(Xem: 1823)
Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại Vô Nôn Thiền Tự, California USA
(Xem: 2279)
Đại Lễ Vesak 2023 (Tam Hợp) đã được cử hành long trọng tại Vô Môn Thiền Tự USA, ngày 11 tháng 6 năm 2023. Theo Tam Tạng giáo điển Pali của Phật giáo Nam tông (Nam truyền Thượng tọa bộ), ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Bồ Tát Đản sanh, Thành đạo và Phật nhập Niết bàn, Phật giáo thế giới gọi ngày ấy là lễ "Tam Hợp", ngày lễ Vesakha. ngày rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Ngày nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm tháng Tư, ngày đại lễ Tam Hợp, Phật tử Việt Nam cũng như Phật tử trên thế giới đều hướng tâm về đức Phật.

-Chương 17 - Đề Bà Đạt Ta

04 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 14533)

Chương 17

Đề Bà Đạt Ta


blank

Đức Phật rải tâm từ cho voi dữ Nālāgirī do Đề Bà Đạt Ta sai đến sát hại Ngài.

Đức Phật có một đệ tử Ngài đặc biệt thương mến và, để đền đáp, vị đệ tử này cũng dành riêng cho thầy của mình một lòng yêu kính tột cùng, đó là Đại Đức Ānanda - em họ của Đức Phật. Thật vậy, khi Đức Phật năm mươi mốt tuổi và thân bắt đầu cảm nhận sự mệt nhọc của tuổi tác chất chồng, Ngài chọn Đại Đức Ānanda làm thị giả.

Qua Ānanda, Ngài truyền đạt chỉ thị đến các vị tỳ kheo khác. Khi Chư Tăng muốn thăm viếng hay thỉnh pháp Đức Phật, họ phải thông qua Đại Đức Ānanda trước. Lắm khi có những thỉnh nguyện không chắc được Đức Phật chấp thuận hay không, họ nhờ Đại Đức Ānanda thay mặt đưa lên Đức Phật, vì họ biết Đức Phật thương mến Đại Đức nên có nhiều hy vọng thỉnh cầu của họ sẽ được Ngài chấp thuận.

Đức Phật có một người em họ khác cũng xuất gia làm đệ tử của Ngài, nhưng vị này lại có tính khí và thiên hướng đối với thầy của mình hoàn toàn trái ngược với Đại Đức Ānanda. Chẳng những không tận tình chăm sóc và một lòng một dạ phục tùng Đức Thế Tôn, ông còn đố kỵ ganh ghét Ngài và muốn chia rẽ Tăng Đoàn quy phục quanh Ngài. Người em họ xấu ác này của Đức Phật là Devadatta (Đề Bà Đạt Ta). Là một vương tử của Kapilavatthu, ông rất kiêu hãnh về huyết thống hoàng tộc của mình.

Sau khi ông trở thành tỳ kheo một thời gian, Sāriputta và Moggallāna gia nhập Tăng Đoàn. Với căn cơ lãnh hội giáo pháp thâm hậu và nhiều khả năng xuất chúng, hai vị được Tăng Chúng nhanh chóng biết đến, trọng vọng và tôn xưng là “cánh tay phải và cánh tay trái của Đức Phật.”

Thấy vậy Đại Đức Devadatta rất ganh ghét. Ông bực bội và tức giận trước lòng kính ngưỡng dành cho hai vị Đại Đức gia nhập Tăng Đoàn sau ông, xuất thân từ hàng dân giả tầm thường; trong khi ông thì dòng dõi đế vương lại còn là em họ của Đức Phật nữa. Đối với ông, sự kính ngưỡng này là một ưu đãi bất công. Quá phẫn nộ, ông rời bỏ Tăng Đoàn và Đức Thế Tôn, đi đến thành Rājagaha để kết thân với vị thái tử trẻ tuổi Ajātasattu, con trai của vua Bimbisāra xứ Magadha, và là người sẽ kế vị ngai vàng.

Khi đến Rājagaha, ông khoác lên người một dáng vẻ thật trang nghiêm uy nghi, và vì vậy thái tử Ajātasattu bị chinh phục, nghĩ rằng: “Oai nghi thay! Đây quả là một vị tỳ kheo cao quý.” Ngưỡng mộ phong thái của Devadatta, Thái tử cho xây dâng tặng ông một tu viện lớn ở cận thành. Devadatta trụ trì tu viện này, và Thái tử trở thành một thí chủ thuần thành sùng tín của ông.

Năm tháng trôi qua. Một dịp nọ, trên đường hoằng pháp rày đây mai đó, Đức Phật trở lại Rājagaha. Devadatta viếng thăm Ngài, và xin phép được thành lập một Tăng Đoàn riêng của ông, biệt lập, không bao gồm những tỳ kheo tùng phục Đức Phật như một đạo sư. Đức Phật từ chối thỉnh cầu của Devadatta. Ngài nói sự chia rẽ Tăng Đoàn không phải là một điều tốt. Devadatta đôi lần nữa hỏi xin, Đức Phật vẫn không chấp thuận.

Lòng ganh tức đố kỵ Đức Phật của Devadatta biến thành hận thù cay đắng, ông quyết định thành lập Tăng Đoàn của riêng ông, mặc Đức Phật cho phép hay không. Trên tiến trình thực hiện, ông đã thành công trong việc lôi kéo được sự ủng hộ của thái tử Ajātasattu. Nhưng cha của Thái tử, vua Bimbisāra, phản đối dự định của Devadatta, Ngài một lòng trung kiên thuần phục Đức Thế Tôn.

Lúc bấy giờ, Devadatta giả tạo những nguyên tắc sống thật tinh cần, khổ hạnh và tiết chế cho mình với mục đích hoàn toàn thu phục thái tử Ajātasattu để Thái tử sẵn sàng thi hành bất cứ điều gì ông xui khiến. Khi thời cơ chín muồi, Devadatta thuyết phục Thái tử Ajātasattu: nên khử trừ phụ vương mình để chiếm ngôi vua, lúc ấy sẽ không còn ai ngăn trở Thái tử thực hiện những ước muốn của mình và còn có thể giúp ông hoàn thành kế hoạch lập một Tăng Đoàn mới.

Thái tử Ajātasattu nghe theo những lời khuyến dụ tội lỗi ác độc của Devadatta, dự định giết cha. Thái tử tuy không dám đột ngột hạ sát cha bằng tên nhọn hay gươm giáo vì sợ làm cha đổ máu, nhưng lại dùng một cách khác tàn độc vô cùng. Ông biệt giam vua Bimbisāra trong ngục cấm và ra lệnh bỏ đói người cho đến chết. Vua Bimbisāra cuối cùng đã băng hà trong ngục thất, dù Hoàng hậu đau khổ của Vua đã dùng đủ cách lén lút đem thực phẩm vào cố gắng nuôi sống chồng. Ajātasattu nhúng tay vào nghiệp tội đại ác để tiếm đoạt ngai vàng này vào lúc sự nghiệp hoằng pháp của Đức Phật đã được ba mươi bảy năm.

Devadatta giờ đây có trong tay tất cả quyền lực hằng mơ ước. Vị vua mới và cũng là một người bạn, một tín đồ trung kiên, sẵn sàng thỏa nguyện Devadatta bất cứ việc gì. Không bao lâu sau, Devadatta có một đội sát thủ bắn tên do vua Ajātasattu quy tụ cho. Ông trả công thật hậu hĩnh cho họ để tìm cách hạ sát Đức Phật.

Nhưng khi những sát thủ đến nơi Phật cư ngụ, họ thấy Ngài đang tọa thiền, tĩnh lặng, nhu hòa mà thật uy nghi. Kính sợ trước vẻ oai nghiêm của Đức Phật, họ buông bỏ cung tên, đến bên Ngài và quỳ xuống đảnh lễ. Đức Phật hỏi chuyện, giây lâu sau họ thú tội và cầu xin Đức Thế Tôn tha thứ. Đức Phật từ tâm vô lượng, có bao giờ bắt tội ai. Các sát thủ cảm kích, xin phát nguyện làm đệ tử của Ngài đến trọn đời.

Khi Devadatta biết được đội sát thủ của ông, thay vì ám sát Đức Phật, đã quy phục thành đệ tử của Ngài, ông giận dữ cuồng nộ, dự trù âm mưu sát hại mới mà lần này ông sẽ đích thân hạ thủ.

Ở gần tu viện nơi Đức Phật đang cư ngụ có một ngọn đồi. Ngài thường kinh hành dọc con đường men theo chân đồi, Devadatta đã lén ẩn núp bên trên chờ cơ hội ám sát Ngài.

Thấy Đức Phật bước vào đúng hiểm địa như dự tính, Devadatta từ trên cao đẩy một tảng đá lớn xuống sườn đồi để nghiền nát Đức Phật. Nhưng khi tảng đá lớn đang lăn xuống ngay đỉnh đầu Đức Phật, nó chạm phải một tảng đá lớn khác bên dưới và vỡ nát vụn. Một mảnh nhỏ, sắc nhọn văng vào bàn chân Đức Phật, gây thương tích. Vết thương không trầm trọng lắm và Ngài có thể đi bộ về tu viện. Nơi đây, y sĩ Jīvaka băng bó và xức thuốc cho Ngài. Đến sáng hôm sau thì chân Ngài đã bình phục. Devadatta lại một lần nữa thất bại trong âm mưu hãm hại Đức Phật.

Nhưng Devadatta vẫn còn mang cuồng vọng thủ tiêu Đức Thế Tôn. Bởi vì, si mê thay, ông tưởng rằng một khi Đức Phật đã qua đời, ông có thể thay thế được cương vị của Ngài trong Tăng Đoàn.

Lần này, Devadatta sắp xếp để khi Đức Phật khất thực trên đường phố Rājagaha như thường lệ, một thớt voi hung dữ tên là Nālāgirī bất kham sẽ được thả lỏng, chạy loạn vào con đường có Đức Phật đang đi trì bình, sẽ đâm sầm vào Đức Phật và dày nát Ngài cho đến chết. Kế hoạch được thực hiện. Nhưng trước vóc dáng tĩnh lặng hiền hòa đứng yên trên đường của Đức Phật - lúc ấy đang niệm rải tâm từ đến thớt tượng đang mù lòa trong cơn cuồng nộ, voi Nālāgirī bỗng dừng chân chạy loạn, quỳ xuống và ngoan ngoãn cúi đầu tuần phục. Đây là lần thứ ba âm mưu hạ sát Đức Thế Tôn của Devadatta thất bại.

Sau đó Devadatta bỏ ý định giết chết Đức Phật, nhưng ông vẫn cương quyết tìm cách chia rẽ Tăng Đoàn. Ông đến viếng Đức Phật, giả vờ thân thiện, nói với Ngài rằng quy luật pháp chế của Tăng Đoàn không đủ nghiêm mật. Ông nghĩ các tỳ kheo cần sống thật khổ hạnh và tiết chế như các giáo phái khổ hạnh khác mới có kết quả tốt. Nếu không làm như vậy, hàng cư sĩ thế tục sẽ có xu hướng khinh thường Tăng đoàn của Đức Phật, bởi họ nghĩ rằng phương cách tu hành của Tăng Đoàn có vẻ quá dễ duôi và lối sống của các tỳ kheo quá đầy đủ sung túc so với các giáo phái khác. Devadatta đề nghị với Đức Phật một số thay đổi theo chiều hướng suy nghĩ trên.

Thứ nhất, các vị tỳ kheo từ nay không được cư trú ở những nơi có tường mái che chở nơi thành phố, ban đêm chỉ được ngủ dưới gốc cây trong rừng.

Thứ hai, các vị tỳ kheo không được đến thọ trai ở tại nhà cư sĩ, và chỉ thọ dụng những thức ăn được cúng dường khi đi trì bình khất thực.

Thứ ba, các vị tỳ kheo không được nhận mặc những y áo lành lặn, sạch sẽ, may sẵn cúng dường từ giới cư sĩ, mà chỉ được che thân bằng những tấm y tự may lấy bằng những giẻ rách lượm được từ bãi rác hay nghĩa địa. Thứ tư, các vị tỳ kheo không được dùng thịt cá, chỉ ăn chay trường. Những giới luật này, Devadatta thêm vào, nếu tỳ kheo nào không tuân hành sẽ bị khai trừ khỏi Tăng Đoàn.

Đức Phật không chấp nhận đề nghị của Devadatta. “Nhưng,” Đức Thế Tôn nói thêm, “tỳ kheo nào chỉ muốn cư trú dưới gốc cây, trong rừng vắng, hay những nơi không tường mái che chở, vị ấy tùy ý có thể làm như vậy. Còn những vị khác không muốn như vậy, được phép cư trú, ở những vùng có thí chủ cúng dường, miễn là không quá gần nơi hàng thế tục sinh sống.” Và Phật dạy tương tự về ba điều luật sau mà Devadatta đề nghị.

Ngài dạy tiếp rằng các tỳ kheo sẽ không bị ép buộc theo những đề nghị mới này. Để kết thúc, Đức Phật cảnh cáo Devadatta rằng ông không nên dùng thủ đoạn khéo léo này để chia rẽ Tăng Đoàn, nếu không ông sẽ không tránh được những nghiệp quả trầm trọng mai sau.

Nhưng Devadatta không chú ý gì đến lời cảnh cáo của Đức Phật, ông giận dữ bỏ đi. Sau đó, ông tìm đến Đại Đức Ānanda, ráng thuyết phục Đại đức theo về phe ông, nhưng ông lại thất bại. Devadatta bèn đi thật xa đến những xứ mà các khất sĩ đã lâu không gặp Đức Phật. Nơi đây ông đã thành công thuyết phục họ tin và thực hành những pháp chế mới của ông. Chuyện này đến tai Đức Thế Tôn.

Một buổi trưa nọ, Devadatta đang ngủ. Vâng lời Đức Phật, Đại Đức Sāriputta đi đến nơi Devadatta cư ngụ, giải thích cho các khất sĩ ở đây - những vị khất sĩ đã nghe Devadatta mà lạc đường tu - những gì Đức Phật đã dạy về những pháp chế của Devadatta. Đại Đức Sāriputta trình bày thật rõ ràng minh bạch, soi sáng tâm trí các khất sĩ lầm lạc này. Trong giây lát họ thấu hiểu vấn đề và muốn được trở lại làm đệ tử của Đức Thế Tôn. Và như thế, họ đi theo Đại Đức Sāriputta về lại tu viện của Đức Phật.

Đến lúc Devadatta thức giấc, ông lấy làm lạ vì tu viện im lặng lạ thường như chỗ không người. Rồi ông khám phá tu viện không còn một vị khất sĩ nào. Không bao lâu sau, ông biết được khi ông đang ngủ trưa, Đại Đức Sāriputta đã đến đây, nói chuyện với các khất sĩ. Và giờ thì tất cả đã bỏ ông đi, quay về nương tựa Phật. Devadatta cực kỳ căm phẫn, truyền cho những người hầu sửa soạn kiệu cho ông và lập tức đưa ông đến tu viện nơi Đức Phật đang cư ngụ để hỏi cho ra chuyện.

Khi Đại Đức Sāriputta và các vị tỳ kheo được tin Devadatta đang trên đường đến tu viện trong cơn thịnh nộ kinh hồn, tất cả đều thỉnh cầu Đức Thế Tôn hãy rời tu viện lập tức vì lo sợ rằng lần này chắc Devadatta sẽ nổi điên sát hại Đức Phật.

Nhưng Đức Phật không một chút lo âu quan ngại trước hung tin, Ngài từ chối không lánh mặt, và trấn an Đại Đức Sāriputta rằng Devadatta không thể nào làm thương tổn được Ngài. Đức Thế Tôn biết trước đúng sự việc, vì ngay sau đó các tỳ kheo lại được tin những người hầu của Devadatta đã đột ngột dừng lại khi đến gần Chùa Kỳ Viên. Tiếp theo là tin Devadatta qua đời. Cái chết đã tìm đến Devadatta khi ông đang trên đường đến sám hối với Đức Phật.

Sau sự việc này, Tăng Đoàn không còn gặp chướng ngại gì nữa trong suốt thời gian Đức Phật còn tại thế.

Chỉ có một tai họa đau buồn khác xảy ra có liên quan đến Đức Phật, đó là chuyện các vị vua và hoàng tử của vương tộc Kapilavatthu và Kosala đều bị thảm sát trong chiến tranh dưới tay ác vương Viḍūḍabha (Tỳ Lưu Ly). Trước kia đã một lần cuộc chiến đẫm máu này đã được Đức Phật cố gắng can thiệp để tránh khỏi. Cuộc diệt chủng vương tộc của Đức Thế Tôn này xảy ra một năm trước khi Ngài nhập Niết Bàn.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn