(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

05-Sīla (Trì giới)

18 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 12706)


05-Sīla (Trì giới)

Bảo vệ giáo Pháp sẽ được giáo Pháp bảo vệ.

 

Hãy là một phước báu cho thế gian

bằng cách hành thiện nghiệp và thanh lọc tâm ý.

 MUNINDRA

  

 Ở phương Tây, người ta thường bước vào con dường Bát chánh đạo của Đức Phật qua pháp hành thiền. Nhưng theo truyền thống trong xã hội Á đông thì trì giới (đi đôi với bố thí, cúng dường, là bước đầu tiên đi vào đường đạo của người Phật tử.

 Điều này thật đúng với trường hợp của Ngài Munindra. Cha mẹ của Ngài đều xuất thân từ các gia đình họ Barua (có nghĩa là cao quý), được xem nhưdòng tộc của các Phật tử chính gốc ở Ấn độ từ thời xa xưa. Thân mẫu Ngài dạy dỗ con cái và chăm sóc gia đình bằng bản chất dịu hiền, đầy tình yêu thương.  Thân phụ Ngài giáo dục các anh em Ngài theo giới hạnh của một nếp sống đạo đức. Vì vậy Ngài thường nói: “ Tôi may mắn có hai bậc sinh thành thật đáng kính. Chúng tôi được dạy dỗ cách giữ giới trong sạch để trở thành người tốt, lương thiện, không gian dối”.

 Trong suốt cuộc đời, Ngài Munindra đã từng chứng kiến và kinh nghiệm rằng một con người không chân chánh, nhân hậu thường bị duyên nghiệp đưa đẩy đến nhiều bất hạnh, không cách này cũng cách khác.

 Một biến động trong thời thơ ấu đã ảnh hưởng sâu xa đến Ngài Munindra khiến Ngài sớm thấm nhuần sâu sắc tác ý không nói xấu bất cứ ai. Quãng thời gian ấy, thân phụ của Ngài xuất gia, thọ sa di (sāmaṇera) và lẽ ra phải vào chùa thường trú, nhưng vì còn nhiều trách nhiệm gia đình nên người vẫn sống tại gia. Người dân làng Bengali lên án ông gắt gao về việc ấy, và toàn thể gia đình phải chịu đau đớn vì bao nhiêu lời phỉ báng cũng như các hành động tẩy chay của cả dân làng. Từ đó cho đến khi lìa đời, Ngài Munindra tâm nguyện luôn luôn cố gắng không bao giờ làm thương tổn bất cứ người nào.

Không làm tổn hại ai.

  Tuy năm giới căn bản (pancā sila) chỉ rõ sự tự kiềm chế không phạm các hành động sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng các chất say, nhưng tựu trung, động cơ chính yếu của cả năm giới này là không làm tổn hại ai. Mức độ giữ giới của Ngài Munindra được thể hiện rõ qua lời nói và cách hành xử với người khác, kể cả những sinh vật nhỏ bé nhất.

 Uffe Damborg nói: “Thầy không bao giờ làm hại đến cả một con ruồi, con muỗi.” Ngài luôn khắc ghi trong tâm lời dạy của Đức Thế Tôn là bất cứ hành động, lời nói, ý nghĩ nào – cho dù thấy như vô hại – cũng có thể mang một hậu quả ẩn ngầm không lường được. Những hành động làm với tác ý khéo (như lý tác ý) sẽ phát sinh những kết quả cao đẹp, còn những hành động làm với tác ý không khéo (phi như lý tác ý) sẽ mang lại những hậu quả không thiện lành. Giữ giới giúp ta tránh tạo bất thiện nghiệp trong kiếp này và trong những kiếp tái sanh.

 Ngay cả khi loài côn trùng phá hủy những đồ vật vô cùng trân quý, Ngài cũng không nỡ làm tổn thương chúng. Michael Stein nhớ lại một chuyện đau lòng trong mùa mưa ở Bodh Gaya: “Vật sở hữu thật sự và duy nhất của Thầy là tất cả số kinh sách mà Thầy đã rất khó khăn mới mang về được từ Miến điện. Thế mà những con bọ trắng nhỏ li ti, bò ngoằn ngoèo bắt đầu gặm nát các trang giấy sách. Thật xúc động khi thấy mắt Thầy dâng lệ, nhưng rồi Thầy chỉ nhặt những con bọ bỏ ra xa, lau sạch và xếp các quyển kinh sách vào chỗ khác ít bị ẩm ướt hơn”.

 Ngài Munindra cũng cố gắng giúp người khác giữ giới trong sạch. Itamar Sofer kể rằng khi ở Dhamma Giri, Thầy hay thức sớm, quét sạch các lối đi để thiền sinh dậy lúc bốn giờ sáng đi lên thiền đường khỏi phải dẫm đạp lên những côn trùng nằm dưới lớp lá rụng. Nhưng nếu có người nào không ý tứ, cẩn thận như mình, Ngài cũng không trách họ vì hiểu rằng giới luật chỉ là những bước rèn luyện (sikkhāpada) – chẳng hạn khi tụng giới, ta đọc “ Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vân vân…” Do đó, thay vì chê trách hay phê phán, Ngài chỉ tỏ lòng từ mẫn đối với những sơ xuất, lỡ lầm của các thiền sinh.

 Robin Sunbeam thường nhớ tới lời giải đáp của Thầy đối với việc cô phạm giới hồi ở Bodh Gaya. “Vào một buổi sáng, tôi thức dậy thấy trán mình nóng rát và u dầy lên với những vết muỗi cắn. Trong mùng, một con muỗi no tròn đầy máu đang lờ đờ bay. Tôi nổi giận, đập bẹp nó thành một dúm máu bết trên mùng. Rồi tôi nhớ lại rằng hằng ngày tôi vẫn thành tâm hành trì tâm từ, nguyện cố gắng không làm hại bất cứ chúng sanh nào. Do vậy, tôi hết sức bực mình vì đã phạm giới và lên trình với Thầy.”

 Ngài Munindra giải thích cho Robin rằng đập chết một con muỗi là điều không tốt, nhưng không đến nỗi tệ như giết một con chó. Giết một con chó thì không tốt, nhưng không tệ bằng giết một con bò. Giết một con bò nhất định là xấu, nhưng còn đỡ hơn là giết một con người. Giết một con người đương nhiên là quá ác, nhưng chưa tệ bằng giết một vị vua. Và giết một vị vua là quá tác tệ, nhưng không tác tệ nào bằng giết một vị Phật.

 Thầy nói: “Nếu chúng ta phải bơi qua bờ bên kia cùng với tất cả những tảng đá nặng bất thiện nghiệp đã làm thì chắc chắn chúng ta sẽ bị chìm ngay xuống đáy. Nhưng việc hành trì Giáo pháp cũng giống như một chiếc thuyền chở chúng ta cùng những tảng đá nghiệp báo sang bên kia bờ giác”.

 Ngài không trách rầy ai đã giết hại côn trùng. Một phụ nữ có căn nhà bếp bị loài mối lan tràn hủy hoại các ngăn tủ. Cô đã khóc khi phải tiêu diệt chúng tận gốc. Khi cô đến thưa với Thầy mọi sự, Thầy chỉ dùng khía cạnh thực tế để dạy cô: “Phải nghĩ đến sự an toàn và sức khỏe của gia đình. Cô không thể để mối ăn hết ngôi nhà của mình.”  

Không bạo lực là từ tâm.

 Sự trì giới thứ nhất, không sát sanh, của Ngài Munindra được phát sinh từ nhiều lý do. Ngài hết sức trân trọng sự quý giá của đời sống và có lòng đồng cảm tự nhiên với mọi chúng sinh. Ngài tôn trọng lời dạy trong kinh Pháp Cú, kệ 129 & 130:

Mọi người sợ bạo lực. Mọi người sợ tử thần Hãy so sánh tự thân Không giết, không bảo giết.

Mọi người sợ gươm đao. Mọi người thích sống còn Hãy so sánh tự thân Không giết, không bảo giết.

 Thay vì dùng bạo lực cưỡng chế, cho dù chúng sanh hay sự kiện nhỏ nhặt thế mấy, Ngài Munindra trải rộng lòng từ mẫn và độ lượng, vì giới đức giống như hai mặt của một đồng tiền: một mặt thể hiện sự rèn luyện tự giác, biết buông bỏ điều bất thiện; mặt kia thể hiện sự trau giồi giới hạnh, biết lựa chọn điều thiện lành. Ngài không muốn một hành động nào của mình, cho dù với tác ý tốt, có thể làm tổn thương chúng sanh khác. Gita Kedia kể về một trường hợp ở Dhamma Giri: “Từ phòng mình, Thầy thấy một đống đất và rác cứ nằm ụ ở bên ngoài. Thầy tự nghĩ: ‘Không ai quét dọn cả, nhưng nếu mình ra làm việc ấy trước mắt người khác thì có thể làm ai đó buồn lòng vì tự ái.’ Vì vậy, một hôm, Thầy thức dậy thật sớm để mang tất cả rác rưởi đi. Việc làm thầm lặng của Thầy không những không gây sự xấu hổ cho người chung quanh mà còn dẫn đến một kết quả lý thú – họ bắt đầu tự quét dọn khu mình ở mỗi ngày.”

 Oren Sofer cũng có một kinh nghiệm về chuyện rác rến ở Bodh Gaya. Ông đang cùng Ngài Munindra đi bộ phía sau khu nhà ở của Ngài. Nhìn cánh đồng lúa bên kia có một đống rác lớn, Oren cảm thấy bực bội và lên tiếng càm ràm.

 Ngài nói: “Đó như là hình ảnh phản chiếu của tâm ta. Vì tâm bị ô nhiễm nên ta làm ô nhiễm môi trường chung quanh bằng thân, khẩu, ý của ta.” 

Giới đức cũng là lòng tri ân.

  Giới đức của Ngài Munindra cũng là một biểu hiện của lòng biết ơn sâu xa. Ngài tin tưởng rằng để đền đáp được tất cả những gì đã thọ nhận, ta phải cố gắng trở thành một vốn liếng quý của xã hội và một phước báu cho thế gian bằng cách nỗ lực làm việc thiện lành:

Tôi rất biết ơn Mẹ Đất. Chúng ta nợ hành tinh này vì thiên nhiên thật là tuyệt vời, ban tặng cho ta biết bao là sản vật quý giá – thực phẩm, nhiên liệu, mọi thứ… Chúng ta có xứng đáng để hưởng những tài nguyên đó không? Có phải là công dân tốt của Mẹ Đất này không? Có đem ích lợi gì cho thế giới này bằng thân, khẩu, ý của mình không? Nếu không, chúng ta là những đứa con bất hiếu của Mẹ Đất và không xứng đáng nhận lãnh gia tài quý báu ấy.

  Ngoài Mẹ Thiên Nhiên, Ngài Munindra còn vô vàn cảm niệm thâm ân của thân mẫu Ngài nói riêng và của hàng phụ nữ nói chung.

 Ngài nêu rõ: “Theo lời Phật dạy, công ơn sanh thành dưỡng dục con cái của người mẹ lớn hơn hẳn của người cha. Ta cũng nên biết rằng một trong bảy điều kiện để một quốc gia có được sự hạnh phúc, thịnh vượng và vững mạnh là phải biết đối xử tốt với người phụ nữ.”

Ngài nói:

Ngay từ thuở ấu thơ, tôi đã được hưởng nhiều ân phước từ mẹ tôi cũng như từ nhiều người phụ nữ khác đã xem tôi như con của họ. Tôi có một người mẹ Bengali, mẹ Tây tạng, mẹ Miến điện, mẹ Tích lan, mẹ Nhật bản, mẹ Sikkim, mẹ Bhutan, mẹ Hoa kỳ, mẹ Trung hoa– rất nhiều người mẹ khác nhau. Lòng tôi chứa chan từ ái đối với người phụ nữ, tôi rất quý mến họ. Nếu nơi nào người đàn bà bị xúc phạm và đau khổ, tôi cảm thương cho họ vô cùng.

  Lòng bi mẫn, sự đồng cảm thúc đẩy Ngài Munindra hành động cho quyền lợi của phụ nữ. Ngài hỗ trợ họ bằng việc trực tiếp giảng dạy, hoặc bằng nhiều phương tiện khác như giúp các thiếu nữ nghèo ở Bodh Gaya được đến trường học.

 Ngài giải thích:

Trong tiểu bang Bihar, người con gái bị bỏ quên và đối xử tàn tệ. Tôi tận mắt thấy trong nhiều gia đình, người cha và những người con trai giành hết thức ăn cho mình. Thật là bất nhẫn. Nhiều người chê trách tôi đã giúp đỡ những cô gái nghèo này ở Bodh Gaya. Tôi biết họ nói những gì, nhưng tôi không quan tâm. Khi lòng trong sạch thì không có gì để bị chê trách. Đó chỉ là cách đền đáp công ơn các bà mẹ và những người chị, người em của tôi.

  Ngài Munindra luôn mang trong lòng niềm tri ân và trách nhiệm không chỉ đối với cha mẹ, mà còn đối với thầy tổ và nhiều người khác đã ban cho Ngài biết bao phúc lợi trong suốt cả cuộc đời – thân mạng, thực phẩm, y phục, chỗ ở, học vấn, Đạo pháp. Ngài khuyên:

Chúng ta phải biết ơn tất cả và vun bồi công đức để hồi hướng cho họ. Tạo được bất cứ thiện nghiệp nào, tôi đều xin chia phước cho hết thảy những ai tôi từng thọ ân. Qua các việc thiện lành – mà không gây tổn hại nào cho xã hội – chúng ta đền đáp ân nghĩa, gánh nợ vơi dần và rồi sẽ trống không.  

Hòa hợp và thiết thực.

 Khi tự nguyện quyết tâm giữ giới trong sạch, Ngài Munindra nhận thức được giá trị thực chất của giới trong việc gầy dựng sự hòa hợp. Lòng tôn trọng giới luật là “một món quà cao quý” tặng cho người khác, bởi vì nó tạo nên không khí tin cậy, kính trọng và an toàn cho nhau. Giữ giới có nghĩa là ta không mang đến sự sợ hãi cho mạng sống, tài sản, gia đình, quyền lợi và hạnh phúc của người khác.

 Peter Martin kể: “Khi quan sát mối liên hệ giữa Thầy với dân chúng khu phố Igatpuri, tôi thấy ai cũng quen biết và quý mến Thầy. Mọi người đều kính trọng Thầy, không phải chỉ vì Thầy mặc y du sĩ và là một vị thầy, nhưng còn vì Thầy là người lương thiện và trung thực. Họ biết rằng Thầy không bao giờ cố đạt được một cái gì bằng cách lọc lừa, xảo quyệt.”

 Ngài Munindra cũng không cho phép sự gian dối được che đậy hay bỏ qua. Trì giới không chỉ để tạo dựng liên quan hòa hợp, nó còn đưa đến suy nghĩ thiết thực. Nhiều môn sinh Tây phương còn nhớ lúc Thầy mặc cả khi mua hàng ngoài chợ để được giá phải chăng, hay khi Thầy thử lượng nước trong những bình sữa giao đến nhà. Thầy bảo, đi theo đường đạo và cố gắng giữ giới không có nghĩa là biết mình bị lợi dụng mà vẫn cho phép điều đó xảy ra. Thầy thường nói với môn sinh rằng sống giản dị, mộc mạc không đồng nghĩa với khờ khạo, tối dạ.

 Nếu ai không đủ kinh nghiệm để khỏi bị hớ khi mua sắm, Thầy sẵn sàng can thiệp. Tapas Barua nhớ một lần đi dạo chung quanh Đại Tháp Bồ Đề cùng Thầy và vài sinh viên ngoại quốc, có một cô thích mua quà kỷ niệm tại một gian hàng gần đó. Khi Thầy nghe được người bán hàng đưa ra một giá cắt cổ, Thầy bèn bảo anh ta bằng tiếng Hindi: “Sao anh lại cho giá quá đáng như thế? Có phải vì cô ta là người nước ngoài và không hiểu ngôn ngữ của anh không? Đừng lừa gạt họ bằng cách nói thách phi lý, chỉ nên ra giá phải chăng thôi.”

 Bất cứ khi nào thuận duyên, Ngài đều cố gắng giúp người khác hiểu rằng sự dung túng, tha thứ những hành vi bất thiện không phải là cách phục vụ Đạo pháp đúng nghĩa.

 Shivaya Cain thuật lại một câu chuyện về quan niệm thực tế của Thầy đối với giới thứ hai – không trộm cắp. Có một người đàn ông hay lui tới nhà Shivaya ở Bodh Gaya. Mỗi lần thăm viếng, anh ta hay cầm nhầm một vài đồ vật trong nhà. Có khi anh ta cũng để lại một món đồ khác, chẳng hạn anh ta lấy con dao Thụy sĩ và để lại một cuộn dây.

 Khi Shivaya kể lại cho Thầy nghe, Thầy bèn hỏi: “Vậy mà bạn vẫn để cho anh ta tới nhà sao?” Shivaya trả lời rằng mình chẳng còn thấy dính mắc đến của cải tiền bạc gì nữa, rằng mình thấy trường hợp này cũng lý thú, và rằng có lẽ anh chàng đó cần món đồ mà anh ta lấy.

 Thầy nói: “Đừng để anh ta vào nhà nữa! Không ai được tự tiện lấy những gì không được cho. Anh ta không có quyền đem vật gì không được cho ra khỏi nhà bạn. Dù có để lại vật khác thay thế, anh ta cũng không đang hành động theo Chánh pháp.” 

Tôi chưa đi trọn con đường.

 Vài người Tây phương nghĩ rằng một vị đạo sư đã chứng đắc thì phải toàn hảo. Do đó, họ đã phê phán nhiều điều về phong cách của Ngài Munindra: như là Ngài ăn chiều, tức không giữ được tám giới; Ngài ưa thích mua sắm; Ngài trú ngụ trong nhà một môn sinh; hay, do bản tánh hiếu học và hồn nhiên, Ngài tìm hiểu nhiều điều – mà theo họ – đáng lẽ không nên tìm hiểu. Kamala Masters nói: “Cho đến bây giờ mà vẫn có thiền sinh hỏi tôi: ‘Sao Thầy lại có thể ở trong nhà của cô?’”

 Trong khi đó, có lẽ do sự hiểu biết khác nhau về văn hóa, các môn sinh Á châu – cũng như một số môn sinh Tây phương – không lý tưởng hóa Ngài Munindra và không phê phán một thói quen cá nhân hay hành động vô ý nào của Ngài. Họ biết sự khác biệt giữa một vị tăng và một du sĩ (anāgārika). Theo thuật ngữ Pāli, anāgārika có nghĩa là một người không sống ở nhà hoặc là người vô gia cư. Trong thời Đức Phật, từ này dùng để chỉ những vị rời bỏ gia đình để sống một cuộc đời khổ hạnh, ẩn dật như các đệ tử của Đức Phật.

 Nhưng vào đầu thế kỷ thứ hai mươi, Anāgārika Dhammapāla ở Tích lan – vị sáng lập hội Mahabodhi năm 1891 – đã áp dụng từ này cho một giới trung dung giữa người xuất gia và người cư sĩ tại gia: Anāgārika là một người đã từ bỏ gia đình, nhà cửa nhưng vẫn sống giữa đời thường chứ không sống trong tu viện. Anāgārika có khi cũng dùng để chỉ một thị giả (cư sĩ) cho một vị tăng, có thể làm vài việc mà chư tăng – do giữ giới – không làm được, như giữ tiền hay lái xe.

 Daw Than Myint giải thích rằng giới luật của các vị anāgārika có một lằn ranh dung dị so với giới luật nghiêm ngặt của chư tăng sĩ xuất gia. Anāgārika là một cư sĩ tự nguyện quyết định sống không nhà và có thể thọ giới hay xả giới bất cứ lúc nào. Những người này có thể mặc y trắng, tham gia xây cất hay chăm sóc chùa chiền, hoặc chỉ ẩn cư trong rừng; họ cũng có thể, trong giai đoạn khác, trở lại đời cư sĩ.

 Trái lại, một tu sĩ xuất gia có bổn phận gìn giữ toàn bộ giới luật Vinaya, tạng đầu tiên trong ba tạng chính của Tam Tạng Kinh Pāli (Tipiṭaka). Tạng Luật (Vinaya) là khuôn mẫu bao gồm tất cả giới luật và nghi thức qui định đời sống xuất gia của tăng và ni, được đặt ra nhằm trưởng dưỡng sự hòa hợp trong tăng chúng và với các thiện tín cận sự (giới hòa đồng tu).

 Ngài Munindra giữ tám giới (aṭṭha-sīla) suốt mười hai năm là du sĩ anāgārika ở Ấn độ và Miến điện. Bát giới gồm năm giới căn bản (pañca-sīla) và thêm ba giới nữa là: không ăn phi thời, sau mười hai giờ trưa; không tham dự ca, vũ, nhạc, biểu diễn; không đeo vòng hoa, trang sức, không dùng dầu thơm, mỹ phẩm; không nằm, ngồi chỗ xa hoa, đẹp đẽ.

 Trong thời gian một năm xuất gia tỳ kheo với Hòa thượng Mahāsi, Ngài giữ trọn đủ các giới luật theo truyền thống Nguyên thủy của hàng tu sĩ xuất gia (gồm 227 giới cho tỳ kheo và 311 giới cho tỳ kheo ni). Nhưng khi từ Miến trở về Ấn, Ngài không còn là tỳ kheo và trở về sống đời du sĩ, rồi vì vướng nhiều căn bệnh, bác sĩ và thân hữu khuyên Ngài nên dùng bữa chiều. Từ đó Ngài chỉ còn giữ năm giới căn bản.

 Biết được sự uyển chuyển trong giới luật của một anāgārika, cho nên dù có khi Ngài không giữ được trọn giới, các môn sinh thuần thành của Ngài không vì thế mà chỉ trích vị thầy mà họ xem là một ân nhân lớn của đời họ. Thay vào đó, họ nhận thức khía cạnh nhân tính của Ngài, và hiểu rằng thầy của họ chưa đạt đến tầng bậc trí tuệ cao nhất (a-la-hán) nên vẫn có thể còn lầm lỗi.

 Dipa Barua nói rõ hơn: “Anāgārika không có nghĩa là a-na-hàm (anāgāmī) hay a-la-hán (arahant). Ngài là một nhân vật lỗi lạc về học vấn và tâm linh, nhưng như chúng ta, vẫn là một con người. Mẹ tôi, Dipa Ma, thường nhắc nhở tôi rằng, trên thế gian này không có người nào là hoàn toàn tốt, cũng chẳng có ai là hoàn toàn xấu – luôn luôn có ít nhiều pha trộn.”

Dipa nói thêm: “Những hướng dẫn, hỗ trợ Ngài đã mang đến cho mẹ tôi và tôi thật lớn lao. Mẹ tôi luôn nhắc rằng: ‘Chỉ nhờ duy nhất vào sự giảng dạy và khuyên bảo của Ngài Munindra mà mẹ đã vượt qua được chấn động kinh hoàng đó (cái chết của chồng và hai con của bà), vượt qua được bao thương tiếc, đau đớn, khóc than, sầu khổ, cả những đau yếu của xác thân.”’

 “Nếu có ai phê bình tiêu cực về Ngài, mẹ tôi sẽ nói: ‘Ngài có thể làm điều gì đó theo cung cách riêng của Ngài mà người ta cho là sai – tôi không biết và cũng không tận mắt thấy – nhưng Ngài không bao giờ gây tổn hại cho ai bởi những gì mình làm. Tạo nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện nào, sẽ nhận lấy quả thiện hay quả bất thiện nấy. Ta không có quyền phê phán ai, vì chính ta cũng có bao điều sai trái hay bất thiện, mà hãy nhìn vào chính mình, như lời Đức Thế Tôn dạy.’”

Không nên nhìn lỗi người Có làm hay không làm

Hãy nhìn tự chính mình Có làm hay không làm

Pháp Cú Kinh – Kệ 50

 Kamala Masters luôn tôn kính Ngài Munindra dù biết Ngài chưa toàn hảo. Có vài lần Ngài nói cho cô biết rằng một số trạng thái bất thiện thỉnh thoảng sanh khởi trong tâm Ngài. Chánh niệm quán sát, Ngài thấy rõ chúng là tâm tham hay tâm sân, đến rồi đi. Qua lời giải thích và phân tách này, Ngài sẵn sàng công nhận: “Tôi chưa đi trọn con đường đạo của tôi.”

 Kamala hiểu rằng điều đó có nghĩa là Ngài vẫn đang nỗ lực thanh lọc tâm ý để đoạn diệt tham, sân, si, và còn đang đi trên con đường đưa đến quả vị giác ngộ cao thượng nhất. Cô nói: “Lời ấy như cảm thông, cho phép tôi làm một người bình thường và không phải kỳ vọng nơi chính tôi một chúng sanh toàn hảo.”

Không có một Niết bàn không giới luật.

  Ngài Munindra cũng không kỳ vọng người khác phải toàn hảo. Vì không kiềm chế được hành vi người khác, đôi khi Ngài phải chịu đựng ảnh hưởng của những việc làm thiếu giới hạnh của họ.

 Ram Sevak kể chuyện một người đàn ông Ấn năm mươi tuổi ở trong khuôn viên Gandhi Ashram, tại Bodh Gaya, đã nài nỉ Ngài cho ông ấy mượn tiền và hứa sẽ trả lại trong vòng vài tháng. Nhưng thời gian sớm cho Ngài thấy được gian ý của ông ta. Một đêm nọ, ông ta lẳng lặng ra đi, dùng số tiền mượn được để dụ dỗ một cô gái mồ côi mười lăm tuổi ở trong cùng khuôn viên theo cùng. Sau hai lần viết thư không được hồi âm, Ngài quyết định gặp tận mặt người này đang ở một làng xa. Khi nghe tiếng Ngài Munindra, ông ta vội đóng cửa lại, nhưng rồi Ngài cũng vào nhà được và nhìn thấy cô gái bị mất tích. Ngài đòi phải trả lại số nợ, nhưng rồi ông ta cứ lần lựa khất lại mãi.

 Ngài Munindra giảng giải: “Tại sao con người lại làm những việc bất thiện này – sát sanh, trộm cướp? Đó là do tham ái; tham ái làm tâm trí mờ ám. Tham, sân, si – ba gốc rễ của mọi ác pháp – dẫn dắt ta cứ đi lùi mãi vào con đường mê tối. Muốn bước tới ánh sáng, ta phải vun bồi tâm từ ái và gìn giữ giới hạnh trong sạch.”

 Khi thấy rõ là người kia sẽ không bao giờ trả lại, Ngài quyết định chuyển món nợ ấy thành món tiền bố thí. Trong bức thư cuối cùng, Ngài viết rằng ông không phải hoàn lại số nợ vì Ngài đã tự nguyện tặng hết cho ông, và nhắc nhở từ nay đừng lường gạt ai nữa. Ngài trao tặng lại ông những của cải và lòng hảo tâm mà nhiều người khác đã dâng cho Ngài. Tự thân Ngài hiểu rõ hơn ai hết phước báu vô lượng khi tâm vắng bóng lo âu, sợ hãi và ân hận.

 Trong khóa tu thiền đầu tiên ở Miến điện, Ngài tự thân cảm nhận được nỗi cắn rứt từ một vài lầm lỡ thời tuổi trẻ. Một hôm, đang trên đường đi học, cậu bé Munindra mua một gói đậu rang nhưng quên trả tiền. Và trước khi rời Ấn độ, Ngài Munindra vô ý chưa trả lại cuốn tự điển đã mượn từ một vị tăng.

 Nhớ lại những lầm lỗi này khiến tâm Ngài bị chao động khi hành thiền. Ngài sám hối với Hòa thượng Mahāsi, và xin cúng dường để hồi hướng phước báu cho người bán lạc rang. Ngài cũng viết thư cho vị tăng, hỏi cách gửi trả lại cuốn tự điển. Không bao lâu, vị tăng hồi âm rằng Ngài Munindra hãy bỏ qua mối bận tâm ấy và giờ đây, với tâm ý trong sáng, hãy tập trung hành thiền, vì chính vị này đã tự nguyện tặng cuốn sách ấy cho Ngài rồi. Xóa tan được những điều ngăn ngại đó, Ngài trở lại việc hành thiền tích cực và chứng đắc được lần khai tâm thâm diệu đầu tiên trên đường giải thoát (quả vị nhập lưu.)

 Ngài Munindra nói: “Nếu ta hành thiền mà giới hạnh không trong sạch – còn muốn gây thương tổn cho người khác, muốn sự trộm cắp, muốn điều tà hạnh – thì niết bàn sẽ không khi nào hiện hữu bởi vì đây là hai điều hoàn toàn khác biệt.” Hòa thượng Mahāsi dạy Ngài: “Người nào giới hạnh trong sạch, tâm ý thanh khiết, thì có thể thành tựu bất cứ tâm nguyện nào. Đó là một quy luật phổ quát: ‘Nếu bạn giữ gìn Giáo pháp, Giáo pháp sẽ giữ gìn bạn,’ hay "Hộ Pháp, sẽ được Pháp hộ.”

 Môn sinh nhớ đến lời nhắc nhở này đã diễn giải lại qua nhiều cách khác nhau. Grahame White ghi nhận: “Khi dạy ‘Giáo pháp bảo vệ’ hay ‘Hãy gìn giữ, chăm lo cho Giáo pháp, Giáo pháp sẽ gìn giữ, chăm lo cho bạn’ là Thầy đang nói về trì giới và hành thiền.”

 Grahame nói tiếp: “Tôi học từ Thầy rằng nếu ta giữ giới và hành hạnh bố thí, những phước báu ấy sẽ trở lại với chúng ta. Từ lúc vào ngành kinh doanh, tôi cố gắng hành trì những nguyên tắc trên bằng cách cúng dường thực phẩm cho tăng, ni, vân vân. Công việc làm ăn vì thế, tôi nghĩ, ngày càng phát đạt. Tôi thành công đến nỗi đâm ra quá bận bịu, quá tất bật, nhiều khi phải tự nhủ: ‘Chắc mình phải ngưng cúng dường trai tăng cho Chư Sư thôi!’ Ở một trình độ nào đó, ý Ngài là như thế. Nhưng ở một trình độ khác, Ngài muốn dạy rằng, nếu ta hành trì Giáo pháp, tâm ta sẽ được bảo vệ.”  

Chánh Ngữ (Sammā-vaccā)

  Mặc dù Ngài Munindra thường nói dài, nhưng Ngài chỉ nói dài về đạo pháp. Itamar Sofer tả lại lần đầu tiên gặp gỡ tại Dhamma Giri: “Thầy không bàn chuyện đời thường mà đi thẳng ngay vào lời dạy của Đức Phật. Thầy hỏi vài câu về cuộc sống của tôi, rồi quay lại vấn đề cơ bản trong việc tu học: ‘Bạn hành thiền như thế nào? Bạn tu tập bao lâu rồi?’” Pat Masters ghi nhận: “Ta không thể nào ngồi với Thầy mà chỉ nói chuyện gẫu. Khi nào cũng có một bài học quan yếu nào đó về Đạo pháp hoặc về nhân duyên tu tập, khiến ta tự thấy thời gian quá quý báu để phí phạm.”

 Đại đức Bodhipāla nói thêm: “Lần nào gặp gỡ, Thầy cũng chỉ nói chuyện đạo, không khi nào nhắc chuyện đời.” Luận bàn chuyện thế tục không bao giờ là một phần của chánh ngữ mà Đức Thế Tôn giảng dạy cho hàng đệ tử. Người khuyên răn họ tránh nói lời gian dối, lời chia rẽ, lời thô ác và lời vô ích. Và, nếu không có điều gì đáng để nói, thì nên giữ im lặng.

 Điều thú vị là cái tên ‘Munindra’ cũng phản ảnh được lời dạy bảo trên của Đức Bổn Sư. Nguyên ngữ ‘muni’ có nghĩa là ‘giữ im lặng’ hay ‘nguyện giữ im lặng’, nhưng sau này được dùng để chỉ ‘một bậc hiền trí’. Cả hai, yên lặng hay trí tuệ, đều áp dụng vào thân, khẩu, ý. Ngài Munindra giải thích rằng tên Ngài có nghĩa là ‘bậc hiền trí cao thượng’, và đó cũng là một trong những danh xưng của Đức Phật. ‘Shākyamuni’ (Thích Ca Mâu Ni) nguyên ngữ nghĩa là ‘vị thinh lặng của dòng họ Thích Ca, nhưng cũng có thể được hiểu là ‘vị có hạnh thinh lặng cao thượng và đáng kính mến.’

 Ngài Munindra có chủ ý khi giữ im lặng. Đôi khi có người loan tin đồn đãi hay nói điều khắc nghiệt về Ngài. Biết sự thật của vấn đề không là như vậy, Ngài không để những lời thị phi ảnh hưởng đến giới hạnh chánh ngữ của mình, cũng không phản ứng lại họ.

 Tara Doyle từng nghe những lời dèm pha về Thầy và vài vị thiền sư vipassanā khác từ các học trò của một vị thầy nọ. Bà nói: “Thầy không bao giờ nói xấu các vị thầy khác, và đó là một món quà thân giáo cao quý mà Thầy ban tặng cho chúng tôi. Nhờ thế tôi có thể hành thiền quán mà không phải xét rằng cái này là tốt hay cái kia là xấu (chỉ thấy sự vật như nó là). Thầy không bao giờ nói điều tiêu cực hay không tử tế về bất cứ ai. ”

 Không những không phản ứng lại, Ngài Munindra còn khuyến khích cho môn sinh mình đến dự các khóa học của vị thiền sư đã chỉ trích Ngài. Nhiều năm sau đó, Ngài kể cho Robert Pryor rằng Ngài đã đề nghị vị thiền sư đó đừng làm tổn thương người khác bằng những lời phê phán không đúng sự thật, nhất là khi không hiểu biết rõ những điều gì nguời khác đang giảng dạy.

 Có lần Kamala Masters hỏi Thầy về một đạo sư ở Ấn độ mang nhiều tai tiếng. Thầy không hề phê phán hay chỉ trích vị ấy mà chỉ nói: “Một đóa hồng toàn hảo có thể được tặng từ một người tặng không toàn hảo.”

 Ram Dass nói: “Thầy cân nhắc, thận trọng từng lời nói, vì không muốn làm thương tổn kẻ khác, và vì Thầy thật lòng yêu thương mọi người, ngay cả người không dễ mến hay đáng tin.”

 Gregg Galbraith nhớ lại: “Thầy có quen biết một người đàn ông tính tình hơi thô bạo, hay nóng giận và đôi khi có vẻ lừa đảo. Nhưng Thầy không đề quyết ai là bất lương hay bất trị, vì như thế là gán kết cho họ một nhãn hiệu xấu. Thay vì phê phán cá nhân, Thầy có thể chỉ thừa nhận hành động nào đó là bất thiện mà thôi. Chẳng hạn, nếu biết một người kéo xe đã đánh động lòng thương hại của bạn, và vin vào đó để lừa bạn với giá cuốc xe thật cao. Ngài Munindra sẽ nói rằng: ‘Giá ấy không trung thực đâu, không đúng đâu. Bạn đừng nên trả giá ấy.’ Thầy sẽ chú tâm đến hành vi đó trên khía cạnh giá cả có chính xác, xứng đáng hay không mà thôi, nhưng Thầy sẽ không kết tội người kéo xe.”

 Ngài Munindra thường nhắc môn sinh: “Không người nào trên thế gian này muốn nghe lời hung dữ, cộc cằn, thô lỗ hay lời mắng nhiếc, chửi rủa. Ai ai cũng muốn nghe lời êm ái, ngọt ngào, dịu dàng.”   

Chánh Nghiệp (Sammā-kammanta)

  Lần đầu tiên đến California năm 1981, Ngài Munindra cùng với Krishna Barua – vị thầy cùng dạy thiền – và vài người bạn đạo đi xem một phim tài liệu về Bhagwan Sri Rajneesh, quay ở Pune. Đã từng biết Rajneesh hồi ở Ấn độ, Ngài Munindra muốn tìm hiểu thêm về cơ sở của vị này.

 Sharda Rogell mô tả một cảnh đặc biệt trong phim đã làm Thầy chú ý: “ Đoạn phim trình bày một tiến trình trị liệu của nhóm mà thành viên được khuyến khích hành động theo cảm giác, xúc động, dục vọng hay sân hận đang sanh khởi. Có những cảnh đánh nhau hay luyến ái với nhau, và cứ quay cuồng như vậy. Cứ như một gánh xiếc, nhưng là cảnh thật, người thật và xác thực. Khi ra về, Thầy tỏ vẻ bất bình. Dường như Thầy sửng sốt vì không hề hay biết những việc này đang xảy ra. Thầy nói: ‘Đó không phải là Chánh pháp, không phải là những gì chúng ta giảng dạy. Đó là cả một sự ngộ nhận, lầm lạc về thế nào là tự do – hoàn toàn trái ngược với Chánh pháp luôn răn nhắc ta chớ chạy theo những thúc dục của cảm xúc, ham muốn mà tạo nghiệp.’”

 Sharda nói thêm : “Thầy thật đã ban cho chúng tôi một bài pháp đầy ý nghĩa: Thầy không chỉ trích Rajneesh mà chỉ nhận định về những cảnh đã diễn ra, và nêu rõ rằng đó không phải là Chánh pháp. Thầy không hiểu vì sao, dưới bất cứ góc cạnh nào, những phương pháp này lại có thể giúp con người đến gần với tự do hơn. Thầy dạy, giải thoát thật sự phải bắt nguồn từ sự tự khắc phục hơn là hoàn toàn không thu thúc, không tự chế. Mù quáng đi theo suy nghĩ và cảm xúc là tự dấn bước vào con đường si mê đen tối.”

 Ajit Roy học từ Thầy rằng khi bất an bực bội, cách tốt nhất là ngồi yên lặng, tránh gặp gỡ, và sẽ nói chuyện sau: “Thầy dạy không cần và không nên bộc lộ cơn nóng giận, sẽ không tốt cho nghiệp của tôi. Rất nhiều người – ngay cả người tử tế, lương thiện – phải lâm vòng tù tội chỉ vì một ngày bị khích động nhất thời, nổi cơn sân hận, rồi tạo ác nghiệp, và giờ đây bị giam thân trong ngục thất cho đến hết cuộc đời.”

 Ngài Munindra nói rằng, đối trị cơn giận không là việc dễ dàng, nhất là khi chưa có hiểu biết thực chứng về vô ngã (anattā). Ngài giải thích: “Cơn giận hay bị nhân cách hóa – cơn giận của tôi, tôi giận, nó làm tôi giận – và rồi là phản ứng, là trả thù. Nuôi dưỡng cơn giận làm chính ta và những người chung quanh cùng đau khổ, tổn thương. Hơn nữa, cơn giận làm ô nhiễm môi trường quanh ta vì ý nghĩ của ta lây lan ra khắp nơi, mà ý nghĩ thì có khả năng tạo sóng, rung động môi trường. Rồi từ đó tạo tác khẩu nghiệp bất tịnh, bất thiện.” Do đó, Ngài luôn nhắc nhở ta phải canh phòng kỹ lưỡng ba cửa ngõ của hành động – thân, khẩu, ý – mà thiện và ác có thể chen vào. Giới luật chặt đứt được những thể hiện thô thiển bên ngoài của phiền não và tạo dựng một nền tảng vững chắc để xây dựng tất cả phẩm hạnh cao đẹp.

 Mặc dù Ngài Munindra đã huân tập giới hạnh từ thuở bé, nhưng ý hướng trì giới nghiêm nhặt của Ngài được tăng trưởng vượt bực sau lần Ngài gọi là ‘khai tâm và khai trí thâm diệu’ khi hành thiền với Hòa thượng Mahāsi. Ngài nói: “Khi một ý nghĩ không chân chánh, một năng lực bất thiện, một trạng thái tiêu cực sanh khởi, nó luôn cho ta một dấu hiệu. Chẳng hạn như khi cơn giận đến, ta cảm thấy khó chịu. Nếu ta kịp thời hay biết và ghi nhận được – ‘À, giận. – nó sẽ dần dần tự tiêu diệt. Tất cả những trạng thái tiêu cực, ô nhiễm ấy chỉ sinh trưởng trong bóng tối của si mê; chúng không thể sinh trưởng dưới ánh sáng của trí tuệ.” 

Chánh Mạng (Sammā-ajīva)

  Ngài Munindra là một nét quảng bá sinh động của “Hãy làm những gì bạn yêu thích.” Ngài tìm thấy niềm vui chân thành và sâu đậm trong việc giúp đỡ người khác: “Ngay từ nhỏ tôi đã đi dạy ở trường làng, trường trung học, rồi khi đến Sarnath và Bodh Gaya thì tôi giảng dạy thường xuyên. Không ai chỉ vẽ tôi cách giảng dạy nhưng, chẳng hiểu vì sao, tôi tự nhiên biết được. Có vài vị thầy về tâm linh nói rằng tôi đã từng là thầy giáo trong nhiều đời, nhiều kiếp.”

 Do tình trạng thiếu giáo viên trong làng vào thập niên 1930, lúc bấy giờ là một học sinh xuất sắc nên Ngài được mời dạy ngôn ngữ Bengali, Anh văn, địa lý và các môn khác nữa. Khi Ngài rời gia đình và đến Calcutta, Ngài dạy tiếng Bengali và Anh ngữ cho chư tăng tại Nalanda Vidyabhavan, một trung tâm học thuật và nghiên cứu Pāli, được Hội Phật giáo Bengal thành lập năm 1935. Ở Sarnath, sau khi học yoga rồi thực tập qua sách vở, Ngài dạy cả yoga. Rồi Ngài còn dạy học cho con cái của các công nhân thất học làm việc ở Hội Mahabodhi nữa. Vài người trong số đó tiếp tục học lên và sau trở thành giáo sư, bác sĩ, khoa học gia, tướng lãnh, bộ trưởng. Ngài nói đó là một cách báo ân cho phụ thân đã cố gắng giáo dục Ngài và các anh em của Ngài.

 Theo yêu cầu của Hòa thượng Mahāsi khi ở Miến điện, Ngài Munindra trở thành một đạo sư giảng dạy Giáo pháp, và từ đó đã cống hiến từng giây phút tỉnh thức trong phần đời còn lại cho sự nghiệp pháp huấn. Ngài sống chỉ bằng sự cúng dường dưới bất cứ hình thức dâng tặng nào: chỗ ở, tiền bạc, vật dụng, thực phẩm, sách vở, vé tàu lửa, vé máy bay…

Không những chỉ ưa thích công việc giảng dạy, Ngài còn hết sức yêu thương học trò của mình, và họ cũng đáp lại với lòng quý mến Ngài sâu đậm. Ngài kể về thời niên thiếu: “Tôi được các học trò trai gái quý mến, kính nể vô cùng, xem tôi như một người anh. Tôi không bao giờ đánh ai, mắng nhiếc ai. Ngày nào tôi không đến trường, học trò đến nhà thăm hỏi. Họ thường mời tôi đến nhà với gia đình họ. Tôi dạy giỏi vì tôi dạy hết lòng chứ không phải dạy miễn cưỡng. Nếu ta tốt với người thì chính điều ấy cũng tốt cho ta. Chúng ta là một phần tử của toàn thể vũ trụ này. Nếu chỉ một người đạt được ánh sáng Giáo pháp, người ấy cũng là một báu vật cho thế gian này.”

 Mặc dù Ngài Munindra có khuyến khích vài môn sinh trở thành đạo sư, nhưng không phải ai cũng thích hợp với nghiệp giảng huấn. Ngài cũng rất cởi mở về vấn đề nuôi mạng chân chính. Khi hỏi ai về nghề nghiệp sinh sống, Ngài ân cần chia sẻ với họ, dù người khác có thể không tán thành kế sinh nhai của họ.

 Arlene Bernstein còn nhớ buổi gặp mặt đầu tiên ở Bodh Gaya sau khi có người gợi ý cô nên đến viếng thăm Ngài: “Tôi đến gõ cửa, và Thầy mời tôi vào dùng trà. Phong thái dễ mến, dịu dàng và niềm nỡ của Thầy khiến tôi cảm thấy thật thư thái. Thầy hỏi vợ chồng tôi sinh sống bằng cách nào; tôi cho biết là chúng tôi trồng nho và làm rượu vang. Thầy nói công việc đó là một cách nối kết đẹp đẽ với trái đất này. Tôi vừa rời một khóa thiền của một vị thầy khác. Nơi đó, mọi người đều đến chất vấn tôi rằng: ‘Bạn làm rượu vang à? Này, đó cũng là rượu, là một chất say. Sao bạn lại có thể làm một cái nghề phạm giới như vậy?’ Thật cảm động và bình tâm khi được đối xử bằng thái độ từ bi tương phản và lời khẳng định của Thầy. Thầy chỉ nói về mối gắn bó chặt chẽ với trái đất và sự góp phần vào một tiến trình xã hội của sinh kế ấy mà không chỉ trích đến cái kết quả cuối cùng là rượu, và rượu là chất độc hại. Thái độ không phê phán, không kết tội đó thật nhân từ, vô tư, và luôn lưu mãi trong tâm tôi.”   

Tâm ý trong sạch.

  Sau khi trải qua nhiều thử thách trong chính cuộc đời mình, Ngài Munindra sẵn sàng cống hiến lời khuyên nhủ từ kinh nghiệm thực chứng để hỗ trợ cho những ai đang đối đầu với chướng ngại hay khó khăn của riêng mình. Đại đức Bodhipāla nhớ mãi lời sách tấn của Ngài: “Tôi biết Sư là một hành giả rất chí thành, vậy Sư nên cố gắng giữ giới luật thật miên mật để nhanh chóng đạt tiến bộ.” Khi Đại đức rời Ấn độ để đến thường trụ tại Tu viện Taungpulu, Bắc California, Ngài ra tiễn Sư tại phi trường và dặn dò: “Nước Mỹ là một quốc gia khác biệt, có một nền văn hóa khác biệt, với bao nhiêu lạc thú thế gian khiến người ta dễ vướng mắc và sa ngã. Sư hãy kiên tâm trên con đường tu tập. Hãy cố gắng học hỏi thật tích cực và hành thiền thật thâm sâu.”

 Cho dầu có khi gặp trở ngại, Ngài vẫn luôn luôn giữ vững động cơ giảng dạy và hướng dẫn mọi người tu học. Ngài nói:

Khi tôi qua các nước phương Tây,các môn sinh thường hỏi: ‘Thầy muốn xem những gì?’ Tôi trả lời: ‘Cái tốt nhất và cái xấu nhất.’ Tôi muốn biết được cả hai. Tôi đã học hỏi rất nhiều về sự việc và con người ở những nơi đó, và tôi rất biết ơn họ, ngay cả từ những người không chân chánh, thiện lành vì cũng học được nhiều điều.

Tôi thành tâm tri ân những ai có ý gây tổn hại hay chê trách tôi, bởi vì nhờ họ mà tôi có nhân duyên chiêm nghiệm, học cách tự nhìn lại mình để thấy rõ duyên nghiệp nối kết quá khứ, hiện tại, tương lai ra sao. Đây là sự tự đối chiếu: Những bất thiện nghiệp đã tạo thì quyết không tái tạo nữa. Còn những thiện nghiệp đã làm thì cần phải trưởng dưỡng và tăng bồi lên mãi. Do đó mà không có một mặc cảm tội lỗi, một ân hận nào vướng bận trong tâm cả.

Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

Chính lời chư Phật dạy

Phật Ngôn Kinh Pháp Cú Kệ 183




sīla: từ chữ sīlana (thu thúc), chỉ ý muốn “điều hợp” hay“khép vào kỹ cương” các hành động thân và khẩu; hoặc có nghĩa là sự “giữ gìn, thu thúc”, làm nền tảng cho các trạng thái thiện lành, lợi lạc. Sīla cũng có thể xuất xứ từ śiras (cái đầu) hay từ sīta (mát). Sila có nghĩa là “bản chất”, “tính cách”, “tập tính” hay “hạnh kiểm”, nhưng thường  được dịch nhất là “giới hạnh”, “đạo đức”, “giới đức”, “đức độ” hay “hành vi đạo lý”.

Sīla chỉ về sự thu thúc có trí tuệ (bình tĩnh, điềm đạm), trái lại với sự dễ duôi, không lưu ý (nóng nảy, bộp chộp). Có nhiều nhóm giới khác nhau (năm, tám, hay mười) làm mẫu mực để tránh phạm điều sai quấy, tùy theo người giữ giới là cư sĩ hay tu sĩ. Ngoài ra, có một bộ giới bổn của tỳ kheo (pāṭimokkha) trong Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) gồm những giới luật và nghi thức điều hành đời sống của chư tăng ni. Giới luật không biểu hiện cho tinh thần tuân thủ một cách máy móc vào giáo điều của một vị trời nào đó, mà là một sự rèn luyện kỷ luật tự giác, tự nguyện.

sīla là nền tảng trong pháp hành, nó tạo thành yếu tố thứ nhất của Tam Học (sikkhā) – giới, định, huệ – trong Bát Chánh Đạo. Ở đây, sīla tương ứng với chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh  mạng. Là điều kiện tu học tiên khởi, sīla phải chủ yếu được huân tập và trưởng dưỡng trên suốt đường đạo. Sīla còn đứng thứ nhì trong mười ba la mật (pāramī) và một trong bảy tài sản cao quý (dhana).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn