Phần 03_2
Giờ ngồi thiền buổi chiều
Chờ đợi và nhìn cho rõ
Sau đây là những hướng dẫn giúp cho chánh niệm của bạn được tinh tế hơn.
Ngồi xuống. Buông thư. Thoải mái. Cảm nhận được toàn thân ta ngồi yên đấy. Chờ cho đến khi nào bạn cảm thấy hơi thở có mặt. Đừng vội vã chộp bắt lấy nó. Chờ đợi cho đến khi nào tự nó ra trình diện với ta, cho đến khi nào nó khởi lên trong ý thức của mình. Chờ đợi một cách chăm chú như là bạn biết chắc rằng nó sẽ đến, và bạn canh chừng cẩn mật. Bạn chờ đợi nó như là sự trở về của một người thân: mừng vui chân thật, nhưng không ngạc nhiên hay bất ngờ.
Chú ý một cách thoải mái, giữ cho mình chăm chú nhưng không bị dính mắc. Đó là một hướng dẫn rất quan trọng. Chăm chú thì rất tốt, nhưng dính mắc sẽ là một vấn đề. Khi bị dính mắc rồi thì ta không thể có tự do.
Trong buổi ngồi thiền này, hãy chú ý đến những cảm xúc hoặc tâm trạng nào làm cho ta xao lãng. Khi có những tâm thức nào mạnh khởi lên, bạn có thể giúp cho mình bớt bị chi phối bằng cách chú ý sâu sắc hơn đến hơi thở. Hơi thở rất phức tạp và có nhiều điều để ghi nhận lắm. Bạn cảm nhận nó rõ rệt nhất ở nơi nào? Ở bụng? Ở bên sườn? Hay ở nơi chóp mũi?
Bạn thật sự cảm thấy những gì? Bạn không cảm thấy hơi thở. Thật ra, không có một sự vật nào là hơi thở cả. Hơi thở là tên gọi ta đặt cho những sức ép, rung động, di chuyển và biến đổi của cảm giác trong thân. Hơi thở vào khác với hơi thở ra như thế nào? Bạn có thể kinh nghiệm được chúng như là hai hiện tượng khác biệt chăng? Chúng có sự bắt đầu không? Chấm dứt không? Bạn thấy không, hơi thở không nhàm chán chút nào hết. Hãy thử đi. Hãy thử ngồi trong 45 phút.
Ứng xử với những tâm thức khó khăn
Có lẽ trong thời ngồi thiền vừa qua, bạn bắt đầu ý thức sự có mặt của những tâm thức, cảm xúc khác nhau, và chúng nổi bật đủ để cho bạn phải chú ý đến. Nếu chúng dễ chịu, có lẽ bạn thích thú lắm. Nếu chúng khó chịu, có lẽ bạn cho rằng chúng là những trạng thái khó khăn và ước gì chúng biến mất. Ý thức được những trạng thái tâm thức, thấy được sự khởi lên và mất đi của chúng, đó là lãnh vực thứ ba của chánh niệm.
Bây giờ, tôi nghĩ chúng ta cũng nên đặc biệt nói đến những tâm thức khó khăn, thường khởi lên và lúc nào cũng có mặt trong kinh nghiệm của tất cả mọi người. Trong kinh điển liệt kê có năm 5 loại là ái dục, sân hận, thụy miên (mệt mỏi, mê ngủ), trạo hối (hối tiếc, bất an) và nghi ngờ.
Nghe qua thì như có vẻ hơi bí ẩn, nhưng thật ra chúng là những tâm trạng hết sức thông thường. Bây giờ, bạn hãy đọc những kinh nghiệm dưới đây, chọn một cái nào gần đúng với bạn nhất, và rồi làm theo hướng dẫn tiếp sau đây.
Trường hợp I: Bạn nghĩ đến một việc gì đó mà bạn rất ưa thích, rồi bạn không thể thôi không nghĩ đến nó nữa. Có lẽ bạn cảm thấy lãng mạn và tình tứ, rồi bạn bỏ cả giờ ngồi thiền ra để soạn một lá thư tình trong đầu. Hoặc có lẽ bạn thích kinh nghiệm tu học quá, trong đầu bạn hình dung và vẽ ra một cái am nhỏ sau vườn mà bạn sẽ xây khi trở về nhà. Nếu đây là những kinh nghiệm giống bạn, hãy mở xem trang 97, phần Ba của con! Mẹ của con!
Trường hợp II: Bạn hoàn toàn bực
mình về mọi việc xảy ra trong khoá tu này. Bạn không ưa cái không gian, bạn
không thích thời tiết, và những lời hướng dẫn cũng làm bạn khó chịu. Bạn tự
trách mình là tại sao lại đến đây làm gì. Bạn hãy mở đến trang 101, xem phần Đi
bơi ở Jerusalem.
Trường hợp III: Bạn cảm thấy buồn ngủ quá sức. Sau bữa ăn trưa thì không còn mở mắt nổi. Không có gì hấp dẫn hơn là một giấc ngủ ngắn. Thật ra bạn không thể làm gì khác hơn là đi ngủ một chút. Bạn hãy xem phần Phan đã, phan đã ở trang 106.
Trường hợp IV: Bạn nghĩ về chuyện quá khứ hay một vấn đề khó khăn nào đó và rồi trở nên lo lắng, đầy muộn phiền. “Ái chà, mình đang có những giờ phút thật thảnh thơi, bỗng dưng sao lại nhớ đến chúng làm gì cho mệt thế này!” Bây giờ thì bạn chỉ lo nghĩ đến những vấn đề của mình mà thôi. Bạn hãy mở trang 108 xem phần Hawaii là đây.
Trường hợp V: Bạn hoàn toàn mất niềm tin vào sự thực tập này. Tất cả những chuyện như là ngồi thiền, kinh hành, không làm gì hết hãy ngồi yên... bắt đầu thấy có vẻ hơi lố bịch. Hay còn tệ hơn nữa là hoàn toàn vô dụng. Đây là lúc mà sự nghi ngờ của ta đang núp bóng một tư tưởng chính đáng. Bạn hãy mở đến phần “Giây phút của Macbeth”, trang 110.
Trường hợp VI: Bạn hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc, và nghĩ mình không cần thêm một hướng dẫn đặc biệt nào nữa hết. Mời bạn mở sang phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều”, trang 114.
Trường Hợp VII: “Cảm thấy hạnh phúc ư? Tôi chẳng có chút gì là hạnh phúc hết! Tôi cô đơn, tôi bực mình, tôi rối rắm, tôi bất an, và tôi hoàn toàn không có chút gì tin rằng sự thực tập này sẽ mang lại cho tôi một ích lợi nào hết.” Bạn hãy vững tin rằng, mặc dù bạn đang có những cảm xúc này, nhưng bạn cũng đang tiêu thụ hết mọi những tâm thức khó khăn. Bạn hãy chờ, mọi việc sẽ thay đổi và trở lại an ổn. Mời bạn hãy tiếp tục đọc phần sau đây cho đến hết phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều.”
Ba của con, mẹ của con...
Một câu chuyện về ái dục
Đôi khi, người ta nghe nói đức Phật dạy “Ái dục là nguồn gốc của khổ đau,” họ lại nghĩ rằng sự ham muốn là một vấn đề, và tu tập có nghĩa là làm sao để tiêu diệt sự ham muốn. Nhưng sự thật không phải vậy. Ham muốn là một yếu tố bình thường của sự sống. Khi ta bị dính mắc không lay chuyển vào một sự ham muốn mà không thể nào đáp ứng được, điều đó sẽ làm cho tâm ta bực dọc và rối rắm. Nó không phải là nguyên nhân của khổ đau. Mà nó chính là khổ đau.
Tôi có một đứa cháu lên 2 tuổi. Có lần tôi ở chơi với nó trong khi ba mẹ nó đi xem nhạc kịch The Phantom of the Opera. Đứa cháu biết tôi nên khi ba mẹ nó đi ra, nó không có vấn đề gì cả. Nó còn vẫy tay chào và nói theo “Tạm biệt ba, tạm biệt mẹ.”
Chúng tôi bỏ cả giờ ngồi đọc những quyển sách nhi đồng, chơi xếp hình, và xem phim trẻ con. Dùng danh từ “chuyên môn” thì có thể nói rằng tôi và đứa cháu đều có những tâm thức quân bình, tỉnh thức và không bị một năng lượng chướng ngại nào ngăn trở hết.
Khi để ý thấy nó bắt đầu hơi tiu nghỉu, tôi bảo: “Thôi bây giờ mình đi ngủ nha!” Nó đồng ý ngay. Tôi đi thay cho nó bộ quần áo ngủ, pha một bình sữa, lấy chiếc mền ngủ, tìm con búp bê quen thuộc, và chiếc bình sữa cho búp bê của nó nữa! Chuẩn bị xong nó leo lên giường và tôi đắp chăn cho nó.
“Con muốn bà nằm
đây với con.”
“Được rồi, bà sẽ nằm với con.”
Im lặng được chừng 5 phút.
“Con muốn ba con, má con!”
“Chút xíu nữa ba má con sẽ về ngay, con ngủ đi.”
Nó lại nằm im và bắt đầu thiu thiu ngủ. Cả hai bà cháu tôi thư giãn nằm yên. Tôi nhìn đồng hồ và tính xem còn bao lâu nữa ba má nó sẽ về.
“Con muốn ba con, má con!”
“Chút nữa thôi. Quay sang đây, bà vỗ lưng cho.”
Tôi biết nó thích được ai vỗ nhẹ trên lưng, và tôi cảm thấy sự bất an của nó, cứ trăn trở xoay qua lại, tìm một tư thế nào dễ chịu.
“Bà vỗ lưng con!”
“Thì bà đang vỗ lưng con nè. Nhắm mắt lại ngủ đi!”
Nó lật ngửa ra: “Bà vỗ bụng cho con được không?”
“Được rồi”
“Bà vỗ tay con được không?”
“Được rồi, bà vỗ tay con đây.”
“Còn cánh tay bên đây nữa.”
“Bà đang vỗ đây, nhắm mắt lại ngủ đi!”
“Con muốn ba con, má con!”
Tôi cảm thấy dường như trong khoảng thời gian đang vỗ cho nó, khi nó nằm say mê với bình sữa, khi nó không nhớ đến ba má nó, nó có vẻ rất thư giãn. Lúc ấy, tôi thở phào và thầm mong: “Nó sắp sửa ngủ rồi đây!”
Rồi đột nhiên tư tưởng ấy trở lại: “Con muốn ba con, má con!” Nó không bao giờ mất hẳn. Đứa cháu tôi không khóc. Nhưng rõ ràng là nó chật vật cố gắng để tìm cách thoả mãn nhu cầu ấy. Tôi cũng không khá gì hơn, nằm đó mà nhớ đến món salad trong tủ lạnh khi nãy thấy má nó cất vào. Trông ngon lắm. Tôi tự nhủ: “Chờ nó ngủ xong, mình sẽ dậy ăn cho đã!”
“Bà ơi, con muốn ba con, má con!”
“Chút xíu nữa, ba má con gần về rồi, ngủ đi!”
Một giờ sau, nó ngủ. Tôi biết nó ngủ say vì thân nó thư giãn, hơi thở đều đặn và nhẹ nhàng, bình sữa rơi ra khỏi tay. Trong giấc ngủ, nó vẫn thì thầm “Con muốn ba con, má con!”
Đứa cháu tôi đối phó với sự ham muốn và bất an đó bằng cách tự chủ. Nó không hề khóc. Nó tìm hết đủ mọi cách để có thể làm dễ chịu, và cuối cùng sự bất an đó cũng lắng xuống, đủ để nó thư giãn và rơi vào giấc ngủ. Tôi ngồi dậy và ra ăn đĩa salad, chỉ chút thôi! Tôi nghĩ, hai bà cháu tôi thực tập cũng khá lắm.
Bài thiền tập
Những cảm xúc ham muốn và mơ tưởng, chúng đến rồi sẽ đi. Chúng là những phản ứng tự nhiên của tâm ta khi tiếp xúc hoặc nhớ lại những sự kiện nào dễ chịu. Chúng không cần thiết phải là một vấn đề cho ta. Ghi nhận sự có mặt của chúng sẽ làm giảm đi sức mạnh của chúng. Hãy kiềm chế sự thôi thúc muốn biến một mơ tưởng tạm thời thành một vở tuồng vĩ đại trong tâm. Ta tự chủ bằng cách kiên quyết chú tâm đến hơi thở cho sâu sắc. Hãy ngồi thêm 5 phút nữa, đem hết sự chú ý trở về với hơi thở của mình. Đừng để bị thúc đẩy phải đặt ra những câu chuyện trong tâm.
Bây giờ, mời bạn hãy mở đến phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều” ở trang 114.
Đi bơi ở Jerusalem
Một câu chuyện về sân hận
Khi ta có những cảm xúc khó chịu, tâm ta sẽ trở nên cáu kỉnh. Nó nổi cáu lên với tất cả những gì nó gặp. Và nó vẫn tiếp tục cằn nhằn cho dù biết rõ không thể nào khác hơn. Tôi học được bài học này khi đi bơi ở Jerusalem.
Hồ bơi của tôi ở quận Sonoma, California, rất có trật tự. Người ta bơi tới lui theo những đường vạch sẵn, và có ý thức rõ rệt về các vòng bơi. Khi tôi đến nơi và xuống hồ bơi, tôi có thể tham gia và lách một cách rất tự nhiên vào bất cứ một đường bơi nào. Tôi chỉ cần chọn đường nào có những người bơi cùng một tốc độ với tôi, rồi chen vào tự nhiên. Rồi chúng tôi bơi lội theo những vòng bơi dài, tới lui, tới lui. Mọi người ai cũng giữ đúng theo đường của mình.
Năm ngoái, tôi sang sống ở thành phố Jerusalem trong một tháng. Khi đến nơi, muốn giữ cho sự thể dục của mình được tiếp tục, tôi gia nhập vào một câu lạc bộ thể thao gần đó. Ngày hôm sau, sau khi thay đồ tắm trong phòng, tôi bước ra ngoài với khăn tắm trên tay và nhìn thấy hồ bơi lần đầu tiên. Trong hồ đầy những phụ nữ rất to lớn, đầu đội mũ tắm, bơi ngang dọc khắp nơi không theo một trật tự nào hết. Tôi rón rén bước xuống hồ và cố gắng bơi tới lui theo đường bơi. Lập tức tôi chạm phải một người khác. Cô ta nổi giận. Tôi cố gắng xin lỗi, nhưng lại không nói rành tiếng Do Thái. Cô ta cứ mắng xối xả vào mặt tôi, cho dù tôi không hiểu một lời nào. Cô ta gọi người trực cấp cứu trong hồ bơi, và chỉ vào tôi với những động tác giận dữ. Tôi cảm thấy rất bẽ mặt. Tôi quyết định là sẽ bơi nhưng không úp mặt xuống nữa, tôi cần nhìn ra phía trước để khỏi đụng vào ai. Nhưng khi người ta thấy tôi đang bơi về phía họ, cũng không ai tránh sang một bên. Họ đứng nói chuyện với nhau ngay giữa hồ bơi!
Mỗi ngày tôi vẫn tiếp tục đi bơi ở Jerusalem, nhưng tôi bơi rất thận trọng, trong đầu cứ khuấy lên những tư tưởng như là “Họ phải ngăn ra thành những đường bơi rõ ràng,” “Họ phải có những điều luật trong khi sử dụng hồ bơi,” “Nếu mấy bà đó muốn nói chuyện thì họ nên ra khỏi hồ mà nói chuyện với nhau.” Trong khi bơi mà tôi cứ tức tối bởi những ý nghĩ mà tôi cho rằng rất chính đáng đó. Điều đó rất khó chịu. Tôi không vui chút nào hết.
Một ngày nọ sau khi bơi, trong khi thay đồ trong phòng tắm, sự công kích trong tôi cũng giảm xuống đôi chút, tôi chợt nghe những người đàn bà nói chuyện với nhau. Họ nói bằng tiếng Nga, có pha lẫn tiếng Yiddish. Họ là những di dân từ Nga đến xứ sở này. Tôi chợt nhìn gương mặt của những người đàn bà ấy, hằn rõ những nét mệt mỏi, cực khổ của năm tháng. Họ đã sống cả đời ở một xứ sở nhiều chiến tranh và nghèo khó. Tôi chợt cảm thấy một sự cảm thông sâu xa. Và trong tôi có một niềm vui vì thấy tất cả chúng tôi đều được có mặt ở nơi này, mạnh khoẻ, an toàn, bơi lội chung với nhau.
Và kinh nghiệm ấy khiến tôi cảm thấy mình có nhiều hạnh phúc hơn. Tôi tự nghĩ: “Khoẻ quá, bây giờ thì mình không còn nuôi dưỡng những tư tưởng sân hận ấy nữa, bây giờ thì mình có thể bơi lội thư thả với mọi người trong hồ. Bây giờ thì mình thông cảm tất cả hơn và họ có thể bơi bất cứ nơi nào họ muốn.”
Hôm sau, khi xuống hồ bơi, nhìn những người đàn bà ấy bơi lội ngoằn ngoèo khắp nơi, và những bất mãn trong tôi lại bắt đầu khởi lên y như trước. Khi hoàn cảnh hiện tại là bất như ý, những ác cảm trong ta sẽ khởi lên. Nó là như vậy.
Cuối chuyến đi một tháng ấy, tôi có kể lại câu chuyện ở câu lạc bộ thể thao cho một số thiền sinh ở Jerusalem, nơi tôi đang hướng dẫn khoá thiền. Tôi kể vì muốn nói lên một điểm là ta có thể có được sự an tĩnh, nếu sẵn sàng buông bỏ hết những kỳ vọng nào đưa đến sự ghét bỏ lẫn nhau. Có một thiền sinh đứng lên sửa sai tôi. Anh ta nói: “Tôi nghĩ bà sai rồi. Đáng lẽ bà phải trình bày với nhân viên có trách nhiệm ở đó, và chắc chắn họ sẽ hướng dẫn cho mọi người bơi ngay hàng.”
Tôi nghĩ buổi tối hôm ấy tôi đã không hướng dẫn các thiền sinh rõ ràng cho lắm. Nếu tôi trình bày rõ, tất cả sẽ hiểu rằng, cho dù các bà ấy có bơi đúng hàng của mình, thì nước cũng lạnh quá, những chiếc khăn lau nhỏ quá, mà lại còn xù xì nữa... Tôi nghĩ Gilda Radner đã diễn tả rất chính xác trong tựa sách của cô “It’s Always Something (Bao giờ cũng là một cái gì đó).
Bài thiền tập
Những ác cảm và sự mơ tưởng, chúng đến rồi sẽ đi. Chúng là những phản ứng tự nhiên của tâm ta khi tiếp xúc hoặc nhớ lại những sự kiện nào khó chịu. Chúng không nhất thiết phải là vấn đề cho ta. Ghi nhận sự có mặt của chúng sẽ làm giảm sức mạnh của chúng đi. Những tư tưởng sân hận có khuynh hướng tạo nên một sự căng thẳng trong thân, cho nên bạn hãy vươn thẳng hai cánh tay và đôi chân, thả lỏng đôi vai. Hãy mỉm cười. Ngồi yên 5 phút. Buông thư. Đem tâm tiếp xúc với những cảm xúc nào có mặt trong thân. Rồi bạn hãy mở sang phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều” ở trang 114.
Phan đã, phan đã...
Một câu chuyện về hôn trầm và lười biếng
Thỉnh thoảng có những lúc tâm ta dường như hết sức lực. Hết năng lượng, nó cảm thấy mơ màng, và buồn ngủ. Đặc biệt nhất là sau giờ ăn trưa. Chú ý thật sâu sắc đến từng giây phút của mỗi kinh nghiệm - đức Phật gọi đó là “tầm và tứ”, tức hướng tâm mình tới một đối tượng nào đó - tự nó, chính là một liều thuốc để đối trị hôn trầm.
Tôi có một người bạn, chị ta không phải cùng quê với gia đình tôi, nên ông của chị chẳng bao giờ nói “phan đã” (thay vì là “khoan đã”) như ông của tôi! Chị thường chọc tôi bằng cách nhại cách nói đó. Và tôi cũng thường dùng nó để tự nhắc nhở mỗi khi cảm thấy mình không còn sáng suốt nữa. Cách nói ấy có nghĩa là “Hãy chậm lại. Có quá nhiều chuyện xảy ra cùng lúc. Tôi đang bị quá tải đây. Tôi đang rối rắm đây.”
Tập trung vào chỉ một việc duy nhất sẽ làm tăng trưởng sự suốt trong ta. Hãy chậm lại, làm ít lại, điều đó sẽ giúp cho tâm ta trở nên bén nhạy hơn.
Ông tôi rất là chậm chạp, và làm gì ông cũng chỉ làm từng chuyện một thôi. Khi về già, có thời gian ông đến sống chung với gia đình tôi, và những đứa con tôi hay đưa ông vào trường của chúng để giới thiệu với bạn bè trong những buổi giao lưu. Bạn bè nó chẳng đứa nào có ông ngoại đến 95 tuổi! Bình thường, ông cũng giúp rất nhiều việc trong nhà. Sức khoẻ ông rất tốt và ông thích làm những việc lặt vặt.
Có điều là ông bị lảng tai. Mỗi lần muốn nghe ai nói gì, ông phải dừng lại và hoàn toàn tập trung để lắng nghe. Và đó là lúc ông hay nói “phan đã, phan đã...”!
Ví dụ, ông tôi đang đứng ở bồn nước và gọt khoai tây. Tôi đến cạnh ông và bắt đầu nói gì đó. Ông đang tập trung vào việc gọt khoai và có tiếng nước chảy lớn. Thế là ông nói: “Phan đã, phan đã...”. Rồi ông bỏ dao gọt xuống, tắt vòi nước, quay lại nhìn thẳng vào mặt tôi, rồi hỏi: “Chuyện gì đây?” Đó chính thật là hướng tâm!
Bài thiền tập
Năng lượng trong tâm cũng trồi sụt y như ở thân ta vậy. Năng lượng xuống thấp không nhất thiết phải là một vấn đề. Ghi nhận sự có mặt của chúng sẽ làm giảm đi sức mạnh của chúng. Ngồi 5 phút. Giữ cho đôi mắt mở. Cố gắng hướng tâm thật chính xác bằng cách chú ý rõ ràng phần đầu và phần cuối của mỗi hơi thở. Rồi bạn hãy mở sang phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều” ở trang 114.
Giây phút của Macbeth
Một câu chuyện về nghi ngờ
Tôi có một kinh nghiệm thiền tập xảy ra thường xuyên đến nỗi tôi nghĩ đó chắc là một chuyện không thể tránh được. Bây giờ nhìn lại, tôi hiểu rằng đó là một kinh nghiệm tuệ giác, trong một tâm thức còn bị lu mờ vì sự nhàm chán, và có lẽ còn pha chút gắt gỏng. Trong thời gian đó, mỗi khi kinh nghiệm này khởi lên là tôi tự nhủ: “Ồ, lại nữa rồi!” Tôi chẳng thích chút nào cả.
Chẳng hạn như khi tôi đang kinh hành, thực tập rất nghiêm chỉnh. Đột nhiên, như có ai mở một máy hát trong đầu tôi vậy, và tôi nghe rất rõ ràng: “Ngày mai, và ngày mai, lại ngày mai/Bước chầm chậmđến theo từng nhịp nhỏ.../ Và tất cả ngày hôm qua .../ Chỉ là một truyện huyền thoại/Kể bởi một tên khờ, trong âm thanh và cuồng nộ/Mà tất cả hoàn toàn là vô nghĩa ...” Đó là những câu trong vở bi kịch Macbeth mà tôi đã học thuộc từ nhỏ, một lần nữa, chúng nhắc nhở rằng những kinh nghiệm của tôi đã trở thành quá nhàm chán.
Và trong những “giây phút của Macbeth” ấy, một khi nó đã khởi lên rồi thì cứ tiếp tục lặp đi lặp lại và kéo dài ra mãi. Nó bắt đầu từ “Ngày mai, và ngày mai, lại ngày mai...” rồi kéo dài cho đến tận “Kể bởi một tên khờ, trong âm thanh và cuồng nộ/Mà tất cả hoàn toàn là vô nghĩa!” và rồi nó tiếp tục bắt đầu trở lại. Trường hợp của tôi cũng giống như một chiếc máy hát tự động lặp lại mãi. Mỗi khi nghĩ như vậy, tôi cố gắng tưởng tượng là mình có thể bấm một nút vô hình để bật cuộn băng ấy ra khỏi máy. Nhưng không có kết quả cho lắm.
“Tại sao tôi lại ở đây?” Tôi tự nghĩ. “Những cái này hoàn toàn là vô ích. Mặt trời mọc, mặt trời lặn, những vòng xoay cứ tiếp tục và không thay đổi. Và tất cả chúng ta cố gắng thực tập để trở thành người giác ngộ. Mà có ai thật sự biết đó là gì không?” Tôi cảm thấy buồn chán về tình huống của mình và của những người chung quanh, và rồi tôi tuyệt vọng vì sự lo buồn của chính tôi. “Tất cả đều là giả dối!” Tôi tự nghĩ. “Mà tại sao ai cũng tin như vậy cả, và chúng ta chỉ chạy theo đuổi bắt một ảo ảnh trống không!
Những câu thơ Macbeth ấy, thật ra tôi nghĩ chúng cũng phản ảnh một chút sự thật nào đó. Thật ra, ngày mai thế nào rồi cũng sẽ đến, theo một nhịp độ riêng của nó, khiến cho ta và những kinh nghiệm, cũng như sở hữu của mình, trở nên rất phù du. Ta không thể nào bắt giữ cũng như xua đuổi được thời gian. Và thật ra chúng ta cũng không thể hoàn toàn hiểu được cái thiết kế của vũ trụ này, nhưng nó lúc nào cũng nhắc nhở ta về sự mong manh và bất định của sự sống.
Đức Phật dạy rằng không có một việc gì xảy ra mà không có nguyên nhân đi trước, và cũng không có việc gì xảy ra mà không đem lại một hậu quả về sau. Nhìn về phương diện này thì trong vũ trụ có luật lệ rất rõ ràng. Hiểu được điều ấy mang lại cho ta một sự tự do rất lớn, vì ta không còn chấp và xem tất cả như là chuyện cá nhân nữa. Điều đó cũng có nghĩa là ta cố gắng hết sức để chăm sóc cho tất cả - cho ta, cho mọi loài, cho trái đất này - và cũng ý thức rằng ta không phải là người có toàn quyền.
Một trong những tuệ giác mà hành giả thực tập chánh niệm có được là ý thức về sự tương tức, có nghĩa là mọi vật đều có một liên hệ mật thiết với nhau. Những câu thơ trong Macbeth không phải là sai lầm. Chúng hơi bi quan và có vẻ u ám, nhưng chúng cũng nói lên một sự thật về cái trống không của thời gian và những kinh nghiệm của ta. “Trong âm thanh và cuồng nộ/Mà tất cả hoàn toàn là vô nghĩa!” đó là một sự diễn tả rất chính xác về những biến động của cuộc đời này, khi ta có một cái nhìn rộng lớn và toàn diện.
Cuối cùng thì những băn khoăn của tôi qua lời thơ của Macbeth cũng lắng đọng xuống, và trở thành những chân lý rất đơn giản. Thời gian trôi qua. Sự việc xảy ra. Ai biết được tại sao? Nhưng rồi chúng ta cũng quản lý được. Kinh nghiệm của tôi chuyển từ sự bực dọc, chán nản sang thái độ chấp nhận nhẹ nhàng. Và tôi mỉm cười.
Bài thiền tập
Có những lúc ta cảm thấy chán nản và nghi ngờ tất cả, việc ấy cũng bình thường thôi. Chúng ta ai cũng có những giây phút ấy. Chúng không nhất thiết phải là vấn đề cho ta. Ghi nhận sự có mặt của chúng sẽ làm giảm đi sức mạnh của chúng. Hãy ý thức và thấy rõ được những ý tưởng tiêu cực và có khuynh hướng phá hoại kiểu như là “Làm như vậy là sai hết rồi,” “Cái này khó quá!” Bạn đang thực hành đúng, và điều đó dễ hơn là bạn tưởng. Hãy ngồi thêm 5 phút nữa. Giữ sự chú ý trên mỗi hơi thở, từ đầu cho đến cuối. Rồi bạn hãy đọc tiếp phần “Hướng dẫn kinh hành buổi chiều”.