(Xem: 1492)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

11-Sáu xứ (Saḷāyatana).

10 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 13392)

11- Trí hiểu rõ về sáu xứ (Saḷāyatana).

Chánh kinh.

“Chư Hiền, khi nào vị Thánh biết sáu xứ (saḷāyatanañ – ca pajānāti), biết tập khởi của sáu xứ, biết đoạn diệt của sáu xứ, biết con đường đưa đến đoạn diệt của sáu xứ, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến – và thành tựu diệu pháp này.

Chư Hiền, thế nào là sáu xứ, thế nào là tập khởi của sáu xứ, thế nào là đoạn diệt của sáu xứ, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sáu xứ?.

Chư hiền, có sáu xứ này: Nhãn xứ (cakkhāyatanaṃ), nhĩ xứ (sotāyatanaṃ), tỷ xứ (ghānāyatanaṃ), thiệt xứ (jīvhāyatanaṃ), thân xứ (kāyāyatanaṃ) và ý xứ (manāyatanaṃ).

Từ tập khởi của danh sắc (nāmarūpasamudayā) có tập khởi của sáu xứ, từ đoạn diệt của danh sắc có đoạn diệt của sáu xứ, và Thánh đạo tám ngành là con đường đưa đến đoạn diệt sáu xứ, tức là Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh thấn, chánh niệm, chánh định.

Giải.

1- Ý nghĩa từ āyatana(xứ).

Phân tích từ āyatana (danh từ trung tính) được: Ā + yata.

Yata là quá khứ phân từ của yameti nghĩa là: Xem xét, kiểm soát.

Yameti xuất phát từ ngữ căn YAM nghĩa là “gìn giữ”, “bảo vệ,” hoặc “có đôi”, “sự canh phòng”, như yamaka (một đôi, một cặp)...[19].

Ngài Đại Luận sư Buddhaghosa có nêu lên 5 ý nghĩa của āyatana, như sau:

“Apica nivāsaṭṭhānaṭṭhena ākaraṭṭhena samosaraṇaṭṭhānaṭṭhena sañjātidesaṭṭhena kāraṇaṭṭhena ca āyatanaṃ veditabbaṃ:

Lại nữa, nên hiễu Xứ nghĩa là: Chỗ trú ngụ (nivāsaṭṭhāna), chỗ chứa (ākara), chỗ gặp gỡ (samosaraṇa), nơi sinh sản (sañjatidesa) và nguyên nhân (kāraṇa).”[20].

Xứ mang ý nghĩa là chỗ trú ngụ, như: “Nơi cư ngụ của vị lãnh chúa (issarāyatanaṃ), nơi cư ngụ của thần Vāsu (Vāsudevāyatanaṃ)...”.

Xứ mang ý nghĩa là chỗ chứa, như “mỏ vàng (suvaṇṇāyatana), mỏ ngọc (rajatāyatana)..”.

Xứ mang ý nghĩa là chỗ gặp gỡ, như: “Trong đoạn kinh: “Và như vậy, ở trong lạc xứ, những vị chư thiên trong hư không đến đảnh lễ vị ấy” (sāsane pana “manoramme āyatane sevanti naṃ vihaṅgamā” ) (A. 2.5.38).

Xứ mang ý nghĩa là nơi sinh sản, như: “Đất phương Nam là nơi (của) ác thú (dakkhiṇāpatho gunnaṃ āyatanaṃ)”.

Xứ mang ý nghĩa là nguyên nhân, như: “Vị ấy có khả năng chứng được điều ấy khi có nơi thích hợp (tatra tatreva sakkhibhabbataṃ pāpuṇāti sati sati āyatane) (A.i.3.102).

Chữ saḷāyatana (sáu xứ), thông thường chỉ cho nội xứ (ajhattāyatana), đó là: nhãn xứ (cakkhāyatanaṃ), nhĩ xứ (sotāyatanaṃ), tỷ xứ (ghānāyatanaṃ), thiệt xứ (jīvhāyatanaṃ), thân xứ (kāyāyatanaṃ) và ý xứ(manāyatanaṃ).

Như Kinh văn: “Katamañca bhikkhave, saḷāyatanaṃ?

Cakkhāyatanaṃ, sotāyatanaṃ, ghānāyatanaṃ, jīvhāyatanaṃ, kāyāyatanaṃ, viññāṇāyatanaṃ

 “Này các Tỳkhưu, thế nào là sáu xứ?

Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ và ý xứ”[21].

Các Giáo thọ sư giải thích từ saḷāyatana như sau:

- “Āyataṃ samsāravaṭṭaṃ nayatīti = Āyatanaṃ.

(Pháp nào) dẫn đến luân hồi, pháp ấy gọi là xứ”.

Sở dĩ các Ngài giải thích “Xứ là pháp dẫn đến luân hồi”, là nương vào lời giảng rộng của Đức Ānanda về lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn.

Có lần Đức Thế Tôn thuyết vắn tắt cho chư Tỳkhưu rằng:

“Nāhaṃ bhikkhave, gamanena lokassa antaṃ ñāteyyaṃ, daṭṭheyyaṃ patteyyanti vadāmi. Na ca nāhaṃ bhikkhave, appatvā lokassa antaṃ dukkhassa antakiriyaṃ vadāmī‘ti.

“Này các Tỳkhưu, Ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các Tỳkhưu, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách không đạt đến tận cùng thế giới.

Đức Ānanda giải thích rộng:

“Cakkhunā kho, āvuso, lokasmiṃ lokasaññī hoti lokamāni.

Sotena kho, āvuso.... ghānena kho, āvuso.... jīvhāya kho, āvuso.... kāyena kho, āvuso...

Manena kho, āvuso lokasmiṃ lokasaññī hoti lokamāni.

Yena kho, āvuso, lokasmiṃ lokasaññī hoti lokamāni, ayaṃ vuccati ariyassa vinaye loko.

 

 “Do mắt, này chư hiền, người ta tưởng đến thế giới (lokasaññī), người ta kiêu mạn về thế giới (lokamānī).

Do tai... Do mũi...Do lưỡi.. Do thân....

Do ý, này chư hiền, người ta tưởng đến thế giới, người ta kiêu mạn về thế giới.

Này chư Hiền, đây là nghĩ tưởng đến thế giới, kiêu mạn về thế giới, đây gọi là thế giới trong Luật bậc Thánh”[22].

Thế giới ở đây chỉ cho 5 uẩn hay danh sắc.

Hay là: “Này các Tỳkhưu, trong sáu pháp này, Tỳkhưu chân chánh nhàm chán, chân chánh ly tham, chân chánh giải thoát, chân chánh thấy được cứu cánh. Sau khi chân chánh thắng tri ý nghĩa, ngay trong hiện tại là người chấm dứt khổ đau. Thế nào là sáu? Là sáu nội xứ”. [23]

- “Cha āyatanāni = saḷāyatana.

 Sáu chỗ quy tụ (của pháp), gọi là sáu xứ”.

Như thần kinh nhãn là nơi gặp gỡ của: cảnh sắc, nhãn thức, nhãn xúc, nhãn thọ.... Nói cách khác, chính thần kinh nhãn là chỗ hội tụ 5 uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn, riêng ý xứ có khi hội 5 uẩn, có khi hội bốn uẩn (trừ sắc uẩn).

Khi hội đủ năm uẩn là ý xứ nương sắc ý vật (hadayavatthu) chỉ cho cõi năm uẩn, chỉ có bốn uẩn khi ở cõi Vô sắc.

- “Saḷāyatanañ ca chatthāyatanañ ca = saḷāyatana.

Sáu (nội) xứ và xứ thứ sáu, gọi chung là sáu xứ.”

Nếu nói đầy đủ phải là “nāmarūpa paccayā saḷāyatana chatthāyatanaṃ: Danh sắc duyên cho sáu xứ và xứ thứ sáu”, nhưng chatthāyatana được lược bớt, nhưng vẫn không mất nghĩa là vì:

- Xứ thứ sáu chính là ý xứ[24], cũng thuộc về sáu xứ.

- Sở dĩ các Ngài tách rời sáu xứ và xứ thứ sáu, do nhấn mạnh đến cõi. Tức là nói đến sáu xứ là nói đến cõi năm uẫn, còn nói đến xứ thứ sáu chỉ riêng cho cõi Vô sắc giới.[25].

Nếu phân tích chi tiết thì: Xứ thứ sáu chỉ cho những tâm xuất hiện ở cõi Vô sắc. 

Từ ý nghĩa “có đôi” của ngữ căn YAM, nên các Giáo thọ Sư phân tích saḷāyatana (sáu xứ) thành hai loại: sáu xứ trong thân (nội xứ - ajjhattāyatana) và sáu xứ ngoài thân (ngoại xứ - bahiddhāyatana).

Thật ra, phần chính của sáu xứ là nội xứ, vì chúng thành tựu từ pháp thủ (upādānadhamma), như kinh văn:

“Upādinnupādāniyā dhammā: Các pháp thành tựu do (pháp) thủ.[26]. Chi pháp của câu này là: 32 tâm quả hiệp thế, 35 tâm sở hợp và 20 sắc nghiệp.

Chính trong 20 sắc do nghiệp tạo, năm sắc thần kinh: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân, là 5 xứ (là nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ và thân xứ).

Còn ý xứ chính là tâm hữu phần (bhaṅvangacitta), là loại tâm quả có phận sự duy trì đời sống của danh pháp, gồm có: 2 tâm quan sát, 8 đại quả, tâm quả thiền Sắc giới và 4 tâm quả thiền Vô sắc giới.

Xứ thứ sáu chính là 4 tâm quả thiền Vô sắc. Như vậy, xứ thứ sáu nằm trong ý xứ. Sáu xứ này là những thành phần có tính nhất định.

Khi mở rộng thì ý xứ bao gồm tất cả tâm, nhưng thành phần cố định vẫn là tâm hữu phần.

Còn sắc, thanh, mùi, vị, xúc và pháp xứ, là bất định. Khi chúng “đi vào” vùng cai quản của nội xứ, chúng được gọi là “okkanta –rơi vào, đi vào” (các Ngài dịch là NHẬP).

Đoạn kinh sau minh chứng cho hai loại sáu xứ nội và sáu xứ ngoại.

“Này các Tỳkhưu, dục tham đối với mắt là tùy phiền não của tâm. Dục tham đối với tai ... Dục tham đối với mũi ... Dục tham đối với lưỡi ... Dục tham đối với thân... Dục tham đối với ý là tùy phiền não của tâm.

Này các Tỳkhưu, khi nào đối với sáu xứ này, đoạn tận được tùy phiền não, thời tâm vị ấy hướng về ly dục. Do biến mãn với ly dục, tâm vị ấy được xem là kham nhẫn, chứng tri đối với các pháp cần phải giác ngộ” .

“Này các Tỳkhưu, dục tham đối với sắc là tùy phiền não của tâm. Dục tham đối với thinh ... Dục tham đối với hương ... Dục tham đối với vị ... Dục tham đối với xúc... Dục tham đối với pháp là tùy phiền não của tâm.

Này các Tỳkhưu, khi nào đối với sáu xứ này, đoạn tận được tùy phiền não, thời tâm vị ấy hướng về ly dục. Do biến mãn với ly dục, tâm vị ấy được xem là kham nhẫn, chứng tri đối với các pháp cần phải giác ngộ”.  [27]

2- Phân tích.

a- Nhãn xứ (cakkhāyatana).

- Mắt (cakkhu): “Cakkhatīti = cakkhu: Thấy được, gọi là mắt.” [28].

Nghĩa là “tâm biết rõ cảnh qua sự thấy”.

Pāli có giải thích:

“Cakkhuviññāṇadiṭṭhitaṃ hutvā samavisamaṃ cakkhati ācikkhataṃ viya hotīti = cakkhu:

Là chỗ nương đồng thời giúp nhãn thức nhận biết tốt, xấu, sai khác nhau qua “sự thấy”, gọi là mắt.” [29] .

  Chi pháp của nhãn xứ là thần kinh nhãn (cakkhupasāda).

Thần kinh nhãn đơn thuần chỉ là sắc pháp, ở trạng thái bình thường chúng không phải là xứ, như người ngủ say họ vẫn có thần kinh nhãn, nhưng khi ấy không nhận thức được cảnh sắc.

Bao giờ cảnh sắc đi vào vùng cai quản của mắt làm nảy sinh tâm nhãn thức, bấy giở chúng mới trở thành xứ (āyatana).

Làm cho “nhãn thức sinh khởi”, chủ yếu là tâm sở tác ý (manasikāracetasika) trong tâm Hướng ngũ môn (pañcadvāravajjanacitta).

Nhãn thức sinh lên do bốn nhân:

- Có thần kinh nhãn.

- Có cảnh sắc.

- Có ánh sáng.

- Có tác ý đến cảnh sắc.[30]

Tuy cảnh sắc đi vào khu vực của mắt, nhưng tâm chưa nhận biết cảnh sắc, thần kinh nhãn chưa trở thành nhãn xứ.

Bao giờ nhận thức được cảnh sắc, khi ấy thần kinh nhãn mới trở thành nhãn xứ.

Như vậy, gọi là nhãn xứ là chỉ cho ba pháp hội lại: Thần kinh nhãn, cảnh sắc và nhãn thức.

- Sắc (rūpa). Chữ rūpa có rất nhiều nghĩa, ở đây rūpa chỉ cho “những gì mắt thấy được”.

 “Rūpayatīti = rūpaṃ: Vật bị thấy, gọi là (cảnh) sắc”.

Nghĩa là “tâm nhận thức được hình tướng, màu sắc ... của sắc pháp nào qua con mắt, sắc pháp ấy gọi là cảnh sắc”.

Pāli có giải thích: “Rūpayato hadayaṅgatabhayaṃ pakāsetīti =rūpaṃ:

Sắc nào nương vật, hiển lộ rõ qua mắt, gọi là (cảnh) sắc.

Cảnh sắc chẳng phải chỉ đơn thuần là màu sắc, mà bao gồm tất cả những gì (hình tướng, đường nét, trạng thái xê dịch ....) lọt vào thần kinh nhãn.

Tương tự như mắt, sắc chỉ đơn thuần là sắc pháp, bao giờ chúng bị tâm nhận biết qua con mắt, bấy giờ chúng mới trở thành cảnh sắc và trở thành sắc xứ.

Chi pháp sắc xứ là sắc cảnh sắc (rūpārammaṇa).

Có thể hiểu như sau: Vào đêm thanh của ngày 14 hay 15, ánh trăng rạng rỡ. Dù người biết hay không, ánh trăng vẫn là sắc pháp.

Khi người thấy ánh trăng, nhận biết ánh trăng như thế này... như thế này... bấy giờ “ánh trăng trở thành sắc xứ”, khi ấy “ánh trăng là sắc pháp, cũng là sắc xứ ”.

Nên Đức Phật dạy: “Này các Tỳkhưu, dục tham đối với sắc là tùy phiền não của tâm.”(sđd). Tức là “sắc đã trở thành cảnh cho tâm”.

Bốn sắc xứ còn lại là: Nhĩ xứ, Tỷ xứ, Thiệt xứ và Thân xứ cũng mang ý nghĩa tương tự, chỉ thay đổi chi tiết cho phù hợp.

Nhãn xứ là nơi hội của ba pháp: Thần kinh nhãn, cảnh sắc và nhãn thức.

Chi pháp của nhãn xứ là thần kinh nhãn, chi pháp của sắc xứ là sắc cảnh sắc.

b- Nhĩ xứ (sotāyatana).

- Tai (sota): “Suṇātīti = sotaṃ: Nghe được, gọi là tai”.

Pāli có giải thích: “Saddaṃ sunanti etenāti = sotaṃ:

Sắc nào nghe được tiếng, sắc ấy gọi là tai”. Chi pháp là thần kinh nhĩ (sotapasāda).

- Tiếng (sadda): “Sappatīti = saddo: (Cái được) truyền đi (sappati), gọi là tiếng (âm thanh). Nghĩa là có đặc tính “phát ra”.

“Sappati sotaviññeyyabhāvaṃ gacchatīti = sadda:

 “(pháp nào) đi đến để nhĩ thức biết, gọi là “tiếng”.

Nhĩ xứ là nơi hội của ba pháp: Thần kinh nhĩ, cảnh thinh và nhĩ thức.

Chi pháp của nhĩ xứ là thần kinh nhĩ, chi pháp của thinh xứ là sắc cảnh thinh.

c-Tỷ xứ (ghānāyatana).

- Mũi (ghāna): “Ghāyatīti =ghānaṃ: Ngữi, hít được, gọi là mũi”.

Pāli có giải thích: “Ghāyanti etenāti = ghānaṃ:

 “Ngửi được (các mùi), gọi là mũi”. Chi pháp là thần kinh tỷ (ghānapasāda).

- Mùi (gandha): “Gandhayatīti = gandha: (Cái) lan tỏa (gandhayati), gọi là mùi.

 Pāli có giải thích: “Gandhayati attano vatthuṃ sucetīti = gandho:

“Cái gì tự chỉ điểm chỗ trú của mình, bắng cách lan tỏa, gọi là mùi”. Chi pháp là sắc cảnh mùi.

Ở đây chúng ta thấy có sự khác biệt giữa “tiếng và mùi”, chúng có điểm giống nhau là: “lan đi, truyền đi”, nhưng khác nhau là: Âm thanh không nêu bày chỗ đứng rõ rệt, còn mùi thì trái lại.

Khi phát hiện mùi thì phát hiện nơi xuất phát mùi và mùi vẫn còn đó, trái lại âm thanh có thể biết nơi xuất phát, nhưng âm thanh thì không còn. Nên mùi “tự chỉ điểm”.

Tỷ xứ là nơi hội của ba pháp: Thần kinh tỷ, cảnh mùi và tỳ thức.

Chi pháp của tỷ xứ là thần kinh tỷ, chi pháp của khí xứ là sắc cảnh mùi.

d- Thiệt xứ (jīvhāyatana):

- Lưỡi (jīvhā):“Jīvitamavhayatīti = jīvhā: Kêu gọi (avhayati) sự sống (jīvita), gọi là lưỡi.

Pāli có giải thích: “Sāyanatathena = jīvhā:

Nếm được, gọi là lưỡi”. Chi pháp là thần kinh thiệt (Jīvhāpasāda).

- Vị (rasa): “Rasanti taṃ sattāti raso rasādentīti:

(Cái) chúng sinh thưởng thức được (rasanti), gọi là vị. Nghĩa là nêu lên đặc tính “nếm”, cái được nếm gọi là vị.

“Rasīyati assādīyatīti = raso: Cái được nhận thức bằng lưỡi, gọi là vị”. Chi pháp của vị xứ là sắc cảnh vị (rasārammaṇa).

Thiệt xứ là nơi hội của ba pháp: Thần kinh thiệt, cảnh mùi và thiệt thức.

Chi pháp của thiệt xứ là thần kinh thiệt, chi pháp của vị xứ là sắc cảnh vị.

e- Thân xứ (kāyātana).

- Thân (kāya): “Kucchitānaṃ sāvasadhammānaṃ āyoti = kāyo: Nơi sanh khởi (āya) các pháp ngâm tẩm (āsava) và xấu xa (kucchita), gọi là thân.”

Lời giải thích này thật thú vị, đối với 4 giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, tuy chúng cũng dẫn đến những pháp xấu xa, ngâm tẩm, nhưng chúng lại gắn liền với thân. Do vậy, thân là nơi chất chứa “xấu xa”.

Đức Phật có dạy:

“Aṭṭhinaṃ nagaraṃ kataṃ. Maṅsalohitalepanaṃ

Yattha jarā ca maccu ca, māno makkho ca ohito.

“Thành trì này dựng lên bằng xương, đắp thịt và máu bên ngoài, trong đó tích trữ bịnh tật, chết chóc, ngã mạn và phỉ báng.” [31].

Lại nữa, mất mắt, tai, mũi, lưỡi có thể còn sống, nhưng mất thân thì chết, và trong 5 loại sắc thần kinh, ngay giai đoạn tái sinh, sắc thần kinh thân sinh khởi trước tiên.

Pāli có giải thích: “Kucchitānaṃ āyoti = kāyo: Chứa đựng xấu xa, gọi là thân”.

Thân ở đây là nói theo nghĩa thông thường, riêng thân được đề cập trong thân xứ là sắc thần kinh thân (kāyapasāda) và sắc thần kinh thân có trong thịt.

- Xúc (phoṭṭhabba): “Phusiyatīti = phoṭṭhabbaṃ: Đụng chạm, gọi là xúc”.

Cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa) bao gồm đất, lửa, gió. Cảnh xúc là đối tượng bị thân thức (kāyaviññāya) biết.

Thân xứ là nơi hội của ba pháp: Thần kinh thân, cảnh xúc và thân thức.

Chi pháp của thân xứ là thần kinh thân, chi pháp của xúc xứ là cảnh xúc.

f- Ý xứ (manāyatana).

- Ý (mano): “Munātīti = mano: “Hiểu biết (cảnh), gọi là ý”.

Lời giải thích trên của Ngài Buddhaghosa rất hàm súc. Ý là sự hiểu biết, nhưng “sự hiểu biết chẳng phải chỉ có ý”, có rất nhiều pháp có sự “hiểu biết” như trí, tưởng, thọ ...

Ý xứ là chỉ cho “cái hiểu biết của tâm”, cái hiểu biết của các tâm sở không phải là ý xứ.

Mặt khác, các pháp khác có sự hiểu biết (cảnh), đều nương vào ý, như Phật ngôn:

“Mano pubbaṅgamā dhammā: Ý dẫn đầu các pháp”. [32]

Như vậy: “Ý xứ là sự hiểu biết dẫn đầu (các hiểu biết khác)”

Ý xứ là nơi hội của ba pháp: Sắc ý vật, cảnh pháp và ý thức.

Xứ thứ sáu là nơi hội của hai pháp: cảnh pháp và ý thức

Chi pháp của ý xứ bao gồm tất cả tâm.

- Pháp (dhamma): “Attano lakkhaṇaṃ dhārayantīti = dhamma: Gìn giữ đặc tính riêng của mình, gọi là pháp”.

Pháp khi chưa bị tâm biết, chỉ đơn thuần là pháp. Khi bị tâm biết thì nó vừa là pháp (vì “gìn giữ đặc tính riêng”), vừa là “cảnh pháp” (vì bị tâm biết).

Như các pháp hữu vi đều có ba đặc tính: Vô thường, khổ, vô ngã, khi không bị tâm biết các đặc tính này vẫn có.

Khi tâm biết đặc tính vô thường, thì “cái vô thường ấy” vừa là pháp vô thường, vừa là cảnh vô thường.

Chi pháp của pháp xứ là 16 sắc tế, 52 tâm sở và Nípbàn.

3- Giải về sáu xứ.

Có câu hỏi: Năm sắc thần kinh là nơi nương cho tâm, là nơi gặp gỡ của các pháp, chúng trở thành xứ, sắc ý vật (hadayavatthu) cũng là nơi nương cho tâm, cũng là nơi gặp gỡ của các pháp, vì sao không trở thành xứ (là ý xứ)?.

Đáp: Tuy sắc ý vật có 2 đặc tính như năm sắc thần kinh, nhưng chúng không phải là ý xứ là vì:

- Nơi ở của chúng bất định, Đức Thế Tôn có dạy: “Yaṃ rūpaṃ nissayaṃ... Tâm nương nơi nào, đó là sắc ý vật”.[33]

Và trong kinh văn chúng ta tìm thấy lời dạy của Đức Phật:

 “...nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya parimukhaṃ satiṃ... (Vị Tỳkhưu) ngồi kiết già, lưng thẳng đặt niệm trước mặt...”[34].

Niệm ở đâu thì tâm ở đó, tâm trú nơi nào thì nơi ấy là sắc ý vật và niệm có thể đặt nhiều nơi trong thân. Trái lại, năm sắc thần kinh có chỗ ở nhất định.

Lại nữa, nếu sắc ý vật là ý xứ thì chúng sinh cõi Vô sắc không có xứ nào cả.

“Xứ là pháp dẫn đến luân hồi”, không có xứ xem như không còn pháp dẫn đến luân hồi. Thế là thành tựu thiền Vô sắc xem như giải thoát khỏi sinh tử luân hồi (quan niệm này là của Ālāra kālāma và Uddaka Rāmaputta, 2 vị thầy của Bồtát Siddhattha)[35].

Điều này rõ ràng vô lý, vì tuy thành tựu thiền Vô sắc vẫn phải tái sinh về cõi Vô sắc (tương ứng với tầng thiền chứng được).

Còn tái sinh là còn tham - si, còn tham - si mà giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, quan điểm này không thể chấp nhận được.

Do đó, chúng sinh cõi Vô sắc vẫn còn luân hồi, còn luân hồi là còn có xứ.

Cụ thể là xứ nào? Chúng sinh cõi Vô sắc không thể có sắc xứ, chỉ có danh xứ. Vậy ý xứ chính là danh pháp.

Do đó sắc ý vật không trở thành ý xứ như năm sắc thần kinh.

Mặt khác, 5 sắc xứ (năm sắc thần kinh) là nói đến Dục giới, cõi Sắc giới hữu tưởng chỉ có 2 sắc xứ là: Nhãn xứ và nhĩ xứ (các Phạm thiên không có thần kinh tỷ, thần kinh thiệt và thần kinh thân). Tức là, 5 sắc xứ này là số lượng nhiều nhất mà chúng sinh có được.

a- Có sự khác nhau giữa ý xứ và xứ thứ sáu không?

- Có, ý xứ là nói trên bình diện rộng, xứ thứ sáu là nói trên bình diện thu hẹp. Nói cách khác, ý xứ bao trùm xứ thứ sáu.

Ý xứ là tất cả tâm, xứ thứ sáu là những tâm thuộc lãnh vực Vô sắc giới. Có những tâm thuộc về ý xứ nhưng không thuộc về xứ thứ sáu như những tâm quả Dục giới, tâm thiền Sắc giới ...

Ở cõi Vô sắc chỉ có một số tâm là: 8 tâm tham, 2 tâm si, tâm Hướng ý môn, 8 tâm thiện Dục giới, 8 tâm duy tác Dục giới, 12 tâm thiền Vô sắc giới, 7 tâm Siêu thế (trừ tâm Sơ đạo) (đây là nói tổng quát, nếu tính chi tiết theo từng cõi thì số lượng tâm sẽ giảm dần, như cõi Không vô biên xứ không có 3 tâm quả thiền Vô sắc tầng trên ...).

Trong khi cõi ngũ uẩn Dục giới có đầy đủ (ngoại trừ tâm quả Thiền Sắc giới và tâm quả Thiền Vô sắc giới).

Lại nữa, ở cõi Vô sắc tâm sinh khởi không cần phải nương vật, trong khi cõi năm uẩn phải nương vật để sinh lên.

Thế thì, nương vào đâu tâm sinh lên trong cõi Vô sắc? Tâm sinh lên trong cõi Vô sắc do nương vào tâm quả thiền Vô sắc, tâm quả thiền Vô sắc vừa là ý xứ vừa là xứ thứ sáu, nên Đức Buddhaghosa dạy: “Xứ là nơi sinh sản”.

b- Về chi pháp của pháp xứ.

Chi pháp của pháp xứ gồm danh và sắc.

Về danh pháp (tâm sở và Nípbàn) không thể nhận biết bằng các giác quan, nhận thức được danh pháp chỉ có thể bằng tâm, điều này đã rõ ràng.

Riêng về sắc pháp thì: Sắc pháp có 2 loại.

- Loại sắc pháp được nhận thức qua 5 giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, gọi là sắc thô (oḷārikarūpa), bao gồm 12 sắc: 5 sắc thần kinh, 4 sắc cảnh (sắc, tiếng, mùi, vị) và đất, lửa gió (cảnh xúc).

Một người tuy không thể thấy thần kinh nhãn của chính mình, nhưng có thể gián tiếp đụng vào, thần kinh nhãn được che chở bởi lớp tứ đại bên ngoài thông thường chúng ta gọi là “con mắt - sasambhāracakkhu”, khi chạm vào con mắt sẽ tác động đến thần kinh mắt, ví như vật chứa trong bình, va chạm vào bình, vật ở bên trong bị lay động.

Tương tự với 4 sắc thần kinh còn lại (riêng thần kinh tỷ, thiệt, thân có thể đụng chạm trực tiếp).

- Loại sắc không thể nhận thức qua năm giác quan, chỉ nhận thức qua tâm, được gọi là sắc vi tế (sukhumarūpa).

Như sắc nam tính, hay nữ tính chẳng hạn, khi thấy một người nam hay người nũ, không phải thấy sắc nam tính hoặc sắc nữ tính, mà đó là sắc cảnh sắc (bất kỳ cái gì bị mắt nhận biết là sắc cảnh sắc). Loại sắc pháp vi tế này có 16 thứ [36].

Loại sắc pháp được tâm nhận biết không thông qua 5 giác quan được gọi là cảnh pháp. Do đó 16 sắc tế được liệt vào pháp xứ.

Mặt khác, pháp xứ có 52 tâm sở, tức là bao gồm: Thọ uẩn, tưởng uẩn, và hành uẩn. Còn 5 sắc xứ thuộc về sắc uẩn, ý xứ là thức uẩn

b- Về thứ tự thuyết giảng.

Nhãn xứ được nêu lên trước tiên trong nội xứ vì con mắt là rõ ràng, đồng thời nó là cơ quan thâu bắt cảnh sắc, cảnh sắc là pháp thấy được và có sự đối chiếu với thần kinh nhãn, (sanidassanasappaṭighā dhammā) [37]., bốn sắc xứ còn lại có đối tượng là “không thấy được nhưng có sự đối chiếu với sắc thần kinh tương ứng” (anidassanasappaṭighā dhammā) (sđd), đó là: 11 sắc thô còn lại khi thành cảnh cho tâm.

Tiếp theo nhãn xứ là nhĩ xứ, vì hai xứ này có khả năng mang lại nhiều lợi ích cao thượng là: “thấy vô thượng – dassana anuttarikaṃ”, “nghe vô thượng – suta anuttarikaṃ”.

Thông thường, trước tiên phải gặp được bậc trí, bậc chân nhân (sappurisa), sau đó mới nghe được pháp từ vị ấy, và từ đó dẫn đến Thánh đạo, Thánh quả.

Ba xứ: Tỷ, thiệt và thân không có được lợi ích này, cho dù có quán tưởng về tỷ, thiệt, thân cũng xuất phát từ “nghe trước đó”.

“Chayimāni bhikkhave, anuttariyāni. Katamāni cha?

Dassanānuttariyaṃ, savanānuttariyaṃ, lābhānuttariyaṃ, sikkhānuttariyaṃ, pāricariyānuttariyaṃ, anussatānuttariyaṃ.

Imāni kho, bhikkhave, cha anuttariyānī’ti.

“Này các Tỳkhưu, có sáu vô thượng (anuttariyāni) này. Thế nào là sáu?

 Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học vô thượng, hành vô thượng, tùy niệm vô thượng.

Này các Tỳkhưu, có sáu vô thượng này.” [38].

Ý xứ được đề cập sau cùng, vì những nhận thức sanh khởi từ 5 xứ trên đều dẫn về ý xứ. Chính ý xứ mới làm sanh khởi Thánh đạo, Thánh quả và chứng đắc Nípbàn.

e- Bốn khía cạnh thực tính của Xứ.

- Trạng thái: Đối chiếu hay kéo dài luân hồi (āyatanalakkhanaṃ).

- Phận sự: (Nói chung) là nhận cảnh (dassanādirasaṃ).

- Thành tựu: Làm thành vật nương cho tâm và là cửa vào cho cảnh để tâm nhận biết cảnh (vatthudvārabhāvapaccupaṭṭhānaṃ).

- Nhân cần thiết: Có danh - sắc (nāmarūpapadaṭṭhānaṃ).

Giải.

“Gọi là đối chiếu”.

Như khi nhìn thấy núi, núi không thể đi vào thần kinh mắt, hình ảnh núi chỉ chiếu vào thần kinh mắt mà thôi, đây là nói về cảnh sắc.

Riêng cảnh thinh, khí, vị và xúc có thể tiếp chạm trực tiếp với sắc thần kinh tương ứng, nên gọi là “đối xúc”, khi cảnh thinh chạm vào thần kinh tai cũng có nghĩa là “thần kinh tai chạm vào cảnh thinh”...

“Nhận cảnh”.

Sự nhận cảnh này tùy thuộc vào cấu trúc của sắc thần kinh, mỗi sắc thần kinh có cách nhận cảnh khác nhau.

Thần kinh mắt thì thấy, thần kinh tai thì nghe, thần kinh mũi thì ngữi, thần kinh lưỡi thì nếm, thần kinh thân thì tiếp chạm.

Và ở đây chỉ nói đến sự nhận cảnh của năm sắc thần kinh vì rõ ràng hơn sự nhận cảnh của ý xứ.

“Làm thành vật và cửa”.

Tâm sinh lên phải có chỗ nương trú, chỗ nương trú ấy là vật (vatthu).

Chính 5 sắc thần kinh là chỗ nương cho 5 đôi thức tương ứng, đồng thời khi chúng tiếp nhận cảnh chúng trở thành cửa ngõ để cảnh đi vào, làm sanh khởi tâm lộ, gọi là môn (dvāra).

Sắc ý vật chỉ là vật, không phải là môn vì cảnh pháp không đi vào ý vật, khi nhớ lại một điều gì, điều ấy khởi lên trong tâm, rõ ràng nó không đi vào ý vật, do đó sắc ý vật là vật không là xứ.

Chi pháp của ý môn là gì? Chính là 19 tâm hữu phần.

Ngoại trừ 5 đôi thức có chỗ trú nhất định (là 5 sắc thấn kinh), những tâm ngoài ra có chỗ trú bất định.

Tâm ví như người đi lang thang, bất kỳ nơi nào nó đến ngụ, nơi đó là ý vật, nên “làm thành vật” của ý xứ khó thấy rõ.

“Có danh - sắc”.

Danh ở đây chỉ cho các tâm sở, sắc là sắc sinh lên từ nghiệp.

 4- Xứ dẫn đến luân hồi.

Sách Thanh Tịnh Đạo có ghi rằng:

“Khandhānañca paṭipāṭi, dhātu āyatanañ ca

abbochinnaṃ vaṭṭamānā, saṃsāroti pavuccatī ‘ti .

Liên tiếp của các uẩn, các giới và các xứ

Diễn tiến không gián đoạn, được gọi là luân hồi.”[39]

Dòng luân hồi chỉ là sự diễn tiến không gián đoạn của danh sắc hoặc của uẩn (khandha), xứ (āyatana) hay giới (dhātu) mà thôi.

Sáu xứ là sự triển khai chi tiết từ 5 uẩn.

Với chúng sinh có trí nhạy bén Đức Phật chỉ nói đến 5 uẩn, vị ấy nhận thức được trọn vẹn, đưa tâm quán pháp chứng đạt Thánh quả.

Với chúng sinh trí không nhạy bén lắm, Đức Phật triển khai 5 uẩn theo sáu nội xứ liên hệ với sáu ngoại xứ, giúp trí chúng sinh ấy tăng trưởng để chứng đạt Thánh quả.

Với người có trí chậm lụt nhưng vẫn đủ khả năng chứng đạt Thánh quả, Đức Phật triển khai rộng về chi tiết của danh- sắc thành 18 giới và vị ấy đưa tâm quán xét chứng đạt Thánh quả.

Như vậy, ngũ uẩn dẫn đến luân hồi thì 12 xứ, 18 giới cũng dẫn đến luân hồi, chỉ khác khía cạnh “nắm giữ cái gì” mà thôi. Tức là, “nắm giữ năm uẩn dẫn đến luân hồi” thì “nắm giữ 12 xứ” hay “nắm giữ 18 giới” cũng thế.

“Nắm giữ sắc uẩn” là nắm giữ tổng quát những gì liên quan đến sắc, cho là sắc là ta, ta có sắc [40] (vị hành giả hành đề mục thể trược khi chứng được ấn tướng, cho rằng ấn tướng là ta, ấn tường ấy liên quan đến tóc chẳng hạn, sẽ cho tóc là ta. Thông thường thì cho: Tóc của ta, răng của ta, móng của ta...).

Còn “nắm giữ 5 sắc xứ” là nắm giữ thành phần riêng biệt của sắc uẩn, như nói “tôi thấy hoặc mắt của tôi, tôi nghe hoặc tai của tôi...”, thật ra, không có “cái tôi thấy, cái tôi nghe..”, cái thấy chỉ là sự gặp gỡ của “nhãn xứ, cảnh sắc và nhãn thức”, hội đủ ba pháp này gọi là sự thấy.

Giả như “thật sự có cái tôi thấy” thì: Một người trước đây có thần kinh mắt nên thấy được các vật, sau đó bị hư hoại thần kinh mắt, thế là “cái tôi thấy” không còn. Trước cái tôi thấy có, sau cái tôi thấy không có, nếu không khéo có thể rơi vào đoạn kiến (sđd).

“Cakkhu, bhikkhave, na tumhākaṃ, taṃ pajahattha. Taṃ vo pahīnaṃ hitāya sukhāya bhavissati.

“Này các Tỳkhưu, mắt không phải của các ngươi, hãy từ bỏ mắt. Từ bỏ mắt sẽ đem lại an lạc, hạnh phúc cho các ngươi”.

Rūpa na tumhākaṃ te pajahattha. Te vo pahīnā hitāya sukhāya bhavissanti.

Sắc không phải của các ngươi, hãy từ bỏ sắc. Từ bỏ sắc sẽ đem lại an lạc, hạnh phúc cho các ngươi”.

Cakkhuviññāṇaṃna tumhākaṃ taṃ pajahattha. Taṃ vo pahīnaṃ hitāya sukhāya bhavissati

Nhãn thức không phải của các ngươi, hãy từ bỏ nhãn thức. Từ bỏ nhãn thức sẽ đem lại an lạc, hạnh phúc cho các ngươi”.[41].

Tương tự như thế với tai - tiếng – nhĩ thức; mũi –mùi - tỷ thức; lưỡi - vị - thiệt thức; thân – xúc – thân thức và ý- pháp – ý thức.

Và: “Hãy từ bỏ mắt” nghĩa là không cho rằng “mắt là tôi, mắt là của tôi”.

Chính vì ái luyến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nên chúng sinh rơi vào luân hồi, đã bỏ biết bao công sức lẫn thời gian để tô điểm cho “cái vô thường”, nơi chứa đầy “bịnh hoạn, già chết”.

“Yo kho bhikkhave, cakkhussa uppādo ṭhiti abhinibbati pātubhāvo, dukkhasseso uppādo, rogānaṃ ṭhiti, jarāmaraṇassa pātubhāvo.

Này các Tỳkhưu, sự sinh, sự trú, sự thành, sự xuất hiện của mắt, là sự sanh của khổ, sự trú của bịnh hoạn, sự xuất hiện của già chết.

Yo sotassa uppādo ṭhiti .... yo ghānassa uppādo ṭhiti ... yo jīvhāya uppādo ṭhiti ... yo kāyassa uppādo ṭhiti ...

Sự sinh, sự trú, sự thành, sự xuất hiện của tai... của mũi ... của lưỡi ... của thân ...

Yo manassa uppādo ṭhiti abhinibbati pātubhāvo, dukkhasseso uppādo, rogānaṃ ṭhiti, jarāmaraṇassa pātubhāvo.

 Sự sinh, sự trú, sự thành, sự xuất hiện của ý, là sự sanh của khổ, sự trú của bịnh hoạn, sự xuất hiện của già chết.[42]

Tương tự như thế đối với sắc, thinh, khí, vị, xúc và pháp.

Đức Phật có ví sáu nội xứ như ngôi làng trống không, sáu ngoại xứ là sáu tên cướp phá làng”[43].

Người bám giữ ngôi làng vốn đã trống không (tướng của vô ngã –Ns), lại cho là “làng của ta”, bọn cướp xâm nhập vào làng, người ấy sẽ phẫn nộ hay thích thú khi cộng trú với chúng.

Thế là người này không chóng thì chầy sẽ rơi vào hiểm nạn, vì bản chất của bọn cướp là “cướp giựt”.

Cũng vậy, sắc, thinh, mùi, vị, xúc và pháp liên hệ với dục (kāma) sẽ cướp đi những pháp tốt đẹp là thiền định và đạo quả Siêu thế của người ấy.

Một đoạn kinh khác nói lên “tính dẫn đến luân hồi của xứ” là:

“Cha kho, āvuso, ajjhattikāni āyatanāni eko anto, cha bāhirāni āyatanāni dutiyo anto, viññāṇaṃ majjhe, taṅhā sibbinī.

Taṅhā hi naṃ sibbati tassa tasseva bhavassa abhinibbattiyā.

“Thưa chư Hiền, sáu nội xứ là một cực đoan, sáu ngoại xứ là cực đoan thứ hai, thức là chặng giữa, ái là người dệt vải.

Do ái dệt khiến cho vị ấy phải sinh ở sinh hữu này.” [44]

Sáu nội xứ và sáu ngoại xứ dẫn đến luân hồi, chỉ vì chúng tạo ra vị ngọt (là lạc hỷ). Đắm nhiễm trong vị ngọt ấy, chúng sinh bị luân chuyển trong luân hồi.

“Yaṃ kho cakkhuṃ paṭicca upajjati sukhaṃ somanassaṃ, ayaṃ cakkhussa assādo.

“Do duyên mắt, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của mắt.

Tiếp theo Đức Thế Tôn lần lượt dạy

 Do duyên tai.... Do duyên mũi... Do duyên lưỡi... Do duyên thân... Do duyên ý, khởi lên hỷ lạc gì, đó là vị ngọt của ý.

Do duyên sắc khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của sắc. Do duyên thinh... Do duyên hương...Do duyên vị ... Do duyên xúc... Do duyên pháp, khởi lên lạc hỷ gì, đó là vị ngọt của pháp.” [45].

Tuy sáu xứ nội và sáu xứ ngoại dẫn đến luân hồi là như thế, nhưng xuất khỏi luân hồi cũng từ sáu nội- ngoại xứ này.

Trong Kinh tạng chúng ta tìm thấy rất nhiều lời dạy về cách phòng hộ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cùng với các pháp quán về 6 xứ.

Xin trích dẫn vài bài kinh tiêu biểu:

“Idha, bhikkhave, bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti nānubyancanaggāhī.

“Ở đây, này các Tỳkhưu, Tỳkhưu khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng.

Yatvā dhikaraṇamenaṃ, cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati cakkhundriyaṃ, cakhundriye saṃvaraṃ āpajjati.

Do nhân nào, nhãn căn được phòng hộ, vị Tỳkhưu gìn giữ nhân ấy. Phòng hộ nhãn căn, thực hành phòng hộ nhãn căn, vì nhãn căn không được phòng hộ, khiến tham ưu, các ác bất thiện pháp khởi lên.

Tương tự:

Khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi mùi... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc ... Khi ý nhận thức các pháp ....” [46].

Điểm quan trọng trong bài kinh này là “không nắm giữ”, tức là “biết” nhưng không nắm giữ.

“Idha, bhikkhave, bhikkhu cakkhunā rūpaṃ disvā neva sumano hoti na dummano, upekkhako viharati sato sampajāno.

- “Ở đây, này các Tỳkhưu, Tỳkhưu khi mắt thấy sắc không có hân hoan, không có thất vọng, trú xả, chánh niệm tỉnh giác.[47]

Tương tự như thế:

Khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương, khi lưỡi nếm vị, khi thân cảm xúc, khi ý biết pháp.

Điểm quan trọng trong bài kinh này là “quân bình tâm trong các cảnh” và “chánh niệm tỉnh giác”.

Trong Kinh tập của Tiểu Bộ kinh, bài kinh Chánh du hành (Sammā paribbājanīyasuttaṃ), chúng ta tìm thấy lời dạy của Đức Thế Tôn như sau:

“Aṅtesu anāgatesu cāpi, kappātīto aticcasuddhipañño,

Sabbāyatanehi vippamutto, sammā so loko paribbajeyya.

 

“Trong những thời quá khứ, trong những thời vị lai.

Vượt qua các chủ thuyết, trí tuệ thật thanh tịnh

Với tất cả mọi xứ, được hoàn toàn giải thoát.

Tỳkhưu ấy chân chánh, du hành ở trên đời.”[48].

Dứt giải về sáu xứ.

-ooOoo-


[19]- Đại Đức Giác Giới (s), Tầm nguyên ngữ căn Pāli

[20] - Vsm, 511- 512.

[21]- HT. TMC (d),  A.i, 173 ; S.ii, 3. Kinh Phân biệt (vibhaṅgasuttaṃ).

[22]- HT. TMC (d), S.iv, 93 .Tương ưng xứ (saḷāyatanasaṃyuttaṃ), kinh thế giới công đức (Lokantagamanasuttaṃ).

[23]- HT. TMC (d), A.v, 49.

[24]- Ý xứ , chi pháp là “tất cả tâm” (Ns).

[25]- Đại Đức Giác Nguyên (d), Giáo lý duyên khởi.

[26]- Dhs. mẫu đề tam (tikamātikā).

[27]- S.iii, 232.

[28]- Vsm, chương XV- Xiển minh về Xứ- Giới (āyatanadhātu niddesa).

[29]- Đại trưởng lão Tịnh Sự (sd), Siêu lý Sơ học.

[30]- TK Chánh Minh (soạn),Tâm vấn đáp (2003), Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo. 

[31]- Phạm Kim Khánh (d), Dhp, câu 150.

[32]- Dhp, câu 1- 2.

[33]- Luận tạng, bộ Mahā Patthāna (Đại xứ).

[34]- M.i, Rừng Sừng bò đại kinh (Mahāgosiṅga suttaṃ)

[35]- M.i, kinh Thánh cầu (ariyapariyesanasuttaṃ) có ghi nhận: Alāra kālāma chứng đạt Vô sở hữu xứ thiền, còn Uddaka Rāmaputta chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng thiền.

[36]- Phạm Kim Khánh (d), Vi diệu pháp toát yếu.

[37]- Dhs, Mẫu đề Tam ( Tikamātikā).

[38]- HT. TMC (d), A.iii, 284.

[39]- Vsm, chương XVII, Hiện hữu duyên (atthi paccaya).

[40]- S.iii, 204.

[41]- HT. TMC (d), S.iv. 81.

[42]- HT. TMC (d), S.iii, 228. Tương ưng Sanh (Uppādasaṃyuttaṃ)

[43]- S.iv. 172.

[44]- HT. TMC (d), A.iii, 399. Pháp sáu chi, kinh Con đường giữa (Majjhesuttaṃ)

[45]- HT. TMC (d), S.iv, 6 và S.iv, 8. Tương ưng sáu xứ ( Saḷāyatanasaṃyuttaṃ) Kinh Chánh giác (Sambodhasuttaṃ)

[46]- HT. TMC (d), A.i, 113. Pháp ba chi, kinh Con đường không lỗi lầm (Apaṇṇakasuttaṃ).

[47]- HT. TMC (d), A.v, 30. Pháp 10 chi, kinh Thánh cư (Ariyāvāsasuttaṃ).

[48]- HT. TMC (d), Sn. 63, số 375 .

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn