(Xem: 1488)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

3.31- Đặc tính của biển lớn.

13 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 11451)

Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập-4

Nghe: 3.31-Đặc tính của biển lớn blank

Nghe: 3.33-Một doanh gia thành đạt blank


3.31- Đặc tính của biển lớn.

Chuyện ông thợ săn dám kêu đức Phật bằng “bạn của ta” làm cho ai cũng mỉm cười, ai cũng ngạc nhiên. Nhưng có vẻ ai cũng hỷ xả, chẳng chấp trách gì vì biết bản chất ông ta thuần hậu, chất phác. Có người đoán vì đức Phật thấy tâm xuất ly của ông quá mạnh, căn cơ lại sâu dày nên cho xuất gia ngay. Mà quả thật vậy, khi được mặc y, mang bát, trông tăng tướng Upaka đẹp và uy nghi như một vị tôn túc trưởng lão.

Mấy ngày hôm sau, đức Phật định thuyết một thời pháp có sự tham dự đầy đủ cả tăng ni hai viện, đầy đủ hai hàng cư sĩ, có sự tham dự của đức vua Pasenadi, hoàng hậu Mallikā và cả triều thần trước khi rời Kỳ Viên. Hai vị đại đệ tử đã cho chư tăng thông báo rộng rãi chuyện ấy.

Hôm ấy, đại giảng đường Kỳ Viên chỗ chứa hơn hai ngàn mà chật ních người. Chư vị trưởng lão tăng ni và các bậc có thắng trí tình nguyện nhường chỗ. Các vị thâm niên, nghe pháp đã nhiều cũng nhường chỗ cho lớp hậu sinh.

Hai vị đại đệ tử đã cho người thu xếp chỗ ngồi khá chu đáo và hợp lý. Tăng bên trái giảng đường, ni bên phải. Chính giữa dành cho đức vua, hoàng hậu, các quan cùng các trưởng lão gia chủ, nam nữ cư sĩ lớn tuổi. Ngoài hiên, các hành lang là những người tuổi trẻ thuộc tất cả các giới.

Tôn giả Ānanda thông minh, đứng ở cuối sảnh - chỗ tận cùng còn nghe được lời đức Phật - do trí nhớ tốt, có thể thuyết lại đúng nguyên văn, nhận nhiệm vụ thuyết lại cho rất đông thính giả cư sĩ đứng đầy ngoài vườn rừng!

Sau khi nói vài lời khen ngợi tăng ni có tâm cầu học, tán thán đức vua, hoàng hậu và triều thần đã chịu khó đến nghe pháp, hai hàng cận sự nam nữ cũng như thính chúng đủ mọi giai cấp đã vân hội về đây thật như một biển lớn - rồi đức Phật thuyết về biển lớn! Sau, các vị A-xà-lê thuật lại:

- Này chư vị! Vừa rồi đây, sau hạ thứ tám (1), Như Lai đi du hóa nhiếp độ hai tộc rồng và dạ-xoa ở miền Nam đảo. Đặc biệt hôm ấy là do long vương Mahādaranāga thỉnh mời. Như Lai đã đến Kalyānī, rồi đến đỉnh núi Sumanakūṭa, để lại ở đấy mấy dấu chân (2). Lúc trở lại đất liền, khi Như Lai đang ngắm biển thì A-tu-la vương (3) quản nhậm biển Nam, có tên là Pahārāda, từ đâu đó với dung sắc đỏ sáng, trang phục y áo, mũ miện, binh khí chói ngời - hóa hiện ngay bên cạnh Như Lai. Nó cất giọng tự nhiên, nói:

- Tôi biết sa-môn Gotama đấy!

- Ta cũng biết ngươi đấy, này Pahārāda!

Nó cười:

- Sa-môn Gotama đứng làm gì ở đây, tại miền biển xa xôi, lạnh lẽo nầy!

- Ừ, Như Lai đang ngắm biển!

- Biển có gì thích thú mà ngắm, thưa tôn giả?

- Vậy ngươi, Như Lai biết là ngươi cũng thích thú biển lắm mà, tại sao?

- Ồ, tôi ấy à! Không những tôi mà các A-tu-la đại thần, binh tướng của tôi cũng rất thích thú biển lớn. Chúng dựng lâu đài trên biển, ca vũ nhạc kịch trên biển, tiệc tùng, dạ yến trên biển, vợ chồng, con cái chúng cũng say sưa trên biển. Bày mưu, tập trận đánh nhau cũng trên biển! Thú vị lắm!

- Ngươi quản nhiệm biển, sống lâu trên biển; vậy ngươi có nhận biết biển lớn có những tính chất đặc thù như thế nào chăng?

- Biết chứ! Biết rất rõ ràng và sành sõi là khác! Tôi còn có thẩm quyền đệ nhất để nói về điều ấy - nói về biển - hơn bất cứ ai trên đời này, kể cả tôn giả, vốn được thế gian tôn xưng là bậc thầy của trời và người!

Như Lai mỉm cười:

- Khá lắm! Vậy thì ngươi hãy nói về biển cho Như Lai nghe với nào!

- Thưa vâng! A-tu-la vương đáp rồi bắt đầu nói - Biển lớn có tám đặc tính mà không ở nơi nào có được.

Thứ nhất, biển xuôi dần dần, xuôi từ từ, từ cạn đến sâu - không có thình lình, không có đột ngột tạo nên những hang, những vực...

Thứ hai, biển muôn đời vẫn đứng một chỗ, không xê dịch như sông, như suối; nó lại còn thủ phận, nhẫn nại không phá vượt qua bờ này hay qua bờ kia...

Thứ ba, biển không chứa chấp, không dung nạp những xác chết người và thú - nó quăng vất ngay lên bờ hết, không bao giờ lưu giữ những vật bất tịnh ấy trong lòng mình!

Thứ tư, phàm có con sông lớn nào như sông Gaṅgā, sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī... khi chảy về biển lớn, chúng liền bỏ quên tên tuổi của mình để hoà nhập với cái đại đồng.

Thứ năm, dầu tất cả sông cái, sông con chảy vào biển một trăm năm, một ngàn năm...; dầu mưa trên trời cũng đổ xuống một trăm năm, một ngàn năm... lòng biển cũng dung chứa hết mà không bao giờ tràn ra ngoài; nó còn chẳng vơi, chẳng đầy là khác nữa!

Thứ sáu, biển chỉ thuần nhất một vị mặn - dẫu cả triệu triệu năm cũng không thay đổi tính chất của mình.

Thứ bảy, lòng biển lớn chứa giữ tất cả châu báu của trần gian như: Trân châu (muttā), maṇi châu (maṇi), lưu ly (veluriyo), xa-cừ (sangho), ngọc bích (silā), san hô (pāvālaṃ), bạc, vàng, ngọc đỏ (lohitanko), mã não (masāragallam).

Thứ tám, biển là trú xứ của vô lượng chúng sanh - nhất là những chúng sanh lớn. Ngoài Asura, Nāgā, Gandhabba... còn có những chúng hữu tình dài 100 do-tuần, 200 do-tuần đến 500 do-tuần...

Nói thế xong, Asura vương kết luận:

- Đấy là tám tính chất thù thắng, vi diệu - nên chúng tôi rất thích thú cư trú ở đây! Còn sa-môn Gotama thì sao? Khi ngài thiết lập giáo pháp, rao giảng giáo pháp - thì những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di... có thích thú sống trong giáo pháp ấy không, như chúng tôi vô cùng hoan hỷ và thích thú biển lớn?

- Có chứ, này Pahārāda! Đức Phật đáp - Họ cũng hoan hỷ và thích thú trong pháp và luật của Như Lai, tương tợ như ngươi hoan hỷ và thích thú trong biển lớn vậy đó!

- Thế pháp và luật của sa-môn Gotama có những đặc tính thù thắng gì, tính chất vi diệu gì - mà chúng đệ tử có thể hoan hỷ và thích thú để sống trong đó?

- Như biển lớn có tám tính chất đặc thù mà ngươi vừa kể cho Như Lai nghe - thì pháp và luật của Như Lai cũng có tám tính chất đặc thù, vi diệu, thù thắng - chẳng nơi nào có được, này Pahārāda!

Asura vương rất thú vị:

- Tôi xin được rửa tai để lắng nghe tám điều kỳ diệu chưa từng có ấy?

Rồi đức Phật mở lời:

- Này Pahārāda Asura vương! Hãy nghe! Như Lai sẽ giảng nói đây!

Thứ nhất, pháp và luật của Như Lai cũng xuôi từ từ, xuôi dần dần, từ cạn vào sâu - không có đột ngột tạo hang, tạo vực. Tại sao vậy, vì pháp và luật mà Như Lai giảng nói bao giờ cũng tuần tự thứ lớp từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu. Học pháp là phải thuận thứ như vậy, con đường hành trì cũng thế mà sự chứng ngộ cũng tương tự thế - không bao giờ có chuyện thình lình mà thể nhập, không có sự đột nhiên mà chứng ngộ!

Asura vương reo lên:

- Hay quá là hay! Vậy cho nghe điều thứ hai - là biển chỉ đứng một chỗ, không vượt qua bờ?

- Điều thứ hai, giáo pháp của Như Lai là từ chứng nghiệm, giác ngộ sự thực, từ chân lý như thực mà nói ra - nên không thay đổi, biến hoại theo thời gian. Đệ tử của Như Lai sống trong lòng giáo pháp ấy, thích thú trong giáo pháp ấy, ở yên một chỗ, không bao giờ dám vượt qua một giới hạn nào, bờ này hay bờ kia của tri kiến. Có vị thà chịu hy sinh thân mạng để giữ gìn pháp và luật ấy - huống hồ là vượt qua hay phá rào!

- Kỳ diệu vậy thay!

- Thứ ba, biển lớn không chứa chấp vật bất tịnh - thì giáo pháp của Như Lai cũng tương tợ vậy. Người nào ác giới, sống theo ác pháp, có sở hành bất tịnh đáng ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là sa-môn mà tự nhận là sa-môn, không sống phạm hạnh mà lại giả danh phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục bất chánh - thì tăng-già cũng sẽ quăng vứt người ấy, hội họp rồi trục xuất người ấy, không cho sống chung cùng với tăng đoàn nữa!

Thứ tư, những con sông về với biển đều phải bỏ tuổi, bỏ tên. Cũng vậy, trong giáo hội của Như Lai có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, bà-la-môn, phệ-xá, thủ-đà-la. Khi họ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình - họ cũng từ bỏ giai cấp, bỏ họ, bỏ tên, bỏ danh vọng, bỏ địa vị, bỏ sự nghiệp, bỏ quê hương, chủng tộc  - để chỉ còn là những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, là những sa-môn Thích tử (Sakyāputta) mà thôi!

Thứ năm, trăm sông đổ về biển, trăm lượng nước mưa xuống từ trời cũng không làm cho biển đầy hay vơi. Cũng vậy, này Pahārāda! Có nhiều tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nhập Niết-bàn không có dư y, mà sau này, nếu có vô lượng, vô lượng tỳ-khưu, vô lượng tỳ-khưu-ni nhập Niết-bàn không có dư y như thế - thì Niết-bàn cũng không tràn, cũng không đầy, cũng không vơi như biển vậy.

Thứ sáu, này Pahārāda! Nếu biển chỉ có một vị mặn thuần nhất thì giáo pháp của Như Lai cũng thế: Nó cũng chỉ có một vị thuần nhất, thuần chất - ấy là vị giải thoát.

Thứ bảy, này Asura vương! Nếu biển tích lũy mọi châu báu của nhân gian thì giáo pháp của Như Lai cũng là nơi chứa giữ những châu báu siêu thế. Đấy là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, thánh đạo tám ngành.

Thứ tám, biển là trú xứ của rất nhiều chúng sanh lớn - thì giáo pháp của Như Lai cũng là trú xứ của những bậc thánh nhân, còn hơn là chúng sanh lớn, còn hơn là các vị đại vương, các vị thiên vương - ấy là các bậc Dự lưu đạo, Dự lưu quả, Nhất lai đạo, Nhất lai quả, Bất lai đạo, Bất lai quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả.

Đức Phật nói xong tám tính chất đặc thù của giáo pháp, Asura vương Pahārāda kính cẩn thốt lên:

- Quả thật là vi diệu, thưa sa-môn Gotama! Trước đây tôi chỉ nghe tin đồn đức Thế Tôn là như vậy, là như vậy với những danh xưng, tôn xưng thắng vượt tam giới. Nay thì tôi thấy rõ, sa-môn Gotama là bậc lợi tuệ, thông tuệ, quán tuệ, ưu việt tuệ... mà thế gian, cả triệu lần sinh diệt của quả địa cầu cũng không có người thứ hai! Tôi vô cùng ngưỡng mộ, và xin được làm kẻ hộ trì cho giáo pháp của đức Tôn Sư!

Kể xong câu chuyện, đức Phật nói:

- Này chư vị! Biển lớn với tám đặc tính ưu việt ấy cũng vẫn là chưa đủ so với giáo pháp của Như Lai, chưa vi diệu bằng giáo pháp của Như Lai.

Tại sao vậy? Ví như tại đại giảng đường Kỳ Viên ngày hôm nay, chẳng khác gì một biển lớn, gồm tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ; đầy đủ cả bốn giai cấp, đầy đủ các vị thánh sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả; đầy đủ những chúng sanh lớn như đức vua Pasenadi, hoàng hậu Mallikā... các quan đại thần và các đại gia chủ - đều cùng nhau nghe pháp, tu học nhưng không lấn bức nhau, ăn hiếp nhau; ai có chức phần, bổn phận, nhiệm vụ nấy. Còn biển lớn kia thì chúng sanh lớn ăn thịt chúng sanh nhỏ, cá lớn nuốt cá bé để nuôi mạng mình. Như thế, giáo pháp của Như Lai vi diệu hơn biển lớn kia nhiều.

Còn nữa, biển lớn kia, những chúng hữu tình thấp thỏi, nhỏ bé - thì muôn đời là thân phận thấp thỏi, nhỏ bé, không bao giờ trở thành chúng sanh lớn được. Giáo pháp Như Lai hoàn toàn khác thế! Tại sao vậy? Vì một chúng sanh nhỏ sanh trong giai cấp thấp thỏi, hạ liệt, ví như làm nghề đổ phân, hốt rác, nạo vét ống cống... có thể trở thành một thánh nhân, nghĩa là trở thành một chúng sanh lớn! Ví dụ như tỳ-khưu Sunīta xuất thân là một người gánh phân, mấy năm trước, xuất gia ở đây, bây giờ đã trở thành một chúng sanh lớn, một vị thánh. Ví như con một nữ nô lệ trong đại gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc, là tỳ-khưu Dasaka, bây giờ cũng đã là một chúng sanh lớn, một vị thánh. Ví như tỳ-khưu-ni Ambapali trước đây là một kỹ nữ, bây giờ cũng đã là một chúng sanh lớn, một vị thánh sơ quả!

Như thế, giáo pháp của Như Lai vi diệu hơn biển lớn kia quá nhiều!

Còn nữa, những chúng sanh trong biển lớn, chúng sanh ra trong biển lớn, lớn lên trong biển lớn, ăn giết nhau trong biển lớn, già đời trong biển lớn rồi chết đi trong biển lớn. Còn biển lớn của Như Lai hoàn toàn khác thế. Biển lớn Niết-bàn của Như Lai không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu bi khổ ưu não...

Còn nữa, biển lớn kia chỉ thuần nhất một vị mặn, một vị vô tri, bên trong chẳng chứa giữ một thuộc tính ưu việt nào. Giáo pháp của Như Lai tuy cũng thuần một vị giải thoát; nhưng có vị giải thoát lại có luôn những năng lực thắng trí, tứ vô ngại giải, tứ vô lượng tâm cùng những khả năng siêu việt khác.

Còn nữa, trong biển lớn, chúng sanh nhỏ là chúng sanh nhỏ, không có chuyện vừa nhỏ vừa lớn. Giáo pháp của chư Phật khác thế. Ví như có người sanh thuộc giai cấp thủ-đà-la, làm nghề chân tay, nặn đồ gốm - là chúng sanh nhỏ - nhưng người ấy thật vô cùng lớn: Giới lớn, tín lớn, tâm lớn, tuệ lớn... ngay chuyện bố thí cúng dường, của cải, tài sản có bao nhiêu - thế mà được đức Phật Kassapa tán thán là bậc đàn tín hộ trì tối thượng, còn hơn cả đức vua Kikī kinh thành Bārāṇasī!

Thuyết đến ngang đây, đức Phật yên lặng. Ai cũng náo nức muốn nghe câu chuyện lạ kỳ. Nôn nóng nhất là số hội chúng đã từng nghe chuyện “Sa-môn trọc đầu” bên bờ sông Aciravatī.

Và người tò mò muốn nghe tiếp theo, chính là đức vua Pasenadi - vì ông ta tự nghĩ:

“- Người thợ gốm ấy có khả năng tài sản như thế nào mà lại được tán thán là bố thí tối thượng, hơn cả đức vua Kikī cai trị một quốc độ Bārāṇasī hùng cường và giàu mạnh?”

 

3.32- Người dàn bà tín hộ trì tối thượng. 

Đức Phật tiết lộ:

- Người ấy chính là tiền thân đại phạm thiên Sahampati, bạn của Như Lai từ thời đức Thế Tôn Kassapa - một người bạn tối thượng, như một viên ngọc tối thượng!

Hôm ấy, đức Thế Tôn Kassapa từ thị trấn Vebhaliṅga tại miền Bắc, du hành cùng với đại chúng tỳ-khưu đến xứ Bārāṇasī, ngụ tại Isipatana.

Vua xứ Kāsi, tên là Kikī, nghe vậy, liền cho thắng các cỗ xe mỹ diệu, thù thắng; với nghi vệ của bậc đại vương cao sang đến yết kiến đức Phật.

Nghe xong thời pháp, đức vua xứ Kāsi hoan hỷ, phấn khích - mời thỉnh đức Thế Tôn cùng đại chúng, ngày mai đặt bát cúng dường tại hoàng cung.

Thế rồi, sau buổi cúng dường lớn với thượng phẩm, với mỹ vị - đức vua còn mời thỉnh đức Phật và đại chúng an cư mùa mưa tại Bārāṇasī để ông có cơ hội hộ trì Tam Bảo, tích lũy thêm công đức!

Đức Phật đáp:

- Như Lai và chư tăng đã nhận lời mời nơi khác rồi, tâu đại vương!

Lần thứ hai, lần thứ ba, đức Phật cũng lặp lại là có người mời thỉnh rồi.

Đức vua Kikī tâm tư sầu muộn, tự nghĩ:“Đức Thế Tôn không nhận lời mời làm cho ta mất an lạc! Chẳng lẽ, trên đời này lại có người đàn tín hộ trì tối thượng hơn ta? Hơn một bậc đại vương giàu sang với quyền uy và danh tiếng lẫy lừng?” Bèn thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu đã có một đại thí chủ khác, với công đức thù thắng hơn đệ tử, là Kikī, vua xứ Kāsi?

- Không phải vậy! Nhưng xin đừng có sầu não quá thế, đại vương!

Đức vua xứ Kāsi thở dài, cất giọng buồn bã, có vẻ như tủi thân, tủi phận:

- Trước đây, đệ tử tưởng rằng, đệ tử là phú quý đệ nhất, tài sản cung khố đệ nhất; trân châu, ngọc báu cũng đệ nhất - hóa ra không phải vậy. Đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu đã có một đại thí chủ mà cái gì cũng hơn đệ tử cả!

- Không phải vậy, đại vương hiểu lầm rồi! Người ấy đúng là đàn tín hộ trì tối thượng, nhưng y chẳng phải là bậc giàu sang vương giả, phú quý đệ nhất, đệ nhị gì cả!

Đức vua Kikī mở tròn mắt:

- Tại sao?

- Đại vương có muốn nghe không, Như Lai sẽ kể về người đàn tín hộ trì tối thượng ấy?

- Thưa, rất muốn nghe!

Thế là đức Phật Kassapa kể:

- Có một thị trấn tên là Vebhaliṅga, tại đấy có người thợ gốm tên là Ghaṭīkāra, anh ta rất nghèo, sanh thuộc giai cấp thấp kém, sống trong căn nhà cỏ cùng với cha mẹ mù loà...

Đức vua chợt thốt lên:

- Có thể như thế được ư? Người ấy mà là đàn tín hộ trì tối thượng sao?

- Phải! Đức Phật gật đầu - Đấy là vị thí chủ mà Như Lai đã nhận lời an cư trong mùa mưa này!

Có một ý nghĩ chợt khởi sanh lên trong tâm của nhà vua: “Chắc có nguyên nhân thù thắng thế nào đây - để đến nỗi bậc đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác phải lặp đi lặp lại mãi như thế chứ?” Bèn nói:

- Đệ tử đang cung kính lắng nghe đây!

- Thợ gốm Ghaṭīkāra dẫu nghèo nàn, dẫu sanh thuộc hạ cấp nhưng đã quy y Tam Bảo, đã từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của chưa được cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ rượu men, rượu nấu... Này đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, một người như vậy có xứng đáng được gọi là vị đàn tín hộ trì tối thượng chăng?

Đức vua Kikī lắc đầu:

- Chưa! Y có thể là một người cư sĩ tốt, nhưng chưa thể gọi là hộ trì tối thượng được!

Đức Thế Tôn Kassapa vẫn cất giọng đều đều:

- Thời gian sau, thợ gốm Ghaṭīkāra thành tựu lòng tin bất động với Tam Bảo, thành tựu giới luật của bậc thánh; không có một nghi ngờ nào đối với khổ, với khổ tập, với khổ diệt, với con đường đưa đến khổ diệt.

Này đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra chỉ ăn mỗi ngày một bữa, hành thiện hạnh, sống theo thiện pháp. Ông ta từ bỏ ngọc và vàng, không cầm, không nắm, không giữ, không nhận bạc và vàng. Với trí tuệ, với lòng dục được đoạn trừ, với thánh hạnh thanh tịnh mạng - vị ấy tự nuôi sống mình bằng nghề thợ gốm. Dẫu làm nghề gốm, rất cần đất sét tốt, thế nhưng Ghaṭīkāra không tự tay cuốc và đào; ông ta lấy đất từ những bờ đê sạt lở, lấy đất những nơi do chuột và cáo đào hang vung vãi ra - rồi nặn lên những chum, vại, chén, bát cùng những vật gia dụng khác.

Này đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, một nam cư sĩ thánh hạnh như vậy có xứng đáng để được gọi là người đàn tín hộ trì tối thượng chăng?

Đức vua Kikī giờ mới gật đầu, nhưng tán thán theo cách của mình:

- Ôi! Quả là tốt! Quả là hạnh khó làm!

- Còn nữa, này đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra với những sản phẩm làm ra, được nắn, nung thiện xảo, có hoa tay, có giá trị mỹ thuật - nhưng ông ta không đổi bằng vàng và bạc, không đổi bằng tiền giấy, tiền kẽm, tiền đồng, tiền xu! Khi có người đến mua, vị ấy nói:“Này thiện hữu, này bà con kính mến! Hãy lấy đi bất kỳ vật dụng nào mà mình muốn, mình thích và sử dụng được - rồi bỏ vào đây một ít thôi, cái gì mà quý vị sẵn có: Ví như vài nhúm hạt gạo có vỏ và không vỏ, một vài nhúm các hạt đậu, ít củ khoai, củ sắn, củ nâu, củ chuối... hoặc muối, hoặc vừng, hoặc thứ gì quý vị ăn được thì tôi ăn được. Chớ có mua. Đừng có mua và bán!” Này đại vương! bằng cách ấy, thợ gốm Ghaṭīkāra sinh sống không có ác mạng, không có tà mạng, không những nuôi được mình mà còn phụng dưỡng cha mẹ mù lòa rất là chu đáo, rất là hiếu hạnh. Người như thế có xứng đáng là bậc hộ trì tối thượng chăng?

- Ôi! Quả là chí thiện! Bạch đức Tôn Sư!

- Còn nữa, thợ gốm Ghaṭīkāra đã dập tắt năm hạ phần kiết sử, tâm và trí đã là vị thánh Bất Lai, trên đời này! Thế có xứng đáng với danh gọi là bậc đàn tín hộ trì tối thượng chăng, hả đại vương?

Đức vua Kikī chợt phủ phục xuống đất:

- Đệ tử, Kikī, vua nước Kāsi xin thành kính đê đầu đảnh lễ bậc đàn tín hộ trì tối thượng ấy!

Đức Phật Kassapa kể tiếp:

- Này đại vương! Một thời, ở thị trấn Vebhaliṅga, với đại y vắt vai, với bình bát cầm tay, Như Lai đến căn nhà cỏ của thợ gốm Ghaṭīkāra rồi hỏi vọng vào:

“- Người thợ gốm có nhà không?”

Cha mẹ mù loà của y hỏi lại:

“- Ai hỏi con trai của tôi thế?”  

“- Thế Tôn đây! Ông Phật Kassapa hỏi đấy!”

“- Bạch đức Thế Tôn! Con trai con đã đi vắng, nhưng y có dặn lại rằng: Nếu Thế Tôn Kassapa, bậc đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có đến - thì xin ngài hãy tự ý, tùy nghi lấy cháo ở trong nồi, lấy thức ăn ở trong chảo mà dùng!”

Rồi này, đại vương! Như Lai đã tự mình đi vào bếp, lấy cháo và thức ăn vừa đủ dùng, ngồi xuống đất, thọ thực ngay tại chỗ rồi mới trở về liêu thất.

Thợ gốm về nhà, thấy khuyết phần cháo và thức ăn, nói với cha mẹ mù loà:

“- Sao cha mẹ ăn ít quá vậy? Con nấu ăn không vừa miệng cha mẹ hay sao?”

“- Không phải vậy đâu con! Thật là hạnh phúc làm sao khi đức Thế Tôn đã tự ý vào bếp, lấy thức ăn rồi ngồi xuống đất, thọ thực ngay tại chỗ!”

Thợ gốm Ghaṭīkāra sung sướng quá, hỷ lạc phát sanh trong tâm ông suốt nửa tháng; và cha mẹ mù loà của ông thì hỷ lạc phát sanh trọn bảy ngày...

Đức vua Kikī lại chấp tay giữa hư không, cảm thán thốt lên:

- Quả thật là vi diệu! Vi diệu thay là hành trạng của người thợ gốm này!

- Lại nữa, này đại vương! Như Lai an cư mùa mưa năm đó tại thị trấn Vebhaliṇga, bấy giờ cái cốc đột ngột bị mưa dột. Như Lai nói với các vị tỳ-khưu gần cạnh:

“- Hãy đến nhà thợ gốm Ghaṭīkāra, trông xem đâu đó có cỏ, có lá, có tranh không!”

Một hồi lâu, chúng đi về và thưa rằng “có”!

“- Vậy thì đi lấy về đây, lợp lại cái cốc của Như Lai đã bị mưa dột!”

Thế rồi, các vị tỳ-khưu đến nhà người thợ gốm, chẳng thưa chẳng hỏi, chẳng nói lý do gì cả - đã tự ý leo lên mái nhà, và gỡ tranh của người ta!

Cha mẹ mù loà của người thợ gốm, nghe sột soạt trên mái, hỏi vọng lên:

“- Ai đó? Ai làm gì trên mái nhà của tôi?”

“- Chúng tôi đến gỡ tranh!”

“- Quý vị là ai mà tùy tiện quá vậy? Nhà chúng tôi đang ở mà!”

“- Thưa đại huynh, đại tỷ! Chúng tôi là tỳ-khưu! Cái cốc của đức Thế Tôn bị mưa dột!”

Cha mẹ người thợ gốm nghe vậy, mau mắn nói:

“- Vậy thì hãy lấy đi, chư tôn giả! Hãy lấy hết đi, chư tôn giả! Chúng tôi thì không sao, nhưng đức Thế Tôn thì không thể ở chỗ ướt dột được!”

Người thợ gốm về nhà, nhìn lên, thấy tranh mất nhiều mảng, nhiều tấm, hỏi lý do, cha mẹ ông trình bày lại tự sự. Thế là hoan hỷ quá, cũng như lần trước, hỷ lạc trong ông phát sanh đến nửa tháng. Còn cha mẹ ông thì hỷ lạc phát sanh trọn cả bảy ngày!

Đức Phật Kassapa kết luận:

- Đấy là câu chuyện về người đàn tín hộ trì tối thượng của Như Lai. Ghaṭīkāra rất nghèo lại sanh thuộc hạ cấp. Như Lai đã nhận lời an cư mùa mưa do ông ta hộ độ. Thật tình mà nói, ông ta đâu có thượng phẩm, mỹ vị mà dâng cúng như đại vương; chỉ có sắn khoai rau củ gì đó thôi - làm sao dám sánh với đại vương được!

Đức vua Kikī hân hoan phát sanh, hỷ lạc phát sanh, bừng bừng cả từng chân tơ kẽ tóc - thốt lên:

- Không! Trăm phần, ngàn phần công đức của đệ tử - dẫu cho thượng vị loại cứng, loại mềm... cúng dường một hai năm, cho đến cả trăm năm - cũng không thể bằng một phần của người thợ gốm Ghaṭīkāra, người đàn tín hộ trì tối thượng ấy!

Thế rồi, ngay ngày hôm sau, đức vua cho quân binh vận chuyển vật liệu làm nhà, năm trăm xe gạo có vỏ và không vỏ, năm trăm xe thực phẩm khô và đồ gia dụng các loại - tức tốc lên miền Bắc, đến tại thị trấn Vebhaliṅga tìm đến nhà người thợ gốm. Họ chẳng nói lý do, tự động làm lại một tòa nhà chắc bền với những loại gỗ tốt, sàn tường đều được lát gỗ quý và gỗ thơm. Họ cũng tự động làm các công trình phụ, các kho lẫm...

Sau đó một vị văn quan đại thần đã được sự chỉ dạy của đức vua, khôn khéo nói rằng:

- Này tôn giả! Này bậc hiền trí! Hãy sử dụng căn nhà mộc mạc nầy! Hãy thọ nạp cả một ngàn xe lương thực và thực phẩm nầy. Hãy làm tất cả các thiện sự! Hãy làm các công đức tùy thích. Hãy hộ độ, cúng dường đức Thế Tôn Kassapa và đại chúng tỳ-khưu! Tất cả đây chỉ là chút tấm lòng thành của đức vua Kikī, nước Kāsi tại Bārāṇasī - Nó thật không đáng kể gì, so với công đức vô lượng của tôn giả - những công đức chí thiện, trắng bạch như vỏ ốc!

Thợ gốm Ghaṭīkāra là bậc có thắng trí, biết tất cả mọi việc xẩy ra - nên cũng không khách sáo gì, hoan hỷ thọ nhận; và nói một lời cũng mang rất nhiều ý nghĩa:

- Cầu nguyện cho đức vua chí tôn thấy rõ pháp, thâm đạt pháp - rồi chúng ta sẽ cùng nhau tao ngộ nơi cõi Vô Sanh Bất Tử!

Đức Phật kết luận:

- Thợ gốm Ghaṭīkāra cuối đời, mệnh chung - nhưng ông không an nghỉ ở tịnh cư thiên, mà nguyện sanh ở phạm thiên giới - làm người hộ pháp cho giáo pháp đức Thế Tôn SakyāG Gotama - một người bạn cũ!

Như vậy, giáo pháp của Như Lai, nói chung là của chư Chánh Đẳng Giác đều giống nhau, trong đó, có chúng sanh nhỏ, căn trí sâu dày - tu tập công hạnh thành bậc thánh nhân - đến nỗi, chúng sanh lớn như đức vua Kikī kia, dẫu phú quý, cao sang hiển hách cũng phải tán thán, tôn xưng, đảnh lễ, cúng dường người thợ gốm giai cấp thấp thỏi. Ôi! Tính chất vi diệu ấy thì biển thế gian làm thế nào so bì được!

Thời pháp hôm ấy của đức Phật có ba điều lợi lạc vi diệu sau đây:

Thứ nhất, đức vua, hoàng hậu, các quan đại thần, đại gia chủ, đại danh gia... đã chuyển hướng cách nhìn, không dám tự phụ mình là người có quyền uy hoặc giàu sang nữa; không dám coi khinh các giai cấp thấp kém và những người có ít của cải, tài sản.

Thứ hai, hội chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni được mở sáng mắt, biết kính trọng phải lẽ những cư sĩ tuy nghèo nhưng có đời sống thánh hạnh, thanh tịnh mạng, hộ trì Tam Bảo bằng tín, giới, tâm và tuệ của mình. Họ còn học được bài học, sẵn sàng từ chối đức vua dù thượng phẩm, mỹ vị - mà nhận lời người cư sĩ nghèo với sắn, khoai, rau củ!

Thứ ba, các giai cấp thấp kém không còn mặc cảm tự ti về dòng dõi hay tài sản - mà cảm thấy mình bình đẳng trong giáo pháp coi trọng các giá trị tinh thần hơn cái vinh hoa và hào nhoáng của thế giới vật chất.

Một làn gió mát mẻ, trong lành của giáo pháp đang rì rào thổi qua nhân sinh và xã hội, nhất là kinh thành Sāvatthi!

 

3.33- Một doanh gia thành đạt. 

Do nhu cầu nghe pháp, tại Kỳ Viên, đức Phật phải thuyết thêm hai thời pháp nữa, riêng cho hai hàng cận sự nam nữ. Nhân dịp này, đức Phật khuyến khích mọi người nên thọ trì bát quan trai giới - mỗi tháng hai ngày, bốn ngày hay sáu ngày.

Cuối thời pháp, có một người thanh niên, tướng người cao lớn, phương phi, ăn mặc có vẻ thương gia - xin được sống đời xuất gia.

Đức Phật biết rõ nhân, biết rõ duyên, biết rõ người ấy là ai, nhưng ngài cũng hỏi:

- Dòng dõi, xuất thân, sở học, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình của ông như thế nào? Và nguyên nhân bởi đâu mà ông lại lựa chọn đời sống xuất gia không cửa, không nhà?

Người thanh niên kể:

- Con sinh ra trong một gia đình Vệ-xá (thương gia, các công nghệ) tổ tiên, dòng dõi làm ăn buôn bán nhiều đời. Do gia đình khá giả, con được học hành tương đối vững chắc từ thuở ấu thơ. Lớn lên, con kế nghiệp thân phụ đi buôn bán đường xa. Các quốc độ ven hai bờ sông Gaṅgā, sa mạc miền Tây Bắc cho chí các bờ biển phương Đông, phương Nam chẳng có đâu mà không có vết chân của con. Làm giàu - là phương châm của tổ tiên, dòng họ; con trai Vệ-xá là phải biết chịu thương, chịu khó, chấp nhận mọi gian khổ; không tạo ra được sản nghiệp bằng mồ hôi, nước mắt, bằng bàn tay và khối óc của mình - thì không xứng đáng là con trai dòng dõi thương nhân. Và suốt mười năm qua, con đã không hổ thẹn mang dòng máu của tổ tiên.

Bạch đức Thế Tôn! Biết bao nhiêu lần bị sự thúc hối của cha mẹ, nhưng con không muốn lập gia đình. Con biết rõ giới cấp của con. Họ là những người có nghị lực và ý chí. Bạc tiền đối với họ là mục đích tối thượng trên cuộc đời. Sau những chuyến hàng đường trường gian khổ, đôi khi thiếu củi, thiếu nước, thiếu lương thực! Đôi khi bị bọn cướp, thổ phỉ hoặc các sắc tộc săn đầu người trang bị vũ khí tấn công. Chết là chuyện thường, sạt nghiệp cũng chuyện thường mà bỏ mạng dọc đường cũng là chuyện thường! Phải nói là họ đánh đổi mạng sống để kiếm tiền. Hàng mua một họ bán mười, có món lời gấp trăm! Do vậy, họ ăn chơi, hưởng thụ đôi khi còn hơn cả con vua, cháu chúa! Gian khổ, kiếm tiền và hưởng thụ - nó là một vòng tròn loanh quanh luẩn quẩn không bao giờ thoát ra, không bao giờ có thể thoát ra. Con và họ có đời sống tương tợ nhau. Chỉ có điều con khác họ là con có suy tư, có đăm chiêu, có chiêm nghiệm; đôi khi còn tự vấn, tự đáp lặng lẽ trong lòng mình. Còn họ thì không. Họ thỏa mãn, sung sướng, tự hào và hãnh diện. Con khác họ điều thứ hai nữa là khi bán lấy lời quá nhiều là con cảm thấy áy náy, khó chịu vô cùng. Ôi! Cái tiền bạc này nó có cái gì như dơ bẩn, như ma quỷ chứ không trong sạch, tốt đẹp chút nào. Cuối cùng, là sau mỗi cuộc hưởng thụ, ăn chơi phù phiếm ấy, con đều cảm thấy chán nản, ghê tởm. Chán nản, ghê tởm cái bề trái của cuộc đời - và chán nản, ghê tởm cả với con thú ở ẩn trong lòng mình nữa!

Bạch đức Thế Tôn! Cha mẹ con là đại phú gia, họ có hạnh phúc đâu? Cha con năm thê, bảy thiếp. Các bà vợ luôn luôn gấu ó, cắn xé nhau. Những người con trai con gái luôn luôn dòm ngó của cải, tài sản. Sự chân tình và sự thương yêu thật sự không có mặt! Các gia đình bạn hữu phú gia của con cũng tương tợ thế: Là tan hoang, trần trụi một đời sống vật chất, bản năng! Nếu ai có tín ngưỡng thì tin bậy, tin bạ vào trăm cái ông thần quỷ quái chỉ ưa hiến tế đồng nam, đồng nữ, đầu và máu súc vật vô tội! Không nơi đâu có được chút bình an và bình lặng tâm hồn. Cứ mỗi một năm, đôi khi hai năm, về nhà - thấy tình cảnh ấy, con lại ra đi! Và ra đi, lại gian khổ, lại kiếm tiền, lại hưởng thụ - rồi con lại bị rơi vào cái vòng xích bế tắc cũ, không có lối thoát!

Bạch đức Thế Tôn! Con nghe danh đức Thế Tôn đã lâu qua các dặm trình xuôi ngược. Con đã nghe thoảng giáo pháp giác ngộ giải thoát của ngài. Con đã từng thấy bóng dáng của những vị sa-môn áo vàng, chỗ này và chỗ kia trên nhiều quốc độ. Con chưa rõ họ tu tập ra sao, nhưng đập vào mắt con là ai tóc râu cũng sạch sẽ, ai y áo dù cũ rách hay nhiều tấm vá nhưng trông đều tươm tất. Không ai có vẻ lập dị hoặc đóng bộ ta đây là người tu hành! Cái ấn tượng nhất là rất nhiều vị trưởng lão, rất già, nhưng đi đứng khoan thai, tự tại, trong lòng dường như không vướng bận điều gì, không dính mắc điều gì! Nhìn họ, con cảm giác rất quen thuộc, dường như đời sống này con đã từng sống qua!

Bạch đức Thế Tôn! Mấy ngày hôm nay, mấy trăm xe hàng của con và bạn hữu đang từ sa mạc Tây Bắc đi xuống, đang dừng chân tại kinh đô này. Thấy mỗi chiều chiều, rất đông đồng bào các giới mang hương hoa, dầu đèn, lễ phẩm tấp nập đổ về Kỳ Viên. Con đã đoán là đức Thế Tôn có lẽ đang thuyết giáo ở đó. Trong lúc bạn hữu đang tìm nơi du hí thì con theo họ đến đây. Con đã nghe được ba thời pháp. Thời pháp nào cũng thấm thía. Thời pháp nào con cũng hoan hỷ. Thời pháp nào cũng dường như đưa con hướng đến một đời sống tinh thần cao đẹp. Và con biết chắc, tin chắc là con đã lựa chọn đúng đắn - khi con muốn sống đời xuất gia phạm hạnh, bạch đức Thế Tôn!

Trình bày tóm tắt nhưng khá đầy đủ, khúc chiết về nhân và quả, trí và tâm - về cuộc đời của mình, thanh niên thương gia phủ phục xuống với năm vóc sát đất rất mực cung kính.

Đức Phật nói:

- Này Puṇṇa (4)! Trong quá khứ, ông đã có một nhân duyên rất tốt đấy! Nhờ nhân duyên ấy ông mới có được những nhận thức như thực về bản chất của đời sống, và rồi nó đưa ông đến đây!

Rồi đức Phật kể:

- Mới cách đây thôi, sau khi giáo pháp đức Phật Kassapa tiêu hoại, ông sinh ra trong một gia đình trưởng giả bà-la-môn, thụ hưởng một đời sống ngũ dục rất sung mãn. Thời gian sau, ông chán chê, ghê tởm ngũ dục nên đã từ bỏ tất cả, nên non cao, dựng một am thất sống đời xuất gia đạo sĩ. Tại sườn núi bên cạnh có một vị Độc Giác Phật đang tĩnh cư. Hôm ngài nhập diệt, ánh sáng tỏa khắp một vùng - do vị ấy trú quang định trước khi chấm dứt hơi thở. Thấy ánh sáng diệu kỳ, ông tìm đến, thấy một đạo sĩ già ngồi xếp bằng, an nhiên thị tịch. Khởi tâm kính mộ, ông đã chịu khó lặn lội khắp cả khu rừng, tìm lấy tất cả mọi loại gỗ thơm rồi hỏa táng nhục thân của Phật Độc Giác. Nhờ phước báu ấy, mà cũng nhờ nhân duyên ấy, ông tái sanh, hóa sanh nhiều kiếp trời và người. Kiếp này, ông lại được sinh ra trong một gia đình cự phú, tại xứ Sunāparanta, nơi một bến cảng sầm uất - tên là Suppāraka - có phải vậy không, Puṇṇa?

Đức Phật vừa mới hé mở một chút quá khứ đã làm cho tâm tịnh tín của chàng thanh niên Puṇṇa càng thêm được củng cố, tăng trưởng.

 

3.34- Đức hạnh nhẫn nhục

của Tỳ khưu PUṆṆA (PHÚ-LÂU-NA)

Sau khi cho chàng xuất gia xong, đức Phật dành thì giờ khá lâu giảng cho Puṇṇa nghe về giáo pháp căn bản, đời sống sa-môn, thiền định và thiền quán - rồi nói rằng:

- Ông là người có căn trí, Như Lai trang bị cho ông như vậy là vừa đủ. Vậy từ nay, ông có thể tự mình với tam y, nhất bát lên đường được không, Puṇṇa?

- Có thể được, bạch đức Tôn Sư!

- Nếu Như Lai để cho ông tự lựa chọn trú xứ - thì ông có thể đi đâu, Puṇṇa?

- Đệ tử có thể trở lại quê nhà - tại xứ Sunāparanta!

- Như Lai biết rõ rằng, dân chúng xứ Sunāparanta đa phần sống theo những giáo phái cuồng tín, bản chất họ còn rất hoang dã. Thô ác, hung bạo, dữ tợn là tâm tánh của họ. Vậy nếu họ nhục mạ, phỉ báng, mắng nhiếc ông thì ông phải làm sao? Có chịu đựng nổi không?

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu có trường hợp họ đối xử với đệ tử như thế - đệ tử vẫn tâm niệm họ là người tốt. Tại sao vậy? Thưa, vì họ mới chỉ nhục mạ, phỉ báng, mắng nhiếc đệ tử bằng lời nói - chớ họ chưa đánh đập đệ tử bằng tay hay bằng chân!

- Thế nếu họ đánh đá ông bằng tay, bằng chân - thì ông làm sao?

- Thưa, đệ tử vẫn cảm ơn họ - vì họ vẫn chưa dùng đá, gạch, sỏi để quăng ném đệ tử!

- Vậy giả dụ họ sử dụng đá, gạch, sỏi quăng ném ông thì sao hả?

- Thưa, đệ tử vẫn cảm ơn họ như thường - vì họ chưa sử dụng đùi gậy.

- Vậy nếu, không những họ dùng đùi gậy đánh đập ông, mà còn cả dao bén và kiếm sắc đâm chém ông nữa - thì ông phải làm sao?

Đến đậy, chợt tỳ-khưu Puṇṇa mỉm cười, biểu lộ sự tự tin vô hạn:

- Bạch đức Thế Tôn! Cho dẫu mà như thế chăng nữa - thì đệ tử vẫn sẵn có đủ áo giáp của tâm nhẫn và tâm từ để chịu đựng và thương yêu họ - vì họ dù đâm dù chém nhưng vẫn chưa giết hại đệ tử!

- Vậy nếu họ giết ông thì sao?

- Thì đệ tử vẫn cảm ơn họ - vì họ đã xả bỏ giùm cái thân giả hợp, bất tịnh này!

Đức Phật tán thán:

- Lành thay, Puṇṇa! Lành thay, Puṇṇa! Với tâm niệm ấy, với hành trang nhẫn và từ ấy - ông có thể vô ngại đến sống ở xứ Sunāparanta. Và rồi ông sẽ nhiếp phục, cảm hóa được người dân bản chất thô ác và hung bạo ấy. Như Lai chúc lành cho ông!

- Tri ân đức Tôn Sư! 

- Sớm mai, ông sẽ tự mình bộ hành, trở về quê quán mà hành đạo. Lúc nào gặp khó khăn quá, cứ khởi tâm tưởng nghĩ đến - thì tức khắc, Như Lai hoặc hai đệ tử ưu tú của Như Lai sẽ có mặt ngay ở bên cạnh.

Hôm sau, khi vị tân tỳ-khưu Puṇṇa lên đường rồi, đức Phật nói với hai vị đại đệ tử, có cả Ānanda bên cạnh nữa:

- Sau này, tại bến cảng Suppāraka(5) ấy, chỉ một mình Puṇṇa là đủ sức giáo hóa chúng ngoại đạo; bên cạnh ông ta sẽ có năm trăm cận sự nam và năm trăm cận sự nữ rất có tâm tín đạo, nhiệt tình, hộ pháp rất đắc lực.

 

3.35- Một nghệ sĩ kỳ lạ 

Trong lúc hai vị đại đệ tử và các bậc trưởng lão thu xếp, sắp đặt công việc để làm một cuộc du hành về phương Nam - thì đức Phật ôm bát đến tư gia vợ chồng trưởng giả Assalāyana và Candavatī. Cả hai người đều là những cận sự tín đạo, thuần thành.

Biết tuổi thọ cả hai người sắp mãn, cần phải có chỗ trú tâm vững chắc nên đức Phật chỉ giảng sơ lược về các pháp thanh tịnh và cách thức trú tâm vào các pháp thanh tịnh ấy.

Đặc biệt, đức Phật chỉ nói đến giới và tâm. Giới thanh tịnh từ lâu được hiểu là thân và khẩu thanh tịnh. Tuy nhiên, đối với người cận sự nam, cận sự nữ - chỉ cần không nói lời xấu ác, không hành động xấu ác là đủ gọi là giới thanh tịnh rồi. Về tâm, cũng tương tợ như thế, chỉ cần không suy nghĩ những điều xấu ác, không hận, không sân đã là tâm thanh tịnh rồi.

Bên cạnh, lúc ấy, có thanh niên Mahākoṭṭhita, là con trai lớn của hai ông bà, đang đứng quạt hầu - đột ngột chấp tay thưa hỏi:

- Bạch đức Thế Tôn! Giáo pháp của ngài sao mà giản dị và dễ hiểu đến thế? Lại còn đi trực tiếp ngay vào sự hành trì, cụ thể và thiết thực nữa.

Đức Phật mỉm cười:

- Hóa ra ông đã từng nghe ở đâu về giới thanh tịnhtâm thanh tịnh này rồi?

- Thưa vâng! Các giáo phái trong và ngoài truyền thống Vệ-đà, các thanh tịnh này đều rơi vào khổ hạnh cực đoan. Ví dụ như tịnh khẩu, treo thân lên, nhịn ăn ép xác, nằm bàn chông, nằm trên đất! Nói tóm lại là làm cho cái thân khô kiệt đi thì thân khẩu mới thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì phải ghép mình vào cúng tế, cầu nguyện, đọc thần chú hoặc luyện yoga...

- Vậy thì ông thấy có sự khác biệt nào giữa họ và Như Lai hay sao?

- Thưa, thân khẩu ý - tâm - là một vận hành tương quan, tương tác. Từ ý nghĩ khởi sanh rồi làm việc, sinh hoạt, ăn uống, đi đứng ngồi nằm - nếu được giác tỉnh - thì ta dễ thấy rõ cái gì là xấu ác, cái gì là lành tốt. Từ chỗ này mà hành trì, tu tập - như lời dạy vừa rồi của đức Thế Tôn thì giản dị, dễ hiểu và giá trị thiết thực vô cùng. Chính con tâm đắc ở chỗ này!

Đức Phật mở lời khen ngợi:

- Như Lai mới giảng giải sơ lược giới, tâm thanh tịnh cho người tại gia - ông mới nghe qua mà đã lần được vào giới, tâm thanh tịnh của bậc xuất gia rồi đấy, này Mahākoṭṭhita!

- Con không dám!

Chợt nhiên, đức Phật hỏi:

- Sở học của ông như thế nào, này Mahākoṭṭhita?

- Con được cha mẹ cho các thầy bà-la-môn rèn cặp từ năm sáu tuổi. Đến năm mười tám tuổi thì con đã nghiên cứu hết mọi tư tưởng của các giáo phái trong và ngoài truyền thống Vệ-đà; nhưng không biết tại sao, tâm trí con không dính ở đó. Con có điều đặc biệt hơn mọi người, bạch đức Thế Tôn!

- Hãy kể cho Như Lai nghe những cái đặc biệt ấy với nào?

- Cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của con đều rất tinh tế và nhạy cảm.

- Ví dụ?

- Thưa, thấy một chiếc lá rơi, con cũng xúc động! Thế là con ngồi con quan sát, chăm chú xem thử chiếc lá ấy nó có màu sắc như thế nào, khô vàng như thế nào rồi rơi rụng như thế nào. Lắng nghe cho kỹ, khi chiếc lá rơi, nó có âm thanh, nó có ngôn ngữ, có tiếng nói riêng của nó! Con nghe được, bạch đức Thế Tôn!

- Nó nói như thế nào, này Mahākoṭṭhita?

- Thưa, nó ngậm ngùi, nó thở dài, nó tiếc rẻ cả một đời xuân xanh! Con thương nó quá!

- Đúng vậy, nó cũng bị sanh, bị tử vậy.

- Vâng! Còn nữa, khi nghe một tiếng chim! Ồ, không đơn thuần chỉ là tiếng chim đâu. Không biết bao nhiêu là cung bậc, bao nhiêu là tiết tấu, bao nhiêu là tâm sự, nỗi lòng, bao nhiêu là tình cảm buồn vui xen trộn phức tạp! Rồi còn hằng trăm giọng chim khác nhau nữa! Là cả một thế giới bất khả tri lượng.

Con đã sử dụng hằng chục loại đàn, nhưng sau đó, rất mau chóng con cảm nhận sâu sắc và bi thảm rằng, các nhạc cụ của thế gian thảy đều bất lực.

Rồi còn âm thanh của gió, của suối, của sóng, của dế giun, của ếch nhái, của mưa rơi, của giông bão... lại càng bất lực hơn nữa. Ngay như tiếng gió đi qua rừng trúc, rừng thông, qua núi đá, qua sa mạc, qua núi lửa, qua thôn làng, qua phố thị, qua biển rộng, sông dài, qua những đền đài, phế tích lịch sử... thì nó đã có những ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau rồi...

Đức Phật mỉm cười:

- Thuở còn là thái tử ở trong Cung Vui, Như Lai cũng biết sử dụng tất cả các loại nhạc cụ, sau đó, Như Lai thường hay thổi tiêu, nó cũng chuyên chở được chút ít nỗi lòng thuở ấy. Sau đó, Như Lai cũng mau chóng cảm giác là chúng bất lực - như ông cũng đã từng có cảm giác bất lực đấy, này Mahākoṭṭhita!

- Thật là thú vị!

- Ừ, thật thú vị! Còn tiếng gió nữa! Cái ngôn ngữ của gió - thì Như Lai đã từng nghe, từ đêm này sang đêm khác...

Thanh niên Mahākoṭṭhita cảm giác như gặp người tri âm, tri kỷ, thốt lên:

- Hóa ra đức Thế Tôn là một đại nghệ sĩ! Có phải đức Thế Tôn từng nghe tiếng gió lúc thì nó cuồng nộ, lúc thì nó bình hòa, lúc thì nó thanh thản, lúc thì nó thật là thê lương, thật là hư vô... có phải thế chăng?

- Ừ. Đúng vậy!

Im một lát, chàng thanh niên nói tiếp:

- Trăng sao con cũng cảm xúc, sương mù con cũng cảm xúc, một đỉnh núi đá trơ vơ con cũng cảm xúc, một phế tích, một đền đài cổ kính rêu phong... con cũng cảm xúc và rung động.

Nói tóm lại, là mắt tai mũi lưỡi thân ý của con cảm nhận ngoại giới không chỉ ở bình diện bên ngoài, nó lặn sâu vào trong. Do vậy, không những con là một nhạc sĩ, mà con còn làm thơ, hoạ sĩ, cả làm thầy khắc chạm nữa! Con chỉ muốn lưu giữ thực tại trong từng khoảnh khắc! Con muốn lưu giữ thực tại như nó đang là! Nhưng mà bất lực! Mọi thiên tài nghệ sĩ đều bất lực!

Ôi! Con yêu tất thảy vẻ đẹp của đất trời, đồng thời con cũng yêu cả nguyên động lực hủy diệt cái vẻ đẹp ấy. Tại sao vậy? Vì hủy diệt sau đó lại sanh hóa, hay nó chính là năng lực của sự sanh hóa? Ở chỗ này, đôi khi nó làm cho con bối rối và bất an, bạch đức Thế Tôn!

- Đúng vậy! Điều mà ông bối rối và bất an - chính là điều mà Như Lai đã từng bối rối và bất an!

Nhưng mà này, Mahākoṭṭhita! Chính do năng lực sinh thành và hủy diệt ấy của vạn hữu nên mới có được những tâm sự như trên... khiến cho các nhà nghệ sĩ tạo nên thơ, nhạc, hội hoạ, điêu khắc ... Họ muốn chụp bắt vĩnh cửu, mô tả thực tại hoặc tái hiện nỗi lòng, này chàng trai! Và vì bất lực nên biết bao nhiêu thiên tài nghệ sĩ đã đau khổ, đã thống khổ... sống đời lập dị, bị tâm thần hoặc si cuồng, điên loạn.

Sự ngây thơ và ấu trĩ trong nhận thức ấy đẩy họ đi đến thế giới hư tưởng, vọng tưởng, hoang tưởng... lúc nào không hay! Đây mới chính là vực thẳm hoặc hư vô thật sự đấy, này chàng trai! Sự sinh thành và huỷ diệt ấy là cái tất định của vạn hữu mà - vì nếu không có những luật tắc thiên nhiên và tự nhiên ấy thì một hạt bụi, một mầm xanh trên thế gian này cũng không tồn tại!

Tại sao, không một ai trong số họ, hiện quán, hãy ngắm nhìn vào bên trong, để thấy rằng, bên trong ấy cũng có sinh thành và hoại diệt. Một tâm niệm cũng được tham lam, sân hận, si mê chúng tạo tác, sinh thành và hoại diệt? Rồi chúng sinh ra sầu bi khổ ưu não!

Giáo pháp của Như Lai được thiết lập ngay tại chỗ này - và đó mới chính là nhận thức về khổ đế một cách thông minh, trưởng thành, có chiều sâu, như chân như thực, này chàng trai!

Thanh niên Mahākoṭṭhita rúng động cả châu thân. Trầm ngâm một hồi, chàng lại hỏi:

- Vậy thì cái sinh thành và hủy diệt của ngoại giới... tạo nên bi, khổ... là ảo tưởng, là māyā à, thưa Tôn Sư?

- Điều ấy, chính ông phải tự vắt tay lên trán mà chiêm nghiệm lấy, này chàng trai!

Đức Phật mỉm cười, không trả lời gì nữa cho chàng trai, dầu được hỏi.

Về lại Kỳ Viên, đức Phật kể chuyện ấy rồi nói với hai vị đại đệ tử:

- Mahākoṭṭhita - con trai của ông bà trưởng giả Assalāyana và Candavatī sẽ tìm đến đây xuất gia trong vài ngày tới. Sāriputta có duyên làm thầy tế độ. Moggallāna có duyên giáo huấn, dạy dỗ. Vậy hai ông ở lại đây ba bốn hôm nữa. Như Lai, và đại chúng sẽ lên đường trước. Sau đó, hoặc muốn ở tại đây hoặc muốn đi đến Rājagaha, Vesāli hay Kapilavatthu... thì hai ông cứ tùy nghi công việc.

Đúng như đức Phật dạy, hai hôm sau, chàng trai nghệ sĩ kỳ lạ ấy đến Kỳ Viên; và cuộc lễ xuất gia đã diễn ra sau đó.

Có điều hy hữu được nói lên, là khi đang cạo tóc, Mahākoṭṭhita đoạn lìa tất thảy mọi tà kiến, chánh kiến phát sanh. Và sau khi vừa mặc y xong, ông đắc quả A-la-hán, được luôn cả tứ vô ngại giải.

Hai vị tôn giả biết là vị tân tỳ-khưu này, về sau, sẽ trở thành một pháp khí đặc biệt. Ông ta sẽ có ngữ, nghĩa, pháp, biện đều vô ngại - nhưng lại có duyên với giới nghệ sĩ, sẽ sử dụng ngôn ngữ của giới nghệ sĩ để cứu độ họ, dẫn dắt họ vào miền nghệ thuật tối thượng là sự im lặng và bình an vĩnh cửu của tâm hồn!

 


(1) Theo Đức Phật và Phật pháp của ngài Nārada thì hạ thứ 8, đức Phật ở tại rừng Bhesakalā gần tảng đá Sumsumāra, thị trấn Bhagga.

(2) Theo Pháp Hiển, hai dấu chân cách nhau 15 do tuần. Dấu chân trên đỉnh có xây một bảo tháp cao 400 bộ, được trang hoàng bằng châu báu.

(3) Có rất nhiều A-tu-la vương. Đây là A-tu-la vương biển Nam - Còn các A-tu-la vương biển Đông, Tây nữa. Trên đất liền cũng có rất nhiều. Riêng A-tu-la vương cõi trời có tên là Vepacitta - Asurina.

(4) Puṇṇa này quê ở tận Pagan - Myanmar bây giờ - khác với Puṇṇa cháu của tôn giả Koṇḍañña, con của bà Mantānī nên có tên là Puṇṇa-Mantānīputta ở tại Kapilavatthu - vị này (vị sau) đã đắc quả A-la-hán vào hạ thứ hai của đức Phật, nổi danh đệ nhất thuyết pháp.

(5) Tên một giang cảng của nước Sunāparanta (hoặc Aparanta). Theo tự điển Pāḷi Proper Names thì ngày nay là nước Miến Điện, nằm bên phải con sông Irrawaddy, gần Pagan. Từ Suppāra (Suppāraka) đến Sāvatthi xa 120 leagues (01 leagues bằng 03 dặm Anh, tức 4,8 km; vậy 120 leagues là 570 km). Đây cũng là địa giới gần Suvaṇṇabhūmi (Kim Địa). Đức Phật đã có một lần du hành đến đây với 499 vị tỳ-khưu A-la-hán.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn