-Phần 01_Chuẩn bị cho khóa tu.

Sunday, February 23, 201412:00 AM(View: 14397)

 

Phần 01

Chuẩn bị cho khóa tu

Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên

Khi được yêu cầu viết quyển cẩm nang này, tôi vui lắm. Nhưng rồi chỉ vài giây sau đó tôi lại lo! Tôi nghĩ: “Thường thường một quyển cẩm nang là để ghi lại những gì cần phải làm. Tôi có thể nói: ‘Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên’, vậy có được chăng?”

Tôi bắt đầu cân nhắc xem nên ghi lại những nghi thức Phật giáo nào. Mỗi truyền thống tu tập đều có một số nghi thức như là tụng kinh, cách hành lễ riêng biệt... Những điều ấy rất hay đẹp, nhưng tôi sẽ không đưa vào sách này. Trong sự tu tập chánh niệm, điều duy nhất mà ta cần cộng thêm vào kinh nghiệm của mình, trong giờ phút này, là một sự chú ý an tĩnh.

Chánh niệm, nhận thấy rõ, có nghĩa là tiếp xúc với hạnh phúc trong giây phút đơn sơ này. Thường thường, chúng ta hay tự làm cho giây phút này trở nên rắc rối hơn. Bất cứ một việc gì xảy ra, tâm ta bao giờ cũng tô vẽ thêm và biến nó thành một tác phẩm đầy những chi tiết. Và chính những chi tiết ấy khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn so với bản chất thật sự của nó.

Chúng ta có thói quen biến những sự kiện hết sức tầm thường thành những ý nghĩ khổ đau. Tôi khám phá được điều này nhiều năm trước đây, khi tôi gọi điện cho một tu viện để sắp xếp thời gian một khóa tu cá nhân. Người trả lời điện thoại bảo tôi: “Bà cần nói chuyện với Robert vì anh ta trông coi về việc này.” Tôi gọi và để lời nhắn lại cho Robert, và được hứa rằng anh ta sẽ gọi lại. Hôm sau, tôi nhận được lời nhắn tin trên máy từ Robert, nói rằng anh có gọi đến trả lời tôi. Hôm sau đó, tôi gọi cho anh và một lần nữa được bảo rằng Robert không có mặt ở đó. Tôi giải thích rằng, tôi đã gọi cho Robert, và Robert đã gọi lại cho tôi, và giờ đây tôi gọi lại một lần nữa cho Robert. Tôi nói thêm, thêu dệt cho tình trạng: “Có lẽ đây là dấu hiệu báo rằng tôi không nên tổ chức khóa tu của mình ở đây.” Và tôi nghe bên đầu dây trả lời: “Thưa bà, tôi thì nghĩ đây là dấu hiệu báo rằng Robert không có mặt ở đây, thế thôi.” Tôi đã vô tình làm rắc rối thêm thực tại của mình.

Thực tập chánh niệm có nghĩa là ta tập thói quen nhìn sự việc một cách đơn giản, không phức tạp. Bạn không cần phải chờ đi tham dự một khóa tu mới bắt đầu thực tập. Và bạn cũng không cần phải đi xa để tìm một nơi thực tập. Nếu bạn có thể có được một không gian hay một môi trường thuận lợi thì quá hay. Tốt nhất là nếu bạn có thể tránh xa được những bận bịu hằng ngày và có được một không gian tách biệt với cuộc sống. Nhưng nếu bạn không thể đi xa thì cũng không sao, bạn vẫn có thể thực tập ngay ở nhà. Bạn có thể tạm bỏ qua một bên những bận bịu hằng ngày, tắt máy điện thoại, tắt tivi, và dán một tấm bảng ngay trước cửa: “Ba ngày thiền tập bắt đầu.”

Thật ra thì sự thực tập trong khóa tu bắt đầu trước khi khóa tu chính thức khởi sự! Nó bắt đầu với quyết định thực tập, với ý định giữ chánh niệm. Với bấy nhiêu thôi, bạn đã bắt đầu rồi!

Vũ trụ quan không cần thiết

Bạn có thể thực tập chánh niệm mà không cần phải lo lắng về sự khác biệt tôn giáo. Sự thật là đức Phật có một quan niệm về vũ trụ có thể khác biệt với bạn, và sự thật là đức Phật dạy ta lấy chánh niệm làm pháp môn thực tập chính. Nhưng ngài không hề nói rằng vũ trụ quan và thực tập chánh niệm cần phải đi đôi với nhau.

Trong kinh có kể câu chuyện về một người đệ tử than phiền với Phật rằng, ngài không bao giờ giảng dạy hay trả lời các câu hỏi có liên quan đến thế giới hay vũ trụ này. (Bạn thử nghĩ xem, dám than phiền với đức Phật!) Đức Phật đồng ý với người đệ tử ấy, nhưng ngài cũng nói rằng những kiến giải và tri thức không thể giúp ta chấm dứt khổ đau. Để giải thích thêm về điểm này, đức Phật cho ví dụ về một người bị trúng tên độc. Anh ta nhất định không cho ai lấy mũi tên ra, mà chỉ muốn biết những chi tiết về mũi tên ấy: nó làm bằng gì, lấy ở đâu ra, do ai bắn, có thuốc độc gì... Phương cách đối trị với những khó khăn và khổ đau là lấy mũi tên ra, chứ không phải bàn luận về nó.

Trong thời đại này, ví dụ trên có thể điều chỉnh một chút, như là một người bị tai nạn, sẽ được xe cứu thương lập tức chở vào phòng cấp cứu. Người bị nạn không cần luẩn quẩn ở hiện trường để bàn luận xem việc gì đã xảy ra. Đó là việc của cảnh sát giao thông. Đối diện với những khó khăn và khổ đau của mình rõ ràng là phương cách đối phó hay nhất.

Đức Phật dạy rằng, chánh niệm là một liều thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất đối với khổ đau, vì nó dẫn đến tuệ giác. Tôi thì thích nghĩ rằng, thực tập chánh niệm là một phương cách giúp ta, cùng một lúc, vừa trở nên có tuệ giác mà cũng vừa chính là tuệ giác.

Phần trở nên có tuệ giác là một tiến trình từ tốn, từng bước một. Khi ta biết chú ý trong tĩnh lặng, trong mọi hoàn cảnh, ta có thể thấy được rất rõ sự thật về kinh nghiệm của sự sống. Chúng ta hiểu được rằng, hạnh phúc và khổ đau là hai điều tất nhiên của cuộc sống, không tránh được, và chúng cũng chỉ tạm thời mà thôi. Ta cũng sẽ luôn nhớ rằng, những cố chấp, nắm bắt sẽ mang lại khổ đau; và tình thương, sự tha thứ sẽ giúp cuộc sống được dễ dàng hơn. Nhưng rồi cũng có nhiều lúc ta quên đi. Và mục đích lâu dài của sự thực tập là đừng bao giờ quên điều ấy!

Phần chính là tuệ giác của chánh niệm được biểu hiện ngay trong cách hành xử của ta trong giờ phút này, trên con đường đi đến một sự tỉnh giác không có lúc nào quên. Thực tập chánh niệm là thực tập một thói quen không bao giờ nổi giận với cuộc đời vì sự việc đã không xảy ra theo ý muốn. Những hoàn cảnh khó khăn chỉ cần một phản ứng quân bình và sáng suốt. Cái giận là dư thừa. Thực tập chánh niệm cũng có nghĩa là tiếp xúc với những hạnh phúc, cái hay, cái đẹp trong khi chúng có mặt, mà không cần phải tiếc nuối khi chúng qua rồi. Những lời quảng cáo về nắm bắt giây phút hiện tại là một chuyện không tưởng. Thực tập chánh niệm có nghĩa là ta hành xử như đã tỉnh thức rồi vậy.

Sống như Phật

Một người bạn tôi kể lại, một hôm chị tình cờ khám phá có một tổ ong lớn nằm ngay dưới mái hiên nhà chị. Đứa cháu tám tuổi, lúc ấy cũng đang có mặt, sợ hãi và không muốn bước ra ngoài nữa. Chị cũng mất hết tinh thần khi thấy có một tổ ong lớn như vậy, và không biết phải đối phó cách nào.

Cảm nhận được sự do dự của bà ngoại mình không muốn hành động ngay, đứa cháu thúc giục: “Bà ngoại còn chần chờ gì nữa?” Chị đáp: “Bà ngoại cần phải suy nghĩ một chút. Bà không muốn có tổ ong ở ngay cạnh nhà mình, nhưng Phật tử không được giết hại những loài khác...”

Đứa cháu liếc nhìn bà với ánh mắt nghi ngờ như mỗi khi có ai trêu chọc nó. Một hồi sau, nó lắc đầu như không thể nào tin được và nói: “Không có bà ngoại của ai mà lại là Phật tử hết!”

Tôi nghĩ, có lẽ ý của cháu bé là thế này: “Bà không thể bắt cháu thay đổi truyền thống, văn hóa của cháu trong phút chốc như vậy được!” Thật ra, thực tập chánh niệm không có nghĩa là ta sẽ trở thành một Phật tử. Mà nó có nghĩa là ta tập sống như một vị Phật.

Tại sao phải thiền

Thật ra đức Phật không hề giảng dạy gì nhiều về thiền. Phần lớn, ngài dạy về vấn đề chuyển hóa khổ đau. Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy tâm ý ta thường bị lẫn lộn và mệt mỏi theo đuổi những kinh nghiệm dễ chịu và trốn chạy những kinh nghiệm khó chịu. Đức Phật nói, những kinh nghiệm dễ chịu và khó chịu, những niềm vui và khó khăn trong cuộc sống mỗi người không phải là vấn đề. Chính thái độ theo đuổi hoặc trốn tránh mới là vấn đề, nó tạo nên một sự căng thẳng trong tâm ta. Và sự căng thẳng ấy, đức Phật gọi là khổ đau.

Ngày xưa có những người, khi nghe lời Phật dạy, họ hiểu được ngài một cách hoàn toàn đến nỗi mọi thói quen, tập quán đeo đuổi và trốn chạy của họ (trong kinh điển gọi chúng là ái dục và sân hận) đều được chấm dứt vĩnh viễn. Những vị ấy được gọi là A-la-hán, những bậc giác ngộ hoàn toàn. Với những người còn lại, đức Phật dạy thêm những phương cách thực tập khác.

Phương pháp thiền tập chánh đức Phật dạy là chánh niệm: thư giãn, không nắm bắt, không xua đuổi, một ý thức rõ rệt về kinh nghiệm của ta trong giây phút hiện tại. Cũng như mọi khả năng hay kỹ năng khác, chánh niệm đòi hỏi một sự trau luyện và phát triển. Và một khóa tu là cơ hội đặc biệt có thể giúp ta làm được việc ấy.

Đức Phật có để lại cho chúng ta một cẩm nang thực tập chánh niệm. Đó là kinh Tứ niệm xứ, tức Bốn lãnh vực quán niệm (Satipatthana Sutta) Mỗi lần đọc những lời này trong kinh là tôi lại cảm thấy rất phấn khởi: “Này quý vị, đây là con đường duy nhất để giúp chúng ta thực hiện thanh tịnh, vượt thắng phiền não, tiêu diệt ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết Bàn.” Có nghĩa rằng việc đó ai trong chúng ta cũng đều có thể thực hiện được.

Trong bài kinh ấy, đức Phật chỉ dẫn cho chúng ta bốn phương cách giúp ta có thể thực tập chánh niệm. Và trong quyển sách này, tôi cũng sẽ trình bày với các bạn bốn lĩnh vực chánh niệm của Phật dạy, được thể hiện trong hai phương thức căn bản là ngồi thiền và đi kinh hành.

Chánh niệm cũng như mọi khả năng khác sẽ trở nên tự nhiên và ít cần nỗ lực hơn nếu ta biết thực tập. Lúc ban đầu khi thực tập chánh niệm, bạn cần phải nhớ để giữ chánh niệm. Sau một thời gian, chánh niệm sẽ là điều mà ta không bao giờ có thể quên được.

Nhưng tại sao phải cần sự ẩn cư và tĩnh tâm

Chánh niệm là một lối sống trong cuộc đời, thay vì là một phương cách áp dụng riêng cho một hoàn cảnh đặc biệt nào đó. Như vậy, việc thực hiện một thời gian ẩn cư có cần thiết không? Nếu mục đích của sự thực tập là làm sao có được sự tỉnh thức và quân bình ngay giữa cuộc đời, thì tại sao ta không thực tập giữa cuộc sống, mà lại đi tìm những nơi yên tĩnh, lánh xa phố thị làm gì?

Thật ra, có một lý do rất chính đáng. Lẽ dĩ nhiên chân lý có mặt trong mỗi giây phút, và ta có thể tiếp xúc với tuệ giác giải thoát trong khi đi giữa một siêu thị, cũng như khi ngồi trên tọa cụ trong một khóa ẩn cư - nhưng một thời gian ẩn cư thì vẫn khác. Ở đây ta không có gì để khiến mình lo ra. Không có gì để ta tự tiêu khiển. Và vì không có một nơi nào để ta có thể tự trốn tránh chính mình, nên trong một khoá ẩn cư ta có cơ hội để quay nhìn lại và hiểu rõ chính mình hơn.

Nhưng tự hiểu mình chỉ mới là một sự bắt đầu. Tuệ giác giải thoát bắt nguồn từ sự nhìn thấy rõ chân tướng của sự việc hơn là của chính ta. Khi ta bắt đầu thấy được sự thật về nguyên nhân và sự chấm dứt của khổ đau, ta sẽ có khả năng sống tự tại hơn. Và khi ta ở một mình, không có gì để gây sự xao lãng, đó là điều kiện rất tốt để ta có thể bắt đầu thật sự nhìn thấy.

Nguyên nhân thúc đẩy tôi tham dự một khóa tu chánh niệm lần đầu tiên là do sự hăng hái của chồng tôi. Anh ta trở về sau một khóa tu mười ngày và bảo tôi: “Việc này hay lắm. Em phải đi mới được!” Vài tháng sau, chính tôi lại là người hăng hái diễn tả kinh nghiệm tu tập của mình với một người bạn, và cũng không quên nhấn mạnh đến chương trình khá cam go và khắc khổ trong khóa tu. Những điều này không gây ấn tượng tốt lắm với anh ta. Nghe xong anh chỉ nói: “Tôi không tin là chị ngồi yên một mình với chính mình trong hai tuần!”

Không có điều gì kỳ diệu hay lớn lao xảy đến với tôi trong khoá tu đầu tiên. Không có một tâm thức kỳ lạ nào khởi lên và tôi cũng chẳng có được tuệ giác về một điều gì hết. Trong phần lớn thời gian tôi đã vất vả tranh đấu với những khó khăn, buồn ngủ, và thân tôi thì đau nhức. Tôi rất khó có thể tập trung. Nhưng tôi hoàn toàn bị say mê bởi giáo pháp đức Phật giảng về khổ đau. Nếu ngay trong kiếp sống này và với thân này, tâm an lạc là chuyện có thể được, thì tôi rất sẵn sàng ngồi một mình với tâm ý của mình.

Chương trình trong quyển cẩm nang này được soạn cho một khóa ẩn cư thiền tập ba ngày. Dù vậy, ta vẫn có thể sửa đổi một chút để thích hợp hơn với một khóa ẩn cư nhiều ngày. Lặp lại ngày thứ hai cho mỗi một ngày mới thêm vào. Chương trình của ngày thứ ba được dành cho ngày cuối, trở về nhà, cho dù nó có là ngày thứ chín, hay thứ ba mươi cũng vậy.

Và cho dù khóa tu ẩn cư của bạn có dài bao nhiêu ngày, lời hướng dẫn cuối cùng vẫn chỉ có bấy nhiêu thôi: “Bây giờ, bạn hãy trở về nhà và tiếp tục giữ chánh niệm mãi mãi.”

Giữ cho được đơn giản

Tất cả mọi vấn đề phức tạp của một khoá thiền tập xảy ra trước khi khoá tu bắt đầu. Nếu bạn dự định đi xa, bạn cần phải sắp đặt một nơi ăn ở. Lý tưởng nhất là một nơi nào tĩnh lặng và không có nhiều sự phân tâm quá, nhưng cũng không nhất thiết phải là một nơi thật hẻo lánh. Một căn nhà gỗ ở ngoài đồng quê thì tuyệt vời, nhưng một phòng trọ ở tỉnh nhỏ cũng được. Thêm vào đó, bạn cũng có thể tìm đến những tu viện hay trung tâm thiền tập. Ở đó, người ta có thể sắp xếp cho bạn một thời gian ẩn cư thiền tập. Bạn có thể sắp xếp dùng cơm chung với dân thường trú, hay dùng riêng một mình tùy ý. Tôi biết có những trung tâm thiền tập cung cấp đầy đủ những đồ dùng và bếp núc để ta tự nấu ăn một mình.

Vấn đề chủ yếu là, dù bạn có dự định như thế nào đi chăng nữa, hãy giữ cho mọi việc thật đơn giản. Trong thời gian ẩn cư, hãy giữ cho mọi việc bên ngoài thật đơn sơ, nhờ vậy ta có thể nhìn thấy được những phản ứng trong tâm ý mình được rõ rệt hơn.

Càng đơn giản hóa những kinh nghiệm bên ngoài bao nhiêu, ta sẽ càng tiếp xúc với những kinh nghiệm bên trong rõ rệt bấy nhiêu. Ví dụ như bạn đi xem một vở kịch. Khi màn vừa kéo lên thì ở phía sau hậu trường có những người thợ đóng đinh búa, chạy máy khoan ầm ĩ, để sửa chữa lại căn phòng thay đồ... Và trong khi đó, bên ngoài có một cuộc diễu hành với xe cộ và ban nhạc ồn ào đi ngang qua. Chắc thế nào bạn cũng cảm thấy khó tập trung, và vở kịch sẽ không còn ý nghĩa gì với bạn.

Khi ta có thể theo dõi những kinh nghiệm của mình một cách chi tiết, ta sẽ thấy rõ tính chất náo động của tâm ý như là một trận bóng bàn, với quả bóng qua lại. Khi thì ưa thích, lúc thì ghét bỏ đối với mỗi sự vật xảy đến. Và chỉ khi nào ta nhìn thấy rõ được điều này, bằng không ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình có một sự chọn lựa nào khác.

Paul Revere có khắc dòng chữ này trên chiếc nhẫn cưới anh trao cho vợ mình: “Sống hài lòng.” Dòng chữ ấy giống như một lời chỉ thị, không có vẻ thơ mộng của một món quà cưới chút nào, nhưng tôi nghĩ đó là một món quà cưới hay đẹp nhất. Tôi ước gì có ai đó đã nói cho tôi biết, trước khi tôi học Phật pháp, rằng ta có thể chọn cho mình một cuộc sống hài lòng.

Đem càng ít càng tốt

Điều dễ nhất trong việc chuẩn bị một khóa thiền tập chánh niệm là thu xếp hành trang. Chỉ mang theo những đồ dùng cần thiết đủ cho số ngày thiền tập - quần áo ấm hoặc mát, một chiếc lược, bàn chải và kem đánh răng, xà phòng. Đó cũng là những vật dụng cần thiết căn bản cho các vị tu sĩ. Không nên mang theo một quyển sách nào hết, ngoại trừ quyển cẩm nang này. Hãy để nhật ký của bạn ở nhà. Không cần mang theo máy nghe nhạc. Bạn có thể mang theo một chiếc đồng hồ nhỏ có tiếng báo hiệu thanh nhẹ. Ngoài ra, không còn cần một cái gì khác.

Vài năm trước đây, có một lần tôi đang dùng bữa trưa với một chị bạn Chiều hôm ấy chúng tôi sẽ cùng hướng dẫn một lớp. Chúng tôi có tật xấu là việc gì cũng để đến giờ phút chót, nên cả hai vừa ăn vừa hoạch địch chương trình cho buổi học sắp đến. Một lúc thì đã đến giờ, chúng tôi vội vã mặc áo khoác vào, thu góp những quyển sách, giấy tờ và đi ra cửa.

“Khoan đã!” Tôi nói trong khi nhìn xuống chồng sách vở và giấy tờ mang theo. “Tôi nghĩ là tôi không có đủ những gì mình cần.”

Chị bạn đáp với giọng khẳng định: “Này chị, chị sẽ không bao giờ có đủ những gì chị cần!”

Và câu thần chú ấy của chị đã hỗ trợ tôi trong suốt 25 năm đi dạy. Tôi đã niệm câu thần chú ấy vô số lần như là một phương pháp để giúp tôi tập trung và an tĩnh trước khi bắt đầu giảng dạy. Tôi có thể chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, có thể nghiên cứu sâu sắc hơn, có thể mang theo nhiều tài liệu hơn. Nhưng tôi vẫn cứ giảng dạy. Tôi chia sẻ với những gì mình đang có.

Mà cuộc đời cũng giống y như vậy. Chắc chắn là ta có thể chuẩn bị kỹ càng hơn. Phần lớn là ta làm mà không có một lời chỉ dẫn nào rõ rệt hết. Đa số là những việc bất ngờ. Thường thường, khi ta sắp đặt như thế này nhưng sự việc lại xảy ra như thế kia. Nhưng ta vẫn phải xoay xở với những gì ta có. Thực tập chánh niệm là thực tập cách xoay xở và giải quyết vấn đề bằng một đường lối an nhiên nhất.

Vì vậy, bạn hãy thu xếp hành trang ở mức tối thiểu thôi. Lúc nào cũng sẽ có một món gì đó mà nếu bạn mang theo sẽ giúp bạn dễ chịu hơn: một chiếc áo len ấm hơn, một loại kem đánh răng thơm hơn, một toạ cụ cứng hơn, thêm một tấm khăn choàng... Cảm giác ấy cũng là một phản ứng rất tự nhiên cho một sự thật là ta khó có thể nào làm cho thân mình hài lòng và dễ chịu được. Nếu bạn cứ để mặc nó, nó sẽ không đòi hỏi nữa. Thân ta lúc nào cũng cần những sự chú ý và quan tâm để giữ cho nó được dễ chịu. Và thường thường chúng ta nghĩ rằng, nếu làm cho thân mình được dễ chịu thêm một chút, nó sẽ hài lòng mãi và không đòi hỏi nữa. Có thể như vậy, nhưng rồi điều đó chỉ kéo dài được thêm một chút nữa thôi, và thật ra thì ta chỉ làm chậm trễ sự thực tập chánh niệm của mình, bằng cách cứ thích nghi mãi với những đổi thay.

Chánh niệm tự nó là vô hình và ta có thể mang theo với mình bất cứ ở đâu.

Bây giờ, ta hãy lên đường!

Chỉ là một cuối tuần

Hãy xem việc thực tập chánh niệm như một sự “thoải mái vui chơi”. Đừng kỳ vọng về một trạng thái tâm thức biến đổi nào phi thường cả - trừ phi đối với bạn thư giãn và hạnh phúc là một trạng thái phi thường. Thư giãn và hạnh phúc có thể sẽ xảy ra. Những vết thương sâu kín trong tâm có thể sẽ bắt đầu lành lặn. Chúng là những tiến trình rất đơn giản và tự nhiên. Vì vậy, chúng ta đừng nên đặt ra một kỳ vọng nào hết, vì chúng chỉ cộng thêm những phức tạp và rắc rối không cần thiết cho những sự việc đáng lẽ rất đơn sơ.

Tôi nhớ nhiều năm trước, trong ngày bắt đầu của một khóa tu cuối tuần, tôi đi trong hành lang và gặp thầy tôi là Jack Kornfield. Lúc ấy khóa tu chưa thật sự bắt đầu và các thiền sinh còn đang lục tục đến. Chắc lúc ấy gương mặt tôi có vẻ nghiêm trọng lắm, bởi vì sau khi đi ngang qua, Jack quay lại và vỗ nhẹ trên vai tôi: “Thoải mái nhé Sylvia, chỉ là một cuối tuần thôi mà.”

Nhưng không phải tôi muốn nói là bạn đừng hy vọng không có gì thay đổi, hay sẽ không có một sự chuyển hóa lớn lao nào xảy ra. Một sự tỉnh thức và chuyển hóa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả lúc này đây. Tôi chỉ muốn nói là bạn đừng trông chờ hay mong đợi vào một kết quả đặc biệt nào đó. Có ai biết được việc gì sẽ xảy ra ở khúc quanh trước mặt đâu? Khi ta mong chờ một điều gì đặc biệt nhất định, ta sẽ vô tình không thấy được những gì thật sự lớn lao đang xảy ra ngay trước mắt mình. Tâm ta rất khôn khéo và nó có thể tự lo cho chính nó. Thực tập chánh niệm sẽ giúp cho tâm ta có được khoảng không gian và thời gian cần thiết.

 

 

 

 

 

Send comment
Your Name
Your email address