(Xem: 1823)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2280)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 15 - Pháp Bảo

04 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 12328)

Chương 15

Pháp Bảo


blank

Đức Phật giáo hóa chúng sinh với đủ mọi căn cơ và ở đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội

Là con của một vị vua, vốn quen thuộc với những nghi lễ của vương triều, Đức Phật lúc nào cũng toàn hảo và đường bệ ung dung giữa hoàng cung, trước bao nhiêu vua chúa, tướng lãnh và đạo sư. Ngài có thể một mình đàm luận với họ, cả những vị thông thái uyên bác nhất, và lúc nào cũng để lại trong lòng họ những ấn tượng thú vị, tốt lành với những gì họ được nghe từ Ngài.

Đến lúc thành một vị Phật, tiếp xúc với thường dân trên đường hành đạo, Ngài lại có thể trò chuyện cùng họ bằng những ngôn từ bình dị chân phương. Suốt cuộc bộ hành vạn nẻo, Ngài luôn sẵn sàng đàm đạo với bất cứ ai Ngài gặp qua hay bất cứ ai muốn trò chuyện cùng Ngài, từ nông dân, thợ rèn, đến người sửa xe, thợ cắt tóc…

Một ngày nọ Đức Phật đi ngang qua một cánh đồng lúa và gặp một người nông dân đang cày ruộng. Ông ta ngừng tay, bắt chuyện với Ngài về trâu bò, cày bừa, hạt giống và mùa màng ông ta đang mong thu gặt trong năm nay.

- Bác biết không, Đức Phật nói, Như Lai cũng là một nông phu như bác, và cũng có tất cả những gì cần thiết để canh tác thửa ruộng của Như Lai, cả hạt giống nữa.

- Tôn giả mà cũng là nông dân à! Người ấy ngạc nhiên thốt lên. Vậy tôn giả để trâu bò, cày cuốc và các dụng cụ cần thiết khác ở đâu rồi?

“Tất cả đang ở đây với Như Lai - Đức Phật từ tốn trả lời. Hãy lắng nghe, Như Lai sẽ kể hết cho bác nghe.

“Hạt giống của Như Lai là hạnh nguyện, sự hiểu biết và lòng thương yêu. Những cơn mưa tưới nhuần cho hạt giống đâm chồi nẩy lộc tươi tốt là bao thiện nghiệp mà Như Lai không ngừng vun bồi cho đến ngày thành Chánh Quả.

 “Ách của Như lai là tri thức, thân cày là trí tuệ. Dây cương lèo lái là Chánh Niệm. Lưỡi cày là sức tinh tấn giúp Như Lai san bằng bất thiện pháp.

Tay cầm của cày là Chánh Pháp giúp Như Lai diệt trừ ác pháp và vun bồi thiện pháp. “Khi bác cày ruộng, bác xới bứng và dẹp sạch cỏ dại. Cũng như vậy, một người thấu hiểu Tứ Diệu Đế xới bứng và dẹp sạch tà tâm vọng niệm.

“Chiều tối, khi việc đồng áng đã xong, bác gỡ ách khỏi cổ trâu bò và thả chúng đi tùy ý. Cũng như vậy, bậc thiện trí gắn bó với sự toàn thiện và từ bỏ những gì bất thiện. Nếu trâu bò phải tận công tận sức, quần quật cày bừa trên thửa ruộng của bác, thì bậc thiện trí cũng gắng công cật lực lật tung, khai hoang tâm thức vô minh, để đạt được quả vị Niết Bàn. Nếu người làm ruộng ra sức cần cù dẹp sạch cỏ hoang để chuẩn bị cây giống, thì bậc thiện trí cũng nỗ lực tận diệt đau khổ phiền não.

“Nhưng người gia công trên cánh đồng lúa thường thất vọng vì mùa màng gặt hái từ công sức kia không được như ý, lắm khi phải lâm cảnh đói nghèo. Ngược lại, người hạ thủ công phu trên cánh đồng trí tuệ không bao giờ thối chí sẽ chắc chắn gặt hái được quả lành, vô cùng an vui và thỏa nguyện trọn vẹn khi thành tựu Niết Bàn. Như thế đó, hỡi bác nông dân, Như Lai cũng là một nông dân. Và, cũng như thế đó, đây là phương cách Như Lai gia công làm việc.”

Người nông dân vô cùng hoan hỷ sau khi nghe bài pháp ngắn của Đức Phật, ông liền thỉnh cầu Ngài nhận cho ông cũng được phép gia công cày cấy trên thửa ruộng Giáo Pháp. Từ đó ông theo chân Đức Phật thuần thành tu học đến trọn đời.

Có một nhân sĩ đến thỉnh pháp Đức Phật, muốn được nghe giảng về con đường đưa đến cõi Niết Bàn - cõi của chân hạnh phúc cao thượng Đức Thế Tôn chỉ vẽ những phương cách đơn giản thiết thực qua bài Kinh Hạnh Phúc (Maṅgala Sutta) như sau:

Không xu theo kẻ ác,

Thân cận bậc hiền nhân

 Phụng sự bậc đáng kính

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Được ở chỗ xứng ở

Thành tựu nhiều điều lành

Thân ý theo nẻo chánh

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Được nghe nhiều, học rộng

Thiện xảo nghề tại gia

Giới hạnh luôn vun rèn

Khéo nói lời chánh ngữ

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Phụng dưỡng đấng song thân

Chăm lo nuôi con, vợ

Hành nghề không nghiệp dữ

 Ấy hạnh phúc cao thượng.

Năng hành hạnh bố thí

Luôn giữ điều thiện lành

Thường giúp đỡ bà con

Chỉ làm đúng chánh nghiệp

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Tránh lỗi thân, khẩu, ý

Thu thúc cử chất say

Không lơ là việc thiện

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Tôn kính bậc khả kính

Khiêm nhu với mọi người

Tri túc trong mọi cảnh

Biết ơn mọi chúng sanh

Thích tùy thời nghe Pháp

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Hành nhẫn nhục kiên trì

Vâng lời hành trưởng thượng

Năng gặp bậc thánh trí

Biết luận pháp tùy thời

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Cố đoạn trừ tâm ác

 Sống phạm hạnh sạch trong

Thấy được pháp Tứ Đế

 Chứng ngộ được Niết Bàn

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Tám gió không lay động

Không uất ức muộn phiền

Tẩy trừ mọi ái nhiễm

Luôn tự tại bình an

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Nhân, thiên nào thành tựu

Tất cả các pháp trên

Sẽ là bậc chiến thắng

Ở mọi lúc, mọi miền

Ấy hạnh phúc cao thượng.

Một ngày nọ khi Đức Phật đang an cư ở một ngôi làng nhỏ, dân làng đến viếng thăm, đảnh lễ và thưa lên Đức Phật rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, chúng con biết Ngài là một vị đạo sư cao cả, đã giảng dạy hướng dẫn rất nhiều đệ tử hàng xuất gia theo chân Ngài sống đời sống khất sĩ rày đây mai đó.

“Chúng con không thuộc giới tăng sĩ phạm hạnh ấy. Chúng con chỉ là hàng tại gia bình thường, yêu vợ thương con, lấy cày cấy chăn nuôi buôn bán làm kế sinh nhai, và an hưởng bất cứ thú vui trần thế nào đến trong tầm tay.

“Chúng con sử dụng vàng bạc. Những ngày lễ hội chúng con thích trang sức chưng diện bằng châu báu kim hoàn và bông hoa. Chúng con còn dùng các loại dầu thơm hay xạ hương để thân thể được thơm tho dễ chịu.

“Chúng con đi theo những con đường thế tục bình thường. Như thế đó, vậy thì, Bạch Đức Thế Tôn, giáo pháp của Ngài có điều gì hay đẹp, thích hợp với căn cơ cho hàng cư sĩ, có thể giúp chúng con tìm được hạnh phúc ngay trong kiếp sống này cũng như trong những kiếp về sau.

“Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài rũ lòng bi mẫn giảng dạy phần giáo pháp đó để chúng con được lắng nghe, theo đó mà tu tập và thọ hưởng lợi lạc.”

“Này chư vị tại gia - Đức Phật nói - có bốn pháp hành mà một người thầy như Như Lai cần giảng dạy hướng dẫn cho chư vị cũng như bất cứ ai không thuộc về hàng xuất gia được biết đến và tu tập theo. Hãy lắng tâm, Như Lai sẽ nói cho chư vị nghe.

“Thứ nhất, với bất cứ nghề nghiệp nào giúp cho chư vị kế sinh nhai, phải luôn luôn hết sức tận tụy với nghề nghiệp đó để việc làm có hiệu quả. Là một nông gia, hãy luôn cố gắng cần mẫn, vun bồi ruộng nương mầu mỡ tốt tươi. Là một thương gia, phải sáng suốt, cập nhật và xông xáo trên thương trường. Là người làm công, cần sự đáng tin cậy và trung thành với chủ. Phải luôn năng động và nhiệt huyết để gặt hái được những thành quả tốt đẹp toàn hảo nhất, trong bất cứ công việc gì chư vị làm. Có như vậy, chư vị sẽ thu thập được của cải tài sản và có thể dùng nó vào việc công ích phước thiện nữa - giúp đỡ những ai khốn khó cần sự giúp đỡ.

Nếu không tận lực tận công để có được tài sản, sẽ mất đi một cơ hội hành thiện nghiệp bằng hạnh bố thí và tài trợ giúp đỡ người khác.

“Thứ hai, phải biết bảo vệ và sử dụng đúng cách những tài sản vật chất đã thu nhập được, không phí phạm vô ích. Chẳng lợi lộc gì khi đổ nước vào một cái hủ có lỗ ở dưới đáy để rồi nước cũng thoát hết ra ngoài. Tạo dựng được cơ nghiệp là việc tốt, nhưng cũng cần thiết không kém là sự cẩn trọng không để những gì tạo dựng được bị mất đi vì lãng phí và thiếu khôn ngoan.

“Thứ ba, ở đời sống thế tục phải biết chọn bằng hữu và người thân cận tốt. Người ta thường thay đổi tâm tánh theo những ai họ giao du. Gần thiện nhân, có cơ hội trở thành người tốt. Gần bạn ác, cơ hội thành người xấu tật sẽ đến. Gần mực thì đen. Vì vậy quý cư sĩ nên năng thân cận với những người hiền, thiện trí, khoan dung độ lượng, và vững tin vào điều thiện lành. Như vậy quý vị sẽ có được cơ duyên trở thành bậc hiền nhân cao thượng như họ.

“Thứ tư, giới tại gia cần giữ một lối sống điều độ và phải chăng. Tránh sự keo kiệt bủn xỉn cũng như phung phí phóng túng thái quá. Không nên tiêu xài hay tài trợ ai quá khả năng tài chính của mình. Bằng không, của cải sẽ như một cái hồ nước có nhiều mạch chảy đi hơn nguồn chảy đến, không chóng thì chầy sẽ khô cạn. Cũng như vậy một người tiêu xài nhiều hơn thu thập dành dụm thì một ngày sẽ nghèo túng. Nhưng nếu người ấy biết cẩn trọng, khi chi tiêu cho mình và gia đình hay khi bố thí cúng dường luôn luôn cho ra ít hơn thu nhập đôi chút, thì cái hồ tài sản cơ nghiệp của người sẽ không bao giờ cạn nước. Lúc nào cũng phải giữ lại một số nước cần thiết, nghĩa là một số của cải tối thiểu, phòng khi mưa nắng thất thường hay khi hữu sự.

“Tuy vậy không có nghĩa là không chịu sử dụng triệt để tài sản của mình, cũng không có nghĩa là phải đầu cơ tích trữ, dấu diếm hay không chi dụng của cải. Tham lam keo kiệt như thế ví như người có được một cây trĩu quả trong vườn, nhưng thay vì ăn quả khi vừa chín tới, người ấy cất giữ tất cả trong hộp kín. Một ngày nào đó người sẽ tìm thấy trái đã ung thối hết và chẳng được chút lợi lộc nào.

“Này chư vị cư sĩ - Đức Phật kết thúc bài pháp - đó là bốn pháp hành có công năng đem đến cho chư vị sự thành công và sung túc trong đời sống này nếu quý vị tiến hành theo. Bây giờ thì Như Lai sẽ nói cho chư vị nghe bốn pháp hành có công năng đem đến cho chư vị những thành quả tốt lành cao thượng nhất trong tương lai.

 “Đó là, thứ nhất là lòng tin vững chãi vào luật nhân quả: nhân lành gặt quả lành, nhân ác gặt quả dữ. “Thứ hai là sự chuyên cần tinh tấn hành thiện nghiệp và tránh bất thiện nghiệp, như sát sanh, trộm cướp, nói dối, tà hạnh hay dùng các chất say.

“Thứ ba là hành hạnh bố thí cúng dường rộng rãi để từ nhân lành đó mà học được hạnh xả bỏ tham ái.

“Thứ tư là sự thành đạt trí tuệ tức là biết được và đi theo con đường giải thoát dẫn đến Niết Bàn.”

Sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng các pháp hành đơn giản và thiết thực cho hàng cư sĩ tu tập theo để được lợi lạc ngay trong kiếp sống này và cả về sau, dân làng vô cùng hoan hỷ.

Một trong những bài pháp dài nhất đã được Đức Thế Tôn thuyết giảng không phải cho một người dân dã bình thường, cũng không cho một vị tăng đồ của Ngài, mà là cho một vì quốc vương - vua Ajātasattu (A Xà Thế) xứ Magadha (Ma Kiệt Đà).

Vua Ajātasattu không phải là một người hiền lành nhân hậu. Thật vậy, ông là một kẻ sát nhân, giết hại chính cha ruột của mình là vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) - trước kia từng là đệ tử và là một trong những bậc thiện hữu đầu tiên của Đức Thế Tôn khi Ngài vừa thành Phật. Để đoạt ngai vàng của phụ vương, Ajātasattu đã không ngần ngại thi hành một tội ác tàn độc, đại bất hiếu là bỏ đói cha mình trong ngục tù cho đến chết.

Một đêm trăng tròn nọ, đang ngự ở hoàng cung, vua Ajātasattu thấy buồn phiền không biết làm sao khuây khỏa. Vua bèn quyết định đến viếng Đức Phật lúc ấy đang ở một lâm viên gần hoàng cung do y sĩ Jīvaka cúng dường lên Đức Phật và Chư Tăng.

Đến nơi, vua gặp Đức Thế Tôn đang ngồi yên lặng giữa các vị tỳ kheo. Sau khi đảnh lễ và vấn an Đức Phật, vua ngồi xuống, thỉnh pháp vị Đại Đạo Sư về những lợi lạc và thành quả mà một vị tăng sống đời tu hành đạt được.

“Sống đời xuất gia phạm hạnh như các vị sa môn ở đây thì có được lợi lạc gì? Vua Ajātasattu hỏi. Trẫm đã hỏi rất nhiều các bậc đạo sư trưởng thượng câu hỏi này, nhưng Trẫm vẫn chưa bao giờ được nghe một lời giải thích thỏa đáng nào. Họ hay trả lời vòng vo không liên quan gì đến điều Trẫm hỏi, cứ như một người muốn biết về trái ấu mà lại được trả lời toàn về quả xoài. Vì vậy, Bạch Đức Thế Tôn, Trẫm sẽ rất thỏa thích nếu được nghe lời giải đáp từ Đức Thế Tôn.”

 Sau một vài nghi thức thăm hỏi ngắn gọn, Đức Phật đi thẳng vào câu trả lời cho thắc mắc của vua Ajātasattu. Ngài giảng giải thật cặn kẽ về tất cả những lợi lạc và thành quả được đơm hoa kết trái trong kiếp hiện tiền và kiếp tương lai, khi một người xuất gia sống đời phạm hạnh.

Khi Đức Phật chấm dứt bài thuyết giảng dài nhưng thật mạch lạc tường tận và súc tích, vua Ajātasattu vô cùng mãn nguyện. Vua thưa lên Đức Thế Tôn rằng tất cả những gì Ngài dạy là chân thật, là chánh pháp. Vua còn nói: đời sống xuất gia quả là mục tiêu cao thượng tốt đẹp nhất của con người nếu thành tâm phát nguyện sống đời sa môn, theo chân một vị thầy vĩ đại như Đức Phật để tu học. Và Vua thỉnh cầu Đức Phật nhận vua làm đệ tử của Ngài.

Sau khi vua từ biệt quay về hoàng cung, Đức Thế Tôn nói với Chư Tăng ngồi quanh Ngài:

“Này Chư Tăng, vị vua này đã được động tâm ngay khi Như Lai đang thuyết giảng cho ông nghe. Này Chư Tăng, nếu không vì phạm đại tội bất hiếu thảm sát cha mình, thì ngay lúc động tâm đó, tại chỗ vua vừa ngồi đây, vua đã đủ căn cơ và thiện duyên để được khai thị chánh pháp, từ bỏ ngai vàng thọ giới xuất gia, và thành đạt quả A La Hán.”

Bài pháp dài nhất này của Đức Phật nằm trong Tạng Pali của Kinh Trường A Hàm (Dīghanikāya, Sutta Piṭaka), được gọi là Kinh Sa Môn Quả (Sāmaññaphala Sutta).

Và sau đây là bài pháp ngắn nhất Đức Phật đã thuyết giảng.

Một lần nọ có người hỏi Đức Phật rằng: “Vật bố thí cúng dường nào được xem là cao quý nhất? Thực phẩm nào ngon miệng nhất? Cái gì đem đến sự thú vị, niềm hạnh phúc lớn lao nhất? Điều gì thích hợp nhất để dập tắt được luyến ái đam mê?”

Và Đức Phật đã dùng chỉ một chữ để trả lời cho cả bốn câu hỏi ấy: “Giáo Pháp.”

Người hỏi bốn câu ấy thỉnh cầu Đức Thế Tôn giải thích thêm về câu trả lời của Ngài. Đức Phật dạy:

“Bố thí cúng dường, dù là một hạnh tốt phải hành trì, nhưng tự một mình nó không thể đưa hành giả đến con đường giải thoát: chỉ có Giáo Pháp mới làm được điều ấy. Vì vậy, truyền bá Giáo Pháp, hay bố thí pháp mới là sự bố thí cúng dường cao thượng nhất.

“Cũng như vậy, kinh qua sự học hỏi và thực hành Giáo Pháp, tâm ý hành giả sẽ tràn đầy hỷ lạc và hương vị pháp bảo cao quý, bởi nó tận diệt được mọi tham ái đam mê - nguồn gốc của đau khổ - và nhờ vậy, khi đau khổ chấm dứt, hành giả đạt được quả vị Niết Bàn. Như thế, Giáo Pháp là thực phẩm có hương vị ngon quý nhất, là chân hạnh phúc lớn lao nhất, và là thiện pháp thích hợp nhất để dập tắt tham ái.

 “Cho nên, hãy truyền bá Giáo Pháp đến toàn nhân loại vì như vậy các vị bố thí, cúng dường thứ thực phẩm cao quý nhất đến tất cả các chúng sanh ở cõi người cũng như cõi trời.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn