(Xem: 1763)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2230)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

4.40- Chỉ có Pháp hiện tại

14 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 10038)

Một Cuộc Đời - Một Vầng Nhật Nguyệt

Tập 4

←Nghe: 4.41-Tuệ quán ở đây blank

←Nghe: 4.43-Cái cán cày blank

4.40- Chỉ có Pháp hiện tại

Hôm kia, đột ngột chư vị trưởng lão như hai vị đại đệ tử, tôn giả Mahā Kassapa, Mahā Kaccayāna, Anuruddha, Kimbila, Nandiya... đồng đến đảnh lễ đức Phật và trình bày một số tệ trạng đang xảy ra trong các hội chúng tăng ni ở nơi này và nơi khác. Và rồi quý ngài đúc kết tóm tắt như sau:

- Một số vị tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni không mặn mà gì lắm trong việc duy trì hạnh trì bình khất thực chánh mạng, họ chỉ thích tầm cầu sự sự thọ thực được mời mọc, nghinh đón của hai hàng cư sĩ về các lễ trai tăng, lễ tân gia, tụng kinh lễ động thổ xây cất, lễ tang, lễ an lành trong gia đình, lễ may mắn trong kinh doanh, lễ thần tài, thần thọ, lễ hướng nhà, hướng cửa. Và chúng lấy việc ấy làm lẽ sống chính, không chịu công phu tu tập giới, định, tuệ.

- Một số vị khác được các phú gia, thương gia tín tâm hộ độ tứ sự nên họ tùy tiện kêu gọi xây dựng cốc liêu khá sang trọng cho mình. Từ đó họ thích sống một mình với lợi dưỡng có đủ, yên tịnh một mình, không chịu sinh hoạt với tăng, tụng đọc giới bổn và làm lễ sám hối vào các ngày bố-tát; càng ngày họ càng muốn rời xa tăng chúng.

- Một số vị có tu tập, nhưng cứ đắm chìm mãi trong các tầng thiền, hỷ tham, lạc tham ở đấy chớ không xuất ly để tiến bộ thêm.

- Một số chư vị có giới, có định, nhưng cứ thích tầm cầu những khả năng phép lạ này, khả năng phép lạ kia chứ không chịu tu tập nội quán, minh sát để lắng dứt tham sân si, phiền não.

- Một số khác nữa lại không chịu sự quản lý, hướng dẫn của chư trưởng lão, không chịu sống chung với tăng; chúng cứ lang thang đây đó, đôi khi trú cư từ chùa viện, tịnh xá này, sang chùa viện, tịnh xá khác; lại còn phát ngôn rất hay: “Một mình một bát thong dong. Lìa mọi trú xứ, rỗng không, nhẹ nhàng!” Hoặc: “Thiên nga cất cánh thênh thang. Ao hồ bỏ lại, mây ngàn thảnh thơi!” Họ nói vậy mà không phải vậy. Đa phần là hạng biếng nhác. Họ không có một trách nhiệm gì, chỉ làm khổ chư sư tại những trú xứ kia phải sắp đặt chỗ ăn ở, sàng tọa và những nhu cầu cần thiết khác cho họ. Rồi vài ba ngày gì đó, họ lại bỏ đi, công việc sắp đăt, dọn dẹp, giặt rửa, vệ sinh xem như không phải là việc của họ. 

Nói tóm là phần đông chúng không chịu tu tập hướng đến ly tham, chánh trí, giác ngộ, giải thóat; vậy xin đức Thế Tôn tùy nghi giáo giới để cho sinh hoạt giáo hội được trong sáng, lành mạnh hơn, Chư tăng ni sẽ đi đúng với mục tiêu phạm hạnh hơn.

Thấy những điểm đưa ra của chư vị trưởng lão đều là quan trọng, cần yếu để duy trì nếp sống phạm hạnh nên đức Phật gật đầu đồng thuận, bảo chư vị trưởng lão công bố triệu tập ngay một cuộc họp rộng rãi, gồm đủ Chư tăng ni trong kinh thành và các vùng phụ cận tụ họp tại Kỳ Viên tịnh xá để ngài giáo giới, giáo huấn.

Rồi thời pháp hôm ấy, đức Phật triển khai năm điều do chư trưởng lão yêu cầu một cách rộng rãi hơn để phá bỏ những tệ trạng đang phát sanh:

- Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp thoát khổ, chấm dứt ưu não trên trần thế, hướng đến chánh trí, giải thoát, Niết-bàn. Vậy việc trì bình khất thực để nuôi mạng là một nhu cầu cần thiết, nhưng nó phải được điều chỉnh chừng mực, vừa đủ. Ai quá ham mê, tầm cầu những món ăn ngon bổ, những bữa trai Tăng thịnh soạn tại các tư gia thì hãy xem chừng đã rơi vào đời sống lợi dưỡng. Đời sống của vị thánh Thinh Văn đệ tử của Như Lai khi trì bình khất thực để nuôi mạng phải là:

“- Như ong kiếm tí mật thôi
Sắc hương chẳng hại, lá chồi cũng không!
Khẽ khàng chút nhụy lót lòng
Bậc thánh cũng vậy, thong dong vào làng!”
 [4]

Còn nữa, khi người cư sĩ tại gia mời về nhà cúng dường tứ sự để tụng kinh các lễ hướng nhà, hướng cửa, hướng mộ, mua may bán đắt, sinh con đẻ cái, thăng quan, tiến chức thì phải biết từ chối. Chỉ đồng ý tụng phúc chúc an lành như những bài kinh paritta, tụng kinh cho người bệnh, tụng kinh sự thật về tam tướng, sự thật về sự bất tịnh của thân, sự thật về sự sống chết tất định của đời người hầu thấy rõ lý vô thường, vô ngã tự nhiên của trời đất để chấm dứt sầu bi, ưu não không đáng có. Chư vị trưởng lão, các vị luật sư, giáo thọ sư tăng cũng như ni phải biết giáo giới cặn kẽ đệ tử của mình như vậy.

- Điểm thứ hai, ngoại trừ các đại lâm viên, đại tịnh xá do vua chúa, hoàng tộc hoặc các vị phú gia kiến tạo, xây dựng để cúng dường cho Như Lai và tăng chúng mười phương thì thường kiên cố, quy mô, có giá trị công phu và mỹ thuật; còn tất thảy cốc liêu của Chư tăng ni tự động kêu gọi xây dựng nơi này và nơi kia bên ngoài các đại tịnh xá, đại lâm viên thì không được làm như thế. Cốc liêu, sàng tọa, chỗ ở của bậc xuất gia thì phải nên giản dị, khiêm tốn, tránh những xa hoa, xa xỉ và sang trọng hơn mức bình thường. Đừng nên kiến trúc cầu kỳ, sắc màu lòe loẹt, nhiều chi tiết mỹ thuật. Vật liệu sử dụng chỉ nên bằng gỗ, bằng đất, bằng đá, bằng tranh tre dị giản và thô mộc, tránh trau chuốt láng lẩy, đẽo gọt, điêu khắc công phu; nó không thích hợp cho đời sống xuất gia phạm hạnh đâu. Đừng biến chỗ ở tạm qua đêm ấy thành sở hữu của mình. Lưu luyến chỗ ở cũng phải được xuất ly. Hiện nay, có một số vị tỳ-khưu, tăng cũng như ni đã vượt quá giới hạn, đi xa giới hạn cho phép. Do họ có duyên, có uy tín với các hàng vua chúa, hoàng tộc, phú gia, doanh gia bởi một lý do nào đó nên chư vị ấy kêu gọi hoặc gợi ý người ta xây dựng cốc liêu cho mình rất là sang trọng. Gợi ý đã là tà mạng rồi. Kêu gọi lại là tà mạng hơn. Điều này phải được chấm dứt. Các vị trưởng lão, luật sư, giáo thọ sư phải biết răn đe đồ chúng của mình và phải xử lý nghiêm túc những trường hợp đã vi phạm.

Còn nữa, do khi đã có cốc liêu, sàng tọa, chỗ ngủ nghỉ tươm tất, tiện nghi hợp với sở thích rồi thì sẽ phát sanh những điều tai hại. Cái tệ thứ nhất, là vị tỳ-khưu ấy đã rơi vào lợi dưỡng, dính mắc trú xứ, hỷ tham phát triển sẽ càng ngày càng rời xa mục đích phạm hạnh. Cái tệ thứ hai là vị tỳ-khưu ấy bắt đầu rút vào tháp ngà, chỉ thích sống một mình với một nhóm đệ tử của mình, chỉ muốn làm thầy thiên hạ chứ không còn muốn làm học trò nữa. Vậy là căn nhà bản ngã ngày càng được củng cố, tăng trưởng. Cái tệ thứ ba, là càng ngày càng tách rời khỏi sinh hoạt tăng chúng, xa lạ với tăng chúng, ngại gặp mặt tăng chúng. Tại sao? Vì ở đấy phải đảnh lễ các bậc cao hạ hơn, các bậc thầy tôn túc, trưởng lão nữa. Họ sợ sẽ bị giảm uy tín bởi nhóm đệ tử của mình từ lâu vốn coi xem mình như bậc tôn đức trưởng lão cao hạ. Về lâu về dài, những vị này sẽ tuyên bố mình “thích sống hạnh độc cư thanh tịnh” nhưng thật ra, họ ngại sám hối, họ ngại tụng giới, họ ngại gặp mặt các bậc thánh vô lậu sẽ nhìn rõ suốt tâm tư uế nhiễm của họ.

Có một số tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni có giới, có tu tập, đã đắc các định, các thiền. Định nào, thiền nào, từ cạn vào sâu, từ thấp lên cao đều đi qua hỷ, lạc, xả và nhất tâm. Đấy đều là những cảm thọ êm đềm, mát mẻ, dịu dàng, thư thái, khinh an, tĩnh lặng. Là những an vui, là những hạnh phúc vi tế, thanh lương đáng mến vô cùng. Có các định, các thiền này là tốt nhưng phải biết xuất ly để bước lên những cảnh giới cao hơn. Nếu chỉ biết dừng lại, thì coi chừng, các hỷ tham, lạc tham kia sẽ tăng trưởng; và lúc ấy họ sẽ dừng lại ở đấy, đắm đuối ở đấy, thích thú và đam mê ở đấy. Lúc đó, định thiền của họ là định thiền của ngoại đạo, của bà-la-môn giáo từ ngàn đời, đấy không phải là định giải thoát, thiền giải thoát của Như Lai đâu.

Còn nữa, có các định sâu thường phát sanh những thắng trí, những thần thông, phép lạ nếu vị ấy có hướng tâm và biết cách tu tập. Trong giáo hội của Như Lai, hiện tại, cả bảy chúng học tu, những thắng trí có được không chỉ là một vài trăm người, mà phải nói là cả hàng ngàn người hay còn hơn thế nữa. Người có một thông, hai thông, ba thông, bốn thông hay năm thông thật là không kể xiết. Nhưng Như Lai và chư vị tôn túc trưởng lão thường cặn kẽ chỉ dạy rằng, chính cái thần thông chấm dứt tất thảy phiền não (lậu tận thông) mới là mục đích rốt ráo của phạm hạnh; còn các thần thông kia, có cũng được, không có cũng không sao, chẳng quan trọng gì. Có một chuyện rất là nghiêm trọng ở đây mà đại chúng cần ghi nhớ. Một vị tỳ-khưu nếu chưa giác ngộ, giải thoát, chưa diệt tận tham lam, sân hận và si mê nếu họ đắc được ngũ thông thì chuyện gì xảy ra? Nếu có thiên nhãn thông, họ sẽ tò mò rong chơi tìm xem thế giới này, thế giới khác, xem sắc đẹp của chư thiên, cảnh giới của chư thiên cùng hằng trăm ngàn cảnh giới khác nữa. Nếu có thiên nhĩ thông thì họ sẽ tò mò lắng nghe tiếng nói của nhiều loại chúng sanh, của chư thiên các cõi trời và rất nhiều tiếng nói của thế giới khác nữa. Nếu có tha tâm thông, họ sẽ tò mò tìm biết tư tưởng của người này, tư tưởng của người kia. Nếu có thần túc thông thì họ sẽ tò mò lặn tìm vào các kiếp sống quá khứ để xem mình là ai, tên tuổi, dòng họ, hành nghiệp cùng nhân, duyên và quả ấy ra sao. Nếu có biến hóa thần thông thì họ sẽ biến thử ra cọp, ra rắn, ra người nam, người nữ, chư thiên, thành nhiều thân, xuyên tường, độn thổ, qua hư không mà chơi hoặc biểu diễn cho người khác xem để nhận được sự vỗ tay tán thưởng, sự hâm mộ, ngưỡng vọng của quần chúng! Hóa ra, thần thông cũng hay đấy, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi vị ấy còn tham danh vọng, ham lợi tài, nói chung là hưởng thụ ngũ dục? Khi ấy, đừng nói là sẽ bỏ quên mục đích phạm hạnh mà chính họ sẽ bị tấp vào bờ này, bị tấp vào bờ kia, bị chìm, bị đắm, bị mắc cạn, bị người đời vớt, bị phi nhân vớt, hoàn toàn bị mục ruỗng bên trong thì họ sẽ còn tệ hơn cả người đời, họ không còn cơ cứu vãn được nữa, hoàn toàn bị bỏ đi. Khi ấy, chìa khóa vào bốn đường ác, họ nắm sẵn trong tay.

“- Ai còn thu nhặt hoa hương
Đắm si, tham nhiễm bên đường, biết hay?
Tử thần mang kẻ ấy ngay
Như cơn lũ cuốn ngủ say cả làng!”
 (5)

“- Ai còn thu nhặt hoa hương
Đắm say, tham nhiễm bên đường chẳng thôi?
Coi chừng thần chết tới nơi.
Bắt làm nô lệ rồi đời kẻ ngu!”
(6)

Cuối cùng là những vị tỳ-khưu lang thang mà chư vị trưởng lão ở các trú xứ thường hay than phiền. Họ thường tùy nghi đến nơi này nơi kia, ăn ở năm bảy ngày rồi ra đi, tắc trách về sàng tọa, giường chiếu, tắc trách nơi nhà vệ sinh, phòng tắm hơi, chỉ làm khổ cho chư sư tại trú xứ phải bỏ ra nhiều công sức sắp xếp, dọn dẹp, vệ sinh... Vậy thì chư vị trưởng lão, các vị luật sư, giáo thọ phải giáo dục cặn kẽ về những bổn phận của thầy và trò, trò và thầy, bổn phận của một tỳ-khưu ở trong trú xứ, chung với tăng, bổn phận của tỳ-khưu khách tăng khi đến một chùa viện khác...

Hãy sống sao cho trong sạch giáo hội, trang nghiêm giáo hội để khỏi bị chúng ngoại đạo chê cười, thế gian chê cười, chư thiên chê cười; và ngay chính chư thiện nam tín nữ, huynh đệ đồng tu cũng chê cười.

- Hãy tu tập! Hãy như khúc gỗ trôi sông, không vướng kẹt ở đâu, xu hướng về biển cả, giải thoát sinh tử khổ đau ngay hiện tại này, ngay đời sống này!

 

 

 

4.41- Tuệ quán ở đây và bây giờ

Thời pháp của đức Thế Tôn hôm ấy giống như điều chỉnh toàn bộ sự lập tâm, lập hạnh sai lầm của rất nhiều tỳ-khưu tăng cũng như ni. Hướng đến giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn phải là mục tiêu tối hậu; đồng thời, sự giải thoát ấy phải ở ngay trong hiện tại này, trong đời sống này.

Một số vị phàm tăng thắc mắc:

- Hiện tại? Cái gì là giải thoát trong hiện tại?

- Trong đời sống này, cuộc đời này thì làm thế nào giải thoát được khi ai cũng đang dẫy đầy tham, sân, si như thế này?

- Ôi! Vô lượng chủng tử xấu ác, bất thiện ngủ ngầm trong tâm làm sao cắt đứt hết được bây giờ?

Biết được sự nghi ngờ, thắc mắc đã xảy ra những cuộc đối thoại, trao đổi nơi này và nơi kia trong Tăng chúng về kết luận cuối cùng của ngài vào thời pháp hôm trước nên đức Phật lại phải triệu tập Chư tăng ni, tổ chức một thời pháp khác nữa.

Lần này, đức Phật thuyết rộng rãi hơn.

- Này đại chúng! Những người có căn trí họ có khả năng giải thoát sinh tử khổ đau ngay hiện tại này, ngay trong đời sống này. Họ làm thế nào chư vị biết không? Họ thường trực thắp nơi tâm thức một ngọn đèn, vậy là cái gì xảy ra, đang xảy ra đều được soi sáng, đều được thấy rõ cả.

Cụ thể là cái gì đang xảy ra nơi thân thể, nơi cảm giác, nơi tri giác, nơi tâm hành, nơi tâm thức họ đều ghi nhận một cách trung thực; và họ luôn loại trừ cách thế xử lý chủ quan của bản ngã, theo tình cảm hoặc theo lý trì thường nghiệm riêng tư của mình. Như chân, như thực là ở chỗ đó. Sự sống, đời sống này nó luôn xảy ra trong hiện tại trong từng hơi thở, trong từng cảm giác, tri giác và trong từng trạng thái tâm lý. Bỏ quên, bất giác hay thất niệm cái hiện tại đang là ấy chính là đánh mất sự sống.

Người đời họ không thể làm được vậy. Có người không sống được trong thế giới hiện tại mới tinh khôi ấy mà họ chỉ thích sống với quá khứ.

Ôi! Quá khứ của tôi huy hoàng và oanh liệt dường bao! Tôi có sức vóc thanh xuân, tuổi trẻ; tôi có địa vị, danh vọng, bạc tiền, tha hồ hưởng thụ, vui chơi; rồi còn biết bao nhiêu là sở thích, đam mê, ham muốn góc trời, cuối biển. Có người không may mắn có quá khứ tốt đẹp như vậy, họ bất hạnh hơn. Thế là những đau thương sầu buồn đâu từ quá khứ dồn dập đổ về phủ chụp tâm trí họ. Làm họ luôn luôn hồi ức, hồi tưởng mà than thở ỉ ôi, chúng làm yếu nhược, tê liệt tất thảy mọi quan năng, mọi cảm giác, tri giác trong hiện tại. Quá khứ đã qua rồi, chỉ là bóng ma phải chăng? Là hình sương, bóng khỏi, phải chăng? Là một nghĩa địa đã chôn vùi biết bao xác chết kỷ niệm ấy, nhưng những kẻ sống với quá khứ, tầm cầu cái quá khứ thường hay bới nó lên, móc nó lên, đào cuốc nó lên bốc mùi thối hoắc: Những hận, những thù, những ghét, những oán, những sầu, nhưng não, những ưu kể cả bi hoan, ái lạc và cái gì cũng đã thối rữa cả rồi!

Tầm cầu quá khứ như vậy chỉ đưa đến phiền não, chồng chất phiền não là dĩ nhiên vậy.

Một số người khác lại thích sống với tương lai xa vời nào đó bởi ước vọng, bởi ước mơ, bởi bản ngã phóng đại, phóng vọt tới đằng trước; bởi dự báo, bởi dự định, bởi thiết định, bởi lập trình, bởi dự tưởng thế nào đó.

Ôi! Mai này ta sẽ là một thanh niên sức khỏe dồi dào như vậy, ta  sẽ có địa vị như vậy, danh vọng như vậy, vợ con xinh đẹp và nhà cao cửa rộng như vậy. Vào ra, đến đi, võng lọng, ngựa xe, hầu trai, tớ gái chầu chực hầu hạ từ nhà trong ra cửa ngoài như vậy, như vậy. Chúng đều là ảo tưởng, không thực.

Tuy nhiên, trong an vui, hạnh phúc ấy làm sao tránh khỏi những buồn đau, mất mác, thất vọng hay tuyệt vọng. Ví dụ, những bà vợ thương yêu có thể họ ngoại tình, phản bôi? Con cái có thể cứng đầu, khó dạy hoặc ngỗ nghịch, bất hiếu? Bạn bè có thể lường gạt, chơi xấu, bôi nhọ thanh danh? Rồi có thể nào có nạn vua quan, nạn nước, nạn lửa, nạn cướp bóc, nạn bão lũ làm cho tiêu tan nhà cửa, ruộng vườn? Nghĩ đến những chuyện tương lai ấy họ lại buồn thương, sầu khổ! Có quái lạ không chứ? Hóa ra, họ khổ, họ vui, họ sầu, họ lạc từ những hình ảnh, sự kiện, dữ kiện chưa hề xảy ra?

Bởi vậy, bậc trí giả, hành giả muốn có tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay hiện tại này, ngay đời sống này, đầu tiên là họ không được truy tìm, tầm cầu vào quá khứ vì quá khứ là cái đã qua rồi, đã chết rồi! Họ cũng không được vọng móng, vọng tưởng về tương lai vì tương lai là cái gì chưa đến, chưa hề xảy ra.

Rồi đức Phật tóm tắt bằng đoạn kệ:

“- Quá khứ không truy tìm 
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã qua rồi 
Tương lai thì chưa đến, 
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính là đây!..
Sau đó, đức Phật tiếp tục giảng nói với đại ý rằng:

- Chư Thinh Văn đệ tử của Như Lai chỉ sống với từng sát-na hiện tại này. Và họ biết làm thế nào để sống trong hiện tại mà không bị hiện tại cuốn trôi? Trở về với hiện tại là trở về trong sự tỉnh thức, chú tâm, chánh niệm để tiếp xúc với thực tại nhiệm mầu luôn luôn sinh động và mới mẻ, chứ đừng để mình bị chảy trôi trong dòng sông cảm giác, dòng sông tri giác, dòng sông tâm lý, dòng sông tâm thức mà bao giờ chúng cũng là hình bóng bất thực của bản ngã chiếu rọi nên, vẽ vời nên, phóng đại ra. Ở đó là tôi thương bi, tôi sầu buồn, tôi lo sợ, tôi bất an, tôi xao xuyến, là tôi như thế này, là tôi như thế kia. Họ không còn bị chi phối bởi những cái ngã ấy nữa, chúng chỉ là giọt nước cảm giác, giọt nước tri giác, giọt nước tâm lý, giọt nước tâm thức trôi chảy liên miên bất tận. Phải quán chiếu thân tâm thực tại này ngày đêm như vậy. Rỗng không và giải thoát. Đừng hẹn đến tương lai, và biết đâu, ngày mai tử thần sẽ đến gõ cửa?

... Quán chiếu bây giờ đây

Hơi thở, sự sống này

Bậc trí giả biết vậy

Chú niệm, an trú tâm  

 Bất động, không xao động

Từng sát-na hiện tiền

Hôm nay tinh cần hành

Ngày mai ai biết được

Tử thần đến bất ngờ

Làm sao xin xỏ được?

Trú như vậy nhiệt tâm,

Đêm ngày không mệt mỏi,

 Xứng gọi nhứt dạ hiền(1)

 Bậc an tịnh, trầm lặng”.

 Bài kệ này, sau này, chư vị trưởng lão như hai vị đại đệ tử, như chư vị tôn giả Mahā Kassapa, Mahā Kaccayana và Ānanda... thường hay trùng tuyên cho rất nhiều hội chúng tu học, riết rồi phần đông tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni đều thuộc nằm lòng cả.

4.43- Người ngu

Thời gian này, trong hạ này, vì muốn giáo giới chư tỳ-khưu tăng ở Kỳ Viên, trong kinh thành cũng như ở phương xa về nên đức Phật ít khi cất bước vân du. Và đây cũng là dịp cho hoàng hậu Mālika tìm đến cúng dường, nghe pháp. Cũng trong dịp này, chị của đức vua Pāsenadi là lệnh bà Sumanā xin xuất gia tỳ-khưu-ni nên vị thế của giáo hội càng nổi bật! Các gia chủ, danh gia, triệu phú và nhất là trưởng giả Cấp Cô Độc càng không bỏ lỡ cơ hội hộ độ đức Phật và tăng chúng. Do vậy, không những tăng chúng có đời sống tứ sự đầy đủ mà các kho lẫm ở chùa Kỳ Viên cũng không còn có đủ sức chứa nữa. Trưởng giả Cấp Cô Độc phải gấp rút cho xây dựng thêm nhiều phòng ốc cùng nhiều kho lẫm để chứa ngũ cốc, dầu đèn, hương liệu cùng các loại thực phẩm, hiện vật linh tinh khác.

Hôm kia, tôn giả Sāriputta đến hầu đức Phật và thưa là ngũ cốc quá nhiều, nhất là gạo không biết sẽ xử lý, phân phối ra sao. Đức Phật dạy:

- Hãy bố thí cho các trại chẩn bần.

- Thưa, cũng không hết!

- Hãy bố thí cho các nhóm tàn thực.

- Thưa, ít hôm sau các kho lẫm lại đầy!

- Vậy thì phải tìm cách sử dụng chúng vì đấy là tâm cúng dường trong sạch của chư thí chủ. Các vị sa-di, những giới tử, những người giúp việc sẽ lo phần việc nấu cơm rồi dâng cho chư trưởng lão, chư vị tỳ-khưu trong trường hợp không đi khất thực được.

- Việc phân phối gạo chỉ xảy ra một thời gian ngắn tại Trúc Lâm mấy năm về trước, bạch đức Tôn Sư! Sau đó, Chư tăng trở lại đời sống chỉ dùng vật thực trong bát mà thôi!

- Đúng vậy! Nhưng mà hãy tùy duyên, tùy nghi, không thể để cho gạo cúng dường của hai hàng cư sĩ trở thành mối mọt, hư mục được! Không những là chuyện xử lý chuyện gạo mà pháp và luật của Như Lai, sau này cũng phải được quyền biến, linh động như vậy! Hãy thông báo chuyện này với đại chúng Tăng ni, nơi nào có sự phát sanh tương tự, này Sāriputta!

Lời giáo huấn của đức Phật sau đó được ban ra. Chư vị trưởng lão tôn túc lại họp bàn, biết tìm ai là người phân phối gạo? Đấy là trọng trách, là nhiệm vụ khó khăn chứ không đơn giản chút nào! Tôn giả Moggallāna chợt giới thiệu một người mà ai cũng phải thừa nhận là tuyệt vời nhất: Đấy là vị thánh tăng Dabha Malla! Tỳ-khưu Dabha đến hạ này đã mười bảy tuổi, mười hạ rồi, là người duy nhất và đầu tiên trong giáo hội vừa tu sa-di, sau đó lại được thọ đại giới khi bảy tuổi, lúc vừa đắc quả A-la-hán. Suốt mấy năm qua, tại chùa Trúc Lâm, ngài nổi tiếng đảm đang, phân minh trong việc chăm sóc, thu xếp lịch trình đặt bát hằng ngày; bảo quản, coi sóc các kho lẫm ngũ cốc, vải vóc, dầu đèn, hương liệu ở Trúc Lâm tịnh xá. Vị thánh tăng này còn nổi tiếng khắp nơi về cái ngón tay: “Nhất chỉ quang tướng thần thông” để dẫn lối, chỉ đường đến chỗ ngụ cư cho chư thánh, phàm tăng trong những đêm tối trời!

Thế rồi, từ Trúc Lâm tịnh xá, ngài Dabha Malla phải sử dụng thần thông sang Kỳ Viên nhận nhiệm vụ mới. Và từ đó, vị thánh tăng trẻ tuổi này cầm cán cân phân phối thực phẩm rất phân minh và chu đáo. Với số hạ lạp như vậy thì được gạo hoặc thực phẩm tương đương. Và thường thường số gạo xấu, phẩm chất thô là phần cho các vị còn trẻ hoặc sơ tu. Đấy là thứ tự hình thức, là lễ giới cần thiết trong giáo pháp của đức Tôn Sư.

Hôm kia, tỳ-khưu Udāyi mặc dầu hạ lạp khá cao nhưng nhận được gạo xấu liền làm rộn lên trong phòng phát thẻ. Người ta biết vị đó còn nhiều phàm phu tính nên ai nấy đều giữ im lặng.

Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, tỳ-khưu Udāyi vẫn nhận được gạo xấu, vì thật ra gạo tốt không còn bao nhiêu, phải để dành cho các vị trưởng lão niên cao, lạp lớn. Tỳ-khưu Udāyi mặc dầu biết vậy, vẫn nói nặng lời với ngài Dabha Malla, chỉ trích và phỉ báng vị ấy.

Vị thánh tăng trẻ tuổi Dabha Malla im lặng như cái mõ bể, chỉ lo tròn bổn phận mình, không hề cãi lại. Nhưng có một số tỳ-khưu sơ tu, tập khí còn nhiều, nội tâm chưa ổn định, tham sân và uế trược chưa lắng dịu cũng nhân cơ hội ấy mà la ó lên, làm cho căn phòng phát thẻ ồn ào như vỡ chợ.

- Ngài Dabha không công bằng, nghỉ việc đi!

- Đề nghị ngài Udāyi làm thay!

Giáo hội đức Tôn Sư là tập thể dân chủ; lại biết phân công các vai trò quản lý hay các chức vụ điều hành sinh hoạt, nên cũng dễ hiểu thôi, sự đề nghị tỳ-khưu Udāyi thay thế chức vụ ấy được ngài vui lòng nhường lại ngay!

Cuộc phát gạo đã xong, thánh tăng Dabha Malla mang thẻ đến, trao vào tay tỳ-khưu Udāyi:

- Nếu hiền giả mong muốn gánh vác trách nhiệm này, tôi có một vài lời khuyên. Hiền giả phải biết tôn kính bậc nên tôn kính. Hiền giả phải biết vị nào nhiều công đức và vị nào ít công đức. Đây là việc làm không thể chiếu lệ, đại khái mà cần sự sáng suốt, định tĩnh và nghiêm túc. Nó cần sự tinh tấn, cần mẫn, chăm chuyên và chịu khó. Không thể cẩu thả, làm biếng, thiểu trí và vô trách nhiệm được đâu. Hiền giả Udāyi thân mến! Hiền giả phải biết như vậy.

Udāyi bực mình hét toáng lên:

- Sao tôn giả lại lắm điều như vậy? Tôn giả có phải là Đạo Sư của tôi đâu. Tôi biết việc mình phải làm, đâu cần phải quá nhiều lời nặng óc, nặng tai của tôn giả!

Biết cái cứng đầu và ngu si của vị ấy, thánh tăng Dabha Malla bỏ đi với ý nghĩ: “Hy vọng ông ta học được bài học và giác ngộ được điều gì đó trong khi làm công việc này! Chắc chắn đức Đạo Sư biết rõ là đến lúc nào đúng thời để thuyết giáo đến ông ta”

Thế rồi đến phiên tỳ-khưu Udāyi phát thẻ phân phối gạo. Ông ta không cần biết đến số hạ lạp và tuổi tác của một ai, không cần biết vị nào nhiều công đức, vị nào ít công đức. Ông ta ghi những cái dấu trên sàn hoặc trên tường để chỉ rõ hàng này bao nhiêu người, hàng kia bao nhiêu người. Và ông ta y cứ vào đấy, y cứ vào những cái dấu của mình mà phân phối gạo.

Đến ngày sau, dĩ nhiên là thường có một số tỳ-khưu ra đi và có một số tỳ-khưu khác mới đến. Do vậy số người nhận gạo thường thường phải thay đổi luôn, cả số thẻ và hàng. Tỳ-khưu Udāyi lại không để ý đến điều đó, cứ theo cái dấu của mình mà phát. Bởi thế, có người không nhận được gạo, và gạo tốt không vào được tay các vị trưởng lão. Người ta phản ảnh với Udāyi điều đó. Tỳ-khưu Udāyi nói:

- Sao các tôn giả không tự động đứng theo những cái dấu của tôi? Tại sao tôi lại phải tin lời các tôn giả? Tôi tin vào cái dấu của tôi hơn.

Thế rồi Udāyi gạt phăng chư vị ra một bên bằng cánh tay lực lưỡng thô bạo của mình.

Có vị tỳ-khưu có ý thức, nắm tay Udāyi lại, rồi kéo qua một bên:

- Này bạn, liệu hồn đấy! Có rất nhiều vị truởng lão không có phần, và các ngài đã không nói gì, lặng lẽ ra đi như chiếc bóng.

Udāyi sừng sộ nói:

- Tôi không cần biết là ai. Tôi đã có những cái dấu của tôi!

- Bạn vừa nói gì? Một giọng quát lớn - Bạn xúc phạm đến chúng tôi thì được. Nhưng bạn lại dám đụng đến các bậc trưởng lão đáng kính trong giáo hội này? Tôi với cái nắm tay, cái mũi của bạn sẽ như trái cà chua đỏ, và cái miệng của bạn sẽ méo qua một bên như trái xoài dập!

Tỳ-khưu to lớn kia nói xong liền bước lại. Các vị khác can ra. Ồn ào, huyên náo thế là xảy ra trong phòng phát thẻ.

Bậc Đạo Sư lúc ấy đang đi kinh hành, quay lại hỏi thị giả:

- Như một cái chợ đang họp trong phòng phát thẻ. Chuyện gì vậy?

Một lát sau, tỳ-khưu thị giả trình bày tự sự lại với đức Thế Tôn.

Bậc Đạo Sư yên lặng, mỉm cười không nói gì. Buổi chiều, trong giờ giảng pháp, đức Phật lấy đó làm đề tài, nói rằng:

- Này chư tỳ-khưu! Hãy lấy đó để làm gương, lấy đó để làm bài học, lấy đó làm điều để giác ngộ. Có một người chỉ giết một sinh mạng mà phải lấy năm trăm mạng liên tiếp để trả quả. Có những chúng sanh bị những tật, những nghiệp, những kiết sử dầu lớn, dầu nhỏ mà trải qua vô lượng kiếp chúng vẫn không làm cho nó nguội tắt đi, tốt đẹp hơn, thanh lương hơn! Nó chỉ nguội lạnh đi, tốt đẹp hơn, thanh lương hơn khi chúng thấy rõ, giác ngộ được bài học ấy. Còn nếu không thì cứ mãi mãi, liên tục bị trả quả; mãi mãi liên tục bị khổ đau và phiền não.

Như kẻ Udāyi ngu si rỗng không kia! Nó làm mất phần gạo của các vị trưởng lão, làm cho số đông tỳ-khưu bị thiệt thòi. Không phải chỉ ngày nay mới thế thôi đâu, mà một kiếp lâu xa kia, nó cũng làm cho nhiều người khác bị thiệt thòi như thế rồi. Từ đấy biết bao nhiêu là quả đau khổ mà nó phải gánh chịu. Tuy nhiên, nó vẫn không giác ngộ được bài học.

Thế rồi đức Đạo Sư kể chuyện về quá khứ đã bị che lấp như sau:

“Thuở xưa, ở nước Kāsi, tiền thân Như Lai là vị quan đại thần chuyên trách việc đánh giá của cải, tài sản, châu báu cho quốc độ. Như Lai biết đúng giá trị của từng hiện vật, từng loại hàng hóa nên sự định giá không bao giờ lầm lẫn để đem đến sự thiệt thòi cho người này hay thiệt hại cho người kia.

Nhưng đức vua vốn là kẻ tham lam, bao giờ cũng muốn lợi về phần mình, nên tỏ vẻ không bằng lòng sự công bình đúng mức của vị quan đại thần nọ. Do vậy, đức vua luôn cố tìm một kẻ tín cẩn, kẻ tri kỷ, kẻ cùng một tâm địa, kẻ cầm cán cân nghiêng về một bên.

Hôm kia, giả dạng thường dân để cùng đi du hành với Như Lai, đức vua quan sát, thăm viếng những ngôi chợ, những cửa hàng; sau đó chăm chú theo dõi một người đang đánh giá một món hàng trước cửa hiệu của y. Hàng là một bao sắn mì to nặng của người nhà quê lam lũ, nghèo khổ.

Người chủ hiệu nói:

- Giá nó chỉ bằng bốn trái cam! Vậy là giá đã hời! Cam ăn mát mẻ, thanh nhiệt, bổ dưỡng, còn sắn mì của ngươi chỉ ăn nặng bụng, thường dành cho heo, chó, gà vịt mà thôi!

- Thưa chủ! Người nhà quê khép nép nói - Không được đâu! Cam nhà cháu cũng có đấy nhưng không thể ăn no. Đây là cả một bao sắn mì to, ăn cả trăm người không hết.

Người chủ hiệu gắt:

- Mày mà biết gì nào? Sắn kia chỉ để súc vật ăn. Cam là để người ăn. Thế ra mày bảo súc vật giá trị hơn người sao? Quân này láo!

- Cháu không dám, cháu có nói thế đâu!

- Thế hãy để hàng lại. Và đây là hai xu đồng tiền vàng, hai xu vàng māsaka cơ đấy! Nhiều lắm rồi, hãy xéo đi!

Nói xong người chủ hiệu sai người vác bao sắn vào nhà sau rồi quẳng xuống chân người nhà quê hai đồng xu. Người nhà quê đứng chết lặng, miệng há hốc ra.

- Chê vàng à? Người chủ hiệu quát - Thế ra mày chê vàng à? Mày chê vàng không có giá trị bằng sắn mì? Chao ôi! Sắn thì sắn mốc, sắn meo, có xương không có thịt. Còn cam của ta kìa! Tươi roi rói, mọng mọng vàng, ngọt lịm kìa! Chê ít à? Xem chừng hai xu còn nhiều quá đấy. Một xu thôi! Nếu không lấy mà đi thì ông kêu lính bắt!

Người nhà quê kinh hãi:

- Cháu có tội tình gì?

- Sao không tội? Người chủ hiệu hăm dọa - Muốn tội là có tội ngay thôi. Mày chê vàng! Thế là mày đã chê giá trị mà đức vua anh minh xứ Kāsī này đã chế định, đã trở thành pháp quy! Thế không phạm pháp luật quốc độ là gì?

Người nhà quê xanh mặt, cúi xuống lượm hai xu rồi hốt hoảng đi như chạy không dám ngoái lại.

Vị quan đại thần đau lòng chảy nước mắt nhìn cảnh sai trái, bất công xảy ra trước mắt: Kẻ giàu có, quyền thế, lắm bạc tiền thường bức hiếp kẻ cô thế, đói nghèo! Nhưng ngài biết rõ, can thiệp vào lúc này là không có lợi, đành phải ẩn nhẫn thôi, chờ một dịp nào đấy, sẽ đem đến lợi ích toàn diện cho mọi người bằng công pháp nghiêm minh hơn chứ không phải bằng tình cảm nhất thời.

Vị quan đại thần còn biết rõ rằng, người nhà quê tội nghiệp kia, nếu không chịu lấy hai xu thì còn bị thiệt hại hơn nữa. Và nếu không bán cho người chủ hiệu này, thì dẫu cho y có đi cùng thành phố Kāsi, hàng cũng không bán được. Đấy là luật “đen”, luật “bất thành văn”, luật “phi pháp” vốn đã được thỏa thuận ngầm với nhau trong giới con buôn, của bọn thương gia bất hảo. Lại nữa, chuyện hăm dọa cho lính bắt, không phải là không thể xảy ra, vì bọn con buôn gian tham thường có cách khôn khéo đút lót cho giới chức trị vì và cả bọn công quyền, công lực nữa! Và khi mà lòng tham đã chế ngự lương tâm thì trí óc của nó đã biến thành sự gian xảo, quỷ quyệt, lật lường của loài chồn cáo!

Trong lúc Như Lai thở dài, chán ngán thay cho lòng người thì đức vua mặt mày hớn hở, tươi như hoa, miệng không ngớt tủm tỉm cười.

- Tuyệt! Tri kỷ! Thật là tri kỷ! Nhà vua thốt lên - Với người đánh giá này, xoài chín sẽ thành xoài thối, cam tươi sẽ thành cam sống, ngựa lành sẽ thành ngựa què, vàng mười sẽ thành vàng non, chuối mật mốc sẽ thành chuối hư! Ta mà có y thì chẳng mấy chốc, vương quốc ta sẽ giàu có nhất Diêm Phù Đề. Lại nữa, y còn biết bảo vệ luật pháp của quốc độ! Một công dân toàn hảo như thế mà sao từ lâu ta lại không biết kìa?

Ngày hôm sau, đột ngột, vị quan đại thần liêm chính được giấy ban khen của nhà vua cùng với một số tiền phụ cấp hưu dưỡng. Và người chủ hiệu tri kỷ của đức vua được phong quan to, thế chân Như Lai.

Vị quan đánh giá là người có bổn phận đánh giá tất cả những sản phẩm được làm ra từ nghề thủ công, từ nông nghiệp, từ lâm nghiệp cùng hằng trăm ngàn hiện vật, phẩm vật linh tinh khác! Là người cầm cán cân công lý thương mại cho cả nước. Một vật, một món hàng, quan đã đánh giá như thế nào thì hàng đó có trị giá như vậy. Đấy là luật pháp của quốc độ mà mọi người phải tuân theo.

Vị tân quan từ khi nhậm chức đã tỏ ra khả năng “siêu quần bạt tụy” của mình trong lĩnh vực này. Y đánh giá tùy sở thích, tùy cảm hứng vui buồn của mình, không đếm xỉa gì đến sự thua lỗ của người khác hoặc giá trị đích thực của món hàng như thế nào, miễn là có lợi cho đức vua là được. Đôi khi vì tức giận vô cớ, y như cướp không của người ta bằng giá cám bèo rẻ mạt. Cho nên, chẳng bao lâu, tài sản của đức vua cứ tăng lên vùn vụt như nước của trăm con sông chảy tràn vào quốc khố. Người ta bắt đầu sợ hãi không đem hàng đến bán cho triều đình nữa thì đích thân vị quan đánh giá “mẫu mực” này cho xe đi thu mua chỗ này, chỗ khác với lính tráng tiền hô hậu ủng. Mỗi ngày tài sản đổ về tràn đầy cho công khố nhưng đức vua không phải tốn kém bao nhiêu giá trị hàng hóa hay tiền bạc trao đổi cả.

Hôm kia, từ một nước ở phương Bắc, một lão lái buôn “vô phước” dẫn đến đức vua năm trăm con ngựa. Đấy là ngựa thuộc nòi giống tốt. Vua rất thích bèn kêu vị quan đánh giá tri kỷ của mình đến.

Vị quan đánh giá nhìn biết ngay là giống ngựa tuyệt hảo, một số được lai với ngựa rừng, lai với nòi giống Sindhu tối thượng. Tuy nhiên, y bắt đầu chê. Y chê con này mập quá, con này gầy quá, con kia quá cao cẳng, con này quá thấp cẳng; sắc lông con này quá hung, quá nhạt, quá bù xù; lông đuôi quá ít, bụng quá tóp, ngực quá gồ... rồi y đánh giá như sau:

- Trị giá năm trăm con ngựa tồi tệ này chỉ bằng một đấu gạo, tâu đại vương! Mặc dầu ngựa xấu, nhưng dẫn ngựa đi quá xa xôi mệt nhọc, ta nên đánh giá nới tay một chút kẻo tội nghiệp!

Nói xong, vị quan đánh giá sai người đem cho lão lái buôn một đấu gạo rồi dẫn ngựa vào chuồng, trao người chăn giữ.

Lão lái buôn chết sững, đứng im như hóa đá, không biết nói năng gì, chẳng biết khiếu nại cùng ai. Sau đó, y tức giận, đau khổ đi thất tha thất thểu như người điên. Biết chuyện ấy, người trong thành phố Kāsī ai cũng thương tình, khuyên lão lái buôn nên đến gặp quan đại thần xin ngài bày cho phương kế lấy lại ngựa.

Sau khi nghe chuyện, Như Lai trầm ngâm giây lâu rồi nói:

- Vị quan đánh giá kia chỉ là một gã tiện dân tham lam, không có trí. Đối với y, có tiền là tối mắt, có tiền thì bảo sao nó nghe vậy.

- Trăm sự nhờ ngài! Lão lái buôn van vỉ - Nhờ ngài tìm phương kế cho chứ con e không sống nổi khi sự nghiệp tiêu tan. Và hiện giờ con chẳng còn một trinh, một hào dính túi! Ngài hãy cứu con!

Như Lai đưa mắt ra xa, nói như nói một mình:

- Sự bất công, ngu muội, đảo điên xảy ra khắp nơi. Tất cả đều do tham lam, sân hận và si mê của con người mà ra cả. Dẫu ta có tìm ra phương cách đối trị mọi bất công trên xã hội thì nó cũng chỉ có giá trị tạm thời. Phải có một phương thuốc nhiệm mầu hơn, vĩnh cửu hơn có thể chẩn trị tận căn gốc, tận nguyên nhân, lúc ấy mới chấm dứt được tất cả mọi đau khổ trầm thống trên cuộc đời. Vì lòng từ với sanh loại, ta phải tìm ra con đường bất tử.

Rồi Như Lai nói với lão lái buôn:

- Trường hợp mất ngựa của ngươi không khó lắm đâu. Hãy bình tĩnh, hãy an tâm! Ta sẽ cứu ngươi. Tuy là ta cứu ngươi nhưng đồng thời, ta cũng cứu luôn cho cả quốc độ. Từ lâu ta vẫn chờ cơ hội. Nay cơ hội thuận lợi đã đến. Đức vua sẽ tự thấy xấu hổ mà ngưng đi sự tham lam ngu si của mình.

Như Lai đứng dậy, trao cho lão lái buôn một bọc tiền vàng, nói chậm rãi:

- Ngươi hãy đến trao tận tay vị quan đánh giá kia bọc tiền vàng này và nói với y rằng: “Cúi xin quan đánh giá cho thật tốt, cho thật lớn vào giá trị của đấu gạo trước mặt đức vua. Chỉ có thế thôi. Làm như vậy, quan chẳng mất gì mà lại còn được một bọc vàng này nữa”. Ngươi hãy nói với y như thế, sau đó là ngươi sẽ lấy lại được ngựa. Ta sẽ gặp nhau vào ngày mai, tại triều đình.

Lão lái buôn ngần ngừ không dám nhận bọc tiền vàng. Như Lai mỉm cười nói:

- Đấy chỉ là cái mồi để nhử con rắn tham lam đi ra khỏi cái hang của nó mà thôi. Bắt được rắn, ta lấy mồi lại chứ không mất đâu cả!

Lão lái buôn tin tưởng vào Như Lai nên vui mừng đến sa nước mắt. Y quỳ xuống ôm chân Như Lai với lòng tri ân vô hạn.

Quả nhiên, với bọc tiền vàng, vị quan đánh giá vâng dạ đủ điều.

Hôm sau, trước đầy đủ tai mắt của bá quan văn võ, có cả Như Lai, lão lái buôn quỳ lạy đức vua xong rồi nói:

- Tâu đại vương chí tôn! Con đã biết giá trị năm trăm con ngựa bằng một đấu gạo, nhưng trị giá một đấu gạo là bao nhiêu con cũng chưa rõ. Vậy xin đại vương hãy cho quan đánh giá xác định trị giá của đấu gạo để con dễ bề tính toán lúc trở về.

Đức vua không phải là người có trí nên không thấy cái mồi câu, cái lưỡi câu con rắn tham lam nằm ở đâu, bèn chuẩn tấu.

- Này ái khanh! Ái khanh hãy lập lại trị giá năm trăm con ngựa cho trẫm nghe nào!

- Là một đấu gạo, tâu đại vương!

Đức vua gục gặc đầu rồi tiếp:

- Vậy trị giá một đấu gạo là bao nhiêu, hãy cho lão lái buôn này rõ, hỡi quan đánh giá hiền thiện!

Chỉ thấy túi vàng, không thấy đức vua mà cũng chẳng thấy ai nữa cả, vị quan đánh giá đáp:

- Trị giá một đấu gạo thì quá lớn, quá nhiều, tâu đại vương! Nó phải bằng cả kinh đô Ba La Nại (Bārāṇasī) và cả vùng ngoại ô cộng lại!

Lúc bấy giờ toàn thành Ba La Nại dài đến mười hai do tuần. Còn nội ngoại thành Ba La Nại rộng lớn mỗi bề đến ba trăm do tuần. Cho nên khi vị quan đánh giá xong, tất cả bá quan văn võ đồng “ồ” lên một tiếng. Có nhiều vị đã cất tiếng nói và tiếng cười chế nhạo, châm biếm, xem vị quan đánh giá như một gã hề trên sân khấu.

Có một quan đại thần thanh liêm chính trực, là bạn thân của Như Lai, cảm thấy xấu hổ trước lão lái buôn là người nước ngoài, nên nói to với giọng mỉa mai, cốt ý cho đức vua nghe:

- Trước đây tổ tiên chúng ta nói quốc độ là vô giá. Nhưng nay chúng ta biết rằng nó có giá hẳn hòi. Ai cũng có thể mua được đức vua chí tôn và quốc độ một cách dễ dàng. Vì chỉ cần một đấu gạo, ta có thể mua nội ngoại thành Ba La Nại, dĩ nhiên là có cả đức vua, hoàng hậu, ba cung, sáu viện, điện ngọc, lầu vàng, quốc khố, quốc bảo cùng của cải tài sản của lương dân trăm họ! Ôi! Vị quan đánh giá này thật là bậc đại siêu việt, thật là bậc đại trí tuệ!

Bá quan văn võ được dịp nổ ra một trận cười thật hả dạ.

Đức vua hổ thẹn quá không biết giấu mặt vào đâu, tức giận tên đánh giá ngu si nên nổi cơn thịnh nộ, quát mắng liên hồi; rồi sau đó, tước bỏ chức vị, lấy hết gia sản của nó rồi tẩn xuất ra khỏi quốc độ.

Tuy thế, khi quay lại, đức vua thấy rõ trăm quan vẫn nhìn mình với đôi mắt thiếu thiện cảm, khinh bỉ thế nào, bèn hối lỗi:

- Trẫm có lỗi thật sự, hỡi các khanh! Trẫm nguyện sẽ chừa bỏ. Vì lòng tham nên trẫm đã u tối lương tri. Từ rày về sau, trẫm sẽ đốt lên một ngọn đèn. Ngọn đèn này sẽ thường trực chiếu sáng để soi dẫn mọi hành động hợp với đạo đức, hợp với lẽ phải, hợp với tình người.

Bá quan đồng phủ phục lạy mừng, vô cùng cảm kích thái độ cải hối sáng suốt của đức vua. Rồi họ đồng thanh tâu xin cho Như Lai phục hồi chức cũ để nắm cán cân công minh cho sơn hà xã tắc.

Đức vua thân hành đến nắm hai tay của Như Lai, cất giọng đầy xúc động:

- Chỉ có khanh, không những là ngọn đèn cho trẫm mà còn là ngọn đèn cho cả quốc độ. Khanh phải được tạc tượng bỏ lên bệ thờ cho mọi người ngưỡng mộ và tôn thờ mới phải.

Từ đó, Như Lai phục hồi chức cũ, dẫn dắt cả vương quốc theo lẽ công bằng, tự do và hạnh phúc.

Mệnh chung, tiền thân của Như Lai đi theo nghiệp của mình”.

Kể xong chuyện quá khứ, đức Đạo Sư nói với đại chúng:

- Tên chủ hiệu đánh giá ngày xưa chính là Udāyi ngày nay vậy. Thuở ấy nó đâu thèm để ý đến sự thiệt thòi của người khác thì nay vẫn cứ vậy. Cái ngu si cứ chồng chất ngu si, lặp lại sự ngu si mãi hoài như vậy mà nó vẫn không nhận chân được bài học. Những kẻ như vậy thì vòng tử sinh thống khổ sẽ còn trầm luân, tiếp diễn mãi mãi.

Còn Như Lai, tức vị quan đánh giá công minh, từ vô lượng kiếp trước cho đến vô lượng kiếp sau, luôn luôn đi tìm phương thuốc nhiệm mầu, bất tử để chữa trị tận căn gốc mọi đau khổ trầm thống của chúng sanh. Và nay đã tìm ra. Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ, tuyên thuyết chính là phương thuốc nhiệm mầu chửa trị căn bệnh tham lam, sân hận và si mê trong lòng chúng sanh vậy.

4.44- Cái cán cày

Chuyện ngu si của tỳ-khưu Udāyi làm cho hội chúng không ngớt xôn xao, bàn tán. Hóa ra, chẳng lẽ cái ngu sĩ ấy cứ đi mãi trong dòng nghiệp, không thể chấm dứt nếu chưa giác ngộ được bài học?

- Đúng vậy! Hôm kia, đức Phật giáo giới tiếp - Trước đấy, ông ta còn “ngu” hơn thế nữa! Dù sao, nhờ có tu tập chút ít, có phước báu chút ít, cái ngu thuở xưa nó có giảm đi phần nào! Có một kiếp, y còn ngu si, đần độn không thể tưởng tượng được.

Sau khi biết hội chúng muốn nghe, đức Đạo Sư kể tiếp:

“- Thuở xa xưa ấy, Như Lai là một vị sư trưởng danh tiếng nhiều phương, mở một lớp dạy nhiều môn học nghệ cho chừng năm trăm thanh thiếu niên bà-la-môn từ các tiểu quốc đến thụ giáo.

Trong chúng, có một thanh niên quá khờ khạo, ngớ ngẩn, có thể nói là đần độn và ngu si quá nên không thể dạy cho nó được cái gì. Do nó không thể theo học được với chúng nên Như Lai bắt nó kề cận sớm hôm bên mình, may ra có thể chỉ vẽ được gì chăng! Khi làm công việc hầu hạ ấy thì nó tỏ ra chí thành, cần mẫn thấy cũng rất xót thương.

Hôm kia, sau một ngày làm việc mệt mỏi, lúc đang nằm nghỉ trên giường, nó tự động đến bên xoa lưng, đấm bóp chân tay cho Như Lai. Xong việc, Như Lai nhìn nó mỉm cười:

- Cảm ơn con!

Không ừ, không hử, nó quay lưng bỏ đi.

Như Lai nói:

- Này con thân! Hãy chịu khó chêm cao cái đầu giường lên một tí!

Nói thế xong là Như Lai chìm vào giấc ngủ. Sớm ngày, khi tiếng chim hót líu lo bên ngoài khu vườn, Như Lai thức dậy, cảm giác có cái gì rung rung bên dưới, ngồi dậy, ngoái cổ lại nhìn thì thấy nó. Như Lai bèn hỏi:

- Sao con lại ở đây?

Nó đáp:

- Hồi hôm, con chêm được một chân giường, còn chân giường bên kia, con không tìm được đồ chêm nên con đã lấy cái bắp vế của mình thế vào. Chắc sư trưởng ngủ cũng ngon chớ?

Như Lai lặng người:

- Hóa ra con chêm bắp vế của mình như vậy suốt đêm hay sao?

- Thưa vâng! Sư trưởng không vừa lòng sao?

Như Lai vô cùng xúc động, tự nghĩ: Tội nghiệp quá! Làm thế nào để có thể biến nó thành kẻ trí để thay đổi ‘sự ngu si’ nhưng cũng rất là chí thành của nó?

Sáng ngày, khi học chúng đi vào chương trình, nó đứng sau lưng, thưa hỏi:

- Hôm nay con làm gì, thưa sư trưởng?

Như Lai nói:

- Buổi sáng, con sẽ ngủ bù, không làm gì cả. Buổi trưa, sau khi độ thực xong, con ra sau rừng tìm củi khô và lá khô mang về cho nhà bếp, con làm như vậy có được chăng?

- Củi khô, lá khô! Con biết! Lấy củi khô và lá khô về cho nhà bếp, con làm được.

Như Lai dặn tiếp:

- Khi đi vào rừng như vậy, con thấy cái gì, gặp cái gì; và nếu có ăn cái gì, uống cái gì thì hãy cố ghi nhớ, về nói lại cho ta hay!

- Thưa vâng!

Buổi tối, nó lại vào xoa lưng, đấm bóp tay chân. Như Lai hỏi:

- Chiều nay, con đi lượm củi khô và lá khô, con có gặp, có thấy cái gì đặc biệt không?

- Thưa có!

- Cái gì vậy?

- Thưa sư trưởng, con thấy một con rắn!

- Ờ, vậy thì trông con rắn ra sao? Con rắn nó giống cái gì?

- Thưa, con rắn nó giống cái ‘cán cày’ của người làm ruộng!

Như Lai nhăn mày, tự nghĩ: Con rắn mà giống cán cày? Thôi cũng được! Cái cán cày nó tròn tròn, dài dài - hình tượng như con rắn cũng tạm được! Rồi gật đầu:

- Tốt lắm, này con thân! Con ví dụ như vậy thì nghe cũng tàm tạm!

Ngày hôm sau cũng với công việc cũ. Khi nó về, Như Lai hỏi:

- Hôm nay con có thấy cái gì đặc biệt không?

-Thưa sư trưởng, có ạ! Con thấy một con voi!

- Thế con voi trông nó giống cái gì?

- Thưa, con voi nó giống cái ‘cán cày’!

Như Lai nghe nó trả lời con voi trông giống cái cán cày thì không còn biết nói sao nữa! Hay nó đang liên hệ cái vòi voi? Cái vòi voi thì làm sao trông giống cán cày được? Hay nó cũng tròn tròn, cong cong, dài dài? Bèn nói:

- Thôi được rồi, con về nghỉ đi!

Hôm kia, có một điền chủ, chủ một ruộng mía muốn khoản đãi học chúng, cho chúng đến ăn tha hồ. nó cũng có phần. Khi về, Như Lai hỏi nó:

- Hôm nay con đi đâu về?

- Thưa, con đến chủ ruộng mía và được ăn mía.

- Vậy cây mía nó giống cái gì hở con?

- Thưa, nó giống cái ‘cán cày’!

Lại cán cày nữa! Ôi! Trong cái đầu của nó chẳng có cái gì khác ngoài cái cán cày hay sao?!

Một lần khác, từ thị trấn về, nó khoe là được đãi ăn sữa đông. Như Lai hỏi:

- Sữa đông giống cái gì hở con?

Nó đáp:

- Thưa, giống cái ‘cán cày’!

Thôi, hết rồi! Như Lai tự nghĩ: Con rắn giống cán cày thì tạm được! Con voi giống cán cày thì còn liên hệ với cái vòi. Đốt mía giống cán cày tuy gượng ép nhưng cũng còn dính cái tròn tròn! Nhưng sữa đông mà giống cán cày thì hoàn toàn hết thuốc trị. Kẻ ngu đần này không thể dạy cho nó sáng trí được nữa rồi!”

Kể chuyện xong, đức Đạo Sư kết luận, cốt ý đi sâu vào giáo pháp:

- Này đại chúng tỳ-khưu! Trong ngôn ngữ quy ước, khi gọi tên một vật thì hình ảnh vật ấy hiện ra; khi hình ảnh một vật hiện ra thì tên gọi vật ấy cũng đồng thời có mặt. Vậy, gọi tên đúng sự vật là điều kiện đầu tiên của một tâm trí bình thường. Tâm trí bình thường cũng có nghĩa là tưởng tri và thức tri bình thường. Tiền thân của Udāyi kia, thấy bất cứ cái gì cũng liên hệ cái cán cày, hình ảnh cái cán cày thì rõ ràng tưởng tri và thức tri của y có vấn đề, không được bình thường! Đi sâu thêm một chút nữa, giáo pháp giác ngộ, giải thoát của Như Lai được xây dựng căn bản trên cái thấy chân thực (chánh kiến), cái suy nghĩ chân thực (chánh tư duy)... Thấy chân thực, suy nghĩ chân thực lại có được từ tưởng tri chân thực và thức tri chân thực. Vậy, những ai tu trong giáo pháp này, sống trong giáo pháp này, mà “thấy sữa đông lại nói là trông giống cái cán cày” thì kẻ ấy thuộc loại thiểu năng, đần độn, chưa có được tâm trí bình thường; chưa có được tâm trí bình thường thì làm sao nói đến tuệ tri, tuệ giác, tuệ minh của đạo lộ siêu thế, Niết-bàn? Là cứu cánh tối hậu của sa-môn hạnh?

Đức Phật chấm dứt thời pháp bằng một câu hỏi lơ lửng như vậy xong rồi ngài lui về hương phòng. Các vị trưởng lão lậu tận mỉm cười thầm lặng. Còn phần đông phàm Tăng thì trong đầu không ngớt thắc mắc, hoài nghi!

Lát sau, họ bàn tán:

- Vậy thấy đúng, thấy thực là cái đầu tiên của lộ trình tu tập minh sát!?

- Gọi tên đúng sự vật, đúng đối tượng!?

- Tham thì gọi là tham, sân thì gọi là sân, thế thôi!

- Không sai! Một vị khác xen lời - Là pháp hành Tứ niệm xứ đấy!

Buổi tối, đức Phật cho gọi tôn giả Sāriputta đến rồi ngài nói:

- Như Lai có một công việc ở xa, vậy mấy hôm tới đây, ông, Moggallāna, Mahā Kassapa, Ānanda cùng chư trưởng lão lậu tận, đa văn hãy thay mặt Như Lai thuyết giảng rộng rãi cho đại chúng tăng, ni, không những ở tại Kỳ Viên mà cả tại Sāvatthi để những ai chưa thấy đúng, thấy thực bước vào đạo lộ giải thoát!

Thế rồi, hôm sau, mấy hôm sau nữa, tôn giả Sāriputta thay đức Phật thuyết giảng một số nội dung căn bản của Abhidhamma, những đề tài liên hệ danh, thực; khái niệm tục đế, khái niệm chân đế như trao chìa khóa cho đại chúng mở cánh cửa đi vào thế giới tâm, tâm sở, sắc pháp và Niết-bàn! Chư tôn giả Moggallāna, Mahā Kassapa, Ānanda và các vị trưởng lão khác chia nhau đi các tịnh xá tăng ni trong thủ đô thuyết giảng những đề tài tương tợ.


 (1) Bài kinh “Bhaddekaratta” - hòa thượng Minh Châu dịch là “ Nhất dạ hiền giả kinh”. 



(1) - Pháp cú 73: “Asataṃ bhāvanaṃ iccheyya, purekkhārañca bhikkhusu; avāsesu ca issariyaṃ pūjā parakulesu ca”.

(2) - Pháp cú 74: “Maṃ eya kata maññantu gihī pabbajitā ubho; maṃ ev’ativasā assu kiccākiccesu kismici; iti bālassa saṅkappo icchā māno ca vaḍḍhati”.

(3) - Sắc đẹp, tài lợi, danh vọng, ăn, ngủ

(4) - Pháp cú 49: “ Yathā pi bhamaro pupphaṃ vaṇṇagandhaṃ aheṭhayaṃ; paleṭi rasaṃ’ādāya evaṃ gāme munī care”.

(5) - Pháp cú 47: “Pupphāni h’eva pacinantaṃ byāssattamanasaṃ naraṃ; suttaṃ gāmaṃ mahogho’va maccu ādāya gacchanti”.

(6) - Pháp cú 48: “ Pupphāni h;eva pacinantaṃ byāsattamanasaṃ naraṃ’ atittaṃ yeva kāmesu antako kurute vasaṃ”.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn