúng sanh phải trải qua suốt tiến trình thụ thai và sanh, lão, bệnh, tử là do sự có mặt của năm uẩn. Đây là lý do tại sao ngũ uẩn được gọi là Sanh Y (Upadhi). Vào lúc chứng đắc Niết-bàn, năm uẩn gọi là Khandhupadhi (Uẩn Sanh Y) này đã vắng mặt và chấm dứt mọi vận hành. Vì thế Niết-bàn còn gọi là Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka).

Bây giờ chúng ta hãy nói về Sanh Y (Upadhi) thứ ba. Nó được gọi là Phiền não Sanh Y (Kilesupadhi) gồm hai chữ kết hợp: KilesaUpadhi. Chữ Kilesa nghĩa là phiền não làm tâm ô nhiễm trong khi từ Upadhi nghĩa là Sanh Y. Tại sao Phiền não (Kilesa) được gọi là Sanh Y (Upadhi)?

Nó được gọi như vậy là vì, dựa vào phiền não, tất cả mọi nỗi khổ đau bất tận mà chúng sanh phải đương đầu trong suốt vòng luân hồi (saṃsāra) sanh khởi chỉ nơi người chưa đoạn trừ các phiền não. Những khổ đau trong vòng luân hồi (saṃsāra) không còn khởi lên trong tâm của những người đã đoạn trừ phiền não. Giờ đây chúng ta đã hiểu rõ phiền não là sanh y ra khổ đau trong vòng sanh tử luân hồi (saṃsāra). Vì thế nó được gọi là Sanh Y (Upadhi). Trong Vô vi Niết-bàn không còn Phiền não Sanh Y (Kilesa Upadhi) nữa, không còn phiền não nữa, vì vậy gọi là Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka).

Bây giờ, Sanh y thứ tư là Thắng Hành Sanh Y (Abhisaṅkharūpadhi) bao gồm hai từ: Thắng hành (Abhisaṅkhāra) và Sanh Y (Upadhi). Từ Abhisankhāra nghĩa là tái tạo và tái phục hồi trong khi Upadhi nghĩa là Sanh Y. Ở đây, từ Thắng Hành (Abhisaṅkhāra) được nói đến các Nghiệp thiện và Nghiệp bất thiện có tiềm lực khổng lồ trong việc tạo ra sự tái sanh. Đó gọi là Sanh Y (Upadhi) bởi vì Nghiệp tạo ra khổ và tất cả vòng luân hồi (saṃsāra) bất tận của khổ khởi sanh từ nghiệp thiện và bất thiện được gọi chung là Nghiệp (Kamma). Trong Vô vi Niết-bàn không còn Thắng Hành (Abhisaṅkhāra), do đó cũng không còn quả của Nghiệp Thiện và Nghiệp bất thiện, vì thế nó gọi là Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka).

Tóm lại, bây giờ chúng ta đã hiểu được ba Pháp Viễn ly (Vivekas), tên là Thân Viễn Ly (Kāya Viveka), Tâm Viễn Ly (Citta Viveka), Viễn Ly Sanh Y (Upadhi Viveka). Chín Pháp siêu thế chỉ có thể tu tập với những người có tâm ưa thích ba Pháp Viễn Ly (Vivekas). Chín Pháp siêu thế không thể phát triển đối với người không tận tâm hay không ưa thích thực hành ba Pháp Viễn ly (Vivekas) mà chỉ ưa thích giao tiếp và sống lẫn lộn trong xã hội.

Đó là lý do tại sao Đức Phật đã nhấn mạnh phải thường xuyên quán tưởng và tự hỏi rằng liệu ta có thực sự thích sống độc cư ở nơi tịch tĩnh để phát triển tâm linh hay không.

Lợi ích của sự quán tưởng

Khi quán tưởng điều này ta sẽ có lợi ích gì?

Evam paccavekhato kāyaviveko paripūrati.

Lời dịch: Sự quán tưởng này sẽ giúp hoàn thành bước đầu của Thân Viễn Ly (Kāya Viveka).

Sự quán tưởng này sẽ luôn nhắc nhở một người đi vào sống độc cư theo đuổi hành trình phát triển tâm linh một cách rốt ráo. Một khi vị ấy bắt đầu thực hiện được bước thứ nhất – Thân Viễn Ly (Kāya Viveka), là bước đầu tiên dễ thực hiện nhất, hai bước Viễn Ly còn lại sẽ dần được phát triển vì chúng là các bước tiến có mối tương quan tuần tự. Vì thế, Đức Phật giáo huấn rằng phải thường xuyên quán tưởng điều này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn