Giải về Sân hận
Dosa: nghĩa là sân hận.
Nhưng theo đúng Phạn ngữ ta có thể diễn dịch là GIẬN DỮ và LÀM HẠI NGƯỜI. Sân hận là một trong Tam Độc.
Hỏi: Quả của sân hận như thế nào?
Đáp: Rất dễ hiểu: Người sân hận thường hay có nhiều oan trái oán thù, hằng tâm nóng nảy không an tịnh thảnh thơi.
Hỏi: Do đâu mà tâm trở nên sân hận?
Đáp: Sự sân hận sanh lên do một nguyên nhân rất nhỏ, như sự tham lam, chẳng khác nào một đám rừng cháy dữ dội chỉ do nơi một đốm lửa nhỏ. Vì vậy nên Dức Phật có dạy người ta không nên dể-duôi cho đốm lửa nhỏ không hại gì.
Hỏi: Vậy sự sân hận sanh lên do nơi một điểm nhỏ là điểm gì?
Đáp: Do nơi ARATI sự bất mãn. Đây tôi xin nêu ra nguyên nhân sanh sân hận:
1.
ARATI: Bất mãn.
2. PATIGHA: Bực tức.
3. KODHA: Sân.
4. DOSA: Sân hận.
5. BYÀPÀDA: Cột oán thù.
Khi quý vị trông thấy sự trình bày trên thì quý vị đã nhận thấy sự đi tuần tự của tâm sân hận. Đây tôi xin giải từng chi tiết để quý vị dễ nhận xét.
ARATI: BẤT MÃN
Nguyên nhân sanh ra sân hận (giận dữ) trước hết nó do nơi sự không ưa, tức là sự bất mãn, cũng như lòng tham lam sanh lên do nơi sự ưa thích vậy.
Hỏi: Vậy sự bất mãn do nơi đâu sanh ra?
Đáp: Sự bất mãn này sanh lên do nơi lòng ham muốn cho vừa ý mình; khi không vừa ý mình, hay không toại nguyện, thì sanh ra sự bất mãn. Khi sự bất mãn sanh trong tâm ta cũng chưa gọi là một tai hại, nó chỉ làm cho tâm ta không thỏa mãn thôi. Nếu ta không diệt trừ nó từ bấy giờ, thì nó sẽ đi lần đến PATIGHA: Bực tức.
Hỏi: Nếu ta muốn diệt trừ sự bất mãn thì phải làm sao?
Đáp: Phải dùng ngay YONISOMANASIKÀRA nghĩa là dùng trí nhớ có trí tuệ kèm theo quan sát tâm từng sát-na. Ý tôi muốn nói có trí nhớ như có ông quan canh cửa thành, vị nầy biết rõ người nào nên cho vào thành, người không nên cho vào, và người nên bắt giữ lại. Nếu để những kẻ bất lương xâm nhập vào thành, thì nó sẽ quấy rối nhân dân trong thành không làm ăn gì được. Và cũng có thể hại cho nhà vua, hại cho cả quốc gia.
Quốc gia đây ví như thân người, có thành trì chắc và có sáu cửa ra vào là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý. Còn tâm thì ví như nhà vua. Khi người có trí nhớ canh nơi các cổng thành, không cho các đề mục bên ngoài xâm nhập vào làm cho tâm nhơ đục, hay là trí nhớ biết rằng đề mục nầy nếu đem vào tâm, thì làm cho tâm trở nên nhơ đục. Nhơ đục đây có ý nói là bất mãn, bực tức, sân, sân hận và oán thù.
Hỏi: Vậy cái gì nhận biết đề mục? Cái gì nhận biết là đề mục xấu làm cho tâm nổi phiền não, nếu không phải là tâm?
Đáp: Sự nhận biết ở sáu cửa không phải là tâm, mà gọi là thức. Khi thức có trí nhớ và trí tuệ giúp vào thì thức ấy biết rằng đề mục nào làm cho tâm bất mãn, rồi đi lần đến sân hận, oán thù. Trí nhớ và trí tuệ sẽ làm cho tâm và thức nhận biết cái hại của sân hận oán thù.
Hỏi: Nhược bằng trí nhớ không thể ngăn đón đề mục ấy tâm đã bất mãn rồi nó sẽ ra sao?
PATIGHA: BỰC TỨC
Đáp: Tâm sẽ đi đến chỗ bực tức. Khi sự bực tức đã sanh lên, thì tâm không còn sáng suốt nữa, khi ấy tâm chỉ thiên về một bên là nghĩ rằng ta phải. Tâm bực tức làm cho con người khó chịu, đây là nguyên nhân nổi lửa sân. Người muốn diệt trừ ngay sự bực tức trong lúc nầy phải có sự DAMA nghĩa là dạy tâm.
Hỏi: Phải dạy bằng cách nào?
Đáp: Có nhiều cách dạy tâm, nhưng rất khó làm cho nó vắng lặng liền được, là vì nó đang nóng nảy, ta phải cố xa lánh chỗ nào đang làm ta bực tức, để ta xa lánh hoàn cảnh bên ta, rồi hãy nhớ niệm một trong 40 đề mục tham thiền. Khi tâm trở lại bình tĩnh, thì người lại nhận thấy ngay cái hại của sự bực tức, là sẽ đem lại nhiều sự bận lòng, oán thù, oan trái v.v…
Riêng tôi thì tôi lại đi tìm một nơi nào mát mẻ, hay đi uống nước mát từ hớp một cho tâm tôi lần trở nên yên tịnh, chừng ấy mới nghĩ tới cái hại của lòng sân hận, và quả báo của sự không sân hận.
Hỏi: Nếu ta không thể dằn được sự bực tức, tâm sân lại phát sanh, ta phải làm cách nào trừ sân? Hiện tượng của sân ra sao?
KODHA: SÂN
Đáp: Sân tức là giận, nó làm cho tâm rất nóng nảy, mất hẳn sự bình tĩnh, mặt biến sắc, tay chân run, khi nói tiếng đổi giọng.
Sân gây hại rất nhiều, vì khi sân đã sanh lên, thì tâm chỉ biết làm hung dữ, sân đem lại đủ các tác hại cho mình. Đức Thế Tôn có dạy sân là một vật rất nhơ bẩn, hôi thúi, một khi tâm đã sân rồi, thì không còn phân biệt phải quấy, tâm trở nên đen tối và có thể gây ba điều hại:
1.-
Sân làm cho tâm đen tối.
2.- Sân làm cho tâm làm việc không hay, nhất là làm mất phẩm hạnh.
3.- Sân thường làm cho việc làm hư hỏng.
Nếu ta muốn nhận định được ta thì ta nên xét từ bên trong ta (tức là tâm ta) như thế nào rồi xét đến hạnh kiểm, cuối cùng xét đến việc làm của ta. Còn muốn nhận định cho biết rõ người ngoài ta, thì ta phải xét ngược lại, nghĩa là nên xét việc làm, rồi xét hạnh kiểm, cuối cùng mới xét đến tâm.
1.- Khi tâm không sân thì trong sạch vui vẻ thảnh thơi, suy nghĩ điều gì không thông suốt, trí tuệ được minh mẫn và rất thanh tịnh. Trái lại khi nó sân thì xấu không sao nói hết. Nói về sự suy nghĩ của tâm, khi nó đã sân thì không bao giờ suy nghĩ việc lành điều thiện. Khi đã sân lên thì mặc dầu người có học thức tới tột độ trong thế gian nầy, cũng trở nên tối mê, khi ấy không khác nào người điên.
2.- Đức Thế Tôn dạy rằng khi sân thì con người mất phẩm hạnh. Khi người chưa sân thì từ cử chỉ nhỏ nhặt đến lời nói việc làm đều nhã nhặn, khả ái, nhưng khi sân hận thì mọi việc đều thay đổi hẳn, người ta trở nên vũ phu tàn bạo, vì lẽ tâm không còn yên tịnh mát mẻ. Khi tâm sân thì sự hành động khác hẳn và mặt mày cũng không còn đẹp đẽ ra vẻ thiện lương nữa.
3.- Khi sân thì không khi nào người ta làm việc được hoàn mỹ, vì tâm không còn yêu thích việc đang làm nữa.
Người có tánh sân vốn ít có bạn, vì ít người dám giao tiếp. Khi người ấy làm lớn, thì càng tai hại nhiều, vì những người dưới quyền ít muốn gần và cũng không khi nào dám nói gì dầu cho khi họ biết rằng ông chủ làm việc sai lầm.
DIỆT SÂN
Như chúng ta đã biết, sân là một thói xấu, không ai ưa và muốn gần. Khi tôi viết đến đoạn nầy tôi không muốn giải nhiều, vì tôi biết rằng nói về sân cho quý vị nghe, không khác nào nói chuyện nhức răng cho các cụ nghe, các cụ đã biết qua nhức răng là thế nào rồi. Nhưng điều mà tôi muốn nói là phương pháp DIỆT TRỪ SÂN.
Có ba phương pháp diệt sân:
1.-
Làm thế nào chận đứng sân.
2.- Khi đã sân rồi thì làm thế nào dập tắt được.
3.- Làm thế nào dứt được sân cho không còn sân nữa.
Trước hết tôi xin nhắc lại: bệnh tinh thần là tham lam sân hận và si mê, thường làm cho chúng ta đau khổ, thất vọng, buồn rầu và cũng là nhân đem lại luân hồi, chỉ có vị lương y đại tài là Đức Phật tìm ra phương pháp trừ bệnh ấy. Vậy nên tôi giải đây là phương pháp là do nơi những phương pháp và các phương thuốc để trị bệnh của vị Bác sĩ đại tài ấy.
1.- Phương pháp ngăn ngừa Sân
Bước đầu tiên ta nên ngăn đừng cho sự bất bình phát sanh, vì lẽ ngừa bệnh hơn chữa bệnh.
Ví dụ như ta bị người mắng chửi, thì tất nhiên ta bất bình đến bực tức, tới sân, kế là sân hận và sau cùng là oán thù. Bất bình và bực tức chỉ là hai bước đầu tiên chưa thật là một tai hại, nhưng đến bước thứ ba sân mới đáng kể là quan trọng. Tâm thường tuần tự như vậy, nhưng vì ta không thường chăm nom hay nói cho dễ nghe là không có tu theo tập phương pháp chánh tịnh hoặc Tứ niệm xứ của Đức Thế Tôn dạy, nên chi khi tâm sanh lên quá mau không đủ trí nhớ quan sát nó nên nó tự phát ra. Vì chúng ta thiếu trí nhớ để kiểm soát tâm, nên ta cảm thấy như lòng sân phát sanh lên liền, trong khi ta thường gặp trường hợp không vừa lòng, chớ thật sự thì phải đi tuần tự như đã kể trên.
Muốn chặn đứng sân có nhiều vị Đại đức dạy rằng khi biết mình sân, thì lập tức niệm về số tức quan, tức là đếm hơi thở. Theo tôi khi đến sân rồi, ít người còn sáng suốt để niệm gì được hết, bởi thiếu trí nhớ, nên để đề-mục xấu xâm nhập vào tâm, không còn sáng suốt ngay lúc ban sơ, thì làm sao có đủ sáng suốt để niệm khi sân đã phát sanh trong tâm rồi. Theo tôi người cần phải có trí nhớ để ngăn đón đừng cho sự bất mãn phát sanh. Nếu khi ta biết sự bất mãn đã sanh lên, nên niệm một trong 40 đề mục tham thiền. Sở dĩ mà người có thể chận được sự bất mãn nơi đây là vì sự bất mãn chưa có thể làm cho tâm rung động mạnh, trí nhớ còn có thể kiềm chế tâm được. Khi ta đã niệm một đề mục nào chính là ta cố đem tâm ta ra ngoài hoàn cảnh ta đang ở, ý tôi muốn nói đem tâm ra khỏi đề mục làm cho ta bất mãn. Sự bất mãn ví như lửa của diêm quẹt, ta có thể thổi tắt được, không phải gọi đến hàng xóm đến phụ dập tắt.
Người muốn thắng được sân, nên hành theo pháp nhẫn nại.
2.- Phương pháp dập tắt Sân
Khi sân sanh lên, ta dập tắt liền. Để cho dễ hiểu tôi xin ví dụ. Bất mãn ví như lửa của diêm quẹt, ta có thể thổi tắt được; nếu không dập tắt khi lửa còn ở trạng thái diêm quẹt, mà để đến giai đoạn bực tức thì lửa bắt đầu cháy mùng; lửa cháy mùng vẫn còn chữa được; nhưng đến đây, nếu ta không chữa kịp thời, thì lửa cháy tới vách; lửa cháy vách đây ví như sân, nếu không cố chữa cho được, thì nó sẽ cháy đến nóc nhà ví như lửa sân hận. Khi tới nóc mà không gọi xe chữa lửa đến thì lửa sẽ cháy hết nhà, lửa cháy mãnh liệt như thế, khó mà dập tắt được; đến đây lửa đó ví như là sự oán thù vậy.
Như đã nói ở trên, khi người nổi sân, thì không còn đủ sáng suốt để phán đoán việc gì cả. Người ấy thiếu hai pháp là trí nhớ và biết mình, nên để cho những đề-mục ác xâm nhậpvào tâm. Sự thật tâm của chúng ta hành động rất là nhanh chóng, không có gì sánh bằng, mà ta lại thiếu trí nhớ và không biết mình, thì càng nguy hiểm. Khi tâm ta đang sân, đang gây gổ với người khác, trong lúc ấy có một khoảng nào rất ngắn trong tâm ta trở nên bình tĩnh, nhận định thấy mọi việc, nghĩa là sáng suốt, nếu ta có đủ trí nhớ và biết mình, nhân cơ hội ấy đàn áp được lòng hận nghĩa là ta tránh đi nơi khác, nhất là niệm một đề-mục thiền định, hoặc dùng trí tuệ quan sát thấy tội của sân; và nghĩ đến vô thường, khổ não, vô ngã, khi thấy tâm ta sẽ an-tịnh.
Sự thật trong thế gian nầy, ai ai cũng có dịp nổi sân, nhưng ít có ai có thể tiếp tục sân trong 30 phút liên tiếp. Nếu có chăng thì sau khi ấy chắc chắn là không khỏi mệt nhiều. Và trong khi sân như thế cũng có một thời gian ngắn tâm vắng lặng.
Nếu quí vị muốn tránh sân thì xin quí vị nên cố quan sát tâm để dập tắt, khi mới bất mãn, hay khi đã sân ta nên chụp ngay cơ hội nào để trốn nó, nếu ta không thể thắng nổi nó.
Tóm lại, nếu ta muốn chận đứng sân, thì nên có trí nhớ và nên biết mình, để ngăn ngừa nó không cho sanh lên trong tâm ta.
3.- Phương pháp dứt bỏ Sân
Phương pháp nầy là phương pháp dạy tâm cho trở nên bình tĩnh trong các trường hợp và nên làm cho tâm mát mẻ. Khi ta dạy tâm ta được an tịnh mát mẻ và điềm tĩnh trong các trường hợp làm cho mình sân, thì chẳng những bản thân ta được hạnh phúc an vui, mà vợ con ta, quyến thuộc, bạn bè, và người cộng sự với ta cũng an vui lây.
Ngoài ba phương pháp kể trên, để đối trị với sân, tôi xin giải thêm ba phương pháp nữa là:
a)- Xem mọi trường hợp là chuyện không không. Ý tôi muốn nói dùng trí tuệ suy nghĩ thấy rằng: mọi việc đến cho ta đều là chuyện không đáng quan tâm. Ví như có người kia mắng chửi ta, ta nên nghĩ: Không biết họ nói gì ta? Nghe chưa kịp, xin họ nói lại một lần nữa. Ví bằng không hỏi lại vì đã nghe rõ, ta nên tìm coi tại sao mà người ấy mắng ta? Điều quan trọng hơn hết, là nên tự nhận điều ấy do nơi mình ra. Hơn thế nữa, nên nghĩ rằng: người ấy đang bị lửa sân thiêu đốt, nên không dằn được mà mắng nhiếc ta; ta nên nhẫn nhịn đi, hơi đâu mà gây gổ với người mất trí, hơn nữa ta Đệ Tử Phật, Ngài có dạy sân là nguồn tội lỗi luân hồi, Ngài thường dạy chúng sanh nên dứt bỏ, mà ta là Đệ-Tử của Ngài nên hành theo lời Ngài để đáp đền công ơn muôn một, ta không nên để các bực trí thức chỉ trích chê khinh, và người đời ghê tởm. Khi người suy nghĩ được như thế, thì lòng không còn bận tới thế sự, hơn thua tranh giành danh lợi với người khác, thì tức nhiên sự mắng nhiếc không thành vấn đề.
b)- Rải tâm từ. Khi tâm ta bị trường hợp làm cho sân lên, thì lập tức phải rải lòng thương hại nhân vật làm cho ta sân; lòng thương hại ấy chính là tâm từ trong Phật-giáo. Ta nên nghĩ: lòng sân hận làm cho người mất bình tĩnh và làm những điều không hay, mất cả đức tánh tốt. Người vì lòng sân nên bị khổ sở, không nhịn chịu được, nên bộc lộ ra ngoài những cái mà bực trí thức chỉ trích. Vậy ta không vì vậy mà giận hờn, trái lại nên thương hại người ấy hơn. Nếu ta không mau tránh, thì ta cũng vào vòng sân như thế, và sẽ làm trò cười cho thế gian. Và đó là nguồn làm cho ta phải luân hồi.
Xin nhắc quí vị rằng: đột nhiên ta không thể nào rải lòng từ, khi ta gặp chuyện làm cho ta sân được. Tại sao? Vì nếu muốn rải lòng từ, thì ít nhất ta phải tập tâm ta có lòng từ, trước khi gặp hoàn cảnh làm cho ta sân, nếu ta để đến nơi mà mới rải tâm từ thì bằng thừa thôi. Phải từ trước có hành tâm từ, mới được; người không bao giờ niệm tâm từ, mà rải tâm từ, thì chắc chắn không có kết quả, ví như người muốn chữa lửa, mà không có dự trữ sẵn nước, hay như người đến khát nước mới đào giếng vậy.
c)- Tham thiền. Nếu vị nào có tham thiền, thì mới biết tham thiền là một phương pháp làm cho tâm người từ vọng động trở nên bình tĩnh. Như tôi đã nói ở trên, tâm của chúng ta sở dĩ mà vọng động, là vì bị hoàn cảnh bên ngoài kích thích, nên mất bình tĩnh làm cho tâm sân.
Đức Phật dạy tâm người không khi nào chịu vắng lặng ví như cá với nước hay khỉ trong rừng. Phàm khỉ không bao giờ ngồi yên một chỗ. Tâm ta cũng vậy, không bao giờ chịu ở yên một nơi nào, nó vẫn phóng túng theo các cảnh trần, vì phóng túng theo cảnh trần nên tâm không bình tĩnh. Vậy nên chỉ có một phương pháp duy nhất là phải làm cho tâm bình tĩnh, cũng như muốn cho khỉ đừng chuyền nhảy từ cây này qua cây nọ thì chỉ có một phương pháp là cột nó lại một nơi nào. Vậy hành giả muốn tâm mình trụ lại một chỗ, thì chỉ có một phương pháp là tham thiền, nghĩa là phải niệm 1 trong 40 đề-mục của Đức Thế Tôn đã dạy.
Tôi xin ví dụ: tâm ta như con khỉ, cây cột để cột khỉ ví như đề mục để niệm, còn trí nhớ không khác nào như sợi dây cột khỉ, trí tuệ không khác nào người cột khỉ luôn luôn coi khỉ còn chỗ nào phải cột thêm, trí tuệ hằng quan sát coi tâm còn vọng động bởi một nhân gì và tìm thế để diệt trừ nhân ấy. Khi tâm tập được thuần phục rồi, ít khi bị hoàn cảnh bên ngoài chi phối, nếu có bị chăng nữa cũng thức tỉnh lấy mình được, vì nó đã quen ở với khuôn khổ.
Nếu nói sân mà mà không nói đến UPANÃHA thì chưa gọi là hoàn toàn. Nên đây tôi xin giải thêm cho quí vị dễ nhận thức.
Phiền não UPANÀHA nghĩa là cố chấp sân. Phiền não nầy là chi nhánh của sân, ít khi bộc lộ ra ngoài như sân vì nó thuộc về hạng phụ thuộc. Nhưng kỳ trung nó đem tai hại đến cho ta không ít.
Tóm lại 3 điều quan trọng thuộc về tâm sân là:
1.- KODHA: Sân.
2.- DOSA: Sân hận, có nghĩ là giận dữ làm hại người bằng tất cả các phương tiện khả dĩ làm được. Đây thuộc về phần chánh trongTam độc là tham lam, sân hận, và si mê.
3.- BHYÀPÀDA: Cột oán thù, ý nói khi sân hận nhưng chưa làm gì được người ta: cố dành để trong tâm, chờ có dịp nào thuận tiện thì sẽ làm, bất luận là thời gian bao nhiêu năm.
Ba phiền não kể trên có liên quan với nhau rất là khắng khít, trong khi đó không có UPANÀHA. Nhưng khi tâm sân sanh lên, ngưng lại nơi ấy, không đi tới sân hận, mà nó cũng không bị dập tắt và còn chấp giữ lấy trong tâm. Vì vậy nên phiền não nầy không phải là vai chính trong sân hận. Hơn nữa có người đã sân, rồi hết, không bao giờ chấp chứa giận hờn, nên ít thấy nói đến UPANÀHA: Cố chấp sự giận hờn trong tâm.
Nếu có người hỏi: Vốn có của sự cố chấp giận nghĩa là có giận, tại sao lại còn có tên là UPNÀHA cố chấp giận là gì?
Đáp: Cố chấp sân (giận) là một phần riêng của KODHA: sân (giận) tạo ra. Ta có thể ví dụ rằng: Ông chủ là KODHA (sân), còn UPANÀHA cố chấp sân là thư ký. Vậy thì quí vị thấy rõ ràng cố chấp là giữ lấy những gì của lòng sân giao cho. Khi sân thâu nhận và giao cho UPANÀHA chứa giữ nhiều chuyện thì sẽ đi đến DOSA: sân hận (sân hận sẽ giải sau). Nếu người không thể chận đứng sân, thì sân hận sẽ theo sau liền. Thiết tưởng chúng ta cần nhận định sự cố chấp sân và cột oán thù khác nhau thế nào. Người cố chấp sân là người không bao giờ nghĩ đến sự đánh đập người mà họ đã giận, nhưng không bao giờ họ chịu làm lành với người ấy. Hoặc giả có nói chuyện với người ấy chăng nữa cũng chỉ vì xã giao, chớ chắc chắn không bao giờ giúp đỡ, khi người kia cần phải được giúp đỡ.
Còn sự cột oán thù thì trên sự cố chấp sân một bậc nghĩa là đã không giao tiếp với người mà họ đã sân hận mà còn cố làm hại cho kì được, bất kì trong trường hợp nào, nếu có dịp đưa đến.
Tai hại cửa sự cố chấp sân (giận) ấy là:
1.- Làm cho tâm không yên tịnh, làm nhân cho tâm vọng động, nhớ đến người làm cho nó sân, vì vậy tâm mất bình tĩnh. Người để cho sự cố chấp trong tâm không khác nào người biết rằng mình đang ở chung với thú dữ, biết nó sẽ ăn hại ta trong trường hợp nào thuận tiện cho nó, nên tâm hằng lo lắng luôn.
2.- Tâm bị tàn phá, như trường hợp người nào đã cố chấp giận người khác, khi gặp người ấy nơi vắng vẻ, hay nơi công cộng đều cảm thấy trong lòng hồi hộp khó thở, muốn lánh mặt người ấy. Người còn cố chấp sân trong lòng ví như người mang chứng bệnh ung thư, càng ngày càng ăn lớn ra, vì tâm càng ngày càng bị sân ám ảnh, càng mất sáng suốt và khả năng làm việc.
3.- Hại cho đời sống. Người nào hay cố chấp sự giận hờn hay có nhiều người oán thù và gây nhiều nghiệp chướng. Ít nhất là ai cũng tránh xa, mặc dầu quyến thuộc họ hàng cũng không ưa mến người ấy. Người hay sân và cố chấp sân ví như quả bom nổ chậm, không biết nổ giờ phút nào, thì hỏi có ai dám đến gần. Vì thế nên đời sống của người ấy bị lẻ loi cô đơn, không bạn bè, khi có chuyện cần không ai giúp đỡ.
4.- Hại cho việc làm. Việc làm của người sân và cố chấp sân ấy thường hay bị trở ngại, vì không người giúp đỡ và cũng bởi tại sân nên làm việc không được khéo léo.
Sân và sự cố chấp sân là thường tình thiên hạ, ai ai cũng biết khỏi phải học. Nhưng phương pháp diệt trừ sân và sự cố chấp sân thì phải học và càng phải cố công hành cho tinh tấn vì đây là phương pháp giải thoát
Hỏi: Người muốn ngừa, dập tắt lửa sân thì phải làm sao?
Đáp: Nơi đây tôi giải một phương pháp giản tiện và công hiệu nhất, nếu quí vị có thể hành được thì kết quả sẽ quá sự mong muốn.
Phàm người chữa lửa thì chữa ngay chỗ lửa đang cháy, cũng như người muốn trừ sân hay dập tắt sân thì trước nhất phải dập tắt nơi phát sanh của nó. Vậy trước hết ta nên tự hỏi: Tại sao ta sân? thì ta thấy rằng: Vì ta chấp đây là ta. Danh vọng ta. Ta là người có quyền chức, giàu sang, có tên tuổi trong xã hội v.v…Vì ta chấp ta như vậy nên ai động tới cái ta là ta giận và cố chấp sự giận hờn ấy.
Ta tự nghĩ rằng: Ta bị xúc phạm. Nếu ta không trả lại thì người đời chê ta là nhát, nhu nhược, khiếp sợ.
Vì sợ mất thể diện. Vì ba luận điệu này mà người ta sân và cố chấp sân. Vậy người muốn đừng sân và không cố chấp sân thì phải diệt trừ nguồn gốc của sân trong lòng ta trước, nghĩa là phải diệt trừ cái ta.
Trước hết ta nên biết ta là gì?
Theo Phật dạy, ta là tứ đại hợp thành. Người vì chấp cái ta ấy nên mới tạo ra nghiệp thiện hay ác và nghiệp ấy làm cho luân hồi. Chúng sanh vì cái ta này nên phải khổ, không sao kể xiết. Cái làm ta chấp là ta ấy, vốn không phải ta, vì nó thường thay đổi, đem lại khổ sở cho ta. Khi ta chết thì ta không đem cái ta ấy theo được. Khi người nhận thấy rõ được như thế, thì người không vì cái ta mà làm điều tội lỗi và không vì việc đời làm cho tâm sân tạo nên tội lỗi.
Nếu người muốn dứt sân và sự cố chấp sân thì nên hành theo hai pháp:
1.- Dứt sân. Điều thứ nhất, muốn dứt sân nên diệt ngay tâm ta, vì tâm ta sân như người chữa lửa chữa ngay chỗ gốc lửa cháy chớ không thể dập tắt nơi đầu ngọn lửa. Vì vậy ta nên tập cho nhẫn nại, từ bi trước và luôn luôn có tâm trong ta.
Người đời sống vì đời nhiều hơn sống vì bản thân mình. Nên khi có nhân vật nào chạm vào ta, làm cho ta bất mãn liền, lắm khi có người cũng muốn không giận, nhưng lại nghĩ rằng nếu mình nhịn thì người đời cho rằng mình ngu, mình sợ v.v…. Vì vậy nên người ấy lại chống lại rồi gây ra oan trái oán thù, chung qui cũng chỉ sống vì thế gian thôi. Nếu người ta nhẫn nhịn thì mọi việc đều yên. Nhưng người đời có biết đâu, khi mình chống lại với hoàn cảnh bên ngoài để thắng nó thì chính ta cũng phiền não bên trong, là sân rồi. Chúng ta có thua hoàn cảnh bên ngoài thì chỉ có khó chịu đôi chút thôi, nếu ta thua phiền não bên trong là sân thì ta khổ mãi mãi không biết đời nào mới hết, nghĩa là khi ta thắng nhân vật mà làm cho sân ấy, thì chính ta cũng gây ra mối oán thù oan trái và tội lỗi về ngày vị lai vậy. Đức Phật có dạy rằng ATTÀNAM JITAM SEYYO: thắng được bản thân mình mới cao thượng. Bản thân đây Đức Phật chỉ tâm.
Vậy ta là Phật tử nên cố gắng thắng tâm ta mới gọi là thắng tuyệt đối, vì khi thắng tâm được rồi, không có oan trái oán thù, không lo sợ người trả thù, tâm được thơ thới, an tịnh và đến nơi giải thoát.
2.- Làm lành với nhân vật mà mình đã sân (giận). Ý tôi muốn nói rằng khi mà ta không sân, hay là đã sân rồi, nhưng không chấp oán thù, trở lại làm lành và giúp đỡ nhân vật mà ta đã sân (giận). Nếu ta muốn đừng giận, có một phương pháp giản tiện nhất là mọi việc gì ta cũng chịu nhận rằng: phần lỗi ấy là do nơi ta, sở dĩ ta bất bình uất ức vì ta còn phiền não, nên mới còn luân hồi, nên mới có sự sân hận, buồn ghét v.v… Nếu ta không còn phiền não thì không còn sanh lẫn lộn trong thế gian nầy, thì đâu có khổ vì vậy ta nên cố tu hành để mau chạy khỏi bể luân hồi nầy.
Tiếp theo KODHA và UPANÀHA cố chấp sân (giận hờn) là DOSA: sân hận. DOSA theo tiếng Phạn có nghĩa là làm hại người. Ý tôi muốn nói là giết hại người hay làm cho người tiêu tan tài sản như đốt nhà, hay phao vu cho người bị tù tội v.v… tóm lại là làm cho người bị đau khổ, thất lợi, hổ thẹn.
Xin quí vị hiểu rằng: Không phải người sân hận làm hại kẻ khác thôi. Trái lại trước hết người ấy làm hại bản thân mình mà người sân hận ấy không biết. Tại sao vậy? Vì người sân hận là người bị lửa phiền não thiêu đốt nóng này trong Tâm, nên không thể nhịn chịu được mới dùng lời nói hay việc làm để giảm bớt sự bực bội trong tâm, như thế người sân là người bị khổ trước hơn người bị làm hại. Lại có lắm lúc làm hại người ta không được mình càng thấy khổ và uất hận hơn. Người thường hay sân giận thì mau già, như thế ta thấy người ấy bị giảm thọ rồi, và người ấy dầu đẹp đến đâu cũng trở nên xấu. Vì vậy ta nên thương hại người sân hận hơn là giận lại họ, và ta cũng nên cố tránh lòng sân hận. Đã nói là độc thì sân hận không bao giờ đem sự an vui hạnh phúc đến cho mình.
Để dễ thấy và dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ, một chiếc ôtô có tốc độ 120 hoặc 200 cây số một giờ. Người tài xế tốt không bao giờ chạy hết tốc lực của nó, anh ta chỉ chạy 8 hay 9 chục cây số một giờ. Nếu chạy hết tốc độ của nó thì chiếc xe ấy chắc chắn không thể chịu nổi đến một tháng, vì xe không hư thì chắc chắn người lái cũng không còn.
Xe ấy cũng ví như con người. Vì mỗi một người đều có một sức lực tiềm tàng đến một mức độ nào đó. Nếu ta xài hết mức độ của sức lực nhiều lần thì thế nào cũng sanh bệnh. Đây tôi muốn nói rằng khi người chưa sân hận thì các bộ phận trong cơ thể của người làm việc bình thường, nhưng khi sân lên, thì các bộ phận trong các cơ thể làm việc tăng gia với một tốc độ nhanh hơn. Vì vậy nên người sân hận có thêm nhiều sức mạnh, có thể làm những việc nặng mà khi chưa sân không thể làm nổi. Nhưng sau khi ấy thì cảm thấy mỏi mệt nhiều. Vì vậy nên sự sân hận làm hại sức khỏe của người ta rất nhiều.
Sân hận đã có khả năng gây tai hại cho sức khỏe thân xác như vậy, huống gì đức tánh hạnh kiểm của con người, như hiếu thảo, nhẫn nại, từ bi v.v…khi người sân hận thì những đức tánh mà các bực tri thức thường ngợi khen cũng bị tiêu hoại mất.
Cái tai hại của lòng tham lam ví như nước lụt. Nếu lụt xảy đến tất nhiên có gây hư hại, nhưng dù sao cũng còn sót ít đồ vật. Còn cái hại của sân hận cũng như cháy nhà; khi nhà bị cháy thì khó mà còn vật gì lại, có còn chăng là chỉ còn một đống than.
Sân hận ấy là một thứ lửa nóng hơn các thứ lửa, mặc dầu là chất nóng của nguyên tử ắt cũng không bằng. Lửa bên ngoài chỉ thiêu đốt thân ta nóng nảy thôi, chớ lửa phiền não thiêu đốt lòng ta và còn làm cho ta phải sanh vào 4 đường Ác đạo.
DẬP TẮT SÂN HẬN
Chư vị Phật tử chắc ai ai cũng nghe và học qua rằng bố thí trừ tham lam, trì giới diệt sân hận, trí tuệ diệt vô minh hay si mê.
Theo tôi nghiên cứu thì trì giới chỉ là một bức tường chận đứng sân hận, cũng như sợ lửa cháy nhà xây tường bằng gạch để ngăn ngừa lửa bên ngoài, hay cũng như đóng một cái chuồng để tạm nhốt sư tử. Nhưng sự thật lửa cũng vẫn còn là lửa, mà sư tử cũng vẫn còn là sư tử bất di bất diệt; nhưng lửa ấy chưa cháy được nhà vì nhờ bức tường và sư tử chưa ăn người vì bị nhốt thôi: Khi tường bị hư ngã, chuồng bị phá vỡ, thì lửa vẫn cháy nhà, sư tử vẫn ăn người. Như vậy sân hận chỉ bị ngăn ngừa hay bị kiềm chế thôi, chớ, chưa tắt hẳn và cũng chưa chết thật. Vậy thì trì giới cũng chưa gọi là dập tắt sân hận hoàn toàn.
Chỉ có hai pháp: Từ và Bi, mới là phương pháp dập tắt lửa sân hận được. Vì Từ là muốn cho chúng sanh được an vui. Bi là thương hại chúng sanh và hằng nghĩ đến sự giúp đỡ chúng sanh khỏi khổ được vui.
Tâm từ có trạng thái là hành động hầu đem lại lợi ích cho chúng sanh; có phận sự là đem lợi ích lại cho chúng sanh; có quả cao quí nhất là diệt bỏ sự giận ghét oán thù chúng sanh; và có nơi sanh, là thấy rõ rằng chúng sanh ai ai cũng thương mình như mình thương mình. Vì vậy người có tâm từ không bao giờ làm khổ kẻ khác.
Tâm bi có trạng thái là giúp người đang bị khổ, nghĩa là giúp tắt khổ cho người khác; có phận sự là không thể chịu nổi khi thấy người bị khổ mà không cứu; có quả là không khi nào làm khổ kẻ khác mặc dầu người ấy đã làm cho bản thân mình bị khổ; và có nơi sanh là trông thấy chúng sanh bị khổ trong luân hồi như người đang bị lửa cháy quanh mình không con đường nào thoát được, không có một ai thương hại để giải cứu. Vì vậy người có tâm bi hằng lo giúp đỡ kẻ bị tai nạn, khổ sở.
Từ và bi là phương pháp dạy tâm nóng nảy, sân hận trở nên mát mẻ. Ta có thể nói giới là chuồng nhốt sư tử, và từ bi là phương pháp dạy cho sư tử trở nên hiền lành.
Về phần thực hành, người không thể dùng lòng từ bi dập tắt ngay tâm đang sân hận. Đừng nói là dùng lòng từ bi trong lúc ấy, chính trong lúc người sân hận không hề nhớ đến tiếng từ bi, thì làm sao dập tắt sân hận được. Khi sân hận lắng xuống thì mới nhớ tới từ bi.
Nói đó, không phải tôi chỉ trích lời của phật dạy, vì chính tôi đã thử áp dụng phương pháp nói trên là cố dùng từ bi trong khi sân, thật tôi không thể đè nén sân được dễ dàng, vì tâm từ bi thường thường đến sau tâm sân hận, ví như xe chữa lửa bao giờ cũng đến sau lửa cháy, khi xe đến đàn áp được ngọn lửa, thì thiệt hại cũng ít nhiều rồi.
Vậy trong kinh dạy từ bi là pháp trừ sân hận đã sai rồi chăng?
Đáp: Không! Nhưng tôi nói đây theo một phương diện khác. Tôi nói người muốn diệt trừ được lòng sân hận thì ít nhất phải tập cho tâm có sẵn lòng từ bi trước. Như người ấy phải học tham thiền về đề mục từ bi cho được thuần thục, làm cho tâm mát mẻ đầy đủ khi gặp sân hận mà không sân hận, mới gọi là người có tâm từ bi và mới dập tắt lòng sân hận được. Người có tâm từ bi như người sợ lửa cháy nhà nên họ xây tường cao, làm nhà bằng gạch lợp ngói; không cho có vật dẫn hỏa trong nhà, trái lại trong nhà còn có một bình cứu hỏa. Giới ví như tường rào. Trí nhớ ví như nhà, từ bi ví như bình cứu hỏa.
Người muốn ngăn sân hận thì trước hết nên ngăn và dập tắt ARATI: bất bình. Diệt bất bình thì không có gì khó. Khi người biết rằng ta đã bất bình, thì liền bỏ đi nơi khác là êm chuyện. Nó tự động ngưng ngay lại.
Sự bất bình ví như lửa diêm quẹt, ta có thể thổi tắt được dễ dàng, nhưng rất tiếc là người ta không chịu dập tắt ngay từ khi ấy. Nếu ta để nó đi tới bực tức, thì không khác nào ta để lửa diêm quẹt cháy mùng. Khi lửa ấy cháy tới vách là lửa sân, nếu ta không tắt kịp thì tới nóc nhà ví như lửa sân hận thật khó mà cứu chữa.
Vì vậy ta nên cẩn thận mặc dầu lửa diêm quẹt cũng chẳng nên dễ duôi, phải dập tắt liền khi thấy có.
OÁN THÙ
Sau sân hận là oán thù. Phạn ngữ gọi là BYÀPÀDA có nghĩa là sân hận và làm hại người có ý nói cột sự sân hận để có dịp hại người.
Quả của sự cột oán thù
Có nhiều người cho rằng cột oán thù là một chuyện tốt. Vì người làm hại thân nhân mình, thì mình phải trả thù là phận sự. Vì vậy người ấy cố tìm thế hại người thù cho đã giận.
Không nói ra nhưng ai ai cũng biết ý nghĩa của tiếng cột nên miễn giải. BYÀPÀDA có nghĩa là cột oán thù, ý nói cột dính người mà mình đã sân hận vào tâm cố ý làm cho người ấy bị khổ bất kỳ một trường hợp nào, hoàn cảnh nào.
Khi người đã cột oán thù rồi thì tâm luôn luôn phóng túng, và lo tìm cách để làm cho kẻ thù ấy bị khổ.
Theo Phạn ngữ chữ BYÀ có nghĩa là làm hại. PÀDA là sự hành động nghĩa là sự hành động làm cho người bị tai hại.
Người đời vì sự si mê che án nên hằng nghĩ rằng ta làm hại người, người ấy sẽ bị đau đớn khổ sở, thật là đáng. Người ấy thỏa thích với sự hành động của mình. Nhưng trái lại đó là một sự hiểu rất sai lầm. Vì người mà khổ sở đau đớn trước nhất, chính là người làm khổ cho người khác, chớ không phải người bị mình làm khổ. Khi mà người nào cột oán thù với người khác chính là người ấy đã đem tai hại vào lòng mình trước rồi. Vậy người cột oán thù ấy có những điều gì hại?
Đáp: Người cột oán thù thường hay mất bình tĩnh, tâm trạng thay đổi không ngừng, khi niệm Phật cũng không thể làm cho tâm an tịnh được, tâm hằng nhơ đục. Nếu người có trí tuệ khi thấy tâm mình nhơ đục, sự an vui bị giảm nhiều, nhất là những thiện pháp trong tâm mình cũng từ từ tiêu diệt, nhất giới đức và thiền định càng lúc càng suy giảm, khi các pháp như nhẫn nại, từ bi, trí nhớ, biết mình và giới hạnh tiêu mất hết, thì chừng đó người ấy mới có thể làm hại người khác được, vì trong tâm không còn có chút thiện pháp nào cả. Như đã giải ở trên, thì chúng ta chắc hẳn nhận thấy cái hại ở trong tâm mình trước, vì tất cả những điều tốt đẹp của mình bị tiêu tan hết, ví như một quả bom. Khi quả bom nổ, đành rằng người khác có hại hay không chưa biết trước được, hay cái hại ấy tới một mức độ nào cũng chưa lường được, mà cái tai hại ghê nhất là chính trái bom ấy không còn hình dạng nữa. Người cột oán thù và làm hại người không biết hại người được tới đâu nhưng chính mình bị thiệt thòi nhiều hơn hết, y như trái bom ấy vậy.
Người mà cột oán thù với ai rồi, thì chính người ấy đóng cửa nhà mình lại không cho lợi ích an vui vào nhà mình. Ý tôi muốn nói rằng khi người cột oán thù với ai rồi, thì không khi nào muốn gặp người ấy và lòng mình bực tức thấy rõ là lợi ích của mình bị ngăn đứng lại. Vì vậy nên đức Phật dạy trong năm pháp gọi là chướng ngại có một pháp là cột oán thù.
Người mà đã cột oán thù rồi thì càng ngày càng ít có bạn lành và các bạn trước kia cũng lánh xa.
Người càng làm lớn nên xét và nhận thấy cái hại của sự sân hận và cố chấp oán thù; vì đó là một tai hại lớn nhất do phiền não sanh ra. Khi đã làm lớn mà có tánh này thì các bực trí thức đều xa lánh, tất nhiên sẽ không làm nên việc gì khác hơn là thất bại. Người nhiều sân hận oán thù không khác nào con tằm nhả tơ rồi quấn mình lại, kết cuộc chết vì tơ của mình. Người nhiều sân hận oán thù bị thất bại trong mọi hoàn cảnh cũng chỉ vì tính ấy thôi.
Nếu trên thế gian này không oán thù nhau, thì thật là một thế giới có nhiều an vui. Đức Thế Tôn có dạy: Là ABHÀPA JJHAM SAKKAM LOKE. Có nghĩa là: Sự không làm hại nhau, không oán thù, là sự an vui trong thế gian này.
Sự cột oán thù ấy có thể chia ra làm ba hạng là:
1.-
Cột oán thù cố làm hại người, vì người ấy đã làm hại ta.
2.- Cột oán thù cố làm hại người, vì người ấy đã làm hại quyến thuộc ta.
3.- Cột oán thù cố làm hại người, vì người ấy giúp đỡ người mà ta thù ghét.
Sự phát sánh lên oán thù do nơi ba điều khác nữa là:
1.-
Hạng nặng: Làm hại người vì người xúc phạm đến ta.
2.- Hạng trung: Làm hại người vì người làm cho người ta thân yêu bị rắc
rối.
3.- Hạng nhẹ: Làm hại người vì người ấy theo phe với người ta ghét.
Người có trí tuệ khi nhận thấy cái tai hại của lòng sân hận oán thù như đã giải trên, xin hãy cố gắng tu những pháp:
1.-
Trí nhớ.
2.- Biết mình.
3.- Nhẫn nại.
4.- Từ bi.
5.- Trì giới.
6.- Tham thiền.
Đây là những pháp đối trị SÂN HẬN.
-ooOoo-