Phần 03_3
Hướng dẫn kinh hành buổi chiều
Chọn một tốc độ thích hợp
Định lực không phát triển chỉ đơn giản vì bạn giữ đúng và đều theo một tốc độ. Định lực có mặt nhờ bạn giữ tâm ý của mình tập trung trong mọi hành động. Nếu bạn bước thật chậm, nhưng tâm bạn phóng đi bốn phương tám hướng, nghĩ tưởng về trăm ngàn câu chuyện khác nhau giữa mỗi bước chân, thì cho dù bạn có đi đến mặt trăng cũng không tạo được chút định lực nào. Và nếu bạn chạy quanh phố chừng mười lần, và bạn có ý thức rõ ràng về mỗi bước chân của mình tiếp xúc với mặt đất, tâm bạn sẽ trở nên rất an tĩnh và tập trung sau cuộc chạy ấy. Điều chủ yếu để làm tăng trưởng định lực là giữ cho tốc độ phù hợp với sự chú tâm.
Ý thức về sự biến đổi và vô thường có thể được phát triển ở bất cứ tốc độ nào. Nếu bạn đi thật chậm rãi, chú ý thật rõ, bạn sẽ nhận thấy trong mỗi bước chân, sức ép dưới lòng bàn chân từ từ giảm dần cho đến khi biến mất, và rồi xuất hiện trở lại. Kinh nghiệm của bạn sẽ là sự sinh lên và diệt đi của những cảm giác tinh tế, sức ép nặng, nhẹ, tê rần hoặc như kim châm dưới lòng bàn chân.
Nếu bạn chạy quanh phố và giữ chánh niệm, thay vì ghi nhận những cảm giác chi tiết dưới bàn chân, bạn sẽ chú ý đến những cảnh vật chung quanh xuất hiện rồi biến mất. Khi bạn chạy xuống một con đường, một quang cảnh hiện ra. Khi bạn rẽ sang một con phố khác, lại là một cảnh vật mới. Trong trường hợp này bạn khám phá ra sự biến đổi, sinh lên rồi diệt đi, ở một mức độ rộng lớn hơn so với khi bạn bước đi chậm rãi. Thật ra, nếu bạn tỉnh thức nhờ một cái nhìn rộng lớn hay chi tiết thì cũng đều là tốt cả - vấn đề là sự tỉnh thức.
Điều quan trọng trong sự thực tập này là bạn nên có một mục tiêu nhất định khi kinh hành. Nếu bạn muốn đi chậm, hãy chọn một khoảng đường ngắn để đi tới đi lui. Và nếu bạn muốn đi nhanh, hãy chọn một con đường dài hơn. Đừng đi lung tung khắp nơi. Hãy tập đi trong vòng 45 phút.
Ngồi thiền buổi chiều
Đi tìm sự minh triết
Kinh nghiệm minh triết về tự tánh của sự vật - như là sự thật về khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, những yếu tố chuyển hóa khổ đau - được kinh điển xếp vào lãnh vực của pháp, dharma, và cũng là lãnh vực thứ tư của chánh niệm, tức là chánh niệm về pháp. Những kinh nghiệm sâu sắc này cũng giống như mọi hiện tượng khác, chúng khởi lên rồi qua đi. Và khi những kinh nghiệm sâu sắc lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ đưa ta đến tuệ giác.
Bạn không thể ngồi xuống tọa cụ rồi tự bảo rằng: “Bây giờ mình sẽ thực tập hiểu biết, minh triết và tuệ giác.” Những việc ấy tự chúng xảy ra. Chúng là những kết quả của sự thực tập.
Từ đầu đến giờ bạn đã cố gắng đánh thức năng lượng chánh niệm bằng cách thực tập theo những hướng dẫn đặc biệt về cách ngồi thiền, kinh hành và ăn uống. Những bài hướng dẫn ấy là những phương cách khác nhau, với cùng một mục tiêu là giúp tâm bạn giảm bớt sự điều kiện hóa bởi những tập quán và thói quen hằng ngày. Thực tập theo những hướng dẫn này cũng đòi hỏi rất nhiều công phu. Bạn cố gắng giữ cho sự chú ý của mình chỉ ở với hơi thở mà thôi. Bạn cố gắng cảm nhận được những cảm giác ở thân trong khi đi. Bạn cố gắng có ý thức rõ rệt về những sự ưa thích và ghét bỏ khi chúng khởi lên, và đối diện với những tâm thức khó khăn. Những cố gắng đó nhằm mục đích làm tâm ta yên lắng và tập trung. Và bây giờ, bạn hãy thôi đừng cố gắng nữa!
Bài tập cho giờ ngồi thiền này là: Đừng làm gì hết, hãy ngồi yên. Nhắm mắt hay mở cũng được. Thư giãn. Chờ đợi, nhưng không có một sự mong mỏi nào hết. Hơi thở đến rồi đi. Cảm xúc đến rồi đi. Âm thanh đến rồi đi. Những tâm hành đến rồi đi. Tất cả mọi việc, tự chúng, đến rồi đi.
Trong khi ngồi, nếu sự chú ý của bạn bị vướng mắc vào một sự kiện nào đó - tư tưởng hay tâm trạng hoặc cảm xúc - bạn sẽ có được một kinh nghiệm trực tiếp về nguyên nhân của khổ đau. Không cần biết đó là một sự kiện dễ chịu hay khó chịu. Khi tâm ta bị vướng mắc vào thương ghét, nó sẽ không có hạnh phúc. Ta mất tự do!
Và trong khi ngồi, nếu sự chú ý của bạn không bị vướng mắc vào một sự kiện nào hết - tư tưởng, tâm trạng hoặc cảm xúc - bạn sẽ có được một kinh nghiệm trực tiếp về sự chấm dứt khổ đau. Không cần biết đó là một sự kiện dễ chịu hay khó chịu. Bạn sẽ có khả năng ghi nhận và thấy rõ, với một sự quan tâm nhẹ nhàng, những vở tuồng rất tạm bợ của mọi hiện tượng. Tâm tỉnh thức, không bị xao động bởi thương ghét, rất là hạnh phúc. Ta có tự do!
Kinh hành với tuệ giác
Thiền quán không thay đổi cuộc sống. Sự sống vẫn mong manh và bất định như bao giờ. Thiền quán chỉ thay đổi khả năng dung chứa của con tim ta, giúp ta tiếp nhận sự sống đúng thật như nó đang hiện hữu. Thiền tập dạy con tim ta biết sẵn lòng chấp nhận cuộc sống như đang hiện hữu, không phải bằng cách ép buộc nó phải thuần phục, nhưng giúp ta thấy được rằng cởi mở và chấp nhận là một con đường hạnh phúc. Một con tim biết sẵn lòng chấp nhận không phải dễ có được. Nhưng chỉ cần biết rằng đó là một việc có thể thực hiện được cũng đủ mang lại cho ta một niềm cảm hứng lớn. Có một con tim sẵn lòng chấp nhận là sự tự do cao tột nhất.
Thực tập sẵn lòng đối với những thất vọng nho nhỏ, trong mỗi giây phút của cuộc đời sẽ giúp ta thích nghi với những thử thách to lớn hơn trong cuộc sống. Một con tim sẵn lòng không bao giờ quên mục đích, nhưng nó vẫn biết giữ cho mình được bao la, rộng lớn và thư giãn, khi những ước vọng của nó không được đáp ứng. Con tim ta sẽ thấy khó thích nghi hơn khi đối diện với những khổ đau và thử thách lớn so với khi ta gặp những thất vọng nho nhỏ trong cuộc đời. Và thiền tập là một phương cách giúp ta tôi luyện con tim của mình, biến mỗi sự việc trong đời sống hằng ngày thành những cơ hội thực tập.
Hãy bước đi với một thái độ thoải mái, hạnh phúc và thong dong. Và ghi nhận rằng, chỉ cần một ngày sống trong an tĩnh và chánh niệm cũng làm con tim ta rộng mở hơn. Khả năng sẵn lòng của tâm ta, được trong kinh diễn tả như là một tính chất mềm dẻo, dễ uốn, là một dấu hiệu của tuệ giác.
Hiện tượng bông cải xanh
Hiện tượng bông cải xanh là một ví dụ rất tiêu biểu về đức tính mềm dẻo của tâm, mà trong khóa tu nào tôi cũng được nghe báo cáo đều đặn. Có lẽ là đa số thiền sinh tham dự khoá tu đều không ưa gì món bông cải xanh Bạn có thể là một trong những số người ấy. Món súp dọn cho bữa ăn chiều đầu tiên lợn cợn đầy những hạt bông cải. Bạn có thể nghĩ: “Không chắc là mình sẽ cảm thấy hạnh phúc ở đây. Hy vọng đây là món bông cải cuối cùng mà họ cho ăn.” Rồi bạn bắt đầu thực tập chánh niệm, ngồi yên trong một khoảng thời gian, và những thời gian khác bạn đi chậm rãi. Khi ngồi bạn chú ý đến hơi thở, và khi đi bạn chú ý đến bàn chân.
Tâm bạn bắt đầu lắng yên xuống. Bữa ăn sáng không có vấn đề gì. Không có trứng chiên, không có bánh ngọt, không có món gì thú vị cả, nhưng cũng không sao. Rồi tới bữa ăn trưa. Một nồi súp hầm thật to hiện ra, đủ mọi thứ rau, kể cả bông cải xanh. Và dọn chung với cơm. “Thôi rồi, phải làm sao đây? Không lẽ lại ăn cơm không. Như vậy thì đói chết. Hay là mình chan súp lên cơm rồi ngồi lựa bông cải xanh bỏ sang một bên? Cầu trời cho họ đừng làm vậy nữa!”
Nhưng họ lại làm vậy nữa! Và tâm bạn trong khoá tu dành hết thì giờ cho vấn đề bông cải xanh:
“Họ tìm những người nấu bếp này ở đâu ra vậy?”
“Khi về nhà tôi sẽ mua tặng họ một số sách dạy nấu ăn ngon!”
“Rủi như có người nào bị dị ứng với bông cải xanh thì sao?
“Có lẽ mình phải viết thư cho người nấu bếp, có lẽ là họ không biết...”
“Tôi dám cuộc là trong hóa đơn đi chợ của nhà bếp chỉ có món bông cải xanh là món chánh!”
“Nếu như họ nhất định phải dọn món bông cải xanh, thì tại sao họ không nấu thành một món riêng, tại sao lại trộn chung tất cả như vậy!”
Ngày qua, những bữa ăn đi qua, và giữa những cơn dông tố nổi lên trong vấn đề bếp núc ấy, bạn tiếp tục thực tập. Rồi tâm bạn cũng dần dần được chút tĩnh lặng hơn. Ngồi thiền, kinh hành, theo dõi hơi thở, bước chân - giờ này sang giờ kia, dần dần, trong khi bạn bận rộn tập trung, tâm bạn tự nó trở nên phẳng lặng hơn. Điều đó xảy ra một cách đều đặn, không nổi bật, nên nhiều khi bạn không ngờ là nó đang xảy ra.
Và nhờ cái hiện tượng bông cải xanh đó mà bạn biết là sự thực tập của mình có hiệu quả hay không. Bạn bước vào phòng ăn, và lại nữa, món bông cải xanh là món chính của bữa ăn hôm ấy, nhưng bạn không hề kinh nghiệm có một phản ứng nào khởi lên hết. Tâm bạn sẵn lòng. Có thể bạn còn mỉm cười nữa. Có lẽ bạn còn có một ý nghĩ: “Bây giờ thì mình hy vọng rằng họ sẽ không dọn bữa ăn nào thiếu bông cải xanh, vì như vậy mình mới có chuyện hay để về kể cho người khác chứ!”
Nhưng nếu thực tập chánh niệm mà chỉ để giải quyết vấn đề bông cải xanh thôi thì đâu có giá trị gì mấy. Thực tập chánh niệm còn giúp ta đối phó với những “bông cải xanh” của cuộc đời, những nỗi đau không tránh được ở thân và những sự tuyệt vọng trong tâm, chúng luôn là nền tảng những kinh nghiệm của chúng ta.
Mục đích của sự thực tập không phải để ta cuối cùng sẽ vĩnh viễn tránh được những nỗi đau đớn trong cuộc đời. Chuyện đó không thể xảy ra. Và cũng không phải để ta không còn biết thương ghét nữa, vì chúng chỉ là những phản ứng tự nhiên đối với cuộc sống. Chánh niệm sẽ giúp tâm ta được an tĩnh, để ta có thể nhìn thấy sự việc sáng suốt và đáp ứng một cách minh triết với cuộc đời.
Đối với tôi thì dường như có những ngày tôi có nhiều tuệ giác hơn những ngày khác. Mức độ tuệ giác của tôi là một phản ảnh của năng lượng chánh niệm, hơn là tùy thuộc vào hoàn cảnh chung quanh. Tâm ta khi được an tĩnh sẽ có những quyết định sáng suốt hơn.
Shanti là người đầu bếp trong những khóa thiền mà tôi hướng dẫn, kể cho tôi nghe về lời khuyên chị ta học được từ cô giáo dạy lớp ba của chị. Chị ta rất ghét môn toán, và cô giáo bảo: “Em nghe đây, em sẽ phải sử dụng môn toán này vào mọi việc trong đời sống hằng ngày, cho đến trọn đời. Em không thể tránh nó. Vậy thì tại sao lại không vui thích mà làm có hơn không!”
Tôi cũng muốn tiếp theo lời của cô ta: “Và chúng ta cũng sẽ phải kinh nghiệm một vài thứ “bông cải xanh” nào đó trong cuộc sống hằng ngày, cho đến trọn đời.” Có những cái nhỏ nhoi, không đáng kể, nhưng cũng có những cái vô cùng khó khăn.
Chị Shanti không dùng nhiều bông cải xanh trong các món ăn. Mà cho dù có đi chăng nữa, tôi cũng không có vấn đề nào hết. Tôi thích bông cải xanh. Món cần tây mới là vấn đề của tôi!
Bữa ăn chiều
Sau đây là những lời hướng dẫn thêm về thiền tập trong khi ăn. Bạn đã biết về những cách thực tập như là: nhìn vào món ăn, ngửi nó, nếm nó, và ăn thật chậm rãi. Bài tập trong bữa ăn trưa có việc chú ý đến những cảm thọ khi ăn (dễ chịu, khó chịu hay trung hòa), và ý thức về những phản ứng trong tâm thức (ngon quá... chà... ghê quá...). Và bữa ăn chiều này, chúng ta hãy thực tập đem ý thức bao gồm luôn lãnh vực thứ tư của chánh niệm: ý thức về tự tánh của kinh nghiệm, tức về pháp.
Bạn hãy đọc qua những hướng dẫn này trước, rồi thực tập theo. Ngồi yên trước món ăn của mình trong vòng đôi ba phút trước khi ăn. Ghi nhận cho thật chính xác cái gì xảy ra khiến ta khởi sự ăn. Đó là một hành động có chủ ý, vì vậy phải có một điều gì xảy ra trước đó. Điều đó là gì? Điều gì đã xảy ra ngay trước giây phút đó? Và điều gì xảy ra ngay sau đó? Ghi nhận rằng bạn nhai một lúc rồi mới nuốt. Điều gì quyết định việc khi nào bạn sẽ nuốt? Đó là một tư tưởng chăng? Một cảm giác ở thân chăng? Việc nuốt thức ăn xảy ra như thế nào?
Điều gì quyết định việc khi nào bạn sẽ múc một muỗng, hay gắp một đũa thức ăn kế tiếp? Gắp thức ăn là một hành động có chủ ý, vì vậy phải có một điều gì đó xảy ra trước.Điều đó là gì? Việc gì xảy ra nếu bạn đang gắp món ăn, sắp đưa vào miệng thì dừng lại, và để lại trên đĩa?
Bạn có thể ghi nhận được chính xác giây phút mà bạn cảm thấy hết đói không? Cái đói ấy đi đâu? Bạn có thất vọng không? Hãy ghi nhận, nếu thức ăn hết trước khi cơn đói hết, bạn có thất vọng không?
Đây chỉ là những hướng dẫn tổng quát. Và nếu bạn thật sự quán chiếu trong bữa ăn của mình cho thật sâu sắc, bạn có thể khám phá chân lý ngay trong bữa ăn chiều, cũng như ở bất cứ một nơi nào khác.