Giải về Tham
Lobha: Tham, là gì?
Tham là muốn được của người khác về cho mình bằng cách bất hợp pháp như trộm cắp, cướp bóc, sang đoạt, gian lận, cưỡng bách v.v…
Nếu chúng ta muốn hiểu rõ THAM là gì, thì chúng ta nên tìm biết bước đầu của lòng tham là gì. Bước đầu của lòng tham là RATIUA.
Tôi tin chắc rằng mỗi người của chúng ta hiểu tiếng Tham khác nhau. Có vị hiểu rằng: muốn giàu sang phú quí là Tham, vì lẽ đông người ta nghĩ vậy, nên chi khi chư Đại đức thuyết pháp dạy người dứt bỏ lòng tham, người thường không thích nghe và có người phản đối rằng: Chư Đại-đức dạy người lười biếng không lo làm ăn, đó là nguyên nhân làm cho quê hương càng ngày càng đi đến chổ thoái hóa và diệt vong.
Quan niệm về lòng tham như vậy là sai lầm.
Theo Phật dạy sự bắt đầu của lòng tham là ưa, thích. Sự ưa, thích nầy không làm hại cho bản thân người ưa thích và người ở gần bên. Vì người ưa thích làm lụng để lấy tiền, chớ không làm gì đến kẻ khác để lấy tiền làm giàu cho bản thân mình. Như vậy chưa gọi là Tham được.
Nếu đem lòng tham ví với các trạng thái của trái xoài chín và nếu phân tách trạng thái của trái xoài chín, thì người ta thấy có 7 giai đoạn:
1.
Hườm hườm
2. Vừa chín
3. Chín đều
4. Chín mùi.
5. Chín thâm kim
6. Chín úng
7. Chín rục có dòi.
Người ăn xoài có thể ăn bốn thứ xoài từ hườm hườm cho tới xoài chín mùi thì thật là vô hại, bằng ăn ba thứ sau sẽ có hại cho sức khỏe.
Lòng tham cũng có tuần tự tiến triển như chín mùi của trái xoài. Có thứ lòng tham cũng không hại, nhưng ta không biết ngăn đón nó, thì nó lại đem đến sự tai hại cho ta. Như tôi đã nói bắt đầu của của lòng tham là sự ưa thích, nếu ta không biết ngăn nó, nó sẽ đi lần tới ham muốn và ham muốn tội lỗi, rồi tới tham.
Chư đại-đức thường dạy không nên tham lam và nên ngăn ngừa chứng tham lam. Ý chư Đại đức dạy rằng nên trông coi tâm ta, đừng để nó đi quá cái mức ưa thích tới nơi tham lam thái quá, rồi gây ra tội lỗi. Vì khi mà tâm người đi tới giai đoạn tham thì nó lại tìm mưu nầy kế kia để thỏa mãn, bất luận là phải làm một điều gì, dầu có trái với pháp luật chăng nữa cũng vẫn cứ làm.
Đây tôi xin phân ra từng giai đoạn của lòng tham và xin tuần tự giải thích:
1.
RATI: Ưa.
2. ICCHĀ: Ưa Thích.
3. MAHICCHĀ: Ham.
4. PÀPICCHÀ: Ham muốn tội lỗi.
5. LOBHA: Tham.
6. ABHIJĀ: Tham lam.
7. ABHIJĀVISAMALOBHA: Tham lam thái quá.
1.- RATI: ưa. Khi mình trông thấy một vật gì hay nghe một tiếng gì vừa lòng, thì mình thấy ưa vật ấy hay tiếng ấy. Sự ưa ấy Phạn ngữ gọi là RATI. Rati nầy có ở trong lòng của mọi người, từ giàu sang đến nghèo khó. Nhưng sự ưa ấy không gọi là tham, không gọi là ác.
2.- ICCHĀ: thích. Thích nghĩa là muốn được vật gì mà mình đã ưa, mình cầu cho được mình mong mỏi. Lòng mong cầu nầy không có gì ác bằng chiếm đoạt sái với lẽ đạo, hay luật đời, vì khi tâm còn trong vòng tốt đẹp, như muốn học giỏi làm việc nhiều để được tiền, siêng năng làm cho ra tiền bằng cách chánh mạng và chánh nghiệp. Hạng ICCHÀ nầy không gọi là tham được. Vì nếu không thành công thì đó chẳng qua là sự hiểu lầm thôi, chưa gây ra tội lỗi.
3.- MAHICCHĀ: Ham muốn. Giai đoạn này là giai đoạn bắt đầu đi vào tội lỗi, nếu ta không dùng trí tuệ kềm hãm hay trừ nó ngay lúc phát sanh. Nhưng đây cũng chưa hẳn là đi đến nơi phá giới hay là phạm pháp. Nó chỉ làm giảm mất phẩm hạnh thanh cao của mình thôi, vì khi người ta ham muốn, thường làm những chuyện chướng mắt, không lịch sự. Ta có thể thấy người ham muốn ấy trong nhiều trường hợp như trong bữa ăn, khi người ham muốn thấy món ăn nào ngon và hợp miệng mình, thì không còn nghĩ đến người quanh mình, ăn lấy ăn để, như thế làm giảm mất giá trị của mình. Chúng ta còn thường thấy nơi chen chúc mua đồ bằng "Bông" hay là khi gặp tuồng hát hay, kẻ đến sau mà chen lấn vào trước, không nghĩ đến người đã đứng đợi từ trước. Hạng người ham muốn nầy chỉ biết thủ lợi cho mình thôi, không nghĩ đến ai hết, nhưng họ cũng không làm hại ai. Đây là sơ khởi của lòng tham, nếu người ấy không biết giữ mình hay sửa chữa mình, thì họ sẽ đi đến chỗ tham không còn là bao xa. Người mà có lòng ham muốn nầy, ví như người thổi bong bóng, khi họ thổi bong bóng càng lúc càng lớn, thì cái bong bóng lại từ từ che tất cả các sự vật trước mặt họ: họ chỉ thấy cái bong bóng ấy thôi. Người ham muốn cũng vậy, cứ để tâm theo đà ấy mà đi mãi mãi, thì lại đi tới tham.
Nếu có người hỏi: "Vậy người muốn làm giàu và ham nhiều, hai người nầy có giống nhau không?" Không giống nhau được. Vì người muốn làm giàu chỉ lo chăm chỉ làm việc có lợi nhiều cho giàu, không gian lận để làm giàu, thì cái giàu ấy không thể gọi là ham nhiều được. Còn ham nhiều có nghĩa là có gian lận. Làm giàu do nơi cần cù và chánh nghiệp ấy do nơi RATI (ưa) chớ không phải do nơi ham muốn. Còn ham muốn là sự làm lòng người bôn chôn nóng nảy muốn được của về cho mình, mặc dầu là không phạm luật sai pháp, nhưng không hoàn toàn trong sạch, vì bày tỏ ra bên ngoài cho người trông thấy: đó là con đường bắt đầu đi sâu vào tội lỗi là lòng tham.
Ví dụ như hai người đi bộ cùng đi đến một nơi chỉ định là từ Sài Gòn đi Vũng Tàu.
Một người thì đi không hối hả hấp tấp, đi vừa phải với sức mình. Còn một người thì đi hấp tấp cho mau, vậy mà vẫn còn thấy chậm, rồi chạy lúp xúp, nhưng cũng chẳng vừa lòng, cố chạy cho mau để tới chỗ. Cách đi của người nầy không đem lại kết quả tốt đẹp mà trái lại làm cho mệt và đôi khi phải bệnh, vì sự làm quá sức. Người nầy cũng như người ham nhiều, còn người kia là người muốn làm giàu, khác với nhau cũng như RATI (thích) và MAHICCHÀ khác nhau vậy.
4.- PĀPICCHĀ: ham muốn tội lỗi, hay ham muốn một cách sâu xa đê tiện. Không biết tội lỗi và trái với luật pháp.
Một khi tâm người đi tới chỗ ham muốn sâu xa đê tiện thì không còn nghĩ tới sự khen chê khinh bỉ của thế nhơn. Người có tâm ấy chỉ biết làm theo khát vọng của mình thôi, không còn lo sợ gì hết. Mặc dầu chuyện làm ấy đối với pháp luật là vô tội, nhưng không khỏi miệng đời phê phán và người đời khinh bỉ, chẳng hạn như chuyện làm của nhiều người nịnh bợ bề trên để được che chở làm việc ít mà hưởng lợi nhiều.
Chúng ta đừng nghĩ rằng: việc làm quấy, ý tưởng xấu mà ta giấu che không ai biết: tất cả những sự suy nghĩ và sự hành động mà mình cho là thật kín, cũng có ngày lộ ra, vì đó là việc làm hay là sự suy nghĩ cũng có ảnh hưởng đến đời ta, không sớm thì muộn đều lộ liễu cho người thấy.
Tâm chúng ta xấu xa đê tiện hằng tìm kiếm những điều xấu xa tội lỗi. Tâm chúng ta có thể ví như con lằng xanh. Con lằng xanh thích những cái gì mà người đời nhờm gớm. Tâm ta cũng có khuynh hướng thích những điều nhờm gớm như vậy, nên bực tri thức nhận thấy rõ nó, như ta thấy rõ con lằng xanh.
5.- LOBHA: tham, là ham muốn mãnh liệt trong lòng mình và muốn chiếm của kẻ khác, hoặc cưỡng bách để đem về cho mình hay trộm cắp v.v... Tóm lại là dùng phương tiện nào cũng được miễn đem vật mình đã thích về cho mình. Hạng người ham muốn nầy không màng tội lỗi đối với pháp luật và cũng không sợ quả của luân hồi.
Lòng tham không đo lường, hoặc hình dung ra thế nầy thế nọ được. Muốn dễ nhận thức, tôi xin ví dụ như thế nầy:
Có người muốn được một trăm ngàn đồng để làm một công nghiệp gì. Người cố hết sức làm lụng vất vả để có đủ số tiền cần dùng vào việc ấy. Người nầy không gọi là tham mà gọi là ưa-thích.
Còn một người khác chỉ cần một ngàn đồng thôi, mà lại đi lường gạt hay làm một chuyện gì bất chánh để có số tiền thì người ấy gọi là người tham. Vậy ham muốn một cách bất hợp pháp, bất chánh, mặc dầu một xu nhỏ cũng gọi là tham.
Tham là một Ác-pháp, một phiền não, là nguồn gốc làm cho tâm ta nhơ đục, tội lỗi; và cũng vì nó mà luân hồi.
Lòng tham đến giai đoạn nầy là hiện thân của tội ác.
6.- ABHIJHĀ: tham lam, tham quá sức; lòng tham quá sức nầy có thể khiến người ta làm tội ác được.
7.- ABHIJHÀVISAMALOBHA: Tham lam thái quá, nghĩa là lòng tham đã đi tới tột độ, không còn chỗ nào cao hơn. Lòng tham nầy làm cho lòng người mờ tối, không còn nhận thấy phải trái, dám giết người cướp của miễn đoạt cho được mới nghe. Lòng tham của con người tới mức độ nầy, thì không còn phương pháp nào chặn đứng được.
Trên đây bảy giai đoạn của lòng tham đã được lý giải riêng rẽ, dưới đây xin thuyết minh những điểm dị biệt giữa các giai đoạn:
1.- LOBHA: Tham. Người tham của hạng nầy là người muốn được của người khác bằng mọi cách, nhưng ngoại trừ cướp và giết người. Lòng tham nầy lại còn phân biệt được của quyến thuộc cha mẹ, và người có ơn; nghĩa là dầu tham nhưng không lấy của những hạng kể trên.
2.- ABHIJHĀ: Tham lam. Lòng tham lam nầy sanh lên không còn phân biệt là của ai, và trên phương diện nào hoặc là cướp bóc v.v… nhưng còn chưa dám lấy của cha mẹ.
3.- ABHIJHĀVISAMALOBHA: Tham lam thái quá. Lòng tham nầy không còn nghĩ đến là của ai cả, mặc dầu của ấy là của cha mẹ cũng chẳng từ, miễn sao về cho mình là được.
*
Đức Phật dạy chúng ta nên học cho biết rõ nguyên nhân sanh lên lòng tham, cốt để chúng ta thấy rõ hình dáng và nơi phát sanh để dễ cho chúng ta dập tắt được, hay chúng ta ngăn ngừa không cho nó sanh lên.
Đức Thế Tôn biết chúng ta có căn cơ tu hành khác nhau, nên Ngài không dạy chúng sanh nào cũng phải xuất gia. Ngài có dạy cả hai phương pháp là cho hai hạng người. Hạng căn cơ cao dầy thì xuất gia bỏ cả tài, tình, danh, lợi, hầu giải thoát khỏi biển luân hồi. Còn mạng căn cơ thấp kém thì lo tu tại gia. Đức Phật dạy cho người tu tại gia nên tu theo các pháp là:
1.- Siêng năng lo làm việc cho có tiền của. Việc làm không phải bắt buộc là làm nghề này nghề nọ, nhưng phải là nghề chân chánh.
2.- Biết giữ lấy của mình đã có và xài không phung phí.
3.- Có bạn lành (xin xem 38 Pháp An lành).
4.- Đối với vợ con phải thành thật nghĩa là không ngoại tình. Đối với con một lòng thương yêu và trông nom săn sóc (xin xem 38 Pháp An lành).
5.- Xa những người lười biếng, giải đãi hay bỏ phế công việc làm ăn.
6.- Không nên để đến đỗi thiếu thốn đi vay nợ.
Phải có Tam qui và Ngũ giới.
Đây là sơ lược của người tại gia cư sĩ phải thực hành theo. Theo lời giải trên đây thì chúng ta thấy rằng Đức Phật không cấm người tại gia cư sĩ làm giàu, nhưng Ngài cấm người tại gia cư sĩ làm giàu trên xương máu kẻ khác, như đầu cơ, chợ đen v.v… Nếu đệ tử Phật không lo làm ăn, toàn là nghèo khổ hết, thì Phật giáo không thể trường tồn được, trái lại nếu giàu có thì dễ bố thí giúp đỡ chư Tăng. Nếu tất cả phật tử đều giàu có thì chúng sanh bớt khổ, vì tất cả đệ tử Phật đều học rành hai tiếng Bố Thí, Từ Bi.
Đức Phật biết rõ đã là chúng sanh lòng còn phiền não, thì không sao chạy khỏi sự ưa thích, vì đó là một phiền não nằm sâu trong tâm chúng sanh, Phật gọi là thụy miên phiền não. Vì vậy nên Ngài dạy cho chúng ta biết rõ phiền não ấy và dạy cách chặn đứng. Ngài hiểu rằng lòng tham là tai hại không nhỏ, nên Ngài dạy phương pháp ngăn ngừa.
QUẢ CỦA LÒNG THAM LAM
Người tham thì bạn bè xa lánh, đến nơi nào cũng không ai thích làm bạn, không ai muốn giúp đỡ, làm ăn thường bị thất bại vì thiếu tín nhiệm hay bạn bè không ai chỉ cho chỗ lợi hại. Người đời không ai là không ghét người THAM.
Con người đã gọi là tham lam thì chắc chắn bị nhiều người thù ghét, nếu có thể người khác cũng dám ám sát để trả thù vì cướp bóc hay lường gạt hoặc cưỡng bách người ta. Hạng người nầy sau khi chết chắc chắn bị sanh vào Địa ngục hay Ngạ quỷ, hoặc súc sanh.
PHÁP ĐỐI TRỊ VỚI THAM
Trong đoạn trước chúng ta đã thấy lòng tham lam phát sanh lên tuần tự theo bảy giai đoạn. Dưới đây là pháp đối trị để ngăn chặn và diệt trừ.
1.- RATI: Ưa. Pháp đối trị của ưa là SANTOSA: Tri-túc. Khi thấy trong tâm mình muốn một vật gì mà ta đã có, mặc dầu ta không cố ý chiếm đoạt của ấy, nhưng ta nên biết rằng đây là bước đầu tiên để đi tới tham. Vậy ta phải biết tri-túc, nghĩa là tự mình mãn nguyện với những gì mà mình đã có, đừng thèm muốn. Đây là pháp ngăn không cho "ưa" đi thêm một bước nữa.
2.- ICCHÀ: Thích. Pháp đối trị của thích là HIRI: Hổ-thẹn, tội lỗi. Tại sao hổ thẹn, tội lỗi lại trị được cái thích?
Đức Phật thường dạy: con người luân hồi tỉ như người còn đang đi lạc trong rừng đầy nguy hiểm và khổ sở; mà sự ưa thích là nhân làm cho con người phải luân hồi khổ. Người nào thấy mình còn ưa thích món nầy vật nọ, mà thấy thẹn với lòng mình bởi còn ham trầm luân trong biển khổ mới là Đệ tử của đấng tối cao và hoàn toàn giác ngộ, ráng noi theo gương giải thoát của Ngài, dứt hết mọi ham mê theo trầm luân. Người ấy dứt bỏ được sự ưa thích bằng sự hổ thẹn tội lỗi.
3.- MAHICCHÀ: Ham muốn. Pháp đối trị của ham muốn là CÀGA: dứt bỏ, ý nói dứt bỏ sự tham muốn bằng cách bố thí. Thí "dứt bỏ" có hai ý nghĩa khác nhau là:
a.- Khi người có trí tuệ nhìn lại tâm mình, thấy mình ham muốn một vật chi, liền suy nghĩ đến vô thường khổ não và vô ngã. Người có trí tuệ hằng nghĩ rằng: người càng có của nhiều, càng ham mê và muốn được thêm mãi, vì lòng ham của con người không có biên giới, mặc dầu hiện giờ được món ấy không phạm vào điều cấm của Phật, không sái với pháp luật với chánh quyền, nhưng của đó là một nhân làm cho lòng mình nặng lo. Khi càng có của nhiều càng sợ mất hay sợ tai hại càng nhiều cho của đó, ví như ta có một cái nhà ta lo cho một cái nhà này thôi, nếu có hai cái thì lo hai cái, tức nhiên phải nặng hơn nhiều.
Đức Phật ví chúng ta còn sanh trong luân hồi không khác nào người đi trên chiếc xuồng nhỏ và trong đêm tăm tối giữa bể khơi thay vì lo chèo chống lái vào bờ cho mau trái lại còn lo vớt những đồ đạc bỏ lên thuyền mình cho nhiều. Người đi trên chiếc xuồng ấy là bản thân ta; còn biển đó là biển luân hồi; đêm tối chính là Vô-minh; còn những của mà ta vớt như tài, tình, danh, lợi, là đồ của chư thánh nhơn đã vứt bỏ vì thấy đáng ghê sợ.
Khi người đã giác ngộ về Ngũ trần thì không dám ham muốn tài sản chi nữa, mới dứt bỏ được phiền não.
b.- "Dứt bỏ" có ý nói là khi mà ta đã có nhiều của cải, thấy rằng ta chết không đem vật gì theo ta được, có chăng chỉ tội và phước, ta liền đem của tiền mình có ra bố thí cho người nghèo, hoặc giúp vào việc từ thiện, hay giúp đỡ người tu. Người dứt bỏ như vầy là người đánh ngay vào lòng ham muốn và lòng ham muốn chắc chắn sẽ bị đánh bại.
4.- PĀPICCHĀ: Ham muốn đến độ mù quáng. Sự ham muốn này đi đến chỗ gọi là Ác pháp, vì khi sự ham muốn đi đến nơi đây tức nhiên con người dám trộm cắp, hay lường gạt. Vì vậy nên đức Phật dạy pháp trừ ngay Ác pháp này là Chánh-mạng, nghĩa là nuôi mạng chân chánh, không hại người, đem lợi ích cho mình.
Pháp thứ 5, 6 và 7 là tham, tham lam, và tham lam thái quá, chỉ có sự Bố thí mới dứt trừ nó được.
PHƯƠNG PHÁP TRỪ THAM
Muốn trừ tham Đức Phật dạy Bố thí. Bố thí có nghĩa là đem của mình đã có cho kẻ khác, như cho người nghèo khó, hay giúp vào việc phước thiện, hay giúp cho người bị tai nạn như lụt bão, hay hỏa hoạn. Bố thí có một ý nghĩa tổng quát là: Giúp đỡ kẻ khác với tấm lòng từ bi và không nghĩ tới sự trả ơn của người thọ lãnh của Bố thí ấy. Sự đem ra cho, là pháp đối trị của tham. Vì tham muốn thâu vào, còn Bố thí lại phát ra.
Tham lam là lòng muốn thêm mãi mãi không biết đến những độ nào cho đủ. Vì tham lam nên lòng người hay thay đổi, lo sợ mất của, dám sang đoạt của cải của bạn lành hay của quyến thuộc cha mẹ. Sở dĩ con người tham lam, vì con người từ khi sanh ra cho đến lớn lên chỉ học lấy một tiếng Thâu thôi, không học tiếng Xuất, vì vậy lòng tham ấy đã quen rồi, thật khó mà bỏ được. Đức Thế Tôn biết rõ lòng chúng sanh là vậy, nên người tu Phật tiếng học đầu tiên là Bố thí hay xuất của mình ra cho, tuỳ tiện theo của mình đã có. Nếu có nhiều, cho nhiều, có ít cho ít. Ban sơ không thể đem ra cho ai được, nên Đức Phật dạy về phước và sự an vui ở thiên đàng, chúng sanh có bố thí có phước sanh được về thiên đàng an vui như thế nầy thế nọ. Sau Ngài lại dạy lòng từ bi, thương hại chúng sanh, đem của ra cho tất cả ai chẳng hạn, không còn có giai cấp biên giới, nghĩa là Bố thí không phải chọn chư Tăng hay người tu mà tất cả những người cần ta giúp đỡ. Sự Bố thí nầy là phương pháp trừ được tham lam.
Phật dạy phải DẠY TÂM mình. Ý nói rằng: Ta nên suy nghĩ để tìm thấy cái hại của sự tham lam và đặc ân của sự không tham lam. Những pháp làm cho tâm ta xa được sự tham lam là Tri túc, Tự túc, Bố thí. Đức Phật dạy chúng ta nên quán tưởng cho thấy các bậc vua chúa giàu sang tột độ, nhưng khi chết không đem gì theo được. Của cải mà ta đã có chỉ cho ta vui sống trong kiếp nầy thôi; nếu nói đến vị lai thì của nầy là của thừa, không dùng vào đâu được nếu ta không biết phương pháp mang theo, thì chẳng ích chi cho đời ta cả. Chỉ có cách Bố thí mới đem về của vị lai được.
Tóm lại phương pháp duy nhất của sự diệt tham lam là Bố thí. Vì vậy nên trong 30 pháp Ba-la-mật của chư Phật, Bố thí là hạnh đầu tiên, mà chư Bồ tát thường hành. Vậy chúng ta là đệ tử Phật muốn giải thoát, nên cố hành theo hạnh nầy trước nhất.
-ooOoo-