(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1867)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

09-Thọ (Vedanā).

10 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 11406)

09- Trí hiểu rõ về Thọ (Vedanā).

Chánh kinh.

Chư Hiền, thế nào là thọ (vedanā), thế nào là tập khởi của thọ, thế nào là đoạn diệt của thọ, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thọ?.

Chư Hiền, có sáu loại thọ này: Thọ sinh từ nhãn xúc (cakkhusamphassajā vedanā), thọ sinh từ nhĩ xúc (sotasamphassajā vedanā), thọ sinh từ tỷ xúc (ghānasamphassajā vedanā), thọ sinh từ thiệt xúc (jīvhāsamphassajā vedanā), thọ sinh từ thân xúc (kāyasamphassajā vedanā), thọ sinh từ ý xúc (manosamphassajā vedanā).

Từ tập khởi của xúc, có tập khởi của thọ, từ đoạn diệt của xúc, có đoạn diệt của thọ và Thánh đạo tám ngành là này là con đường đưa đến đoạn diệt của xúc.”

Giải.

1- Ý nghĩa thọ (vedanā).

Vedanā từ động từ vedeti. Vedeti = căn VID + E.

Căn VID nghĩa là “nhận lấy”, “hiểu biết”. Từ căn VID có chữ veda nghĩa là “sự hiểu biết”, “sự cảm giác”, và vedagū: người hiểu biết.

Động từ vedeti nghĩa là thọ hưởng.

Nên vedanā được dịch là “cảm thọ” hay “nhận lãnh có hiểu biết”, một số sách dịch vedanā là “cảm giác”, xem ra không được thích nghi lắm. Vì:

“Vedayatīti kho bhikkhave, tasmā vedanā’ti vuccati?.

“Này các Tỳkhưu, thế nào gọi là thọ? Được cảm thọ, này các Tỳkhưu, nên gọi là thọ.

Kiñca vedayati? Sukhampi vedayati, dukkhampi vedayati, adukkhamasukhampi vedayati.

Vedayatīti kho bhikkhave, tasmā vedanā’ti vuccati.

Cảm thọ gì? Cảm thọ lạc, cảm thọ khổ, cảm thọ không khổ không lạc.

Được cảm thọ, này các Tỳkhưu, nên gọi là thọ” [95].

Và khổ hay lạc của thân hiện bày rõ ràng, không hề “có cảm giác”, cảm giác chỉ có thể nói về tâm, không thể áp dụng cho thân.

Có một số trường hợp chúng ta có cảm giác “hạnh phúc hay nguy hại sẽ xẩy đến” nhưng rõ ràng chưa nhận lãnh (thọ) “hạnh phúc hay nguy hại” ấy.

Lại nữa, bốn ý nghĩa của thực tính thọ là:

- Trạng thái: Thường hưởng cảnh (anubhavanalakkhaṇā).

-Phận sự: Thọ dụng cảnh (visayarasasambhogarasā).

- Thành tựu: Lạc, khổ (sukhadukkhapaccupaṭṭhānā).

-Nhân cần thiết: Có xúc (phassapadaṭṭhānā). [96].

Chữ sambhoga nghĩa đen là “ăn”, visayarasa là “vị chất của cảnh”.

Nên phận sự của thọ, có thể dịch là “hưởng (vị) cảnh”. Do đó thọ không thể là “cảm giác suông” mà phải có sự hưởng dụng .

Thành tựu của thọ là lạc hay khổ, vì lạc hay khổ hiện bày rõ rệt, còn xả thọ thì khó thấy.

Các vị Luận sư cho rằng “Thọ xả hoặc là lạc vi tế hoặc là khổ vi tế. Khi nhận cảnh tốt với sự thản nhiên, đó là lạc vi tế, khi nhận cảnh xấu với sự thản nhiên, đó là khổ vi tế”.

Bà Thánh nữ Alahán Dhammadinnā có trả lời Ngài Anahàm Visākha rằng:

“Adukkhamasukkā vedanā kho āvuso Visākha, ñāṇa sukkā aññāṇadukkhā’ti.

“Trong xả thọ, này Hiền giả Visākha, có trí là lạc, không có trí là khổ.[97]

Câu trả lời của bà Thánh nữ Dhammadinnā là ám chỉ trí quán về thọ niệm xứ. Nếu mở rộng vấn đề thì: Xả thọ trong thiện hay vô ký là lạc, trong bất thiện là khổ.

Ngài Buddhaghosa có cho ví dụ “dấu chân nai trên tảng đá là thọ xả, dấu chân bên này tảng đá là thọ lạc, dấu chân bên kia tảng đá là thọ khổ”. Dấu chân nai hai bên tảng đá dễ thấy, dấu chân trên đá khó thấy, nhưng rõ ràng “trên đá có dấu chân nai, hoặc là lạc hoặc là khổ (lạc vi tế hay khổ vi tế)”

2- Các loại thọ.

a- Thọ phân tích theo cách hưởng cảnh, có ba là:

* - Thọ lạc (sukhavedanā).

Là tâm vui thích, thân an lạc khi nhận cảnh.

“Iddha bhikkhave bhikkhu vivicceva kāmeti... paṭthamaṃ jhānaṃ upasampajja viharati.

So imameva kāyaṃ vivekajena pītisukhena abhisandeti parisandeti paripūreti paribbharati ..

“Ở đây, này các Tỳkhưu, vị Tỳkhưu ly dục... chứng và trú Sơ thiền.

Vị ấy thân tẩm ướt, thấm nhuần, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc (pītisukha)..” [98].

*- Thọ khổ (dukkhavedanā).

Là tâm khó chịu, sầu não, phẩn uất, hiềm hận (paṭigha). Thân đau đớn, mệt mõi .... Như kinh văn:

“.... vedanānaṃ dukkhānaṃ tibbānaṃ kharānaṃ kaṭukānaṃāsātānaṃ amanāpānaṃ pāṇaharānaṃ anadhivāsakajātiko hoti...

- “... đối với các khổ thọ về thân khởi lên khốc liệt (tibbānaṃ), cường liệt (kharānaṃ), mãnh liệt (khatukānaṃ), không thích ý (apanāpānaṃ), đoạt mạng (pāṇaharānaṃ), khó lòng nhẫn thọ (anadhivāsakajātiko)...[99].

Và: “Có 5 trừ khử hiềm hận này...” [100]. Hiềm hận là khổ tâm.

*- Thọ xả (upekhā vedanā).

Là thọ nhận cảnh với trạng thái thản nhiên, dù đó là cảnh tốt hay cảnh xấu. Như người Phật tử đảnh lễ kim thân Phật một cách thản nhiên hoặc người đạo tỳ thản nhiên liệm tử thi.

b- Thọ phân tích theo thân – tâm, có 5 là:

- Thọ hỷ (somanassa): Là nhận lãnh hân hoan, hài lòng nơi tâm.

- Thọ ưu (domanassa): Là nhận lãnh khó chịu, sầu khổ, uất ức, phẩn nộ nơi tâm.

- Thọ lạc (sukha): Là nhận lãnh sự sảng khoái, an lạc của thân.

- Thọ khổ (dukkha): Là nhận lãnh sự mệt mõi, đau đớn, không an lạc của thân.

- Thọ xả (upekkhā vedanā).

Sở dĩ phân tích như vậy, vì có trường hợp thân thọ khổ nhưng tâm hân hoan. Như người vừa hoàn tất việc làm cần thiết nào đó, thân mệt mõi nhưng tâm thấy hân hoan vì làm xong việc cần làm.

Hoặc có khi thân an lạc, nhưng tâm sầu muộn. Như Đức vua nghe tin quân nghịch thắng trận.

Đức Sāriputta (Xálợiphất) có dạy: “Khi nào vị Thánh đệ tử đạt đến an trú hỷ do viễn ly sinh, trong thời gian ấy 5 sự việc này không xảy ra:

- Khổ và ưu liên hệ đến dục (kāma), trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy.

- Lạc và hỷ liên hệ đến dục (kāma), trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy.

- Khổ và ưu liên hệ đến bất thiện, trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy.

- Lạc và hỷ liên hệ đến bất thiện, trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy.

- Khổ và ưu liên hệ đến thiện, trong thời gian ấy không khởi lên cho người ấy.” [101].

Đoạn kinh văn trên nêu lên 4 thọ: Lạc, khổ, hỷ, ưu. Tính thêm xả thọ là có 5 thọ.

c-Thọ phân tích theo môn (dvāra: cửa) hay cách phát sinh, có 6 là:

- Nhãn xúc thọ: Là thọ sinh lên từ nhãn xúc.

Khi thần kinh nhãn (cakkhupasāda) chạm vào cảnh sắc (rūpārammaṇa), phát sinh nhãn thức. Sự hội hợp ba pháp: Nhãn thức, thần kinh nhãn và cảnh sắc là nhãn xúc, từ đó sinh ra thọ, gọi là “Thọ sinh từ nhãn xúc”.

Như Pāli có giải thích:

Cakkhu samphassato jātā vedanā’ti = cakkhusamphassajātavedanā

“Thọ sinh ra từ nhãn xúc, gọi là nhãn xúc thọ”.

- Nhĩ xúc thọ: Là thọ sinh lên từ nhĩ xúc.

Khi thần kinh nhĩ (sotapasāda) chạm với cảnh thinh (saddārammaṇa), phát sinh nhĩ thức (sotaviññāṇa). Ba pháp: thần kinh nhĩ, cảnh thinh và nhĩ thức hội lại, gọi là nhĩ xúc, từ đó sinh ra thọ, gọi là “thọ sinh từ nhĩ xúc”.

Như Pāli có giải thích:

“Sota samphassato jātā vedanā’ti = sotasamphassajāta vedanā.

Thọ sinh ra từ nhĩ xúc, gọi là nhĩ xúc thọ”.

- Tỷ xúc thọ: Là thọ sinh lên từ tỷ xúc.

Khi thần kinh tỷ (ghānapasāda) chạm với cảnh mùi (gandhārammaṇa), phát sinh tỷ thức (ghānaviññāṇa). Ba pháp: Thần kinh tỷ, cảnh mùi và tỷ thức hội lại, gọi là tỷ xúc, từ đó sinh ra thọ, gọi là thọ sinh từ tỷ xúc.

Pāli có giải thích:

Ghāna samphassato jātā vedanā’ti = ghānasamphassajāta vedanā.

“Thọ sinh ra từ tỷ xúc, gọi là tỷ xúc thọ.”

- Thiệt xúc thọ: Là thọ sinh lên từ thiệt xúc.

Khi thần kinh lưỡi (jīvhāpasāda) chạm với cảnh vị (rasārammaṇa), phát sinh thiệt thức (jīvhāviññāṇa). Ba pháp ấy hội lại, gọi là thiệt xúc, từ đó sinh ra thọ, gọi là thọ sinh từ thiệt xúc.

Pāli có giải thích:

“Jīvhā samphassato jātā vedanā’ti = jīvhāsamphassajāta vedanā.

Thọ sinh từ thiệt xúc, gọi là thiệt xúc thọ.”

- Thân xúc thọ: Là thọ sinh lên từ thân xúc.

Khi thần kinh thân (kāyapasāda) chạm với cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa), phát sinh thân thức (kāyaviññāṇa). Ba pháp này hội lại, gọi là thân xúc, từ đó phát sinh thọ, gọi là thân xúc thọ.

Pāli có giải thích:

“Kāya samphassato jātā vedanā’ti = kāyasamphassajaatā vedanā.

“Thọ sinh từ thân xúc, gọi là thân xúc thọ”.

- Ý xúc thọ: Là thọ sinh lên từ ý xúc.

Khi những tâm (ngoại trừ năm đôi thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức) chạm với cảnh pháp (dhammārammaṇa), phát sinh ý thức. Hội hợp giữa ý thức và cảnh pháp, gọi là ý xúc. Thọ phát sinh từ ý xúc gọi là ý xúc thọ. Pāli có giải thích:

“Mano samphassato jātā vedanā’ti = manosamphassajātā vedanā.

“Thọ sinh từ ý xúc, gọi là ý xúc thọ."

Nên ghi nhận: Ngoại trừ năm đôi thức (dvepañcaviññāṇa), những tâm còn lại gọi là ý thức, nhưng ý xúc sanh khởi thọ, chỉ có trong 22 tâm quả hiệp thế (đó là: 2 tâm tiếp thâu (sampaṭicchana citta), 3 tâm quan sát (santīraṇa citta), 8 tâm quả Dục giới hữu nhân, 5 tâm quả thiền Sắc giới và 4 tâm quả thiền Vô sắc giới).

Gọi là: Nhãn xúc thọ, nhĩ xúc thọ,... là gọi tên theo nhân sinh khởi, như gọi tên con theo tên mẹ: Sāriputta (con của bà Sārī), Punna Mantāniputta (Punna con của Mantāni) ....

3- Ái có thọ là tập khởi.

a- Phân tích tổng quát.

Phần lớn chúng sinh khi chưa đoạn trừ hết các lậu hoặc, khi gặp những trần cảnh rất dễ khởi lên ái.

Riêng bậc Anahàm chỉ có pháp ái, vì sự thích thú, say mê với năm trần cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc đã không còn (vị Anahàm đã sát trừ dục ái).

Luận Atỳđàm (abhidhamma) có giải thích: Khi giác quan (indriya: căn, quyền) tiếp xúc với cảnh trần, phát sinh thọ.

Người còn tham ái thì ngay khi thọ có mặt, ái có mặt để thích thú, say mê cảnh và thích thú ngay cả thọ, ví như đứa bé thích thú với đồ chơi của nó đồng thời không muốn lìa mẹ (đứa bé ví như ái, đồ chơi ví như cảnh, mẹ ví như thọ).

Thông thường, thọ lạc trực tiếp sinh khởi ái, còn thọ khổ thì gián tiếp.

Như người đang đói khát, y muốn thoát ra đói khát, người đang bị tra tấn về thân, y chỉ có ý nghĩ duy nhất “thoát ra khỏi sự tra tấn này”, hay một người bịnh nặng, thân oằn oại đau nhức, y chỉ có ý nghĩ duy nhất “được khỏi bịnh” và như thế rõ ràng “thọ khổ duyên cho ái “.

Đối với thọ xả tuy không có khổ hay lạc hiện bày rõ ràng, nhưng tâm lý chúng sinh không muốn mất trạng thái “không khổ” này.

Mặt khác, thọ xả bao gồm: Hoặc là lạc vi tế, hoặc là xả vi tế. Đã có lạc hay khổ là có ái sinh khởi, dù đó là ái vi tế.

b- Phân tích chi tiết.

Khi phân tích chi tiết thì: Khi cảnh tiếp chạm vào môn (dvāra: cửa), làm sanh khởi tâm lộ (cittavithī), chúng ta hãy xem xét lộ tâm nhãn môn để minh họa.

Diễn tiến tâm lộ nhãn môn như sau:

 

Từ sátna Phán đoán trở về trước, thọ đối với cảnh sắc chưa sinh khởi (vì những sátna này chỉ là tâm quả hay tâm duy tác vô nhân, chúng không có chức năng “xử lý cảnh”), khi những sátna Đổng lực sinh lên, bấy giờ thọ sinh lên (ngay lúc ấy ái cũng sinh lên, nếu không có tác ý đúng), tiếp theo lộ ý môn nối tiếp lộ ngũ sinh lên thì thọ hoàn chỉnh, bấy giờ ái cũng hoàn chỉnh.

Có 4 lộ ý nối với lộ nhãn môn, diễn tiến như sau:

1- Lộ nối tiếp lộ trước (atītagahanavīthi).

2- Lộ vén khéo hay lộ gom gọn (samūhaggahaṇavīthi)

Hai lộ này vẫn còn bắt cảnh sắc theo thực tính pháp.

3- Lộ định nghĩa (atthaggahaṇavīthi).

4- Lộ định danh (nāmaggahaṇavīthi).[102]

Hai lộ này nhận cảnh chế định, chính giai đoạn này thọ hoàn chỉnh vì nhận cảnh chế định đồng thời ái cũng hoàn chỉnh.

Với hành giả có niệm mạnh, chỉ ghi nhận “cảnh sắc”, không nắm giữ tướng chung hay tướng riêng (tức là cảnh chế định), làm cho “cảm thọ cũ chấm dứt, không cho cảm thọ mới (là cảm thọ đối với cảnh chế định) sinh lên”.

Nói cách khác, hành giả có niệm (sati) mạnh khiến cho 2 lộ: Định nghĩa và Định danh không sinh lên, hoặc có sinh lên nhưng không tác động đến tâm, thế là ái không có cơ hội sinh lên.

Như vậy, đối với bậc Lậu tận hay bậc có niệm mạnh, chỉ có thọ sinh lên chứ ái không thể sinh khởi.

Câu Phật ngôn sau:

“Cakkhuñ ca paṭicca rūpe ca upajjhati cakkhuviññāṇaṃ.

Tiṇṇaṃ saṅgati phasso, phassapaccayā vedanā, vedanā paccayā taṅhā:

Do duyên mắt và (cảnh) sắc, nhãn thức sinh khởi.

Hội hợp cả ba là Xúc, xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái”.[103]

Câu Phật ngôn này, Đức Thế Tôn nói đến phần đông, không phải nói chung cho tất cả chúng sinh.

Và một khi thọ cũ chấm dứt, thọ mới không sinh lên thì ái không có mặt.

Do đó Đức Sāriputta giảng: “Từ tập khởi của thọ, có tập khởi của ái, từ đoạn diệt của thọ có đoạn diệt của ái”  (Chánh kinh phần trí hiểu rõ về ái).

Ở khía cạnh khác, cho thấy thọ cũng làm duyên cho bất thiện nghiệp hay thiện nghiệp.

Thông thường thọ ưu hay thọ khổ dẫn đến tâm sân, một khi tâm sân sinh lên rất khó đoạn trừ [104], để rồi dẫn đến hiềm hận (paṭigha), tạo ác nghiệp về thân hay ngữ.

Người có trí khi nhận lãnh thọ khổ , quán xét nghiệp báo, nhân quả rồi tạo thiện nghiệp để thoát ra “cái khổ”.

“Yo hi koci, bhikkhave, bhikkhu vā bhikkhunī vā sahāpi dukkhena sahāpi domanassena assumukho rudamāno paripuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ carati, tassa diṭṭheva dhamme pañca sahadhammikā pāsaṃsā ṭhānā āgacchanti. Katame pañca?

“Này các Tỳkhưu, Tỳkhưu hay Tỳkhưu ni nào, dầu với đau khổ, với ưu tư, với mặt tràn đầy nước mắt, than khóc, vẫn sống đời sống phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, năm vấn đề hợp pháp để tự tán thán này đến với vị ấy ngay trong hiện tại. Thế nào là năm:

Saddhāpi nāma te ahosi kusalesu dhammesu.

- Có đức tin với thiện pháp.

Hirīpi nāma te ahosi kusalesu dhammesu.

- Có hổ thẹn tội lỗi nơi thiện pháp.

Ottappamhi te ahosi kusalesu dhammesu.

- Có ghê sợ tội lỗi nơi thiện pháp.

Vīriyampi te ahosi kusalesu dhammesu.

- Có tinh tấn với thiện pháp

Paññapi te ahosi kusalesu dhammesu.

- Có trí tuệ với thiện pháp.”[105]

Khi thọ lạc sinh khởi, người ta dễ dàng rơi vào tự mãn, đắm nhiễm. Hoặc tầm cầu thọ lạc phi pháp, thế là tạo ác bất thiện nghiệp.

“Yebhuyyena, bhikkhave, sattā kāmesu laḷitā.

“Này các Tỳkhưu, phần lớn các loại hữu tình tìm được lạc thú trong các dục (kāmesu laḷitā)” [106].

Có chúng sinh nương thọ lạc, phát triển thiện pháp chứng đắc pháp thượng nhân, hoặc nương từ sự an lạc thân tâm, tạo thiện sự bố thí, trì giới... Như Ngài Bakkula nương thân lạc, tinh tấn hành đạo chứng quả Alahán sau 7 ngày xuất gia[107]...

- Thọ nếu phân tích rộng, có đến 108 là:

*- Thọ lạc liên hệ đến vật chất. Như người vui thích khi nhận được quà tặng vật chất có giá trị cao.

*- Thọ lạc không liên hệ đến vật chất. Như “vị Tỳkhưu chứng trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh”.

*- Thọ khổ liên hệ đến vật chất. Như người sầu khổ khi mất vật hài lòng, ưa thích.

*- Thọ khổ không liên hệ đến vật chất. Như người nhàm chán các pháp hữu vi, nhàm chán sinh tử luân hồi.

*- Thọ xả liên hệ đến vật chất. Như Đức vua thản nhiên nhận cống phẩm của các chư hầu.

*- Thọ xả không liên hệ đến vật chất. Như trường hợp vị chứng đạt Tứ thiền (thiền bốn bậc).

“Katama ca, bhikkhave, vedanānaṃ vedamattā?

“Này các Tỳkhưu, thế nào là các cảm thọ sai biệt?.

Atthi, bhikkhave, sāmisā sukhā vedanā, atthi nirāmisā sukhā vedanā.

 Này các Tỳkhưu, có các lạc thọ liên hệ đến vật chất, có các lạc thọ không liên hệ đến vật chất.

Atthi sāmisā dukkhā vedanā, atthi nirāmisā dukhā vedanā.

Có các khổ thọ liên hệ đến vật chất, có các khổ thọ không liên hệ đến vật chất.

Atthi sāmisā adukkhamasukhā vedanā, atthi nirāmisā adukkhamasukhāvedanā

Có các xả thọ liên hệ đến vật chất, có các xả thọ không liên hệ đến vật chất”[108].

Sáu thọ này nhân cho sáu cảnh (sắc, thinh, mùi, vị, xúc và pháp), thành 36 thọ. Lại nhân cho ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) thành ra 108 thọ.

- Thọ nếu thu gọn thì chỉ có một là “khổ thọ”.

*- Năm thọ (hỷ, ưu, lạc, khổ, xả), gom lại thành 3 là: Thọ hỷ gom vào thọ lạc, thọ ưu gom vào thọ khổ. Thành ra: Lạc thọ, khổ thọ và xả thọ.

*- Ba thọ gom lại thành 2 thọ là: thân thọ và tâm thọ (một cách khác là: lạc thọ và khổ thọ, hay thọ bên trong (nội thọ) và thọ bên ngoài (ngoại thọ)).

*- Hai thọ, gom lại thành “khổ thọ”. Vì thân - tâm là pháp hữu vi, cái gì thuộc hữu vi là khổ. [109]

- Thọ nếu phân tích rộng thì có đến 108 thọ.

Cách tính như sau: Sáu cảnh nội phần (ajjhattārammaṇā) + sáu cảnh ngoại phần (bahiddhārammaṇā) x ba thọ (lạc, khổ, xả) = 36 thọ.

Lấy 36 thọ x ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai) = 108 thọ.

“Dve pi Ānanda, vedanā vuttā mayā pariyāyena.

“Này Ānanda, hai thọ được ta nói đến tùy theo một pháp môn.

Tisso pi vedanā vuttā mayā pariyāyena.

Ba thọ được ta nói đến tùy theo một pháp môn.

Pañca pi vedanā vuttā mayā pariyāyena.

Năm thọ được ta nói đến tùy theo một pháp môn.

Cha pi vedanā vuttā mayā pariyāyena.

Sáu thọ được ta nói đến tùy theo một pháp môn.

Aṭṭhadasa pi vedanā vuttā mayā pariyāyena.

Mười tám thọ được ta nói đến tùy theo một pháp môn.

Chattiṃsā pi vedanā vuttā mayā pariyāyena.

Ba mươi sáu thọ được ta nói đến tùy theo một pháp môn.

Aṭṭhasataṃ vedanā vuttā mayā pariyāyena.

Một trăm lẻ tám thọ được ta nói đến tùy theo một pháp môn.”[110].

Bản Sớ giải bài kinh “nhiều thọ” này, có giải thích: “Hai thọ là thân thọ và tâm thọ” (MA. iii, 144).

Dứt trí hiểu rõ về thọ.

-ooOoo-


[95]- HT. TMC (d), S.iii, 86.

[96]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (sd), Siêu lý cao học.

[97]- HT. TMC (d), M.i, kinh Tiểu Phương quảng (Cūḷavedallasuttaṃ).

[98]- HT.TMC (d), A.iii, 25.

[99]- HT. TMC (d), A.īii, 143.

[100]- A.iii, 185.

[101]- A. iii, 107.

[102]- Xem Quy trình tâm pháp, phần Lộ ý nối lộ ngũ.

[103]- M.iii. kinh Sáu sáu (Chacakkasuttaṃ).

[104]- A.iii, 184. .

[105]- HT. TMC (d),  A.iii. 4. Pháp năm chi, kinh Học pháp (Sikkhāsuttaṃ).

[106]- HT. TMC (d), A.iii, 5. Pháp năm chi, kinh Dục vọng (Kāmasuttaṃ).

[107]- M.iii, kinh Bạccâula (Bakkula sutta).

[108]- HT. TMC (d), A. iii. 410. Pháp sáu chi, kinh Một pháp môn quyết trạch (Nibbedhikasuttaṃ). HT. TMC dịch

[109]- Xem Vi diệu pháp toát yếu, phần thọ gom lại (vedanā saṅgaha), tr .183. Đại trưởng lão Nārada soạn, ông Phạm Kim Khánh dịch. 

[110]- M.ii, kinh nhiều thọ (Bahuvedaniya suttaṃ).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn