(Xem: 1508)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1866)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

07.1-Con đường tu tập Tuệ Quán.

02 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 12456)

CHƯƠNG 7_1

Con đường tu tập Tuệ Quán

 

Mục đích của đạo Phật, giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn khỏi khổ, được thành tựu vào việc tu tập tam học hay ba giai đoạn của đạo lộ – Giới (sīla), Định (samādhi) và Tuệ (Paññā). Tứ thiền sắc giới và tứ thiền vô sắc là những bậc thiền hiệp thế, thuộc giai đoạn tu tập định, đã hoàn tất một mức độ đáng kể trên lộ trình giải thoát. Tuy nhiên, tự thân các bậc thiền này vẫn còn phải gánh chịu hai trách nhiệm. Thứ nhất, do khinh suất hay tự mãn, chúng có thể hoại mất. Thứ hai, việc đắc thiền vẫn không đủ để bảo đảm cho sự giải thoát hoàn toàn khỏi khổ. Lý do các bậc thiền hiệp thế tự bản thân chúng không thể đem lại sự giải thoát khổ là vì chúng không có khả năng cắt đứt nhân sanh khổ. Đức Phật dạy rằng nhân sanh cơ bản của khổ, động lực thúc đẩy nằm đằng sau vòng tử sanh luân hồi, là những phiền não với ba nhân tham, sân, si tạo thành ba nhân bất thiện của chúng. Định ở mức an chỉ, cho dù có thể được tu tập sâu lắng đến đâu chăng nữa cũng chỉ dẫn đến một sự đè nén nhất thời của các phiền não, chứ không hoàn toàn bứng gốc được chúng. Định không thể phá hủy những hạt giống ngủ ngầm của phiền não, do đó không thể loại trừ được chúng tận căn nguyên. Vì những lý do nêu trên, thiền hiệp thế đơn thuần, ngay cả khi được duy trì vĩnh viễn, tự thân nó vẫn không thể chấm dứt vòng luân hồi. Ngược lại nó còn có thể làm cho vòng luân hồi ấy trở thành dài thêm. Vì mỗi một thiền chứng sắc giới hoặc vô sắc, nếu bám vào nó với thái độ chấp thủ sẽ đưa đến tái sanh nơi cảnh giới đặc biệt tương xứng với tiềm lực nghiệp của bậc thiền ấy và sau đó có thể phải tái sanh vào một cảnh giới thấp hơn nào đó tùy theo tích lũy nghiệp đã tạo.

Để thành tựu sự giải thoát hoàn toàn khỏi vòng tử sanh luân hồi này, vấn đề được đòi hỏi là sự tuyệt trừ mọi phiền não. Bởi lẽ loại phiền não căn bản nhất là si mê (moha) hay còn gọi là vô minh (avijjāa) nên mấu chốt đưa đến giải thoát nằm ở chỗ diệt trừ vô minh bằng việc phát triển trí tuệ, pháp đối nghịch trực tiếp của nó. Trong chương này chúng ta sẽ khảo sát bản chất của tuệ và những phương pháp nhờ đó tuệ được phát triển. Do vì tuệ đòi hỏi phải có một sự thành thục nào đó trong định nên hiển nhiên rằng thiền khẳng định một vị trí trong sự tu tập của nó. Tuy nhiên, vị trí này không nhất thiết cố định hay bất di bất dịch mà như chúng ta sẽ thấy còn tùy thuộc vào khuynh hướng của từng hành giả.

Phần chính của chương này và chương kế sẽ dành để luận bàn về sự khác biệt giữa hai từ quan trọng đối với triết học Phật giáo truyền thống Theravàda. Hai từ đó là “hiệp thế” (lokiya) và “siêu thế” (lokuttara). Từ hiệp thế được áp dụng cho mọi hiện tượng bao gồm trong thế gian của năm thủ uẩn (pancuppādānakkhandhā) – sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, loka bao trùm các trạng thái tâm cũng như vật chất (sắc) và các trạng thái thuộc cảm xúc, thiện cũng như ác, những thiền chứng thuộc sắc giới và vô sắc giới, cũng như các tâm thuộc dục giới. Ngược lại, siêu thế áp dụng tuyệt đối cho các pháp đã vượt ra khỏi thế gian của năm thủ uẩn. Chín pháp siêu thế (lokuttaradhamma) là Niết bàn (Nibbāna), Bốn Thánh đạo (magga) dẫn đến Niết bàn và Bốn quả (phala) tương ứng của chúng làm nhiệm vụ cảm nghiệm hạnh phúc của Niết bàn. Hy vọng rằng phần bàn luận sau đây sẽ làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của những thuật ngữ này.

BẢN CHẤT CỦA TUỆ

Thanh Tịnh Đạo đưa ra một luận giải phân tích về tuệ, đề cập dưới sáu đề mục: Định nghĩa về tuệ; Tại sao nó được định nghĩa như vậy; Đặc tính, nhiệm vụ, biểu hiện và nhân gần của tuệ; Phân loại tuệ; Phương pháp tu tập tuệ; Những lợi ích của tuệ.[1] Xét qua những nguyên tắc này chắc chắn sẽ thấy được bản chất của tuệ.

1. Tuệ, theo luận sư Buddhaghosa, được định nghĩa là “minh sát trí tương ưng với các thiện tâm”.[2]

2. Sở dĩ tuệ được hiểu theo nghĩa đó là vì nó là một hành động hiểu biết (pajānana), một cách nhận thức (jānana) khác và cao cấp hơn các cách tưởng tri (sañjānana) và thức tri (vijānana). Cái để phân biệt tuệ với các hình thức khác của sự nhận thức là khả năng thâm nhập vào các đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã cũng như khả năng đưa đến sự hiển lộ siêu thế đạo của nó.

3. Sự thể nhập vào thực tánh của các pháp là đặc tánh của tuệ. Nó thể nhập vào các tính chất chung và riêng của các pháp qua sự nhận thức trực tiếp chứ không qua trung gian. Nhiệm vụ của tuệ là “thủ tiêu bóng tối của si mê vốn che đậy thực tánh của pháp” và “vô si” là biểu hiện của tuệ. Bởi vì đức Phật nói rằng tâm ai có định sẽ biết và thấy các pháp như chúng thực sự là, do đó nhân gần của tuệ là định.[3]

4. Tuệ dùng làm phương tiện để đạt đến giải thoát được chia làm hai loại chính, đó là minh sát trí (vipassanāà ñāṇa) hay còn gọi là quán tuệ và trí thuộc các siêu thế đạo (magga ñāṇa). Minh sát trí là sự thể nhập trực tiếp vào tam tướng vô thường, khổ và vô ngã của các pháp hữu vị. Nó lấy năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức làm đối tượng. Bởi vì minh sát trí lấy thế gian (loka) của các hành (sankhāra) làm đối tượng, do đó nó được xem như một hình thức của tuệ hiệp thế (lokiya paññā). Minh sát trí, tự bản thân nó không trực tiếp diệt trừ các phiền não. Nó dùng để mở đường cho loại tuệ thứ hai, tức các siêu thế đạo tuệ vốn chỉ xuất hiện khi minh sát trí đã được tu tập đến tột đỉnh. Đạo tuệ khởi lên ở bốn giai đoạn rõ rệt (sẽ đề cập đến trong phần sau) đồng thời với việc chứng đắc Niết bàn, thấu triệt Tứ Thánh Đế và cắt đứt các phiền não. Tuệ này gọi là “siêu thế” (lokuttara) vì nó vượt qua khỏi (uttarati) thế gian của năm uẩn để chứng đắc trạng thái siêu xuất thế gian, tức Niết bàn.

5. Vị hành giả trong Giáo Pháp của đức Phật nỗ lực hướng đến giải thoát, bắt đầu sự tu tập tuệ bằng việc thiết lập vững chắc các nền móng của nó trước, đó là giới thanh tịnh và định tâm thanh tịnh. Kế tiếp, hành giả học và thông thạo các đối tượng căn bản trên đó tuệ làm việc quán chiếu năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, Tứ Thánh Đế, Thập nhị nhân duyên, v.v… Hành giả khởi sự tu tập tuệ thực thụ bằng cách trau dồi minh sát vào thực tánh vô thường, khổ và vô ngã của năm uẩn. Khi việc minh sát này đạt đến tột đỉnh, nó sẽ tự động chuyển sang tuệ siêu thế, chi phần chánh kiến của Bát Thánh Đạo. Đạo tuệ sẽ chuyển từ các pháp hữu vi (hành) sang Niết bàn giới vô vi, hủy diệt các phiền não ngủ ngầm tận căn để của chúng.

6. Việc loại trừ phiền não, chứng ngộ Niết bàn và thành tựu các Thánh đạo, Thánh quả mà đỉnh cao là Alahán này, theo luận sư Buddhaghosa, là những lợi ích của việc tu tập tuệ.[4]

NHỊ THỪA (2 CỖ XE)

Truyền thống Thượng tọa bộ (Theravāda) nhìn nhận hai phương pháp tu tập tuệ khác nhau, trong đó hành giả có quyền tự do chọn lựa tùy theo năng khiếu và khuynh hướng của mình. Hai phương pháp này là chỉ thừa (samatthayānika) và quán thừa hay minh sát thừa (vipassanāyāna). Những hành giả theo phương pháp chỉ thừa được gọi là “chỉ thừa hành giả” – người lấy tịnh chỉ làm cỗ xe, và theo quán thừa thì được gọi là “quán thừa hành giả” – người lấy quán (minh sát) làm cỗ xe. Bởi vì cả hai cỗ xe, dù tên gọi có khác, đều là những phương pháp để phát triển tuệ giác, do đó nhằm ngăn ngừa sự hiểu lầm, loại hành giả theo quán thừa đôi khi còn được gọi là “thuần quán thừa hành giả” (suddhavipassanāyānika), hoặc “khô quán hành giả” (sukkhavipassaka). Mặc dù cả ba từ này thoạt tiên xuất hiện trong các bản chú giải hơn là trong Kinh tạng, song việc nhìn nhận hai cỗ xe dường như đã được hàm ý đâu đó trong một số đoạn Kinh.

Chỉ thừa hành giả là một hành giả trước tiên đạt đến cận định hay một trong tám bậc thiền hiệp thế, rồi xuất thiền và dùng thiền chứng của mình như một căn bản cho việc trau dồi minh sát cho đến khi đạt đến siêu thế đạo. Việc chứng đạo dù ở bất kỳ giai đạo nào trong bốn giai đoạn của nó cũng luôn luôn khởi lên với một cường độ định và như vậy nhất thiết phải kể thiền siêu thế dưới đề mục chánh định (sammāsamādhi), chi phần thứ tám của Bát Thánh Đạo. Trái với hạng chỉ thừa hành giả, hạng quán thừa không đạt đến một thiền hiệp thế nào trước khi thực hành minh sát quán[5], hoặc nếu có, hành giả cũng không dùng nó như một phương tiện cho việc trau dồi minh sát. Thay vì nhập và xuất khỏi thiền, hành giả trực tiếp tiến hành minh sát quán vào các hiện tượng của thân và tâm hay danh sắc xuất hiện nơi sáu căn – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Bằng phương tiện thuần quán này, hành giả đạt đến Thánh đạo, và cũng như trường hợp của vị hành giả theo cỗ xe tịnh chỉ, ở đây nhất thiết phải gồm luôn thiền siêu thế.

Chủ yếu của phương pháp quán thừa là thực hành chánh niệm (sati) – sự quán sát đơn thuần nhưng không gián đoạn các hiện tượng thân và tâm được đang thay đổi. Đức Phật đã giải thích tận tường việc thực hành chánh niệm này trong Kinh Tứ Niệm Xứ dưới dạng bốn phép quán – quán thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta) và pháp (dhamma). Bốn phép quán hay bốn “niệm xứ” (Satipatthāna) này, tập trung lãnh vực quán sát vào các hiện tượng thân và tâm đa dạng với những đặc điểm phổ quát của chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Đối với vị hành giả theo phương pháp chỉ thừa cũng vậy, vào lúc xuất khỏi thiền và bắt đầu minh sát – quán, hành giả phải thực hành Tứ Niệm Xứ, vì điều này đã được đức Phật khẳng định là “con đường độc nhất đưa đến sự tịnh hóa các chúng sanh, vượt qua sầu bi, đoạn tận khổ ưu, thành tựu chánh đạo và chứng ngộ Niết bàn”[6]

Nguồn tham chiếu cổ điển để thấy ra sự phân biệt giữa hai cỗ xe tịnh chỉ và minh quán này là Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo). Bộ luận này giải thích rằng khi một hành giả bắt đầu tu tập tuệ, “trước hết, nếu cỗ xe của vị ấy là tịnh chỉ, (vị ấy) phải xuất khỏi bậc thiền sắc giới hay vô sắc ấy ngoại trừ Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và hành giả nên phân biệt theo đặc tính, nhiệm vụ, v.v… các thiền chi như tầm, tứ, hỷ, lạc cũng như các pháp tương ưng với chúng.”[7]

 Ở các đoạn chú giải khác lại cho rằng cận định (upacārasamādhi) là vừa đủ cho cỗ xe tịnh chỉ. Phi tưởng phi phi tưởng xứ, bậc thiền vô sắc cuối cùng trong tứ thiền vô sắc (rūpa) được loại ra bởi vì các thiền chi của nó quá vi tế để cho một hành giả sơ cơ có thể phân biệt. Ngược lại, nếu cỗ xe của hành giả là thuần quán thì được khuyên là hãy bắt đầu bằng việc phân biệt các hiện tượng thân và tâm một cách trực tiếp mà không dùng một bậc thiền nào cho mục đích này. Loại hành giả thuần quán này đôi khi được đề cập đến bằng một tên khác là “khô quán hành giả”, bởi vì pháp quán của vị này không được tẩm ướt với nước của thiền định (jhāna).[8]

Như chúng ta đã đề cập ở trên, mặc dù ba từ: samāthayānika (chỉ thừa hành giả), vipassanāyānika (quán thừa hành giả) và sukkhavipassaka (khô quán hành giả) là những từ mới chế tác vào thời chú giải, song sự phân biệt ra các cỗ xe và loại hành giả hình như vẫn được rút trực tiếp từ Kinh tạng Pāḷi. Đức Phật trong những lần giải thích thấu đáo về hệ thống tu tập của Ngài, thường gồm luôn cả tứ thiền vào đó và đặt nó trước sự tu tập minh sát quán cũng như chứng đạo. Tuy nhiên một số bài Kinh dẫn chứng cho thấy có những phương pháp tu tập khác nhau. Chẳng hạn, trong Anguttara Nikāya (Tăng chi bộ Kinh) đức Phật công bố:

“Này các Tỳ kheo, có hạng người được nội tâm tịnh chỉ, nhưng không được tăng thượng tuệ pháp quán; có hạng người được tăng thượng tuệ pháp quán nhưng không được nội tâm tịnh chỉ; có hạng người không được nội tâm tịnh chỉ cũng không được tăng thượng tuệ pháp quán; có hạng người được nội tâm tịnh chỉ và cũng được tăng thượng tuệ pháp quán.

“Rồi này các Tỳ kheo, vị đã được nội tâm tịnh chỉ, nhưng không được tăng thượng tuệ pháp quán, sau khi an trú tâm tịnh chỉ, chú tâm thực hành tăng thượng tuệ pháp quán, người ấy sau một thời gian được nội tâm tịnh chỉ và được tăng thượng tuệ pháp quán.

“Rồi này các Tỳ kheo, vị không được nội tâm tịnh chỉ cũng không được tăng thượng tuệ pháp quán, người ấy, để chứng được các thiện pháp này, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn, cố gắng, nỗ lực, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác.

“Ví như, này các Tỳ kheo, khi khăn bị cháy hay tóc bị cháy, để dập tắt lửa, cần phải tăng thượng ý muốn, tinh tấn, nỗ lực, cố gắng, tâm không thối chuyển, chánh niệm, tỉnh giác. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, người ấy, để chứng đắc các thiền pháp này, cần phải thực hiện tăng thượng ý muốn, tinh tấn,…, tỉnh giác. Sau một thời gian, vị ấy thành người có được nội tâm tịnh chỉ và tăng thượng tuệ pháp quán.

“Cũng vậy, này các Tỳ kheo, vị có được nội tâm tịnh chỉ và có được tăng thượng tuệ pháp quán, người này, sau khi an trú trong các thiện pháp ấy, vẫn phải chú tâm tu tập hơn nữa để đoạn diệt các lậu hoặc.”[9]

Qua đoạn Kinh trên chúng ta thấy đức Phật khích lệ hạng người đầu, an trú nội tâm tịnh chỉ, nên cố gắng để có được tăng thượng tuệ pháp quán. Và hạng người thứ hai, an trú tăng thượng tuệ pháp quán, nên cố gắng để có được nội tâm tịnh chỉ. Chú giải giải thích “tâm tịnh chỉ” là định tâm thuộc an chỉ định (appanācittasamādhi) và “tăng thượng tuệ pháp quán” là minh sát trí phân biệt các hành (sankhārapariggahavipassanāñāṇa), tức tuệ quán thâm nhập vào năm uẩn.[10] Vấn đề là, với những người có khả năng đắc được pháp này nhưng không đắc được pháp kia làm sao để giúp họ chọn được cỗ xe thích hợp với khả năng của họ lúc ban đầu mới là quan trọng. Tuy nhiên, cuối cùng thì tất cả mọi hành giả đều phải bước vào tu tập tuệ quán để đạt đến giải thoát đạo.

Việc trình bày các cỗ xe khác nhau đưa đến mục đích (giải thoát) thậm chí còn rõ ràng hơn như đã được giới thiệu trong một bài Kinh do Tôn giả Ānanda thuyết. Một lần nọ, Tôn giả Ānanda tuyên bố trước một nhóm các vị Tỳ kheo rằng, có một số vị tu tập quán (minh sát) có chỉ đi trước (samathapubbangamam vipassanāam) và một số vị khác tu tập tịnh chỉ có quán đi trước (vipassanāpubbangamam samatham). Cả hai phương pháp, theo giải thích của Tôn giả, đều dẫn đến siêu thế đạo:

Ở đây, này chư hiền, Tỳ kheo tu tập quán, có tịnh chỉ đi trước; do vị ấy có tịnh chỉ đi trước, con đường[11] được sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường đó, tu tập làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn con đường ấy, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Lại nữa, này chư hiền, vị Tỳ kheo tu tập cả hai chỉ – quán gắn liền với nhau.[12] Do vị ấy tu tập cả hai chỉ quán gắn liền với nhau, con đường được sanh khởi. Vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn con dường ấy, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Thêm nữa, này chư hiền, tâm một vị Tỳ kheo đã hoàn toàn dứt khỏi mọi dao động đối với pháp (dhamma). Đó là thời điểm, này chư hiền, khi tâm của vị ấy an trú, ổn định, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sanh khởi. Vị ấy thực hành con đường, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành, tu tập, làm cho sung mãn con đường ấy, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.[13]

Việc diễn giải đoạn Kinh này theo tinh thần chú giải (tìm thấy trong chú giải Trung bộ Kinh) giải thích phương thức tu tập quán (minh sát) có tịnh chỉ đi trước như vầy:

Ở đây, một người trước tạo ra cận định hay an chỉ định, đây là tịnh chỉ. Vị ấy quán với minh sát tịnh chỉ ấy và các pháp đồng sanh với nó là vô thường, khổ, vô ngã. Đây là quán. Như vậy gọi là tịnh chỉ đến trước, sau đó mới quán.[14]

Phương thức tu tập tịnh chỉ có quán đi trước được mô tả như sau:

Ở đây, một người quán với minh sát năm thủ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã mà trước không tạo ra một loại tịnh chỉ (cận định hoặc an chỉ định) nào cả. Đây là quán. Cùng với sự hoàn thành việc quán trong vị ấy nhất tâm khởi lên có đối tượng là sự từ bỏ các pháp đã tạo ra ở quán, đây là tịnh chỉ. Như vậy gọi là quán đến trước, sau mới tịnh chỉ.[15]

Trong trường hợp này ta có thể hoài nghi là loại hành giả thứ hai vẫn chỉ đắc thiền hiệp thế sau khi tu tập quán, điểm này phụ chú giải đoạn Kinh chỉ rõ: “Nhất tâm vị ấy có được là chánh định thuộc siêu thế đạo (maggasammsamādhi) và đối tượng của nó, gọi “sự từ bỏ” (vavassagga), là Niết bàn.”[16] Phụ chú giải Tăng chi bộ Kinh (The Anguttara sub – commentary) chính xác xem loại hành giả thứ hai này với loại quán thừa hành giả giống như nhau: “Vị tu tập tịnh chỉ có quán đi trước, điều này được nói là thuộc về quán thừa hành giả.”[17]

Như vậy vị chỉ thừa hành giả theo tuần tự đắc cận định hay một bậc thiền hiệp thế trước rồi sau đó đắc minh sát trí, nhờ phương tiện ấy hành giả đạt đến siêu thế đạo gồm tuệ dưới đề mục chánh kiến (sammditthi). Ngược lại vị quán thừa hành giả bỏ các thiền hiệp thế và đi thẳng vào minh sát quán. Khi đạt đến tận cùng của các tuệ minh sát, vị ấy đắc siêu thế đạo, cũng như trường hợp của vị trước, gồm chung cả tuệ lẫn thiền siêu thế. Thiền này được kể như sự thành tựu tịnh chỉ của vị ấy.

CÁC NHIỆM VỤ CỦA THIỀN (JHĀNA).

Đối với một hành giả theo cỗ xe tịnh chỉ (chỉ thừa), việc chứng thiền hoàn thành hai nhiệm vụ. Thứ nhất, nó tạo một căn bản cho sự thanh tịnh tâm và nội lực tự chủ cần thiết để đảm nhân công việc minh sát quán; và thứ hai, nó dùng như một đối tượng khảo sát cho minh quán để phân biệt tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Thiền (jhāna) hoàn tất nhiệm vụ thứ nhất bằng cách cung cấp một phương tiện hữu hiệu cho việc vượt qua các triền cái. Như chúng ta đã biết, đức Phật tuyên bố năm triền cái là những uế nhiễm của tâm và làm suy yếu trí tuệ, ngăn không cho hành giả thấy thực tánh của các pháp.[18] Muốn cho tuệ khởi lên, tâm trước hết phải được chân chánh định tĩnh, và muốn có chân chánh định tĩnh thì tâm cần phải thoát khỏi các triền cái. Công việc này được hoàn thành nhờ chứng thiền: cận định khiến cho năm triền cái chìm xuống, và sơ thiền cũng như các bậc thiền tiếp theo sẽ đẩy nó càng lúc càng xa hơn. Giải tỏa được năm triền cái tâm sẽ trở nên “nhu nhuyến, dễ sử dụng, sáng chói, không bể vụn, chơn chánh định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc.”[19]

Với khả năng tạo ra định này, thiền (jhāna) được gọi là căn bản (pda) cho quán, và bậc thiền đặc biệt nào mà hành giả nhập và xuất trước khi bắt đầu việc tu tập quán của mình thì được gọi là căn bản thiền (pādakajjhāna). Minh sát quán không thể được tu tập trong khi còn an trú trong thiền, bởi vì thiền quán đòi hỏi phải có sự thẩm sát và quán chiếu, mà điều này chắc chắn không thể thực hiện được khi tâm còn chìm đắm trong an chỉ nhất tâm. Nhưng sau khi xuất khỏi thiền , tâm được giải tỏa khỏi các triền cái, sự tĩnh lặng và trong sáng của nó lúc ấy sẽ giúp cho việc minh quán chính xác, thẩm thấu hơn.

Các bậc thiền cũng đi vào pháp hành của hành giả theo cỗ xe tịnh chỉ (samathayānika) bằng khả năng thứ nhì của nó, đó là, như các đối tượng cho minh quán thẩm sát. Việc tu tập quán chủ yếu tập trung vào sự khảo sát các hiện tượng thân và tâm hay danh - sắc để khám phá những đặc tính vô thường, khổ, vô ngã của chúng. Các bậc thiền mà hành giả đã đắc và xuất khỏi sẽ cung cấp cho vị ấy một đối tượng sẵn sàng để sử dụng và đối tượng ấy cũng rõ ràng hơn cho việc khám phá tam tướng. Sau khi xuất khỏi một bậc thiền nào đó, hành giả sẽ tiến hành khảo sát tâm thiền ấy, phân tích thành những phần tử của nó, xác định chúng theo tính chất chuẩn xác đặc biệt của chúng và phân tích cách chúng hiển thị tam tướng. Tiến trình này được gọi là Thẩm sát trí (sammasanañāṇa), và bậc thiền được dùng để Thẩm sát này được định danh là sammasitajjhāna – Thẩm sát thiền. Mặc dù căn bản thiền và thẩm sát thiền luôn luôn là như nhau, song hai thứ không nhất thiết trùng khớp nhau. Một hành giả không thể tu tập thẩm sát trên một bậc thiền cao hơn khả năng chứng đắc của họ, nhưng nếu hành giả ấy sử dụng một bậc thiền cao hơn làm căn bản thiền (pādakajjhāna) của mình thì vẫn có thể tu tập thẩm sát quán trên một bậc thiền thấp hơn mà trước đây họ đã đắc và thuần thục. Tính chất khác nhau giữa căn bản thiền và thẩm sát thiền đã được thừa nhận này dẫn đến những thuyết trái ngược nhau về định siêu thế của Thánh đạo, như chúng ta sẽ thấy dưới đây (xem phần phân tích ở dưới).

Trong khi trình tự tu tập mà vị hành giả theo cỗ xe tịnh chỉ đảm nhận không có vấn đề gì phải bàn lại, thì cái khó dường như lại nảy sanh đối với phương pháp tu tập của vị hành giả theo quán thừa. Cái khó ấy nằm ở chỗ làm sao giải thích loại định mà vị hành giả này dùng để cung cấp một căn bản cho quán. Chúng ta biết định là nhân cần thiết để thấy và biết các pháp như chúng thực sự là, nếu không có cận định hoặc an chỉ định, vị ấy có thể dùng loại định nào? Giải pháp cho vấn đề này được tìm thấy trong loại định khác với cận định và an chỉ định thuộc cỗ xe tịnh chỉ. Loại nhất tâm này được gọi là “sát na định” (khanika samàdhi). Mặc dù tên gọi của nó là vậy, sát na định vẫn không biểu thị cho một sát na định riêng lẻ nào giữa cái dòng trôi chảy của những tư duy tán loạn ấy. Đúng hơn nó biểu thị một loại định năng động trôi chảy từ đối tượng này đến đối tượng khác trong cái dòng hằng chuyển của các hiện tượng, chỉ giữ một cường độ nhất tâm và tự chủ đều đặn đủ để thanh tịnh tâm khỏi các triền cái. Sát na định khởi lên nơi vị hành giả theo cỗ xe tịnh chỉ cùng lúc với việc đắc tuệ giác sau giai đoạn thiền (post – jhānic) của vị ấy, nhưng đối với vị theo cỗ xe quán thừa, sát na định này phát triển một cách tự nhiên và tự động trong quá trình minh sát quán của vị này, trừ phi (vị ấy) phải gắn tâm trên một đối tượng đặc biệt nào đó. Như vậy, vị theo cỗ xe minh quán không hoàn toàn bỏ định ra khỏi trình tự tu tập của mình, mà chỉ phát triển nó theo cách khác với vị theo cỗ xe tịnh chỉ mà thôi. Bỏ qua các bậc thiền, vị này trực tiếp đi vào quán chiếu năm uẩn và do việc quán sát chúng liên tục từ sát na này sang sát na khác mà có được sát na định như một lực bổ sung cho sự thẩm sát của vị ấy. Sát na định này hoàn thành nhiệm vụ giống như căn bản thiền của cỗ xe tịnh chỉ, nghĩa là nó cung cấp nền tảng tâm trong sáng cần thiết cho tuệ giác phát khởi.

Tầm quan trọng của sát na định trong cỗ xe minh quán đã được các bản Chú giải và phụ Chú giải thuộc văn học cổ điển truyền thống Thượng tọa bộ xác nhận. Chẳng hạn như trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), phần luận về pháp niệm hơi thở, tuyên bố rằng: “Vào lúc thực sự minh quán, sự nhất tâm trong một sát na khởi lên do thâm nhập vào những đặc tính (vô thường, khổ, vô ngã).”[20] Chú giải của bộ luận này, Paramatthanañjūsa, định nghĩa đoạn “sự nhất tâm trong một sát na” (khanikacittekaggata) như là sự định tâm chỉ kéo dài trong một sát na, và tuyên bố: “Cũng vì lý do đó, khi sự nhất tâm trong một sát na này khởi lên không gián đoạn trên đối tượng của nó theo cách không bị pháp đối nghịch đánh bại, nó sẽ gắn chặt tâm không lay động như đang ở trong an chỉ định.”[21] Cũng tác phẩm này còn có một số tham khảo khác về sát na định. Góp ý về những nhận xét của luận sư Buddhaghosa cho rằng con đường thanh tịnh đôi khi được (đức Phật) dạy là bằng một mình tuệ quán, bộ Mahà Tikà vạch rõ rằng lời nhận xét này không hàm ý loại trừ tất cả các loại định mà chỉ muốn nói tới “các định rõ rệt” như cận định và an chỉ định. Vì thế không nên hiểu rằng không có định trong trường hợp của vị hành giả theo quán thừa, “vì không có tuệ quán nào xảy ra mà không có sát na định”[22] Ở đây, sát na định là loại định phù hợp với một người mà cỗ xe của họ là minh quán.

…Không thể có định siêu thế và tuệ siêu thế mà trước đó không có định và tuệ hiệp thế; vì (nếu) không có cận định và an chỉ định nơi một vị mà cỗ xe của họ là tịnh chỉ, hoặc không có sát na định nơi một vị mà cỗ xe của họ là minh quán, và không có Tam giải thoát môn (Gateways to Liberation)…, đạo lộ siêu thế, trong cả hai trường hợp, chẳng thể nào được đạt đến.[23]

Chú giải Trung bộ Kinh, trong một đoạn đã được trích dẫn đầy đủ ở trên, nói rằng: “Một người, với minh sát, quán năm thủ uẩn kể như vô thường, khổ, vô ngã mà trước đó không tạo ra các loại tịnh chỉ như đã nói.” Phụ chú giải của bộ chú giải này làm sáng tỏ lời tuyên bố trên bằng cách giải thích: “Sự giới hạn ‘không có tịnh chỉ’ ở đây hàm ý loại trừ cận định, chứ không phải sát na định, vì không thể có tuệ quán mà không có sát na định.”[24]

Trái với định thuộc các bậc thiền, sát na định là một loại nhất tâm di động tập trung vào sự tương tục không gián đoạn của tâm nhằm ghi nhận chuỗi nối tiếp của các đối tượng đang trôi chảy như thể gắn chặt nó vào an chỉ định, đồng thời cô lập các triền cái vào một chỗ và tăng cường sức mạnh của thanh tịnh tâm. Vì lý do này, sát na định có thể được hiểu như ngầm kể trong cận định theo những định nghĩa tiêu chuẩn về sự thanh tịnh tâm như đã kể ở cận định và an chỉ định.

 

[1] PP., p. 479-489. Vism., p. 369-375.

[2] PP., p. 479. “Kusalacittasampayuttam vipassannnam paññā”

[3] “Dhammānam sabhāvapativedhalakkhanā paññā. Dhammnam sabhāvapaticchādaka mohàndhakavidham sanarasā, asammohapaccuppatthānā; samàhito yathābhūtam jānāti passati ti (AN., 5:3). Vacanato pana samādhi tassa padatthānam”. Vism., p. 370 

[4] Xem Vism., chapter XXIII

[5] Minh sát quán hay minh quán (insight – contemplation) là để phân biệt với loại quán tưởng trong thiền định.

[6] DN. 2:290

[7] PP., p. 679-680 Vism. p.503

[8] Xem vism., T. 2:474

[9] AN. 2: 92-93.

[10] AN A. 2: 325

[11] “Con đường”, theo Chú giải thì đó là Sơ đạo hay Tu đà hoàn đạo (The first supramundane Path)

[12] Chỉ quán gắn liền nhau, theo Chú giải là “Vào lúc chứng đắc, vị ấy tịnh chỉ các hành. Vào lúc tịnh chỉ các hành, vị ấy cũng chứng đắc. Như thế nào? Vị ấy đắc sơ thiền, xuất khỏi sơ thiền vị ấy tịnh chỉ các hành và đắc nhị thiền. Xuất khỏi nhị thiền, … Cho đến khi đắc các siêu thế đạo.”

[13] AN. 2: 157

[14] MN. A. 1: 112

[15] MN. A. 1: 112

[16] MN. T. 1: 204

[17] AN. T. 2: 344

[18] Xem lại chương III, trang 52

[19] Ibid. p. AN. II. P. 328

[20] PP., p. 311-312. Vism., p. 239

[21] PP., p. 311-312. Vism. T. 1:342

[22] PP., p.2 Fn3. “Nahi khanikasamàdhim vinà vipassanà sambhavati.” Vism. T. 1:11

[23] PP., p.3 Fn 4. Vism., T. 1:15

[24] MN. T. 1:204


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn