(Xem: 1488)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 1857)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 09 - Lễ bái sáu phương

03 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 14052)

Chương 09

Lễ bái sáu phương 


blank

Đức Phật giảng dạy cho Sīngāla (Thiện Sinh) về ý nghĩa thực sự của việc lễ bái sáu phương.

Trong lúc ấy, hai thương gia Tapussa và Bhallika, hai người đệ tử đầu tiên của Đức Phật, tiếp tục cuộc hành trình đi về thành Kapilavatthu. Nơi đây, họ tường thuật lại với mọi người rằng họ đã được gặp Thái tử Siddhattha ở Uruvela, và rằng, đúng như lời tiên tri, Ngài đã thật sự trở thành một vị Đạo Sư lỗi lạc, Ngài quả là một vị Đạo Sư vĩ đại nhất trên thế gian, một bậc Giác Ngộ, một vị Phật. Và họ còn nghe tin rằng Ngài sắp về đến Kapilavatthu. Không bao lâu sau khi Đức Phật đã gởi tất cả sáu mươi vị A La Hán đi thuyết pháp khắp nơi, Ngài cũng rời Vườn Nai ở Isipatana, đi về phương Nam hướng nước Magadha, cuối cùng về đến Uruvela.

Ngài lưu lại đây một thời gian, đàm luận với một số đạo sĩ môn đồ của Kassapa (Ca Diếp) hiện đang cư ngụ tại đây. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, chính Kassapa - người lãnh đạo và cũng là thầy của những đạo sĩ này - công nhận giáo pháp của Đức Phật là Chân Lý và ông xin Đức Phật cho được gia nhập vào Tăng đoàn. Sau đó, do công phu tu tập thiền định theo lời Đức Bổn Sư giảng dạy, Ngài chứng thánh quả A La Hán. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Ngài là một trong những vị A La Hán chính yếu đã kết tập và truyền thừa kinh luật nguyên thủy được chính xác vẹn toàn. Nhưng rồi Đức Phật lại rời Uruvela, tiếp tục cuộc lữ hành về hướng Rājagaha - kinh đô của xứ Magadha. Giữ lời hứa của Ngài với vua Bimbisāra rằng khi đã chứng ngộ Chân Lý, Ngài sẽ đến thuyết pháp cho Vua và thần dân của người. Vua Bimbisāra và thần dân vô cùng hân hoan đón tiếp Ngài, nay đã là một vị Phật.

Ngài ngụ lại nơi đây nhiều ngày, trong một khu rừng tre gần kinh thành, giáo huấn và thuyết pháp với một từ tâm và uy lực vĩ đại nên Vua cùng tất cả thần dân đều đón nhận được trọn vẹn Giáo pháp và trở thành đệ tử của Ngài. Để tỏ lòng kính trọng và tri ân Tam Bảo, nhà vua cúng dường lên Đức Phật vườn tre mà nơi đây nhà vua cho kiến thiết một tu viện khang trang, Trúc Lâm Tịnh Xá, để Đức Phật và tăng chúng luôn luôn có một nơi an cư vào mùa mưa. Một ngày nọ khi Đức Phật rời Trúc Lâm Tịnh Xá để đến khất thực ở Rājagaha, Ngài thấy một thanh niên ướt sũng nước như vừa tắm xong, đứng giữa đường vái lạy bốn hướng đông tây nam bắc và trên thiên dưới địa, vừa bái xá vừa rải những hạt gạo. Đức Phật quan sát hành động lạ lùng của người thanh niên. Ngài cất tiếng hỏi chàng thanh niên vì sao lễ bái sáu phương như vậy.

Người thanh niên nói chàng đang thực hành những gì người cha già của mình dạy phải làm mỗi buổi sáng để tránh được tất cả ma chướng có thể đến mỗi ngày từ bốn phương, hay từ các chư thiên trên trời, hoặc từ loài yêu quái dưới đất. Đó là lời yêu cầu cuối cùng của cha chàng, trối trăn trong cơn hấp hối, vì vậy chàng không thể không thực hiện lời di huấn này. Và mỗi ngày qua đi, từ lúc cha chàng qua đời, chàng đã tận tụy trung thành giữ lời hứa với cha, không ngưng nghỉ một buổi nào. Đức Thế Tôn nghe xong, Ngài bảo chàng thanh niên: “Con đã làm một điều rất đúng là giữ lời hứa với người cha hấp hối và hết lòng thực hiện lời trối trăn đó. Nhưng việc con đang làm không thật sự là điều cha con mong mỏi đâu.

“Khi cha của con dặn phải cúi lạy và cúng dường gạo về phương Đông, đó là người muốn con nể trọng và tôn kính những người đã ban cho con sự sống, tức là cha mẹ của con. Lễ bái phương Nam là vì muốn con tôn sùng và kính trọng những vị thầy đã truyền dạy cho con kiến thức. Lễ bái phương Tây để tỏ lòng yêu thương chăm sóc vợ con của con. Lễ bái phương Bắc là cha con muốn con biết quý trọng quyến thuộc và bằng hữu, giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn. “Lễ bái thiên là vì muốn con tôn thờ những gì tốt đẹp, thánh thiện và cao cả. Lễ bái địa, cha con muốn con biết kính trọng quyền sống của mọi chúng sanh, kể cả những loài vật bé nhỏ nhất hay hung bạo nhất. “Đó mới thật là làm những gì mà cha con mong mỏi con thực hiện để không một ác pháp, một hiểm họa nào có thể đến với con trong mỗi ngày, từ một góc cạnh nào của cuộc đời.”

Tiếp theo đó Đức Phật ban thêm cho Sīngāla - tên chàng thanh niên - vài lời khuyên nhủ nên sống như thế nào để đời sống của mình cũng như những người chung quanh được an lành hạnh phúc trong hiện tại cũng như trong tương lai. Ngài bảo Sīngāla nên giữ Ngũ Giới: không sát sanh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm, và không dùng những chất say và độc dược. Ngài dạy chàng tránh làm bạn với những kẻ dữ dằn trộm cướp và nên giao duyên kết nghĩa với những bậc thiện hữu. Ngài cũng dạy chàng phải làm việc chăm chỉ tận tụy để gầy dựng tài sản, biết giữ gìn của cải đã tạo nên, nhưng cũng không tham lam ích kỷ giữ chặt cho riêng mình, cũng không tiêu xài hoang phí, hoài của không tính toán. Phải biết sử dụng một phần tư tài sản để nuôi dưỡng bản thân và vợ con, một phần tư tài sản thì dùng vào việc xây dựng và bành trướng cơ sở làm ăn, một phần tư tài sản để giúp những ai cần sự giúp đỡ, và phần còn lại phải dành dụm đề phòng cơn hoạn nạn tai biến.

Sīngāla kính cẩn lắng nghe tất cả những lời khuyên nhủ của Đức Phật. Rồi chàng thú nhận rằng khi cha chàng còn sống, người thường kể cho chàng nghe về Đức Phật, ca ngợi Ngài là một bậc Đạo Sư lỗi lạc. Cha chàng đã từng cố gắng thuyết phục chàng đi tìm gặp Đức Phật để nghe Ngài thuyết pháp; nhưng chàng từ chối, viện cớ rằng cuộc hành trình thật quá nhiêu khê và chỉ làm cho chàng mệt mỏi và rằng chàng cũng không có thì giờ và tiền bạc để phí phạm cho những đạo sĩ như Gotama. Rồi Sīngāla xin Đức Phật từ bi tha thứ cho những suy nghĩ sai trái trước kia của mình, và xin nhận chàng làm đệ tử. Chàng hứa với Đức Phật rằng từ nay đến hết quãng đời còn lại, chàng sẽ lễ bái sáu phương hướng đúng theo ý nghĩa chân chánh như lời giảng dạy của Đức Phật. Những lời Đức Phật dạy Sīngāla buổi sáng trên đường phố Rājagaha này được trích từ Kinh Siṅgalovāda Sutta (Kinh Giáo Thọ Sīngāla) trong Trường Bộ Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn